Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 12

HỒI THỨ MƯỜI MỘT

CHẶT XÁC ĐÊM GIAO THỪA

Mọi người sững sờ vì những lời mà thằng Vẹt kể. Câu chuyện mẹ con quỷ và mấy con hình nhân khi nãy chẳng là gì so với những điều mà thằng Vẹt vừa mới nói ra. Ngay cả lão ăn mày què cũng cảm thấy giật mình, riêng Tam Quỷ thì thảng thốt nhìn thằng Vẹt bằng ánh mắt khó hiểu. Ông Thập chờ thằng Vẹt bình tĩnh hơn mới ôn tồn hỏi:

“Vậy mọi chuyện là do con tận mắt chứng kiến hay chỉ là nằm mơ?”

Thằng Vẹt khẽ gật đầu, nó vừa run run vừa tả lại cái khung cảnh quái dị mà nó vừa thấy đêm hôm trước. Từ ngày ông nội mất đi, thằng Vẹt suy sụp đi nhiều, ngày không ăn, đêm không ngủ. Lạ một điều là dù ngày hay đêm thì nó lúc nào cũng thấy thấp thoáng bóng dáng ông nó đi đi lại lại trong nhà. Ban đầu thằng Vẹt chỉ nghĩ rằng mình nhìn nhầm, phải đến khi nó thấy bóng người ấy ngồi trầm ngâm bên lò lửa rèn sắt sau nhà thì nó mới biết rằng đó thực sự là ông nội trở về.

Đêm hôm trước, thằng Vẹt đương ngồi thu lu trước hiên nhà suy nghĩ vẩn vơ. Đúng lúc ấy nó nghe thấy tiếng chuông từ đằng xa vọng lại. Nó ngạc nhiên lắm vì nghĩ rằng đêm hôm thì ai hơi đâu đi rung chuông làm gì. Thế là nó nấp bên hàng rào trước nhà, chỉ thò đầu lên nhìn về con đường phía trước để nghe ngóng. Ai dè vừa mới ngước lên thì nó đã bị cảnh tượng phía trước dọa cho điếng người. Đúng là bầy trẻ con lặng lẽ đi theo một con hình nhân thế mạng mặc áo đỏ rực, miệng rộng ngoác đến mang tai. Cứ chốc chốc con hình nhân lại khẽ rung chiếc chuông nhỏ xíu ở tay. Điều khiển thằng Vẹt sợ nhất đó là nó nhìn rõ ràng thấy mẹ con thằng Đậu đi sau cùng.

Cảnh tượng thằng Vẹt nhìn thấy cũng hệt như trong giấc mơ của ông Thập, thế nhưng nó còn cung cấp thêm một vài chi tiết quan trọng. Đó là nó nghe rõ ràng tiếng lạo xạo cát sỏi dưới chân khi hai mẹ con thằng Đậu bước đi, đằng sau lưng họ có một cái bóng trắng đục cao lớn mà nó không nhận ra được là đàn ông hay đàn bà. Cứ như thể cái bóng đó đang giám sát đám trẻ con và hình nhân thế mạng vậy. Cuối cùng tất cả biến mất sau mấy tán cây gỗ vàng tâm um tùm, trông ra con suối phía cuối làng.

Ông Thập nhìn thằng Vẹt nhất thời không biết phải nói sao. Nếu như chỉ có một mình ông gặp phải giấc mộng đó, thì ông có thể cho là mọi chuyện đơn giản chỉ là mộng mị xảy ra trong đầu, nhưng đằng này thằng Vẹt lại khăng khăng kể rằng mình đã chứng kiến tận mắt. Hơn thế nữa, nó lại tả y hệt như những gì ông nhìn thấy trong mơ, thậm chí còn bổ sung thêm nhiều chi tiết đắt giá. Thử hỏi làm sao

ông Thập có thể không tin? Tất cả mọi người đều nhìn thằng Vẹt chằm chằm khiến nó cảm thấy ngại ngùng. Cô Chiêm cắn môi suy nghĩ, vậy ra cảnh tượng đêm hôm đó thực sự có thật chứ không phải cô nhìn nhầm. Cô vừa mới quay sang phía ông Thập, định xác nhận với ông điều đó thì nước trong nồi bánh chưng sôi ùng ục, trào cả ra ngoài nồi phát ra những tiếng xèo xèo. Cậu Đức luống cuống gạn bớt nước trong nồi bánh ra, xem chừng đến sáng là có thể vớt bánh được rồi. Thằng Vẹt vội đứng dậy để giúp cậu Đức một tay, kì thực nó cũng không chịu nổi việc người ta cứ nhìn nó chằm chằm như thể sinh vật lạ như thế nữa.

Cô Chiêm bắt gặp ánh mắt của lão ăn mày què và Tam Quỷ nhìn thằng Vẹt rất lạ. Linh tính trong đầu cô mách bảo rằng đừng vội nói cho người khác biết chính cô cũng chứng kiến chuyện đêm trước. Mặc dù cảm thấy có điều gì đó không ổn nhưng cô vẫn quyết định im lặng, bởi lẽ trong thâm tâm cô cảm thấy mọi chuyện chưa thể dừng lại ở đây. Chờ cho cậu Đức gạn bớt nước trong nồi ra,

Ông Thập khẽ thở dài rồi nói:

“Chuyện thằng cu Vẹt nhìn thấy hình nhân dẫn hồn vía của lũ trẻ con đi cũng có thể là sự thật. Chỉ có điều dân gian đồn thổi nghe thấy tiếng chuông câu hồn là sẽ vong mạng, thực ra điều đó cũng chưa có ai kiểm chứng. Suy cho cùng thì cẩn thận vẫn hơn. Người ta vẫn bảo, người nào yếu bóng vía thì dễ thấy cô hồn giã quỷ. Vấn đề cốt lõi bây giờ là phải gọi được hồn vía của lũ trẻ con quay về, chứ cứ để tình trạng như thế thì không ổn.”

Tam Quỷ thắc mắc:

“Vậy trong làng có thầy pháp không?”

Ông Thập cười lạnh:

Không hề có! Mà có thì cũng chẳng thể giải được nghiệp chướng ở đây. Tam Quỷ nhíu mày hỏi lại:

“Nghiệp chướng của làng là gì mà nặng nề đến thế? Tôi từng nghe lão ăn mày què hỏi nhưng chưa từng thấy bác trả lời.”

Ông Thập lắc đầu im lặng không đáp. Chỉ trong vòng vài ngày nhưng đây là lần thứ hai ông thoái thác nói về băng cướp năm xưa. Mặc dù việc cho phép hai người lạ mặt đến đây hoàn toàn là chủ ý của ông, nhưng giữa lúc quái sự ở làng vẫn không ngừng diễn ra, ông không cho phép bản thân mình tin ai, kể cả đó là người thân thiết nhất. Nếu sau này lão ăn mày què và Tam Quỷ có thể trải qua kiếp nạn này với cả làng, thì lúc đó cho họ biết ngọn ngành cũng chưa muộn.

Lão ăn mày què trầm ngâm một lát rồi mới lên tiếng:

“Việc gọi hồn xem ra khó thực hiện đấy. Nếu như bị vong nhập thì còn có thể dùng theo cách của dân gian mà lấy cây dâu tằm ngâm nước tiểu trẻ con quất vào người. Còn gọi hồn thì e là phải tìm cách khác.”

Mọi người im lặng nhìn lão ăn mày què, như thể chờ đợi xem lão có thể đưa ra được cách gì tiếp theo. Một hồi sau, lão lắc đầu tỏ vẻ hối tiếc rồi nói:

“Ngày còn nhỏ cha nuôi tôi có nói lần nói đến tục gọi hồn phách của trẻ con. Cụ thể thế nào thì quả thực tôi không còn nhớ rõ. Năm đó tôi còn rất nhỏ, chỉ nhớ mang máng là nhà một người ở cùng thôn có đứa nhỏ đi theo mẹ ra đồng gặt lúa, rồi thiếp đi lúc nào không hay. Đến chiều tối mẹ nó gọi nó dậy thì không thấy tỉnh lại, bèn khóc lóc chạy sang nhờ cha nuôi tôi giúp đỡ. Tôi chỉ nhớ là cha tôi chạy sang sơ cứu cho nó. Lại kêu mẹ nó ra chỗ nó ngủ quên tầm sáng gọi tên nó về!”

Cậu Đức vừa nghe thấy thế bèn ngắt lời:

“Sơ cứu như thế nào, cụ nói rõ ra xem?”

Lão ăn mày què lắc đầu:

“Mấy chục năm rồi, quả thực tôi cũng không thể nhớ nổi. Lúc đó nhà thằng bé kia có rất nhiều người đến xem, đám trẻ con chúng tôi vừa mới chen vào hóng chuyện thì bị người lớn đuổi ra.”

Cậu Đức tiu nghỉu, đành im lặng chẳng nói gì thêm. Bầu không khí không hề nhẹ nhàng hơn chút nào, trái lại còn thêm phần nặng nề so với lúc trước. Mặc dù không ngẩng lên, nhưng lão ăn mày thừa biết mấy đứa nhỏ ngồi đối diện đương nhìn lén mình.

Lão ăn mày què đưa mắt nhìn thằng Vẹt, rồi lại nhìn sang ông Thập và Tam Quỷ. Vừa thấy ánh mắt của lão, thằng Vẹt vội cúp mắt vào vờ nhìn đống lửa cháy trước mặt. Lão biết, câu truyện mà Tam Quỷ vừa kể khiến cho nó và hai đứa bên cạnh nghi ngờ lão.

“Thật là chết tiệt!”

Vừa nghĩ lão vừa vất thêm ít củi vào trong bếp lửa cháy tí tách trước mặt.

Một đêm yên lành trôi qua mà không hề có bất cứ hiện tượng quỷ dị tà môn nào xuất hiện. Sương mù sớm nay cũng vơi bớt, bầu trời trong hơn mọi khi, dù cho cái lạnh ở vùng núi cao vẫn còn cắt da cắt thịt.

Giờ dần vừa điểm cũng là lúc bánh chưng được luộc xong. Hơn trăm chiếc bánh được vớt ra từ mấy cái nồi to, cậu Đức và ông Thập nhanh thoăn thoắt đem bánh đặt trên mấy tàu lá chuối, sau đó lại dùng một tấm phản bằng gỗ dày khoảng hai tấc đè lên, bên trên đặt mấy tảng đá nho nhỏ. Mục đích của việc làm này là giúp lượng nước dư thừa có trong bánh bị ép ra ngoài, nhờ đó mà hình dáng bánh đẹp hơn, bảo quản được lâu hơn.

Nhiều người sống dưới đồng bằng vẫn hay kháo nhau rằng chẳng hiểu tại sao những chiếc bánh chưng của người dân sống ở vùng cao lại thơm ngon một cách lạ thường đến thế. Người ta đoán già đoán non là do gạo, kẻ khác lại bảo rằng do nguồn nước khiến cho bánh xanh hơn bình thường. Kì thực để làm ra một thứ bánh chưng ngon mà không ngán, thì phải tuân thủ từng quy tắc nhỏ. Từ việc chọn lá, ngâm gạo, cho đến cách luộc cũng phải thực công phu. Hôm nay Tam Quỷ chứng kiến tận mắt bèn liên tục khen ngợi, cũng coi như là đã mở rộng tầm mắt.

Độ hai tuần hương sau, mọi việc kể như cũng đã hoàn thành, mấy người thức thâu đêm trông bánh chưng bèn rã đám, ai về nhà nấy nghỉ ngơi. Mọi việc sau đó, sẽ có người làng làm tiếp.

Lão ăn mày què khó nhọc lê bước trên con đường đầy sỏi đá, lão dùng một đôi bao tay làm bằng vải dày bên trong có nhồi bông gòn khô để chống xuống đất. Tam Quỷ lững thững đi bên cạnh, thỉnh thoảng gã lấy tay vạt bớt màn sương mù trước mặt. Vừa bước vào cổng nhà, lão ăn mày què đột ngột lên tiếng:

“Tại sao cậu phải làm như thế?”

Tam Quỷ tỏ ý ngạc nhiên hỏi lại:

“Cụ nói thế là có ý gì?”

Lão ăn mày què trầm mặc nhìn gã rồi đáp:

“Câu chuyện về thằng bé quỷ cụt chân không phải rất giống tôi sao? Cậu kể chuyện đó ra để làm gì?”

Tam Quỷ lắc đầu tỏ ý hối lỗi:

“Chuyện này … tôi xin tạ lỗi với cụ. Vốn tôi cũng không lường trước đến việc sẽ làm cho lũ nhỏ sợ cụ. Chỉ là… chỉ là..”

Lão ăn mày què nhìn Tam Quỷ một hồi lâu rồi khoát tay:

“Thôi! Bỏ đi!. Dù sao tôi cũng chẳng phải là quỷ”

Dứt lời lão lê bước đi vào trong nhà, bỏ mặc Tam Quỷ đứng ngoài sân nhìn theo lão. Nằm trằn trọc trên cái chõng tre cũ kỹ, lão ăn mày què ngước nhìn ra khoảng trời nhỏ xíu bên cửa sổ trong lòng lão đầy suy tính.

Quá ngọ hôm đó cụ Khảm tới nhà tìm ông Thập. Trong nhà lúc này chỉ còn thị Thập đương thức. Vừa nghe thấy tiếng cụ Khảm ngoài ngõ, thị Thập đã vội chạy ra chào. Cụ Khảm gật đầu rồi hỏi nhỏ:

“Ông trưởng làng có nhà hay không?”

Thị Thập lễ phép trả lời:

“Bẩm cụ! Nhà con vừa mới về một lúc, còn đương ngủ trong gian trong. Cụ vào nhà xơi nước”

Cụ Khảm xua tay đáp:

“Việc này gấp lắm, mợ gọi cho tôi ông trưởng làng dậy, tôi có chuyện cần nói.”

Nói rồi cụ Khảm chống chiếc gậy trúc đã mòn vẹt bước vào bên trong. Lũ trẻ con vẫn im lìm ngủ nhưng mặt mũi đứa nào cũng đều xanh lét. Cụ Khảm khẽ thở dài rồi trở ra gian chính. Ông Thập vội vàng bước đến gần cụ rồi hỏi nhỏ:

“Bẩm cụ! Cụ đến nhà con chẳng hay….?”

Cụ Khảm ngắt lời:

“Việc hoàn hồn cho bọn trẻ ông Thập đã nghĩ ra cách nào chưa?”

Ông Thập thở dài lắc đầu. Cụ Khảm hít một hơi thật sâu rồi đáp:

“Việc này quả thực rất khó! Làng ta không có thầy pháp, vậy nên cũng chỉ đành thử vài cách trong y thư cổ mà thôi. Đêm qua tôi thức trắng đêm để lục tìm quyển sách từ thời cha ông để lại. Vốn dĩ không dám hy vọng nhiều, may sao đến giờ Dần hôm qua thì tìm thấy”

Ông Thập hấp tấp hỏi lại:

“Cụ… cụ tìm được cách hoàn hồn rồi ư? Làm thế nào cụ cho con được biết.”

Cụ Khảm gật đầu rồi ôn tồn giải thích:

“Trong y thư cổ đích thực là có thuật hoàn phách của người xưa truyền lại. Việc thực hiện xem ra cũng dễ dàng. Trẻ con thường bị hút mất hồn phách do ma quỷ nhiếp hồn. Để hoàn phách thì vào ban đêm phải để lũ trẻ con nằm ngửa, duỗi chân. Một người khác dùng hai bàn tay để bít lỗ tay, mấy ngón tay khác thì sờ vào gáy. Con trai gõ bảy lần, con gái gõ chín lần. Nghe nói một thầy lang tên là Vu Thành Tử ở Trung Hoa tìm ra thuật này, xem chừng hiệu nghiệm. Chỉ có điều..”

Thấy cụ Khảm ngập ngừng, ông Thập nóng ruột hỏi tiếp:

“Chỉ có điều gì ạ?”

“Chỉ có điều phải để người cần hoàn phách hướng đầu về phía mà hồn phách đã bay đi. Làng ta chỉ phát hiện lũ trẻ con khi chúng đã mất hết hồn vía, hoàn toàn không ai nhìn thấy hồn vía chúng lần cuối xuất hiện ở đâu. Nếu như không hoàn phách ngay thì lũ trẻ con không sớm thì muộn cũng chết vì đói khát.”

Cụ Khảm hướng về gian buồng phía trong, buồn rầu đáp lại.

Nghe đến đó ông Thập thở phào nhẹ nhõm:

“Việc đó thì xem chừng không có điều gì khó. Trong làng ta có người đã tận mắt chứng kiến hồn phách của lũ trẻ con biến mất ở đâu. Chính con mới biết đêm qua.”

Hai người đàn ông trò chuyện sau nhà một lúc lâu, chẳng ai biết họ đã bàn bạc những gì. Chỉ biết rằng, cuối giờ mùi hôm đó, ông Thập cho họp cả làng để bàn bạc. Đám thanh niên trai tráng trong làng nhận nhiệm vụ di chuyển lũ trẻ con ra con đường rẽ vào vạt rừng nơi trồng gỗ vàng tâm, mấy người đàn bà sửa soạn lễ vật để xin yêu ma chuộc hồn phách. Người làng dường như có mặt đông đủ, chỉ trừ lão ăn mày què, Tam Quỷ và vợ chồng ông đồ Lam. Người ta vẫn nói, tìm ra đối sách là có thêm niềm tin. Mặc dù chẳng ai dám chắc thuật hoàn phách chiêu hồn của cụ Khảm có mấy phần công hiệu. Thế nhưng chí ít điều đó cũng đủ khiến cho người làng Địa Ngục thêm hy vọng. Ai nấy đều cảm thấy khấp khởi trong lòng, vắng mặt một vài người dường như cũng chẳng có gì quá ghê gớm. Ấy vậy mà, mọi người đều đã lầm.

Trong gian nhà cũ kỹ nằm cạnh bụi tre cuối làng, ông đồ Lam đương nằm thao thức. Dù đã gần hết buổi sáng ngày ba mươi tháng Chạp, nhưng trong nhà ông vẫn lạnh tanh. Mọi năm cứ đến ngày này, nơi nhộn nhịp nhất trong làng chính là nhà ông và cụ Khảm. Người ta đến xin ông câu đối để treo trong nhà.

Năm nay thì khác, chẳng còn không khí hân hoan rộn ràng của ngày tết nữa. Hoa đào trước sân vẫn rực rỡ, mùi thơm thơm của làn khói bếp vẫn len lỏi khắp nhà. Chỉ tiếc rằng bầu không khí âm u, ảm đạm bao phủ khắp cả làng. Ấy là vì làng có quá nhiều người chết. Ông đồ Lam nhắm nghiền mắt suy nghĩ vẩn vơ về thời niên thiếu. Khi ông biết nhận thức thì đã thấy mình sống trong làng Địa Ngục quanh năm sương mù phủ trắng. Ông vẫn nhớ như in ngày ông cụ thân sinh ra mình mất. Ông cụ nắm chặt lấy tay ông dặn dò ông đừng sống gần dân làng thêm nữa. Làng Địa Ngục phải gánh nghiệp từ đời trước, cho nên sẽ chẳng bao giờ có kết cục tốt đẹp. Mặc dù không thể bỏ làng mà đi, nhưng cũng không nên sống quây quần với nhau, chỉ e sẽ xảy ra cơ sự chẳng lành.

Ông đồ Lam mới đầu không hiểu, thế nhưng vẫn nghe theo lời cha dặn trước lúc lâm chung. Ông cùng người vợ mới cưới xuống tận cuối làng, kề bên lũy tre xanh rì để cất nhà ở tạm. Người làng không hiểu nên thỉnh thoảng vẫn có người khuyên ông sống gần gũi với bà con chòm xóm, âu cũng là để lũ trẻ con trong làng đi học thuận tiện hơn. Thế nhưng ông đồ Lam chỉ mỉm cười từ chối.

Phải đến mấy năm sau ông mới hiểu dụng ý của cha mình trước khi mất. Kể từ khi sống tách riêng khỏi làng, mặc dù cuộc sống cũng không quá dư dả, nhưng vợ chồng ông lại có nhiều con nhất. Người làng vẫn thường nói rằng vợ chồng ông có phúc, con cái đông vui, khỏe mạnh. Nhiều khi ông nhìn thấy ông trưởng làng mà cảm thấy buồn tủi, dù là người có tiếng nói nhất ở đây nhưng lại chẳng có lấy một mụn con để khi về già nương tựa.

Ông đồ Lam cứ ngỡ cuộc đời mình sẽ trôi qua bình yên như thế, vậy mà bất hạnh ập đến mái ấm nhỏ của ông lúc nào chẳng hay. Cả đêm qua nhìn mấy đứa bé con ông nằm im lìm bất động, lòng ông đau như cắt từng khúc ruột. Mà nào đâu phải mình con ông, đám trẻ trong làng đứa nào chẳng bất tỉnh như thế. Giá như có thể đánh đổi mạng sống của mình chỉ để cứu mấy đứa con, ông cũng nguyện bằng lòng. Ông đồ Lam khẽ thiếp đi trong cơn suy nghĩ, một hình ảnh lạ lùng chợt ùa vào tâm trí ông.

Ông thấy mình đương đi trên con đường làng quen thuộc. Ngoại trừ chính bản thân mình ra thì ông không hề thấy bất cứ ai. Ngôi làng không có màn sương bàng bạc quen thuộc như mọi hôm, chỉ có làn gió thổi vù vù làm vạt áo ông bay lất phất. Ông ngước lên nhìn bầu trời trong lòng chợt cảm thấy kì quái. Sắc trời chẳng hề trắng đục mà đỏ rực màu máu. Một cảm giác lo sợ ùa đến, ông chạy thật nhanh về phía nhà mình.

Trong nhà tối om vắng lặng không một bóng người. Ông đứng tần ngần ở trước cửa rồi vòng ra sau bếp để tìm vợ con. Quái lạ thật! Chẳng hề có một ai! Ông cất tiếng gọi, nhưng không có ai trả lời. Giờ này thì vợ con ông có thể đi đâu được.

Đương suy nghĩ, ông bất chợt nghe thấy tiếng đứa con gái đầu lòng của mình cất tiếng gọi:

“Thầy ơi! Thầy ơi! Chúng con ở đây!”

Ông đồ Lam giật mình lắng tai nghe kỹ. Tiếng gọi lại vang lên:

“Thầy ơi! Con ở đây!”

Lần này là tiếng gọi của thằng út. Ông chưa kịp trả lời thì đã nghe thấy tiếng khóc nức nở của chúng vang lên từ vạt rừng trông ra con suối.

Nhà ông đồ Lam vốn ở cuối làng, từ đó đi thẳng đến nơi mấy cây gỗ đóng quan tài mọc san sát cũng chỉ khoảng hơn hai mươi trượng. Ông đồ chạy như bay theo tiếng gọi. Càng đến gần, ông càng nghe rõ tiếng khóc lóc của mấy đứa con mình.

Vạt rừng nhỏ dần hiện ra trước mắt. Bầu trời bắt đầu nhá nhem tối, ông còn nhìn thấy từng con đom đóm chập chờn bay ra. Từ nhỏ tới lớn, ông chưa từng đi ra ngoài vào ban đêm, càng không dám mạo hiểm vào rừng khi trời vừa tối. Thế nhưng lần này ông thây kệ, lũ con ông đương kêu cứu, lẽ nào ông bỏ mặc? Ánh sáng bập bùng từ đống lửa phía trước khiến cho một góc rừng sáng lên. Ông nhìn thấy một cái bình bằng sứ màu xanh ngọc. Cái bình trông thật kỳ quái, nó đặt bên cạnh đống lửa mà vẫn tỏa ra ánh sáng xanh lành lạnh. Không có một bóng người. Ông đồ Lam bắc tay làm loa gọi to:

“Tí ơi, Tũn ơi, Tèo ơi, mấy đứa ở đâu?”

Giọng nói ông vang vọng lại khắp núi rừng, trong bình lập tức có tiếng trả lời.

“Thầy ơi! Chúng con ở đây!”

Ông đồ Lam hoảng hồn, quỳ sát bên cái bình, ghé mắt vào bên trong. Trong bình tối thui, ông Lam lắp bắp:

“Làm sao.. làm sao mà mấy đứa chui vào đây được?!”

Cái Tí con gái ông đáp lại:

“Chúng con bị con hình nhân thế mạng dẫn đến đây!”

Ông đồ Lam loay hoay nhìn xung quanh rồi hỏi:

“Bây giờ làm sao cứu mấy đứa ra?”

Thằng Tèo trả lời:

“Thầy dốc ngược cái bình xuống là chúng con thoát ra được!”

Ông đồ Lam vội vàng cầm chiếc bình định dốc thẳng xuống. Thế nhưng chiếc bình nặng tựa ngàn cân khiến ông không tài nào nhấc lên được. Đúng lúc ấy, một giọng nói trầm trầm cất lên:

“Sao mày lại ăn trộm đồ ăn của tao?”

Ông đồ Lam quay ngoắt lại phía sau. Bên kia đống lửa, một bóng người đàn ông thấp thoáng hiện ra. Ông Lam cố nhìn để biết nó là ai. Bóng người kia vẫn đứng đó chậm rãi kể lể:

“Trong cái bình đó có nhiều hồn phách lắm đấy. Nhưng tao phải nói rằng, hồn phách mấy đứa nhỏ này mùi vị không tệ. Ngon hơn hẳn hồn phách của thú vật. Ngay cả sọ người, máu tươi của người già cũng không bằng. Vậy mà …”

Người kia ngừng một lát rồi gằn từng tiếng:

“Sao mày lại dám ăn trộm đồ ăn mà tao cất công săn được?!”

Ông đồ Lam run lẩy bẩy, ông giữ chặt cái bình men ngọc rồi gào lên đáp trả:

“Ăn… ăn cả hồn phách của lũ trẻ con trong làng.”

“Mày… mày… mày không phải là người!”

Cái bóng kia bỗng cười nhạt một tiếng:

“Thì tao vốn dĩ đâu phải người.”

Người kia vừa nói dứt câu, bèn tiến lại gần ông đồ Lam đương quỳ thụp trên mặt đất. Bên cạnh gã lúc này có một con hình nhân thế mạng lướt theo, hai bóng mẹ con thằng Đậu mặt đầy giòi bọ, trên cổ đeo hai con rắn đen xì chậm rãi đi đằng sau. Tiếng cười quái đản vang lên từ phía hình nhân thế mạng, nó ngúc ngoắc cái đầu nhìn ông với vẻ tò mò, háo hức. Ánh sáng từ đống lửa chiếu lên gương mặt người đối diện. Ông đồ Lam bàng hoàng cả người, tay ông run run chỉ vào bóng người rồi ú ớ:

“Thì ra…. thì ra là mày!”

Một tràng cười ghê rợn cất lên, ông đồ Lam giật mình tỉnh dậy.Lưng áo ông ướt sũng, mồ hôi vẫn còn túa ra quạnh quẽ trên trán mặc dù trời giữa đông. Ông nhìn ra bên ngoài thấy trời đã ngả về chiều, chắc giờ này là cuối giờ thân.

Ông nhớ lại giọng nói của mấy đứa con ông, nhớ lại tiếng khóc nức nở của chúng. Gương mặt của kẻ hại con ông trong mơ, ông nhớ như in. Thật không ngờ, ngàn vạn lần không thể ngờ rằng kẻ hại con ông và lũ trẻ trong làng lại là người đó. Máu trong người ông Lam sôi sục, nhất định ông phải đòi món nợ này. Nghĩ là làm, ông chạy xuống nhà bếp lấy một chiếc dao phay to tổ chảng rồi đi thẳng ra ngoài cổng. Đường làng vắng tanh y hệt như trong giấc mơ của ông. Ông hung hãn dao lao đến nhà mẹ con thằng Đậu. Căn nhà vẫn vắng vẻ đìu hiu như mọi lần, ngọn đèn cầy leo lét tỏa ra ánh sáng mờ nhạt càng khiến cho gian nhà thêm quạnh quẽ

Ông đồ Lam đạp tung cánh cổng gỗ xiêu vẹo, mắt ông vằn lên những tia máu. Ông lao nhanh vào bên trong, gian nhà không có ai. Ông liếc mắt nhìn vào gian trong, bất chợt ông đứng khựng lại khi nhìn thấy con hình nhân thế mạng đứng chơ vơ ở xó tường. Trong cảnh tranh tối, tranh sáng, con hình nhân thế mạng mặc áo đỏ dường như đang nhìn ông bằng cặp mắt hung ác. Đuôi mắt nó kéo dài đến tận tai, miệng nó như thể đang toe toét cười. Ông đồ Lam nghe văng vẳng bên tai tiếng cười khành khạch.

Một cảm giác lạnh lẽo ùa đến, bầu trời bên ngoài đang mưa lâm thâm. Các cụ già vẫn bảo, chạng vạng tối mùa xuân buốt rét, mưa bụi bay nhạt nhòa là thời gian quỷ xuất hiện. Ông đồ Lam cầm chắc con dao trong tay, tiến lại gần bộ bàn ghế mòn vẹt. Giữa lúc ông căng thẳng tột độ, một giọng nói phía sau vang lên:

“Sao ông lại vào đây?”

Ông đồ quay ngoắt lại nhìn. Trên hiên nhà, lão ăn mày què ngước đầu nhìn ông với con mắt khó hiểu. Ông đồ nheo mắt nhìn kỹ, đôi mắt lão đục ngầu giống hệt như hình ảnh ông đã gặp trong mơ. Vừa thấy lão, ông đồ Lam cầm con dao lao tới. Con dao vung lên cao, rồi hạ xuống tạo thành tiếng vút lạnh người. Ông đồ nghe tiếng dao đâm thẳng vào thịt một tiếng phập . Máu trong người ông như sôi sùng sục, ông vung dao thêm lần nữa rồi hạ xuống thật mạnh. Mạnh hơn lần trước. Máu bắn tung tóe, bắn vào mặt ông, bắn vào mặt lão ăn mày què đối diện.

Ông cười gằn một tiếng, nhưng rồi khóe miệng nở nụ cười bất ngờ méo xệch sang một bên. Ông đồ Lam phát hiện ra một sự thật kinh hoàng.

Ông vừa chém chính ông.

Con dao trong tay ông quay tít, cứ như thể có một thực thể vô hình nào đó điều khiển. Lão ăn mày què gương mặt lạnh toát, lão nhìn ra phía sau nơi có con hình nhân giấy màu đỏ. Con hình nhân đứng im lìm trong bóng tối, nhìn có vẻ ngây thơ đến vô tội.

Bắp đùi ông đồ bị hai vết chém sâu gần như sắp đứt. Máu chảy lênh láng tạo thành vũng trước hiên nhà. Con dao lại vung lên một lần nữa, ông đồ Lam hoảng hốt kêu lên một tiếng. Thế nhưng khi chưa dứt lời thì con dao đã chặt đứt bàn tay của chính ông.

Hình ảnh trước mắt ông nhòe đi, ông đồ thấy mình như bay lên không trung, ông thấy hình ảnh của ông khi còn nhỏ cười nói khanh khách với cha mẹ, đôi tay nhỏ xíu cầm chiếc bút lông tập viết. Cơn đau kinh hoàng kéo đến khiến toàn thân ông run lên bần bật, ông mở to mắt ra nhìn. Ông không hề thấy vợ con ông, chỉ thấy mỗi lão ăn mày què mặt đầy máu mắt nhắm nghiền, sau lưng ông ta có một con rắn đỏ lòm có đôi mắt vàng khèm, con rắn đó đứng bên một cái bóng trắng đục. Mọi thứ xung quanh ông vụt tắt.

Trời cuối năm nhanh tối, mới cuối buổi chiều mà màn đêm đã buông xuống miền sơn cước hẻo lánh. Đêm nay là đêm ba mươi tết, mưa phùn lất phất rơi khiến cho khung cảnh thêm ảm đạm. Làng Địa Ngục năm nay không có tiếng pháo nổ đì đùng, không có tiếng tiếng cười đùa vui vẻ. Cảnh vật xung quanh lạnh lẽo đến rợn người. Trước cổng nhà, người ta treo những chiếc đèn lồng đỏ được làm bằng lớp vải tơ mỏng dính. Dọc con đường làng, đám thanh niên lặng lẽ cầm đuốc đẩy từng chiếc xe cút kít đi về hướng vạt rừng có mấy cây gỗ vàng tâm. Dòng người xếp thành hai hàng đi bên cạnh cầm đuốc rực cháy, mấy người đàn bà ủ dột bám víu nhau bước đi vội vàng. Đoàn người thẳng tiến đến vạt rừng có những cây vàng tâm mọc thẳng tắp. Có lẽ trong đời họ, chưa bao giờ trải qua những cảm giác hồi hộp đến như vậy. Cây vàng tâm là cây tụ nhiều âm khí, vốn chỉ thích hợp cho việc đóng quan tài. Giới đạo tặc trộm cây không bao giờ dám đốn hạ loài cây này vào ban đêm, huống chi là đám người quanh năm cặm cụi bên khung cửi dệt vải kiếm tiền. Vậy mà đêm nay, cả làng lại tề tựu giữa vạt rừng bạt ngàn cây vàng tâm u ám.

Đêm giao thừa là đêm mà người ta phải quây quần bên mâm cơm cùng với gia đình. Dù là người giàu hay người nghèo cũng không muốn lang thang ngoài đường vào thời khắc đặc biệt nhất trong một năm. Thế nhưng đêm nay thì khác.

Đêm nay người làng nhất định phải cứu lũ trẻ con, không thể để chúng chết một cách oan uổng. Thị Lam sụt sùi đi cùng chiếc xe cút kít chở bốn đứa con nằm ngủ yên lành dưới lớp chăn ấm. Bước ngang qua lối nhỏ rẽ vào nhà mình, thị khẽ ngẩng đầu nhìn vào bên trong. Trước cửa nhà đèn lồng tắt ngóm, bên trong dường như không có ai, thị cảm thấy lạ lạ trong lòng nhưng lại cho rằng chồng thị mệt nên nằm ngủ trong nhà.

Ông Thập, cụ Khảm lặng lẽ đi hàng đầu, Tam Quỷ đẩy xe cút kít phía sau, trên xe có hai đứa nhỏ ngủ im lìm. Đoàn người dừng lại trên một mô đất khô ráo. Ông Thập ra hiệu cho mấy người đàn ông đốt mấy đống củi xung quanh. Ánh lửa sáng rực tỏa ra hơi ấm, cộng thêm ánh đuốc sáng quắc khiến cho khung cảnh vật rừng đang âm u bỗng nhiên nhộn nhịp.

Xem chừng Tam Quỷ không thạo việc đẩy xe, cho nên gã thở phì phò tỏ vẻ mệt mỏi. Ai đó tốt bụng đưa cho hắn một vò nước, gã không khách khí cầm lấy tu ừng ực rồi dáo dác lẩn vào một tùm cây um tùm gần đó. Ông Thập nhìn thì biết ngay gã muốn tiểu tiện, ông cũng chẳng bận tâm nhiều đến gã vì còn lo chuyện đại sự trước mắt.

Giờ lành đến, cụ Khảm quay sang nhìn tỏ ý xin phép. Ông Thập cung kính đáp lễ bằng một cái cúi đầu. Cụ Khảm mặc một chiếc áo the khăn đống, mái tóc bạc phơ được búi gọn gàng phía sau, đường hoàng bước lên phía trước. Cô Chiêm cùng vài người đàn bà khác đã nhanh nhẹn bày sẵn rượu thịt, xôi nếp nương, bánh chưng và một con gà thật béo, lại cắm nhang tỏa hương nghi ngút. Mặc dù đây chẳng phải là lễ chiêu hồn của thầy pháp, thế nhưng dù ít dù nhiều cũng động chạm tới quỷ thần. Bởi thế cho nên người làng vẫn chuẩn bị cỗ bàn tươm tất để thể hiện lòng thành kính.

Ông Thập đại diện cho dân làng thắp nhang khấn vái một hồi. Sau đó ông quay sang cụ Khảm để nhường việc chỉ đạo thuật hoàn phách lại cho cụ. Cụ Khảm phất nhẹ ống tay áo, tức thì người làng vào vị trí đã sắp xếp. Đầu lũ trẻ quay về phía vạt rừng, chân hướng thẳng về làng. Cụ Khảm hô dõng dạc:

“Bớ ba hồn bảy vía trẻ con làng Địa Ngục! Ở đâu mau mau về với thầy u!”

Tiếng hô vừa dứt, người ta lấy hai ngón tay bịt chặt lỗ tai của lũ trẻ, rồi dùng những ngón còn lại gõ nhẹ vào gáy chúng, miệng lẩm bẩm đọc tên. Tiếng gọi tên trẻ con xì xầm vang lên khắp nơi, khiến khung cảnh xung quanh nhuốm màu quỷ dị. Những người đứng xe im phăng phắc, ai nấy đều nín thở theo dõi những gì diễn ra trước mắt. Ánh đuốc đương sáng bỗng nhiên chập chờn rồi tắt ngúm, một làn gió lạnh đến thấu xương thổi ùa tới. Trong một thoáng chốc, người ta tưởng rằng phép này không hiệu nghiệm. Đúng lúc ấy, một đứa trẻ mở mắt khe khẽ gọi:

“U ơi!”

Một đứa, hai đứa rồi ba đứa… Chưa đầy nửa tuần hương sau lũ trẻ con trở dậy, cả làng nhất tề hét lên vui mừng.

Mấy bà mẹ ôm con khóc đến lạc cả giọng. Ngay cả Tam Quỷ từ đâu xuất hiện cũng ngỡ ngàng rồi reo lên đắc ý. Giữa không khí trùng phùng ấy, ông Thập dù vui mừng nhưng trong lòng bỗng cảm thấy mọi chuyện có chút kì lạ. Mặc dù tục gọi hồn nhập thể này dân gian vẫn có nhiều người áp dụng, nhưng tại sao lần này làng Địa Ngục lại thành công quá dễ dàng như thế.

Việc con hình nhân dùng chuông dẫn hồn phách lũ trẻ đi vốn đã quái dị. Tại sao lại chỉ cần vài động tác đơn giản mà hồn của lũ trẻ đã về với chủ? Sự việc tiến triển quá thuận lợi khiến ông Thập không khỏi cảm thấy lo lắng, thế nhưng dù sao cũng là đêm giao thừa, ông không tiện làm bà con mất vui, đành nói lời chúc mừng rồi cùng nhau về làng.

Người làng đi lại nhộn nhịp trên con đường đầy sỏi đá, râm ran trò chuyện khác hẳn bầu không khí nặng nề phía trước. Vừa đi đến gần nhà mẹ con thằng Đậu, một đứa bé con độ chừng sáu tuổi bỗng cười khanh khách rồi nói với mẹ nó:

“U ơi! Sao có mùi gì tanh tanh?!”

Đứa bé vừa thốt lên, cả làng gần như im bặt, không ai bước tiếp nữa mà quay lại nhìn đứa bé với ánh mắt lạ lùng. Thằng Vẹt đương cầm đuốc bỗng dừng lại khịt khịt mũi vài cái, rồi quay ra nói:

“Đúng là có mùi tanh thật! Rất giống với mùi máu tanh!”

Tam Quỷ hít một hơi dài rồi chỉ tay về phía trước:

“Hình như mùi phát ra từ hướng đằng kia.”

Người làng đi chầm chậm lại gần. Tiết trời càng lạnh lẽo thì mùi hương trong không khí lại càng lâu tan. Một ai đó thì thào:

“Có ai ngửi thấy mùi máu từ phía nhà mẹ con thằng Đậu không?”

Tam Quỷ giật mình nghe thấy, gã cầm đuốc chạy thẳng về phía trước. Đám trai làng vội vã theo sau.

Cổng mở toang hoang, bên trong nhà tối om, ngọn đèn cầy đã tắt ngúm từ khi nào. Tam Quỷ bước thật nhẹ vào bên trong, khe khẽ cất tiếng gọi:

“Ông lão ơi! Ông ở đâu đấy?”

Không có ai trả lời.

Dưới ánh đuốc phừng phừng, Tam Quỷ nhìn thấy một người nào đó nằm sõng xoài trên hiên nhà. Gã cùng mấy người thanh niên tiến lại phía trước. Cảnh tượng phía trước làm cho Tam Quỷ gào lên một tiếng kinh hoàng. Trên hiên nhà, ông đồ Lam nằm trong vũng máu, hai mắt trợn tròn, đôi tay của ông ta vất lăn lóc giữa hiên. Riêng đôi chân thì bị chặt làm ba khúc.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3