Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 09
Liên hệ hành vi với giá trị đạo đức
Khi xem xét các hành động từ góc độ đạo đức, chúng ta có thể bị những hậu quả và những mối liên hệ che khuất tầm nhìn. Tiến sĩ Stanton Peele - nhà tâm lý học nổi tiếng, cho biết khi nhìn nhận bằng quan điểm đạo đức lớn hơn, con người có thể đối mặt và vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất trong cuộc đời. Thực tế, Peele chứng minh có hệ thống rằng khả năng gắn kết với những giá trị đạo đức có thể dự đoán được ai là người có thể từ bỏ thói quen và sở thích tốt hơn bất kỳ biến số nào. Peele đã tìm ra những cá nhân học được cách tái kết nối giá trị thực đã bị tách khỏi hành vi hiện tại để vượt qua những thói nghiện ngập cocaine, heroine, mại dâm, cờ bạc, v.v…
Ở Delancey, Mimi Silbert đã làm theo lời khuyên của Peele bằng cách giúp đỡ những cư dân liên hệ hành vi hàng ngày của họ với những giá trị đạo đức. Như đã nói ở trước, khi các cư dân mới tới Delancey, họ được phân công kiểm soát lẫn nhau. Các cư dân mới coi hành động này là “phản bạn” và là một điều đáng khinh. Kẻ tử tế không bao giờ làm như vậy. Chính vì thế, không ai thực hiện. Nếu bất cứ ai tiến về phía cửa khuôn viên Delancey nhằm thực hiện một mánh khóe nào đó, thì những người còn lại sẽ yêu cầu họ phải trung thành và im miệng. Họ sẽ tiếp tục làm như vậy trừ phi họ có thể thay đổi suy nghĩ về thuật ngữ hành vi “phản bạn” thành một từ mang ý nghĩa đạo đức tích cực hơn. Có như vậy, họ mới sẵn sàng chống lại mọi hành vi vi phạm luật lệ.
Silbert đã giúp họ thực hiện được điều đó. Bà đã tái tạo thói quen báo cáo vi phạm với những người có trách nhiệm thành một hành vi mang tính quyết định, thậm chí là một sứ mệnh với những ý nghĩa đạo đức sâu xa. Bà không chỉ nói về quy tắc đạo lý mà còn ủng hộ nhiệt thành. Bà nói:
Biện pháp mà chúng tôi sử dụng hơi khác lạ. Chúng tôi luôn nói về đạo đức. Dù học ngành tội phạm học và tâm lý học, tôi vẫn tiếp cận những vấn đề này như thể tôi không biết gì về nguyên nhân gây ra những hành vi phạm tội. Chúng tôi chỉ nói: “Đây là gia đình, là ngôi nhà của chúng ta. Trong nhà của mình, đây là điều chúng ta tin tưởng, là điều chúng ta sẽ làm và đây là lý do tại sao. Nếu bạn đưa những người khác vào đây, nó sẽ giúp họ. Chúng ta làm thế vì chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau cùng thành công”. Chúng ta phát triển một cộng đồng dựa trên những quan niệm đạo đức đơn giản và sau đó tạo thành những quy tắc hiệu lực đến mức cả cộng đồng sẽ duy trì chúng.
Silbert tin rằng nếu người ta có thể biến hành vi của mình thành một sứ mệnh đạo đức quan trọng và tổng quát hơn, họ có thể làm được mọi điều, kể cả từ bỏ tội ác, ma túy hay bạo lực.
Hãy nghe bà lập luận. Bà làm việc với những người không có lòng tự trọng khi bước vào Delancey, vì vậy, bà phải dạy họ cách lấy lại giá trị bản thân bằng cách liên hệ với sứ mệnh đạo đức tổng quát. Bà giải thích: “Tôi không thích cụm từ lòng tự trọng. Nếu bạn không tôn trọng bản thân, bạn sẽ xé mình ra thành từng mảnh. Không ai mang lại cho bạn giá trị này cả. Sự tôn trọng bản thân cũng không phải là kết quả của việc ngồi trong nhóm của mình và để người khác nói ‘tôi cảm thấy hài lòng về anh’… Chính bạn phải tự thuyết phục bản thân rằng mình là người tốt, và điều đó tốn rất nhiều công sức.
Nhưng bạn không thể tự làm được điều này. Bạn đạt được nó không phải nhờ sự giúp đỡ của người khác mà bằng cách giúp người khác. Khi là người giúp đỡ, bạn sẽ coi trọng bản thân mình. Vậy các bạn sẽ chống lại những ai vi phạm hay không? Chắc chắn là các bạn sẽ làm như vậy. Khi làm thế, bạn sẽ tôn trọng chính mình vì bạn sẽ cảm thấy mình có ý nghĩa khi chính mình là ý nghĩa đối với người khác.”
Tiến sĩ Silbert liên hệ hành vi trong trường hợp hành vi ban đầu được đặt tên bằng một thuật ngữ tiêu cực (“phản bạn”) với những hậu quả, giá trị và ý thức chung về đạo đức. Biện pháp này có tác dụng không? Cách khích lệ đạo đức kiểu truyền thống này có giúp cư dân Delancey ý thức được trách nhiệm và tính tự chủ của mình không? Delancey không có bảo vệ, không có khóa, không có sự kiềm chế. Đây là nơi hội tụ của hàng nghìn trường hợp thành công.
Chú ý tới hậu quả liên quan đến con người
Chúng ta đang cố gắng biến những hành vi tốt thành niềm vui thật sự và tránh những thói quen xấu. Để làm được điều này, chúng ta phải giúp mọi người thấm nhuần những giá trị và sứ mệnh đạo đức tổng quát với vai trò là phương tiện biến những hành vi tẻ nhạt thành những hoạt động vui vẻ.
Bây giờ, hãy lật ngược vấn đề. Người ta đang làm những điều sai trái như lạm dụng người khác mà không cảm thấy cắn rứt lương tâm. Khi sử dụng từ lạm dụng, hãy xét nó theo nghĩa rộng. Ngoài những tội ác gây ra cho con người, chúng ta bổ sung nghĩa “sự thờ ơ” trước những nhu cầu chính đáng của khách hàng, không quan tâm đến những thiệt hại về người, hay đỗ xe ở nơi dành cho người tàn tật để rẽ vào cửa hàng rau.
Làm thế nào con người lại dễ dàng tách rời hành vi của họ khỏi những hậu quả mà họ gây ra? Các bậc thầy xoay chuyển có thể làm gì để giúp mọi người kết nối hành vi của họ với những kết quả và khi đó, sẽ tái kết nối những giá trị luân lý của họ trong việc tôn trọng mọi người?
Trước hết, cần tìm hiểu xem người ta có thể lợi dụng người khác mà không cảm thấy cắn rứt lương tâm như thế nào. Cơ chế cho phép họ hành động sai mà không bị trừng phạt thực ra rất dễ hiểu. Khi không tôn trọng người khác, chúng ta sẽ dễ dàng đối xử thiếu suy nghĩ với họ. Chúng ta nên đối xử tốt với những người tốt.
Albert Bandura đã chứng minh sự coi thường sinh mạng con người có thể nguy hiểm đến mức nào. Ông hỏi: “Liệu một người tốt có thể trở thành kẻ phạm tội không nếu nạn nhân của họ là người phi nhân tính?” Sau đây là quá trình nghiên cứu tìm lời giải đáp cho câu hỏi này.
Bandura nói với các đối tượng nghiên cứu rằng họ đang giúp ông đào tạo các sinh viên ở một trường đại học gần đó bằng cách gây giật điện nếu sinh viên mắc lỗi khi thực hiện một nhiệm vụ. Bảng điện gồm 10 mức tăng dần tương ứng mới 10 mức phạt. Trước khi bắt đầu nghiên cứu, các đối tượng được chủ ý cho “nghe lỏm” một người trợ lý nói với người thực hiện thí nghiệm. Người trợ lý nói một trong 3 câu sau:
Trung tính: “Những đối tượng từ trường khác đang ở đây.”
Nhân tính: “Những đối tượng từ trường khác đang ở đây. Các em có vẻ rất ngoan.”
Phi nhân tính: “Những đối tượng từ trường khác đang ở đây. Trông bọn chúng đáng sợ chẳng khác gì lũ súc vật.”
Từ đó, Bandura không bắt buộc các đối tượng sử dụng bảng điều khiển điện. Họ hoàn toàn được tùy ý quyết định. Kết quả thu được như sau: những đối tượng tưởng tượng nạn nhân của mình như những con vật liên tục tăng mức giật điện theo mỗi lần phạm lỗi, phạt nạn nhân nhiều hơn những đối tượng nghe được câu trung tính. Những đối tượng nghe được câu nhân tính thì chỉ gây giật điện lên nạn nhân ở mức thấp.
Một câu nói phi nhân tính cũng đủ để khiến một người tốt trở thành kẻ phạm tội.
Tiến sĩ Don Berwick ‒ lãnh đạo Chiến dịch Cứu 100 nghìn Mạng sống IHI, cũng xác định được chúng ta thường xuyên coi thường giá trị con người và hoàn cảnh của họ bằng việc biến họ thành những dữ liệu thực tế khô cứng. Trong trường hợp này, Berwick giải thích những vấn đề về an toàn có thể bị những chuyên viên chăm sóc sức khỏe vô tình coi nhẹ khi họ không quan tâm tới giá trị con người.
“Những chuyên viên này không phải là những người xấu, nhưng họ có thể bị cách ly”. Điều tất yếu sẽ xảy ra. Họ thường phải đối phó với hàng loạt các con số đòi hỏi họ phải giải quyết ngay lập tức. Sự quá tải thông tin đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này nhưng quan trọng hơn là chất lượng thông tin vô hình đã biến những thảm họa của con người thành các con số và sự kiện.
Hầu hết các chuyên viên y tế đều lấy thông tin dưới dạng các con số khô cứng. “Chính sự trừu tượng này đã giết chết năng lượng mà tôi cần”, Berwicks tiếp tục giải thích. “Khi những nỗi đau của con người bị quy thành những bảng tính hay đồ thị thì những vấn đề thuộc bản chất đã bị mất đi. Khi một chuyên viên nhìn vào một con số trong bảng tính, chứ không phải là một bệnh nhân với vết thương sâu hoác thì anh ta dễ dàng tưởng tượng rằng kết quả sẽ không tệ đến mức này.”
Chính vì hạ thấp giá trị con người mà các chuyên viên dễ dàng trở nên vô cảm với những dữ liệu về sự an toàn của bệnh nhân. Thay vì điều trị đặc biệt hoặc ưu tiên bệnh nhân, các chuyên viên thường coi họ như những con số trên bảng tính được sắp xếp theo thứ tự.
Berwick giúp các chuyên viên tái liên hệ những nhân tố người trong mỗi vấn đề an toàn sức khỏe bằng cách tạo những trải nghiệm thay thế và trải nghiệm trực tiếp hiệu quả. Như đã giải thích ở phần trước, Berwick dựa vào chuyện kể và những sự kiện có yếu tố cảm xúc có ý nghĩa để tăng khả năng tạo ra sự thay đổi. Nếu ông thuyết phục quá nhiều bằng lời nói, đặc biệt là các con số và sự kiện, ông sẽ đánh mất cả lòng tin lẫn sức mạnh. Có một điều trái ngược là khi muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của một tai họa lên một người nào đó, một người có tên và khuôn mặt đầy đủ, bạn lại có xu hướng thu thập hàng loạt tai họa tương tự để biến chúng thành con số “ấn tượng”. Làm như vậy là bạn đã tước đi tên, khuôn mặt và các giá trị người; kết quả là bạn cũng đánh mất khả năng tạo xoay chuyển.
Tiến sĩ Berwick không bao giờ mắc sai lầm này. Ông giúp các nhà điều hành bệnh viện tạo ra những trải nghiệm thay thế bằng việc yêu cầu họ “Tìm một bệnh nhân bị thương trong bệnh viện của các ngài và điều tra về vết thương của họ. Không được giao việc này cho ai khác. Các ngài hãy tự mình thực hiện. Khi xong việc, các ngài hãy trở lại đây và kể lại câu chuyện của mình.” Các nhà điều hành mà Berwick đang cùng làm việc đã biết các con số thống kê về các trường hợp thương vong đột ngột ở bệnh viện. Nhưng điều khiến họ khát khao nâng cao chất lượng của bệnh viện từ sau kinh nghiệm đó chính là trải nghiệm sống động họ có được khi tiếp xúc với những trường hợp thương vong đáng tiếc. Họ không thể tách rời giá trị đạo đức như khi sử dụng những con số thống kê không có tình người như trước bởi giờ đây họ biết đến một cái tên.
Bây giờ, hãy áp dụng cách này vào một công ty. Nếu bạn là người lãnh đạo muốn dập tắt những mâu thuẫn, tăng cường hợp tác và nâng cao hoạt động nhóm trong toàn công ty thì hãy ghi nhớ những điều sau: Việc tách rời giá trị luân lý luôn đi kèm với hành vi chính trị, hiếu thắng và tư lợi. Bạn có thể thường xuyên thấy hình thức tách rời giá trị luân lý này qua cách gắn mác (“công ty”, “lĩnh vực” và “họ”) được sử dụng để làm giảm giá trị người của các cá nhân hay nhóm nào đó. Hãy từ bỏ thái độ thờ ơ khi miêu tả người khác và hãy gọi người khác bằng tên và tôn trọng nhu cầu của họ.
Giành thiện cảm bằng việc tôn trọng sự lựa chọn
Hãy suy nghĩ một chút về chiến thuật. Khi bạn cố gắng giúp người khác tìm được niềm vui từ những hoạt động lành mạnh, bạn cần lựa chọn chiến thuật cẩn thận. Khi giúp người khác tái liên hệ các hành vi với những giá trị lâu dài hay niềm tin về đạo đức, bạn thường có xu hướng thuyết giảng hay điểu khiển và kết quả là bị phản đối. Càng cố điều khiển người khác thì bạn càng không đạt được kết quả. Điều này đặc biệt đúng đối với những người nghiện ngập. Họ chán ngấy những lời thuyết giảng từ những người thân, những chương trình đài phát thanh tuyên truyền từ các chuyên gia và cảm thấy buồn nôn khi những đức cha thuyết giảng một tràng dài về những hành động hủy hoại bản thân của họ.
Tuy nhiên, những đối tượng này có khả năng chống cự lại những lời khuyên ngăn hết mực của những người thân vì họ không vô tình bị tách rời khỏi giá trị đạo đức mà họ cố ý tách rời. Họ thiếu liên hệ giữa hành động và giá trị nên công khai phản ứng dữ dội những ai có ý muốn thay đổi họ. Sự thuyết phục bằng lời nói và những thủ thuật điều khiển khác đều vô hiệu đối với những đối tượng này.
William Miller ‒ một tác nhân xoay chuyển, đã tìm ra cách giúp người nghiện ma túy liên hệ với giá trị đạo đức và phương pháp này đã đem lại hiệu quả rõ rệt đối với thói quen khó bỏ này. Việc nghiên cứu có quy mô này được bắt đầu bằng một câu hỏi đơn giản: “Cái nào tốt hơn, thêm hay bớt biện pháp chữa trị?” và ông nhận thấy việc kéo dài thời gian điều trị là điều không cần thiết. Tất nhiên, khám phá này khiến ông bị hầu hết mọi người trong ngành phản đối. Sau đó ông hỏi: “Liệu có một phương pháp điều trị nào hiệu nghiệm hơn tất cả các phương pháp khác?” và nhận ra phương pháp cũng không phải là vấn đề quan trọng.
Đi ngược lại với phương pháp truyền thống của các đồng nghiệp trong ngành, ông khám phá một điều thú vị, một khác biệt quan trọng. Khác biệt này nằm ở điều nhà tư vấn không làm thay vì điều nhà tư vấn làm.
Một quan niệm sai lầm phổ biến trong việc tư vấn đó là đối đầu sẽ tạo ra thay đổi. Chứng kiến rất nhiều cuộc can thiệp và can ngăn của gia đình hay của các nhà tư vấn đối với bệnh nhân, Miller nhận thấy sẽ không có tác dụng khi buộc người khác phải đối đầu với những thói quen của mình trong khi bản thân những người khuyên can họ lại ác cảm với những thói quen đó. Trong một nghiên cứu, ông phát hiện chính sự đối đầu sẽ khiến người nghiện rượu càng thêm nghiện ngập hơn. Điều này đưa Miller đi theo một hướng khác. Ông bắt đầu tìm hiểu điều ngược lại. Điều gì sẽ xảy ra nếu các nhà tư vấn chỉ giúp bệnh nhân của mình tìm ra điều họ muốn thay vì điều người khuyên can muốn?
Với câu hỏi này, Miller phát hiện cách tốt nhất giúp bệnh nhân tái liên hệ những hành vi không lành mạnh của mình với những giá trị lâu dài là không được cố gắng điều khiển suy nghĩ và hành vi của họ. Lý lẽ phải được thay bằng sự cảm thông, thuyết giảng phải được thay bằng những câu hỏi. Làm như vậy, bạn sẽ thay đổi được họ. Khi ngừng cố gắng thuyết phục người khác làm theo ý mình, bạn sẽ loại bỏ được việc chống lại sự kiểm soát đó. Hãy tránh những bất đồng không cần thiết khi muốn chứng minh xem quan điểm của ai đúng.
Khám phá này đưa Miller đến một phương pháp xoay chuyển mang tên phỏng vấn khích lệ. Bằng cách khéo léo đưa ra những câu hỏi mở và không định hướng, các nhà tư vấn tâm lý có thể giúp bệnh nhân nhận ra điều quan trọng nhất với họ và những thay đổi trong cuộc sống họ cần thực hiện để sống theo những giá trị của mình. Khi bạn nghe và họ nói, họ sẽ tự biết họ cần làm điều gì. Sau đó, họ sẽ tạo ra những thay đổi cần thiết.
Đã có hàng chục nghiên cứu chứng minh phương pháp của Miller có hiệu quả trong việc giúp bệnh nhân cai được rượu, thuốc, ma túy, tránh được những hành vi rủi ro về HIV, vượt qua những thất bại trong chế độ ăn kiêng, cải thiện việc tuân thủ quá trình điều trị tâm lý và thực hiện các bài luyện tập. Ngoài ra, sức mạnh của phương pháp phỏng vấn khích lệ không chỉ giới hạn trong lĩnh vực điều trị. Các nhà lãnh đạo tài giỏi cũng đạt những kết quả tương tự khi họ chuyển từ việc áp đặt sang đối thoại.
Ví dụ, Ralph Heath, hiện là chủ tịch tập đoàn Hàng không Martin Lockheed, từng đảm nhận việc sản xuất máy bay phản lực chiến đấu F-22 đời thứ năm trong 18 tháng. Để làm được việc này, ông đã thuê 4.500 kỹ sư và kỹ thuật viên có thói quen phát triển ý tưởng trong công việc. Heath đã phải thuyết phục họ rằng kết quả quan trọng hơn ý tưởng và công việc kỹ thuật cần tập trung vào sản xuất. Thuyết phục bằng lời sẽ không đi đến đâu cả.
Vì thế, Heath không nói nhiều mà chỉ lắng nghe. Trong nhiều tuần, ông phỏng vấn nhiều nhân viên ở các cấp khác nhau. Ông cố gắng hiểu nhu cầu, khó khăn và nguyện vọng của họ. Khi bắt buộc phải sử dụng mệnh lệnh, ông cố gắng điều chỉnh sao cho mệnh lệnh đó cũng phải thể hiện sự tôn trọng nhu cầu, mối quan tâm và mục tiêu của các đồng nghiệp. Sức mạnh xoay chuyển của ông không chỉ là kết quả của việc đối mặt với vấn để mà còn từ việc lắng nghe người khác.
Bài học kinh nghiệm William Miller truyền lại cho chúng ta chính là người ta không thể ép buộc trái tim thay đổi mà chỉ có thể lựa chọn nó. Người ta sẵn sàng hy sinh khi những hành động gắn chặt với các giá trị của riêng họ. Mặt khác, họ sẽ chống đối kịch liệt sự ép buộc. Sự khác nhau giữa hy sinh và trừng phạt không phải là mức độ đau đớn mà là phạm vi lựa chọn.
Giám đốc điều hành của Công ty Sản xuất Thiết bị Y tế Guidant, Ginger Graham, đã học được điều này qua một cuộc khủng hoảng. Khi công ty đưa vào thị trường dụng cụ nong mạch máu (dụng cụ stent), doanh số bán hàng tăng vùn vụt. Graham đã ghi lại điều này trong bài báo tháng Tư năm 2002 trên tờ Harvard Business Review với nhan đề: “Nếu bạn muốn thành thật, hãy phá vỡ quy tắc”. Chỉ qua một đêm, mức cầu về dụng cụ stent vượt xa mức cung. Điều này xảy ra khi kỳ nghỉ đang đến gần. Các Giám đốc điều hành nhận thấy để đáp ứng nhu cầu cho đến khi các nguồn sản phẩm khác được quảng cáo đòi hỏi phải có ba ca làm việc vào tất cả các ngày trong tuần. Graham chỉ cần đưa ra kế hoạch công việc và yêu cầu mọi người thực hiện nhiệm vụ. Nhưng cô biết điều này sẽ không hiệu quả. Không những đó là sự bất công đối với nhân viên của mình khi áp đặt họ làm việc vào thời gian nghỉ mà còn có thể khơi lên sự phẫn nộ và giảm năng suất.
Vì thế, Graham chỉ đề nghị. Tại buổi họp toàn công ty, cô khen ngợi công việc đã mang lại thành công tuyệt vời. Cô công bố doanh số bán hàng, đọc những kinh nghiệm thành công từ các bác sĩ khi sử dụng dụng cụ stent để tránh phẫu thuật cấy ghép động mạch vành và cứu sống bệnh nhân. Cô ước tính doanh số bán hàng và cho thấy nếu cung không tăng nhanh thì sẽ không đáp ứng được cầu. Sau đó, cô đưa ra đề nghị: “Chúng ta đã có cơ hội để thực hiện điều (cho bệnh nhân và cho bản thân chúng ta) mà từ trước tới giờ không một công ty nào trong ngành làm được. Chúng ta phải vượt qua thử thách này. Nếu các bạn cùng vượt qua thử thách, chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cuộc sống của các bạn tốt hơn trong thời buổi khó khăn này.”
Trong nửa giờ, nhân viên của cô đã lập một danh sách mà ban quản lý có thể giúp họ trong kỳ nghỉ, bao gồm phụ cấp tiền mua quà, gói quà, miễn phí taxi giờ muộn, đặt mua pizza, v.v... Cùng với danh sách này, các nhân viên đã thực hiện một hợp đồng với nhà quản lý. Trong một quý, tổng doanh số bán hàng tăng gần gấp ba lần. Các nhân viên được hưởng một khoản tiền thưởng hậu hĩnh. Nhưng quan trọng hơn, những người trải qua kinh nghiệm này đều cảm thấy họ là người quan trọng bởi họ được phép lựa chọn.
Điều mà Miller, Heath và Graham học được là bạn có thể thay đổi một nhóm người bướng bỉnh nhất nếu bạn sẵn sàng dẹp bỏ quyền hành. Khi dẹp bỏ quyền hành, bạn có thể xoay chuyển cả những hành vi ăn sâu vào nếp sống của người khác. Bạn có thể có được động lực mạnh nhất của con người, đó là sức mạnh của một trái tim thiết tha.
TÓM TẮT: SỰ HÀI LÒNG NỘI TẠI
Giúp người khác cảm thấy thật sự hài lòng từ hành vi đúng đắn hay cảm thấy không hài lòng vì hành vi sai trái đòi hỏi nhiều chiến thuật xoay chuyển. Với những cá nhân cảm thấy khó chịu khi phải thực hiện những hành vi mà người khác yêu cầu, đơn giản hãy khiến anh ta tham gia hoạt động với chính hành vi đó. Ví dụ trường hợp anh bạn thừa cân Henry, anh đã học được cách thích những loại thức ăn có lợi cho sức khỏe và hứng thú với việc thực hiện những bài luyện tập.
Khi bạn thử nghiệm một hành động mới, hãy tập trung vào cảm giác thành công gắn với kết quả của hành động đó. Hãy cố gắng đạt được mục tiêu. Hãy đánh vào cảm giác hãnh diện và tính tranh đua của con người. Với những mục tiêu lâu dài, hãy kết nối quan điểm của bạn với hình tượng họ muốn đạt tới. Ví dụ, Henry muốn được trở thành người khỏe mạnh dù hiện tại hoàn toàn không như vậy. Do đó, anh thấy cần từ bỏ thói quen cũ, tìm hứng cảm với thói quen lành mạnh mới và khích lệ bản thân để đạt một mục tiêu mới.
Khi đối phó với những hoạt động không thú vị hay không lành mạnh nhưng lại khiến người ta cảm thấy thích thú, hãy ngừng tập trung vào hoạt động đó và tái kết nối hành vi mang tính quyết định với ý thức về giá trị của mỗi người. Đừng ngại nói chuyện thẳng thắn về các giá trị cá nhân lâu dài ‒ những điều đang được theo đuổi hay bị phá vỡ.
Ví dụ, trong những tuần đầu của chế độ tập luyện, Henry cần thấy được giá trị của một cuộc sống khỏe mạnh, không quan tâm đến điều khó chịu hiện anh đang chịu đựng. Sau đó, khi việc tập luyện đã nhẹ nhàng hơn, thậm chí còn thú vị, anh sẽ thấy hứng thú với nó.
Khi một người lún sâu vào hành vi không đúng đắn, thậm chí khiến bản thân và người khác cảm thấy khó chịu, hãy giúp họ liên hệ hành động của họ với ý thức đạo đức bằng cách chống lại xu hướng xa rời đạo đức. Đừng để người khác đánh giá thấp hay bào chữa cho hành vi của họ bằng việc biến con người thành các con số thống kê.
Cuối cùng, khi đối mặt với những người chống đối mạnh mẽ, đừng cố chứng tỏ quyền lực bằng cách cho họ thấy tính logic của sự việc. Thay vào đó, hãy nói chuyện với họ về điều họ muốn. Hãy giúp họ tự tìm ra mối liên hệ giữa hành vi hiện tại và điều họ thật sự mong muốn.
Tóm lại, khi bạn cố gắng giải quyết các vấn đề, hãy nghĩ đến sức mạnh của yếu tố hài lòng thật sự. Don Berwick đã khéo léo diễn giải: “Những động lực mạnh nhất để trở nên vượt trội đều mang tính nội tại. Chúng liên quan tới tính tự chịu trách nhiệm của mọi người. Đó là cảm giác mong muốn được làm tốt công việc, được tự hào, được trở về nhà với cảm giác hạnh phúc vì đã làm được điều gì đó.” Berwick thừa nhận con người có ham muốn mạnh mẽ muốn thực hiện cái đúng. Làm chủ được khát khao bên trong chính là một công cụ xoay chuyển mạnh mẽ hơn bất cứ phần thưởng hào phóng hay sự trừng phạt ghê gớm nào.