Của Cái Của Các Dân Tộc - Quyển 4 - Chương 09
Chương IX
CÁC HỆ THỐNG NÔNG NGHIỆP, HAY LÀ CÁC HỆ THỐNG KINH TẾ HỌC CHÍNH TRỊ, ĐẠI DIỆN CHO SẢN PHẨM CỦA ĐẤT ĐAI NHƯ LÀ NGUỒN CUNG CẤP CHÍNH HOẶC DUY NHẤT ĐEM LẠI THU NHẬP VÀ CỦA CẢI CHO MỖI NƯỚC
Các hệ thống nông nghiệp trong kinh tế học chính trị không đòi hỏi phải giải thích dài như đối với hệ thống thương mại hoặc chế độ trọng thương.
Hệ thống tiêu biểu cho sản phẩm của đất đai như là nguồn duy nhất đem lại thu nhập và của cải cho mỗi nước, theo chỗ tôi biết, chưa được một nước nào chấp nhận, hiện nay nó chỉ tồn tại trong suy tưởng của một số ít người uyên bác ở Pháp. Có lẽ là không nên xem xét dài dòng những nhược điểm của một hệ thống mà chưa hề và chắc là sẽ không làm thiệt hại cho một nơi nào trên thế giới. Song, tôi chỉ cố gắng giải thích một cách rõ ràng những nét đại cương của một hệ thống độc đáo này.
Ông Colbert một bộ trưởng nổi tiếng của nhà vua Louis XIV, là một con người trung thực, cần mẫn và uyên bác, dày dạn kinh nghiệm và sắc sảo trong việc xem xét bằng hạch toán quốc gia, tức là ông ta có khả năng đưa phương pháp và nền nếp vào việc thu chi ngân quỹ nhà nước.
Ông Colbert có nhiều định kiến của chế độ trọng thương, một chế độ có nhiều khoản hạn chế và điều tiết. Ông ta ra sức điều tiết công nghiệp và thương nghiệp của một nước lớn theo kiểu điều tiết các bộ phận của một cơ quan nhà nước. Cũng như các bộ trưởng khác ở Châu Âu, ông Colbert có xu hướng khuyến khích sản xuất công nghiệp ở thành thị nhiều hơn là sản xuất nông nghiệp ở nông thôn. Để giữ cho lương thực ở thành thị được rẻ và do đó khuyến khích công nghiệp và ngoại thương, ông ta đã hoàn toàn cấm xuất khẩu ngũ cốc làm cho người dân nông thôn mất thị trường nước ngoài để bán một phần đáng kể sản phẩm của mình. Tóm lại, ông Colbert đã ưu tiên phát triển công nghiệp ở thành thị hơn là sản xuất ở nông thôn.
Ngược lại, một trường phái khác ở Pháp đã đề ra hệ thống coi nông nghiệp là nguồn duy nhất đem lại thu nhập và của cải cho mỗi nước. Và nếu ông Colbert đánh giá quá cao nền công nghiệp ở thành thị so với sản xuất ở nông thôn, thì trường phái trọng nông lại đánh giá quá thấp nền công nghiệp đó.
Số dân, mà tham gia làm ra sản phẩm của đất đai và lao động ở trong nước,được chia thành ba tầng lớp. Thứ nhất là tầng lớp chủ đất. Thứ hai là tầng lớp dân cày, chủ trại và người lao động ở nông thôn được tôn vinh với cái tên đặc biệt là tầng lớp sản xuất. Thứ ba là tầng lớp thợ thủ công, chế biến và nhà buôn mà các nhà trọng nông gọi với cái tên khinh bỉ là tầng lớp vô tích sự hoặc phi sản xuất.
Tầng lớp chúa đất góp phần làm ra sản phẩm hàng năm bằng cách ghi tiền để cải tạo đất, xây dựng hệ thống thủy lợi v.v… mà nhờ đó người trồng trọt, vẫn với cùng một số vốn bỏ ra, có thể thu hoạch nhiều sản phẩm hơn và do đó trả tiền thuê đất nhiều hơn. Tiền thuê đất tăng lên này có thể coi là tiền lời hoặc lợi nhuận có được là do chủ đất đã đầu tư vốn vào việc cải tạo đất. Trong hệ thống trọng nông, những chi phí như vậy gọi là chi phí đất đai.
Người trồng trọt hoặc chủ trại góp phần làm ra sản phẩm hằng năm bằng cái mà trong hệ thống này được gọi là các chi phí ban đầu và chi phí hằng năm mà họ đầu tư vào việc canh tác. Chi phí ban đầu bao gồm nông cụ, gia súc kéo, hạt giống, tiền công ban đầu v.v… Chi phí hàng năm gồm tiền khấu hao nông cụ, tiền công, tiền nuôi gia súc trong năm v.v…
Chi phí ban đầu và chi phí hàng năm được gọi là chi phí sản xuất vì ngoài việc hoàn lại giá trị của các chi phí đó, hằng năm chúng còn tái sản xuất ra sản lượng ròng.
Chi phí đất đai cũng được tôn vinh với cái tên là chi phí sản xuất. Chỉ có chi phí đất đai và chi phí ban đầu cùng với chi phí hàng năm là chi phí sản xuất. Còn các chi phí khác gọi là chi phí sản xuất.
Thợ thủ công và chế biến, những người làm tăng đáng kể giá trị sản phẩm thô của đất đai, trong hệ thống này cũng được coi là hoàn toàn vô tích sự và phi sản xuất. Người ta cho rằng lao động của họ chỉ hoàn lại vốn được bỏ ra để thuê mướn họ, với một số lợi nhuận thông thường. Số vốn đó gồm nguyên liệu, công cụ, và số lượng chủ ứng trước để nuôi thợ. Lợi nhuận của số vốn đó là để nuôi chủ. Khi ông chủ ứng trước số vốn để mua nguyên liệu, công cụ và trả lương cho thợ, thì ông ta cũng ứng trước cho mình mọi thứ cần thiết để chu cấp cho ông ta, và số tiền chu cấp đó thường tỉ lệ với lợi nhuận mà ông ta dự kiến thu được bằng cái giá công lao động của thợ. Nếu cái giá lao động đó không hoàn trả cho ông chủ số tiền chu cấp mà ông ta đã ứng cho mình, cũng như số nguyên liệu, công cụ và tiền công mà ông ta đã ứng trước cho thợ, thì rõ ràng là cái giá đó không hoàn lại cho ông ta toàn bộ số chi phí mà ông ta đã bỏ ra. Do đó, lợi nhuận của số vốn dùng cho chế biến không phải là sản lượng ròng mà còn lại sau khi trang trải toàn bộ số chi phí mà phải bỏ ra để thu được số lợi nhuận đó. Số vốn của chủ trại còn mang lại tiền thuê đất cho một người khác nữa, mà số vốn của ông chủ chế biến không làm được như vậy. Bởi vậy, số chi phí bỏ ra để thuê thợ thủ công và chế biến không làm được gì hơn là, nếu có thể nói như vậy, chỉ tiếp tục duy trì giá trị riêng có của mình và không tạo ra giá trị mới nào cả. Ngược lại, số chi phí bỏ ra để thuê chủ trại và nhân công ngoài việc tiếp tục duy trì giá trị riêng có của mình, còn tạo ra một giá trị riêng mới, tức là tiền thuê đất trả cho chủ đất. Vì vậy, số chi phí đó gọi là chi phí sản xuất.
Số vốn dùng trong thương mại cũng là phí sản xuất như số vốn dùng trong khâu chế biến. Nó chỉ tiếp tục duy trì giá trị riêng có của mình, mà không tạo ra giá trị mới nào cả. Lợi nhuận của số vốn đó chỉ hoàn trả số tiền chu cấp mà ông chủ đã ứng trước cho ông ta trong thời gian ông ta sử dụng vốn, hoặc cho đến khi ông ta thu được lợi tức của vốn. Lợi nhuận đó chỉ hoàn trả một phần số chi phí phải bỏ ra để sử dụng vốn.
Lao động của thợ thủ công và thợ gia công không thêm được chút gì vào giá trị của toàn bộ lượng sản phẩm thô hàng năm của đất đai. Lao động này có thể làm tăng đáng kể giá trị của một phần nào đó trong số tổng sản phẩm này. Nhưng lượng tiêu hao các phần khác, mà lao động này gây ra, thì dùng bằng giá trị mà lượng lao động đó đã tạo nên cho phần nói trên, cho nên giá trị của tổng sản phẩm không tăng lên chút nào. Ví dụ, một người thợ gia công ren của một đôi cổ tay áo có thể làm tăng giá trị của mảnh vải lanh giá trị một penny lên tới 30 bảng Anh (bằng 7200 penny). Mặc dù thoạt đầu có vẻ người thợ đó có thể nhân giá trị của đôi cổ tay áo 7200 lần, nhưng trên thực tế anh ta chẳng thêm chút gì vào giá trị của tổng sản phẩm thô hàng năm vì anh ta đã mất 2 năm để gia công đôi cổ tay áo đó. Khi anh ta làm xong sản phẩm của mình thì anh ta cũng xài hết số tiền công là 30 bảng Anh. Do đó, giá trị mà anh ta tạo thêm cho mảnh vải lanh, không làm ra được gì hơn là hoàn lại giá trị mà anh ta đã tiêu dùng trong 2 năm đó.
Công việc của chủ trại và nhân công ở nông thôn thì khác hẳn. Tiền thuê đất trả cho chủ đất là giá trị mà lao động ở nông thôn tạo ra sau khi đã hoàn lại toàn bộ giá trị tiêu dùng, toàn bộ số chi phí đã bỏ ra để thuê thợ và chu cấp cho ông chủ.
Thợ thủ công, thợ gia công và thương nhân có thể làm tăng thu nhập và của cải của xã hội bằng cách tiết kiệm mà thôi, hoặc là bằng cách thắt lưng buộc bụng, tức là giảm bớt số tiền dành cho tiêu dùng trong sinh hoạt hằng ngày mà lại còn làm tăng thu nhập và của cải của xã hội. Những nước như Pháp và Anh, nơi có nhiều chủ đất và người canh tác, có thể làm giàu bằng lao động và hưởng thụ. Ngược lại những nước như Hà Lan và Đức, nơi phần lớn là thợ thủ công và thương nhân, thì chỉ có thể làm giàu bằng tiết kiệm mà thôi. Đất nước ở trong hoàn cảnh nào thì tính cách con người cũng chịu ảnh hưởng như thế. Ở Pháp và Anh thì con người hào phóng, thẳng thắn và thân thiện. Ở Hà Lan và Đức thì có tính hẹp hòi, ti tiện, vị kỷ, không thích chan hòa với mọi người.
Tầng lớp chủ đất và tầng lớp dân cày cung cấp nguyên liệu và lương thực thực phẩm cho tầng lớp phi sản xuất, tức là các nhà buôn, thợ thủ công và thợ gia công. Song, tầng lớp phi sản xuất cũng có ích cho hai tầng lớp khác. Nhờ có các nhà buôn, thợ thủ công và các nhà chế tạo mà các chủ đất và dân cày có thể mua hàng nước ngoài và hàng nội hóa với lượng lao động của họ bỏ ra ít hơn so với trường hợp khi họ tự đi nhập khẩu hàng ngoại hoặc tự mình làm lấy các mặt hàng cần dùng. Nhờ có tầng lớp phi sản xuất này mà người canh tác được giải phóng khỏi nhiều công việc khác có thể làm cho họ sao nhãng, thì phần sản phầm mà dân cày làm thêm được cũng đủ để chu cấp cho tầng lớp phi sản xuất. Về mặt này, nghề nghiệp của thợ thủ công và thương nhân gián tiếp góp phần làm tăng sản phẩm của đất đai.
Chủ đất và dân cày chẳng có lợi ích gì nếu họ hạn chế hoặc không khuyến khích nghề của thương nhân, thợ thủ công và thợ chế tạo. Tầng lớp phi sản xuất càng được tự do cạnh tranh giữa họ với nhau càng mạnh, và hai tầng lớp khác càng được cung cấp rẻ hơn cả hàng ngoại cũng như hàng sản xuất trong nước.
Tầng lớp phi sản xuất cũng chẳng có lợi ích gì nếu họ chèn ép hai tầng lớp khác. Vì chính sản phẩm phụ trội của đất đai, sau khi cung cấp đủ cho dân cày và chủ đất, được bán cho tầng lớp phi sản xuất này. Số dư đó càng nhiều thì tầng lớp này càng được cung cấp nhiều. Nếu có công lý tuyệt đối, tự do tuyệt đối và công bằng tuyệt đối, thì đó là bí quyết đảm bảo một cách có hiệu quả nhất mức độ thịnh vượng cao nhất cho tất cả ba tầng lớp đó.
Thương nhân và thợ thủ công ở các nước thương mại như Hà Lan và Đức cũng được chu cấp bởi hai tầng lớp là chủ đất và dân cày. Chỉ có khác ở chỗ là phần lớn số chủ đất và dân cày, mà cung cấp cho họ nguyên liệu và lương thực, lại ở xa, vì đó là dân của các nước khác.
Các nước thương mại như vậy rất có lợi cho dân của các nước khác. Các nước này, ở mức độ nào đó, phủ kín một khoảng trống đáng kể - cung cấp thêm số thương nhân và thợ thủ công là khách hàng của các tầng lớp sản xuất ở các nước khác.
Các nước nông nghiệp chẳng có lợi ích gì, nếu họ không khuyến khích hoặc chèn ép nền công nghiệp của các nước thương mại bằng cách đánh thuế cao vào các mặt hàng các nước đó cung cấp. Các khoản thuế này làm cho các mặt hàng này đắt hơn và như vậy chỉ góp phần làm giảm giá trị thực tế của sản phẩm dư thừa của nước công nghiệp, khi họ dùng sản phẩm này để mua hàng của nước thương mại. Các khoản thuế này sẽ không khuyến khích dân cày gia tăng sản phẩm dư thừa và do đó không khuyến khích canh tác và cải tạo đất. Ngược lại, phương pháp có hiệu quả nhất để nâng cao giá trị của sản phẩm dư thừa, để khuyến khích gia tăng sản phẩm đó và do đó khuyến khích canh tác và cải tạo đất, đó là để cho các nước thương mại được hoàn toàn tự do buôn bán.
Tự do thương mại tuyệt đối này cũng là phương cách hiệu quả nhất để cung cấp cho các nước nông nghiệp, lúc cần thiết, thợ thủ công, thợ chế tạo và thương nhân mà họ muốn có, và điền kín một cách có lợi nhất khoảng trống đáng kể mà họ cảm thấy có ở nước mình.
Sản phẩm dư thừa mà tăng, thì tạo được thêm vốn, và dùng số vốn đó để thuê thợ thủ công và thợ chế tạo ở trong nước. Sản phẩm của số thợ này sẽ được bán rẻ hơn trên thị trường nội địa so với hàng phải mang từ xa đến. Khi kỹ năng, kỹ xảo của thợ trong nước được hoàn thiện, thì thợ của nước thương mại bị cạnh tranh trên thị trường của nước nông nghiệp và chẳng bao lâu bị đẩy ra ngoài thị trường đó. Giá rẻ và chất lượng tăng của hàng hóa thuộc nước nông nghiệp sẽ làm cho họ vươn ra thị trường nước ngoài và dần dần đẩy lùi nhiều mặt hàng của các nước thương mại.
Do đó, theo hệ thống trọng nông hào phóng này thì phương pháp có lợi nhất để nước nông nghiệp có thể đào tạo thợ thủ công, thợ chế tạo và thương nhân của chính mình là đảm bảo tự do buôn bán tối đa cho thương nhân và thợ thủ công của tất cả các nước khác. Như vậy sẽ làm tăng giá trị sản phẩm dư thừa của chính nước mình và nhờ đó dần dần tạo ra quỹ vốn mà đến thời điểm thích hợp nhất định sẽ đào tạo được số thợ thủ công, thợ chế tạo và thương nhân mà nước mình cần đến.
Ngược lại, khi nước nông nghiệp chèn ép việc buôn bán của nước ngoài bằng cách đánh thuế cao hoặc cấm đoán, thì nó nhất định làm tổn hại đến lợi ích của chính mình vì hai lẽ. Một là, khi nâng giá trị thực tế của sản phẩm dư thừa của chính nước mình mà nhờ có sản phẩm đó nên họ mới mua được hàng nước ngoài. Hai là, khi tạo cho các thương nhân, thợ thủ công và thợ chế tạo của nước mình một loại độc quyền trên thị trường nội địa, thì nước đó nâng tỉ suất lợi nhuận công thương nghiệp lên cao hơn so với tỷ suất lợi nhuận nông nghiệp, do đó làm cho người ta rút một phần vốn ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp hoặc cản trở việc đầu tư mới vào ngành đó.
Tổng sản phẩm hàng năm của đất đai được phân phối như thế nào cho ba tầng lớp nói trên, và tại sao lao động của tầng lớp phi sản xuất chỉ hoàn lại giá trị họ đã tiêu dùng, mà không làm tăng thêm giá trị của tổng sản phẩm nói trên, điều đó được trình bày bằng các công thức số học trong tác phẩm của ông Quesnai, một tác giả tài giỏi và thâm thúy về hệ thống trọng nông. Công thức đầu tiên, mà ông ta gọi là Biểu bảng kinh tế, là cách phân phối sản phẩm trong tình trạng tự do hoàn hảo nhất và, do đó, thịnh vượng nhất - trong tình trạng sản phẩm ròng lớn nhất mà mỗi tầng lớp đều hưởng phần hợp lí của mình. Một số công thức khác trình bày cách phân phối trong các tình trạng hạn chế và điều tiết khác nhau. Ví dụ, trong một số công thức thì tầng lớp chủ đất hoặc tầng lớp phi sản xuất được ưu tiên hơn tầng lớp dân cày. Ngoài công thức đầu tiên,công thức khác đều thể hiện các mức độ sai lệch khác nhau so với sự phân phối tự nhiên trong tình trạng tự do hoàn hảo nhất.
Một số bác sĩ cho rằng sức khỏe của con người có thể được bảo toàn là nhờ có chế độ ăn uống và tập tành đúng mực, mỗi lần vi phạm chế độ này, dù là nhỏ nhất, cũng nhất định gây ra một mức độ bệnh tật hoặc rối loạn tỷ lệ với mức độ vi phạm. Song, thực tế hình như cho thấy rằng, ít nhất là xét về bề ngoài, thân thể con người thường bảo toàn tình trạng sức khỏe hoàn hảo nhất trong một phạm vi rộng của các chế độ khác nhau. Ông Quesnai, bản thân là một bác sĩ, cũng có quan điểm cho rằng một thực tế chính trị chỉ có thể phát triển và phồn thịnh theo một chế độ chuẩn xác, chế độ chuẩn xác của tự do hoàn hảo và công lý hoàn hảo. Hình như ông ta không cho rằng nỗ lực tự nhiên của mọi người nhằm cải thiện hoàn cảnh của mình là một nguyên tắc bảo toàn mà về nhiều mặt có thể ngăn ngừa và điều chỉnh những ảnh hưởng xấu của một nền kinh tế học chính trị, ở mức độ nào đó, vừa thiên vị vừa chèn ép. Một nền kinh tế học chính trị như vậy, mặc dù nó ít nhiều có kìm hãm, không phải bao giờ cũng có thể chặn đứng hoàn toàn tiến trình tự nhiên của một dân tộc vươn tới sự giàu có và phồn vinh , và lại càng không thể đảo ngược quá trình đó. Nếu một nước không thể phồn vinh khi không được hưởng tự do hoàn hảo và công lý hoàn hảo, thì trên thế giới này không có một quốc gia nào đã có thể phồn thịnh được.
Song, cái sai lầm chính của hệ thống trọng nông là ở chỗ nó coi tầng lớp thợ thủ công, thợ chế tạo và thương nhân là phi sản xuất và hoàn toàn vô tích sự. Những quan sát sau đây có thể chứng minh tính chất vô lý của nhận định trên.
Thứ nhất, người ta thừa nhận rằng tầng lớp này hàng năm tái tạo giá trị tiêu dùng hàng năm của họ và ít nhất là duy trì được số vốn mà họ sứ dụng. Chỉ với lý lẽ đó thôi thì cái tên phi sản xuất gắn cho tầng lớp đó đã vô lý rồi. Chúng ta không thể gọi một cuộc hôn nhân là vô sinh, mặc dù nó chỉ sản sinh ra một con trai và một con gái để thay thế bố mẹ, và mặc dù nó không làm cho nhân loại tăng dân số, mà chỉ duy trì như trước thôi. Chủ trại và dân cày, ngoài việc hoàn vốn, hàng năm còn tái tạo ra sản phẩm ròng – tiền thuê đất cho chủ đất. Vì một cuộc hôn nhân mà sản sinh ra 3 đứa con là hữu sinh hơn cuộc hôn nhân mà chỉ có 2 con, cho nên lao động của chủ trại và dân cày có năng suất cao hơn lao động của thương nhân, thợ thủ công và thợ chế tạo. Song, sản phẩm phụ trội của tầng lớp này không làm cho tầng lớp khác trở nên phi sản xuất.
Thứ hai, cũng vì lẽ đó, hoàn toàn không thể coi thợ thủ công, công nhân nhà máy và thương nhân là những người đầy tớ. Lao động của người đầy tớ không thể duy trì số vốn được sử dụng để thuê và nuôi họ. Việc thuê mướn và nuôi dưỡng họ là do người chủ trang trại, và công việc họ làm không mang tính chất hoàn lại số chi phí đó của chủ. Công việc của họ gồm những dịch vụ mà nói chung biến đi mất ngay tại thời điểm thực hiện các dịch vụ đó, mà không được thể hiện trong một mặt hàng nào mà có thể hoàn lại giá trị tiền công và tiên nuôi dưỡng họ. Ngược lại, lao động của thợ thủ công, công nhân nhà máy và thương nhân được vật chất hóa trong một mặt hàng nào đó. Chính vì lẽ đó mà trong chương nói về lao động sản xuất và chi phí sản xuất, tôi đã phân loại thợ thủ công, công nhân nhà máy và thương nhân là lao động sản xuất còn đầy tớ là lao động phi sản xuất.
Ba là, có lẽ là vô lý khi nói rằng lao động của người thợ và nhà buôn không làm tăng thêm thu nhập thực tế của xã hội. Mặc dù chúng ta giả thiết rằng giá trị tiêu dùng hàng ngày, hàng tháng và hàng năm của họ đúng bằng giá trị sản phẩm họ làm ra hàng ngày, hàng tháng và hàng năm, nhưng từ đó không thể suy ra rằng lao động của họ không thêm được gì vào thu nhập thực tế, vào giá trị thực tế sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động xã hội. Ví dụ, một người thợ thủ công trong 6 tháng đầu sau vụ thu hoạch làm được công việc đáng giá 10 bảng Anh, mặc dù trong thời gian đó anh ta tiêu dùng 10 bảng ngũ cốc và các hàng thiết yếu khác, dẫu sao trên thực tế anh ta cũng đóng góp giá trị 10 bảng vào sản phẩm của đất đai và lao động của xã hội. Do đó, giá trị mà anh ta đã tiêu dùng và làm ra trong 6 tháng này không phải bằng 10, mà bằng 20 bảng Anh. Có thể nói là ở bất kỳ thời điểm nào cũng không thể có nhiều hơn là 10 bảng của giá trị này. Nhưng nếu 10 bảng ngũ cốc và các thứ thiết yếu khác không phải do người thợ thủ công tiêu dùng, mà do người lính hoặc người đầy tớ tiêu dùng, thì giá trị của phần sản phẩm còn lại ở cuối 6 tháng này sẽ ít hơn 10 bảng so với khi có lao động của người thợ thủ công. Do đó, mặc dù giá trị của cái mà thợ thủ công làm ra, ở bất kỳ thời điểm nào cũng không được coi là lớn hơn giá trị anh ta tiêu dùng, thế nhưng ở bất kỳ thời điểm nào giá trị thực có của hàng hóa trên thị trường cũng lớn hơn so với khi không có lao động của anh ta.
Khi những người bảo vệ chế độ trọng nông khẳng định rằng mức tiêu dùng của người thợ và thương nhân là bằng giá trị của những gì họ làm ra, thì chắc là họ muốn ngụ ý rằng không có gì hơn mà chỉ có thu nhập của họ, hoặc số tiền họ dùng để tiêu dùng , là bằng giá trị họ làm ra. Nhưng nếu họ diễn đạt chính xác hơn và chỉ khẳng định rằng thu nhập của tầng lớp này bằng giá trị của cái mà họ làm ra, thì độc giả có thể dễ dàng nghĩ rằng số tiền mà có thể tiết kiệm được trong số thu nhập đó, chắc là nhất định ít nhiều làm tăng thêm của cải thực tế của xã hội. Do vậy, để đưa ra một cái gì đó như một lý lẽ, người ta phải diễn đạt như người ta đã làm, và lý lẽ đó tỏ ra không có sức thuyết phục lắm.
Bốn là, chủ trại và dân cày, nếu không tằn tiện, không thể làm tăng thu nhập thực tế của xã hội nhiều hơn là người thợ và nhà buôn. Sản phẩm hàng năm của đất đai và lao động của xã hội chỉ có thể tăng bằng hai cách: hoặc là nâng cao năng suất của số lao động hiện có trong xã hội, hoặc là tăng thêm số người lao động.
Việc nâng cao năng lực sản xuất của lao động hữu ích trước hết phụ thuộc vào việc nâng cao khả năng của người lao động và sau đó là nâng cao hiệu suất của máy móc. Nhưng vì lao động của người thợ có thể chia ra nhiều khâu nhỏ hơn và mỗi khâu được thao tác dễ hơn so với lao động của chủ trại và dân cày, cho nên lao động công nghiệp có khả năng được nâng cao ở mức độ cao hơn nhiều[15]. Bởi vậy, về mặt này, tầng lớp dân cày không thể có lợi thế nào so với tầng lớp thợ thủ công và công nhân nhà máy.
Việc tăng số lượng lao động hữu ích hoàn toàn phụ thuộc vào số vốn, mà mức tăng vốn phụ thuộc vào số tiền tiết kiệm của người trực tiếp sử dụng vốn, hoặc của người khác cho họ vay. Như hệ thống trọng nông giả định , nếu thương nhân và người thợ có xu hướng tằn tiện và tiết kiệm hơn chủ đất và dân cày, thì cho đến nay họ có nhiều khả năng hơn để tăng số lao động hữu ích và do đó tăng thu nhập thực tế của xã hội.
Thứ năm và cuối cùng là, theo giả thiết của hệ thống trọng nông, mặc dù thu nhập của dân cư mỗi nước chỉ bao gồm số lượng lương thực do công sức của họ làm ra, thế nhưng, vẫn theo giả thiết này, với các điều kiện khác như nhau, thu nhập của một nước công thương nghiệp chắc là bao giờ cũng lớn hơn thu nhập của một nước không có thương nghiệp hoặc công nghiệp. Nhờ có công thương nghiệp mà một nước bất kỳ hàng năm có thể nhập khẩu lương thực với số lượng lớn hơn là nền nông nghiệp của nước đó có thể sản xuất ra. Mặc dù không có đất, nhưng bằng công lao động của mình dân thành thị có thể kiếm được sản phẩm thô của nông dân mà cung cấp cho họ không những nguyên vật liệu mà cả lương thực thực phẩm nữa. Một thành phố đối với vùng ngoại ô của nó như thế nào, thì một nước độc lập này đối với một nước độc lập khác cũng như vậy. Hà Lan mua phần lớn lương thực thực phẩm của các nước khác: gia súc của Holstein và Jutland, ngũ cốc của hầu hết các nước Châu Phi. Một lượng nhỏ sản phẩm công nghiệp đổi lấy được một lượng lớn sản phẩm thô. Cho nên một nước công thương nghiệp có lợi hơn nhiều so với nước không có nền thương nghiệp và công nghiệp. Do đó, dân các nước công thương nghiệp luôn luôn được hưởng thụ nhiều hơn dân một nước công nghiệp.
Kinh tế học chính trị của các quốc gia Châu Âu hiện đại tạo điều kiện thuận lợi hơn cho thương nghiệp và công nghiệp, ngành kinh doanh ở thành phố, so với nông nghiệp là ngành sản xuất ở nông thôn; trong khi đó các nước khác làm theo một kế hoạch khác thuận lợi hơn đối với nền công nghiệp.
Chính sách ở Trung Quốc khuyến khích nông nghiệp nhiều hơn các ngành khác. Ở Trung Quốc tình cảnh của người nông dân tốt hơn của người thợ thủ công, giống như ở phần lớn các nước Châu Âu tình cảnh các người thợ khác hơn so với người dân cày. Ở Trung Quốc, tham vọng lớn của mọi người là có một mảnh đất nhỏ, dù là của riêng hay là đất lĩnh canh, và hợp đồng thuê đất cũng rất dễ chịu và được bảo hiểm đầy đủ cho người lĩnh canh. Người Trung Quốc ít tôn trọng nền ngoại thương. Ngoại trừ với Nhật Bản, người Trung Quốc buôn bán rất ít hoặc không buôn bán với các nước khác; và thương thuyền nước ngoài chỉ được vào một hoặc hai cảng của nước này mà thôi.
Hàng công nghiệp có khối lượng nhỏ, nhưng chứa đựng giá trị lớn, cho nên vận chuyển từ nước này sang nước khác ít tốn kém hơn so với sản phẩm thô của nông nghiệp. Nếu thị trường trong nước bị hạn chế, thì hàng công nghiệp phải tìm thị trường rộng lớn ở nước ngoài mới có thể phát triển thịnh vượng được. Việc hoàn thiện sản xuất công nghiệp hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân công lao động và mức độ phân công lao động trong từng ngành công nghiệp được điều tiết bởi quy mô thị trường. Với số dân đông, khí hậu đa dạng và giao thông đường thủy thuận lợi giữa các tỉnh, nên thị trường nội địa của Trung Quốc có đủ khả năng để phát triển nên công nghiệp của mình. Thị trường nội địa của Trung Quốc về quy mô có lẽ không thua kém nhiều so với thị trường của tất cả các nước Châu Âu gộp lại. Song, nếu thị trường nội địa to lớn đó cộng thêm với thị trường của phần còn lại của thế giới – đặc biệt là khi phần lớn hàng hóa chuyên chở bằng tàu Trung Quốc – thì ngành ngoại thương không thể không làm tăng đáng kể lượng hàng công nghiệp của Trung Quốc, không thể không nâng cao năng lực sản xuất trong nền công nghiệp của nước này.
Chính sách của Ai Cập cổ đại và Indostan hình như cũng đã ưu tiên nông nghiệp hơn các ngành khác.
Cả ở Ai Cập cổ đại và Indostan toàn bộ dân cư được chia thành các đẳng cấp khác nhau. Mỗi đẳng cấp, theo kiểu cha truyền con nối, đều chỉ được làm một việc hay một loại việc làm nhất định nào đó. Con của thầy tu thì nhất định phải là thầy tu; con của người lính là người lính; con của người nông dân là nông dân; con của người thợ dệt là thợ dệt; con của người thợ may là thợ may v.v…Ở cả hai nước này, đẳng cấp thầy tu là cao nhất, kế tiếp là đẳng cấp người lính. Ở cả hai nước này, đẳng cấp chủ trại và nông dân được ưu đãi hơn đẳng cấp thương nhân và thợ thủ công.
Chính quyền của hai nước này đặc biệt quan tâm đến lợi ích của nền nông nghiệp. Các công trình điều tiết và cung cấp nước trên sông Nile đã từng nổi tiếng trong thời cổ đại, và những tàn tích còn lại của chúng còn làm cho du khách phải khâm phục. Những công trình tương tự trên sông Hằng, tuy không nổi danh bằng, hình như cũng đồ sộ như nhau. Mặc dù dân số cả hai nước cực kì đông, song trong những năm tương đối được mùa họ đã xuất khẩu một khối lượng lớn ngũ cốc sang các nước láng giềng.
Ở Ai Cập và Indostan cổ xưa, việc ngành ngoại thương bị hạn chế, phần nào được bù lại bởi sự thuận lợi của giao thông đường thủy ở trong nước. Quy mô lớn của Indostan cũng làm cho thị trường nội địa của nước này trở nên rất lớn, đủ để hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp phát triển. Nhưng quy mô nhỏ của Ai Cập cổ đại (không bằng nước Anh) đã làm cho thị trường nội địa của nước này trở nên quá chật hẹp, không thể hỗ trợ cho nhiều ngành công nghiệp phát triển. Vì vậy, Bengal, một tỉnh của Indostan, mà thường xuất khẩu gạo với số lượng lớn, lại nổi tiếng hơn về việc xuất khẩu nhiều loại hàng công nghiệp. Ngược lại, Ai Cập cổ đại, mặc dầu xuất khẩu một số hàng công nghiệp như vải lanh mịn, bao giờ cũng nổi tiếng nhờ việc xuất khẩu gạo. Trong một thời gian dài, nước này là kho thóc của đế chế La Mã.
Ngành thương nghiệp quan trọng nhất và có khối lượng lớn nhất của mỗi nước, như đã nói ở trên, là ngành trao đổi hàng hóa giữa dân thành thị và dân nông thôn. Việc buôn bán giữa hai tầng lớp dân cư này chủ yếu là trao đổi một lượng sản phẩm thô để đổi lấy một lượng sản phẩm công nghiệp. Hàng công nghiệp càng đắt thì hàng nông nghiệp càng rẻ, và bất cứ thứ gì có xu hướng làm tăng giá sản phẩm công nghiệp, thì đều có xu hướng làm giảm giá sản phẩm thô của đất đai, và do đó không khuyến khích nông nghiệp. Lượng sản phẩm công nghiệp, mà một lượng sản phẩm thô nhất định có thể đổi lấy được, càng nhỏ, thì giá trị trao đổi của sản phẩm thô đó càng nhỏ và càng ít khuyến khích điền chủ gia tăng lượng sản phẩm của mình bằng cách cải tạo đất hoặc chủ trại bằng cách thâm canh trồng trọt. Ngoài ra, bất kỳ thứ gì có xu hướng làm giảm số lượng thợ thủ công và thợ chế tạo, thì đều có xu hướng thu hẹp thị trường trong nước – thị trường quan trọng nhất đối với sản phẩm thô của đất đai, và do đó lại càng không khuyến khích nông nghiệp.
Bởi vậy, các hệ thống trọng nông, mà hạn chế ngành công nghiệp và ngoại thương, đều vận động trái với chính mục tiêu mà hệ thống đó đề ra, và gián tiếp không khuyến khích các ngành sản xuất mà hệ thống đó muốn thúc đẩy. Cho đến bây giờ, các hệ thống đó có lẽ không thích hợp bằng hệ thống trọng thương. Bằng cách khuyến khích công nghiệp và ngoại thương hơn nông nghiệp, hệ thống này trích một phần vốn của xã hội để phát triển ngành sản xuất không được ưu tiên. Nhưng trên thực tế và cuối cùng thì hệ thống này vẫn khuyến khích ngành sản xuất mà nó thúc đẩy. Ngược lại, các hệ thống trọng nông trên thực tế và cuối cùng là không khuyến khích ngành sản xuất ưu ái của mình.
Hệ thống nào mà quá ư khuyến khích đầu tư phần lớn số vốn của xã hội vào một ngành nào đó, thì trên thực tế hệ thống đó không đạt được mục tiêu mà nó đặt ra. Thay vì xúc tiến, hệ thống đó kìm hãm tiến bộ của xã hội, thay vì làm tăng, lại làm giảm giá trị thực tế của sản phẩm hàng năm do đất đai là lao động làm ra.
Vì tất cả các hệ thống nhằm hạn chế hoặc ưu tiên cho một ngành sản xuất nào đó đều bị gạt bỏ, cho nên hệ thống tự do phát triển tự nhiên được thiết lập một cách tự phát. Mỗi người, chừng nào mà người đó không vi phạm pháp luật, đều được hoàn toàn tự do mưu cầu lợi ích riêng của mình theo cách của mình, và đem theo ngành nghề và vốn liếng của mình cạnh tranh với một người khác hoặc nhóm người khác. Theo hệ thống tự do phát triển tự nhiên này, thì nhà vua chỉ có 3 nhiệm vụ, 3 nhiệm vụ rất quan trọng mà dễ hiểu đối với mọi người; thứ nhất là nhiệm vụ bảo vệ xã hội, chống lại bạo lực và giặc ngoại xâm; thứ hai là nhiệm vụ bảo vệ, tùy theo khả năng, mỗi thành viên của xã hội chống lại áp bức và bất công của các thành viên khác hay là nhiệm vụ thiết lập một chế độ quản lý nghiệm ngặt theo luật pháp; và thứ ba là nhiệm vụ đứng lên và duy trì các tổ chức nhà nước và các công trình công cộng mà được dựng lên và duy trì không phải vì lợi ích của một cá nhân hoặc một nhóm cá nhân, bởi vì số lợi nhuận không bao giờ hoàn trả được số chi phí cho một cá nhân hay nhóm cá nhân, mặc dù số lợi nhuận đó thường có thể mang lại nhiều hơn là hoàn lại số chi phí cho xã hội.
[1] Hoa bia là một thực vật dạng dây leo trong họ Cannabaceae, sống lâu năm khoảng 30 đến 40 năm, chiều cao trung bình từ 10 – 15 cm. (Chú thích của người làm ebook)
[2] Xem: Douglas’s Summary, tập 11, tr 372, 373.
[3] Tiểu luận về đồng tiền bạc của Lowndes, tr 68.
[4] Xem Các bài viết về buôn bán ngũ cốc . Bài 3.
[5] Phần tái bút của cuốn Người lái buôn đâu cũng có mặt (Universal).
[6] Phương pháp được mô tả trong phần này không phải phương pháp thông thường hay tốn kém nhất mà các nhà buôn phiêu lưu đôi khi đã sử dụng để huy động vốn qua luân chuyển. Việc thông thường xảy ra là nhà buôn A ở Edinburgh sẽ tạo cho nhà buôn B ở London khả năng trả tiền hối phiếu thứ nhất bằng cách ký phát vài ngày trước khi hối phiếu đó hết hạn, một hối phiếu thứ hai có kỳ hạn ba tháng cũng lấy tiền của nhà buôn B ở London. Hối phiếu này được trả theo lệnh của chính ông ta nên nhà buôn A đã bán nó ngang giá ở Edinburgh, và với số tiền của nó đủ mua các hối phiếu ở London phải được trả ngay khi xuất trình theo lệnh của nhà buôn B mà đã được nhà buôn A gửi cho các hối phiếu này qua bưu điện. Cho đến cuối cuộc chiến tranh vừa qua, việc thanh toán bằng hối phiếu giữa Edinburgh và London thường bất lợi cho Edinburgh khoảng 3% chi phí, và các hối phiếu đó khi xuất trình thường làm cho nhà buôn A phải chi thêm một số tiền thưởng. Vì việc giao dịch này được lặp lại ít nhất là 4 lần trong một năm và phải gánh chịu thêm khoản tiền hoa hồng ít nhất là 0,5% qua mỗi lần tiến hành, cho nên nhà buôn A phải chịu phí tổn ít nhất là 14% một năm. Vào những lần khác, nhà buôn A thường làm cho nhà buôn B trả tiền hối phiếu thứ nhất bằng cách ký phát, vài ngày trước khi nó đến hạn, một hối phiếu thứ hai có kỳ hạn hai tháng, không phải đòi tiền nhà buôn B, mà đòi tiền một người thứ ba nào đó, ví dụ nhà buôn C ở London. Hối phiếu khác này đã gửi ghi trả theo lệnh của B khi được nhà buôn C nhận thanh toán, nhà buôn B mang hối phiếu tới một ngân hàng ở London xin thanh toán trước thời hạn, và nhà buôn A giúp cho nhà buôn C trả được hối phiếu bằng cách ký phát, một vài ngày trước khi hối phiếu này đến hạn, một hối phiếu thứ ba cũng đến hạn trong hai tháng, đôi khi đòi tiền người giao dịch thứ nhất là B và đôi khi đòi tiền người gia dịch thứ tư hoặc thứ năm, ví dụ D hoặc E. Hối phiếu thứ ba này được yêu cầu trả theo lệnh của ông C. Ông này, ngay khi hối phiếu được nhận thanh toán, đề nghị một ngân hàng nào đó ở London thanh toán trước thời hạn cũng theo cách làm trên đây. Việc giao dịch tài chính như vậy được lặp đi lặp lại sáu lần trong một năm và phải gánh chịu một số tiền hoa hồng ít nhất là 0,5 phần trăm cho mỗi lần, cùng với tiền lãi pháp định là 5%, vì vậy phương pháp huy động tiền này, cũng giống như đã được mô tả trong bản văn, chắc đã làm cho nhà buôn A phải chịu phí tổn khoảng hơn 8%. Tuy nhiên, bằng cách bỏ việc thanh toán bằng hối phiếu giữa Edinburgh và London, cách thu góp tiền này đỡ tốn kém hơn cách đã được nói ở phần trên đây của chú thích, nhưng cách này đòi hỏi phải có một sự tín nhiệm đầy đủ với nhiều nhà buôn hơn là chỉ có một nhà buôn duy nhất ở London, một lợi thế mà nhiều nhà buôn dám phiêu lưu mạo hiểm cũng không phải dễ gì tạo được cho mình.
[7] Xem Brady, Luận thuyết lịch sử về thành phố và thị trấn, tr3
[8] Xem Madox, Firma Burgi , tr.8 và cả cuốn Lịch sử về Bộ Tài chính Anh , chương 10, phần V, tr.223, in lần thứ nhất
[9] Xem Madox, Firma Burgi ; cũng xem thêm Pfeffel trong các sự kiện đáng ghi nhớ dưới thời vua Frederic II và các vị nối nghiệp của nhà Suabia.
[10] Xem Madox
[11] Dưới đây là các giá mà nhà ngân hàng Amsterdam hiện đang nhận (tháng 9, 1775) vàng, bạc nén và các loại tiền kim loại khác nhau:
Bạc
Đồng dollar Mexico … 6 guilder
Đồng Curon Pháp … B-22 một mác
Đồng tiền bạc Anh
Đồng tiền kim loại mới của dollar Mexico … 21 10
Đồng tiền Ducatoon … 3
Đồng dollar Rix … 2 8
Bạc thỏi chứa 11/12 bạc đủ tuổi 21 mỗi mác, và trong tỷ lệ này hạ xuống tới 1/4 bạc đủ tuổi và trị giá 5 guilder.
Bạc thỏi nguyên chất, 23 mỗi mác
Vàng
Đồng tiền kim loại Bồ Đào Nha
- Đồng guinea B-310 một mác
- Đồng Louis vàng mới
- Đồng ditto cũ … 300
- Đồng ducat mới … 419 8 một ducat
Vàng thỏi được nhận tùy theo độ đủ tuổi của nó so với tiền vàng ngoại nói trên. Nếu vàng thỏi đủ tuổi, ngân hàng tính 340 một mác. Tuy nhiên, nói chung, người ta thường trả giá cao hơn cho tiền kim loại có đủ tuổi hơn là cho vàng, bạc thỏi mà độ đủ tuổi không thể xác định được bằng cách nào khác ngoài nung chảy hoặc phân tích.
[12] Trước năm thứ 13 của triều đại vua đang trị vì hiện nay, mức thuế phải trả khi nhập các loại thóc lúa như sau:
Ngũ cốc
Thuế
Thuế
Đậu với giá dưới 28 s.1 góc tạ Anh
19s. 10p,
khi giá lên tới 40s.
16s. 8p, giá > 40s. – 12p.
Lúa mạch với giá dưới 28s
19s. 10p,
–––––– 32s.
16s giá > 32s. – 12p.
Mạch nha bị cấm nhập theo luật về thuế mạch nha hàng năm.
Yến mạch với giá dưới 16s.
5s.10,
khi giá > 16s. – 9,5p.
Đậu Hà Lan với giá dưới 406s.
16s.10p,
khi giá > 40s. – 9,75p.
Lúa mạch đen với giá dưới 36s.
19s.10p
khi giá 40s.
16s. 8p, khi giá 40 > 12p.
Lúa mì với giá dưới 44s.
21s.9p
khi giá 53s.4p
17s. khi giá tới 4 bảng 8s
Kiều mạch với giá trên 32s.
16.
[13] Xem Từ điển tiền tệ tập II, điều nói về thuế đúc tiền, trang 489 do ông Abot de Bazinghen, ủy viên cố vấn tại tòa án tiền tệ ở Paris, viết.
[14] Jus Majoratus.
[15] Xem quyển I, chương I.