Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 08
HỒI THỨ BẢY
THỊT XIÊN NƯỚNG
Sớm ngày hai sáu tháng Chạp, trời đã hết mưa nhưng vẫn lạnh căm căm. Giờ dần vừa điểm, thị Thập đã vấn xong tóc, vén tấm liếp bên cánh tả rồi bước ra gian chính. Sáng nào cũng vậy, vợ chồng thị đều thắp nhang rồi mới bắt đầu làm những công việc thường nhật, thói quen đó đã được duy trì mấy mươi năm. Hôm nay cũng không ngoại lệ, thị hãm một ấm trà xanh, têm mấy miếng trầu rồi cung kính dâng lên bàn thờ khói nhang nghi ngút. Thị lầm rầm khấn vái, cầu mong cho chồng thị sớm về, mong cho làng Địa Ngục lại yên bình You như trước. Thị tần ngần nhìn bát nhang một hồi lâu, trong lòng nặng trĩu. Năm tháng cứ trôi qua như màn sương bay lững lờ trong làng, vậy mà vợ chồng thị vẫn chẳng có nổi một mụn con, thị Thập bất giác thở dài sườn sượt. Phải một lúc sau thì trời mới sáng rõ, màn sương của buổi sáng tinh mơ bay là là dưới mặt đất, tràn vào nhà qua những ô cửa sổ. Mấy nụ hoa trên cây đào cổ thụ đã bắt đầu bung nở, giá như có nắng ấm thì hoa sẽ nở nhiều hơn. Bầu trời hôm nay phủ lên một màu xám ảm đạm, tiếng chim hót ríu rít trên những vòm cây hòa với âm thanh quen thuộc của một vùng quê lưng chừng núi.
Thị Thập lấy chiếc chổi rơm quét từ trong sân ra đến ngoài cổng, trên con đường đá sỏi vang lên những tiếng lọc cọc của vài chiếc xe kéo. Giáp tết rồi, dân trong làng dường như ai cũng hối hả tất bật hơn. Những ngày này, nhà thị là nơi náo nhiệt nhất. Người ta mang vải, mang thịt đến để ông Thập gánh xuống dưới xuôi. Đám trai tráng thì bận tải hàng lên những chiếc xe kéo thô sơ, mọi thứ được tập kết trước sân, chỉ chờ ông Thập ra lệnh là xuất phát. Phiên chợ tết từ độ hai lăm tháng Chạp đến trước đêm ba mươi là thời điểm hàng hóa từ làng xuống dưới chợ nhiều nhất. Bình thường chỉ cần có ông Thập gánh hàng là đủ, mọi thứ vật phẩm thiết yếu dân làng có thể tự cung tự cấp, nếu thiếu thứ gì sẽ phiền đến ông trưởng làng đổi cho. Phải đến dịp giáp tết, ông Thập mới cần huy động nhiều trai tráng đi theo mình, đó cũng là thời điểm đám thanh niên háo hức nhất trong năm.
Đêm hôm trước, sau cái ngày cô Hạch chết thảm, ông Thập một thân một mình đi xuống chợ mấy gã thanh niên trong làng đã tò mò bàn tán, chẳng hiểu vì sao mà ông trưởng làng lại vội vã đi ngay trong đêm như thế, không lẽ lần này không cần dẫn theo đoàn xe đi nữa hay sao.
Dân trong làng nhìn nhau đầy uẩn tình, họ nói với nhau rằng chưa thấy năm nào mà gần tết trời vẫn mưa giông gió giật như năm nay, lại nghe thấy tiếng chim lợn kêu suốt đêm, rồi cô Hạch chết bất đắc kì tử, cuối cùng ai cũng lắc đầu bởi chính họ cũng chẳng biết rồi sẽ có biến cố gì thêm nữa. Một nỗi hoang mang bao trùm lên tất cả.
Thị Thập đương quét sân bỗng dưng thị ngửi thấy mùi ngai ngái từ đâu bay lại. Thị dừng tay, hít nhẹ một hơi rồi nhíu mày nghĩ bụng.
“Quái lạ! Mùi gì khen khét? Có cái gì cháy ở đâu chăng?”
Thị càng ngửi càng thấy lạ, mùi này rõ ràng không phải mùi nhà ai đốt củi, không phải mùi thức ăn bị cháy. Thứ mùi này phảng phất trong không gian, có lúc thị nhận ra mùi khen khét y như ai đó đốt vải, lại có khi chúng giống như mùi toát ra từ con bê thui. Tất thảy hòa lẫn với nhau khiến cho thị ngẩn người, nhìn xung quanh tìm kiếm.
Thị mở cổng bước ra ngoài, vô tình bắt gặp mấy người trong làng cũng đang dáo dác hỏi nhau.
“Nhà nào sáng sớm đã đốt cái gì không biết?”
“Mùi gì mà lạ thế? Cứ hăng hăng buồn nôn quá thôi”
Thấy thị Thập bước ra, mấy người dân gật đầu chào, có kẻ còn hỏi thị:
“Bác Thập có ngửi thấy mùi gì không? Có cái gì khen khét ở đâu ấy nhỉ?”
Thị Thập trả lời:
“Em cũng ngửi thấy mà không biết ở đâu!”
Một bà cụ giật mình:
“Hay cháy nhà ở đâu rồi?”
Có người gạt đi:
“Cháy thì phải phừng phừng lên chứ? Cái này là ai nướng cái gì rồi bị cháy.”
Thứ mùi kì lạ càng lúc càng nồng, cơn gió sáng mùa đông đưa mùi hương ngai ngái bay đi khắp làng. Đám trẻ con thấy sự lạ cũng chạy ra hít hà, có một đứa buột miệng:
“Mùi như mùi thịt nướng cháy khét ấy nhỉ!”
Thị Thập ngẩn người.Ừ! Sao thị lại không nhận ra sớm hơn nhỉ. Mùi này sao mà giống mùi thịt bị cháy, nhưng thịt gì mà lạ quá cứ nồng nồng.
Lúc này mùi thịt cháy càng bốc lên dữ dội, người trong làng kéo nhau đi tìm, men theo con đường làng quanh co để tìm cho ra nơi phát ra thứ mùi khó chịu. Họ đi về phía cuối làng, càng đi mùi khen khét, hăng hắc càng tỏa ra nồng nặc, có kẻ không chịu được quay ra nôn khan mấy lần.
Đám người đi tới bờ suối, lúc bấy giờ người ta nhận ra không chỉ còn là mùi khét đơn thuần nữa mà còn có cả mùi tanh tưởi.
Bờ suối vẫn hệt như ngày cô Hạch chết, nước suối vẫn trong trôi lững lờ, hàng cây xanh rì lẩn khuất trong sương ủ rũ soi bóng dưới mặt nước. Có đứa trẻ con tinh mắt nhìn thấy thứ gì đó là lạ, nó giật giật vạt áo của mẹ nó rồi hỏi:
“Mẹ ơi! Có thứ gì đang cháy ở kia kìa”
Nghe thấy vậy, đám người nhất loạt nhìn theo hướng tay thằng nhóc chỉ. Có ai đó thốt lên một tiếng rồi im bặt, tất cả mọi người đều sững sờ vì cảnh tượng phía trước.
Ấy là vì trước mặt họ, cách khoảng chục bước chân, có một người đàn ông đang bị nướng chín.
Người đàn ông trần truồng bị trói hai chân hai tay vào một cành cây lớn, lưng thống xuống hệt như cái cách người ta cột con lợn vào cây. Hai đầu cây kê lên trên hai phiến đá lớn, ai đó đã chèn thật nhiều đá lên trên để tránh việc cành cây bị lệch. Toàn thân người đó được quét một lớp bột màu vàng, lại có cả những hạt li ti màu đen phủ lên trên thân. Đống củi cháy bập bùng, ngọn lửa như cái lưỡi đỏ rực liếm láp da thịt người đàn ông kia. Cả tấm lưng của ông đặt giữa ngọn lửa cháy phừng phừng, lớp da thịt chín vàng, từng giọt mỡ ứa ra nhỏ xuống, gặp lửa cháy rụi tỏa ra thứ mùi khen khét, tanh nồng.
Thịt đã chín gần hết.
Vừa nhìn thấy cảnh tượng hãi hùng bày ra trước mắt, người làng Địa Ngục đã gào lên sợ hãi, mấy người đàn bà và lũ trẻ con ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Mấy thanh niên trong làng khiếp đảm bỏ chạy toán loạn, có kẻ còn bĩnh cả ra quần.
Thị Thập chết sững cả người, thị ngã phịch xuống đất, đầu óc mụ mị đi vì sợ hãi, thị bám vào một cành cây chìa ra bên cạnh, toàn thân run lên bần bật, một cơn buồn nôn ập đến. Thị cúi xuống khạc ra hết những thứ còn sót lại trong dạ dày, nước mắt nước mũi tèm lem, hai chân của thị như đeo đá tảng. Có đứa trẻ con chợt tỉnh lại, nó rú lên:
“Ối làng nước ơi! Có người bị nướng chín! Có người bị nướng chín.”
Giọng nó vang lên rồi vọng lại, từ trong làng có mấy người chạy ra ngơ ngác hỏi:
“Cái gì? Cái gì thế?”
Thế rồi chính họ cũng im bặt vì cảnh tượng phía trước.
Một giây… hai giây… rồi ba giây, bầu không khí lặng người bị phá tan vì tiếng nói của một ai đó.
Trời ơi!! Hình như là ông Võ Tòng”
Đám đông nháo nhác, có mấy người đàn ông bạo gan tiến lại gần người bị nướng chín bất chấp cái mùi thịt khét hòa với mỡ người ngây ngấy, nồng nồng.
Một người xác nhận:
“Đúng là ông Võ Tòng rồi.”
“Võ Tòng bị nướng chín rồi.”
Một người khác phụ họa theo.
Cụ Khảm hòa vào đám đông từ lúc nào, chính cụ cũng chết lặng vì khung cảnh man rợ đang hiển hiện trước mắt. Cụ run run nắm chặt lấy cái gậy trúc rồi bảo với mấy gã trai làng:
“Tới gần dập lửa đi!”
Không ai dám lại gần, cụ lại sẵng giọng:
“Dập lửa đi, không là cháy đen hết bây giờ!”
Mấy người thanh niên nhìn nhau trân trối. Đúng lúc này cậu Đức anh trai cô Chiêm bước ra phía trước gằn giọng:
“Lũ chết nhát! Để tôi”
Nói rồi cậu Đức lấy chiếc nón lá vục xuống suối rồi dội xuống đống lửa đương cháy tanh tách. Lửa tắt ngúm, đống đá cuội gặp nước lạnh phát ra tiếng xèo xèo. Cậu Đức tiến đến gần cái xác bị nướng chín của ông Võ Tòng, cậu bê từng viên đá đang chèn ở hai đầu của cây. Thấy có người xung phong, đám trai làng cũng lấy lại được can đảm tiến đến phụ cậu Đức một tay. Bốn người thanh niên, mỗi bên hai người nhấc hai đầu của cành cây, phía bên dưới xác ông Võ Tòng bị nướng vàng vẫn treo lủng lẳng. Họ đặt xác ông xuống dưới đất hệt như vừa nướng xong một con lợn.
Cụ Khảm quay tới quay lui tìm người, cụ hỏi thị Thập:
“Ông trưởng làng đi đâu rồi?”
Thị Thập run run trả lời:
“Bẩm.. bẩm cụ! Nhà con … nhà con xuống núi chưa về!”
Cụ Khảm chép miệng rồi thở dài, đoạn sai người chạy về nhà ông Võ Tòng để báo tin, rồi lại sai một người lấy chiếc xe cút kít để đem cái xác về làng.
Người làng đưa ông Võ Tòng về, ai đó tốt bụng phủ lên trên người ông mấy tàu lá chuối để che đi thi thể đã nướng cháy vàng. Cụ Khảm đi ngay phía sau xe còn dân làng đi tách hẳn phía sau. Cái mùi thịt cháy bốc lên lan cả vào không gian, mấy con chó trong làng khụt khịt mũi đánh hơi rồi sủa lên inh ỏi.
Đoàn người đưa thi thể mới được nửa đường, con cháu ông Võ Tòng chạy ra khóc lóc inh ỏi. Con trai, con dâu ông mắt đỏ hoe chặn lấy chiếc xe mà nức nở:
“Thầy ơi! Thầy! Sao thầy chết thảm thế này!”
Vừa khóc người ấy vừa lật chiếc tàu lá chuối lên, thoạt nhìn thấy xác của bố mình, cả hai vợ chồng họ ngưng bặt, hai cặp mắt nhìn trân trân vào thi thể bị nướng chín vàng chỉ còn chừa lại cái đầu là nguyên vẹn.
Người con trai sững sờ không nói lên lời, còn cô con dâu giật nảy mình bám chặt lấy vai chồng run lên bần bật.
Cụ Khảm bước lên ôn tồn giải thích:
“Sáng nay dân làng tìm thấy xác ông Tòng bị treo ngang lên cành cây lớn, rồi bị nướng ở bên bờ suối. Làng đưa thi thể ông Tòng đây về nhà để được ma chay chu đáo.”
Người con trai ông Tòng run rẩy, chỉ khẽ gật đầu tỏ ý vẫn nghe cụ Khảm nói. Hai vợ chồng họ tránh đường cho chiếc xe tiếp tục tiến về phía trước, dân trong làng lững thững đi theo, không còn ai bàn tán điều gì nữa, chỉ có tiếng thút thít của người con dâu vang lên trong tiếng chim lợn kêu liên tiếp.
Thị Thập lặng lẽ đi cùng với dân làng, thị không theo vào tận nhà như những người khác mà trở về nhà sửa soạn. Nhà thị lúc nào cũng sẵn vàng mã mà ông Thập mang về từ những chuyến đi buôn, thị lại chuẩn bị thêm một ít trà mạn, một ít nhang nến rồi gói ghém cẩn thận trong chiếc giỏ tre. Xong xuôi đâu đấy thị mới đến giúp đỡ tang gia. Từ nhà thị đi đến nhà ông Võ Tòng kì thực chỉ có vài trượng, dân Địa Ngục có thói quen xây nhà san sát nhau chứ không nằm rải rác như đồng bào dân tộc vùng cao.
Đường làng hôm nay thật vắng, ngọn gió rét đến rợn người cuốn tung đống lá khô khiến cho cảnh vật càng thêm tiêu điều. Mới chỉ có hai ba ngày mà trong làng đã có hai người chết. Quái lạ ở chỗ người nào cũng chết rất thê thảm. Một người thì bị chết dưới suối, cả rỉa đến nỗi không toàn thân. Người kia thì bị nướng vàng như một tảng thịt heo. Thị Thập vừa đi vừa ngẫm nghĩ, chẳng lẽ trong làng có một con quỷ đang ẩn nấp đâu đó chờ cơ hội để tấn công hết thảy. Có khi nào làng lại có thêm người chết nữa không? Mải suy nghĩ, thị nhận ra mình đã đến trước cửa nhà ông Võ Tòng lúc nào chẳng hay.
Trong nhà ông Võ Tòng rất đông người. Người lớn thì lo trải chiếu, giết gà làm cỗ cúng, mấy người cao tuổi thì rì rầm nói chuyện với nhau, chỉ riêng lũ trẻ con thì không đứa nào dám lai vãng. Có lẽ vì cái xác của ông Võ Tòng đáng sợ quá nên chẳng đứa nào đủ can đảm để nhìn, mà có khi cũng do cha mẹ chúng giữ ở nhà không cho đi. Thị nghe thấy tiếng khóc nức nở của thằng Vẹt – cháu nội của ông.
Chuyện về ông Võ Tòng ngẫm ra cũng nhiều điều li kì, quái dị. Dân làng đến nơi rừng thiêng nước độc này tính ra cũng đến ngót nghét mấy chục năm ròng rã. Từ bỏ cuộc sống chém giết tàn sát vô cớ, đám cướp hoàn lương bắt đầu lao động như những con người bình thường. Những gã đàn ông trước đây chỉ biết đánh đấm, ăn thịt, uống rượu, mài dao, đọ kiếm nay phải đi săn bắn thú rừng, thu hoạch rau củ, ngồi học những con chữ đầu tiên trong đời. Hầu hết ai cũng rũ bỏ nghề cũ, làm những công việc mà trước đây họ chưa từng nghĩ tới. Trong làng lúc bấy giờ chỉ có một người duy nhất chọn nghề mổ lợn rang Người ấy là ông Võ Tòng.
Tính ra thì ông kém bà nội ông Thập phải hơn chục tuổi. Ngày băng cướp tan rã, Ông Võ Tòng chỉ mới vài tuổi, cả đời ông gắn liền với mảnh đất u ám phủ đầy sương này. Cha của ông vốn là người thợ rèn mài gươm dao cho băng cướp khi ấy, nghe đâu tay nghề cũng nổi tiếng khắp vùng. Khi băng cướp bị truy quét, cha của ông Võ Tòng chính là người nảy ra sáng kiến giấu đám trẻ con vào giếng nước cạn nhờ thế mới có thể tránh được một kiếp nạn.
Vốn quen với dao kiếm từ nhỏ, đến khi lớn lên ông lại chọn nghề đồ tể, thỉnh thoảng mới rèn vài thứ nông cụ và vũ khí cho người làng. Người ta có câu nghề chọn người quả thực chẳng sai. Nghiệp đồ tể là việc làm tổn âm đức cho nên không phải ai cũng dám làm. Dân làng truyền tai nhau rằng, nếu ai đã từng chứng kiến ông Võ Tòng giết lợn sẽ bị ám ảnh suốt cả tháng trời. Đầu tiên ông ta sai người nhà ghì chặt con lớn xuống đất. Sau đó dùng dây thừng trói hai chân trước với nhau, hai chân sau với nhau, mặc cho con lợn rống lên eng éc.
Tới lúc đó, ông Võ Tòng sẽ đập mạnh cái gậy vào đầu con lợn cho nó chết lịm, rồi cùng vài người nữa nhắc nó lên một cái cối, kề một chiếc thau sát dưới cổ con lợn. Đoạn dùng dao nhọn mài sắc đâm vào cổ con lợn, dòng máu nóng ồng ộc chảy xuống. Thế là đã xong phần chọc tiết.
Ngay khi đã chọc tiết xong, ông ta sẽ bắt đầu mổ lợn, con lợn nằm chổng lên trời. Chỉ bằng một nhát dao ngọt lịm, trên bụng con lợn sẽ xuất hiện một đường rạch thẳng tắp. Lúc này máu nóng tanh tưởi bốc ra, ai không quen ngửi mùi máu có khi nôn ọe ngay tại chỗ.
Mấy người trong làng biết chữ, đọc được sách nên biết cái tên Võ Tòng là của một vị anh hùng trong Thủy Hử có thể đánh thắng hổ dữ trên rừng. Vậy mà ông Võ Tòng ở làng thì chỉ xẻ thịt mấy con lợn, xem ra cũng thật là một trời một vực. Nhiều người cứ thắc mắc mãi về việc vì sao cha mẹ ông lại đặt cho con mình cái tên đầy khí phách hảo hán đến thế, nhất là khi họ chẳng hề biết chữ. Việc này thì chính Thị Thập được nghe chồng kể lại rằng khi xưa cha ông Võ Tòng trước khi làm thảo khấu từng đánh cướp cứu một đôi vợ chồng nhà giàu nọ. Người chồng thấy vợ ông đương mang bầu mà chưa biết đặt tên gì cho hay nên đưa ra vài cái tên, lại giải thích cặn kẽ ý nghĩa của từng từ.
Cuối cùng cái tên Võ Tòng được chọn. Nhiều lúc thị Thập cứ nghĩ, nếu biết được chính ân nhân của mình về sau lại vào phường trộm cướp hẳn là vợ chồng nhà giàu nọ sẽ nuối tiếc vô cùng.
Thị thở dài một tiếng, nghĩ lại những chuyện này chẳng giúp ích được gì cho hiện tại. Thị xúm vào lo chuyện cỗ bàn cùng với mấy người khác. Mọi người kháo nhau rằng ông Võ Tòng giết hại nhiều lợn quá nên đến khi chết cũng bị trói hai chân, hai tay hệt như con lợn khi bị cắt tiết, rồi lại bị nướng chín vàng hệt như những xâu thịt lợn. Thị Thập nghe mà rùng cả mình. Thế nhưng có một điều mà người làng không ai giải thích được rằng vì sao ông Võ Tòng lại chết? Kẻ nào lại có thể trói nghiến một người rồi đem đi nướng chín như thế cơ chứ? Điều này thì cả làng chẳng có ai giải thích được. Cỗ bàn xong xuôi nhưng ông Võ Tòng vẫn chưa được đưa vào quan tài. Người ta bảo xác của ông vốn dĩ không thể khâm liệm được. Bởi lẽ thịt da ở phần lưng, phần bụng đều đã chín vàng, chỉ còn mỗi cái đầu nguyên vẹn, hay nói đúng hơn là phần đầu chưa chín hẳn. Hai đội mắt ông lồi ra trợn ngược lộ rõ vẻ kinh hoàng.
Thông thường khi khâm liệm người ta sẽ dùng những loại lá có hương thơm như lá bưởi, hương nhu, sả, bồ kết để làm nước tắm. Sau khi tắm rửa xong xuôi lại lau sạch toàn thân bằng khăn tẩm rượu để cơ thể người chết mềm mại như lúc còn sống. Trớ trêu thay lớp da thịt trên người ông Tòng chín gần hết, nếu khâm liệm như cách vẫn làm thì chẳng khác nào nhúng miếng thịt nướng vào thau nước lạnh. Thậm chí chính cụ Khảm còn gắp ra được trên người ông được quét một lớp muối trộn với hạt mắc khén giã nát. Nghe qua thì thực giống với cách làm của món thịt xiên của dân vùng núi. Cả đám ma lặng người đi khi nghe cụ nói, có người không kìm được bỏ chạy về thục mạng. Đám ma hôm đấy vắng món thịt lợn quen thuộc như mọi lần.
Lại nói đến ông Thập ngày hôm ấy. Mới sáng sớm khi ông vừa trở dậy đã thấy Tam Quỷ chuẩn bị hành trang chuẩn bị lên đường. Đồ đạc của gã rất ít, chỉ gói trong một chiếc tay nải là xong, gã cũng không quên giắt thêm vò rượu ngang bụng, để đến khi cần có thể mang ra nhâm nhi.
Lão ăn mày què thì lại càng chẳng có tư trang gì nhiều, lão chỉ có vài bình rượu con con đựng trong cái túi vải vá chằng vá đụp. Ông Thập thấy lão đứng tần ngần trước hiên nhà Tam Quỷ, ngước mắt lên nhìn những ngọn núi cao phủ đầy sương buổi sớm. Có lẽ chính lão cũng hồi hộp.
Ông Thập nhìn Tam Quỷ và lão ăn mày què rồi trầm giọng nói:
“Từ xưa đến nay làng tôi không có lệ cho phép người lạ vào làng. Nay tôi đưa hai người đến là làm trái với quy tắc, nhưng thực tình tôi cũng không còn cách nào khác. Nhưng xin hai người nhớ cho rằng, một khi đặt chân đến làng tôi thì chỉ có thể chết già ở đó, mãi mãi không được xuống núi một lần nào nữa. Nếu giờ đổi ý thì vẫn còn kịp, tôi không ép buộc”
Ông đưa mắt nhìn Tam Quỷ và lão ăn mày què một lượt, không ai nói gì. Lão ăn mày què chỉ khẽ gật đầu, còn Tam Quỷ mỉm cười đáp lại:
“Đại trượng phu chỉ nói một lời.”
Nói rồi gã cúi xuống thật thấp cho lão ăn mày què trèo lên trên lưng. Từ đêm hôm qua mấy người đã quyết định Tam Quỷ sẽ cõng lão ăn mày về tới làng. Con đường tới làng Địa Ngục quanh co hiểm trở, lại phải vượt qua hàng chục con dốc, thanh niên trai t thanh niên trai tráng còn bở hơi tai, huống chi lại là một ông già bước vào cái tuổi thập cổ lai hy. Ba người đàn ông men theo con đường mòn,mặt trời không chiếu nổi một tia nắng qua tán cây rừng dày đặc, càng đi sâu càng thấy ẩm ướt tối tăm dù đang giữa ban ngày. Mới đầu Tam Quỷ còn hỏi ông Thập vài câu vô thưởng vô phạt, nhưng càng lúc càng mệt, lại cõng theo một người ở trên lưng nên gã trở nên im lặng không nói gì.
Giờ mùi vừa điểm, ông Thập lại càng bước nhanh hơn, trong lòng tràn ngập nỗi lo sợ. Ông không dám nghĩ đến cái viễn cảnh chưa về đến làng khi trời đã tối hẳn. Lúc đó bầy đom đóm câu hồn sẽ bay ra, cả khu rừng tối mù mịt đầy rẫy những ma quỷ đi chiêu hồn, bắt vía người còn sống để cho chúng được đầu thai. Đó là còn chưa kể đến loài ma trành vốn chỉ người bị hổ về mất mạng thường hiển hiện trốn rừng sâu.
Càng đi vào sâu khu rừng càng tối, tiếng chim thưa dần, bầu không khí càng đặc quánh lại, sương mù xuất hiện ngày kêu vượn hót lại càng thưa càng dày. Lão ăn mày què vừa nhìn xung quanh vừa lẩm bẩm:
“Quái lạ thật! Quái lạ thật!”
“Có chuyện gì mà quái lạ?”
Tam Quỷ hỏi lại.
“Sao càng đi càng thấy âm khí nhiều thế nhỉ?”
Lão ăn mày què lo lắng.
Tam Quỷ cười tỏ ra hiểu biết:
“Đi vào nơi rừng thiêng nước độc thì nhiều âm khí là chuyện đương nhiên. Cũng giống như đi qua nghĩa địa vào ban đêm vậy. Mà nghĩa địa thì làm sao có thể nhiều âm khí như ở trong rừng sâu được chứ. Bởi lẽ trong rừng có hàng nghìn cây gỗ hàng trăm tuổi,hấp thụ biết bao nhiêu âm khí mà sống đến ngày hôm nay. Người sống lâu trong rừng bản thân cũng dần mất đi dương khí là bởi vậy. Nhất là đàn bà con gái.”
Ông Thập im lặng lắng nghe chẳng nói nửa lời, lão ăn mày què lim dim khẽ gật đầu. Quả thực, những lời vừa nãy của Tam Quỷ ông đều biết cả. Thế nhưng ông không hưởng ứng cũng chẳng muốn hùa theo, bởi những câu truyện quái dị xảy ra ở làng ông đã quá nhiều. Chỉ sợ rằng một khi hai người lạ mặt này đến làng lại sợ hãi và hối hận chứ chẳng chơi. Trời bắt đầu ngả về chiều, ông Thập càng hối thúc mọi người đi nhanh hơn nữa. Tam Quỷ bước mỗi lúc một chậm, mặt gã đỏ au vì nóng và mệt. Gã không còn lòng dạ nào để trò chuyện thêm nữa, chỉ lẳng lặng bước đi. Trời tối rất nhanh, màn sương không còn được ánh sáng ban ngày chiếu vào nữa nên người ta chỉ có thể cảm nhận được hơi lạnh của nó vờn xung quanh mình, chứ không nhìn thấy. Bầy đom đóm câu hồn lại lác đác xuất hiện cứ như thể có hẹn với ai từ trước.
Lão ăn mày què và Tam Quỷ lần đầu tiên được chứng kiến cả khu rừng có những bầy đom đóm lập lòe bay qua bay lại như những ngôi sao trên mặt đất, bèn ngây người ra nhìn, quên cả đi tiếp. Ông Thập thấy vậy bèn sẵng giọng đáp:
“Ơ kìa! Sao lại đứng đờ đẫn ra đó. Đi tiếp đi.”
Tam Quỷ vội vã nối gót đi theo sau, gã buột miệng:
“Đẹp quá! Chưa bao giờ thấy đom đóm đẹp thế này!”
Ông Thập khẽ khịt mũi một tiếng, nếu gã Tam Quỷ biết được mỗi một con đom đóm đều cõng một vong hồn chết oan, thì không biết còn có thể khen được nữa hay không.
Cổng làng Địa Ngục hiện ra phía trước. Gọi là cổng làng nhưng thực chất chỉ là mấy cây cột được người dân cùng nhau dựng lên, không đề tên cũng chẳng có cánh cửa như những ngôi làng trù phú dưới xuôi. Trước cổng là mấy cây hoa đào cổ thụ đương mùa trổ hoa. Tam Quỷ và lão ăn mày què tiến vào làng, bước qua cánh cổng. Đúng lúc ấy một tiếng chim lợn kêu eng éc từ trên cây vọng xuống, Tam Quỷ giật mình:
“Con chim khỉ gió! Dám làm ông đây giật mình.”
Lão ăn mày què khẽ nhắc:
“Cậu Tam đừng tùy tiện xúc phạm thứ gì trong rừng sâu. Không hay đâu!”
Thế nhưng Tam Quỷ dường như bỏ mặc lời lão ăn mày què nhắc nhở, mũi của hắn khụt khịt đánh hơi. Hắn hít một hơi thật sâu rồi quay ra hỏi:
“Có mùi gì đó là lạ. Có ai ngửi thấy gì không?”
Ông Thập ngẩn người bèn đứng lại hít hà. Ngay cả lão ăn mày què cũng xác nhận:
“Đúng là có mùi gì đó khen khét. Nhưng tôi không rõ đó là mùi gì cả”
Trong làng rất vắng, không một bóng người qua lại. Người làng sợ bóng tối, sợ bầy đom đóm câu hồn nên mới chập tối đã đóng chặt cửa ở trong nhà không dám ra ngoài, điều này ông Thập rõ hơn ai hết. Nhưng hôm nay thực là kì quái. Con đường làng vắng vẻ đã đành, vậy mà đi qua mấy căn nhà đều không thấy sáng đèn, cứ như là một ngôi làng chết. Ông Thập bước vào làng mình mà cảm thấy lạ lùng như bước vào thế giới khác. Tại sao chỉ mới một hai ngày mà lại thay đổi nhiều đến thế. Nói đúng hơn là có thứ gì đó kì lạ đang diễn ra ở nơi đây, nhằm lúc ông đi vắng.
Mùi tanh nồng càng lúc càng sặc sụa. Tam Quỷ nhăn nhó mặt mày. Bất chợt gã đứng sững lại giữa đường rồi chỉ về phía trước:
“Kìa bác Thập! Sao đằng trước lại có nhiều đom đóm thế?”
Tim ông Thập giật thót một cách như có ai vừa bóp chặt. Ông nhìn theo hướng tay Tam Quỷ chỉ. Cách đó xa xa một bầy đom đóm bay tới bay lui trước một căn nhà, chúng tụ lại thành một đám, lơ lửng trên con đường nhỏ nhìn vào bên trong sân.
“Hình như là nhà của lão Võ Tòng. Chẳng lẽ… chẳng lẽ lại có người chết hay sao?”
Ông Thập nghĩ thẩm, cản tim càng đập mạnh.
Ông dẫn hai người đồng hành băng ngang qua căn nhà của chính mình, trong nhà ông chỉ có ánh đèn leo lét hắt lên khung cửa sổ đã cũ kĩ. Bỗng dưng ông cảm thấy yên lòng đôi chút. Lão ăn mày lẩm bẩm:
“Càng đi sâu vào làng càng thấy mùi bốc lên. Hình như thịt nướng bị cháy!”
Tam Quỷ liếm mép, ra chiều khoan khoái:
“Có thịt nướng là tốt rồi! Đói sắp chết rồi đây! Khà khà”
Ông Thập dẫn họ đến trước cửa nhà ông Võ Tòng. Thứ mùi nồng nồng đó xuất phát từ căn nhà của lão đồ tể trong làng chứ chẳng sai. Ông bảo Tam Quỷ và lão ăn mày hãy đứng ở ngoài chờ ông, đừng đường đột vào trong. Ông Thập đẩy nhẹ cánh cửa gỗ kẽo kẹt, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra trước mắt ông. Dường như cả làng đều tụ tập trong sân nhà ông lão đồ tể. Trẻ con bám chặt lấy cha mẹ chúng, mấy người đàn bà sợ hãi nép sau chồng, mấy người già khóc như mưa. Giữa sân bầy một bàn thờ bên trên có bát nhang bốc khói nghi ngút, con trai và con dâu ông Võ Tòng mặc áo xô khóc sụt sùi, nhìn thằng Vẹt nằm thu lu phía trước.
Hai mắt thằng Vẹt lồi ra như mắt cá, môi nó cong lên uốn lại tạo thành một vòng tròn hệt như miệng của đám cá chép rỉa thịt người hôm qua. Nó không ngồi mà nằm sấp mặt, lưng hướng lên trời, đầu nghẹo sang một bên trông giống hệt như con cá đang bơi dưới nước. Miệng nó ngáp ngáp liên hồi, nước dãi từ miệng nó chảy ra tạo thành vũng bốc mùi tanh tanh.
Mọi người trố mắt nhìn, không ai nói được tiếng nào, chỉ có tiếng lũ trẻ con khóc dấm dứt sợ hãi, chẳng ai để ý ông trưởng làng đã về từ bao giờ. Cụ Khảm già yếu đương ngồi cạnh cha mẹ thằng Vẹt, cụ run run hỏi:
“Vong nhập à? Có phải.. có phải vong nhập không?”
Thằng Vẹt im lặng không nói gì. Miệng vẫn ngớp ngớp, hai tròng mắt đảo như rang lạc.
“Tại sao vong lại lạc đến đây? Sao lại nhập vào cháu bé vô tội này?”
Vẫn không trả lời.
“Không phải vong thì chẳng lẽ là yêu quái”Cụ Khảm lạnh cả người.
Đúng lúc ấy một cơn gió lạnh buốt thổi ùa tới, mấy ngọn nến tắt ngúm. Bóng tối bao trùm lên tất cả, người trong làng nhất loạt thốt lên một tiếng hãi hùng. Cậu Đức nhanh tay đốt được ngọn đuốc trong tay, có ánh sáng mọi người dường như vững dạ hơn. Họ đồng loạt nhìn xuống dưới đất nơi thằng Vẹt đang nằm còng queo, từ trong khóe miệng nó phát ra tiếng khàn đặc:
“Giết nó! Giết nó! Giết hết!”
Tiếng nói vừa cất lên, từ trên cao bầy chim lợn kêu eng éc, bầy chó trong làng sủa lên từng hồi. Tất cả tạo thành một đống âm thanh hỗn độn. Mọi người còn chưa biết phải làm gì thì thằng Vẹt thình lình đổi tư thế. Nó không còn nằm sấp nữa mà hai chân hai tay chống xuống đất giống hệt như loài thú bốn chân. Miệng nó không ngừng phát ra tiếng ụt ịt của loài lợn.
Thằng Vẹt bò về phía sau bàn thờ, nơi đặt cỗ quan tài còn đương mở nắp, miệng không ngừng kêu ụt ịt. Thằng Vẹt đi đến đâu, người làng kêu thét lên rồi dạt ra đến đấy. Nó chồm lên quan tài, lật mảnh vải xô mà người ta phủ lên trên thi thể ông Võ Tòng, một tay nó bám chặt vào cỗ áo quan, tay còn lại nó vốc thẳng vào thịt người đã khuất, xé ra một miếng rồi đưa lên miệng ăn ngon lành.
Cụ Khảm chứng kiến cảnh này sợ hãi quá, cụ bấu chặt lấy người ông Thập. Dân làng chứng kiến cảnh tượng quá kinh hoàng bèn bỏ chạy toán loạn, có người ngất xỉu ngay tại chỗ. Một giọng nói sắc lạnh vang lên:
“Giữ nó lại! Nó ăn hết thịt người chết bây giờ!”
Ông Thập quay lại thì thấy lão ăn mày què đã ở sau từ lúc nào, đôi mắt lão ăn mày đầy sát khí, lão không nói không rằng lết thật nhanh về phía chiếc quan tài. Thằng Vẹt vẫn đương say sưa ăn thịt dường như không để ý chuyện gì xảy ra.
Lão ăn mày què giơ vò rượu nhỏ xíu của lão lên trên cao rồi quát:
“Còn không mau cút đi”
Lúc bấy giờ thằng Vẹt mới giật mình nhìn xuống, gặp ánh mắt của lão ăn mày què nó ngừng ăn mà quay ra hằm hè. Nó vất miếng thịt ăn dở ra phía sau, miệng ụt ịt đầy đe dọa, hai tay nó giơ lên nhào tới ông lão què nhằm thẳng đôi mắt ông mà cấu xé. Lão ăn mày què nhanh hơn nó một bước, lão vẩy mạnh chai rượu nhỏ xíu về phía nó, rượu vừa chạm vào da thịt thì thằng Vẹt gào lên một tiếng đau đớn, nó lăn qua lăn lại, đầu đập trúng chiếc ghế đẩu kê quan tài rồi bất tỉnh nhân sự. Đám đông im phăng phắc, không một ai dám thở mạnh. Sau cùng ông Thập là người phá tan bầu im lặng. Ông khẽ hỏi:
“Nó… nó chết chưa?”
Lão ăn mày què khẽ lê đôi tay tàn tật về phía thằng Vẹt, hai ngón tay lão đặt trước lỗ mũi của nó rồi trả lời:
“Chưa chết đâu nhưng hơi thở yếu lắm”
Bố thằng Vẹt nghe thấy thế biết sự nguy đã qua đi, vội chạy ào tới bế thốc con trai lên đưa vào trong nhà, người làng xúm xít đi theo hóng chuyện. Lúc bấy giờ Tam Quỷ từ đâu chạy tới mặt tái nhợt không còn giọt máu, gã xốc nách lão ăn mày què giúp lão đi lên bậc thang vào nhà.
Chẳng mấy chốc mà đèn đuốc trong nhà ngoài sân lại sáng rực, người làng lại kéo nhau đứng từ trong nhà đến tận ngoài sân, xì xào bàn tán quái sự vừa xảy ra trước mắt. Thằng Vẹt vẫn nằm im lìm trong vòng tay của bố nó, mẹ nó khóc gọi tên con đến khản cả cổ. Người ta thấy lão ăn mày què lạ mặt đi vào nhất thời bèn tránh lối nhường đường cho lão. Lão tiến đến vạch mắt thằng Vẹt rồi bảo:
“Không còn nguy hiểm gì đâu. Chỉ cần đợi nó tỉnh dậy là đủ.”
Y như lời lão nói, chưa đầy một tuần hương sau thằng Vẹt tỉnh dậy. Nó thấy người nó ướt ướt, quần áo xộc xệch, mọi người xúm đen xúm đỏ quanh mình bèn hỏi:
“Thầy! U! Sao con lại nằm đây thế này?”
Nghe thấy giọng nói của nó đã trở lại bình thường, dân trong làng thở phào nhẹ nhõm. Riêng mẹ thằng Vẹt thì ôm lấy nó khóc thổn thức. Mặc dù biết rõ ràng lão già trước mắt là một người lạ, song không ai thắc mắc vì sao lão lại xuất hiện ở nơi này. Nhất là bố mẹ thằng Vẹt, hai người ấy cứ bám lấy tay ông lão mà tạ ơn mãi không thôi.
Giờ Tuất vừa tới, ông Thập cùng hai thanh niên trong làng đưa lão ăn mày què và Tam Quỷ về nhà thằng Đậu ở tạm. Từ ngày mẹ con nó bị rắn trả thù, căn nhà này bỏ hoang không ai dám lai vãng.
Làng Địa Ngục tuy có luật lệ cấm người lạ bén mảng tới, thế nhưng sự xuất hiện của hai người đàn ông lạ mặt đi theo ông Thập quá bất ngờ, lại thêm chuyện ông lão ăn mày què xả thân cứu nguy tại đám tang ông Võ Tòng, thành ra dân làng càng không dám đòi tra hỏi cho rõ ngọn ngành. Dưới sự chỉ đạo của ông Thập, đám thanh niên dựng lại ban thờ đã bị đổ vỡ, hạ nắp quan tài và chôn ngay trong đêm. Một đám khác hai người lạ mặt về nhà thằng Đậu, mang thêm một ít chăn mền và bình trà đến, tuyệt đối phải đối xử mềm mỏng không hạch hỏi thêm về bất cứ thứ gì, mọi chuyện để đến hôm sau giải quyết. Thấy ông trưởng làng chỉ đạo có tình có lý, người làng cũng không có ý kiến gì thêm, ai nấy đều xúm lại giúp một tay, chẳng mấy chốc mọi sự đã trở lại như cũ.
Đêm hôm ấy, khi ông Thập về nhà thì trời đã khuya, thị Thập vẫn ngồi bên bàn trà đợi chồng, lòng thị như lửa đốt. Thấy ông đi vào, thị thốt lên một tiếng mừng rỡ rồi chạy lại đỡ chiếc gùi mây cho chồng. Phải đến khi về nhà nói chuyện với vợ, ông Thập mới hay đầu đuôi câu chuyện xảy ra từ sáng hôm nay ở làng. Ông có nằm mơ cũng không sao hiểu nổi ông Võ Tòng lại chết một cách kinh hoàng đến thế. Làng Địa Ngục từ trước tới giờ quả thực là có nhiều cái chết thê thảm, nhưng bị biến thành món thịt xiên nướng như ông Tòng thì quả là ngoài sức tưởng tượng. Vốn biết làm đồ tể là nghề sát sinh, tổn hại âm đức nhưng liệu ai có thể ra tay giết hại một con người còn đương sống sờ sờ, rồi đem xát hạt mắc khén lên mà nướng vàng đến thế? Phải chăng ông Võ Tòng đã phạm phải đại tội nào khiến có người đem lòng hận thù đến thế.
Từng suy nghĩ dồn dập ùa tới trong đầu ông Thập. Ông điểm lại những cái chết bất đắc kì tử xảy ra trong làng mong tìm được manh mối nào đó, dù là rất mong manh.
Đầu tiên là nhà thằng Đậu ăn cháo rắn bị trả thù chết cả mẹ lẫn con. Thế nhưng lý do cái chết của mẹ con nó đã quá rõ ràng, thằng Đậu giết con rắn cái, đập trứng còn chưa nở, đem thịt nấu thành món ăn. Rắn vốn là loài máu lạnh lại có trí nhớ khắc sâu về kẻ thù, cả làng ai cũng biết.
Chuyện thằng Vẹt vài năm trước tiểu tiện vào bờ rào nhà thằng Đậu dẫn đến việc dân làng bị dọa ma, lại càng dễ hiểu. Phàm là người chết thảm thường rất linh thiêng, thằng Vẹt làm ô uế nhà người khác, làm sao vong hồn chịu để yên. Đó cũng là lẽ thường tình. Tiếp đến là chuyện cô Hạch cháu gái cụ Khảm bị cá rỉa mất nửa người. Ông Thập thở dài trầm ngâm suy nghĩ. Phải rồi! Cá chép sống ở trong con suối còn lâu hơn người làng ở đây, ông Tứ cha cô ăn phần đuôi con cá, chính bản thân ông Thập cũng cắn một miếng trứng rồi ăn ngon lành. Phạm vào tội thực tinh như thế làm sao mà không bị quả báo cơ chứ?
Cuối cùng là ông Võ Tòng. Ông Võ Tòng cả đời sát sinh, toàn thân ngập tràn tử khí. Đến con chó dữ nhất trong làng mỗi lần ông Tòng đi qua nó còn không dám sủa, chỉ cúp đuôi nấp vào đâu đó mà nhìn. Ông Thập đoán rằng việc ông Tòng bị nướng chín hệt như con lợn quay cũng là thứ nghiệp mà ông phải trả. Chỉ duy có điều ông không sao hiểu nổi vì sao thằng Vẹt lại bị vong nhập để đến nỗi ăn thịt người chết, mà lại chính ông mình như thế?
Quan trọng nhất là kẻ nào đã dày công biến một người đàn ông quắc thước, khỏe mạnh như ông Tòng thành món thịt xiên nướng cho chính mình. Ông Thập nhớ lại xác ông Tòng được tẩm ướp bằng muối và hạt mắc khén, chính ông cũng không ngăn nổi cảm giác rùng mình và cơn buồn nôn dâng lên trong cổ họng
Ông còn đương chìm đắm trong suy nghĩ, thì con mèo đen nhà hàng xóm từ đâu chạy vào nhảy lên mâm cơm của ông, nhón chân khều lấy một cái đầu cá kho. Ông Thập xua nó ra ngoài, đúng lúc ấy một tia sáng lóe lên trong đầu ông như ánh chớp giữa đêm đen. Lần đầu tiên trong đời, ông Thập bàng hoàng nhớ lại.
Chính ông Võ Tòng là người bắt cá chép dưới suối nướng ăn, rồi còn chia cho lũ trẻ con gần đó.
Chén trà trong tay ông Thập vỡ tan tành, cả người ông run lên bần bật. Cô Hạch đã gánh nghiệp thay cho cha mình, ông Tòng cũng đã trả lại món nợ năm xưa với lũ cá dưới suối. Tất cả đã chết hết, chỉ còn lại một mình ông. Trời ban đêm ở vùng rừng núi rét căm căm, ấy vậy mà lưng áo ông Thập ướt đẫm. Có khi nào… người chết tiếp theo sẽ là ông?!