Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 07

PHẦN II. BIẾN THAY ĐỔI THÀNH HẰNG SỐ

Ai có thể giới hạn sự xoay chuyển của con người?

— RALPH WALDO EMERSON —

Giả sử bạn vừa tìm ra những hành vi mang tính quyết định để giải quyết một vấn đề nghiêm trọng và nan giải. Bạn cũng vừa giúp mọi người nhận ra sự cần thiết phải thay đổi. Vậy bạn sẽ làm gì để thúc đẩy sự thay đổi?

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy trở lại chương trình diệt sán Guinea ở một thành phố thuộc Nigeria, Bắc Phi. Hãy tưởng tượng bạn đang theo chân Đại tướng Gowon đi tới một ngôi làng để giúp người dân xóa bỏ những quan niệm sai lầm khiến họ xa rời sự thay đổi. Suy nghĩ đã thay đổi. Chắc chắn thay đổi hành vi sẽ là một điều khó khăn. Vậy bước tiếp theo là gì?

Hầu hết chúng ta đều có những phương pháp xoay chuyển riêng, chỉ cần thông qua một đạo luật, lên tiếng cảnh báo một hậu quả hay đưa ra một chương trình đào tạo. Việc áp dụng các phương pháp riêng không sai, nhưng vấn đề là nó quá đơn giản. Điều đó tương tự như việc chinh phục dãy Himalaya mà chỉ mang theo một chiếc ba lô. Không có gì sai khi chuẩn bị đồ uống và lương khô, nhưng bạn cần nhiều hơn thế. Sử dụng một giải pháp đơn giản để giải quyết một vấn đề phức tạp sẽ không mang lại kết quả.

Tuy nhiên, người ta luôn có xu hướng chỉ áp dụng một chiến thuật xoay chuyển duy nhất. Ví dụ, hãy hỏi các nhà lãnh đạo xem họ lập kế hoạch biến những nhân viên trì trệ thành những người làm việc hiệu quả như thế nào và họ ra chương trình đào tạo mới – một chương trình tương tự với chương trình mà họ tin rằng đã khiến chứng khoán của General Electric tăng vọt trong những năm 1990. Chương trình đào tạo có thể tạo ra một bước khởi đầu nhưng để tạo ra một nền văn hóa chất lượng, một lớp đào tạo chỉ giống như “muối bỏ bể”. Hãy hỏi các chính trị gia xem họ đã làm gì để chống tội phạm, họ sẽ nói họ đang cố gắng tăng mức án đối với các trường hợp phạm tội. Biện pháp này cũng không mang lại sự thay đổi đáng kể. Hãy hỏi các nhà lãnh đạo cộng đồng xem họ sử dụng cách nào để loại bỏ căn bệnh béo phì ở trẻ em, họ sẽ không ngớt tự hào về dự án mới nhất của họ: dỡ bỏ những chiếc máy bán kẹo tự động ở trường học.

Hãy thành thật. Có bao nhiêu người không muốn giải quyết vấn đề nhanh chóng? Một viên thuốc giảm cân thần kỳ, một giải pháp hôn nhân hợp lý hay một bộ DVD giá 500 đô-la. Hãy cho chúng ta chỉ một thứ, chúng ta sẽ sẵn sàng xả thân vì bất cứ điều gì.

Nhưng để giải quyết những vấn đề nan giải, cần kết hợp một số chiến thuật nhằm vào một số hành vi mang tính quyết định. Thực tế, đây là nguyên tắc cơ bản đã được tất cả các bậc thầy xoay chuyển chứng minh. Không có một chiến thuật cụ thể nào cho thành công của họ. Trên thực tế, một số người thành công trong khi những người khác liên tiếp thất bại bởi họ quyết tâm đạt thành công nghĩa là họ phát huy các chiến lược xoay chuyển nhiều hơn mức dự tính. Tất cả những gì họ đạt được không phải do may mắn.

Ở chương 2, chúng ta biết là chỉ cần thực hiện thường xuyên một vài hành vi mang tính quyết định thì sẽ mang lại những thay đổi lớn lao, lâu dài. Một vấn đề nữa là: sau khi tác động tới một vài hành vi, bạn sẽ có được một số sức mạnh khích lệ hoặc ngăn cản hành động đúng đắn và sức mạnh tương tự có khả năng khích lệ hoặc ngăn cản hành vi hợp lý. Bỏ qua sức mạnh này, chắc chắn bạn sẽ gặp nguy hiểm.

Nhưng bây giờ, chúng ta đã biết về sức mạnh ảnh hưởng đến hành vi của con người để đặt chúng vào mô hình thống nhất có khả năng tổ chức suy nghĩ của chúng ta, lựa chọn một loạt chiến lược xoay chuyển, kết hợp chúng thành một kế hoạch chặt chẽ và cuối cùng, biến thay đổi thành hằng số.

LÀM CHỦ SÁU NGUỒN LỰC XOAY CHUYỂN

Mô hình đó hoạt động như sau. Hầu hết những sức mạnh ảnh hưởng tới hành vi của con người đều hoạt động trên hai sơ đồ tư duy. Cuối ngày, một người hỏi: “Tôi có thể thực hiện những gì cần làm không?” và “Liệu có đáng làm không?”. Câu hỏi đầu tiên thực chất là “Tôi có khả năng không?” và câu thứ hai “Tôi có động lực gì không?” Chính vì thế, dù có nhiều sức mạnh ảnh hưởng đến hành động của con người, từ áp lực bạn bè ở trường cho đến việc khiến công dân của một vùng nhận thức được hậu quả của mù chữ hay việc tổ chức một lớp học chế ngự cơn giận dữ ở Beverly Hills, tất cả những chiến lược này hoạt động theo một hoặc hai cách. Chúng tạo động lực hoặc khả năng cho một hành vi mang tính quyết định. Có người thực hiện cả hai cách này.

Động lực và khả năng chính là hai yếu tố đầu tiên trong mô hình của chúng ta.

Chúng ta chia nhỏ hai yếu tố này thành nguồn cá nhân, nguồn xã hội và nguồn vật chất. Ba nguồn xoay chuyển này phản ánh kiến thức của các ngành học: tâm lý học, tâm lý học xã hội và lý thuyết về tổ chức. Bằng việc khám phá ba nguồn lực này, chúng tôi có thể rút ra những chiến thuật từ các kho kỹ thuật xoay chuyển đã biết.

Hãy xem qua một loạt nguồn xoay chuyển mà các tác nhân xoay chuyển sử dụng. Đừng quá lo lắng nếu bạn cảm thấy khó hiểu. Trong sáu chương tiếp theo, chúng tôi sẽ giải thích cụ thể các phương pháp xoay chuyển khác nhau. Thực tế, bạn có xu hướng tìm hiểu xem có bao nhiêu phương pháp giúp bạn thay đổi cuộc đời. Nhưng bây giờ, bạn sẽ biết cách sử dụng có ý thức nguồn lực này khi cần.

Ở cấp độ cá nhân, các bậc thầy xoay chuyển thường kết hợp những hành vi mang tính quyết định với những động cơ bên trong, đồng thời hướng dẫn chi tiết các hành vi thông qua sự luyện tập kỹ càng. Ở cấp độ nhóm, họ sử dụng sức mạnh xoay chuyển xã hội để tạo động lực và khả năng thực hiện các hành vi mang tính quyết định. Về mặt cấu trúc, các bậc thầy xoay chuyển thường áp dụng những phương pháp mà ít người sử dụng. Họ áp dụng cơ chế khen thưởng hợp lý để khích lệ mọi người lựa chọn những hành vi mang tính quyết định. Cuối cùng, họ cố gắng bảo đảm mọi thứ: hệ thống, quá trình, tín hiệu hình ảnh, cách bố trí công việc, công cụ, nguồn cung cấp, máy móc, v.v... để hỗ trợ những hành vi mang tính quyết định.

Khi mô hình đã sẵn sàng, các bậc thầy xoay chuyển biết chính xác cần phát huy sức mạnh nào để làm nên thành công.

Chúng ta có thể biểu diễn sáu nguồn lực xoay chuyển theo mô hình sau:

Để hiểu rõ hoạt động của mỗi nguồn lực, chúng ta hãy quay trở lại ngôi làng ở Nigeria nơi chúng ta có thể hiểu cơ chế tiêu diệt những con sán Guinea đáng sợ. Chúng ta biết rằng dân làng chỉ cần thực hiện ba hành vi mang tính quyết định để tiêu diệt sán. Trước tiên, mọi người cần lọc nước. Điều này khó đến mức độ nào? Nếu vẫn có người bị nhiễm sán, anh ta phải liên lạc với đơn vị cung cấp nước công cộng cho đến khi tìm ra nguyên nhân lây nhiễm. Chỉ cần tránh xa nguồn nước. Và cuối cùng, nếu một người hàng xóm không lọc nước hay bị nhiễm sán, dân làng cần trực tiếp nói chuyện với người đó.

Vì chúng ta đã biết ba cách có thể tiêu diệt sán Guinea, có vẻ như kế hoạch xoay chuyển không còn phức tạp. Nhưng trước khi thực hiện những bài phát biểu gây xúc động lòng người và phát những cuốn sách mỏng nhiều màu sắc, hãy xem sáu nguồn lực xoay chuyển tác động đến kế hoạch này như thế nào.

Nguồn 1: Động cơ cá nhân. Khi sán Guinea tồn tại trong cơ thể nạn nhân, nó gây ra nỗi đau đớn khôn xiết. Chỉ có cách duy nhất để xoa dịu nỗi đau đớn này, đó là nạn nhân phải ngâm mình trong nước. Điều đó có nghĩa là nạn nhân có động cơ cá nhân để thực hiện điều hoàn toàn trái ngược với một trong những hành vi mang tính quyết định, tránh xa nguồn nước. Nếu bạn không giải quyết động cơ cá nhân, kế hoạch xoay chuyển của bạn sẽ thất bại.

Nguồn 2: Khả năng cá nhân. Nhiều người dân không biết cách lọc nước hợp lý. Họ đã cố gắng thực hiện theo hướng dẫn của đại tướng Gowon, nhưng bệnh sán Guinea vẫn hoành hành. Khi lọc nước, họ vô ý để bắn nước và gây ô nhiễm nguồn nước, tiếp tục tạo điều kiện cho dịch bệnh phát triển. Hoặc họ đổ nước lọc vào cái bình vẫn còn chứa nước chưa lọc. Họ vẫn cần được đào tạo để tăng cường khả năng cá nhân.

Nguồn 3: Động lực xã hội. Khi bạn tuyên truyền cách diệt sán Guinea cho người dân địa phương, không ai thật sự chú ý đến lời nói của bạn. Bạn chỉ là người ngoài cuộc và không đáng tin cậy. Có thể bạn có mối quan hệ tốt với vị trưởng làng, nhưng có tới ba bộ lạc trong làng, hai trong số đó không ưa trưởng làng và sẽ chống lại tất cả những gì bạn đưa ra. Nếu hoàn cảnh không thay đổi bạn sẽ gặp phải vấn đề nghiêm trọng với động lực xã hội.

Nguồn 4: Khả năng xã hội. Mọi người sống trong cùng một cộng đồng cần giúp đỡ lẫn nhau nếu muốn thành công. Khi một nạn dịch lan tràn, không ai có thể tự mình giải quyết. Đây chính là lúc cần sử dụng cụm từ “cần cả làng”. Ví dụ, nếu một người bị nhiễm sán, người khác cần lấy nước giúp anh ta. Đến bước lọc nước, người dân cần đoàn kết để có đủ bình đựng và lọc nước. Nếu người dân không tìm kiếm sự giúp đỡ của người khác, bạn sẽ để mất một nhân tố chính của khả năng xã hội.

Nguồn 5: Cơ chế động lực. Với tình hình tài chính hiện tại của người dân (kiếm sống qua ngày), những người bị nhiễm sán không thể ngừng làm việc. Nhưng họ buộc phải lao động gần nguồn nước. Đơn giản là để có đủ thức ăn cho mỗi bữa, họ phải lấy nước sử dụng cho mùa màng và vật nuôi. Điều này nghĩa là cơ chế động lực thông thường sẽ không phù hợp với ba hành vi mang tính quyết định. Nếu cơ chế động lực thông thường không đáp ứng được nhu cầu vật chất hiện tại, nạn nhân đành chấp nhận làm ảnh hưởng đến cả làng để cứu gia đình mình. Nếu bạn cố gắng thực hiện kế hoạch xoay chuyển mà không giải quyết vấn đề động lực vật chất thì tầm xoay chuyển của bạn sẽ không thể vươn xa.

Nguồn 6: Cơ chế thực hiện. Cuối cùng, người dân không có các công cụ cần thiết để lọc nước hay xoa dịu các cơn đau mà vẫn tránh xa nguồn nước của cộng đồng. Tệ hơn, kiến trúc ngôi làng khiến việc tiếp cận nguồn nước quá dễ dàng đến mức chỉ cần nạn nhân nhúng tay, chân vào nguồn nước sẽ gây ảnh hưởng tới tất cả mọi người. Nếu không tận dụng nguồn lực xoay chuyển cuối cùng này, bạn sẽ thất bại.

TẬN DỤNG SÁU NGUỒN LỰC

Sau khi tìm hiểu sáu nguồn lực xoay chuyển được huy động ra sao trong chương trình diệt sán Guinea, chúng ta có thể hiểu rõ tại sao các bậc thầy xoay chuyển lại đau đầu khi giải quyết mỗi nguồn lực cho một vấn đề hóc búa. Nếu bỏ qua một nguồn lực, bạn sẽ dễ dàng bị thất bại.

Để chứng minh có thể kết hợp sáu nguồn lực, chúng ta hãy tìm hiểu xem bác sĩ Silbert đã làm gì với từng công cụ xoay chuyển này để biến tội phạm thành công dân có ích. Ở cấp độ gia đình, chúng ta tìm hiểu một nhân vật đang cố gắng giảm cân và xem mỗi nguồn lực có thể được áp dụng ra sao đối với vấn đề phổ biến này. Cuối cùng, các bạn hãy đối diện trực tiếp với vấn đề của chính mình và đọc lần lượt sáu chương trong lúc suy nghĩ về vấn đề đó. Sau đó, hãy tự tạo ra chiến thuật xoay chuyển với sáu nguồn lực của chính mình. Hãy thực hiện điều đó chính xác, chắc chắn bạn sẽ giải quyết được các vấn đề khiến bạn đau đầu trong nhiều năm qua.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3