Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 28
HỒI THỨ SÁU
GIỜ TÍ ĂN GẠO - GIỜ HỢI ĂN THÂY
Việc con gái nhà lão lang Bộc mất tích, đến tận bây giờ quan ông mới được nghe từ miệng lão Phúc. Thế nhưng có điều ông không hiểu được, vì sao lão Bộc mãi đến khi trời xẩm tối mới chong đèn đi tìm con.
Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng ông cũng tất tả đi sau đoàn người để xem thế nào. Cái ơn lão lang Bộc chữa bệnh khi vợ con ông ốm vẫn còn đó, dù không giúp được nhiều về sức, nhưng cũng có thể động viên về tinh thần. Quan ông không ngờ rằng cậu Vũ bám theo sau mình từ lúc nào.
Con đường xuống đồi tuy không quá xa, nhưng lại đặc biệt dốc, chỉ cần sơ xảy là cả người sẽ bị ngã lăn xuống dưới. Dưới ánh đuốc sáng rực, đoàn người đi cẩn trọng nhấc từng bước chân. Vừa xuống được dưới chân đồi, nhìn mặt nước vỗ vào bờ tạo ra những âm thanh ì oạp, Vũ đã thấy lồng ngực đập mạnh. Mồ hôi trên người cậu túa ra như tắm, cậu nhìn thấy rõ mồn một lũ ma da ngụp lặn dưới nước. Vẫn là những bóng người đen thui, có đôi mắt vàng khè sáng rực lên trong đêm tối, chỉ có điều lần này Vũ nhìn sơ qua cũng phải thấy hơi trăm bóng đen bơi đi bơi lại giữa dòng
Chúng vừa nhìn thấy đám người từ trên đồi đi xuống, bèn tụ tập vào gần bờ rồi ngỏng cổ lên cả tấc như để xem xem trong số đó có ai hợp vong mạng với mình không. Một làn gió lạnh buốt thổi tràn qua, Vũ nhìn thấy trên một chiếc ghe nhỏ bập bềnh giữa bến có một người đàn ông lạ mặt ngồi ở đó. Cái bóng lưng đó rất quen, nhưng nhất thời Vũ không nhớ được ra là ai. Những người lớn theo sau ông lang Bộc lục tục vội trèo lên ghe để đi ra giữa dòng, còn riêng Vũ thì nhìn chăm chăm vào bóng người đó. Vũ ngờ ngợ thầm thì trong miệng:
“Anh Giản! Có phải anh Giản không nhỉ?”
Vừa thốt ra miệng, lập tức cái bóng người quay lại.
“Đúng là anh ấy!”
Vũ khẽ bụm miệng để ngăn một tiếng hét.
Giản vẫn ăn mặc hệt như ngày gã chết, trên cổ vẫn còn vương đám ruột già lòng thòng, gã nhìn Vũ rồi ra sức xua tay ngỏ ý Vũ đừng xuống. Đám ma da tiến tới càng lúc càng đông hơn, cứ như thể đám người vừa lên ghe là những con mồi béo bở dẫn xác đến cho chúng.
Quan ông không xuống ghe, mà chỉ đứng ở trên chờ đợi. Khoảng cách từ Vũ tới ông tính ra chưa đầy ba thước. Vũ nhìn cặp mắt vàng khè của lũ ma da ngày càng sáng rực, làn gió thổi đến mang theo cái tanh tưởi nồng nồng của xác người, xác mà trống ngực đánh liên hồi. Đột nhiên, một tia chớp từ trên không trung lóe sáng, Vũ nhìn rõ con bé nhà ông lang Bộ ngớp ngoái trên mặt nước. Đám ma da không để ý đến điều đó, chúng tao thành vòng trong vòng ngoài chờ đám người chèo ghe ra giữa dòng để đoạt mạng.
Tình thế lúc này rất nguy cấp, Vũ vừa chạy vừa hét lớn:
“Đừng xuống nước! Dưới nước có ma da!”
Nghe tiếng hét thất thanh, đám người lớn giật mình quay lại. Quan ông sững người nhìn Vũ rồi quát:
“Vũ! Ai cho phép mày ra đây?”
Vũ không trả lời câu hỏi của cha, giọng cậu lạc đi:
“Các bác ơi! Đừng có xuống nước! Xuống nước bây giờ là chết đấy!”
Ai ngỡ ngàng, chẳng hiểi đầu đuôi thế nào. Đoán chừng có kẻ phá bĩnh, bọn ma da lắc lư cái đầu rồi dùng tay khua khoắng mép nước. Dòng nước dưới chân đồi vốn là do nước từ sông Nhị Hà tràn vào, chính vì lẽ đó mà nơi đây chẳng hề có sóng cũng không hề có xoáy nước như một dòng sông thực sự. Thấy mấy chiếc ghe chao đảo, có người đàn ông thảng thốt kêu lên:
“Ối! Làm sao thế này?”
Cùng lúc đó đứa con gái nhà lão lang Bộc vẫn chới với trên mặt nước. Điều quái lạ ở chỗ là nó không kêu thành tiếng, cũng chẳng tạo ra bất cứ âm thanh gì để thu hút sự chú ý của người khác. Riêng đám người kia thấy mặt nước dập dềnh sóng như có ma trêu, ai nấy mặt mày tái mét vội vàng chen nhau đi lên bờ.
Giờ hợi vừa điểm.
Sấm chớp lại sáng lòe trên không trung.
Lúc này Vũ mới kịp nhìn rõ, dưới làn nước đen ngòm có một cái đuôi quẫy lên cuộn chặt vào chân con bé hệt như một cái đuôi rắn. Vũ điếng người, cậu chỉ tay rồi gào lên:
“Con ông lang kìa! Con ông ấy bị con gì quấn ở chân ấy!”
Mọi người ngơ ngác nhìn theo tay Vũ chỉ. Quan ông sững người, đích thực dưới ánh sáng của sấm chớp, người ta nhìn thấy những hình ảnh của đứa bé gái vật lộn với một thứ quái quỷ gì đó dưới làn nước âm u.
Lão lang Bộc gào lên một tiếng rồi run lẩy bẩy trèo lên chiếc ghe. Vũ không nói không rằng, nhảy theo để cứu người, mặc kệ tiếng quan ông gọi con đến lạc cả giọng. Lúc bấy giờ cả đám thôn dân lặng đi khi nhìn thấy cảnh tượng kinh hoàng, dưới nước ngoi lên những cánh tay kì quái, to có, nhỏ có, tay đàn ông có, tay đàn bà có. Một nửa trong số đó giữ chặt lấy thân con bé, một nửa khác cầm cẳng chân rồi …. Ngay lập tức một tiếng rẹt vang lên hệt như người ta xé vải, chân con bé bị xé rời khỏi thân, như cái cách người ta cầm đùi gà mà xé thịt.
Con bé lúc này mới rú lên một tiếng kinh hồn, tiếng vọng của nó làm cho bầy chim làm tổ trên sườn đồi bay lên nháo nhác. Tiếng hét đó dường như cũng khiến cho thứ thủy quái dưới nước hoảng hồn, nó lẩn đi rất nhanh chỉ để lại một vật máu dài loang trên mặt nước. Khoảnh khắc ấy diễn ra quá nhanh khiến cho ai nấy đều cảm thấy bàng hoàng, Vũ và lão lang Bộc chẳng kịp bơi thuyền ra nữa, những người chứng kiến gào lên khiếp đảm rồi bỏ chạy tứ phía. Quan ông là người đầu tiên tỉnh táo trở lại, ông hét lên với đám thanh niên còn ở lại:
“Đi ra lôi xác con bé vào đây! Cá nghe mùi máu tanh kéo đến là con bé bị rỉa sạch bây giờ. Đi nhanh lên!”
Tai lão lang Bộc như ù đi, lão ngơ ngẩn nhìn ra mặt nước đen ngòm sực nức mùi máu tanh. Ai đó khẽ kéo lão và cậu Vũ lên trên bờ. Vũ không khóc cũng chẳng nói được câu gì, lần đầu tiên trong đời cậu chứng kiến cảnh tượng người bị xé xác thảm thương như thế.
Khi đứa con gái nhà ông lang Bộc được kéo vào đến nơi thì cũng là lúc trời bắt đầu nổi giông. Ông lang Bộc ôm con trong tay khóc không thành tiếng, con bé chưa chết hẳn, nhưng một ống quần của nó giờ đã trống không, mùi máu tanh xộc lên. Quan ông quỳ bên hai cha con, khẽ nói:
“Con ngoan! Làm sao mà lại để đến nông nỗi này?”
Con bé dường như ý thức được thời gian của nó không còn nhiều, nó ứa nước mắt rồi thì thào:
“Con đương tha thẩn ở gần hang thì con gặp cậu bé con nhà quan tri phủ. Cậu ấy rủ con đi chơi. Con nhớ… con nhớ là cậu ấy đã chết rồi nên hỏi vì sao lại có thể xuất hiện ở đây. Cậu ấy bảo rằng mình chưa chết, muốn tìm bạn chơi chung. Hai đứa con xuống dưới đồi chơi. Vừa đến gần mạn ghe thì con nhìn thấy có mấy đứa trẻ nữa, có cả anh lính Giản đương chèo đò. Bọn trẻ nhìn con vẫy tay rối rít, con như mê đi. Khi tỉnh lại thì con thấy mình trôi giữa dòng, con cố sức kêu cứu nhưng không được… Thế rồi… thế rồi có rất nhiều bàn tay nắm lấy con kéo xuống nước.”
Quan ông nghe đến đâu đổ mồ hôi ròng ròng đến đó. Mặc kệ đám người hiếu kỳ lúc này đương xúm xít vây quanh, ông lại hỏi:
“Vậy… vậy… vậy con có biết thứ gì hại con không?”
Con bé càng lúc càng yêu, nhưng nó vẫn cố gắng gượng:
“Trời tối lắm… con..con nhìn không rõ. Con chỉ biết rằng, con vật ấy giống hệt như con rắn khổng lồ. Chỉ có điều là… là nó có chân tay. Trên bụng nó.. có chữ Quái và ngoằn nghèo những chữ kì lạ con chưa trông thấy bao giờ!”
Quan ông khẽ rùng mình một cái, lão lang Bộc quay sang nạt:
“Quan đừng hỏi gì nữa! Để con tôi được yên!”
Một giọt nước mắt nóng hổi rơi xuống gò má bầu bĩnh tái nhợt của con bé. Nó thầm thì:
“Thầy đừng khóc! Thầy đừng khóc!”
Lão lang Bộc sụt sịt nói xuôi theo con:
“Ừ thầy không khóc! Thầy không khóc nữa! Thầy ru con ngủ nhé!”
Trời bắt đầu mưa nặng hạt, những giọt nước mưa lộp bộp rơi như muốn dập tắt hết mấy cây đuốc sáng rực trong đêm tối.
Giữa khung cảnh rợn ngợp của mùa lũ bai đêm, lão lang Bộc cất giọng trầm đục hát ru con. Giọng hát ru của lão hòa với tiếng mưa tạo thành một thử âm thanh vừa ma mị, lại vừa thê lương đến tột cùng. Không ai muốn rời đi. Vũ im lặng bám vào vạt áo của cha, quan ông thở dài rồi khẽ choàng tay lên vai Vũ. Chưa đầy nửa tuần hương sau, con bé chết trong tay cha nó.
Lão lang Bộc lúc này không khóc nữa, lão chỉ khẽ cởi vạt áo giao lĩnh màu xám nhạt đã bị nhuộm đỏ vì máu của con mình. Nhìn nó trông thanh thản hệt như người đương ngủ. Vũ nước mắt nhạt nhòa, lầm lũi theo sau đám người men theo con đường đồi dựng đứng. Một vài người từng được lão lang Bộc chữa bệnh, ngỏ ý muốn được lặn xuống dưới nước để tìm lại cái chân cho con bé. Nhưng bàn tới bàn lui không ai dám xuống nước. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu rằng dưới làn nước đục ngầu tanh tưởi kia, có thứ quỷ quái đương chờ chực.
Người ta chôn con bé ngay trong đêm, mùi nhang khói thoang thoảng trong bầu không khí lạnh lẽo quỷ dị của đêm cuối mùa hạ như muốn tô điểm thêm sự đau đớn của vợ chồng lão lang Bộc. Quan coi kho lương thở dài ngẫm nghĩ, phủ Quốc Oai từ trước đến nay, chưa bao giờ có một đám ma nặng nề đến thế.
Đêm hôm ấy người ta lại thức trắng. Ai cũng bàn tán về những câu chuyện vừa chứng kiến. Sông Nhị Hà bao lâu nay nuôi sống biết bao nhiêu người, nhưng cũng ẩn chứa trong lòng nó những câu chuyện quỷ dị không ai lý giải được. Những người già trong thôn kể rằng, ngày đó sông Nhị Hà vốn lớn hơn bây giờ rất nhiều. Những năm binh biến, giặc phương Bắc tràn sang khiến cướp bóc giết hại không biết bao nhiêu người vô tội. Xác người bị vùi dưới đáy sông, đám dân chài khi lặn xuống thường nhìn thấy cơ man xương người trắng ởn. Vũ bị mẹ bắt về nhà, không cho nghe người lớn nói chuyện. Cậu bé nằm phụng phịu nhìn lên trần hang mà thở dài ngao ngán.
Nghĩ đi nghĩ lại cậu vẫn cảm thấy mọi thứ xảy ra đêm nay thực sự lạ lùng. Không hiểu sao trong khoảnh khắc cậu lại nhìn thấy anh Giản, rồi lại thấy đám ma da. Quái lạ nhất là con quái thú kia là loài gì mà thân hình kì lạ đến thế. Ngay cả những bậc lão niên trong làng cũng không chẳng giải thích được. Bên ngoài kia, cơn mưa một lúc đương lớn dần. Một tiếng sấm rền vang ở hướng Nam, vợ chồng quan coi kho lương giật mình nhìn về hướng ấy. Tiếng sấm vừa dứt, cũng là lúc kho gạo xảy ra quỷ sự.
“Thứ đó … thứ đó… là thứ quái quỷ gì vậy?”
Thế nhưng, không ai trả lời.
Đêm hôm ấy Vũ lại nằm mơ. Cơn mộng mị của cậu kì lạ lắm, cậu thấy cha mẹ mình bị một con quái rượt theo. Con quái trên đầu lúc nhúc vô số những cái đầu người, nó đi đến đâu mùi tanh tưởi oi oi của thây người chết tỏa ra đến đó. Vũ cố gắng gọi cha mẹ quay lại nhưng không được. Cậu cố nhoài người về phía trước nhưng vô ích. Đột nhiên, Vũ nghe thấy những tiếng bước chân người dồn dập, cậu choàng tỉnh dậy thì thấy trong cái hang nhỏ nơi gia đình cậu đương tá túc có một toán binh lính ập vào
Vũ tưởng đâu có biến cố bèn vùng dậy chạy tới. Trên nền đất lạnh lẽo, một người đàn ông nằm trên cái cáng mắt nhắm nghiền, từ bắp chân của ông ta rỉ ra dòng màu đen thẫm, mùi xú uế lan ra khắp nơi khiến Vũ nôn khan vài cái.
Quan ông nhíu mày, gương mặt lộ rõ vẻ căng thẳng, vừa cúi xuống vừa khẽ vỗ nhẹ vào vai người đàn ông rồi nói:
“Anh đội trưởng ơi! Anh có nghe thấy ta gọi không?”
Không thấy viên đội trưởng có động tĩnh gì, quan ông lại ngẩng mặt lên hỏi đám lính canh:
“Sao lại đến nông nỗi này?”
Anh Thạch lúc đó mới cúi đầu thật thấp rồi thưa:
“Bẩm quan, giờ tí hôm nay ở kho lương xảy ra quỷ sự”
“Quỷ sự? Quỷ sự gì?”
Anh Thạch vuốt gương mặt còn lấm tấm nước mưa, không biết vì lạnh hay vì hoảng sợ mà mặt anh trắng bệch hệt như cái xác chết trôi của con nhà lão lang Bộc. Trong cơn mưa lạnh buốt dội vào bên ngoài hang, anh kể lại mọi diễn biến chóng vánh nhưng kinh hoàng. Khi vừa nghe đến đoạn con quái kỳ lạ cắn vào chân viên đội trưởng, quan ông sững người giật thót mình một cái, còn Vũ khẽ thốt lên khe khẽ rồi nhìn cha mẹ với ánh mắt hoảng sợ. Quan bà theo phản xạ bèn vội kéo con vào lòng. Mấy người lính đi cùng tuy im lặng không nói gì, nhưng nhìn gương mặt và đôi vai run rẩy của họ, quan ông hiểu rằng đích thực họ sợ hãi không thốt được thành lời.
Quan ông khẽ khịt mũi vài cái rồi hỏi:
“Anh đội trưởng bị như thế này từ khi nào?”
Anh lính Thạch khẽ thở dài rồi thưa:
“Bẩm quan! Từ giờ tí tới lúc này mới được hơn hai canh giờ. Sau khi con quái biến đi mất, chúng con trong lòng sợ lắm nhưng vẫn chạy đi kiểm lại lượng gạo đã mất. Đếm đi đếm lại thấy con quái đã ăn mất hơn ba bao gạo. Lúc đó chúng con chưa biết phải xử trí làm sao thì thấy đội trưởng liên tục kêu đau, người sốt hầm hập. Nhà đội trưởng lại ở quá xa, không biết phải nhờ ai nên chúng con bàn nhau đưa đến chỗ quan, trước là để bẩm báo
được sau là để xin quan xử trí”
Thấy anh lính Thạch nói đầu ra dây, quan ông cũng gật gù. Lúc này quan bà hỏi lại:
“Đường lên đồi không hề dễ dàng. Các chú khiêng được đội trưởng đến đây cũng dễ dàng gì. Vậy bây giờ ở kho lương ai?”
Một người khác thưa:
“Bẩm, còn một tốp trực khác vẫn đương ở đó ạ!”
Quan ông khẽ gật đầu một cái rồi quyết định:
“Bà nó gọi lão Phúc sang mời ông lang Bộc thăm bệnh cho đội trưởng. Các chú theo ta về kho lương xem xét. Chuyện này hệ trọng, nhất định không được hé răng với ai nửa lời. Lúc này mà tin tức ở kho lương có quái chỉ khiến cho lòng người hoang mang. Mọi người nhớ cả chưa?”
Ai nấy không hẹn nhất loạt đồng thanh Vâng một tiếng thật lớn. Lão lang Bộc đầu còn chít khăn tang nhưng vẫn vội vã đến ngay trong đêm. Quan bà và bà vú không tiện ở lại chăm coi, chỉ đành lui ra bên ngoài cho lão Phúc, ông lang Bộc chăm sóc. Vũ lẻn vào hóng chuyện, cũng chính vì thế mà cậu mới được chứng kiến tận mắt dị tượng từ vết thương của viên đội trưởng.
Dưới ánh đèn cầy leo lét tỏa ra thứ ánh sáng tù mù, ông lang Bộc lấy từ trong vật áo viên lĩnh một hộp kim thật dài bằng bạc óng ánh. Lão Phúc trông thấy bèn hỏi nhỏ:
Thầy Bộc định châm cứu cho anh ta sao?”
Lão lang Bộc lắc đầu bảo:
“Vết thương này sâu quá. E là phải rạch thịt để nặn hết thứ máu độc ra. Châm cứu để anh ta mê man, từ đó mới đỡ đau đớn.
Không ai nói gì.
Không khí trong cái hang nhỏ căng thẳng đến nỗi chẳng ai dám thở mạnh, chỉ có tiếng gió thổi đập vào cửa hang và tiếng rên khe khẽ của viên đội trưởng. Vũ đứng bất động trong bóng tối, ánh mắt cậu dán vào người đàn ông nằm trên giường. Anh đội trưởng sốt cao rên hừ hừ như người lên cơn dại, toàn thân chuyển màu xanh tựa như thiếu máu lâu năm.
Ông lang Bộc lại lấy từ trong vạt áo ra một con dao nhỏ xíu, đoạn dưới nó bằng rượu rồi rạch thật nhanh một đường trên vết thương của người bệnh. Rõ ràng chỉ có dấu răng to bằng ngón tay út người lớn cắm vào, nhưng lúc này máu đã tụ thành từng một cục to tướng. Nếu ai không biết nhìn vào còn nghĩ rằng chân anh đội trưởng mọc bướu. Nhát dao của ông lang Bộc vừa lia xuống, máu đen lập tức bắn tóe ra xung quanh, vương cả vào áo của cậu Vũ. Một mùi tanh tưởi, ngai ngái bốc lên khiến Vũ phải vội vàng bịt mũi.
Khoảng một tuần hương sau mới xong việc. Trong hang vốn dĩ đã lạnh hơn bình thường, ấy vậy mà mồ hôi trên trán ông vẫn túa ra. Vừa phải rạch cho máu độc tan ra, vừa phải lau rửa vết thương bằng cồn rồi khâu lại vết thương, từng đó công việc đủ khiến cho ông cảm thấy mệt mỏi. Lão Phúc đứng bên cạnh ông lang bấy giờ, chờ ông xong việc mới thắc mắc
“Thầy Bộc có biết là của con gì gây ra không?”
Ông lang Bộc đương thu xếp dụng cụ, nghe lão Phúc hỏi trúng tim đen bèn ngừng tay một lúc rồi thở dài:
“Thú thực với ông, từ trước đến giờ tôi chưa từng thấy vết thương nào lạ lùng như thế này!”
Thấy ông Phúc và cậu Vũ nhìn nhau bàng hoàng, lão lang Bộc ra hiệu cho hai người tới gần rồi mới thì thào nói tiếp:
“Ông và cậu nhìn vết thương này đây. Hai dấu răng vừa tròn vừa sâu, nhìn hình dạng rất giống vết cắn của rắn, rết. Thế nhưng dấu răng to như thế này thì liệu có thể là loài rắn nào được chứ? Hơn nữa.. hơn nữa.. người bệnh lại hôn mê bất tỉnh.. chẳng biết có sống được không!”
Bầu không khí càng trở nền nặng nê. Lao Phúc buồn rầu nhìn viên đội trưởng đương tuổi tráng kiện rồi lắc đầu:
“Khổ thân cho nhà anh đội trưởng! Xin ông lang làm phúc cứu cho. Với lại, quan ông có dặn, chuyện này ông lang chớ nói cho ai biết. Chỉ sợ dị tượng thế này mà lan ra ngoài dân tình lại sợ hãi.”
Ông lang Bộc nghiêm nghị gật đầu ra chiều đồng ý:
“Vâng! Tôi hiểu, tôi hiểu! Chờ sáng mai tôi sẽ viết thư cho sư huynh của tôi ở phủ Long Hưng. Vết cắn lạ thế này, nếu như bảo là loài vật thông thường cắn thì nhất định tôi sẽ không tin. Chỉ có sư huynh tôi mới hứng thú với mấy chuyện dị tượng như thế này. Nếu có thể dốc lòng giúp quan ông thì tôi sẽ không nề hà.”
Ông lang Bộc ngừng một mà trầm giọng:
“Cậu Vũ à! Thực lòng cảm ơn cậu! Nếu không có cậu hồi hôm thì … con gái tôi đã chết mất xác, bản thân tôi cũng vong mạng.”
Ông lang Bộc nói chưa hết câu nhưng giọng đã nghẹn lại vì cơn xúc động. Cậu Vũ lúc ấy chỉ là một đứa trẻ, nhưng cũng biết tiến đến nắm tay ông lang thật chặt thay cho lời động viên. Chính cậu cũng không biết rằng, đêm hôm đó đã khiến số phận của mình thay đổi mãi mãi.
Phải đến tối ngày hôm sau quan ông mới về, gương mặt ông rầu rĩ không buồn nói chuyện với ai. Riêng về phần viên đội trưởng, từ sau khi được ông lang Bộc cứu sống anh cứ nằm bất động trên giường, mặc dù anh đã tỉnh nhưng miệng dường như bị cấm khẩu không nói được thành lời, đến bữa bà vú già chỉ bón cho anh được vài thìa cháo, muốn ăn thêm thì cũng đành chịu.
Việc chăm sóc viên đội trưởng cũng không đến nỗi vất vả, chỉ hiềm một nỗi anh chẳng hề có người thân nào cả. Ngộ nhỡ xảy ra cơ sự gì quan ông, quan bà biết tìm đến ai để báo tin?
Nghe đâu anh vốn là người ở miền ngược, trước mẹ anh không chồng mà chửa nên bị dân trong bản phạt vạ phải cuốn gói đi khỏi xứ. Người phụ nữ bụng mang dạ chửa lặn lội băng rừng vượt suối mấy ngày đường, cuối cùng mới nhờ được đám lái buôn thương tình cho theo xe ngựa xuống dưới kinh thành. Sau này bà đẻ được người con trai, cũng chính là viên đội trưởng bây giờ.
Vì thương mẹ nên anh cố sức xin vào nha phủ làm lính, sau được thuyên chuyển tới kho lương. Mẹ anh sớm đã khuất núi từ lâu, anh cũng chẳng biết họ hàng mình có những ai, thế là từ đó anh bỏ trống mái nhà tranh ven sông, sống hẳn ở kho lương coi như làm nhiệm vụ đêm ngày
Ngẫm ra cũng thấy thật kì lạ, việc viên đội trưởng bị cắn vào đêm hôm trước, thì ngay đêm hôm sau người ta vớt được cái xác của một đôi trai gái dưới chân đồi. Gọi là cái xác cũng không đúng, vì thi hài đã bị thứ gì đó ngoạm mất đầu và tứ chi, chỉ còn lại mỗi cái thân cụt lủn. Quan quân cũng chỉ đành dựa vào đó mà khẳng định người chết là một cặp trai gái có tư tình với nhau, nên hẹn nhau ở chân đồi tâm sự, ngoài ra chẳng còn manh mối gì thêm.
Quan tri phủ sai quân tìm kiếm sục sạo hết quả đồi nhưng chẳng thu được dấu tích gì đáng giá. Chỉ biết rằng, có ông già nửa đêm mất ngủ bèn ra ngoài hóng gió, giờ hợi vừa điểm thì ông nghe thấy có tiếng phụ nữ gào lên thất thanh cùng với tiếng sóng nước vỗ ầm ầm rồi tắt lịm. Ông lão muốn xem xem có chuyện gì xảy ra, nhưng đường từ đỉnh đồi nơi ông đương tá túc tới chân đồi khá xa, bản thân ông lại già cả mắt mờ nên đành vào nhà nằm im chờ trời sáng.
Đám quân lính nghe xong cũng chẳng hiểu sự tình ra làm sao, hỏi thêm thì ông lão mãi mới nhớ ra được rằng trước khi có biến, ông nghe được một tiếng chuông đâu đó rung lên khe khẽ, ngoài ra không có gì thêm. Vụ việc lại đi vào bế tắc.
Lũ lụt kéo về nước còn chưa kịp rút, nay trong phủ lại trôi nổi những cái xác chết thảm thương khiến cho lòng người hoang mang sợ hãi.
Chiều hôm ấy quan ông đi làm về chỉ vào thăm viên đội trưởng một lát rồi đi nằm, không thiết ăn uống. Quan bà thấy vậy tất tả vào xem chồng thế nào.
Vũ đi theo nhưng quan ông lại kêu cậu ra ngoài. Bản tính tò mò nổi lên, cậu đứng nấp sau hốc đá để nghe trộm.
Vũ nghe cha mẹ nói chuyện mới biết. Vào cái đêm mà con quái xuất hiện bắt đầu kho lương bắt đầu có quỷ sự. Từ đó cho đến nay đêm nào trong kho cũng mất gạo. Mặc dù đã canh phòng vô cùng nghiêm ngặt, nhưng không hiểu vì sao sáng ra kiểm lại bao giờ cũng thấy thiếu. Đám lính canh nói rằng không hề thấy con quái xuất hiện thêm nữa, chỉ thấy cứ đều đặn vào đầu giờ tí là có bóng người ra vào cửa kho.
Quan ông gặng hỏi thì mỗi người trả lời một ý. Có người bảo rằng thấy một đứa bé gái bay là là trên không trung rồi chui tọt qua cửa thông gió vào bên trong. Người này thấy vậy bèn tri hô có trộm, nhưng đến khi mở được cửa chính xông vào thì gạo đã vương vãi khắp nơi, kiểm tra lại thì thấy mất cả đấu.
Lại có người lính khác quả quyết rằng chính mắt anh trông thấy anh Giản đã chết từ đời nào đứng trên cây hòe cười khanh khách. Người lính són ra quần vì sợ bèn chạy cuống cuồng đi kêu cứu. Những người khác vừa tới nơi thì gạo đã không cánh mà bay. Thậm chí bố con lão Chài đi ngang qua kho lương ban đêm còn nhìn thấy một đoàn trẻ con toàn thân sáng rực, đứa nào đứa nấy ôm một thứ gì đó trắng ởn rồi nhảy xuống sông.
Lão Chài ngỡ là trẻ con nhà nào nghịch dại bèn giong thuyền đi tới để cứu, nào ngờ khi đến nơi chẳng thấy gì cả, chỉ nhìn thấy vài hạt gạo trắng phau nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Một đồn mười, mười đồn trăm, chẳng mấy chốc cả phủ Quốc Oai đều biết đến dị tượng ở kho lương. Thậm chí, người ta còn kháo nhau rằng, viên đội trưởng đã bị ma bắt mất hồn. Có kẻ còn ác miệng bảo rằng đội trưởng thông dâm với vợ người, bị chồng bắt được đánh cho thừa sống thiếu chết.
Quan ông lúc ấy lo lắng lắm, mấy chuyện đồn đại ông vốn dĩ không quá để tâm.
Nhưng việc mất trộm ở kho lương thì không thể nào không giải quyết. Ví như chỉ mất một vài bao gạo thì ông có thể tặc lưỡi bù vào, nhưng đằng này ngày nào cũng mất trộm thì chỉ e không sớm thì muộn sự việc này cũng bại lộ. Thấy chồng lo lắng, quan bà cũng đứng ngồi không yên. Hai ông bà rủ rỉ rù rì nói chuyện với nhau, không để ý tới Vũ đã tiến vào từ lúc nào. Cậu nói với cha:
“Bẩm, cha không thấy có sự gì lạ ở đây hay sao?”
Nghe thấy tiếng con vang lên, quan bà giật nảy cả mình. Bà nhìn con rồi nghiêm giọng:
“Vũ! Con vào đây từ lúc nào? Sao dám nghe chuyện người khác?”
Bị mẹ mắng Vũ không dám nói gì, chỉ chớp mắt ra chiều hối lỗi rồi nhìn mím môi nhìn xuống đất. Quan ông hòa hoãn hơn, ông xua tay khẽ nói:
“Không sao! Không sao! Bà đừng có nghiêm khắc quá với con nó.”
Đoạn ông quay sang con rồi hỏi tiếp:
“Vừa nãy con nói sự lạ là sao? Nói cho ta nghe xem nào?”
Lúc này Vũ mới đứng sát lại gần cha rồi nói nhỏ:
“Bẩm, từ ngày trong phủ liên tiếp có trẻ con bị chết, con mơ thấy lão già tết tóc đuôi sam đứng lảng vảng bên cửa sổ từ buồng ngủ trông ra. Con đã cảm thấy có thứ gì đó đáng sợ sắp xảy tới xứ này. Sau đó anh Giản mất, rồi kho lương xảy ra việc mất cắp, khiến con cảm thấy sự việc nhất định có sự liên quan với nhau.”
Quan ông ngẫn người ra nhìn con, quan bà khẽ thốt lên:
“Ôi trời đất ơi! Có lý lắm! Nhưng… nhưng liên quan thế nào hả con?” ..
Vũ đăm chiêu như một ông cụ non, một lúc sau cậu mới nói:
“Bẩm! Việc anh Thạch nhìn thấy anh Giản trên cây hòe ở kho lương không phải chỉ là trùng hợp. Không biết chừng, kẻ giết người mà nha phủ vẫn chưa tìm ra, có liên quan tới con quái mà viên đội trưởng cùng anh Thạch trông thấy lúc trước. Nếu tìm ra được tên quái dị đã từng khâm liệm cho người nhà tri phủ đại nhân, ắt hẳn sẽ có manh mối”
Không thấy cha mẹ lên tiếng, cậu ngừng một hồi rồi nói tiếp:
“Con không biết rằng việc này có ai để ý hay không, nhưng không hiểu vì sao kho lương luôn mất gạo vào giờ tí, còn người chết lại luôn chết vào đầu giờ hợi. Đấy cũng chính là điều mà con thắc mắc bấy lâu nay!”
Vũ nói một hơi rồi im lặng nhìn cha mẹ trong lòng đầy hồi hộp. Quan ông và quan bà bàng hoàng nhìn nhau.
Quả thực nếu không phải chính Vũ thốt lên thì chưa chắc ông bà đã phán đoán được sự tình đến như thế. Trong lòng quan ông cả mừng vì thằng con trai duy nhất của mình lại thông minh, đĩnh đạc đến vậy. Thế nhưng, dù có mừng đến mấy ông cũng không để cho con trẻ lấy đó mà ỷ tài sinh kiêu. Cuối cùng ông chỉ gật gù:
“Có lý lắm! Nhưng việc này chỉ dựa suy đoán của con. Nha phủ từ trước đến nay làm việc đều cần có bằng chứng. Nếu chỉ dựa vào những giấc mơ của con rồi những lời thêu dệt của thiên hạ thì khó lòng điều tra tiếp được. Ta sẽ bẩm báo lại chuyện này với tri phủ đại nhân, nhưng con phải nhớ cũng đừng kể chuyện này với ai nhé.”
Vũ vâng vâng dạ dạ rồi bước đi, trong lòng nhẹ nhõm hơn lúc trước.
Trời lúc này cũng đã bớt mưa, nước cũng sắp rút, dân trong thôn Bích Câu đã bàn bạc tới chuyện trở về nơi cũ, dựng lại nhà, thu xếp lại vườn tược, dù sao thì cũng chẳng thể sống mãi trên đồi được.
Hôm ấy vừa tròn bảy ngày kể từ khi đứa con của ông lang Bộc mất. Người Việt thủa trước thường có niềm tin rằng: người chết ba ngày là biết mình đã vong mạng, bảy ngày là có thể về được nhà, sau 49 ngày thì sẽ đi đầu thai. Có lẽ chính vì thế mà cứ mỗi một thất (tuần )người ta đều làm cơm cúng cho người đã khuất. Nhà nào cầu kì hơn thì tụng kinh siêu độ, nấu cơm chay và rước thầy chùa về cúng.
Ông lang Bộc đương chạy lụt lên núi, chẳng thể nào cúng thất dau trọng cho con gái như lẽ thường, nhưng ông cũng sắm sửa cơm canh tươm tất. Mới từ sáng sớm, Vũ đã ngửi thấy mùi nhang khói thơm phức từ phía xa thoảng lại hòa lẫn với tiếng khóc ai oán, thê lương của ông thầy lang tội nghiệp.
Giờ ngọ vừa tới, Vũ theo chân lũ trẻ con trong thôn đến nhà thầy lang hóng chuyện. Gọi là nhà cho oai, chứ thực ra chỉ là một cái hốc đá nho nhỏ được che bằng tấm liếp tạm bợ để tránh mưa. Trong gian nhà chỉ có một cái bệ đá mà ông lang coi như bàn thờ, một thân cây chuối cao chừng một gang tay để làm bát nhang.
Ông Bộc lang ngồi thừ người, vừa nhìn bát nhang vừa khóc rưng rức. Con Khoai ở nhà Vũ cũng tò mò đến xem, ngày nó vẫn thường chơi với đứa con ông Bộc nhất, nay người bạn của nó đột ngột, dù chẳng hiểu sự tình vì sao mất mát trong lòng
Nó đương nhìn ông lang Bộc khóc, bỗng dưng nó chỉ tay về phía góc của hang rồi ngây thơ nói:
“Ông lang ơi, ông đừng khóc nữa! Nó đương đứng ở đằng sau ông kìa!”
Ông lang nghe thấy như vậy bèn giật mình nhìn lại phía sau. Lũ trẻ con nghiêng đầu nhìn nhưng chẳng thấy gì, Vũ chỉ đứng lặng thinh. Một thằng nhóc đen nhẻm quát lên:
“Mày đừng có nói vớ vẩn! Có thấy ma nào đâu?”
Thằng nhóc chưa kịp nói dứt lời, bỗng có cơn gió lạnh ngắt từ đâu thổi tới. Con bé Khoai rùng mình một cái rồi lăn ra đất khóc lên tru chéo:
“Ối thầy ơi, mẹ ơi! Con khổ quá… con khổ quá thầy ơi!”
Đám trẻ bỗng dưng thấy con Khoai phát khùng bèn cả kinh, bỏ chạy toán loạn, chỉ còn Vũ ngạc nhiên nhìn cảnh tượng trước mắt. Ông lang Bộc có phần bất ngờ, ông đứng phắt dậy rồi chăm chăm nhìn đứa trẻ dưới chân mình, đoạn hỏi:
“Con… con… ơi! Có phải con đấy không?”
Con Khoai khóc nấc lên từng hồi:
“Thầy ơi! Con lạnh lắm! Con ở mãi dưới sông mà chẳng ai cứu con về!”
Phải đến lúc này ông lang Bộc mới nhận thức rằng con mình nhập hồn vào đứa bạn, ông nghẹn ngào trả lời:
“Thầy đã đưa xác con lên và đem đi an táng rồi! Thầy cứu con rồi mà con ơi!”
Con Khoai vẫn khóc không ngừng, tiếng khóc của nó làm vang vọng cả ngọn đồi nho nhỏ. Người trong thôn nghe chuyện hiếu kỳ bèn tới xem mỗi lúc một đông. Con bé lắc đầu quầy quậy:
“Không.. không phải đâu! Hồn con vẫn ở dưới nước ấy. Lão già không cho bọn con đi… Con ở với cả con nhà quan tri phủ… với … với cả anh Giản…”
Vũ vừa nghe đến đó lập tức giật thót mình, trái tim cậu như có ai bóp nghẹn lại. Cậu vội vã lại gần nghe cho kỹ. Ông lang Bộc cũng bàng hoàng không kém, ông hỏi lại:
“… sao con lại ở cùng với những người đó? Chẳng phải… chẳng phải họ chết lâu rồi hay sao?”
Đám đông càng lúc càng xúm đen xúm đỏ. Con bé lắc đầu quầy quậy rồi khóc nức nở, miệng lắp ba lắp bắp:
“Lão già… lão già nhốt chúng con… không cho về! Không… không được về..! Hôm nay… hôm nay. nhờ có anh Giản… mà mà con mới trốn được đi.. đi về.”
Ông lang đưa mắt nhìn Vũ tỏ vẻ không hiểu, sau rồi ông mới nói:
“Lão già nào hả con? Lão già nào thế? Nói với thầy, thầy sẽ đi cứu con.”
Con bé khóc nức khóc nở, đúng lúc đó một tiếng chuông quái dị lại vang lên. Cái Khoai đương thổn thức lập tức ngưng khóc, nó nhìn tới nhìn lui rồi hốt hoảng nói:
“Lão.. lão biết con đi rồi!”
Lão lang Bộc ngơ ngác, con bé Khoai nằm sống xoài ra nhà như thể đau đớn lắm. Nó thì thào:
“Thầy ơi! Thầy… nhắn … với quan kho lương… sắp có nạn…! Vào giờ… giờ… hợi”
Cái Khoai chưa kịp nói hết câu thì đã ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự. Mẹ nó lúc này mới chạy ào đến khóc lóc liên hồi:
“Ối con ơi là con! Mày làm sao thế này hả Khoai ơi?”
Đám đông lặng đi nhìn Vũ. Ngay cả ông lang Bộc cũng ngây người nhìn cậu với ánh mắt tò mò. Vũ cảm thấy ngượng ngùng, cậu không nói gì mà lập tức chạy thẳng về nhà. Mặc dù không hề quay lại, nhưng cậu vẫn có thể tưởng tượng ra được đám người lớn người bé,người già người trẻ nhìn theo cậu
Vũ về đến cái hang nơi gia đình cậu tá túc thì chẳng thấy bóng dáng một ai. Cậu chạy vội vào cái hốc chỗ viên đội trưởng nằm thì thấy mẹ cậu, bà vú già, lão Phúc đều đứng quây quần bên cạnh giường, ai nấy mắt cũng đỏ hoe.
Quan bà ngồi xuống cạnh giường, giọng bà như nghẹn lại:
“Cậu ráng đợi ông nhà tôi về, ông ấy đương ở kho lương sắp về đến nhà rồi. Cậu cố đợi nhé!”
Nhắc tới kho lương, viên đội trưởng mắt như sáng lên, một dòng nước mắt trào ra trên khóe mắt. Sau cùng anh rùng mình một cái rồi lặng lẽ qua đời. Quan bà, rồi cả bà vú đều khóc nấc lên. Lão Phúc vừa đỡ quan bà dậy vừa lén lau nước mắt:
“Bẩm bà! Bà đừng khóc nữa, anh đội trưởng đi rồi!”
Vũ đứng lặng lẽ bên ngoài trông vào trong lòng nặng trĩu. Một tiếng quạ réo vang lên ở đâu đó khiến cậu vô thức ngẩng lên, mà không hề biết nước mắt mình đã rơi lã chã từ khi nào.
Chỉ trong vòng một tuần mà có tới hai mạng người chết, chưa kể hai cái thi hài trôi nổi dưới ngọn đồi, người dân trong phủ kháo nhau rằng thôn dân Bích Câu là quỷ nên mới có chuyện đi đến đâu chết người đến đó. Vũ đứng nhìn bầu trời mây đen kéo tới vần vũ, trong lòng dấy lên một dự cảm bất lành.
Trưa hôm ấy ở trong kho lương xảy ra một biến cố lớn. Khâm sai triều đình lặn lội từ trong Phú Xuân để tới giám sát việc phát chẩn cứu tế cho dân. Khi tới kho lương, nhìn thấy số lượng thóc gạo trong kho được trà trộn gạo cũ lẫn gạo mới bèn nổi giận lôi đình, cho rằng quan coi kho lương sợ bị vu vạ nên lấy gạo mới bù vào số lượng gạo cũ đã thiếu hụt.
Trước lời kết tội vội vàng của khâm sai, quan coi kho lương điềm đạm trả lời:
“Bẩm khâm sai đại nhân! Hạ quan làm việc ở đây chưa từng xảy ra mất mát hay thất thoát bất cứ thứ gì. Đại nhân đến đây không hề có thông báo trước, phỏng như hạ quan có ba đầu sáu tay cũng không thể biết mà đổ gạo mới để qua mắt đại nhân. Nếu thực lòng có ý đó, hạ quan chỉ cần vu cho có đám cướp ăn trộm mất có phải dễ dàng hơn chăng? Xin đại nhân soi xét!”
Quan khâm sai khi ấy vốn là thế lực của cung phi họ Đinh, vốn cậy thế dì ruột của mình được hoàng thượng sủng ái nên mặc ngang ngược, chẳng coi ai ra gì. Thấy quan coi kho lương trước mặt tuổi đời còn trẻ, nhưng lại có khí phách át người, quan khâm sai gằn giọng:
“Được! Để xem xem nhà ngươi nói có đúng không! Nếu sai thì đừng trách quốc pháp vô tình.”
Quan ông dù chỉ là một chức quan rất nhỏ trong phủ Quốc Oai, nhưng mấy mươi năm lăn lộn trong chốn quan trường đủ cho ông hiểu rằng, khâm sai đại nhân vốn chỉ là một kẻ áo gấm ngủ ngày chưa hề trải sự đời. Việc quan khâm sai bắt được quant ham lộng hành trong dân gian, đem giải về kinh để rồi từ đó thăng quan tiến chức vốn dĩ chẳng hề xa lạ gì. Có lẽ vì thế mà quan mới đột xuất tới kho lương để kiểm tra sự tình.
Quan ông lắc đầu rồi nói nhỏ với thủ kho:
“Hắn ta không muốn mọi việc ở phủ này yên ổn. Thứ mà hắn ta cần nhất lúc này, phải là quan tham, là dân nghèo khắp nơi bị cường hào ác bá hành hạ. Phủ ta tuy xảy ra quỷ sự, nhưng người dân vẫn chưa hề oán thán. Thôi thì, chúng ta phải canh phòng cẩn mật, đừng để cho bất cứ điều gì không hay xảy ra!”
Viên thủ kho khẽ vâng một tiếng, rồi đi báo cho đội lính bên ngoài túc trực. Quan khâm sai không hề rời đến công quán, mà một mực đòi ở lại những mong phát giác ra được chuyện gian lận ở kho lương.
Quan ông lo lắng vô cùng, ông không sợ bản thân mình bị liên lụy, mà chỉ lo việc mất gạo ở kho lương bởi yêu ma quỷ quái gây ra bị bại lộ. Nếu thế thì hậu quả không chỉ ông gánh, mà có khi đến tri phủ đại nhân cũng không tránh khỏi liên lụy.
Đêm hôm ấy, ông quyết định ở lại kho lương. Ngày từ chiều trong lòng ông đã bồn chồn, thấp thỏm không yên. Tiếng quạ réo từ lúc chập tối đến giờ khiến cho một người gan dạ như ông cũng cảm thấy rờn rợn. Có lẽ vì trời mưa mà trời sẩm tối rất nhanh. Từ cửa phòng ông trông ra một mảng trời đen đặc không hề có lấy một ánh trăng, ánh sao nào cả. Làn gió nhè nhẹ lất phất vài hạt mưa khiến cho quan ông cảm thấy mệt mỏi vô cùng. Lúc ấy mới gần đến cuối giờ tuất, quan ông đương đọc sách thì bỗng thấy từ bên ngoài cửa sổ có một bóng người rất quen.
Ông khẽ nheo mắt nhìn cho rõ thì bóng người lại biến mất. Cứ ngỡ là mình nhìn nhầm nên ông tặc lưỡi cho qua. Nào ngờ chưa đầy một lúc sau, bóng người ấy lại tiến đến gần hơn rồi đứng lấp ló bên cạnh bụi cây
Quan ông đứng lên rướn người ra phía trước để nhìn. Ông bàng hoàng nhận ra… bóng người phía trước mặt ông là….viên đội trưởng. Đích thị là anh ta, không thể nào lẫn đi đâu được. Gương mặt viên đội trưởng bị khuất sau tán lá um tùm, anh ta cất giọng thâm trầm nói với quan ông:
“Bẩm quan! Quan đi sang khu nhà bên tả đi! Ở đó…vừa mới có người chết!”