Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 16

HỒI THỨ MƯỜI LĂM

ĂN HỒN TRỘM PHÁCH

Đêm mồng hai rạng sáng ngày mồng ba tết, lão Mục Đồng một mình lặng lẽ bước về căn nhà nhỏ cũ kĩ. Trong nhà không có nhiều đồ đạc, thứ đáng giá duy nhất là thùng rượu ngâm hàng trăm con rắn mà lão thu thập được từ nhiều năm nay. Lần nào cũng vậy, cứ mỗi khi trái gió trở trời, căn bệnh thấp khớp hành hạ là lão phải uống vài ngụm rượu để cho người bớt đau nhức. Lũ trẻ con trong làng vẫn thường hay bị cha mẹ dọa sẽ nhốt chúng vào lu rượu của nhà lão Mục Đồng nếu còn nghịch ngợm. Dọa thì dọa vậy, chứ thực ra chẳng đứa nào sợ hết, vì chúng lúc nào ao ước được tận mắt nhìn thấy trăm con rắn được xếp tầng tầng lớp lớp lên nhau trong một cái lu bằng gốm lớn đến nỗi mấy người ôm không xuể.

Chỉ đáng tiếc là lão Mục Đồng không bao giờ cho ai nhìn thấy cái lu rượu đặc biệt của mình, lão gọi đó là Bách Xà Tửu. Khi còn nhỏ, thỉnh thoảng lão vẫn nghe cha mẹ kể rằng, lúc mới sinh lão bị phát ban toàn thân nặng đến nỗi tưởng không qua khỏi. Ai ngờ một hôm người nhà vô ý làm rơi ít rượu mãng xà ngâm vào bát thuốc, khi uống xong thì lão đỡ dần. Từ đó cha mẹ lão thay nhau tìm đủ một trăm loại rắn khác nhau để ngâm rượu cho con uống hàng ngày. Nhờ thế mới giữ được mạng.

Lão Mục Đồng lớn lên nhờ rượu rắn, sinh nhai cũng bằng rắn, lão vẫn biết rằng làm cái nghề săn bắt thú rừng gây tội rất nặng, nhưng ngoài khả năng bắt rắn tài tình được di truyền từ cha mẹ, ông bà ra thì lão chẳng biết làm gì hơn nữa.

Vả lại rắn ở vùng rừng núi non trùng điệp vốn dễ bắt hơn ở đồng bằng, bởi lẽ chúng còn chưa quen hơi người cho nên cũng chẳng phải vận sức nhiều cũng có thể chụp lấy chúng một cách dễ dàng. Ngẫm lại thì ngoài ông Võ Tòng đã chết thảm ra, thì người sát hại sinh linh ở làng Địa Ngục nhiều nhất có phải kể đến lão Mục Đồng.

Từ dạo gần đây làng hay xảy ra chuyện, lão Mục Đồng lo lắng lắm. Những xác chết trong làng còn chưa kịp mọc giòi thì đã xảy ra những sự lạ liên tiếp. Lão vốn dĩ không đủ xâu chuỗi lại những chuyện mà mình đã kể cho ông trưởng làng. Lão đi đi lại lại trong căn nhà của mình, lòng dạ nóng như lửa đốt. Sau nhiều đêm trằn trọc, đến hôm nay thì lão cũng đã hạ quyết tâm để nói cho ông trưởng làng biết những điều tận mắt mình chứng kiến. Thế nhưng, lão còn có một mối nghi ngờ lớn nhất mà chưa dám tiết lộ cho người thứ hai biết được. Ấy là việc lão nghi ở làng này có người nào đó đương triển khai cổ thuật.

Cổ thuật vốn là một là một loại tà thuật có lịch sử hàng ngàn năm tại phương đông thần bí. Người ta cho rằng, cổ thuật xuất phát ở phương Bắc từ thời Hán, nhưng sau này nhiều học giả người Hoa nghiên cứu lại phát hiện ra những dấu hiệu cho thấy chúng có nguồn gốc từ Đại Việt. Thực hư thế nào thì lão Mục Đồng cũng không rõ, lão chỉ biết được rằng bí mật của cổ thuật do các vu sư thực hiện, những người này thường sử dụng cổ thuật để điều khiển các loài sinh vật như rắn, ếch, chim, mèo, rắn độc để làm việc cho mình, thậm chí còn có thể hại chết những kẻ ngáng đường mình.

Sở dĩ lão Mục Đồng có thể biết được điều này cũng là do khi còn nhỏ đã từng nghe cha mẹ nhắc đến. Mãi sau này khi lớn lên, lão mới lờ mờ nhận ra rằng chiến thuật Xà Phục mà cha mẹ mình sử dụng năm xưa vốn là một phép nhỏ của cổ thuật. Càng ngẫm nghĩ lão càng cho rằng điều ấy là đúng, nếu không thì làm sao mà người bình thường có thể sai khiến được bầy rắn hàng trăm con phục kích kẻ địch? Chỉ tiếc rằng, ông bà cha mẹ của lão đã mất quá đột ngột nên chẳng kịp truyền lại bí phương nào cho lão. Cuối cùng, lão chỉ biết lấy những kỹ năng nhận biết và săn bắt rắn để làm kế sinh nhai cho mình. Suy cho cùng, cả cuộc đời của ba thế hệ nhà lão đều không tránh được khỏi số kiếp nặng nghiệp.

Thế nhưng lão Mục Đồng biết rằng, bây giờ không phải là lúc để nghĩ vẩn vơ như thế. Lão không hiểu vì sao lại có tới hai con rắn xuất hiện vào cái ngày cô Hạch chết, lão cũng không thể lý giải được việc người trong làng liên tục đồn đại có hai con rắn đào đất ở mộ mẹ con nhà thằng Đậu, rồi cả việc người làng nhìn thấy bóng dáng mẹ con nó thất thểu đi đi lại lại giữa làng vào những buổi sáng mù sương, trên cổ mỗi người còn có con rắn quấn quanh. Lạ lùng nhất là cảnh tượng chính lão từng trông thấy đó là con hình nhân thế mạng đứng cạnh bầy rắn treo mình trên xà nhà, rủ rỉ rù rì nói điều gì đó với mẹ con nhà thị Lam vợ ông đồ đã mất. Tất cả những sự kiện quái dị đến mức lạ lùng đó đều giống như ma quỷ làm, chỉ có điều linh tính mách bảo cho ông biết những cái chết đột ngột gần đây thực sự có liên quan đến cổ thuật.

Ấy thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, cổ thuật vốn dĩ đã thất truyền từ lâu, người có thể sai khiến được ma quỷ, điều khiển được xác chết và động vật chẳng lẽ lại đương có mặt ở cái làng này? Có khi nào là lão ăn mày què đã biến mất dạng, hay là gã Tam Quỷ cao lớn? Lão Mục Đồng thầm suy tính trong đầu, lão đoán chắc được rằng một khi kẻ nào đó quyết tâm dùng cổ thuật ắt hẳn phải có một mối căm thù sâu sắc đối với người khác. Làng Địa Ngục sống ẩn thân trong rừng đã nhiều năm, ngoài thảm án giết hại gia đình buôn tơ lụa năm xưa thì làm gì còn tội lỗi nào khác? Chắc chắn là hậu duệ của gia đình đó đã cho người quay lại báo thù. Nếu không thì làm sao có thể xuống tay tàn nhẫn như thế với người khác?

Nghĩ tới đó, lão vội vàng bước tới bàn uống trà, ghi lại những điều mình suy đoán vào trong một tờ giấy, định bụng sẽ tận tay đưa nó cho ông Thập. Mặc dù ông Thập giữ nhiệm vụ làm giao thương với bên ngoài, nhưng chưa chắc những câu chuyện về cổ thuật thần bí này ông đã biết tới. Hơn nữa, chuyện này vạn phần nguy hiểm bởi lẽ những vu sư có thể sai khiến nhiều loài động vật có độc, nếu lão trực tiếp nói với ông Thập e rằng chẳng khác nào đánh rắn động cỏ.

Lão Mục Đồng run run cầm chiếc bút lông trên tay, chẳng mấy chốc tờ giấy đã kín mặt chữ. Đột nhiên, lão nghe thấy tiếng một con chim lợn từ đâu đó vang lên. Giữa đêm khuya thanh vắng, tiếng eng éc kéo dài khiến cho lão cảm thấy nổi da gà, một cơn gió lạnh ùa tới làm bật tung cánh cửa sổ bên tay phải của lão. Bên ngoài trời tối om như mực, đàn đom đóm vẫn lặng lẽ bay lượn trong không trung. Tiếng cành cây xào xạc bị gió thổi khiến cho người nghe có cảm giác như có ai đó đang lảng vảng gần đây. Lão chầm chậm bước tới cửa sổ, vừa mới với tay cài chốt cửa thì có tiếng gõ cửa cộc cộc vang lên.

“Quái lạ! Ai mà lại đến nhà mình giờ này?”

Trong lòng lão cảm thấy ngạc nhiên nhưng cũng bước tới cánh cửa gỗ mòn vẹt ở phía trước. Cửa vừa mở ra, lập tức lão kinh ngạc đến nỗi đôi mắt trợn ngược, mồm ú ở không thành tiếng. Trước mặt lão là mẹ con thằng Đậu gương mặt đầy giòi, trên cổ có hai con rắn màu đen cuộn chặt nhìn lão đầy thách thức. Lão Mục sợ đến lặng cả người, toàn thân nổi da gà, tim dường như ngừng đập. Mẹ con thằng Đậu im lặng nhìn lão, trong đôi mắt ấy không có nổi một tia sáng, toàn thân họ bốc lên mùi xú uế hôi thối đến kinh hồn. Lão đờ đẫn vì sợ hãi, làm sao có thể tưởng tượng nổi việc hai người đã chết từ đời nào lại có thể gõ cửa nhà lão. Đúng lúc ấy, một giọng nói nhẹ nhàng vang lên từ bên ngoài:

“Khách tới nhà mà ông Mục không mời vào hay sao?”.

Lão Mục Đồng thất kinh, sao giọng nói này lại quen đến thế! Lão phóng tầm mắt qua bờ vai của thằng Đậu, nhìn thấy một người đàn bà mặc cái áo tím nhạt, tay cầm một chiếc dù đã bạc phếch. Lão chưa kịp định thần thì người đàn bà đã bước lên bậc cửa, sau lưng bà ta là một cái bóng trắng tỏa ra ánh sáng đầy ma mị giống như mấy con đom đóm lập lòe. Bà ta vừa lại gần, lão Mục Đồng khiếp đảm nhận ra người đương đứng trước mặt mình là ai. Lão ú ở nói không thành câu:

“Sao… sao lại là bà?”

Người đàn bà chỉ cười nhạt, tròng mắt bà ta toát ra luồng khí lạnh đến thấu xương, thằng Đậu dùng tay đẩy mạnh lão Mục vào bên trong, rồi cung kính nhường lối đi cho người đàn bà ấy, cái bóng trắng vẫn đứng lấp ló ở bên ngoài. Dưới ánh sáng tù mù của chiếc đèn cầy, lão Mục nhận ra cái bóng vừa rồi chỉ là vong hồn, còn người trước mặt là người sống sờ sờ, hơn nữa lại là người mà lão quen biết, thường hay chạm mặt. Bà ta đủng đỉnh đi quanh căn nhà giống như đương vãn cảnh, lão Mục vừa sợ hãi vừa tò mò nhìn theo, không nén được lòng bèn cất tiếng hỏi:

“Sao bà…. bà ….. lại đến đây? Thế còn… thế còn mẹ con nhà thằng Đậu sao … sao lại đứng ở kia? Chẳng phải là họ đã chết rồi à?”

Người đàn bà không vội trả lời ngay, bà ta mải mê nhìn bình rượu bách xà của lão, một hồi lâu sau mới đáp lời:

“Mẹ con thằng Đậu chết lâu rồi! Là tao cho chúng nó chết đấy, cũng giống như giết con Hạch với tên khốn kiếp Võ Tòng ấy mà!”

Lão Mục Đồng thất kinh:

“Sao… sao.. bà lại giết họ. Chẳng phải bà là..”

Lão chưa kịp nói dứt lời thì đã ngưng bặt vì kinh hồn bạt vía, người đàn bà kia dùng tay thọc hẳn vào trong lu rượu, lấy ra một con rắn ráo bụng vàng dài hơn nửa trượng, đoạn lại há miệng nuốt từ từ con rắn vào trong cổ họng, tiếng nhai ngấu nghiến vang lên nghe giống như loài vật nào đó đương ăn mồi . Toàn thân lão Mục Đồng mềm nhũn ngã phịch xuống đất, cảnh tượng người đàn bà nuốt rắn khiến lão cảm thấy lợm giọng không chịu nổi, lão cúi xuống ói ra một một mớ hỗn độn của rượu thịt và khoai.

Người đàn bà ăn xong con rắn bèn lắc đầu chẹp miệng:

“Tuy không ngon như rắn còn sống, nhưng mùi vị cũng không đến nỗi nào!”

Nói xong bà ta đi tới bàn trà uống nước, phát hiện thấy bức thư lão viết gần xong bèn cầm lên đọc. Bà ta dửng dưng nhìn lão rồi cười nhạt:

“Xem ra mày cũng biết rõ đấy nhỉ?”

Lão Mục Đồng biết rằng phen này khó sống, lão chậm rãi đưa mắt nhìn ra ngoài cửa thấy cái bóng trắng vẫn ở đó, mẹ con nhà thằng Đậu đứng im như tượng, trong lòng lão có hàng vạn câu hỏi. Lão quyết định sẽ hỏi cho rõ ngọn ngành. Ví như có phải chết thì khi lên chuyến đò chở vong, lão cũng không làm một vong hồn ngơ ngơ ngẩn ngẩn không biết vì sao mình lại lìa đời.

Người đàn bà khoan thai ngồi xuống ghế, gương mặt bà ta xinh đẹp nhưng ở phía cổ của bà lấm tấm một vài cái vảy rắn, đôi mắt hấp hí nhìn lão đầy dò xét giống hệt như mắt của loài rắn lúc săn mồi. Lão Mục Đồng hít một hơi thật sâu rồi hỏi:

“Bà thực sự đã dùng cổ thuật để hại chết những người trong làng hay sao?”

Người đàn bà điềm nhiên thừa nhận:

“Đúng vậy! Lũ trẻ con bị mất hết hồn phách, hình nhân thế mạng xuất hiện, rồi cả việc mấy mẹ con ngu ngốc nhà gã thầy đồ cũng là do tao làm đấy!”.

Dù đương giữa đêm xuân lạnh lẽo nhưng mồ hôi vẫn chảy ròng ròng trên trán lão Mục Đồng, lão hỏi lại:

“Cổ thuật có thể sai khiến được thú vật, nhưng sao bà lại có thể gây ra được chuyện lớn như vậy mà không ai hay biết? Thậm chí đến cả người bên cạnh bà cũng không rõ?”.

Nghe câu hỏi của lão, người đàn bà bật lên một tràng cười khe khẽ, bà ta hỏi lại:

“Mày muốn nói đến lão chồng vô tích sự của tao à? Hay muốn nói đến đám người làng ngu độn chỉ biết bàn tán phía sau lưng? Tao phí bao nhiêu năm trời để tính toán, làm sao có thể để cho người khác vạch trần được kế hoạch của mình. Mày nghĩ xem có phải không?”

Lão Mục Đồng im lặng không nói gì,người kia lại vừa cười vừa nói tiếp:

“Cổ thuật đương nhiên là lợi hại, nếu không thì sao có những kẻ khổ công lặn lội đi theo đoàn quân chinh phạt từ phương Bắc tới vùng đất có thủy thổ khắc nghiệt này để tìm kiếm cổ thuật cơ chứ. Những gã phù thủy phương Bắc tưởng rằng có chút bản lĩnh, chạy vào rừng sâu tìm kiếm những người như tao, mà không biết rằng thứ gì đang chờ chúng phía trước.”

Bà ta khẽ cầm tờ giấy phất phơ trước mặt:

“Mày nói tao là vu sư, mày nghi ngờ chuyện này có liên quan đến vụ thảm án giết cả gia tộc buôn vải năm xưa. Thực lòng mà nói thì điều mày nghi ngờ hoàn toàn đúng đấy, chỉ có điều mày còn kém cỏi lắm. Tao có thể nhập vào xác bất kỳ ai, hoặc tráo hồn với bất cứ người nào, những chuyện như thế làm sao có thể làm khó được tao?”

Bà ta cười gằn một tiếng, từ trong cổ họng phát ra tiếng ồm ồm như giọng nói của một người đàn ông. Lão Mục Đồng sững sờ nhìn người trước mặt, người đàn bà chỉ khẽ chớp mắt một cái rồi lại nói tiếp:

“Nhưng mà nếu chỉ sử dụng cổ thuật thì đâu có thể bài trí một kế hoạch không chút sơ hở như thế chứ. Mục Đồng à, mày chẳng qua cũng chỉ là một thằng già đầu ngu xuẩn sống qua ngày bởi hơi lạnh tỏa ra từ lu rượu của mày. Tao thì khác, tao phải trải qua trăm ngàn đau đớn mới luyện được thứ rượu có thể sai khiến được âm hồn, ma quỷ, và cả người sống. Trong làng này có vài kẻ còn đương nghe theo sự sai khiến của tao đấy. Nếu như không phải mày nhiễu sự đem chuyện kể cho lão Thập ngu ngốc kia thì chưa chắc đã phải chết ngay hôm nay, biết đâu tao lại tha chết cho mày. Suy cho cùng thì tự mày làm hại lấy thân”

Cơn giận dữ lấn át nỗi kinh hoàng trong lòng lão Mục, lão nhìn người kia với ánh mắt tóe lửa:

“Tao thà chết chứ không thèm tiếp tay với mày. Mày thật không còn nhân tính. Mày định giết hết cả làng này mới chịu dừng hay sao? Mày còn dám xuống tay với cả những đứa trẻ vô tội, rồi sau đó vờ khóc lóc thương tâm. Mày… mày đúng là loài rắn độc!”

Người đàn bà mỉm cười, khẽ ngồi xuống cạnh lão Mục rồi thì thầm vào tai lão:

“Thì tao đâu có phải con người.”

Lão Mục chưa kịp phản ứng thì bàn tay của người đàn bà ấy khẽ đặt lên ngực lão, năm ngón tay thon dài trắng bệch bấu chặt vào lớp da thịt. Lão chỉ kịp thốt lên một tiếng rồi mọi thứ tối sầm trước mắt, khi lão vừa gục xuống thì cũng là lúc quả tim đầy máu bị lôi ra. Người đàn bà cầm quả tim còn đương đập thình thịch trên tay, khẽ liếm mép rồi ngấu nghiến ăn. Máu từ những dây thần kinh bao xung quanh tim bị cắn đứt, bắn lên gương mặt xinh đẹp nhưng đầy hiểm ác. Chừng nửa tuần hương sau thì người ấy cũng ăn xong, phát hiện cái xác dưới chân mình còn đương trợn trừng, người ấy nhẹ nhàng dùng hai ngón tay lấy tròng mắt rồi lại đưa lên miệng, đoạn mỉm cười nói với mẹ con thằng Đậu đứng canh chừng trước cửa:

“Tim người chứa hồn, mắt người chứa phách. Mùi vị của hai thứ này quả là vượt xa mấy con rắn quanh năm chỉ biết ăn thịt chuột. Đúng là không thể so bì.”

Nói rồi người ấy bước đi, không quên đốt lá thư viết dở bằng ngọn đèn cầy đặt trên bàn, tàn tro của bức thư rơi lả tả trên xác của lão Mục Đồng. Mùi máu tanh từ xác lão xộc lên, bị cơn gió đưa đi, bầy chó trong làng đánh hơi được mùi tanh lập tức sủa dữ dội. Người làng Địa Ngục sau khi chôn sống được mẹ con thị Lam liền cho rằng mọi chuyện đã êm đẹp. Đêm hôm ấy, mặc cho chó trong làng sủa, người ta cũng chỉ khẽ mắng vài câu rồi lại chìm vào giấc ngủ. Chẳng ai biết, thảm kịch kinh hoàng đang đến gần với họ.

Sáng sớm ngày mồng ba tết, màn sương bạc phủ khắp núi rừng. Dù đã giữa giờ Mão nhưng sương mù vẫn dày đặc, đến nỗi hai người đứng cách nhau một thước cũng chẳng thể nhìn rõ nhau. Người làng phải đốt đuốc để tận dụng sức nóng xua tan màn sương lảng bảng bay trong không trung. Đám người có kinh nghiệm đi rừng vẫn bảo với nhau rằng, sương lạnh tuy không nhìn rõ mặt người nhưng đồng thời cũng tạo điều kiện để cho khứu giác hoạt động tốt hơn. Điều đó có nghĩa là khi trời lạnh, con người nhạy cảm hơn với những loại mùi xuất hiện trong không khí.

Sáng nay, cả làng tràn ngập mùi máu tanh. Thực ra ngày tết người trong làng cắt tiết gà nhiều nên phảng phất mùi máu cũng không có gì lạ. Chỉ có điều, sao mùi máu này lại nồng nặc như thế, giống như người nào đó giết hàng trăm con gà, con lợn cùng một lúc vậy.

Người ta đổ ra đường hỏi nhau, chẳng ai biết vì sao khắp nơi lại tanh tưởi đến thế. Có người đoán rằng nhà ông Thập mổ lợn để đem dưới xuôi bán, nhưng kẻ khác lại cho rằng có con thú nào chết trong bẫy, mải giãy giụa nên chiếc bẫy càng siết chặt. Ngay cả Tam Quỷ cũng bị mùi tanh đánh thức, gã nhíu mày cảm thấy khó chịu. Ngày trước ở cạnh nhà thằng Tứ cháo lòng suốt ngày giết lợn cũng không đến nỗi tanh như vậy. Gã mở cửa bước ra ngoài, vốn định hít thở chút không khí trong lành của buổi sớm nhưng tiếng bàn tán xôn xao của người làng khiến hắn cảm thấy tò mò.

Vừa nhìn thấy gã bước ra ngoài, mấy người hàng xóm đã vội vàng tránh mặt. Tam Quỷ không lấy làm lạ bởi thái độ của đám người ấy, bởi lẽ từ sau khi ông thầy đồ chết thảm, lão ăn mày què biến mất, dân trong làng cũng e dè với gã hơn trước nhiều. Có lẽ họ cho rằng gã cũng cùng một giuộc với lão ăn mày què. Nhưng mà kể cũng thật lạ, nhiều khi Tam Quỷ cho rằng trong người gã như tồn tại hai con người khác nhau. Nhiều lúc gã không nhớ mình đã đi đâu, làm gì. Có đêm gã lên giường định đánh một giấc, nhưng khi tỉnh dậy thì gã lại thấy mình đương nằm trên hiên nhà. Thậm chí khi đến làng Địa Ngục, nhiều khi gã vẫn lén quan sát ông Thập, không hiểu sao nhiều lần trong lòng gã như có ai thúc giục hãy bóp cổ ông trưởng làng đi. Mỗi lần như thế, gã chỉ có thể nghiến răng kèn kẹt, tay nắm thành nắm đấm để dằn lòng mình lại, mọi sát khí chỉ có thể phóng qua đôi mắt.

Mụ vợ gã khi còn sống vẫn nói rằng gã bị mộng du, vì chỉ có mộng du thì mới đi đi lại lại khi ngủ như thế. Thế nhưng Tam Quỷ lại cho rằng hắn vốn không phải bị mộng du, vì nhiều khi đang còn tỉnh táo gã bỗng chốc chẳng nhớ mình vừa làm gì. Vậy thì hà cớ làm sao có thể quy chụp cho bản thân gã mắc chứng mộng du được.

Vừa nghĩ tới mụ vợ lẳng lơ, Tam Quỷ lại nghiến răng kèn kẹt, gã đã dặn lòng mình không bao giờ vẩn vơ nghĩ ngợi về thứ đàn bà đốn mạt đó, vậy mà hôm nay…

Đương lúc bực bội, bỗng dưng gã nghe thấy tiếng chó sủa vang lên từ cuối làng. Gã nhớn mắt nhìn chợt thấy một con chó lông vàng chạy như bay, trên miệng ngoạm một miếng thịt nhợt nhạt, sau lưng nó có mấy con chó đuổi theo muốn giành miếng thịt.

Tam Quỷ vốn không định để ý đến chuyện đó, nhưng khi con chó chạy tới gần, gã mới phát hiện ra nó đang ngậm một nửa bàn tay người đang dần tím tái. Tam Quỷ hoảng hồn, chẳng lẽ con chó lông vàng này cũng giống như mẹ con thị Lam bị điên rồi đào mộ lấy xác người chết ăn thịt? Gã vội vàng nhặt cục đá dưới chân ném thẳng vào bụng của con chó. Con chó bị đau bèn sủa ăng ẳng buông rơi nửa bàn tay người rồi trốn vào bụi cây gần đó. Mấy con chó khác thấy Tam Quỷ bèn lùi lại rồi bỏ chạy về phía cuối làng. Tam Quỷ nhặt nửa bàn tay lên rồi giật mình kinh hãi. Gã nhận ra đó là bàn tay của một người đàn ông đã già nua. Ban đầu gã nghĩ tới cụ Khảm, chẳng lẽ ông cụ thầy lang đó gặp chuyện gì bất trắc rồi hay sao? Gã vừa chạy thẳng đến nhà ông Thập, vừa tri hô:

“Bớ làng nước ơi! Lại có người chết! Lại có người chết!”

Người trong làng nhốn nháo bước ra khỏi cửa, thấy Tam Quỷ mặt cắt không còn giọt máu chạy về hướng nhà ông Thập liền đồng loạt theo sau. Gian nhà ông Thập cửa vẫn đóng im ỉm, thoảng mùi nhang khói từ trên bàn thờ buông xuống. Tam Quỷ đẩy cửa chạy vào gian giữa, lớn tiếng gọi:

“Bác Thập! Bác Thập ơi!”

Trong nhà có tiếng phụ nữ húng hắng ho, một lúc sau có tiếng bước chân khe khẽ, ông Thập vén tấm màn bằng tre bước ra, ngạc nhiên hỏi:

“Ơ kìa bác Tam! Bác tới đây có chuyện gì?”

Tam Quỷ thở hổn hển, gã không nói không rằng, run run đưa cho ông Thập nửa bàn tay người bị xé nham nhở. Ông Thập nhìn thấy bàn tay liền giật mình, lùi lại mấy bước rồi kinh ngạc hỏi:

“Cái này… cái này bác lấy ở đâu?”

Vừa lúc đó thì vài người dân trong làng cũng kéo đến hóng chuyện, Tam Quỷ vừa thở hổn hển, vừa ôm bụng nói một cách khó nhọc:

“Sáng nay tôi vừa ngủ dậy ngửi thấy mùi máu tanh, tôi bước ra ngoài xem có sự gì hay không? Đúng lúc đó tôi thấy một con chó chạy từ phía cuối làng mồm ngoạm bàn tay này, tôi… tôi ném đá để lấy lại bàn tay. Thế rồi.. thế rồi chạy thẳng tới đây.”

Mấy người dân trong làng xúm lại để nhìn nửa bàn tay cho rõ. Bàn tay già nua đã có vết đồi mồi lấm tấm. Với hình dạng này thì phải tám chín phần là tay của một người đàn ông. Ông Thập run run cầm lấy, bất giác ông phát hiện trong lòng bàn tay có một vết sẹo hình lưỡi liềm. Ông nhíu mày suy nghĩ, vì ông cảm thấy vết sẹo này rất quen. Ông quay ra hỏi người trong làng:

“Ở làng ta có người nào có sẹo hình lưỡi liềm ở bàn tay không?”

Mọi người nhìn nhau, ai cũng lắc đầu. Có kẻ chẹp miệng thở dài:

“Ở làng này thì ai mà chẳng có vết sẹo ở tay cơ chứ. Đến lũ trẻ con còn có cơ mà!”.

Một người đàn ông tóc muối tiêu cúi xuống quan sát nửa bàn tay nham nhở, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:

“Nếu là vết sẹo hình lưỡi liềm thì có thể là lão Mục Đồng. Vì có lần lão khoe với tôi rằng vết sẹo này là do răng của một con hổ mang chúa cắn phải. Tôi không chắc lắm nhưng… nhưng rất có thể là nó.”

Vừa nghe tới tên lão Mục Đồng, tim ông Thập như ngừng đập. Mới hôm qua lão còn nói chuyện với ông, những câu chuyện mà lão kể lại tuy rời rạc nhưng ông Thập mơ hồ cảm thấy có mối liên kết nào đó ở đây. Trực giác mách bảo ông rằng lão Mục Đồng đã gặp chuyện chẳng lành, ông vội vã chạy thẳng về phía cuối làng. Tam Quỷ hơi bất ngờ nhưng cũng hiểu ý, bèn chạy theo phía sau.

Trước thái độ lạ lùng của ông trưởng làng, vài người dân tuy không hiểu gì nhiều nhưng cũng tấp tỉnh đi theo phía sau. Gian nhà vừa rồi còn đương đông đúc, ấy vậy mà chưa tới nửa tuần hương đã tĩnh lặng, chỉ còn mỗi thị Thập mệt mỏi, yếu ớt nằm trên giường, đôi mắt đỏ ngầu vì nôn mửa quá độ, ruột gan thị nóng như lửa đốt. Thị không biết mình đã ăn thứ gì vào đêm qua, chỉ nhớ rằng đêm qua khi ra sau nhà rửa mặt thì thấy đầu óc quay cuồng rồi bất tỉnh lúc nào không hay. Khi tỉnh lại thì thị đã nằm trên giường, trong miệng thị còn xông lên một mùi gì đó ngai ngái khó ngửi. Ông Thập cho rằng thị lao lực quá độ rồi sinh ra ốm yếu, thị không biết phải diễn tả cảm giác của mình như thế nào. Chỉ biết rằng, sức lực của thị như đã bị rút cạn hết, cả người thị râm ran ngứa như thể muốn lột da.

Nằm khuất cuối làng có một lối rẽ nhỏ, hai bên đường có mấy cây hoa mận đương trổ lá xanh biếc. Mỗi năm khi mùa mận chín, lũ trẻ con trong làng thường đến đó trèo lên cây để hái quả ăn. Đi hết con đường đó là tới nhà lão Mục Đồng. Căn nhà của lão nho nhỏ, bên cạnh một cái hố trũng tạo thành một ao nước tự nhiên. Vừa mới bước tới cổng, ông Thập đã thấy xộc lên một xú uế tanh tưởi khó tả. Mùi máu nồng nặc hòa lẫn với mùi thịt tanh tanh của loài thú nào đó. Tam Quỷ chạy theo phía sau, gã ngửi thấy mùi lạ bèn đưa mắt nhìn ông trưởng làng tỏ ý lo lắng. Ông Thập khẽ hít một hơi thật sâu, đẩy cửa bước vào. Trong gian nhà rất tối, ngọn đèn cầy đã tắt từ lúc nào, không gian xộc lên mùi tanh tưởi của máu, mùi cay nồng của hơi rượu và thoảng mùi ngai ngái của thịt sống. Ông Thập khẽ gọi:

“Cụ Mục Đồng ơi! Cụ có nhà không?”

Ông Thập chưa kịp dứt lời thì Tam Quỷ đã hét lên một tiếng kinh hoàng, gã run run chỉ xuống dưới đất, miệng lắp bắp kêu lên:

“Lão… lão… lão chết rồi!”

Dưới nền nhà đất lạnh lẽo là xác của lão Mục Đồng, làn da của lão đã bắt đầu tím tái, ngực bị phanh nhìn thấy một lỗ tròn trống rỗng, đôi mắt lão bị ai đó khoét lấy hết hốc mắt phía trong, toàn thân lão đẫm máu. Tiết trời lạnh lẽo ở nơi núi rừng khiến cho vũng máu đã sớm đông đặc từ lúc nào. Điều đáng sợ ở chỗ, lu rượu Bách Xà của lão đã bị vỡ tan tành từ lúc nào, xác bầy rắn lăn lóc trên nền đất. Trên sàn nhà xuất hiện nhiều vết chân chó, có vẻ như lũ chó trong làng đánh hơi thấy mùi máu tanh nên đã kéo tới. Sau đó phát hiện ra lu rượu rắn nên xông vào tranh giành từng miếng thịt, lại còn giằng xé nửa bàn tay của người đã chết. Khi dân làng kéo đến, người nào người nấy đều thất kinh.

Giữa cái xác đầy máu me của lão Mục Đồng là la liệt xác rắn. Có con hổ mang bành bị cắn đứt đầu, có con rắn ráo bị chết cũng chôn thây giữa bầy rắn. Ông Thập nhìn xác chết dưới chân, lòng ngổn ngang suy nghĩ.

Cái chết của lão Mục Đồng vào giữa mùng ba tết là sự kiện kinh hoàng điểm thêm cho chuỗi ngày chết chóc ở nơi đây. Người ta ngỡ như chôn thây mấy mẹ con nhà ông đồ Lam xong là sự lạ trong làng sẽ ngừng tiếp diễn. Ấy vậy mà chỉ vài canh giờ ngắn ngủi, lại có người tiếp theo vong mạng. Có người nhẩm tính, số lượng người chết ở làng từ sau lễ tiễn ông táo đã hơn chục mạng người, mà người nào người nấy cũng đều chết thê thảm, không bị mất tứ chi thì cũng bị moi tim, móc mắt, thậm chí còn bị chặt xác ra làm mấy khúc. Người ta không dám tin ai, không dám nói chuyện với ai, bầu không khí trong làng lúc trước nhuốm màu u ám, thì giờ ngột ngạt đến mức khó thở.

Người làng Địa Ngục vốn sống quây quần , sum vầy với nhau, ấy vậy mà giờ đây mọi người đều trở nên xa lạ. Người dưới đất, người ta quên đi chính lão là người đã từng cứu rất nhiều đứa trẻ thoát khỏi rắn độc. Ngôi làng nhỏ nằm lưng chừng chân núi này được bình yên khỏi nạn rắn cắn, một phần cũng là nhờ công của lão. Cuối cùng chỉ còn ông Thập, Tam Quỷ, cậu Đức và thằng Vẹt lặng lẽ lo hậu sự cho lão Mục Đồng.

Vì lão không có vợ con, và cũng chẳng còn ai dám lai vãng tới ngôi nhà đầy xác rắn, cho nên mấy người đàn ông cũng chỉ đành quấn tạm lão vào một manh chiếu sơ sài, sau đó khiêng cái xác cứng còng lên chiếc xe gỗ rồi đưa ra bãi tha ma, đào tạm một cái hố rồi chôn xuống dưới. Lúc khuân xác lên trên, bỗng nhiên thằng Vẹt mất đà, cả người nó đổ về phía lão Mục. Trong khoảnh khắc gương mặt nó chạm vào phần da thịt phía lưng của người chết, nó bỗng nhìn thấy sau lưng người ấy có một vết xước hình chữ Thập ( + ). Thằng Vẹt cả kinh, nó thốt lên đầy sợ hãi:

“Lưng lão Mục có vết gì ấy…”

Tam Quỷ và cậu Đức ngẩn người khi nghe thấy nó nói thế. Họ lục tục lật manh áo của người chết lên, tất cả lặng người đi khi nhìn thấy một vết xước nhỏ hình chữ Thập ở phần thắt lưng của lão Mục. Dường như lão đã cố tình cào sau lưng mình trước khi bị chết thảm. Nếu nói đó là một di ngôn của người đã chết thì có vẻ hơi khiên cưỡng, nhưng nếu cho rằng đó chỉ đơn thuần là lão Mục vô tình làm xước trên da thịt thì cũng thật khó tin. Cậu Đức nhíu mày lẩm bẩm:

“Nhìn giống như một vết xước khi gãi ngứa hơn là vết cào.”

Tam Quỷ cũng đồng tình, chỉ duy thằng Vẹt len lén nhìn ông Thập như sợ hãi điều gì đó. Ông Thập tin rằng đó chỉ là một vết xước vô hại, nhưng nếu chính mình biện minh thì lại khiến cho người khác nghi ngờ gấp bội, vậy nên ông chỉ coi thằng Vẹt thần hồn nát thần tính mà thôi.

Sau khi chôn cất xong xuôi thì cũng đã chính ngọ, mấy người đàn ông lặng lẽ trở về làng. Cảnh vật xung quanh vốn đã u ám, nay lại càng tiêu điều hơn hết thảy. Họ không nói với nhau một lời nào, vội vã trở về nhà để tránh cơn mưa đương kéo tới.

Ông Thập trong lòng lo lắng cho vợ mình, không biết sức khỏe của bà đã đỡ hơn chưa. Bao nhiêu năm nay bà chăm chỉ uống thuốc từ nhà cụ Khảm, những mong có thể sớm sinh con nối dõi. Ấy vậy mà càng ngày niềm hy vọng càng vụt tắt. Ông Thập mong có con cái, nhưng nếu trời không cho thì ông cũng chỉ đành nhắm mắt tiếc cho số phận mình quá đỗi hẩm hiu. Đêm hôm qua thấy vợ ngất xỉu bên lu nước sau nhà, ông Thập sợ đến mức phát điên. Nếu quả thật bà có mệnh hệ gì thì ông không thể sống nổi.

Vừa bước đến nhà, ông đã vội vào gian trong tìm vợ ngay. Trên giường lạnh ngắt, không rõ bà đi đâu. Ông chạy ra sau nhà cất tiếng gọi nhưng không thấy ai trả lời, ông chạy vào bếp để tìm thì cũng vắng tanh. Dự cảm chẳng lành bỗng ùa tới, ông lật đật chạy tới nhà cụ Khảm để tìm vì nghĩ rằng có thể vợ ông tự tới đó bắt mạch. Cụ Khảm đương lau chùi một bức tranh vẽ đại gia đình cụ khi còn đông đủ thành viên. Thấy ông Thập bước vào nhà mà gương mặt cắt không còn giọt máu, cụ ngạc nhiên hỏi sự tình. Ông Thập chỉ kịp đối đáp qua loa rồi vội vàng bước ra khỏi cửa. Trước khi đi, ông vô tình nhìn thấy bức tranh trong tay cụ Khảm. Một thứ cảm giác là lạ ùa đến trong đầu ông. Ông Thập khẽ nhíu mày xua đi ý nghĩ đó, bởi lẽ giờ này nhanh chóng tìm được vợ là điều quan trọng nhất.

Ông đi đến tìm Tam Quỷ trước tiên, chính gã là người luôn khiến ông cảm thấy phải đề phòng. Kẻ hữu dũng vô mưu vốn chẳng hiếm hoi trong thiên hạ, nhưng mà người luôn tỏ ra ngây ngốc, có phần bộp chộp thì hẳn là khiến người khác phải dè chừng. Tam Quỷ có vài phần giống với người như vậy. Tam Quỷ biết chuyện vợ ông Thập mất tích tỏ ra ngạc nhiên, thậm chí có phần hoảng hốt, gã run run nói:

“Giờ trong làng xảy ra nhiều chuyện như thế. Ngộ nhỡ bác gái đi đâu mà xảy ra chuyện thì chết…. Hay là thế này, bác Thập gọi thêm vài người nữa để chia nhau đi tìm.”

Hai người lao ra ngoài trong cơn mưa lâm thâm bắt đầu đổ xuống.

Trời càng tối, mưa càng trở nên nặng hạt. Mấy người đàn ông trong làng vì nể tình ông Thập bao năm nay nên cùng ông đi tìm. Họ khoác áo tơi, đi đôi ủng bện rơm lót bông gòn, tay cầm đuốc tất tả chạy trong đêm khuya. Chưa có đêm nào khiến người ta kinh hãi như vậy, tiếng mưa rừng rơi lộp bộp trên từng phiến lá, tiếng chim lợn kêu não nùng từ xa xa, tiếng bước chân bì bõm trên con đường đầy nhiều ổ gà lỗ chỗ. Tam Quỷ chạy lại, toàn thân gã dù đã mặc áo tơi nhưng vẫn ướt sũng, gã gào lên để át tiếng mưa:

“Tìm khắp các nhà trong làng rồi, không thấy bác gái đâu.”

Ông Thập nhìn thấy mọi người ai nấy đều nản lòng, bèn lắc đầu đáp lại:

“Vậy mọi người giải tán đi, ai về nhà nấy. Nếu có sự lạ gì lập tức thông báo cho nhau ngay.”

Đám đông lập tức tan rã, chỉ còn mình Tam Quỷ cùng ông Thập bước thấp bước cao đi về. Chợt Tam Quỷ nhìn ông Thập rồi hỏi:

“Bác có nghĩ liệu ông ấy có liên quan tới tất cả chuyện này hay không?”

“Ý bác là sao?”

Ông Thập điềm tĩnh trả lời.

Tam Quỷ không vòng vo nữa, gã nói thẳng:

“Ông lão ăn mày què ấy. Chẳng lẽ bác không nghi ngờ rằng ông ấy có liên quan hay sao?”.

Ông Thập nhìn Tam Quỷ dưới làn mưa lạnh buốt, ông trả lời nước đôi:

“Chuyện này không thể vội vàng kết luận.”

Tam Quỷ không nói gì thêm, ông Thập cũng không ngạc nhiên khi chính gã là người nhắc đến điều này. Suy cho cùng, người làng không đi tìm lão ăn mày chẳng qua cũng chỉ vì sợ lão có thể hại bản thân mình vong mạng. Thành ra họ chọn cách bàn tán sau lưng, rồi chôn sống một đám người phát điên phát dại, suy cho cùng cũng chỉ là để trấn an lòng mình mà thôi.

Theo phản xạ, ông quay về hướng phát ra tiếng động để lắng nghe cho kỹ, Tam Quỷ bên cạnh ông cũng nhíu mày đầy căng thẳng. Tiếng ai đó lại gào lên khiếp đảm, lần này không phải một hai người mà là nhiều người cùng lúc, ông Thập bước về phía sau vài bước rồi quay ra nói với Tam Quỷ:

“Hình như là người đàn bà nào hét thì phải?”.

Tam Quỷ toan nói thì gã đột nhiên ngừng lại, nhìn gương mặt đầy kinh hãi của gã, ông Thập hoảng hốt quay ngoắt lại nhìn cho kỹ. Cảnh tượng khi ấy vĩnh viễn khắc sâu vào lòng, khiến ông mãi mãi không quên.

Dưới màn mưa mịt mùng, bà Thập toàn thân ướt sũng, tóc xõa ra một bên, hai đôi mắt sáng rực như loài dã thú. Bà ta vừa chạy, vừa phát ra tiếng gầm gừ như hổ báo. Trên tay bà ta còn địu thêm một đứa bé nhỏ xíu. Có điều, đứa bé này rất lạ, nó không hề khóc lóc như bình thường mà mắt nhắm nghiền như đang ngủ, toàn thân nó phát ra thứ ánh sáng bàng bạc. Sau lưng bà Thập là một người đàn bà khác mà ông Thập nhất thời nhìn không ra. Người ấy tóc xõa xượi, tay ôm một đống trẻ con sáng rực như đứa trẻ trong tay bà Thập, cả hai người đàn bà vừa chạy vừa cười khành khạch. Khi họ đến gần, ông Thập mới nhận ra… Người đàn bà phía sau chẳng phải ai xa lạ mà chính là thị Lam mới bị chôn sống đêm hôm qua. Chẳng lẽ thị đội mồ đứng dậy. Cả hai người đàn bà leo phốc lên trên một tán cây, miệng hò cười nói không ngớt:

“Tao vừa ăn hồn, tao vừa trộm phách lũ trẻ con. Tao ăn hồn rồi tao lại uống phách. Hí hí”

Thị Thập ngồi vắt vẻo trên tàn cây, phát hiện thấy có hai người đàn ông trước mặt, bèn mỉm cười ngân nga:

“Ăn xong hồn, uống xong phách rồi, thế là trẻ con làng này đứa nào cũng bị điên”

Ông Thập choáng váng không nói lên lời, ông toan ngã xuống thì may thay có Tam Quỷ bên cạnh đỡ lại. Ông muốn gào lên để gọi vợ nhưng cổ họng ông như bị đông cứng. Toàn bộ dân làng mở toang cửa xông ra bên ngoài. Có kẻ còn chẳng kịp mặc áo tơi. Họ sững sờ trước hai người đàn bà ôm theo đống vong phách của lũ trẻ con ngồi nói cười trên tàn cây trước mặt. Mấy người phụ nữ có con nhỏ gào lên dữ tợn:

“Lũ thất đức! Trả lại hồn vía cho con tao!”

“Sao lại là con mụ thị Lam?”

“Quân bất nhân!”

Đám đông vây quanh gốc cây gào lên đầy phẫn nộ. Dưới ánh đuốc bập bùng, ông Thập còn thấy cả những đứa trẻ con mặt ngơ ngơ ngẩn ngẩn chạy theo cười ngây ngốc. Bố thằng Vẹt bỗng gào lên:

“Con thị Thập! Mày xuống đây! Kẻ hại người trong làng là mày phải không?”.

Một người khác tiếp lời:

“Tìm lão Thập ra đây để hỏi tội”

Ông Thập lúc ấy bỗng bình tĩnh tới mức lạ kỳ, ông khẽ bấu vào tay Tam Quỷ tỏ ý giữ bình tĩnh. Hai người họ định lén trốn sau một lùm cây um tùm, thế nhưng lúc đó thằng Vẹt chạy ra phía trước, chỉ thẳng vào nơi ông Thập đứng rồi hét lên:

“Lão Thập kia kìa! Chính mắt cháu nhìn thấy tên lão trên người ông Mục Đồng!”

Đám đông như được chỉ điểm, đồng loạt quay về phía thằng Vẹt chỉ. Chỉ tích tắc sau, họ chạy bổ tới để tóm cho kì được hai người đàn ông trước mặt. Ông Thập quay sang Tam Quỷ, hét lên một tiếng rồi bỏ chạy thục mạng. Cả hai người không ai bảo ai, đều đồng loạt nhằm thẳng cổng làng mà hướng tới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3