Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 32
HỒI THỨ MƯỜI
CỔ TRÙNG NHÂN MẠNG
Đối với Vũ, việc nhìn thấy vong hồn lẩn khuất trên dương gian đã chẳng còn gì xa lạ. Chính bản thân cậu cũng chẳng thể hiểu vì sao mình lại có thể nhìn thấy tà ma như thế nữa. Nhiều lúc cậu nghĩ đi nghĩ lại, không hiểu vì sao bản thân mình lại có dị năng như vậy.
Cậu chỉ nhớ lần đầu tiên cậu nhìn thấy vong là lúc cậu đương chơi trong sân nhà, bỗng từ đâu có một con ếch nó cắn thật mạnh vào ngón tay. Cậu ngã phịch xuống bãi cỏ, cố gắng không khóc sợ mẹ biết.
Bằng không thì chẳng bao giờ cậu được ra ngoài chơi nữa. Con ếch cắn xong thì nhảy phốc lên phiến đá nhìn cậu với ánh mắt rất lạ lùng, cho đến tận bây giờ cậu vẫn không sao quên được vẻ mặt kì lạ của nó.
Kể từ ngày ấy, cậu thường nhìn thấy vong hồn vảng vất ở khắp nơi. Cứ đến tháng bảy âm lịch là cô hồn nhiều vô kể, có lần chính mắt cậu nhìn thấy một người đàn ông bị ba bốn vong đàn bà đeo bám. Sau này cậu mới biết, người đó đã từng xông vào nhà dân, cưỡng bức rồi giết cả nhà.
Dù đã quen với việc đó, nhưng lần này bắt gặp hai cái bóng trắng toát bên cửa sổ nhìn cậu, Vũ không khỏi cảm thấy rợn người. Bác Hợp từ xa trông thấy gương mặt tái xanh của Vũ bèn vội vàng lại hỏi:
“Sao thế cháu? Sao mà mặt tái xanh vậy?”
Vũ buột miệng:
“Cháu nhìn thấy hai vong đứng bên cửa sổ, chỗ Phật đường của thầy Lãnh ấy!”
Bác Hợp giật mình nhìn theo hướng Vũ chỉ. Ông ậm ừ không nói gì rồi bỏ đi.
Chiều tối hôm ấy, thầy Lãnh mang về nhà hai người đàn bà. Một người tuổi mới đôi mươi, người còn lại đã trạc tuổi ngũ tuần.
Cả hai người đều ngơ ngơ ngẩn ngẩn, không nói không rằng chỉ cười khành khạch. Thầy Lãnh hỏi Vũ:
“Hai người này có thứ gì đi theo không?”
Vũ thoáng ngạc nhiên nhưng rồi cũng trả lời. Cậu chỉ vào người đàn bà trẻ tuổi:
“Người này trên vai có một đứa trẻ con bám vào. Đầu nó lắc lư hệt như anh thư sinh bám trên vai mụ Dạ Xoa ấy. Đứa trẻ con chừng hơn một tuổi”
Vừa nhắc tới người thư sinh, gương mặt thầy Phạm Lãnh có chút xúc động, ông hít một hơi thật dài rồi chỉ vào người còn lại:
“Thế còn người này thì sao?”
Vũ nghiêng đầu rồi nói nhanh:
“Người này không có vong hồn vất vưởng đi theo, nhưng phía sau có nhiều vong của chó mèo lắm!”
Thầy Lãnh gật gù tỏ ra hài lòng rồi nói tiếp:
“Người thiếu phụ trẻ tuổi kia là con dâu ông bá hộ ở làng bên. Vì không sinh được con trai cho nên chồng cưới vợ mới. Đứa trẻ chưa đầy hai tuổi, nhân lúc người nhà không để ý nên người này đã dìm chết đứa trẻ, kể từ ngày ấy bị hóa điên. Gia đình chồng cũng coi như không tệ bạc, họ chỉ đánh cho một trận rồi trả về nhà mẹ đẻ. Người thân trong nhà không chịu nổi bèn đưa đến chỗ ta, nhờ ta cứu giúp.”
Vũ im lặng đưa mắt nhìn đứa trẻ ngồi vắt vẻo trên vai người thiếu phụ. Dường như đứa trẻ cũng cảm nhận được có người nào đương nhìn mình, nó phóng tầm mắt về phía Vũ rồi nở một nụ cười vô hồn. Toàn thân Vũ nổi gai ốc, cậu khẽ nói với thầy Lãnh:
“Bẩm, đứa trẻ này chết thiêng lắm. Con e là…..người thiếu phụ này chẳng sống được bao lâu nữa đâu!”
Thầy Lãnh không nói gì, ông tiếp tục chỉ về phía người đàn già hơn:
“Đây là bà cụ Hàn sống ở cuối thôn, cả đời giết chó giết mèo rồi đội thúng đem lên chợ huyện bán. Sớm ngày rằm tháng bảy, bà cụ toan giết thịt một con mèo thì bị nó lồng lên cắn cho vào tay rồi chạy thoát. Khi con dâu, con trai phát hiện ra thì bà đã ngất lịm ở giữa sân từ lúc nào. Người trong thôn xúm lại cấp cứu hơn nửa ngày trời thì bà cụ mới tỉnh lại. Chỉ có điều từ lúc tỉnh lại thì không còn tỉnh táo nữa, mà hóa điên”
“Bẩm thầy, bà cụ hóa điên như thế nào?”
Thầy Lãnh nhìn người đàn bà đương vạch áo gãi soàn soạt bèn thở dài:
“Từ lúc hóa điên, bà cụ không còn đi lại bằng hai chân nữa. Lúc nào cũng bò bốn chân như súc vật. Hễ thấy ai ăn thứ gì đó là ngồi sán lại trông chờ, mới hôm qua còn bắt chuột trong vườn nhà rồi nhai rau ráu, may mà người nhà trông thấy kịp.”
Vũ lặng cả người nhìn bà cụ lúc này đương thiêm thiếp ngủ. Trong lòng cậu cảm thấy họ bị điên như vậy là đáng lắm. Thầy Lãnh nhìn Vũ rồi hỏi:
“Theo con, ta có nên chữa bệnh điên cho họ không?”
Vũ toan nói gì đó, nhưng cậu ngừng lại một lúc quan sát kỹ hai người đàn bà. Độ nửa tuần hương sau, cậu mới khó nhọc trả lời:
“Thầy thuốc không có phân biệt công thần hay phạm tội. Cha con thường nói, hễ là kẻ có bệnh thì đều phải dốc lòng cứu giúp như nhau. Ngày trước con không hiểu điều này, nhưng trải qua nhiều chuyện như vậy, con mới biết rằng, thầy trả lại cho họ sự tỉnh táo, cũng chính là một cách để họ tự giày vò.”
Vũ vừa nói vừa thở dài hệt như một ông cụ non, thầy Lãnh mỉm cười:
“Khá lắm! Con nói đúng đấy! Vậy… có muốn học theo nghề thuốc của ta không?”
“Bẩm thầy ! Con tự thấy lòng mình không an tĩnh, khó có thể cứu người. Từ lúc lưu lạc đến nơi này, con chỉ muốn trả thù cho cha mẹ. Con muốn biết, rốt cuộc gã đàn ông tết tóc đuôi sam ấy là ai, và con quái ăn thây người vào giờ hợi ấy rốt cuộc có vai trò gì…”
Vũ nắm chặt tay, giọng cậu như nghẹn lại
“Nếu không biết được điều này, con.. có chết cũng không nhắm mắt!”
Thầy Lãnh trầm ngầm nhìn Vũ một hồi lâu sau cùng thở dài rồi nói:
“Ta không chắc cha mẹ con muốn con đuổi theo sự việc này đến cùng. Nhưng… nếu ý con đã vậy… có lẽ…ta sẽ cần một thời gian để suy nghĩ.”
Vũ định nói thêm, nhưng cậu lại cho rằng như thế là đã đủ. Mãi sau này cậu mới hiể rằng, vì sao thầy Phạm Lãnh lại phải cân nhắc nhiều đến thế. Cái giá để trả thù, đôi khi phải đánh đổi cả bằng sinh mạng.
Đêm hôm ấy Vũ đương nằm ngủ, cánh cửa sổ từ giường cậu nằm bị gió thổi tạo thành những tiếng kẽo kẹt. Hơi sương lạnh của đêm đầu thu phả vào khiến Vũ rùng mình thức giấc. Ánh trăng thượng huyền đầu tháng chiếu lờ nhờ, chẳng thể soi tỏ cảnh vật. Vũ thấy cổ họng mình khát đắng, bèn lục tục trở dậy mò mẫm ra cái bàn nhỏ kê bên cửa sổ để tìm chén nước. Bất chợt, cậu nghe thấy tiếng ai rao hàng giữa đêm khuya tịch mịch.
“Ai… đậu phụ nóng không? Đậu phụ nóng đây!”
Vũ ngẫm nghĩ trong lòng:
“Quái lạ! Sao lại có người bán đậu phụ giữa đêm hôm khuya khoắt thế này? Mà lại là đậu phụ chứ không phải thứ khác?”
Lấy làm lạ nên cậu đẩy cửa bước ra ngoài nghe ngóng, làn gió heo may giữa thôn làng nằm kề bên vách núi khiến toàn thân cậu run lên cầm cập. Từ đằng xa có bóng người đàn bà kẽo kẹt gánh hàng đi tới. Thấy Vũ bà đon đả chào:
“Ăn đậu phụ hay tào phớ không cậu ơi?”
Vũ lúng túng:
“Ơ! Cháu không có tiền!”
Dưới vành nón rách rưới, bà lão nở một nụ cười lộ ra hàm răng hạt na đen nhánh, trong bóng tối nhìn bà như thể không có răng. Bà đặt gánh đậu phụ xuống rồi trả lời:
“Không sao! Không sao! Nghe giọng cậu như người mới đến! Thôi để già mời cậu một bát tào phớ nhé!”
Vũ vội vàng từ chối nhưng bà cụ thoăn thoắt hớt tào phớ rồi đưa cho cậu một bát nóng hổi, thơm phức. Vũ nuốt nước bọt định chối từ nhưng rồi cũng đón lấy. Bà lão mỉm cười cởi cái nón ngồi quạt phe phẩy. Vừa ăn Vũ vừa hỏi:
“Sao cụ lại phải đi bán ban đêm thế này!?”
Bà lão thở dài:
“Nào có ai muốn thế chứ? Nhưng bán ban ngày thì tôi không có tiền đóng thuế chợ. Với lại già này mắc phải cái bệnh lạ, ban ngày nắng nóng không chịu được, chỉ đến khi trời tối mới dễ chịu hơn một chút, thành thử mới ra ngoài bán hàng được.”
“Bệnh gì mà lại lạ đời như thế. Hay là cụ thử đến gặp thầy Lãnh xem! Biết đâu chữa được!”
“Già chẳng dám quấy quả thầy Lãnh. Chờ cậu ăn xong, già còn phải tới quán trọ trong rừng bán hàng nữa! Chỗ đấy có nhiều khách lắm! Ai cũng khen món đậu phụ của già ngon!”
Vừa nghe thấy bà lão nói, Vũ suýt nghẹn, cậu lắp bắp:
“Ý bà là bà đến hắc điểm của mụ Dạ Xoa. Chỗ đấy.. chỗ đấy.. chết hết cả rồi, không còn một ai, làm sao mà bà bán hàng được?”
“Làm gì có! Chỗ đấy lúc nào cũng đông người! Còn có cả cậu thư sinh hay mua tào phớ đấy. Cậu ấy xem chừng lớn hơn cậu”
Lần này thì Vũ hoảng sợ thực sự, cậu đánh đổ cái bát trên tay nhìn bà lão chăm chăm không thốt lên lời. Bà lão giơ tay chỉ về hướng Phật đường của thầy Lãnh, đoạn bảo:
“Ông thầy lang trong nhà này có nuôi cổ trùng, vốn là định dùng nó để trả thù cho con trai mình. Thế nhưng chưa kịp làm thì cậu đã tới thanh toán món nợ máu giữa lão … thành ra giờ cái bình không còn tác dụng.”
Thấy Vũ ngơ người ra, bát tào phớ đã đổ vơi đi một nửa bà lão lại nói tiếp:
“Thứ cổ trùng ấy không phải ai cũng nuôi được đâu. Nếu cậu muốn tiêu diệt kẻ thù, trả lại thanh danh cho cha mẹ thì phải dùng đến chúng. Nhưng trước tiên cậu hãy suy nghĩ thật kỹ điều này, bởi lẽ một khi dùng đến cổ trùng chỉ e là cuộc đời cậu từ giờ về sau không bình thường được nữa.”
Từng lời nói của bà già kì lạ bán tào phớ ban đêm như gáo nước lạnh dội xối xả vào mặt Vũ làm cho cậu bàng hoàng cả người. Cậu chồm tới, nắm lấy cánh tay của bà cụ mà hỏi dồn dập:
“Bà ơi! Bà … bà..là ai mà lại biết những chuyện này? Tại sao lại nói với cháu?”
Chưa nói dứt lời, Vũ đã cảm nhận thấy cánh tay nhăn nheo, ướt át của bà ta bốc mùi thum thủm, cậu vội rụt tay lại rồi lúng túng với chính thái độ của mình. Bà lão dường như không để ý đến thái độ của Vũ, chỉ lắc đầu:
“Tôi chỉ là một người quen cũ của phụ thân cậu thôi! Nhớ lấy lời tôi dặn, nếu muốn rửa sạch oan khiên, chỉ có thể dùng cổ trùng đổi mạng. Có đánh đổi hay không. phụ thuộc vào quyết định của cậu. Nhớ lấy… nhớ kỹ không được quên, biết chưa!”
Giọng bà lão càng vang lên âm u như chốn âm ty vọng về. Bà ta quẩy gánh hàng kẽo kẹt trên vai bước vội đi, Vũ toan giữ lại thì một cơn gió lạnh buốt thổi ù tới mang theo cát bụi mịt mù tràn tới khiến cậu chới với mất thăng bằng. Trong phút chốc, đầu Vũ như hoa lên rồi ngất đi lúc nào không biết, trước lúc ấy, cậu chỉ kịp nghe tiếng bát rơi trên nền đất một tiếng cạch, mọi thứ lập tức tối om.
Phải rất lâu sau đó Vũ mới có thể tạm quên đi những gì mà người đàn bà đêm hôm ấy đã nói với mình. Phong thư rách nát cha cậu giao ngày gia đình ly tán cậu vẫn giữ bên người, con Đại Phong cũng dần dần quen với cuộc sống mới ở thôn Cổ Lâu, chỉ riêng Vũ vẫn không nguôi ý định trả lại thanh danh cho cha mẹ của mình.
Thầy Phạm Lãnh kể từ ngày thấy Vũ nói trúng phóc căn nguyên của hai người đàn bà bị điên, liền có ý muốn truyền lại nghề bốc thuốc cho cậu. Thế nhưng, Vũ chối từ. Cậu cho rằng việc bốc thuốc vốn cần tâm an tĩnh, huống chi cậu lại là kẻ mang chặt oán hận trong lòng, chỉ e sẽ làm hại đến bệnh nhân và gia quyến. Thầy Lãnh thấy Vũ quả quyết như vậy cũng đành thôi, không đả động gì nữa.
Có lẽ rằng ở lâu nảy sinh tình thương, rằm tháng tám năm ấy thầy Lãnh làm lễ nhận cậu làm con nuôi. Vốn dĩ trước kia người Việt có tục nhận con nuôi rất kỳ lạ, họ thường để đứa trẻ ở một nơi nào đó, rồi mới đến đón về trình tổ tiên nhà mình. Kh đón đứa trẻ lên xe, người ta sẽ vất lại một ít gạo muối và bạc lẻ để ngăn cô hồn theo về nhà.
Ban đầu thầy Lãnh vốn định đón Vũ ở cổng thôn Cổ Lâu, thế nhưng cậu khăng khăng không chịu, cậu nói rằng bản thân mình gặp thầy Lãnh từ đâu thì sẽ đến đúng chỗ đó. Thuyết phục mãi không được, thầy Lãnh cũng đành thuận tình nghe theo. Đêm hôm đó, vầng trăng thượng huyền của tháng tám mới lấp ló qua rặng tre làng, Vũ đã một mình cưỡi con Đại Phong quay lại quán trọ của Dạ Yoa nhu nhân
Chẳng biết do phủ Long Hưng căm ghét quá, hay do ma quỷ quấy phá mà từ lúc mụ chết đến giờ chỉ mới vài tuần trăng mà căn nhà trọ của mụ đã bị thiêu rụi một nửa, đầm sen khô cạn trước nhà trơ trọi có đầy xương cốt động vật và đầu lâu trắng ởn vương vãi khắp nơi.
Tiết trời vào thu dường như càng lúc càng tối nhanh, vừa dắt con Đại Phong vào vừa khẽ hít thở thật sâu để bình tĩnh.
Trong gian nhà trọ ẩm thấp nơi cậu và lão Phúc đã đứng ngày nào nay chỉ còn một đống đổ nát. Ai đó đã lột sạch đống quần áo của Dạ Xoa phu nhân và đám đàn em để mặc cho mấy thằng bù nhìn bằng rơm rồi dựng cắm trên nền đất trong nhà. Thoạt nhìn cứ như là băng cướp ấy còn sống.
Điều quỷ dị nhất là trước mặt mỗi một con bù nhìn ấy đều có vài que nhang đã tàn, lại thêm một đạo bùa kì quái dán trước bụng. Vũ chau mày ngẫm nghĩ, không biết kẻ nào đó bày trận như thế này để với mục đích gì.
Chạng vạng tối, làn gió heo may ở vùng cận núi càng lúc thổi càng mạnh hơn. Vũ khẽ co mình trong manh áo để tìm hơi ấm, đúng lúc ấy cậu nghe thấy tiếng con Đại Phong hí vang bên ngoài.
Ngỡ là thầy Lãnh đến, Vũ vội chạy ra xem thì bàng hoàng phát hiện: Trước sân nhà, lão Phúc và cha mẹ mình đứng cạnh nhau, nhìn chăm chăm Vũ.
Một giọt nước mắt nóng hổi lăn trên má, Vũ khẽ mấp máy gọi:
“Cha! Mẹ!… Hai người đến tìm con sao?”
Những người lớn nhìn Vũ mỉm cười, trong một tích tắc Vũ biết chắc là cha mẹ cậu đã trở thành những vong hồn cụt đầu từ lâu, những thứ hiện sờ sờ trước mắt chưa chắc đã phải họ. Thế nhưng Vũ mặc kệ, cậu chạy nhào ra ngoài sân, ấy vậy mà cuối cùng lại chẳng còn ai nữa. Con Đại Phong dữ dội, hai chân trước đạp lên không trung dường như có linh tính gì đó, nó lồng lên như thể muốn tấn công kẻ vô hình nào trước mặt. Vũ cả kinh, lập tức quay lại phía sau..
Dưới ánh trăng mờ mờ, mụ béo Dạ Xoa tóc tai rũ rượi ngồi trên mái nhà cười khành khạch. Đằng sau mụ là đám đàn em toàn thân đầy máu, trên tay còn lăm lăm khí giới, mặt mũi tên nào tên nấy đề đằng đằng sát khí, nhất là tên Hắc Cẩu. Cơn gió lạnh buốt tràn đến khiến Vũ rùng cả mình vì lạnh, cậu bủn rủn chân tay chưa biết phải làm gì thì nghe thấy một tiếng chuông rung rất khẽ từ đâu đó vọng lại. Tiếng chuông vừa dứt, Dạ Xoa phu nhân gắn giọng:
“Thằng khốn nạn! Mày hại chúng tao đến nông nỗi này, còn dám vác mặt đến đây à?”
Vũ luống cuống không biết phải làm sao, trong vạt áo cậu lúc này còn nguyên con dao, thế nhưng cậu biết chắc thứ đó chẳng hề giúp được gì vào lúc này. Cậu chỉ còn biết kéo dài thời gian bằng cách lấp liếm:
“Phu nhân Dạ Xoa! Tôi nào có bản lĩnh giết bà, chẳng qua đến ngày tận số của bà mà thôi. Còn đám đàn em lâu la của bà, chẳng qua là chúng giết quá nhiều người nên mới rước họa vào thân đó chứ? Cớ sao lại trách tôi?”
Mặc dù nói như thế nhưng trong lòng Vũ sợ đến phát điên, cậu mong thầy Lãnh đến thật nhanh, nếu không bản thân cậu cũng không dám chắc sẽ có chuyện gì xảy ra. Thằng Hắc Cẩu gào lên như một con thú bị thương, lúc này Vũ mới để ý một vạt đầu của hắn đã bị dòi bọ ăn sạch, để lộ ra một một phần não nhơn nhớt nước. Hắc Cẩu gầm gừ văng tục:
“Mẹ kiếp thằng oắt con nham hiểm! Phen này mày đừng hòng thoát ra khỏi đây!”
Chưa nói dứt lời, Hắc Cẩu xông tới, thanh đao đen xì trong tay hắn hệt như một con rắn đen khổng lồ. Vũ và Đại Phong cùng quay đầu chạy, mùi máu tanh tưởi từ đâu xông tới nồng nặc. Một tiếng chuông rung lên dồn dập, lập tức Vũ nghe thấy tiếng chó sủa dữ dội từ đằng xa, rồi lại chưa kịp hoàn hồn thì một bầy chó u máu đã kéo tới
Một người một ngựa lập tức bị bủa vây bởi bầy chó dữ, trên lưng mỗi con đều gù lên những bọc máu đỏ lòm, dù chúng chỉ gầm gừ nhưng mùi hôi thối tanh nồng từ trên người chúng tỏa ra khiến Vũ cảm thấy lợm giọng. Mấy tên đàn ông ngồi phía sau Dạ Xoa phu nhân rít lên từng tiếng phấn khích, mụ béo gào lên the thé:
“Hắc Cẩu! Mày uống máu chó quen rồi! Giờ mày sai lũ chó xơi tái thằng oắt đi!”
Hắc Cẩu cười hềnh hệch lững thững bước lại gần Vũ. Nếu không phải nhìn thấy hai chân hắn bay là là trên không trung thì có lẽ Vũ đã tin rằng hắn còn đương sống. Hắc Cẩu khẽ giơ tay lên, con chó u máu đầu đàn nhào tới trước mặt Vũ. Trong giây phút cận kề cái chết, chợt có tiếng vó ngựa dồn dập, , tiếng ai đó gào lên:
“Đừng hòng!”
Bị bất ngờ, bọn chó u máu dừng lại ngoảnh mặt về phía phát ra tiếng hét. Vũ nhìn thấy thầy Lãnh mặc chiếc áo giao lĩnh vạt đen phóng ngựa đi tới, đằng sau là cô Mừng và bác Hợp. Vừa mới nhìn thấy bè lũ của Dạ Xoa phu nhân, thầy Lãnh chỉ lẩm bẩm một câu gì đó, từ trong tay áo của thầy lập tức có vài con côn trùng sáng lấp lánh bay ra. Bè lũ băng cướp Dạ Xoa chưa kịp hiểu gì thì đã bị lũ côn trùng nhào tới, chúng rú lên đau đớn rồi lập tức tan biến hệt như tro bụi. Tiếng chuông rung trong rừng vang lên, bầy chó u máu đương ngây người nhìn cảnh tượng phía trước bỗng rùng mình vài cái rồi lại gầm gừ về phía Vũ.
Thầy Lãnh vẫn ngồi trên yên ngựa, đoạn lại rút từ trong ống tay áo ra một ống sáo nhỏ bằng trúc khẽ thổi một hơi. Vũ cứ ngõ rằng sẽ nghe thấy từ ống sáo nhỏ đó một thứ âm thanh gì đó, ấy vậy mà cậu chẳng thấy có điều gì khác lạ. Thế nhưng, loài chó u máu lúc ấy đột nhiên run lẩy bẩy. Trong rừng vang lên tiếng sột soạt, tựa như một con vật nào đó đương chạy đến. Tiếng bước chân càng lúc càng gần.
Thầy Lãnh lạnh lùng lên tiếng:
“Bá Ngao! Xử lý chúng đi!”
Từ trong bụi cây sau lưng thầy, một con chó thật lớn nhào ra. Vừa trông thấy nó, bầy chó u máu lập tức tan rã, một vài con nhanh chân chạy trốn vào bụi rậm, vài con khác run lẩy bẩy chỉ kịp kêu ẳng ẳng. Con chó Bá Ngao không chờ đến câu thứ hai, nó lập tức lao đến nhằm thẳng con chó u máu lớn nhất đang đứng trước mặt Vũ mà cắn xé. Máu từ những khối u trên lưng nó vỡ toang, bắn tung tóe cả vào mặt Vũ. Cậu sợ đến nhũn cả người bèn choàng hai cánh tay ôm lấy cổ con Đại Phong đương run bần bật.
Chưa đầy nửa tuân hương sau, con Ba Ngao đã cắn chết gần hết bầy chó u máu. Chứng kiến đồng loại của mình nằm la liệt giữa những vũng máu đen ngòm, mấy con chó còn lại đi giật lùi về bạt rừng tối om trước mặt, miệng kêu thảm thiết. Con Bá Ngao lúc này ung dung rũ cái lông toàn máu của nó, Vũ he hé mắt nhìn thì chợt thấy dưới ánh trăng thượng huyền, lông của nó vàng lấp lánh như thể ướt đẫm sương đêm. Toàn thân nó đầy máu, nó ngửi ngửi Vũ vài cái rồi đi đến trước thầy Lãnh như thể chờ khen thưởng. Thầy Lãnh mỉm cười, khẽ gật đầu với nó rồi khoát tay về phía thôn Cổ Lâu. Bá Ngao hiểu ý lập tức phóng vào màn đêm rồi biến mất.
Vũ chờ thầy Lãnh nói gì đó, nhưng người đàn ông trung tuổi lại quay ra nhìn bác Hợp rồi thì thầm:
“Vừa nãy có tiếng chuông rung!! E là có người ở đây rình mò sai khiến mới bày ra quỷ sự này!”
Bác Hợp gật đầu bèn thúc ngựa chạy về phía trước. Có lẽ ông trời dường như cũng muốn giúp đám thầy Lãnh tìm ra ngọn ngành, bác Hợp vừa đi được mấy bước thì bỗng có ánh chớp lóe lên soi sáng toàn bộ không gian. Trong cái khoảnh khắc ấy, Vũ nhìn thấy gã đàn ông mặc trang phục của người Mãn Châu lủi nhanh vào bóng tối. Trước khi bỏ chạy, gã còn kịp liếc nhìn Vũ một cái. Lần đầu tiên trong đời, Vũ kịp nhìn bên dưới đôi mắt bị lẹo sưng bụp đỏ lòm của hắn, có một cái sẹo hình trăng khuyết.
Vũ bàng hoàng cả người, linh tính mách cho cậu biết rằng, gã đàn ông người Mãn vừa lẩn trốn ấy chính là kẻ thù truyền kiếp của gia đình mình.
….
Bác Hợp phóng đi nhưng lại quay về rất nhanh, cây thương trên tay bác nhỏ vài giọt máu của lũ chó rừng chưa kịp chạy thoát. Bác lắc đầu nói với thầy Lãnh:
“Bị mất dấu rồi! Có lẽ đám Dạ Xoa phu nhân là do tên ấy gọi dậy!”
Không ai biết phải nói thêm gì nữa, thầy Lãnh khẽ nhíu mày rồi lắc đầu:
“Tại sao gã đàn ông lạ mặt ấy lại biết chúng ta sẽ tới đây để mà dùng oán linh của lũ cướp làm thành trận pháp hại người như vậy? Chẳng lẽ…”
Thấy bỏ lửng câu nói, rồi nhìn Vũ ân cần:
“Con có sao không? Có cưỡi được Đại Phong không?”
Vũ biết chắc thầy Lãnh cảm thấy khó hiểu về sự xuất hiện của gã đàn ông người Mãn tộc, chính cậu cũng không thể nào giải thích được vì sao gã lại cứ luôn đi theo cậu, rình mò và … bây giờ là muốn hại cậu. Suy cho cùng, cậu đâu có thứ gì đáng giá trên người, gia đình cũng đã sinh ly tử biệt đâu đáng để cho bất kỳ ai phải nhọc lòng? Thứ cậu muốn tìm kiếm nhất lúc này chỉ là con quái kỳ lạ đã từng hại người. Có như thế mới đặng rửa sạch oan khiên cho cha mẹ. Suy nghĩ ấy thoáng nhanh trong đầu, cậu khẽ lắc đầu:
“Bẩm thầy! Con không sao!”
Đám người ngựa lững thững trở về,dọc đường đi Vũ nhìn thấy những vong hồn vật vờ trên bụi cây, bờ suối. Có nhiều lúc, Vũ còn thấy anh thư sinh Phạm Khanh bay là là ở phía trước, thỉnh thoảng còn ngoái lại nhìn Vũ mỉm cười, làn da của anh tỏa ánh sáng leo lét hệt như một con đom đóm khổng lồ.
Từ ngày hôm ấy Vũ chính thức trở thành con trai nuôi của thầy Phạm Lãnh, căn nhà gỗ nằm rìa bên núi bỗng chốc trở nên vui vẻ hẳn. Người trong thôn Cổ Lâu biết được thầy Lãnh có cậu con trai bèn kéo đến chúc mừng, người thì mang vò rượu, người thì xách con gà, ai cũng muốn nhìn tận mắt cậu con trai khôi ngô mà thầy Lãnh đưa về.
Vũ được cha nuôi dặn rằng, nếu có ai hỏi thì chỉ nói rằng thừa cơ trốn thoát được từ băng cướp của Dạ Xoa phu nhân, tuyệt đối không được kể sự tình vào đêm hôm ấy. Vũ lập tức vâng lời, chẳng cần phải hỏi lại thì Vũ cũng hiểu rằng nếu để người ngoài biết được một thằng nhóc mới lớn như cậu đã dám cắt đầu mụ béo Dạ Xoa thì người ngoài ắt hẳn sẽ không còn dám đến lại gần Vũ.
Số nhân khẩu trong thôn Cổ Lâu không phải là nhiều, nhưng cũng chẳng ít.
Tuy rằng cuộc sống còn khó khăn, thôn dân chỉ có thể dựa vào việc trồng trọt, chăn nuôi, rồi thi thoảng dệt vải mang lên chợ huyện bán để trang trải cuộc sống. Ấy thế mà, người trong thôn sống vẫn vui tươi. Cứ chập tối, nhà nhà người người lại quây quần bên cái sân lớn của nhà cụ đồ trưởng thôn để nghe kể truyện. Thứ truyện mà họ ưa thích nhất ấy chính là truyện ma. Người già kể cho người trẻ, những người đàn ông tay ôm bầu rượu, những người phụ nữ vừa móc sợi đay vừa lắng nghe những thứ liêu trai, quỷ dị. Thỉnh thoảng có đứa trẻ con nào đó lại ré lên sợ hãi, ôm chặt lấy áo mẹ nhưng đôi tai vẫn cố lắng nghe.
Theo lẽ thường, thầy Lãnh chẳng bao giờ góp mặt vào những cuộc vui ấy. Thế nhưng phần vì muốn cậu con trai nuôi của mình hòa nhập với thôn dân, phần vì muốn đáp lại thịnh tình của bà con thôn xóm đối đãi ân cần với mình, tối hôm đó thầy Lãnh dẫn theo cậu Vũ đến nhà trưởng thôn.
Bên chén rượu nếp thơm lừng, cụ đồ trưởng thôn kể say sưa những câu truyện về Thạch Sanh chém chằn tinh, rồi bí ẩn những lão thầy Mo người Mường có thể dùng bùa khiến người ta chết bất đắc kỳ tử. Những chuyện ấy Vũ nghe đã nhiều, thành ra cậu chẳng chú ý nhiều lắm. Đương lúc trà dư tửu hậu, cụ đồ cũng đã kể xong, một người trong thôn mới nói bâng qua:
“Thôn ta nếu mà nói về kể truyện cụ đồ là nhất. Còn vị trí thứ hai chắc chắn phải thuộc về cụ Hoa bán đậu phụ”
Đám đông vang lên những tiếng đồng tình. Thầy Lãnh gật gù hưởng ứng:
“Cụ Hoa đó tốt tính lắm, tôi nhớ ngày trước đêm nào cụ cũng gánh hàng đi lên chợ huyện bán cho đám phu xe đấy!”
Cụ đồ trưởng thôn cười móm mém tiếp lời:
“Phải! Phải! Bà ấy là bà con xa với tôi..”
“Chẹp! Nếu mà không vắn số thì khéo cũng phải ngoài thất tuần mới mất đấy!”
Vũ cảm thấy trong lòng ngờ ngợ, cậu buột miệng:
“Dạ bẩm! Có phải cụ Hoa ấy dáng người thấp bé, miệng nhuộm răng hạt na, lưng hơi còng thường gánh đậu phụ không ạ?”
Cụ đồ trưởng thôn vừa rít xong điếu thuốc lào, gật đầu xác nhận:
“Chính phải! Chính phải!”
Vũ cảm thấy lạnh cả sống lưng, toàn thân cậu nổi đầy gai ốc:
“Bẩm, con vừa nghe cụ nói là cụ ấy mất rồi phải không ạ?”
Thầy Lanh lúc này cũng cảm thấy kì lạ, thầy nghiêng đầu nhìn con trai mình rồi trả lời:
“Ừ! Cụ Hoa mất rồi! Mất trước khi con đến độ hơn một tuần trăng. Mất vì trúng gió thôi! Chính tay bác Hợp nhà ta khâm liệm cho cụ đấy!”
Trái tim Vũ đập liên hồi, bụng Vũ như có ai thúc vào liên tục khiến cậu choáng váng không nói lên lời. Dân trong thôn lúc đó không ai để ý tới vẻ mặt ngày càng tái xanh của cậu, ấy là vì lúc ấy từ trên tán cây phượng già có tiếng một con chim lợn vang lên ai oán. Nhiều người lộ rõ gương mặt lo lắng, cụ đồ trưởng thôn lầm bẩm:
“Sắp có người chết! Chẳng lẽ… thôn này sắp có người chết à?”
Thầy Lãnh nhìn gương mặt thất thần của Vũ, lại ngước lên nhìn con chim lợn, đoán chừng có chuyện chẳng lành, thầy thoái thác:
“Thôi! Đêm muộn rồi! Ngồi dưới sương đêm dễ cảm lạnh lắm đấy. Bà con về đi thôi. Cụ đồ cũng nghỉ đi thôi ạ. Hơi đâu mà để ý chuyện chim chóc linh tinh, chẳng qua chỉ là con chim lợn thôi mà!”
Nghe thầy Lãnh nói, dân trong thôn cũng đành lục tục ra về. Vừa về đến nhà, thầy Lãnh đã vội vàng hỏi Vũ:
“Sao vừa nãy khi vừa nhắc đến bà cụ Hoa trông con lạ thế? Có chuyện gì à?”
Vũ thảng thốt nhìn mặt người cha nuôi của mình rồi nặng nề nói:
“Đêm hôm trước cụ Hoa về đây! Cụ tới tìm con để nói cho con nghe thầy đương nuôi cổ trùng!”
Thầy Lãnh lặng cả người vì sửng sốt, giây phút ấy thầy chỉ đăm đăm nhìn Vũ, một lúc sau thầy mới khẽ ra hiệu cho Vũ đi lên trên Phật đường. Trong căn phòng phảng phất một mùi thơm ngát của thứ gỗ ngọc am lừng danh, Vũ khàn khàn giọng kể lại vào cái đêm cuối tháng cô hồn gặp bà cụ Hoa. Nghe xong câu chuyện, thầy Lãnh thở dài:
“Ta chắc chắn với con rằng có kẻ nào đó đã nhập xác vào bà cụ Hoa. Bởi lẽ ở khắp cái thôn Cổ Lâu này, không một ai biết được ta đương nuôi cổ trùng. Không một ai cả! Kể cả bác Hợp hay cô Mừng.”
“Vậy ra chuyện thầy nuôi cổ trùng là ? Con … con nghe nói chỉ có kẻ nào còn gì để mất mới nuôi cổ trùng. Tại thầy phải làm vậy?”
Ngừng một lát, như thể trong đầu nảy ra trả lời, Vũ lẩm bẩm với chính mình, cũng đủ cho hai người nghe thấy:
“Thầy… thầy nuôi cổ trùng là để trả thù anh Khanh”
Đôi vai thầy Lãnh run lên bần bật, thầy cúi đầu trước một bức tượng Phật rất lớn, giọng như nghẹn lại:
“Vũ! Con giờ đã là con trai của ta! Ta biết con lưu lạc đến đây là đã phải trải qua một biến cố lớn lắm. Nhưng nhưng… thật lòng ta không muốn con còn nhỏ như vậy mà phải đánh đổi tất cả để trả thù cho cha mình.”
Vũ nhìn thẳng vào mắt thầy Lãnh rồi khẽ hỏi:
“Xin thầy thứ lỗi cho con hỏi một câu. Từ ngày thầy biết anh Khanh bị Dạ Xoa phu nhân bức hại, có đêm nào thầy ngủ yên không?”
Thầy Lãnh toan nói điều gì nhưng rồi lại thôi, cuối cùng chỉ đành nhắm mắt lắc đầu coi như đã đáp trả. Vũ lúc này đã dần mất hết bình tĩnh, cậu nói như hét lên:
“Con cũng thế! Con cũng y hệt thầy! Từ lúc cha mẹ con chết đến giờ, chưa lúc nào con ngủ yên được cả. Con… con… thà chết.. con cũng phải báo thù rửa sạch oan khuất. Thầy có biết, cha con cả đời không dám lơ là nhiệm vụ một phút nào… Mẹ con cả đời cũng không dám sống quá xa hoa dành tiền cứu dân khắp nơi.. Những như thế… tại sao phải chết thảm vậy?! Tại sao phải chết tủi nhục như vậy”
Thầy Lãnh bàng hoàng, chính ông cũng không ngờ ẩn sâu trong tâm hồn của thằng nhỏ gương mặt khôi ngô, cử chỉ điềm đạm này lại chất chứa nhiều oán hận đến thế. Vũ mặc kệ nước mắt đương tuôn như mưa trên gương mặt, cậu gằn từng tiếng:
“Con muốn giết con quái ăn thịt người, giết cả lũ vô lại hệt như cách thầy muốn giết Dạ Xoa phu nhân vậy. Thầy chắc chắn phải hiểu cảm giác này chứ!”
Một cơn gió tràn tới thổi ùa vào làm cánh cửa sổ mở toang. Thầy Lãnh ho khùng khục, Vũ luống cuống vội đỡ thầy. Thầy lắc đầu buồn bã
“Ta dẫu sao cũng là một kẻ chẳng còn ai thân thích. Vợ chết, con chết, tuổi già ập đến mới đường cùng sử dụng thứ cổ trùng này để đòi món nợ máu với mụ béo Dạ Xoa. Con còn trẻ, còn cả một quãng đường dài phía trước. Chẳng lẽ con muốn sống một đời người không ra người, quỷ không ra quỷ hay sao?”
Vũ cứng cỏi đáp lời:
“Xin thầy đừng nghĩ con không biết dùng cổ trùng đoạt mạng người khác sẽ bị quả báo gì. Cùng lắm là con chết. Con biết kết cục ấy từ lâu rồi!”
Gương mặt thầy Lãnh càng lúc càng tái nhợt, thầy nặng nề cất giọng:
“Từ nhỏ ta đã theo học vu thuật của một vu sư. Ban ngày sư phụ ta là quan ngự y đứng đầu thái y viện ở kinh đô Phú Xuân, nhưng đêm đến ông ấy là một vu sư chuyên trừ quỷ. Nói ra cũng thật lạ, nhiều người thường nhầm tưởng vu sư cũng giống như pháp sư nhưng thực ra giữa ta và họ khác nhau hoàn toàn. Vu sư cũng có người tốt, kẻ xấu. Sư phụ ta khi quyết định truyền nghề cho ta đã bắt ta thề rằng vĩnh viễn cuộc đời này không được dùng vu thuật để giết người.”
Vũ im lặng hồi lâu, cậu chờ đợi thầy Lãnh kể tiếp.
Dường như chưa bao giờ người đàn ông tóc muối tiêu này có ý định đem câu chuyện này nói cho người khác biết, vậy mà đêm nay… Thầy Lãnh lặng lẽ lấy một vò rượu trong góc nhà rồi tu ừng ực, một lúc sau mới kể tiếp:
“Trong số hai người đồ đệ của sư phụ ta, chỉ có ta dám theo học thứ vu thuật kỳ bí ấy. Thằng nhóc Bộc mà con quen biết ấy… bản tính của nó quá hiền lành, quá nhút nhát… nó… nó không thích hợp. Người đời vẫn nói, phàm những kẻ làm vu sư như ta đều không có kết cục quá viên mãn trong đời.Bởi lẽ để thi triển vu thuật cần phải đánh đổi rất nhiều thứ, nào là giết vật lấy máu, trộm đoạt lẫn nhau… chưa kể. chưa kể còn phải… phải giết người. Lúc trẻ ta học vì hiếu thắng, muốn trở thành kẻ có thực tài. Sư phụ ta cũng không muốn những thứ mà bản thân mình đã dày công đúc kết bị thất truyền nên mắt nhắm mắt mở dạy cho ta. Thứ mà cả cuộc đời ông ấy tâm đắc nhất, ấy chính là cổ trùng nhân .”
Vũ nghe mà trong lòng rối bời như tơ vò, cậu nhíu mày ngẫm nghĩ:
“Cổ trùng thì con có thể lờ mờ hiểu. Nhưng… nhưng tại sao lại có vế nhân mạng phía sau?”
Thầy Lãnh lắc đầu:
“Cổ trùng chỉ là thứ yếu. Thứ thực sự đáng sợ… ấy chính là nhân mạng. Muốn làm được thành công, bắt buộc phải dùng máu thịt của con người.”
Thấy Vũ ngây ra không hiểu, thầy Lãnh lại thở dài:
“Chuyện này dài lắm. Rồi dần dần sẽ có người nói cho con hiểu.”
Vũ chưa kịp nói gì, thì thầy Lãnh đã bỏ ra ngoài Phật đường, để lại Vũ với gương mặt hoang mang.
Sáng hôm sau trong thôn Cổ Lâu xảy ra chuyện lớn. Mới từ tờ mờ sáng tinh mơ, người đã nghe thấy tiếng hét thất thanh rồi tiếng khóc ầm ĩ vang lên từ cuối thôn. Dân trong thôn tò mò đến xem thì thấy cô Lành cháu ruột cụ đồ trưởng thôn đương bò dưới đất khóc lóc. Đáng lý rằng chuyện cũng chẳng có gì để nói, thế nhưng khi bà con trong thôn xóm tận mắt chứng kiến cô Lành vừa khóc vừa nôn thốc nôn tháo ra hàng chục con nhộng tằm trắng toát từ miệng thì ai nấy đều thất kinh. Có đứa bé con tưởng là đồ chơi liền nhặt mấy con tằm ấy lên để xem thì mới phát hiện ra tất cả chúng đều còn sống. Đứa bé con sợ quá gào lên thảm thiết:
“Cô Lành thành quỷ rồi! Cô Lành thành quỷ rồi chúng bay ơi!”
Hơn một tuần hương sau cô Lành vẫn nôn thốc nôn tháo. Ban đầu những con tằm còn có màu trắng nguyên bản, thế nhưng càng về sau cô Lành nôn mửa càng nhiều, mấy con tằm dính cả mật xanh, mật vàng; có lúc cô còn thổ cả huyết. Đám tằm loe ngoe trong vũng máu rồi ngớp ngoái chết đi, thân tằm trắng đục nổi bật lên trên nền máu đỏ thâm khiến ai cũng phải kinh sợ. Bà Nha mẹ cô Lành gào lên van xin những người chứng kiến:
“Ai đó.. ai đó đi mời thầy Lãnh giúp tôi với… Cứ thế này con tôi chết mất!”
Bà Nha chưa nói dứt lời thì đã thấy thầy Lãnh vội vã đi tới, theo sau là cô Mừng, bác Hợp và cậu Vũ. Thoạt nhìn thấy cô Lành, gương mặt thầy Lãnh đã biến sắc. Vũ thấy thầy quay lại nói thì thầm với cô Mừng:
“Kim tằm!”
Cô Mừng mắt chăm xuống nền đất đầy máu và nước dãi người, gương mặt không hề lộ ra vẻ sợ hãi. Cô chỉ lẳng lặng gật đầu mà không nói gì thêm. Thầy Lãnh đuổi tất cả mọi người ra ngoài, trong phòng chỉ còn lại hai người phụ nữ. Vũ cố gắng đứng ngoài để ngó vào, nhưng chẳng nghe ngóng được gì thêm nữa.
Nhà cô Lành vốn kề sát vào vách núi, nhìn thẳng ra vạt rừng âm u trước mặt. Buồng ngủ của cô Lành cũng có cửa sổ nhìn ra sân sau hệt như ở nhà Vũ lúc trước ở phủ Quốc Oai. Vũ ngẩn ngơ đứng nhìn, thỉnh thoảng lại cố áp tai vào bờ vách nghe cho kỹ, trong nhà chỉ có tiếng người nói rì rầm rất khó hiểu, nghe kỹ thì hình như là giọng cô Mừng
Phải đến giờ Dậu hôm nay cô Mừng mới lảo đảo bước ra, trên gương mặt lấm tấm mồ hôi lộ rõ vẻ mệt mỏi. Thầy Lãnh hỏi ngay:
“Sao rồi?”
Cô Mừng hướng mắt vào bên trong rồi gật đầu. Bà Nha lúc này mới vội vã bước vào, Vũ thấy thế cũng tò mò đi theo. Trong căn phòng thoảng lên một mùi tanh ngọt của máu, trên mặt đất vương vãi những con tằm đã chết từ bao giờ. Cô Lành nằm sống xoài bất tỉnh nhân sự, toàn thân đầm đìa mồ hôi và máu, từ lỗ tai, lỗ mũi và hốc mắt cô có vô số những con tằm nhỏ li ti, nhìn từ xa hệt như đống dòi ăn xác chết. Bà cụ Nha vừa trông thấy con gái bèn hét toáng lên ngất xỉu. Thầy Lãnh vội vã tiến vào, gương mặt thầy thất thần quay lại hỏi cô Mừng:
“Thầy cũng biết rồi đấy, thứ kim tằm này chính là cổ trùng. Chỉ có người hạ cổ mới có thể hóa giải. Sức của con có hạn, e rằng chỉ giữ mạng sống cho chị ấy được vài ngày thôi. Từ giờ đến rằm tháng tám mà không tìm ra được người hạ cổ thì e rằng…”
Bà cụ Nha vừa tỉnh lại chợt nghe thấy cô Mừng nói vậy bèn khóc nấc lên. Bà lồm cồm bò tới, quỳ sụp xuống chân thầy Lãnh van xin:
“Tôi trăm lạy, ngàn lạy thầy xin thầy cứu cháu nó. Gia đình tôi mẹ góa con côi, nếu mà con tôi chết đi thì tôi cũng chẳng thiết sống nữa… hu hu hu”
Thầy Lãnh lúng túng đỡ bà Nha dậy, người trong thôn lúc này kéo tới xem đông nghịt.
Cụ đồ trưởng thôn tập tễnh chống gậy đi vào, đôi mắt già nua rưng rưng lệ, cụ ôn tồn nói:
“Thím Nha này! Thím thử nghĩ xem cháu Lành nhà ta có đắc tội với ai không.Thủ thực với mọi người, thứ bùa ngải kinh hoàng này tôi sống cả đời mà giờ mới được chứng kiến lần đầu tiên. Không… không biết kẻ nào lại có thể độc ác đến vậy…?”
Bà Nha đương quỳ dưới đất khóc lóc nghe thấy thế với giật mình kinh hãi rồi phân trần:
“Làng trên xóm dưới đều biết, từ trước đến giờ mẹ con tôi nào có đắc tội với ai. Con Lành nhà tôi lúc nào cũng chỉ quanh quẩn ở nhà. Người ta đến dạm hỏi nó còn chẳng dám ra tiếp… Làm sao …. Làm sao mà đắc tội với ai được cơ chứ?”
Thấy bà Nha nói có lý, người trong thôn chỉ biết im lặng nhìn nhau rồi lắc đầu. Chợt bà Nha giật mình như thể nhớ ra điều gì đó. Bà túm lấy vạt áo thầy Lãnh rồi run run
“Đúng rồi! Cách đây mấy hôm con Lành có kể với tôi có một người đàn ông lạ mặt đi vào trong thôn tìm người. Người ấy ăn mặc kỳ lạ lắm, không như dân ta đâu. Trên đầu lại cạo trọc một nửa rồi tóc tết thành đuôi sam như đàn bà ấy. Người ấy đi từ trong rừng, gặp con Lành bèn hỏi chuyện vài câu. Con Lành lắc đầu bảo không biết, người ấy vẫn cố nài theo để hỏi tiếp, con Lành bực quá mới bảo:
“Tôi có phải ma đâu mà biết được hết việc thiên hạ!”
Người đàn ông ấy không nói gì nữa, chỉ đứng nhìn theo con Lành đi vào gian nhà trong. Ngoài chuyện đó ra thì … thì tôi không thấy có gì lạ nữa!”
Lời nói của bà Nha khiến cho thầy Lãnh, Vũ và cả cô Mừng bàng hoàng cả người. Cả ba nhìn nhau không thốt lên lời. Thầy Lãnh vừa đỡ bà Nha vừa nói:
“Bác cứ đứng dậy đã, chuyện đâu còn có đó. Cô Mừng sẽ giúp con bác cầm cự, chà tìm cách xem có giúp được không.”
Nói đoạn thầy quay ra bảo với người trong thôn:
“Sự ở đây đương rối rắm, bà con ai về nhà nấy đi, đừng tụ tập ở đây thêm nữa. Cái bệnh này dễ lây lắm đấy!”
Vũ biết thầy Lãnh chỉ nói vậy để đuổi khéo thôn dân đi, nhưng có vẻ người nào người nấy đều tin là thật, họ vội vã bỏ về không dám nán lại thêm nữa. Cô Mừng lui vào bên trong để chăm sóc cho cô Lành. Trong gian nhà chính chỉ còn thầy Lãnh, Vũ và bà Nha. Thầy Lãnh dịu giọng hỏi nhỏ:
“Bác Nha có biết, người đàn ông ấy hỏi gì Lành nhà ta không?”
“Nào tôi đã gặp người đàn ông quái lạ ấy bao giờ. Chỉ biết là… người đàn ông ấy cứ hỏi đi hỏi lại con Lành rằng có người lạ nào đến thôn này hay không. Con bé về kể lại thì tôi cũng chỉ ậm ừ cho rằng câu chuyện chẳng có gì đáng chú ý.”
Càng lúc Vũ càng cảm thấy lạnh cả người, cậu cố giữ giọng mình bình thường nhất có thể rồi nói bâng qua:
“Lạ nhỉ! Người đàn ông ấy chắc từ phương xa tới, chứ người Việt ta làm gì có lối ăn mặc kì quái đến như vậy. Bà ơi… thế. thế cô Lành có nhìn rõ mặc người đàn ông ấy như thế nào không?”
Bà Nha khó nhọc lắc đầu rồi lại ngóng vào trong buồng con gái khóc tấm tức. Vũ đưa mắt nhìn cha nuôi đầy ngụ ý. Trời lúc này đã tối mịt, vầng trăng lững lờ trôi trên cao tỏa xuống thứ ánh sáng nhợt nhạt. Đột nhiên bà Nha quay lại nói nhanh:
“Thôi đúng rồi! Tôi có kể với tôi, trên gương mặt của người đàn ông ấy có vết thẹo nhìn từa tựa trăng lưỡi liềm.”
Chén trà trong tay Vũ vỡ toang trên nền nhà. Bà Nha ngạc nhiên ngó theo, thầy Lãnh khẽ nạt Vũ:
“Sao lại không cẩn thận thế hả con?! Bảo bao nhiêu lần rồi!”
Vũ vâng dạ rồi xin lỗi bà Nha, đúng lúc ấy cô Mừng đi ra buồn bã nói:
“Tôi tắm rửa cho cô ấy rồi, cũng thay cả quần áo mới rồi. Bây giờ cũng chỉ còn chờ ý trời mà thôi!”
Bà Nha vào ôm con khóc rũ rượi. Đám người nhà thầy Lãnh thấy không đành lòng bỏ mặc mẹ góa con côi nên cùng nhau ở lại, phải đến nửa đêm mới ra về.
Về đến nhà đợi trước cửa, vừa gà gật ngủ. Thầy Lãnh đuổi Vũ đi ngủ trước, ban đầu cậu vùng vằng không chịu đi. Phải đến khi thầy Lãnh hứa sẽ cho cậu biết sự thật vào hôm sau thì Vũ mới miễn cưỡng trở về. Thầy đứng chờ cho Vũ đi hẳn, rồi mới châm thêm vài ngọn đèn, sau cùng ngồi phịch xuống cái ghế gỗ phía trước, đoạn thở dài lo lắng:
“Xem chừng gã đàn ông người Mãn Châu có thẹo ở mắt ấy đã tìm đến đây!”
Bác Hợp không hiểu sự tình nghe thấy thầy Lãnh nói vậy bèn hốt hoảng hỏi lại:
“Có chuyện gì vậy? Gã lần trước đến đây u?”
Không ai vội trả lời bác. Cô Mừng cắn môi suy nghĩ:
“Gã tìm Vũ nhà ta có mục đích gì? Vũ từng kể cho chúng ta nghe về quỷ sự xảy ra ở phủ Quốc Oai ấy. Tại sao gã lại thường hay xuất hiện bên cửa sổ phòng Vũ? Rồi hàng loạt cái chết của người ta nữa? Có vẻ như tất cả sự việc đều nhắm vào cậu nhỏ này. Thầy Lãnh… thầy nghĩ sao?”
Thầy Lãnh vò đầu cho tỉnh táo rồi thở dài:
“Trước kia tôi có được sư phụ mình xem bói cho. Quẻ bói nói rằng, cuộc đời tôi không viên mãn, sau sẽ có một người con trai nuôi có dị năng cứu giúp. Thằng bé này… từ lúc nhìn thấy nó dám cắt cổ Dạ Xoa phu nhân và lợi dụng xác chết của mụ để hù dọa đám cướp, tôi đã hiểu nó không phải người có bình thường”
Mừng và bác Hợp im lặng lắng nghe, thầy Lãnh khẽ nghiêng đầu ra phía sau để xem Vũ có nghe lén hay không:
“Chẳng hiểu vong hồn nào đã nhập vào xác bà cụ bán đậu phụ để nói cho nó biết việc tôi muốn trả thù cho con trai ruột của mình. Mấy ngày nay nó đã hỏi tôi về thứ cổ trùng ấy. Tôi chưa kịp trả lời cho nó thì xảy ra chuyện này!”
Cô Mừng thảng thốt:
“Nó định nuôi cổ trùng hay sao? Nhưng … nhưng mà… dù cho có nuôi thành công thì cũng chưa chắc đã đối đầu được với tên Mãn Châu kia. Thứ cho nhà cháu nói thẳng, hôm nay chính tay cháu chữa cho cô Lành thứ bệnh cổ trùng kim tằm ấy. Người làm ra chuyện này tuyệt đối không phải kẻ tầm thường.”
Lãnh đột ngột ngắt lời:
“Tạm gác chuyện của Vũ qua một bên. Cô Mừng thử nói cho tôi xem, tại sao tên Mãn Châu kia lại hạ cổ với con gái bà Nha?”
Cô Mừng ấp úng một lúc, thầy Lãnh thở dài nhìn ra cửa:
“Mục đích của tên đó rất đơn giản. Hắn muốn biết trong thôn này có vu sư nuôi cổ trùng hay không mà thôi. Vốn dĩ… vốn dĩ chúng ta không nên xuất đầu lộ diện… nhưng cả đời sống ở đây rồi, ta không đành lòng nhìn thấy cảnh con bé Lành bị trùng từ trong thân đục hết lục phủ ngũ tạng. Xác chết của cổ trùng mà để người khác nhìn thấy… e rằng…”
Bác Hợp lúc này mới xen vào:
“Nhưng một khi đã bị hạ cổ, làm sao có thể cứu được trừ khi kẻ hại người muốn cứu?”
Cô Mừng chậm rãi trả lời:
“Ngay từ đầu thầy Lãnh đã biết là không thể cứu mạng được. Thầy cho cháu xử lý chỉ là giữ cho cổ trùng không ăn mòn cơ thể cô Lành để mở đường chui ra ngoài thôi. Cô Lành chí ít cũng có thể chết toàn thây”
Nghe cô Mừng trả lời, bác Hợp co rúm người vì sợ hãi. Từ ngày bác theo thầy Lãnh đến nay, chưa bao giờ sự tình lại xảy ra dồn dập đến thế. Nào là việc Vũ đột ngột xuất hiện, rồi gã đàn ông người Mãn lảng vảng trong khu vực này, nay lại đến việc người trong thôn bị hạ cổ.
Cô Mừng nghiêm giọng hỏi:
“Vậy thầy định tính thế nào đây?”
“Ngày mai cô hãy cho thằng bé biết về cổ trùng, nhất là thứ cổ trùng nhân mạng ấy. Để xem xem nó quyết định như thế nào, lúc đó chúng ta mới có thể tính tiếp.”
Thầy Lãnh ưu tư đáp lời.
Hai người còn lại không nói thêm gì nữa, chỉ gật đầu chào rồi lui về phía gian nhà trong. Vầng thái dương hăm hở ngoi lên từ phía đằng đông, chiếu ánh sáng đầu tiên của ngày mới lên những mái nhà tranh, nhà ngói trong thôn Cổ Lâu ảm đạm. Một tiếng chim lợn vang lên eng éc, sau đó là một tiếng hét ầm ĩ từ đằng xa báo hiệu trong thôn có người nào đó vừa từ giã cõi đời.
Không ai biết được rằng, bắt đầu từ ngày hôm ấy, sự bình yên của Cổ Lâu lại một lần nữa xáo trộn.