Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 11

HỒI THỨ MƯỜI

HÌNH NHÂN THẾ MẠNG

Ông Thập choàng tỉnh giấc, nhận ra mình vẫn đương nằm trong nhà mẹ con thằng Đậu. Bếp than sưởi ấm đặt giữa nhà đã tắt ngóm từ lúc nào, trời bên ngoài vẫn nhá nhem tối. Ông khế thắp ngọn nến trên bàn rồi nheo mắt nhìn xung quanh. Trong gian nhà lạnh lẽo, chỉ có một mình ông, hai người còn lại đều đã biến mất. Ông vội bước ra cửa để tìm lão ăn mày què và Tam Quỷ. Từ khi đưa họ về làng có quá nhiều chuyện xảy đến khiến cho ông quên bẵng chuyện dặn họ không được phép ra khỏi nhà vào ban đêm, nhất là khi bầy đom đóm còn bay lảng vảng. Trời còn chưa sáng, hai người họ một già một trẻ liệu có thể đi đâu? Ông toan chạy đi tìm thì thấy Tam Quỷ mặt mày trắng bệch, đi tập tễnh từ phía góc vườn phía sau nhà thằng Đậu. Lão ăn mày què lết bên cạnh, hơi thở lão khò khè xem chừng có vẻ mệt mỏi lắm. Ông Thập chờ hai người họ đi lại gần rồi mới hỏi:

“Nửa đêm nửa hôm thế này cụ và bác Tam còn đi đâu?”

Lão ăn mày què lắc đầu:

“Nửa đêm tỉnh dậy không thấy cậu Tam đâu, tôi sợ là cậu ấy đi đâu trúng gió thì khổ. Thế là tôi lết ra hiên nhà tìm nhưng không thấy, mãi đến khi vòng ra khu vườn phía sau thì thấy cậu Tam đang nằm bất tỉnh nhân sự dưới đất. Tôi lay mãi mới tỉnh .”

Ông Thập quay sang nhìn Tam Quỷ, quả thật mặt gã trắng bệch như xác chết trôi. Gã chỉ đờ đẫn gật đầu với ông Thập rồi vào bước vào nhà. Ông Thập đi theo sau, đúng lúc đó ông nhìn thấy trong góc nhà có hai con hình nhân thế mạng. Ông giật mình thốt lên một tiếng kêu khe khẽ. Tam Quỷ lúc này đương xì xụp uống ngụm trà nóng, nghe tiếng ông Thập liền ngẩng lên ngơ ngác hỏi:

“Sao thế bác?”

Ông Thập trân trân nhìn hai con hình nhân, một con mặc áo xanh, một con mặc áo đỏ. Cả hai đứng lẩn khuất trong bóng tối, gương mặt làm bằng giấy trắng tinh của chúng được ánh sáng từ cây đèn cầy chiếu vào càng thêm phần ma quái. Ông Thập run run hỏi:

“Sao… sao trong nhà lại có hình nhân thế mạng thế này?”

Lão ăn mày què trả lời:

“À! Sáng hôm qua tôi với cậu Tam đi chào bà con làng xóm. Đi đến cuối làng thì vào nhà ông thầy đồ, định là hỏi thăm nhưng chẳng gặp ông ấy. Vợ ông đồ biểu tôi và cậu Tam hai con hình nhân thế mạng. Nghe nói là sau tết làng sẽ có lễ cúng hình nhân, thành ra….”

Lão ăn mày què chưa nói dứt câu thì ông Thập đã gật gù tỏ ý đã hiểu. Giấc mơ vừa nãy còn hiện hữu trong đầu khiến ông nảy sinh cảm giác rờn rợn khi nhìn những con hình nhân vô tri vô giác. Khi ông vừa quay đi thì thấy con hình nhân mặc áo đỏ như vừa hé miệng cười. Ông Thập giật mình nhìn lại con hình nhân thì thấy gương mặt nó vẫn vô hồn như trước. Ông khẽ lắc nhẹ đầu, trong lòng tự nhủ rằng chắc mình mệt mỏi quá nên nhìn nhầm. Ở cái làng này từ bé đến lớn, biết bao nhiêu chuyện ma quái xung quanh thì hà tất phải sợ thứ hình nhân thế mạng vô tri?! Hơn thế nữa, thứ hình nhân này chỉ cần đốt bằng mồi lửa là xong chuyện, sao có thể làm hại người. Ấy thế mà ông Thập đã nhầm..

Cô Chiêm giật mình thức giấc khi trời còn rất tối, có lẽ lúc này là nửa đêm về sáng. Nằm trên chiếc giường cũ kỹ, cô khẽ ngước mắt nhìn qua khe cửa sổ. Người ta vẫn gọi tháng Chạp là tháng củ mật, có lẽ vì tháng này trăng sao đều rất hiếm hoi, đêm tối mù mịt khiến lũ đạo tặc hoành hành. Mặc dù chẳng lo trộm đạo, nhưng người làng Địa Ngục lúc nào cũng treo hai chiếc đèn lồng trước cổng, tỏa ra ánh sáng mờ mờ. Mấy ngày nay cô Chiêm chẳng hề ra ngoài, thậm chí khi nghe tin ông Võ Tòng bị nướng chín, rồi ông trưởng làng dẫn về hai người lạ mặt cô cũng chẳng buồn để ý. Cái chết của người bạn thân nhất khiến cho lòng cô nặng trĩu. ta đồn đại xác chết

Dạo này trong làng người của mẹ con thằng Đậu sống lại, bước ra khỏi quan tài rồi trốn mất. Có người bảo hai mẹ con họ trốn vào rừng rình bắt người để ăn thịt. Thế nhưng cậu Đức anh trai cô thì cam đoan rằng, thi hài của mẹ con nhà ấy vẫn đang lẩn khuất đâu đó trong làng, chờ thời cơ làm việc ác. Người làng từ trước đến nay vốn đã sợ bầy đom đóm câu hồn, nay lại có thêm thi thể sống dậy nên càng sợ hãi, chẳng có ai dám ra ngoài khi chạng vạng tối.

Đêm 28, rạng sáng hai mươi chín tháng Chạp, gần đến đêm giao thừa rồi mà không khí trong làng vẫn tràn ngập nỗi hoang mang lo sợ. Cô Chiêm khẽ co mình trong chiếc chăn để trốn cái rét. Một lúc nữa là cô sẽ trở dậy, ngâm gạo, hấp đậu xanh rồi gói bánh. Mấy bó lá dong, lạt tre được cậu Đức chuẩn bị từ hôm qua xếp cẩn thận trên cái chõng tre bên trong nhà. Cô khẽ thở dài ngao ngán. Mọi năm thì giờ này nhà nhà đã gói xong bánh chưng, ấy thế mà năm nay xảy ra quá nhiều việc nên việc chuẩn bị cũng chậm trễ hơn bình thường. Cô nhớ ngày cô còn bé, tết năm nào cũng thật vui, cô sẽ cùng cậu Đức, cô Hạch rồi cả thằng Vẹt bày đủ trò chơi, đến khi nào đói bụng thì về nhà ăn bánh chưng, rồi uống trộm chén rượu ngô thơm lừng của thầy u. Thoắt một cái đã trải qua mấy năm, mọi người thân bên cạnh cô giờ chẳng còn mấy ai. Khung cảnh yên bình của làng Địa Ngục dường như đã biến mất, người ta chỉ thấy một màu sắc ảm đạm u ám bao trùm.

Cô Chiêm đương nằm suy nghĩ mông lung, bất chợt nghe thấy có tiếng động từ xa xa vọng lại. Cô nhổm người lên để nghe cho rõ, thì phát hiện ra đó là tiếng chuông rung rung.

“Lạ thật, ai lại rung chuông vào đêm hôm khuya khoắt thế này?”

Vừa nghĩ bụng, cô vừa đẩy cánh cửa sổ ra để nhìn cho rõ.

Cửa sổ nơi cô nằm trông ra thẳng hàng rào bằng đá thấp lè tè, nhìn thấy rõ con đường chính của làng. Ngoài đường vắng tanh không một bóng người, ngay cả một tiếng mèo kêu cũng không có. Cô thở phào cho rằng bản thân mình nghe nhầm. Đúng lúc cô vừa quay đi thì tiếng chuông bất chợt lại vang lên rõ ràng hơn lần trước. Cô Chiêm giật mình nhìn lại. Trước mắt cô là một hình thù lắc lư, vừa bay là là trên mặt đất vừa rung chuông, hai tay xòe ra mặt đất. Cô khẽ dụi mắt để nhìn cho rõ thì nhận ra rằng, thứ bay là là ấy là một hình nhân thế mạng. Đằng sau lưng của hình nhân quái dị ấy là một bầy trẻ con xếp thành hàng đi lặng lẽ. Cô sững người không nói lên lời, một cảm giác ớn lạnh bủa vây, cô hoang mang thầm nghĩ:

“Cái gì thế này? Lũ trẻ con trong làng đi đâu đây?”

Trời vẫn còn tối nên cô chẳng nhìn rõ mặt đứa nào, nhưng đứa lớn nhất đi đằng trước thì chắc có lẽ là con bé con nhà ông đồ Lam. Bọn chúng đi nhanh lắm, chẳng nghe thấy đứa nào nói chuyện cả, chỉ lặng lẽ đi theo tiếng chuông leng keng phía trước. Bất chợt cô nhìn thấy cuối hàng thấp thoáng hai người lớn đi thất thểu phía sau. Cô Chiêm ngây người trước cảnh tượng quái dị đang diễn ra trước mắt. Giây phút hai bóng người cao cao đi qua đèn lồng trước cửa nhà cô, một người bỗng nhiên hướng mắt nhìn về phía cửa sổ nơi cô ngồi.

Cô Chiêm bụm miệng, ngăn không hét thành tiếng. Ánh sáng tờ mờ từ chiếc đèn lồng phản chiếu lên khiến cô nhận ra người đó là thằng Đậu.

Tim cô dường như đứng lại trong tích tắc, cô lắp bắp:

“Thằng… thằng Đậu! Sao … sao nó lại ở đây?”

Hình như thằng Đậu không nhận ra có người đang dõi theo, nó lại chầm chậm đi về phía trước. Một con gà trống từ đâu cất tiếng gáy vang trời, tiếng chuông leng keng đang vang lên bỗng dưng im bặt. Linh cảm có điều gì đó chẳng lành, cô Chiêm vùng dậy mở cửa chạy ra phía trước nghe ngóng. Con đường làng lại vắng vẻ như lúc trước. Chẳng thấy đứa trẻ con nào, càng không thấy bóng dáng thằng Đậu ở đâu. Cô Chiêm biết chắc chắn là mình không hề nằm mơ, lúc nhìn thấy cảnh tượng ấy cô hoàn toàn tỉnh táo. Chẳng lẽ là cô lại nhìn thấy ma? Kể ra thì cũng không có gì lạ, bởi vì từ ngày mẹ mất cô Chiêm phát hiện mình có thể nhìn thấy những âm hồn lang thang trong làng. Có người cô quen biết, cũng có người lạ mà cô chưa gặp bao giờ. Thế nhưng tất thảy đều chỉ là hồn phách của những người đã chết. Có lẽ khung cảnh vừa rồi chỉ là hồn ma bóng quế lai vãng đâu đây. Nhất là thằng Đậu, nó đã chết cùng với mẹ nó cơ mà.

Bầu trời bắt đầu hửng sáng, không gian ma quái của làng Địa Ngục vào ban đêm nhường chỗ cho sự âm u, ảm đạm của ban ngày. Cô Chiêm khẽ thở dài, dù gì thì hôm nay cũng bắt đầu gói bánh chưng, chẳng còn thời gian để mà suy nghĩ vẩn vơ nữa. Nghĩ vậy nên cô trở vào nhà, chẳng để tâm đến chuyện vừa xảy ra, cô tự thuyết phục mình bằng lý do bản thân mệt mỏi nên nhìn nhầm.

Ấy vậy mà cô không ngờ mọi thứ đều là sự thật, và trong làng cũng có một người nhìn thấy cảnh tượng đó như cô. Giờ thìn hôm đó, làng Địa Ngục xảy ra họa lớn.

Làng Địa Ngục vốn ít nhân khẩu, dù đã định cư ở nơi rừng thiêng nước độc này mấy chục năm nhưng số lượng người cũng chẳng tăng lên là bao. Nhiều người già trong làng vẫn thở dài, có lẽ sinh sống ở nơi có nhiều âm khí, lại hoang vu hẻo lánh cho nên việc sinh con đẻ cái cũng phần nào ảnh hưởng. Bằng như người làng mà ở dưới vùng đồng bằng thì có khi giờ đã trở thành một ngôi làng với hàng nghìn nhân khẩu. Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, tàn dư của băng cướp khi xưa chạy trốn cứ như đã hóa thành nửa người nửa quỷ. Chẳng hiểu vì duyên cớ gì mà tóc của họ biến thành màu trắng như cước, kể cả những đứa trẻ con còn đang ẵm ngửa trên tay. Dân trong kinh thành nhìn thấy một lũ người lạ ăn mặc rách rưới, gầy gò đến độ chỉ còn da bọc xương, lại thêm mái tóc bạc trắng càng thêm phần ma quái, bèn ra sức đuổi đi. Cho đến tận bây giờ, nhiều người chẳng hiểu sao mái tóc đen bỗng bạc trắng như thế. Mặc dù dân làng đã thử đủ mọi thứ thuốc, cúng khấn linh đình nhưng không hề khiến tóc đen lại quá một đêm.

Có lẽ vì người trong làng hiếm hoi, lại cùng kiếp sống chui lủi cho nên người làng đoàn kết một lòng. Những chuyện trọng đại như cưới hỏi, ma chay, lễ tết đều được dân làng cùng nhau thực hiện. Làng Địa Ngục có cái lệ, cứ vào khoảng 25 – 28 tết là mọi người sẽ cùng nhau quây quần nấu bánh chưng. Người ta chuẩn bị ba chiếc nồi thật lớn, kê trên mấy phiến đá bằng phẳng, rồi nhóm lửa luộc trong sáu canh giờ, sau đó mới vớt bánh ra. Sáng sớm hôm ấy, người làng đã tề tựu xung quanh vạt đất trống đầu làng để cùng nhau gói bánh.

Đa phần người gói đều là đàn ông, chỉ có lác đác vài người phụ nữ đứng tuổi lau lá dong, thái thịt. Ông đồ Lam ngồi một chỗ để chẻ lạt tre, riêng cô Chiêm thì bận rộn ngâm gạo nếp. Họ vừa làm vừa nói chuyện rôm rả, bầu không khí cũng vì thế thế mà bớt ảm đạm hơn.

Đám người chuẩn bị tất bật từ sáng sớm, đến cuối giờ thìn vẫn chưa xong. Mọi người đương chuẩn bị thì thị Lam hớt hơ hớt hải chạy đến tìm chồng. Vừa nhìn thấy chồng, thị òa lên khóc:

“Thầy nó ơi! Thầy nó ơi xảy ra chuyện lớn rồi!”

Mọi người nhất tề im lặng, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía thị Lam. Ông đồ Lam ngạc nhiên hỏi lại:

“Chuyện gì? Có chuyện gì?”

Thị Lam vừa khóc, vừa nghẹn ngào không nói lên lời. Ông đồ vừa ngạc nhiên, vừa lo sợ bèn hỏi dồn:

“Có chuyện gì thì u mày nói nhanh lên!”

Thị Lam nức nở:

“Mấy đứa con mình nó làm sao ấy. Cứ nhắm mắt im lìm, tôi gọi mãi mà không dậy!”

Mọi người nhìn nhau hoảng sợ, sao lại có chuyện kỳ lạ như thế xảy ra. Ông đồ Lam không nói không rằng, vất đống lạt tre ở lại chạy một mạch xuống cuối làng. Thị Lam hấp tấp chạy theo chồng, vừa chạy thị vừa lau nước mắt rơi lã chã. Vài người làng hiếu kì bèn rủ nhau về nhà ông đồ Lam để hóng chuyện, có người còn chạy đến nhà ông Thập báo tin. Ông Thập lúc này vừa mới trở về từ nhà thằng Đậu, còn đương lầm rầm khấn vái trước bàn thờ. Nghe người làng nói trẻ con nhà ông đồ Lam có chuyện, ông Thập giật mình vội vã đi ngay. Vừa mới đến trước cổng, ông đã nghe thấy tiếng khóc của thị Lam từ trong nhà vọng ra. Bước vào trong thì thấy vợ chồng thị Lam đang ôm mấy đứa con mà gào khóc, mấy người làng đứng xung quanh, ai nấy đều lộ rõ vẻ hoang mang, lo sợ. Bốn đứa con của vợ chồng thị nằm im trên giường, đôi mắt nhắm nghiền, làn da xanh xao nhợt nhạt. Ông Thập tiến lại gần cúi xuống nhìn cho rõ, phát hiện chúng vẫn thở nhè nhẹ, chứng tỏ chưa chết.

Điều quái lạ là tại sao chúng nó lại nằm im bất động như thế? Ông khẽ nâng khuỷu tay của đứa nhỏ nhất lên, cánh tay mềm oặt không hề có sức lực nhưng thân thể vẫn ấm như bình thường. Thế rồi ông thầm cân nhắc trong đầu, chuyện này sao mà quái dị đến thế, lũ trẻ con vẫn sống sờ sờ ra mà gọi thế nào cũng không dậy. Cứ như thể chẳng còn hồn vía.

Đương lúc ông Thập đang suy tính thì cụ Khảm bước vào. Trông thấy cụ Khảm, thị Lam như người chết vớ được cọc, bèn rối rít van xin:

“Con lạy cụ! Cụ cứu con con với. Chẳng hiểu chúng nó mắc bệnh gì mà cứ nằm im thế này! Hu hu hu”

Cụ Khảm không nói không rằng tiến đến bắt mạch. Cụ khẽ chạm vào cổ tay của từng đứa, rồi lại vạch mí mắt của chúng lên. Phải tới một tuần hương sau, cụ mới khẽ nói với vợ chồng thị Lam:

“Chúng không có bệnh gì cả! Cũng không phải trúng gió đâu. Mọi thứ hoàn toàn bình thường, nếu tôi đoán không nhầm thì…”

Ông Thập nín thở lắng nghe. Thị Lam càng hốt hoảng:

“Điều gì hả cụ? Con… con của con bị làm sao?”

Cụ Khảm khẽ thở dài, cụ thoáng nhìn mọi người xung quanh như thể cân nhắc, thế rồi cụ trầm giọng:

“Nếu tôi đoán không nhầm thì mấy đứa nhỏ bị bắt mất hồn phách rồi!”

Lời cụ Khảm nói ra chẳng khác nào sét đánh ngang tai. Ông Thập và người làng ai nấy đều bàng hoàng, ngay cả đến thị Lam cũng quên cả khóc. Ông đồ Lam run rẩy nhìn con rồi ngước mắt hỏi cụ Khảm:

“Cụ… cụ nói thế là sao? Chẳng phải.. chẳng phải bị mất hồn phách là sẽ chết hay sao? Nhưng mà.. con của con vẫn đang sống đấy thôi!”

Cụ Khảm khẽ lắc đầu:

“Chuyện này khó mà giải thích rõ ràng được. Gần đây trong làng nhiều người chết thảm, hồn phách trẻ con vẫn chưa vững vàng như người lớn, có khi bị tà ma dẫn hồn đi đâu mất.”

Đoạn ông cụ lại nhìn mấy đứa trẻ con rồi nói rành rọt:

“Nếu đúng là hồn vía bị dẫn dụ đi đâu thì dù không ốm cũng khó lòng tỉnh lại!”

Mọi người thất kinh, cảm giác rúng động tràn ngập trong lòng họ. Tại sao tai họa lại liên tiếp giáng xuống đầu cả làng thế này. Thị Lam nghe cụ Khảm nói mà run rẩy cả người, thị quàng tay ôm mất đứa con bé bỏng nghẹn ngào:

“Tỉnh lại với u đi các con ơi! Hu hu hu hu!”

Đúng lúc đó, anh mõ chạy đến tìm ông Thập. Vừa nhìn thấy ông, anh mõ lắp bắp không nói lên lời:

“Bẩm ông! Có… CÓ…”

Ông Thập còn ngây người trước cảnh tượng thương tâm nhà thị Lam, bất chợt nghe thấy tiếng anh mõ, ông giật mình sẵng giọng:

“Làm sao!? Có chuyện gì nói mau!”

Anh mõ đứng ở giữa sân nhà thị Lam, run run chỉ tay về con đường làng phía trước, thở hổn hen:

“Đám … đám trẻ con trong làng, đứa nào cũng bất tỉnh rồi ông ơi!”

Ông Thập bàng hoàng. Gương mặt ông trắng bệch không còn một giọt máu nào. Ông vội vã bước ra khỏi cửa, miệng không ngừng lẩm bẩm:

“Sao lại như thế? Sao lại xảy ra chuyện như thế này?!”

Khắp làng vang lên tiếng khóc não nề, trau mày suy nghĩ, liệu có khi nào nguyên nhân không phải từ bầy đom đóm, mà là một thứ tà ma quỷ thuật khác đến từ đâu đó?!

Những người mẹ ôm con trong lòng mà khóc nấc lên. Mấy người đàn ông lớn tuổi thì bình tĩnh hơn, họ tụ họp cùng với ông Thập để bàn bạc suy tính. Ai cũng lấy làm quái lạ, ví thử như chỉ có một hai đứa bất tỉnh nhân sự gọi mãi không dậy đã đành, đằng này tất cả trẻ con trong làng đều chung tình trạng như thế. Làng Địa Ngục định cư ở nơi rừng núi hoang vu, tà khí dày đặc khiến trẻ con bị ma giấu, ma dắt mất hồn cũng là chuyện dễ hiểu. Ấy thế mà làm sao có thể dẫn hồn của gần hai mươi đứa trẻ cùng một lúc?! Lại nói, trong làng ban đêm có bầy đom đóm câu hồn, thế nhưng kì thực thứ đom đóm ấy có thể câu hồn được hay không thì nào đã có ai kiểm chứng. Người đời trước sợ hãi nên lúc nào cũng dặn con cháu không được ra bên ngoài vào ban đêm. Đám đàn ông cứng bóng vía có thể không sợ, nhưng lũ trẻ con nhất định không dám rời nhà nửa bước, làm sao có thể bị câu hồn? Từng giả thiết được đưa ra, nhưng cũng bị gạt bỏ rất nhanh. Ông Thập trau mày suy nghĩ, liệu có khi nào nguyên nhân không phải từ bầy đom đóm, mà là một thứ tà ma quỷ thuật khác từ đâu đó?!

Cô Hạch chết thảm bị cá chép rỉa đến tận xương, ông Võ Tòng bị nướng như một khúc thịt khổng lồ bên bếp lửa, rồi đến việc thi thể mẹ con thằng Đậu biến mất một cách đáng ngờ. Tất cả những sự việc ấy còn chưa có một lời giải thích thỏa đáng, nay lại thêm chuyện đám trẻ trong làng hôn mê bất tỉnh khiến cho sự tình càng thêm rắc rối. Nếu như chỉ có một hai người chết thì người làng có sợ nhưng cũng chưa đến mức khủng hoảng như thế này. Ông Thập suy tính nhanh trong đầu, quyết định họp toàn bộ dân làng lại để đưa ra kế sách ứng phó, tránh hậu họa về sau.

Nghĩ là làm, ông gọi anh mõ đến dặn dò vài câu rồi tự mình đi bộ đến nơi dân làng đang gói bánh chưng trước đó để chờ đợi. Thị Thập vợ ông đi theo, thị im lặng không nói năng câu gì, có lẽ chính thị cũng đang cảm thấy đau lòng như những người mẹ có con bất tỉnh. Mặc dù thị chưa làm mẹ, nhưng cùng là tâm trạng của phụ nữ, ai lại không xót xa khi nhìn thấy con mình không thể tỉnh lại cơ chứ?!

Nơi gói bánh chưng ngổn ngang gạo nếp, thịt lợn, lá giong nhưng tuyệt nhiên không thấy một bóng người, khác hẳn với sự ồn ào náo nhiệt lúc trước. Ông Thập thở dài, không cần hỏi ông cũng biết rằng người làng đã bỏ lại công việc dang dở vì quái sự ập đến bất ngờ cho lũ trẻ.

Hình ảnh cơn ác mộng đêm qua lại ùa về trong tâm trí ông. Rõ ràng ông nhìn thấy đám trẻ con trong làng xếp hàng dài lặng lẽ đi theo một con hình nhân thế mạng. Thậm chí ông còn nhớ như in rằng thứ hình nhân ấy mặc chiếc áo màu đỏ tươi bằng giấy, nhìn thấy ông rồi cười khành khạch. Cuối hàng là hai mẹ con thằng Đậu người đầy giòi bọ tập tễnh bước phía sau. Có khi nào chính con hình nhân giấy là thủ phạm gây ra việc này? Ông khẽ cau mày cảm thấy sự việc quá quái gở, hình nhân giấy mà lại biết bay, lại biết cười rồi dẫn hồn vía của trẻ con biến mất hay sao?

Mải suy nghĩ, ông không nhận ra rằng người làng đã đến đông đủ, trừ những người đàn bà còn ở nhà trông con, ngay cả lão ăn mày què và Tam Quỷ cũng góp mặt. Cụ Khảm đứng đầu hàng nhìn ông Thập chờ đợi. Ông Thập thở dài một tiếng não nề rồi cất giọng:

“Thưa các cụ, các ông các bà, cùng toàn thể bà con! Hẳn bà con cũng biết chưa bao giờ làng ta lại có nhiều chuyện quỷ dị đến thế. Đám trẻ con bị bất tỉnh, mười phần thì có đến chín phần là do chúng bị bắt mất hồn vía đi. Thế nhưng, vì sao bị mất hồn vía và làm cách nào có thể xảy ra chuyện đó… thú thực chính tôi cũng không biết.”

Ông Thập vừa nói vừa nhìn mọi người với ánh mắt xót xa. Một vài người bà cụ không kìm được, khóc nấc lên, đám đàn ông nhìn nhau đầy uẩn tình. Cụ Khảm mở lời:

“Vậy bây giờ ông trưởng làng tính sao? Cứ như thế này làng ta sẽ rơi vào thảm cảnh!”

Ông Thập hít một hơi thật sâu, giọng nói cũng trở nên cứng cỏi hơn trước:

“Sự việc đã xảy ra quả thực còn nhiều điều uẩn khúc. Thế nhưng, khi chưa làm rõ ngọn ngành, làng ta không được để xảy ra bất cứ chuyện gì nữa. Trước mắt tập trung đám trẻ con vào một nơi rộng rãi, cắt cử nhiều người thay phiên nhau túc trực, canh gác. Từ giờ không ai được tự ý ra khỏi nhà một mình. Làng ta vẫn tiếp tục chuẩn bị lễ tết, trước là để cúng cho vong linh đã khuất, sau là để cầu xin gia tiên tiền tổ phù hộ cho chúng ta thoát khỏi cơn hoạn nạn này!”

Quả thực ngoài cách mà ông trưởng làng vừa nói, người ta cũng chẳng thể nào tìm cách giải quyết tình thế ổn thỏa hơn. Ông Thập chờ cho mọi người bàn tán xong xuôi mới trầm giọng:

“Làng ta gặp họa liên tiếp, từ chuyện cô Hạch, ông Võ Tòng, xác mẹ con thằng Đậu biến mất, nay lại đến đám trẻ con trong làng. Tôi mạo muội đoán rằng, sự tình chắc chắn chưa dừng lại ở đây. Vậy nên nếu có ai biết sự lạ gì, xin cứ nói với tôi. Cứ như thế này, chỉ e là ….”

Ông Thập bỏ lửng câu nói đưa mắt nhìn mọi người. Đám đông im phăng phắc, ngay cả mấy người đàn bà khi nãy khóc thút thít cũng không dám thở mạnh. Một lúc sau, ông Thập lắc đầu buồn rầu:

“Thôi! Bà con về sửa soạn đi. Mọi việc làng ta đều thống nhất đâu vào đó. Cứ như thế mà làm!”

Dân trong làng lũ lượt rời đi, họ xì xào với nhau nhưng chẳng ai dám nói to, cứ như thể sợ thứ gì đó quỷ dị nghe thấy.

Lúc này chỉ còn vợ chồng ông Thập, cụ Khảm, lão ăn mày què và Tam Quỷ ở lại. Cụ Khảm nhìn quang cảnh xung quanh khẽ lắc đầu:

“Cả đời người sống ở nơi hoang vu hẻo lánh, cứ tưởng rằng sẽ được sống bình an đến cuối đời. Nào ngờ…”

Ông Thập lặng thinh không đáp, vì chính bản thân ông cũng nặng trĩu muộn phiền.

Trưa hôm ấy người làng xếp mấy đứa trẻ con vào gian phải nhà ông Thập. Kì thực cũng chẳng còn chỗ nào rộng rãi hơn. Gian phòng bên phải ông Thập vốn để dành cho mấy đứa con của mình, thế nhưng mãi vẫn chưa có con nên ông đành để trống. Thấy có trẻ con trong nhà, thị Thập sốt sắng lắm, thị cùng mấy người mẹ khác nhóm củi, nấu nước lá thơm lau người cho lũ nhỏ. Trước gian nhà có hai tráng niên canh gác trong tay mỗi người đều có một chiếc rìu đốn củi, bên hông cài hai chiếc liêm câu dài năm tấc, cứ khoảng ba canh giờ lại đổi gác một lần.

Một tốp khác tiếp tục trở lại nơi gói bánh chưng ban đầu, họ tiếp tục lau lá, ướp thịt. Một mình cô Chiêm ngồi lặng lẽ chẻ từng chiếc lạt tre, việc này vốn dĩ của ông đồ Lam nhưng kể từ khi đám con ông bất tỉnh, ông suy sụp hoàn toàn chỉ nằm trên giường bỏ ăn bỏ uống. Cách đó khoảng vài trượng có một đám khác đang mổ lợn, trong đó có bố thằng Vẹt. Từ ngày ông Võ Tòng chết, bố thằng Vẹt trở thành đồ tể tiếp theo của cả làng.

Bầu không khí căng thẳng tràn ngập cả ngôi làng, cứ như thể người làng Địa Ngục đương bước vào một cuộc chiến. Chỉ có điều kẻ thù là ai, phải chiến đấu với thứ gì thì cả làng chẳng ai biết được. Lớp sương mù vẫn trôi bồng bềnh như mọi khi, trên những tán cây xanh rì bầy quạ đen kéo đến cất tiếng kêu nghe rợn người. Mọi thứ chuẩn bị đâu vào đấy, người làng lặng lẽ gói từng chiếc bánh chưng không ai nói với nhau câu nào. Ngay cả Tam Quỷ cũng ra phụ mọi người một tay, chỉ có lão ăn mày què im lặng ngồi một góc quan sát tất cả. Đến cuối giờ Thân thì hơn trăm chiếc bánh chưng cũng được gói xong xuôi. Ông Tư bố cô Hạch sai mấy thanh niên trai tráng khiêng chiếc nồi đất nung đặt giữa hai phiến đá to. Từ đáy nồi đến mặt đất cao khoảng ba gang tay người lớn, người ta nhóm mấy thanh củi to bằng bắp đùi xuống dưới. Hai người thanh niên xếp đống bánh chưng xuống nồi, lớp bánh được xếp chồng lên nhau một cách chắc chắn, phòng khi nước sôi tạo lực đẩy khiến bánh bị vỡ.

Công đoạn luộc bánh cũng thực cầu kì. Người làng đổ nước xâm xấp mặt bánh, rồi cho thêm bó lá nếp khiến cho hương thơm thấm vào từng lớp lá. Bánh được luộc trong năm – sáu canh giờ, khi nồi nước đã sôi người ta bắt đầu giảm lửa, chỉ để liu riu và phải thêm nước liên tục. Chính vì thế mà mỗi lần luộc bánh chưng, là mỗi lần thức thâu đêm chờ trời sáng. Ngẫm ra thức canh nồi bánh cũng có cái hay. Người ta vừa ngồi hàn huyên vừa vùi mấy củ khoai vào đám than hồng rực, chẳng mấy chốc đã tỏa ra mùi thơm ngào ngạt. Đêm hôm ấy thức canh nồi bánh chưng chỉ lác đác vài người. Đám trai làng cả ngày túc trực trông lũ trẻ con nên được ưu tiên nghỉ ngơi, chỉ cắt cử hai người ở lại canh gác. Mấy người có tuổi cũng bận rộn cả ngày, vừa mới chập tối đã soi đèn lồng trở về nhà. Ngồi quây quần bên nồi bánh chưng lúc này chỉ có vài người ở lại. Cô Chiêm có nhiệm vụ tiếp nước liên tục cho nồi bánh, thằng Vẹt đã khỏe lại sau đám tang cũng xin ở lại tiếp củi, cậu Đức canh gác ở đó phòng trừ bất trắc.

Ông Thập vốn dĩ cũng có thể ở nhà , nhưng ngặt nỗi nhà ông giờ toàn mấy bà mẹ đến chăm con nên ông đành lánh mặt. Lão ăn mày què và Tam Quỷ dường như cũng muốn hòa nhập với cuộc sống ở làng cho nên cũng đến giúp một tay. Mặc dù không thể đông vui như những năm trước, nhưng dù sao ban đêm thức trắng mà có nhiều người bên cạnh cũng khiến cho không gian bớt đi sự âm u, tịch mịch.

Chẳng mấy chốc mà đến nửa đêm, trời không có gió nhưng vẫn lạnh đến run người. Bên cạnh bếp lửa cháy bập bùng, mọi người im lặng chẳng ai nói với nhau nửa lời, mỗi người đuổi theo một dòng suy nghĩ riêng. Cô Chiêm nhìn ông Thập đương cặm cụi vá lại cái gùi mây. Cả ngày hôm nay trong đầu cô suy nghĩ mãi về những gì mà ông nói. Cô phân vân không biết có nên nói với ông Thập về cảnh tượng quỷ dị mà cô thấy đêm hôm qua hay không. Một mặt cô rất muốn nói cho ông trưởng làng biết, mặt khác cô lại cảm thấy bất an về một nỗi sợ mơ hồ, nhất là khi nhìn hai người đàn ông lạ mặt mà ông trưởng làng đưa về. Sáng nay cũng là lần đầu tiên cô gặp ông lão ăn mày què và người đàn ông cao lớn tự xưng là Tam Quỷ. Ấn tượng ban đầu của cô đối với họ cũng không có gì đặc biệt, nếu cả làng đã đồng ý cho họ ở lại thì một người con gái thấp bé như cô sao dám lên tiếng.

Thế nhưng khi chập choạng tối, ánh nắng cuối cùng của một ngày tắt ngúm, nhường chỗ cho màn đêm rợn ngợp nơi núi rừng, cô Chiêm mới có dịp nhìn kỹ họ. Đằng sau lưng của ông lão ăn mày què cô thấy rõ mồn một có hai cái bóng màu trắng đục. Lạ lùng ở chỗ, hai cái bóng đi theo ông lão què không hề toàn thây. Một cái bóng bị cụt đầu, hai tay ôm khư khư cái đầu đã bị cắt. Cái bóng còn lại thì bị moi mất tim khiến cho phần ngực thủng một lỗ to bằng lòng bàn tay. Cô Chiêm sợ lắm, chẳng dám nhìn lão ăn mày què lâu. Về phần người đàn ông tên Tam Quỷ, cô chỉ thấy sau lưng ông ta thấp thoáng một một bóng người đàn bà, nhưng cũng có lúc nhìn kỹ thì lại là bóng của một thứ gì đó cao lớn. Mặc dù cảm thấy có phần kỳ lạ nhưng cô Chiêm cũng không suy nghĩ nhiều, vì cho rằng đã là vong thì đâu thể bình thường như người còn sống.

Trời càng về khuya càng lạnh, thằng Vẹt đốt thêm củi để ngọn lửa tỏa ra hơi nóng nhiều hơn. Lão ăn mày què ngồi lặng thinh nhìn mọi người, Tam Quỷ có bầu rượu ngô trong tay, chốc chốc hắn lại nhấp một ngụm cho ấm bụng. Ngồi mãi cũng chán, Tam Quỷ mở lời:

“Chẳng biết bao giờ trời mới sáng. Hay là bây giờ tôi kể chuyện ma cho mọi người nghe nhé?”

Ông Thập ngừng tay ngẩng lên nhìn Tam Quỷ chưa kịp nói gì thì lão ăn mày què đã xua tay từ chối:

“Thôi! Thôi! Cậu Tam ơi, giờ là lúc nào còn ma với quỷ?”

Thế nhưng cậu Đức anh cô Chiêm nghe Tam Quỷ nói lại nảy sinh lòng hiếu kỳ, cậu ngồi xuống hỏi dồn:

“Ông biết kể chuyện ma à? Có thật không?”

Tam Quỷ cười bí hiểm, gã trả lời nước đôi:

“Kể thì có gì là khó! Chỉ sợ mấy cô mấy cậu đây đứng tim thôi!”

Ông Thập không lạ gì cách mập mờ úp mở của Tam Quỷ, gã luôn làm thế trước khi bắt đầu câu chuyện, mục đích chính là tạo sự tò mò cho người nghe. Cứ nhìn thấy gương mặt của mấy đứa trẻ làng ông cũng đủ biết Tam Quỷ đã thành công bước đầu rồi. Gã toan há miệng, nhưng thấy ông Thập không nói gì bèn quay sang nhìn ông như chờ đợi. Ông Thập khẽ gật đầu, tỏ vẻ đồng tình. Thấy vậy, Tam Quỷ hít một hơi thật sâu, bắt đầu kể bằng giọng trầm trầm:

“Ngày trước ở làng Đẩu có hai vợ chồng chuyên trồng dâu, nuôi tằm. Họ có với nhau một đứa con trai, độ chừng sáu – bảy tuổi. Cũng giống như bao đứa trẻ khác trong làng, thằng bé ban ngày rong chơi, thỉnh thoảng còn theo lũ trẻ đi hái trộm trái cây của hàng xóm. Thế nhưng lạ một điều là khi đêm xuống, nó thường xuyên xin thầy u sang bên nhà ông ngoại ở thôn bên để ngủ, sáng mai mới về. Mấy lần đầu tiên, thầy nó cũng bằng lòng để nó đi. Thế nhưng chẳng hiểu sao càng ngày thằng bé càng ốm yếu, héo hon. Ông bố thấy vậy bèn lẳng lặng đi theo nó. Ông thấy nó đi vào trong một lùm cây rậm rạp ở cuối làng, bên trong văng vẳng tiếng của mấy chục đứa bé. Ông bố dỏng tai nghe cho kỹ thì thấy lũ trẻ con đứa khóc, đứa cười, đứa cãi nhau chí chóe. Lấy làm lạ ông bèn nấp vào trong đống rơm gần đó để theo dõi, một lúc sau ông thấy một người đàn bà mặt mũi quắt queo, đôi mắt xếch ngược kéo dài đến tận thái dương ôm lấy thằng con ông mà cất tiếng ru não nề. Thằng con ông nói với người đàn bà:

“Ngày nào cũng đi thế này, con chỉ sợ người nhà phát hiện ra. Hay là mẹ dắt con đi!”.

Người đàn bà mới đành an ủi:

“Hạn nợ chưa hết, ta chưa thể thành người hoàn toàn. Con cố chờ một thời gian nữa. Nếu thầy u ở nhà có cho con ăn cá chép, ba ba thì con chớ có ăn. Nếu không thì mẹ chẳng dám lại gần con nữa”

Thằng bé tỏ vẻ buồn rầu, người đàn bà quắt queo bèn lấy từ trong bụi rậm ra đưa cho nó hai con hình nhân thế mạng. Hình nhân lớn mặc áo đỏ, hình nhân nhỏ mặc áo xanh. Thằng bé đón lấy hai hình nhân, người đàn bà dặn dò:

“Khi mẹ có thể đưa được con đi thì hai con hình nhân thế mạng này sẽ tự đứng dậy chỉ đường cho con. Con phải cất kỹ, đừng cho ai biết chuyện này. Nhớ chưa?”

Thằng bé gật đầu, đoạn giấu hình nhân vào phía sau lưng. Đúng lúc ấy thì tiếng gà trống ở đâu đó vang lên, tiếng khóc lóc cười đùa trong lùm cây im bặt. Thằng bé chia tay với người đàn bà, quay lưng đi về làng.”

Tam Quỷ ngừng lại một lúc, gã lấy vò rượu ngô ra nhấp một ngụm nhỏ. Cậu Đức đương mải mê nghe truyện, thấy dừng lại đột ngột bèn nôn nóng hỏi:

“Sau đó ra sao? Hình nhân thế mạng có dẫn thằng bé đi không?!”

Tam Quỷ thấy trên gương mặt của ba đứa trẻ phía trước lộ vẻ tò mò. Gã gật đầu trịnh trọng rồi kể tiếp:

“Thằng bé con về nhà không thấy bố mẹ đâu bèn chạy tót vào gian trong, đem giấu hai con hình nhân ở dưới gầm giường. Lúc nó vừa bước ra khỏi cửa thì gặp ông bố. Ông bố cố tỏ ra bình thường, ân cần hỏi con:

“Con về lúc nào đấy?!”

Thằng bé trả lời:

“Con về khi nãy. Ông ngoại đưa con về đấy thầy ạ!”

Ông bố biết con nói dối, nhưng lặng im không đáp. Trưa hôm ấy, ông đem xương thịt của một con cá chép, một con baba còn tươi nguyên vất ra lùm cây. Sau đó ông lén vào gầm giường lấy hai con hình nhân xanh đỏ mang đi đốt. Lửa cháy phừng phừng thiêu rụi con hình nhân mặc áo đỏ, con hình nhân xanh mới cháy hết nửa đôi chân thì thằng con ông ta về kịp.”

Cô Chiêm dùng hai tay bụm miệng để ngăn không thốt lên hoảng sợ. Thằng Vẹt bám chặt lấy tay cậu Đức, người run bần bật. Tam Quỷ thao thao bất tuyệt:

“Thấy hình nhân bị đốt gần hết, thằng bé kia gào lên phát điên. Đôi mắt nó chuyển sang màu đỏ quạch, hai bàn tay nó dài ngoằng. Nó lao đến chỗ ông bố, dùng hai ngón tay thọc thẳng vào lồng ngực ông ta, móc ra quả tim đầy máu còn đương đập thình thịch. Thằng bé vội vàng dập lửa nhưng con hình nhân thế mạng màu xanh đã cháy gần hết đôi chân. Thằng bé đau đớn vội vã cầm hình nhân bỏ đi. Khi người vợ về nhà thì phát hiện chồng mình chỉ là cái xác không hồn nằm chết trong vũng máu.

Sau đó thì không ai biết thằng bé kia đã đi đâu, chỉ nghe người làng kể lại lùm cây nơi có mụ đàn bà quắt queo xuất hiện một đống máu lênh láng. Mãi đến sau này có người làng đi làm ăn xa, bắt gặp thằng bé ngày trước đương đi ngoài đường. Chỉ có điều, hai chân nó cụt mất một nửa”

Tam Quỷ vừa dứt lời, thằng Vẹt rú lên một tiếng kinh hoàng. Nó run run chỉ vào đôi chân của lão ăn mày què, miệng lắp ba lắp bắp:

“Chân… chân ông cụ này cũng cụt… cụt mất một nửa đây này!”

Cô Chiêm và cậu Đức đồng loạt nhìn xuống đôi chân co quắp bị cắt ngang đầu gối của lão ăn mày què. Cả ba đều sững sờ chẳng nói được lời nào. Lão ăn mày què thở hổn hển, tim lão đập liên tục, mồ hôi túa ra từ trán, lão lắp bắp thanh minh:

“Không … không phải đâu! Chỉ là … chỉ là một câu truyện ma truyền miệng thôi mà.. Sao lại có thể tin được chứ!”

Ông Thập thấy mấy đứa trẻ trong làng vô ý, bèn cau mày nạt chúng:

“Thằng Vẹt đừng có ăn nói linh tinh. Mấy đứa tưởng ai cụt chân cũng là con của quỷ hết à?”

Tam Quỷ giật mình xua tay đáp:

“Đúng vậy! Đúng vậy! Ông lão đây sống ở gần nhà tôi bao nhiêu năm rồi! Nhất định không phải ma quỷ gì đâu!”

Ông Thập bực mình cau mày nói với Tam Quỷ:

“Bác cũng thật là! Trẻ con trong làng đương bệnh, sao bác lại đi kể mấy câu chuyện nhảm nhí thế cơ chứ!”

Tam Quỷ cúi đầu có vẻ hối lỗi. Lão ăn mày thở dài:

“Chân tôi cũng vì hoạn nạn thời trẻ mới thành ra nông nỗi này. Tôi cũng là người mà, nào có phải quỷ đâu!”

Thằng Vẹt vẫn chưa hết hoảng sợ, nó ngồi sát cạnh cậu Đức thỉnh thoảng len lén nhìn lão què trước mặt. Cô Chiêm có vẻ can đảm hơn, cô khẽ hỏi:

“Trong câu truyện có một chi tiết, đó là hình nhân thế mạng có thể dẫn thằng bé kia đến với người đàn bà quỷ. Không biết điều đó có thật không ạ?”

Tam Quỷ nhíu mày rồi lắc

“Chưa từng nghe thấy sự lạ đó bao giờ. Bình thường người ta dùng hình nhân thế mạng để cúng giải hạn đầu năm. Sao có thể dẫn trẻ con đi đâu được cơ chứ!?”

Lão ăn mày què trầm ngâm:

“Dân gian vốn nhiều chuyện quái lạ, nhưng không phải là không có lời đồn về việc dẫn hồn vía của trẻ con đi. Chỉ có điều, bất cứ thứ gì muốn dẫn hồn của trẻ con đi thì đều phải có chuông nhiếp hồn. Nghe nói đêm đến tiếng chuông leng keng kêu lên, đám trẻ con nghe thấy thì hồn sẽ lìa khỏi xác. Giả như nếu quả là có người có thể điều khiển mấy con hình nhân thì vấn đề cốt lõi vẫn là nằm ở chiếc chuông kia. Không có nó thì hồn phách khó mà đi theo được. Chỉ có điều, dân gian còn truyền tụng nếu ai nghe thấy tiếng chuông… đều phải chết”

Ông Thập nghe xong bàng hoàng cả người, tim ông như ngưng đập. Chẳng phải trong giấc mơ đêm hôm trước, ông đã nhìn thấy con hình nhân rung chuông từng hồi đó sao, lại còn cả tiếng cười khành khạch của nó nữa. Ông chưa kịp phản ứng thì bỗng thấy tiếng bịch một cái, thằng Vẹt ngã ngửa ra phía sau. Cậu Đức vội vàng đỡ nó dậy. Gương mặt nó tái mét, hai mắt trợn tròn, nó nhìn ông Thập lắp bắp nói:

“Ông ơi! Con… con … có chuyện này con muốn nói với ông, nhưng vì con sợ quá nên không dám mở lời.”

Ông Thập ngẩn người nhìn nó. Cậu Đức ngồi bên cạnh quay sang khẽ mắng:

“Mày nói linh tinh gì thế Vẹt?”

Thằng Vẹt không để ý, cả người nó run lên bần bật. Nó nuốt nước bọt một cách khó nhọc, rồi cố gắng nặn ra từng từ:

“Thực ra… thực ra đêm qua con nhìn thấy có con hình nhân giấy dẫn theo lũ trẻ con đi về phía cuối làng.. Có.. có cả tiếng chuông nữa.”

Mọi người được phen hoảng hồn, ông Thập thất kinh hỏi dồn dập:

“Mày thấy ở đâu hả con? Ngoài thứ đó ra còn gì nữa?”

Mặc kệ nước mắt nước mũi tèm lem, thằng Vẹt khó nhọc trả lời:

“Con thấy bóng dáng hai mẹ con thằng Đậu… Hình như bên cạnh đó còn có một bóng người nữa!”

Cô Chiêm nhìn thằng Vẹt mà tim muốn bắn ra bên ngoài. Thì ra tất cả mọi chuyện đêm qua đều là thật.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3