Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 14
HỒI THỨ MƯỜI BA
MỒNG HAI TẾT CẢ LÀNG CHÔN SỐNG
Ông Thập sững người, làm rơi chén nước trong tay khiến vạt áo màu tím than ông đương mặc trên người ướt sũng. Ánh trăng non đầu tháng mờ mờ nhưng cũng đủ soi tỏ thứ quái dị lấp ló ngoài cửa sổ.
Con hình nhân lơ lửng ở trên không trung, làn gió đêm xuân nhè nhẹ thổi khiến cho thân hình nó phất phơ quái dị. Đôi mắt nó đảo liên hồi, giống như những con rối nước được người giật giây. Khóe miệng nó được điểm bằng màu đỏ tươi, không ngừng mỉm cười ngoác rộng đến mang tai. Con hình nhân thế mạng mặc một chiếc áo dài đỏ, trước thân điểm xuyết vài bông hoa đơn điệu, hai tay nó giang rộng sang hai bên. Từ chỗ ông Thập ngồi cho tới chỗ nó đứng chếch một góc khoảng 45 độ, ông Thập thấy rõ cái đầu nhỏ xíu của nó khẽ nghiêng qua cửa sổ để nhìn ông. Khi hai ánh mắt bắt gặp nhau, con hình nhân mỉm cười ma quái.
Giây phút ấy bụng ông Thập như có ai đó thúc mạnh một cái, dọc sống lưng ông lạnh cóng như ướp băng. Ông Thập ngẩn người nhìn theo con hình nhân, bầy đom đóm bay lảng vảng xung quanh nó khiến khung cảnh càng trở nên quỷ dị. Tiếng chó sủa trong làng vang lên, tiếng bước chân người từ đằng xa vọng lại. Con hình nhân áo đỏ thoáng vẻ đắc ý, nó đảo tròng mắt về phía xa xa như muốn nói với ông Thập:
“Có chuyện lạ rồi kìa! Ra mà xem!”
Ông Thập ngây người ra chưa hiểu chuyện gì thì một cơn gió lạnh thổi tới làm cánh cửa sổ bằng gỗ đã mòn vẹt đập tung vào bức vách cũ kỹ. Trong tích tắc, con hình nhân thế mạng biến mất như chưa từng xuất hiện, tiếng chó sủa vọng lại từ đằng xa cũng nhỏ dần rồi dừng hẳn.
Ông Thập bần thần cả người. Cuộc gặp gỡ chớp nhoáng giữa ông và con hình nhân mặc áo đỏ khiến cho bản thân ông, dù can đảm nhưng trong lòng cũng quặn lên một nỗi sợ hãi mơ hồ. Ông khẽ lấy chiếc điếu cày, run run mồi một đóm lửa tàn bên cái đèn cầy rồi im lặng suy nghĩ. Đích thị đó là con hình nhân mà ông đã gặp trong mơ, vạt áo dài của nó, đôi mắt xếch kéo dài về phía thái dương, cùng cái đầu lúc lắc như vừa từ trong cơn mộng mị của ông mà bước ra ngoài đời thực. Chỉ có điều… ông cảm thấy có một thứ gì đó là lạ từ phía con hình nhân ấy. Nó rất khác so với lần ông nhìn thấy trong mộng. Ông suy nghĩ mãi nhưng cũng không định nghĩa được sự khác biệt đó là gì cả. Hơi thuốc lào bốc lên khiến ông thoải mái thêm dù chỉ là đôi chút. Ông đi đi lại lại trong nhà, đôi guốc mộc của ông vang lên đều đặn.
Trong đầu ông lúc này hàng loạt những suy đoán tràn đến không ngừng. Ban đầu ông nghĩ đến cái chết của cô Hạch. Con bé nghĩ lại cũng thật thảm thương, chắc hẳn nó phải ngâm mình ở dưới suối lâu lắm thì bầy cá chép mới có thể rỉa thịt đến tận xương như thế. Hình ảnh đoạn ruột non của cô Hạch câu được một con cá chép háu ăn khiến ông Thập cảm thấy một cơn buồn nôn trào dâng trong lồng ngực, rồi dồn lên cổ.
Tiếp đến là việc ông Võ Tòng bị nướng chín, chỉ chừa lại mỗi cái đầu còn sống cùng đôi mắt trợn tròn kinh ngạc. Ông Thập đã suy tính điều này với cụ Khảm từ lâu. Năm xưa chính người này đã từng bắt cá chép ở dưới suối lên nướng ăn rồi phát cho bọn trẻ con, trong đó có ông đương chơi gần đó. Trẻ con vốn dĩ chẳng biết chuyện gì nên mới ăn cá đã đành. Đằng này, ông Võ Tòng lại là người lớn lại là người thuộc thế hệ khai hoang ở mảnh đất âm u này, cớ sao lại không biết điều cấm kị về bầy cá chép đen ấy. Những người ăn cá sau này cũng đều bị báo thù cả, từ cô Hạch chịu nạn thay cho ông Tư, cho đến ông Thập ăn trứng nên mãi mà chẳng có con, rồi ông Võ Tòng chết như một con cá chép nướng năm nào.
Ông Thập thở dài, bỗng dưng ông nhìn lên trên bức vách nhà mình có treo một chữ Phúc viết bằng mực tàu trên tờ giấy đỏ lòm đến chói mắt. Bút tích này vốn của ông đồ Lam, có ai ngờ rằng đây là một trong những nét chữ cuối cùng mà ông đồ để lại trước khi mất. Ông Thập tần ngần nhìn bức tranh chữ một hồi lâu, đôi tay ông ẽ chạm vào tờ giấy. Bức tranh còn chưa đóng bụi, nhưng người đã ra đi chẳng thể trở về.
Trong số những người chết bất đắc kỳ tử ở làng, người khiến ông Thập day dứt xót xa nhất là ông đồ Lam. Nhớ hồi niên thiếu, ông Thập và ông Lam thường hay chạy ra rặng núi sau nhà dạo chơi. Ngày ấy, cuộc sống ở làng vốn dĩ yên bình đến nỗi người ta cảm thấy tẻ nhạt. Hai người thân nhau đến nỗi người lớn trong làng gọi là bọn Thập Lam, ý nói có thằng Lam chắc chắn sẽ có thằng Thập, mà khi đã có thằng Thập chẳng thể nào vắng bóng thằng Lam.
Thế rồi có một câu chuyện lạ lùng xảy ra vào mùa đông năm ấy. Khi đó cả hai vừa tròn chín tuổi. Ở độ tuổi ưa khám phá, lại sẵn bản tính gan dạ, tò mò, hai ông thường rủ nhau đi chơi thật xa, khám phá những nơi mà đám trẻ con trong làng chẳng khi nào dám mò tới. Lần đó, ông Thập và ông Lam đi vào rừng tìm nấm, trước khi đi bà nội ông Thập đã dặn nhất định phải về nhà trước khi trời tối. Hai đứa nhỏ nhìn nhau cười rồi ôm bọc xôi, dắt chiếc dao ngang bụng thẳng hướng rừng mà tiến tới.
Vốn dĩ tìm nấm không phải chuyện dễ dàng, nhất là mấy bụi nấm ở bìa rừng thì lũ trẻ con trong làng đều đã nhổ hết. Hai đứa nhỏ tìm một lúc không thấy tăm hơi cây nấm nào, bèn rủ nhau đi vào sâu trong rừng. Đến gần trưa thì chúng tìm được vô vàn nấm ở bên cạnh mấy cây thông cao vút. Cả hai hăm hở hái, vừa nói vừa cười vì phen này chúng biết thế nào cũng được thầy u khen, còn lũ trẻ con trong làng sẽ há hốc mồm ra vì ganh tị. Mỗi cây nấm hái được cho vào chiếc gùi mây choàng sau lưng, khi chiếc gùi mây đã nặng trĩu, chúng mới dừng tay để kiếm một vạt cỏ khô ráo gần đó để nhấm nháp chút xôi lót dạ. Đương ăn uống ngon lành, ông Lam bỗng nhìn thấy một gò đất nơi bụi cây mọc nhô lên một cách kì quái, một hàng dây leo phủ lên trông hệt như một túp lều nho nhỏ màu xanh biếc. Ông Lam khẽ hất hàm để tạo sự chú ý cho ông Thập rồi nói:
“Này! Mày nhìn thấy gì ở kia không?”
Ông Thập ngước mắt về phía gò đất phủ cỏ xanh rì ở trước mặt, bèn hỏi:
“Thấy gì là thấy gì? Tao thấy cây!”
Ông Lam chép miệng:
“Mày không thấy cái đám cây kia như đang phủ lên một cái gò đất à?”
Ông Thập quan sát một chút rồi lắc đầu:
“Nếu gò đất thì làm sao mà cao đến thế được, chẳng phải sẽ bi lũ quét sạch à? Tao nhìn nó giống như một hang thì đúng hơn!”
Ông Lam hứng chí vỗ đùi cái đét rồi mới bảo:
“Đúng! Tao cũng nghĩ như thế!”
Cả hai nhìn nhau, chẳng cần phải nhiều lời chúng đều cảm thấy cơ hội khám phá lại đến. Thế là chúng bỏ chiếc gùi đầy nấm thông ở lại, dùng con dao dài phạt bớt đống dây leo trước cửa hang. Cửa hang không quá lớn, đám dây leo phủ dầy như thể chưa có ai phát hiện ra nơi đây.
Sống ở vùng núi từ nhỏ, cả hai đều biết phải làm gì trước khi vào hang động lạ. Chúng lấy một ngọn đuốc nhỏ rồi mồi lửa cho cháy rực, khẽ đưa đuốc vào cửa hang tiếp đến khua khoắng vài cái rồi mới quan sát hang dưới ánh sáng mờ mờ. Việc này vừa khiến cho khí độc trong hang giảm bớt, lại vừa dọa côn trùng rắn rết trong đó khi cần. Một lúc sau không thấy có gì bất ổn, chúng mới khom người chui vào bên trong. Cửa hang cao bằng đầu hai đứa nhỏ, cho nên chúng phải khom người thật sát mới có thể đi được. Ban đầu hai đứa vốn nghĩ cái hang này cùng lắm chỉ là một hốc đá để trú chân khi trời đổ mưa.
Ấy vậy mà càng đi vào bên trong hang lại càng rộng, thậm chí trong góc còn có một hồ nước nhỏ trong vắt, chỉ có điều diện tích của hồ nước này chỉ lớn hơn miệng giếng một chút. Ông Thập thầm quan sát thì thấy bên trên hồ nước có khe đá lộ thiên, vô tình tạo thành một cái giếng trời thứ thiệt. Có lẽ chính điều đó khiến cho cái hang vừa có không khí lưu thông, lại có ánh sáng và mạch nước ngầm chảy xuống.
Ông Lam soi đuốc về phía trước khe khẽ nói:
“Hang này là hang cụt, chỉ có mỗi cái giếng trời cao vút này thôi!”
Ông Thập nhìn quanh nhưng không đáp, không hiểu sao ông cứ có cảm giác lạ lùng kể từ khi đặt chân vào cái hang này. Dường như việc phát hiện ra cái hang khiến cho ông Lam phấn khích vô cùng, vừa đi xung quanh ông vừa đắc ý cho rằng nơi đây sẽ là điểm bí mật mà chỉ hai người biết, ông còn bảo phen này lũ trẻ con trong làng sẽ thèm nhỏ dãi cho mà xem.
Mải suy nghĩ về những viễn cảnh trước mắt, ông Lam vô tình vấp ngã vào một phiến đá khiến cho cây đuốc lăn lông lốc trên mặt hang rồi tắt ngóm. Thấy vậy, ông Thập vội vàng chạy lại đỡ bạn, ông Lam bị đá làm xước chân chảy cả máu. Mặc dù không quá đau, nhưng trẻ con vốn hay hờn dỗi, ông Lam quay lại nhổ nước miếng vào phiến đá nhỏ rồi lẩm bẩm chửi thề vài câu. Đúng lúc ấy, ông Thập nhìn thấy sau phiến đá nhỏ có một thứ gì đó là lạ màu trắng.
Ông Thập khẽ gọi bạn:
“Lam! Lam! Lại đây, hình như tao nhìn thấy cái gì ấy!”
Ông Lam tập tễnh bước lại, tò mò hỏi nhỏ:
“Mày thấy cái gì?”
“Không biết! Hình như có cái gì màu trắng trắng”
Ông Thập cố gắng nhìn qua khe hẹp của phiến đá rồi trả lời.
“Có khi nào là vàng bạc không?”
Ông Lam khấp khởi hy vọng.
Ông Thập không nói gì, ông đưa cây đuốc để cho bạn soi, rồi tự mình đẩy phiến đá nhỏ sang một bên. Dưới ánh đuốc lập lòe, hai đứa nhỏ phát hiện ra phiến đá đậy trên một cái hố nhỏ. Bên trong hố nhỏ ấy, có một cái sọ người màu trắng đang ngước nhìn lên trên miệng hố, một vài xương nhỏ có lẽ là xương ở ngón tay bị kẹt dưới phiến đá. Hình như… Có ai đó đã từng bị chôn sống ở đây.
Vừa nhìn thây bộ xương trăng quái dị, ông Lam gào lên một tiếng khiếp đảm rồi vùng chạy ra ngoài cửa hang. Tiếng hét của ông Lam vọng vào vách hang tạo thành một âm thanh oang oang khủng khiếp, ông Thập bị tiếng hét làm choáng váng đầu óc bèn lùi lại nhưng không may thọt chân xuống hố. Khoảnh khắc bàn chân chạm vào bộ xương khô, toàn thân ông Thập nổi da gà ớn lạnh.
Ông run rẩy nhấc chân ra định bỏ chạy theo bạn, đúng lúc ấy ông nhìn thấy thứ gì vô tình mắc vào đôi giày vải bọc rơm của mình. Cơn tò mò lấn át cả sự sợ hãi, ông Thập cúi xuống thì phát hiện ra đó là một chiếc vòng tay nho nhỏ phủ đầy đất. Cầm chiếc vòng trên tay, trong đầu ông chợt văng vẳng tiếng bà nội dặn dò đừng bao giờ lấy thứ gì của người đã mất. Thế nhưng, cho đến tận bây giờ, ông vẫn không sao hiểu nổi lúc đó ông lại cất chiếc vòng nhỏ vào người, rồi mới cầm đuốc chạy theo bạn.
Ra đến cửa hang, ánh nắng mặt trời cuối giờ ngọ chiếu vào khiến toàn thân ông cảm thấy dễ chịu. Ông Lam còn đương đứng ngoài cửa hang vài bước chân, có lẽ định chạy vào tìm bạn. Vừa thấy ông Thập, ông Lam đã vội vàng rủ bạn về nhà, tuyệt nhiên không dám nhắc nửa lời về bộ xương cốt của người bị chôn sống trong hang. Đánh bạn với nhau từ nhỏ, chưa bao giờ ông Thập thấy ông Lam hoang mang như vậy, thế nên ông cũng không nhắc đến chuyện đó, coi như cả hai chưa từng phát hiện ra cái hang ấy bao giờ. Sự đời vốn dĩ đã rất bất ngờ, đêm hôm ấy ông Lam xảy ra chuyện.
Kể từ lúc chứng kiến bộ xương trắng trong hang, ông Lam lúc nào cũng ám ảnh về nó. Đêm đến, ông nằm trằn trọc mãi mà không sao ngủ được. Đến khoảng giờ sửu, bụng sôi sùng sục ông mới rón rén cầm đèn cầy mò xuống bếp để kiếm chút thức ăn còn thừa sau bữa cơm tối.
Gian bếp ở nông thôn có bao giờ có cửa, vậy nên khi vừa bước vào ông đã nhìn thấy một bóng người lén lút đứng ở góc tường nhìn ông. Ban đầu, ông Lam tưởng rằng có người lẻn vào trộm cắp, thế nhưng làng này đâu đến nỗi thiếu ăn để phải làm đạo tặc? Ông Lam khẽ đưa ngọn đèn cầy ra trước mặt thì phát hiện, bóng người ở góc bếp chính là bộ xương trắng trong cái hang lúc sáng. Trong hốc mắt trống rỗng đen ngòm của bộ xương, ông thoáng thấy tia sáng lấp lánh như có một đôi mắt vô hình nhìn ông. Một cơn gió lạnh buốt ùa tới khiến ông dựng tóc gáy, ông gào lên một tiếng thảm thiết rồi lăn ra bất tỉnh nhân sự.
Nghe tiếng động, thầy u của ông Lam mới giật mình thức giấc. Ban đầu cả hai gọi mãi nhưng không thấy tiếng con trai trả lời, linh tính cho biết có điều chẳng lành. Cả hai người chạy đi tìm thì phát hiện con mình nằm bất động trước cửa nhà bếp, miệng sùi bọt mép. Cụ Khảm được mời đến thăm bệnh ngay trong đêm đó, cụ vừa nhìn là đã biết đứa nhỏ này gặp chuyện quỷ dị. Cụ gặng hỏi mãi nhưng ông Lam chỉ sụt sùi khóc chứ chẳng đáp lấy một lời. Sau cùng, cụ để lại vài thang thuốc rồi về ngay trong đêm. Sau lần gặp bộ xương khô trắng toát, ông Lam bớt hoạt bát hơn hẳn, người lúc nào cũng trầm mặc hệt như ông cụ non. Thầy u ông Lam thấy vậy mới quyết định dọn nhà ra cuối làng để ở, bên cạnh lũy tre làng lúc nào cũng kẽo kẹt như có người đưa võng.
…. Ông Thập thở dài, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã ba mươi năm. Sau câu chuyện bất ngờ về bộ xương bị chôn sống, ông Thập cũng không bao giờ quay lại cái hang đó thêm một lần nào, dù cái hang đó nằm trên một trong những con đường xuống núi. Nhiều khi ông vẫn nghĩ ngợi về cố sự năm xưa? Chẳng biết rằng bộ xương trắng là ai, đó là đàn ông hay đàn bà? Hay chỉ đơn thuần là khách bộ hành lạc đường rồi chết rục ở đó? Nếu chẳng may gặp tai nạn, sao bộ xương lại chôn cứng dưới lớp đất sâu, lại có phiến đá nhỏ lấp miệng hố. Từ nhỏ đến lớn, ông Thập đã chứng kiến quá nhiều người chết một cách đột ngột ở làng mình. Một năm sau vào lúc ông Thập mười tuổi, bà nội ông cũng ra đi vì cơn cảm lạnh khi tuổi mới ngoài bốn mươi tuổi. Rồi đến cả bố mẹ ông nữa, bà mẹ cô Chiêm, bố thằng Đậu, có ai chết mà đoán được rằng mình sẽ chết đâu.
Thế chết vì bệnh tật nên còn được toàn thây. Những cái chết gần đây như mẹ con thằng Đậu, cô Hạch, ông Võ Tòng, ông Lam, bà Mệ, rồi cả đám trẻ con suýt vong mạng nữa, có ai chết được yên ổn đâu. Mà điều đáng nói nhất là, lão ăn mày què hiện giờ đang ở đâu? Người trong làng đều đồng loạt cho rằng, chính lão là người gây ra chuyện quái dị cho mấy đứa trẻ con trong làng. Thậm chí, có người còn bạo mồm nói lão là đứa trẻ của bà vợ người thương nhân buôn vải năm nào. Đứa bé trong bụng người đàn bà trốn thoát ấy luôn luôn là một thứ cấm kị không được tùy tiện nói ra ở trong làng. Từ cuối năm cho đến tận bây giờ, có quá nhiều thảm án xảy ra khiến cho thảm cảnh kinh hoàng năm xưa lại được dân làng đem ra bàn tán. Thực lòng ông Thập cũng thấy những lời đồn đại ấy không phải là không có cơ sở. Ngẫm ra thì tuổi đời của lão ăn mày què cũng đã cao, nếu như đứa trẻ năm xưa có thể thuận lợi sinh ra thì chắc hẳn nó cũng bằng tuổi lão bây giờ. Điều làm ông Thập băn khoăn nhất, đó là vì sao lão phải trốn chạy? Đống hình nhân kia hình như đã biến mất luôn cùng với lão. Kể cũng lạ, từ lúc người lạ vào đến làng thì hình nhân quỷ dị mới lấp ló xuất hiện ở khắp nơi. Mà người lạ đến làng thì đâu chỉ có một người.
Nhắc đến hình nhân, ông Thập chợt thấy lạnh cứng cả người. Cơn lạnh từ gót chân lan tận đến đầu khiến ông nhận ra điều khác biệt giữa con hình nhân vừa lấp ló ở cửa khi nãy, và thứ trong giấc mơ của ông. Dường như… nó càng ngày càng có linh tính.. Tựa hồ nó đang dần dần biến thành người…
“Có khi nào …..?”
Ông Thập rùng mình ớn lạnh, ông cảm thấy khiếp sợ bởi chính cái suy nghĩ vừa diễn ra trong đầu mình.
Cảm giác lo sợ mơ hồ khiến mồ hôi ông Thập lấm tấm trên trán. Một tiếng chim trong trẻo nào đó ríu rít trên cao, ông Thập giật mình nhìn ra ngoài thì trời đã tờ mờ sáng. Mùng hai tết lặng lẽ đến,vậy mà chẳng người nào ở làng còn có tâm trạng để chào đón nó. Mùa xuân ở làng Địa Ngục năm nay là mùa xuân chết chóc. Không có đèn lồng đỏ, không có tiếng nói cười rộn rã của trẻ thơ, cũng chẳng có tiếng đàn sáo véo von như những chàng trai, cô gái người Mường mà ông Thập đã từng gặp ở chợ. Nơi đây khiến cho người ta cảm tưởng như đang có một bóng đen lơ lửng bao trùm lên không trung. Ông Thập trầm mặc ngồi thật lâu, đến nỗi thị Thập vừa vấn tóc vừa đi ra ngoài mới nhìn thấy đã giật mình hoảng hốt:
“Ôi trời! Ông ngồi ở đây cả đêm à? Sao không vào bên trong mà ngủ?”
Ông Thập khẽ lắc đầu mệt mỏi, thị thấy chồng mình lòng đầy tâm sự, nên cũng ý tứ im lặng bước ra gian bếp bên hông nhà. Một lúc sau, thị bưng vài đòn cơm trong ống tre, lại thêm một con gà được bọc trong lớp đất sét rồi mới nướng. Người ta quen gọi món ăn này là gà ăn mày. Cơm nếp nấu trong ống tre ở làng Địa Ngục ngon ngọt lạ thường, người ta vẫn bảo vị ngon ấy là do thổ nhưỡng và khí hậu ở đó mới có thể tạo thành. Mâm cơm này thị đã làm từ hôm qua, thành ra khi đến đám tang ông đồ Lam thì đã muộn, chỉ kịp chứng kiến cái chết thê thảm của bà Mệ. Bà Mệ chết đi, nhiều người đàn bà trong làng khóc sụt sùi, ai cũng thương người đàn bà tốt bụng mà bạc mệnh. Thị Thập đã từng ao ước mình có thai, chính bà Mệ sẽ bế con bà khi nó chào đời. Vậy mà bao nhiêu năm nay, càng mong chờ lại càng vô vọng. Kể như giờ bà được ông trời cho một đứa nhỏ thì cũng chẳng còn bà Mệ đỡ đẻ cho thị nữa. Thị giống như đã chết trong lòng, chỉ có thể gắng gượng sống cho người làng trông vào mà thôi.
Ông bà đương ăn cơm sáng thì nghe tiếng động từ xa vọng lại. Ông Thập dừng đũa, nhíu mày lẩm bẩm:
“Quái lạ nhỉ? Lại có chuyện gì nữa đây?”
Bà Thập đặt bát cơm xuống, lặng im nghe ngóng. Tiếng bước chân người chạy rầm rập, tiếng cười khành khạch hòa lẫn với tiếng khóc lóc dữ dội, tiếng la hét ầm ĩ, tiếng chó sủa oang oang. Tất cả tạo thành một thứ âm thanh định tại nhức óc như muốn xé toang sự yên tĩnh vào buổi sáng mùng hai tết. Ông Thập đoán ngay có sự chẳng lành, hình ảnh gương mặt đắc ý của con hình nhân thế mạng đêm qua thoáng nhanh trong đầu ông. Ông bỏ dở bát cơm, chạy vào gian buồng trong lấy một chiếc câu liêm dài bằng sải tay người lớn rồi vùng chạy ra khỏi buồng. Vừa bước đến cửa, ánh mắt lạnh lẽo của ông Thập khiến thị Thập giật mình, thị hoảng hốt hỏi chồng:
“Ông… ông định làm gì thế?”
Ông Thập không nói không rằng, ông hối hả chạy trên con đường làng nho nhỏ. Tiếng đá sỏi lạo xạo dưới chân đâm vào da thịt đau nhói, nhưng ông chẳng màng. Ông không biết con hình nhân áo đỏ kia là do ai phái đến, ông chỉ biết chắc một điều rằng nó không phải đến lấy hồn phách của ông, mà đến để khiêu chiến.
Ông nghiến răng kèn kẹt, nhằm thẳng hướng có tiếng động mà chạy tới. Tiếng động càng lúc càng gần, ông nghe thấy thấp thoáng có cả tiếng cười khành khạch của đàn bà, rồi tiếng cười của trẻ con, tiếng người nói lao xao. Kia rồi! Trước mặt ông là một đám đông nhốn nháo. Mấy người đàn ông tay cầm cung tên, vài người khác cầm dao phay, cả Tam Quỷ cũng cầm cả một tấm lưới bẫy thú. Ngay cả thằng điên ở làng cũng đứng ở ngoài đằng xa, vỗ tay khoái chí.
Tất cả xếp thành một vòng tròn để quây kín một thứ gì đó. Ông thoáng thấy bóng cậu Đức đứng dựa trên một cành cây cách đó vài trượng, tay giương cung nhắm thẳng xuống giữa vòng tròn, nhưng hình như cậu ta chưa dám động thủ. Một vài người đàn ông lớn tuổi khác đứng ở ngoài mặt trắng bệch vì sợ hãi, tiếng trẻ con cười và tiếng khóc the thé vẫn không ngừng vang lên.
Ông xách chiếc câu liêm chạy đến tiếp ứng cho mấy người đàn ông, đám đông thấy ông trưởng làng đi đến bèn xê dịch đôi chút, nhờ thế ông mới thấy rõ những gì đang diễn ra trước mắt. Giữa vòng tròn, thị Lam mặt mày xám xịt, một tròng mắt đỏ lòm như vừa bị ai đấm vào hốc mắt, con ngươi một bên của thị như thể sắp rơi, toàn thân thị chảy máu ròng ròng. Thế nhưng ngoại hình của thị không phải là thứ đáng sợ nhất. Điều khiến người ta kinh hồn bạt vía đó chính là, thị Lam và mấy đứa con, mỗi người đều đương cầm trên tay một bộ phận của cơ thể người, nhai nhồm nhoàm như chết đói.
Ông Thập bàng hoàng không nói lên lời, thị Lam cầm chiếc đầu của một cô gái, mái tóc trắng nhánh dài xõa xượi, bàn tay thị ôm lấy cái đầu đã lìa khỏi cổ. Trên gò má thị có mấy con giòi ngoe nguẩy, nhưng thị chẳng màng. Mấy đứa con thị mỗi đứa cầm một thứ bộ phận để ăn. Con Tí ăn một thứ gì đó nhìn không rõ hình thù, từ miệng nó chảy ra thứ huyết tương vàng ệch hôi thối kinh hồn. Thằng Tèo, thằng Tũn thì cứ như đương gặm đất, toàn thân chúng bốc mùi thum thủm. Ông Thập cảm thấy một cơn buồn nôn kéo tới, chiếc câu liêm cầm trên tay chỉa thẳng vào thị Lam nhưng chính ông cũng cảm thấy choáng váng đến mức thất thần. Mùi thối kinh hoàng của bữa tiệc trước mắt xộc thẳng vào khứu giác của mọi người. Mấy người đàn bà nôn ọe rồi ngất xỉu tại chỗ, mấy người đàn ông lùi về phía sau mấy bước, có người còn quay đi bặm chặt môi để tránh nôn ồng ộc ra thức ăn trong dạ dày.
Chừng một lúc, có vẻ mẹ con thị cảm thấy mỏi chân, bèn ngồi bệt xuống đất, chẳng để ý đến điều gì xung quanh.
Nhận thấy thời cơ đã đến, ông khoát tay cho cậu Đức đang phục kích trên tán cây. Cậu Đức không nói không rằng, giương cung nhằm thẳng thị Lam mà bắn. Một tiếng vút cực nhẹ vang lên, mũi tên xuyên qua người thị, cắm thẳng xuống đất.
Mũi tên bắn trật, cậu Đức mặt trắng bệch không còn một giọt máu. Thị Lam giật mình hoảng hốt, thị vừa gầm gừ vừa nhìn quanh quẩn như muốn tìm hướng mũi tên bay tới từ đâu. Mọi người im lặng, không ai dám thở mạnh, cậu Đức ngồi trên cây mồ hôi chảy ròng ròng.
Không khí căng như dây đàn, bất chợt lúc ấy, thằng điên ở làng cười phá lên ầm ĩ, khiến mọi người giật mình đánh thót, ngay cả mẹ con thị Lam cũng bị tiếng cười của thằng điên làm cho chú ý. Thằng điên hăm hở toan bước tới chỗ gốc cây nơi cậu Đức đương ngồi im bất động như muốn vạch trần hành động vừa rồi của cậu. Thằng điên vừa đi ngang qua chỗ Tam Quỷ, gã không nói một lời, vung tay tát thằng điên một cái bốp.
Cái tát của Tam Quỷ mạnh đến nỗi người nghe cũng xây xẩm mặt mày. Thằng điên ngất xỉu ngay tại chỗ. Nếu Tam Quỷ không ra tay, có lẽ thị Lam sẽ nhớ mặt cậu Đức để mà trả thù. Vừa nghe tiếng tát giáng mạnh xuống mặt thằng điên, bỗng dưng thị rùng mình một cái rồi ngơ ngác như không hiểu chuyện gì xảy ra. Ông Thập thấy thời cơ đã tới, ông khẽ hất mặt về hướng thị Lam để ra hiệu, Tam Quỷ hiểu ý, gã quăng tấm lưới lên không trung, bao trùm lên mẹ con thị Lam còn đương nhai nhầm nhoàm.
Bị quăng lưới bất thình lình, thị Lam gào lên một tiếng đầy đe dọa, mấy đứa con của thị giật mình ra sức giẫy giụa, đứa bé nhất bắt đầu khóc váng lên. Bố thằng Vẹt lặng lẽ tiến đến từ phía sau lưng mẹ con thị, tay ông ta lăm lăm một cây gỗ lớn bằng bắp chân, thừa lúc thị Lam không chú ý ông ta đánh một cái bốp vào đầu thị, thị ngã lăn ra đất. Cậu Đức tiến đến gần mấy đứa trẻ con, chúng vẫn giẫy giụa đòi ra kêu khóc liên hồi. Mẹ chúng nằm ngất xỉu dưới đất, máu từ đầu thị chảy ra nhưng bọn trẻ con chẳng hề để ý. Cậu Đức toan giơ nắm đấm, nhưng nghĩ ngợi một lúc rồi lại thu tay về, cậu ta lấy trong vạt áo ra một ít bột màu đen xì, đoạn ngồi xuống thổi phù lớp bột thẳng vào mặt mấy đứa nhỏ. Chúng đương khóc, vừa bị lớp bột đen vương vào mặt, lập tức lịm đi, không hề nhúc nhích. Người dân trong làng Địa Ngục vốn không xa lạ gì với loại thuốc này. Đây là một trong những phát minh bí mật của thế hệ trước của dân làng. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, thủa mới khai hoang tại vùng đất này, thú dữ đánh hơi thấy mùi người tìm đến nhiều vô số kể. Trai tráng trong làng rời đi từ truông nhà Hồ đến tận nơi đây thì cũng chẳng còn sức vóc để mà giao tranh với thú dữ. Mà dù cho có khỏe mạnh đến mấy thì việc đánh thú cũng không hề đơn giản. Làm thế nào để vừa có thể hạ gục được thú dữ một cách nhẹ nhàng, mà không hề tốn công mới là thượng sách. Lúc bấy giờ, cha mẹ của cụ Khảm hành nghề bốc thuốc mới cóp nhặt được một bài thuốc mê hồn tán. Nghe đâu bài thuốc này là do thần y Hoa Đà sáng chế từ thảo ô, đương quy và nam tinh, có tên là Ma Phi Tán. Người ta dùng thịt lợn rừng săn được, đặt bẫy rải rác quanh làng, bên trong có bỏ Ma Phi Tán. Thấy mùi thịt lẫn máu, mấy con thú dữ kéo đến, khi vừa chạm môi thì đã ngã lăn ra đất. Người làng chỉ việc ra cắt tiết động vật, rồi khiêng vào làng mà thôi. Có lần còn bẫy được cả hổ. Khoảng vài năm sau, khi cụ Khảm còn đương ở trong bụng mẹ, ông cụ thân sinh còn tạo ra được thứ thuốc có dạng bột dùng để rắc ở quanh rìa làng. Lũ thú dữ mấy lần bị bẫy chết đột ngột, thành ra sợ hãi không dám bén mảng đến đây, chỉ thỉnh thoảng có vài con khỉ đánh đu trên mấy cây đào trước cổng làng, vặt trộm vài quả đào rồi lỉnh đi. Người làng được sống yên ổn từ đó, chỉ hiềm một nỗi không thể rắc Ma Phi Tán quanh làng vì sinh hoạt sẽ bị ảnh hưởng, thành ra làng không sợ cọp beo, chỉ sợ rắn độc là bởi vậy. Người làng khi đi rừng, vẫn thủ sẵn trong túi một vài viên thuốc ấy, phòng khi bất trắc cũng còn có cái giữ mạng.
Quay lại chuyện về buổi sáng mùng hai tết năm ấy, sau khi bị cậu Đức đánh mê, người ta thu lưới trói tay, trói chân và bịt miệng mẹ con thị Lam. Lúc này người ta mới dám lấy một cành cây nhỏ, khều chiếc đầu của cô gái đáng thương bị thị Lam ăn thịt. Không ai biết cô ấy là ai, đám đàn bà con gái trốn hết trong nhà, nhất thời không rõ liệu có ai bị mất tích hay không.
Ông Thập hít một hơi thật sâu, bước lên vạt cỏ đầy máu me tanh tưởi, cúi xuống khẽ nhặt đầu cô gái lên. Giây phút ấy, ông thốt lên một tiếng kinh hoàng, hai tay ông rụt lại khiến cái đầu lăn lông lốc xuống thảm cỏ một lần nữa. Đám đàn ông trong làng sững sờ, không biết người đó là ai mà lại khiến ông trưởng làng hoảng hốt đến thế.
Bố thằng Vẹt run run đứng phía sau ông Thập hỏi chuyện:
“Ông trưởng làng ơi… cái đầu… cái đầu … của ai đấy ạ?”
Ông Thập toàn thân run rẩy, ông quay lại nhìn mọi người với đôi mắt đỏ hoe, hàm răng và vào nhau lập cập:
“Con… con… con… Hạch!”
Đám đàn ông lực lưỡng khi nãy đối đầu với mẹ con thị Lam không hề nao núng, nào ngờ lời ông Thập vừa nói ra, khiến tất thảy ai nấy đều sửng sốt đến ngỡ ngàng. Cậu Đức vốn quen biết cô Hạch từ nhỏ, nghe tin dữ lập tức khuỵu xuống đất, gương mặt trắng bệch như người đã chết.
Một người đàn ông bàng hoàng hỏi lại:
“Nhưng mà con bé Hạch nhà ông bà Tư đã chết… chết rồi mà… Sao lại có thể ăn được chứ?”
Mọi người nhìn về phía cái đầu lăn lông lốc, mái tóc trắng xõa xượi che kín gương mặt bị cắn nham nhở. Kiếp trước cô Hạch đã từng làm gì để đến nỗi khi sống bị bệnh tật, khi chết thảm thương, mà ngay cả khi chôn cất rồi cũng bị người ta đào lên để nhấm nháp? Mấy người đàn ông đi rừng săn thú, máu tanh ngửi mãi cũng thành quen, ấy vậy mà hôm nay, giữa ngày mồng hai tết họ lại phải chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng như thế. Đổi lại là mấy người bình thường, khéo có khi phát điên lúc nào không biết.
Tam Quỷ không tận mắt chứng kiến ngày mất của cô Hạch, nhưng khi gã biết mẹ con thị Lam ăn thịt xác người chết, gã cũng run lên bần bật. Ước mơ chứng kiến một câu chuyện kinh hồn bạt vía để kể cho thiên hạ nghe ngày nào của gã, xem ra bây giờ đã thành sự thực.
Cái đầu bị ánh nắng chiếu vào khiến gã nhìn thấy cả mấy con giòi bọ còn đậu trên mặt của người chết, vài con còn ngoe nguẩy trên miệng của Thị Lam đương nằm bất tỉnh nhân sự. Gã bĩnh cả ra quần, bèn vội vàng cởi vạt áo quấn quanh người che đi vệt nước loang lổ. Ông Thập sai một người về gọi bà con trong làng tập hợp tại bãi tha ma cuối làng. Ba người thanh niên lực lưỡng quăng mẹ con thị Lam bất tỉnh lên xe kéo, đưa về bãi tha ma, còn riêng ông Thập thì nhặt nhạnh từng mảnh xác của cô Hạch cho vào một cái túi nhỏ mang theo bên mình.
Ông Thập, Tam Quỷ, cậu Đức, bố thằng Vẹt và mấy người nữa bước thật nhanh đến ngôi mộ cô Hạch. Hệt như ngôi mộ đã bị đào bới của mẹ con thằng Đậu trước đó, ngôi mộ này lộ ra một phần của chiếc quan tài. Điều khiến ông Thập cảm thấy khó hiểu đó là vì sao mẹ con thị Lam lại có thể nạy chiếc nắp quan tài lên để mà trộm xác? Cứ cho như mấy mẹ con thị có mấy người, nhưng chỉ là một người đàn bà và mấy đứa trẻ. Liệu thị có ai giúp sức hay không?
Chưa hết, chính tay ông Thập hôm qua đã nhốt thị ở bên trong gian nhà làm hàng mã, mấy đứa con thị cũng ngờ nghệch ngồi ở gian nhà phía trên cười nói một mình. Người làng bảo rằng sau cái chết của ông đồ Lam, mẹ con nhà thị vì đau lòng quá độ nên dẫn tới phát điên. Cách lý giải này coi như cũng hợp tình hợp lý, nhưng tại sao thị lại trốn thoát được, tại sao trên người thị lại nhiều máu như thế? Ai là người đã phát hiện ra thị nhầm nhoàm ăn thịt? Việc này nhất định phải điều tra cho rõ ngọn ngành. Ông Thập nhíu mày, nhủ thầm trong bụng.
Để cho ông bà Tư và cụ Khảm bớt đau lòng quá độ, ông Thập đã cẩn thận đặt những mảnh xác thừa của cô Hạch vào quan tài. Rồi cùng mới mấy người đàn ông khỏe mạnh đắp đất lên, khiến cho ngôi mộ cũng được vài phần giống như cũ. Vừa làm, ông Thập vừa thoáng quan sát Tam Quỷ. Ông chưa bao giờ tin gã, nhất là khi làng xảy ra quá nhiều chuyện dồn dập. Cả gã và lão ăn mày què đã mất tích đều khiến ông nghi ngờ nhiều nhất. Mà nói đúng hơn, bất kể người trong làng lúc này, ông đều không thể tin được ai.
Chừng nửa tuần hương sau thì người làng cũng tề tựu đông đủ. Dường như để đề phòng bất trắc, mấy người đàn bà líu ríu đi cùng với nhau. Trên tay họ là những con dao đi rừng, ngay cả thị Thập cũng đem theo một chiếc để phòng thân. Không ai dám nói với nhau câu gì, nhìn mấy người đàn ông sắc mặt nặng nề, ai cũng hiểu vừa có chuyện gì đó rất đáng sợ diễn ra lúc trước. Cụ Khảm vẫn là người mở lời trước, cụ nhìn quanh quẩn với gương mặt lo âu rồi chậm rãi cất lời:
“Lại có chuyện gì nữa hả ông trưởng làng?”
Ông Thập không vòng vo, nói thẳng:
“Thị Lam đào xác cô Hạch lên, nhưng đã bị chúng tôi kịp thời ngăn lại”
Bầu không khí im lặng bị phá vỡ, người làng nhốn nháo:
“Cái gì cơ? Sao lại đào xác lên ?”
“Con bé Hạch nhà ông Tư chết được mấy hôm rồi mà?”
“Sao nó lại thoát được? Nghe nói ông trưởng làng nhốt lại cơ mà?”
Bà Tư gục xuống đất, thị Thập thấy vậy ngồi thụp xuống đỡ bà, ông Tư thất thần lảo đảo suýt bất tỉnh, may thay có cậu Đức đỡ lại. Riêng cụ Khảm thì khùng khục họ, nước mắt rơi lã chã trên gương mặt cụ.
Ông Thập hắng giọng, mọi người lại im lặng hồi hộp chờ ông cất tiếng. Ông Thập hít một hơi dài rồi nói:
“Thị Lam quả thực có đào xác cô Hạch lên. Nhưng chúng tôi kịp thời đánh gục thị, phần xác của cô Hạch đã được trả về mộ chủ. Mọi việc bây giờ, cần phải nhờ bà con cùng quyết định.”
Mọi người không ai bảo ai, đồng loạt nhao nhao:
“Chôn sống nó! Giết nó đi! Chôn cho nó đến chết!”
Ông Thập hơi giật mình, Tam Quỷ sững sờ một lúc. Quả thực thị Lam đã ăn thịt xác người chết, nhưng chôn sống thị e là có hơi tàn nhẫn. Dù sao thị đã phát điên, đến quan phủ ở dưới xuôi còn châm chước cho những kẻ bị điên cơ mà. Ông Thập hạ thấp giọng:
“Hình phạt này… quả thực… hơi… hơi tàn nhẫn. Làng ta trước giờ chưa từng có người chịu hình phạt này. Liệu thị Lam…”
Ông Thập chưa nói hết câu, đám đông đã nhao nhao lên xông tới chỗ trói mẹ con thị Lam vẫn nằm bất tỉnh nhân sự. Một người đàn bà giọng chua ngoa vùng tới tháo miếng giẻ ở mồm thị ra, bà ta gần như phát cuồng gào lên khiếp đảm:
“Mày giết người phải không? Mày cùng một giuộc với lão què phải không?”
Miếng giẻ ở mồm thị Lam vừa rơi ra, đem theo mấy miếng thịt đã bốc mùi tởm lợm, Người đàn bà chua ngoa bị mấy miếng thịt rơi xuống áo, bà ta đương mất bình tĩnh bèn đưa thịt lên mũi ngửi. Mùi thối xộc đến khiến bà ta nôn ọe, đám người làng hoảng hồn ngây người theo dõi từng cử chỉ của bà. Cơn nôn ọe vừa dứt, bà ta run run chỉ tay vào thị Lam, lời nói như nghèn nghẹn ở trong họng:
“Con này… con này nó ăn thịt người chết!”
Đám đông rú lên kinh hoàng, vợ chồng ông Tư, cả cụ Khảm lăn ra ngất xỉu. Ngay cả bà Thập cũng thốt lên khiếp đảm. Người làng chứng kiến quá nhiều cái chết thương tâm, vụ việc lũ trẻ con bị cắp mất hồn phách vừa mới dứt thì lại đến việc ông đồ Lam chết vào đêm giao thừa. Ngay trong đám tang ông đồ thì vợ con ông hóa điên, bà Mệ cũng vong mạng. Việc thị Lam chẳng khác nào giọt nước tràn ly, nhất thời đồng loạt hô vang:
“Chôn sống! Chôn sống! Chôn sống!”
Hơn mười năm làm trưởng làng của ông Thập, chưa bao giờ ông thấy những người làng quanh ông lạ lùng như thế. Từ trước ông vẫn cho rằng, lớp sương mù và khung cảnh u ám ở nơi đây đã biến người làng thành những người lãnh đạm. Thế nhưng, hôm nay chứng kiến giận dữ kinh hoàng của người dân vốn dĩ hiền lành, ông mới hiểu sâu sắc một điều rằng:
“Ở đâu đó trong thâm tâm của mỗi người, phần con luôn ẩn nấp, chỉ cần một lúc nào đó nó sẽ ào tới, lấn át lương tri.”
Tội lỗi của mẹ con thị Lam, ông Thập vốn biết không thể sống sót. Nếu có chết thì có vô vàn cách giết mẹ con thị. Thuốc độc làng ông không thiếu, vất vào trong rừng sâu cũng không phải là khó khăn gì… Ngàn vạn lần ông không thể tin rằng, người làng lại chọn cách chôn sống. Năm xưa, ông đồ Lam khi còn nhỏ đã từng chứng kiến một bộ xương trắng bị chôn sống trong hang, liệu có bao giờ ông ấy tưởng tượng nổi vợ con mình phạm vào tội ác tày trời nên cũng phải chịu hình phạt như bộ xương ấy không? Ông Thập đau đớn thừa nhận, lần đầu tiên trong cuộc đời, ông cảm thấy bản thân mình thực sự thất bại. Ông nhận lời khiêu chiến của con hình nhân đỏ, và cũng chính ông đã nhận lấy sự đắng cay. Người ta đào mấy cái hố rất nhanh, chỉ chờ giờ Hợi là có thể chôn sống. Ông Thập không thể rời khỏi chỗ ấy. Cả ngày ông thất thần, ai hỏi gì cũng chỉ im lặng. Cuối giờ Dậu, có một người trong làng lặng lẽ ôm một vò rượu đến tìm ông, nhờ đó mà ông mới biết rõ phần nào câu chuyện.