Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 08

4. BIẾN ĐIỀU KHÔNG MUỐN THÀNH ĐIỀU ĐÁNG MUỐN ĐỘNG LỰC CÁ NHÂN

Chăm chỉ sẽ được đền đáp trong tương lai. Lười biếng sẽ phải trả giá ở hiện tại.

— STEVEN WRIGHT —

Chúng ta sẽ nghiên cứu nguồn đầu tiên và cơ bản nhất của động lực sự thỏa mãn bên trong. Nguồn xoay chuyển này đưa ra câu hỏi: Các cá nhân có hài lòng nếu thực hiện những hoạt động theo yêu cầu không? Nghĩa là, việc thực hiện các hành vi mang tính quyết định có khiến người ta cảm thấy thích thú không? Nếu không, làm thế nào bạn có thể khiến mọi người (cả bạn và người khác) thực hiện những điều họ cảm thấy đáng ghét, tẻ nhạt, xỉ nhục hoặc chán ngắt?

Ví dụ, làm thế nào bạn có thể thuyết phục một kẻ nghiện ma túy chịu đựng cảm giác vật vã trong thời gian cai nghiện? Hoặc bạn sẽ làm thế nào để khích lệ cô y tá vốn rất sợ bác sĩ yêu cầu ông ta rửa tay kỹ trước khi khám cho bệnh nhân?

Nếu bạn không tìm ra cách thay đổi phản ứng vốn có của một người đối với một hành vi hay không thể khiến người khác cảm thấy hài lòng khi thực hiện những hành vi đúng và chán nản khi thực hiện hành vi sai, bạn sẽ phải bù vào sự thiếu hụt động lực bằng cách dựa vào những yếu tố khích lệ bên ngoài hoặc thậm chí là hình phạt. Ví dụ, con trai của bạn rất ghét đi đổ rác, do đó, bạn phải sử dụng các cách dụ dỗ hay thậm chí là đe dọa. Nhân viên của bạn coi thường việc hoàn thành các cuộc kiểm tra chất lượng, vì thế bạn phải mất hàng giờ để thuyết giáo về vấn đề đó. Vì người hàng xóm không dọn dẹp mảnh đất trước nhà, bạn báo với chính quyền là anh ta không tuân thủ quy định của địa phương. Nếu bạn ngừng dọa nạt, cấm đoán hay thuyết giáo họ sẽ không làm những gì phải làm bởi họ không thích chúng.

Điểm mấu chốt ở đây là gì? Nếu chỉ tìm cách biến những hành vi lành mạnh trở thành sự khích lệ hay hành vi không lành mạnh thành sự khó chịu, chúng ta không cần sử dụng áp lực lâu dài. Bản thân hành vi luôn mang trong nó sức mạnh động lực.

Câu hỏi đầu tiên là: bạn có thể thật sự thay đổi cách người ta trải nghiệm một hành vi không? Tất nhiên, chúng tôi không nói tới việc đơn giản như thêm một thìa đường. Đó là sự lừa dối. Chúng tôi đang đề cập tới việc có thể thay đổi được ý nghĩa của bản thân một hành vi từ miễn cưỡng thành tự nguyện, từ yêu thích thành ghê tởm hay từ lăng mạ thành tán thưởng hay không.

Có vẻ như không thể, nhưng nếu bạn hỏi các bậc thầy xoay chuyển, câu trả lời của họ sẽ là: tất nhiên là bạn có thể. Và bạn phải thực hiện.

MỘT BUỔI CHIỀU THỨ BA

Chính xác là 3 giờ 17 phút chiều thứ ba, Terri đang mang một đĩa CD nén dữ liệu tài chính từ phòng kế toán tới Nhà hàng Phố Delancey. Giám đốc yêu cầu cô mang đến ngay khi có thể, vì thế cô khởi động máy tính và sao chép dữ liệu ra đĩa, rồi vội vã đến nhà hàng.

Điều khiến Terri ngạc nhiên là cô đi rất nhanh. Cô không nhớ rõ lần cuối cùng mình đi nhanh như thế là khi nào. Từ lúc 9 tuổi, cô đã tự tạo cho mình một phong thái bất cần. Cô sống và tự hào với thái độ “ta là nhất, còn chúng bay là một lũ đáng khinh”. Dù thái độ này đã khiến cô phải ngồi tù suốt tuổi vị thành niên, khiến cô bị quy tội sát nhân chỉ vì một cái liếc mắt của ai đó trong quán rượu nhưng không một ai nói cho cô biết phải làm gì.

Tại sao lúc này Terri lại đi nhanh như vậy? Đã 19 tháng trôi qua kể từ khi cô được đưa đến Phố Delancey thay vì ngồi tù nốt 5 năm. Mỗi kỳ học, Terri đều tham dự lễ tốt nghiệp. Đó là nơi mà 500 cư dân trong khuôn viên San Francisco có cơ hội chúc mừng sự tiến bộ của nhau. Hai lần đầu khi được công nhận sự nỗ lực, cô đã nhìn chằm chằm xuống nền nhà và phớt lờ mọi điều người ta nói về mình. Khi tiếng vỗ tay lắng xuống, Terri đi về chỗ của mình, khuôn mặt vô cảm.

Nhưng tuần trước, họ đã nói về bằng tốt nghiệp của cô và muốn bầu cô làm lãnh đạo nhóm. Cô nhìn bác sĩ Silbert, người đã vẫy tay với cô và ngạc nhiên vì thành tích xuất sắc của cô. Rồi cô vô tình để những lời nói của Silbert lọt vào tai, liền sau đó là một tràng pháo tay ròn rã. Terri nhìn quanh căn phòng và bắt gặp ánh mắt của vài người trong nhóm mình. Rồi cô lại nhìn nhanh xuống sàn nhà. Bước chân cô run run khi tiến về ghế ngồi.

“Sao mình lại thế này nhỉ”, cô lẩm bẩm. “Chắc do mình đói thôi.” Rồi cô nuốt một viên kẹo.

Khi Terri đi thật nhanh về phía nhà hàng, cô lại nhìn xuống, nhưng lần này cô chỉ nhìn xuống chân mình. Chúng di chuyển nhanh đến mức như đang điều khiển cô vậy. Cô đưa tay lên má và cảm thấy ướt ướt. “Mình không khóc đâu. Cái quái gì thế này?” Sự thật là Terri đang khóc.

XOA DỊU NỖI ĐAU

Điều gì đã xảy ra với Terri? Có phải cô đang thật sự yêu thích công việc mà trước đây cô rất ghét? Có vẻ như cô muốn đạt được một điều gì đó. Cô cảm nhận được niềm đam mê trong công việc. Tuyệt vời hơn, cô đã học được cách quan tâm tới một điều gì đó. Cô tự nhủ: “Sau khi suy nghĩ về điều đó suốt buổi chiều, cuối cùng mình đã nhận ra, mình khóc vì mình quan tâm. Mình đã quan tâm tới việc mang đĩa cho Lionel”.

Nếu đúng là Terri đã tìm ra cách yêu thích điều mà trước đây cô rất ghét thì chúng ta có thể học được điều gì từ câu chuyện này? Ví dụ, bạn sẽ sử dụng thủ thuật gì để khiến con của bạn muốn làm việc nhà? Liệu thủ thuật ấy có thể khiến nhóm nhân viên của bạn giảm lỗi xuống dưới 3,4/một triệu sản phẩm? Bạn có thể sử dụng chính phương thuốc của Terri để khiến việc ăn một củ cà rốt cũng ngon như đang thưởng thức một chiếc bánh kem sôcôla?

Trên thực tế, người ta có thể học cách yêu thích bất cứ hoạt động nào, ngay cả nếu nó không thú vị lắm. Nhà tâm thần học M. Scott Peck rất thẳng thắn khi đề cập đến điều này:

Chỉ vì một mong muốn hay một hành vi mang tính bản năng cũng không có nghĩa là nó… không thể thay đổi được… cũng hoàn toàn tự nhiên như… không bao giờ đánh răng vậy. Nhưng chúng ta tự học cách làm những điều không tự nhiên. Một đặc điểm khác của bản chất con người, có lẽ yếu tố khiến chúng ta trở nên ”người” hơn là khả năng có thể thực hiện những điều không tự nhiên, vượt qua chính khả năng đó để rồi thay đổi bản chất của mình.

Điều hứa hẹn này rất quan trọng. Nếu có thể học cách thay đổi cảm xúc liên quan đến một hành vi mang tính quyết định, chúng ta có thể không còn chấp nhận những thói quen xấu như việc đi ngủ mà không đánh răng. Chúng ta có thể biến những hoạt động đáng ghét trở nên thú vị. Nếu bạn bỏ qua khái niệm quan trọng này, mỗi khi bạn cố gắng buộc mình hay người khác thay đổi hành vi, bạn sẽ lại thuyết giảng hay phê bình thay vì tìm cách khiến hoạt động đó trở nên hấp dẫn.

Để đạt được điều cao siêu và sự thay đổi này, trước tiên chúng ta cần hiểu cảm giác yêu và ghét xuất phát từ đâu. Khi biết được nguồn gốc của chúng, các bậc thầy xoay chuyển sẽ chỉ cho chúng ta phải làm gì.

Nhiều sở thích của chúng ta có nguồn gốc sinh học. Chúng ta có khao khát mãnh liệt đối với việc ăn, uống, thư giãn, nghỉ ngơi, tình dục và hít thở. Nhưng các yếu tố sinh học không phải bao giờ cũng quyết định mọi điều trong cuộc sống. Dù khó xoay chuyển đến đâu, các động cơ mang tính sinh học, hay ít nhất là ảnh hưởng của chúng lên sự yêu thích của chúng ta đều có thể thay đổi. Trong những năm 1990, khi học trò của Ivan Pavlov tiến hành hàng chục công trình nghiên cứu có sử dụng còi, chuông để báo hiệu cho những con chó rằng thức ăn đang được mang đến. Sau nhiều lần cho ăn bằng cách này, con chó sẽ tiết nước bọt mỗi khi nghe thấy tín hiệu.

Cách sử dụng kích thích trung tính để báo hiệu về việc thưởng/phạt được gọi là điều kiện hóa cổ điển. Điều liên quan đến mối quan tâm của chúng ta về việc thay đổi yếu tố khiến người ta hài lòng chính là cơ chế điều kiện hóa cổ điển có thể khiến chó và người “thích” hoặc “ghét” tiếng chuông. Khi sử dụng một kích thích trung tính để báo hiệu một sự kiện mang tính tiêu cực hay tích cực, chúng ta đã khiến nó không còn trung tính nữa.

Brian Wansink ‒ nhà tâm lý học về hành vi của người tiêu dùng, đã chứng minh làm thế nào cơ chế điều kiện hóa cổ điển tác động lên những điều cơ bản như sở thích ăn uống. Ông thực hiện một cuộc điều tra đối với những cựu binh Thế chiến thứ hai từng phục vụ ở chiến trường Nam Thái Bình Dương. Ông nhận thấy một phần ba trong số họ thích ăn đồ ăn Trung Quốc, những người khác thì ngược lại. Điều gì đã tạo ra sự khác nhau này? Họ phải ăn toàn đồ ăn Trung Quốc trong suốt thời chiến. Một phần ba những người trải qua những cuộc chiến khốc liệt ở nơi mà họ phải ăn đồ ăn Trung Quốc đều cảm thấy ghét chúng. Một phần ba những người ở xa chiến tuyến lại thích chúng. Những người lính đã hình thành cơ chế phản xạ với sự yêu hay ghét đồ ăn Trung Quốc, và cảm giác này vẫn tồn tại sau 50 năm. Tóm lại, sở thích này có thể học được và mang tính bền vững.

Trong khi thí nghiệm của Pavlov kết hợp tiếng chuông với một điều gì đó mang tính tích cực (thức ăn), các nhà nghiên cứu khác lại sử dụng ám hiệu này để báo hiệu một điều gì đó ít được mong đợi như điện giật. Khác với suy nghĩ của nhiều người, nỗi sợ hãi và đau đớn hóa ra còn gây ra nhiều thay đổi sở thích. Trong cuốn tiểu thuyết A Clockwork Change (Thế giới cuồng loạn), Alex ‒ một tên du côn nguy hiểm, đã trải qua một “phương pháp điều trị đáng sợ”. Alex đã nôn thốc nôn tháo khi đang uống thuốc vì các bác sĩ của nhà tù đã chiếu những cảnh bạo lực trong tiếng nhạc bản giao hưởng số chín của Beethoven. Phương pháp này có hiệu quả đến mức Alex không thể tự vệ hay thậm chí không thể thưởng thức âm nhạc Beethoven nữa.

Phương pháp này có tính mới lạ hơn là tính hữu dụng. Mặc dù sự những kết hợp tiêu cực có thể thay đổi hoàn toàn các sở thích nhưng bạn sẽ không tìm thấy một bậc thầy xoay chuyển nào sử dụng các phương pháp đáng sợ hoặc hung bạo. Họ sẽ sốc cổ áo và quay đối tượng trên không chăng? Không. Họ không sử dụng những biện pháp gây đau đớn bởi họ là những người tốt bụng, có đạo đức và trách nhiệm.

Nếu không được sử dụng những chiếc gậy chắc làm công cụ để lôi người khác ra khỏi những hành vi sai trái thì chúng ta sẽ phải làm cách nào? Có hai cách rất hiệu quả và hợp lý giúp con người thay đổi phản ứng đối với những hành vi trung tính hay có hại trước đó: tạo ra kinh nghiệm mới và động lực mới.

TẠO KINH NGHIỆM MỚI

Kiến thức ít ỏi là một điều nguy hiểm. Đôi khi, mọi người có ác cảm với một hành vi mới bởi họ thiếu thông tin đầy đủ để đánh giá chính xác. Họ tưởng tượng về hành vi mới và những dự đoán của họ mang tính tiêu cực. Nhưng đáng tiếc là họ thường sai lầm.

Giúp mọi người thử hành vi mới

Ác cảm đối với một hành vi mới là điều hoàn toàn bình thường. Một người bình thường thường không biết mình nên làm gì để có cuộc sống hạnh phúc hơn. Chính hạn chế này ngăn cản họ có được cuộc sống đó. Thực tế, nhà tâm lý học Daniel Silbert đã gây dựng sự nghiệp bằng việc chứng minh con người hầu như không có khả năng phỏng đoán sự yêu/ghét của chính mình. Ví dụ, nhiều đối tượng nghiên cứu cho rằng nếu thu nhập của họ tăng thêm 30 nghìn đô-la thì họ sẽ sống hạnh phúc hơn. Họ cũng cho rằng việc tăng 30 phút đi bộ mỗi ngày là một sự đầu tư không đáng. Nhưng nghiên cứu của tiến sĩ Silbert đã chỉ ra thu nhập tăng thêm không khiến người ta cảm thấy hạnh phúc bằng tăng thời gian đi bộ hàng ngày.

Hàng ngày, tiến sĩ Silbert luôn gặp những người không thể biết trước được niềm hạnh phúc. Công việc của bà là yêu cầu những công dân ở Delancey làm những việc mà họ không thích. Ví dụ, các tội phạm tù chung thân không hề có khái niệm là sống theo pháp luật. Khi họ thử tưởng tượng điều đó, họ sẽ mắc sai lầm trong dự đoán. Họ cho rằng cuộc sống ấy không khác so với cuộc sống hiện tại, thậm chí còn kinh khủng hơn. Phải lau chùi toa lét và phải từ bỏ niềm vui gây tội ác hay nàng tiên nâu. Họ không thể tưởng tượng được niềm vui khi được tăng lương, sở hữu một căn nhà hay bất cứ điều gì trong cuộc sống tuân theo pháp luật mà họ chưa từng trải qua.

Silbert phải mất rất nhiều thời gian để phác họa bức tranh toàn cảnh của Delancey. “Hãy tin tôi”, bà nói, “Rồi bạn sẽ cảm thấy thích thú. Khi ra khỏi đây, bạn sẽ có bằng tốt nghiệp trung học, biết chữ, biết thế nào là hòa nhạc hay bảo tàng, sẽ học thành thạo ba nghề và làm quen với hàng chục nghề khác. Bạn sẽ có hàng tá bạn mới. Bạn chỉ cần ký vào đây”.

Đưa ra những lý lẽ như vậy không hề khó, nhưng thông qua lời nói để thuyết phục người khác tin tưởng lại không hề đơn giản bởi đối tượng là những người không hiểu ngôn ngữ này. Bạn đang mô tả hoạt động và kết quả mà họ không có khung đối chiếu, và bạn yêu cầu họ ngay lập tức phải hy sinh quá nhiều (không băng đảng, không ma túy, không tự do) để đạt được những kết quả như vậy. Cách làm này không có hiệu quả.

Silbert nhận ra cần có thời gian để các cư dân mới tự trải nghiệm những lợi ích của cuộc sống mới. Bà giải thích: “Sau khi nhận bằng trung học, chúng tôi sẽ liên kết với San Trường Francisco để tổ chức cho họ một khóa học hai năm. Một số người có thể lấy được bằng cử nhân. Những ngày đầu, cư dân Delancey ghét phải thực hiện nội quy học tập. Chúng tôi đi cùng họ tới các bảo tàng, nhà hát hay đi xem kịch. Nhưng họ thường than phiền. Họ không muốn đi đến những nơi đó. Nhưng tôi khích lệ họ: ‘Các bạn có thể ghét đồ ăn Trung Quốc, nhưng bạn phải ăn rồi mới ghét được chứ’. Lúc mới vào đây, họ ghét mọi thứ. Và tất nhiên, họ không bao giờ làm bất cứ điều gì!”

Tiến sĩ Silbert tiếp tục yêu cầu các cư dân cố gắng tham gia một lớp học, đi nghe opera và giúp đỡ các học viên khác, v.v… Kinh nghiệm đã dạy bà rằng khi đã thử một hành vi mới đa số họ sẽ thích điều này. Rất ít người có thể yêu thích opera cuồng nhiệt nhưng sẽ có tới trên 90% cảm thấy thích thú với những hành vi họ từng nghĩ sẽ không bao giờ thích chúng.

Quan điểm mà Silbert giữ vững cuối cùng đã thành công vào lúc 3 giờ 17 phút chiều thứ Ba (câu chuyện của Terri). Bà cho rằng điều này đúng với hầu hết cư dân ở Delancey. Sẽ đến một ngày, mọi người ở đây trở thành một người hoàn toàn khác và họ thích như thế. Họ biết quan tâm, cảm thấy vui mừng khi tiến bộ và nghiệm ra ý nghĩa của việc sống theo pháp luật.

Bạn có thể sử dụng các mô hình để tăng cường cho chiến thuật “hãy thử và bạn sẽ thích”. Nhiều bậc thầy xoay chuyển đã tìm ra mô hình trải nghiệm thay thế áp dụng vào những tình huống không thể thuyết phục người khác thử một hành vi mang tính quyết định dựa vào niềm tin của mình. Ví dụ, như đã đề cập ở chương trước, Miguel Sabido đã khiến hàng trăm nghìn người mù chữ ở Mexico đến đăng ký chương trình giáo dục cơ bản bằng cách kể một câu chuyện hấp dẫn về một người đã quá tuổi đến trường như họ. Người ta không muốn cảm thấy xấu hổ khi phải ngồi cùng lớp với những người trẻ hơn mình và thú nhận mình “dốt nát”.

Sau khi khán giả của Sabido đều trải nghiệm cuộc hành trình đến với ánh sáng kiến thức và cảm nhận gián tiếp một cuộc sống mà họ biết đọc, một sự thay đổi đã bắt đầu. Họ tưởng tượng rằng cuộc sống sẽ thú vị biết bao nếu họ đọc được những cuốn sách bổ ích. Họ thấy được mức độ ảnh hưởng của thế hệ trước đối với thế hệ sau. Họ cảm thấy tự hào khi hoàn tất một khóa học xóa mù chữ. Cuối cùng, họ đổ ra đường phố để lấy thông tin về chương trình học chữ được quảng cáo trên bộ phim truyền hình.

Điều gì đã xảy ra khi lần đầu tiên họ vào lớp? Họ nhanh chóng nhận ra học chữ rất khó khăn và không phải lúc nào cũng thú vị. Đêm hôm đó, họ không thể về nhà và đọc truyện cho các cháu mình. May thay, những nhân vật trong bộ phim cũng trải qua những khó khăn tương tự trong quá trình học, vì vậy, họ không hề cảm thấy ngạc nhiên. Họ hiểu được cảm giác vui sướng khi biết đọc, nhưng họ cũng cần cố gắng mới có được cảm giác ấy.

Biến thử thách thành trò chơi

Hãy tìm hiểu một cách khác để biến những hành vi vô vị hay chán ngắt thành thú vị. Ví dụ, một người cố gắng thực hiện một hành vi mới nhưng vẫn không thể yêu thích nó. Họ phải làm gì? Hãy tiếp tục hy vọng. Trên thực tế, con người theo đuổi nhiều mục đích mà bề ngoài có thể không hấp dẫn hay bổ ích nhưng bằng cách nào đó, họ vẫn tìm thấy niềm vui từ chúng. Vậy thủ thuật nào mang lại kết quả?

Chìa khóa động lực là sức mạnh bên ngoài hoạt động. Nó nằm trong khả năng làm chủ những mục tiêu chứa nhiều thách thức hơn. Mihalyi Csikszentmihalyi ‒ nhà nghiên cứu của trường Đại học Chicago, đã dành cả đời tìm hiểu về cái mà ông gọi là “dòng” cảm xúc vui thích chảy từ việc chú tâm đặc biệt đến một hoạt động nào đó. Ông khám phá ra hầu hết mọi hoạt động đều trở nên hấp dẫn nếu mục tiêu của nó có tính thử thách hợp lý, có sự trao đổi và đánh giá rõ ràng, thường xuyên. Đây là những nhân tố có thể biến một công việc tẻ nhạt trở nên thú vị.

Ví dụ, hãy tưởng tượng bạn dỡ bỏ bảng thông báo điểm ở sân bóng rổ. Những người cổ vũ sẽ ngồi đó bao lâu nếu họ không có thông tin điểm số? Các cầu thủ sẽ nỗ lực chạy hết mình khắp sân được bao lâu? Những điều chúng ta cần làm nhằm biến những hành vi vốn không thú vị thành thú vị là tạo ra một trò chơi.

Kết quả sau mỗi cố gắng chính là thông tin phản hồi rõ ràng và thường xuyên giúp biến những nhiệm vụ thành thành tích, và thành tích sẽ tạo ra cảm giác vui vẻ cực độ. Ngày nay, các nhà thiết kế trò chơi đều có cái nhìn trực quan về nghiên cứu của tiến sĩ Csikszentmihalyi và sử dụng kết quả nghiên cứu đó để tạo ra những trò chơi gồm nhiều hoạt động lặp đi lặp lại khiến người chơi muốn ghi điểm để lên cấp cao hơn.

TẠO ĐỘNG LỰC MỚI

Chiến thuật “hãy thử và bạn sẽ thích” giả định rằng người ta sẽ tìm thấy một hoạt động mới bổ ích nếu họ cho nó một cơ hội. Nhưng nhiều hoạt động hầu như không mang lại chút phần thưởng khích lệ. Chúng cũng khó có thể trở thành trò chơi thông qua sự phản hồi liên tục của thông tin. Bạn có thể làm gì khi hoạt động và thông tin phản hồi vốn đã không thú vị hay tạo cảm hứng?

Đây là câu hỏi quan trọng vì nhiều nỗ lực của con người đều rơi vào nhóm “không thú vị về bản chất”. Ví dụ, nếu bạn bị sán Guinea hành hạ, mục tiêu duy nhất của bạn là tìm cách chữa trị. Nếu đau đớn, bạn muốn chấm dứt ngay cơn đau. Chiến thuật “Hãy cố gắng loại bỏ con quỷ đó đi và bạn sẽ thấy thoải mái” sẽ không mang lại kết quả trong trường hợp này. Thêm một bảng ghi điểm (bạn có thể tránh đụng tới nguồn nước được bao lâu?) không giống như việc thay đổi kinh nghiệm của bạn. Vậy bạn phải làm gì? Hiện tại, bạn có thể làm gì để những người nhiễm sán có thể chấm dứt cơn đau mà không phải ngâm mình vào nước?

Liên hệ với nhận thức về bản thân

Những hoạt động không có tính hấp dẫn đòi hỏi phải có một động lực hoàn toàn xuất phát từ trái tim bạn. Mọi người kích thích nội lực này bằng cách tham gia một hoạt động. Tức là họ làm cho hoạt động đó có ý nghĩa riêng. Thành công lúc này còn quan trọng hơn cả việc vượt qua thử thách để tiến lên mức cao hơn trong trò chơi, nó trở thành một thước đo bản thân. Họ đặt ra tiêu chuẩn cao về mẫu hình họ muốn đạt được, đủ để tạo nên một thách thức xứng đáng và khi đó, họ sẽ cố gắng để đạt được tiêu chuẩn.

Ví dụ, hãy gặp nhà toán học người Nga, Grigori Perelman. Grigori cần mẫn làm việc trong một căn phòng tồi tàn ở thành phố St. Petesburg. Cách đây vài năm, nhà phù thủy toán học với thân hình mảnh khảnh và cái đầu hói này đã làm được điều chưa ai làm được. Ông đã tìm ra lời giải cho giả thuyết Poincare ‒ bài toán mà rất nhiều nhà toán học đã nỗ lực nhưng vẫn không thể tìm được lời giải trong suốt một thế kỷ. Bài toán đó khó đến mức hầu như chúng ta đều không hiểu vấn đề của nó là gì.

Và điều thú vị về Perelman là ông chỉ giải bài toán cho vui. Grigori đã đưa lời giải của mình lên mạng. Sau nhiều năm tập trung cao độ, không vì phần thưởng hay sự đền đáp nào, Perelman đã giải bài toán thành công.

Điều gì đã giúp Perelman chú tâm vào việc đó trong nhiều năm đến vậy? Chắc chắn không phải vì danh vọng hay tiền tài. Bài viết khiêm nhường trên mạng của ông ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của các giám khảo giải thưởng toán học, tương tự như giải Nobel. Sau đó, ông được đề nghị trao tặng Huân chương Field dành cho ngành toán học và giải thưởng trị giá 1 triệu đô-la. Perelman đã từ chối cả hai. Ông tiếp tục công việc theo dự định và không muốn bị quấy rầy. Bây giờ, ông đang ngồi trong căn phòng chật chội ở thành phố St. Petesburg để giải một bài toán khác.

Perelman có tài toán học độc nhất vô nhị, nhưng động lực của ông lại tiêu biểu và sâu sắc tới mức tất cả bậc thầy xoay chuyển đều muốn làm chủ nó. Sự khích lệ có sức mạnh lớn nhất mà con người từng biết chính là sự đánh giá hành vi và thành tích của mỗi chúng ta. Khi đạt được những tiêu chuẩn cá nhân, người ta cảm thấy thỏa mãn và có ý nghĩa. Họ cũng có cảm giác như đã đạt được mơ ước.

Trong trường hợp trên, có lẽ Perelman đã tìm được sự thỏa mãn từ cả ba nguồn động lực nội tại. Ông cảm thấy thích thú khi cố gắng đạt được điều gì đó, yêu thích thử thách của trò chơi và cảm thấy thỏa mãn khi hành động đúng với hình ảnh con người mà mình mong muốn trở thành. Khi Perelman chinh phục được giả thuyết Poincare, ông cảm thấy niềm thỏa mãn của mình sâu sắc và thuần khiết đến mức giải thưởng 1 triệu đô-la sẽ làm ô uế nó.

Liên kết giá trị đạo đức trong suy nghĩ

Chúng ta không phải là Perelman. Hơn nữa, chúng ta không phải là những nhà toán học uyên bác nên cũng không theo đuổi niềm đam mê như ông. Nhiều người dành phần lớn thời gian trong ngày chỉ để làm những việc nhỏ nhặt mà không hướng đến một mục tiêu lớn lao. Vì thế, những nguồn động lực nội tại này sẽ không bao giờ được phát huy. Tại sao vậy?

Thông thường, con người phản ứng với môi trường xung quanh như thể không có định hướng. Họ không dừng lại để suy nghĩ xem những quyết định tức thời của họ phản ánh lý tưởng, giá trị hay quy tắc đạo đức của mình ra sao. Mối quan hệ giữa hành động và những chuẩn mực cá nhân của họ không được ưu tiên trong suy nghĩ. Đạo diễn Michael Davis gọi tình trạng không liên kết giữa giá trị và hành động này là “tầm nhìn hiển vi”. Giáo sư tâm lý học của Đại học Harvard, Ellen Langer, gọi đó là “thiếu suy nghĩ”. Tiến sĩ đạo đức kinh doanh Đại học Northwestern, Patricia Werhane, thích liên tưởng nó đến tình trạng thiếu “tưởng tượng đạo đức”.

Mỗi học giả đều muốn chỉ ra rằng con người bị ràng buộc vào những điều vụn vặt tầm thường của cuộc sống mà quên đi việc liên hệ với những giá trị, đạo đức và chuẩn mực cá nhân. Điều này có nghĩa là khi gây ra những sai lầm đáng tiếc, chúng ta thường nói không cố ý làm sai. Dường như chúng ta không có sự lựa chọn nào khác. Đó chỉ là suy nghĩ nông cạn, chứ không phải là suy nghĩ hiện thời gây ra những hành động sai trái.

Khi gặp khó khăn, tình trạng thiếu suy nghĩ và thiếu liên hệ càng trở nên tệ hơn. Khi bị căng thẳng, cảm xúc chiếm ưu thế, khung thời gian của chúng ta bị co lại nên những giá trị tinh thần càng dễ bị bỏ qua. Câu chuyện sau đây là một ví dụ, tháng 1 năm 1986, Robert Lund ‒ Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty Morton Thiokol, cùng các nhà khoa học tài ba tham dự một cuộc họp bàn về việc có nên phóng tàu con thoi Challenger vào vũ trụ hay không.

Lund là người đàn ông tốt, là con người của gia đình, một người hàng xóm dễ chịu và một công dân đầy tinh thần xây dựng. Ông trở thành kỹ sư cao cấp của Thiokol nhờ sự chuyên nghiệp, tận tụy và tính cẩn thận, tỉ mỉ. Nhưng trong cuộc họp đó, Lund đã cư xử lạ kỳ đến mức khó hiểu. Trước đó, các nhân viên kỹ thuật đã báo cáo với ông là không ai biết được các vòng O hoạt động như thế nào ở điều kiện nhiệt độ thấp. Nhiệt độ thấp nhất trong lần phóng tàu trước là khoảng 12°C. Mọi người đã nghĩ là tàu sẽ phóng ở 6°C. Nếu vòng O không hoạt động, hậu quả sẽ khôn lường.

NASA yêu cầu những dữ liệu thực tế để chứng minh các vòng O không hoạt động ở nhiệt độ thấp. Lund phải đưa ra quyết định. Khi ông đang cố gắng trình bày quan điểm của mình về quyết định sẽ thực hiện thì vị quản đốc nói với ông: “Hãy bỏ cái mũ kỹ sư xuống và thay bằng cái mũ của nhà quản lý đi anh bạn”. Thế là một sự kiện đặc biệt xảy ra. Giây phút đó bất ngờ biến thành giây phút người quản lý đưa ra quyết định. Chỉ với một sự thay đổi trong lời nói, Lund thật sự biết mình cần thay đổi như thế nào. Vấn đề về vòng O chỉ là vấn đề dĩ biến của lĩnh vực quản lý và vấn đề bảo đảm an toàn cho phi hành đoàn không còn là ưu tiên hàng đầu nữa. Lund quyết định cho phóng con tàu.

Từ những trăn trở đạo đức, Robert Lund đã chệch sang vấn đề mơ hồ trong quản lý khi ông chìm trong việc phân tích chi tiết các rủi ro. Khi cần thể hiện cao nhất những hành vi đạo đức thì Lund lại thực hiện nó ở mức thấp nhất. Tất cả chúng ta đều như vậy. Khi phải đối đầu với giây phút thách thức khắc nghiệt, thay vì hành động theo các giá trị và nguyên tắc của bản thân, chúng ta phản ứng theo cảm xúc bằng cách thu hẹp tầm nhìn và tập trung vào tiểu tiết. Chúng ta hành động ngược lại với giá trị bản thân, điều mà thường ngày chúng ta không thể chấp nhận. Chúng ta cần bình tĩnh hơn để nhìn vào bức tranh toàn cảnh.

Đây là thách thức mà các tác nhân xoay chuyển cần nắm vững. Họ cần giúp người khác đưa ra lựa chọn dựa trên những yêu cầu đạo đức hay những giây phút quyết định mang tính cá nhân và họ cần giữ vững nhân sinh quan của mình dù bị phân tán và căng thẳng về cảm xúc.

Để học cách liên hệ hành động với những giá trị đạo đức của ai đó hiệu quả và thoải mái nhất, chúng ta hãy quay trở lại với người dẫn đường đáng tin cậy ‒ tiến sĩ Albert Bandura. Bandura liên tục suy nghĩ về câu hỏi: Chúng ta có thể khiến người khác liên hệ hành động với giá trị hay niềm tin của họ như thế nào? Ông đã lật ngược vấn đề này bằng câu hỏi: Người ta có thể duy trì việc tách rời giá trị đạo đức như thế nào? Tức là, người ta thực hiện những hành vi là trái với những giá trị mà họ luôn tâm niệm như thế nào?

Nghiên cứu của Bandura đã tìm ra bốn quá trình cho phép một cá nhân hành động trái với tinh thần đạo đức của mình. Những chiến thuật biến con người thành những người không có ý thức về giá trị luân lý bao gồm việc lý giải các giá trị đạo đức, sự coi thường nhân mạng, sự coi nhẹ tính nghiêm trọng của vấn đề và sự chối bỏ trách nhiệm.

Hãy xem một trường hợp cụ thể để hiểu việc kết hợp cả bốn quá trình này khiến con người tách rời giá trị đạo đức thông thường ra sao. Khi Dennis Gioia ‒ cựu Giám đốc phụ trách mảng thu hồi sản phẩm của Ford, nhìn vào “những bức ảnh chân thực sống động của chiếc Ford Pinto bị cháy rụi và có vài người chết trong đó”, bạn có thể nghĩ ông ta sẽ ra lệnh thu hồi chiếc xe hỏng. Nhưng sự thật không phải như vậy. Gioia nhìn chăm chăm vào đống phế thải. Thật may là chỉ tốn 11 đô-la cho việc sửa chữa mỗi chiếc xe như thế này.

Gioia không đưa ra quyết định thu hồi sản phẩm vì ông được đào tạo để vận dụng quá trình phân tích chi phí lợi nhuận khi xem xét các sản phẩm, và đó là điều ông đã làm. Hãng xe hơi Ford đã mua bảo hiểm mạng sống của một người là 200 nghìn đô-la, vì thế, việc thu hồi sản phẩm này sẽ không mang lại lợi nhuận như việc hạ giá thành của loại xe này và giải quyết những vụ kiện đáng tiếc.

Quá trình đào tạo của Gioia đã thiết lập một khung đạo đức biện minh cho những điều mà người khác gọi là tội ngộ sát. Chúng ta đã phán xét anh ta quá gay gắt vì hàng ngày, chính chúng ta cũng phạm phải những hành động tương tự. Khi chúng ta chấp nhận mức giá thấp thay vì yêu cầu thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn môi trường, chúng ta đang khiến cho những bệnh nhân đường hô hấp gặp nhiều khó khăn hơn.

Nhưng chúng ta không nhìn nhận vấn đề này ở góc độ đó. Giống như việc Gioia chỉ nghĩ đến các vụ kiện, chứ không nghĩ đến mạng sống của những người xung quanh, chúng ta chỉ quan tâm đến giá cả, chứ không quan tâm đến sức khỏe.

Theo Bandura, chúng ta thường lý giải các hành vi của mình bằng cách tập trung vào những kết quả đạo đức khác. Ví dụ, chúng ta đang sản xuất ra các sản phẩm giá rẻ cho cộng đồng và do đó, chúng ta không quan tâm đến hậu quả của nó. Chúng ta coi nhẹ vấn đề và biện minh cho hành động của mình. “So với lợi ích mà hàng trăm nghìn người được hưởng từ chiếc xe này, 100 nhân mạng không còn đáng kể”. Cuối cùng, chúng ta chối bỏ trách nhiệm: “Tôi không phải là người đề ra nguyên tắc chi phí lợi nhuận. Đây là điều thường thấy trong kinh doanh.”

Cách duy nhất thoát khỏi những hành động đáng lên án từ việc tách bản thân khỏi những nền tảng đạo đức là hành động tái kết nối, tức là chúng ta không tập trung vào các nhu cầu hiện tại mà vào các vấn đề đạo đức quan trọng bằng việc tái lập khung hiện thực các giá trị đạo đức. Chúng ta phải kiên quyết thực hiện điều đó. Các bài giảng đơn thuần về đạo đức hay sự cường điệu cảm giác tội lỗi, cách thuyết phục bằng lời nói vốn ít hiệu quả nhất trong việc thay đổi hành vi đều không có tác dụng. Nếu không tái kết nối hành vi với những vấn đề đạo đức lớn, chúng ta sẽ tiếp tục để những cảm xúc ở thời điểm hiện tại chế ngự hành động của mình, và như thế, chúng ta sẽ chỉ thực hiện những hành vi thiển cận.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3