Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 07
HỒI THỨ SÁU
NGƯỜI LẠ ĐẾN LÀNG
Ông Thập quyết định xuống núi ngay trong đêm đó, bất chấp nỗi e dè muôn đời của dân làng về bầy đom đóm câu hồn. Nào ngờ vừa bước chân ra khỏi cửa thì cụ Khảm đã đến tìm ông, vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng. Trông thấy cụ, ông Thập có chút giật mình. Chỉ mới sáng nay thôi cụ còn đương khỏe mạnh, vậy mà giờ trông cụ giống như vừa già đi cả chục tuổi. Ông Thập nhã nhặn cúi đầu chào cụ rồi hỏi:
“Bẩm cụ! Con tưởng giờ này đã muộn cụ ở nhà nghỉ ngơi. Sao cụ lại ghé nhà con giờ này? Chẳng hay có chuyện gì quan trọng?”
Cụ Khảm lắc đầu, hai bàn tay cụ nắm chặt cây gậy trúc rồi thở dài:
“Con trẻ vừa mới mất, lão làm ông nội của nó mà chẳng thể giúp được gì cho cháu nó. Sao có thể ngủ được?”
Ông Thập lặng thinh không đáp. Cụ Khảm đi vào trong sân, im lặng nhìn hai cây đào đang đua nhau nảy mầm giữa tiết trời lạnh lẽo. Cụ nhìn thấy cái gùi trên lưng ông Thập, lại nhìn thấy ông nai nịt gọn gàng xem chừng sắp rời đi bèn hỏi:
“Ông trưởng làng chuẩn bị xuống núi sao?”
“Dạ phải! Con xuống núi có việc gấp. Nội nhật sẽ về.”
Ông Thập trả lời.
“Làng ta vừa có người chết thảm , chả lẽ ông Thập lại không đến chia buồn?”
“Việc này… con thực sự phải đi xuống núi. Chuyện này rất hệ trọng”
“Hệ trọng hơn cả mạng người ư?”
Cụ Khảm ngước mắt nhìn ông Thập nói rành rọt.
“Ý cụ là ….?”
Ông Thập giật mình hỏi khẽ. Cụ Khảm nhìn ông một lúc rồi lại nhìn vào bên trong gian nhà còn đương sáng đèn. Ông Thập hiểu ý bèn nói vội:
“Cụ chớ lo. Nhà con đã ngủ rồi. Có chuyện gì cụ vào nhà hãy nói.”
Cụ Khảm không chờ cho ông Thập nói hết câu đã bước vào phía trong. Gian nhà ông Thập không quá lớn nhưng cũng chẳng nhỏ. Nhà vốn được xây thành ba gian, gian giữa để bàn thờ gia tiên và bộ bàn ghế uống trà, hai gian bên cạnh được quây lại bằng tấm liếp đan bằng thanh tre rừng. Cụ Khảm ngồi xuống ghế, hai tay vẫn cầm chặt cây gậy trúc, gương mặt đầy vẻ mệt mỏi. Ông Thập đi theo sau, vừa rót nước pha trà, vừa đoán nhìn ý cụ, đoạn lại cất giọng hỏi:
“Bẩm cụ! Chẳng hay nhà ta đã khâm liệm cho cháu nó chưa?”
Vừa nghe thấy thế, cụ Khảm thở dài rồi nặng nề đáp:
“Chưa! Chưa khâm liệm gì đâu. Vẫn còn để con bé… con bé trên giường.”
Ông Thập giật mình không tin nổi vào tai:
“Chết! Sao lại như thế?”
Cụ Khảm không nói gì, ánh sáng leo lét từ cây đèn cầy hắt lên gương mặt làm hằn sâu thêm những nếp nhăn của người già. Đôi mắt đục ngầu của ông cụ chứa đầy vẻ bi thương, bàn tay run rẩy nắm chặt chiếc gậy như thể cụ đang nuốt ngược nỗi đau khổ vào tận tâm can. Cụ Khảm cứ ngồi như thế, một lúc sau cụ mới trả lời:
“Ông trưởng làng này! Ông có tin tất cả người dân làng chúng ta đều sẽ phải chịu nghiệp báo từ cha ông không?”
“Sao cụ lại nói như thế ạ?”
“Cái chết của con Hạch nhà tôi xem ra còn nhiều điều kỳ lạ. Tối hôm qua tôi vẫn thấy nó bình thường, nó còn chuẩn bị sẵn cá chép để sáng sớm nay đi thả cùng con Chiêm. Giờ Dần tôi còn nghe thấy tiếng mở cửa gỗ bên ngoài, cứ nghĩ là nó xuống bếp thổi xôi. Trời sáng rõ mặt người, mẹ nó tìm nó nhưng chẳng thấy con ở đâu, lại nghĩ nó theo con bé Chiêm đi thả cá. Hai đứa nó… năm nào mà chẳng đi thả cá sớm rồi về sửa soạn giỗ mẹ con Chiêm. Nào ngờ… người làng đến trước cửa nhà hô hoán tôi mới biết”
Ông Thập trầm ngâm đuổi theo dòng suy tư của mình. Cụ Khảm lại hắng giọng:
“Nhận được xác con Hạch về nhà, mấy bà già trong làng giúp thay cho Hạch bộ quần áo cho tử tế. Dù cái xác con bé không còn… không còn nguyên vẹn.”
Cụ Khảm vừa nói vừa run lên bần bật.
“Tôi đây. Lão Khảm đây, cả đời chôn vùi cuộc sống ở cái làng nửa người nửa quỷ này. Cả đời tôi nghiên cứu y thuật, hết bốc thuốc cho người lại quay ra tìm hiểu cây cỏ xung quanh. Thế mà đến hôm nay nhận được thi thể của con Hạch, chờ nó được tắm rửa đàng hoàng rồi, tôi lại gần cháu mình mới phát hiện ra một chuyện .”
“Bẩm cụ! Chuyện.. chuyện gì ạ?”
Ông Hạch hồi hộp hỏi dồn.
“Con Hạch… con Hạch khi bị cá chép ăn thịt… nó… nó…. vẫn còn sống!”
Chiếc ấm trà trên tay ông Thập rơi xuống đất vỡ tan tành, ông điếng người trước câu nói của cụ Khảm.
“Cụ.. cụ nói cái gì cơ?”
Cụ Khảm nhắm mắt đau đớn nghẹn ngào đáp:
“Xác con Hạch được tắm rửa xong, chuẩn bị đưa vào khâm liệm, tôi bỗng phát hiện thấy trên gò má của nó có hai chấm đen. Nhìn kỹ thì thấy đó là hai vết răng, răng nhỏ và mảnh, phần thịt quanh gò má cứng đơ chuyển dần sang màu thâm tím. Tôi đoán… tôi đoán là con bé bị rắn cắn, ngất lịm đi rồi mới bị dìm xuống suối.”
Cụ Khảm càng nói càng run, gương mặt của ông cụ đầy vẻ sợ hãi:
“Sau lưng con bé có một vết rạch dài bằng ngón tay trỏ người lớn. Chắc là… chắc là để máu tanh loang ra dẫn dụ lũ cá chép tới.”
Cụ Khảm nấc lên nghẹn ngào:
“Trời ơi! Cháu tôi! Sao mà lại thê thảm như thế chứ?”
Từng lời nói của cụ Khảm liên tiếp giáng xuống đầu ông Thập khiến cho ông điếng người. Ông hạ giọng thầm thì:
“Cụ có chắc không?”
“Tôi hành nghề y gần sáu mươi năm rồi. Cả đời tôi đã nhìn biết bao nhiêu vết răng của rắn độc cắn. Cái xác của mẹ con thằng Bột năm xưa đập hang rắn chính tôi là người lau chùi chứ ai. Nhìn vết răng thì rất có thể là rắn cạp nia.”
Cụ Khảm lắc đầu thở dài, đôi tay đầy vết đồi mồi của cụ không ngừng run bần bật.
Ông Thập ngẩn người, đưa mắt nhìn ra ngoài trời tối đen như mực, mấy con đom đóm vẫn bay lảng vảng quanh làng như thường lệ. Ông lẩm bẩm nói với chính mình:
“Cạp nia… cạp nia cắn là chết người. Nhiều người bị bất tỉnh nhân sự mấy canh giờ rồi mới chết. Vậy là.. vậy là con bé Hạch bị cá chép rỉa xác khi vẫn còn đương sống. Thảo nào mà rỉa đến đâu, máu chảy ra đến đó nhiều như vậy.”
Mọi nghi vấn của ông Thập về xác chết của cô Hạch bỗng nhiên sáng tỏ. Cả ngày hôm nay, dân làng tụ tập thành những nhóm nhỏ, họ xì xào bàn tán về cái chết xảy ra vào đúng ngày tiễn ông Táo về chầu trời. Ai nấy đều băn khoăn người đã chết rồi giống như con rối gỗ, toàn thân cứng đơ thế mà sao người cô Hạch vẫn mềm oặt. Có người bảo cô Hạch tử tự vì chán ngán cuộc đời, có kẻ bảo rằng bầy đom đóm câu hồn cô Hạch đi mất rồi, còn cái xác thì bị vong hồn dẫn lối dìm chết ở bờ suối. Dân trong làng nhìn nhau đầy lo sợ, dường như tất cả họ đều có chung ý nghĩ:
“Nghiệp báo đến rồi!”
Ông Thập không biết phải lựa lời an ủi cụ Khảm ra sao, phải chứng kiến người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thực sự đau lòng. Ông lại càng không dám kể cho cụ Khảm nghe về giấc mộng mà ông thần bếp đã báo mộng, rồi cả những câu chuyện kì bí nối tiếp nhau khi ông tìm người giải mộng. Chỉ trong vòng mấy ngày mà ông chứng kiến hai người chết. Một người là vợ Tam Quỷ còn đương khỏe mạnh, một người là con bé Hạch người cùng làng với ông. Người chết vốn không có gì lạ, nhất là ở miền rừng núi hoang vu rừng thiêng nước độc. Thế nhưng điều đáng sợ là mọi cái chết đều phủ lên một màu sắc tâm linh kì quái đến lạnh người. Liệu ai sẽ là người tiếp theo?
Ông Thập đưa cụ Khảm về nhà khi trời đã khuya. Nhà cụ còn đương sáng đèn, trong nhà đã thắp lên mấy cây đèn cầy màu trắng toát. Trong nhà không có nhiều người, chỉ có ông bà Tư khóc lóc vật vã bên cạnh xác con. Xác cô Hạch đã được khâm liệm đâu ra đấy, đôi má sưng tấy tím bầm của cô được thoa một ít bột nên nhằm che lấp phần nào vết cắn của rắn độc. Cô Hạch mặc một chiếc áo vạt dài, không để lộ tay chân. Dường như người ta muốn cô về với đất mẹ trong bộ dạng dễ nhìn nhất. Gương mặt cô nhợt nhạt, nằm im lìm trên chiếc chống tre cũ kĩ, tựa hồ như đang nằm ngủ.
Phía góc nhà, cô Chiêm đang ngồi thất thần tựa đầu vào vách nhà, đôi mắt nhìn đăm đăm ra cửa, chốc chốc lại nấc lên từng hồi. Ông Thập thở dài thắp cho cô Hạch nén nhang, vỗ nhè nhẹ vào vai của ông Tư như một lời chia sẻ.
Mọi người im lặng không ai nói gì, tiếng khóc sụt sùi của bà Tư vang lên từng hồi. Những đêm cuối năm ở vùng đồi núi heo hắt vốn dĩ đã lạnh lẽo, nay lại thêm hơi lạnh tỏa ra từ xác người chết, mùi máu tanh tanh từ vết thương bị cắn nham nhở khiến cho người gan dạ như ông Thập cũng phải thấy rợn người. Ông quyết định không xuống núi đêm nay nữa, việc tìm lão ăn mày què gác lại, tránh để người làng thấy hoài nghi.
Ông nói vài lời vô thưởng vô phạt với cụ Khảm, gật đầu chào ông bà Tư rồi ra về. Vừa mới chạm chân lên bậc cửa, đột nhiên cô Chiêm từ trong góc nhà chỉ tay ra ngoài sân thảng thốt nói:
“Hạch! Hạch về kìa.”
Ông Thập theo phản xạ quay lại nhìn cô Chiêm, ông bà Tư dừng khóc nhìn theo hướng tay cô Chiêm chỉ. Cô Chiêm lại tiếp lời:
“Đúng là Hạch rồi! Hạch ơi!”
Bà Tư chạy đến lay cô Chiêm:
“Cái Hạch về hả cháu? Nó còn sống sao? Nó đang đứng ở đâu? Sao cô không nhìn thấy?”
Cô Chiêm run run chỉ ra phía trước:
“Cái Hạch đứng ở gốc cây kia kìa bác Tư ơi. Nó đang khóc kìa. Có… có nhiều người đứng sau nó lắm”
Bà Tư nhìn theo hướng cô Chiêm chỉ, bà dụi mắt mấy lần rồi nói:
“Đâu? Đâu? Sao cô không nhìn thấy nó?”
Dường như không chấp nhận sự thật, bà tiến đến gần bậc cửa ngóng ra ngoài mà kêu lên đau đớn:
“Hạch ơi! Về với mẹ đi con ơi.”
Ông Tư nhào tới kéo vợ vào trong, bà Tư vẫn khóc lóc thảm thiết. Bà nhìn thấy xác con bà còn đương giữa nhà bèn giật mình rồi khóc lớn. Cụ Khảm thở dài sườn sượt, cụ nhìn ông Thập rồi lắc đầu. Ông Thập hiểu cô Chiêm vừa nhìn thấy thứ gì. Khi một người chết đi, những người mang ơn, những người mang thù đã chết đều đứng trước cửa nhà. Những vong hồn ấy không dám lai vãng vào nhà là vì gia tiên tiền tổ của nhà đó canh giữ. Vậy nên chỉ đành đứng tụ tập trước cửa nhà mà thôi. Với người làng Địa Ngục thì mỗi một người trong làng nằm xuống, đám vong hồn lại càng đông gấp bội. Người trong làng ai cũng biết đó là những oan gia trái chủ bị tổ tiên của làng khi còn làm cướp đã giết hại. Âu cũng là gánh nghiệp.
Ông Thập lặng lẽ từ biệt tang gia rồi bước chân ra khỏi cửa,bầy đom đóm bay lập lờ quanh người ông. Vừa ra khỏi cổng nhà cụ Khảm được mấy bước chân, bỗng ông thấy có hơi lạnh buốt phía sau lưng. Ông quay lại để nhìn cho kỹ thì thấy trong màn đêm âm u của núi rừng, một con đò lặng lẽ lướt trong màn khói sương bồng bềnh. Trên đò treo một ngọn đèn có ánh lửa xanh nhảy nhót một cách ma quái. Người lái đò khẽ khua mái chèo trong không trung, bóng dáng người ấy thoắt ẩn thoắt hiện trong màn sương đêm lảng bảng. Một tiếng chuông ngân dài vang lên, có giọng nói âm u như từ cõi hư vô vọng về:
“Lên đò!”
Ông Thập ngây người ra nhìn cảnh tượng trước mắt. Cô Hạch mình mẩy tả tơi, gương mặt nhợt nhạt như hồi còn sống bay là là trên mặt đất. Cô nhảy thót một cái đã lên được con đò. Ông Thập căng mắt ra nhìn kỹ thì thấy trên cổ của cô Hạch có một con rắn đốm đen đốm trắng quấn quanh, miệng con rắn còn cắn chặt vào gò má cô. Dưới manh áo rộng thùng thình, một đoạn ruột còn rơi lòng thòng. Chiếc đò bập bềnh tan biến vào hư vô, cứ như chưa từng xuất hiện.
Con đò rời đi được một lúc rồi, ông Thập vẫn còn đứng ngơ ngẩn nhìn. Đây là lần thứ hai trong đời ông nhìn thấy con đò chở vong, kể từ ngày mà vợ Tam Quỷ bị chết treo trên cây hòe già. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến ông rùng mình, trời bắt đầu mưa lâm thâm, tiếng chó sủa ma của nhà nào đó trong làng từ đâu vọng lại. Ông vội vã bước về nhà, toàn thân ông đổ mồ hôi lạnh. Chưa bao giờ ông thấy sợ núi rừng nơi đây đến thế, hay nói chính xác hơn là ông sợ những cái chết bất đắc kì tử của người làng mình.
Sau cái đêm nhìn thấy hồn cô Hạch cùng con rắn quấn chặt bước lên đò chở vong, ông Thập bị sốt cao, ngủ li bì cả ngày. Kì lạ thay, ông cứ mơ thấy hồi ông còn bé một mình băng rừng vượt dốc để xuống dưới chân núi chơi. Ông nhìn thấy mình ngồi trên một ngọn cây cao để quan sát thằng bé Thập mới hơn mười tuổi tung tăng cầm chiếc đèn lồng đi trên con đường mòn hun hút. Thằng bé tung tăng chạy phía trước, một cái bóng đen bám phía sau. Ông cố căng mắt ra nhìn cái bóng đen ấy là ai, là ma hay là quỷ nhưng đều vô ích. Cái bóng đen khi thì biến thành con rắn, lúc lại trở lại thành chiếc bóng đi lẽo đẽo theo sau. Khi thằng bé Thập chạy qua cổng làng thì cái bóng tan vào hư vô.
Ông choàng tỉnh giấc thì thấy trời đã tối. Đêm hai tư tháng Chạp, mưa phùn vẫn rơi lâm thâm. Gian phòng ngủ của ông bà Thập tuy không quá rộng lớn nhưng lại rất ấm áp. Bà Thập nghe thấy tiếng ông trở dậy bèn bưng vào một tô cháo nghi ngút khói. Bà nhìn chồng chép miệng thở dài:
“Sáng hôm qua đã đội mưa, tối lại đi đêm về muộn bảo sao mà không cảm lạnh cơ chứ. May mà thuốc cụ Khảm cho cách đây mấy hôm vẫn còn, tôi sắc cho ông uống. Ông ăn cháo đi rồi còn uống thuốc?”
Ông Thập nhìn quanh rồi hỏi:
“Đám ma bên nhà cụ Khảm thế nào rồi hả bà?”
Bà Thập lắc đầu:
“Còn thế nào được nữa. Sáng nay đi chôn rồi. Mấy thằng thanh niên đẩy xe đưa cái hòm chôn trong rừng. Lúc đi con suối, cái quan tài bỗng dưng nặng trịch. Mấy người xúm lại cũng không tài nào kéo được. Hai bác Tư khóc nức khóc nở. Cụ Khảm thắp nén nhang rồi lầm rầm khấn vái thì bỗng cái quan tài lại nhẹ như không. Người trong làng ai cũng nói con bé Hạch bị chết oan”.
Miếng cháo trong cổ họng ông Thập bỗng nghẹn lại. Nhân khẩu ở làng Địa Ngục vốn đã hiếm hoi, người trong làng lại chẳng bao giờ qua lại với thế giới bên ngoài. Cùng là phận con cháu của băng cướp phải sống chui lủi, nên họ rất đoàn kết và yêu thương nhau. Nhà nào có người mất đi là cả làng buồn như chính người thân của mình mất. Huống hồ đây lại là một người con gái trẻ bị chết không toàn thây. Bà Thập vừa kể vừa sụt sùi:
“Tôi là tôi thương nhất bác Tư với con Chiêm. Hai người ấy khóc đến sưng cả mắt. Mà lạ ở chỗ, con Chiêm nó cứ khăng khăng kể rằng nó nhìn thấy rất nhiều vong đứng xung quanh xem người ta chôn xác con Hạch. Nó chỉ trỏ khắp nơi bảo rằng ở đâu cũng thấy vong hồn cười khành khạch. Ban đầu ai cũng cho là nó bị điên, nhưng đến trưa nay khi cả đám tang đang ăn cơm, con Chiêm bỗng dưng lăn đùng ra đất khóc tu tu. Nó tự nhận nó là con Hạch, nó bảo nó lạnh lắm, cả người ướt sũng, nó còn sống sờ sờ mà bị cá rỉa thịt đến chết. Cả đám ma nghe mà lạnh người. Riêng cụ Khảm thì … thì lăn ra ngất tại chỗ”
Vừa nghe vợ kể lại mà ông Thập bỗng lạnh toát cả người. Việc con bé Hạch bị rắn cạp nia cắn cho hôn mê rồi dìm xuống nước để cá rỉa thịt, ngoài ông và cụ Khảm ra làm gì có người thứ ba biết được? Chẳng lẽ hồn con bé Hạch hiện về nhập vào cái Chiêm?
Nghĩ đến đó, ông Thập rùng mình ớn lạnh. Bát cháo nóng hổi bốc khói nghi ngút cũng không thể xua tan cơn run rẩy của ông, cứ như thể nhiệt độ trong căn phòng này vừa giảm đi mấy phần.
Đêm hôm ấy ông Thập nai nịt gọn gàng lên đường. Ông đã chậm trễ cả ngày hôm qua, rồi lại bị cảm suốt cả ngày hôm nay. Theo lẽ thường, đêm hai tư rạng sáng ngày hai lăm tháng Chạp là bắt đầu phiên chợ tết dưới chân núi. Người ta đợi cả năm cũng chỉ mong đến ngày này để có thể sắm sửa cho gia đình mình một cái tết ấm cúng. Kẻ giàu cũng như người nghèo, cứ tết về thì trong lòng ai cũng cảm thấy háo hức. Riêng với làng Địa Ngục thì năm nay dịp tết ảm đạm hơn mọi năm. Cô Hạch vừa mới mất đúng vào sáng ngày hai mươi ba, đám tang xong xuôi thì cũng giáp tết.
Căn nhà cụ Khảm mọi năm còn treo đèn lồng đỏ, câu đối tết trước cổng nhà. Cụ là người hay chữ nhất làng, được mọi người kính mến. Nay cháu của cụ mất, đèn lồng đỏ chẳng còn, cành phan thay cho chậu hoa khoe sắc, cụ Khảm chẳng còn lòng dạ nào để viết câu đối, hay cho chữ bà con làng xóm. Mọi thứ bỗng chốc thật thê lương.
Ông Thập quẩy cái gùi trên vai, tay nắm chặt chiếc đèn lồng. Mặc cho bà Thập can ngăn, mặc cho đám thanh niên xin ông đưa đi cùng, ông Thập nhất quyết đi một mình xuống dưới chân núi. Gần tết, hàng hóa lại nhiều, đáng lý ông phải đưa mấy người đi theo như lệ thường, nhưng một khi ông đã quyết thì chẳng mấy ai dám phản đối nửa lời. Đám thanh niên lảng dần, một mình ông Thập rẽ sương mù xuống núi.
Chợ tết ở vùng quê vốn dĩ đã tấp nập, chợ ở vùng sơn cước lại càng độc đáo. Những đoàn người dân tộc mang theo vải thổ cẩm, thịt lợn rừng xuống bán. Họ dắt theo cả những con chó lài đặc biệt tinh khôn đi theo. Thỉnh thoảng người ta lại gặp những thương lái người Tàu mang vải tơ lụa ngồi giữa chợ giao bán bằng thứ tiếng Kinh lơ lớ. Ông Thập lần này không mang theo nhiều hàng, chỉ là mấy xấp vải người làng dệt, một ít mật ong rừng. Chủ đích chính của ông là tìm ông lão ăn mày què hôm trước. Không hiểu sao trong lòng ông có một linh tính mãnh liệt rằng chính lão ăn mày què sẽ có thể giúp người làng ông thoát khỏi những cái chết khủng khiếp. Phải đến cuối buổi chiều thì phiên chợ mới tan.
Ông Thập vừa mua bán vừa nhìn xung quanh để tìm lão ăn mày què. Phiên chợ cuối năm thì lão phải đến để xin ăn mới đúng chứ? Sao lại không thấy lão đâu? Trời mùa đông nên tối rất nhanh, mới đầu giờ thân mà trời đã sâm sẩm tối. Ông Thập đành lặng lẽ kéo cái gùi đi lững thững về phía nhà Tam Quỷ mong được trọ một đêm.
Nhà Tam Quỷ vẫn chẳng có gì thay đổi, vẫn là bờ rào thấp lè tè nhìn sang cây hòe già, khoảng sân nho nhỏ được ánh đuốc treo trên tường chiếu sáng đón khách qua đường. Ông Thập toan bước vào cổng nhà Tam Quỷ thì thấy có tiếng gọi ai đó gọi mình:
“Này! Cậu Thập! Cậu Thập ơi”
Ông giật mình quay lại nhìn xung quanh nhưng chẳng thấy ai. Phía sau cây hòe có tiếng cười khe khẽ, ông Thập hoảng hồn tưởng hồn ma bóng quế của thị Tam hay Tứ cháo lòng hiện về. Ông đứng đờ người ra, từ trong cánh cửa ọp ẹp lão ăn mày què xuất hiện nhìn ông mỉm cười. Ông Thập thở phào nhẹ nhõm:
“Thì ra là cụ. Cụ làm con giật cả mình”
Lão ăn mày què cười tinh quái:
“Sao nào? Tưởng ma à? Cậu tưởng là hồn ma cậu Tứ cháo lòng với ả thị Tam về chứ gì?”
Ông Thập cười phụ họa theo. Lão ăn mày què nghiêm giọng:
“Mà tôi cũng phải dặn cậu. Chạng vạng tối đang đi đường mà nghe thấy tiếng gọi, tuyệt đối không được trả lời hay quay đầu lại, nếu không sẽ bị bắt mất vong. Tôi tưởng cậu phải biết điều này chứ?!”
Ông Thập chỉ đành cười trừ. Gặp được lão ăn mày què, ông Thập mừng lắm. Ông mời lão vào nhà Tam Quỷ để uống rượu, sẵn tiện muốn kể cho lão nghe chuyện xảy ra ở làng. Lão què không từ chối, vừa đi lão vừa giải thích cho ông Thập nghe lão bị ốm quá nên đành chui vào sân thằng Tứ cháo lòng để ngủ trên cái chõng tre, vì sạp hàng ở chợ phiên người ta ngồi hết mất rồi.
Nhà Tam Quỷ vắng tanh không có ai, chỉ có mỗi Tam Quỷ ngồi uống rượu một mình. Những năm trước, vào dịp này nhà Tam Quỷ không còn một chỗ trống. Đám khách lái buôn phương xa đến họp chợ dịp tết sẵn tiện trọ lại qua đêm luôn. Khách ở trọ, người hiếu kì đến nghe kể truyện ma, khung cảnh đến là nhộn nhịp.
Ấy vậy mà chỉ mới mấy ngày trước vợ Tam Quỷ chết bất đắc kì tử trên cây hòe của nhà bên cạnh khiến ai nấy cũng sợ. Người ta đồn rằng vợ chồng Tam Quỷ đắc tội với vong hồn người đã khuất nên bị ma quỷ giết chết. Có kẻ độc địa còn đi rêu rao chính mắt nhìn thấy cái xác chết treo của vợ Tam Quỷ lơ lửng trên cây hòe hát nghêu ngao. Người ta đồn đại rằng Tam Quỷ chắc cũng sắp đến ngày tận số, chẳng biết hắn sẽ chết ra sao chi bằng cứ tránh xa là hơn.
Một đồn mười, mười đồn trăm, người ta tránh Tam Quỷ như tránh tà. Quán trọ của gã cũng vì thế mà vắng khách.
Ông Thập nhìn quanh rồi gọi nhỏ:
“Bác Tam ơi! Bác đang làm gì thế?”
Tam Quỷ ngúc ngoắc cái đầu của gã quay ra nhìn ông Thập rồi lè nhè:
“Bác Thập đấy à? Vào đây! Vào đây uống!”
Ông Thập cúi xuống nhặt lấy chai rượu rồi lắc đầu:
“Bác còn trẻ mà đã uống rượu nhiều thế này rồi. Không tốt đâu!”
Tam Quỷ lè nhè:
“Mặc mẹ tôi! Bọn nó đồn tôi sắp đi theo con vợ chết giẫm. Thế thì tôi đi thật. Tôi thành ma ám cả nhà chúng nó.”
Nói rồi gã tu ừng ực rồi lăn ra giữa nhà ngáy khò khò.
Ông Thập lắc đầu, ông lấy từ trong gùi ra một ít thịt trâu gác bếp, một vài bắp ngô và cả vò rượu thơm lừng. Ông cúi xuống nhóm đống củi trên cái bếp giữa nhà. Củi vừa cháy, cả không gian tràn ngập ánh sáng ấm áp.
Ông đưa cho lão ăn mày què một chén rượu. Lão im lặng đón lấy rồi uống cạn. Ông Thập nhìn lão với con mắt dò xét. Lão quả thực không không giống phường giá áo túi cơm mà giống như một ông cụ thâm trầm, kín đáo.
Mặc dù thế nhưng ông Thập vẫn không thể nào quên được con mắt sắc lạnh, đỏ ngầu mà vô tình ông đã nhìn thấy trên gương mặt lão vào ngày đầu tiên gặp gỡ. Lão ăn mày què đương ăn uống, bỗng đột ngột quay sang hỏi ông Thập:
“Gần đây cậu có đến gần xác người chết phải không?”
Ông Thập giật mình quên cả dòng suy nghĩ về lão ăn mày què. Ông đáp:
“V… vâng! Sao … sao cụ biết?”
Lão ăn mày què điềm nhiên đáp: Trên người cậu còn vương mùi tử khí. Ông Thập ngẩn người, lão ăn mày què lại tiếp tục:
“Người ấy chết dưới sông hồ phải không?”
“Dạ… dạ phải”
“Chết vì ngã xuống nước hay bị giết thế? Sao tôi ngửi thấy cả mùi máu rất nồng?”
Lão mày què vừa nói vừa ăn ngô, uống rượu.
“Chết vì.. vì bị cá rỉa thịt!”
Lão ngẩn người một lúc rồi im lặng không nói gì.
Trong căn nhà tranh heo hút phía cuối chợ, có ba người đàn ông ngồi quanh bếp lửa. Ngoài trời vẫn bắt đầu mưa lâm thâm rả rích, cái lạnh đến rợn người lan tỏa khắp xung quanh. Người đàn ông cao to nằm say rượu ngủ ngáy o o, một người đàn ông tầm thước dáng vẻ đĩnh đạc im lặng nhìn một ông lão què quặt trầm ngâm bên bếp lửa. Một hồi sau ông Thập mới bộc bạch:
“Kì thực hôm nay con đến tìm cụ cũng là vì việc này.
Lão ăn mày què bỗng ngồi thẳng lưng, nhìn thẳng vào mắt ông Thập rồi đáp:
“Giấc mơ ứng nghiệm rồi phải không?”
“Vâng… vâng. Quả thực là có người chết rồi. Hơn nữa… hơn nữa… còn chết rất thảm!”
Ông Thập run giọng trả lời. Ông kể lại cho lão ăn mày què nghe cái chết thê thảm của cô Hạch, con đò ma quái lững lờ trôi trong đêm, rồi cả câu chuyện cô Chiêm bị nhập hồn nữa. Chỉ có điều trong câu chuyện ông cố gắng không miêu tả rõ về dòng suối chảy vắt ngang qua làng, cũng là nơi có bầy cá chép đen kì dị. Lão ăn mày im lặng lắng nghe, không gian nhất thời im lặng, chỉ có tiếng gió thổi hun hút tràn vào, cùng với tiếng mưa rơi tí tách nhỏ xuống mái hiên.
Ông Thập kể xong, lão ăn mày què thở dài sườn sượt. Người ta cứ nói rằng cái chết là điều đáng sợ nhất, thực ra chết thế nào mới là điều quan trọng. Phàm là những bậc cao niên chết vì tuổi già thì đó là phúc. Người trẻ tuổi mà đã lìa đời thì ấy coi như cũng đã trả hết duyên nợ hồng trần. Chết vì tai nạn, chết vì bệnh tật, chết vì dao kiếm đã đau đớn, trước khi chết mà còn bị hành hạ thì quả là khốn khổ gấp trăm lần.
Lão ăn mày què nhíu mày suy nghĩ, lão không hiểu vì sao người con gái này lại bị chết thảm đến thế. Chẳng lẽ do cô ta tạo ra một tội ác tày trời? Hay chỉ đơn thuần là kẻ thế thân. Ngẫm nghĩ một hồi lâu lão bèn hỏi:
“Cậu Thập có biết bát tự của người đã khuất hay không?”
“Bẩm, con biết.”
Nói rồi ông hạ giọng thầm thì với ông lão què. Ông lão xòe tay tính toán một chút rồi hỏi:
“Quái lạ thật! Theo lẽ thường thì vị cô nương này đâu đã tới số chết. Chẳng lẽ lại chết thay?”
“Chẳng hay cụ cho rằng người lẽ ra phải chết là một người khác.
Ông Thập nghi hoặc.
“Cậu Thập có biết bát tự của phụ mẫu cô nương ấy không?”
Ông Thập nói nhỏ ngày sinh tháng đẻ của ông bà Tư. Như thể để thêm phần chắc chắn cho câu trả lời của mình, ông Thập buồn bã tiếp lời:
“Chẳng giấu gì cụ, cha mẹ người chết cũng là bạn thủa nhỏ của con. Chúng con lớn lên cùng một làng, chơi với nhau từ nhỏ, ngày thành thân cũng giống nhau. Chỉ có điều số phận con không tốt, đến giờ vẫn chưa có con.”
Lão ăn mày không trả lời, lão chỉ lầm rầm tính toán trong miệng nhưng không phát ra thành tiếng. Ông Thập thấy vậy cũng không dám nói tiếp, chỉ đành hồi hộp nhìn ông lão què trước mặt. Phải đến nửa cây nhang sau thì lão ăn mày què mới ngước lên hỏi:
“Thứ lỗi cho tôi mạo muội. Dường như tổ tiên của cô nương này đã gây ra tội lỗi trời không dung thứ. Bát tự của cô nương ấy rất xấu, sinh ra đã có bệnh tật khắp người. Thế nhưng tính ra cô nương ấy phải sống được vài năm nữa mới phải. Tôi nghĩ rằng cô nương ấy còn trẻ như thế thì khó mà phạm phải điều gì đại nghịch bất đạo, bèn xin bát tự của phụ mẫu song thân. Nào ngờ khi vừa tính bát tự cho phụ thân của cô nương ấy, tôi thấy rằng từ đời tổ tiên đã gây ra chuyện thất đức.”
Lão ăn mày ôn tồn nói chuyện, thế nhưng từng lời của lão đều khiến cho ông Thập toát mồ hôi lạnh. Chẳng lẽ lão đoán biết được tổ tiên của người làng ông từng coi mạng người như cỏ rác. Lẽ nào mọi chuyện lại có thể phơi bày nhanh đến thế. Ông Thập còn đương ngẩn người chưa biết trả lời thế nào thì lão ăn mày què lại tiếp lời:
“Tôi bấm độn còn biết được rằng, trong vòng ba đời trở lại cha ông của vị cô nương này còn phạm vào tội thực tinh. Chẳng trách… chẳng trách mà lại chết thê thảm đến vậy.”
Ông Thập run lẩy bẩy hỏi lại:
“Bẩm cụ. Thực thực tinh là gì ạ?”
Lão ăn mày què lắc đầu:
“Đã sống trên dương gian đều là người trần mắt thịt, làm sao mà biết được đâu là yêu ma, đâu là quỷ thần được cơ chứ. Có khi người đang đi trước mặt ta là ma, cũng có thể là quỷ biến thành. Cây trong rừng cũng có thể là yêu quái, cũng có thể là thần. Phàm gặp những loài thú vật, cỏ cây đã tồn tại từ lâu nên cung kính tránh xa, tuyệt đối không lại gần. Thực tinh là một tội đáng chết, chỉ những ai ăn uống, giết hại cây cỏ, thú vật đã thành tinh thường bị trả thù rất khốc liệt. Cậu Thập có biết điều ấy hay không?”
Ông Thập sững sờ, cứ theo như lời ông lão nói thì chẳng lẽ bầy cá chép đen dưới con suối cuối làng đã thành tinh. Từ bao lâu đến nay người làng Địa Ngục đâu dám động đến bầy cá chép dưới suối, dù cho có đói khát đến mấy huống hồ còn ăn.
Nhắc đến ăn, ông Thập lạnh cả người khi nhớ ra một chuyện. Chẳng phải ngày xưa có người trong làng đã bắt một con cá chép đen dưới suối để nướng ăn, lại còn chia cho lũ trẻ con đang chơi gần đó hay sao. Trong đám trẻ con tranh nhau ăn thịt cá ấy cũng có ông Thập. Lúc đó ông mới sáu – bảy tuổi, chẳng giành được với chúng bạn nên chỉ ăn được một ít trứng cá chép mà thôi. Ông nhớ như in lúc đó ông Tứ ăn được nhiều nhất. Ông Tử cầm cái đuôi con cá mà ăn nấy ăn để, mặc cho mấy đứa nhỏ hơn xin xỏ bên cạnh.
Ông Thập đem chuyện bầy cá chép đen trong con suối cạnh làng kể cho lão ăn mày nghe. Vừa mới nghe đến đoạn ăn thịt cá chép, lão ăn mày què rú lên kinh hãi:
“Trời ơi! Cậu Thập. Người làng cậu phạm vào tội thực tinh rồi!!!”
Lão đánh rơi luôn vò rượu xuống đất, ánh lửa bập bùng hắt lên gương mặt đầy sợ hãi của lão:
“Cá chép có thể sống rất lâu. Ở đất Thanh Hóa có một cái hồ trong có một đàn cá to sống từ rất lâu. Dân trong vùng không ai dám ăn thịt cá, có kẻ ăn vào bèn phát điên. Phạm đến cây cối, thú vật thành tinh không sớm thì muộn cũng phải chết. Năm xưa Tào Tháo lẫy lừng như thế từng chặt một cây lê trăm tuổi, sau bị đau đầu nhiều năm phải nhờ đến thần y Hoa Đà chữa trị nhưng cuối cùng cũng đành chịu chết vì bệnh. Cậu Thập ơi! Không khéo.. không khéo cậu cũng không tránh được số kiếp đâu!”
Những lời nói của lão ăn mày chẳng khác nào một gáo nước lạnh dội vào ông Thập. Cả đời ông đều là những tháng ngày tăm tối, sinh ra đã gánh trên mình nghiệp báo giết người cướp của từ cha ông ngày trước, nay lại vô tình phạm vào tội thực tinh. Có lẽ nào ông kết thúc số phận một cách thảm thương như cô Hạch. Ông Tứ ăn chiếc đuôi cá nên con gái bị cá rỉa mất cả nửa người. Ông Thập ăn miếng trứng cá nên đành ngậm ngùi sống kiếp không con cái. Lẽ nào quả báo bày ra ngay trước mắt mà nay ông Thập mới hiểu ra?
Ông quỳ sụp xuống trước mặt ông lão ăn mày què:
“Bẩm cụ! Cụ thương con, cụ thương người làng con. Con xin cụ giúp chúng con, ơn này xin ghi lòng tạc dạ.”
Lão ăn mày què thở dài:
“Ơn cậu cứu tôi thoát khỏi cơn chết đói tôi nào dám quên. Chỉ có điều tôi cũng là người trần mắt thịt, làm sao có bản lĩnh cứu ai. Chỉ có điều, nếu muốn chuộc tội e là phải làm lễ tế bên dòng suối. Trước là để xin tạ lỗi vì vô tình phạm phải, sau là xin bầy cá yêu tinh đó tha cho người làng ông. Việc cần nhất là phải tìm được ai là người đã bắt cá nướng ăn? Không có người đó thì không xong.”
Ông Thập như người chết vớ được cọc, ông vội vàng dập đầu cảm tạ lão ăn mày què rối rít.
Làng Địa Ngục từ xưa đến nay chưa từng có chuyện người lạ đến làng. Đừng nói là đến tận nơi, ngay cả việc biết đến con đường vào làng cũng khó. Băng cướp năm xưa chạy trốn quan binh đã chọn nơi đây để lánh đời, cũng như giữ cho thế hệ đời sau khỏi họa sát thân. Người trong làng không cho phép ai lạ mặt đặt chân tới nơi đây, kẻ nào trái lời ắt bị giết chết không tha.
Giữ chức trưởng làng đã ngót nghét mười năm trời, ông Thập hiểu rất rõ điều này. Thế nhưng giờ đây tính mạng của người trong làng như ngọn đèn treo trước gió, làm sao mà ông Thập có thể khoanh tay ngồi im.
“Không được! Luật làng lập ra để bảo vệ làng. Ta làm như vậy cũng chỉ là vì dân làng mà thôi.”
Ông Thập ngồi im, mắt nhìn chăm chăm vào ngọn lửa bập bùng trước mặt, lòng quả quyết như vậy.
Lão ăn mày què nhìn ông Thập hồi lâu như ngầm đánh giá điều gì. Ông Thập quay sang nhìn lão rồi lễ phép thưa:
“Con xin cụ về làng con làm lễ để cứu chúng con. Người chết cũng đã chết rồi, xem như làng con cũng đã đền mạng. Chỉ xin cụ lập đàn tràng để an ủi vong hồn người đã khuất, cũng như là tạ lỗi với bầy cá chép kia. Mong cụ nhận lời.”
Lão ăn mày què gật gù:
“Không phải là tôi không muốn giúp cậu, mà là tôi không biết làng cậu ở đâu. Chân tôi què cụt thế này, tuổi cao sức yếu lực bất tòng tâm.”
Ông Thập chưa kịp trả lời thì bất thình lình Tam Quỷ bật dậy nói lớn:
“Con sẽ đi cùng với cụ.”
Lão ăn mày què và ông Thập giật nảy người nhìn Tam Quỷ đang ngồi trước mắt, đôi mắt đỏ ngầu. Ông Thập quốc mắt:
“Bác Tam! Bác nghe lén chúng tôi nói chuyện hay sao?”
Tam Quỷ gãi đầu gãi tai:
“Kỳ thực tôi đâu dám làm chuyện tiểu nhân như thế. Chẳng là… chẳng là tôi vô tình nghe được!”
Gã vừa nói vừa quỳ xuống trước mặt ông Thập:
“Xin ông cho tôi theo ông về làng. Ông… ông cứ nói là tôi là người hầu của cụ ăn mày đây cũng được. Tôi không muốn sống ở đây nữa.”
“Chẳng phải đây là nhà cậu hay sao?”
Lão ăn mày đột ngột lên tiếng.
“Bẩm cụ! Trước đây thì đúng là nhà con, thế nhưng bây giờ chẳng còn là nhà con nữa rồi.”
Mọi người im lặng, Tam Quỷ đành nói tiếp:
“Cứ mỗi khi nhắm mắt con lại nhìn thấy mụ vợ con đứng bên cạnh giường. Cả người mụ toàn hoa hòe y như ngày mụ chết. Vạt áo mụ ướt sũng, đôi mắt mụ lồi ra khỏi mắt. Đêm nào con cũng bị bóng đè, ngay cả ban ngày con cũng nhìn thấy mụ đứng ở trong nhà.”
Lão ăn mày què lắc đầu:
“Chấp niệm nặng thì làm sao siêu thoát được.”
Nói rồi lão đưa mắt nhìn ông Thập như thể chờ quyết định của ông.
Ông Thập vô tình bị dồn vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cho phép Tam Quỷ đi cùng thì hẳn sẽ gây ra quá nhiều điều rắc rối, bản thân gã lại là người mồm miệng, ưa ăn thịt uống rượu, thế nào cũng gây ra họa. Không cho phép gã đi thì câu chuyện về làng ông xem chừng khắp nơi đều sẽ biết. Làm thế nào cũng không phải. Ông Thập nhíu mày suy nghĩ, sau cùng ông nghĩ ra một cách. Ông nói với Tam Quỷ:
“Đưa bác đi theo tôi cũng được. Chỉ có điều khi đến làng, mọi chuyện đều phải dựa theo phép làng mà hành xử. Nếu không tôi không dám đảm bảo toàn mạng cho bác.”
Tam Quỷ gật đầu đồng ý. Đôi mắt lão mày què ánh lên một tia nhìn kì lạ song không ai để ý. Nửa canh giờ sau, căn nhà chìm vào sự yên tĩnh vốn có. Ông Thập ngồi uống rượu ngước nhìn bầu trời đêm không một ánh sao. Ông vừa quyết định cho người lạ đến làng, chính bản thân ông lúc này cũng không biết rằng đó là phúc hay họa. Ông thở dài rồi tự nhủ:
“Thôi thì chuyện gì đến sẽ đến.”
Mãi đến sau này ông Thập mới biết rằng quyết định của ông đêm ấy đã thay đổi mãi mãi số phận của cả làng.
Sáng sớm hôm sau, làng Địa Ngục lại có người chết thảm.