Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 04
TÌM KIẾM CÁC HÀNH VI KHẮC PHỤC
Để hiểu kỹ hơn nguyên tắc tìm kiếm tiếp theo, chúng ta hãy quay trở lại vấn đề sán Guinea mà Trung tâm Carter đã giải quyết. Bên cạnh việc tìm hiểu xem những người dân làng “thành công” đã làm gì để tránh nhiễm bệnh sán, nhóm chuyên gia cũng nghiên cứu xem họ đã làm gì khi bị mắc bệnh. Đây cũng là nguyên tắc tìm kiếm thứ ba: tìm kiếm các hành vi khắc phục. Con người ai cũng có lúc mắc sai lầm, vì vậy phải có kế hoạch khắc phục sai lầm đó.
Cụ thể, những người trong ngôi làng không nhiễm bệnh hiểu rằng bệnh sán rất dễ lây lan khi đã nhiễm vào cơ thể người. Như đã đề cập, nhúng cơ thể vào nước là cách duy nhất mà những người nhiễm bệnh làm để xoa dịu cơn đau. Nếu họ sử dụng nguồn nước trong khu vực, chắc chắn nguồn nước sẽ bị nhiễm sán.
Nhóm nghiên cứu của Trung tâm Carter đã tìm ra hai bước khắc phục đã được sử dụng để triệt tiêu vòng bệnh từ những người dân thuộc trường hợp “chệch hướng tích cực”. Bước một, những người dân trong làng sẽ kiên quyết chỉ ra người bị nhiễm bệnh. Khi dân làng phát hiện sán xuất hiện từ nguồn nước chưa lọc, những người bị bệnh thường cảm thấy xấu hổ khi thú nhận lỗi do mình gây ra. Như vậy, hành động khắc phục chủ yếu cần thực hiện là bạn bè hay hàng xóm cần lên tiếng nếu người nhiễm sán e ngại. Chỉ khi nào cộng đồng cùng tuân thủ nguyên tắc trên, cả làng mới có thể bảo vệ mình trước thất bại của một cá nhân. Những cuộc nói chuyện quan trọng đã thuyết phục dân làng tự nguyện thực hiện hành vi mang tính quyết định thứ hai: trong những ngày sán còn ký sinh trong cơ thể bệnh nhân, dân làng phải đảm bảo cách ly cá nhân đó khỏi nguồn nước.
Nếu mọi người trong làng cùng thực hiện hai hành vi khắc phục – sẵn sàng lên tiếng và cách ly những người nhiễm bệnh khỏi nguồn nước – trong vòng một năm, sán chắc chắn sẽ bị tiêu diệt. Không có ấu trùng xâm nhập nguồn nước, sán Guinea sẽ bị tuyệt chủng.
Những phương pháp tìm kiếm trường hợp chệch hướng tích cực này có thể áp dụng ở bất kỳ đâu. Chúng tôi đã sử dụng những biện pháp nhằm tăng cường nỗ lực chung trong việc cải thiện chất lượng tại một cơ sở sản xuất lớn của Mỹ. Tại đây, có vài trăm nhân viên đã qua khóa đào tạo có tên “Six Sigma” , nhưng sau đó công ty vẫn không đạt được lợi nhuận cao. Vì một vài lý do nào đó, các nhân viên này dường như không áp dụng bất phương pháp được đào tạo nào. Để tìm hiểu điều gì đã xảy ra, hai tác giả trong cuốn sách này và một số nhà quản lý quyết định đi tìm đối tượng chệch hướng tích cực. Chúng tôi đi tìm lời giải đáp cho hai câu hỏi lớn: Đã có ai trong công ty tìm được cách áp dụng hiệu quả các kỹ năng? Nếu có, liệu các nhóm khác có thể làm theo cách đó không? Chẳng bao lâu sau, chúng tôi đã tìm ra bốn nhóm đạt được thành công nhờ khóa học “Six Sigma”, bất chấp thực tế là hầu hết các nhóm khác đều hoài nghi về nỗ lực đó và đã từ bỏ việc sử dụng bất cứ kỹ năng mới nào.
Những đối tượng chệch hướng đã làm gì để tránh thất bại và hoài nghi? Khi phỏng vấn các thành viên của các nhóm không thành công, chúng tôi khám phá ra sự hoài nghi có nguồn gốc từ ba thử thách. Thứ nhất, khi họ đề xuất các ý tưởng đổi mới, người quản đốc thường chối bỏ ngay lập tức. Thứ hai, họ có những đồng nghiệp vô trách nhiệm, luôn thờ ơ với mọi việc, vì vậy họ kết luận rằng những ý tưởng cải tiến sẽ không thể thực hiện. Cuối cùng, họ cảm thấy bất lực khi đối mặt với các chính sách quản lý hay những quyết định ngăn cản những nỗ lực cải tiến.
Những nhóm thành công lại có tư tưởng trái ngược trên nhiều phương diện. Đối mặt với ba thử thách trên, họ luôn tìm cách tránh rơi vào hoài nghi. Những “hành vi khắc phục” của họ bao gồm cả việc tăng cường trao đổi những vấn đề cải tiến mà các nhân viên khác lảng tránh. Họ đối mặt trực tiếp với người quản lý nhưng cũng rất khôn khéo. Họ thẳng thắn với đồng nghiệp. Cuối cùng, họ có khả năng nói chuyện với những nhà quản lý cấp cao – những người mà các đồng nghiệp hoài nghi luôn tìm cách lảng tránh – về các chính sách và hoạt động mà họ cho rằng đã ngăn cản sự cải tiến.
Từ đó, chúng tôi kết luận, những nhóm thực hiện thành công các phương pháp học được từ chương trình “Six Sigma” không phải vì họ tiếp thu chúng tốt hơn những người khác hay nhận được sự ủng hộ từ các vị lãnh đạo, mà vì họ biết cách tăng cường tiếng nói của mình về những vấn đề quan tâm.
Bất cứ ai cũng có thể sử dụng phương pháp tìm kiếm trường hợp chệch hướng tích cực để khám phá ra các hành vi mang tính quyết định. Hãy bắt đầu bằng cách tìm hiểu chính xác số lượng người và bối cảnh nơi bạn muốn tạo ra sự thay đổi. Tiếp theo, tìm ra những người lẽ ra sẽ gặp vấn đề rắc rối nhưng thực tế lại không. Sau đó, rút ra những hành vi khác biệt của họ so với những người khác. Khi áp dụng phương pháp này cho bản thân, bạn hãy tự so sánh mình với chính mình. Hãy nhớ về thời gian mình đã thành công và suy nghĩ xem mình đã làm gì để đạt được nó. Cuối cùng, hãy chú ý tìm ra những hành vi khắc phục.
KIỂM TRA KẾT QUẢ
Hãy thận trọng! Với các phương pháp nghiên cứu chuẩn xác như công trình của Ethna Reid, các học giả tiến hành so sánh những người thành công với những người thất bại, phân loại và ghi lại các hành vi, sau đó sử dụng máy tính xác định nguyên nhân nào tương ứng với hành vi nào. Đối với trường hợp chệch hướng tích cực, bạn không thể làm theo cách này. Các nhà nghiên cứu thường phỏng vấn và quan sát những đối tượng thành công ngay tại địa điểm nghiên cứu cho đến khi tìm ra sự khác biệt giữa những người thành công và những người còn lại. Sau đó, họ mới rút ra kết luận về nguyên nhân thành công.
Tuy nhiên, sử dụng trí tuệ để xác định kết quả cuối cùng vẫn có khả năng sai bởi có những kết luận tưởng chừng đúng nhưng thực chất là sai. Với trường hợp sán Guinea, y học hiện đại đã biết được vòng đời của loài sán này nên khi các nhà nghiên cứu quan sát người dân lọc ấu trùng bằng váy hay tránh tiếp xúc với nguồn nước khi sán xuất hiện, ngay lập tức họ có thể kết luận chắc chắn chính những biện pháp đó đã giúp tiêu diệt loài sán nguy hiểm.
Khả năng thảo luận với người khác về những thách thức nan giải vốn là nguyên nhân chính dẫn đến thành công của khóa đào tạo “Six Sigma”. Chính các nhóm thành công đã cho thấy hiệu quả của kỹ năng này, trong khi những nhóm khác thì ngược lại. Nhưng có phải khả năng nói chuyện thẳng thắn chính là điều mang lại sự khác biệt?
Khi thoát khỏi sự phân tích của máy tính và sử dụng khả năng phán đoán, chính bạn đã đưa mình đến gần đường ranh giới giữa khoa học và những thứ khác. Chỉ những kẻ cuồng tín mới sống bằng những kết luận giả. Toàn bộ công ty có thể bị phá sản chỉ vì lãnh đạo điều hành bằng cảm tính.
Chính vì những nguy hiểm nội tại của việc quan sát và rút ra kết luận chủ quan nên bạn cần bám sát những kết luận về nguyên nhân và kết quả bằng một bài kiểm tra khách quan. Sau đó, hướng dẫn những hành vi mang tính quyết định vừa tìm được cho nhóm thất bại và tìm hiểu xem chúng có thật sự mang lại kết quả như mong đợi hay không. Trong ví dụ về một cơ sở sản xuất lớn ở Mỹ, chúng tôi đã hướng dẫn ba hành vi mang tính quyết định cho 4.000 nhân viên và ngay lập tức thu được thành công đáng kể. Đối với bệnh sán Guinea, Trung tâm Carter và nhóm nghiên cứu đã hoàn toàn loại bỏ được bệnh dịch ở 11 trong số 20 quốc gia chịu sự hoành hành của sán. Các bệnh dịch trên thế giới đã giảm trên 99% nhờ chiến thuật xoay chuyển tập trung vào ba hành vi mang tính quyết định. Rõ ràng, chúng chính là những hành vi đúng đắn.
ÁP DỤNG VÀO GIA ĐÌNH
Liệu công cuộc tìm kiếm những hành vi mang tính quyết định có thể áp dụng trong gia đình không? Khi không phải giải quyết vấn đề sán Guinea trên vùng cận sa mạc châu Phi hay sự thất bại của dự án “Six Sigma” tại một cơ sở sản xuất, bạn sẽ tự hỏi liệu những kỹ thuật tìm kiếm nào có thể giúp bạn áp dụng với bản thân. Henry Denton – người đang cố gắng giảm cân – chắc chắn sẽ rất quan tâm đến việc tìm ra những hành vi mang tính quyết định giúp anh nhanh chóng giảm cân.
Bước đầu tiên mà Henry nên làm là tìm kiếm những chuyên gia từng nghiên cứu các hoạt động hữu ích nhất giúp người béo giảm cân. Anh cần từ bỏ ngay những kế hoạch chỉ nhằm vào kết quả – tiêu thụ nhiều calo hơn mức hấp thụ – và cần tìm những hành vi mang tính quyết định.
Nếu Henry chịu khó tìm kiếm, chắc chắn anh sẽ phát hiện ra rằng Cơ quan Kiểm soát trọng lượng quốc gia đã tìm ra những hành vi mang tính quyết định cho việc giảm cân bằng cách sử dụng phương pháp so sánh những người thành công với những người thất bại. Họ theo dõi những người đã giảm được tối thiểu 13 kg và giữ cân nặng đó trong tối thiểu sáu năm. Các dữ liệu thu thập được cho thấy ba hành vi mang tính quyết định. Những người thành công thường xuyên luyện tập thể thao bằng các thiết bị tại nhà, ăn sáng và theo dõi cân nặng hàng ngày.
Những hành vi mang tính quyết định này mang lại cho Henry một bước khởi đầu đầy lợi thế nhưng đó chỉ là khởi đầu. Từ đây, anh cần xác định chắc chắn những chiến lược có lợi nhất trong hoàn cảnh của mình. Anh có thể làm được điều này bằng cách tự tiến hành nghiên cứu trường hợp chệch hướng tích cực. Tức là, anh sẽ so sánh với chính mình bằng cách tìm hiểu điều gì giúp anh thật sự giảm cân.
Khi Henry nhớ lại quãng thời gian mình từng duy trì được chế độ ăn kiêng, anh sẽ nhận ra rằng bữa trưa chính là một yếu tố có hại cho cân nặng. Trước khi quyết định đi ăn nhà hàng, anh cần suy tính xem nên chọn món gì có lợi cho sức khỏe. Nếu không, anh sẽ tự buông thả mình và chọn những món không phù hợp. Việc đi mua sắm cũng rất có hại. Anh nhận ra khi mua những đồ ăn nhiều chất béo, chính anh sẽ ăn chúng. Kiềm chế được việc mua những đồ ăn đó còn dễ hơn việc kiềm chế ăn khi đã mang chúng về nhà.
Khi Henry để mình thoải mái ăn uống, anh sẽ có xu hướng cảm thấy chán nản, và để viện cớ cho sự phá vỡ kế hoạch, anh nghĩ thà sống vui vẻ với việc đã rồi còn hơn. Sự thoải mái kéo dài cả tuần, và thế là cân nặng của anh tăng gần 2 kg. Anh nghĩ đến sự yếu đuối của mình, và nhận ra cần có biện pháp khắc phục khi “trượt chân”, nếu không anh sẽ càng sa ngã. Lần “trượt chân” tiếp theo, anh nên xác định lại mục tiêu để bù lại lần buông thả gần nhất và không được chơi trò “tăng tốc để bắt kịp” bằng cách ăn quá ít hay tập thể thao quá nhiều. Anh chỉ cần ngay lập tức quay trở lại và nghiêm túc tuân theo kế hoạch giảm cân mới nhất.
Cuối cùng, Henry nên tiến hành hàng loạt cuộc thử nghiệm nhỏ để tìm hiểu điều có lợi nhất cho mình. Thay vì chỉ tập trung và đánh cuộc vào một thứ, anh sẽ tập nhiều môn thể thao, thử nhiều loại thực đơn, những kiểu mua sắm và những nhà hàng khác nhau, v.v... cho đến khi tìm được những thứ phù hợp với mình.
TÓM TẮT: TÌM KIẾM NHỮNG HÀNH VI MANG TÍNH QUYẾT ĐỊNH
Tìm kiếm các hành vi: Đảm bảo bạn đang đi tìm những chiến thuật tập trung vào hành vi. Đừng để các chuyên gia tác động khiến bạn chấp nhận kết quả chính là hành vi. Bạn đã biết mình cần đạt được điều gì, giờ bạn cần học cách thực hiện. Hãy tỉnh táo trước những lời khuyên mơ hồ. Nếu bạn không thể lập tức xác định được chuyên gia đang khuyên mình làm gì, thì chắc chắn lời khuyên đó quá mơ hồ và có thể ngụ ý nhiều hành vi khác nhau mà đa phần là sai lầm.
Tìm kiếm những hành vi mang tính quyết định: Những bậc thầy xoay chuyển biết rằng chỉ cần thay đổi một vài hành vi cũng có thể dẫn tới những thay đổi lớn. Họ quyết tâm đi tìm những hành vi mang tính quyết định có thể tạo ra hàng loạt thay đổi. Dù vấn đề lớn đến đâu, và bạn cố gắng thực hiện hàng loạt hành vi, bạn sẽ không bao giờ tạo ra được thay đổi quan trọng. Nếu vấn đề của bạn phổ biến, thì có thể đã có nhiều những nghiên cứu về nó.
Khi cần điều chỉnh những hành vi cho phù hợp với hoàn cảnh cụ thể, hãy tìm những hành vi mang tính quyết định bằng cách nghiên cứu trường hợp chệch hướng tích cực. Đi tìm những người, những thời điểm hay địa điểm mà bạn hay người khác không vấp phải vấn đề tương tự và cố gắng xác định những hành vi cụ thể có thể tạo ra sự thay đổi.
Tìm kiếm những hành vi khắc phục: Ai cũng có thể gây ra lỗi lầm, nhưng chỉ một số ít người tìm được cách giúp mình quay trở lại con đường đúng đắn thay vì tiếp tục lao vào sự tuyệt vọng. Ví dụ trường hợp của Henry, thất bại khi theo đuổi kế hoạch ăn kiêng có thể giúp anh xác định được thời điểm phạm sai lầm và sau đó thực hiện những hành vi khắc phục thay vì coi thất bại đó là dấu hiệu của sự đầu hàng.
Cho đến khi Henry hiểu điều này và tìm ra những hành vi khắc phục, anh dần sẽ tiến thêm được hai bước, sau đó lùi ba bước. Khi gặp vấn đề, anh sẽ dừng ngay bước lùi bằng cách sử dụng sai lầm để rút ra bài học thay vì coi nó là dấu hiệu của sự đầu hàng. Những hành vi khắc phục chính là yếu tố quan trọng trong chiến lược của các bậc thầy xoay chuyển.
Kiểm tra kết quả: Cuối cùng, nếu bạn hoàn thành nghiên cứu và tìm ra những hành vi mang tính quyết định, hãy kiểm tra những ý tưởng này. Hãy thực hiện những hành vi đã tìm ra và xem chúng có mang lại kết quả như mong muốn hay không. Đừng chỉ đánh giá sự hiện diện hay vắng mặt của những hành vi mang tính quyết định, hãy kiểm tra xem những kết quả bạn muốn có thật sự đến hay không.
Để việc xuất hiện cũng như kiểm tra những hành vi mang tính quyết định diễn ra suôn sẻ, hãy thực hiện những thử nghiệm ngắn hạn. Đừng chỉ đưa ra giả thuyết hay thực hiện những nghiên cứu quy mô. Hãy rèn luyện thói quen thực hiện những cuộc thử nghiệm nhanh, nhỏ và ít rủi ro.
Dù bạn có thực hiện những cuộc nghiên cứu những trường hợp thành công hay không, hãy cố gắng tìm ra trường hợp chệch hướng tích cực, tiến hành những thử nghiệm nhỏ hay đơn giản là tìm xem có ai đã khám phá những hành vi mang tính quyết định cho mình, vì mục đích của hai việc hoàn toàn giống nhau. Đừng chỉ liếc mắt nhìn quanh, nghe một lời khuyên hay dựa vào cảm tính. Thay vào đó, hãy làm theo sự chỉ dẫn của các bậc thầy xoay chuyển. hãy tiến hành tìm kiếm những hành vi mang tính quyết định. Nếu không, chẳng bao lâu sau, bạn sẽ rơi vào con đường tìm kiếm sự bình yên.