Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 14

7. TÌM THẤY SỨC MẠNH TRONG CÁC CON SỐ NĂNG LỰC XÃ HỘI

Đừng bao giờ theo đuổi cái mũ của mình – có người sẽ vui mừng khi làm như vậy; tại sao lại tước đoạt niềm vui ấy của họ?

— MARK TWAIN —

Chúng tôi bắt đầu chương này bằng một ví dụ về cách các cá nhân giúp đỡ nhau giải quyết vấn đề và đạt mục tiêu. Cách thức đó dựa trên sự tương tác xã hội, nhờ một tác nhân gây ảnh hưởng quan trọng và uy tín, xảy ra ở rất nhiều nơi trên thế giới.

Trong một căn nhà lợp tôn sạch sẽ tại một ngôi làng nhỏ ở miền trung Ấn Độ, chúng tôi thấy năm bà nội trợ – Tanika, Kamara, Damini, Payal và Sankul đang tham dự một cuộc họp quan trọng. Mỗi người sẽ được chọn một công việc kinh doanh để khởi nghiệp nhờ một khoản vay nhỏ từ SKS một hãng tín dụng địa phương.

Mặc dù cả năm người này chưa từng đi làm hay theo học một khóa học kinh doanh nhưng họ phải chăm sóc, quán xuyến gia đình mà không có sự hỗ trợ của các ông chồng và không ai nói cho họ biết cần bắt đầu ngành kinh doanh gì. Họ sẽ phải cùng nhau thiết lập ngành kinh doanh cho chính mình.

Hôm nay, Tanika là người đầu tiên bắt đầu công việc kinh doanh của mình. Chị khao khát bắt tay vào việc vì giống như nhiều phụ nữ khác ở đây, chị sống trong cảnh bần hàn cơ cực.

“Có lẽ tôi sẽ bắt đầu bằng nghề buôn trứng như chị Chatri, bạn tôi”, Payal ngại ngùng đề xuất.

“Không thể buôn trứng được”, Sankul giải thích, “Chị phải có rất nhiều tiền mới đủ đấy. Chúng ta hãy nghĩ đến việc gì đó cần ít vốn hơn đi.”

“Chị họ tôi, Mitali, đã rất thành công nhờ chiếc xe tải đi thuê đấy”, Kamura hào hứng nói.

Sankul lại giải thích tiếp: “Việc này thậm chí còn cần số vốn lớn hơn. Mà chị họ của chị cũng phải làm việc 5 năm mới trả hết khoản tiền nợ đã vay cho chiếc xe đó. Chúng ta mới vào nghề nên cần bắt đầu bằng số tiền nhỏ hơn thế.”

“Tôi có một ý thế này!” Damini lên tiếng, “Tôi muốn làm bỏng gạo. Tốn ít tiền mà nhiều người trong làng ta cũng đang bán mặt hàng này rất chạy.”

“Đó là vấn đề đấy”, Tanika nói, “quá nhiều người cùng nghề thì lời lãi sẽ chẳng được bao nhiêu đâu.”

“Vậy theo chị thì mình sẽ làm gì?” Damini hỏi Tanika.

Tanika bắt đầu trình bày ý tưởng của mình. “Tôi có một kế hoạch mà tôi nghĩ sẽ rất khả quan. Trước đây, nghề của tôi là đi thu gom tóc tại các hiệu cắt tóc để làm tóc giả.”

“Đúng, chị làm tóc giả rất đẹp”, Sankul trả lời, “nhưng nghề đó không đủ nuôi sống chị.”

Tanika không hề nản lòng. Hoàn cảnh của chị giờ khốn khổ đến mức những câu bàn lùi như vậy cũng không thể khiến chị chùn bước. Cách đây ba tháng, chồng chị thất bại trong việc buôn gạo và trở về nhà chửi bới, đánh đập chị, buộc tội chị đã kéo anh ta vào con đường nghèo khổ, gọi chị là đồ xấu xí, rồi xua đuổi bốn mẹ con chị ra đường. Ở ngôi làng chị đang sống, ly hôn cũng có nghĩa là mẹ con chị hết đường sống.

Nhưng hoàn cảnh của Tanika không phải là duy nhất. Một ngày nọ, khi Tanika đang ngồi trong căn lều lụp xụp, lo lắng cho bữa cơm sắp tới của gia đình, thì chị hàng xóm Sankul mang đến một tin tốt lành. Có một nhóm người từ thành phố sẵn sàng cho những phụ nữ như chị được vay tiền để bắt đầu làm ăn.

“Chúng ta phải hành động!” Sankul lên tiếng, “Đã đến lúc chúng ta tự mình thoát khỏi cảnh nghèo đói.” Tanika thích ý tưởng này nhưng phải thú nhận rằng những từ cấp tiến như vậy nghe như là lời của những người xa lạ nơi thành thị. Họ biết gì mà cô lại không biết?

“Ai lại cho một người phụ nữ sắp chết đói vay tiền cơ chứ?” Tanika tự hỏi, “Làm sao tôi có thể tìm ra một ý tưởng làm ăn thành công đây?”

Cơn mưa vẫn rơi đều trên mái tôn nơi năm người phụ nữ đang bàn bạc. Tanika tiếp tục giải thích cụ thể ý tưởng mới xuất hiện của mình.

“Chị nói đúng. Tôi không thể chỉ dựa vào việc làm tóc giả. Nhưng tôi biết một nơi mua tóc và sử dụng dầu từ nang tóc để chế biến các sản phẩm y tế. Nếu mình có thể gom được nhiều tóc, mình có thể bán tóc cho công ty đó và có đủ tiền sinh hoạt cho cả gia đình.”

“Chị định gom tóc thế nào?” Payal, người phụ nữ nhút nhát nhất trong hội lên tiếng.

“Tôi sẽ cho chị tóc từ lược chải đầu của tôi. Tôi không cần đến nó”, Damini ủng hộ.

“Tôi cũng thế”, Kamara chêm vào, “mà tôi nghĩ chúng ta có thể xin của cả những người hàng xóm.”

Tanika đã nghĩ đến việc xin tóc của những người hàng xóm nên cô cảm thấy vui mừng khi được bạn bè ủng hộ.

“Tôi cũng đã nghĩ tới việc thuê người gom tóc ở khu vực xung quanh đây”, cô giải thích.

“Hay đấy”, Sankul tán thành, “nhưng chị sẽ trả công cho họ thế nào?”

“Thuê trẻ con”, Kamara đề nghị, “Chị sẽ không phải trả tiền nhiều, mà chắc chắn là bọn trẻ cũng có thể làm được.”

“Đồ chơi!” Damini thốt lên, “Hãy mua một bịch đồ chơi bằng nhựa và đổi đồ chơi lấy tóc mà bọn trẻ mang đến. Với cách này, chị sẽ có tóc mà không hề tốn kém, nên sẽ thu được lãi lớn.”

Với những ý kiến bổ sung vào ý tưởng ban đầu, Tanika đã có đầy đủ yếu tố cho một kế hoạch kinh doanh. Tanika vay được 20 đô-la và ngay lập tức đi mua một bao tải đồ chơi nhựa. Sau đó, giống như ông già doanh nhân Noel, Tanika khoác chiếc bao trên lưng rong ruổi khắp làng.

“Cô sẽ cho các cháu những món đồ chơi trong chiếc bao này nếu các cháu mang đến cho cô những lọn tóc vương trên lược chải đầu của mẹ, của chị các cháu”, Tanika nói với bọn trẻ đang chơi ngoài đường.

Sau khi thông báo điều đó, nhà doanh nghiệp của chúng ta gần như bị lụt trong hàng hóa. Cuối cùng, Tanika thu gom và bán được rất nhiều tóc, trang trải nợ nần và có vốn để phát triển công việc.

Một năm trôi qua, Tanika đã thu nhận hàng trăm phụ nữ làm việc cho mình. Họ thu gom tóc từ các làng trong vùng bằng cách đổi đồ chơi, sau đó bán lại cho Tanika. Bây giờ cô không còn phải chạy ăn từng bữa nữa. Không chỉ đưa gia đình thoát khỏi nghèo đói, Tanika cũng không còn là người phụ nữ e dè, sợ sệt như cách đây một năm.

BÀI HỌC TỪ NGƯỜI ĐƯỢC NHẬN GIẢI NOBEL

Ví dụ trên đặt ra một câu hỏi thú vị. Tại sao Tanika có thể thành công trong khi hàng trăm triệu phụ nữ khác cũng ở hoàn cảnh như cô lại không thể thoát khỏi đói nghèo? Để trả lời câu hỏi này, chúng ta hãy gặp nhân vật đoạt giải Nobel gần đây, đồng thời cũng là thiên tài đứng sau thành công của Tanika tiến sĩ Muhammad Yunus. Ông đã tìm ra cách giúp Tanika và hàng trăm triệu phụ nữ khác chiến thắng cái nghèo.

Nội dung chính của chương này xoay quanh câu chuyện đặc biệt của Muhammad Yunus. Sau khi lấy bằng tiến sĩ kinh tế tại Mỹ, tiến sĩ Yunus trở về Bangladesh và giảng dạy ở một trường đại học. Công việc này giúp ông không phải lo lắng về vật chất. Thế nên, ông vô cùng sửng sốt khi phát hiện một thực tế bên ngoài khuôn viên trường đại học: có hàng trăm nghìn người đang chết dần chết mòn vì đói khát.

Khi tìm hiểu kỹ hơn, tiến sĩ Yunus nhanh chóng nhận ra gốc rễ của đói nghèo tại Bangladesh không phải do sự lười biếng. Ở bất cứ nơi đâu, ông cũng thấy mọi người làm việc cật lực nhưng lại không kiếm đủ mức lương tối thiểu. Sau khi phỏng vấn 42 người trong một ngôi làng, ông rất bất ngờ khi thấy trở ngại lớn nhất không phải là sự lười biếng mà là vốn. Mọi người trong làng đều làm việc riêng lẻ, cá thể. Nếu không làm nghề nông thì họ cũng sẽ kinh doanh lẻ hoặc một nghề thủ công nào đó.

Để đầu tư cho hoạt động kinh doanh, họ cần có vốn. Thông thường chỉ vài xu là đủ. Nhưng không ai có số tiền ít ỏi này cả, họ buộc phải tìm đến những ông chủ cho vay nặng lãi, với mức lãi suất lên tới 1.000%. Tỷ lệ lãi suất này buộc những người đi vay phải vắt kiệt sức mình và mãi luẩn quẩn trong nợ nần. Yunus rất ngạc nhiên khi biết có một phụ nữ đan ghế thủ công rất giỏi nhưng mãi không thể thoát nghèo chỉ vì không có đủ năm xu để mua nguyên vật liệu. Chỉ năm xu thôi!

Yunus kết luận nếu ông có thể khiến mọi người thực hiện một hành vi mang tính quyết định (có thể kiếm được việc và trả hết nợ nần), ông có thể mang lại may mắn tiền tài cho 42 người ông phỏng vấn. Tính tất cả, 42 người cần đến 27 đô-la.

Sau đó, Yunus quay trở lại ngân hàng địa phương và đề nghị họ cấp vốn cho 42 lao động với mức lãi suất trần. Nhưng không ai chấp nhận điều đó. Vị giám đốc ngân hàng cười trừ và không muốn tiếp ông nữa. Theo họ, không có giao kèo cũng có nghĩa là không được vay tiền. Sự thật này khiến tiến sĩ Yunus rất buồn. Ông kể lại:

Thông thường, tôi ngủ ngay sau khi đặt lưng xuống giường, nhưng đêm đó, tôi không thể ngủ được khi thấy mình ở trong một xã hội không thể hỗ trợ 27 đô-la cho 42 người khỏe mạnh, chăm chỉ và có nghề nghiệp.

Ba mươi năm trôi qua kể từ đêm hôm ấy, bây giờ tiến sĩ Yunus đang quản lý một tập đoàn ngân hàng và kinh doanh trị giá nhiều triệu đô-la Ngân hàng Grameen. Nó đã giúp hơn 100 triệu người như Tanika thoát khỏi đói nghèo. Tanika có vốn làm ăn ban đầu chính là nhờ quỹ tín dụng vi mô (micro-credit), vốn được hình thành trực tiếp từ công trình nghiên cứu của tiến sĩ Yunus.

Điều khiến câu chuyện này trở nên đặc biệt là những phương pháp của tiến sĩ Yunus đã không chỉ giúp Tanika, mà cả bốn người bạn của chị cũng bắt đầu kinh doanh và thành công. Cứ 40 người thì có 39 người được tiến sĩ Yunus trợ giúp. Đó là sự thật: 98% số người được Yunus cho vay vốn đã thực hiện hành vi mang tính quyết định thứ hai để thoát khỏi cảnh bần hàn: hoàn trả được cả vốn lẫn lãi.

Phần lớn những người kinh doanh thành công đều giúp cả gia đình thoát khỏi cảnh nghèo. Họ cho con cái đi học, và đến giờ, nhiều con em họ đã có được bằng cấp cao. Những người dân từng chỉ kiếm được hai xu một ngày giờ trở thành những doanh nhân thành công và con cái được ăn học đầy đủ.

Câu chuyện này có nhiều chi tiết bất ngờ thú vị, nhưng chi tiết quan trọng nhất mà chúng ta cần quan tâm là làm thế nào tiến sĩ Yunus có thể khiến những khách hàng nghèo thực hiện hành vi mang tính quyết định thứ hai, đồng thời là con đường dẫn tới thành công. Sức mạnh gây ảnh hưởng màu nhiệm nào đã giúp ông tin rằng những hợp đồng cho vay không cần thế chấp sẽ được hoàn trả? Quan trọng hơn, chúng ta có thể rút ra bài học gì để tăng cường vốn chiến thuật gây ảnh hưởng qua câu chuyện trên?

Cũng giống như trường hợp phải kết hợp nhiều biện pháp mới có thể thay đổi những người từng thất bại liên tiếp, tiến sĩ Yunus đã áp dụng gần như toàn bộ các phương pháp mà chúng tôi đề cập trong cuốn sách này. Nhiệm vụ của ông quá phức tạp nếu chỉ sử dụng một công cụ xoay chuyển, vì thế, ông đã kết hợp tất cả các công cụ. Tuy nhiên, bằng cách quan sát hành động của Tanika và những người bạn, chúng ta có thể tập trung vào một công cụ gây ảnh hưởng quan trọng: sức mạnh của vốn xã hội.

Tiến sĩ Yunus không chỉ yêu cầu Tanika trình bày một kế hoạch kinh doanh để ông xem xét mà còn yêu cầu cô lập một nhóm với bốn người hàng xóm và từng người đều phải trình kế hoạch của mình. Sau đó, mỗi người sẽ được vay vốn. Họ sẽ phải ký giấy vay nợ để cùng chịu trách nhiệm chung về khoản nợ này. Điều đó có nghĩa là Tanika phải thuyết phục bốn người bạn về tính khả thi của kế hoạch mà cô đưa ra, hoặc cô sẽ phải bàn bạc với cả nhóm để đi đến một kế hoạch thống nhất.

Bạn có thể tưởng tượng điều gì xảy ra khi những người chưa từng có công ăn việc làm, thậm chí mới chỉ cách lưỡi hái tử thần trong gang tấc nhưng bây giờ lại cùng nhau ký vào đơn vay vốn? Họ không chấp nhận những ý tưởng nửa vời. Họ tạo ra những kế hoạch thực tế và thông minh bằng cách kết hợp vốn trí tuệ của cả năm người trong nhóm.

TRANH THỦ SỨC MẠNH VỐN XÃ HỘI

Ở chương 6, chúng ta đã biết rằng những người xung quanh có thể khích lệ chúng ta rất nhiều. Bây giờ, chúng ta hãy bổ sung khả năng gây ảnh hưởng mang tính xã hội thứ hai – năng lực xã hội. Như lời một bài hát của nhóm Beatles, chúng ta dễ dàng thành công hơn khi có “sự trợ giúp từ những người bạn”. Họ giúp chúng ta bằng trí óc, sức mạnh đôi bàn tay của họ và thậm chí còn giúp chúng ta có được các mối quan hệ quan trọng. Tóm lại, họ mang đến cho chúng ta nguồn vốn xã hội. Với sự trợ giúp của bạn bè, chúng ta có thể có được nguồn sức mạnh còn lớn hơn tổng sức mạnh của từng cá nhân riêng lẻ. Nhưng chúng ta chỉ làm được điều này khi biết cách tận dụng vốn xã hội – khả năng tạo dựng một mạng lưới quan hệ thiết yếu. Tiến sĩ Yunus cũng tận dụng chính nguồn vốn này giống như bao người khác.

Tác giả nổi tiếng James Surowiecki đã giải thích tại sao Tanika lại có được một kế hoạch kinh doanh thành công. Có lẽ chính ông sẽ là người đầu tiên nói rằng ý tưởng mà ông nêu ra trong cuốn The Wisdom of Crowds (Trí tuệ của đám đông) đã có mặt trong đời sống từ rất lâu. Ngay trang đầu tiên của cuốn sách, Surowiecki nói về nhà khoa học người Anh Francis Galton ‒ người đã ứng dụng những phương pháp thống kê để chứng minh rằng nhóm người bao gồm những cá nhân có nhiều trình độ nhận thức khác nhau thường cố gắng và đạt nhiều thành tích hơn bất cứ một cá nhân đơn lẻ nào.

Khi 787 người dân địa phương dự một hội chợ gia súc trong vùng, họ tham gia đoán cân nặng của một con bò đã bị làm thịt. Galton tính được con số trung bình mà những người tham gia dự đoán là 397 kg. Cuối cùng, con bò được đưa lên bàn cân và số cân nặng chính xác là 398 kg. Ước tính trung bình của cả nhóm không phải chỉ gần đúng với cân nặng của con bò mà là gần như chính xác. Điều mà Surowiecki rút ra từ nghiên cứu về đám đông này là: “Trong những hoàn cảnh thích hợp, nhóm thường hoạt động rất xuất sắc, thậm chí xuất sắc hơn cả những người xuất sắc nhất trong nhóm.”

Từ rất lâu trước khi Surowiecki phổ biến ý tưởng nhóm có khả năng hoạt động hiệu quả hơn những cá nhân xuất sắc nhất, tiến sĩ Yunus đã áp dụng ý tưởng này vào hoạt động của các doanh nghiệp tín dụng vi mô. Hãy xem xét trường hợp năm bà nội trợ chưa từng có công ăn việc làm bàn bạc với nhau để hoàn thiện ý tưởng của Tanika. Không có cá nhân đơn lẻ nào đi đến kế hoạch cuối cùng, nhưng bằng cách gợi ý cho nhau, họ cùng tìm ra một phương pháp đem lại thành công. Họ làm được như vậy vì họ cùng tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có thể tiến hành kinh doanh ngay tại ngôi làng quen thuộc của mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3