Nghệ Thuật Đối Nhân Xử Thế - Chương 04

Chương 4

Cách chế ngự các mối quan hệ trong công việc

Cách trở thành người có lập trường kiên định nhờ “Kỹ thuật thống nhất sự việc”

công ty, người dễ bị mắc bệnh trầm cảm nhất đó là những người quản lý cấp trung.

Vì thực ra họ vừa phải để ý tới nét mặt của cấp trên, vừa phải quan tâm chăm sóc tới nhân viên cấp dưới. Lúc nào cũng ở trong tình trạng bị kẹp giữa.

Những lúc như vậy, hãy sử dụng “Kỹ thuật thống nhất sự việc” để vượt qua trở ngại này.

Người không đáng tin cậy nhất là người có cách suy nghĩ không nhất quán, hay thay đổi ý kiến. Ngược lại người có ý kiến kiên định thì có khả năng cao sẽ bị người khác cho rằng “Nếu anh ta đã nói như thế thì có lẽ anh ta sẽ không nghe đâu…”

Có một bộ phim mang tên “12 người Nhật dễ tính” của tác giả Mitani Kouki.

Đây là bộ phim được dựng lại theo phong cách Nhật, phỏng theo phim “12 người đàn ông giận dữ” được khởi chiếu tại Mỹ năm 1957. Trong phim có một vị bồi thẩm có ý kiến khác với các vị còn lại. Vị bồi thẩm này đã kiên định bảo vệ ý kiến bị cáo “vô tội” từ đầu cho tới cuối và những vị bồi thẩm khác trước đó cho rằng bị cáo là “có tội” cũng đã phải nghe theo vì họ cuối cùng bị thua trong chứng cứ, đồng ý với tuyên cáo bị cáo là “vô tội”.

Tất nhiên đây chỉ là trong phim thôi nhưng trong cuộc sống thường ngày cũng thế, có một số ít người kiên định bảo vệ ý kiến của mình và có thể làm thay đổi đi ý kiến của một số đông những người phản đối.

Đây chính là hiện tượng được gọi là “Minority Influence”, được chứng minh bởi các nghiên cứu tâm lý học.

Có một thử nghiệm tâm lý như thế này đã được diễn ra trên ti vi.

Thử nghiệm này có 5 người tham gia. Trong đó có một người do chương trình cài vào. Họ chuẩn bị hai thanh gậy có độ dài khác nhau và hỏi những người tham gia xem thanh nào dài hơn.

Tất nhiên những người tham gia bình thường trả lời theo khả năng họ quan sát và chỉ thanh dài hơn là thanh dài. Còn người được chương trình gài vào với vẻ đầy tự tin chỉ vào thanh gậy ngắn rằng đây là thanh gậy dài. Qua vài lần tranh luận, dần dần những người tham gia bình thường bị thuyết phục bởi người được cài và cuối cùng cũng chỉ vào thanh gậy ngắn và nói đó là thanh gậy dài với suy nghĩ “có khi mình lại nhầm cũng nên”. Khi kết thúc chương trình, hầu hết số người tham gia đều lựa chọn thanh gậy ngắn, và cho đó là thanh gậy dài hơn.

Việc sử dụng “Minority Influence” sẽ giúp cho sếp hay nhân viên cảm nhận bạn “là người nhất quán”, họ sẽ trở nên tôn trọng những ý kiến mà bạn đưa ra.

Cách tạo ấn tượng tốt đối với các nữ nhân viên dùng “Hiệu ứng Windsor”

Khi làm việc tại một tổ chức nào đó thì việc xây dựng quan hệ với mọi người là hết sức quan trọng, vì nếu có chuyện gì xảy ra thì sẽ rất phiền phức. Đặc biệt với những nữ nhân viên khó tính thì việc biến họ trở thành đồng minh là một việc quan trọng mà những người đi làm trong công ty ai cũng biết.

Nếu bị các bà chị khó tính này ghét thì thật phiền phức.

Có khả năng bạn sẽ bị họ đưa truyền những thông tin lệch lạc, hay bị nói sau lưng với sếp như “Anh nên cẩn thận với cô/chú đó đấy”.

Thế nhưng nếu bạn gần gũi và thân thiện với họ quá thì nhiều khi lại bị mọi người xung quanh cho rằng “Anh/chị ta đang lấy lòng của bà chị kia đấy”

Những lúc như thế này hãy dùng “Hiệu ứng Windsor”.

Có thể bạn đã từng có những trải nghiệm như thế này. Thời sinh viên, có lúc nào bạn cảm thấy rất thích thú vì được một người bạn hé lộ chuyện như “Mấy hôm trước, bé A nói thích cậụ đấy” không?

“Hiệu ứng Windsor” là sử dụng sự truyền đạt một cách gián tiếp, có thể giúp đem lại ấn tượng tốt tới đối phương.

Trong kinh doanh, nếu ai đó tự nhận mình “tôi rất có uy tín đấy” thì ngược lại nhiều khi lại làm ta không tin tưởng được họ. Tuy nhiên nếu được một người khác nói “Người kia có thể tin được đấy” thì sẽ làm tăng sự uy tín của người được nói. Và trong tình yêu công việc cũng vậy, chỉ cần đó là các mối quan hệ giữa con người với con người, thì hầu hết hiệu ứng này đều mang lại hiệu quả cao.

Nếu bạn muốn biến các bà các chị khó tính trở thành đồng minh của mình, thì bạn không cần nói trực tiếp với họ mà hãy khen họ với người khác. Ví dụ như:

“Chị A (bà/chị khó tính) là người rất tử tế đấy…”

“Chị A (bà/chị khó tính) là người đáng tin lắm, dù trong hoàn cảnh nào đi nữa…”

Vẫn có câu tục ngữ “Tường không ngăn được lời đồn đại”, nên chắc chắn những gì bạn nói sẽ được truyền tới tai các bà chị khó tính này, giúp đem lại ấn tượng tốt của bạn tới họ và cả những đồng nghiệp nữ.

Cách hạ gục địch thù bằng cách “phớt lờ”

Khi làm việc thì chắc chắn sẽ luôn tồn tại những người cùng đẳng cấp như bạn.

Khi đó ta sẽ không thể nào không ý thức và cảnh giác tới họ trong công việc cũng như thăng tiến vì ta với họ cùng trình độ, cùng làm những công việc như nhau. Hay so sánh với đối phương, có khi cảm thấy thất vọng như “Ôi mình thua mất rồi sao…” và trở nên có những suy nghĩ tiêu cực,

Nếu thực sự bạn nghĩ đối phương giỏi hơn mình thì thật là một cảm giác không dễ chịu chút nào. Hãy dùng phương pháp “Phớt lờ”.

Người ta thường hay hỏi những người dưới cơ những câu hỏi vô thưởng vô phạt.

Những câu hỏi này ngay từ đầu đã không hề đòi hỏi câu trả lời mà đơn giản chỉ để thử lòng nhau mà thôi. Ví dụ đối phương hỏi bạn:

“Cho tôi hỏi chút. Tôi nghe người ta nói anh đang làm một dự án tốt lắm phải không?”

Nếu bạn trả lời thành thật quá hóa khờ khạo thì bạn đã bị họ nắm thóp rồi. Hãy trả lời rằng

“Xin lỗi nhé, câu này khó quá tôi chưa trả lời bây giờ được”

Nếu trả lời được như vậy thì bạn sẽ gửi cho đối phương một thông điệp là “Tôi biết thông tin đây, nhưng tôi không nói được” và ngay cả khi bạn không che giấu gì cả, bạn vẫn có thể khiến cho đối phương nghĩ rằng như thể bạn đang nắm tất cả thông tin. Hơn thế bạn còn có thể đem lại ấn tượng “Người này kín tiếng quá” và cũng khiến đối phương nhận thức được về bạn như “Không dễ mà biết được các thông tin từ người này”.

Con người là loại động vật có thể làm tăng sự thấu hiểu lẫn nhau thông qua hoạt động giao tiếp. Nếu không giao tiếp được một cách suôn sẻ, thì tự bản thân sẽ đánh giá về đối phương theo cảm nhận của riêng của mình.

Khi nghĩ tới đối phương, nhưng trên thực tế lại đặt ra tình huống “Nếu là mình, thì mình sẽ thế nào nhỉ”. Nếu đối phương tự cho mình là rắn, thì khi suy nghĩ về bạn, anh ta cũng sẽ coi bạn là rắn, hay nếu anh ta coi mình là lửng chó (Tanuki) thì anh ta cũng sẽ nghĩ bạn là lửng chó.

Cách khiến người khác nghĩ bạn là “Anh ta làm rất tốt!” nhờ “Sức mạnh của những con số”

Nhà tâm lý học Jacob Sukurt thuộc trường Đại học Hebrew Israel đã tiến hành một buổi phỏng vấn giả với 52 sinh viên. Người tham gia đóng vai là người phỏng vấn và đánh giá các sinh viên.

Họ chia thành nhóm có 1 tấm thư giới thiệu tiến cử và nhóm có được 2 tấm thư giới thiệu tiến cử. Và kết quả là nhóm có 2 tấm thư giới thiệu được đánh giá cao, về tất cả các mặt như “Sự thích hợp” “Sự trung thực” “Khả năng làm việc nhóm”.

Đây chính là “Sức mạnh của những con số”. Một thứ/con dù có yếu đến mức nào nhưng khi con số lớn hơn, thì ngay như voi cũng bị muỗi đánh đổ.

Và trong kinh doanh, nguyên tắc này cũng mang lại hiệu quả cao. Nếu bạn muốn cấp trên của bạn nghĩ về bạn như “Người này làm việc tốt đấy” thì dù thành tích của bạn hiện tại như thế nào chăng nữa, bạn cũng nên cải thiện các con số này.

Ví dụ khi được sếp giao việc “Sau một tuần nữa chúng ta sẽ có họp, nên anh hãy viết 1 trang đề án đi” thì bạn hãy viết hơn 2 trang.

Hay khi được nói “Hãy làm cho tôi 10 trang tư liệu” thì bạn hãy chuẩn bị 20 trang nhé.

Tất nhiên cũng có những lúc các con số bị giới hạn chặt chẽ. Nếu như vậy bạn hãy đổi chiến thuật, biến những con số này thành “tốc độ”.

Nếu cần nộp bản đề án sau một tuần thì bạn hãy nộp ngay sau 3 ngày.

Hay nếu cần phải tóm tắt gì đó trong 10 trang, thì bạn hãy cố gắng tóm tắt thử trong 5 trang.

Nếu bạn làm gia tăng được các con số hay tốc độ làm việc, thì bạn sẽ khiến cho đối phương cảm thấy bạn là người có năng lực, có thể sẽ tin tưởng và giao phó cho bạn những công việc quan trọng hơn.

Hãy đánh thức “Cảm giác về sự tồn tại” để nhờ làm điều cần làm

“Con người khi sự tự tôn được đánh thức sẽ rất khó từ chối. Hơn nữa nếu khi nhờ vả kèm theo những lời nói như “Bởi vì là anh/chị nên…” sẽ khiến người bị nhờ dễ nhận lời hơn”.

Đây là lời bình luận của nhà nghiên cứu Kinh tế tâm lý học Fukuoka Shinji trên một phóng sự.

Con người luôn ý thức về “Sự tồn tại của bản thân”, luôn suy nghĩ xem sự tồn tại của mình có thực sự cần thiết cho ai đó không. Ngược lại nếu biết sự tồn tại của mình không cần thiết cho bất kỳ ai thì sẽ dẫn đên tình trạng làm mất đi ý nghĩa cuộc sống, có những trường hợp dẫn đến lựa chọn cái chết.

Nếu lý giải được đặc tính này, ta sẽ biết cách làm sao để nhờ vả được những việc ngay cả phức tạp. Hãy thêm những câu từ ám chỉ ẩn ý “Tôi đã nhìn được khả năng anh làm được!” ví dụ như các câu:

“Tôi chỉ có thể nhờ được vào mỗi anh A”

“Chỉ có anh A tôi mới yên tâm mà nhờ được”

Lợi dụng “Cảm giác về sự tồn tại bản thân”, nếu đó là phần mà đối phương am hiểu, hãy thử nói câu “Việc này ngay cả anh mà cũng phải đầu hàng hay sao” thì nó sẽ kích thích lòng sĩ diện của đối phương, có thể làm cho đối phương nổi hứng lên mà giúp ta.

Tuy nhiên cũng không được quên sử dụng những câu thể hiện sự quan tâm.

Nếu không có những câu như “Tôi biết anh rất bận rộn nhưng…” “Tôi xin lỗi nhé, tôi sẽ bù cho anh lần tới…” thì chỉ từ lần sau khi bạn đến gần, họ sẽ có cảm giác “Lại sắp bị nhờ vả” và có thái độ muốn tránh né bạn. Hãy chú ý điều này nhé.

Tuy nhiên cũng nên tránh những câu như “Nếu anh làm việc này thì anh cũng sẽ có thêm kinh nghiệm, phát triển tốt hơn” dù những câu này nhiều khi xuất phát từ việc bạn suy nghĩ cho đối phương. Vì làm việc này có lợi hay không cho đối phương, thì người đánh giá sẽ là chính bản thân họ. Nên nếu bạn nói như vậy, họ sẽ không cảm nhận được thiện chí của bạn mà còn nghĩ đó chỉ là cái cớ để bạn nhờ việc họ. Vì thế bạn cần để ý nhé.

Điều khiển nhân viên ít năng suất bằng cách dùng công hiệu của “Sự sợ hãi”

Có thể nói hơi quá nhưng trong tổ chức nào thì cũng tồn tại những nhân viên không được việc lắm.

Có những người không hứng thú làm việc, không có chí tiến thủ, chỉ cần nhận lương hàng tháng. Cũng càng ngày càng có nhiều người chỉ cần ở lại sau giờ làm việc là tự cho mình cái quyền có thể xin trả lương làm sau giờ hành chính.

Ai mà có những nhân viên như vậy thì thật là vất vả. Nhiều khi là sếp mà phải làm nốt những việc mà đáng lẽ ra nhân viên phải làm. Vậy thì ta cần phải đào tạo những nhân viên này như thế nào. Có nhiều người quản lý cấp trung không hiểu về điều này.

Có một thực nghiệm thế này được diễn ra tại Đại học Stanford Mỹ.

Có 4 thanh niên chia làm hai nhóm. Trong mỗi nhóm, một người đóng vai ông chủ, một người đóng vai người đi xin việc, họ bàn luận về mức lương trả cho người xin việc.

Nhóm đầu tiên thì ông chủ là người có tính cách nhẹ nhàng, hòa nhã còn nhóm còn lại, ông chủ là người độc đoán, kiêu căng, hống hách.

Họ nói chuyện bàn bạc, và kết quả là với nhóm có ông chủ hòa nhã, mức lương được trả cho người xin việc đúng theo nguyện vọng của người xin việc, còn với nhóm ông chủ hống hách thì hầu như những gì được thảo luận giống với những gì ông chủ muốn. Với người mà phải chịu đựng thái độ hống hách kiêu căng của đối phương sẽ dễ nảy sinh tâm lý muốn “thoát ngay ra khỏi tình trạng này”, và ngay cả với cả những điều kiện quá đáng cũng sẽ được chấp nhận.

Khi muốn có thái độ kiêu căng độc đoán thì theo tự nhiên, giọng người ta sẽ nhỏ đi, sẽ nói chậm lại. Vì vậy chỉ cần bạn áp dụng nguyên điều này với các nhân viên của mình.

Và một điều cũng sẽ đem lại hiệu quả cao, đó là nhăn trán nhíu mày, nghiêng người và tỏ ra có thái độ trịnh thượng một chút. Tuy nhiên nếu ngày nào cũng sử dụng cách này thì nhân viên của bạn sẽ bị nhờn nên hãy chỉ dùng nó vào những lúc “chủ chốt”.

Đây chính là phương pháp dùng sự “sợ hãi” để chế ngự con người.

Như nhìn vào lịch sử thế giới, những kẻ độc tài cũng đã dùng sự sợ hãi để chế ngự người dân đen. Có một số người sẽ liên tưởng tới Bắc Triều Tiên, ngoài ra xét về mặt chính trị thì Trung Quốc có thể cũng được coi là một điển hình của điều này nhìn trên một phương diện nào đó.

Tuy nhiên khi nhìn kết cục của các kẻ độc tài, ta đều thấy họ thường không có một cái chết yên ổn.

Vì vậy nếu bạn có ý định dùng kỹ thuật này cũng nên chú ý đừng lạm dụng nó quá.

Sử dụng phân tích “Egogram” để gây sự chú ý từ cấp trên

Nếu không được thăng tiến thì có lẽ ta vừa không có được lương cao, cũng như sẽ không có các nhân viên phụ việc.

Để làm được việc đó, có lẽ con đường ngắn nhất là làm sao để cấp trên cất nhắc ta lên, tuy nhiên ta cũng lại không thể lúc nào cũng xum xoe nịnh sếp vì nó dễ khiến làm mất lòng tin của sếp.

Với những trường hợp như thế này, ta dùng “Phương pháp Focus Reading”.

Con người có một điểm rất thú vị, đó là tự ngộ nhận rằng những người nào giống bản thân mình thì cũng cho rằng “con người này chắc là có triển vọng đây”.

Vậy ta cần làm thế nào bây giờ? Ta sẽ dùng phương pháp “Egogram”.

Egogram là một bài kiểm tra tâm lý mà hay được các nhà tuyển dụng hay dùng. Bài test này sẽ phân tích sự cân bằng của 5 yếu tố. Dù sự ít nhiều có thể khác nhau nhưng chắc chắn ai cũng sẽ có 5 đặc tính này. Giải thích một cách đơn giản, đó là “vai trò của người bố = sự nghiêm khắc”, “thái độ của người mẹ = sự dịu dàng”, “thái độ của người lớn = lý tính”, “tâm lý tự do = sự tự do”, “tâm lý đứa con ngoan = sự hợp tác”.

Hãy phân tích tính cách thể hiện ra bên ngoài và nội dung ẩn chứa bên trong qua các đối thoại hàng ngày của sếp. Ví dụ, sếp khi trên văn phòng rất nghiêm khắc nhưng đối với mỗi buổi đi uống với nhân viên lại trở nên rất vui vẻ, thường xuyên làm trò, thì người này có “tính cách bên ngoài = vai trò của người bố”, “nội tâm = tâm lý tự do”.

Hay với người rất tử tế trên văn phòng, với ai trong văn phòng cũng nhiệt tình giúp đỡ, nhưng lại lên giọng với những nhân viên phục vụ quán ăn, thì người này thường có “tính cách bên ngoài = thái độ của người mẹ” và “nội tâm = thái độ của người bố”. Phân tích tính cách của sếp, và diễn sao cho giống tính của sếp trong mỗi hoàn cảnh thì sếp sẽ dễ bị ngộ nhận, như có cảm giác đang nhìn thấy người giống như bản thân và sẽ chú ý đến bạn hơn. Điều này sẽ thấm dần sâu vào trong suy nghĩ của sếp bạn một cách vô thức, là một phương pháp hết sức hiệu quả.

Gọi “tên” giúp tăng sự thân mật

Khi bạn đã nằm trong một tổ chức nào đó thì việc có được thăng chức hay không là một điều khá quan trọng.

Để làm được điều này, việc có được sếp để ý hay không sẽ trở nên cần được bàn tới. Tuy nhiên điều này không đơn giản là cứ nịnh nọt khen ngợi sếp là được. Vì khi làm như vậy bạn rất dễ bị những người xung quanh khinh thường mà xa lánh. Vậy thì nên làm thế nào đây?

Ta thường thấy với hai người khi bắt đầu yêu nhau họ ban đầu sẽ gọi nhau bằng “tên họ” nhưng khi mối quan hệ đã tiến xa hơn một bước, họ sẽ cảm thấy muốn dùng tên hay đặt nick name cho nhau để gọi cho thân mật và không gọi nhau bằng tên họ nữa. Nếu luôn chỉ xưng hô bằng tên họ thì điều này chứng tỏ mối quan hệ không có gì là khăng khít, chỉ là xã giao.

Việc xưng hô qua tên họ hay tên thật cho thấy mức độ thân thiết trong mối quan hệ giữa hai người.

Tôi vừa lấy ví dụ về hai người yêu nhau nhưng có thể nói ở nơi công sở, việc đồng nghiệp xưng hô với nhau bằng tên thật chính là bằng chứng thể hiện sự thân mật của hai người.

Theo tâm lý học, nó được gợi là “Sự gia tăng của quan tâm cái tôi”.

Tất nhiên khi mới gọi có thể bạn cảm thấy ngại ngùng nhưng bạn sẽ có thể quen ngay. Cũng có người cho rằng “Tôi không thể tự nhiên mà xưng hô với sếp bằng tên thật được”, với trường hợp này bạn chỉ cần thêm chút lý do vào là ổn thôi. Ví dụ:

“Có người cùng có tên giống với tên của thủ trưởng, nên để đỡ nhầm em xin phép gọi thủ trưởng bằng tên thật nhé”

“Em thấy gọi bằng tên họ có cảm giác xa cách quá, nên thủ trưởng cho em gọi bằng tên thân mật của thủ trưởng nhé”

Chỉ trừ khi mối quan hệ của hai người rất không tốt thì cấp trên của bạn sẽ không cảm thấy việc gọi bằng tên là có gì khó chịu cả. Nếu bạn cứ gọi tên sếp càng nhiều, thì chắc chắn đến một lúc nào đó sự thân thiết của hai người sẽ được tăng lên, hai người sẽ trở nên gần gũi nhau hơn.

Và ngược lại, nếu bạn không thích một ai đó, thì hãy luôn gọi họ bằng tên họ. Như vậy, họ cũng sẽ luôn cảm nhận được khoảng cách với bạn, không thể trở nên thân thiết hơn được. Ở phần trên tôi đã lấy ví dụ về hai người đang yêu nhau hay ví dụ giữa cấp dưới và cấp trên nhưng thực ra điều này có thể áp dụng trên mọi hoàn cảnh trong các mối quan hệ con người, nên bạn hãy thử vận dụng nó vào cuộc sống thử xem nhé.

Cách làm tăng sự tin cậy chỉ bằng viết thư (Trans writing)

Thời buổi hiện đại ngày nay, có nhiều giao dịch được thực hiện hoàn toàn chỉ thông qua thư từ.

Khi dùng thư, ta cần phải lựa chọn câu từ sao cho phù hợp với đối phương, nhiều khi lại băn khoăn “liệu viết thế này có được không?” và không biết viết gì nữa.

Nếu gặp trường hợp như vậy, hãy dùng phương pháp “Trans writing” để giải quyết ngay thôi.

Không có kỹ thuật gì khó khăn ở đây hết. Chỉ cần làm duy nhất một điều. Đó chính là bắt chước cách viết của đối phương. Nếu đối phương là người có cách viết văn xã giao thì bạn cũng cần có giọng văn giống như vậy.

Nếu đối phương bạn dùng những câu như:

“Tôi rất cảm ơn Ngài vì đã để ý quan tâm giúp đỡ mọi mặt trong buổi công tác vừa rồi của tôi. Tôi xin viết thư này để thể hiện sự biết ơn tới điều này” thì tất nhiên bạn không thể viết đáp lại rằng “Ôi, không có gì đâu. Chúng tôi cũng đã rất vui vẻ. Mong có ngày gặp lại” mà bạn cần đáp rằng “Trong buổi làm việc vừa rồi, chúng tôi cũng không tránh khỏi những thiếu sót trong tiếp đón…”

Có thể bạn nghĩ đây là một điều đương nhiên nhưng trên thực tế có rất nhiều người không làm được điều này đấy. Ta thường hay viết theo phong cách của riêng mình khiến cho đối phương cảm thấy có khoảng cách với bạn. Vì thực ra con người sẽ bị ngộ nhận rằng “một người có thể tin tưởng được” nếu người đó viết ra những lời thư giống với mình.

Có những người lo lắng rằng “sẽ phải viết thư cho cấp trên thế nào? Nếu sử dụng giọng văn mềm mại để viết thì có khi dễ bị sếp nổi cáu” nhưng thực ra ta không cần lo lắng. Hãy bắt chước theo giọng văn của họ. Không những bạn không bị mắng mà nhiều khi bạn sẽ còn được sếp đánh giá “người này có khi được đấy”.

Và một điều cuối cùng tôi cần lưu ý, đó là không dùng dấu chấm than “!”.

Người ta hay dùng dấu chấm than để biểu cảm, tăng sự chú ý của đối phương, tuy nhiên ngay cả khi đối phương hay dùng dấu chấm than thì tuyệt đối bạn cũng không được sử dùng theo. Bởi vì theo kết quả của một thí nghiệm tâm lý học, văn bản có dấu chấm than sẽ khiến người đọc cảm thấy người viết có uy quyền hơn người đọc.

Cách để được đánh giá tốt hơn cả năng lực hiện có thông qua các “buổi tiệc chia tay và đón chào đồng nghiệp”

Cách để gây ấn tượng ngoài những lúc làm việc trên công ty, đó là các buổi tiệc chia tay hay các buổi tiệc đón các thành viên mới.

Làm sao để gây chú ý nhiều nhất tới cấp trên ở các buổi tiệc này đóng vai trò rất quan trọng với bạn. Bởi vì nếu bạn lọt vào mắt xanh của giám đốc hay những người giữ vị trí quan trọng trong công ty, có thể gây ấn tượng cho họ như “Người kia có vẻ thú vị đấy. Trông cũng biết quản lý và xử lý các tình huống một cách hợp lý đấy” thì việc này có thể trở thành tiền đề cho việc bạn được chuyển sang một vị trí mới.

Tuy nhiên việc này không thể thực hiện được nếu như bạn chỉ suốt ngày cầu nguyện sao cho lọt vào mắt xanh của các nhân vật này.

Bạn không nên xung phong làm chủ trì.

Bởi vì bạn không phải là chuyên gia, nên chắc chắn sẽ có chỗ nào đó thất bại. Sự thất baị này sẽ được truyền nguyên đến các sếp và đem lại bất lợi cho bạn.

Vậy thì bạn nên đảm nhiệm vị trí nào đây. Câu trả lời là vị trí dẫn chương trình. Hãy làm sao để có thể đảm nhận vị trí MC.

Thực ra vị trí MC trong các buổi tiệc tương ứng với vị trí người thuyết trình trong các buổi thương thảo trong kinh doanh.

Nếu bạn có thể dẫn chương trình một cách suôn sẻ thì điều này sẽ để lại ấn tượng tốt với các sếp, khi công ty có những buổi thuyết trình cho các mảng kinh doanh mới, có thể những ấn tượng mà bạn để lại là một phần thông tin tham khảo để giúp bạn có khả năng được lựa chọn vào vị trí mới.

Theo kinh doanh tâm lý học, người mà có tính thủ lĩnh là người có khả năng thuyết trình rất tốt. Điều này có nghĩa là ta có thể giúp gây ấn tượng rằng người nào có khả năng thuyết trình tốt = người làm được việc, có tính dẫn đầu.

Nếu có các buổi tiệc đưa đón đồng nghiệp, có nhiều lúc ta thường thuê dịch vụ nhưng bạn hãy giơ tay xung phong “Để tôi làm MC cho!”.

Nếu sự kiện này thành công, thì chắc chắn bạn sẽ gây được ấn tượng tốt với các sếp hay những người giữ vị trí chủ chốt trong công ty, họ sẽ không chỉ nhớ tới gương mặt, tên tuổi mà còn nhớ tới bạn như là một người mang tính dẫn đầu trong công việc.

Cách để lại ấn tượng đầu tiên đậm nét thông qua tư thế khi điều khiển vị trí của “cằm” và “ngực”

“Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng”

Đây là một điều mà nhà kinh doanh nào cũng biết rất rõ.

Người ta thường để ý đến trang phục hay kiểu tóc, hay để ý xem bản thân có mùi gì không và nhiều điều khác nữa.

Tuy nhiên điều mà tôi muốn đề cập tới về ấn tượng đầu tiên là một điều hoàn toàn khác. Nó sẽ quyết định bạn được coi là hạng “thượng lưu” hay “nhị lưu”.

Giả sử bạn có cơ hội nghỉ tại một khách sạn thượng lưu tại châu Âu hay Mỹ, người ta có thể đánh giá bạn là người thuộc tầng lớp thượng lưu hay không thông qua cách bạn cư xử với người giúp việc của khách sạn.

Nếu ở Nhật người ta coi trọng chức vụ được viết ở danh thiếp, chỉ cần đưa danh thiếp của bạn ra là người khác sẽ phải thay đổi cách cư xử với bạn nhưng nếu ở nước ngoài thì không phải như vậy. Khách sạn ở nước ngoài không coi trọng chức danh được viết trên danh thiếp mà họ nhìn vào cách đi đứng sinh hoạt của bạn mà phán đoán. Dựa vào đó, cách họ cư xử với bạn cũng sẽ bị thay đổi theo.

Nếu bạn có thể kiểm soát được về ấn tượng của mình đối với đối phương trong lần gặp đầu tiên thì có thể nói rằng việc kinh doanh của bạn gần như đã đạt được thành công.

Vậy thì điều gì khiến bạn được đánh giá là hạng thượng lưu.

Tất nhiên có rất nhiều điểm, tuy nhiên tôi xin giới thiệu những điểm mà bạn có thể áp dụng được ngay.

Đó chính là “Tư thế”.

Phải nói một sự thật rằng rất ít người để ý đến việc luôn tạo cho mình tư thế như mong muốn.

Khi nói đến “tư thế” thì có người sẽ nghĩ ngay tới việc ngồi thật thẳng lưng. Tuy nhiên không phải vậy. Không những ngồi một cách ngay ngắn, thẳng lưng mà bạn còn cần căng cả ngực lên nữa.

Căng ngực lên khiến một số người nghĩ rằng nó là thể hiện sự kiêu ngạo nhưng không hề có chuyện đó đâu. Vì khi căng ngực lên thì thường kéo theo đầu cũng sẽ nâng cao lên, cằm chếch lên sẽ khiến người ta cảm thấy có thái độ kiêu ngạo. Chính vì vậy chỉ cần bạn căng ngực nhưng hơi kéo vị trí cằm xuống là sẽ không gây ấn tượng kiêu ngạo nữa.

Khi bạn có được tư thế như thế này, bạn có cảm thấy mình có thêm tự tin không?

Nếu như khi gặp mặt lần đầu mà bạn có tư thế như thế này sẽ rất có thể khiến đối phương có ấn tượng rằng “người này có lẽ làm được việc đây”.

Đeo kính để làm tăng 30% uy quyền

Bạn đã rất cố gắng trong công việc, trong cả việc lấy lòng cấp trên, tưởng chừng như đã có được sự tin tưởng, được đánh giá “Đã đến lúc phải lên chức cho cậu/cô rồi” Hay chính bản thân bạn cũng nghĩ rằng “Sự nỗ lực của mình cuối cùng cũng đã đến lúc đơm hoa kết trái. Mình có lẽ sẽ được lên cao hơn”

Tuy nhiên có khi nào bạn vừa suy nghĩ như vậy thì cấp trên của bạn phải chuyển công tác, và thay vào đó là một sếp nhìn khá khó tính.

Nếu thực sự như vậy, có lẽ bạn phải bắt đầu lại từ đầu, khiến tinh thần bạn bị trùng xuống.

Trong trường hợp này, bước đầu tiên sẽ trở nên quan trọng nhất.

Và tất nhiên ấn tượng đầu tiên là điều không thể không đề cập tới.

Vậy ta cần làm thế nào?

Thực ra không có gì khó khăn cả.

Bạn chỉ cần đeo kính là được. Và sẽ tốt hơn nếu kính đó là kính vuông, dễ gây ấn tượng bạn là người tri thức.

Đeo kính theo ngày xưa thường khiến người ta liên tưởng tới mọt sách hay những người quá nghiêm túc. Tuy nhiên ngày nay, ấn tượng mà kính đem lại đó là tri thức, thời trang. Gọng kính có rất nhiều kiểu thiết kế, người ta còn thay đổi kính cho phù hợp với cả trang phục nữa nên nó được coi là một món đồ thể hiện phong cách của mình đối với mọi tầng lớp, mọi lứa tuổi từ trẻ tới già.

Giả sử thị lực của bạn có tốt đi chăng nữa, nhưng bạn vẫn nên đeo một cái kính khi gặp sếp mới của mình. Dù sếp mới có được nghe bất kỳ nhận xét nào từ sếp cũ nhưng nếu bạn đeo một cái kính vuông thì nó sẽ tác động tới sếp một cách vô tình rằng bạn là một người có tri thức.

Nếu những đánh giá được nghe từ sếp cũ là không tốt, thì sếp mới khi gặp bạn sẽ lại nghĩ rằng “Nhìn anh ta đâu có giống như là không làm được việc đâu nhỉ”, còn nếu những nhận xét được nghe là tốt thì lại có thể có suy nghĩ “Ồ, đúng như lời nhận xét, anh ta có vẻ được việc đây”. Dù sếp cũ có nói gì thì việc cái kính vuông đem lại cho bạn về ấn tượng đầu tiên sẽ tốt đẹp. Tuy nhiên đây chỉ là ấn tượng cho lần gặp đầu tiên mà thôi và bạn không được quên một điều quan trọng là những gì mà bạn thực sự thể hiện sau đó sẽ được sếp đánh giá.

Dùng hiệu ứng “low ball” để làm tăng 10% thành tích đánh giá cá nhân

“Làm thế nào để được tăng tiền thưởng?”

Đây là điều không ít người nghĩ tới khi tới thời kỳ đánh giá hiệu quả công việc và xét thưởng.

Và cũng có cả những người thể hiện sự bất mãn “Tôi không thỏa mãn với những đánh giá của bộ phận nhân sự” “Tôi đã rất cố gắng mà sao không được đánh giá cao, tại sao lại thế?”

Có nhiều người thực sự nghĩ một cách nghiêm túc như “Tôi muốn được công ty đánh giá cao hơn” hay “Tôi muốn được có nhiều tiền thưởng hơn” nhưng có một cách đơn giản để ghi điểm cao.

Đó là bạn hãy thực hiện hai công việc dưới đây.

“Hãy kiểm tra các chế độ đánh giá cá nhân, và thực hiện theo giống những gì được quy định”

“Có chỗ nào không hiểu trong chế độ đánh giá cá nhân thì đem phần không hiểu hỏi cấp trên và thực hiện đúng theo như vậy”

Hai điều trên hết sức đơn giản, nhiều khi lại khiến nhiều người thất vọng.

Tuy nhiên có một điều thú vị và sự thật là hầu hết mọi người không thực hiện được những điều đơn giản này.

Điều này được gọi là hiệu ứng “low ball”, bạn thực hiện một cách chính xác các hành động nhỏ khiến cho đối phương ngộ nhận rằng bạn cũng có thể làm được cả việc lớn khi được giao.

Ở Nhật người ta thường nói “người mà không hoàn thành được việc nhỏ thì ắt hẳn việc lớn cũng sẽ không làm được”, nó cũng giống như người ta nghĩ rằng người nào mà chắc chắn bắt được những quả bóng thấp thì sẽ chắc chắn bắt được quả bóng cao.

Trong đánh giá cá nhân, nếu bạn thực hiện được những quy định dù nhỏ nhặt một cách tốt và chắc chắn thì sẽ dễ gây ra được ấn tượng “người này làm rất tốt những công việc một cách tuần tự.

Có lẽ làm được việc đấy” và sẽ tự cho bạn đánh giá cao.

Có thể bạn nghĩ rằng những việc đơn giản nên chắc chắn sẽ hoàn thành được tốt nhưng trên thực tế có rất nhiều người không làm được. Vì vậy nếu bạn nỗ lực thực hiện tốt những điều này thì tôi tin rằng chắc chắn đánh giá về bạn sẽ cao hơn.

Dùng “Nguyên lý quyền lực” để tự do điều khiển ấn tượng của bản thân

Con người rất yếu trước quyền lực.

Khi quan sát những người làm việc trong các bộ phận có uy quyền, tự nhiên ta thấy họ rất chỉn chu.

Có thí nghiệm mang tên “Milgramexper- iment” được nhà tâm lý học Stanley Milgram thuộc trường Đại học Yale Mỹ tiến hành.

Thí nghiệm được diễn ra theo cách thức sau. Người tham gia vào thí nghiệm sẽ được cầm vào một thiết bị mà khi chạm vào nó họ sẽ bị điện giật, họ sẽ bị một luồng điện tăng thêm 25 volt chạy qua khi trả lời sai câu hỏi được đưa ra. Có nghĩa là người tham gia sẽ bị điện giật với một luồng điện tăng dần khi trả lời sai.

Tuy nhiên trên thực tế, luồng điện không hề được tăng lên, tất cả các lần điện giật chỉ giữ ở mức ban đầu. Tuy nhiên khi sai 5 câu, người tham gia thí nghiệm mặc nhiên nghĩ là mình bị một dòng điện 125 volt chạy qua và hét la như mình vừa bị tra tấn vậy.

Kết quả của thí nghiệm cho thấy rằng dù đối với việc nhỏ nhưng khi đã duy tâm thì sẽ có khuynh hướng cảm nhận nó là một cái gì rất lớn.

“Tính quyền lực” cũng có thể nói có cùng khuynh hướng. Ví dụ như thẩm phán hay cảnh sát khi họ mặc đồng phục ta mới cảm nhận được sự oai nghiêm của họ, nếu họ không mặc đồng phục thì ta cũng sẽ không cảm thấy sự uy nghiêm đó.

Ta cảm thấy sự oai nghiêm là chính bởi vì họ mặc đồng phục. Nên khi bạn muốn lấy lòng tin của người khác, hãy sử dụng kỹ thuật này.

Một phương pháp đơn giản, đó là dù cho ngành nghề của bạn là gì, bạn hãy mặc những bộ vest một cách thành thạo. Chỉ cần bạn thực hiện điều này là người ta chú ý đến bạn. Và bạn cũng đừng quên luôn đi một đôi giày sáng loáng. Như vậy, lập tức đối phương sẽ vô thức cảm thấy ngưỡng mộ phong cách đàng hoàng của bạn, mà tin tưởng vào bạn.

Dùng “sức hút của mắt” để trở nên là người cuốn hút

Giả sử bạn hay đi tập thể dục tại một trung tâm thể dục thể thao.

Có một người lúc nào cũng được mọi người xung quanh tin tưởng.

Với người này, họ hay được người khác tham khảo ý kiến, hay rủ đi ăn cùng và không biết từ lúc nào họ đã trở thành người dẫn đầu trong các hoạt động chung.

Bản thân họ không phải là người lúc nào cũng chen vào chuyện của người khác nhưng tại sao lại có chuyện như vậy?

Chắc hẳn có lúc bạn cũng bật nói ra rằng:

“Ôi anh/chị ta có sức hút lớn thế”

Đúng thế, ta có thể cảm nhận được sự giỏi giang của người khác không phải bằng lời nói, mà bằng “sức hút” của người đó. Khi đi ngoài đường, khi cảm thấy một người “có vẻ gì khác khác” thì nhiều khi đó lại là nghệ sĩ cũng nên.

Thực ra cái vẻ “khác khác” này có thể được thể hiện qua một số nghệ thuật trong tâm lý học.

Rất đơn giản để thực hiện. Hãy thể hiện sự uy nghiêm của mình ra bên ngoài.

Có vẻ hơi bị khó hiểu ở đây.

Ví dụ, trong các môn võ đánh nhau, bạn nghĩ khi muốn gây áp lực cho đối phương thì người ta cần mạnh ở điểm nào?

Đúng vậy, đó chính là “ánh mắt”.

“Sức hút” của một người và “ánh mắt” mà người ta tạo ra khá là giống nhau. Vì vậy khi muốn tạo ra sức hút đặc biệt, hãy tạo ra ánh mắt ấn tượng.

Ở đây có một điều không được hiểu sai, đó là tạo ra ánh mắt ấn tượng không phải là trợn trừng mắt và nhăn trán lên “lườm” nhau, mà hãy dồn sức vào mắt.

Khi đó đối phương sẽ cảm nhận được sự uy nghiêm của bạn, và khi lặp đi lặp lại điều này, đối phương sẽ thấy “người này có sức hút lớn quá”.

Nếu như vậy, chắc chắn đối phương sẽ không bao giờ coi nhẹ bạn nữa.

Bắt chước “Cách nói chuyện của đối phương” để điều khiển cuộc họp

Có những trường hợp ta cần nắm cán cân quyết định không chỉ trong kinh doanh buôn bán mà cũng như trong cả cuộc sống hàng ngày. Có phương pháp rất đơn giản để ta có thể thực hiện được điều này.

Dù bạn ở vị trí nào, bạn chỉ cần bắt chước giọng nói cao thấp, cách nói chuyện của đối phương rồi làm đúng y hệt như vậy.

Bạn chỉ cần làm như vậy là bạn đã có thể nắm cán cân của buổi họp.

Vậy thì điều gì là quan trọng tạo được điều tuyệt vời này?

Con người chúng ta thường hay đồng cảm với những người có cách nói chuyện giống mình, và tưởng nhầm rằng người này có thể hiểu được mình. Nghĩa là nghĩ rằng “Có khi người này có thể hiểu được mọi chuyện của mình” một cách vô điều kiện.

Có một nhà dẫn chương trình tên Larry King nổi tiếng người Mỹ luôn sử dụng kỹ thuật này để điều khiển các chương trình của mình.

Larry áp dụng cách nói giống như người khách nếu họ có vị trí cao hơn ông. Và do đó người khách mời luôn bị Larry điều khiển, nói chuyện một cách cởi mở với chương trình.

Có một điều đáng chú ý là Larry không bao giờ thay đổi cách nói chuyện của mình nếu khách mời có vị trí thấp hơn ông. Khi nói chuyện với người có vị trí thấp hơn, Larry lại trở thành người “chẳng sợ gì cả” như chính ông hàng ngày, điều này lại làm cho khách mời cảm nhận được vẻ oai nghiêm của ông, và vì vậy chương trình lại được diễn ra một cách suôn sẻ.

Vì vậy bạn hãy thử bắt chước cách nói của đối phương.

Tới một lúc nào đó bạn sẽ thấy mình trở thành người chi phối toàn bộ không khí ở bối cảnh ấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3