Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 30

HỒI THỨ TÁM

HOA Ở PHỦ LONG HƯNG

Gió thổi càng lúc càng mạnh, mây đen đã che khuất vầng trăng khuyết từ lúc nào. Mấy gã đàn ông ngồi ở gian nhà bên vừa rít điếu cày, vừa đưa mắt nhìn về. Gã trẻ tuổi vừa mới bỏ chạy lúc này mới dám len lén nhìn về phía gian nhà chính giữa rồi rụt rè hỏi nhỏ:

“Liệu… liệu những gì thằng nhóc đó nói có tin được không?”

Gã đàn ông vạm vỡ tên Hắc Cẩu nhổ toẹt một bãi nước bọt xuống đất rồi buột miệng:

“Thằng ranh đấy sao nó biết mà đoán trúng phóc như vậy được nhỉ?”

Một tên trẻ tuổi giật mình hỏi lại:

“Anh Hắc Cẩu! Chẳng lẽ… nó nói đúng? Chúng ta bị vong theo thật ư?”

Hắc Cẩu gườm gườm không dáp, mấy tên còn lại cũng im re không dám nói câu gì. Gió bên ngoài thổi dữ dội đập liên tục lên mái tranh giống hệt như có ai đương đi đi lại lại trên đó.

Hắc Cẩu cầm chắc khí giới trong tay, nhìn đăm đăm vào ô cửa sổ còn sáng đèn, một lúc sau gã cười nửa miệng:

“Con mụ dạ xoa khốn kiếp đó chắc lại lang chạ với thằng nhãi ranh đáng tuổi con mụ chứ sao nữa. Loại dâm phụ như này tao còn lạ gì!”

Thấy Hắc Cẩu cầm sẵn khí giới trong tay, tên trẻ tuổi nói giọng Phú Xuân hỏi dồn:

“Đại huynh định mần chi rứa?”

Hắc Cẩu không nói không rằng, hắn vừa đạp tung cánh cửa để ra ngoài thì đột nhiên chết sũng.

Trước mặt hắn là vô số những thi thể nằm rải rác trong sân. Có thi thể bị chặt đứt đôi người, có thi thể bị cứa cổ, lại có thi thể nửa nằm nửa ngồi dưới hồ sen đã héo rục. Gió đưa mùi máu tanh xộc thẳng vào mũi Hắc Cẩu. Cái mũi thính như chó săn đã làm hại gã, gã ngửi thấy mùi máu người quen thuộc, rồi cả mùi thum thủm của những khối thịt đã lên giòi.

Hắc Cẩu chưa kịp định thần thì từ trên mái nhà tranh bỗng có một bóng người cúi rạp xuống, thò cái đầu cụt lủn dính đầy máu. Gã nghe từ trong chuồng ngựa một tiếng nói rõ mồn một vọng về:

“Hắc Cẩu à! Tao với mày không thù không oán, tại sao mày… mày giết tao? Tại sao mày còn cướp bạc của tao? Tao còn phải đưa cậu chủ đi tìm người thân kia mà! Hắc Cẩu… Hắc Cẩuuuu”

Hắc Cẩu gào lên một tiếng, tay lăm lăm ngọn đao sắc lẻm, gã điên máu chửi oang oang:

“Mẹ kiếp! Thằng nào dọa tao! Thằng nào giả thần giả quỷ dọa tao?”

Đám còn lại ở trong nhà bỗng thấy Hắc Cẩu như thể bị ma nhập, tên nào tên nấy sững sờ nhất thời không biết phải làm sao. Hắc Cẩu phăm phăm đến chuồng ngựa trước mặt mồm gào thét điên loạn. Bầy ngựa bị một phen hoảng sợ, chúng hỉ vang trời chỉ duy con Đại Phong vẫn điềm tĩnh. Hắc Cẩu nhìn thấy lão Phúc người đầy máu đứng ở đằng sau Đại Phong, gã vừa xông tới vừa hét lên:

“Thằng già quái dị! Tao phải giết mày! Tao phải giết mày”

Nào ngờ gã chưa kịp vung đao thì con Đại Phong đã nhanh chân đá hậu. Cẳng chân chắc nịch của nó bật tung khiến kẻ lực lưỡng như Hắc Cẩu văng ra đằng sau cả trượng, đầu Hắc cẩu đập vào một đống sọ người vất vương vãi, máu chảy chan hòa xuống dưới mặt. Hắc Cẩu ú ở vài câu, đôi mắt trắng dã của hắn mở trừng trừng. Giây phút ấy gã thấy những vong hồn tỏa ra ánh sáng nhờ nhờ xúm xít quanh người hắn. Ấy toàn là những kẻ hắn đã từng giết, từng làm nhục. Đám vong hồn cười rúc rích hòa với tiếng gió thổi ầm ầm, Hắc Cẩu nằm giữa vũng máu chảy ra từ đầu chết không nhắm mắt.

Trời tối đen như mực, đám cướp nhìn thấy Cẩu bị ngựa đá trúng bèn hò nhau đốt đuốc đi xem. Thế nhưng, khi nhìn thấy tên nghệ cao cường nhất trong đám nằm giữa đống sọ người trắng ởn từng bị giết thì tên nào tên nấy ba chân bốn bỏ chạy thật nhanh về nhà, không dám nấn ná thêm một lúc nào nữa.

Phải đến khi ngồi yên vị trong gian nhà ẩm thấp quen thuộc, một tên mới hoảng hồn hỏi lại:

“Làm sao mà gã Hắc Cẩu ấy lại bị chết như vậy được?”

Tên trẻ tuổi nhất chửi thề:

“Mẹ kiếp! Mày không thấy à, thằng cha ấy bị ngựa đá trúng chứ làm sao?”

Tên nói giọng Phú Xuân tỏ vẻ hoài nghi:

“Nhưng mà tại răng mà Hắc Cẩu lại mò qua chuồng ngựa vào lúc ni? Có khi nào ma gọi hắn?”

Không ai trả lời. Bầu không khí bỗng chốc im lặng đến ngột ngạt. Cơn gió thổi vù vù lúc nãy đã biến đi đâu mất, thay vào đó là một cảm giác rờn rợn lan khắp mọi nơi.

“Rào! Rào! Rào”

Trời bỗng nhiên đổ cơn mưa to tầm tã, mùi tanh tanh hôi hội của đống bùn trong ao sen trước nhà bốc lên ngai ngái. Bọn cướp co rúm người lại nhìn nhau mà toàn thân run bần bật. Đột nhiên từ bên ngoài cửa sổ ánh lên một ánh đuốc lập lòe.

Gã người Phú Xuân đương ngồi đối diện với khung cửa, vừa nhìn thấy ánh đuốc gã đã ngẩn người ngạc nhiên. Nước từ dưới mái hiên chảy xuống thành hàng, thấp thoáng trong đó có một người cài hoa đỏ đứng bên ngoài cửa sổ nhìn vào bên trong.

Ánh đuốc cháy lùng bùng trong mưa như chực tắt, ấy thế nhưng cũng đủ soi tỏ để khiến gã Phú Xuân nhận ra đó là bà chủ băng cướp của mình. Gã rón rén lại gần cửa sổ, ngờ ngợ hỏi:

“Chị Hà! Chị Hà đấy à?”

Người cài hoa đỏ vẫn đứng im lìm trong mưa, ngọn đuốc bị nước làm cho tắt lịm. Một cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng khiến cho gã Phú Xuân cảm thấy rợn người, gã ú ở nói với đồng bọn:

“Chúng bay… chúng bay ơi… ngó bên ni có cái chi lạ lắm!”

Bọn cướp đương bàn tán với nhau nghe thấy thế vội im bặt, chúng tiến đến cửa sổ nhìn ra bên ngoài trời tối thui. Một gã cất giọng trách móc:

“Tổ cha mày! Có cái quái gì đâu? Chẳng lẽ lão Hắc Cẩu hiện về à?”

Dẫu rằng nói cứng họng, thế nhưng không tên nào trong đám dám rời đi nửa bước. Một tia chớp lóe lên, trong chốc lát tất cả bọn chúng đều đồng loạt nhìn thấy ….

Cái đầu của mụ béo chủ quán bị cột vào một cái cọc, rồi cắm ở giữa sân. Trên tóc của mụ còn nguyên bông hoa đỏ mới cài lúc chập tối.

“Á…..……..………….……….…………………!”

“Có ma… có ma… ối giời ơi!”

“Con mụ dạ xoa cụt đầu rồi chúng bay ơiiiii”

Đám cướp gào lên sợ hãi. Mưa gió thổi vào khiến ngọn đèn cầy trong căn phòng tắt ngóm. Bỗng nhiên từ đâu có tiếng đàn bà kêu khóc thảm thiết, tiếng trẻ con sơ sinh gào ré lên như hệt tiếng mèo gọi bạn trong đêm. Tất cả hòa cùng với tiếng gió rít liên hồi, bầy chim lợn kêu eng éc càng làm cho chúng hoảng loạn. Hàng loạt những cái bóng trắng thập thò ở cửa, chúng đứng bên ngoài nhìn chòng chọc vào bên trong. Gã đàn ông trẻ tuổi khi nãy cầm dao chém lia lịa vào khung cửa sổ, cơn sợ hãi làm cho gã phẫn nộ đến phát điên. Vừa chém gã vừa chửi:

“Lũ khốn chúng mày! Lũ khốn chúng mày định doạ ông”

Mấy tên khác cũng phát rồ lên không kém, trong bóng tối mịt mùng chúng dùng dao, dùng thương chém loạn xạ, tiếng gào thét đau đớn vang lên liên tiếp, một mùi máu tanh vẳng lên trong không khí.

Vũ đứng lặng thinh bên cạnh cái cọc treo đầu mụ béo chủ quán. Nước mưa quất vào mặt khiến cậu cảm thấy rát rạt nhưng cậu chẳng hề để ý. Đêm nay… đêm tháng bảy cô hồn mưa rơi rả rích, có một đứa trẻ đã giết người.

Hơn một tuần hương sau, tiếng gào rú trong gian nhà đã tắt hẳn. Vũ run run đi vào bên trong nhà rồi thắp ngọn đèn cầy lên. Khung cảnh phía trước diễn ra trước mắt khiến Vũ cảm thấy choáng váng, toàn thân cậu run lên bần bật.

Những gã đàn ông mới hồi chiều còn ăn thịt nhồm nhoàm, cười nói oang oang là thế, ấy vậy mà giờ đây tự đâm chém nhau đẫm đến chết. Máu bắn lên tung tóe, ướt cả nền đất, văng đầy cả bức vách.

Từ nhỏ đến giờ, chưa khi nào Vũ nhìn thấy nhiều máu như vậy. Xác người chất đống lên nhau, đám ngựa trong chuồng ngửi được mùi tanh cũng linh tính có chuyện gì đó khủng khiếp lắm, chúng cào cào móng guốc xuống nền đất toàn là xương sọ người tỏ ra sợ hãi. Đến lúc này Vũ mới cảm thấy lạnh buốt cả chân tay, sự can đảm của cậu từ chạng vạng tối hôm qua đã bốc hơi bay đi đâu mất. Cậu run run bước ra ngoài trời tầm tã, toàn thân cậu ướt như chuột lột. Phải tới bấy giờ Vũ mới cảm nhận được cái đói, cái lạnh quất vào người liên tiếp. Cậu loạng choạng đi về phía chuồng ngựa, tay cố bám vào lưng con Đại Phong, nào ngờ khi chưa kịp leo lên thì cậu thấy mắt mình mờ đi, mọi thứ xung quanh tối sầm lại.

Phủ Long Hưng từ xưa đến nay vẫn lừng danh là vùng đất địa linh nhân kiệt. Tuy không thể sánh bằng trấn Thăng Long nhưng cũng xem là nơi phồn thịnh. Khi ấy muốn đi từ huyện Ngự Thiên tới huyện Cổ Lan hoặc huyện Thần Khê đều phải băng qua một cánh rừng rậm rạp. Dân trong vùng không sợ chốn rừng rú hoang vu hẻo lánh, cũng không sợ rắn rất thú dữ ẩn náu chốn này. Thứ họ sợ duy nhất là đám cướp của mụ Dạ Xoa.

Nghe đâu Dạ Xoa phu nhân trước đây cũng là người sống trong một thôn nghèo dọc bìa rừng hoang vắng đoạn tiếp giáp với đất Hoa Lư. Mụ không cha, không mẹ, chỉ còn nhớ mỗi tên mình là Hà. Thôn mụ sống quanh năm không có người lai vãng, chỉ vì đó là một thôn…hủi.

Thưở mới thành lập, thôn hủi chỉ có vài nóc nhà nơi quân quần những người bị bệnh với nhau. Đến thời của Dạ Xoa phu nhân thì người bị bệnh cũng không còn nhiều nữa, nhưng cũng không ai dám lai vãng.

Một lần nọ, Dạ Xoa phu nhân vì đói quá mà đánh liều đi vào khu dân cư trong làng kiếm cái ăn. Không ngờ bị mọi người xua đuổi, dọc đường về lại bị mấy tên đốn mạt thay nhau cưỡng bức đến ngất xỉu ở dọc đường, may mà kịp lết về được đến nhà.

Vài tháng sau thì bụng mụ đã chửa to như cái trống, thôn dân chửi rủa mụ là thứ người trắc nết, dâm đãng hư hỏng bèn đánh đập mụ dã man. Dường như bao nhiêu uất ức, bao nhiêu mặc cảm của họ đều dồn lên người mụ. Họ đánh đến nỗi cả người Dạ Xoa phu nhân chỉ còn một vũng máu lênh láng, nhìn từ xa giống hệt như người bị thi hành hình phạt nhất trượng hồng trong cung đình của tộc người Mãn định cư phương Bắc khi xưa.

Dân trong thôn tưởng mụ đã chết, nào ngờ mụ vẫn còn thoi thóp. Trong lúc ấy mụ được một chàng thư sinh lạ mặt đi ngang qua đường cho uống một chút rượu, và ăn một nắm cơm trắng, nhờ thế mới không vong mạng. Đêm hôm ấy, cả thôn hủi bị lửa thiêu cháy phừng phừng. Những người chứng kiến kể lại rằng, họ nhìn thấy một bóng người phụ nữ toàn thân dính đầy máu vừa đứng nhìn đống lửa vừa cười lanh lảnh rồi biến mất vào trong rừng. Vài năm sau thì băng cướp Dạ Xoa phu nhân xuất hiện.

Đối với người ở phủ Long Hưng, chỉ cần nghe tới cái tên Dạ Xoa phu nhân thì người nào người nấy đều kinh hồn bạt vía. Mụ đàn bà ấy người to béo phốp pháp, trên cổ lúc nào cũng đeo đầy vàng bạc. Phàm những ai từ phương xa tới mà không biết đi vào lãnh địa của mụ thì coi như cầm chắc cái chết. Nếu là đàn bà, đàn ông còn trẻ tuổi thì được giữ lại để làm nô dịch cho băng cướp. Ngày ngày làm việc cực nhọc, đêm xuống bị chúng thay nhau cưỡng bức. Nếu cố tình bỏ trốn mà bị chúng bắt được thì sẽ bị xả thịt, vất xuống hồ sen.

Dân trong vùng vẫn đồn đại rằng trụ lâu nhất cũng chỉ được hơn một tuần trăng, đa phần các nạn nhân chỉ khoảng hai ngày là đã tự tử. Mà nào đâu phải chết là đã được giải thoát, đối với những người chết như thế, Dạ Xoa phu nhân sẽ cạo lấy thịt đem lên rừng để bẫy thú, còn xương bánh chè và xương sống sẽ đem nấu thành cao rồi mang đi bán khắp nơi. Nhiều người không biết tưởng rằng là cao hổ cốt, chỉ đến khi sử dụng bị vong hồn luẩn quẩn đeo bám thì mới biết thứ mà bản thân hàng ngày bôi lên người đích thực là xương cốt của nạn nhân bị giết chết một cách tức tưởi.

Ngày qua ngày, khu rừng của Dạ Xoa phu nhân không còn ai dám lai vãng. Thấy tình hình làm ăn càng lúc càng gay go, Dạ Xoa phu nhân bèn tìm cách bắt cóc người ở gần đó. Mụ còn tính kế lừa người nơi khác đến bằng cách mở một quán trọ ven đường.

Lần ấy mụ bắt cóc được một thư sinh nho nhã, gương mặt tuấn tú hết mực. Người ở phủ Long Hưng kể lại, thư sinh ấy vốn tên là Phạm Khanh sống ở thôn Cổ Lâu huyện Cổ Lan. Phạm Khanh mất mẹ từ nhỏ, sống với người cha làm nghề bốc thuốc tên là Phạm Lãnh. Để nói về Phạm Lãnh thì cũng thực có nhiều chuyện để kể. Mỗi ông thầy lang đều có những bài thuốc tuyệt kỹ riêng cho mình, người thì chuyên chữa bệnh thấp khớp, kẻ lại chuyên chữa bệnh cho đàn bà sau khi sinh.

Riêng đối với Phạm Lãnh thì ông ta có biệt tài chữa cho kẻ điên, nhất là những kẻ bị ma quỷ đeo bám mà phát rồ phát dại. Nhiều kẻ ghen tỵ vu cho Phạm Lãnh rằng ông ta cố tình thả ma quỷ khiến con bệnh phát điên, rồi tự mình cứu chữa để lấy tiền. Ông lang Phạm Lãnh nghe được nhưng cũng chỉ mỉm cười cho qua, nhiều khi gặp phải con bệnh nào gia cảnh quá bần hàn, ông còn xuất tiền cho không. Thiên hạ đồn đại một thời gian dài, chẳng thấy ông Lãnh phản ứng gì, lại có lòng tốt làm phước cứu người nên danh tiếng càng lúc càng bay xa. Có lẽ chính vì vậy mà cuộc sống của hai cha con Phạm Lãnh, Phạm Khanh kể như cũng khấm khá.

Phạm Khanh chuẩn bị lều chõng đi thi, cả thôn Cổ Lâu ai cũng bảo rằng Khanh không đỗ Trạng Nguyên thì chí ít cũng phải là Thám Hoa, Bảng Nhãn. Nhiều bà mối ngấp nghé muốn được làm mai, nhưng Phạm Khanh chỉ lễ phép chối từ và bảo rằng chờ công thành danh toại sau cũng chưa muộn. Nào ngờ việc chưa thành thì Khanh xảy ra đại hạn.

Trước ngày đi thi mấy hôm, thầy học mở các học trò ứng thí được tiệc để mừng thành công viên mãn, Phạm Khanh đương nhiên phải có mặt.

Đến khi tiệc tàn, Khanh say sưa túy lúy lên đường trở về nhà, nào ngờ dọc đường có hai kẻ chạy tới áp sát với ngựa của Khanh, giằng dây cương dẫn ngựa đi theo. Con ngựa hí vang trời nhưng không sao đánh thức được Khanh dậy, trời tối đen như mực, người cuối cùng nhìn thấy Khanh là một người đàn bà gánh hàng đậu phụ đi ban đêm. Kể từ đó, không ai còn thấy chàng thư sinh Phạm Khanh

Lại nói với thầy lang nhà đợi mãi không thấy con về bèn sinh lòng sốt ruột. Vốn là người giỏi kinh dịch, thầy bèn gieo quẻ để xem hung hay kiết. Nào ngờ vừa nhìn thấy quẻ tượng, thầy đã thốt lên nghẹn ngào rồi gục xuống khóc tu tu như trẻ con. Đám gia nhân trong nhà thấy lạ bèn vội vàng hỏi tại sao, thầy không nói không rằng nhảy phóc lên ngựa phóng đến bìa rừng chỗ của Dạ Xoa phu nhân để tìm con trai.

Người ta vẫn có câu: Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí. Thầy lang Phạm Lãnh chưa kịp đến nơi thì một cơn đau tim kéo đến. Khi đám gia nhân trong nhà lục tục đuổi theo thì thấy thầy đã ngất xỉu trên lưng ngựa từ khi nào. Ai nấy đều cả kinh, vội vàng đưa thầy lang về cứu chữa.

Người ta kể lại rằng ,những ngày thầy nằm trên giường bệnh, cứ đầu giờ Tí đến cuối giờ Dần là trong gian phòng có cái bóng trắng phất phơ đi qua đi lại. Ban đầu chỉ là mấy người hầu già trong nhà nhìn thấy, rồi sau đó là quan binh đi tuần ban đêm, rồi cả mõ làng cũng trông thấy cái bóng trắng đó. Ai cũng tin rằng cậu thư sinh Phạm Khanh đã chết bất đắc kỳ tử, hóa thành cái bóng trắng về thăm cha ốm. Chỉ có điều, vì sao cậu Khanh chết thì không ai biết được, cũng chẳng thấy ai tìm thấy xác của cậu ta ở đâu. Dù chẳng nói ra nhưng cả phủ Long Hưng đều biết, vụ án mất tích này đích thị là do Dạ Xoa phu nhân nhúng vào.

Từ mất con, không hiểu vì sao ma thầy lang Phạm Lãnh không đi tìm nữa, cũng chẳng báo quan. Người ta thấy thầy Lãnh đi tới lò gốm đặt một cái bình thật to đựng vừa một người ngồi trong đó, trên thân bình có nhiều hình thù hoa văn và chữ kỳ quái. Đáng sợ nhất là cái bình màu đỏ khé, hệt như màu máu tươi của người. Nhiều kẻ tò mò đến xem, trong đó có không ít thầy pháp, nhà nho văn hay chữ tốt, nhưng rốt cuộc không một ai lý giải được trên đó viết gì. Thậm chí ông thầy đã trước kia dạy cậu Khanh đánh bạo hỏi thì cũng chỉ nhận được cái xua tay của thầy Lãnh:

“Tôi mua dùng để đựng thuốc! Thầy không rõ đâu!”

Mãi rồi cũng chẳng ai hỏi thêm gì nữa.

Câu truyện cậu thư sinh Phạm Khanh biến mất trước ngày thi, và chuyện thầy Lãnh mua một chiếc bình màu đỏ khé vẫn được dân trong phủ Long Hưng đem ra kể trong những lúc nông nhàn

Về phần băng cướp của Dạ Xoa phu nhân người ta không dám gọi hẳn đích danh mụ nữa, mà thay vào đó họ gọi mụ là hoạ phủ Long Hưng.

Tiết Đại Thử hàng năm luôn diễn ra vào cuối tháng bảy âm lịch. Theo lẽ thường, khí trời lúc ấy phải nắng gay gắt, ấy vậy mà năm nay trời lại mưa liên miên không dứt. Mùi gió heo may xơ xác từ ngoài cánh đồng tràn vào khiến ai nấy cũng không khỏi rùng mình.

Trong nhà thầy lang Phạm Lãnh, mùi hương thoang thoảng xông lên phần nào xua đi không khí lạnh lẽo đến ảm đạm. Cô người làm tên Mừng khép nép bưng một bát cháo đi đến, thấy thầy Lãnh ngồi dưới Phật đường bèn khẽ giọng:

“Bẩm thầy! Thầy nghỉ ngơi húp miếng cháo cho đỡ nhọc người!”

Thầy Lãnh chẳng nói gì, mắt ông còn đăm chiêu nhìn vào mấy đồng xu nhỏ xíu ở trước mặt. Cô Mừng không biết phải làm sao, đành đặt bát cháo bốc khói nghi ngút lên bàn rồi nhẹ nhàng lùi ra phía sau khép cửa lại.

Chỉ còn lại một mình trong phòng, thầy Lãnh mới thở dài một cái. Mấy ngày hôm nay, không hiểu sao quẻ tượng lại rất lạ lùng, lạ đến nỗi ông chẳng thể nào cắt nghĩa được thành lời.

Sáng hôm nay ông nhìn thấy mây ngũ sắc vẩn thành từng tầng ở hướng Đông Nam. Chưa khỏi ngạc nhiên thì ông lại nghe thấy tiếng chim khách hót véo von trước nhà. Ông ngẩn người trong bụng nghĩ thầm:

“Quái lạ! Sao lại có chim khách kêu ở trước nhà. Có khi nào….?”

Cả ngày hôm ấy thần cả người.Điều ông khiến ông trăn trở không phải lạ, mà chính là quẻ tượng có phần khó hiểu. Ông Lãnh lẩm bẩm một mình:

“Quẻ tượng nói có liên quan đến họa , có phúc , rồi lại lại đại hoạ, rồi liên quan đến nữ nhân. Đích thực là rắc rối…!”

Một cơn gió lạnh buốt thổi ùa vào khiến cả người nổi da gà. Đêm nay trời mưa lâm thâm, không có trăng cũng chẳng có sao, chỉ có hơi lạnh khô khốc thổi vào. Sống gần hết cả đời người, có cái lạnh nào mà ông chưa từng nếm trải. Cái lạnh của gió tháng bảy có thể nghe được mùi nhang đèn trong đó, người xưa vẫn bảo đó là gió thổi hồn. Hồi vợ ông sinh con trai, gió lạnh khô thổi bên ngoài liên tiếp. Lúc ấy ông còn đương trẻ tuổi, bèn tò mò nhìn ra sân thì thấy trước cửa nhà ông có mấy người đi đi lại lại.

Ông nheo mắt nhìn cho kỹ hơn thì phát hiện ra những người ấy chính là cha mẹ thân sinh của mình, rồi lại còn cả ông bà nội nữa. Có lẽ họ về để phù hộ cho dâu con bình an sinh hạ người nối dõi, nhưng ngặt vì phòng thai phụ nồng nặc máu tanh nên không có vong hồn nào dám lai vãng.Lần đầu tiên ông Lãnh nhìn thấy gió đưa mùi nhang khói dẫn dụ vong hồn về là như thế.

Đêm nay sao kì lạ quá! Nhang khói trong Phật đường đã tắt từ lâu, sao lại có ngọn gió nào thổi vào thế này. Ông liếc nhìn ra cánh cửa bên cánh hữu, rõ ràng chị Mừng đã khép cửa lại khi lui ra ngoài. Cớ sao lại có gió ùa tới?

Ông Lãnh rủ rỉ rù rì nói chuyện như thể có ai ở đó:

“Cửa không khóa, nếu có ai đến xin cứ vào!”

Tiếng gió khẽ ngoài cửa sổ. Phía nhà thầy đồ đèn đuốc sáng choang làm hắt ánh sáng lên bức vách của nhà. Ông Lãnh nhìn thấy bóng một người con trai cao cao gầy gầy, làn tóc bay phất phơ trong gió. Ông nghẹn giọng:

“Khanh đấy hả con?”

Cái bóng không nói gì, chỉ đứng im lặng, gió vẫn thổi nhè nhẹ, mùi nhang đèn lúc này đã lẫn với mùi máu tanh.

Giọng một người thanh niên trẻ tuổi từ ngoài vọng vào:

“Thầy ơi! Người mà thầy đương đợi đã đến rồi. Thầy mau mau vào rừng mà đón”

Tiếng nói vừa cất lên, ông thấy sởn cả gai ốc. Rõ ràng đó là tiếng của con trai ông đấy mà, mọi lần con ông chỉ hiện về trong những giấc mộng mị của ông, vậy mà lần này lại hiển hiện rõ ràng đến nhường ấy. Ông Lãnh vội vã đẩy tấm cửa sổ trông ra phía trước, từ phía nhà ông ra ngoài đường vẫn đương có người đi đi lại lại. Cô Mừng và lão Hạp gia nhân tò mò đi tới khẽ hỏi:

“Bẩm ông! Có chuyện gì thế ạ?”

Ông Lãnh lắp bắp hỏi lại:

“Nãy giờ.. nãy giờ hai người có thấy ai vào đây hay không?”

Cô Mừng nhìn lão Hạp rồi lắc đầu:

“Bẩm! Chúng cháu nào có thấy ai đâu? Nãy giờ chỉ có cháu và bác Hạp ngồi đây để làm đèn hoa đăng thôi mà!”

Nhìn chiếc đèn hoa đăng màu trắng nhàn nhạt trên tay cô Mừng, ông Lãnh thở dài lẩm bẩm vài câu vô thưởng vô phạt rồi lui vào trong. Ông đứng trầm ngâm nhìn quẻ tượng kinh dịch một hồi, thế rồi như thế hiểu ra điều gì đó, ông vội vàng chạy ra phía chuồng ngựa sau nhà, nhảy phốc lên rồi phi thẳng vào trong rừng, nhằm hướng hắc điểm của Dạ Xoa phu nhân mà tiến tới.

Mưa bắt đầu nặng hạt.

Khắp nơi lúc này là máu tanh, bầy ngựa đói meo bụng gõ gõ móng liên hồi xuống dưới đất. Vũ nằm mê man trên lưng con Đại Phong. Mấy lần con vật thông minh định dựt đứt dây buộc ở chuồng để bỏ đi, nhưng biết Vũ nằm chênh vênh ở trên lưng nên nó lại thôi. Trời tảng sáng nhìn thấy rõ mặt người, từ phía xa có tiếng vó ngựa đi tới.

Ông Lãnh quần áo ướt sũng vội vã dắt con ngựa đi vào sân. Cảnh tượng kinh hoàng chưa từng thấy diễn ra trước mắt. Ông ngửi thấy mùi máu nồng nặc, mùi tử khí bị tiết trời nóng ẩm càng thêm nồng nặc hơn bao giờ hết. Ông sững người nhìn thấy một cái đầu cài hoa đỏ bị cột ở trước sân, cả hai gian nhà cửa mở toang nhưng không hề có bóng dáng một ai.

Tim ông Lãnh đập dữ dội, từ lúc nhảy lưng ngựa ông đã tin chắc rằng hắc điểm của Dạ Xoa phu nhân có chuyện. Đã bao nhiêu lần ông nằm mơ thấy tự tay mình được giết chết mụ tiện nhân ấy để báo thù cho con mình mà không được. Phải đến đêm qua thì quẻ tượng mới thực sự linh ứng.

Ông hít một hơi thật sâu, rồi đẩy cửa vào gian nhà trong. Nơi này… có lẽ con ông cũng đã từng đến. Bên trong vô cùng lộn xộn, trên bàn có một mâm rượu thịt đã nguội ngắt bị ruồi bu vào chi chít, ánh sáng chỉ len lỏi khe khẽ không đủ để soi tỏ khắp nơi. Mùi máu bốc lên càng lúc càng nồng nặc, _ ông Lãnh vô tình đạp phải thứ gì đó mềm mềm ở dưới chân. Ông chậm rãi cúi xuống để nhìn cho rõ, lập tức ông hét lên một tiếng hãi hùng.

Trên nền đất lạnh ngắt là một thi thể nữ cụt đầu, mặc một chiếc áo màu đỏ tươi, hai tay đeo đầy vàng bạc.

Mồ hôi túa ra đầm đìa trên đầu ông Lãnh. Ông lập tức vùng dậy chạy ào tới gian nhà bên. Trong gian này thi thể còn nhiều hơn cả gian kia, thi này xếp chồng lên thi kia, một vài bộ phận văng ra tứ phía. Thậm chí còn có hai thi hai đâm xuyên dao vào bụng nhau, để rồi chảy máu tới chết. Ông Lãnh cả kinh, ông không thể hiểu được kẻ nào lại có thể xui khiến cho đám cướp tàn bạo giết chóc lẫn nhau như thế.

Đúng lúc ấy, phía chuồng ngựa lại vang lên tiếng hí dài. Ông Lãnh giật mình ngoái đầu lại phía đối diện thì thấy có một bóng người thư sinh áo trắng đứng dựa vào cây cọc gỗ. Nhận ra đó là con trai mình, ông Lãnh thốt lên một tiếng nghẹn ngào rồi chạy ào tới.

Tiếng sấm vẫn đì đùng trên cao, giữa bầy ngựa nâu ông nhìn thấy một con ngựa đen tuyền đứng im lặng, trên lưng nó cũng một người thiếu niên đương nhắm tịt mắt. Ông Lãnh vội vã sờ vào người thiếu niên nọ thì vẫn thấy hơi ấm, khóe mũi vẫn thở nhè nhẹ mà vẫn thấy hơi ấm, khoé mũi vẫn thở nhè nhẹ, chỉ có mạch tượng rất yếu.

Ông Lãnh không nghĩ nhiều, ông vội kéo theo cả người cả ngựa đi khỏi hắc điểm. Người thanh niên ngồi phía sau ông, còn con ngựa đen oai vệ bước đi lững thững bên cạnh. Mặc dù trong lòng cảm thấy kì lạ nhưng ông Lãnh hiểu, đây chính là người mà con chim khách báo tin giữa lúc nửa đêm. Vũ vẫn mê man bất tỉnh, trong lòng ông Lãnh tràn ngập nỗi lo lắng không thể diễn tả bằng lời. Cả hai, à không, có lẽ cả con Đại Phong cũng không biết rằng, cuộc gặp mặt này đã làm thay đổi cuộc đời của nhiều người mãi mãi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3