Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 13
HỒI THỨ MƯỜI HAI
MÙNG MỘT TẾT KINH HOÀNG
Kể từ khi Tam Quỷ theo ông Thập về làng, khu chợ nhỏ cũng nhiều lời đồn đại. Người ta bảo khu chợ này… có ma. Mà lạ lùng ở chỗ, ma xuất hiện vào ban ngày chứ chẳng phải ban đêm như trong những câu chuyện truyền miệng. Đầu tiên là lão ăn mày què bí hiểm lúc nào cũng trầm ngâm ngồi ở góc chợ, thỉnh thoảng đôi mắt nhìn người khác lại vằn lên những tia máu đỏ. Có đứa trẻ con từng bắt gặp ánh mắt lão ăn mày què nhìn người khác với đôi mắt của loài dã thú, vì quá sợ hãi mà nó sốt hầm hập cả đêm. Tiếp đến là thằng Tứ cháo lòng cả người phảng phất mùi máu tanh của động vật. Nhiều người bảo, cái chết của thằng Tứ là do nghiệt oán của mấy con lợn bị giết tìm về đòi nợ. Thực ra những câu chuyện tương tự như thế xuất hiện đầy rẫy ở những miền quê hẻo lánh được người ta thêm mắm dặm muối vào cho tăng phần kịch tính.
Thế nhưng, nếu chỉ có vài chuyện vặt vãnh ấy thì hẳn là cũng không có nhiều điều để nói. Ấy vậy mà khi thằng Tứ vừa bị chết không bao lâu thì vợ chồng lão Tam Quỷ cũng xảy ra chuyện. Vợ Tam Quỷ bị treo cổ chết trên cây hòe, lưỡi thè ra cả tấc. Tam Quỷ chịu tang vợ chưa được mấy ngày cũng biến mất tự lúc nào không hay. Không ai biết gã đã đi đâu, đám dân buôn mỗi khi vắng khách lại xúm lại hùa nhau đồn đoán đủ thứ chuyện. Có kẻ bảo rằng Tam Quỷ bị hồn vợ bắt đi để đoàn tụ với thị dưới suối vàng, kẻ khác lại khăng khăng cho rằng hắn giết vợ rồi bỏ đi trong đêm. Chẳng biết ai đúng ai sai, chỉ biết rằng khi Tam Quỷ biến mất cũng là lúc lão ăn mày què bỏ đi. Người trong chợ lờ mờ đoán ra sự vắng mặt của Tam Quỷ có liên quan đến lão ăn mày, dù cho chẳng ai có bằng chứng xác thực.
Đám dân buôn từ trước tới nay vốn dĩ ưa hóng chuyện. Một là để giết thời gian trong những lúc nhàn rỗi, hai là để nghe ngóng tình hình xung quanh. Chính điều này khiến cho nhà trọ của Tam Quỷ đông khách như thế. Từ ngày Tam Quỷ biến mất, căn nhà trọ tồi tàn của gã cũng bị bỏ hoang, khách buôn quá bước lỡ đường chẳng còn nơi nào tá túc. Có kẻ từ phương xa đến không biết quái sự xảy ra trước đó, bèn đánh liều ngủ tạm ở căn nhà trọ mà Tam Quỷ bỏ lại. Nửa đêm hôm ấy, người khách buôn bị bóng đè, trong cơn mơ màng người đó chỉ kịp nhìn thấy một người đàn bà toàn thân ướt sũng dính đầy hoa hòe cười the thé trong đêm. Người khách lầm bầm khấn với trong đầu đến khi gà gáy thì hết. Ban đầu người khách vốn nghĩ rằng có thể do đường xá xa xôi mệt nhọc nên sinh ra mộng mị. Nào ngờ đêm hôm sau khi ngủ lại thì lại thấy thêm một chiếc bóng xám nữa nhảy tưng tưng trên tán cây hòe, vừa nhảy vừa khóc lóc như một kẻ điên.
Người khách sợ đến nỗi bĩnh ra quần, không dám họ he nên đành nằm im chờ trời sáng. Người khách nọ vì quá hoảng sợ mới đem chuyện này kể với mấy người buôn bán đã lâu trong chợ. Từ đấy mới biết là hai căn nhà liền sát nhau vốn dĩ có ma. Có người còn kể rằng, những cái bóng màu xám nhạt đó vốn dĩ là chủ trước của hai ngôi nhà, chẳng may chết đột ngột nên quay về ám. Thế nhưng, hầu như người trong xóm chợ đều nhất trí rằng, so với những việc quỷ dị mà người ta từng chứng kiến thì sự kì lạ của nhà Tam Quỷ, nhà Tứ cháo lòng đều chẳng thể so sánh.
Nghe đâu có một thời gian dài, ở khu nghĩa địa phía sau núi thường có tiếng người gào thét thảm thiết trong đêm. Lạ một điều là tiếng gào thét ấy chỉ xuất hiện vào những đêm trăng tròn, người trong chợ mấy lần rình rập như + không chẳng thấy gì.
Lại nói, một tháng độ đôi ba lần, người ta lại thấy một cô gái thắt đáy lưng ong, xinh đẹp mĩ miều xuất hiện ở gần khu chợ.
Mấy gã đàn ông trong chợ định tiến đến buông lời trêu ghẹo thì thoắt một cái đã chẳng thấy bóng dáng cô ta đâu, cứ như thể cô ta đã tan biến vào không trung. Đám đàn ông đem chuyện này kể cho nhau nghe, có bà vợ nghe lén bèn đay nghiến chồng tham tửu sắc rốt cuộc gặp phải hồ ly không biết chừng. Sở dĩ chuyện về tiếng thét sau núi, chuyện cô gái lạ thấp thoáng bước đi khiến cho người ta cảm thấy rờn rợn là vì nó quá đỗi bí ẩn. Nhà Tam Quỷ hay Tứ cháo lòng thì người trong làng cũng suy đoán được vài phần, chỉ riêng hai câu chuyện quỷ dị kia thì chẳng có ai có thể giải thích được, khiến chúng có sự hấp dẫn dị thường. Những buổi vắng khách, những đêm giáp tết trông nồi bánh chưng, người trong chợ vẫn đem chuyện này ra bàn tán không ngừng.
Lại nói về làng Địa Ngục đêm giao thừa năm ấy, người ta còn chưa kịp hân hoan vì đã cứu được mấy đứa trẻ con trở về thì lại xảy ra thảm kịch. Ông đồ Lam hay chữ nhất trong làng bị chặt hai bàn tay, riêng đôi chân bị chặt làm ba khúc. Xác ông đồ Lam tơi tả nằm im lìm trong vũng máu lênh láng. Mấy người đàn ông trong làng cùng Tam Quỷ đứng ngây người khi nhìn thấy cái xác chết trước hiên nhà mẹ con thằng Đậu. Vài người phụ nữ tò mò bước tới xem, nào ngờ khi vừa trông thấy ông Lam người nào người nấy chẳng kịp hét lên tiếng nào, lăn ra ngất xỉu ngay tại chỗ. Đám đông nhất thời hỗn loạn, tiếng xe cút kít vang lên hòa với tiếng tiếng hét, tiếng khóc ngằn ngặt của lũ trẻ nhỏ, tiếng chân người bỏ chạy rầm rập khiến cho bầu không khí âm u của làng bỗng chốc bị phá vỡ.
Chỉ còn vài người đàn ông bạo gan nhất ở lại, trong đó có ông Thập, cụ Khảm, Tam Quỷ và vài người thanh niên chuyên vào rừng săn thú. Ông Lam chết rất thảm, đôi mắt ông mở to trừng trừng hướng ra ngoài cổng trước, khoang miệng méo xệch không sao khép lại được như thể ông vừa hét lên. Mùi máu tanh xộc lên khắp nơi, có ai đó run run hỏi:
“Ông ấy… ông ấy chết chưa?”
Một người khác gắt nhẹ:
“Hỏi vớ hỏi vẩn! Chết rồi còn đâu!”
Ông Thập lạnh cả người khi nhìn thấy xác ông đồ tả tơi như một con hình nhân bị xé nát, ông hít một hơi thật sâu từ từ tiến lại khẽ vuốt đôi mắt trong người đã khuất. Vuốt lần đầu tiên, ông Lam vẫn mở trừng trừng.
Vuốt lần thứ hai, vẫn mở.
Lần thứ ba, rồi lần thứ tư… Toàn thân ông Thập run lên, không biết vì hoảng sợ hay phẫn nộ. Thế là lại một người nữa vong mạng. Cụ Khảm đứng ở ngoài quan sát, bất chợt lên tiếng:
“Ông lão ăn mày què đâu? Chẳng phải ông ta ở trong nhà này sao?”
Tam Quỷ run run quay lại nhìn cụ Khảm, đoạn gã nuốt nước bọt một cách khó nhọc rồi cất lời:
“Đúng.. đúng rồi! Ông ấy hôm nay… hôm nay không thấy xuất hiện”
Ông Thập nhìn thoáng qua trong ngôi nhà tối om không một bóng người. Không cần vào bên trong kiểm tra ông cũng biết trong nhà chẳng có ai. Tam Quỷ run rẩy nói:
“Để tôi, để tôi đi vào trong tìm ông ấy xem thế nào!!!”
Không ai nói gì, ông Thập ngồi xổm bên cạnh xác của ông đồ Lam gương mặt đầy suy tư. Ông chỉ khẽ khoát tay tỏ ý dặn Tam Quỷ tránh bước qua xác người chết, cũng may Tam Quỷ hiểu ý, gã nhón bước chân để tránh đụng phải thi thể bị cắt khúc của ông đồ. Tam Quỷ đi vào dùng hòn đá đánh lửa để thắp chiếc đèn cầy, sau khi lục tìm một hồi, gã nói vọng ra:
“Không có ai ở trong này cả. Ông lão què biến mất rồi!”
Ông Thập hỏi lại:
“Có thấy gì lạ không?”
Tam Quỷ nhìn quanh gian phòng bé xíu tồi tàn đáp lại:
“Hình như…”
Tiếng nói của gã dừng lại đột ngột, gã kêu lên khe khẽ. Đám thanh niên ở ngoài cũng giật mình, cụ Khảm và ông Thập vội vã nhìn vào bên trong.
“Có cái gì đấy?”
Tam Quỷ lắp ba lắp bắp:
“Mất… mất một thứ”
Ông Thập sốt ruột:
“Mất thứ gì? Nói tôi nghe xem nào!”
Tam Quỷ trở ra, tay cầm ngọn đèn cây leo lét, gã nhìn thẳng vào mắt ông Thập rồi nói rành rọt:
“Mất hai con hình nhân thế mạng rồi!”
Cả ông Thập và cụ Khảm nhìn nhau trong lòng đầy kinh hãi. Hai con hình nhân thế mạng chẳng phải vốn là do thị Lam vợ ông đồ biếu hai người mới đến làng hay sao? Vì sao lại có thể trùng hợp đến thế? Chẳng lẽ hình nhân thế mạng mà ông Thập thấy trong mơ, rồi cả thằng Vẹt tận mắt chứng kiến lại là thứ đã chiêu hồn trẻ con. Chẳng lẽ bây giờ nó quay về đây để giết ông đồ? Vì sao đêm giao thừa ông đồ Lam đến đây? Đáng lẽ ông ta phải đi cùng với dân làng để gọi hồn vía lũ trẻ con về chứ? Hơn nữa, còn một điều rất quan trọng nữa đó là hung khí giết người ở đâu? Mấy người thanh niên chuyên vào rừng săn thú rừng đều biết rõ, thứ có thể cắt gọn gàng cổ tay, phần thân trên của người đàn ông phải là một con dao thật sắc và mảnh. Nếu là dao cùn thì thái thịt đã khó, huống hồ lại là chặt xương. Làm cách nào để có thể chặt thân người như băm rau như thế? Cụ Khảm và ông Thập nhìn nhau đầy hoang mang. Phải chăng thảm án đêm nay đều là do ma quỷ nhúng tay vào?
Một người thanh niên khẽ nhắc ông Thập:
“Bẩm ông trưởng làng! Xem chừng đã là giờ Hợi rồi! Sắp sang canh rồi ông ạ”.
Ông Thập không nói gì, ông biết anh ta đang chờ ông chỉ đạo để giải quyết cái xác, dù sao cũng sắp qua năm mới, ai lại muốn ngày đầu tiên trong năm lại đứng trong căn nhà lạnh lẽo để nhìn một cái xác bị chặt thành từng khúc? Nghĩ vậy nên ông Thập khẽ ra hiệu cho mấy người thanh niên đến xử lý. Đám thanh niên trong làng Địa Ngục tuy còn trẻ tuổi nhưng cũng thực là gan dạ. Họ im lặng gói từng mảnh xác của ông đồ Lam vào trong một manh chiếu rách tìm được phía sau nhà thằng Đậu. Thế nhưng khổ nỗi, xác của ông đồ Lam bị chặt đứt, một cái cẳng chân của ông tuột khỏi manh chiếu rơi xuống đất cái bịch. Cụ Khảm lắc đầu:
“Sao lại chết thảm đến mức độ này cơ chứ?”
Tam Quỷ lấy từ trong nhà một mảnh vải cũ kĩ bạc màu xem chừng là chăn của thằng Đậu khi còn sống mang ra. Mấy người thanh niên hiểu ý, bèn gói cái xác vào trong cái chăn, vô tình tạo thành một đống bùng nhùng. Có người quay lại hỏi:
“Bây giờ chúng con mang đi đâu ạ?”
Ông Thập khẽ nói:
“Tạm thời gói lại trong cái chăn, phủ cái chiếu lên để ở ngoài bìa rừng . Ngày mai đi đóng tạm một cái quan tài gỗ vàng tâm đơn giản rồi mới an táng được.”
Người nọ Dạ một tiếng rồi cùng cùng nhau đi thẳng. Cụ Khảm quay sang nhìn ông Thập đầy lo âu, cụ hỏi:
“Thế còn mẹ con nhà thị Lam thì ông trưởng làng tính thế nào?”
Ông Thập im lặng không đáp, vì chính ông cũng không biết phải nói gì với mẹ con thị. Mấy người thanh niên vừa đặt cái chăn đựng xác ông đồ Lam lên trên xe, bỗng từ đâu thị Lam chạy ào tới gào lên thảm thiết:
“Mình ơi! Mình! Mình ở đâu?”
Đám thanh niên bối rối, họ nhất thời không biết phải làm sao. Dường như người đàn bà nào cũng có sẵn trong mình sự linh tính đáng sợ. Thị Lam vừa nhìn thấy một đống bùng bùng trên xe cút kít, mắt thị đỏ hoe nhìn ông Thập:
“Chồng tôi đâu? Chồng tôi đâu hả ông trưởng làng?”
Ông Thập nhìn thị mà chính ông cũng cảm thấy sống mũi mình cay xè. Ông chưa kịp nói gì thì thị Lam đã xông tới bên cạnh cái xe, hất tung chiếc chiếu phủ hờ hững phía trên. Tay thị run run giở từng lớp vải sờn rách, tiếng nức nở của thị vang lên khiến bầu không khí trở nên rờn rợn. Vạt chăn cuối cùng lộ ra, phần thân trên của ông Thập cứng đơ nằm trong, đôi mắt ông mở trừng trừng như thể còn sống.
Thị Lam rú lên một tiếng vừa kinh hoàng, vừa xen lẫn sự đau thương đến cùng cực. Tiếng rú của thị to đến nỗi vang vọng khắp núi rừng, mấy tổ chim làm tổ trên cây nháo nhác bay đi, cả làng Địa Ngục ai cũng nghe thấy. Sau tiếng rú ấy, thị Lam không còn khóc thêm được một giọt nước mắt nào nữa. Miệng thị muốn gào nhưng không gào được, chỉ ngoác ra như cố khạc ra cơn đau dâng lên trong lòng. Thị quỳ xuống cạnh cái xe cút kít, ôm chặt lấy phần thân trên của chồng mà run rẩy. Tam Quỷ im lặng cúi đầu, cụ Khảm nắm chặt cây gậy trúc trong tay quay đi không dám nhìn. Ngay cả người đàn ông ngang tàng như ông Thập hay mấy người thanh niên đều đỏ hoe mắt. Có những việc trên đời này, dù quỷ dị đến mấy, cũng chẳng thể làm mờ đi sự đau khổ của người còn sống dành cho người đã chết. Sống gần nửa đời người, có lẽ phải đến giao thừa đêm nay ông Thập mới thấm thía điều đó.
Thị Lam sụt sùi một hồi lâu, ông Thập khẽ tiến đến lại gần thị dịu giọng nói:
“Mợ Lam à! Mợ bình tĩnh lại, mợ nghe tôi nói. Bác Lam mất rồi, mợ có khóc bác ấy cũng không sống lại được. Mợ phải để bác ấy an nghỉ chứ!”
Thị Lam dường như không nghe thấy gì, thị khẽ vuốt mấy lọn tóc lòa xòa trên trán chồng mình. Bất giác thị giật mình hỏi ông Thập:
“Đứa nào giết chồng tôi?”
Ông Thập lúng túng:
“Chuyện này… chuyện này chúng tôi quả thực chưa biết. Khi phát hiện ra thì bác ấy đã ra thế này rồi!!”
Thị Lam run run:
“Cả đời chồng tôi sống hiền lành? Làm gì tạo nghiệt với ai cơ chứ? Sao lại chết thảm thế này?”
Giọng nói thị nghẹn lại.
Cụ Khảm đến gần khuyên nhủ: Mợ Lam à! Mợ để chúng tôi đưa cậu ấy đi. Đừng để cậu ấy quyến luyến dương gian thêm nữa.
Thị Lam sẵng giọng:
“Đi đâu? Các người đưa chồng tôi đi đâu? Tết rồi ông ấy phải về nhà với vợ con chứ.”
Thấy thị Lam mất bình tĩnh, ông Thập nói nhỏ với mấy người thanh niên:
“Đưa xác thầy đồ về nhà ông ấy đi! Cắt cử một người trông xác ông ấy, đừng để cho thị Lam và mấy đứa trẻ con động vào.”
Đám thanh niên nhìn nhau, nhưng rồi cũng đành gật đầu. Cụ Khảm ngước nhìn bầu trời tối thui, khẽ thở dài:
“Giờ này sang canh rồi! Thế là cũng đến năm mới.”
Tiếng xe lọc cọc đi trên con đường đầy sỏi đá, tiếng sụt sịt của thị Lam càng khiến cho đêm giao thừa nhuốm màu u ám. Năm ấy, làng Địa Ngục đón tết trong sự im lặng đến rợn người. Không ai ra khỏi nhà, không ai cười nói, càng không có ai có đủ lòng dạ nào để chúc tụng nhau. Bầu không khí u ám trong làng bị thay thế bằng nỗi kinh hoàng tràn ngập.
Cả đêm hôm ấy, ông Thập ngồi thẫn thờ trước mâm cơm cúng tất niên mà không hề đụng đũa. Cái xác chết thê thảm của ông đồ Lam cứ hiện về trong đầu khiến cho ông cảm thấy mờ mịt. Từ lúc đưa ông đồ về nhà, cụ Khảm và ông Thập đã đặt ra hàng trăm hàng nghìn nghi vấn khác nhau. Không ai hiểu vì sao ông đồ Lam lại bị giết chết một cách tàn bạo như thế? Càng không hiểu lão ăn mày què đã biến đi đâu. Ví như lão khỏe mạnh, tay chân lành lặn đã đành, đằng này lão vác thân còn chưa xong, huống chi giết một người đàn ông khỏe mạnh. Sự mất tích của lão tại sao lại đáng ngờ đến thế?
Lại nói, hai con hình nhân thế mạng vẫn để trong nhà bỗng dưng biến mất. Điều này khiến cho người ta không khỏi ngừng thắc mắc. Điều làm ông Thập cảm thấy kì quái nhất là, lão ăn mày tại sao lại giết ông đồ Lam. Lão mới đến làng vỏn vẹn có vài hôm, cứ cho như lão giết thì động cơ nào thôi thúc lão? Nếu là Tam Quỷ biến mất, ông Thập có thể cho rằng chính Tam Quỷ giết ông đồ. Gã Tam Quỷ ấy không những có sức khỏe, tuổi tác lại không hơn ông Thập là bao. Càng nghĩ, ông Thập càng cảm thấy vấn đề khó hiểu đến mức kì quái. Trong lòng ông trào lên một nỗi phẫn nộ, cứ như thế này, e cả làng chẳng còn ai sống sót thêm một phút nào.
Đêm đầu năm ở làng Địa Ngục đã lất phất mưa xuân, tiết trời rét căm căm, chỉ cần thở nhẹ cũng có thể thấy làn khói trắng bay trước mặt. Cả cuộc đời ông, ngay cả khi chờ đợi đứa con hàng chục năm, chưa bao giờ ông cảm thấy mình vô dụng đến thế. Dù ở một nơi thâm sơn cùng cốc, nhưng một khi thân làm trưởng làng nhất thiết phải bảo vệ được người khác. Mọi việc càng lúc càng rơi vào bế tắc, ông Thập không thiết ăn thứ gì, chỉ có thể cầm vò rượu ngô tu ừng ực.
Thị Thập biện lễ cúng khấn xong xuôi đã đi nằm từ sớm, thị trằn trọc không ngủ được vì tiếng thét kinh hoàng của thị Lam lúc trước. Mà nào có phải một mình thị nghe thấy, dân trong làng này đều nghe rõ mồn một. Thị nghe thấy tiếng ông Thập thở dài, thị đoán ông chẳng còn lòng dạ nào đón tết. Đám trẻ con trong làng vừa tìm được hồn phách, tưởng đâu đã mừng, ai ngờ ông đồ chết bất đắc kỳ tử. Người già trong làng nhìn nhau buồn rầu, những người trẻ tuổi mang một tâm trạng căng thẳng phập phồng. Không nói ra nhưng ai cũng biết:
“Thời hạn trả nghiệp đã đến rồi!”
Thị Thập trở dậy bước ra khỏi buồng, thị đỡ ông Thập đang nằm vắt tay lên trán bên chiếc tràng kỷ cũ kỹ ở gian giữa. Tưởng đâu ông đã ngủ, nào ngờ khi thị vừa chạm tay vào người chồng thì ông Thập đã mở mắt, khoát tay bảo thị đi ngủ. Thị lắc đầu nhưng cũng chẳng nói gì bèn đi vào gian trong.
Rượu ngô không giúp cho ông Thập tỉnh táo, mà chỉ khiến cho ông thêm mệt mỏi. Lăn lội suốt mấy ngày trời, lúc này ông cảm thấy kiệt sức đến cùng cực. Cơn gió nhẹ khe khẽ thổi tung cánh cửa gỗ cũ mèm. Hơi lạnh xộc thẳng vào gian phòng nơi ông Thập đương nằm. Đúng lúc ấy, ông Thập nhìn thấy một bóng người chậm rãi tiến vào. Vì nằm nghiêng mặt xuống dưới đất nên thoạt nhìn, ông Thập chỉ thấy phần chân của người đó. Một cảm giác quen thuộc kéo đến.
Người này, đi một đôi hài màu đỏ!
Ông Thập ngẫm nghĩ trong đầu, hình như đôi hài này ông cũng đã thấy ở đâu đó. Một tia sáng vụt lóe lên trong đầu ông:
“Đôi hài đỏ này là của cụ Táo Quân đây mà!”
Ông nhổm người dậy để nhìn cho rõ. Người đi đôi hài đỏ đó đứng trước mặt ông, mặc một chiếc triều bào giống như quan lại, hai tay đan vào nhau khiến tay áo phủ trước bụng, thân thể của người ấy không như người bình thường mà ẩn hiện như khói như sương. Có một điều khiến ông cảm thấy kì lạ là người đó không hề nói nửa lời, xung quanh có một màn mây đen bay lảng bảng. Ông Thập ngây người ra không nói được câu gì. Một lúc sau người đi hài đỏ khẽ tan biến, ông Thập giơ tay ra định níu giữ người đó. Thế rồi ông giật mình mở mắt, tay ông vẫn giơ ra phía đằng trước, cánh cửa chính mở toang. Lại là một giấc mơ lạ lùng.
Ông Thập trở về buồng, nằm thao thức đến sáng. Ông không hiểu nổi giấc mơ ấy có nghĩa ra sao, liệu nó có liên quan gì đến những điều kinh hoàng diễn ra ở làng Địa Ngục? Ông bần thần nhớ lại chính lão ăn mày què đã giải mộng cho ông hồi mới quen biết. Ông tự hỏi mình, lão ăn mày què có phải là người đã giết ông đồ Lam, giết cô Hạch, rồi giết cả ông Võ Tòng hay không? Chẳng lẽ lão cũng là người đứng sau âm mưu đoạt hồn phách của lũ trẻ con? Còn cả ông đồ Lam nữa, ông Thập nhíu mày nghĩ tới gương mặt của ông đồ khi chết. Đôi mắt mở to sợ hãi, miệng há hốc kinh hoàng.
“Ông đã thấy điều gì trước khi chết thế? Ông có thể hiện hồn về nói cho tôi biết không?”
Ông Thập vừa nghĩ vừa thở dài vừa buồn bã. Ông Thập khẽ nhắm mắt, một giấc ngủ chập chờn kéo đến. Ông chẳng thể biết được rằng, chỉ vài canh giờ sau đó, quỷ sự lại tiếp diễn ở làng.
Sáng mồng Một tết năm nào ở làng Địa Ngục trời cũng mưa tầm tã. Người ta bảo rằng đó là đám cô hồn dã quỷ khóc lóc tủi thân vì không có nhà để về sum họp. Có người thắc mắc, nếu là cô hồn khóc thì làm sao có thể mưa lớn được như thế chứ? Rằm tháng bảy là ngày cô hồn lên dương gian cũng chỉ mưa rả rích thôi mà. Người làng cho rằng, mưa lớn là bởi số cô hồn dã quỷ đầy oán niệm tụ tập quanh làng quá nhiều. Biết bao nhiêu sinh mạng vô tội bị băng cướp lấy mất, chẳng ai có thể đếm nổi. Mưa lớn, đồng nghĩa với việc oán hồn nhiều, giống như bầy đom đóm đêm đêm bay qua bay lại trong làng vậy. Chẳng trách người ta vẫn bảo, ngọn núi nơi làng Địa Ngục sinh sống, âm khí bay ngập trời. Có lẽ vì mặc cảm tội lỗi sinh ra làm con cháu của băng cướp mất hết nhân tính, cho nên vào ngày mồng Một người làng Địa Ngục kiêng kị không ra khỏi nhà, không cười nói rộn ràng để tránh khuấy động các oán hồn xung quanh. Việc đó trải qua mấy mươi năm, lâu dần thành lệ.
Mồng Một tết năm ấy, không khí xuân trong làng tang tóc đến mức ngột ngạt. Ấy là bởi, ngày hôm nay trong làng có đám tang. Ngày phát tang ông đồ Lam diễn ra trong cơn mưa lạnh lẽo. Vài người thanh niên tốt bụng đêm qua đã thức trắng đêm để đóng một chiếc quan tài cho người đã khuất. Suy cho cùng thì ông Lam cũng đã dạy cho trẻ con ở làng này biết đọc, biết viết. Tuy chẳng thể băng rừng, vượt dốc để thi thố với đời, nhưng dù sao cũng hơn những kẻ khốn cùng thất học. Người làng vốn dĩ đã gắn bó với nhau, huống chi lại là người được làng trọng vọng, cho nên đám tang của ông Lam đông người đến lắm. Thằng Tũn con ông Lam đứng ngây ngốc trong góc nhà, mặc cái áo xô trắng tinh, nhìn thấy ai cũng cười khành khạch. Ban đầu, người trong làng còn tưởng nó đau lòng quá nên ngơ ngẩn đến phát điên, nhưng rồi thấy con tí, thằng tèo cũng đều ngây dại như vậy.
Người trong làng cảm thấy hết sức kì quái. Có người đàn bà tốt bụng tìm thị Lam để chia buồn, nào ngờ thấy thị Lam ngồi giữa đống hình nhân giấy trong nhà vừa lẩm bẩm, vừa cười tủm tỉm một mình. Nhà ông đồ Lam có một gian nhà kho nhỏ phía sau, ngày thường thị Lam vẫn ngồi đó để làm đồ hàng mã, đến khi hoàn thành mới đưa lên nhà trên. Lúc bấy giờ, người đàn bà thấy thị Lam ngồi đó bèn tiến lại gần rồi gọi nhỏ:
“Mợ Lam! Mợ Lam ơi!”
Thị Lam vờ như không nghe thấy, thị vẫn tiếp tục ngồi chơi với con hình nhân giấy trong tay. Con hình nhân này thoạt nhìn là có thể nhận ra ngay đó là nam giới, gương mặt nó toát lên một nỗi buồn phảng phất, nhưng đôi môi nó lại mỉm cười. Điều sợ nhất, đó là con hình nhân chỉ có nửa thân trên. Dưới vạt áo của thị Lam là đôi chân làm bằng tre bọc giấy màu của nó, nhưng đã bị cắt rời. Người đàn bà trong làng lạnh cả người khi thấy cảnh tượng đó, bà cố trấn tĩnh rồi khẽ nói:
“Mợ Lam ơi! Chúng tôi đến giúp mợ làm đám tang đây! Cụ Khảm và ông Thập cũng sắp đến rồi, mợ dậy đón khách chứ!”
Thị Lam đương lẩm bẩm, bỗng nghe thấy hai từ đám tang, vẻ mặt ngây ngốc của thị lập tức thay đổi. Thị rùng mình một cái rồi rít lên the thé:
“Á à!!! Á à! Tao biết rồi nhé! Mày là thằng ăn mày què! Mày giết chồng tao, giờ còn vác xác về đây nữa à!”
Người đàn bà trong làng giật mình, bà hoảng hốt ngã phịch xuống đất rối rít thanh minh:
“Mợ Lam! Mợ làm sao thế? Là tôi đây mà! Tôi có giết ông đồ đâu!”
Thị Lam không để ý đến lời người đàn bà đó nói, thị cầm một con dao nhỏ xíu sắc lẻm vốn dùng để rọc giấy màu hùng hổ xông đến chỗ người đàn bà. Thị cất tiếng cười the thé, đôi mắt thị long lên sòng sọc, mũi dao chém nhẹ qua không khí tạo thành một tiếng vút….
“Ối giời ơi! Nó giết tôi cả làng ơi!”
Người đàn bà rú lên khiếp đảm, bà ôm gương mặt đầy máu bỏ chạy khỏi gian nhà cũ kỹ phía sau.
Người trong làng lúc đó còn đương ở trên nhà xúm xít hỏi thăm ông Thập. Dường như tất cả mọi người đều đến đông đủ, chỉ trừ có thị Thập đương nấu cơm cúng ở nhà, và Tam Quỷ sốt hầm hập cả đêm hôm qua trong căn nhà mẹ con thằng Đậu. Mọi người xôn xao hỏi quỷ sự vừa mới ập đến đêm qua, chẳng hiểu vì sao mà dân trong làng ai nấy đều biết rằng lão ăn mày què đã biến mất. Việc mất tích đột ngột này khiến cho người trong làng cảm thấy rúng động. Rõ ràng chính lão là người đã khiến cho ông đồ Lam chết thảm, sau đó biến mất một cách đáng ngờ, ma không biết quỷ không hay. Thậm chí, ngay cả chi tiết thằng Vẹt nhìn thấy con hình nhân mặc áo đỏ dẫn hồn phách của trẻ con đi trong đêm cũng được loan truyền trong cả làng. Người ta cho rằng, việc hai con hình nhân biến mất cũng lão ăn mày què chính là câu trả lời cho sự quái lạ trong những ngày gần đây. Thế nhưng, người làng tự dặn lòng rằng, nếu như không phải do đích thân ông trưởng làng xác nhận thì mọi việc có lẽ chỉ là đồn đoán.
Sự việc xảy ra quá chóng vánh trong đêm giao thừa, đến ngày mồng Một người làng đã thấy thi thể ông đồ Lam được đưa vào quan tài đóng chặt. Dù không thể tận mắt chứng kiến thi thể tơi tả của người quá cố, nhưng nghi vấn của dân làng vẫn cần có người giải quyết, thế là khi ông Thập vừa đến đã bị dân làng quây lại để hỏi đủ thứ. Ông Thập vốn đã lường trước được tình huống này, thế nhưng trong thâm tâm ông không muốn việc gì có thể ảnh hưởng đến tang lễ của ông Lam, thành ra ông chẳng thừa nhận, cũng chẳng chối từ. Ông chỉ lắc đầu nói:
“Mọi việc tôi và cụ Khảm vẫn còn đương bàn bạc. Có kết quả nhất định sẽ cho bà con hay!”
Dân làng vừa bất ngờ, vừa sợ hãi, họ nhốn nháo mỗi người một lời. Có kẻ chửi đổng lão ăn mày què, có người trách ông Thập cổng rắn cắn gà nhà. Thậm chí bố thằng Vẹt còn hùng hổ cho rằng chính Tam Quỷ và lão ăn mày què là một giuộc, đòi xách dao đến nhà mẹ con thằng Đậu để xử lý lũ sát nhân. Lũ trẻ con nhà ông đồ Lam thấy sự việc ầm ĩ, chúng chẳng hiểu gì nhưng đều ngơ ngác đứng xem. Chẳng những không khóc mà còn cười sằng sặc. Tất cả tạo nên một khung cảnh hỗn loạn kinh hoàng.
Đúng lúc ấy, một tiếng hét thất thanh từ phía gian nhà dưới vọng lên. Mọi người lập tức im bặt, để nghe cho kỹ. Tiếng bước chân chạy lẹt bẹt, tiếng cười sằng sặc vang lên, người đàn bà trong làng ôm gương mặt đầy máu chạy ra phía trước. Có lẽ vì đau quá nên bà chẳng chạy được nhanh. Đằng sau bà là thị Lam tóc tai xõa dài như quỷ dạ xoa, hai răng thị đầy máu, một tay thị ôm con hình nhân bị đứt chân, tay còn lại thị cầm con dao sắc mảnh đuổi theo người đàn bà trước mặt. Người làng ngây người chứng kiến cảnh tượng phía trước. Thậm chí mấy gã thanh niên trai tráng cũng đờ ra vì sợ hãi. Người đàn bà trong làng bị rạch một đường dọc từ trán tới tận ngực, máu chảy xối xả theo từng bước chân của bà. Bà chạy về khoảng sân nhỏ trước sân nhà ông đồ Lam để cầu cứu. Đột nhiên bà vất phải một mô đất do đụn mối ùn lên, cả người bà ngã nhào về phía trước.
Thị Lam đương cơn say máu, thị thở hồng hộc rồi gầm gừ như một con thú dại. Người đàn bà ngã ngửa ra đất, rối rít van xin:
“Mợ Lam! Mợ Lam! Là tôi đây mà!”
Thị Lam không nói không rằng, cầm dao thọc thẳng vào tim người đàn bà nằm xống xoài dưới đất. Một tiếng phập vang lên, người đàn bà co giật mấy cái rồi lịm hẳn. Đám dân làng lúc này vẫn đứng im không nhúc nhích, ai nấy đều sững sờ không nói được thành lời.
Sự việc xảy ra chỉ trong một tích tắc khiến chẳng ai có thể phản ứng, người ta kêu lên thảm thiết. Bà Tư mẹ cô Hạch thốt lên một tiếng rồi ngất lịm đi, cô Chiêm sững sờ ngồi phịch xuống đất toàn thân run lên bần bật. Cậu Đức, ông Thập, cụ Khảm vội vàng lùi lại một bước phòng khi thị Lam nhào đến. Ấy thế mà không, thị Lam cười thích thú trước cái xác chết tươi trong sân nhà mình. Thị phấn khích hét lên the thé:
“Đáng đời mày nhé thằng què ăn mày! Mày giết người phải đền mạng! Giết người phải đền mạng nhé, mày biết chưa? Ha ha ha ha.”
Thị khoan khoái rút con dao ở ngực người chết, một tia máu phụt lên. Gương mặt thị bị máu bắn vào khiến cho thị giật mình. Thị hoảng hốt, vội cầm con hình nhân áo đỏ cụt chân chạy về phía nhà sau, bỏ lại dân làng đứng như trời trồng nhìn thị. Thằng Vẹt là người đầu tiên phá vỡ bầu im lặng đến ngây người đó. Nó lắp bắp:
“Bà ấy… bà ấy điên rồi.”
Thị Lam đã hóa điên vào ngày mồng Một tết như thế. Mà không phải một mình thị hóa điên, mấy đứa con của thị cũng trở nên ngây dại. Căn nhà kề bên lũy tre xanh rì rào đã từng tràn ngập tiếng nói cười, nay chỉ còn tiếng cười man dại.
Mọi người hoảng hồn vội vàng bỏ chạy gần hết. Ông Thập đuổi theo gào khản cả cổ xin người ta ở lại giúp chôn cất ông đồ Lam và người đàn bà lớn tuổi, nhưng chẳng ai dám lại gần. Người ta sợ bản thân mình sẽ chết thảm thương như họ.
Giờ ngọ hôm ấy thị Thập mới tất tả đến nhà ông đồ Lam. Dọc đường thị nghe văng vẳng thấy tiếng khóc, thị nhìn quanh thì nhà nào cũng đóng cửa chặt. Trời mới tạnh được vài canh giờ, vậy mà đến chính ngọ lại mưa tiếp. Manh áo tơi cũ kỹ trên người thị không ngăn nổi làn mưa lạnh ngắt. Tiếng mưa lớn lắm, nhưng cũng chẳng thể át được tiếng khóc nức nở, thị Thập đoán là có ai đó sợ hãi vì những cái chết trong làng nên hoảng loạn.
Ấy vậy mà khi đến nhà ông đồ Lam, thị lại nghe tiếng cười khanh khách từ bên trong phát ra.
“Kì quái thật! Sao lại có thể cười vào lúc này chứ?”
Thị nghĩ thầm rồi im lặng bước tới. Vừa đến sân, thị giật mình phát hiện ở sân có một vũng máu hòa lẫn với nước mưa. Thị chạy vội vào trong nhà thì thấy ông Thập, thằng Vẹt, cậu Đức, cụ Khảm ngồi im lặng bên cái xác thứ hai được phủ lên tấm chiếu mốc meo.
Không cần phải hỏi, thị cũng biết trong làng vừa có người mới chết. Thị run rẩy đi đến gần chồng, ông Thập không trả lời chỉ lặng lẽ cúi đầu. Trong gian nhà phủ đầy khói hương nghi ngút, có hai cái xác chết và mấy đứa trẻ con điên điên dại dại bật cười khanh khách. Mồng Một tết… vốn dĩ phải vui.. sao lại kinh hoàng đến thế?
Cuối giờ Thân hôm ấy người ta mới lầm lũi đưa xác chết đi chôn. Ông đồ Lam vốn dĩ đã nằm trong quan tài gỗ vàng tâm, nhưng người đàn bà thì được gói lại bằng manh chiếu mỏng. Bà vốn dĩ cũng có chồng có con, thậm chí còn có tận hai đứa nhỏ. Bà hành nghề đỡ đẻ trong làng, còn chồng bà trời sinh tàn tật chỉ có thể ở nhà giúp vợ dệt vải, nấu cơm. Cuộc sống tuy không quá đủ đầy nhưng lại đầm ấm vui vẻ. Ngẫm lại cũng đúng, cái họa của làng vốn không thể đông con nhiều cháu. Nhà bà lại có tới hai đứa con, kể như cũng có phúc phần. Thế mà cách đây mấy năm, một hôm trời mưa to gió lớn, có con rắn chui vào nhà bà đẻ con. Đứa con bà khi ấy mới chín tuổi, nhìn thấy quả trứng trắng tinh trong gầm giường bèn bò vào để xem. Thế là bị rắn mẹ cắn, chết tươi.
Vợ chồng người đàn bà cứ nghĩ con lớn đi chơi với bầy trẻ trong làng, nên cũng không suy nghĩ nhiều mà ôm đứa nhỏ hơn ngủ trưa trên giường. Được một lúc thì người đàn bà thấy nặng nặng ở bụng dưới, bèn ngồi dậy ra sau nhà tiểu tiện. Con rắn lúc ấy bò lên, cắn chết cả ông chồng và đứa nhỏ. Khi người đàn bà trở vào thì thấy chồng con mình đã sùi bọt mép chết từ lúc nào. Bà hoảng hồn chạy ra tri hô cầu cứu. Lúc đó ông Võ Tòng còn sống, ông vừa đi mổ lợn cho nhà khác về, vừa hay có tiếng kêu thất thanh bèn chạy vào. Xác người la liệt trong nhà khiến cho ông giật mình kinh hãi. Nghe đâu, lúc ông cúi xuống gầm giường thì thấy đứa con lớn đã nằm còng queo ở dưới. Thế nhưng, điều khiến người ta rùng rợn đó là không hề thấy con rắn và đống trứng ở đâu, dù người làng đã xác nhận ba mạng người chết vì rắn cắn. Từ khi chồng chết, người đàn bà đỡ đẻ sống một mình thui thủi. Trẻ con trong làng gọi bà là bà Mệ, như một cách kính trọng người đã đưa mình từ trong lòng mẹ ra đời. Chẳng ai ngờ rằng, mồng Một tết năm ấy, bà Mệ lại ra đi chóng vánh như vậy.
Vốn dĩ ông Thập muốn làm tang lễ cho bà chu đáo, nhưng ngặt nỗi chẳng ai dám lại gần ngôi nhà của ông đồ Lam. Người ta bảo nhà đó toàn người điên, đến gần sẽ bị giết chết. Cực chẳng đã, ông Thập đành cùng cậu Đức rón rén lại phía sau nhà nơi thị Lam đang ngây dại, khóa cửa nhốt thị phía trong.
Đoạn lại lấy xe chất cỗ quan tài của ông đồ Lam lên xe đẩy, xác bà Mệ được đặt bên trên quan tài. Một chiếc xe nhỏ cõng hai cái xác lầm lũi đi trong buổi chiều tang tóc. Phải đến khi ra gần đến bãi tha ma, mới có mấy người làng đi tới. Ai nấy cũng đều cầm trong tay một chiếc dao đi rừng, có lẽ là để phòng bất trắc. Riêng cụ Khảm tuổi cao sức yếu, đành cáo từ về trước.
Mưa lớn nên đất mềm, người ta đào huyệt rất nhanh. Người làng mang ơn bà Mệ, mang ơn thấy như dài cả thế kỷ. Chẳng lẽ số mệnh của ông sắp tận?!
ông đồ Lam nên bất chấp bầu không khí kinh hoàng để đưa người đã khuất yên nghỉ. Cái chết của ông đồ còn nhiều ẩn khuất, cái chết của bà Mệ quá kinh hoàng, nay lại cô đơn về yên nghỉ dưới nấm mồ lạnh lẽo một mình. Chẳng phải quá tàn nhẫn với họ hay sao? Khói hương nghi ngút, từ bãi tha ma mà người ta vẫn nghe rõ mồn một tiếng cười sằng sặc đến nghẹn họng của thị Lam ở nhà. Gió thổi hiu hắt, tiếng thị Lam rõ mồn một:
“Thằng ăn mày què! Tao phải giết mày! Giết người đền mạng! Giết người đền mạng biết chưa?!”
Từng câu Giết người đền mạng như cứa vào lòng người còn sống, hay nói đúng hơn là còn tỉnh táo. Ngay cả người can đảm như ông Thập cũng rùng mình ớn lạnh. Ông Thập lặng lẽ với chào hai người đã khuất, trên đường về tiếng lão ông mày què vang lên trong tâm trí ông:
“Đời ông sẽ gặp họa sát thân vào năm ba mươi chín tuổi. Không tránh được!”
Chỉ mới cách đây một thời gian ngắn ngủi thôi, sao mà ông cảm thấy trĩu lòng, ông Thập khẽ nhìn bà Thập đương im lặng bước theo sau. Ông hít một hơi thật sâu rồi tự nhủ với lòng mình. Nếu phải chết thì một mình ông chết là đủ, người làng nhất định phải có người sống sót.
Tối hôm đó, ông lặng lẽ ngồi nghiền ngẫm lại mọi chuyện xảy ra từ trước tới nay, biết đâu sẽ phát hiện được điều gì đó! Nào ngờ, trăng thượng huyền vừa mới lên, chính mắt ông nhìn thấy con hình nhân áo đỏ đứng ngoài cửa sổ mỉm cười ma quái.