Sét Hòn - Tử Thần Trên Sa Mạc Gobi - Chương 09
17
HẠT ELECTRON VĨ MÔ
Đồng cỏ Khang Tây rất gần căn cứ nên chúng tôi tới đây để tổ chức tiệc, cùng nhau ăn thịt cừu nướng để chúc mừng thành công của thí nghiệm. Bàn ăn được đặt ở ngoài trời, bên rìa là một trảng cỏ nhỏ.
Đại tá Hứa phát biểu: “Vào thời xa xưa, ắt từng có người nhận ra bản thân đang sống trong một bầu không khí; sau đó, mọi người sẽ nhận ra rằng họ bị ràng buộc bởi lực hấp dẫn, nhận ra đại dương luôn dâng trào những làn sóng điện từ, nhận ra các tia vũ trụ bất cứ lúc nào cũng có thể xuyên qua thân thể chúng ta… Bây giờ, chúng ta lại nhận ra rằng, không bào ở mọi thời khắc đều trôi xung quanh chúng ta trong không gian mà trước kia ta tưởng như không còn thứ gì khác. Nào, để tôi đại diện mọi người, thể hiện sự cảm phục đối với Giáo sư Đinh và Thiếu tá Lâm.”
Mọi người vỗ tay hoan hô.
Đinh Nghi bước tới trước mặt Lâm Vân, giơ chén rượu lên: “Thiếu tá, tôi từng cho rằng quân nhân đều là những bộ máy cứng nhắc. Nhưng cô đã làm tôi thay đổi cách nhìn rồi.”
Lâm Vân nhìn Đinh Nghi không nói gì. Tôi chưa từng thấy ánh mắt này của cô ấy, tin rằng ngay cả Giang Tinh Thần cũng chưa từng được cô ấy nhìn như vậy.
Đinh Nghi đứng giữa đám đông mặc quân phục trông như hạc giữa bầy gà. Trong làn gió hè ấm áp thổi trên đồng cỏ, anh ta giống như được tạo thành từ ba lá cờ, một lá là mái tóc dài bồng bềnh, hai lá còn lại là chiếc áo ba lỗ rộng quá khổ và quần đùi, đều đang bị gió thổi phần phật. Thân hình gầy gò như cây sào của Đinh Nghi chẳng khác nào một cây cột có treo ba lá cờ.
Dưới ánh nắng chiều tà, Lâm Vân đứng cạnh anh ta đẹp rung động lòng người.
Đại tá Hứa nói: “Hiện tại, mọi người đều đang mong muốn Giáo sư Đinh sẽ nói cho chúng ta biết sét hòn rốt cuộc là cái gì.”
Đinh Nghi gật đầu: “Tôi biết rằng có rất nhiều người đã nỗ lực để giải đáp bí ẩn này. Trong đó có cả những người như Tiến sĩ Trần và Thiếu tá Lâm. Họ đã dành cả cuộc đời để biến phương trình điện từ và chất lỏng trở nên rối rắm tới mức khiến người khác phải đầu váng mắt hoa, đưa nó tới giới hạn sắp bị phá vỡ; rồi lại gõ thêm một cái đinh nữa, rồi ở chỗ cái đinh đó xuất hiện thêm một lỗ thủng, rồi mau chóng vá miếng gỗ vào, cốt để giữ tòa nhà không bị sụp xuống. Cuối cùng, những gì xuất hiện trước mắt là một công trình phức tạp khổng lồ, xấu xí… Tiến sĩ Trần biết các anh đã thất bại ở đâu không? Không phải các anh suy nghĩ chưa đủ phức tạp mà là do suy nghĩ chưa đủ đơn giản.”
Bố của Lâm Vân cũng từng nói những lời này. Hai con người siêu việt ở hai lĩnh vực khác nhau lại không hẹn mà gặp nhau ở tầm cao này.
“Mọi thứ có thể đơn giản hơn nữa được sao?” Tôi bối rối hỏi.
Đinh Nghi không trả lời câu hỏi của tôi: “Còn bây giờ, tôi sẽ nói cho mọi người biết sét hòn là cái gì.”
Lúc này, vài ngôi sao hiếm hoi vừa xuất hiện trên bầu trời, đối với tôi, trông chúng như đang lắng nghe sự phán xét cuối cùng của Thượng đế.
“Nó chỉ là một electron.”
Chúng tôi đưa mắt nhìn nhau, sau đó tự nghĩ lại về quá trình tìm kiếm gian khổ, cuối cùng, mọi ánh nhìn đều tập trung vào Đinh Nghi. Đáp án quá ly kì, khiến chúng tôi bất giác im bặt, không nghĩ ra được câu hỏi gì khác.
“Một electron to như quả bóng,” Đinh Nghi bổ sung.
“Electron… Sao lại có thể như thế được?” Có người ngẩn ra hỏi.
“Vậy mọi người cho rằng electron sẽ có hình dạng như thế nào? Một quả bóng nhỏ bên trong đặc quánh? Không sai, đây chính là hình ảnh trong tâm thức của mọi người khi nghĩ về electron, proton và neutron. Ngay bây giờ, tôi sẽ nói cho mọi người nghe về bức tranh vũ trụ được Vật lý học hiện đại mô tả: Vũ trụ là hình học, không phải Vật lý.”
“Anh không thể nói cụ thể hơn được sao?”
“Nói theo cách khác, ngoại trừ không gian, vũ trụ không còn gì khác.”
Mọi người im lặng để suy ngẫm về thứ vượt quá khả năng của bản thân. Thượng úy Lưu lên tiếng trước, lắc lắc nửa cái đầu cừu trong tay: “Tại sao lại không có cái gì được? Làm sao chỉ là không gian thôi được? Ví dụ như món thịt cừu này, rõ ràng là tồn tại, lẽ nào anh nói thứ chúng ta vừa ăn đều là không gian hay sao?”
“Đúng vậy, những thứ anh vừa ăn đều là không gian. Bản thân anh cũng là không gian. Bởi thịt cừu và anh đều được tạo thành từ proton, neutron và electron, những hạt này đều là không gian uốn lượn ở quy mô cực nhỏ.” Nói đoạn Đinh Nghi đẩy vài cái đĩa ra tạo không gian, vạch lên trên khăn trải bàn. “Giả dụ không gian là tấm khăn này, thì các hạt nguyên tử chính là những nếp nhăn siêu nhỏ trên tấm vải.
“Anh nói như vậy thì tôi cũng hiểu được một chút rồi,” Thượng úy Lưu trầm ngâm nói.
“Tuy nhiên, điều này rất khác so với bức tranh vũ trụ truyền thống của chúng tôi,” Lâm Vân nói.
“Nhưng đây là bức tranh gần với sự thực nhất,” Đinh Nghi đáp lại.
“Nếu vậy thì electron giống như một không bào?”
“Đó là một không gian cong khép kín.” Đinh Nghi nghiêm túc gật đầu.
“Nhưng các electron… làm sao có thể lớn được như vậy?”
“Sau Vụ nổ lớn, trong thời gian cực ngắn, không gian trong vũ trụ trở nên phẳng, sau đó, tùy theo cấp năng lượng giảm xuống, không gian xuất hiện những vết nhăn, sinh ra các loại hạt cơ bản. Điều khiến chúng ta thấy khó hiểu chính là những nếp nhăn đó tại sao đều là vi mô? Lẽ nào không có các nếp nhăn ở trạng thái vĩ mô. Hoặc có thể nói là không có các hạt cơ bản ở trạng thái vĩ mô sao? Và bây giờ thì chúng ta biết câu trả lời là có rồi đấy.”
Suy nghĩ của tôi đã bức bối suốt mười mấy năm và cảm giác đầu tiên của tôi lúc này là mình có thể thở được rồi. Trong khoảng thời gian ấy, tôi giống như sống trong dòng nước đục, đâu đâu cũng mịt mù. Lúc này, bỗng chốc tôi nổi lên được trên mặt nước, hít được hớp không khí đầu tiên, nhìn thấy bầu trời bao la, giống như cảm giác người mù lấy lại được đôi mắt tinh anh.
“Chúng ta có thể nhìn thấy được không bào là do những đường cong trong không gian khiến ánh sáng đi qua bị bẻ cong, tạo thành đường viền có thể nhìn thấy được,” Đinh Nghi tiếp tục giải thích.
“Vậy tại sao anh cho rằng đó là electron, mà không phải là proton hay neutron?” Đại tá Hứa hỏi.
“Câu hỏi hay đấy, đáp án kỳ thực rất đơn giản: Quá trình không bào bị sét kích thích tạo thành sét hòn rồi lại hồi phục thành không bào, trên thực tế chính là quá trình electron ở cấp năng lượng thấp bị kích thích biến thành cấp năng lượng cao, sau đó rơi xuống cấp năng lượng thấp. Trong ba loại hạt, chỉ có electron bị kích thích theo cách này.”
“Cũng chính vì nó là electron nên mới có thể chạy theo dây siêu dẫn và đi vào trong viên pin siêu dẫn giống như một dòng điện tuần hoàn vĩnh cửu,” Lâm Vân tỉnh ngộ.
“Thật kỳ lạ, đường kính của nó sẽ tương đương với viên pin kia.”
“Đối với electron vĩ mô mà nói, trong hai hình dạng sóng và hạt thì hình dạng sóng chiếm tỷ lệ lớn hơn, cho nên ý nghĩa về kích thước của nó hoàn toàn khác với suy nghĩ thông thường của chúng ta. Electron vĩ mô còn có đặc tính đáng kinh ngạc khác, chúng ta sau này sẽ từ từ quan sát. Tôi tin rằng những điều đó sẽ khiến mọi người thay đổi cách nhìn về thế giới. Tuy nhiên, hiện tại, chúng ta phải đặt một cái tên cho những hạt electron lớn này. Chúng là những electron ở trạng thái vĩ mô, vậy gọi là electron vĩ mô nhé?”
“Nếu vậy thì như mấy lời anh vừa nói, liệu có tồn tại proton vĩ mô và neutron vĩ mô không?”
“Có, nhưng do chúng không thể bị kích thích nên chúng ta rất khó phát hiện ra.”
“Giáo sư Đinh, giấc mơ của anh thành hiện thực rồi,” Lâm Vân nói, ngoại trừ Đinh Nghi và tôi, những người khác đều không hiểu được ý nghĩa trong lời nói của cô ấy.
“Đúng thế, đúng thế, những hạt cơ bản to như quả dưa hấu đã được đặt trên bàn của nhà Vật lý học rồi. Bước tiếp theo, chúng ta cần nghiên cứu cấu trúc bên trong của chúng, đó cũng là cấu trúc tạo nên không gian cong. Tuy công việc này rất khó, nhưng tôi tin là dễ hơn nhiều so với việc nghiên cứu cấu trúc của các hạt vi mô.”
“Vậy thì cũng có những nguyên tử vĩ mô đúng không? Ba loại hạt vĩ mô có thể tạo thành nguyên tử rồi!”
“Đúng vậy, có lẽ sẽ có hạt nguyên tử vĩ mô.”
“Không bào mà chúng ta bắt được, à, cái electron vĩ mô đó, là electron tự do đúng không? Hay là electron trong nguyên tử vĩ mô: Nếu như là vế sau thì hạt nhân của nguyên tử vĩ mô này đang ở đâu?”
“Ha ha, anh hỏi đúng rồi đấy. Tuy nhiên, không gian bên trong nguyên tử rất lớn, nếu một nguyên tử to như đại sảnh của nhà hát thì hạt nhân nguyên tử sẽ chỉ nhỏ như hạt óc chó ở giữa đại sảnh mà thôi.
Cho nên, nếu electron vĩ mô này quả thực nằm trong một nguyên tử vĩ mô thì hạt nhân của nguyên tử đó sẽ cách chúng ta khá xa.”
“Trời ạ, tôi còn một câu hỏi nữa: Nếu tồn tại nguyên tử vĩ mô thì nhất định sẽ có vật chất vĩ mô và cũng có thế giới vĩ mô đúng không?”
“Chúng ta đã đi vào lĩnh vực tư duy triết học vĩ đại rồi,” Đinh Nghi mỉm cười với người đặt câu hỏi.
“Anh có tin là thế giới vĩ mô tồn tại không?” Người đó hỏi tới cùng. Lúc này, chúng tôi như một nhóm những đứa trẻ bị cuốn hút vào câu chuyện cổ tích.
“Tôi tin là thế giới vĩ mô, hoặc vũ trụ vĩ mô có tồn tại, nhưng hình dạng như thế nào thì chưa biết. Có lẽ nó hoàn toàn khác với thế giới của chúng ta, nhưng cũng có thể hoàn toàn tương đồng. Việc này giống như vũ trụ vật chất và vũ trụ phản vật chất* trong suy đoán, sự tồn tại của thế giới vĩ mô và vũ trụ vĩ mô cũng thế. Trong trường hợp đó, cái đầu của tôi trong thế giới vĩ mô ắt phải đủ lớn để chứa được một dải ngân hà của vũ trụ này… Đây có phải là một hình thức biểu hiện khác của vũ trụ song song* không?”
Lúc này, trời đã về khuya, chúng tôi ngước lên nhìn bầu trời sao rực rỡ trong đêm hè, mỗi người đều gắng sức vươn ánh mắt của mình tới biển sao mênh mông, đều nghĩ tới trên dải ngân hà, trong hư không bao la có một lớp nhung thiên nga mềm mại, có thể phát hiện ra những đường nét trong bộ não vĩ mô của Đinh Nghi. Trong tưởng tượng của tôi, đầu óc của con người siêu cấp ấy chính là do hạt nguyên tử vĩ mô kia tạo thành, có lẽ sẽ giống như thủy tinh trong suốt. Chúng tôi đều kinh ngạc rằng suy nghĩ của bản thân trong chốc lát có thể trở nên sâu sắc đến thế.
Sau bữa tiệc, chúng tôi đều đã ngà ngà say, cùng nhau đi dạo trên đồng cỏ. Tôi nhìn Đinh Nghi và Lâm Vân đi sát nhau, nói chuyện rất thân thiết. Ba lá cờ của Đinh Nghi phấp phới trong gió đêm. Tôi biết rằng anh chàng gầy như cây sậy này có thể dễ dàng đánh bại hạm trưởng tàu sân bay đầy hấp dẫn nam tính, và cả tôi nữa. Đó chính là sức mạnh của tư tưởng. Không biết tại sao, trong lòng tôi trào lên nỗi chua xót khó tả.
Biển sao trên bầu trời vẫn rực rỡ như cái đêm ở Thái Sơn, trong màn đêm trên đồng cỏ, có vô số u linh của nguyên tử vĩ mô đang phiêu bồng.
18
VŨ KHÍ
Sau thành công đó, con đường nghiên cứu bỗng nhiên rộng mở, quá trình cũng diễn ra suôn sẻ hơn, thành quả lần lượt được ra đời, tôi có cảm giác giống như đang ngồi trên tàu lượn siêu tốc. Sau khi tôi đề xuất phỏng đoán về việc kích thích sét hòn và Đinh Nghi mô tả được sự tồn tại của nguyên tử vĩ mô về mặt lý thuyết, thiên tài kỹ thuật Lâm Vân đã có cơ hội phát huy khả năng của mình.
Bước tiếp theo của nghiên cứu là thu thập electron vĩ mô. Việc nghiên cứu lý thuyết của Đinh Nghi không cần nhiều electron vĩ mô nhưng đối với việc nghiên cứu vũ khí ở căn cứ thì số lượng yêu cầu rất lớn. Đây vốn là một công việc khó khăn, vì phương thức thu thập bằng hồ quang điện truyền thống có mức độ nguy hiểm rất cao, gần như không thể tiến hành thêm lần nào nữa. Mọi người đều đưa ra các giải pháp khác nhau, trong đó giải pháp được cân nhắc nhiều nhất chính là sử dụng máy bay điều khiển từ xa. Tuy đây là biện pháp có thể giải quyết được vấn đề an toàn nhưng đối với việc thu thập số lượng lớn electron vĩ mô thì lại rất tốn kém và không hiệu quả mấy.
Lâm Vân xem xét tới việc trực tiếp thăm dò electron vĩ mô ở trạng thái chưa bị kích thích. Cô ấy cho rằng nếu electron vĩ mô ở cự ly gần thì vẫn có thể nhìn thấy được bằng mắt thường. Nếu đã như vậy thì chúng cũng có thể được nhìn thấy bằng phương pháp quan sát quang học có độ nhạy cao ở vị trí xa. Cô ấy hình dung ra một hệ thống thăm dò quang học khí quyển, hệ thống này có thể sử dụng trong phạm vi không gian rộng lớn để quan sát những thực thể trong suốt nhưng sản sinh ra khúc xạ ánh sáng. Hệ thống có hai chùm laser vuông góc với nhau, có thể quét qua bầu khí quyển. Trên mặt đất, một hệ thống khác sẽ dùng hai chùm laser biến hóa khúc xạ trong khí quyển thành một hình ảnh ba chiều để thu nhận về và nhận dạng hình ảnh. Thuật toán của hệ thống này tương tự với máy quét CT.
Trong thời gian này, căn cứ chật ních những người không mặc quân phục. Họ là những kỹ sư phần mềm, chuyên gia quang học, chuyên gia nhận dạng mẫu, thậm chí có cả các nhà chế tạo kính viễn vọng và kính thiên văn.
Sau khi hệ thống được xây dựng thành công, những gì chúng tôi thấy được trên màn hình không phải là các electron vĩ mô mà là các nhiễu động hỗn loạn và dòng khí trong khí quyển. Bình thường, chúng ta không thể thấy được các chuyển động khí quyển này nhưng hệ thống này lại có thể hiển thị những thứ ấy rất rõ ràng. Tôi kinh ngạc khi nhìn thấy khí quyển thường ngày vốn yên bình như mặt hồ hóa ra lại là một thế giới rối loạn đến thế, giống như nước trong chiếc máy giặt khổng lồ. Tôi nhận ra hệ thống này sẽ có tác dụng rất lớn về mặt Khí tượng học nhưng chúng tôi đang tập trung sức lực vào việc thăm dò electron vĩ mô nên cũng chưa tính sâu thêm về phương diện đó.
Hình ảnh của electron vĩ mô vốn lẫn lộn trong dòng khí hỗn loạn bề bộn, mà chúng tôi lại cần những hình dạng tròn nổi bật của chúng hiển thị trên màn hình, vậy nên phần mềm nhận dạng mẫu đã ra đời để xuất chúng ra dễ dàng từ mảng hỗn loạn. Bằng cách này, việc định vị số lượng lớn các electron vĩ mô trong không trung đã thành hiện thực. Công việc thu thập sau khi định vị sẽ dễ dàng hơn nữa, vì các electron vĩ mô chưa bị kích thích không hề nguy hiểm. Lúc thu thập, chúng tôi cũng không cần dùng tới que dò nữa, mà sử dụng một mạng lưới lớn được tạo thành từ những sợi dây siêu dẫn. Có khi chỉ cần một lần thôi cũng có thể thu thập được rất nhiều electron vĩ mô. Quá trình này giống với việc bắt cá trong không khí.
Hiện tại, nếu muốn bắt được sét hòn và biến nó thành món đồ sưu tầm của nhân loại rất đơn giản. Tôi nhớ lại hành trình gian nan của những người nghiên cứu về nó, như Trương Bân, Trịnh Mẫn, họ đã hy sinh toàn bộ tâm sức, thậm chí là sinh mạng của mình mà không thu hoạch được gì cả. Cả căn cứ 3141 có lịch sử bi thương cũng đã nằm sâu trong rừng thẳm ở Siberia. Ai ai cũng cảm thấy bùi ngùi. Đến tận bây giờ, chúng tôi mới nhận ra bản thân đã đi bao nhiêu đường vòng, lạc quanh bao nhiêu ngã rẽ.
Đại tá Hứa nói: “Đây là nghiên cứu khoa học, mỗi việc làm trước đây bất kể hoang đường cỡ nào thì đều là cần thiết.”
Ông ấy nói vậy khi tiễn đội trực thăng rời đi. Sau này, việc bắt giữ electron vĩ mô vì để tiết kiệm chi phí nên sử dụng khinh khí cầu heli. Công việc nghiên cứu ở căn cứ vì thế đã không còn cần đến trực thăng nữa. Chúng tôi tạm biệt hai viên phi công đã vượt mọi gian khổ và hiểm cùng nhau. Cảnh tượng hai người họ trải nguy hiểm qua nhiều chuyến bay đêm kéo theo sợi dây hồ quang sáng lóa đã trở thành ký ức đáng trân trọng nhất trong cuộc đời chúng tôi. Mọi người đều tin rằng lịch sử khoa học cũng sẽ ghi nhớ điều này.
Trước khi chia tay, Thượng úy Lưu nói với chúng tôi: “Cố lên, chúng tôi đợi súng máy lôi cầu do mọi người làm ra đấy.”
Đây là cái tên thứ hai được các phi công sáng tạo ra, sau này, cái tên đó được tiếp tục sử dụng trong lĩnh vực vũ khí sét hòn.
Thành công của việc dùng quang học do thám electron vĩ mô chưa bị kích thích đã mở ra một hy vọng khác cho chúng tôi, nhưng đồng thời cũng chứng minh sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi về Vật lý học. Sau khi hệ thống thử nghiệm lần đầu tiên thành công, tôi và Lâm Vân hào hứng tìm tới Đinh Nghi.
“Giáo sư Đinh, chúng tôi hiện giờ đã có thể tìm được hạt nhân của nguyên tử vĩ mô rồi!”
“Điều gì khiến mọi người nghĩ như thế?”
“Chúng ta không thể tìm được hạt nhân của nguyên tử vĩ mô do proton vĩ mô và neutron vĩ mô đều không bị kích thích như electron vĩ mô. Nhưng hiện tại, chúng tôi dùng được phương pháp quang học để định vị trực tiếp không bào rồi.”
Đinh Nghi lắc đầu, mỉm cười giống như đang bao dung cho sai lầm của hai đứa nhóc học sinh tiểu học: “Nguyên nhân không thể tìm được hạt nhân của nguyên tử vĩ mô không phải do chúng không thể bị kích thích, mà là do chúng ta không biết chúng có hình dạng như thế nào.”
“Cái gì? Chúng không phải là không bào sao?”
“Ai nói với anh rằng chúng đều là không bào? Về mặt lý luận, bề ngoài của chúng và electron vĩ mô hoàn toàn khác nhau, giống như nước với lửa ấy.”
Tôi thực sự không thể tưởng tượng được các hạt vĩ mô đang trôi nổi xung quanh mình sẽ có hình dạng như thế nào. Tôi chỉ cảm thấy không gian xung quanh dường như trống rỗng nhưng lại tràn ngập sự quái lạ.
Bây giờ, chúng tôi đã có thể kích thích được sét hòn trong phòng thí nghiệm. Thiết bị kích thích gồm: Đầu tiên là một cục pin siêu dẫn có thể lưu trữ được không bào, không bào sau khi được phóng thích từ pin siêu dẫn ra ngoài sẽ được từ trường tăng tốc, rồi tiếp tục đi qua mười chiếc máy tạo sét. Tổng năng lượng của những tia sét được tạo ra từ những chiếc máy tạo sét này lớn hơn rất nhiều so với hồ quang điện được sử dụng trong những lần kích thích sét hòn trước kia. Khởi động bao nhiêu tia sét đều phụ thuộc vào nhu cầu của thí nghiệm.
Đối với việc chế tạo vũ khí, điều chúng tôi muốn biết nhất hiện nay chính là tính lựa chọn đối với mục tiêu diễn ra như thế nào khi giải phóng năng lượng electron vĩ mô. Đây cũng là đặc điểm ma mị của sét hòn khiến người ta thấy khó hiểu và sợ hãi nhất.
Đinh Nghi nói: “Chuyện này có liên quan tới tính hai mặt sóng – hạt của các hạt vĩ mô. Tôi đã tạo ra được một mô hình giải phóng năng lượng trên lý thuyết và thiết kế một thí nghiệm quan sát để giúp các anh nhìn thấy cảnh tượng đáng kinh ngạc nhất. Thí nghiệm này rất đơn giản: Làm chậm quá trình giải phóng năng lượng của sét hòn đi một triệu năm trăm lần.”
“Một triệu năm trăm lần?”
“Đúng thế, tôi đã tính toán sơ bộ dựa vào electron vĩ mô có thể tích nhỏ nhất mà chúng ta lưu trữ được, đại khái là tầm đấy.”
“Như vậy là… mỗi giây sẽ là ba mươi sáu triệu khung hình! Chúng ta đào đâu ra loại thiết bị chụp ảnh tốc độ cao như thế.” Có người thắc mắc.
“Đây lại không phải là việc của tôi rồi,” Đinh Nghi đáp, nhàn nhã châm tẩu thuốc đã lâu không dùng tới.
“Tôi có thể tìm được. Tôi nghĩ có thiết bị như vậy,” Lâm Vân khẳng định chắc nịch.
Lúc tôi và Lâm Vân bước vào tòa nhà thực nghiệm của Sở nghiên cứu Quang học Quốc phòng, một bức ảnh lớn ở sảnh tiếp khách đã thu hút chúng tôi: Bức ảnh chụp một bàn tay đang cầm khẩu súng lục, họng súng khổng lồ đang hướng về phía người chụp ảnh, trong họng súng có ánh sáng đỏ rực, khói bay ra. Tiêu điểm bắt mắt nhất của bức ảnh là một quả cầu lơ lửng trôi trước họng súng có bề mặt nhẵn nhụi, màu đồng thau. Đó chính là viên đạn vừa được bắn ra từ khẩu súng.
“Đây là bức ảnh chụp từ máy quay tốc độ cao vào những ngày đầu chúng tôi vừa thành lập. Độ phân giải thời gian khoảng 1/100.000 giây. So với tiêu chuẩn bây giờ thì đây chỉ được coi là một bức ảnh chụp ở tốc độ cao thông thường. Hiện tại, nếu mọi người muốn tiêu chuẩn như này thì có thể tìm tới bất kỳ cửa hàng thiết bị nhiếp ảnh chuyên nghiệp nào,” người phụ trách Sở nghiên cứu nói.
“Vậy tử sĩ chụp bức ảnh này là ai thế?” Lâm Vân hỏi.
Người phụ trách cười ồ lên: “Là một tấm gương. Bức ảnh này được chụp thông qua hệ thống phản xạ ánh sáng”
Sở nghiên cứu đã tổ chức cho chúng tôi một cuộc họp nhỏ với một số kỹ sư tham gia. Lâm Vân trình bày yêu cầu của mình, nói rằng chúng tôi cần một thiết bị chụp ảnh tốc độ cao, sau khi nghe xong, sắc mặt của một vài người của Sở rất khó coi.
Người phụ trách nói: “Hiện tại, thiết bị chụp siêu tốc của chúng tôi so với thế giới vẫn còn một khoảng cách nhất định. Thiết bị trong thực tế vẫn chưa hoạt động ổn định.”
“Cô giải thích về những chỉ số yêu cầu đi, chúng tôi phải dựa vào tình hình thì mới nói chuyện tiếp được,” một vị kỹ sư nói.
Tôi dè dặt nói con số đó ra: “Khoảng ba mươi sáu triệu khung hình mỗi giây.”
Tôi còn tưởng đối phương sẽ lắc đầu, ai ngờ mấy vị đó lại cười sằng sặc. Người phụ trách lên tiếng: “Trò chuyện lâu như vậy, hóa ra yêu cầu của mọi người chỉ là máy quay ở tốc độ cao thông thường! Hai vị đối với khái niệm về máy quay chụp siêu tốc xem ra vẫn là từ những năm 50 của thế kỷ trước rồi. Bây giờ, tần suất chụp cao nhất mà chúng tôi đạt được là bốn trăm triệu khung hình mỗi giây. Mức cao nhất của thế giới là sáu trăm triệu khung hình mỗi giây.”
Con số đáng sợ này khiến tôi và Lâm Vân choáng váng.
“Loại phim nào có thể chịu được tốc độ quay nhanh như vậy?” Tôi hỏi.
Những người đó lại cười ồ lên, một kỹ sư giải thích: “Hiện tại, phim trong máy quay tốc độ cao không di chuyển. Thứ di chuyển chính là ống kính. Có một số loại thì sử dụng kính phản chiếu xoay để tạo ảnh cho phim. Có loại thì sử dụng bộ chuyển đổi ảnh để truyền và lưu lại hình ảnh quang học. Nhưng đối với loại máy quay có tốc độ chụp trên trăm triệu khung hình mỗi giây mà chúng tôi vừa nhắc tới thì sử dụng kỹ thuật phức tạp hơn thế nhiều”
Sau khi chúng tôi thở phào nhẹ nhõm, người phụ trách dẫn chúng tôi đi thăm Sở nghiên cứu. Ông ấy chỉ vào một màn hình và hỏi: “Hai người đoán xem đây là gì?”
Chúng tôi nhìn một lúc rồi Lâm Vân trả lời: “Giống như một bông hoa đang từ từ nở rộ. Thật kỳ lạ, cánh hoa đang phát sáng.”
Người phụ trách nói: “Có thể nói rằng máy quay tốc độ cao chính là thể loại nhiếp ảnh tinh tế nhất. Nó có thể biến quá trình tàn khốc nhất trở nên mềm mại và uyển chuyển. Màn hình mà mọi người nhìn thấy chính là đoạn ghi lại quá trình phát nổ của một loại đạn xuyên giáp đã bắn trúng mục tiêu.”
Ông ấy chỉ vào chùm “nhụy hoa màu vàng. “Nhìn này, đây chính là dòng phun trào siêu tốc độ và siêu nhiệt độ được hình thành khi phát nổ. Đạn đang xuyên qua giáp và được chụp lại bằng loại máy sáu trăm triệu khung hình mỗi giây.”
Chúng tôi bước tới gian phòng thực nghiệm thứ hai, người phụ trách giới thiệu: “Những gì chúng ta nhìn thấy sau đây chính là loại máy quay tốc độ cao đáp ứng được yêu cầu của mọi người. Tần suất chụp là năm mươi triệu khung hình mỗi giây.”
Trên bức ảnh, chúng tôi nhìn thấy một mặt nước phẳng lặng, có một viên sỏi nhỏ vô hình rơi xuống mặt nước. Đầu tiên, viên sỏi vô hình ấy tạo thành một quả bong bóng nước, sau đó bong bóng nước vỡ ra, chất lỏng tứ tán thành ngàn mảnh nhỏ bay về mọi hướng, một lớp sóng loang trên mặt nước…
“Đây là hình ảnh một chùm tia laser năng lượng cao chiếu vào bề mặt kim loại.”
Lâm Vân hiếu kỳ hỏi: “Vậy thì loại máy siêu tốc độ mỗi giây chụp trên trăm triệu khung hình dùng để làm gì vậy?”
“Những bức ảnh đó là tuyệt mật nên tôi không thể cho hai vị xem. Nhưng tôi có thể nói rằng một trong những đề tài cần dùng loại máy đó để chụp chính là quá trình tổng hợp hạt nhân có kiểm soát trong thiết bị Tokamak*.”
Công việc chụp ảnh lôi cầu lúc giải phóng năng lượng nhanh chóng được tiến hành. Electron vĩ mô trong thí nghiệm đi qua mười tia sét kích thích, vì thế, trạng thái bị kích thích đã đạt tới năng lượng rất cao.
Năng lượng trong nó lớn hơn rất nhiều quả lôi cầu được kích thích bởi sét trong tự nhiên. Điều này khiến quá trình giải phóng năng lượng càng rõ ràng hơn. Lôi cầu sau khi bị kích thích đi vào khu vực tầm ngắm, khu vực này đã được trang bị các vật thể mục tiêu có hình dạng và chất liệu khác nhau. Chẳng hạn như là khối gỗ lập phương, khối nhựa hình nón, quả cầu kim loại, thùng giấy chứa đầy vụn bào, thủy tinh hình trụ,… Chúng được đặt ở các bệ xi măng cao thấp khác nhau, phía dưới được lót một lớp giấy trắng như tuyết. Khu vực tầm ngắm nhìn như một triển lãm điêu khắc hiện đại. Lôi cầu sau khi đi vào khu vực này sẽ bị giảm tốc bởi từ trường giảm dần, và lúc lôi cầu trôi nổi thì năng lượng sẽ được giải phóng hoặc tự dập tắt. Ba chiếc máy quay tốc độ cao được lắp ở rìa khu vực tầm ngắm. Thể tích của các máy này rất lớn, cấu trúc phức tạp, nên nếu không giải thích thì chẳng ai nghĩ đây là máy quay cả. Bởi vì chúng tôi không thể đoán trước được mục tiêu tấn công của lôi cầu nên đành hy vọng có đủ vận may để chụp lại được mục tiêu đó.
Thí nghiệm bắt đầu. Do mức độ nguy hiểm lớn nên toàn bộ nhân viên hiện trường đều được sơ tán. Cả quá trình thí nghiệm đều được điều khiển từ xa, cách phòng thí nghiệm ba trăm mét.
Từ màn hình giám sát, chúng tôi nhìn thấy không bào đầu tiên được phóng từ pin siêu dẫn chạm vào sợi hồ quang điện đầu tiên. Bộ thu âm trong hệ thống giám sát mới truyền tới âm thanh bíp bíp méo mó, nhưng từ phòng thí nghiệm cách đó ba trăm mét đã kịp phát ra một tiếng ồn cực lớn. Sét hòn bị kích thích đã xuất hiện, dưới tác dụng của từ trường từ từ di chuyển về phía trước. Giữa đường đi, sét hòn lại liên tiếp chịu thêm chín phát hồ quang điện nữa. Tiếng sấm vang lên không ngừng từ phòng thí nghiệm. Mỗi lần tiếp xúc với hồ quang điện, năng lượng của sét hòn lại tăng thêm một cấp, ánh sáng của nó tuy không tăng theo mức năng lượng nhưng màu sắc lại thay đổi. Từ màu đỏ sẫm sang da cam, thuần vàng, trắng, xanh biếc, xanh da trời, tím. Cuối cùng, quả cầu lửa màu tím tiến vào khu gia tốc. Trong từ trường tăng tốc, nó dường như bị cuốn vào dòng chảy xiết, tốc độ đột ngột gia tăng, chớp mắt đã đi vào khu vực tầm ngắm. Quả bóng ngay lập tức lao vào một hồ nước lặng sóng, tốc độ đột nhiên chậm lại, bắt đầu trôi nhàn nhã trong khu vực này. Chúng tôi nín thở chờ đợi. Năng lượng bùng nổ, sau một tia chớp, phía phòng thí nghiệm truyền ra tiếng nổ rầm trời, khiến mấy chiếc tủ kính dưới phòng điều khiển rung chuyển. Năng lượng bùng nổ lần này đã thiêu đốt một khối nhựa hình nón thành đống tro đen trên tờ giấy trắng. Nhưng nhiếp ảnh gia thao tác máy quay tốc độ cao bảo rằng đây không phải là mục tiêu được máy quay nhắm tới nên chẳng chụp được gì cả. Sau đó, chúng tôi lại tiếp tục tạo ra tám quả sét hòn nữa, năm quả trong đó đã được giải phóng năng lượng, nhưng mục tiêu của chúng lại không phải bất cứ thứ nào trong tầm ngắm của máy quay. Lần giải phóng năng lượng cuối cùng còn đánh trúng bệ xi măng đặt vật ngắm, thổi bay cái bệ, những khối xi măng vỡ bay tứ tán làm xáo trộn khu vực tầm ngắm nên chúng tôi phải dừng thí nghiệm lại. Chúng tôi bước vào khu vực thí nghiệm để dọn dẹp. Mùi ozone tràn ngập căn phòng.
Sau khi sắp đặt lại mọi thứ, thí nghiệm tiếp tục được tiến hành. Từng electron vĩ mô lần lượt phóng vào khu vực tầm ngắm, ba chiếc máy quay tốc độ cao chụp ảnh liên tục như chơi trò trốn tìm. Các kỹ sư ở Sở nghiên cứu Quang học lo lắng cho sự an toàn của ba chiếc máy quay. Chúng gần với khu vực tầm ngắm nhất. Chúng tôi cứng đầu tiếp tục làm thí nghiệm, cuối cùng, trong lần thứ mười một giải phóng năng lượng, chúng tôi đã chụp được hình ảnh vật ngắm bị đánh trúng. Lần này, vật ngắm bị đánh trúng là khối gỗ lập phương có chiều dài cạnh khoảng ba mươi phân. Đây là một lần trình diễn giải phóng năng lượng của sét hòn rất hoàn hảo. Khối gỗ đó bị thiêu cháy hoàn toàn thành tro tàn màu xám nhạt. Đống tro này ban đầu còn giữ được hình dạng của khối lập phương nhưng khi vừa chạm vào đã sụp xuống. Sau khi dọn sạch đám tro, chúng tôi phát hiện mặt giấy trắng nhẵn bóng lót phía dưới lại không hề có vết cháy nào cả.
Khi chúng tôi đưa hình ảnh đã chụp lại nhưng chưa được xử lý vào máy tính, nếu tính theo tốc độ phát thông thường, đoạn ghi hình sẽ kéo dài cả nghìn tiếng đồng hồ, nhưng đoạn hình ảnh ghi lại quá trình vật ngắm bị đánh trúng chỉ kéo dài khoảng hai mươi giây. Lúc chúng tôi sử dụng máy tính để tìm ra được hai mươi giây ghi hình này trong quãng thời gian trên cả nghìn tiếng thì trời đã về khuya. Chúng tôi hồi hộp nhìn màn hình, trông chờ một con quỷ thần bí bị vén lên khỏi lớp mạng che.
Cả quá trình được phát với tốc độ bình thường, hai mươi tư khung hình trong một giây, diễn ra trong vòng hai mươi hai giây. Khi năng lượng bùng nổ, lôi cầu cách khối gỗ khoảng một mét rưỡi. Thật may mắn, nhờ vậy mà chúng tôi dễ dàng nhìn được cả lôi cầu và khối gỗ cùng lúc. Trong mười giây đầu tiên, chúng tôi nhìn thấy ánh sáng của lôi cầu tăng đáng kể, chúng tôi dự đoán khối gỗ sẽ phát lửa, nhưng khi nhìn sang thì đáng ngạc nhiên rằng nó bị mất đi màu sắc và trở nên trong suốt. Cuối cùng, khối gỗ biến thành một đường viền hình lập phương lờ mờ. Khi ánh sáng của lôi cầu đạt đến giá trị cao nhất, đường viền hình lập phương cũng hoàn toàn biến mất. Sau đó, ánh sáng của lôi cầu yếu dần. Quá trình này kéo dài khoảng năm giây. Trong năm giây này, vị trí đặt khối gỗ trống rỗng. Tiếp đó, đường viền hình lập phương trong suốt lại lấp ló ở vị trí đó, nhanh chóng có lại màu sắc và biến thành thực thể, nhưng là màu xám trắng, chính là đám tro của khối lập phương. Lúc này, lôi cầu biến mất hoàn toàn.
Tất cả chúng tôi chết lặng, phải mất một lúc mới nhớ lại được hình ảnh vừa rồi. Chúng tôi phát lại với tốc độ chậm, bấm dừng khi tới đoạn khối gỗ trở thành đường viền trong suốt.
“Nó giống như một không bào hình lập phương!” Lâm Vân chỉ vào đường viền trong suốt kia và nói.
Đoạn ghi hình được phát tiếp, lôi cầu dần tối đen lại và một trang giấy trắng đặt ngay phía dưới. Từng khung hình được phát trên màn hình, chúng tôi quan sát rất lâu mỗi khung hình, trên trang giấy trắng ấy quả thực không có gì cả! Đoạn ghi hình tiếp tục phát, đường viền trong suốt lại xuất hiện, rồi biến thành đám tro hình lập phương…
Lúc này, một đám khói bao trùm màn hình. Đám khói ấy là do Đinh Nghi phả ra. Không biết từ lúc nào anh ta đã kịp châm tẩu thuốc.
“Mọi người vừa chứng kiến tính hai mặt sóng – hạt của vật chất đấy!” Đinh Nghi chỉ vào màn hình và nói. “Trong thời gian ngắn như vậy, không bào và khối gỗ đều được thể hiện ở dạng sóng, chúng cộng hưởng với nhau. Hai thứ cộng hưởng với nhau hợp nhất lại thành một thể, sóng của khối gỗ chịu tác động từ năng lượng giải phóng của electron vĩ mô, sau đó chúng cùng nhau hồi phục về trạng thái hạt.
Sau khi khối gỗ bị thiêu cháy, nó lại tái tụ thành thực thể. Đây chính là bí ẩn khiến mọi người bối rối: Lời giải thích về tính lựa chọn của lôi cầu khi chọn mục tiêu giải phóng năng lượng. Mục tiêu trong lúc bị năng lượng đánh trúng sẽ hiện ra trong trạng thái là một chùm sóng, cơ bản sẽ không còn ở vị trí cũ nữa. Năng lượng này sẽ không ảnh hưởng tới bất cứ thứ gì xung quanh nó.”
“Vậy tại sao chỉ có vật thể mục tiêu mới bị ảnh hưởng? Trong trường hợp này chỉ có khối gỗ đó thể hiện tính chất sóng, mà tờ giấy trắng đặt bên dưới lại không?”
“Điều này được quyết định bởi điều kiện biên của vật thể. Cơ chế giống với phần mềm xử lý hình ảnh, chính là chức năng từ trong một bức ảnh tự động lấy ra được hình ảnh сụ thể đấy.”
“Một bí ẩn khác cũng được giải thích rồi: Đó là tính chất xuyên thủng của sét hòn!” Lâm Vân hào hứng. “Khi electron vĩ mô thể hiện tính sóng thì nó sẽ có thể xuyên qua các vật thể, khi gặp một lỗ hổng có kích thước tương đương thì sẽ phát sinh ra nhiễu xạ.”
“Khi sét hòn thể hiện tính chất sóng thì nó sẽ bao phủ một phạm vi nhất định, cho nên lúc giải phóng năng lượng, sóng của nó sẽ tiếp cận được vật thể cách nó một khoảng cách nhất định!” Đại tá Hứa bỗng nhiên nhận ra.
…
Cứ như vậy, lớp sương mù bao phủ sét hòn đã dần tan biến. Nhưng những thành quả lý thuyết này không có tác dụng trực tiếp nào đối với việc nghiên cứu vũ khí sét hòn. Đối với việc chế tạo vũ khí, điều đầu tiên là cần thu thập một số lượng lớn các electron vĩ mô có khả năng sát thương.
Về điểm này, lý thuyết không trợ giúp được gì cả. Tuy nhiên, số lượng electron vĩ mô ở căn cứ đã lưu trữ được tới nay cũng đã hơn một vạn, và tiếp tục tăng nhanh. Chuyện này giúp chúng tôi tiếp tục sử dụng phương pháp ngu ngốc kia mà không cần phụ thuộc vào bất cứ lý luận nào. Chúng tôi đều biết rằng chủng loại của mục tiêu lựa chọn để giải phóng năng lượng được quyết định bởi tính chất của bản thân hạt electron vĩ mô đó, và không liên quan gì tới năng lượng sét đã kích thích nó. Nếu như một electron vĩ mô trong một lần giải phóng năng lượng lựa chọn được một mục tiêu, thì tiếp theo nó sẽ lựa chọn loại mục tiêu như vậy. Đây là căn cứ để chúng tôi lựa chọn thí nghiệm.
Chúng tôi bắt đầu làm số lượng lớn các thí nghiệm trên động vật. Quá trình rất đơn giản: Đưa các động vật tương tự với mục tiêu là con người, ví dụ như thỏ, lợn, cừu,… thí nghiệm, đem chúng vào khu vực tầm ngắm, sau đó giải phóng electron vĩ mô và kích thích sét hòn. Nếu sét hòn khi nổ gây sát thương tới mục tiêu động vật thì electron vĩ mô này sẽ được lựa chọn để làm dự trữ cho việc chế tạo vũ khí.
Mỗi ngày, tôi đều nhìn thấy hàng loạt động vật thí nghiệm bị sét hòn đánh thành tro, kích thích mạnh mẽ tới tinh thần của bản thân. Lâm Vân nhắc nhở tôi rằng so với nỗi thống khổ của động vật trong lò mổ thì việc bị sét hòn đánh chết đỡ đau khổ hơn nhiều. Lời cô ấy nói rất có lý, tâm lý của tôi được cân bằng trở lại. Nhưng sau khi đào sâu vào thí nghiệm, tôi mới phát hiện sự việc còn lâu mới đơn giản như vậy. Tính lựa chọn của sét hòn đối với mục tiêu giải phóng năng lượng đạt tới trình độ tinh chuẩn. Nhiều lúc, năng lượng giải phóng của electron vĩ mô sẽ thiêu hủy xương cốt động vật, thậm chí còn làm bốc hơi huyết dịch của chúng mà không hề làm tổn thương tới các tổ chức cơ thịt. Động vật chịu sự tấn công như vậy thì trạng thái khi chết đều rất hoảng sợ. May mắn thay, một phát hiện của Đinh Nghi đã kết thúc đợt thí nghiệm ác mộng này.
Đinh Nghi đang nghiên cứu một phương pháp kích thích sét hòn, ngoài cách dùng tia sét ra. Đầu tiên, anh ta nghĩ tới việc sử dụng laser nhưng không thành công. Sau đó, anh ta lại nghĩ tới việc sử dụng vi sóng công suất lớn nhưng cũng không được. Tuy nhiên, sau một lần thứ nghiệm, anh ta phát hiện vi sóng sau khi đi qua các electron vĩ mô đều bị điều chế trở thành một loại mật độ phổ công suất* phức tạp. Các electron vĩ mô khác nhau sẽ có mật độ phổ với công suất khác nhau, giống như chỉ tay của con người vậy. Các electron vĩ mô giải phóng năng lượng tới mục tiêu cùng loại, vì chúng có cùng mật độ phổ công suất. Bằng cách này, chúng tôi chỉ cần thu thập được một số lượng nhỏ mục tiêu phù hợp với tính chất lựa chọn mục tiêu theo yêu cầu của electron vĩ mô, ghi lại mật độ phổ của chúng là có thể thí nghiệm được ở trạng thái chưa bị kích thích. Thông qua nhận biết đặc trưng của mật độ phổ, chúng tôi tìm được rất nhiều các electron vĩ mô cùng loại. Kết quả là thí nghiệm trên động vật không còn cần thiết nữa.
Công việc nghiên cứu sét hòn còn có thể sử dụng cho công tác chế tạo máy phát xạ trong thực tế vì vậy đã cùng nhau tiến hành. Chúng tôi lấy những thành quả trước kia làm cơ sở, và nguyên lý kỹ thuật của vũ khí đã được hình thành. Súng máy lôi cầu được tạo thành do vài bộ phận chủ yếu sau đây: 1. Pin siêu dẫn để dự trữ không bào; 2. Ray dẫn từ trường. Đây là một ống kim loại hình trụ dài ba mét, ở mỗi khoảng cách nhất định trong ống sẽ đặt một cuộn dây điện từ. Dòng điện trong cuộn dây điện từ có thể đảo pha khi đi qua không bào, sau đó từ trường được sản sinh ra sẽ tạo ra lực kéo và lực đẩy ở giai đoạn trước và sau khi không bào đi qua. Trải qua một chặng đường gồm các cuộn dây như vậy, không bào sẽ được từ trường đẩy lên tốc độ nhất định; 3. Điện cực kích thích: Đây là một hàng điện cực phóng điện, khi lôi cầu được tăng tốc đi qua, thiết bị sẽ tạo ra sét nhân tạo để kích thích; 4. Kết cấu phụ: Kết cấu này bao gồm pin siêu dẫn cung cấp điện cho cả hệ thống, hệ thống ống ngắm của súng máy,… Do chúng tôi tận dụng được các thiết bị thí nghiệm hiện có, nên súng máy lôi cầu đầu tiên lắp ráp xong chỉ trong vòng nửa tháng.
Sau khi tạo ra kỹ thuật nhận biết mật độ phổ, tốc độ tìm kiếm electron vĩ mô loại vũ khí ngày càng nhanh hơn. Loại electron vĩ mô này được chúng tôi lưu giữ trên nghìn quả. Năng lượng sau khi giải phóng của chúng chỉ tấn công sự sống hữu cơ. Số lượng sét hòn như vậy đủ để giết chết toàn bộ lính bảo vệ của một thành phố nhỏ mà không làm vỡ đồ sứ trong bất kỳ tủ kính nào.
“Anh không thấy bất an trong lòng sao?” Tôi hỏi Đinh Nghi. Chúng tôi đang đứng trước vũ khí sét hòn đầu tiên của nhân loại. Trông nó không hề giống vũ khí tấn công chút nào, mà giống một thiết bị liên lạc hoặc ra-đa hơn, bởi vì ray tăng tốc và điện cực kích thích giống như những cái ăng-ten. Điểm cuối của chúng là hai cục pin siêu dẫn, đều là các thanh trụ kim loại cao một mét, bên trong giữ hàng ngàn electron vĩ mô loại vũ khí.
“Sao anh không hỏi Lâm Vân?”
“Cô ấy là quân nhân. Còn anh thì sao?”
“Tôi thì sao cũng được. Đó chỉ là những gì tôi nghiên cứu thôi. Ở hai quy mô lũy thừa của 0,001 xen-ti-mét hoặc hơn mười tỷ năm ánh sáng, Trái đất và nhân loại đều nhỏ bé không đáng kể.”
“Sinh mạng là nhỏ bé không đáng kể sao?”
“Theo quan điểm của Vật lý, sinh mạng chỉ là hình thức vận động của vật chất, không có ý nghĩa cao hơn so với các chuyển động vật chất khác. Anh không thể tìm thấy quy luật vật lý mới nào về sinh mạng. Cho nên, từ góc độ của tôi, một người qua đời và một khối băng tan chảy về bản chất không khác nhau. Tiến sĩ Trần, nhiều khi anh nghĩ quá nhiều rồi đấy. Anh nên học cách nhìn nhận cuộc sống từ quy luật tối thượng của vũ trụ. Có như vậy, cuộc sống của anh mới trở nên thư giãn hơn.”
Điều duy nhất khiến tôi cảm thấy thư giãn được một chút là vũ khí sét hòn không đáng sợ như lần đầu nhìn thấy. Chúng ta có thể phòng ngự được nó. Electron vĩ mô có thể có tác dụng đối với điện từ trường, nó được từ trường đẩy tăng tốc lên nhưng cũng có thể bị chệch hướng bởi từ trường. Uy lực của loại vũ khí này chỉ được thể hiện rõ trong giai đoạn đầu của chiến tranh. Cho nên quân đội rất coi trọng tính bảo mật của dự án này.
Không lâu sau khi vũ khí sét hòn được ra đời, Trương Bân tới căn cứ. Cơ thể của ông yếu hơn trước rất nhiều nhưng vẫn cố gắng ở lại trọn một ngày. Ông say mê nhìn electron vĩ mô được giam giữ trong từ trường, nhìn thấy từng hạt bị kích thích rồi trở thành sét hòn. Ông vô cùng kích động, như thể cả cuộc đời đều dồn hết vào một ngày này.
Sau khi chào hỏi với Đinh Nghi, ông hồ hởi nói: “Tôi biết mà, phải người như cậu mới có thể giải được bí ẩn về sét hòn. Trịnh Mẫn của tôi cũng tốt nghiệp cùng khoa với cậu. Cô ấy cũng là một thiên tài như cậu vậy. Nếu cô ấy còn sống thì những khám phá này có lẽ sẽ không phải do cậu làm ra nữa rồi.”
Trước khi rời đi, Trương Bân nói với tôi: “Thầy biết bản thân mình không còn nhiều thời gian nữa. Nguyện vọng duy nhất bây giờ của thầy là sau khi chết sẽ được hỏa táng bằng sét hòn.”
Tôi muốn nói gì đó an ủi Trương Bân, nhưng suy cho cùng, tôi nghĩ rằng ông ấy cũng không cần kiểu an ủi đó, thể là tôi im lặng gật đầu.