Nghệ Thuật Xoay Chuyển Tình Thế - Chương 17
LỰA CHỌN KHÔN NGOAN GIỮA TRỪNG PHẠT HAY KHÔNG TRỪNG PHẠT
Đôi khi, bạn không có cơ hội khen thưởng những việc làm tốt, vì người mà bạn muốn khen thưởng không làm tốt việc gì cả. Họ chỉ làm những việc sai trái. Trong những trường hợp này, nếu bạn muốn sử dụng sự tác động bên ngoài, thì chỉ có tác động duy nhất là hình phạt. Nhưng liệu hình phạt có thể tác động tích cực đến việc thay đổi hay không?
Câu trả lời là “Không”. Sự trừng phạt đối lập với việc bảo đảm sự thúc đẩy tích cực. Trong hàng trăm thí nghiệm với con người và động vật, các hình phạt chỉ tạm thời làm giảm những hành động và thói quen không tốt trước đó. Nhưng về lâu dài, nó làm nảy sinh nhiều hậu quả không mong đợi. Khi bạn khen thưởng ai đó, bạn biết rằng phần thưởng này sẽ giúp hành vi của họ đi đúng hướng. Còn với sự trừng phạt, bạn sẽ không thể biết điều gì sẽ xảy ra. Bạn có thể khiến họ phục tùng nhưng chỉ trong khoảng thời gian ngắn, rồi sau đó, họ sẽ quay lại và nổi loạn. Họ không đánh giá cao những gì bạn đã làm, đồng thời khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên xa cách.
Trừng phạt có thể tác động nghiêm trọng và có hại đến xúc cảm, nhất là khi không được giám sát cẩn thận. Cuốn Learned Helplessness (Bất lực do trải nghiệm) của Martin Seligman ghi lại rằng nếu bạn nhốt một con chó vào lồng sắt, sau đó gí điện vào từng góc lồng, con chó khốn khổ sẽ nằm co một góc, thậm chí không muốn di chuyển nữa. Khi phải chịu đau đớn, con vật đáng thương trở nên tuyệt vọng, suy sụp và rối loạn. Vì vậy, hãy nhớ, cẩn thận với những hình phạt.
Cảnh báo trước khi phạt
Hãy cảnh báo về hình phạt khi bạn muốn thay đổi hành vi. Hãy để đối tượng biết hình phạt gì sẽ được áp dụng nếu họ vẫn cư xử theo lối cũ. Tuy nhiên, đừng vội thực hiện hình phạt. Nếu họ đã nhận ra hành vi sai trái của mình và thay đổi, thì những hình phạt không còn cần thiết nữa. Phương pháp này nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng trước khi đưa ra những nhận xét nghiêm khắc, hãy xem xét chiến thuật mà lực lượng cảnh sát sử dụng với những kẻ buôn bán ma túy và tội phạm lâu năm ở bắc Carolina. Không chỉ bắt bớ và bỏ tù, họ còn đưa ra hình thức cảnh báo tội phạm rất hiệu quả.
Trước đây, cảnh sát thường tổ chức chiến dịch truy bắt tội phạm ở khu vực nào đó. Chiến dịch này đã kích động sự giận dữ của dân chúng khiến họ chống lại những nỗ lực của cảnh sát. Bản thân chiến dịch này cũng khó có thể duy trì hiệu quả lâu dài. Ngay khi cảnh sát chuyển sang khu vực khác, những mầm mống tội ác mới lại mọc lên thế vào vị trí cũ.
Với chiến thuật mới, cảnh sát sẽ mời các cá nhân mà họ có ý định bắt giữ tham gia một diễn đàn khai báo tội phạm. Cơ quan ủy quyền hứa sẽ không bắt họ trong 90 phút diễn ra diễn đàn và tại đây, tất cả yếu tố có khả năng gây ảnh hưởng được tung ra để tác động lên những người này. Họ sẽ được nhắc nhở về gia đình, bạn bè và các nhà lãnh đạo cộng đồng – những người mong muốn họ từ bỏ con đường lầm lạc và tìm cho mình một công việc bình thường. Tiếp theo, họ sẽ được nghe phổ biến về các đạo luật hiện hành và các hình phạt khi vi phạm pháp luật. Sau đó, các phạm nhân cũ (từng là thành viên các băng đảng và buôn bán ma túy) sẽ nói về những việc họ đang làm để hoàn lương. Cuối cùng, lãnh đạo cơ quan pháp luật sẽ giải thích rõ sự lựa chọn mà các tội phạm này có thể thực hiện để không quay lại con đường cũ, bao gồm kế hoạch nghề nghiệp và kế hoạch thực hiện.
Diễn đàn này đạt hiệu quả cao không chỉ vì đã sử dụng những yếu tố gây ảnh hưởng mà còn vì đã thực hiện được một nhiệm vụ lớn là chỉ ra phạm tội sẽ bị kết án và chịu mức án như thế nào. Không có hình thức cảnh báo nào tốt hơn. Khác chương trình Scared Straight (Đoạn thẳng đáng sợ) – tập trung vào việc miêu tả sự khủng khiếp của nhà tù – khiến các đối tượng cho rằng chỉ những kẻ ngu đần mới bị bắt, với chương trình này, cảnh sát đã làm sáng tỏ một điều là mọi tội phạm sẽ bị bắt và truy tố.
Sau khi hoàn thành phần đầu diễn đàn, những người có thẩm quyền mời “khách” (lúc này đã chán ngán những lời rao giảng) sang một phòng khác treo rất nhiều ảnh. Dưới mỗi bức ảnh là một chiếc bàn nhỏ với một tấm bìa ghi chú cụ thể. Suốt mấy tuần trước đó, cảnh sát đã phải thu thập các bằng chứng bao gồm cả các cuốn băng ghi lại hoạt động buôn bán ma túy của chính những kẻ tham dự.
Khi những kẻ buôn ma túy bước vào căn phòng này, họ được yêu cầu tìm ảnh của chính mình. Đó là những bức ảnh rõ nét chụp cảnh giao dịch ma túy của họ. Trong tấm bìa trên bàn, họ cũng nhìn thấy tất cả những bằng chứng mà cảnh sát sẽ sử dụng để truy tố họ. Tiếp đó, người ta sẽ yêu cầu những tên tội phạm này ngồi xuống và xem một đoạn băng. Lúc này, công tố viên tuyên bố: “Hãy giơ tay khi bạn cho rằng mình phạm tội”. Tất cả mọi người đều làm theo yêu cầu. Tiếp đó, những người có thẩm quyền thông báo rằng họ đã bị ghi tên vào danh sách đặc biệt và sẽ bị truy tố nếu bị bắt.
Nếu kết hợp kế sách này với sự hỗ trợ của gia đình, bạn bè cùng các chương trình đào tạo nghề nghiệp, kết quả đạt được sẽ rất khả quan. Những vụ việc không quá nghiêm trọng có thể giảm tới 35% ở những vùng lân cận bắc Carolina còn ở ba vùng nơi trực tiếp thực hiện sáng kiến này, 24 trong số 40 kẻ buôn bán bất hợp pháp đã tuân theo luật pháp. Quan trọng hơn, người dân trở nên tích cực khai báo tội phạm và hợp tác với các cơ quan thi hành pháp luật.
Như vậy, chiến thuật này không cần viện đến việc tống giam để buộc những kẻ phạm tội chú ý tới hành vi của mình. Những lời cảnh báo sớm, nghiêm túc và sâu sắc đã khiến giới tội phạm nhìn nhận lại hành vi của mình.
Để đề cao lòng tin của giới tội phạm, nhà cầm quyền không bao giờ lừa gạt họ. Khi được mời đến diễn đàn mở, những kẻ không đến sẽ ngay lập tức bị bắt giữ và truy tố vì những trọng tội đã được ghi lại trong băng hình. Những kẻ tham gia diễn đàn nhưng bỏ dở và tiếp tục phạm tội cũng sẽ bị bắt ngay lập tức. Vì thế, có thể khẳng định rằng nhà cầm quyền rất coi trọng những điều họ đã nói. Do vậy, sự đe dọa những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra đã có tác động lớn.
Khi tất cả các phương pháp khác đều thất bại, hãy thực hiện hình phạt!
Đôi khi, bạn cần sử dụng sự trừng phạt, vì đe dọa hay cảnh cáo chưa đủ. Bạn đã thử khích lệ hay tạo ra áp lực xã hội, thậm chí thức tỉnh ý thức giá trị con người của họ, nhưng sự thỏa mãn mà những hành vi sai trái mang lại vẫn được đặt lên hàng đầu. Đã đến lúc sáng suốt áp dụng các nguyên tắc.
Hãy xem xét vấn đề lao động kém an toàn trong các mỏ dầu ở Nga. Với nhu cầu dầu mỏ ngày càng tăng, các nhà lãnh đạo Nga đã phải xoay sở vất vả trong ngành công nghiệp xăng dầu. Đáng tiếc là rất nhiều công nhân không được hướng dẫn làm việc an toàn, thậm chí họ còn coi nhẹ các nghiên cứu và việc áp dụng chúng. Vừa thoát khỏi tình trạng thất nghiệp, khủng hoảng, rất nhiều người lại nghiện rượu và nghiện hút. Làm việc không an toàn với những thiết bị nặng và men rượu là công thức hoàn hảo dẫn đến tai nạn.
Vì nguy cơ tai nạn quá lớn; công nhân đã quen với phương thức thủ công nặng nhọc trước khi làm việc tại các mỏ dầu nên không phản ứng trước sự khích lệ hay cảnh báo, các lãnh đạo công ty quyết định trừng phạt những hành vi gây tai nạn. Họ sẽ kiểm tra ngẫu nhiên việc sử dụng rượu và ma túy của công nhân vào bất cứ lúc nào. Công nhân sẽ bị sa thải ngay lập tức nếu bị phát hiện sử dụng chất kích thích. Việc áp dụng trực tiếp hình phạt này cùng với việc đào tạo đã giúp giảm đáng kể những tai nạn đáng tiếc. Các hình phạt có vẻ quá khắt khe nhưng khi so sánh với mối nguy hiểm sinh mạng, các nhà lãnh đạo cho rằng thực hiện phương pháp trừng phạt này là đúng đắn.
Ở Ethiopia từng tồn tại hủ tục bắt cóc cô dâu. Các cô gái trẻ bị bắt cóc trên đường đến trường hoặc về nhà, bị cưỡng bức rồi bị ép buộc phải cưới những tên đã hãm hiếp mình để giữ thể diện. Hành vi dã man này âm thầm tồn tại qua nhiều thế hệ. Không ai muốn nói đến hoặc nêu lên vấn đề này. Tuy nhiên, hủ tục đã thay đổi khi một vở kịch trên đài phát thanh đưa vấn đề nhức nhối này ra ánh sáng. Ngài Negussie Teffera – đại diện cho Trung tâm Truyền thông Dân số ở Ephiopia đã kết hợp với một đội ngũ nhà văn và nhà sản xuất để tạo nên một kênh radio nổi tiếng có tên Yeken Kignit (Cái nhìn bao quát cuộc sống đời thường), trong đó có một câu chuyện kể về WuBalem một phụ nữ rất đáng ngưỡng mộ. Cô bị bắt cóc nhưng cuối cùng được tự do và có thể kết hôn với người đàn ông mình yêu. Ngay lập tức, chủ đề kiêng kị trước đây bây giờ trở thành một trong những chủ đề bàn luận của công chúng. Một lá thư của một nữ thính giả kể về những tác động của chương trình tới cộng đồng nơi cô sinh sống:
Câu chuyện của Wubalem trong vở kịch trên đài phát thanh phản ánh rõ nét hủ tục lạc hậu trên đất nước chúng tôi – đó là nạn bắt cóc và bạo hành tình dục. Những hành vi này đã khiến chúng tôi không dám cho con gái mình đi học… Đứa con gái đầu lòng của tôi kết hôn ở tuổi 14 sau khi bị bắt cóc. Chúng tôi đã rất lo lắng khi nghĩ đến đứa con gái thứ hai có thể sẽ có số phận tương tự. Tuy nhiên, vở kịch trên radio với vấn đề về bắt cóc và bạo hành tình dục cùng các cuộc thảo luận đã đánh thức sự phẫn nộ của dân chúng. Giờ đây, mọi người đã lên án gay gắt những hành vi vô nhân đạo đó… Không giống như trước đây, hiện nay, người dân đã có các biện pháp chống lại những kẻ thủ ác. Chúng tôi không còn phải lo lắng khi cho con gái đi học nữa. Các em có thể đến trường và trở về nhà an toàn.
Theo tiến sĩ Negussie, vấn đề nan giải này đã được giải quyết ở Ethiopia không chỉ nhờ công luận mà còn vì những hình phạt nghiêm minh sẽ được áp dụng cho những việc làm sai trái trước đây vốn được tán thưởng. Nếu một người đàn ông tấn công một bé gái, thay vì cho phép cưới cô bé làm vợ, hắn sẽ bị đi tù.
Nhân viên trong nhiều công ty hay phàn nàn sự thiếu trách nhiệm như sau: “Làm gì sẽ bị đuổi việc?” Hầu như không có câu trả lời nào liên quan đến khả năng làm việc yếu kém. Câu trả lời phổ biến nhất là: “Gây khó khăn cho sếp”, hay một câu trả lời mỉa mai khác: “Ám hại một đồng nghiệp tài giỏi”. Nói cách khác, họ chỉ nghĩ đến những sai phạm nghiêm trọng về đạo đức và quan điểm chính trị. Khi nghe những câu chuyện này, bạn sẽ cho rằng việc thiếu hình phạt đối với những vi phạm sẽ là một thông điệp ngầm trong tổ chức. Như vậy, nếu bạn không sẵn sàng phê bình khi người nào đó vi phạm giá trị chuẩn mực thì đạo đức nghề nghiệp của cả tập thể sẽ bị mai một.
Mặt khác, bạn còn khẳng định giá trị của mình khi yêu cầu trách nhiệm từ những người khác. Trong công ty sản xuất hàng hóa tiêu dùng lớn ở Georgia, các nhà lãnh đạo đã có biện pháp mạnh tay chống lại hành vi phân biệt chủng tộc, vốn diễn ra phổ biến khắp nơi. Biện pháp rất đơn giản: không chấp nhận những lời đùa cợt có hàm ý phân biệt chủng tộc.
Để thực hiện kế hoạch, các nhà lãnh đạo giải thích rõ quan điểm của mình, nêu rõ hành vi đầu tiên họ sẽ xóa bỏ và hình phạt. Bất cứ ai vi phạm quy định sẽ lập tức bị đuổi việc ngay mà không cần báo trước. Từ đó, các trò đùa phân biệt chủng tộc trong công ty cũng kết thúc.
TÓM TẮT: KHEN THƯỞNG
Thưởng phạt phân minh đòi hỏi sự tỉnh táo và khôn khéo. Do đó, khi bạn tìm kiếm và sử dụng các động lực bên ngoài để khích lệ và ngăn cản các hành vi, hãy tuân theo một số nguyên tắc hữu ích. Trước hết, hãy sử dụng các động cơ thúc đẩy mang tính cá nhân và xã hội. Để giá trị của chính hành vi đó cùng các động lực xã hội mang lại tác động mong muốn.
Nếu bạn sử dụng phần thưởng, hãy đảm bảo chúng có liên hệ với các hành vi mang tính quyết định. Hãy gắn phần thưởng với hành vi bạn mong muốn được lặp lại. Khi lựa chọn, đừng ngại sử dụng các phần thưởng nhỏ nhưng chân thành, vì nó thường mang lại ý nghĩa lớn. Khen thưởng hành vi chứ không đơn thuần là kết quả, vì đôi khi kết quả che giấu những hành vi không đúng. Sau cùng, nếu bạn sử dụng hình phạt, hãy cảnh báo trước. Hãy để mọi người ý thức được điều gì sắp xảy ra với mình.