Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 31

HỒI THỨ CHÍN

NGƯỜI CHỮA BỆNH ĐIÊN

Phủ Quốc Oai những ngày tháng bảy cô hồn giông bão sấm chớp giật dữ dội. Trong màn mưa trắng xóa như trút nước có vài người đàn ông cưỡi ngựa phóng xuyên màn mưa. Trong đám ấy, có hai người chất đằng sau lưng ngựa hai bao tải nhìn có vẻ kì quái, chốc chốc lại quay lại đằng sau để kiểm tra.

Từng tiếng sét trên không trung lại vang lên đì đùng, đường về thôn Bích Câu càng lúc càng ngập nước. Một người đàn ông tuổi mới đôi mươi vừa cầm dây cương vừa hét lên với người đàn ông phía trước:

“Anh Thạch! Anh Thạch ơi! Mưa rát lắm, hay là trú ở đâu đó rồi tính?”

Người thanh niên tên Thạch quay lại sẵng giọng:

“Không được! Phải táng ngay hôm nay nếu không thì hỏng việc!”

Nói rồi anh vụt roi cho ngựa chạy thật nhanh về phía trước, đằng sau yên ngựa của anh có một cái xác lìa đầu bọc trong bao tải.

Không ai nói gì thêm nữa!

Anh lính Thạch khẽ vuốt gương mặt thấm đẫm nước mưa, đôi mắt sưng húp lúc này càng thêm đau nhức.

Mới hôm trước thôi, vào đúng ngày thìn, giờ ngọ ba khắc phu thê quan coi kho lương đã bị áp tải ra trước đại môn của phủ để chém đầu thị chúng. Quan cũng như dân, đàn ông cũng như đàn bà, trẻ nhỏ đều khóc nức nở kêu oan thấu trời. Hai vợ chồng quan coi kho lương cúi đầu đi đằng trước, đầu nghoẹo sang một bên vì sức nặng của cái gông. Đám lính lệ bên kho lương chạy ào tới khóc ầm ĩ:

“Quan lớn bị oan! Quan lớn bị oan!”

“Tại sao lại giết trung thần?”

“Oan uổng quá trời ơi!”

Thế cuộc lúc này đã định, ngay cả quan tri phủ đại nhân cũng chẳng làm khác được. Ông biết rằng người nhà của quan khâm sai chẳng phải ai xa lạ mà chính là sủng phi của đức kim thượng. Việc xử phạt chóng vánh như thế này mà không điều tra thêm, âu cũng là sức ép từ tiền triều rồi cả hậu cung.

Rất nhiều khi, kẻ dấn thân vào chốn quan trường không thể chỉ dựa vào tài đức và tấm lòng trung trinh mà trụ vững được. Quan tri phủ thở dài, ông biết quan coi kho lương bị oan, biết cả việc cậu con trai có dị năng của ông ta đã trốn đi đâu mất, thế nhưng cũng như những người dân ở kia, tri phủ đại nhân không thể cãi lại ý trời. Ông chỉ còn cách ngấm ngầm giúp đỡ đôi vợ chồng bạc mệnh bảo vệ huyết mạch cuối cùng.

Giờ ngọ vừa điểm, viên đao phủ cầm chiếc đao trên tay đi về phía trước. Anh ta cúi đầu trước quan ông quan bà rồi thầm thật khẽ:

“Bẩm quan lớn! Xin quan lớn xá tội, con… con… con chỉ làm theo lệnh. Bản thân con cũng không tin là quan làm ra việc ác!”

Quan ông cảm động, ôn tồn nói:

“Ta không còn là quan lớn nữa rồi! Tấm lòng của anh và dân trong phủ, ta có thác dưới cửu tuyền cũng không quên”

Tri phủ đại nhân lúc đó ngồi trên bàn tọa, mấy lần ông phải quay mặt đi để chấm nước mắt vào tay áo. Quan coi kho lương khẽ quay lại nhìn tri phủ, ông khẽ gật đầu một cái rồi nói với vợ mình:

“Chúng ta lên đường thôi!”

Quan bà nuốt nước bọt một cái rồi gật đầu, bà nghẹn ngào ngước mắt lên trời:

“Chỉ mong Trời Phật chứng giám, phù hộ cho con trai chúng ta!”

Nói rồi bà quỳ rạp vái lạy trời đất lần cuối.

Hai nhát đao vung lên, máu tóe ra bắn thành từng tia hệt như người ta đào trúng mạch nước ngầm. Khi hai cái đầu rơi lần lượt xuống đất, dân trong vùng quỳ rạp xuống rồi òa lên khóc, mùi nhang khói ai đó vội vã đốt lên hòa lẫn vào với mùi máu tanh bốc lên nồng nặc. Bầy chó thường ngày vốn háu ăn là thế, ấy vậy mà dường như lúc này chúng cũng có linh tính, chúng khuỵu xuống rên ư ử đôi mắt len lén nhìn về phía hai cái đầu lăn lông lốc như thể có ai đó đương đứng vô hình.

Trong dân gian từ trước đến đây thường lưu truyền những câu chuyện quái dị về việc chém đầu thị chúng. Nào là phải chém vào lúc giờ ngọ ba khắc, ấy là lúc dương khí thịnh nhất trong ngày để tránh bị âm binh quấy phá. Rồi cả những chuyện người chết oan mà bị chém đầu thì chó sẽ không dám lại gần thi thể. Phủ Quốc Oai từ xưa đến giờ chưa từng có chuyện chém đầu kinh hoàng như thế, huống chi lại xuất hiện chuyện chó phủ phục trước thi hài. Một ai đó thốt lên nghẹn ngào:

“Quan ông quan bà chết oan rồi làng nước ơi!”

Người đó chưa kịp dứt lời, trên không trung tiếng sấm rền vang lên đì đùng. Mây đen từ phía xa kéo tới cuồn cuộn, báo hiệu một cơn mưa sắp tới.

Viên mắt tìm anh lính Thạch trong đám đông, thoạt trông thấy anh ta, viên đao phủ khẽ gật đầu ra hiệu rồi lặng lẽ thu dọn tàn cuộc. Dọc đường phố, người dân để trắng khăn tang. Tri phủ đại nhân run lẩy bẩy ra về, ông ngước nhìn dân chúng đương khóc ầm ĩ ở phía dưới, đột nhiên giữa đám đông xuất hiện một người đàn ông tết tóc đuôi sam theo phong tục của người Mãn Châu phương Bắc nhìn chằm chằm về hai cái xác của vợ chồng quan coi kho lương. Quan tri phủ giật thót mình, ông nói vội:

“Kia hình như là người đã từng khâm liệm cho con trai ta!”

Người lính theo hầu nghe thấy tri phủ đại nhân lẩm bẩm, bèn hỏi:

“Bẩm quan có chuyện gì thế ạ?”

“Nhà anh xuống dưới kia, tìm người tốt tóc đuôi sam đưa đến gặp ta! Ta có chuyện cần hỏi?”

Anh lính ngơ ngác nhìn trong dòng người đội khăn tang rồi lúng túng trả lời:

“Quan lớn xá tội, con có thấy ai có bộ dạng kỳ lạ như thế đâu?”

Quan tri phủ ngẩn người nhìn về chỗ khi nãy, quả nhiên người đó đã biến mất từ lúc nào. Toàn thân ông bỗng chốc nổi da gà, ông không hề biết rằng chính mình vừa nhìn thấy kẻ đứng sau cái chết của con trai ông, rồi cả những quỷ sự liên tục xảy ra tại phủ Quốc Oai từ trước đến giờ đều có liên quan trực tiếp tới gã đàn ông tết tóc đuôi sam ấy. Chỉ có điều, phải rất lâu sau ông mới biết được chân tướng sự tình.

Trời bắt đầu đổ mưa tầm tã, người ta bảo đến ông trời cũng than khóc cho nỗi khiên của vị quan nhân đức.

Đám lính do anh Thạch cái xác chất đằng sau xe ngựa chạy thẳng về thôn Bích Câu. Nếu như không có trận lũ lụt gây ngập nước thì người ta có thể dễ dàng phóng một mạch tới tận cổng thôn, nhưng lúc này khắp xung quanh chỉ toàn là nước lũ đục ngầu, con đường ngắn nhất chỉ có thể đi đò để đến nhà quan coi kho lương, gần ngọn đồi nơi người dân tá túc thủa trước. Anh Thạch đứng tần ngần ở bến sông vắng lặng, xung quanh chỉ một màn mưa trắng xóa. Một người nói rõ to, át cả tiếng mưa:

“Mưa to thế này thì làm gì có đò! Khốn khổ cho quan ông!”

Anh lính Thạch không trả lời chỉ hướng ra mặt sông mà hét vang:

“Đò ơi đò ơi ! Có ai ở đây không?”

Trời vẫn đổ mưa ầm ầm, anh Thạch bỗng cảm thấy nản lòng, đang phân vân chưa biết tính sao thì người lính trẻ tuổi nhất chỉ về phía trước rồi hét lên mừng rỡ:

“Ơ! Có đò! Có đò kia kìa! Có tới hai con đò!”

Anh Thạch giật mình quay lại, đúng thực là từ mé sông xa xa có tận hai con đò đương từ xa đưa tới. Một anh lính lẩm bẩm:

“Lạ nhỉ! Mưa to gió lớn thế này mà đò vẫn nghe thấy tiếng gọi”

Đúng thực là kỳ quái , thế nhưng khi hai đò vừa cập bến, anh Thạch nhận ra ngay đó là mẹ con bà chèo đò vốn là họ hàng của lão Chài đánh cá trên sông. Anh quên cả mưa lạnh, vội vàng cùng với mấy người còn lại chất hai cái xác lên trên đò, chiếc đầu đã rời khỏi thân của vợ chồng quan coi kho lương rơi thõng xuống, tạo thành những âm thanh lục cục trong chiếc bao tải. Anh Thạch cho một người dắt ngựa về kho lương, còn bản thân mình và những người khác thì ngồi trên đò hướng thẳng về thôn Bích Câu. Sóng nước dập dềnh khiến con đò như cánh diều chao đảo, anh Thạch hét lớn:

“Bác lái đò ơi! Sức bác có chèo được không? Hay là để anh em chúng tôi phụ”

Bà lái đò nhìn sang con gái rồi mỉm cười đáp trả:

“Mưa gió thế này chưa thấm vào đâu đâu, mẹ con tôi đưa các chú đi chôn cất quan lớn!”

Anh Thạch cảm thấy có điều gì kì quái lắm, anh khẽ đưa mắt nhìn hai người phụ nữ chèo đò căng mình trong cơn sóng dữ. Kể ra cũng thật kỳ lạ, mưa gió trên sông Nhị Hà vốn rất dữ dội, nhiều người đàn ông sức vóc khỏe mạnh còn phải ngao ngán, ấy thế mà hai người phụ nữ dáng người nhỏ bé lại chẳng hề hấn gì cả, đò cứ thế băng băng đi trên mặt nước.

Chưa đầy nửa tuần hương sau, thôn Bích Câu hiện ra trước mắt. Đám quân lính hò nhau vác hai cái xác lên trên bờ. Đúng lúc ấy chiếc bao tải đựng thi hài của quan coi kho lương bị tuột dây, chiếc đầu của quan ông rơi ra, lăn lông lốc trên con đò. Người con gái không nói gì, chỉ điềm đạm nhặt lấy rồi lễ phép đưa cái đầu dính máu thâm xì cho đám lính. Anh Thạch hơi bất ngờ nhưng vẫn lẩm bẩm nói lời cảm tạ. Trước khi đi, anh quay lại nhìn mẹ con bà lái đò.

Kỳ lạ thêm một lần nữa. Dưới làn mưa mịt mùng, ánh sáng đục đục của bầu trời thu mù mịt, dáng người đàn bà ngồi trên đò … sao trông giống hệt một con cóc. Toàn thân anh Thạch bỗng chốc nổi da gà, vừa đi được vài bước, người lính trẻ tuổi khi nãy thì thầm nói với cả đám

“Mọi người có thấy kì lạ không? Rõ ràng chuyện chúng ta cùng viên đao phủ cố ý bà đem đi chôn đều không nói với bất cứ một ai? Tại sao bà ấy lại biết?”

Đám người sững lại nhìn nhau chết lặng không biết nói gì. Họ ngoái ra đằng sau thì không thấy mẹ con người đàn bà lái đò đâu nữa. Một cảm giác ớn lạnh xâm chiếm lấy từng người. Gió thổi vun vút cứ như thể rít lên từng hồi, anh Thạch hít một hơi thật sâu rồi khẽ khoát tay tỏ ý muốn đi tiếp. Giữa ban ngày ban mặt mà bầu không khí càng lúc càng quỷ dị.

Phải một lúc sau mới ì ạch khênh được hai cái xác tới nơi. Căn nhà khang trang sáng sủa của quan coi kho lương ngày nào giờ thoảng một mùi ẩm mốc. Nước lũ dâng cao làm ngấm cả vào những cây cột gỗ dựng nhà, trong sân có vô số xương người, xương động vật bị lũ cuốn trôi rồi kẹt lại ở đó. Đám lính chọn một địa thế đất cao ráo, khô thoáng nhất sau hậu viện, lại đem mấy nén bạc nhét vào tay quan coi kho lương, hai cái đầu bị cắt rời được xếp ngay ngắn trên phần cổ. Chiếc quan tài đôi được tri phủ đại nhân bí mật cho người vận chuyển từ đêm hôm trước. Một người lính tìm được trong nhà bó nhang đã dùng gần hết, đào huyệt xong xuôi, họ lấp đất lai rồi đốt nhang khói nghi ngút.

Trời mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn khiến cho không khí trở nên lạnh lẽo bội phần. Làn gió nhè nhẹ đưa mùi nhang khói bay khắp thôn, vài người dân lặng lẽ tìm đến nhà đôi phụ thê bạc mệnh. Đầu tiên là ông lang Bộc, rồi ông Thìn, bà cụ Đoan, chẳng mấy chốc cả sân đã chật cứng người, có ông cụ đầu chít khăn trắng toát thổn thức đọc một vài câu thơ:

“Sống là khách qua đường

Chết là về cố hương

Trời đất là quán trọ

Bụi muôn đời xót xa”

Ông cụ chưa đọc hết thì đã nghẹn lại, vài người đàn bà không kìm được bật khóc thành tiếng. Anh lính Thạch không thể chịu đựng thêm cảnh sinh ly tử biệt, anh ngước đôi mắt đỏ hoe nhìn về phía nấm mồ song táng, lạy ba lạy rồi rời đi. Vừa ra đến cửa, đột nhiên nhớ lại một chuyện gì đó, anh tìm ông lang Bộc rồi hỏi chuyện:

“Thầy lang cho tôi hỏi, ven bến sông này có nhà ai chèo đò hay không?”

Ông lang Bộc chưa kịp trả lời thì lão Thìn đã vội xua tay:

“Mấy chú tìm người chèo đò để về kho lương phải không? Không tìm được đâu! Không tìm được đâu!”

Một người lính ngạc nhiên hỏi lại:

“Tại sao lại không tìm được? Khi nãy..”

Anh Thạch ngắt ngang lời rồi lễ phép hỏi:

“Thưa cụ! Tại sao lại không có người chèo đò? Anh em chúng cháu giờ phải về gấp, nếu mà đi đường vòng thì quả là xa quá.”

Lão Thìn hướng mặt ra ngoài đê rồi đáp lại:

“Bên mé sông này trước kia đúng là có hai mẹ con bà lão chèo đò, nghe đâu cũng là người nhà của lão Chài đánh cá đấy. Thế nhưng mà… mẹ con bà ấy chết mấy hôm rồi, chết vì bị nước cuốn đi. Chính tôi với thầy lang Bộc đây khâm liệm cơ mà!”.

Bộc nghe tới đó bèn gật gù xác nhận:

“Chính phải! Họ chết cũng phải được mấy hôm rồi. Mộ của họ chôn khu đất bỏ hoang phía sau thôn kia kìa”

Tiếng sấm chớp bỗng dưng đánh đi đùng trên không trung, mấy người lính nhìn nhau chết sững. Nếu như… nếu như mẹ con bà chèo đò đã chết, vậy thì vừa nãy ai là người đưa họ sang sông?…

Toàn thân anh lính Thạch run như cầy sấy, lão lang Bộc nhìn thoáng qua đã hiểu ý, lão dúi vào tay một người lính mấy mảnh quế thơm lừng rồi nói bâng qua:

“Thế gian này, chuyện quỷ dị vốn xuất hiện rất nhiều. Phàm là người lòng dạ thẳng ngay thì chẳng có gì phải sợ, còn những kẻ làm ác thì…”

Lão bỏ lửng câu nói, đám lính nhìn nhau ngơ ngác chẳng hiểu gì. Không ai biết rằng, lúc ấy trong góc vườn, có một con ngóe rất lớn, toàn thân màu đỏ chót nhìn chăm chăm vào ngôi mộ mới đắp. Cơn gió từ đâu thổi đến khiến bó nhang cắm trên mộ thổi bùng lên như một ngọn đuốc, đêm hôm ấy cả phủ Quốc Oai gặp ma.

Người ta kể rằng, trong cơn mưa lạnh có bóng hai người đi lững thững, vừa đi vừa cất tiếng khóc ai oán. Ban đầu người ta tưởng rằng đó là mấy kẻ bị lũ lụt cuốn trôi hết sản nghiệp nên sinh ra tâm trí lẩn thẩn, đi đi lại lại trong mưa. Phải đến khi có người đi làm đêm về, trông thấy cảnh tượng đó bèn mủi lòng định bụng đến an ủi mấy câu thì mới phát hiện ra hai người đó chính là vợ chồng quan ông, quan bà của kho lương. Người làm đêm nọ sợ quá hét toáng lên, quăng cả ngọn đuốc ven đường rồi chạy một mạch về nhà, sốt run cầm cập. Dân trong phủ biết chuyện đều bảo là hồn ma của quan coi kho lương chết oan nên hiện về.

Thạch, thế nhưng cả kho chẳng có ai nảy may sợ hãi, họ biết rằng quan ông chẳng đời nào làm hại họ. Điều họ lo sợ, ấy chính là cái hào nước mà người ta đồn có quái nhung nhúc đầu người chết, cả người chi chít tay chân của những thi hài bị lũ cuốn trôi, tất thảy đều trôi vào bụng nó rồi mọc ngược ra ngoài.

Mấy huynh đệ trong đội lính canh đã bàn bạc kỹ lưỡng với nhau, hàng ngày họ sẽ canh gác như lệ thường, nhưng đêm đến họ chia nhau ra trực gần cái hào để ngóng xem liệu con quái có xuất hiện nữa không. Nếu bắt được nó thì nỗi oan khuất của quan ông chẳng mấy chốc mà sáng tỏ.

Nghĩ thì nghĩ vậy, nhưng đám anh Thạch chờ mãi mà chẳng thấy con quái kỳ lạ ấy xuất hiện thêm lần nào nữa, chỉ thỉnh vào những đêm trăng lặn sao mờ, ta thấy bóng viên đội trưởng đi qua lại như hồi anh ta còn sống.

Lại nói về phủ Long Hưng vào ngày định mệnh ấy, sau khi được thầy Phạm Lãnh cứu về, Vũ nằm mê man suốt một ngày một đêm, toàn thân hết sốt hầm hập lại lạnh như băng, thỉnh thoảng còn có cơn co giật. Trong giấc mơ Vũ nhìn thấy cha mẹ mình bị gông cổ, toàn tay chân xiềng xích bị người đưa ra pháp trường. Một viên đao phủ che kín mặt đứng sẵn chờ họ, ngọn đao vung lên sáng loáng, hình ảnh tiếp theo là máu chảy đầm đìa bắn hết cả vào mặt Vũ. Cậu gào thét nhưng dường như cha mẹ cậu chẳng thể nào nghe thấy, từ đâu đó có tiếng nói quái lạ vọng về:

“Tào… tào đây! Tào sẽ đi tìm mi cho bằng được!”

Giọng nói của người ấy lạ lắm, giống hệt như giọng của gã đàn ông đầu cạo trọc một nửa, tóc tết đuôi sam đã đứng nhìn cậu từ ngoài cửa sổ ngày trước. Vũ rú lên một tiếng rồi choàng tỉnh.

Cậu ngơ ngác nhìn khung cảnh bên trong, một giọng nói trầm ấm đưa đến bên tại câu:

“Cháu dậy rồi đấy à?”

Vũ giật mình nhìn ra cửa, một người đàn ông tóc muối tiêu mặc áo giao lĩnh bằng gấm chậm rãi bước vào. Theo sau là người phụ nữ chừng hơn bốn mươi tuổi, trên tay cầm một chén thuốc thoảng mùi quả hồi. Vũ nhìn thấy chân tay mình băng bó cẩn thận, ai đó đã thay quần áo mới sạch sẽ giúp cậu, một lúc sau Vũ mới khó nhọc trả lời:

“Thưa… đây.. đây là đâu?”

Người đàn ông tóc muối tiêu mỉm cười đôn hậu:

“Đây là phủ Long Hưng. Ta đưa cháu về đây đã một ngày một đêm rồi!”

Lúc này Vũ mới nhớ lại mọi chuyện, cậu vùng dậy:

“Thôi chết! Con Đại Phong… cháu còn một con ngựa nữa..”

Lúc này người đàn bà vội đỡ cậu ngồi xuống rồi đáp lại:

“Ấy chết! Cháu chưa ra khỏi giường được đâu! Con ngựa đi theo cháu về đây rồi. Nó khôn lắm đấy!”

Vũ vẫn mơ hồ chẳng hiểu chuyện gì xảy ra, trong lòng cậu nóng như lửa đốt, cậu khẽ hỏi lại:

“Tại sao cháu lại ở đây? Cháu nhớ… cháu nhớ là cháu đương ở quán trọ trong núi mà… Sao bây giờ lại?”

Người đàn ông tóc muối tiêu ngước mắt nhìn về phía cửa, người đàn bà hiểu ý liền cúi đầu rồi nhanh chóng bước ra. Trong căn phòng lúc bấy giờ chỉ có hai người, tia nắng nhợt nhạt chiếu xuyên qua khung cửa sổ. Người đàn ông nhìn Vũ một lúc rồi mới nói:

“Ta là một thầy lang ở phủ Long Hưng. Ta sống một mình trong ngôi nhà này, cùng với hai người gia nhân là cô Mừng và bác Hợp. Lần trước ta vô tình biết có người gặp nạn ở quán trọ trong rừng, đoán chừng có thể cứu được nên ta vội tìm đến. Khi tới nơi thì thấy cháu nằm gục trên lưng con ngựa. Thế rồi ta đưa cháu về đây!”

Người đàn ông ngập ngừng một lúc, ông chăm chú nhìn Vũ như thể đương dò xét. Vũ lúng túng không biết phải nói gì, ông lại nói tiếp:

“Nhìn quần áo của cháu, ta đoán cháu không phải con cái nhà cùng đinh. Tại sao cháu lại một mình lưu lạc đến nơi này? Huống hồ… lại còn rơi vào tay của Dạ Xoa phu nhân nữa?”

Cái tên Dạ Xoa phu nhân vang lên lập tức có tác dụng, Vũ nghiến răng trả lời:

“Thì ra tên mụ là như vậy! Cháu đến đây để tìm người, vốn dĩ có đi cùng với người thân… Nào ngờ… nào ngờ không may lọt vào quán trọ của mụ, người đi cùng với cháu bị giết, xác chết… bị vất ra sau núi. Còn cái đầu bị cắt ra, may mà cháu nhặt lại được.”

Người đàn ông cúi đầu thở dài, sau cùng ông mới khẽ giọng:

“Cái đầu đó đã được bác Hợp nhà ta an táng sau núi xong xuôi rồi. Chờ cháu khỏe lại ta sẽ cho người đưa cháu đi thăm mộ ông ấy, chỉ tiếc là lúc hạ tầng không biết vị huynh đài ấy tên gì nên bia mộ vẫn còn để trống”

Một giọt mắt rơi xuống tấm chăn gấm màu đỏ tía, người đàn ông vờ ngước mắt nhìn ra bên ngoài cửa sổ, Vũ nhanh tay lau nước mắt, bất chợt cậu nhớ ra một việc quan trọng, cậu hỏi dồn:

“Bẩm, ông nói ông làm thầy lang ở phủ Long Hưng. Vậy. vậy ông có biết thôn cổ Lâu hay không? Ông có biết người nào tên là Phạm Lãnh không? Một người quen của cháu nhắn khi đến Long Hưng phải tìm người này…”

Vừa nghe Vũ nói như thế, người đàn ông tóc muối tiêu giật nảy mình, ông nhíu mày nhìn thằng bé trước mặt một lúc rồi mới đáp lời:

“Ta không biết ai dặn cháu đi tìm người đó, nhưng… ta chính là thầy lang Phạm đây”

Vũ sững nhiên khiến cậu choáng váng. Cậu hỏi lại:

“Ông… ông là thầy Phạm Lãnh… Là sư huynh của bác lang Bộc sao?”

Lúc này người đàn ông có vài phần sửng sốt, ông ta hoang mang nhìn Vũ:

“Cháu quen thầy lang Bộc à? Cậu đó là sư

đệ của ta… Cũng lâu lắm rồi… phải đến hơn hai mươi năm rồi chúng ta không gặp lại. Mà sao… mà sao cậu ấy lại sai cháu đến tìm ta!”

Sự nghi kị đối với người lạ trong lòng một đứa trẻ con như Vũ tan biến. Nhất là khi bắt gặp ánh mắt hiền lành của người đàn trước mặt. Vũ dốc hết bầu tâm sự, kể toàn bộ sự việc từ lúc cậu có thể nhìn vong ma, cho đến chuyện những nhỏ chết bất đắc kỳ tử, việc con quái tứ chi của người chết lũ trên sông cho Phạm Lãnh nghe, rồi lại đem câu ông lang Bộc dúi vào tay mình giấy dặn đến phủ Long Hưng tìm người. Vũ ngập ngừng một hồi, rồi kể đến chi tiết gã đàn ông tết tóc đuôi sam và vụ án oan của cha mẹ. Thầy Phạm Lãnh biết câu chuyện còn nhiều điều khuất tất, ông trầm ngâm một lúc lâu rồi mới quyết định:

“Đúng thực là kỳ lạ! Sáng hôm trước chim khách kêu trước nhà ta còn không tin! Việc cháu đến đây quả thực là quá trùng hợp. Thôi thì..”

Thầy Phạm thở dài sườn sượt rồi nói tiếp:

“Nếu đây đã là ý trời thì cháu hãy ở lại, từ từ rồi chúng ta sẽ tìm ra chân tướng”

Vũ toan nói thêm vài câu, nhưng thầy Phạm Lãnh đã bước ra khỏi cửa, gương mặt ông đầy vẻ lo âu. Vừa đi được mấy bước, ông đã quay lại rồi dặn dò Vũ:

“Đừng nói cho ai biết chuyện cháu giết mụ Dạ Xoa! Nếu ai hỏi đến cứ nói rằng, cháu bị bọn cướp bắt rồi thừa cơ trốn được. Còn đâu ta sẽ có cách!”

Vũ cúi đầu tỏ ý đã hiểu, nằm trên chiếc giường ấm áp, cậu chợt nghĩ đến ngôi nhà của mình ở thôn Bích Câu. Từ lúc lưu lạc đến phủ Long Hưng, Vũ đã biết rằng cậu vốn không thể tìm người quen của cha mẹ mà nương nhờ. Trước đây cậu đường đường là một cậu ấm con quan, giờ sa cơ thất thế, lòng người nguội lạnh ai dám chắc họ sẽ cưu mang cậu? Không biết chừng còn bắt cậu nộp cho quan phủ cũng nên. Một cảm giác tủi thân ùa tới trong lòng người thiếu niên còn chưa trải sự đời, Vũ vùi mặt vào trong gối mà khóc.

Vũ nằm trên giường thêm mấy ngày thì người đã khỏe lại. Thầy Phạm Lãnh ít khi nói chuyện riêng với cậu, chỉ gặp vào lúc ăn cơm. Những buổi như thế, cậu thường tha thẩn theo cô Mừng đi hái rau, hoặc dẫn con Đại Phong đi theo bác Hợp.Cuộc sống ở thôn Cổ Lâu xem chừng cũng nhiều chuyện kì quái hệt như phủ Quốc Oai năm nào.

Có lần cậu nghe cô Mừng kể: Thôn này gọi là thôn Cổ Lâu vì nơi đây trước kia là một gò đất chất đầy xương người chết. Năm tháng loạn lạc, nơi đâu cũng có nhân mạng bị tước đi một cách đột ngột. Có những ngôi làng bị xóa sổ chỉ sau một đêm, giống như ngôi làng hủi của Dạ Xoa phu nhân lúc trước

Lại nói đến băng cướp man rợ ấy, từ ngày Dạ Xoa phu nhân bị cắt đầu rồi treo lên cái cọc, người trong phủ thi nhau đồn đoán không biết rằng ai là kẻ thay trời hành đạo ấy. Người thì nói rằng có thể đó là một đại hiệp trả thù cho dân, kẻ thì quả quyết mụ đàn bà độc ác ấy bị chính những vong hồn mình giết hiện về báo oán. Không biết ai đúng ai sai, nhưng mọi câu chuyện đều trùng hợp ở một chỗ, đó là: người đầu tiên báo tin về cái chết của nhóm cướp Dạ Xoa ấy là thầy Phạm Lãnh. Khắp cả phủ này, từ người già cho đến trẻ nhỏ đều biết chuyện về cậu thư sinh Phạm Khanh bị bắt cóc rồi qua đời trong tay mụ béo. Nay xảy ra cớ sự này, có kẻ còn đồn rằng chính thầy Phạm Lãnh đã sai âm binh đi đòi mạng. Người ta mang lễ vật đến nhà thầy để cải ơn, thế nhưng người trong nhà đóng cửa im ỉm gọi thế nào cũng không có tiếng tr lời, chỉ nghe thấy tiếng chó sủa ma vọng lại. Danh tiếng của thầy lúc ấy lại càng vang dội.

Phải hơn một tuần trăng sau kể từ ngày đến ở nhà thầy Phạm Lãnh, Vũ mới biết danh tiếng của thầy có được là do biệt tài chữa bệnh cho người điên. Lần đầu tiên thầy Phạm Lãnh chữa khỏi bệnh cho một người điên là vào năm mười sáu tuổi. Năm mười tuổi, thầy khăn gói vào tận trong Phú Xuân để học nghề một viên quan ngự y làm việc trong cung đình, sư đệ của thầy chính là ông lang Bộc. Học nghề được vài năm thì viên quan ngự ý bệnh nặng rồi qua đời chóng vánh, thầy Phạm Lãnh và ông lang Bộc chia tay nhau, ai về quê nấy.

Thôn Cổ Lâu năm ấy không hiểu vì sao mà xương trắng rải rắc khắp nơi. Xương rơi trong giếng, xương vất lăn lóc trên mái nhà, thậm chí có người đương nằm ngủ khi tỉnh dậy thấy xương rơi trên chăn gối của mình sợ quá ngất lịm đi. Kỳ thực người dân dựng nhà, làm ruộng ngày trước gặp xương người là điều không lạ, nhất là cái gò toàn đầu lâu như trong thôn này. Thế nhưng, nếu đương yên đương lành mà thấy xương trắng ở khắp nơi thì quả thực là kì quái. Ban đầu người dân mắt nhắm mắt mở cho qua, nhưng hễ cứ đêm xuống người ta lại nghe thấy một âm thanh kỳ lạ cứ vang lên không dứt.

Lách cách

Lách cách

Lách cách

Tiếng động ấy giống mấy xương ống đồng va vào nhau. Trẻ con trong thôn không ngủ được, khóc ré lên khiến bầy chó nhà sủa vang không ngớt.

Mà nào đâu chỉ dừng lại ở đó, xương trắng vương vãi trong thôn cũng chính là lý do khiến cho lũ chó hoang trên núi kéo tới kiếm ăn

Phàm đã là người sống ở gần đồi núi trùng điệp đều biết loài chó hoang khát máu đến mức độ nào. Chúng sống thành từng bầy, ngày ngày ăn thịt người, máu tanh của con người nhiễm vào khiến chúng trở nên hung hãn đến cùng cực. Chỉ cần một người đi rừng lạc vào lãnh địa của chúng thì coi như tàn đời, nếu may mắn trốn thoát được thì cũng bị cắn đứt mất tứ chi, còn nếu không may thì coi như bị ăn mất xác. Người thân của những nạn nhân ấy nghe hơi máu mà đi lùng sục, khi đến nơi thì thấy thân thể người nhà mình văng mỗi nơi một thứ, tất cả đều bị chó hoang dày xéo.

Trong số những con chó hoang dữ tợn ấy, kinh hồn nhất là con chó có u máu trên lưng. Loài chó này có đặc tính rất lạ, chúng không chủ động tấn công người còn sống, chỉ thích ăn thịt của người đã chết hoặc xương trắng từ những ngôi mộ được cải táng mà tự chúng đào bới được. Lâu dần, tử khí thấm đẫm vào người chúng khiến cho toàn thân chúng nổi lên những cục u hệt như bướu của người gù. Loại chó hoang này cắn vào ai thì người ấy không quá năm canh giờ sẽ đến gặp Diêm Vương. Điều đặc biệt hơn nữa, chó u máu đến nhà nào thì nhà đấy chắc chắn sẽ có người chết.

Trước kia người nào hay đi rừng mới biết đến loài chó u máu bí ẩn này, vậy mà giờ chúng thường xuyên xuất hiện ở thôn Cổ Lâu chỉ vì những khúc xương trắng ởn không rõ tung tích.

Người giàu nhất làng khi ấy là một phú ông có gốc gác từ tộc Mường ở phủ Thanh Hoa, ông phú Mường có cô con gái tuổi mới đôi mươi, chẳng hiểu vì sao mà hôm ấy một con chó u máu rình trong nhà cô. Chập tối, cô con gái ông phú Mường đi tắm, lúc đi ngang qua bụi chuối sau nhà bất chợt cô nhìn thấy có một đôi mắt đỏ lòm từ trong bóng tối nhìn ra. Cô gái tưởng có ma bèn hét toáng lên kêu cứu. Ông phú người Mường nghe thấy tiếng con hét bèn lục tục chong đèn lồng, vội vã đi cùng mấy người gia nhân xem có chuyện gì. Ai dè đất sau nhà trơn ướt, ông phú bị trượt chân, đập đầu vào đá chết tươi. Cô con gái gào khóc bên xác cha, đúng lúc ấy từ trong bụi cây có một con chó u máu nhào tới nhảy phốc lên thân phú ông, định moi ngũ tạng của ông ra mà cắn xé.

Cô con gái theo phản xạ tự nhiên vội vàng ngăn lại, không ngờ bị chó u máu cắn vào bắp tay, máu chảy xối xả. Người trong thôn kéo đến quây lại đánh chết con chó, giống súc sinh biết mình không thoát nổi kiếp này, nó khạc đờm nhổ về phía cha con ông phú ông rồi mới chết. Rằm tháng bảy năm ấy thôn Cổ Lâu chứng kiến hai cái chết kinh hoàng, một là cái chết của phú ông, hai là cái chết của con chó.

Kể từ ngày bị con chó cắn u máu cắn phải rồi đờm bắn vào thân, ai cũng bảo cô con gái phú ông sẽ chết trong vòng vài canh giờ. Thế mà không, cô chẳng chết, cô bị hóa điên. Cả người cô bỗng chốc lở loét, da tróc thành từng mảng hệt như loài chó bị ghẻ. Cô không còn nói năng gì được nữa, cũng chẳng dám tắm rửa, mỗi khi nhìn thấy nước là toàn thân cô run bần bật. Ai cũng bảo cô bị dại, nhưng cuối cùng cô chỉ phát điên. Cô điên thật, chứ không phải lúc điên lúc tỉnh. Ngày nào cô cũng đi tìm mấy khúc xương trắng rơi vương vãi quanh nhà để ăn… hệt như mấy con cháu u máu.

Đỉnh điểm nhất là lần người đàn bà bản đậu phụ trong thôn có đứa con sinh thiếu tháng, đẻ ra không bao lâu sau thì chết. Gia đình bà đành bọc đứa trẻ trong một cái quan tài nho nhỏ rồi đem chôn sau nhà. Đêm hôm ấy trời nổi một trận gió to, cô con gái bị điên ngửi thấy mùi tử khí trên thi thể của trẻ sơ sinh bèn lao tới nhà người bán đậu phụ kia rình mò. Đèn cầy trong nhà vừa tắt, cô mon men xuống lấy tay đào đất để kiếm thịt người ăn. Khi vừa mới ôm được thi hài tím ngắt của đứa trẻ nhỏ trên tay, thì cô bị người nhà kia phát hiện. Người trong thôn hò nhau đuổi theo để bắt cô, trong lúc trốn chạy cô vô tình va phải một người thanh niên mới trở về.

Người thanh niên ngã bổ nhào xuống đất, khi ngước mặt lên thì cô gái kỳ lạ kia đã chạy trốn vào nhà ông phú Mường. Thôn hò reo đòi thiêu cháy căn nhà bề thế nhất vùng, chàng thanh niên lấy làm lạ bèn hỏi chuyện thì mới hay quỷ sự của thôn ven rìa núi này.

Chàng thanh niên vội lao đến trước cửa nhà phú ông, chắp tay xin thưa với cả thôn:

“Bẩm các cụ! Con là người của vùng này, trước theo gia đình lang bạt khắp nơi, nay mới về chốn cũ. Con biết được thôn ta có quỷ sự, nhưng sự này không phải do người làm, mà là do có kẻ làm tà thuật ám muội nên mới gây ra chuyện ngày hôm nay. Cô gái điên kia cũng chỉ là nạn nhân mà thôi! Nếu thôn ta giết nhầm người thì e rằng mọi âm đức bấy lâu nay đều đổ xuống sông xuống biển. Con xin được giúp cô gái kia chữa bệnh điên, cũng diệt hết xương khô trong thôn Cổ Lâu”

Người chồng của người phụ nữ bán đậu phụ hất hàm nói:

“Mày là thầy pháp à thằng kia? Nhiều thầy pháp đến đây lắm rồi! Ông nào cũng bó tay ra về đấy!”

Trong thôn vang lên những tiếng hưởng ứng, người thanh niên trẻ măng đáp lại:

“Thưa bà con! Con vốn không phải thầy pháp, con chỉ là một thầy lang thôi! Nhưng việc này… việc này con biết nguyên do và cách chữa trị. Xin bà con cứ tin tưởng giao cho con!”

Thấy chàng trai nói năng lễ độ, gương mặt sáng sủa, ông thầy đồ cũng chính là trưởng thôn tán đồng:

“Bà con cứ nghe theo lời cậu trai trẻ này một lần xem sao. Dù sao con bé điên vẫn đương ở trong nhà! Nếu cậu ta chữa khỏi bệnh điên, rồi chấm dứt quỷ sự ở thôn này thì là điều tốt, chúng ta cũng không mang tiếng là làm việc ác.”

Một người đàn ông sẵng giọng:

“Mày có dám chắc chắn sẽ làm được không hả thằng kia?”

Chàng trai trẻ măng nói giọng chắc nịch

“Chắc chắn sẽ làm được.!”

Ngày hôm sau người ta thấy chàng thanh niên trẻ đào một cái hố thật lớn sau nhà của ông phú Mường. Dưới lớp đất mùn tơi xốp là một cái hũ rất lớn làm bằng gốm, không ai biết bên trong hũ ấy có gì, chỉ biết người thanh niên đem chất củi lên trên cái hũ đó rồi thiêu cháy phừng phừng. Ngọn lửa không làm suy chuyển được hũ gốm nhưng khiến cho thứ chất lỏng trong đó sôi lên sùng sục, từ trong đó tỏa ra một mùi ngai ngái hệt như thịt lợn bị thiu. Loài chó hoang, rồi cả vài con chó u máu đứng ngóng ở trên triền núi, miệng sủa vang trời. Trong nhà, cô con gái phú ông gào lên như ai đánh.

Cái hũ gốm nung đến ngày thứ hai thì chất lỏng đã cạn hết, mùi ôi thiu lúc này thay thế cho mùi khét lẹt. Một cụ già trong thôn ngửi thấy bèn rùng mình nói nhỏ:

“Sao mà giống xương người lúc bị hỏa táng quá vậy! Đích thực cái mùi này tôi ngửi thấy cả trăm lần rồi chứ chẳng sai!”

Nghe cụ nói, dân trong thôn sợ quá vội vàng về nhà, không dám ngóng thêm nữa. Chàng thanh niên trẻ tuổi chờ đến đêm mới cho người đánh xe ngựa đem cái hũ vất ra sông, trước khi đi có dặn người phu xe rằng:

“Nếu nghe thấy bất cứ tiếng động gì trong hũ cũng không được mở ra!”

Người phu xe vâng vâng dạ dạ rồi vội vàng đi ngay trong đêm. Mãi sau này anh phu xe mới kể lại cho người trong thôn rằng chính tai anh nghe có tiếng người con gái mời gọi phía trong hũ, lại có tiếng tiền xu kêu loảng xoảng phía trong. Anh hoảng quá, vội vàng vất cái hũ đi thật nhanh rồi trở về lúc trời tờ mờ sáng.

Về phần cô gái con phú ông người Mường kể từ khi cái hũ bị nung cháy rồi ném xuống sông, người cô cũng đã tỉnh táo hơn phần nào. Chàng thanh niên chuẩn bị mấy miếng thịt nướng thơm lừng, bên trong tẩm đẫm thuốc mê cực mạnh. Cô điên thấy thịt bèn lao tới ăn nấy ăn để, thế nhưng chưa đầy nửa tuần hương sau cô đã ngủ gục trong góc nhà.

Lúc này chàng thanh niên mới trở vào xem xét vết thương trên người cô. Vết cắn của con chó u máu tạo thành hai dấu răng sâu hoắm trên cánh tay của cô gái, phần thịt xung quanh đen xì bốc mùi thum thủm. Chàng thanh niên thở dài, trong lòng biết rõ vết thương đã bị hoại tử, chỉ còn cách cắt đứt cánh tay. Không ai biết rằng chàng trai ấy đã cắt tay như thế nào, chỉ biết rằng người phụ giúp chàng lúc đó chỉ có vợ chồng người phu xe. Người mang nước nóng, kẻ túc trực trong gian nhà ẩm thấp. Đến sáng hôm sau thì người ta thấy cô gái điên hôm nào cả cánh tay bị băng bó, cô không gầm gừ nữa nhưng cũng chẳng nói chuyện với người nào, ngoại trừ vợ chồng người phu xe và chàng thanh niên lạ mặt.

Cái hũ bị ném đi, đống xương trắng trong thôn cũng chẳng còn, bệnh điên của cô gái con phú ông cũng hết một cách đột ngột. Người trong thôn lấy làm lạ bèn hỏi thì chỉ được câu trả lời:

“Phú ông người Mường trước kia có dùng bí thuật. Vì lý do gì thì bản thân tôi cũng không rõ, chỉ biết rằng thứ bí thuật đó chiêu dụ ma quái đến đây. Không những vong người chết, mà còn cả vong phách của những con thú hoang trong rừng thiêng nước độc. Chính chúng đã mang những khúc xương trắng đến đây để hấp dẫn lũ chó hoang sau núi. Thôn Cổ Lâu từ trước tới nay có nhiều âm khí tích tụ, điều đó chẳng khác gì bùa dẫn dụ chó u máu”

“Nhà anh nói không phải thầy pháp sao lại biết tường tận những chuyện ấy như thế? Mấy ông thầy pháp được chúng tôi thuê đến đây bày pháp sự rất linh đình nhưng ông nào ông nấy đều bỏ của chạy lấy người, chẳng ai như nhà anh cả!”

Chàng thanh niên trẻ tuổi cười trừ:

“Bẩm, tôi không dám nhận mình tài giỏi gì. Nhưng đa phần thầy pháp chỉ trừ những vong hồn đeo bám người trần. Chuyện tà ma bí thuật trên đời vốn đầy rẫy, không phải lúc nào vung thanh kiếm gỗ đào cũng có thể giải quyết được mọi chuyện. Người có bệnh của người, ma có bệnh của ma. Nếu đã có những kẻ dùng bí thuật thì tất sẽ có những người có thể giải trừ. Bà con xin hãy cứ coi rằng, tôi là người dùng thuốc chữa tà vây”

Nghe chàng thanh niên trẻ tuổi nói, không ai còn thắc mắc thêm điều gì nữa.

Kể từ đó, chàng thanh niên ở lại thôn Cổ Lâu, ngày chữa bệnh cho người, đêm đến thổi sáo véo von. Chàng thanh niên có biệt tài chữa bệnh điên, đặc biệt là những kẻ điện do tà ma quấy phá, phàm những kẻ ngơ ngơ ngẩn ngẩn được gia đình đưa đến chỗ chàng, khi về đều minh mẫn, tỉnh táo đến lạ thường. Người tốt bụng bảo rằng chàng là Hoa Đà tái thế, kẻ ganh tị dèm pha nói rằng chính chàng mới là ma là quỷ.

Mặc tin đồn to nhỏ ấy, dân tư xứ vẫn ùn ùn kéo đến thôn nhỏ nằm kề bên núi rừng thưa thớt. Thấy chàng có tài, nhiều người đánh tiếng muốn gả con gái cho. Thế nhưng người nào chàng cũng khéo léo khước từ. Có cô gái trong thôn đem lòng thầm yêu trộm nhớ, nhưng chàng thanh niên chỉ cúi đầu khẽ nói:

“Tôi chỉ là kẻ hèn không cha không mẹ, nay được trở về nơi này sống một đời yên bình cũng tốt lắm rồi. Không dám mơ tưởng tới ai!”

Bị chàng thanh niên từ chối, cô gái kia chạy về khóc nức nở, đến sáng hôm sau thì người ta thấy xác cô chết trong cái giếng cạn cuối làng. Lúc vớt lên toàn thân cô đã tím tái, mười đầu ngón tay bị chuột cắn nát. Nhiều trai tráng trong thôn ganh tị, kiếm cớ gây sự. Sau sự ấy, chàng thanh niên lại càng khép kín hơn.

Tròn một năm kể từ ngày quỷ sự trong thôn Cổ Lâu chấm dứt, đêm rằm tháng bảy mưa rơi rả rích, gió thổi hồn đưa hơi lạnh bay khắp làng. Người ta thấy trước ngôi nhà của ông phú Mường có treo đèn lồng đỏ, khắp nơi bỗng xì xào bàn tán:

“Lạ nhỉ! Nhà ông phú Mường hôm nay lại có đèn lồng đỏ! Có phải ngày tết đâu? Chẳng lẽ nhà đấy có người xuất giá?”

Bà hàng thịt trong thôn nghe thấy thế bĩu môi:

“Ối giời ơi! Nhà đấy có đứa con gái cụt tay, gia cảnh bây giờ chẳng còn được như xưa thì ai thèm lấy. Chắc là nó lấy ma đấy! Chỉ có ma mới rước dâu giờ này thôi.”

Người trong thôn đổ ra xem đám cưới kỳ dị. Giây phút cô dâu chú rể bước ra, mọi người ồ lên kinh ngạc. Nào có phải ai xa lạ, ấy chính là chàng thanh niên trẻ tuổi cùng với cô gái đã từng được cứu khỏi bệnh điên năm nào.

Đám rước dâu không kèn chi có đôi phu phụ người lái xe cầm đèn lồng đi trước dẫn đường. Cô dâu xinh đẹp im lặng bước bên chàng rể khôi ngô, cả hai đi trong cơn mưa mịt mùng của tháng cô hồn lạnh lẽo. Không một lời chúc tụng, không có tiếng pháo nổ râm ran, chỉ có tiếng mưa rơi và tiếng gió thổi hồn làm cho vạt cây rừng rung lên xào xạc.

Hơn một năm sau, trong căn nhà nhỏ của phú ông người Mường, người ta nghe thấy tiếng khóc của trẻ con vang lên. Vợ chồng thầy lang chữa bệnh điên chào đón đứa con đầu lòng vào một ngày mưa bão. Người thanh niên ấy chính là thầy Phạm Lãnh, còn đứa bé kia là Phạm Khanh. Nhân duyên trong thiên hạ nào có ai có thể đoán trước được điều gì! Sau khi sinh con thì vợ thầy Phạm Lãnh cũng băng huyết mà chết. Ngẫm ra cũng thật tội cho người đàn ông đức độ, cả đời cứu người khắp nơi, thế mà cuối cùng đành ngậm ngùi tiễn biệt thê tử kết tóc của mình về âm giới.

Cái chết của vợ thầy Phạm Lãnh dường như đã làm cho thầy ủ dột suốt nhiều năm.

Thầy không chôn vợ ở ngoài bãi tha ma như người trong thôn vẫn thường hay làm, mà đem chôn ở sau nhà.

Nhà thầy Phạm Lãnh vốn có hai tầng, tính ra cũng bề thế có tiếng trong vùng, thế nhưng mà nơi đó lúc nào cũng u ám, buồn tẻ. Người phu đánh xe tên Hợp cùng vợ mình chuyển đến sống cùng nhà với thầy ở gian sau, thế rồi vào một ngày mùa đông rét cắt da cắt thịt, người vợ phu xe cũng giã từ trần thế sau một cơn cảm lạnh. Người ta bảo, đất ấy độc lắm, đàn bà chẳng thể nào ở được.

Vũ nghe câu chuyện về thầy Phạm Lãnh mà bất giác nước mắt trào ra. Cậu khẽ dựa lưng vào người con Đại Phong, trong lòng không khỏi cảm khái. Giữa việc phải sinh ly tử biệt, và việc phải cùng nhau chết oan như cha mẹ mình, liệu việc nào đau khổ hơn đây?

Một cơn gió heo may thổi đến, phấn hoa vô tình bay vào mũi con Đại Phong khiến nó hắt xì vài cái. Vũ giật mình như chợt nhớ ra điều gì đó quan trọng lắm.

“… nếu đất này đàn bà không ở được? sao cô Mừng lại có thể ở đây? Hơn thế … những bí thuật mà thầy Phạm Lãnh nhắc tới, liệu có phải là lý do khiến lang Bộc muốn cậu đi tìm sư huynh mình hay không?”

p>Một cảm giác ớn lạnh ào tới khiến Vũ bàng cả người. Cậu khẽ đưa mắt nhìn về căn gác nhỏ phía trên, nơi có Phật đường của thầy Phạm Lãnh. Ánh nắng cùng của ngày hắt vào chiếc bình đỏ Khé nằm sau bức mành. Từ ô cửa sổ nhỏ, nhìn thấy hai cái bóng trắng thập thò nhìn cậu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3