Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 15

HỒI THỨ MƯỜI

BỐN: CHUYỆN CỦA LÃO MỤC ĐỒNG BẮT RẮN

Ông Thập đăm chiêu, mắt nhìn chằm chằm vào ngọn lửa cháy bập bùng trước mặt. Mồng hai tết không có nhiều sương mù nhưng trời lạnh đến cắt da cắt thịt. Nhà nhà người người chắc giờ này đang quây quần bên nhau để đón mừng năm mới. Người giàu hẳn là sẽ uống rượu, ăn thịt, còn kẻ nghèo thì chí ít cũng sẽ có nồi khoai lang luộc, bọn trẻ con sẽ líu ríu bóc vỏ khoai ăn nấy ăn để, gò má đứa nào cũng ửng hồng hệt như quả cà chua chín mọng. Khắp nơi đều hân hoan như thế, chỉ có mỗi làng Địa Ngục thì không. Mấy ngày hôm nay, người trong làng đã đồn thổi râm ran về câu chuyện đứa con năm xưa của thương nhân buôn tơ lụa quay lại trả thù. Cũng có thể lắm, vì người đàn bà mà bụng mang dạ chửa năm nào đã biến mất tăm, chẳng ai biết được bà ta đã đi đâu. Nghe người già trong làng kể lại rằng, năm ấy toán cướp sau khi phát hiện đã để xổng mất một người, bèn chia nhau đi lùng sục cả đêm, kết cục người đàn bà vẫn bặt vô âm tín. Tôn chỉ của băng cướp từ trước đến giờ rất đơn giản, đó là cướp sạch giết sạch, tuyệt đối không để sót dù chỉ một người. Việc để một ả bụng chửa vượt mặt chạy thoát khiến cho đám cướp cạn bồn chồn không yên, xem chừng tháng ngày cướp của giết người sắp đến hồi kết thúc.

Người đời vẫn có câu nhân bảo như thần bảo, sau vụ chém giết kinh hoàng đó, băng cướp bị viên quan nội tán dùng mưu lược quăng một mẻ lưới bắt gọn cả lũ, chỉ trừ mấy người may mắn trốn đi kịp thời. Đến bây giờ nghĩ lại, ông Thập khẽ lắc đầu rồi thở dài, trong mắt những người năm xưa biết chuyện, hẳn sẽ cho rằng những kẻ cướp trốn thoát thực là may mắn. Nhưng có ai ngờ, đám người ấy vẫn ngày ngày bị giày vò bởi nghiệp ác từ thời cha ông thuở trước. Thậm chí kết cục của họ còn tàn khốc hơn cả việc bị chém đầu giữa chợ. Thà cứ chết một cách nhẹ nhàng như thế, còn hơn là phải chịu sự thống khổ như cô Hạch, ông Võ Tòng, ông đồ, rồi bây giờ là mẹ con nhà thị Lam. Ai biết được người nào sẽ là nạn nhân tiếp theo?

Lại nhắc đến mẹ con nhà thị Lam, chiều hôm ấy mẹ con ả dần dần tỉnh lại, phát hiện thấy mình bị trói chặt vào gốc cây, mẹ con thị giãy giụa liên hồi, miệng phát ra những tiếng ư…ư đầy phẫn nộ. Toàn thân thị rướm máu vì cọ xát vào chiếc dây thừng đan bằng mây. Người làng lặng đi nhìn những người bị trói ở gốc cây vàng tâm um tùm đầy âm khí.

Chỉ vừa mới vài hôm trước thôi, họ vẫn là người một làng, vậy mà hôm nay đối mặt với nhau giống như kẻ tử thù. Chuyện thị Lam phát điên, vốn dĩ là điều không cần bàn cãi, người ta chỉ cảm thấy khó hiểu vì sao thị đương tỉnh táo lại trở thành một kẻ khùng khùng dở dở như thế. Mà đâu phải chỉ có mình thị, ngay cả lũ con thị cũng chẳng đứa nào còn bình thường như trước nữa. Mọi người cho rằng cái chết của ông đồ Lam xảy ra quá đột ngột khiến cho gia đình rúng động, vợ con ông vì đau khổ quá mà trở thành ngây dại. Nghe qua thì có vẻ như rất hợp tình hợp lý, nhưng ông Thập vẫn cảm thấy dường như thị Lam không chỉ đơn thuần là điên loạn, mà chắc chắn còn có uẩn tình phía sau. Đương suy nghĩ mông lung, cô Chiêm đứng ngay sau ông Thập nhìn thị Lam mà lắc đầu rồi nói nhỏ:

“Hình như bà ấy không bị điên đâu, bà ấy biến thành dã thú rồi!”

Câu nói tưởng chừng như vô thưởng vô phạt của cô Chiêm khiến cho ông Thập bàng hoàng. Đúng vậy, mẹ con thị Lam không giống kẻ điên mà giống một bầy dã thú thì đúng hơn. Ai lại có thể khiến cho họ có thể quật mồ để ăn thịt xác chết? Kẻ điên tuy nhận thức không bình thường, nhưng không thể nào hành động một cách man rợ như thế được. Nói đâu xa, ngay như ở làng Địa Ngục bây giờ cũng có một thằng điên đó thôi. Chuyện về thằng điên kể ra cũng thật thương tâm, ngày trước nó vốn là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, có tài thiện xạ nổi tiếng khắp làng. Năm ấy nó đến tuổi lấy vợ, vốn định dành chút tiền để trang trải nên năm lần bảy lượt nó đòi vượt rừng xuống dưới bản, nhưng đều bị ông Thập từ chối. Nó hậm hực, cho rằng ông trưởng làng không muốn có người thay thế mình. Cuối cùng nó trốn đi một mình, khi về đến làng thì thân tàn ma dại. Từ đó cứ sống ngơ ngơ ngẩn ngẩn, ai hỏi gì cũng cười. Thỉnh thoảng lại chỉ ra ngoài phía cổng làng rồi nói vu vơ:

“Nó đấy! Nó ở ngoài đấy! Nhiều lắm”

Thế nhưng, thằng điên bất quá chỉ đi lang thang trong làng, trêu chọc phá phách chứ không hề man dại như đào mộ trộm lấy xác chết rồi nhai nhồm nhoàm. Ông Thập biết rằng cô Chiêm nói đúng, thị Lam không phải bị điên, mà chín bản thân đã thị hóa thành thú dữ mất rồi

Cuối giờ thân đêm mồng hai tết, trời càng lúc càng lạnh hơn, ông Thập khẽ co mình trong chiếc áo màu xám nhạt, mắt đăm đăm nhìn về phía mẹ con thị Lam, trước mặt mỗi người là một cái hố đã được đào sẵn. Tiếng bước chân chậm rãi vang lên phía sau, theo phản xạ ông quay người lại để nhìn thì phát hiện ra lão Mục Đồng đương bước đến, trên tay lão cầm một vò rượu và một cái bọc nho nhỏ. Ông Thập im lặng, khẽ gật đầu khi lão ngồi xuống bên cạnh. Lão cho thêm củi vào đống lửa, hơi nóng ấm áp tỏa ra làm vơi đi phần nào cái giá lạnh của đêm xuân u ám.

Lão Mục Đồng từ trước đến giờ sống một mình, không mấy khi giao tiếp với người khác. Ngoài những hôm lên rừng bắt rắn hay bẫy lợn lòi, thì lão chỉ đi lảng vảng quanh làng tìm xem có dấu vết của con rắn nào là lần theo để tìm ra hang ổ. Tài bắt rắn của lão kể cũng được coi là dị thiên tài.

Khi còn nhỏ ông Thập thi thoảng vẫn nghe bà nội mình kể lại, trước đây mỗi khi chuẩn bị phi vụ nào, băng cướp cũng đều chuẩn bị thật nhiều rắn độc. Khi có tin mật báo thương buôn chuẩn bị đi ngang qua khu vực truông Nhà Hồ, đám cướp sẽ cho người trốn trong lùm cây rồi thả rắn bò lổm ngổm trên con đường mòn.

Những người buôn bán tứ xứ vốn dĩ cũng đã tính toán đến việc đi đường xa chuyện gặp cướp là điều không thể tránh khỏi, nên bỏ khá nhiều tiền để thuê mấy kẻ giang hồ võ công thâm hậu đi cùng bảo vệ. Ấy vậy mà, khi đến địa phận truông Nhà Hồ, nhìn thấy mấy chục con rắn bò ra trước mặt chặn đường, người nào người nấy đều kinh hồn bạt vía quay đầu bỏ chạy. Thế nhưng, khi vừa mới quay ngược trở lại thì băng cướp đã bao vây từ phía sau từ lúc nào. Trước mặt là toán cướp hung tợn, sau lưng là bầy rắn đủ màu sắc nhe răng nanh đe dọa, con mồi lập tức rơi vào thế gọng kìm, tiến không được mà lùi cũng không xong, đành liều mạng chống trả nhưng cũng chỉ cầm cự được vài tuần hương rồi cũng vong mạng. Chiến thuật dùng rắn chặn đường như thế gọi là Xà Phục. Mười lần chặn đánh là cả mười lần đều thành công. Từ đó có thể thấy, chiến thuật này đóng vai trò như thế nào trong thành công của băng cướp. Điểm cốt yếu là phải mai phục thật kín đáo, khi tiếng vó ngựa tới gần mới đem thả bầy rắn ra. Hơn thế nữa, bầy rắn phải được huấn luyện để không cắn nhầm vào phe mình, chỉ tấn công người lạ. Để có thể làm được điều đó, người dùng chiến thuật Xà Phục phải bào chế một loại thuốc bột đặc biệt có nguồn gốc từ hùng hoàng, sau đó bôi lên người phe mình.

Người thực hiện Xà Phục trong băng cướp khét tiếng chính là ông bà nội của lão Mục Đồng.

Có lẽ vì làm nhiều việc thất đức quá, cho nên ông bà nội và bố mẹ của lão Mục Đồng đều đã chết trong trận truy quét của quan quân triều đình, bỏ lại đứa con thơ lúc đó mới vừa tròn sáu tuổi. Lão Mục tuy không thể sử dụng Xà Phục như bậc trưởng bối trong gia đình ngày trước, nhưng lão cũng có thể bắt rắn thành thạo, từ đó lão chọn việc này làm kế sinh nhai. Ông Thập tuy không nhìn lão, nhưng trong lòng ông ngổn ngang suy nghĩ, ông đoán rằng nếu không có chuyện gì hệ trọng hẳn là lão sẽ không đến tìm ông. Lão Mục Đồng cời đống củi xong liền mở bọc mời ông Thập vài miếng rắn nướng thơm phức. Ông Thập khẽ lắc đầu từ chối, lão lại đưa cho ông vò rượu ngô nho nhỏ. Không tiện chối từ, ông Thập đưa hai tay nhận rượu, khẽ cúi đầu cảm tạ. Hơi rượu vừa xông lên mũi đã khiến người ta cảm thấy lâng lâng, chờ cho ông Thập nhâm nhi một hồi thì lão Mục Đồng mới nói:

“Làng ta dạo gần đây nhiều chuyện dồn dập xảy ra! Nhất là chuyện mẹ con thị Lam trở thành ngớ ngẩn. Thú thực với ông trưởng làng, chưa bao giờ tôi thấy lo lắng như lúc này!”

Vừa nói lão vừa thở dài sườn sượt.

Ông Thập quẹt miệng bằng mu bàn tay rồi trầm ngâm không đáp. Bởi vì ông biết rằng vấn đề lúc này là đưa ra cách chấm dứt, chứ không phải an ủi người làng bằng vài lời nói đường mật vô nghĩa. Lão Mục Đồng lại nói tiếp:

“Lần trước tôi nghe dân làng nói, ông trưởng làng căn dặn nếu ai biết chuyện gì lạ liền nói với ông. Tôi không mấy khi nói chuyện nhiều với người khác, nhưng lần này thì không biết có nên nói hay không?”

Ông Thập thấy lão vòng vo, bèn ngắt lời:

“Cụ Mục Đồng có gì cứ nói với con! Biết đâu có gì đó quan trọng mà con chưa biết tới thì sao? Cụ cứ nói, con xin nghe!”

Được ông Thập động viên, lão Mục Đồng hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi kể lại:

“Thực ra những chuyện lạ tôi thấy không phải vừa mới xảy ra. Có nhiều chuyện đã xảy ra cách đây lâu lắm rồi, chỉ là tôi không biết phải nói với ai, mà có nói thì cũng chưa chắc có thể giải quyết được điều gì.”

Lão chau mày nhìn đăm đăm vào đống lửa:

“Thực ra ban đầu tôi cũng nghĩ là do mình nhìn nhầm, nhưng sau đó ít lâu tôi lại nhìn thấy cái bóng đi theo ông một lần nữa. Chỉ có điều, cứ đến cổng làng thì nó lại biến mất

Hồi ông mới nhậm chức trưởng làng, lúc ấy làng ta sống vẫn yên ổn, tôi thường xuyên vào rừng để bắt rắn rồi nhờ ông đi bán dưới chợ phiên. Có lần nọ, tôi đương đứng ở bụi rậm trước cổng làng, nhìn thấy ông đeo gùi mây đi về lúc chạng vạng tối, tôi thấy sau lưng ông có cái bóng đi phía sau. Bóng người bình thường khi mặt trời chiếu vào sẽ đổ dài dưới đất, còn bóng phía sau ông thì lại giống hệt như một con người thực sự, chỉ có điều không có thân thể mình mẩy như người bình thường, giống như màn sương thoắt ẩn thoắt hiện.”

Ông Thập ngẩn người, sống lưng của ông như đóng băng. Lão Mục Đồng vẫn tiếp tục:

“Bẵng đi một thời gian, chính tôi cũng quên dần việc cái bóng ấy. Cái ngày mẹ đẻ của con bé Chiêm và thằng Đức chết, sáng sớm hôm đó tôi đi vào rừng sớm để tìm mấy con rắn vừa mới lột da. Lúc đi ngang qua nhà con bé Chiêm, tôi chợt thấy có cái bóng đen đứng thập thò trước cửa, xung quanh là bầy đom đóm bay đi bay lại không ngừng. Ông trưởng làng biết đấy, cái làng này thì đêm nào chẳng có đom đóm, nhiều khi trời tờ mờ sáng bọn đom đóm vẫn còn chưa rời đi. Lúc đó tôi đi ngang qua nhưng sương mù dày đặc, chẳng thấy gì bên trong. Mãi đến chiều tôi mới biết, mẹ con bé Chiêm chết rồi, chết ngay giữa sân nhà”

Giọng lão Mục Đồng chùng xuống, ông Thập cúi đầu im lặng. Lão tự trách mình:

“Nếu như ngày hôm ấy tôi cẩn thận vào bên trong sân nhà kiểm tra. Có lẽ mợ ấy đã không bị câu hồn sớm như thế. Nhiều lúc tôi trộm nghĩ, cái bóng đứng thập thò trước sân đã hại mợ ấy. Tôi biết lúc đó tôi có nói chuyện này ra cũng không ai tin, bởi vậy nên tôi đành im lặng. Mẹ con Chiêm thằng Đức mất hơn mười năm rồi, khoảng thời gian dài đằng đẵng ấy khiến tôi nhiều lúc quên mất sự nghi ngờ của mình. Nói ra có thể ông trưởng làng không tin, nhiều khi đứng trên mỏm núi cao, phóng tầm mắt nhìn xuống dưới, tôi vẫn thấy lác đác đâu đó một vài mái nhà lợp tranh. Có lần tôi nhìn thấy bóng một người bay lảng vảng trên ngọn cây, nhiều khi vào đêm trăng sáng tôi cũng nhìn thấy có bóng người nào đó thấp thoáng trước cổng làng.”

Ông Thập điếng người lắp bắp hỏi lại:

“Cụ… cụ có chắc không? Bóng người ấy thế nào?”

Lão Mục Đồng lấy tay day nhẹ vào vầng trán đã nhiều nếp nhăn rồi mới khẽ trả lời:

“Tôi chắc chắn rằng mình không nhìn lầm. Ông trưởng làng thử nghĩ mà xem, nếu chỉ nhìn thấy một hai lần có thể là do tôi tuổi già hoa mắt, nhưng nhìn thấy liên tục thì….. Lần nhìn thấy rõ nhất, tôi lại trông thấy một cái bóng hình người phụ nữ mảnh khảnh có thể đó là vong hồn đã khuất, nhưng mà nếu nói không đáng ngờ thì không phải!”

Ông Thập gật gù.

Dường như đã chờ đợi rất lâu mới có thể nói những điều cất giữ trong lòng, lão Mục Đồng lặng lẽ kể tiếp:

“Tôi đã từng nghĩ, có khi nào cái bóng đó chính là vong hồn đến đòi mạng làng ta. Hay đó là người đã bị tổ tiên chúng ta giết chết từ lâu. Tôi đợi mãi xem liệu có ai chết một cách kì lạ hay không? Phải đến 23 tháng Chạp vừa rồi, tôi mới bàng hoàng nhận ra một điều….”

Lão Mục Đồng đương nói bỗng dưng ngừng lại, cơn ho sặc sụa khiến lão phải mất một lúc mới có thể hô hấp trở lại. Ông Thập khẽ vỗ nhẹ nhẹ vào cái lưng của lão, vừa hỏi dồn:

“Cụ sao thế? Cụ ngã bệnh hay sao?”

Lão Mục Đồng xua tay tỏ ý bản thân mình vô sự. Lão nhìn ông Thập với ánh mắt nghiêm nghị rồi mới nói:

“Chẳng lẽ ông trưởng làng không cảm thấy, làng ta càng ngày càng có nhiều âm khí nặng nề hay sao?”

Ông Thập nghe thấy thế thì không trả lời vội, chỉ thở dài rồi khẽ gật đầu. Lão Mục Đồng thấp giọng:

“Sáng ngày 23 tháng Chạp, hôm ấy gió mưa vần vũ cả đêm, bỗng dưng trong lòng tôi có dự cảm kì lạ. Trời tờ mờ sáng, tôi đã cầm đồ nghề đi vào rừng để kiểm tra mấy cái bẫy thú mới đặt vài hôm trước. Lúc đi ngang qua con suối để tiến sâu vào trong rừng, tôi thoáng nhìn thấy hai con rắn, một con là cạp nong, con còn lại chắc chắn là cạp nia, đương nằm trên phiến đá cạnh dòng nước. Vừa nhìn thấy chúng, tôi giật mình ngạc nhiên.”

Lão nhìn ông Thập rồi khẽ hắng giọng:

“Chắc ông Thập cũng biết, bây giờ là mùa rắn ngủ đông. Tìm được hang ổ của chúng đã khó, huống chi lại thấy hai con giữa lúc mưa gió mịt mùng như thế. Tôi bắt rắn cả đời người, có khi nào thấy sự lạ như thế đâu.”

Ông Thập thất kinh vội hỏi:

“Sao lại có thể như thế được? Thế… thế lúc đó cụ có bắt chúng không?”

Lão Mục Đồng cười lạnh:

“Ông trưởng làng không biết, phàm đã là kẻ đi săn thú rừng như chúng tôi đều phải có quy tắc. Chúng tôi tuyệt đối không bắt những con thú xuất hiện một cách đáng ngờ. Lúc đó, tôi sững sờ nhìn hai con rắn rồi lập tức bỏ đi. Khi quay lại nhìn tôi thấy chúng đương nhìn theo tôi như thể có linh tính. Chưa lúc nào gặp rắn mà tôi thấy sợ như thế. Đột nhiên tôi nảy ra một ý, tôi trốn vào một bụi cây ở gần đó chừng vài trượng rồi khẽ quan sát xem có quái sự nào xảy ra. Chừng một tuần hương sau, tôi thấy trời ngớt mưa, từ phía cuối làng có tiếng bước chân người đi rất nặng nề, có tiếng nói khe khẽ của nữ nhân. Tôi đoán chừng có người làng đi thả cá để cúng ông Táo, Đột nhiên tôi sực nhớ tới hai con rắn vẫn đương nằm vắt vẻo trên phiến đá, ngộ nhỡ nó cắn người làng thì sao. Ông trưởng làng còn lạ gì loài rắn cạp nong, cạp nia này nữa. Một nhát cắn của nó nhẹ thì hôn mê ngũ tạng bị hư hại, nặng thì vong mạng ngay tức khắc.

“Tôi toan hô hoán cảnh báo cho người làng thì bỗng dưng trước mắt tôi nhòe đi, sau đó thì tôi không còn biết gì nữa.”

Khoảng cách giữa lão Mục Đồng và ông Thập tính ra cũng phải hơn một sải tay, vậy mà ông Thập vẫn mơ hồ cảm nhận được cơn run rẩy của người đối diện. Ông chau mày rồi hỏi tiếp:

“Cụ có biết vì sao mình lại ngất đi không?”

Lão Mục Đồng lắc đầu:

“Đến tận bây giờ, tôi cũng không biết chuyện gì đã xảy ra lúc đó. Tôi chỉ kịp nhớ là vừa đứng dậy bước đi được vài bước, thì con rắn cạp nia quay lại nhìn tôi, sau đó tôi thấy cái một thứ gì đó giống như một cái đuôi màu đỏ quạch trước mặt, rồi trời đất tối sầm lại. Khi tôi tỉnh lại thì thấy mình nằm dưới đất, trên cánh tay của tôi xuất hiện lớp vảy rắn còn xót lại. Có lẽ… có lẽ trong lúc tôi bất tỉnh nhân sự thì có con rắn nào đó đã bò ngang qua.”

Nghe lão Mục Đồng kể mà ông Thập rùng cả mình. Trong lòng ông chắc chắn một điều, ông lão bắt rắn ở làng này chính là người duy nhất có mặt ở bờ suối vào lúc mà cô Hạch chết. Ông nhớ lại lời cụ Khảm nói vào cái đêm cháu gái mình chết:

“Trên người nó có vết răng của rắn cắn, tôi đoán chừng là vết răng của cạp nia”.

Vậy có nghĩa là… một trong hai con rắn mà lão Mục Đồng nhìn thấy đã cắn cô Hạch, rồi kẻ nào đó đã mang cô Hạch ngâm xuống dưới nước suối, không quên rạch máu để bầy cá chép đen ngửi thấy mùi tanh lao tới. Kẻ đó là người hay yêu ma quỷ quái? Tại sao lại dồn một cô thiếu nữ vào chỗ chết? Ông Thập kinh sợ đến nỗi vầng trán của ông lấm tấm mồ hôi. Ông quay sang hỏi nhỏ:

“Vậy sau đó thì thế nào? Cụ có biết gì về việc ông Võ Tòng bị nướng cháy, rồi lũ trẻ con đương yên đương lành bỗng dưng mất hết hồn vía hay không?”

Lão Mục Đồng khụt khịt mũi rồi trả lời:

“Sau sự việc quái dị ấy tôi sốt cao suốt mấy ngày liền, dọc sống lưng của tôi đau ê ẩm. Thỉnh thoảng tôi lại giật mình thon thót vì cứ có cảm giác rắn bò quanh cổ tay, cổ chân. Ngày hôm sau tôi đi ngủ lúc chạng vạng tối, vừa nằm xuống kéo tấm chăn lên thì thấy bên cạnh mình có thứ gì đó mềm mềm, ươn ướt. Tôi giật mình rồi cố gắng trấn tĩnh lại, bước nhẹ nhàng xuống giường mới dám dùng gậy tre để lật chiếc chăn lên. Lúc đó tôi mới phát hiện … giữa cái giường ọp ẹp ở nhà… có một con rắn hổ mang nằm cuộn tròn đương ngủ.”

Ông Thập thốt lên một tiếng kêu khe khẽ. Lão Mục Đồng run run cầm vò rượu trên tay, mấy lần định dốc xuống họng mà lại thôi. Lão thì thào ngắt quãng:

“Con rắn dường như biết tôi đang nhìn nó. Nó mở mắt phồng mang nhìn tôi đầy đe dọa rồi nó đột ngột bò ra ngoài rồi biến mất, giá như nó xông đến thì tôi còn không thấy lạ lùng. Đằng này nó nhìn tôi hồi lâu như… như…”

“Cụ cứ nói đi, đừng ngại!”

“Nó nhìn tôi như ngầm cảnh cáo rằng: Khôn hồn thì đừng động vào chuyện của nó!”

Tiếng lão Mục Đồng vang lên khe khẽ nhưng rành rọt. Từng lời của lão khiến ông Thập như vừa mới chứng kiến cảnh tượng quỷ dị đến nỗi nổi da gà. Lão Mục Đồng hiểu ánh mắt hoang mang của ông Thập, lão buồn bã tiếp lời:

“Ông trưởng làng ạ, tôi biết tôi nói ra điều này ông sẽ cho tôi là điên khùng mất trí. Làm gì có người nào trên đời lại cho rằng rắn nói chuyện với mình cơ chứ? Nhưng tôi cam đoan điều đó là thật!”

Ông Thập khẽ gật đầu rồi im lặng. Ngọn lửa vẫn cháy bập bùng trước mặt như thể muốn trêu ngươi lũ người phàm ngu muội, một tiếng chim lợn ở đâu đó vang lên giữa núi rừng hoang vắng. Mẹ con nhà thị Lam vừa mới bị cậu Đức thổi ít thuốc mê vào mặt, người nào người nấy đầu cũng nghoẹo sang một bên như thể không còn sức sống. Lão Mục Đồng chỉ tay về phía đám người bị trói rồi run giọng thì thào:

“Còn một chuyện nữa! Chuyện này liên quan đến mẹ con nhà thị Lam.”

“Sao cơ?”

Ông Thập giật nảy mình kêu lên thảng thốt. Từ phía xa xa, cậu Đức, thằng Vẹt, Tam Quỷ và cả mấy người đàn ông khác quay lại nhìn với ánh mắt tò mò. Lão Mục Đồng cuống quýt:

“Ông cứ bình tĩnh nghe tôi nói. Đêm ba mươi tết vừa rồi, trước lúc mà mẹ con nhà thị Lam hóa điên. Tôi lúc đó đương rình mò phía sau vườn nhà vợ chồng thị.”

Lão Mục Đồng nuốt nước bọt một cách khó nhọc rồi tiếp lời:

“Những người bắt rắn trong thiên hạ, không ai là không biết rắn thường thích mùi sữa, đặc biệt là sữa người. Nhiều gia đình có đàn bà nuôi con nhỏ thường phải phòng ngừa rắn, bởi vì mùi sữa thơm khiến cho rắn từ xa cũng có thể đánh hơi thấy. Trong làng lúc này chỉ có nhà ông đồ Lam là vẫn còn đứa nhỏ vẫn chưa cai sữa mẹ. Bà Mệ hồi còn sống có lần kể với tôi là thị Lam hay đổ sữa thừa ra đằng sau vườn nhà thị, chính mắt bà Mệ đã từng nhìn thấy hai con rắn lảng vảng quanh vũng nước mưa dính đầy sữa dù rằng vẫn đương mùa ngủ đông. Nhà ấy vốn nhiều trẻ con, chỉ sợ mùi sữa thơm sẽ gây ra họa cho mấy đứa nhỏ, thế là tôi quyết định lùng sục trong vườn. Khi ấy tôi đương lúi húi phía sau thì chợt thấy tiếng khóc thét của thị Lam rồi tiếng bánh xe lọc cọc đi vào sân. Độ nửa tuần hương, tôi lại nghe thấy tiếng khóc nức nở của bọn trẻ con, rồi mấy người thanh niên khuân gỗ đến để đóng quan tài. Lúc này tôi bước ra ngoài thì e sẽ khiến người ta nghi ngờ, thế là tôi đành chờ đến lúc nửa đêm về sáng. Đương chuẩn bị ra về, tôi nghe thấy có tiếng ai đó thầm thì với mẹ con thị Lam.”

Ông Thập thấy lão ngừng lại, vội giục:

“Rồi sao nữa? Cụ kể tiếp đi!”

Lão Mục Đồng lén đưa mắt nhìn về phía mấy người đàn ông đương ngồi phía xa:

“Thực tình lúc đó trời tối như hũ nút, tôi thấy lạ nên lén nhìn vào phía trong. Trong gian nhà chỉ có hai ngọn đèn cầy nên không sáng rõ, tôi lại thấy cái bóng mờ mờ lảng vảng quanh xác của ông đồ, rồi tôi thấy có tiếng thì thào phát ra từ bóng một con hình nhân mặc chiếc áo đỏ rất quái dị, chưa kể có mấy con rắn màu đen xì cứ thò đầu từ trên trần nhà xuống nữa. Mấy mẹ con nhà thị Lam ngây người nhìn con hình nhân, rồi lại nhìn bầy rắn, một lúc sau thấy họ tranh nhau một thứ gì đó trong cái bát sứt mẻ. Đám thanh niên đóng quan tài đã về từ lâu. Lúc đó tôi sợ quá, vội vàng trèo qua hàng rào rồi chạy một mạch về nhà. Ngày hôm sau thì xảy ra cớ sự như thế”

Ông Thập sững sờ đến nỗi không thể nói lên lời. Ông không ngờ rằng hơn một canh giờ ngồi nói chuyện với lão Mục Đồng lại có thể lật mở lại hàng loạt những quái sự đến thế. Vậy là cái chết của cô Hạch có liên quan đến hai đôi rắn kì lạ, rồi mẹ con thị Lam hóa điên cũng liên quan đến bầy rắn và con hình nhân mặc áo đỏ. Đáng ngờ nhất là cái bóng thoắt ẩn thoắt hiện, có lẽ nào đó chính là cái bóng mà ông từng gặp trong giấc mơ? Những câu hỏi ấy khiến cho đầu óc ông đau như búa bổ, cứ như là ông vừa chợt nghĩ ra một điều gì đó nhưng cơn kích động trong lòng khiến ông quên đi. Một cơn gió lạnh tràn tới, lá cây trong rừng xào xạc nghe như tiếng bước chân người lướt nhanh, nhiều người mới đi rừng chưa quen thường bị hù dọa bởi những âm thanh giữa đêm khuya tĩnh mịch. Tiếng chim lợn vừa lặng im được một lúc lại vang lên từng hồi. Ông Thập ngồi đăm chiêu suy nghĩ, quên cả gật đầu chào đáp lễ khi lão Mục Đồng rời đi.

Lão vừa đi được vài bước thì người làng đã kéo tới. Hầu hết dân làng đều đến đây, thị Thập còn không quên mang theo cho chồng một bình rượu nóng và một chiếc áo tơi phòng trời nổi cơn mưa. Cụ Khảm run run chống chiếc gậy trúc đi tới, bên cạnh là ông Tư, riêng bà Tư thì gương mặt trắng bệch, đôi môi xám xịt phải có mấy người hàng xóm đỡ mới có thể đi được.

Giờ hợi vừa điểm, lúc này đã là nửa đêm. Thị Lam ngất xỉu từ lúc chiều nay lại mơ màng tỉnh lại. Thị lại thấy thân thể mình bị trói cứng đơ, bụng thị quặn lên một cơn đau đến đến cuồng, thị thèm ăn xác người, thị đói đến phát điên lên rồi. Người làng sợ sệt đứng cách thị một đoạn, mấy người đàn ông trang bị khí giới bọc vòng ngoài, đèn đuốc soi sáng rực cả nghĩa địa vốn hoang vu rợn ngợp. Ông Thập bước đến phía trước, trong lòng ông nặng trĩu, ông nhìn những gương mặt của người dân được ánh đuốc chiếu xuống sáng bừng.

Với tư cách là trưởng làng, ông Thập phải nói đôi lời cho đúng với quy củ. Ông nhìn những đứa con của người bạn quá cố còn đương say ngủ, cảm giác tội lỗi bóp nghẹn lấy cổ họng ông. Ông cất giọng khàn khàn:

“Thị Lam và mấy đứa con của thị đã bị làng ta phán tội chôn sống. Tôi vốn biết tội lỗi tày đình của thị không thể dung thứ, cũng không cho phép sống sót mà đi ra khỏi làng. Chỉ có điều, hình phạt chôn sống e là quá khắt khe. Thuốc độc trong làng lúc nào cũng có sẵn… Liệu làng có thể đổi hình phạt khác được chăng?”

Ông Thập chưa kịp nói dứt lời thì bà Tư đã gào lên thảm thiết:

“Không đời nào! Nó ăn thịt con tôi!”

Mấy người khác nghe thấy như thế liền phản ứng dữ dội

“Phạm tội mà còn đòi chết tử tế à?”

“Con đàn bà thất đức! Chết đi!”

“Mấy đứa con nó có phải người đâu? Chúng nó cũng ăn thịt xác chết cơ mà”

Một ai đó vung một nắm đấm lên trên không trung miệng hét:

“Chôn sống đi! Chôn sống đi!”

Câu nói đó như hiệu lệnh khiến cho người làng càng thêm rúng động, tất cả mọi người đồng loạt giơ tay cao quá đầu, miệng không ngừng hô vang hai từ chôn sống.

Thế là hết! Kết cục của mẹ con thị Lam đã định đoạt. Thị Lam bấy giờ không còn giẫy giụa nữa, thị còn đói lắm nhưng thị lờ mờ cảm nhận được cơn giận kinh hoàng từ đám người phía trước.

Tam Quỷ thấy ông Thập lặng người trước phản

ứng của dân làng, gã lo lắng nhìn ông. Ông Thập nhắm nghiền mắt, gương mặt ông trắng bệch hệt như bà Tư lúc này. Đám thanh niên lực lưỡng cởi trói cho mẹ con thị Lam khỏi gốc cây, rồi ném xuống mấy cái hố đào sẵn. Cái hố vừa sâu, vừa hẹp, đứng từ trên miệng hố soi đuốc xuống mà chẳng thể nhìn thấy gì. Dân trong làng vất mấy đứa trẻ con xuống, chúng vẫn mê man bất tỉnh nhân sự, chỉ có đứa bé nhất trong miệng vẫn nhóp nhép nhai một ngón tay còn thừa vào buổi sáng. Thị Lam vốn là người đàn bà khỏe mạnh, thị vùng vẫy khiến cho mấy người đàn ông phải chạy lại giữ chặt lấy thị. Miếng giẻ trong miệng thị đột ngột rơi ra, một người nào đó nhanh tay nhặt xuống định nhét lại vào miệng thị. Ngón tay người đó vừa thò đến nơi thì thị đã giơ hàm răng sắc lẻm đòi cắn. Người đó sợ quá, lúng túng cầm chiếc giẻ nhưng không dám lại gần. Thị Lam bị ném xuống hố sâu, từ trong hố sâu vang lên tiếng cười khành khạch của thị vọng lên. Dân trong làng Địa Ngục nghe rõ mồn một tiếng thị lanh lảnh:

“Lũ khốn nạn, lũ thất đức, lũ bất lương. Tao sẽ về, tao sẽ trở về để ăn hết hồn phách của con cái chúng mày, bọn chúng nó sẽ hóa điên. Ha ha ha .. Chúng mày nhớ nhé, đứa trẻ con nào cũng sẽ hóa điên.”

Ông Thập choáng váng, cụ Khảm gắng chút sức lực gào lên:

“Ném đất xuống đi! Còn chờ cái gì nữa??”

Mấy người đàn ông phục sẵn ở hố, vội vàng hất đất xuống. Ban đầu người ta vẫn nghe thấy tiếng thị Lam cười khành khạch, thị vừa nhai đất nhồm nhoàm vừa ngân nga:

“Trẻ con trong làng phát điên, thế là tao lại có nhiều con. Tao sẽ sai người mang con hình nhân đi ăn hết vong phách của con cái chúng mày. Con tao lại có thêm bạn…”

Nụ cười của thị khiến cho chính ông Thập và Tam Quỷ cũng lạnh sống lưng. Bà Tư vùng dậy, chạy tới lấp đất cùng với mấy người đàn ông. Mấy người làng theo đó cũng chạy ùa tới. Miệng hố đất chẳng mấy chốc mà đầy, người ta nghe thấy tiếng của thị Lam nhỏ dần rồi tắt hẳn. Thị và mấy đứa con của thị bị chôn sống, gần như cả làng đều chôn sống thị. Chỉ trừ ông Thập đứng ngây người cạnh Tam Quỷ và thị Thập ngồi phịch dưới đất nước mắt giàn dụa.

Người làng đứng tần ngần trước năm hố đất bằng phẳng nhất thời im lặng không biết nói gì. Vừa mới đây thôi năm mạng người vẫn còn đương sống, vậy mà chưa đầy một canh giờ họ đã hóa thành cái xác không hồn. Người làng cảm thấy hả hê, họ lục tục kéo nhau về, mặc kệ ông Thập còn đứng thất thần. Ai cũng cảm thấy mẹ con thị Lam bị giết chết bằng cách tàn độc nhất thực là xứng đáng, họ cho rằng những kẻ như thị Lam thật đáng kinh tởm, còn bản thân mình thì không. Nụ cười đắc thắng trên gương mặt họ là minh chứng rõ nét cho điều đó. Một người ác sẽ bị người đời lên án, nhưng nếu tất cả mọi người cùng ác thì điều đó trở thành lẽ phải. Nhìn bóng dân làng khuất sau rặng cây vàng tâm um tùm, ông Thập cảm giác như bản thân mình vừa mới gặp toán cướp năm nào.

Tam Quỷ lắc đầu buồn bã, đôi mắt gã đỏ hoe nhưng không hề thốt lên một lời. Ông Thập lấy từ trong lớp áo khoác dày bịch ra một bó nhang, Tam Quỷ hiểu ý, gã bèn đốt chúng bằng một cây đuốc sắp tàn. Mùi khói thơm thơm bốc lên nghi ngút. Ông Thập chậm rãi đi từng hố đất, mỗi nơi ông đều cắm năm cây nhang. Ông đứng im lặng trước nấm mồ chôn thây của thị Lam hồi lâu, nhưng rồi cũng chẳng biết nói gì, đành đỡ vợ đứng dậy rồi ra về.

Bầu trời lúc này đã gần sáng, cũng là lúc mà người dân trong làng thức dậy. Mấy con gà trống oai vệ đứng trên bờ cỏ oai vệ cất tiếng gáy quen thuộc. Trong làng im ắng, có lẽ người làng vẫn còn đương say giấc. Ông Thập lặng lẽ trên con đường nhỏ quen thuộc.

Trong lòng ông hiểu rằng, giữa bản thân mình và người dân trong làng đã tồn tại một khoảng cách mà không ai muốn thừa nhận. Nhưng chuyện đó cũng chẳng thể làm phiền lòng ông được lâu, vì ông cảm nhận rằng tai họa chí mạng của cả làng đương kéo tới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3