Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 10
HỒI THỨ CHÍN
NỬA ĐÊM GẶP ÁC MỘNG
Vừa nghe thấy tiếng hét phát ra từ căn nhà của mẹ con thằng Đậu, mấy người dân ở gần đó nhốn nháo chạy đến. Khi đến nơi, họ nhìn thấy gã lạ mặt đi cùng với ông lão què đêm hôm trước đương nằm vật giữa sân, gương mặt lộ rõ ra vẻ kinh hoàng. Người ta xúm lại quanh gã, kẻ thì nới bớt áo ra cho dễ thở, lại có kẻ vẩy ít nước vào mặt Tam Quỷ để gã tỉnh lại, lúc bấy giờ lão ăn mày què mới từ trong nhà lết ra nghe ngóng.
Người trong làng hỏi chuyện Tam Quỷ, song gã chẳng nói năng được nhiều, phần vì sợ hãi quá độ, phần vì quai hàm của gã đã cứng đơ vì lạnh, gã chỉ thều thào câu được câu chăng. Mặc dù vậy nhưng mấy người lớn tuổi cũng đoán biết được phần nào cớ sự vừa mới xảy ra. Căn nhà này trước kia vốn là của mẹ con thằng Đậu, nhưng họ đã chết thảm từ lâu, thỉnh thoảng vào những đêm trăng sáng hay gần đến ngày giỗ trạp lễ tết người ta vẫn thấy vong hai mẹ con họ hiện hồn về. Dân làng biết u hồn mẹ con thằng Đậu vẫn còn lảng vảng quanh đây, cho nên chẳng ai dám phạm tới.
Nhớ năm xưa thằng Vẹt vô ý tiểu tiện trước hàng rào nhà thằng Đậu đã bị dọa đến thất kinh. Cái gương trước mắt sờ sờ ra đấy, làm sao mà người làng dám mon men lại gần căn nhà?!
Lão ăn mày què ngồi cạnh Tam Quỷ, mấy người làng xúm quanh, có ai đó tốt bụng còn về nhà bưng cho chén nước gừng nóng hổi, Tam Quỷ uống vài ngụm đã thấy hoàn hồn. Đúng lúc đó ông Thập đẩy cửa bước vào, thấy trước sân đông người, ông ngạc nhiên hỏi:
“Ô kìa! Sao bà con tụ tập ở đây nhiều thế này? Chẳng phải tôi bảo đến nhà tôi để tôi thưa chuyện hay sao?”
“Có người ngất xỉu ông trưởng làng ơi”
Ai đó trả lời, lập tức đám đông liền xôn xao mỗi người tranh nhau nói một câu.
“Chắc bị trúng gió rồi đấy.”
“Khéo có khi thấy mẹ con thằng Đậu.
“Ối chà! Ở nhờ nhà người ta cơ mà!”
Ông Thập tiến lại gần chỗ Tam Quỷ đang nằm sống xoài, khẽ hỏi:
“Bác làm sao vậy bác Tam?”
Tam Quỷ lúc này đã khá hơn được đôi chút, hắn cố gằn giọng nói rành rọt từng từ:
“Nhà …. Nhà này có ma!”
Đám đông đang ồn ào bỗng dưng lặng thinh. Ông Thập không hề ngạc nhiên trước tình huống này, ông im lặng chờ Tam Quỷ nói tiếp. Thấy gương mặt điềm tĩnh của ông trưởng làng, Tam Quỷ lại càng bối rối, gã run run chỉ lên trên mái hiên:
“Rõ ràng tôi thấy có một thằng nhóc còn trẻ lắm, nó… nó ngồi trên mái nhà nhìn tôi rồi cười khành khạch. Trên cổ nó có hai vết răng.. hình như… hình như vết rắn cắn. to … to lắm. Người nó còn lúc nhúc mấy con giòi.”
Trong đám đông có kẻ không kìm được, bèn đưa tay bụm miệng nôn khan vài cái. Tam Quỷ vẫn chưa hết cơn bàng hoàng, hắn cố gượng dậy chỉ tay ra cái khung cửi sắp hỏng:
“Lại còn… lại còn một bà già nữa. Bà ấy ngồi trước hiên nhà dệt vải bên cạnh cái khung cửi kia kìa. Mặt bà ấy xám xịt, hai bên má nổi u màu đen ngòm, từ trong hốc má của bà ấy có mấy con giòi đang ngoe nguẩy. Tôi .. tôi nhìn thấy bà ấy rõ ràng… là thật chứ không phải mơ đâu.”
Tam Quỷ dừng một lúc, gương mặt hắn nhăn nhúm khi phải hồi tưởng lại những hình ảnh kinh hoàng lúc nãy. Rồi như sực nhớ ra điều gì, hắn nắm chặt lấy tay ông Thập:
“Hai mắt bà ấy long lên sòng sọc. Bà ấy.. bà ấy nói..”
Ông Thập nhíu mày:
“Bà ấy nói sao?”
Tam Quỷ nuốt nước bọt rồi nói:
“Sao chúng mày đến nhà tao ở!?”
Mấy người dân nhìn nhau, không ai thốt lên được lời nào. Mẹ con thằng Đậu chết cũng đã lâu, làm sao mà gã đàn ông lạ mặt này lại miêu tả rõ ràng đến thế. Nhất là vết thương do rắn cắn ở cổ thằng Đậu, lại còn chuyện mẹ thằng Đậu bị nọc độc của rắn cắn làm cho phần thịt da trên gò má bị hoại tử, đen ngòm. Những chuyện ấy nếu như không chứng kiến thì làm sao có thể biết được.
Lão ăn mày què nãy giờ vẫn ngồi kề bên gã, gương mặt lão thoáng phần sợ hãi, bởi lão tin những gì Tam Quỷ vừa kể đều là sự thật. Mà đâu phải chỉ một mình lão tin điều ấy, cả làng ai mà chẳng biết mẹ con nhà thằng Đậu đã chết thảm như thế nào. Tam Quỷ run run nhìn mọi người xung quanh, vẻ mặt thất thần của mọi người khiến trong tim gã đập mạnh. Nửa đời gã kể truyện ma mua vui cho thiên hạ, người ta bị cuốn theo những câu chuyện của gã, có người tin, có người không, thậm chí có người tỏ ý cười nhạo. Gã từng ước ao chính mình chứng kiến một câu truyện ma quái đích thực, để mà khi kể lại cho người khác nghe ai nấy đều thất kinh.
Có nằm mơ gã cũng không thể tưởng tượng nổi cái ngày ấy lại đến sớm vậy, lại càng không thể tin được rằng chính bản thân mình lại sợ đến nhũn người ra như thế. Ông Thập thở dài:
“Bác Tam đây là người lạ mới từ xa đến, lại ở trong nhà thằng Đậu nên không tránh khỏi việc vong hồn về quấy phá. Có trách thì phải trách tôi trước tiên”
Mấy người dân chứng kiến sự việc từ đầu đến giờ đều lặng thinh. Lão ăn mày què thấy Tam Quỷ đã yên, bèn lê người đến gần cái khung cửi dựng chỏng chơ trước hiên. Lão vốn cụt hai chân nên dù đi hay ngồi cũng chẳng có gì khác biệt. Lão cúi xuống quan sát cái khung cửi chăm chú, bất chợt lão thốt lên một tiếng kinh hoàng khiến ai nấy đều giật mình:
“Cái… cái gì thế này?”
Mọi người đồng loạt nhìn ra phía gã, ông Thập hỏi với theo:
“Có chuyện gì thế cụ?”
Lão ăn mày què không nói không rằng chỉ run run giơ ngón tay chỉ xuống vạt đất bên dưới cái khung cửi. Ông Thập lấy làm lạ bèn đi đến, một vài người tò mò cũng đi theo. Dưới đất có vài con giòi vẫn đang bò lổm ngẩm.
Lồng ngực ông Thập như có ai đó bóp chặt. Lão què thảng thốt không nói lên lời, giây phút ánh mắt lão chạm mắt ông Thập, cả hai đều nhận ra một sự thật rằng: Đích thực có ai đó người toàn giòi vừa ngồi ở đây.
Sự căng thẳng từ nãy đến giờ của dân làng chợt bung ra. Có anh thanh niên đi theo sau ông Thập vừa nhìn thấy mấy con giò dưới đất bèn gào lên:
“Mẹ thằng Đậu về! Mẹ thằng Đậu về thật!!!”
Đám đông mỗi lúc một ồn ào, có người hoang mang, có người đến tận nơi nhìn mấy con giòi đương bò lổm ngổm. Ngôi nhà này bỏ hoang đã mấy năm, khắp nơi đều toàn bụi, chẳng có xác động vật chết thì làm sao giòi bọ xuất hiện được. Cứ cho như có con chim, con chuột nào đó chết rục ở đây rồi giòi kéo tới thì cũng phải thấy xác của chúng. Lẽ nào, cảnh tượng mà Tam Quỷ vừa nhìn thấy không phải là ảo ảnh, không phải là hồn ma bóng quế hiện về, mà đích thị cái xác của hai mẹ con thằng Đậu đã đội mồ mò về đến tận nơi? Đống giòi bọ xuất hiện ở nơi bà mẹ ngồi là một minh chứng hùng hồn nhất.
Người làng Địa Ngục vốn nhạy cảm với những chuyện quỷ dị, sự việc xảy ra trước mắt khiến cho bất cứ kẻ tỉnh táo nào cũng có thể mường tượng ra khung cảnh mẹ con thằng Đậu đội mồ đứng dậy, đi lang thang trong làng vào đêm mùa đông buốt giá.
Gương mặt Tam Quỷ càng lúc càng nhợt nhạt, hắn lắp ba lắp bắp:
“Thế là… thế là mình không nhìn nhầm. Không… không phải hồn về… mà là xác người về thật.”
Trời sáng rõ mặt người, những tia nắng hiếm hoi chiếu chênh chếch vào khoảng sân phía trước cũng chẳng đủ làm vơi đi bầu không khí rờn rợn cùng tiết trời lạnh căm căm. Cơn thất thần qua đi, ông Thập lấy lại sự bình tĩnh của người cầm cân nảy mực, ông hắng giọng rồi nói với Tam Quỷ:
“Thôi! Bác vào trong nằm nghỉ cho đỡ mệt. Mọi chuyện để từ từ rồi tính.”
Nói rồi ông ra hiệu cho hai người thanh niên đứng gần đó đỡ Tam Quỷ đứng dậy, lại sai một thằng bé đi mời dân làng đến nhà mẹ con thằng Đậu. Vốn dĩ ông định thưa chuyện với cả làng về tại nhà mình như mọi khi, thế nhưng gặp lại cớ sự này thì không thể chần chừ thêm một phút nào nữa.
Ông đứng im lặng nhìn cây đào đương trổ hoa trước sân, trong lòng trào dâng những dự cảm bất an. Chuyện vợ ông nhìn thấy hai con rắn chúi đầu xuống nấm mồ như thể đương đào đất, chuyện hai xác người biến mất chỉ còn hai chiếc quan tài trống rỗng, sau đó chính bản thân ông cũng gặp bóng dáng mẹ con thằng Đậu đi thất thểu trong màn sương mù mịt, rồi lại đến chuyện Tam Quỷ sáng nay. Đó là còn chưa kể những cái chết thê thảm của cô Hạch, rồi ông Võ Tòng. Tất cả đều mơ hồ khó hiểu, thế nhưng dường như ông cảm thấy mọi việc diễn ra theo một trình tự kín kẽ khó lường, khiến cho ông có cảm giác như có ai đó dày công sắp đặt mọi chuyện. Ông không biết điều gì sẽ xảy ra, nhưng ông chắc chắn rằng cái tết năm nay ở làng Địa Ngục sẽ chẳng thể trôi qua một cách an lành.
Phải đến một tuần hương sau người làng mới tề tựu trước sân nhà mẹ con thằng Đậu. Ông lão ăn mày què, Tam Quỷ cũng lần lượt ra đứng trước mái hiên, phía sau lưng ông Thập. Chờ mọi người đến đông đủ, ông Thập cung kính cúi đầu chào các cụ già lớn tuổi trong làng, ông nhìn quanh một lượt rồi cất giọng buồn bã:
“Thưa các cụ, các ông, các bà! Thưa toàn thể dân làng! Hôm nay tôi xin phép được thưa chuyện với làng ta một việc như sau. Mấy ngày gần đây làng ta liên tục xảy ra sự lạ, đau lòng nhất là chuyện cô Hạch và ông Võ Tòng đều đã mất một cách đột ngột. Cái chết của họ còn nhiều uẩn khúc mà chúng ta chưa thể biết tường tận. Thân làm trưởng làng, tôi vừa đau xót vừa lo lắng cho sự bình an của làng ta.”
Mọi người im lặng như tờ, đến nỗi cũng có thể nghe được tiếng thở dài nho nhỏ của mấy cụ già. Ông hạ giọng nói tiếp:
“Trong những lần xuống dưới chợ buôn hàng, tôi có tình cờ quen biết một vị thầy bói, chính là ông lão què đương đứng trước mặt cả làng đây. Nhiều điềm báo lành dữ đều được ông lão giảng giải cặn kẽ. Dẫu biết rằng làng ta từ trước đến nay không đón tiếp người lạ, càng không cho người lạ lui tới. Thế nhưng hiện giờ, cả ông lão què và bác Tam Quỷ đây đều chẳng còn chốn nương thân, bản thân họ cũng có thể giúp sức chúng ta nếu chẳng may xảy ra bất trắc. Tôi mạo muội đưa họ về làng, trước là giúp họ có nơi ăn chốn ở, sau là cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn lúc này. Việc này thập phần đều tốt cả, xin bà con chấp thuận.”
Nói rồi ông thập khẽ cúi đầu, lão ăn mày què và Tam Quỷ thấy thế vội cúi đầu thật thấp, coi như lời chào ra mắt.
Việc người lạ đến làng quả thực chưa từng xảy ra kể từ khi đám tàn dư của băng cướp đến đây khai hoang lập nghiệp. Thế nhưng chứng kiến chuyện ông lão ăn mày què xử lý việc thằng Vẹt bị vong nhập vào đám tang ông Võ Tòng, lại thêm hàng loạt chuyện quỷ dị xảy ra gần đây, hầu hết người ta đều mong muốn có một ai đó có thể giải quyết vấn đề này. Họ nhìn ông lão ăn mày què ăn mặc rách rưới nhưng gương mặt toát lên vẻ thâm trầm, lại nhìn Tam Quỷ cao lớn khỏe mạnh bèn nảy sinh thiện cảm, nhất thời không ai phản đối
Cụ Khảm nhìn hai người đàn ông mới đến một lúc lâu rồi điềm đạm hỏi:
“Chẳng hay ông lão đây là pháp sư hay sao?”
Lão ăn mày què nghe thấy hỏi đến mình bèn đáp:
“Bẩm cụ! Con không phải pháp sư trừ tà diệt quỷ. Bản thân con vốn là kẻ hèn, lúc nhỏ được học chút ít về bói toán, lại biết một vài phép phong thủy, nhưng vì tài mọn nên chẳng dám hành nghề xem bói cho thiên hạ, đành ăn xin qua ngày. May mà gặp được ông Thập đây.”
Cụ Khảm thấy lão ăn mày què nói năng chừng mực, lại thấy lão cũng bước vào tuổi thập cổ lai hy nên vội xua tay nói:
“Bác đừng gọi tôi là cụ, xưng hô như thế e không hợp với lẽ thường. Làng chúng tôi tuy chọn cuộc đời ẩn dật xa lánh thế gian, nhưng việc lễ nghĩa vẫn hết sức giữ gìn.”
Mọi người im lặng lắng nghe, cụ Khảm nhìn thật lâu gương mặt của hai người đàn ông mới đến. Ánh mắt cụ khẽ nheo lại, trong lòng cụ có một dự cảm chẳng mấy tốt lành. Không hiểu sao khi nhìn họ cụ luôn cảm thấy có một luồng không khí lành lạnh tỏa ra từ đâu đó. Chẳng lẽ là do cụ tuổi già sức yếu, nên mẫn cảm với tiết trời rét căm căm? Tuy nhiên chính cụ lại bác bỏ cái suy nghĩ đó, cụ đã sống ở đây cả đời, lẽ nào lại không nhận ra cái lạnh buốt của tự nhiên. Cảm giác này khiến cụ phập phồng lo sợ, hệt như linh tính của con người trước đại nạn.
Cụ nhìn thẳng vào mắt ông Thập rồi cất lời:
“Thứ lỗi cho tôi nói thẳng, việc làng ta từ xưa đến nay không thâu nạp người ngoài cũng là do để bảo vệ dân làng, điều này chắc ông trưởng làng rõ hơn ai hết. Thế nhưng, ông trưởng làng đã đưa người về đây, kể như ván đã đóng thuyền, làng cũng đành chấp nhận. Chỉ sợ sau này sự không lành, thì làng biết trách ai đây?”
Cụ Khảm không hề lớn tiếng nhưng ai nấy đều hiểu được ý tứ bên trong. Ông Thập vốn lường trước được tình huống này, bèn cúi đầu trả lời:
“Xin cụ và dân làng đừng lo! Việc này tôi xin chịu trách nhiệm cả. Mọi việc đều vì sự an nguy của chúng ta mà thôi!”
Thấy ông trưởng làng đã quyết, cụ Khảm cũng không tiện hạch hỏi gì thêm. Đoạn cụ lại quay sang Tam Quỷ:
“Hai người đến đây âu cũng là nhân duyên từ trước. Ông trưởng làng đã nói thế thì chúng tôi cũng đành vậy. Chỉ mong sau này, làng ta đừng có ai chết thảm nữa.”
Nói rồi cụ thở dài một tiếng rồi cáo từ, trước khi đi cụ không quên quay lại nhìn hai người lạ thêm một lần nữa. Vậy là làng Địa Ngục lần đầu tiên có người lạ đến sinh sống, chẳng ai biết được rằng đó là họa hay phúc, hay chỉ đơn giản là ý trời.
Người dân làng Địa Ngục vốn chất phác lại hiền lành, thấy ông trưởng làng và cụ Khảm đều bằng lòng, chẳng ai còn phản đối hay nghi kị gì thêm. Họ giúp đỡ Tam Quỷ sửa sang lại căn nhà của mẹ con thằng Đậu, bày biện lại ban thờ rồi thắp nhang nghi ngút. Ai cũng nói chuyện Tam Quỷ bị dọa sáng nay là do mạo muội bước vào nhà người khác mà không xin phép. Thế nhưng chẳng người nào có thể giải thích được vì sao lại xuất hiện những con giòi bò lổm ngổm bên chiếc khung cửi dệt vải của mẹ thằng Đậu vẫn dùng khi còn sống. Người ta xì xào bàn tán nhưng cũng quên đi rất nhanh.
Bấy giờ đã là hai mươi chín tháng Chạp, chẳng mấy chốc mà bước sang năm mới, ai còn bụng dạ đâu mà để ý những chuyện lạ lùng ở căn nhà vốn đã bị bỏ hoang từ xưa. Ấy vậy mà, đêm hôm ấy lại xảy ra quái sự.
Đối với mọi làng quê trên nước Việt, những ngày giáp tết luôn luôn là khoảng thời gian đông vui nhất. Người ta mổ lợn, giết gà, trồng cây nêu trước sân, ai khéo tay hơn nữa thì tỉ mẩn cắt tỉa chậu cây để trưng trong nhà. Người nào có chút ít chữ nghĩa thì viết câu đối treo trước cửa, hay chỉ đơn giản là viết chữ Phúc lên tờ giấy nhuộm màu đỏ rồi treo ngược lại, mong cho điềm phúc lộc sẽ tới nhà. Dân làng Địa Ngục từ trước tới nay vẫn trọng truyền thống, mọi năm cứ đến giáp tết người trong làng sẽ rủ nhau gói bánh chưng, và đến nhờ cụ Khảm, hoặc ông đồ Lam viết câu đối. Cuối năm nay làng có người chết thảm, không khí đón tết vì thế mà cũng kém vui vài phần.
Suy cho cùng thì người chết cũng đã chết, người sống vẫn phải sống, tục lệ mừng tết nguyên đán cũng không thể từ bỏ. Cụ Khảm mất đi đứa cháu nội nên sinh ra sầu não, ngày ngày khóa cửa trong phòng lấy việc đọc sách làm vui. Dân làng biết cụ phiền lòng cũng không dám vô ý đến nhà nhờ cụ cho chữ như mọi năm, thế là họ kéo nhau tới nhà ông đồ Lam.
Nhà ông đồ Lam nằm cạnh con đường trông ra nghĩa địa, phía sau là một bụi tre ngà. Từ nhà ông đi đến ra con đường chính của làng chỉ độ vài bước chân, khá gần với con suối có bầy cá chép đen. Nhiều người vẫn khuyên ông đồ Lam nên chuyển nhà ra gần trong thôn xóm để cả làng quây quần lại với nhau, cũng là để cho lũ trẻ con trong làng đi học được thuận tiện. Vậy mà lần nào ông cũng khước từ. Ông đồ Lam bảo rằng ông thường đọc sách đến tận khuya, lại thêm việc trẻ con học bài sẽ ồn ào ảnh hưởng đến không khí yên tĩnh trong thôn. Người ta nghe ông nói liền cho là có lý nên không hỏi gì thêm.
Thủa trước người dân quê vốn sinh nhiều, chuyện một đôi vợ chồng đẻ tới chín mười người con vốn dĩ rất bình thường. Vậy mà ngôi làng Địa Ngục sống cheo leo trên lưng chừng núi thì lại khác. Chẳng hiểu vì sao mà người dân làng Địa Ngục từ trước tới nay sinh con rất ít. Nhà nào nhiều lắm thì có hai ba đứa con, ít thì chỉ có một đứa, cá biệt là chẳng có con như nhà ông Thập. Dân gian xưa vốn quan niệm đông con đông cháu mới thực sự là nhà có phúc, vậy mà bầy trẻ con trong làng chưa nổi hai mươi đứa nhỏ. Trong làng khi ấy, nhà đông con nhất lại chính là nhà ông đồ Lam.
Ông đồ Lam có bốn đứa con, đứa lớn nhất mới mười tuổi, đứa nhỏ nhất thì mới lên ba, mọi việc trong nhà đều do vợ ông vun vén. Vợ ông là Thị Lam ngày thường không dệt vải, cũng chẳng trồng trọt như những người đàn bà khác trong làng, thị chọn nghề làm vàng mã để kiếm kế sinh nhai. Cụ nội của thị vốn có nghề làm hàng mã ở Huế, thế nhưng về sau đắc tội với một gã phú hào trong làng nên phải bỏ đi biệt xứ. Khi phiêu bạt đến truông Nhà Hồ thì được băng cướp tại đây thu nhận, chính thức bước vào con đường cướp bóc.
Hàng mã vốn dĩ dành cho người ở cõi âm, cho nên cũng nhiều thứ phải làm. Thứ đồ dùng hàng ngày thì có mũ nón, quần áo, tiền vàng. Đồ dùng để tế lễ thì có voi, ngựa. thuyền.
Thông thường những thứ hàng mã đơn giản sẽ do ông Thập đi xuống chợ để mua về chia cho dân làng, chỉ khi nào cần cúng tế lớn thì thị Lam mới cặm cụi làm. Thứ hàng mã khiến cho thị hài lòng nhất chính là hình nhân thế mạng. Hình nhân thế mạng vốn dĩ quá quen thuộc trong tục lệ dân gian từ xưa. Dân gian cho rằng những hình nhân bằng giấy sẽ gánh họa thay cho bản thân người sống. Người dân lương thiện vốn dĩ đã tin điều đó, kẻ làm ác lại càng tin tưởng hơn bội phần. Khác với tục lệ cúng hình nhân để giải hạn vào đầu năm, toán cướp năm xưa mỗi khi giết người cướp của xong thường tổ chức lễ cúng linh đình. Cứ mỗi một mạng người chết chúng sẽ cúng một hình nhân. Chúng tin rằng đám hình nhân ấy sẽ thay chúng đến tội với những nạn nhân mà chúng giết hại. Nhiều khi số lượng hình nhân chất thành từng đống, điều đó cũng đồng nghĩa với số lượng người bị chúng giết lên đến hàng chục người.
Trước khi gia đình cụ nội thị Lam gia nhập, bọn cướp vô cùng vất vả để thu thập hình nhân thế mạng. Bởi lẽ hình nhân không phải là thứ hàng mã dùng quanh năm, lại đòi hòi việc chế tác tốn công sức gấp bội. Thêm vào đó, nếu mua quá nhiều hình nhân thì người bán hàng sẽ sinh nghi, bọn cướp không thể mạo hiểm vì điều đó. Chúng bày ra cách giả dạng thành dân thường đi khắp nơi mua về dự trữ, nhiều khi số lượng hình nhân còn không đủ để dùng. Mãi sau này gia đình cụ nội thị Lam lưu lạc đến địa bàn của lũ cướp thì việc cung cấp hình nhân mới ổn định. Cụ nội thị Lam làm hình nhân, gia đình bên nội ông Thập làm thầy cúng, cùng phục vụ trong băng cướp cho nên hai bên qua lại với nhau hết sức thân tình. Mãi sau này, khi trốn khỏi truông Nhà Hồ, tục lệ cúng thật nhiều hình nhân vào dịp năm mới vẫn được người làng Địa Ngục duy trì như ngày trước.
Lại nói về buổi sáng hôm ấy, lão ăn mày què cùng Tam Quỷ đi đến từng nhà để chào hỏi bà con trong làng. Chính Tam Quỷ là người nảy ra ý tưởng ấy, gã muốn cảm tạ người làng vì việc đã cứu giúp khi gã gặp u hồn của mẹ con thằng Đậu. Lão ăn mày què cho rằng thế là phải đạo nên đồng ý đi cùng. Người làng đương bận bịu chuẩn bị cho lễ tết, nên việc trò chuyện với hai người mới đến cũng chỉ qua loa. Đầu giờ ngọ, hai người mới bước đến nhà ông đồ Lam.
Ông đồ đã đi vào rừng từ sớm, chỉ còn mỗi thị Lam và mấy đứa trẻ con ngồi chơi trước hiên nhà. Gần đến ngày phải giao hình nhân thế mạng cho làng, thị Lam bận tối mắt. Thị đương vẽ mặt cho đám hình nhân thì Tam Quỷ và lão ăn mày què đẩy cửa bước vào. Thấy người lạ đến nhà, tuy trong lòng thị cảm thấy có chút bất tiện song vẫn đon đả:
“Con mời cụ, mời bác vào nhà xơi nước!”
Tam Quỷ vốn không dám làm phiền, chỉ khéo từ chối rồi hỏi thăm vài câu. Gã vừa nhìn thấy bầy hình nhân xếp trong góc nhà bèn lấy làm thích thú, miệng không ngớt khen:
“Hình nhân thế mạng này đích thực là khéo léo. Tôi nhìn thấy nhiều hình nhân được bày bán giữa chợ rồi, nhưng chẳng mấy ai làm đẹp như thế này!”
Thị Lam mỉm cười:
“Bác quá khen rồi. Nhà cháu có nghề làm hàng mã từ thời cụ nội, sau này truyền lại cho các con. Làm nhiều thì quen tay chứ chẳng có tài cán gì.”
Lão ăn mày què khẽ lết đến góc nhà, cầm hình nhân lên rồi gật gù:
“Vẽ mắt rất có hồn! Người ta nói mắt hình nhân mà không tinh anh thì hình nhân sẽ chẳng nhìn thấy chủ nhân mà bảo vệ. Hình nhân càng giống thật thì việc thế mạng cho người chủ càng cao.”
Tam Quỷ nghe thấy thế liền cảm thấy hứng thú, hắn cầm hình nhân lên tay rồi chăm chú quan sát, đoạn hỏi lão ăn mày què:
“Người ta vẽ gương mặt cho hình nhân thế mạng, vậy sao không vẽ mặt cho hình nhân lúc yểm bùa?”
Lão ăn mày cười nhẹ:
“Cậu Tam kể nhiều chuyện ma quỷ nên đầu óc mụ mị rồi. Hình nhân thế mạng cậu cầm trên tay là thứ giúp người ta gánh tai họa. Thứ hình nhân bằng vải dùng khi yểm bùa là thứ khiến người ta gặp phải họa sát thân. Hình nhân thế mạng có mắt để có thể nhìn rõ gương mặt chủ nhân, hình nhân yểm bùa nếu có mắt chẳng phải là sẽ nhìn thấy kẻ rắp tâm hại người hay sao? Những kẻ làm ác có bao giờ để cho người khác biết rõ gương mặt của chính mình. Cậu nghĩ xem có đúng không ?”
Tam Quỷ gật gù cho là có lý. Thị Lam và mấy đứa trẻ con thấy hai người đàn ông nói đối đáp lạ lùng nên đứng ngây ra nhìn. Mặc dù thị được gia đình truyền lại nghề làm hàng mã, nhưng chính thị cũng chưa bao giờ biết đến những điều lão ăn mày què vừa giảng giải. Tam Quỷ lại hỏi tiếp:
“Hình nhân thế mạng dùng để gánh họa cho người, có khi nào chúng mang họa đến hay không?”
Lão ăn mày què thở dài:
“Điều đó còn phải xem chúng ở trong tay ai. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thuật điều khiển hình nhân bằng giấy chỉ là câu chuyện đồn thổi trong giang hồ. Cũng giống như rượu sọ người vậy. Nào ai có thể kiểm chứng được.”
Lão ngước nhìn ra cửa, mặt trời đã lên quá ngọn tre. Lão vội vàng kéo Tam Quỷ ra về, không quên cáo từ thị Lam. Vừa bước ra khỏi cửa, thị Lam đã gọi với theo. Tam Quỷ bước lại gần ôn tồn hỏi:
“Nhà bác gọi chúng tôi có chuyện gì?”
Thị Lam vừa lấy hai hình nhân, vừa nói:
“Phần hình nhân này xin biếu bác và cụ đây để sau này làm lễ giải hạn. Làng này từ trước đến giờ vốn có tục cúng hình nhân vào lễ tết đầu năm. Bác cứ nhận lấy”
Tam Quỷ lúng túng:
“Bác làm thế này chúng tôi thấy ngại quá. Tôi xin gửi lại tiền cho bác.”
Thị Lam mỉm cười:
“Có đáng gì đâu. Bác cứ nhận đi, thế nào cũng phải cần đến!”
Tam Quỷ quay ra nhìn lão ăn mày què, lão khẽ gật đầu đồng ý. Tam Quỷ nói thêm vài câu khách sáo rồi cầm đôi hình nhân trở về. Thị Lam nhìn theo sau, bóng lưng hai người vừa khuất thị bỗng cảm thấy một cơn gió lành lạnh thổi ngang qua. Sống lưng thị ớn lạnh, lồng ngực đập liên hồi khiến cho thị cảm thấy choáng váng. Thị khẽ rùng mình rồi vội vã gọi mấy đứa con trở vào nhà.
Chiều muộn hôm ấy trời trở lạnh bất thường. Ánh nắng buổi sáng biến mất chỉ còn màn sương giăng mù mịt khắp nơi. Mặc dù đã đến đây hai ngày nhưng Tam Quỷ vẫn chưa thể nào quen được bầu không khí ảm đạm bao trùm lên ngôi làng. Gã đưa mắt nhìn quanh để tìm lão ăn mày què, chợt thấy lão đương ngồi trong góc sân để mài mấy chiếc dao vứt chỏng chơ trong gian bếp. Tam Quỷ bực dọc lắm nhưng không nói gì, gã lấy một vò rượu nhỏ trong tay nải mang theo bên mình rồi tu ừng ực. Vốn quen sống ở nơi đông vui nhộn nhịp, nay về ở chốn thâm sơn cùng cốc, gã không tránh khỏi buồn chán.
Chạng vạng tối, gã thấy ông Thập mang trên lưng chiếc gùi mây bước vào trong sân. Lão ăn mày què ngồi thu lu trước bếp than củi cháy bập bùng giữa nhà. Thấy ông Thập, gã gật đầu ra hiệu chào hỏi rồi im lặng nhìn bầu trời ảm đạm. Ông Thập vừa đi xuống dưới núi, lần này ông dẫn theo mấy thanh niên trai tráng trong làng. Tam Quỷ vốn muốn tỏ ý đi theo nhưng lại sợ ông Thập từ chối nên đành ôm nỗi buồn bực ở nhà.
Ông Thập bày ra giữa nhà một ít thịt lợn rừng, thêm vài vò rượu. Mấy người đàn ông ngồi uống rượu trong im lặng. Một lúc sau ông Thập mới mở lời:
“Cụ và bác Tam thấy cuộc sống ở đây thế nào?”
Tam Quỷ thở dài:
“Đúng thực là tốt nhưng khung cảnh hơi buồn!”
Ông Thập biết Tam Quỷ sẽ nói điều này nên chỉ cười không đáp. Lão ăn mày què trầm ngâm:
“Cả đời tôi sống lang bạt khắp nơi. Coi như đến đây cũng có một mái nhà, còn đòi hỏi gì hơn nữa?”
Tiếng củi cháy tí tách tỏa ra mùi khói thơm thơm, bầu không khí giống hệt như ngày mà ba người lần đầu nói chuyện sau khi vợ Tam Quỷ chết. Độ chừng một tuần hương sau, ông Thập mới lên tiếng:
“Việc bác Tam thấy mẹ con thằng Đậu hôm nay. Mười phần thì có đến chín phần là sự thật. Làng tôi xưa nay vốn dĩ lạnh căm căm, người chết để trong nhà mấy ngày cũng chẳng có mùi hôi thối. Vậy thì lấy đâu ra giòi bọ?”
Lão ăn mày què im lặng không nói gì. Nỗi nghi hoặc đã vơi bớt trong lòng Tam Quỷ bỗng chốc trào lên, gã gật gù:
“Chính phải! Thứ mà tôi thấy không giống như bóng ma âm u như người ta vẫn kể. Hai mẹ con họ xuất hiện trước mắt tôi như là… như là… xác chết biết đi vậy.”
Gã dốc cạn chén rượu trong tay, rồi như sực nhớ ra điều gì gã quay sang hỏi lão ăn mày què:
“Hay là có ai gọi hồn mẹ con họ, rồi sai khiến xác mẹ con họ dựng dậy bước đi?”
Ông Thập sững người, lẽ nào lại có chuyện kì quái đến thế. Từ trước đến nay ông vốn chỉ nghe thấy người chết khi chưa nhập quan, nếu có con mèo nhảy qua sẽ dựng dậy, chứ chưa bao giờ nghe thấy thi thể chết đã lâu mà lại có thể bước đi như người còn sống. Lão ăn mày què nghe thấy Tam Quỷ băn khoăn liền đáp:
“Tôi hiểu ý cậu Tam. Hẳn là cậu đang nói đến tập tục chiêu hồn để xác chết sống lại. Thú thực với cậu, tục này tôi cũng có nghe qua.”
Thấy ông Thập và Tam Quỷ chăm chú lắng nghe mình, lão ăn mày què khẽ họ vài tiếng rồi giảng giải:
“Khi còn nhỏ sống bên cạnh cha nuôi, ông cũng từng nói cho tôi nghe về điều này. Ở vài vùng núi ở Trung Nguyên, đúng là có thuật chiêu hồn để đưa tử thi những người chết đất khách quê người về quê hương. Nhiều vùng ở mạn Hồ Nam bên Tàu còn gọi tục này là đuổi xác, hoặc cõng xác.”
Lão ăn mày khẽ vuốt chòm râu bạc rồi lặng lẽ kể tiếp:
“Tục gọi hồn này thường được nhiều gia đình có con cái chết nơi chiến trường sử dụng, những mong đem thi hài con cái về đoàn tụ với gia đình. Kì thực tất cả những chuyện này, chỉ là trò bịp bợm của lũ thầy pháp giả mạo dựng lên mà thôi.”
Lão vừa vất vài mẩu gỗ vào bếp lửa, vừa nói:
“Cách thức để làm tục đuổi xác này cũng không có gì khó khăn cả. Đầu tiên người ta sẽ tắm rữa sạch sẽ cho xác chết, sau đó lấy dao mổ bụng, lôi hết lục phủ ngũ tạng bỏ đi. Lại đem ngâm thi thể với nước thuốc để tránh thối rữa. Việc tiếp theo chỉ là một người cõng xác chết trên lưng, trùm lên toàn thân người cũng một tấm áo liệm rồi dán một lá bùa phía trước. Một người khác đi đằng trước vừa lắc chuông nhiếp hồn, vừa vung tiền giấy, khi nào đi thẳng đến nhà người chết mới thôi. Nếu có quá nhiều xác chết thì bọn chúng sẽ dùng dây thép xiên qua xương quai quai xanh của mấy cái xác, rồi râu thành từng chuỗi. Ruột gan xác chết đã bị mọi đi hết rồi, trọng lượng cũng nhẹ đi. Thế là chỉ cần hai người khỏe mạnh khiêng là đủ. Tục này vốn dĩ bắt nguồn từ tộc Mãn Châu, nhưng kì thực chỉ là việc do con người dựng lên cả.”
Nghe lão ăn mày què giảng giải mà ông Thập thấy lạnh cả người. Đúng là trên đời loại người kiếm ăn trên xác người chết không thiếu. Tam Quỷ hoàn toàn bị thuyết phục bởi câu chuyện, hắn gật gù:
“Đích thực là ông lão đây nhìn thấu mánh khóe của bè lũ lừa đảo. Thế nhưng sao ông biết điều này?”
Lão ăn mày què cười khà khà:
“Cha nuôi của tôi vốn tinh thông y thuật, lại ham thích nghiên cứu tâm linh, giỏi tiếng Hán. Chính ông đã kể cho tôi nghe.”
Ông Thập trau mày:
“Vậy nói như cụ, hẳn là chuyện xác mẹ con thằng Đậu sống dậy bước ra khỏi quan tài không phải là chuyện lừa bịp. Nếu thế thì ai đã làm và làm bằng cách nào cơ chứ?”
Lão ăn mày què nghiêm giọng:
“Tôi cũng đương suy nghĩ đến vấn đề này. Nếu đúng có kẻ làm được điều đó thì quả thực tôi cũng muốn gặp hắn một lần.”
Lão ăn mày què khẽ nhíu mày nhìn ông Thập. Ông Thập hiểu rằng lão vẫn muốn truy đến cùng nguyên do khiến làng xảy ra nhiều chuyện quái dị đến thế. Chỉ e rằng giờ tiết lộ cho lão nghe chẳng mang lại tích sự gì, lại khiến cho lão và Tam Quỷ sinh lòng lo sợ với dân làng. Việc này vạn phần bất lợi. Ông Thập ngẫm nghĩ một hồi lâu, thế nhưng cũng chẳng thể gợi thêm chuyện gì để nói. Đúng lúc ấy, một tia sáng lóe lên trong đầu ông khiến ông nhớ ra một việc mà ông đã bỏ quên từ bấy lâu nay. Ông quay sang Tam Quỷ hỏi dồn:
“Bác Tam này! Bác nghe chuyện bình rượu sọ người rồi. Đích thực là Tứ cháo lòng đã ngâm thứ rượu đó. Bác ở bên cạnh nhà hắn đã từng thấy hũ rượu đó chưa?”
Tam Quỷ ngẩn người, sau cùng gã cười hềnh hệch, nét mặt nhăn nhúm khó coi:
“Nào tôi đã thấy thứ ấy bao giờ. Nếu mà có được thứ rượu ấy, tôi sẽ gọi hồn con vợ lăng loàn lên mà giết một lần nữa cho hả dạ.”
Gã gãi đầu gãi tai như muốn lục lại trong kí ức của mình, đoạn lại nói:
“Tứ cháo lòng khi còn sống là một kẻ kì quái. Hắn chỉ biết giết lợn làm vui, lại còn thu thập máu của nhiều loài động vật nữa. Trong nhà hắn lúc nào chẳng phảng phất một mùi tanh nồng nặc. Thứ quái gở ấy tôi chẳng muốn nói chuyện, cũng chẳng muốn lại gần.”
Lão ăn mày què chờ cho Tam Quỷ nói xong, mới nhấp chén rượu rồi khẽ giọng:
“Lần ông Thập đây đến tìm tôi, lúc đó chính mắt ông thấy tôi đi từ nhà Tứ cháo lòng đi ra. Thực ra bản thân tôi cũng muốn tìm thứ rượu chỉ tồn tại trong truyền thuyết ấy. Thế nhưng vào nhà gã chẳng có gì, ra khu vườn đằng sau thì tôi chỉ thấy vài bình gốm vất lăn lóc. Trong số bình gốm ấy đích thực có một chiếc vò của làng Phù Lãng chuyên dùng ngâm rượu bị vùi trong một đống rơm. Ấy thế nhưng khi tôi thò tay vào kiểm chứng thì chiếc bình rỗng tuếch, bên trong khô ráo, đến một mảnh sọ người cũng chẳng có. Nếu đó là bình rượu sọ người thì hẳn ai đó đã lấy hết rượu, rồi đem giấu đi.”
Tam Quỷ giật mình, gã hoảng sợ:
“Liệu ai lấy đi được cơ chứ?”
Lão ăn mày què lắc đầu:
“Chuyện ấy thì chỉ có trời mới biết được!”
Mọi suy đoán của ba người đi vào ngõ cụt. Trời ngả về khuya, bầy đom đóm lại bay ra tạo thành vô số những đốm sáng lập lòe ma quái. Ông Thập đành phải ngủ lại căn nhà cùng với lão ăn mày và Tam Quỷ. Một mình nằm cạnh đống lửa ấm áp, ông vắt tay lên trán suy nghĩ mông lung. Sự việc trong làng ngày càng rắc rối, mọi thứ dường như có liên quan đến nhau nhưng ông chẳng thể nào xâu chuỗi chúng lại để tìm đến một đáp án cuối cùng. Giá như ông có bình rượu sọ người, ông có thể gọi hồn cô Hạch, gọi hồn ông Võ Tòng để hỏi về người đã sát hại họ chết thảm. Ông nằm trằn trọc cho đến nửa đêm, đầu óc ông vô vàn tia suy nghĩ khiến tâm trí ông trĩu nặng. Một cơn gió nhè nhẹ thổi vào cửa, ông ngủ thiếp đi. Một giấc mơ bỗng dưng ập đến.
Ông Thập lặng lẽ đi trên con đường làng quen thuộc. Ông cố lắng nghe tiếng chim hót trên tán cây, tiếng chó sủa hay tiếng người làng gọi nhưng í ới nhưng chẳng thấy gì. Cảnh vật xung quanh vắng vẻ đến rợn người. Bất chợt ông nghe thấy tiếng chuông kêu leng keng ở đâu đó.
Ông nghe kỹ thì tiếng chuông phát ra từ phía trước mặt ông. Thế nhưng ông chẳng thấy gì, chỉ thấy một màn sương muối trắng nhờ nhờ. Ông đánh bạo đi theo tiếng chuông. Âm thanh leng keng vang lên càng lúc càng gần. Đúng lúc đó, ông nhìn thấy có thứ gì đó đang di chuyển về phía trước.
Ông khua khoáng bàn tay để xua tan lớp sương mù. Giây phút đó ông lặng người đi khi nhìn thấy mẹ con thằng Đậu bước đi lững thững, trước mặt hai người đó là một bầy trẻ con xếp thành hàng bay là là trên mặt đất. Mặt đứa nào đứa nấy trắng bạch như sáp, môi thâm xì như thể bị chết đuối đã lâu. Chúng không bước đi, mà bàn chân chúng cách mặt đất tầm nửa phân. Ông Thập nhận ra ngay đó là mấy đứa trẻ con làng ông, đứa lớn nhất đi đầu là con nhà ông đồ Lam. Bọn chúng không khóc lóc hay nói chuyện, chỉ nhìn trân trân về phía trước.
Ông Thập dụi mắt để nhìn cho rõ. Màn sương bị gió thổi bay tản ra, ông Thập mơ hồ cảm nhận có thứ gì đó đương đi trước mặt lũ trẻ con. Thứ ấy không phải là người, cũng không phải là thú. Thứ ấy mặc một chiếc áo màu đỏ, chỉ dài bằng cánh tay người lớn, vừa đi vừa lúc lắc người trên tay còn cầm chiếc chuông nhỏ. Ông cố gắng chạy băng qua lũ trẻ con để xem xem thứ quái quỷ gì đang điều khiển bọn trẻ con như vậy. Ông càng chạy thì thứ mặc áo màu đỏ ấy lại lắc chuông mạnh hơn, lũ trẻ càng lúc càng bỏ xa ông.
Ông Thập bực mình liền nhảy lên bờ tường đá ngoài đường mà nhìn cho rõ. Thế rồi ông chợt lặng người đi khi nhận ra, thứ áo đỏ dẫn đầu bầy trẻ con ấy là một hình nhân thế mạng bằng giấy.
Gương mặt con hình nhân này khiến cho ông cảm thấy bàng hoàng. Hai mắt nó đỏ lòm như máu, cổ nó đeo một con rắn giống như một chiếc vòng. Ai đó vẽ nụ cười trên mặt nó tựa như đang mếu máo. Một tay nó lắc chiếc chuông, tay còn lại nó dang ra trông hết sức kì quái. Hai mẹ con thằng Đậu lững thững bước đi cuối hàng, trên thân mỗi người vẫn còn nguyên đám giòi bọ.
Ông Thập bụm miệng để ngăn không phát ra tiếng kêu hãi hùng. Hình nhân thế mạng bỗng khựng lại, nó phát hiện ra có kẻ nào đang rình trộm nó. Nó quay cái đầu lại nhìn ông Thập rồi cười khe khé.
Ông giật mình tỉnh giấc, thì ra ông vừa có một cơn ác mộng. Có điều chính bản thân ông cũng không biết, cơn ác mộng đó đã trở thành sự thực.