Nghệ Thuật Đối Nhân Xử Thế - Chương 03

Chương 3

Nhìn rõ tâm lý đối phương thông qua dung mạo, phong thái, cử chỉ

Phán đoán dao động của đối phương thông qua quan sát “cử chỉ của tay”

Các bạn có biết đến phim truyền hình nước ngoài Lie to Me, phim được viết dựa trên hình mẫu Paul Ekman một trong những nhà nghiên cứu đầu tiên về diện mạo tinh vi của con người.

Đây là một bộ phim với chủ đề làm về sự thật các diện mạo của con người diễn ra chỉ trong 0.2 giây. Xuyên suốt bộ phim là rất nhiều cảnh giải thích về ý nghĩa của “diện mạo con người” và những điều này thực sự bổ ích.

Tuy nhiên trong phim, có một số chỗ còn chưa được giải thích.

Đó chính là “Microgesture”, chính là các “Vi diện mạo” (diện mạo thay đổi một cách tinh vi).

Đối với các “vi diện mạo” thay đổi trong một tích tắc, thì cơ thể cũng thể hiện một diễn tả tinh vi trong tích tắc đó, gọi là “vi biểu hiện”. Đối tượng quan sát của microgesture là toàn bộ cơ thể, nhưng có một bộ phận mà khi quan sát nó, ta sẽ có thể dễ dàng nhận ra, đó chính là “tay”.

Có một đôi nam nữ ngồi đối diện với nhau và cùng ăn tối.

Họ nói chuyện với nhau rất nhiều chủ đề, trong đó có lúc họ đã nói đến chủ đề ngoại tình.

Lúc đó, người thanh niên từ tư thế nói chuyện nghiêng người về trước bỗng rụt tay lại đưa xuống giấu dưới gầm bàn và hơi ngả người ra phía sau.

Đây được gọi là hành động trốn chạy, khi có chuyện gì không tốt với mình, để tránh khỏi nội dung chuyện, cơ thể cũng sẽ cử động theo hướng né tránh.

Cử động của tay cung cấp cho ta những thông tin rất quan trọng.

Tôi sẽ giới thiệu cách cử động một cách vô thức của tay mà đối phương sử dụng để bạn có thể áp dụng ngay.

Khi cho tay đút vào túi quần.

Nếu ngón tay cái tách ra khỏi các ngón khác, đó là biểu hiện của sự tự tin.

Ngược lại, cho ngón tay cái vào túi còn tất cả các ngón khác để ở ngoài, thì điều này biểu hiện không có sự tự tin vì thân phận địa vị thấp của bản thân. Với những ai có thói quen này, tôi khuyên nên bỏ nó đi.

Nhận ra sự thay đổi của đối phương dựa vào “Microgesture”

Khi con người cảm thấy bị áp lực, thì ta thường tìm cách để làm cho bản thân bình tĩnh lại. Và hành động này không phải chỉ có ở con người, nó có ở tất cả các loài động vật.

Ví dụ như sư tử, hổ chắc chắn cảm thấy không thoải mái khi bị nhốt trong sở thú chật hẹp. Chúng luôn đi đi lại lại trước tường. Chắc chắn bạn cũng đã nhìn thấy cảnh này trong sở thú.

Đây là “Hành vi xoa dịu”, có tác dụng làm giảm căng thẳng.

Con người cũng có “hành vi xoa dịu”, tôi sẽ giải thích hành vi dễ hiểu nhất liên quan đến nét mặt.

“Hành vi xoa dịu” vô thức đầu tiên là “sờ tay vào cổ” khi con người cảm thấy áp lực, bị stress từ bên ngoài.

Còn hành động “chạm/sờ/để tay lên trán” là hành vi thể hiện sự xấu hổ, hay đang có điều gì lo lắng. Chắc chắn các bạn cũng đã từng có trải nghiệm để tay/chạm tay lên trán mỗi khi gặp chuyện khó khăn hay xấu hổ.

Hoặc khi gặp chuyện gì hồi hộp, lo lắng, căng thẳng người ta thường hay dùng tay “mát xa cổ”. Hành động mát xa cổ là một hành động được thực hiện một cách vô thức vì có tác dụng làm giảm cường độ của nhịp tim đập. Ngoài ra, để làm dịu lại sự căng thẳng, còn có hành động phình má ra và thở phào nhẹ nhõm. Tôi chắc hẳn bạn có thể để ý thấy mỗi khi mình kết thúc một công việc nào đó, bạn cũng đã làm hành động này.

Khi quan sát các biểu hiện của đối phương, việc vừa dự đoán tâm lý vừa thực hiện cuộc đối thoại sẽ giúp bạn dễ dàng có được kết quả như ý muốn hơn.

Cơ cấu của “vi diện mạo”, điều giúp ta nắm được thế điều khiển trong phát biểu

A: Hôm nay buổi phát biểu rất tốt. Chắc chắn nó sẽ mang lại lợi nhuận kinh doanh.

B: Hình như bài phát biểu hơi dài quá, khó hiểu thật.

Đây là lời nhận xét của người nghe về bài phát biểu có cùng nội dung nhưng do hai người trình bày.

Vậy tại sao lại có sự khác biệt này?

A là do tôi trình bày còn B là tôi nhờ sinh viên trình bày.

Có thể có người cho rằng “Kết quả này có được bởi vì bài phát biểu được trình bày bởi người đã quen với việc phát biểu nên sẽ đem lại kết quả khác nhau thôi?” nhưng không phải như vậy đâu. Điều quan trọng nằm ở chỗ người phát biểu có quan sát và nắm bắt được các “biểu hiện thay đổi tinh vi trên sắc mặt” của những người nghe hay không.

Biểu hiện thay đổi tinh vi trên sắc mặt là nét mặt thực sự của con người diễn ra trong 0.2 giây.

Con người chắc chắn luôn tạo cho mình một vẻ bề ngoài như thế nào đấy.

Ví dụ câu chuyện không có gì thú vị nhưng bề ngoài vẫn có thể cười nói, hay như thực sự dù trong lòng đang tức giận, nhưng vẻ bề ngoài lại cố tình làm ra như không có chuyện gì xảy ra hết. Tuy nhiên để tạo ra được nét mặt bề ngoài này, người ta phải mất 1 giây, và 0.2 giây đầu tiên bao giờ cũng thể hiện khuôn mặt thật của họ.

Nhà khoa học Paul Ekman là một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu các biểu hiện thay đổi tinh vi trên sắc mặt con người. Ông nghiên cứu hàng nghìn nét mặt, nổi tiếng trong việc đã làm cố vấn cho các quan cấp chính phủ hay các công ty.

Vậy tại sao biểu hiện thay đổi tinh vi trên sắc mặt lại đóng một phần hết sức quan trọng trong các bài diễn thuyết, phát biểu?

Vì việc quan sát này sẽ giúp ta tìm ra được trong buổi diễn thuyết phát biểu ấy, ai là người có hứng thú với bài diễn thuyết nhất, và ngược lại ai là người cảm thấy không mấy quan tâm tới bài diễn thuyết nhất.

Khi thực hiện diễn thuyết, nếu bạn biết được ai là người hứng thú đến bài giảng của mình thì bạn có thể nói chuyện tập trung hướng về người đó. Hoặc khi bạn tìm thấy được người không mấy hứng thú với bài giảng của bạn, ngược lại bạn có thể thay đổi cách diễn đạt của mình sao cho dễ hiểu hơn.

Những phụ nữ biết nắm bắt giỏi về việc ngoại tình của đàn ông là những người rất tinh tế trong việc đọc các thông tin từ sự thay đổi nét mặt của đối phương.

Vì sao lại như vậy, câu trả lời là vì người phụ nữ từ khi sinh ra tới khi lớn lên, họ luôn phải quan sát mọi người xung quanh để quyết định xem cần sống thế nào. Nó cũng là “gen di truyền từ mẹ”, có được ngay từ khi mới sinh ra. Ngược lại nam giới lại không được nhạy bén cho lắm, nên nếu bạn là nam giới thì tôi khuyên bạn nên rèn luyện kỹ năng này.

Khi khách hàng có “nét mặt thế này” thì cần rút lui ngay

“Hôm nay khách hàng có vẻ phấn khởi. Có khi ta có thể dẫn đến kết thúc tốt đẹp”

“Rõ ràng là khách hàng đang nổi cáu. Chắc nên kết thúc chuyện tại đây thôi”

“Làm sao đây? Tiếp tục hay dừng lại?”

Với những người làm kinh doanh hay phải thực hiện các thỏa hiệp, chắc hẳn luôn phải để ý đến vẻ mặt của đối phương.

Tuy nhiên nét mặt con người thì luôn thiên biến vạn hóa. Nhiều khi khách hàng không hề nổi giận nhưng với người bán hàng có tinh thần yếu đuối lại cảm nhận rằng “Chắc chắn khách đang nổi giận…”. Nghệ thuật ở chỗ làm sao hiểu và đọc được thông tin chính xác từ sắc mặt của khách hàng. Đây là một điều vô cùng quan trọng.

Tôi muốn giới thiệu với các bạn một điều rằng chắc chắn có những nét mặt của khách hàng khi bạn thấy thì cần dừng lại hay rút lui ngay.

Vậy đó là những nét mặt như thế nào?

Có thể bạn nghĩ đó là nét mặt “giận dữ”

nhưng câu trả lời là không phải như vậy.

Vẻ mặt mà bạn cần phải cẩn thận nhất chính là “cười giả tạo”.

“Cười giả tạo” rất giống “cười”, tuy nhiên có một điểm khác biệt. Đó là “mắt”. “Cười giả tạo” thì chỉ có miệng mỉm cười thôi chứ mắt không cười. Vẻ mặt được cố tình làm ra.

Vẻ mặt cười giả tạo này thường có khi họ cảm thấy không muốn nghe chuyện của đối phương với ẩn ý “Thôi anh đừng nói nữa”.

Khi bạn nói chuyện với khách hàng mà thấy vẻ mặt của khách hàng như trên thì tôi khuyên bạn hãy mau chóng kết thúc cuộc đàm phán, hoặc để bàn lại công việc trong một dịp khác.

Cách biến những khách hàng khó tính trở thành đồng minh “Foot in the door”

“Sản phẩm của các anh sao thế?! Chúng tôi sẽ không bao giờ mua sản phẩm này nữa”

“Sản phẩm mà chúng tôi được quảng cáo khác hẳn với sản phẩm thật. Các anh hãy trả lại tiền đi!”

Trong thời đại nào cũng tồn tại những khách hàng luôn phàn nàn về các sản phẩm hay dịch vụ mà họ sử dụng.

Đầu tiên ta cần hiểu nguyên do tại sao mà họ lại nổi giận.

Chúng ta có “Cảm giác điều khiển”. Đó là cảm giác có thể điều khiển cho mọi chuyện diễn ra theo ý muốn.

Theo Tâm lý học, họ gọi những người “tự bản thân điều khiển được sự việc” là người theo “Kiểu điều khiển nội hóa”, và ngược lại “sự việc được diễn ra do vận may hay ngoại cảnh quyết định” là “Kiểu điều khiển ngoại hóa”.

Người theo kiểu “điều khiển nội hóa” là những người biết tự điều chế mọi thứ trong cuộc sống, dù có bị động chạm một chút thì cũng không khiến họ phải “tức giận” để giúp họ trở về trạng thái thăng bằng.

Tuy nhiên với người theo kiểu “điều khiển ngoại hóa” thì vì ngay trong cuộc sống hàng ngày, họ không tự làm chủ được mọi việc diễn ra xung quanh, nên khi họ bị động chạm dù chỉ một ít, lập tức họ sẽ trở nên “tức giận” để có thể giúp họ trở về trạng thái cân bằng.

Những người như thế, tôi khuyên bạn hãy sử dụng kỹ thuật khép kín.

Có hai phương pháp trong kỹ thuật khép kín.

Đó là “Door in the face” và “Foot in the door”.

Có thể khá nhiều người biết tới hai phương pháp này vì chúng là những phương pháp khá phổ biến trong ngành Kinh doanh tâm lý học. Chúng ta dùng phương pháp “Foot in the door”, là phương pháp nâng cao các đòi hỏi bắt đầu bằng những đòi hỏi đơn giản nhất.

Vì yêu cầu đầu tiên của đối phương là với mục đích làm sao để bản thân có thể quay về được trạng thái cân bằng, nên nếu bạn lại chèn thêm lời vào đó thì sẽ càng làm cho đối phương mất tự chủ, càng làm cho họ “nổi cáu” nhiều hơn. Cách giải quyết ở đây sẽ là chăm chú lắng nghe những lời phàn nàn kêu ca của khách hàng.

Khi đó họ sẽ cảm thấy một cách tự nhiên rằng bạn cũng đang cố gắng giúp họ giải quyết bức xúc, nên nhiều khi họ lại có ấn tượng về công ty bạn tốt hơn lúc trước.

Xác nhận lại sự tin tưởng từ khách hàng bằng phương pháp “Mirroring”

“Rõ ràng mình đã được khách hàng tin tưởng mà không hiểu sao có chỗ nào chưa ổn thế?”

Có khi ta tưởng rằng mình đã lấy được sự tin tưởng của khách hàng vì đã trở nên gần gũi với họ, cùng đi chơi golf hay cùng đi ăn uống vậy mà tự nhiên lại bị nhận lời từ chối “Xin lỗi anh, nhưng chúng tôi sẽ giao dịch với bên khác”.

Dù bạn có hối hận nhưng điều đó là quá muộn rồi. Những gì bạn cố gắng cuối tuần đã trở thành vô ích.

Chỉ có bạn mới nghĩ mình là người được tin cậy, còn đối phương thì không hề nghĩ như vậy.

Tuy nhiên, ta cũng không thể xác minh được điều này như hỏi trực tiếp “Ngài có tin tưởng tôi không?” và chắc hẳn có rất nhiều người băn khoăn là: vậy thì cần làm thế nào đây?

Trong trường hợp thế này thì ta có thể dùng phương pháp “Nonverbal mirroring” để kiểm tra xem bản thân mình có thực sự giành được sự tin tưởng từ phía đối phương hay không.

“Nonverbal” có nghĩa là “phi ngôn ngữ”, “mirroring” có nghĩa là bắt chước cho giống như soi gương.

Và nghĩa chung sẽ là thực hiện hành động bắt chước giống hành động của đối phương.

Ví dụ, bạn đã bao giờ có trải nghiệm này chưa. Bạn và người yêu đang ở một quán cà phê hay ngồi ở bar, khi bạn cầm cốc đưa lên miệng uống nước và người yêu cũng thực hiện hành động uống nước như bạn.

Đây là hiện tượng xảy ra khi cả hai bên có sự tin tưởng cao với nhau.

Và không chỉ bạn hay người yêu, khi người ta tin tưởng lẫn nhau thì có thể nói một cách không ngoa rằng hiện tượng này chắc chắn sẽ xảy ra.

Nếu bạn lý giải được điều này, bạn có thể để ý xem vào các thời điểm như khi bạn cầm cốc uống nước hay khi bạn đưa thức ăn lên miệng, đối phương có làm theo các động tác của bạn một cách vô thức hay không, thì bạn có thể xác định được độ tin cậy mà họ dành cho bạn.

Và thời gian để thực hiện nó là trong vòng 3 giây.

Sau khi bạn cầm cốc đưa lên chạm môi, nếu đối phương cũng làm theo mà khỗng trễ quá 3 giây, và điều này nếu được lặp đi lặp lại khoảng 3 lần thì xác suất bạn được tin tưởng sẽ là khá cao.

Suy nghĩ thực sự được thể hiện qua các bộ phận trên cơ thể “Chân”

Có một phương pháp đơn giản cho bạn biết rằng khách hàng có hứng thú với món hàng bạn giới thiệu hay không, đó là phương pháp hãy quan sát các “Cử động của cơ thể”.

Với những người hay tiếp khách ngồi ở quầy thì có lẽ đây là một phương pháp phổ biến nhưng tôi sẽ vẫn giới thiệu lại.

Con người phải đi săn bắn kiếm ăn từ thời kỳ cổ đại.

Điều này chắc chắn được di truyền lại cho chúng ta tới ngày nay. Vậy gen di truyền này được thể hiện ở điểm nào? Đó chính là thể hiện qua “cử động cơ thể”.

Tôi muốn các bạn hãy thử nhớ lại điều này xem. Khi bạn căng thẳng, tay các bạn chắc hẳn có đôi lúc trở nên lạnh đi. Lý do là bởi vì máu lưu thông trong cơ thể được tập trung về hết chân đấy.

Tại sao lại là chân?

Con người khi cảm nhận thấy sợ hãi một cách bản năng, thì lập tức sẽ sinh ra ý nghĩ muốn chạy trốn khỏi tình huống. Khi đi săn mồi, có lẽ con người cũng đã từng bị phản công lại từ các con thú. Vì vậy, khi cảm thấy nguy hiểm, lập tức chạy trốn sao cho thoát khỏi nguy hiểm bảo toàn tính mạng.

Ta có thể lợi dụng bản năng này để đoán biết được khách hàng đang thực sự suy nghĩ thế nào.

Hãy quan sát “hướng của mũi chân”.

Nếu hướng của mũi chân chĩa thẳng vào bạn, điều đó chứng tỏ họ có quan tâm tới bạn. Còn nếu hướng mũi chân họ không hướng vào bạn, hướng chếch ra ngoài thì điều đó đồng nghĩa với việc bạn có tiếp tục cuộc nói chuyện đi chăng nữa thì kết quả cũng không mấy tốt đẹp.

Mũi chân hướng ra hai bên, điều này ám chỉ rằng họ mau chóng muốn tránh xa bạn, không có hứng thú với sản phẩm bạn đang giới thiệu. Đây là phương pháp được các thầy bói hay những người tự nhận có năng lực thần giao cách cảm hay dùng. Phương pháp này không cần phải tìm hiểu đối phương trước, nhưng vẫn có thể nói trúng phóc hiện tại và tương lai.

Cách đọc nội tâm của đối phương trong tích tắc với phương pháp “Cold reading”

Bạn có biết kỹ thuật “Cold reading” không? Trong kinh doanh việc tìm hiểu đối phương trước rất quan trọng, có những lúc không đủ thời gian để tìm hiểu kỹ lưỡng.

Những lúc như thế, kỹ thuật “cold reading” sẽ đem lại hiệu quả rất tuyệt vời.

Có người ngộ nhận rằng “Cold reading là phương pháp nói ra những điều mà có thể áp dụng vào bất kỳ ai” nhưng nó không phải là đơn giản như vậy.

Đầu tiên tôi sẽ giới thiệu phương pháp này, ở mức độ đơn giản nhất.

Đó là “Phương pháp nói ngược lại”. Người ta thường nói “90% tính cách con người được thể hiện qua diện mạo”, khi đánh giá một ai đó, người ta thường nhìn chủ yếu vào dung mạo bên ngoài.

Ví dụ, nếu đứng trước mặt bạn là một người nhìn có vẻ dữ tợn thì chắc chắn ta cũng không nói “Trông anh hung dữ thế, anh mới sinh ra đã vậy rồi à?”. “Phương pháp nói ngược lại” là cách nói truyền đạt đồng thời thông tin về diện mạo kết hợp với mặt ngược lại của nó.

“Có thể mọi người hay nói anh hung dữ nhưng mà thực ra anh là con người hết sức tốt bụng nhỉ”

Đầu tiên hãy nói giống như những gì bạn quan sát được từ dung mạo của đối phương, sau đó hãy truyền đạt cho họ biết bạn cảm nhận được điều khác trái ngược với dung mạo kia. Điều cần chú ý ở đây là những ngôn từ bạn sử dụng ở ý sau cần là những từ “mang tính chất khen ngợi tạo ấn tượng tốt”.

Hầu như người ta đều có những tính cách trái với vẻ bề ngoài của mình. Khi bị người khác đoán ra nội tâm của mình, ta liền cảm nhận được rằng “Người này rất hiểu mình” và sẽ có ấn tượng tốt với người nói.

Tại sao có những người cứ hay đến chỗ của thầy bói, dù người thầy bói này họ mới chỉ gặp một lần? Nếu thầy bói khiến họ cảm thấy “Ông thầy bói này thì cứ yên tâm không sai đâu” hay “Ông thầy bói này nói chỉ có đúng thôi” thì có thể nói một cách không hề ngoa rằng họ đã đạt được mục đích của mình.

Bạn cũng hãy thử vận dụng “phương pháp nói ngược” để có thể làm thân lấy lòng những người xung quanh xem.

Đoán tính cách đối phương thông qua quan sát những đồ vật họ mang theo “Hot reading”

100 khách hàng thì có 100 tính cách.

Chính vì vậy người nào mà cứ chỉ dùng một cách thức bán hàng thôi thì sẽ khó thành công được.

Ở phần trước tôi giới thiệu về phương pháp “Cold reading” phương pháp không cần tìm hiểu đối phương trước mà vẫn đoán đúng, phương pháp được các thầy bói hay sử dụng.

Ở đây tôi sẽ giới thiệu phương pháp trái ngược lại, đó là “Hot reading”.

Tìm hiểu trước đối phương, các thông tin cơ bản và phát ngôn như là bạn “đoán” ra các thông tin đó. Và tất nhiên đối phương không biết việc bạn đã điều tra trước, sẽ tin tưởng bạn như kiểu “Người này cái gì cũng biết cả”.

Nếu dùng “Hot reading”, không cần thiết lúc nào cũng phải phân tích khách hàng một cách kỹ lưỡng nhưng khách hàng sẽ vẫn tin tưởng bạn.

“Hot reading” có rất nhiều cách, tôi giới thiệu cách đơn giản nhất.

Đầu tiên, khi nói chuyện với khách hàng, hãy quan sát thật kỹ lưỡng tỉ mỉ những gì họ dùng trên người.

Quan sát trang phục, kiểu tóc, đồng hồ, các đồ trang sức, giày, cặp sách.

Những điều này cho bạn biết thông tin về quan điểm sống của họ.

Nếu họ mặc đồ đơn giản, chứng tỏ họ là người giản dị hoặc tiết kiệm. Còn nếu họ mặc đồ sặc sỡ thì họ là người thích nổi bật, tính tự tôn cao, tiêu pha tốn kém. Hay như trang phục thì đơn giản nhưng những phụ kiện lại toàn đồ hiệu thì chứng tỏ họ là những người kỹ tính, nhưng lại không quá quan tâm tới mọi thứ nhiều. Tất cả các thông tin này đều giúp bạn biết thêm về đối phương rõ hơn.

Nếu quan sát kỹ trang phục hay những phụ kiện đối phương mang theo, bạn sẽ biết được phần nào thêm về tính cách đối phương, hãy nói những câu chuyện hợp với họ thì chắc hẳn bạn sẽ chiếm được lòng tin của đối phương.

Nếu muốn kết thân với ai trong buổi gặp mặt đầu tiên, hãy đứng “bên phải”.

Với đất nước không có nền văn hóa tiệc tùng như Nhật Bản, có nhiều người chỉ chuyên đứng tại một góc phòng khi tham gia tiệc, chẳng nói chuyện với bất kỳ ai, cầm một chiếc cốc và quan sát xung quanh. Dù trong thâm tâm luôn tự nhủ cần bắt chuyện với một ai đó, nhưng không tìm được cơ hội và buổi tiệc đi vào hồi kết.

Hiện tượng này không phải chỉ có ở Nhật, mà người ta cũng thấy nó cả ở Mỹ nữa.

Điều quan trọng trong các buổi tiệc là xây dựng được các mối quan hệ, nên nếu không bắt chuyện với một ai đó thì sẽ không thể bắt đầu được. Tôi xin giới thiệu cách giúp bạn tham gia nói chuyện được trong một nhóm người tham dự.

Điều đầu tiên tôi muốn giải thích đó là lý do tại sao lại khó khiến người khác bắt chuyện. Đó là vì bạn ý thức rằng “Có lẽ đối phương đang đề phòng ta”. Cách nghĩ này đã làm khóa suy nghĩ của bạn, khiến bạn không thể thực hiện được bước tiếp theo và cứ thế bạn đi vào một cái vòng luẩn quẩn.

Chìa khóa ở đây là làm sao để đối phương không đề phòng bạn nữa.

Tâm lý của con người luôn gắn liền mật thiết cùng với các cử chỉ trên thân thể.

Con người luôn luôn có xu hướng bảo vệ trái tim của mình một cách vô thức. Sẽ cảm thấy bị đe dọa nếu như có ai đứng phía bên trái. Nên nếu muốn làm mất đi sự cảnh giác của đối phương, hãy “tiến lại gần từ bên phải”. Và hầu hết mọi người đều thuận tay phải nên điều này cũng có tác dụng làm giảm bớt sự cảnh giác của đối phương.

Khi bạn tìm thấy được người mà bạn muốn bắt chuyện trong bữa tiệc, hãy tiến gần lại họ từ bên phải và hãy bắt đầu nói chuyện một cách tự nhiên.

Như vậy đối phương vừa không dè chừng mà có thể nói chuyện với bạn một cách thoải mái.

Tuy nhiên bạn cần chú ý vì phương pháp này không mấy hiệu quả với những người thuận tay trái. Một câu hỏi lại được đặt ra là vậy làm sao để biết họ thuận tay nào? Nếu quan sát xem họ dùng tay nào để gắp thức ăn đưa lên miệng thì bạn có thể biết được ngay.

Cách làm quen nhanh với môi trường làm việc mới “Modeling”

Khi bạn chuyển việc, bạn sẽ phải bắt đầu lại mọi thứ.

Bạn sẽ luôn phải để ý tới mọi thứ xung quanh, không biết cần phải hỏi chuyện ai. Nếu bạn là tuýp người ít tiếp xúc với người lạ thì chắc hẳn sẽ cảm thấy bị stress.

Có một việc bạn nên làm ngay.

Đó là hãy ngay lập tức quan sát những người xung quanh. Rồi tìm ra trong đó ai là người cởi mở hòa đồng với mọi người nhất.

Vì mọi người sẽ tự nhiên tập trung xung quanh những người hòa đồng này. Bạn hãy bắt chuyện với họ, nhờ vả họ “Mong anh/chị giúp đỡ và chỉ bảo cho em!” thì chắc chắn họ sẽ vui vẻ mà chỉ bảo bạn. Rồi hãy làm theo những gì họ làm, bạn sẽ quen được mọi người một cách nhanh chóng.

Hơn nữa, nếu bạn là người ít tiếp xúc vụng về trong giao tiếp, hãy bắt chước những những người cư xử khéo léo. Hãy bắt chước từ cách ăn nói tới các cử chỉ hành động.

Nếu làm được điều này, bạn cũng sẽ trở thành một người khéo léo trong cư xử thôi.

Đây chính là phương pháp hay được những người mong muốn thành công áp dụng.

Khi “Modeling” người khác, bạn sẽ xóa đi được những suy nghĩ tiêu cực trong bản thân, dần dần tự nuôi dưỡng được trong mình những cách suy nghĩ cần thiết của con người khôn ngoan, khéo léo.

Nếu bạn muốn trở thành người thân thiện, hãy bắt chước một cách triệt để người có thể thân thiện được với tất cả mọi người. Vì đây chính là con đường gần nhất để dẫn đến thành công.

Cách nắm bắt được tâm tư của nhân viên thông qua việc thể hiện điểm yếu của bản thân

Khi chức vụ trong công ty được tăng, có những người lại có những mối băn khoăn về quan hệ con người.

Nếu là người quản lý, bạn sẽ bị kẹp ở giữa, một bên là sếp lớn, một bên là nhân viên, nên có lẽ sẽ ít nhiều cảm thấy stress.

Nếu là nhân viên của bạn, thì chắc chắn bạn muốn anh ta làm việc một cách chăm chỉ có hiệu quả. Tuy nhiên có một điều nguy hiểm là không hiểu được tâm tư nguyện vọng của nhân viên. Có gì tuyệt vời hơn việc bạn chẳng cần làm gì mà nhân viên vẫn bộc lộ tâm tư cho bạn biết nhưng mà chuyện này thường rất ít xảy ra.

Với những trường hợp này, ta hãy dùng kỹ thuật “Tự mở lòng ra”.

Tự mở lòng ra có nghĩa là giống như những gì được viết, đó chính là tự bộc lộ bản thân trước.

Con người là một loài sinh vật rất khó để thổ lộ bộc bạch bản thân. Khi đối phương làm điều này trước, thì sẽ khiến bản thân ta dễ cởi mở hơn. Kỹ thuật này đã vận dụng bản tính này.

Tuy nhiên cũng cần chú ý địa điểm diễn ra câu chuyện.

Nó sẽ không có hiệu quả đối với những môi trường làm việc chỉ dựa trên quan hệ ngoại giao hời hợt. Nó sẽ thích hợp hơn với những nơi mang một chút riêng tư, ví dụ như lúc ăn cơm. Điều bạn cần làm là hãy kể ra những việc thất bại trong quá khứ của bản thân.

Người ta đã tiến hành một thí nghiệm liên quan tới “tự mở lòng ra” tại một sân bay của Mỹ. Người ta yêu cầu những người ngồi trong sảnh chờ sẽ viết một vài câu để giới thiệu bản thân mình. Trên giấy có ghi mẫu giới thiệu bản thân là “Tôi nghiên cứu tâm lý học” hoặc là có ghi “Thực ra tôi gặp rắc rối với vấn đề giới tính”. Họ đã phát 50 tờ phiếu ghi mỗi loại. Và kết quả là ở các tấm phiếu có ghi mẫu câu “Thực ra tôi gặp rắc rối với vấn đề giới tính” được thu lại với một số nội dung giới thiệu bản thân còn mang tính chất riêng tư hơn.

Con người sẽ kể những điều riêng tư của mình sau khi được đối phương kể cho nghe về điều riêng tư của họ.

Sử dụng kỹ thuật này giúp ta có thể tìm hiểu được nội tâm của đối phương, giúp bạn có thể trở nên thân thiết hơn với nhân viên của mình.

Cách dẫn dắt làm cho đối phương phải đồng ý “Yes” bằng phương pháp “Tâm lý đồng ý”

Trong kinh doanh có rất nhiều kiểu đàm phán. Làm thế nào để thỏa thuận có được kết quả tốt đẹp?

Cần phải tìm ra “người có thể đồng tình với chủ trương của ta”. Vậy người thế nào dễ đồng tình với chủ trương của ta? Đó là người dễ bị dụ dẫn bằng lời nói.

Hãy suy nghĩ tới những câu mà khiến bạn không cần suy nghĩ cũng có thể trả lời “Ừ, đúng rồi!”.

Nếu bạn bày tỏ quan điểm của mình rằng “Tôi nghĩ rằng bản kế hoạch này dễ được thông qua” thì nhiều khi đối phương sẽ có thể phủ định ý kiến này. Hoặc bạn nói “Tôi nghĩ rằng bản kế hoạch này dễ được thông qua, anh nghĩ sao?”. Với câu nói này, nếu thực sự đối phương không có hứng thú với nó, thì nhiều khi nó cũng sẽ bị trả lời một cách đại khái và không được chú ý đến.

Còn nếu bạn nói “Kế hoạch này sẽ thông qua chứ?”

Với câu hỏi này, nếu đối phương không có gì để phản đối thì có lẽ tạm thời nó sẽ được thông qua.

Cách nói chuyện quả quyết như trên được gọi là hiệu ứng “Tâm lý đồng ý”, hay được các nhà kinh doanh sử dụng nhiều một cách hiệu quả. Quả quyết sẽ khiến cho người nghe có cảm giác “Không muốn bị người khác coi là mình ngốc nghếch”, nên sẽ thường đưa ra câu trả lời đồng tình.

Ví dụ bạn đang đứng ở khu mỹ phẩm và dùng thử sản phẩm mới.

“Chị thấy sản phẩm này đem lại làn da rất mịn đấy, thích lắm”

Nếu bạn không phải là người quá rành đồ hoặc có một điều gì khiến bạn thực sự không thích thì tôi tin rằng trong 10 người thì 9 người sẽ đồng tình “Ừ đúng thế”.

Điều này có nghĩa là khi bạn muốn người khác đồng tình với ý kiến của mình, hãy tìm những người sẽ đồng tình với những lời bạn đưa ra.

Khi họ trả lời đồng tình một lần thì có lẽ họ sẽ khó có thể đưa ra câu từ chối. Vì vậy trước khi bạn nghĩ cách làm sao để điều bạn đề cập được dễ dàng chấp nhận thì bạn nên tìm cách làm sao để phát hiện ra người nào dễ đưa ra lời đồng tình với bạn.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3