Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 06

HỒI THỨ NĂM

CÁ CHÉP RỈA XÁC NGƯỜI

Năm ấy đúng vào ngày lễ ông Táo thì trời lại mưa nặng hạt. Chưa có năm nào mà lễ tiễn ông Táo lại mưa to đến thế. Tiếng gió vun vút len lỏi qua những khóm cây khiến cho người ta có cảm giác rợn ngợp, cứ như thể mình đang sống ở một nơi đồng không mông quạnh. Cơn mưa hung hãn ào tới xối xả, rồi đổ ầm ầm trên những mái nhà lợp cỏ khô, cứ như thể bầu trời đang nổi trận lôi đình. Từng tiếng sấm đì đùng như muốn xé nát cả không gian. Cơn mưa vần vũ bắt đầu từ giờ tí kéo dài đến sáng vẫn chưa dứt.

Người dân trong làng lục tục dậy từ sớm để thổi xôi nấu chè, thắp nhang đèn tiễn ông Táo về chầu trời. Mặc dù phải chịu cảnh sống chui lủi trốn tránh thế gian trong rừng, ấy thế mà người làng vẫn giữ gìn những tập tục truyền thống của người miền Bắc bộ thủa trước, chỉ có điều lễ lạt cúng bái không được thịnh soạn đủ đầy như ở dưới kinh thành mà thôi. Điều quan trọng nhất của lễ tiễn ông Táo đó chính là việc đi thả cá chép, đây cũng chính là phương tiện Táo quân cưỡi về trời. Dân gian quan niệm khi cá vừa được thả xuống nước thì lập tức biến thành rồng, ông Táo sẽ cưỡi rồng phóng lên mây.

Ngẫm ra thì làng Địa Ngục cũng tọa lạc ở một thế đất khá đắc địa. Ngôi làng nằm trên lưng chừng núi, quanh năm sương mù giăng phủ, phía cuối làng lại có một con suối vắt ngang qua trở thành nguồn cung cấp nước cho dân trong vùng. Thường ngày vào những buổi chạng vạng, con suối trở nên tấp nập hơn bao giờ hết. Dân trong làng gồng gánh để mang nước về nhà, bọn trẻ con ra suối tắm rửa cười nói vui vẻ, những bà mẹ giặt quần áo bên suối trò chuyện cùng nhau. Tất cả tạo nên một khung cảnh thật yên bình, thân thuộc như bất cứ làng quê nào.

Con suối ở làng vốn không có tên, người trong làng lại càng không nghĩ đến chuyện đặt tên cho nó, cũng chẳng ai bận tâm tìm hiểu xem con suối này bắt nguồn từ đâu chảy đến. Chỉ biết rằng quanh năm nơi đây có vô vàn cá, tôm. Đợt mưa bão năm xưa cá tôm xuất hiện trong suối nhiều vô số kể, người dân chỉ việc gạt tay là có thể dễ dàng bắt cá mang về nhà.

Thế nhưng sự lạ đâu chỉ dừng lại ở đó, nghe các cụ trong làng kể lại rằng: Ở con suối này có một bầy cá chép đen rất lớn. Nghe đâu là từ khi dân làng đến đây an cư lạc nghiệp đã thấy bầy cá chép đó rồi, con nào con nấy vừa to vừa tinh ranh. Cứ mỗi đêm trăng tròn ra bờ suối người ta lại thấy lác đác vài con bơi tung tăng dưới ánh trăng vằng vặc. Vốn dĩ cá chép là loài vật thường xuất hiện trong thi ca, nhạc họa của người xưa.

Kì lạ thay bầy cá chép ở làng Địa Ngục thì lại chẳng mang đến vẻ tốt lành êm đẹp, chúng đặc biệt nhạy cảm với mùi máu, chỉ cần một giọt máu rơi xuống suối là chúng kéo đến. Bà nội ông Thập khi còn sống vẫn bảo bầy cá chép này đã thành yêu quái mất rồi. Ông Thập sợ lắm nhưng vẫn tò mò về chúng. Có lần trong làng có người cả gan bắt một con cá chép đen từ dưới suối lên mổ bụng cá nướng ăn, lại còn chia cho bọn trẻ con ở gần đó. Ông Thập lúc đó mới sáu tuổi đương chơi cùng lũ trẻ làng cũng chạy tới ăn cùng. Chẳng biết vì sao mà đến đêm về lũ trẻ bị đau bụng quằn quại, hỏi ra thì mới biết là sáng nay ăn thịt cá chép. Thế là mấy gia đình lục tục sửa soạn lễ lạt đến suối cúng khấn cả đêm, đến sáng mới xong. Từ đó ông Thập không bao giờ động đũa đến món cá, ai mời ông cũng chỉ lắc đầu từ chối. Bầy cá chép đen trong suối nổi danh trong làng cũng vì câu chuyện đó.

Sáng ngày hai ba tháng Chạp, có một người con gái lục tục ôm thau đựng ba con cá chép bước thấp bước cao đi về hướng dòng suối cuối làng. Trời vẫn còn mưa, manh áo tơi trên người mà ướt sũng, cô run cầm cập vì lạnh, chiếc nón lá rách bươm không che nổi được mái tóc bay phất phơ trong cơn gió buốt lạnh đến thấu xương. Người thiếu nữ ấy tên là Chiêm.

Thị Chiêm năm nay kể ra cũng đã đến tuổi lấy chồng, thế nhưng cô vẫn còn muốn ở nhà thêm vài năm đặng báo hiếu cho cha cô rồi mới tính đến chuyện đại sự cuộc đời. Mẹ của thị Chiêm mất đã lâu, một mình cha cô nuôi nấng cô và anh trai cô lên người. Vắng đi bàn tay chăm sóc của người mẹ, mọi việc bếp núc trong nhà đều do thị Chiêm quán xuyến cả. Dân trong làng vẫn bảo với nhau, nhà nào có phúc mới lấy được con Chiêm về làm dâu, đã đảm đang lại xinh đẹp. Chả thế mà trai trong làng nhiều người ngấp nghé thị Chiêm lắm, thế nhưng cô chẳng bằng lòng với ai, cũng chẳng chịu mai mối với ai hết. Đám trai làng theo đuổi cô không được bèn sinh lòng hằn học, họ nói cô bị con ma rừng, ma núi bắt mất hồn rồi, chẳng thích lấy chồng nữa đâu.

Ai nói gì thì nói nhưng thị Chiêm vân mặc kệ, cô vẫn làm việc của mình. Cứ sáng sớm là ra ngoài suối xách nước, sau đó tưới cho mấy luống rau trồng quanh nhà, cho gà qué ăn rồi đi thổi cơm, chiều đến cô mang khung dệt ra trước hiên nhà hóng gió rồi vừa ngồi dệt vải vừa ngân nga vài câu hát. Ngày nào cũng như vậy, giống hệt như những con thoi trong khung cửi.

Sáng hôm nay thì khác, hôm nay là ngày tiễn ông Táo về chầu trời, cũng chính là ngày giỗ của mẹ cô. Đúng ngày này cách đây mười năm trước, mẹ cô qua đời vì một trận cảm lạnh. Thường ngày người ta vẫn thấy bà dệt vải trước hiên, đông cũng như hè, ngày nắng cũng như ngày mưa. Tờ mờ sáng ngày định mệnh ấy mẹ thị Chiêm tỉnh dậy, bà nghe thấy tiếng đao kiếm va chạm vào nhau loảng xoảng ở đâu đó vọng lại, rồi lại nghe thấy tiếng khóc của trẻ nhỏ, rồi tiếng gào thét của mấy người đàn ông. Bà sợ điếng người, lẩm bẩm với chính mình:

“Chẳng lẽ gặp ma?”

Bà vừa mới dứt lời thì đột nhiên ngửi thấy mùi máu tanh từ đâu xộc tới. Mùi máu tanh ở người khác hẳn với mùi máu khi người ta giết mổ động vật. Chỉ có điều mùi máu này lạ quá. Vừa giống mùi máu trộn lẫn với đất, lại thoang thoảng mùi máu của đàn bà khi trở dạ. Tất cả hòa quyện với nhau, phảng phất khắp gian nhà tranh.

“Sao lại lạ lùng đến thế?”

Bà ngẩn người nghĩ bụng.

Càng nghĩ càng thấy rờn rợn, bà hoảng hồn gọi chồng con nhưng chẳng có ai đáp lại. Bà run run khoác tạm manh áo bông vá chằng vá đụp rồi cầm cây đèn cầy bước ra ngoài. Bên ngoài trời vẫn còn tối thui, đám đom đóm tụ tập bay qua bay lại trước cửa nhà bà tạo thành một đám mây sáng rực. Bà vừa bước ra khỏi nhà thì một cơn gió lạnh cắt da ùa tới, mồm bà méo xệch sang một bên, cơn gió thốc vào người bà như hàng trăm chiếc kim châm lấy da thịt. Manh áo mỏng không giúp bà chống chọi được với cái lạnh giữa chốn núi rừng, bà chỉ kịp ú ở một tiếng yếu ớt trong cổ họng rồi ngất lịm đi, ngọn đèn cầy trong tay bà tắt ngúm từ đời nào, lăn lông lốc trên nền đất ẩm ướt.

Phải đến một canh giờ sau thì chồng bà mới dẫn hai đứa con nhỏ về đến nhà. Sắp tết rồi, ông nhờ ông Thập xuống dưới núi đổi cho ông ít đồ dùng để chuẩn bị đón năm mới cho sung túc.

Rạng sáng hôm ấy ông Thập đã về đến làng, thế là ba bố con thị Chiêm ghé nhà ông Thập khi bà mẹ vẫn còn đương ngủ. Cô Chiêm lúc đó mới khoảng tám tuổi, cô vừa ôm khư khư cái đèn lồng đỏ trong tay vừa nhảy chân sáo, định bụng về khoe với mẹ. Vừa chạy về đến nơi, cô thấy mẹ nằm sõng xoài trước cửa, mặt trắng bệch như xác chết. Cô hét lên một tiếng hãi hùng rồi chạy ào tới bên mẹ khóc nức nở. Bố và anh trai cô vừa về tới, nhìn thấy cảnh tượng bày ra trước mắt cũng hoảng hồn, lập cập đưa mẹ cô vào trong. Người bà mẹ lúc này lạnh ngắt chỉ còn một chút hơi ấm, hơi thở thoi thóp. Ông bố luống cuống quát con chạy đến tìm thầy lang trong làng.

Làng Địa Ngục từ trước đến giờ chỉ có duy nhất một gia đình hành nghề bốc thuốc đó chính là cụ Khảm. Nói sâu xa thì cụ Khảm là người cùng thời với bà nội ông Thập, cũng chính là người trong đám tàn dư của băng cướp chạy loạn từ châu Đại Lý về đến Thăng Long thành. Giống như bao người khác, mái tóc cụ đã bạc trắng như cước khi còn rất trẻ. Lúc mẹ cô Chiêm gặp nạn, cụ mới ngoài lục tuần, còn đương mạnh khỏe. Cô Chiêm chạy đến nhà cụ khóc nấc, không thốt được nửa câu. Đoán chừng có chuyện chẳng lành, cụ lấy vội cái túi thuốc treo trên tường rồi kéo tay cô Chiêm. Cụ Khảm vừa đến nhà đã chạy vào bắt mạch cho mẹ cô Chiêm. Người phụ nữ còn đương trẻ trung khỏe mạnh ấy vậy mà chỉ một cơn gió độc của núi rừng làm cho miệng thị méo xệch, hàm trễ xuống một bên giống như miệng của loài chó dại. Cụ Khảm bắt mạch hồi lâu, lại xem xét rất kỹ khóe miệng biến dạng của bà mẹ, quay qua nhìn bố cô Chiêm rồi lắc đầu bất lực.

Ông bố thấy cụ Khảm lắc đầu buồn rầu, ông hiểu chuyện gì sắp xảy đến với gia đình mình. Ông quỳ xuống khóc lóc van xin cụ Khảm giúp đỡ. Hai đứa trẻ nhỏ thấy cha mình làm vậy cũng lục tục quỳ theo. Cụ Khảm không đành lòng liền bảo:

“Không phải tôi không muốn giúp nhà thầy nó. Nhưng… nhưng… gió độc ngấm vào người bác gái rồi. Chỉ e là…. E là không cố được bao lâu nữa.”

Người bố khóc lóc vái lạy như tế sao, ông sụt sịt nói:

“Bẩm cụ! Cụ thương con, thương hai đứa nhỏ nhà con, xin cụ cứu vợ con. Con nguyện làm trâu ngựa báo đáp cụ.”

Cô Chiêm và cậu Đức anh trai cô cũng khóc, đứa thì ôm chân mẹ, đứa thì ôm tay như lũ gà con không muốn rời mẹ. Không đành lòng, cụ Khảm thở dài rồi nói nhỏ:

“Vậy để tôi thử cách này xem sao.”

Nói rồi cụ lấy trong tay áo ra một chiếc kim dài bằng bạc nhỏ xíu. Cụ dùng chiếc kim ấn nhẹ vào huyệt nhân trung của bà mẹ. Chừng một tích tắc sau, bà mẹ dần dần mở mắt, miệng vẫn méo xệch về một bên.

Thấy mẹ tỉnh lại, cô Chiêm cậu Đức vui lắm. Hai đứa ríu rít ôm lấy mẹ khóc nức nở. Bố cô Chiêm với cụ Khảm, nước mắt nước mũi hòa lẫn trên gương mặt ông. Cụ Khảm đỡ bố cô dậy rồi ôn tồn hỏi:

“Sáng nay gió to thế, chị còn đi đâu để ra nông nỗi thế này?”

Mặc dù đã tỉnh nhưng miệng bà mẹ vẫn còn méo, bà nói rất khó khăn, chốc chốc lại ngừng để qua cơn đau mới nói tiếp được.

Bà kể rằng bà tỉnh dậy thì không thấy chồng con đâu, bà vừa đẩy cửa bước ra ngoài thì thấy bầy đom đóm ở đâu kéo tới dày đặc trước cửa nhà bà. Thế rồi một cơn gió thổi tới, bà chỉ kịp thấy đau nhói ở thái dương rồi ngất lịm đi lúc nào không biết.

Cụ Khảm nghe câu chuyện liền cảm thấy có mối nghi hoặc trong lòng. Mẹ cô Chiêm vừa kể đến chi tiết bầy đom đóm bay lượn trước cửa nhà dày đặc, cụ Khảm thất sắc. Lẽ nào đó lại là đom đóm câu hồn? Người dân Địa Ngục đâu có xa lạ gì với những con đom đóm sáng lập lòe bay quanh làng mỗi đêm. Người ta bảo nhau rằng mỗi một con đom đóm đều đang chở trên lưng những oán linh mà băng cướp khi xưa đã chết. Tờ mờ sáng hôm nay, trời còn chưa sáng, đom đóm tụ tập trước cửa nhà phải chăng báo hiệu gia đình này sẽ có người trả mang?

Cụ Khảm quay sang nhìn bố cô Chiêm, hai người đàn ông, một già một trẻ im lặng nhìn nhau không nói nửa lời. Mà dù có nói, họ cũng không biết phải nói gì bởi lẽ trong lòng họ có cùng một suy nghĩ. Bố cô Chiêm ôm lấy vợ mình, nước mắt từ khóe mắt của ông rơi lã chã lên ngực áo của vợ. Cụ Khảm lắc đầu, cụ khẽ thở dài rồi lặng im không nói. Đoạn lại lấy trong tay nải ra một gói thuốc rồi dặn cô Chiêm đi sắc thuốc cho mẹ.

Cô Chiêm thấy mẹ tỉnh dậy thì mừng lắm, cô vui vẻ xách cái ấm đất ra phía sau nhà để thổi lửa đun nước. Nước vừa lăn tăn sủi bọt, bỗng cô nghe thấy từ trên tán cây trước mặt có tiếng chim kêu từ đâu đó vọng lại. Sống giữa miền sơn cước, tiếng chim hót nào có xa lạ gì, kể cả với một đứa bé con như cô Chiêm lúc ấy. Điều kì quái là tiếng chim này không giống tiếng chim bình thường, mà nó cứ vang lên từng hồi.

“Eng éc… Eng éc…”

“Eng éc… Eng éc….. Eng éc”

Bầy chim chóc trước đó vẫn còn đương hót líu lo chợt im bặt, chỉ còn tiếng chim kêu eng éc vang lên giữa không gian vắng lặng. Cô Chiêm bỗng lạnh cả người. Cô co giò chạy vào khoe với cha mẹ:

“Thầy u ơi! Có con chim gì lạ lắm, con nghe thấy nó hót trước cổng nhà ta đấy?”

“Chim gì mà nghe lạ?”

Cậu Đức anh trai cô hỏi lại.

“Không biết! Nó cứ kêu eng éc, eng éc thôi”

Cậu Đức ra chiều ngẫm nghĩ rồi nói:

“Nếu mà kêu eng éc thì chắc là tiếng chim lợn đấy. Mày biết chim lợn kêu báo hiệu điều gì không?”

“Kh.. Không”

Cô Chiêm tái mét mặt lắc đầu.

“Chim lợn kêu báo hiệu có người sắp chết đấy.”

Cậu Đức nhìn đứa em gái rồi vung hai tay lên dọa em.

Cô Chiêm sợ quá, trèo lên giường ôm lấy mẹ run như cầy sấy. Gương mặt của cha cô sa sầm lại, mẹ cô thở dài im lặng không nói. Bà giang hai tay đón lấy hai đứa con sà vào lòng rồi vỗ nhè nhẹ lên lưng chúng. Cậu Đức thầm thì:

“U còn đau không?”.

Bà mẹ cố gắng mỉm cười trên đôi môi méo xệch, bà lắc đầu rồi nhắm mắt lại, một giọt nước mắt lăn dài trên gò má trắng bệch của bà. Ông bố lặng lẽ đi ra phía sau trông chừng ấm thuốc, cô Chiêm co mình trong vòng tay mắt mở thao láo không nói gì. Cô không biết mình đã nằm như thế bao nhiêu lâu, chỉ biết rằng người mẹ càng ngày càng lạnh.

“Sao lại kì lạ như thế nhỉ?”

Cô ngẩng lên nhìn mẹ thì thấy đôi mắt bà nhắm hờ, đôi môi méo xệch của bà dần dần tái đi. Trái tim cô thót lên một cái, cô run run đưa bàn tay nhỏ xíu lại gần phía mẹ rồi khẽ gọi:

“U … u ơi! U dậy đi”

Mẹ cô không trả lời. Cô lay mạnh hơn:

“U … U dậy đi u!”

Giọng cô bắt đầu nghẹn lại, dù chỉ là một đứa bé nhưng ngay lúc này dường như cô cũng cảm thấy có điều gì xảy đến với mình. Cô lay lay anh trai, rồi lại lay mẹ cô. Cậu Đức choàng tỉnh, cậu thấy đứa em gái mình mặt đầy nước mắt, như thể hiểu ra điều gì cậu gào lên gọi mẹ. Thế nhưng người mẹ vẫn im lặng không trả lời, đôi môi méo xệch như nở một nụ cười héo hon.

Nghe tiếng con khóc trên nhà, ông bố cô Chiêm đương rót thuốc vào cái bát sành, ông giật mình đánh rơi chiếc bát vỡ tan. Ông ôm chầm lấy xác vợ rồi bật ra tiếng khóc u u như một con thú rên rỉ khi bị thương. Tiếng khóc nức nở của lũ trẻ con làm nền cho tiếng chim lợn kêu eng éc trước cửa nhà. Người làng Địa Ngục lúc bấy giờ đang thả cá dưới suối nghe thấy âm thanh hỗn độn từ xa vọng lại, họ dừng mọi công việc đương làm, nhìn nhau như muốn nói:

“Vậy là lại có người chết nữa rồi!”

Tin tức về cái chết của mẹ cô Chiêm lan nhanh, chẳng mấy chốc mà cả làng ai cũng biết. Ngày tiễn ông Táo về chầu trời cũng lại là ngày đưa một người làng trở về với cát bụi. Người chết vì bệnh vốn không có gì lạ, kể cả khi họ bị cơn gió độc làm cảm lạnh mà qua đời đột ngột. Ấy thế nhưng, điều khiến người dân bàn tán đó chính là những thứ mà mẹ cô Chiêm thấy trước khi chết.

Người ta đoán già đoán non rằng tiếng dao kiếm xoang xoảng va chạm vào nhau có lẽ là tiếng của những cuộc giao chiến mà băng cướp thủa trước đã thực hiện. Mùi máu tanh phảng phất lại càng dễ giải thích, mấy người đàn ông trong làng nói rằng trận đánh nào mà chẳng có máu. Chẳng phải là năm xưa khi cha ông giết gia tộc buôn tơ lụa máu đỏ đã nhuộm thẫm cả đất hay sao? Tiếng gào thét thất thanh, tiếng trẻ con khóc inh ỏi dường như đang tái hiện lại khung cảnh chém giết ghê người thuở trước.

Nói thì nói vậy, thế nhưng không ai hiểu tại vì sao chỉ có bà mẹ cô Chiêm nghe thấy. Cả làng Địa Ngục này có ai không phải con cháu của băng cướp khi xưa đâu. Họ đến chia buồn với gia đình cô Chiêm, ai nấy cũng lắc đầu thương cho gia đình bỗng dưng tan đàn xẻ nghé. Người làng ở đó cả ngày, trời vừa sẩm tối người ta đã vội vã rời đi. Người ta sợ bầy đom đóm sẽ kéo tới, sợ những đốm lửa sáng lập lòe đó sẽ câu hồn của mình. Trên hết cả là người ta sợ lây vận xui xẻo của gia đình cô Chiêm. Ai mà dám chắc được rằng, ngày mai gia đình mình vẫn bình an vô sự?

Cho đến tận bây giờ, cô Chiêm vẫn nhớ mãi cái đêm đầu tiên kể từ ngày mẹ cô chết. Lúc ấy là giữa nửa đêm, cô và anh trai còn đương phủ phục trước linh cữu của mẹ cô. Gọi là linh cữu cho oai, chứ kì thực chỉ là mấy miếng gỗ mỏng đóng vội vàng rồi đặt người chết nằm trong đó. Nhà có tang sự tuyệt đối đêm không đóng cửa. Nhiều người không biết cứ ngỡ rằng gia đình tang quyến tấp nập người đến chia buồn, không nên đóng cửa. Thực ra việc đón thân bằng cố hữu gần xa chỉ diễn ra trong vài canh giờ từ sáng đến chập choạng tối, quá nửa đêm vẫn mở cửa là để cho vong hồn người thân đã chết trước đó có thể về. Cũng có nhiều người kể lại, nhiều vị thầy lang cứu giúp bệnh nhân khắp chốn đến khi chết đi, con cháu của những vị thầy lang này còn nhìn thấy cả u hồn đến đưa tiễn. Có kẻ bị què chân, có kẻ bị cụt tay, lại có kẻ chột mắt, tất cả đều hiển hiện dưới bóng lờ mờ phảng phất, thậm chí có vong hồn còn vái lạy trước linh cữu của thầy lang. Coi như trả hết cái ân tình được cứu giúp. Thực hư như thế nào thì không ai rõ, chỉ biết rằng đó là câu chuyện rủ rỉ kể cho nhau nghe vậy thôi.

Đêm hôm ấy, cô Chiêm ngồi co ro trước linh cữu của mẹ, bên cạnh là một chậu củi cháy âm ỉ hòng xua hết phần nào hơi lạnh từ tử khí. Cô chống hai chân, đầu áp vào đầu gối, nước mắt còn chưa kịp ráo nhưng cô cũng chẳng buồn đưa tay để lau. Cô nhớ tiếng ru à ơi của mẹ, nhớ tiếng lạch xạch của khung cửi mỗi khi mẹ dệt vải đêm đêm. Cô nhìn ra bầu trời phía trước. Cách đây có vài canh giờ, mẹ cô còn đương sống, còn bước ra khỏi bậc cửa để đi tìm anh em cô.

Cô nghe lỏm được ông Thập trưởng làng nói chuyện với cụ Khảm. Hai người thở dài, cụ Khảm lắc đầu nói nhỏ với ông Thập:

“Số phận làng ta đã thế rồi! Khổ thân thị. Chỉ thương cho hai đứa nhỏ. Không khéo có khi sau này làng ta chẳng còn ai sống sót.”

Ông Thập trưởng làng vốn là bạn thân với bố cô. Ông thích đọc sách lại ưa kể chuyện, cho nên dù ông là trưởng làng đức cao vọng trọng nhưng lũ trẻ con yêu quý ông lắm. Ông Thập vốn dĩ hay cười, vậy mà hôm nay gương mặt ông còn rầu rĩ hơn cả cô. Cô ngồi suy nghĩ mông lung, rồi giật mình tự hỏi:

“Ừ nhỉ! Chẳng lẽ làng mình sẽ chết hết hay sao?”

Đúng lúc ấy, một cơn gió lạnh tràn đến. Cô Chiêm khẽ dụi mắt để nhìn ra ngoài. Trời tối đen như mực, bầy đom đóm sáng lập lòe trong đêm vẫn bay qua bay lại tạo thành một khung cảnh rờn rợn. Bỗng chốc cô nghe thấy có tiếng cười khành khạch từ đâu đó vang lên. Tiếng cười khành khạch không phải của một người, mà của rất nhiều người. Già có, trẻ có, đàn ông có, đàn bà có. Cô hoảng hồn quay sang lay lay anh trai thì thấy cậu Đức đã ngủ say như chết. Cô quay đầu nhìn ra cửa trước, đột nhiên cô sững người. Phía trước cửa nhà cô bỗng dưng xuất hiện những cái bóng màu xam xám nhàn nhạt nổi bật giữa màn đêm tối thui của núi rừng. Những cái bóng xám dần dần hiển hiện thành hình người, có người đang mang bầu bị rạch bụng nhau thai rơi thống trước bụng. Có người bị chém cụt đầu chập chững đi từng bước, hai tay khua khua để tìm đường.

Đám người nhìn giống người mà dường như chẳng phải người, ai nấy màu xám nhạt, mỏng dính giống như những hình nhân bằng giấy dán trên chiếc đèn kéo quân. Họ đứng trước cửa nhà cô, có kẻ ngồi vắt vẻo trên cây đào, có kẻ bò dưới đất. Tất cả họ đều nhìn chăm chăm vào cái quan tài của mẹ cô, miệng cười khúc khích ra chiều vui vẻ lắm. Tiếng chim cú mèo rúc lên liên hồi, tiếng mèo kêu, tiếng chó sủa ma gằn lên từng chặp, tiếng cười khành khạch vang lên tạo thành một âm thanh quỷ di.

Cô Chiêm sợ đến nhũn cả người, cô hét lên một tiếng rồi lùi vào trong, bám chặt lấy chiếc quan tài như thể sợ đám vong hồn lẩn khuất bên ngoài cướp thi thể mẹ cô đi. Bỗng dưng cô thấy ai đó đang giật mạnh vào tay mình. Cô mở mắt ra thì thấy anh Đức, rồi cả bố cô đang nhìn mình lo lắng. Bố cô gặng hỏi nhưng cô không đáp, cô chỉ lí nhí trả lời rằng do mệt nên ngủ thiếp đi.

Lần đầu tiên kể từ khi sinh ra, trong lòng cô ràn ngập nhiều câu hỏi đến thế. Rốt cuộc là ai đã giết mẹ? Vì sao mẹ lại phải chết oan ức như thế? Đám vong hồn đứng lấp ló trước cửa nhà là ai? Vì sao ông Thập trưởng làng và cụ Khảm lại âu sầu đến vậy? Những câu hỏi ấy cô Chiêm đã tự hỏi đi hỏi lại mình, thậm chí chúng xuất hiện cả trong những giấc mơ của cô. Thế nhưng cũng từ lúc ấy, cô Chiêm nhận ra rằng … mình có thể nhìn thấy ma.

Thấm thoát đã mười năm kể từ ngày mất của mẹ. Ngày tiễn ông Táo hôm ấy trời cũng lạnh như thế này, chỉ có điều không mưa mà thôi. Cô Chiêm im lặng bưng thau nước bên trong có ba chú cá chép nhỏ để ra con suối cuối làng thả. Cô nhớ ngày cô còn bé, cái ngày mà mẹ cô còn sống, cứ mỗi lần tiễn ông Táo về chầu trời là cô lại xung phong đi thả cá rồi rủ cái Hạch – bạn thân nhất của cô đi thả cùng . Mẹ cô Chiêm khi ấy hay cười mà nói rằng:

“Ông Táo cũng đi theo con đấy. Cá chép thả xuống nước là biến thành rồng, ông Táo bay lên trời luôn.”

Mỗi lần như thế cô đều cười khúc khích. Dường như trẻ con với người già đều có nét giống nhau. Trẻ con tin vào những câu chuyện dân gian vì tâm hồn còn bay bổng, người già lại càng tin vì họ đã trải đủ sự đời.

Cô Chiêm không có nhiều bạn, người bạn thân nhất của cô là cô Hạch cũng chính là cháu của cụ Khảm thầy lang trong làng. Nhiều người cứ chê cái tên của cô Hạch xấu quá. Thế nhưng mẹo nuôi con mà dân gian truyền tụng lại có bao giờ đặt tên hay, tên đẹp cho con cái bao giờ đâu. Người ta bảo trẻ con tên đẹp thì khó nuôi. Chẳng thế mà lũ trẻ trong làng đứa thì tên là Tũn, đứa là Khoai, là Cò. Tên của cô Hạch bắt nguồn từ khi lọt lòng, cả người cô nổi đầy những nốt hạch nhỏ li ti.

Cô Chiêm không có nhiều bạn, người bạn thân nhất của cô là cô Hạch cũng chính là cháu của cụ Khảm thầy lang trong làng. Nhiều người cứ chê cái tên của cô Hạch xấu quá. Thế nhưng mẹo nuôi con mà dân gian truyền tụng lại có bao giờ đặt tên hay, tên đẹp cho con cái bao giờ đâu. Người ta bảo trẻ con tên đẹp thì khó nuôi. Chẳng thế mà lũ trẻ trong làng đứa thì tên là Tũn, đứa là Khoai, là Cò. Tên của cô Hạch bắt nguồn từ khi lọt lòng, cả người cô nổi đầy những nốt hạch nhỏ li ti. Người trong làng nhìn thấy đều lắc đầu bảo cô không sống nổi quá ba tháng. Cụ Khảm thầy lang tìm đủ mọi thứ thuốc cũng chẳng ăn thua gì, những nốt hạch vẫn nổi trên người đứa trẻ. Ông Thập trưởng làng khi ấy còn rất trẻ, ông nói với cụ Khảm rằng:

“Thôi thì nghiệp số do người gánh. Cụ đặt cho cháu nó một cái tên, cố gắng nuôi dưỡng, biết đâu sau này lại qua khỏi.”

Thế là cái tên Hạch đi theo cô từ ấy.

Cô Chiêm xinh đẹp nhất làng nhưng mất mẹ, cô Hạch xấu xí ma chê quỷ hờn trở thành bạn của nhau. Nhiều kẻ ác mồm nói cả hai cô rồi sẽ chẳng lấy được chồng, có khi đoản mệnh. Ấy vậy mà các cô cứ lớn lên như bông hoa giữa núi rừng, họ đi ra suối cũng đi cùng nhau, họ cùng nhau dệt vải, cùng nhau trồng trọt. Sáng ngày hôm nay, cô Chiêm gọi cô Hạch để cùng đi ra suối thả cá, thế nhưng nhà cụ Khảm vẫn đóng cửa im ỉm. Cô Chiêm đoán rằng chắc là do mưa to gió lớn quá nên người trong nhà không nghe thấy tiếng gọi, cho nên cô đi một mình.

Con đường từ làng ra tới con suối phải đi qua những nóc nhà lợp bằng cỏ tranh và tán cọ, rồi phải băng qua một đoạn đường đầy đá cuội, cuối cùng mới đến được dòng suối ngoằn ngoèo.

Dòng suối liền kề với làng Địa Ngục không quá nông, nhưng lại hẹp và dài. Bao quanh suối là lớp lớp đá cuội phủ đầy rêu phong, mực nước của suối ngang bụng người lớn. Nhiều khi cánh trai làng muốn băng qua suối để tiến sâu hơn vào rừng chỉ việc cởi quần, mặc mỗi chiếc khố rồi lội qua là xong. Con suối rộng khoảng vài trượng, chảy lưng chừng qua núi rồi đổ xuống tạo thành một cái thác nho nhỏ, khiến cho cảnh vật ở làng Địa Ngục bớt lạnh lẽo, rợn ngợp mà trở nên thơ mộng hơn vài phần. Cô Chiêm bước chầm chậm lên một phiến đá, cô thành tâm khấn vái bên thau đựng cá trước khi thả. Cô chẳng có mong ước gì nhiều, chỉ mong ông Táo về thượng giới bẩm báo với Ngọc Hoàng thượng đế, mong cho cha cô sống lâu trăm tuổi, anh trai cô khỏe mạnh, vậy là đủ rồi. Ba chú cá chép nhỏ lặn xuống nước mất tăm, cô Chiêm đứng bần thần một lúc rồi xoay người định về.

Đúng lúc đó, cô chợt thấy dưới làn nước xuất hiện dải nước màu đỏ thẫm. Cảm thấy có điều gì đó kì lạ, cô cúi xuống nhìn cho kỹ hơn. Dưới làn mưa nặng hạt, vệt nước đỏ lòm loang nhanh trên mặt nước. Cô Chiêm hoảng hồn, cô giật mình nhận ra vệt nước đỏ đó chính là vết máu.

“Hình như có ai giết lợn ở đâu đây?”

Cô nghĩ thầm trong bụng. Thế nhưng ý nghĩ ấy tan nhanh trong đầu cô, bởi lẽ chính dân làng đã đặt ra quy tắc rằng không ai được giết mổ động vật cạnh suối, mục đích chính là để bảo đảm nguồn nước không bị vẩn đục tanh hôi. Có vệt máu loang dưới suối hẳn là có con thú nào đó bị thương ở đâu đây. Cô Chiêm nhìn quanh quất nhưng không thấy ai. Trời vẫn mưa nặng hạt, cái áo tơi trên người cô không ngăn nổi cái rét lạnh thấu tận tủy xương. Vốn sẵn bản tính tò mò, cô khẽ nhón chân bước xuống tảng đá thấp hơn ở bên cạnh để nhìn cho kỹ. Giây phút ấy, cô nhìn thấy một vật nho nhỏ bập bềnh trên làn nước lạnh giá. Trống ngực đánh thùm thụp liên hồi, cô căng mắt ra nhìn bất chấp làn mưa trắng xóa.

Một ngón tay người bị gặm nham nhở trôi lững lờ, dưới nước có con cá chép màu đen xì đang rỉa lấy rỉa để những miếng thịt từ ngón tay, để lộ ra cả đốt xương trắng ởn.

“Quái lạ! Chẳng lẽ đêm qua làng có người bốc mộ rồi đem xương ra rửa ở đây?”

Cô chạy ngược lại theo hướng vệt máu loang lổ, độ khoảng hai chục bước chân cô nhìn thấy có người nào đó đang ngồi dựa lưng vào một phiến đá kề sát bên suối, nửa thân ngâm hẳn dưới nước, đầu nghẹo sang một bên. Một cảm giác bất an tràn ngập trong tâm trí cô. Ai mà lại tắm ở khúc suối vào giữa lúc mưa to gió lớn như thế này chứ? Cô Chiêm lấy tay làm loa gọi lớn:

“Ai! Ai đấy?”

Người nọ vẫn nằm im không hề nhúc nhích, cũng không hề trả lời cô.

“Này!! Có nghe thấy tiếng tôi gọi không?”

Vẫn im lặng không đáp, chỉ có tiếng của cô vọng lại phía bìa rừng, hòa lẫn dưới làn mưa nhạt nhòa.

Cô Chiêm bước lên một phiến đá, tiến lại gần phía người đó. Vừa đến gần, cô ngửi thấy trong làn mưa có mùi tanh tanh, hăng hắc. Cô càng kinh hãi khi nhận ra làn nước xung quanh người nọ đã chuyển thành màu đỏ đục ngầu. Cô khẽ khom người cúi xuống nhìn.

Trước mắt cô là một cảnh tượng kinh hoàng. Người con gái ngồi dựa lưng vào phiến đá trầm mình xuống suối, mái tóc dài buông xõa một bên bị mưa làm cho ướt nhẹp, phủ lên khuôn mặt. Người ấy mặc một chiếc áo cánh màu tím nhàn nhạt, một nửa chiếc áo bị nhuốm máu đỏ lòm loang ra gần hết. Chiếc áo bị cắn con gì đó cắn tơi tả, để lộ ra một bên bầu ngực trắng nõn nà. Hai cánh tay cô buông thống dưới làn nước. Máu không ngừng trào lên từ dưới suối, hòa lẫn với lớp bùn đục ngầu. Dưới làn nước lạnh buốt, cô Chiêm nhìn thấy có thứ gì đó đang lay động bên thân người thiếu nữ.

Một cái miệng tròn vo nhỏ xíu.

Hai cái…

Ba cái…

Hàng trăm cái miệng tròn tròn nho nhỏ đang rỉa lấy rỉa để da thịt người con gái nọ.

Cô Chiêm nhận thấy đó là bầy cá chép sống trong suối, con to nhất cũng phải bằng bắp chân người lớn, con nhỏ hơn thì bằng cổ tay. Bầy cá hung hãn mút từng miếng thịt trên người thiếu nữ, có vài con cá nhỏ hơn chui rúc vào sâu trong lớp áo, luồn vào bầu ngực rồi cắn lấy cắn để phía trong khiến cho manh áo phía ngực chực nát ra. Hai cánh tay của cô gái bị đàn cá bu vào rỉa khiến cho cánh tay như đang khua nhè nhẹ dưới nước. Bầy cá rỉa thịt người đến đâu, máu loang ra đến đó, cả một khúc suối loang loáng máu đỏ, bốc mùi tanh ngập ngụa. Có miếng thịt từ người cô gái bị cá rỉa văng ra, ngay lập tức lũ cá nhỏ hơn xô đến tranh giành. Cá lớn, cá nhỡ thì bu hẳn lấy thân người, còn đám cá chép con giằng xé từng miếng thịt tả tơi, trông giống như miếng bánh rơi lả tả.

Có Chiêm không kim dược liên non khan vai cái, cô sợ đến bủn rủn cả chân tay, kêu không thành tiếng. Dương như hai chân đã hóa thành chì, cô nửa ngồi nửa bò trên phiến đá, miệng ú ở không thốt lên được câu nào. Cô hiểu rằng chỉ sơ sảy một chút thôi, cô mà ngã xuống nước thì cũng sẽ trở thành mồi ngon cho lũ cá. Sống ở làng Địa Ngục từ bé, cô từng nghe nhiều người kể chuyện về bầy cá chép sống lẩn khuất trong những hốc nhỏ bên suối. Chính mắt cô cũng từng thấy mấy con cá vài lần, nhưng cả bầy cá hung hãn rỉa xác người như thế này thì đây là lần đầu tiên.

Một con cá chép đen háu ăn nhảy lên để tranh giành miếng thịt với lũ cá con lại. Con cá vừa nhảy, vô tình va trúng gương mặt người con gái. Đầu cô gái nghẹo sang bên cạnh, để lộ ra một nửa gương mặt trắng bạch. Giây phút ấy mọi thứ dường như ngưng lại, cô Chiêm bàng hoàng nhìn rồi thét lớn:

“Hạch! Ối giời ơi… Hạch ơi!”

Cô Hạch im lìm, đôi mắt nhắm không có chú phản ứng. Cô Chiêm đau đớn nhìn người bạn gái thân nhất của mình làm mồi cho cá. Chúng thi nhau rỉa xác cô Hạch, có con rỉa trúng nốt hạch trên tay cô, lập tức mủ lẫn máu bắn văng ra, bọn cá lại càng hăng máu. Cô Chiêm vơ đại một hòn đá ném về phía cô Hạch miệng hét lớn:

“Cút ra! Cút ra”

Bầy cá chép bị hòn đá đánh động lập tức tan rã. Thế nhưng chỉ tích tắc sau hòn đá cũng chìm nghỉm, bầy cá lại xông tới mút thịt. Nước mắt nước mũi cô Chiêm chan hòa với nhau, chiếc áo tơi khoác trên người càng khiến cho cô khó khăn khi bò xuống dưới.

“Phải chạy về làng để hô hoán cho mọi người biết.”

Nghĩ là làm, cô dùng hết sức bình sinh để bò tiếp.

Ấy thế nhưng khi vừa bò xuống phiến đá, hai bàn tay cô chống vào đám sỏi khiến cho cô đau đớn. Cô lồm cồm đứng dậy thì thấy mấy người trong làng lục tục kéo nhau ra suối thả cá tiễn ông Táo. Bà Thập vợ ông Thập cũng đương đi tới, thấy cô bà mỉm cười:

“Chiêm đấy à con? Con đi thả cá sớm thế?”

Cô Chiêm lắc đầu điên loạn, cô ra sức chỉ về hướng xác cô Hạch đang bị bầy cả rỉa đến tận xương. Bà Thập không hiểu chuyện gì xảy ra, bà nhìn cô có vẻ là lạ nhưng không nói gì chỉ lẳng lặng tiến tới bên cạnh khúc suối. Bà vừa thả con cá chép xuống, lập tức con cá bơi đến chỗ cô Hạch rồi bắt đầu lao vào rỉa xác. Bà Thập nhìn theo vệt máu, chợt thấy cô Hạch bị cả bầy cá bu quanh đen kịt bà gào lên một tiếng khiếp đảm rồi ngã phịch xuống. Nghe tiếng bà hét, mấy người đi cùng bà giật mình, họ nhìn theo hướng tay bà chỉ. Đám người vừa nhìn thấy bầy cá chép rỉa xác người liền gào lên khiếp đảm. Có người sợ quá tung cả cá chép xuống đất, có kẻ ngã lăn mấy vòng xuống đất, miệng trộn đầy đất cát vẫn hốt hoảng kêu lên:

“Giời ơi! Cá chép… cá chép rỉa xác người.”

Chừng một lúc sau thì dân làng đã kéo đến đứng chật kín bên bờ suối để hóng chuyện. Người ta nhốn nháo nhìn nhau không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ biết rằng sáng sớm hôm nay đã có người chạy từ phía bờ suối về làng gào lên khiếp đảm:

Dưới suối… dưới suối có cá rỉa thịt người. Nghe thấy tiếng hét, ông Thập từ trong nhà chạy ra. Linh tính mách bảo cho ông rằng có chuyện chẳng lành. Ông không kịp mặc áo tơi, ông lao ra bờ suối dưới làn mưa lạnh lẽo. Người trong làng lũ lượt kéo theo. Người cầm dù, người mặc áo tơi, có cả mấy anh thanh niên cầm theo cả vũ khí.

Vừa đến bờ suối, người làng Địa Ngục ngây người chứng kiến cảnh tượng kinh hồn. Thi thể cô Hạch bị cá chép rỉa liên hồi, cô Chiêm và bà Thập ôm nhau khóc không thành tiếng. Ông Thập hoảng hồn, ông quát mấy thanh niên:

“Lấy mấy cái gậy đến đây, nhanh lên!!!!”

Đám trai tráng trong làng ngày thường gan dạ là thế, vậy mà giờ đây cũng mềm nhũn như con chi chi, không bước nổi một bước, ai nấy ngây ra sợ hãi. Ông Thập sôi máu:

“Mẹ kiếp! Chúng mày còn đợi cái gì nữa? Nhanh lên!”

Lúc này mấy gã thanh niên mới choàng tỉnh, vội vội vàng vàng chạy về cuối con suối lấy mấy thân cây bị mưa bão làm cho đổ rạp. Ông Thập lấy đá ném xuống nước liên tục để xua lũ cá ra khỏi xác cô Hạch. Lũ cá tản ra nhưng rồi lại bu lại rất nhanh. Cô Chiêm dường như quên cả sợ hãi, cô vùng khỏi vòng tay của bà Thập, lao tới giúp ông Thập một tay. Mấy người trong làng cùng nhau hô hoán, kẻ ném đá vào lũ cá, kẻ lấy gậy khua khoắng xuống làn nước để đuổi bầy cá dữ. Ông Thập ra lệnh cho mấy thanh niên trai tráng thòng sợi dây thừng xuống luồn qua hai nách cô Hạch để kéo lên.

Hai cánh tay đã bị cá rỉa gần hết, từ chỗ khuỷu tay trở xuống chỉ còn nhìn thấy chút thịt dính vào khúc xương trắng ởn. Bốn thanh niên lực lưỡng hò nhau kéo dây thừng để đưa xác cô Hạch lên. Bình thường cô Hạch vốn bé nhỏ mảnh mai, một người cũng có thể xốc cô lên vai. Ấy vậy mà không hiểu sao hôm nay cô lại nặng đến thế. Bốn người thanh niên cắn chặt răng, hò dô ta để lấy đà, những người khác thì có nhiệm vụ cầm gậy để xua những con cá háu ăn ra khỏi người cô.

Xác cô Hạch được lôi lên bờ, đặt lên trên phiến đá.

Mọi người sững sờ, ngay cả người đàn ông gan dạ nhất làng là ông Thập cũng chẳng thể thốt lên nửa lời.

Ấy là vì xác cô Hạch vừa lôi lên, một đoạn ruột non từ ổ bụng của cô thống xuống lòng thòng. Ngay dưới đoạn ruột có một con cá chép đen to bằng cổ tay người lớn vẫn đang đớp thịt, con cá vừa lên bờ bắt đầu giãy đành đạch, giống như người ta mồi câu cá bằng thịt người. Toàn bộ phần thân dưới của cô Hạch bị cắn nham nhở. Chiếc quần đen cô mặc bị cắn đứt gần hết, hai chân cô bị rỉa gần hết nhìn thấy cả xương chậu. Khoang bụng cô bị rỉa một khoảng lớn cứ như thể ai đó dùng dao khoét đi một đường nham nhở. Chiếc áo rách tan nát để lộ cả bầu ngực bị cắn tả tơi. Phần lưng cô chưa bị rỉa nhiều, cũng có thể là do cô ngồi dựa lưng vào phiến đá, bầy cá không thể ăn tới chỗ cột sống.

Xác cô Hạch giống hệt như con búp bê bằng rơm đã cũ, máu me ướt đẫm mình mẩy, đôi mắt cô nhắm nghiền, trên gò má trái xuất hiện hai vết tròn đen xì rướm máu, miệng cô Hạch cứng còng, mím chặt.

Ông Thập run lẩy bẩy khi nhìn thấy xác cô Hạch, mấy người đàn bà ngất xỉu tại chỗ, đám trai tráng trong làng thì nôn thốc nôn tháo. Sống mấy mươi năm trên cuộc đời, chưa bao giờ ông Thập nhìn thấy xác chết nào thảm thương đến thế. Ông ngồi thụp xuống, đôi mắt đỏ hoe nhìn chăm chăm vào xác cô Hạch thầm nghĩ:

“Đây là cái họa mà ông Táo báo mộng cho ta sao. Trời ơi!!”

Ông ôm lấy đầu, phủ phục trước xác chết của người con gái đang ở độ tuổi đẹp nhất đời người. Đầu óc ông bây giờ tràn ngập sự sợ hãi, hoang mang và cả nỗi phẫn uất. Làng Địa Ngục phải chịu nghiệp báo từ đời ông cha để lại nặng nề đến như thế sao? Giữa lúc ấy, có tiếng ai đó gào lên như con thú bị thương.

“Hạch! Hạch ơi! Con tôi đâu?”

Ông Thập ngẩng lên nhìn. Bố mẹ cô Hạch là ông bà Tư chạy ào tới, cả người ướt sũng không kịp mặc áo tơi. Cụ Khảm mò mẫm chống gậy, vừa nhìn thấy xác chết của cháu gái, ông cu chỉ kịp ôm ngực rồi lăn ra bất tỉnh.

Đám đông nhất thời hỗn loạn. Kẻ thì đỡ cụ Khảm, kẻ thì ôm lấy hai ông bà Tư miệng an ủi những câu vô nghĩa. Tội nghiệp nhất là bà Tư, bà ôm lấy xác con mà gào khóc. Ông Thập lúc bấy giờ giật mình tỉnh ra, ông gọi đám thanh niên:

“Kéo… Kéo bà ấy ra nhanh lên. Nước mắt rơi vào người chết là trùng tang bây giờ”

Bà Tư khóc nức nở, bà ôm ghì lấy phần đầu còn lành lặn của con gái mà khóc. Ông Tư nước mắt cũng nhạt nhòa, ông kéo bà lại rồi ôm chặt vợ mà khóc nức nở. Cơn mưa tạnh dần, thế nhưng bầu trời vẫn âm u xám xịt. Ai tốt bụng đã lấy một chiếc xe kéo rồi cùng đám thanh niên đặt xác cô Hạch lên. Người ta không quên phủ một manh chiếu lên thi thể của cô. Người làng Địa Ngục lầm lũi đi theo chiếc xe chở xác về làng. Ông Thập lặng lẽ đi cuối cùng, ông nhìn vợ ông dìu cô Chiêm đang khóc nghẹn từng tiếng mà lòng đau như cắt. Đoàn người đi gần hết, ông Thập khẽ quay đầu nhìn lại khúc suối quen thuộc của làng. Vẫn là con suối ấy, vẫn là những hốc đá ẩn mình dưới suối là mái nhà của bầy cá chép, vẫn là khung cảnh bên bờ suối như trước đến giờ. Thế nhưng mà ngay tại nơi đây, chỉ vừa lúc nãy mới diễn ra một cảnh tượng điên cuồng, phủ đầy máu tanh. Ông thở hắt ra, hai bàn tay nắm chặt.

Nhất định ông phải gặp lão ăn mày què. Sự việc không còn đơn giản nữa rồi, cứ như thế này thì người làng ông chết sạch.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3