Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 09
HỒI THỨ TÁM
XÁC NGƯỜI BIẾN MẤT
Cả đêm hôm đó ông Thập không ngủ được, những cảnh tượng kinh hoàng tái hiện lại trong đầu ông. Bên cạnh ông, bà Thập cũng khẽ buông tiếng thở dài. Cả làng Địa Ngục thức trắng đêm.
Ngày hôm sau trời mưa rả rích, đoàn đưa tang ông Võ Tòng lầm lũi bước từng bước thật chậm. Tiếng mưa rơi nặng hạt hòa lẫn cùng với tiếng khóc ai oán của con cháu ông Võ Tòng, thằng Vẹt đã tỉnh lại từ đêm qua, người nó còn yếu lắm nhưng vẫn cố gượng dậy đưa ông nội mình về nơi an nghỉ. Bãi tha ma của làng khuất sau rặng cây um tùm, từ đó đi ra con suối chỉ cách độ gần trăm trượng. Để có thể an táng cho người đã khuất, người ta phải đào đất thật sâu vì đất nơi đây vừa cứng vừa khô, tiếp đó lại phải cho thi thể vào trong quan tài làm bằng thứ gỗ vàng tâm huyền thoại. Nhắc đến quan tài làm bằng gỗ vàng tâm cũng nhiều chuyện để kể. Làng Địa Ngục sống cheo leo trên lưng chừng núi được màn sương mù vây quanh như một tấm màn màu bạc.
Chính địa thế và khí hậu đặc biệt khiến cho nơi đây có một rừng gỗ vàng tâm. Ngay từ thời xa xưa trong dân gian đã tương truyền hai loại gỗ quý hiếm nhất được dùng để đóng quan tài, đứng đầu là gỗ ngọc am tỏa hương thơm ngát thường được vua chúa sử dụng khi mai táng, tiếp theo là loại gỗ vàng tâm chỉ mọc ở nơi có không khí lạnh cắt da cắt thịt. Mặc dù không lừng danh như gỗ ngọc am, nhưng gỗ vàng tâm cũng không kém phần đặc biệt.
Tương truyền, những người được chôn trong quan tài làm từ hai loại gỗ này sẽ rất khó phân hủy, dù trải qua hàng chục năm nhưng cơ thể vẫn còn nguyên thịt không bị thối rữa, hoặc nếu có bị thối rữa thì tốc độ phân hủy sẽ rất chậm Chạp. Thêm vào đó, toàn thân thi hài sẽ tỏa một thứ mùi vừa ngai ngái, vừa đẫm mùi thảo mộc. Bởi thế cho nên người Việt xưa có lệ: hễ những ai được chôn bằng quan tài làm từ hai loại gỗ kể trên, hoặc chôn bằng quan tài bình thường mà mộ kết thì người nhà sẽ không bao giờ cải táng
Thuật ướp xác của người Việt cổ khi trước cũng nhờ lợi dụng đặc tính của gỗ ngọc am và vàng tâm mà có thể bảo quản thi hài người chết khá trọn vẹn. Điểm độc đáo ở chỗ, người Việt không cần moi ngũ tạng của thi hài ra giống như nhiều nơi khác. Chỉ đáng tiếc rằng trải qua bao cơn binh biến, thuật ướp xác đã thất truyền, chỉ còn là câu chuyện đồn thổi trong dân gian.
Để có được gỗ vàng tâm, người ta phải lặn lội lên trên những vùng núi cao, rồi phải vào tận sâu trong rừng thiêng nước độc mới có thể tìm thấy. Loài gỗ vàng tâm kì thực không quá lớn, chiều dài chỉ cao khoảng năm – bảy trượng, tương đối nhẹ, phần vỏ màu xám, phần ruột màu vàng nhạt tỏa ra hương thơm nhè nhẹ. Nhiều người đi rừng kể lại rằng, cây gỗ vàng tâm có mùi thơm dịu, từ xa cũng có thể ngửi thấy hương gỗ phảng phất trong không khí, nhất là vào những đêm mùa đông mịt mùng. Đặc điểm này khiến cho vàng tâm trở nên giá trị, nhưng cũng khiến cho nhiều người phải bỏ mạng vì nó.
Phàm những loài cây sống lâu nay trong rừng núi hoang vu thường có nhiều âm khí, nhất là những loại cây có mùi thơm như vàng tâm thì âm khí lại nhiều hơn gấp bội. Nếu muốn đốn hạ cây vàng tâm, trước hết phải thắp nhang làm lễ khấn vái xin thần rừng, thần cây cho phép được chặt, sau đó lại phải biện thêm một lễ để xin phép những âm hồn đang cư ngụ trên cây rồi mới được xẻ gỗ mang về, nếu không thì người chặt cũng sẽ vong mạng. Làng Địa Ngục được trời ban cho một rừng gỗ vàng tâm, nhưng chính bản thân họ cũng không dám chặt hạ quá nhiều vì cho rằng việc này hao tổn âm đức, cho nên chỉ dám làm sẵn một vài chiếc quan tài, khi có người chết mới dùng. Ông Võ Tòng cũng được an táng trong một chiếc quan tài như thế.
Quan tài chứa thây ông vừa đi đến bãi tha ma thì cả đoàn người đưa tang sững sờ khi nhìn thấy cảnh vật đương bày ra trước mắt. Mộ phần của mẹ con thằng Đậu bị rắn cắn chết năm nào đã bị ai đó đào lên, đất văng tung tóe.
Trong màn mưa nặng hạt, người dân làng nhìn thấy hai ngôi mộ bị đào xới, từng đống đất đùn to nhỏ đùn ra lộ rõ chiếc quan tài vàng tâm đã bung nắp. Phía bên trong quan tài trống rỗng, thi thể mẹ con thằng Đậu biến mất không còn dấu vết. Ông Thập đương đi sau cha mẹ thằng Vẹt, thấy sự lạ bèn chạy lên phía trước, ông ngẩn người:
“Sao…. Sao lại thế này? Xác mẹ con thằng Đậu đâu?”
Người làng nhốn nháo tiến lại gần để xem. Đúng là trong quan tài trống rỗng không còn một ai. Bầu không khí quỷ dị bao trùm, có ai đó nói:
“Quái lạ! Rõ ràng làng ta chôn hai mẹ con nó ở đây mà!”
“Chính tay tôi khâm liệm cho mẹ con nó chứ ai.”
Một người đàn ông lên tiếng.
“Vậy thì xác hai mẹ con họ mất đi đâu được. Ai lại lấy xác người chết làm gì?”
“Hay chính là kẻ đã giết ông Võ Tòng và cô Hạch?”
Đám đông nhốn nháo, nhiều người không nén nổi tò mò bèn chạy lại xem hai cỗ quan tài để nhìn tận mắt bên trong. Ông Thập cúi xuống quan sát lớp đất cát xung quanh huyệt chôn thây của hai mẹ con thằng Đậu.
Cơn mưa rả rích từ đêm qua khiến cho mặt đất trơn tuột, xóa sạch mọi dấu vết. Trong lòng ông suy tính, nếu muốn mang xác hai mẹ con thẳng Đậu đi cần phải có vật dụng để đào bới, rồi lại phải bật lắp quan tài lên. Xung quanh ông lúc này mặt đất nhẵn thín, chỉ có cỏ mọc xanh rì cùng với sỏi đá, hoàn toàn không thu được manh mối gì giá trị. Ông Thập thở dài, quay lại nhìn đoàn người đưa tang rồi nói:
“Thôi bây giờ bà con vẫn tiếp tục làm lễ an táng cho ông Tòng, tránh lỡ mất giờ lành. Một vài người ở lại cùng tôi đem lấp hai chiếc huyệt này lại, xong việc rồi bà con ai về nhà nấy, đến sáng mai tập trung trước sân nhà tôi, tôi xin thưa chuyện.”
Thấy ông trưởng làng phân chia công việc, mọi người lập tức tản ra dù trên gương mặt vẫn còn vương sự hoang mang, sợ hãi. Một vài thanh niên khỏe mạnh cầm sẵn chiếc xẻng cuốc trong tay sẵn sàng lấp huyệt của hai mẹ con chết thảm.
Từ chỗ mộ mẹ con thằng Đậu đến mộ ông Võ Tòng và cô Hạch chỉ cách nhau hơn chục bước chân. Người làng chia nhau đi thắp nhang cho từng nấm mồ lạnh lẽo, mùi khói nhang len lỏi trong màn mưa khiến cho khung cảnh núi rừng thêm phần tiêu điều, ảm đạm. Vừa hạ huyệt xong, thằng Vẹt đương sụt sùi khóc lóc bỗng cười the thé, làm rơi cả bài vị của ông nội nó xuống đất. Nó vừa nhảy nhót tưng tưng như một kẻ điên vừa cất giọng the thé:
“Ha ha ha ha …. Cho mày chết nhé! Cho mày chết nhé! Ai bảo mày ăn thịt? Ai bảo mày bắt cá.. ha ha ha!”
Một cơn gió lạnh thổi ùa tới làm tung bay đống tro tàn vàng mã, thằng Vẹt giật mình một cái rồi nhìn chăm chăm vào người làng, mắt long lên sòng sọc:
“Sắp tới lượt chúng mày rồi đấy!”
Vừa nói xong thì cả người thằng Vẹt run lên bần bật, ngã lăn ra đất bất tỉnh nhân sự. Người ta kể lại rằng, giọng thằng Vẹt lúc đó nghe lạ lắm, giống như giọng của một người đàn ông già nua sắp chết. Lạ một điều là giọng nói đó dường như không phải phát ra từ cổ họng nó mà cứ âm vang như thể từ chỗ âm ty địa ngục vọng về.
Chuyện đưa tang ông Võ Tòng phát hiện ra hai cái xác của mẹ con thằng Đậu biến mất lan nhanh trong thôn làng. Người làng Địa Ngục vẫn thỉnh thoảng kể cho nhau nghe câu chuyện năm ấy lũ quét về làng, mộ thằng Đậu bị bung nắp, trên thi thể của nó còn nguyên một cái xác rắn vừa lột. Ai cũng bảo thằng Đậu bị rắn trả thù. Câu chuyện trôi qua cũng mấy năm, nay mộ phần hai mẹ con nó lại bị đào thêm một lần nữa, rồi thi thể biến mất chẳng còn dấu vết gì càng khiến cho người ta thêm phần hứng thú.
Người chứng kiến kể cho người ở nhà, chẳng mấy chốc câu truyện được thêm mắm dặm muối khiến không khí trong làng càng lúc càng trở nên căng thẳng. Người ta tránh thằng Vẹt như tránh tà, chôn mộ ông Võ Tòng xong bèn vội vã rời khỏi, chỉ để lại bố mẹ thằng Vẹt lặng lẽ đưa con về. Lại nói đến ông Thập, khi hạ huyệt lấp mồ xong xuôi, ông lựa lời chia buồn với gia chủ rồi đi thẳng một mạch đến căn nhà bỏ hoang, nơi lão ăn mày què và Tam Quỷ đương chờ ở đó.
Căn nhà vẫn giống hệt như ngày mẹ con thằng Đậu còn sống. Vẫn là khoảng sân nhỏ được bao quanh bởi tường rào bằng đá, vẫn là mái hiên xiêu vẹo nơi mẹ thằng Đậu ngồi dệt củi hàng ngày. Mọi thứ vẫn thế, chỉ duy có con người là thay đổi. Ông Thập thầm nghĩ phải khi hai mẹ con họ còn sống biết được rằng xác của mình sau này sẽ rời khỏi mộ, không biết họ sẽ ra sao. Ông thở dài, khẽ đẩy cửa bước vào trong.
Vừa vào tới gian chính, ông đã ngửi thấy mùi khói nhang nghi ngút trên bàn thờ. Lão ăn mày què đương ngồi trên ghế, Tam Quỷ vẫn ăn thịt uống rượu bên mâm cơm nóng hổi. Vừa thấy ông Thập, lão ăn mày què đã ôn tồn nói:
“Tôi đợi cậu mãi. Mọi việc đã xong chưa?”
Ông Thập khẽ gật đầu rồi lại lắc nhẹ, ông thả người xuống ghế, hai chân mày nhíu chặt, đôi mắt nhắm nghiền tỏ vẻ mệt mỏi.
Tam Quỷ thấy thế thì ngừng ăn, gã ngơ ngác hỏi:
“Có chuyện gì vậy bác Thập? Chôn lão Võ Tòng chưa?”
Ông Thập im lặng một lúc rồi thở dài:
“Chôn rồi! Nhưng lại xảy ra sự lạ.”
Tam Quỷ giật mình, đưa mắt nhìn lão ăn mày què rồi hỏi:
“Chẳng lẽ trong làng lại có người chết hay sao?”
Ông Thập lắc đầu:
“Không! Không có người chết! Nhưng mà xác người chết thì biến mất!”
Hai người đàn ông còn lại đưa mắt nhìn nhau đầy kinh ngạc. Ông Thập dốc cạn chén rượu ngô trên bàn, quẹt miệng bằng mu bàn tay rồi mới kể lại sự tình. Lão ăn mày trầm giọng:
“Sự việc xem ra càng phức tạp rồi đấy. Người còn sống bị bắt cóc rồi giết lấy sọ người ngâm rượu hay luyện ngải thì còn có thể giải thích được. Người đã chết từ lâu, thân xác cũng chẳng còn thì còn có giá trị gì?”
“Hay là thú rừng vào bới đất tìm xương người mà ăn?”-Tam Quỷ lại hỏi.
Ông Thập lắc đầu:
“Không thể nào! Làng tôi đào huyệt rất sâu chính là để ngăn thú rừng bởi xác. Thêm nữa là nắp quan tài đóng rất chặt để ngăn nước ngấm vào, thú rừng không đánh hơi thấy mùi thịt người chết được.”
Lão ăn mày què nhíu mày ngước nhìn cửa chính:
“Kẻ nào đó lấy xác người nhằm mục đích gì? Liệu có phải là cùng một kẻ đã giết cô Hạch và ông Võ Tòng hay không? Tại sao phải làm như vậy?”
Những gì lão ăn mày què suy nghĩ cũng chính là điều mà ông Thập băn khoăn. Việc đào trộm xác vốn dĩ không quá xa lạ với nhiều người, nhất là ở những vùng hoang vu hẻo lánh. Lũ trộm xác có quá nhiều lý do để ăn cắp thi hài của người đã khuất. Có kẻ dùng bàn tay của người bị chết vì sét đánh để giúp chúng trộm cắp. Nhiều khi chúng đào trộm xác để moi móc lục phủ ngũ tạng để luyện bùa làm ngải, hoặc luyện thiên linh cái.
Chính ông Thập cũng từng suy đoán có kẻ lấy xác để ngâm rượu sọ người. Thế nhưng rồi ông lại tự phủ nhận chính mình. Bởi lẽ ngâm rượu thì chỉ cần chiếc sọ người là đủ, mà lại phải là sọ người của người mới chết, nếu dính máu thì càng tốt. Mẹ con nhà thằng Đậu chết cũng lâu, dù được đựng trong quan tài gỗ vàng tâm thì mạch máu trong người cũng đã dừng lưu thông, chẳng có ích gì cho việc ngâm rượu. Ông chỉ biết chắc một điều, kẻ hại cô Hạch, ông Võ Tòng, và trộm xác của mẹ con nhà thằng Đậu hẳn là có liên quan với nhau. Căn nhà cũ kỹ chìm trong bầu không khí nặng nề không kém phần rờn rợn.
Độ một tuần hương sau, ông Thập mới thoát ra khỏi dòng suy nghĩ bủa vây trong đầu. Ông nhìn hai người đàn ông trước mặt rồi khẽ nói:
“Sáng mai tôi sẽ dẫn hai người ra mắt cả làng. Làng tôi trước giờ chưa từng có người lạ mặt lai vãng, kẻ nào đi tìm trầm hay săn thú trong rừng sâu cũng không thể nào tới được gần nơi đây nếu như không có tôi dẫn đường. Từ giờ hai người sống làm người ở làng Địa Ngục, chết cũng làm ma ở nơi đây. Mọi việc không còn thay đổi được nữa.”
Ông dừng lại một chút rồi ngập ngừng nói:
“Nếu làng có họa thì… cùng gánh cả”
Tam Quỷ khẽ gật đầu đồng ý, lão ăn mày què nhìn ông Thập hồi lâu, đôi mắt mờ mờ vì tuổi già của lão khẽ nheo lại như thể đang cân nhắc một điều gì đó. Ông Thập hiểu ý bèn gượng cười:
“Chẳng hay cụ muốn nói điều gì?”
Lão ăn mày què cười nhẹ:
“Thứ lỗi cho tôi hỏi thẳng. Ngay từ đêm hôm qua đến làng, tôi đã cảm nhận thấy nơi đây âm khí rất nặng. Chẳng biết nguyên cớ do đâu mà nơi đây lại lạnh lẽo đến thế?”
Ông Thập ngắt lời:
“Rừng thiêng nước độc, nơi nào mà chẳng lạnh lẽo nhiều âm khí. Huống hồ nơi đây gần cánh rừng gỗ vàng tâm, thứ gỗ ấy chẳng phải có mùi hương hút vong hay sao? Chuyện đó thì có gì mà lạ?”
Lão ăn mày què tiếp tục:
“Rừng núi hoang vu tụ nhiều âm khí vốn đã là lẽ thường. Thế nhưng làng của ông âm khí dày đặc hơn bình thường, đêm tối lại có quá nhiều đom đóm vây quanh. Đến nỗi đêm hôm qua cậu Tam đây muốn ra ngoài tiểu tiện cũng không dám. Trong làng người dân chết thảm, bản thân cậu là trưởng làng lại mơ thấy giấc mơ kì lạ. Cậu không nghĩ rằng những điều này phải có cùng một nguyên do hay sao?”
Tam Quỷ giật mình, hắn nhìn lão ăn mày què rồi rụt rè hỏi:
“Ý … ý của cụ là sao?”
Ông Thập vẫn điềm tĩnh rót rượu, gương mặt không biểu lộ điều gì. Lão ăn mày què thở dài:
“Tôi sống cũng chẳng được bao lâu nữa. Cũng chẳng có tâm nguyện gì lớn lao, chỉ mong khi chết được nhắm mắt xuôi tay là được rồi. Chẳng phải cậu nói giờ tôi và cậu Tam đã trở thành người làng hay sao? Làng có họa, chúng tôi cũng muốn giúp một tay để trả ơn cưu mang. Ngặt nỗi không biết tường tận thì làm sao có thể giúp được, cậu nói xem có phải không?”
Ông Thập vốn dĩ không muốn tiết lộ lịch sử đầy máu tanh của dân làng, càng không muốn hai người này biết điều đó sớm như vậy. Tiết lộ với họ rằng làng Địa Ngục là tàn dư của băng cướp lừng danh ở truông Nhà Hồ, khác nào đặt cả làng vào vòng nguy hiểm? Ông có thể kể cho người khác nghe giấc mơ táo quân báo mộng của ông, cũng có thể kể cái chết thê thảm của cô Hạch, nhưng làm sao có đủ tin tưởng để kể về lai lịch của cả làng. Trước khi từ giã cõi đời, người làng Địa Ngục luôn luôn dặn dò con cháu việc giữ bí mật về toán cướp năm nào. Thân là trưởng làng, sao ông Thập có thể làm trái?!
Khẽ nhấp chén rượu, ông Thập mỉm cười:
“Cụ còn nhớ cụ từng kể cho con nghe cuộc đời lưu lạc của cụ. Cụ cũng nói sau này có dịp sẽ kể về việc hai cái chân của cụ bị cụt mất khi trốn thoát khỏi ngục tối không?”
Lão ăn mày què gật đầu:
“Đương nhiên là tôi nhớ”
Ông Thập nâng chén rượu ngang cằm, rồi từ tốn đáp:
“Vậy thì sau này có dịp!”
Nói rồi ông dốc cạn chén rượu. Lão ăn mày què nhìn ông Thập, đôi bên im lặng dò xét nhau, tiếng quạ réo trên cao hòa lẫn với tiếng gió bấc thổi vù vù cũng không khiến họ mảy may dù chỉ trong chốc lát. Tam Quỷ im lặng nhìn hai người bên cạnh, gã băn khoăn không hiểu. Sau cùng lão ăn mày què chậm rãi trả lời:
“Ông trưởng làng đã quyết thế thì tôi tuyệt nhiên không thắc mắc nửa lời!”
Ông Thập khẽ gật đầu chào hai người rồi bước ra. Trước khi về, ông không quên dặn dò hai người về bầy đom đóm câu hồn thường bay lảng vảng ban đêm, ông cũng hứa sẽ cho người mang cơm đến. Ba người đàn ông cáo từ nhau, trong lòng mỗi người đuổi theo một dòng suy nghĩ.
Ông Thập không biết được rằng, đằng sau bóng lưng của ông lúc ấy, có một ánh mắt sắc lạnh lóe lên, một khóe miệng khẽ mỉm cười dù chỉ rất ngắn. Tiếng chim lợn vang lên giữa tiết trời ảm đạm đến thê lương. Mưa tan, không khí lại càng thêm phần lạnh lẽo, lớp sương mù lại tràn từ đỉnh núi xuống khắp làng. Tiếng sét đì đùng từ trên không trung vọng lại như thể báo hiệu làng Địa Ngục sắp rơi vào thảm cảnh.
Ông Thập bước lững thững về nhà trên con đường quanh co nhỏ xíu chạy dài từ cổng tới tận con suối cuối làng. Ông vẫn nhớ như in lời nói của lão ăn mày què hôm nào. Năm ba mươi chín tuổi, ông sẽ gặp họa sát thân, không thể tránh khỏi số kiếp. Vừa nghĩ đến đó, ông chợt cười buồn. Dù sao ông cũng đã ba mươi tám tuổi rồi, không con cái, lại chịu gánh nặng trốn tránh thế gian cả đời. Có khi nào chết cũng là một cách giải thoát? Ông đứng lại nhìn cảnh vật xung quanh. Từng cây hoa đào đang e ấp nụ giữa cái lạnh căm căm, như muốn báo hiệu ngày tết đã cận kề. Mọi năm vào giờ này làng ông đã tấp nập chuẩn bị đón tết. Mấy gã thanh niên sẽ vào rừng để chặt thêm gỗ sửa sang nhà cửa. Đàn bà con gái trong làng cặm cụi bên khung dệt vải sao cho chồng con có thêm manh áo mới đón xuân. Vậy mà năm nay tết đến cận kề nhưng trong làng im lìm như thể đã bỏ hoang từ lâu.
“Rồi cả làng sẽ phải chết hết sao? Chết như gia tộc buôn tơ lụa gặp nạn năm nào. Nợ máu phải trả bằng máu, chẳng thể nào tránh khỏi!”
Ông Thập đương ngẫm nghĩ thì bỗng thấy một nỗi bất an kéo đến trong lòng. Làng Địa Ngục quanh năm chìm trong biển sương. Lớp sương mù ở nơi đây dày đặc đến nỗi người đi trên đường không thể nào nhìn rõ mặt người phía trước. Để tiện cho việc đi lại, người trong làng thường dùng đuốc, hoặc dùng đèn lồng. Trong tay ông Thập không có đuốc, cũng chẳng có đèn lồng, ông lặng lẽ mò mẫm từng bước để đi về đến nhà. Nào ngờ vừa đi được vài bước chân ông bắt gặp hai bóng người đi phía trước.
Ông Thập khẽ nheo mắt để nhìn cho rõ, nhưng chỉ thấy thấp thoáng bóng lưng của họ. Ông bước nhanh hơn để nhìn cho rõ thì thấy hai người đó đi song song với nhau. Một người có bờ vai rộng, vạt áo màu nâu xỉn từa tựa như máu ngấm vào vải đã lâu. Người còn lại dường như là một người đàn bà, tóc búi sau gáy, chiếc áo bạc phếch có vết loang lổ màu đen. Ông Thập bỗng thấy hai người họ vừa lạ vừa quen, như thể ông đã gặp ở đâu rồi. Ông cố gắng rảo bước để bắt kịp họ thì họ lại càng đi nhanh hơn. Lạ lùng ở chỗ, con đường làng ông toàn đá sỏi mỗi lần bước đi sẽ nghe thấy tiếng rào rạo ở dưới chân. Ấy thế mà hai người đó bước đi không hề phát ra tiếng động.
“Quái lạ! Ai vậy nhỉ?!”
Ông Thập nghĩ thầm trong bụng. Đoạn ông cất tiếng gọi to:
“Hai bác gì ơi? Chờ tôi với nào!”
Vẫn không có ai trả lời.
Đúng lúc đó một cơn gió thổi tới khiến làn sương vơi bớt. Ông Thập đứng sững lại nhìn rồi bàng hoàng nhận ra. Bàn chân của họ đầy giòi bọ, mười đầu ngón chân chống thẳng xuống đất giống như đang bay là là. Ông Thập nổi cả da gà, cơn ớn lạnh ập tới khiến ông sững sờ, dạ dày ông thót lên một cái như có ai bóp chặt. Ông ú ớ:
“Cái.. cái gì… thế kia?”
Lúc bấy giờ bóng người cao lớn mới từ từ quay lại. Trong màn sương lững lờ, ông nhìn thấy một gương mặt một người đàn ông. Gương mặt người ấy xám xịt, một bên đầu lúc nhúc giòi bọ, đôi mắt toàn lòng đen, không hề có lòng trắng, đôi môi thâm tím tái như bị rút hết máu. Trên cổ người ấy có hai dấu răng tròn vo, đen ngòm, máu đen chảy ra từ hai cái lỗ đó đã khô thành dòng. Ông Thập bàng hoàng nhận ra người đương quay lại nhìn mình. Ông thốt lên:
“Thằng Đậu!”
Đúng là thằng Đậu! Hai vết răng con rắn độc thành câu cắn trên cổ nó vẫn còn sờ sờ, chính mắt ông đã nhìn thấy vào cái ngày nó chết. Bóng người đàn bà thấp hơn nghe thấy tiếng ông Thập bèn quay đầu lại nhìn. Gương mặt bà sạm đen, một gò má sưng vù để lộ ra phần da thịt đen kịt, mắt bà trợn trừng, miệng đầy bọt. Từ trong kẽ miệng của bà còn vương mấy con giòi bò lúc nhúc. Ông Thập hoảng hồn lắp bắp không thành câu:
“Mẹ… mẹ con thằng Đậu!”
Hai người phía trước chẳng nói chẳng rằng chỉ đứng lại nhìn ông, sương mù cứ thế trôi xung quanh, đường làng vắng lặng không một tiếng động. Ông Thập run rẩy, toàn thân cứng đờ vì sợ hãi:
“Sao … sao lại thế này?”
Ánh mắt thằng Đậu đen ngòm như miệng giếng sâu thăm thẳm, nó nhìn ông chăm chú không nói không rằng. Trong cơn hoảng sợ, ông vẫn kịp nhìn thấy trên cổ bà mẹ thằng Đậu có một con rắn đen đang quấn chặt. Con rắn dường như vẫn còn sống, nó ngúc ngoắc cái đầu nhìn về phía ông rồi khè lên một tiếng dọa nạt, cái lưỡi nhỏ xíu thò ra liên hồi giống như đang đánh hơi mùi người. Toàn thân ông mụ mẫm đi vì sợ hãi, ông đứng như trời trồng, mắt nhìn trân trân về phía trước. Tiếng gáy của gà trống từ đâu đó vang lên kéo ông Thập về với thực tại. Ông giật mình nhìn thấy phía trước thì chẳng thấy hai mẹ con thằng Đậu đâu nữa. Ông dáo dác nhìn xung quanh, trống ngực đập liên hồi. Một giọng nói quen thuộc vang lên:
“Ông Thập! Ông làm gì ở đây thế?”
Một người nào đó đương cầm đèn lồng đi đến. Hơi nóng từ chiếc đèn lồng tỏa ra nhè nhẹ khiến cho lớp sương mù loãng dần, vợ ông chầm chậm bước tới nhìn ông với vẻ mặt tò mò:
“Sao ông lại đứng ở đây? Sao còn chưa về nhà?”
Ông nhìn qua vai thị Thập, cảnh vật vẫn như cũ, con đường làng vơi bớt màn sương, mọi thứ lại trở về bình thường. Ông run run quay sang hỏi vợ:
“Vừa … vừa nãy bà có nhìn thấy gì không?”
Thị Thập hỏi lại:
“Nhìn thấy gì là sao? Tôi chỉ nhìn thấy ông đương đứng như trời trồng giữa đường thôi.”
“Bà không thấy ai à?”
“Thấy ai cơ? Làm gì có ai?”
Thị Thập ngạc nhiên.
Tôi… tôi vừa trông thấy hai người đi phía trước. Rõ ràng là có hai người đi đằng trước tôi. Tôi còn gọi họ nữa mà.”
Thị Thập bắt đầu mất hết kiên nhẫn, bà nhíu mày:
“Làm gì có ai đi phía trước ông. Mà hai người đó là người nào?”
Ông Thập run run khẽ nắm lấy tay vợ rồi thì thào:
“Hai mẹ con nhà thằng Đậu!”
Bà Thập lúc này mới giật mình, bà đáp:
“Hai mẹ con thằng Đậu chết lâu rồi còn gì. Sao ông lại thấy họ đi trên đường được.”
Thấy chồng đăm chiêu nghĩ ngợi, thị Thập thở dài rồi bảo:
“Thôi đi về nhà với tôi! Về rồi nói chuyện, chứ đứng ở đường mãi thế này nhiễm sương lạnh rồi ốm mất”
Thị Thập quay người bước đi, ông Thập đi bên cạnh vợ nhưng vẫn cố ngoái lại ra phía sau. Ông cứ có cảm giác ngờ ngợ rằng hai mẹ con thằng Đậu vẫn chưa đi khỏi chỗ này, vẫn còn đương lẩn khuất đâu đó trong màn sương sớm để rình rập, theo dõi ông. Dự cảm bất an trong lòng ông mỗi lúc một tăng. Một nỗi băn khoăn tràn ngập trong tâm trí làm cho ông lo sợ.
Vừa về đến nhà ông đã cài then cửa, thị Thập lấy làm lạ nhưng vẫn im lặng không nói gì. Thị lẳng lặng cầm một bát trà xanh nóng hổi đưa cho chồng, chờ đợi ông mở lời. Ông Thập ngồi trầm ngâm một hồi, thị Thập thắp ba nén nhang lên bàn thờ trước mặt. Phải đến một tuần hương sau, ông mới khẽ gọi vợ vào, ông kể cho vợ nghe việc lão ăn mày què và Tam Quỷ đến làng sinh sống, chuyện cụ Khảm nghi ngờ đứa cháu gái của mình bị cá rỉa hết thịt khi còn chưa tắt thở. Thế nhưng, phải đến khi nghe đến câu chuyện xác chết biến mất, rồi ông Thập gặp lại hai mẹ con thằng Đậu trong màn sương mù lúc nãy, thị Thập mới thốt lên một tiếng hãi hùng. Thị thấp giọng thì thào:
“Nhưng… nhưng hai mẹ con thằng Đậu chết lâu rồi cơ mà. Chính tay dân làng mình an táng cho họ, làm sao mà có thể biến mất được? Ai lại ăn cắp xác chết làm gì cơ chứ?”
Ông Thập thở dài:
“Tôi cũng đương suy nghĩ về điều ấy. Chẳng có lý nào xác chết trong quan tài lại biến mất cả. Làm thế để làm gì cơ chứ?”
Thị Thập im lặng nhìn chồng suy nghĩ. Thị vốn là người thiếu nữ lớn lên ở miền sơn cước hoang vu, quanh năm chẳng ra khỏi cổng làng nửa bước, sao có thể biết được những chuyện linh dị vốn lưu truyền trong dân gian. Trong lòng thị lúc nào cũng canh cánh một nỗi buồn vì chẳng có lấy nổi một mụn con. Nhiều khi nghe ai đó nói cây độc không trái, gái độc không con là thị lại rươm rướm nước mắt. Mặc dù chẳng biết nhiều về sự đời, nhưng những cái chết dồn dập đến với dân trong làng, thị cũng có linh cảm của một người đàn bà. Thị sợ rằng sẽ có thêm án mạng trong làng, thậm chí thị còn giật mình nghĩ tới viễn cảnh chồng thị sẽ xảy ra chuyện. Mỗi lần như thế thị đều thắp nhang khấn vái tổ tiên xin phù hộ.
Nghe ông Thập tả đến cái cổ có vết cắn của thằng Đậu, thị giật mình nhớ ra một chuyện. Buổi sáng trước hôm ông Võ Tòng mất một ngày, thị có đi tảo mộ. Người Việt có tục lệ đi thăm mộ người thân trước tết. Một phần là để thắp hương mời vong linh về nhà ăn tết, một phần là để dọn dẹp, sửa sang lại mồ mả, nhiều địa phương vẫn coi đó là dọn nhà cho người đã khuất, đến nay tục ấy vẫn còn. Sáng hôm ấy thị cùng bà Tư mẹ cô Hạch đi đến bãi tha ma. Trời chưa hửng nắng, lớp sương đêm còn đọng lại trên cỏ khiến vạt váy đụp của thị ướt đẫm. Bà Tư khóc thương con gái mấy ngày, người gầy rộc đi. Ngày nào bà cũng ra bãi tha ma ôm mộ con mà sụt sùi.
Hôm nay thị Thập đi cùng với bà cho có bạn. Mộ của bố mẹ ông Thập nằm trên một gò đất cao cao, nhìn xuống là thấy mộ cô Hạch. Từ mộ cô Hạch đi khoảng vài bước chân sẽ tới mộ của mẹ con thằng Đậu. Mỗi một gia đình đắp mộ đều tùy ý lựa chọn vị trí theo ý mình, thành ra mỗi nấm mồ nằm một góc chẳng theo chiều hướng nào. Riêng mồ mả nhà ông Thập thì do người mất đã lâu nên táng trên gò đất cao hơn khoảng chục phân cùng với nhiều ngôi mộ cũ kĩ khác, âu cũng là để người làng dễ phân biệt.
Thị Thập đương làm cỏ xung quanh, bất chợt thị nghe thấy tiếng sột soạt trên cỏ. Thị dừng tay lắng nghe thì không thấy gì nữa, chỉ còn tiếng khóc sụt sùi của bà Tư vọng lại. Ngỡ là mình nghe lầm, thị lại tiếp tục làm việc. Chừng một lúc sau, tiếng sột soạt lại vang lên, lần này rõ ràng hơn lần trước. Thị nghiêng đầu, cố nhìn ra phía trước quan sát xem có sự gì lạ. Vừa đứng lên, thị bỗng giật mình khi nhìn thấy hai con rắn màu nửa đen nửa trắng bò qua bò lại giữa hai nấm mồ của mẹ con thằng Đậu. Người làng Địa Ngục vốn không xa lạ gì với loài rắn, bởi lẽ dân trong làng sống trong rừng núi hoang vu, lại có thêm mạch nước chảy qua nghiễm nhiên thành nơi lý tưởng cho rắn. Sau này khi nhân khẩu ở làng tăng dần thì số lượng rắn cũng dần ít đi. Người làng bảo nhau đó là do rắn sợ con người nên không dám sống gần đó, cũng có người bảo do ông Mục sống trong làng bắt rắn nhiều quá nên chúng bỏ đi.
Thị Thập không lạ khi nhìn thấy rắn rết, mà nhất lại là ở bãi tha ma. Thế nhưng điều khiến thị tò mò là hai con rắn này cứ chúi đầu xuống nấm mồ của mẹ con thằng Đậu như thế muốn len lỏi vào bên trong. Thị ngây người nhìn cảnh tượng ấy. Vốn dĩ loài rắn không tự mình đào hang mà chỉ cuốn mình trong lùm cây, hốc đá có sẵn từ trước. Hai con rắn trước mặt thị, mỗi con dụi đầu vào một nấm mồ khiến cho thị cảm thấy rờn rợn. Thị khẽ gọi:
“Bác Tư! Bác Tư ơi!”
Bà Tư vẫn đang khóc, nhất thời không đáp lại. Thị lại gọi tiếp:
“Bác Tư ơi!”
Bà Tư lúc này mới giật mình, bà quay lại nhìn rồi hỏi:
“Có chuyện gì thế ?”
Thị Thập thì thào khẽ chỉ ngón tay về hai nấm mồ phía trước khe khẽ bảo:
“Bác nhìn phía trước kìa!”
Bà Tư nhìn theo phía tay thị Thập chỉ. Lúc này hai con rắn vẫn đang liên hồi dụi đầu xuống lớp đất. Dường như trận mưa đêm hôm trước đã làm cho lớp đất mềm hơn, khiến cho lũ rắn chẳng mấy chốc đã trùn lên một lớp đất nho nhỏ. Chúng vẫn gắng sức dụi đầu liên tục để bởi lớp đất ra phía ngoài. Bà Tư thấy rắn bèn rú lên một tiếng hãi hùng, bà nhảy lên gò đất nơi thị Thập đang đứng, hai hàm răng va vào nhau lập cập.
Cảm nhận được rung động của âm thanh trong không khí, hai con rắn đồng loạt ngừng dụi đầu vào nấm mồ, chúng rướn thân lên nghe ngóng. Thấy có người, chúng lập tức quay đầu bỏ đi. Chúng bò qua bãi cỏ lối vào bãi tha ma, rồi biến mất ở vạt rừng nơi có mấy cây gỗ vàng tâm. Vạt rừng này vốn trông ra con suối cuối làng, cũng là nơi phát hiện ra xác cô Hạch lần trước.
Hai người đàn bà bị dọa đến mức ngây cả người. Bà Tư run lập cập, bà bảo với thị Thập:
“Thôi…. thôi… đi về đi cô Thập ơi. Đừng ở đây nữa!”
Thị Thập ngạc nhiên hỏi lại:
“Sao thế bác? Rắn thì gặp thường xuyên mà sao bác lại sợ đến thế?”
Bà Tư nhìn xung quanh cứ như là đang tìm ai nghe lén, bà thì thào:
“Tôi… tôi nghe người ta nói. Rắn xuất hiện ở mộ là người chết hiện hồn về dưới lốt rắn.. Có khi nào… có khi nào mẹ con nhà thằng Đậu vừa hiện về không?”
Thị Thập nghe mà rụng rời chân tay. Thằng Đậu từng bị đào mồ một lần, dân trong làng còn nhìn thấy trên thi thể của nó có cái xác rắn vừa lột.
Có lẽ nào nay nó hiện hồn về thật. Hai người đàn bà vội vã băng qua con đường tắt về làng, vừa đi vừa khấn vái trong đầu mong cho không gặp rắn nữa.
Thị Thập đem chuyện này kể với chồng, trong giọng nói vẫn không nén nổi nỗi sợ hãi. Ông Thập cau mày suy nghĩ, dường như mọi chuyện không đơn giản chỉ là hồn mẹ con thằng Đậu hiện về qua lốt rắn. Vợ ông thấy đôi rắn bên hai nấm mồ, ông Võ Tòng chết ngay ngày hôm sau, sáng hôm nay người làng thấy hai chiếc quan tài gỗ vàng tâm trống rỗng bên trong. Trận mưa đêm khiến cho quan tài đọng một vũng nước khá lớn, điều ấy chứng tỏ quan tài phải được bật nắp ra từ lâu. Xác người biến mất, lại thêm việc chính bản thân ông Thập thấy hai mẹ con nó lững thững đi trong màn sương. Chẳng lẽ mẹ con thằng Đậu tự đội mồ đứng dậy?
Thằng Đậu khi còn sống đã giết hại rắn mẹ, đập nát gần hết trứng rắn con. Thà rằng rắn nuốt toàn bộ thi hài của nó để trả thù thì ông Thập còn có thể hiểu được. Nhưng nay cả hai cái xác đều không cánh mà bay khiến mọi thứ càng rắc rối.
Người làng tận mắt nhìn thấy quan tài trống không bèn đem câu chuyện đi khắp nơi bàn tán. Thậm chí sự kiện xác hai mẹ con thằng Đậu biến mất ấy còn giật gân hơn cả việc ông trưởng làng đem hai người đàn ông lạ mặt từ đâu đến làng. Phải đến khi mặt trời khuất sau chân núi, người trong làng mới tản ra ai về nhà nấy. Tất cả họ đều mong cho trời mau sáng để đến nhà ông Thập để nghe ngóng tin tức, hòng giải tỏa nỗi sợ hãi xen lẫn sự tò mò trong đầu mình. Họ đâu biết rằng, điều kinh hoàng vẫn còn tiếp diễn.
Đêm rạng sáng ngày hai mươi chín tết, trời không mưa nhưng nổi gió. Tiếng gió thổi ngoài trời nghe như tiếng con gì đó đang than khóc trên những tán cây rậm rạp. Trong màn đêm mịt mùng, tiếng chó sủa vang lên từng hồi. Người xưa vẫn có câu nói chó sủa một tiếng là ma, ba tiếng là người. Người ta nghe rõ mồn một mấy con chó trong làng gằn lên từng tiếng một, khiến cho không gian tĩnh mịch như vỡ tan.
Nằm trằn trọc trong căn nhà cũ kỹ, Tam Quỷ đã trở mình mấy lần. Gã chẳng thể nào ngủ được vì lạ nhà. Gian bên cạnh tiếng ngáy của lão ăn mày què vẫn vang lên đều đều. Nằm suy nghĩ một mình trong bóng tối khiến Tam Quỷ nhớ đến nhiều chuyện. Ngẫm cho cùng thì mái nhà dưới chân núi đã gắn bó với gã suốt mấy năm trời, nay bỏ đi đột ngột khiến gã cảm thấy như mất đi một thứ gì đó quen thuộc. Chỉ có điều gã không thể gọi tên ra.
Giờ dần vừa đến, gã đã nhổm dậy nhìn ra phía ngoài cửa sổ. Ngoài trời vẫn tối đen như mực, không hiểu sao từ lúc bước vào ngôi làng này gã ngỡ rằng ban ngày cũng như ban đêm. Từ dưới làng ngẩng mặt lên trời cao lúc nào cũng chỉ thấy một sắc trời ảm đạm, đó là còn chưa kể lớp sương mù giăng kín khắp nơi khiến người ta như lạc vào cõi u linh. Gã nhớ lại hồi còn mở quán trọ kể truyện ma cho người khác. Những câu chuyện hắn gom góp được từ những lời kể của những người lữ khách qua đường đều có chung một đặc điểm: Bầu không khí ở nơi có tà ma lúc nào cũng âm u, heo hút. Gã mường tượng ra xóm chợ miền núi nơi hẳn ở giống như khung cảnh trong mỗi câu chuyện ma. Nào ngờ, khi đặt chân đến nơi đây hắn mới thấy những gì mình kể chẳng qua chỉ là chuyện tầm phào. Ngôi làng này mới thực sự là vùng đất đầy rẫy linh hồn, tà ma, ngạ quỷ. Chiều nay gã nói với lão ăn mày què rằng gã cảm thấy rờn rợn chỗ này, dường như nơi đây đang che giấu một bí mật nào đó. Lão ăn mày què nghe xong chỉ mỉm cười, cho rằng gã chưa quen nên suy nghĩ vẩn vơ.
Gã uống rượu rồi lăn ra ngủ một mạch đến muộn mới tỉnh giấc, khi ấy đã là giờ tí. Gã cố gắng ngủ thêm nhưng mắt vẫn mở thao láo, thế là đành thức trắng.
Trời sáng chưa rõ mặt người, gã đã nghe thấy tiếng bánh xe trên con đường đầy sỏi đá. Hẳn là người làng vừa mới ngủ dậy. Gã nhớ những ngày giáp tết ở phiên chợ dưới núi, đám thương buôn lúc này trọ ở nhà gã chật kín phòng. Có kẻ thậm chí còn phải trải chiếu ra hiên nhà mà ngủ. Phiên chợ tết lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua, gã sẽ hòa vào trong dòng người tấp nập để tận hưởng sự náo nhiệt hiếm có ở miền núi cao. Gã tò mò không hiểu người dân làng này sẽ đón tết như thế nào, có giống với người Kinh không hay theo lối của người Mông, người Mường? Gã đoán rằng người làng đều là người miền xuôi, chẳng qua là lên trên ngọn núi heo hút này để trốn tránh thế gian. Vậy thì hẳn là họ sẽ giữ tập tục truyền thống thủa trước.
Gã còn đương suy nghĩ mông lung, thì nghe thấy tiếng ai đó cười khành khạch. Gã bật dậy, tung chăn chạy ào ra trước sân, hơi lạnh thốc vào người khiến cho hắn thêm phần tỉnh táo. Hắn rùng mình một cái rồi đưa mắt tìm nơi phát ra tiếng cười quái dị. Bầu trời lúc này đã gần sáng nhưng vẫn không đủ để cho gã thấy rõ ràng mọi vật xung quanh. Gã khịt mũi thầm cười nhạo sự lẩn thẩn của mình. Cả đời kể chuyện ma mua vui cho thiên hạ, giờ đây chính bản thân gã cũng bị thần hồn nát thần tính. Gã quay người chuẩn bị bước vào trong thì chợt khựng lại.
Trên mái nhà xiêu vẹo, gã thấy một chàng trai chừng mười tám, đôi mươi đang ngồi lắc lư rồi cười khành khạch. Gương mặt người đó xám xịt, lác đác vài con giòi đang bò lổm ngổm. Tam Quỷ trợn tròn mắt nhìn, gã sững sờ không nói nổi một lời. Đúng lúc ấy, tiếng lạch xạch từ chiếc khung cửi cũ nát bên hiên nhà vang lên. Tam Quỷ bất giác nhìn về hướng phát ra tiếng động.
Dưới ánh sáng lờ mờ, một bà cụ mặt đen kịt, một bên má nhung nhúc những giòi bọ đang cặm cụi đưa từng con thoi dệt vải. Vừa trông thấy gã, người đàn bà thè cái lưỡi dài như lưỡi rắn rồi rít lên:
“Sao mày đến ở nhà tao?!”
Tam Quỷ đứng sững như trời chồng, gã không kịp bỏ chạy chỉ gào lên một tiếng kinh hoàng rồi ngã lăn bất tỉnh.