Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 29

HỒI THỨ BẢY

VONG THEO

Quan khâm sai nằm ở trên cái chống bọc nhung trong gian nhà chính của kho lương. Gã khẽ xoa xoa cái bụng ra chiều thỏa mãn lắm. Trước khi đi thị sát lần này, bà cung phi họ Đinh đã gửi thư về cho gia đình hắn và dặn dò kỹ lưỡng. Bấy lâu nay gã ngang ngược ở Phú Xuân, nhiều lần có biểu tấu vạch tội hắn nhưng vì muốn yên ổn chốn hậu cung nên đức kim thượng đành tặc lưỡi cho qua. Lần này phải đi thị sát việc phát chẩn ở phủ Quốc Oai đương gặp nạn lớn, bà cung phi muốn hắn đích thân đi để gỡ gạc lại uy tín trên tiền triều. Ban đầu gã vùng vằng không chịu đi, nhưng đến khi bà cung phi hứa hẹn với hắn đủ điều hắn mới tuân theo.

Những tưởng ra Thăng Long lần này sẽ được thỏa sức vui chơi, nào ngờ vùng Quốc Oai lũ lụt xảy ra gần chục ngày mà nước vẫn chưa hề rút. Gã bực mình lắm, nhưng nhớ tới lời dặn của dì ruột nên đành phải chịu đựng, nếu tìm thấy một kẻ nào đó làm tham quan hà hiếp dân lành thì lại càng hay. Gã chợt nhớ tới lần trước trong trấn Gia Định có vụ quan coi kho lương ăn trộm thóc gạo của triều đình, bèn lập tức tới kho lương ở phủ Quốc Oai để thị sát bất thình lình.

Ấy vậy mà khi đến đây thấy kho lương đều có quân lính canh phòng cẩn mật, số lượng gạo đã được quan trông coi nhanh trí gia cố ở trên cao nên chẳng hề ngập úng như nhiều vùng khác. Gã không bắt bẻ được gì, chỉ còn biết vin vào cớ gạo mới gạo cũ để nạt nộ, thế nhưng sự việc cuối cùng cũng vô ích.

Tên gia nhân thân cận bên cạnh thấy hắn nộ khí xung thiên bèn nịnh nọt:

“Bẩm thượng quan! Gã quan coi kho lương ấy chỉ là chức quan tép riu! Đại nhân cần gì phải đôi co với hắn? Chúng ta chỉ cần ngồi ở đây rình, thế nào bọn chúng cũng lòi đuôi! Lúc ấy ta vừa lập được công, mà hoàng thượng cũng biết đại nhân lặn lội vất vả thế nào!”

Viên khâm sai nghe thế bèn cho là phải nên nằng nặc ngủ lại kho lương. Chiều hôm đó gã đã uống rất nhiều rượu, gã hậm hực không thể gọi mấy mỹ nữ vào để mua vui. Cơm rượu no say, gã lăn ra ngủ ngáy o o, mặc cho bên ngoài trời mưa như trút nước.

Đám quân đi theo hầu được lui về công quán nhỏ của kho lương nghỉ ngơi. Nơi này vốn dĩ ngày thường là gian nhà bên cánh hữu được sử dụng để làm chỗ giao ban của lính gác, nay có đoàn quân từ triều đình tới thị sát nên không thể không tiếp đón trọng thị.

Đến đầu giờ hợi, quan khâm sai đương ngủ bỗng giật mình tỉnh giấc. Cánh cửa đằng sau nơi gã nằm chèo queo bỗng dưng bị bung chốt, nước mưa lâm thâm hắt vào khiến toàn thân gã run lên bần bật vì lạnh. Đầu óc gã đau chưa từng thấy, gã gọi tên gia nhân để mang nước tới nhưng chẳng thấy bóng dáng một ai.

“Mẹ kiếp nhà chúng mày! Ông đây chém hết… chém hết… Tiên sư lũ lười biếng!”

Gã vừa chửi, vừa gọi thêm mấy câu nhưng cũng không thấy ai trả lời. Cơn khát làm cổ họng gã khô cứng lại không thốt được lên lời. Giữa lúc ấy một tia chớp lóe lên khiến cho gã giật thót cả mình. Trong giây phút tích tắc ấy, gã nhìn thấy ngoài cửa có mấy đứa trẻ con toàn thân phát ra một màu sáng nhờ nhờ hệt như ma trơi đứng dưới trời mưa lạnh lẽo.

Gã vừa sợ, vừa khát nước lại bị đám trẻ con quấy rầy nên sẵng giọng:

“Mẹ nhà nó! Trẻ con ở đâu mà đứng ngoài kia thế này? Ai? Ai cho chúng mày đứng đây hử?”

Đám trẻ con không nói gì, chỉ im lặng đứng trong mưa nhìn chăm chăm vào gã. Tiếng chim lợn từ đâu vọng về giống hệt như tiếng gọi từ nơi âm tào địa phủ. Viên quan khâm sai lúc này mới cảm thấy lạnh sống lưng. Gã run run bước lùi ra khỏi cánh cửa, miệng lắp bắp gọi tên gia nhân thân cận:

“Thằng Xuyên.. thằng Xuyên đâu rồi…”

Không có ai trả lời gã, ngoài tiếng mưa đập vào mái hiên nghe lộp bộp. Đám trẻ con lặng lẽ đi đến gần cửa sổ, đứa nhỏ nhất trong số đó mới chừng hơn ba tuổi, nó nhanh nhẹn trèo lên bệ cửa gương mặt nở một nụ cười lạnh lẽo đến vô hồn.

Gã sợ đến bĩnh một bãi ra ngoài quần. Trong cơn hoảng loạn, gã vội vàng đẩy cửa rồi lao ra bên ngoài trời mưa. Gã không hề nhận thấy mình đã đi đến bãi đất bỏ trống nơi mà toán cướp đã bỏ mạng trước đây.

Trong cơn mưa bắt đầu nặng hạt, gã nhìn thấy cả một toán người ngựa đầy đủ khí giới đi đi lại lại, chỉ có điều đám người này bóng trắng mờ mờ như sương nổi bật lên trên màn đêm rợn ngợp.

Quan khâm sai quên cả sợ hãi, gã dõng dạc nói lớn:

“Ta là quan khâm sai triều đình! Mau nghênh đón!”

Mấy cái bóng trắng lúc này mới quay lại. Gã vừa nhìn thấy gương mặt của bọn chúng liền hét lên một tiếng hãi hùng.

Bọn chúng đều trên gương mặt đều bị cháy xạm đen, hở ra cả mảng xương sọ trắng ởn.

Gã loạng choạng bỏ chạy , bỗng nhiên gã thấy mình bị hẫng chân một cái. Trong tích , tấm thân nặng nề béo mập của gã bị xuống cái hào ăm ắp nước. Cái lạnh của nước ban đêm khiến gã tỉnh táo lại vài phần. Từ dưới làn nước đen ngòm, hắn nhìn thấy một gương mặt đàn bà trắng nhợt nhạt khẽ trôi đến.

Ban đầu là một gương mặt, sau đó là hàng chục gương mặt khác trôi lững lờ theo sau. Gã chưa kịp định hình thứ gì trước mặt thì từ dưới nước ngoi lên một cái đầu… nói chính xác hơn là hàng chục cái đầu người trắng bệch. Viên khâm sai ú ớ kêu lên nhưng lưỡi đã cứng lại không nói thành lời, một cái miệng rộng ngoác há ra… gã thấy đất trời tối sầm … tất cả mọi thứ biến mất

Trời mưa vẫn mưa, một mùi máu tanh xộc lên được làn gió mang đi tử phía. Viên đội trưởng vừa dứt lời, một cơn gió thổi tới mang theo cát bụi từ mé sông làm cho quan ông cay xè cả mắt. Khi mở mắt nhìn lên thì đã thấy anh đội trưởng biến mất từ lúc nào.

“Quái lạ nhỉ! Anh đội trưởng đương bệnh,sao có thể đến đây giờ này?”

Quan ông chưa kịp nghĩ ngợi thêm thì anh lính Thạch đã chạy hộc tốc vào phòng, miệng lắp bắp không thành câu:

“Bẩm.. bẩm quan ông! Khâm sai… khâm sai… đại nhân chết rồi”

Quan ông giật thót mình, trời đất như đổ sụp dưới chân, ông ngỡ ngàng hỏi lại:

“Ai? Ai chết?”

Anh lính Thạch mặt mày tái nhợt trả lời:

“Quan khâm sai chết rồi đại nhân ơi! Chết dưới cái hào nước chỗ ….chỗ con quái lần trước ngoi lên… chúng con… chúng con vừa mới phát hiện!”

Không đợi cho anh Thạch nói dứt lời, quan ông đã vội lao đi trong cơn mưa tầm tã.

Dưới cái hào nước rộng chỉ bằng một – hai sải chân người lớn, nước từ một con kênh đổ vào càng lúc càng đầy, thoảng lên một mùi tanh tanh khó ngửi. Quan ông khẽ cầm một ngọn đuốc soi xuống dưới để nhìn cho tỏ, nào ngờ ánh sáng vừa trờ tới thi hài người đã khuất ông đã thét lên một tiếng hãi hùng. Thi hài của quan khâm sai nằm sõng soài, phần hạ thân ngâm dưới nước, phần thân trên dựa vào bờ. Thế nhưng quan khâm sai lúc này chỉ còn một cái cái cổ cụt ngủn, máu chảy hòa tạo thành một vùng đỏ thẫm loang trên mặt nước, riêng cái đầu thì đã không cánh mà bay.

Lúc bấy giờ lão Xuyên mới dẫn đám lính theo hầu của quan khâm sai chạy tới. Vừa nhìn thấy cái thi hài không đầu, đám lính rú lên một tiếng khiếp đảm, có kẻ còn ngã lăn ra nôn mửa tại chỗ. Lão Xuyên khóc lóc ầm ĩ buông lời ai oán:

“Huhuhu… Ông ơi là ông! Sao ông lại bị người ta giết thê thảm thế này? Mời ông về công quán nghỉ ngơi thì ông không chịu, ông đòi phải đến tận nơi thị sát tình hình. Bây giờ ông chết rồi thì chúng con biết nương tựa vào ai đây? Ôi ông ơi là ông!

Sao lòng dạ người độc ác thế, lỡ lòng nào giết người bịt miệng, hại chết quan nhà con!”

Nghe lão Xuyên nói, quan ông trong lòng giận lắm nhưng vẫn cố nín nhịn. Anh lính Thạch bực mình bèn trách cứ:

“Ông nói thế là có ý gì hả ông Xuyên? Quan khâm sai triều đình bị mất mạng, lúc đó chúng tôi đều đương canh gác. Sự tình chưa được điều tra rõ ràng mà ông lại nói thế khác nào loan tin cho thiên hạ biết rằng quan khâm sai chết là do chúng tôi.”

Biết mình đuối lý, lại không có bằng cớ gì, lão nô bộc chẳng dám phản bác lại điều gì. Quan ông lắc đầu rồi ra lệnh cho hai người lính lực lưỡng xuống đưa thi hài quan khâm sai lên trên bờ.

Mưa vẫn như trút nước, phần da thịt của viên quan đã bị bọn cá theo nguồn nước bên ngoài vào rỉa mất vài phần. Móng tay, móng chân rơi lả tả ra những vụn thịt thừa, trông cảnh tượng ấy người gan dạ nhất cũng rùng cả mình. Quan coi kho lương lại hỏi đám lính của mình:

“Viên khâm sai này chết thực đáng ngờ! Các ngươi có nghe thấy tiếng động gì lạ từ tối đến giờ không?”

Đám lính nhìn nhau, cuối cùng một người lính dáng người cao gầy thưa chuyện:

“Bẩm quan! Từ chỗ hào nước tới gác trực của chúng con không xa lắm. Nhưng từ lúc quan khâm sai ăn rượu uống thịt rồi ngủ ở gian nhà chính, chúng con đều không nghe thấy gì cả. Chỉ là… chỉ là…”

Thấy anh lính ngập ngừng, quan ông giục:

“Nhà anh cứ nói tiếp đi!”

Anh chàng gãi đầu gãi tai rồi nói:

“Dạ bẩm, vào đầu giờ hợi con có chạy ra gần gốc cây hòe để đi tiểu. Lúc đó con có nghe thấy tiếng quan khâm sai nạt nộ ai đó! Sau đó nghe thấy tiếng hét rất lớn rồi một tiếng ùm ùm hệt như ai nhảy xuống dưới sông. Con… con ….sợ là có ma nên ba chân bốn cẳng chạy mất..”

Quan ông lẩm bẩm:

“Tại sao lúc nào cũng là giờ hợi có người chết, còn giờ tí thì mất gạo!”

Ông im lặng không nói gì, chỉ nhìn ra khoảng trời tối đen mịt mùng ở phía trước. Mưa đã tạnh từ lúc nào. Một ánh chớp sáng lòe lóe lên ở hướng Bắc, trên không trung bầy quạ ngửi thấy mùi máu tanh bèn thi nhau kéo tới, chúng vừa bay vừa cất tiếng kêu quạ quạ ngân dài giữa trời đêm rợn ngợp.

Quan ông nhớ lại giấc mơ của người đàn bà mắt lồi mấy hôm trước. Đến lúc này ông mới nhận ra rằng tai họa sát thân mà bà lão quái dị đó nhắc tới chỉ có thể là vụ án mạng ngày hôm nay. Dường như mường tượng lại điều gì đó, ông thảng thốt kêu lên:

“Thôi chết rồi !”.

Sau đó vội vã đội mưa trở về nhà.

Trong cái hang nhỏ nơi gia đình ông tá túc lúc ấy đương nghi nghút khói nhang. Quan bà, bà cụ Đoan, bà vú, ông cụ Thìn và cả lão Phúc cùng Vũ thức trắng bên cái xác lạnh ngắt của viên đội trưởng. Quan ông vừa bước vào đã sững người, bà vú sụt sùi nói nhỏ:

“Anh đội trưởng mất rồi quan lớn rồi ạ.. Mất từ lúc sớm rồi!”

Lời bà vú chẳng khác nào sét đánh ngang tai, khiến quan ông quên cả sự tình đương nguy ngập, ông ngồi thụp xuống đất khẽ lật manh chiếu đắp lên xác viên đội trưởng. Ông lặng người nói không thành câu:

“Rõ ràng khi nãy… khi nãy … ta còn thấy anh đội trưởng đến tìm ta cơ mà!! Sao…giờ lại thế này?”

Quan bà thấy gương mặt chồng trắng bệch bèn gặng hỏi:

“Có chuyện gì vậy ông? Chẳng lẽ… chẳng lẽ ông gặp ma à? Mà… mà sao giờ này ông lại ở đây? Tôi tưởng đêm ông phải trực ở kho lương chứ?”

Nghe vợ nói, quan ông mới giật mình nhớ tới đại sự trước mắt, ông quay ra nói với mọi người:

“Mọi người nghe đây: Kho lương có biến rồi! Ta phải vội vàng chạy về đây để báo cho mọi người được biết. Khâm sai của triều đình không may chết ở kho lương, phen này ta khó tránh khỏi tai vạ. Đừng hoảng loạn… nghe ta nói tiếp đây! Bây giờ lão Phúc hãy tạm thời dẫn con ngựa ta trốn đi thật xa, tới giờ thân ngày mai hãy quay về cái hang này để đón cậu chủ. Trước khi đi hãy tới tìm thầy lang Bộc để nhờ thầy lang cứu người nhà nhà ta, thầy lang chắc chắn sẽ không chối từ đâu. Sau khi đón được cậu chủ rồi, hãy đưa nó tới phủ Long Hưng cách đây mấy ngày đường có người quen của ta ở đó”

Quan ông nói một hơi không ngừng nghỉ, ho sù sụ như người bị cảm mạo. Quan bà nước mắt giàn dụa khóc, bà vú và bà cụ Đoan nhìn nhau đầy hoảng sợ. Ông lại nói tiếp:

“Bà cụ Đoan và bà Vú hãy nhanh chân chạy trước đi. Ta không muốn hai người liên lụy. Chờ đến sáng mọi việc êm xuôi thì hãy quay lại đây để an táng anh đội trưởng, cứ để xác anh ấy chết thảm thế này thì tội nghiệp lắm!”

Quan ông vừa nói vừa phăm phăm đi vào trong hốc đá khuất sau giường ngủ của hai vợ chồng ông rồi lấy ra một cái bọc khá lớn, bên trong toàn là bạc nén. Ông giao cho lão Phúc phần nhiều, rồi đưa cho bà vú già một ít bạc.

“Bà nó cầm lấy cái này mà trốn đi ! Khâm sai chết ở trong kho lương của ta, không khéo phen này ta phải gánh cái họa hại chết mệnh quan triều đình. Bà đi cùng con đi, biết đâu sau này… sau này chúng ta còn có thể gặp lại”

Quan bà nước mắt rơi lã chã, bà không hề gào lên bi phẫn như những người trước mà nói rắn rỏi:

“Không! Tôi không đi đâu hết! Từ ngày được gả cho ông thì tôi đã nguyện sẽ đi theo ông rồi! Bây giờ sự tình như thế, nếu tôi đi cùng con thì quan quân cũng sẽ đuổi theo đến cùng. Hơn nữa… hơn nữa… con mình từ trước đến giờ bị đồn đại là có dị năng, không khéo vì thế mà nó cũng bị vạ lây. Chi bằng. chi bằng để cho nó theo lão Phúc đi về Long Hưng. Nếu thoát qua được nạn này thì ta sẽ đi đón nó. Còn không thì… thì…”

Giọng bà nghẹn đi, những người ở khóc, ngay cả quan ông cũng sụt sùi. Vũ lập tức hiểu rằng giờ là lúc sinh ly tử biệt, cậu gào lên rồi ôm chặt lấy cha mẹ nức nở:

đó đều

“Không! Không! Con không đi đâu hết! Con ở với cha mẹ! Con không đi! Hu hu hu”

Quan bà nuốt nước mắt vào trong, âu yếm ôm con rồi thổn thức:

“Con ngoan! Họa từ trên trời giáng xuống gia đình ta. Nếu may mắn thoát được tội chết thì cha mẹ sẽ đi tìm con. Con đừng lo… lúc nào cha mẹ cũng sẽ ở bên con”

Quan ông đặt hai bàn tay lên vai Vũ dặn dò:

“Bây giờ con đã ra dáng một người đàn ông rồi! Con phải nhớ rằng tuyệt đối không được tự ý đi tìm cha mẹ. Khâm sai đại nhân chết vì một con quái dưới làn nước lũ, ta không biết đó là gì và do ai sai khiến. Chỉ biết rằng nó hoàn toàn có thật, nó thường ăn thây người vào giờ hợi, nhưng lại ăn gạo vào giờ tí. Nếu ngày sau con có tìm được con quái đó, hãy nhớ rằng nó mới chính là thủ phạm giết quan khâm sai.”

Đôi mắt của Vũ lúc này đã nhòe đi vì nước mắt, quan ông rút từ trong vạt áo ra một phong thư rách nát rồi trịnh trọng trao cho Vũ. Quan bà thoáng ngạc nhiên, nhưng không nói gì. Vũ sụt sịt cầm trên tay rồi hỏi:

“Bẩm, đây là gì hả cha?”

“Con hãy cất nó cẩn thận. Ta không biết đây là thứ gì, nhưng mấy đời nhà ta đều là độc đinh, thứ này được triều từ đời này qua đời khác. Ta vốn dĩ định truyền lại cho con khi con trưởng thành, nhưng giờ e là tình thế nguy cấp. Ta chỉ biết rằng, tờ giấy này ghi lại bí ẩn về bốn ngài chó đá chôn ở dưới đất nhà ta.”

Ông vốn định nói thêm điều gì đó, thế nhưng mấy tiếng sét đì đùng vang lên liên tiếp ở không trung, cùng lúc đó lão Phúc khẽ nói:

“Bẩm quan! Phía trước có quân binh tới!”

Quan ông khẽ gật đầu với lão Phúc, đến lúc này ông mới bật khóc thành tiếng. Ông choàng tay ôm vợ con mình, Vũ vẫn sụt sịt trong lòng cha mẹ:

“Con không đi! Không đi đâu hết! Con ở với cha me cơ!”

Quan bà cắn chặt răng để không bật khóc.

Ông quay lại phía sau ngước nhìn về phía cửa hang chỉ thấy một đoàn đuốc sáng rực đương lại gần, hệt như mấy đốm lửa ma trơi. Biết rằng đã đến lúc, ông rút ra một con dao nhỏ ở trong vạt áo, rồi đâm sượt qua mạng sườn của Vũ một cái.

Quan bà hét lên một tiếng hãi hùng, Vũ bị bất ngờ một tay bịt máu, tay còn lại nhìn cha đăm đăm. Quan ông nhạt nhòa nước mắt khẽ thầm thì vào tai con:

“Lát nữa… nếu có ai đến sờ vào người con. Hãy giả vờ là con đã chết.”

Máu chảy làm vạt ảo màu xanh lục của Vũ tạo thành một khoảng tròn lớn bên bụng, Vũ chỉ khẽ gật đầu rồi ngất xỉu trong vòng tay mẹ. Quan ông ném con dao cho lão Phúc rồi hất mặt về hướng sau đồi. Lão Phúc giàn dụa nước mắt nhưng vội vàng kéo bà cụ Đoan, bà vú già bỏ đi. Vừa đến cửa hang, lão quay lại nhìn người chủ cũ rồi nghẹn lời:

“Nếu … nếu có kiếp sau… xin quan lớn cho tôi tiếp tục hầu”

Quan bà ôm con trai trong tay bật khóc thành tiếng. Khi lão Phúc dắt được con ngựa đi khuất phía sau thì cũng là lúc quan quân ập đến.

Sự việc sau đó diễn biến rất nhanh, tri phủ đại nhân hay tin có án mạng liên quan đến đại thần của triều đình, ngay trong đêm hôm đó đã cho người đến kho lương để tiếp nhận thi thể và bắt giữ toàn bộ quân lính ngay trong đêm. Quan coi kho lương cùng gia đình bị bắt ngay tại nhà, chỉ huy quân lính khi vào đến cửa hang đã thấy ông cùng vợ ngồi sẵn chờ đợi, trên sàn đá lạnh lẽo có cái xác người đàn ông đã lạnh ngắt từ lâu, và một cậu bé toàn thân dính đầy máu. Viên chỉ huy khẽ cúi đầu trước quan ông rồi lễ phép nói:

“Quan lớn tha tội! Tri phủ đại nhân và chúng hạ quan không tin rằng ngài có liên quan đến việc này, chỉ là phải giải ngài cùng gia quyến về nha phủ để điều tra.”

“Khâm sai đại nhân chết bất đắc kỳ tử ở kho lương, e rằng ta không thể không nhận một phần trách nhiệm. Ta vừa về để từ biệt vợ con, nào ngờ gã gia nhân phản phúc của ta sợ tội đã đâm chết con ta, lại đem hết của nả trốn đi. Phu thê ta xin theo lời dặn của chỉ huy, chỉ mong chỉ huy vất hai cái xác này ở lại để thôn dân Bích Câu táng xuống cho êm chuyện. Dù sao… dù sao cũng là người vô tội”

Viên chỉ huy cúi xuống nhìn thật kỹ hai cái xác, rồi khẽ sờ vào mũi của Vũ để kiểm tra. Thấy người Vũ vẫn còn ấm, viên chỉ huy lại áp tai vào lồng ngực Vũ. Gương mặt của anh ta thoáng một tia nghi ngờ, nhưng chỉ chừng vài tích tắc sau đó, anh ta quay lại nói với đám quân phía sau:

“Giải phu thê quan coi kho lương về! Để mắc hai cái xác ở đó!”

Đám lính lệ lục tục làm theo. Quan ông lúc này rất đỗi ngạc nhiên, ông hiểu rằng khi áp tai vào lồng ngực như thế, thì dù cho lỗ mũi có ngừng thở thì vẫn có thể nghe tiếng nhịp tim đập thình thịch. Nhân lúc không ai chú ý, ông khẽ nói nhỏ với viên chỉ huy:

“Đa tạ chỉ huy! Gia đình tôi xin đa tạ!”

Viên chỉ huy hiểu ý, anh ta tự mình đeo cái xích vào tay quan ông, rồi thì thào trả lời:

“Quan lớn đừng bận lòng. Năm xưa cha mẹ tôi chết đói, nếu như không nhờ quan lớn thương tình phát gạo cứu nguy thì tôi đã chết trong bụng mẹ”

Đêm hôm ấy trời không mưa, thế nhưng dân Bích Câu lại một đêm không ngủ. Người ta vừa khóc vừa van xin binh lính thả gia đình quan coi kho lương. Quan ông và quan bà chầm chậm bước đi, thỉnh thoảng chỉ khẽ gật đầu tỏ ý chào hỏi những đám đông xúm đen xúm đỏ.

Trong tiếng ồn ào huyên náo, có nhiều người bàn tán xôn xao:

“Làm sao mà quan coi lương lại bị bắt vậy?”

Nghe đâu là khâm sai chết trong kho!”

“Khâm sai chết thì chết chứ sao lại bắt quan? Quan ông hiền lành đức độ lắm, năm nào cũng phát gạo cho dân không thiếu một ai cơ mà!”

“Quan tham không chết, nhưng quan hiền cứ phải vạ là sao?”

“Vua ở Phú Xuân thì làm sao mà biết được cơ chứ?”

Mỗi người một câu khiến cho cả phủ Quốc Oai huyên náo chưa từng thấy.

Từng tốp từng tốp người kéo đến nha phủ để kêu oan thay cho quan coi kho lương, khiến tri phủ đại nhân vừa mừng vừa lo. Mừng vì điều này sẽ gây sức ép phần nào tới quan tổng trấn, khiến ông ta không thể không viết trong biểu tấu. Lo vì điều đó có thể vô tình đẩy quan coi kho lương vào đường chết. Phàm ở chốn quan trường, nào có ai muốn dân yêu quý một vị quan nào đó mà không phải là bản thân mình đâu? Tri phủ đại nhân thở dài ngẫm nghĩ, trong lòng ông không hiểu sao bỗng dưng lại nhớ tới lời của lão Chài thì thầm vào ngày hôm ấy:

“Con quái đó sống ở sông Nhị Hà, nó thường ăn những thây người chết trôi chết nổi. Tôi được nghe kể nhiều về nó lắm nhưng mà chưa từng thấy bao giờ. Chỉ biết rằng con quái này có từ lâu lắm rồi, nghe đâu đoàn thủy binh của vua thời trước đã từng có người giao chiến với nó mà không thành. Nó vừa là quái, vừa là người, cho nên nó vừa ăn thây cũng vừa ăn gạo… Nhiều cụ ngư dân sống cả đời trên sông nước đều nói rằng, loài quái này là do giặc phương Bắc thả xuống làm hại người nước Nam. Không chừng điều ấy là sự thật.”

Tri phủ đại nhân bần thần nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời đã ngớt mưa từ lâu, nhưng từ phương Bắc của phủ Quốc Oai, nổi lên từng lớp mây đen cuồn cuộn. Chưa bao giờ trong lòng quan lại lo lắng bất an đến thế.

Lại nói về Vũ lúc ấy, cậu lại bị bóng đè.

Trong hang đá tạm bợ, mùi máu tanh hòa lẫn với bầu không khí oi nồng của tiết trời trước cơn giông càng thêm phần nồng nặc. Trong cơn đau thấu xương, Vũ nhận ra anh Giản và mấy đứa trẻ con lần trước lại ngồi chồm hỗm trên người mình. Toàn thân anh Giản ướt sũng, làn da nhợt nhạt ma quái đến độ như phát ra thứ ánh sáng nhờ nhờ. Anh Giản mặt buồn rười rượi, ngồi trên bụng Vũ khiến cậu không thể thở được. Giọng nói của anh âm u như từ cõi xa xăm vọng về:

“Ngày Thìn! Giờ ngọ ba khắc”

Vừa nói dứt câu thì anh Giản và lũ trẻ con biến mất như chưa từng xuất hiện. Nếu như lẽ thường thì Vũ đã bật dậy và kêu lên, nhưng cậu vẫn đủ tỉnh táo để nhận ra cha mẹ mình giờ đây không còn nữa, chỉ còn một mình cậu trong hang đá tối tăm này với cơn đau giày vò. Vũ lại mê man đi một lúc, lần nào cậu nằm mộng thấy bà cụ già chống gậy đi dưới nước ngày nào đứng bên cạnh cửa. Vẫn là cái sắc mặt vàng ệch như người sắp chết, ấy vậy mà từ đôi mắt lồi ra của bà như muốn nói một điều gì đó. Bất chợt Vũ nghe thấy bên tai có người thì thầm:

“Cậu Vũ! Cậu Vũ ơi!”

Vũ choàng mắt tỉnh dậy, cậu nhận ra lão Phúc trung thành đương ngồi thụp dưới đất nhìn cậu lo lắng, bên cạnh là ông lang Bộc đang cặm cụi giã thuốc. Thấy Vũ mở mắt, lão Phúc rưng rưng lệ nói:

“May quá! Cậu tỉnh rồi!”

Vũ thì thào khó nhọc:

“Bác Phúc ơi! Cha mẹ con đâu?”

Lão Phúc giả bộ như không nghe thấy gì, ông khẽ quay sang bảo thầy lang Bộc: Pão thay lang

“Ông Bộc ơi! Vết thương của cậu ấy có sao không?”

Lão Lang Bộc vừa giã thuốc vừa nói:

“Tôi vừa xem qua rồi, chỉ là vết thương ngoài da thôi, máu chảy nhiều nhưng không cần khâu lại.”

Nói rồi ông thoăn thoắn lật vạt áo của Vũ lên, băng bó lại bằng lớp vải xô trắng tinh, thoạt nhìn giống hệt như người ta đương khâm liệm người chết. Vũ không còn cảm thấy đau đớn gì nữa, cậu hỏi đi hỏi lại:

“Cha mẹ cháu đâu rồi? Quan quân đưa họ đi đâu?”

Ông lang Bộc đưa mắt nhìn lão Phúc rồi im lặng không nói gì. Ngoài trời lúc này tờ mờ sáng, một cơn mưa giông kéo đến khiến cây cối nghiêng ngả, gió luồn qua từng kế liga, gration gu hang tạo thành âm thanh như người than khóc. Vũ nặng giọng:

“Nếu bác Phúc muốn tốt cho con thì bác nên nói!”

Lão Phúc nhìn cậu chủ nhỏ nằm dưới mặt đất lạnh lẽo, trong lòng ông đấu tranh một lúc rồi thở dài:

“Quan ông quan bà phải đi đến nha phủ để điều tra rồi cậu ạ! Ngay khi hết mưa chúng ta sẽ lên đường đi phủ Long Hưng. Khi sự việc qua đi, quan ông sẽ đi đón cậu! Chúng ta phải lên đường cho sớm sủa, phòng khi..”

Lão Phúc bỏ lửng câu nói. Ông lang Bộc thấy Vũ như muốn hỏi thêm bèn chen ngang:

“Cậu Vũ à! Lần trước tôi có nói với cậu vết thương trên người viên đội trưởng cậu còn nhớ không?”

Vũ lập tức bị thu hút, cậu vội đáp:

“Vâng! Cháu còn nhớ! Không biết con quái đó là như thế nào?”

Ông lang Bộc khẽ đắp lá thuốc bao quanh vết thương của cậu rồi chậm rãi trả lời:

“Tôi đã gửi phong thư cho sư huynh của tôi, trùng hợp thay sư huynh tôi cũng đương ở phủ Long Hưng. Trong thư huynh ấy nói dựa theo mô tả thì con quái đó là dị tượng sống ở sông Nhị Hà. Nghe đâu nó có từ cái thời mà đám giặc phương Bắc mang tới đất Nam ta

Vũ chau mày hỏi lại:

“Dị tượng? Sao lại là dị tượng được!”

Lão lang Bộc đáp:

“Dị tượng bởi vì nó không phải là loài thú thông thường, cũng không phải là hồn phách của người đã chết. Nó là một con thú, nhưng lại có nhiều đầu người trên thân, toàn mình hệt như rắn nhưng lại mọc lỉa chỉa ra những cái chân cái tay của con người. Nó sống trôi dạt ở sông, đám ngư dân từ mạn Tiền Hải ở Thái Bình cho tới xứ Thanh Hóa thường bàn tán về chúng. Thế nhưng tất cả chỉ là nghe nói thôi, chứ làm gì có ai từng nhìn thấy. Nếu… nếu.. nhìn thấy được thì…thì chắc đều đã vong mạng rồi.”

Giọng lão Bộc vừa nói vừa nghẹn lại, Vũ hiểu ông lại nhớ đến cái chết thảm thương của con gái mình. Trời hửng sáng nhưng vẫn còn mưa, Vũ nhìn ra ngoài trời rồi lẩm bẩm nói với chính mình:

“Chỉ ăn gạo vào giờ tí, nhưng ăn thây người vào giờ Hợi. Chính nó… chính nó là thủ phạm gây ra họa ở phủ này…”

Vũ chưa dứt lời thì đã thấy lão Phúc trở vào, trên vai đeo một cái tay nải rồi khẽ nói:

“Cậu Vũ ơi! Đi thôi! Không chừng quan binh sẽ quay lại!”

Vũ khó nhọc ngồi dậy, cậu cắn răng để chống chọi với cơn đau buốt nhói vào da thịt. Ông lang Bộc biết đã đến hồi ly biệt, ông nắm tay cậu bé chỉ sàn sàn tuổi con mình rồi nói:

“Cậu đi chuyến này nhớ cẩn thận! Quan ông quan bà là người đức độ, chắc chắn sẽ gặp dữ hóa lành. Mai này cậu đến phủ Long Hưng rồi, nếu muốn biết thêm về thứ quỷ quái dưới sông Nhị Hà ấy, cậu nhớ đến tìm sư huynh của tôi! Ông ấy sẽ có cách giúp cậu.”

Vũ khẽ mở lòng bàn tay ra, trong đó có mảnh giấy mà lão lang Bộc ghi tên một người đàn ông xa lạ. Vũ khẽ gật đầu rồi lễ phép khoanh tay cảm tạ ông thầy bốc thuốc.

Lão Phúc đứng ngoài cửa mắt đỏ hoe nhìn xuống thôn Bích Câu tan tác sau cơn lũ.

Nước đã rút gần hết chỉ trơ ra những tảng đất đá, cây cối bị nhấn chìm lúc trước. Đó đây người ta còn thấy cả những khúc xương trắng ởn lẫn trong bùn nước. Có lẽ đám xương này từ những chiếc quan tài nào đó bị dòng nước làm sạt nở rồi bung ra mấy miếng ván tạm bợ.

Vũ tập tễnh bước ra khỏi hang, cậu lặng thinh nhìn xung quanh. Trận mưa đã là cho không khí chung quanh thêm phần lạnh lẽo thê lương. Cả ba người im lặng đi xuống gần chân đồi, nơi một chiếc ghe nhỏ đương chờ sẵn. Trên ngọn cây thông già chỉ cách mặt nước vài bước chân, cậu thoáng nhìn thấy đứa con gái của ông lang Bộc ngồi vắt vẻo bên trên, cả người của nó phủ lên một lớp áo niệm. Vũ khẽ rùng mình một cái, rồi nghe thấy lão lang Bộc thầm thì bên tai:

“Cậu nhất định phải tìm ra chân tướng để báo thù nhé!”

Vũ quay lại nhìn gương mặt ông lang Bộc xanh xao vàng vọt. Vong hồn đứa con gái lúc này lại bám chặt lên vai ông thầy thuốc tội nghiệp. Một làn gió lạnh thổi qua, Vũ khẽ cúi đầu chào, rồi đi thẳng.

Đường từ phủ Quốc Oai tới phủ Long Hưng phải đi hết mấy ngày đường. Cả hai người không dám đi giữa ban ngày ban mặt, mà chỉ đi vào ban đêm. Nếu bị người khác sẽ nhận ra cậu con trai có tài xem bói lừng danh của quan coi kho lương, tất sẽ có họa. Dù gì thì trong mắt quan quân tại nha phủ, Vũ cũng được coi là người đã chết. Dọc đường đi, đâu đâu cũng nghe thấy thiên hạ kháo nhau về những cái xác bị cụt cả đầu lẫn tứ chi, rồi cả việc quan khâm sai chết bất đắc kỳ tử bên hào nước ở kho lương. Cái đói, cái lạnh cũng không thể khiến người ta quên đi những câu chuyện nhuốm màu quỷ dị.

Trận lũ lụt vừa rồi khiến cho khắp nơi chất đầy thây người chết. Có nhiều gia đình chạy lũ không kịp, bị đè dưới căn nhà đổ nát khiến cả nhà chết sạch không chừa một ai.

Dòng nước đục ngầu đã rút đi quá nửa nhưng mùi hôi thối tanh ngòm đọng lại khiến cho khắp nơi đều vắng lên tiếng vo ve của lũ ruồi nhặng, tiếng quạ kêu ai oán giữa những buổi chiều chạng vạng.

Vũ bần thần nhìn những dòng người lũ lượt kéo nhau đi xin ăn, những u hồn lảng vảng giữa đám người còn chút hơi tàn.

Người đói, ma cũng đói. Thiên hạ bỗng chốc rơi vào cảnh lầm than.

Phải đến mấy ngày sau Vũ mới đến được phủ Long Hưng ( Nam Định ngày nay). Người ta bắt đầu biết đến tên gọi Long Hưng từ thời nhà Trần, lúc bấy giờ nơi đây chỉ có bốn huyện bao gồm Ngự Thiên, Duyên Hà, Cổ Lan và Thần Khê.

Dân trong vùng còn lưu truyền một câu chuyện:

“Ngày trước có một người đàn ông họ Trần rất thạo sông nước, sống bằng nghề chài lưới trên sông Nhị Hà. Đến tuổi trưởng thành, người ấy lấy một người con gái sinh ra Trần Hấp. Một thời gian sau có một thầy địa lý đi ngang qua, nhìn thấy ở huyện Ngự Thiên có một gò Hỏa Tinh bèn cười mà phán:

“Giữa nơi đất bằng mà bỗng xuất hiện một gò lớn, ắt không phải là nơi hoang địa!”

Nói đoạn, ông thầy địa lý đi vào làng xin đất để táng mộ. Sau khi táng mộ xong, người ta thấy ở vườn ao của dân sống trong khu đó đều nổi nên từng đụn đá lớn nhỏ, báo hiệu có điềm lành đương đến. Nào ngờ, dân trong làng có kẻ phản trắc, cho rằng thầy giở trò ma quỷ nên kéo thầy ra sông dìm chết.

Đúng lúc ấy nước thủy triều rút mạnh, chỉ còn trơ ra một bãi cát rộng, vợ chồng họ Trần may sao cứu sống được thầy. Cảm tạ ơn đức cứu mạng của đôi vợ chồng nhân hậu, thầy địa lý trả ơn bằng cách giúp họ rời mộ cải táng. Người ta kể lại, vào ngày Tân Dậu, tháng Đinh Tỵ, năm Quý Sửu vị thầy địa lý kia đã di mộ tổ họ Trần táng tại chỗ này. Mộ đặt ở hướng Bắc, nhìn ra ngã ba sông lớn mà dân gian vẫn hay gọi là Cửa Vàng. Trước khi rời đi, thầy địa lý có phán rằng:

“Đất này đời sông tất phát, nữ nhập cung phi, nam cư phụ chính.”

Quả nhiên, hai mươi tám năm sau, con cháu của đôi vợ chồng có người tên là Trần Thừa sinh ra một người con thứ tên Trần Cảnh sau này là Thái Tôn Hoàng Đế.”

Vũ bồi hồi nhìn cảnh quang cảnh khắp nơi trong lòng nhớ đến câu chuyện mà phụ thân vẫn thường kể. Cậu chẳng thể nào tin được rằng, có ngày mình lại đặt chân đến đây trong tình cảnh éo le như thế này. Nhà người quen của cậu vốn nằm cuối phủ Long Hưng đoạn giáp ranh với vùng Hoa Lư trù phú. Để tới được đó còn phải đi thêm hai ngày đường. Khắp nơi cây cối hoang vu rậm rạp, ban ngày cũng như ban đêm lúc nào cũng vắng vẻ đến lạnh cả người. Mặt trời đã cao quá ngọn tre mà Vũ và lão Phúc vẫn chẳng dám ngừng chân, đến giờ tị cậu mới cất giọng nặng nề:

“Hôm nay là ngày mấy rồi bác Phúc nhỉ?”

Lão Phúc húng hắng họ vài cái, đoạn đáp lời:

“Ngày Mậu Thìn, hăm nhằm tháng bảy rồi cậu ạ!”

Giọng Vũ như nghẹn lại:

“Cha mẹ cháu sắp mất rồi! Giờ ngọ ba khắc sẽ xử tử …”

Vừa nghe thấy Vũ thế, lão Phúc mặt tái xanh, sống mũi cay xè hỏi lại:

“Sao cậu… sao cậu lại biết!?”

Tiếng quạ từ đâu vọng lại càng khiến khung cảnh xung quanh thêm phần hiu quạnh. Vũ lắc đầu, một hồi lâu sau trầm giọng:

“Đêm hôm trước anh Giản về báo mộng cho cháu.”

Thấy lão Phúc còn đắn đo như thể không tin nổi vào tai mình. Vũ nói thêm:

“Từ ngày anh Giản được táng xuống phần đất nhà ta, cũng coi như người một nhà. Chưa kể anh ấy lại bị giết hại dã man nên chấp niệm cũng khác hẳn người bình thường. Lại thêm việc anh ấy nói rõ là giờ ngọ ba khắc. Chính là khi dương khí thịnh nhất, lệ chém giết bêu đầu từ trước đến giờ đều thi hành vào giờ ấy. Chắc là… chắc là… cha mẹ cháu không thoát khỏi kiếp cơ nạn này”

Vũ càng nói giọng càng nghẹn lại, lão Phúc lấy áo lau nước mắt, im lặng không nói gì. Một hồi sau Vũ mới nói:

“Nhất định cháu phải trả thù! Nhất định cháu phải tìm ra được bí ẩn này nếu không sau này đoàn tụ dưới hoàng tuyền, cháu mới dám nhìn mặt cha mẹ!”

Lão Phúc không nói thêm lời nào, lão nhìn Vũ mà không khỏi ngạc nhiên. Vài ngày trước Vũ còn là một cậu bé chưa trải sự đời, vậy mà thoắt một cái cậu đã thâm trầm hệt như một ông cụ non. Trời giữa trưa nhưng không hiểu sao lại có vẩn mây đen từ đằng xa, tiếng sấm chớp trên nng hiểu sao lạ không trung làm đất trời như rung chuyển. Hai người tiếp tục đi trong bóng chiều tịch liêu cô quạnh.

Đêm hôm ấy, cả hai người quyết định sẽ nghỉ lại qua đêm ở một quán trọ ven đường. Thoạt nhìn quán trọ ấy không có gì đặc biệt, chỉ là một căn nhà ba gian nằm lọt thỏm giữa một khe núi, xung quanh là cây cối rậm rạp và một cái hồ nước chỉ xâm xấp bụng, đó đây có vài gốc sen già trơ ra trước gió.

Vũ nhìn xung quanh thấy âm khí nơi này quá nặng, cậu lấy làm lạ không hiểu vì sao nơi đây lại có nhiều vong hồn lai vãng như thế. Có vong ngồi vắt vẻo trên mái nhà, có vong lại lảng vảng trong bệ cửa. Vũ bần thần quan sát thêm thì thấy hầu hết các vong ở đây dường như đều bị thương trước khi chết. Người thì bị mất chân mất tay, người khác lại bị moi bụng để lộ ra khoang ruột lòng thòng phía trước. Thậm chí, Vũ còn trông thấy một vong đàn ông không mặc quần áo, toàn thân đầy máu và những vết thâm tím, bay phất phơ trên ngọn cây xoan. Vong người đàn ông ấy còn trẻ lắm, nhìn gương mặt thì rõ ràng là một thư sinh tuổi đôi mươi. Chẳng hiểu vì sao lại chết thảm như thế.

“Chẳng lẽ ở là tập thể?”

Một suy nghĩ rùng rợn thoáng nhanh trong đầu Vũ, cậu định nói với lão Phúc đừng bước vào quán trọ này, thế nhưng khi cậu quay ra thì thấy lão đã bước vào gian nhà trong từ lúc nào. Cơn bất an ùa tới, Vũ lập cập xuống ngựa đuổi theo lão Phúc.

Trong gian nhà trọ rất tối tăm, không khí ha tro vẳng lên một mùi ẩm thấp cứ như thể lâu lắm rồi không có người quét dọn. Một người đàn bà to béo có lẽ là chủ quán hất hàm với lão Phúc:

“hai đồng, đưa tiền trước!”

Lão Phúc khẽ lấy trong túi ra vài đồng bạc, người đàn bà đưa bàn tay to như nải chuối ngự chộp lấy tiền, vừa nhìn Vũ và lão Phúc vừa chỉ sang gian nhà bên. Lão Phúc không nói thêm một lời nào, vội vã kéo Vũ đi. Vừa đi được mấy bước, Vũ ngoái lại nhìn theo mụ chủ quán, trên cái cổ phị ra toàn mỡ của mụ có một vết sẹo lồi to bằng đồng xu. Mụ khẽ nheo mắt nhìn theo hai người khách trọ cho tới khi khuất hẳn.

Trong gian nhà nho nhỏ, lão Phúc thầm với cậu:

“Đêm nay không ngủ ngoài trời nữa cậu Vũ ạ. Tôi nghe quan ông dặn nơi này ban đêm nhiều cướp lắm. Ngủ bên ngoài không an toàn đâu.”

Vũ thì thào:

“Vậy bác có chắc là quán trọ này cũng an toàn không? Cháu… cháu… cháu thấy nhiều vong ở đây lắm. Hơn nữa toàn là vong chết trẻ thôi. Người nào chết cũng rất thảm!”

Nghe Vũ nói, lão Phúc rùng cả mình. Lão ngước nhìn ra ngoài cửa sổ, bầu trời u ám chưa từng thấy, mây đen từ hướng đằng đông kéo lại ùn ùn. Lão ngẫm nghĩ một điều gì đó rồi quyết định:

“Thôi thế này! Trời sắp mưa rồi, chúng ta cứ nghỉ ở đây một lúc, tôi cho ngựa ăn rồi có gì tạnh mưa ta lên đường ngay, không nấn ná thêm nữa!”

Dù trong lòng lo lắng nhưng Vũ cũng đành miễn cưỡng gật đầu. Cậu ngồi xuống mép giường có phủ một tấm chăn màu mận chín. Đối với người phải chạy trốn suốt mấy ngày nay như Vũ, cảm giác chăn nệm êm ái dường như đã xa cách từ lâu lắm. Cơn buồn ngủ kéo đến khiến hai mí mắt cậu trĩu lại. Vũ lăn ra ngủ không biết trời đất đâu nữa.

Nửa đêm hôm ấy, trời đổ một trận mưa to.

Vũ đương ngủ say sưa bỗng dưng có một cảm giác đè chặt ở trên lồng ngực khiến cậu khó thở chưa từng thấy. Vũ choàng mở mắt, hơi lạnh quen thuộc ùa tới khiến toàn thân cậu dựng tóc gáy. Dưới ánh đèn cầy tù mù trên bàn chiếu lại, cậu nhìn thấy anh lính Giản trên cổ còn dính nguyên bộ lòng trắng ởn, anh ngồi chồm hỗm trên bụng Vũ. Đây chẳng phải là lần đầu tiên cậu bé bị bóng đè, thế nhưng cảm giác tức ngực đến mức nghẹt thở vẫn khiến cậu chới với sợ hãi đến cực độ.

Bầu trời trên cao đì đùng những tiếng sấm chớp, mưa rơi lộp bộp xuống mái tranh. Trong tích tắc, Vũ nghe thấy một giọng nói trầm ấm vọng lại:

“Dậy nhanh! Dậy đi con! Lão Phúc chết rồi con ơi!”

Vũ sững người, mặc dù toàn thân cứng đờ không sao cựa quậy được, nhưng cậu vẫn có thể nhận ra đó là tiếng cha mình. Cậu hoảng hồn đảo mắt để tìm người thân. Một giọng nói khác vang lên:

“Con ơi! Dậy ngay! Trốn đi!”

Lần này cậu nhận ra đó là tiếng của mẹ. Cậu ú ở không thành cậu, muốn gọi nhưng chẳng thể nào mở lời. Anh lính Giản vẫn ngồi trên bụng cậu, gương mặt xám xịt của anh cúi xuống thầm thì:

“Lão Phúc chết rồi! Em phải trốn ngay đi! Đừng cố làm gì cả, trốn ngay đi thì còn kịp!”

Vũ nhận thấy giọng nói của cha mẹ mình sao mà giống giọng của anh Giản, những âm thanh đó sao mà âm u như từ cõi nào đó vọng về. Anh Giản vừa dứt lời, toàn thân Vũ trở lên nhẹ bẫng. Cậu choàng dậy, lồng ngực như có ai đương bóp nghẹt, cậu lẩm bẩm với chính mình:

“Có khi nào… cha mẹ mình hiện về báo mộng …..?!”

Lúc tia chớp sáng lòe lóe lên thì cũng là lúc Vũ nhìn thấy bóng lão Phúc đứng ngoài cửa sổ. Toàn thân lão ướt đẫm, từ trên yết hầu của lão có một vết thương đầm đìa máu. Lão đứng nghẹo cổ sang một bên, đôi mắt vô hồn nhìn chòng chọc vào trong gian nhà nơi Vũ nằm ngủ, toàn thân ướt đẫm. Giây phút ấy bụng Vũ thót lên một cái, cậu thốt lên:

“Bác Phúc! Bác làm sao thế?”

Không một ai trả lời. Vũ lao đến bên cửa sổ thì nhận thấy chẳng có ai đứng ở đó. Toàn thân cậu nổi da gà, rõ ràng chỉ vừa nãy thôi cậu còn nhìn thấy lão Phúc đứng trong mưa, sao thoắt một cái lão lại biến mất được?

Không gian vắng lặng như tờ, chỉ có tiếng mưa rơi, tiếng sấm vọng lại. Trống ngực Vũ đập liên hồi, cậu nín thở khẽ đẩy cánh cửa gỗ mòn vẹt để bước ra ngoài. Gian nhà giữa nơi buổi sáng cậu gặp mụ chủ quán trọ to béo vẫn sáng đèn, lúc này cậu mới nghe thấy từ trong đó vẳng ra tiếng nói chuyện.

Vũ đưa mắt nhìn về phía chuồng ngựa, con ngựa tên Đại Phong của cha cậu vẫn còn ở đó. Điều kì lạ là lúc sáng khi cậu cùng lão Phúc đến, chuồng ngựa còn M trống trơn, vậy mà giờ trong đó phải có đến gần chục con ngựa. Trong lòng cậu AU càng lúc càng sốt ruột, cậu một mặt muốn chạy đi tìm lão Phúc, một mặt muốn đứng rình ở ngoài cửa sổ nghe ngóng xem là ai đến quán trọ giờ này.

Vũ mon men đến gần cửa sổ nhỏ của gian nhà, con dao bạc cậu giấu trong đai quần vẫn nằm yên vị ở đó. Một giọng đàn ông vang lên:

“Mẹ kiếp: Thang gia chống cự quyết liệt quá. Chết tiệt!”

Giọng mụ béo chủ quán vang lên:

“Kiếm được không ít bạc, mày còn than vãn cái gì? Để yên đấy tao băng cho! Có mỗi một nhát dao chứ mấy!”

Có một ai đó nói:

“Thế thằng nhóc đi theo lão già? Bà định thế nào?”

Mụ béo chủ quán hắt hơi vài cái rồi đáp lời:

“Chặt một chân nó để thành tàn phế, rồi bắt nó ở đây hầu tao. Lâu lắm rồi..”

Mụ nói như thế rồi lặng im. Đám đàn ông trong nhà dường như hiểu ý, có gã không kìm được bèn cười hô hố.

Vũ lạnh cả , ngay lập tức hiểu rằng cảm giác của mình từ đầu là đúng. Đây chẳng phải là loại quán trọ lương thiện gì, những vong hồn lảng vảng trên ngọn cây nóc nhà đều là nạn nhân của chúng. Tim Vũ như có ai đương bóp nghẹn, cậu biết rằng lão Phúc đã vong mạng dưới tay bọn cướp.

“Không được! Mình phải trốn ngay khỏi đây!”

Vũ vừa quay người định bỏ chạy thì lúc đấy cánh cửa gian nhà chính mở toang, hai gã đàn ông trẻ tuổi khệ nệ khênh một người đàn ông mặc áo nâu thẫm bước ra.

Vũ nhận ra đó là lão Phúc, cậu định tìm chỗ trốn nhưng không kịp. Vừa trông thấy cậu, một gã trẻ tuổi kêu lên:

“Bỏ mẹ! Thằng kia! Đứng lại!”

Trong nhà đương ồn ào bỗng dưng im lặng một vài giây rồi tiếng đao kiếm vang lên xủng xẻng. Mụ béo chủ quán chạy ào ra cửa, trên người mụ mặc một chiếc yếm đào đỏ rực như máu. Mụ rít lên:

“Chúng mày còn đứng đó làm gì? Đuổi theo cho tao!”

Vũ hoảng hồn bỏ chạy, con Đại Phong đương cột trong chuồng cũng lồng lên như muốn đi theo chủ nhân của nó. Trời mưa tầm tã, Vũ loạng choạng chạy đến hồ sen trước nhà thì vô tình trượt chân rơi xuống, đầu cậu đập vào hòn đá rồi ngất lịm đi lúc nào không biết.

Vũ bần thần đứng trong một cái hang rất rộng, mùi tanh tưởi, mùi thịt sống ùa vào khứu giác của cậu.

Cậu nhìn thấy một con sói rất lớn, nửa thân nó là sói, nhưng cẳng chân lại là người. Vũ điếng hồn toan bỏ chạy thì chợt trông thấy cha mẹ cậu đứng ở phía trước buồn rười rượi nhìn cậu, rồi cả lão Phúc cổ họng bị xiên thủng, khoang ngực bị mổ phanh nằm thoi thóp trước cửa hang. Giọng của cha cậu vang lên:

“Đừng hành động khinh suất! Cứ bình tĩnh, chúng ta ở bên con!”

Vũ nhìn con sói, rồi lại nhìn người thân của mình, cậu định bước theo thì bỗng nghe thấy…

“Ào!” Ai đó dội nước lạnh toát vào người Vũ. Cậu khẽ giật mình họ khùng khục vài tiếng rồi đầu lại nghẹo sang một bên vờ ngất xỉu. Giấc mơ vừa rồi quá kỳ lạ, nhưng tình thế trước mắt nguy cấp, Vũ không dám nghĩ nhiều về nó mà chỉ dám cắn chặt răng im lặng. Cậu nghe thấy tiếng nói chuyện ngay bên tại.

“Nó vẫn chưa tỉnh lại!”

“Hay để em đánh nó?”

“Mẹ chúng mày! Đánh nó thì nó hầu hạ tao sao được? Chúng mày ăn no căng bụng, gái gú suốt ngày nên càng lúc càng ngu đi phải không?”

Vũ co giật một cái vì lạnh, cậu khẽ hé mắt nhìn thấy mình bị trói còng queo ở trong gian nhà lúc trước, toàn thân cậu khẽ rùng mình vì lạnh. Không ai để ý rằng cậu vừa mở mắt, mụ béo chủ quán còn đương mải véo tai hai gã đàn ông trẻ tuổi. Vũ vờ như vẫn còn mê man, nằm im không nhúc nhích.

Mụ béo cúi xuống nhìn cậu một lúc rồi sẵng giọng nói với hai gã kia:

“Chúng mày ở đây trông nom nó cho tốt. Tao và lũ kia đi có việc! Nếu thằng này tỉnh dậy thì chúng mày cho nó ăn. Tao về mà thấy chúng mày lơ là thì đừng trách…”

Vừa nói bàn tay mụ béo vừa thụi một cái rồi bỏ đi thẳng. Một trong hai gã kêu lên đau đớn. Vũ run cầm cập, cậu biết rằng mụ béo vừa làm gì với gã đàn em. Toàn thân cậu bủn rủn vì sợ, nhưng vẫn cắn răng nằm im như lúc trước. Trong gian nhà bắt đầu im ắng, thế nhưng chừng nửa tuần hương sau, Vũ nghe thấy hai gã đàn ông quay lại. Chúng ngồi trên cái chõng kề bên cửa sổ rồi bắt đầu ăn uống. Một gã nói:

“Mày nghĩ mụ béo định làm gì với thằng nhãi kia?”

Vũ có thể tưởng tượng gã đàn ông hất mặt về mình, cậu nghe thấy giọng cười khả ố vang lên:

“Khà… khà… ! Còn làm gì nữa? Như mọi lần thôi! Mày không biết chứ lần trước có thằng nhóc học trò đi ngang qua đây. Đêm hôm ấy mụ béo làm cho nó sợ đái ra quần, sáng hôm sau thì…”

“Thì làm sao?”

Tên còn lại sốt ruột.

Gã kia dường như đương ăn thịt, vừa nhồm nhoàm vừa nói:

“Sáng hôm sau thì thấy nó chết trên giường.. Toàn thân không có một mảnh vải. Chính tay tao đem đi chôn sau núi chứ ai? Mà nghĩ lại cũng khiếp thật… sau vụ đó, mụ béo vẫn nằm ngủ ngon trên chiếc giường có người chết!”

Mặc dù đương nhắm chặt mắt nhưng Vũ cũng không thể nén nổi cơn rùng mình. Vũ bàng hoàng nhớ lại, mới ngày hôm qua thôi chính mắt cậu nhìn thấy một vong thư sinh nho nhã nhưng trần truồng, toàn thân toàn là vết thâm tím. Cậu hiểu rằng, nếu không bỏ trốn ngay thì chính mình cũng sẽ chết tức tưởi như người học trò hôm nào. Trong đầu Vũ nảy ra một kế hoạch…

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3