Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 13
SỨC MẠNH CỦA MỌI NGƯỜI
Đôi khi, vấn đề mà bạn đang giải quyết lại khởi phát từ những quy tắc xã hội vốn đã tồn tại nhiều năm, thậm chí qua nhiều thế hệ. Khi những quy tắc này bắt đầu thay đổi, để hành động mà không bị chê cười hay cô lập trước tiên, bạn phải tác động lên nhận thức của mọi người về sự thay đổi đó. Những thay đổi trong hành vi phải theo sau những thay đổi trong ý kiến cộng đồng.
Tuy nhiên, bàn luận công khai về một vài quy tắc có thể là điều cấm kỵ hoặc sai phạm về chính trị. Cơ hội cho những thay đổi trong trường hợp như vậy thường rất mong manh, trừ phi có một nhà gây ảnh hưởng tài giỏi tìm được cách hợp tác với người dẫn dắt dư luận để biến những vấn đề cấm kỵ thành công khai. Hãy tìm cách chuyển hóa những chủ đề cấm kỵ thành một phần không thể thiếu trong mỗi bài diễn văn trước công chúng, và như thế, bạn sẽ sở hữu một công cụ hùng mạnh để xử lý những trường hợp khó khăn nhất.
Biến vấn đề kiêng kỵ thành cởi mở
Vào đầu những năm 1980, chúng tôi được mời đến giúp một nhóm những nhà quản lý vực lại một nhà máy sản xuất suy yếu. Nhiệm vụ của chúng tôi là tăng lợi nhuận bằng cách tăng năng suất và giảm giá thành. Năng lực sản xuất của nhà máy chỉ đạt mức dưới trung bình so với một doanh nghiệp trung bình khác. Nếu tình hình này tiếp tục, nhà máy chắc chắn sẽ phá sản.
Để tìm ra cách cải thiện năng suất, chúng tôi đã tìm gặp những nhân vật chủ chốt của công ty và đưa ra một câu hỏi: “Nếu có thể thay đổi điều gì đó quanh đây, bạn sẽ thay đổi điều gì?” Người đầu tiên trả lời là vị quản đốc đã làm việc tại đây 20 năm. Khi trả lời câu hỏi, ông ta dướn người về phía trước, hạ thấp giọng xuống và nhìn quanh hai lần xem có ai đang nghe không, rồi nói: “Chỉ có một điều cần làm. Hãy làm việc trong sáu tiếng đồng hồ bằng kỹ năng đã được tôi luyện, chúng ta sẽ thu được lợi nhuận.“
Ông ta tiếp tục giải thích rằng mặc dù đúng là có nhiều nhân viên đang cố gắng làm việc nghiêm túc nhưng lại vẫn có rất nhiều người khác đang bê trễ. Thực tế là nhiều người đã cố tình kéo dài thời gian làm việc để kiếm thêm tiền ngoài giờ. Họ thường lên lịch làm việc 10 tiếng một ngày, nhưng thực ra chỉ làm khoảng bốn tiếng. Giá như họ có thể làm được đến sáu tiếng tử tế.
Chúng tôi không thể không nhận ra bóng dáng của một điệp viên FBI trong giọng điệu và phong cách của ông quản đốc. Ông ta không muốn ai biết mình vừa đưa ra một bản cáo trạng. Mọi người đã không làm việc năng suất, nhưng đây là điều bạn không được phép lên tiếng. Thậm chí, ông ta còn yêu cầu bạn phải giữ bí mật.
Vài năm sau, chúng tôi phỏng vấn thêm hàng trăm người và tìm hiểu được hàng chục vấn đề khác, nhưng người phỏng vấn đầu tiên kia đã có lý. Ông ta đã đúng khi cho là nếu bạn nói to lên rằng mọi người đang làm việc không chăm chỉ, bạn sẽ rơi vào tình thế khó xử. Người ta sẽ buộc tội bạn gay gắt, thậm chí, họ có thể còn đe dọa bạn.
Vào kỳ bầu cử, các chính khách thường ba hoa trước máy quay về lực lượng lao động của Mỹ cùng với nội quy lao động mà họ cho là tuyệt vời nhất. Những người chúng tôi làm việc cùng đã liếc mắt khinh bỉ trước những phát biểu như vậy, nhưng họ thể hiện điều đó kín đáo. Không ai dại gì nói ra điều đi ngược với quan niệm thông thường. Khi chúng tôi kiến nghị lên ban lãnh đạo rằng chiến lược gây ảnh hưởng mà chúng tôi nghĩ đến sẽ giải quyết được vấn đề về năng suất, họ trả lời rằng chúng tôi cần diễn giải vấn đề theo những cách khác: Chúng tôi sẽ phải đào tạo các lãnh đạo “làm thế nào để khiến nhân viên có trách nhiệm”. Và chúng tôi đã làm như vậy. Tất nhiên, khi lãnh đạo khiến nhân viên chịu trách nhiệm, họ sẽ chỉ phải giải quyết vấn đề an toàn, chi phí và chất lượng vì không thể nói với nhau về năng suất. Vấn đề này không thể thảo luận được.
Năm sau, khi gia hạn hợp đồng lao động, chúng tôi kêu gọi các nhân viên phòng nhân sự đưa vấn đề năng suất ra bàn thảo trong cuộc họp công ty. Họ kiên trì làm đi làm lại công việc đó mà không đi đến đâu. Cuối cùng, công đoàn và lãnh đạo công ty yêu cầu họ rút lại chủ đề này vì nó có thể gây chia rẽ. Rồi sau đó, họ không còn bàn thêm về vấn đề này nữa.
Tại một nơi mà vấn đề năng suất được coi là “con voi trong phòng khách”, không ai trong ban cải tiến có thể bàn bạc về nó. Chính vì thế, chúng tôi đã không làm như vậy. Chúng tôi đã nói đến hàng chục vấn đề khác nhau, dạy mọi người nhiều kỹ năng khác nhau và thực hiện hàng chục thay đổi, nhưng chúng tôi chưa bao giờ giải quyết trực tiếp vấn đề năng suất. Liệu đó có phải là nước cờ thông minh? Hãy thử nhìn vào điều gì đã xảy ra đối với phần lớn các nghề kinh doanh trong vài thập kỷ qua ở Mỹ, có thể bạn sẽ đoán ra rằng sự im lặng trước vấn đề này có gốc rễ từ một sai lầm lớn.
Để xem chúng ta đáng nhẽ phải làm gì để giải quyết vấn đề năng suất, hãy quay trở lại ngôi làng Ấn Độ Lutsaan và nhìn lại cơ chế tác động lên dư luận cộng đồng thông qua chương trình kịch Tinka, Tinka Sukh trên sóng phát thanh. Mặc dù đúng là dân làng không phải đối mặt với vấn đề năng suất, nhưng họ lại vấp phải một quy tắc xã hội nghiệt ngã đã gây cho họ nhiều đau khổ, và vấn đề của họ cũng không thể bàn bạc được.
Trong Tinka, Tinka Sukh, nhân vật được yêu mến không được đi học, buộc phải kết hôn sớm và đã chết khi sinh nở. Câu chuyện bi thương này khiến thính giả của làng Lutsaan tìm cách chống lại tập tục tảo hôn lâu đời. Nhưng điều gì đã thật sự thay đổi tập quán này? Theo tiến sĩ Arvind Singhal, sức mạnh của chương trình kịch truyền thanh bắt nguồn từ khả năng biến những vấn đề không được phép thảo luận thành vấn đề công khai. Những quan niệm thâm căn cố đế bất ngờ bị đặt dấu hỏi và được đem ra bàn tán khắp mọi nơi, từ nhà ga đến các cửa hàng, và cuối cùng bị chuyển hóa.
Trước khi vở kịch này lên sóng, hàng triệu người đã gây áp lực buộc bạn bè, con cái và đồng nghiệp của họ phải tiếp tục tôn sùng những giá trị truyền thống của quá khứ. Đã có lúc, những áp lực này được đẩy lên đến cực điểm. Có người đã thay đổi quan niệm về cách đối xử với con gái, nhưng nếu để lộ ra điều này, họ sẽ bị đả kích vì đi ngược lại với truyền thống. Nhiều người nghi ngờ về những giá trị cũ và muốn thảo luận về nó, nhưng một lần nữa, điều này không thực hiện được.
Các chuyên gia giáo dục trong lĩnh vực giải trí đã áp dụng sức mạnh của những câu chuyện trải nghiệm thay thế để giải quyết vấn đề trên. Họ không lên án truyền thống đối xử với các bé gái, và sử dụng ngôn từ để thuyết phục chỉ dẫn đến sự chống đối. Nhưng các chuyên gia đã không hề nao núng. Thay vào đó, họ sáng tạo một chương trình kịch, trong đó, nhân vật được yêu mến sẽ nói về các vấn đề xã hội trong gia đình mình để hàng nghìn người khác lắng nghe. Gia đình nhân vật kịch này sẽ bàn luận với nhau về những ưu và nhược điểm của tập tục truyền thống, mỗi tập phim kết thúc bằng những câu hỏi của một người kể chuyện có uy tín.
Theo diễn tiến kịch, các gia đình trong làng cũng bắt đầu nói chuyện nghiêm túc về vấn đề được nêu lên trong vở kịch. Họ cùng nhau suy nghĩ về vấn đề, sau đó bày tỏ quan điểm của mình qua các cuộc nói chuyện với bạn bè, đồng nghiệp và gia đình. Kết quả là chủ đề đã bước từ bóng tối ra ánh sáng, từ không thể thảo luận trở thành có thể thảo luận, và điều bám sâu hàng thế kỷ bỗng chốc bị nhổ bật dưới ánh sáng của diễn đàn dư luận.
Ví dụ đặc biệt này có thể hơi xa lạ với cuộc sống của bạn, vì vậy, ta hãy xét tới vấn đề quen thuộc hơn. Rõ ràng, những người điều hành sản xuất bị cấm bàn về năng suất cũng phải tuân theo quy tắc im lặng. Chúng tôi cũng phát hiện quy tắc im lặng tương tự trong một cuộc nghiên cứu y tế kéo dài nhiều năm để tìm ra lý do lây nhiễm bệnh đáng tiếc ở các bệnh nhân nội trú.
Khi chúng tôi hỏi các y bác sĩ khoa nhi làm thế nào mà vi khuẩn lây bệnh có thể xâm nhập khu vực đặc biệt sạch sẽ này, họ thường hạ thấp giọng, mắt không nhìn thẳng và kể những câu chuyện tương tự nhau. Đầu tiên là chuyện về một vị bác sĩ hay quên mặc trang phục, đeo găng tay hay rửa tay theo quy định. Chuyện thứ hai là về một y tá khi truyền dịch cho một em bé đã để đầu ngón tay lộ ra khỏi găng tay. Cô y tá đó có lý do hợp lý để làm như vậy: tìm ven của trẻ sơ sinh rất khó nên cô phải sử dụng ngón tay để xác định. Tuy nhiên, hành động này đã vi phạm quy tắc an toàn, từ đó dễ dàng gây lây nhiễm bệnh cho các em bé.
Đến đây, chúng ta hãy dừng lại suy ngẫm một chút. Vấn đề của bệnh viện này không phải do một bác sĩ hay một y tá vi phạm nguyên tắc. Vấn đề nằm ở sự im lặng khuất phục trước sức mạnh của những quy tắc vốn không cho phép người ta lên tiếng khi đồng nghiệp của mình vi phạm quy tắc vệ sinh, an toàn hay những quy tắc y tế khác. Hiện trạng của những quy tắc xã hội đòi hỏi sự im lặng. Nếu có ai bàn về chúng, bạn phải coi chừng ngăn ngừa kiện tụng hay chế giễu. Không bao giờ được nói chuyện với người lạ về nguyên nhân thật sự. Và đây là điểm đáng được suy ngẫm hơn cả: Im lặng về quy tắc của sự im lặng sẽ duy trì chính quy tắc đó. Nếu bạn không đề cập đến vấn đề, vấn đề sẽ không đi đến đâu.
Nếu bạn đang đọc những ví dụ này nhưng lại không phải là bác sĩ, điều đó không có nghĩa là bạn đứng ngoài cuộc. Chúng tôi đã nghiên cứu mọi hình thức tổ chức và nhận thấy im lặng sẽ dung túng cho hành vi không lành mạnh. Chẳng hạn: chúng tôi đã tiến hành một cuộc nghiên cứu kéo dài một năm về quản lý dự án với chủ đề “Thất bại của sự im lặng”. Chúng tôi đã tìm hiểu về mức độ thất bại trầm trọng của những dự án, chương trình và sáng kiến cải cách. Chẳng hạn: phần lớn những chương trình giới thiệu sản phẩm, tái cơ cấu, sáp nhập và cải tiến đều thất bại hoặc gây thất vọng lớn. Có tới 90% các dự án lớn vi phạm lịch trình, ngân sách hay tiêu chuẩn chất lượng của chính họ.
Trước tình hình trên, chúng tôi đã đi tìm nguyên nhân dẫn đến những kết quả đáng tiếc này. Lúc đầu, chúng tôi được biết có 88% những người được phỏng vấn hiện đang làm việc cho các dự án và chương trình cải tiến mà họ dự đoán sẽ thất bại. Nhiều người đã thống nhất rằng cụm từ dùng để miêu tả chính xác tình trạng của dự án hiện tại là “một con tàu cũ đang lê lết.”
Sau đó, chúng tôi tìm ra các lý do khác: Hầu như không một ai được phỏng vấn cho rằng chấp nhận được việc nói thẳng về tình trạng tồi tệ hiện tại. Nhiều người cho rằng những vấn đề như tài trợ èo uột, thúc ép vô lý hay các thành viên kém động lực sẽ tiêu diệt những nỗ lực của họ, nhưng không một ai, kể cả giám đốc dự án dám công khai đưa vấn đề ra bàn luận.
Vậy các giám đốc dự án, y bác sĩ và những nhân vật thay đổi kỳ cựu có thể làm gì để giải quyết những vấn đề bức xúc của họ? Về vấn đề năng suất, chúng ta liên tục được nhắc nhở, làm mọi chuyện thêm tồi tệ và chính ta cũng không thể hiểu được cặn kẽ. Và chúng ta chỉ im lặng.
Đáng lẽ trước hết chúng ta không bao giờ được chấp nhận việc nói công khai về một vấn đề là sai trái. Những nhân vật hay chỉ trích thường cố che miệng mọi người bằng cách gán chữ “không thể bàn luận” lên chủ đề họ đang nói đến. Để chống lại quan niệm này, đáng lẽ chúng ta phải thu thập các dữ liệu để làm rõ vấn đề. Sau đó trình bày các dữ liệu đó với các nhà lãnh đạo cũng như với người dẫn dắt dư luận trong lực lượng lao động. Tiếp theo, chúng ta sẽ bàn về những hậu quả không thể tránh khỏi vốn khởi phát từ sự bất biến.
Đáng lẽ chúng ta cần bàn luận thẳng thắn về mức năng suất hiện tại cùng những nguyên nhân sâu xa của nó. Những quy tắc về năng suất cần được phá vỡ. Nhưng quan trọng hơn, quy tắc về sự im lặng cần được phá vỡ đầu tiên. Điều này cũng đúng với những trường hợp mà chúng ta đã nói đến, từ việc lây nhiễm trong bệnh viện cho đến những thất bại trong quản lý dự án. Khi bạn biến vấn đề từ bất khả đàm thành khả đàm nghĩa là bạn đang vui vẻ đón chào nó, thay vì chống lại sức mạnh của những ảnh hưởng mang tính xã hội.
Tạo ra một ngôi làng
Bây giờ chúng ta sẽ nói đến tác dụng cuối cùng của sự hỗ trợ từ phía cộng đồng. Một số vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc chỉ vì một cái nhìn của một người lạ trong bộ áo khoác trắng của phòng thí nghiệm. Những thách thức kiểu như vậy lớn đến mức cần có sự chỉ dẫn từ những người dẫn dắt dư luận. Những vấn đề sẽ tan biến sau khi những người dẫn dắt dư luận lồng ghép những chủ đề bất khả đàm vào các diễn đàn dư luận.
Nhưng còn hơn thế nữa, vẫn có những vấn đề ăn sâu đến mức chúng không chịu biến mất ngay cả khi mọi người đã cùng nhau bàn luận cởi mở và thực hiện những quy tắc mới. Chẳng hạn: có những thay đổi cá nhân quan trọng đến mức sau khi thực hiện một loạt hành vi mới, những cá nhân này sẽ biến thành những người hoàn toàn khác. Mức độ chuyển hóa này đòi hỏi sự hợp lực của cả một làng và cần chú ý tới sự hỗ trợ mang tính xã hội của mọi người. Và đến khi đã hình thành được một ngôi làng, một lần nữa tiến sĩ Silbert sẽ là người dẫn đường.
Đó là ngày lễ tốt nghiệp tại Delancey. Tất cả 500 cư dân ở đây đang tập hợp tại phòng chính, tiếng cười đùa vang lên khắp nơi, ai nấy đều rất vui vẻ. Sau khi rời khỏi đây, một số cư dân sẽ chuẩn bị nhận những trách nhiệm mới. Một số khác sẽ đi tìm việc, có người lại tiếp tục con đường học vấn. Nhiều bạn trẻ sắp có chứng chỉ về bảo dưỡng máy móc. Ngày lễ tốt nghiệp ở đây được tổ chức chu đáo chẳng khác gì lễ nhận bằng tốt nghiệp đại học.
Họ đang ngồi đợi buổi lễ bắt đầu. Những người chưa bao giờ tham dự lễ tốt nghiệp sẽ cảm thấy rất ngại. Họ biết mình sẽ bị gọi tên và đứng trước 499 người còn lại, và lúc ấy họ không biết mình phải làm gì. Họ sẽ phải nói mình đã tốt nghiệp khóa bảo dưỡng máy móc, đã làm rất tốt công việc và giờ được phân công làm việc trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Thật đáng chúc mừng!
Rồi đột nhiên, họ nghe thấy một âm thanh lạ đang hướng về phía mình. Trong những tràng vỗ tay cổ vũ, họ ngại ngùng cảm nhận thấy sự dễ chịu đang lan tỏa trong mình.
“Đó là khoảnh khắc tuyệt vời nhất”, Silbert nói, “Họ khóc trong những tràng pháo tay vang dội. Bạn sẽ thấy một anh chàng cao lớn lúng túng không biết phải đặt tay mình ở đâu. Và đó là điều tốt đẹp nhất trên thế gian này.”
Thực chất đó là điều gì vậy? Silbert biết cách chinh phục kẻ thù số một của mình. Hành vi trước đó bị coi là phạm pháp, vô đạo đức và chống đối xã hội đòi hỏi phải có hệ thống trợ giúp xã hội hùng mạnh. Những tên tội phạm luôn kết thành băng đảng. Vì vậy, đi kèm với hành vi khác biệt và lành mạnh mà mỗi cư dân Delancey phải thực hiện là một hệ thống xã hội đặc biệt không kém. Đó chính là điều mà Silbert đã mang lại. Delancey là môi trường mà ở đó các cư dân được đắm mình trong không gian văn hóa mới mẻ được tạo thành từ những kỳ vọng tốt đẹp.
Ngay từ ngày đầu tiên, các cư dân đã phải tuân thủ các hình thức khen thưởng và trừng phạt liên tiếp. Một trong những hành vi mang tính quyết định tại Delancey đòi hỏi các cư dân phải làm theo đó là kiểm soát lẫn nhau. Silbert đã cố gắng rất nhiều trong việc thiết kế hệ thống phản hồi tích cực – tiêu cực và áp dụng trong đời sống hàng ngày. Vì sự phản hồi thường xuyên và rõ ràng thường bắt đầu từ những người có cùng trải nghiệm nên những cư dân mới sẽ khó lòng chối bỏ những phản hồi dành cho họ.
Một trong những điều làm nên sức mạnh thay đổi khổng lổ của Delancey bắt nguồn từ thực tế là có tới 20-30 nhà lãnh đạo biết tường tận mọi chuyện xảy ra với mỗi cư dân. “Nếu mẹ bạn mất”, James – một cư dân Delancey nói, “những người khác sẽ biết và sẽ đến hỏi thăm: ‘Anh có ổn không?’. Chúng tôi luôn theo dõi nhau. Nếu không quan sát nhau, chúng tôi sẽ thụt lùi.”
Sự phản hồi tích cực – tiêu cực liên tiếp từ những người sống quanh họ khiến các cư dân Delancey nhận thấy rằng thay đổi chính là con đường ít trở ngại nhất. Đó chính là lý do vì sao 90% cư dân tại Delancey luôn gìn giữ những thay đổi mà họ vừa tạo ra trong suốt phần còn lại của cuộc đời.
Thế nhưng, nếp sống mới này không hề kìm kẹp ai cả. Nếu muốn ra đi, bạn chỉ cần bước chân qua cánh cửa đang rộng mở. Không ai cấm bạn phải buộc chân mình ở Delancey. Chìa khóa ở đây là để cho mọi người ra ngoài chứ không phải nhốt mình suốt ngày trong nhà. Nhưng một sức hút nam châm kỳ lạ, mới mẻ và hữu hiệu đã gắn các cư dân lại với nhau trong một hệ thống xã hội mới. Lần đầu tiên trong đời, những kẻ trước kia từng nghiện ma túy, trộm cắp, ăn cướp sống chung trong một cộng đồng quan tâm đến nhau vì sự phát triển lâu dài. Chắc chắn các cư dân sẽ không thể quen ngay với những lời chỉ dẫn, họ sẽ lạnh lùng chấp nhận, nhưng thẳm sâu trong họ là sự quan tâm đặc biệt. Và khi họ đạt được mục tiêu hàng ngày, hàng tuần, họ sẽ được khen ngợi và cổ vũ.
Tuyệt vời hơn, lần đầu tiên trong đời, các cư dân Delancey thuộc về một đơn vị xã hội có chức năng thúc đẩy những hành vi hướng thiện. Trước kia, đồng bọn của họ (thường là thành viên các băng đảng) chỉ muốn lợi dụng họ, họ tự tách mình khỏi cuộc sống để lao vào sự kìm kẹp của thù oán và tù tội. Giờ đây, những người bạn mới của họ là những người bạn thật sự. Họ thật lòng mong muốn chuyển hóa lẫn nhau để trở thành những người tốt và tiếp tục cuộc sống đời thường trong xã hội.
Chiếc chìa khóa Delancey sử dụng cũng chính là chiếc chìa khóa giúp ta đi đến với nguồn sức mạnh gây ảnh hưởng trong xã hội. Hãy tạo nên một môi trường trong đó những người lãnh đạo vừa thân mật, vừa nghiêm khắc, thường xuyên khích lệ thực hiện hành vi mang tính quyết định và khéo léo xử lý những hành vi tiêu cực. Và khi đó, sự chuyển hóa nhân tâm xảy ra vô cùng màu nhiệm.
Tất nhiên, không phải ai cũng có thể ngay lập tức tạo ra được một mạng xã hội mới, nhưng có những yếu tố xã hội trong công trình của Silbert có thể được áp dụng đối với bất cứ nỗ lực gây ảnh hưởng nào. Những tên tội phạm được chuyển hóa không phải là những người duy nhất có cảm xúc đối với lời khen ngợi. Nhu cầu được chấp nhận và tôn trọng vốn ẩn sâu trong tiềm thức chúng ta và ảnh hưởng tới tất cả mọi người.
Tiến sĩ Don Berwick và nhóm làm việc của mình thường có khả năng gây ảnh hưởng đến một trong những nhóm người có vị trí trong xã hội, đó là các bác sĩ và chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Dù vậy, ông không ngại khen ngợi và nói về những thành công của họ. Ví dụ, khi xuất hiện trên Dateline, ông luôn đi cùng một bác sĩ và lãnh đạo ngành y tế – những người đang thực hiện những hành vi mang tính quyết định và cứu giúp bệnh nhân. “Tôi đã biết từ lâu”, Berwick nói với chúng tôi, “rằng lời khen được chia thành vô vàn những phần nhỏ. Hãy phân phát mỗi khi bạn nhận được lời khen ngợi, vì bạn sẽ còn lại rất nhiều.”
TÓM TẮT: SỰ ỦNG HỘ XÃ HỘI
Những người có uy tín và gần gũi với mọi người có khả năng ảnh hưởng lớn đến bất cứ nỗ lực thay đổi nào. Trong những hoàn cảnh khó khăn, người ta dễ dàng đi theo chỉ dẫn của người có uy tín. May thay, “sức mạnh của một người” cũng có thể áp dụng để khích lệ những hành vi có lợi cho xã hội.
Khi một hành vi cần được thực hiện gặp khó khăn trong việc triển khai, “sức mạnh của một người” – người dẫn dắt dư luận – nằm trong việc thuyết phục mọi người ủng hộ thực hiện cái mới. Hãy tìm cách nhận dạng và hợp tác với những nhân vật quan trọng này. Nếu bạn không để ý tới họ, nỗ lực thay đổi của bạn sẽ gặp nhiều rủi ro.
Đôi khi, ta cần thay đổi những chuẩn mực phổ biến. Trước khi cộng đồng đón nhận một đề xuất thay đổi hành vi, họ cần có cơ hội bàn luận cởi mở về đề xuất đó. Lúc này cần có các diễn đàn tự do ngôn luận. Phe phản đối sẽ cho rằng diễn đàn như vậy không hợp lý, thậm chí, họ còn tuyên bố rằng chủ đề của diễn đàn là chủ đề kiêng kị. Hãy bỏ qua những người im lặng không lên tiếng. Hãy cẩn trọng khi bàn luận những vấn đề gây tranh cãi và nhiều rủi ro.
Cuối cùng, có những thay đổi cần sự trợ giúp của tất cả mọi người trong cộng đồng. Trên con đường giải thoát khỏi những thói quen đang tồn tại trong xã hội, ta cần được “nhổ” khỏi hệ thống cũ và được đặt trong một hệ thống xã hội mới, trong đó, các thành viên đều hỗ trợ nhưng đồng thời tương phạt lẫn nhau. Tiến sĩ Silbert sẽ chỉ cho chúng ta con đường để thực hiện điều phi thường này. Không một chiến lược gây ảnh hưởng nào ít tính chia rẽ mà lại đạt được kết quả màu nhiệm như vậy.
Hóa ra, chính mong muốn được chấp nhận, tôn trọng và gần gũi là sợi dây kéo trái tim con người gần nhau hơn. Và với phần đông chúng ta – các nhà quản lý, các bậc phụ huynh và các huấn luyện viên – hãy học cách kết hợp với sức mạnh màu nhiệm này, bạn có thể thay đổi mọi thứ.