Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 33
HỒI THỨ MƯỜI MỘT
HOẠ Ở CỔ LÂU THÔN
Một đêm đầu thu gió heo may lành lạnh thổi, người trong thôn Cổ Lâu đã chìm vào giấc ngủ từ lúc nào. Không ai biết được rằng, trên con đường mòn nho nhỏ đầy hoa xoan có một gã đàn ông tóc tết đuôi sam, mặc trang phục người Mãn lầm lũi đi trong màn sương dày đặc.
Gã đi rất êm, tựa hồ như gót giày của gã chẳng hề chạm lên trên mặt đất. Đôi mắt gã đỏ lòm, sáng rực lên trong đêm tối hệt như mắt của loài dã thú. Mấy tiếng mèo gọi bạn vang lên đó đây khiến hắn dừng lại nghe ngóng. Một hồi sau gã lại âm thầm bước đi, trên tay vẫn cầm nguyên một xâu tiền xu cũ rích.
Gã đi đến cạnh cái hồ nước nhỏ , lần tới lần lui như muốn tìm một thứ gì đó. Một con chuột ẩn nấp sau gốc cây gạo già nhìn gã sợ sệt. Gã cúi xuống bên cạnh gốc cây, mặt song song với con chuột rồi mỉm cười đắc ý. Con chuột hoảng sợ vội tìm chỗ trốn nhưng không kịp, gã đàn ông trở tay nhanh như cắt đã tóm lấy cái đuôi của nó. Con chuột giãy dụa kêu lên chin chít, nó dùng hết sức đề cong người lại định cắn cho gã đàn ông một cái. Thế nhưng ngay khi nó chưa kịp thực hiện ý tưởng ấy thì gã ta đã nhanh chóng thồn vào miệng nó vài con tằm dâu trắng muốt, beo béo thơm thơm. Miếng ăn khiến con chuột quên đi hẳn nỗi nguy ngập trước mắt, nó tận hưởng vị béo ngọt tiết ra từ những con tằm óng ánh. Gã đàn ông thả con chuột xuống đất, vừa nhìn nó chạy cuống cuồng chui vào trong hốc đá, vừa cười nhạt:
“Nhớ nhé! Nhớ mà sinh thật nhiều con đàn cháu đống, biết chưa?”
Vầng trăng u uẩn bị mây đen che mất. Gã đàn ông lẩm nhẩm đếm bước chân rồi biến mất trong màn đêm. Khi bước ra khỏi cổng thôn, gã ngoái lại nhìn rồi cười nhạt:
“Làng này đã có một con ngốc chết vì cổ trùng, rồi sẽ chết thêm nhiều người nữa.”
Gió bắt đầu thổi mang theo vài hạt mưa đêm.
Một hạt…
Hai hạt…
Một lúc sau… mưa ào ào dữ dội.
Sáng sớm hôm ấy, cô Lành chết. Từ lúc khai hoang vùng đất này, người ta chưa từng thấy một cái chết nào ghê rợn đến vậy. Người khâm liệm kể lại, khi họ đến thì từ thất khứu của cô Lành úa ra tua tủa những cái nhộng tằm nhỏ li ti, hệt như xác chết trương sình thối rữa bốc mùi lâu ngày Mấy người thợ khâm liệm nhìn nhau ngần ngại, định bụng từ chối nhưng trước sự khẩn thiết của cụ đồ trưởng thôn, họ đành tặc lưỡi. Khâm liệm buổi sáng thì buổi chiều người ta đưa cô ra đồng, không ai dám nấn ná thêm vì sợ rằng thứ kim tằm cổ quái ấy sẽ lây đến mình,
Trong cơn mưa chiều rả rích, thầy Lãnh buồn rầu mặc vội manh áo tơi rồi đi tiễn cô Lành tội nghiệp. Dù đã được tắm nước lá thơm và rượu, lại quấn chặt thêm mấy lớp áo liệm bằng vải xô trắng, thế nhưng người ta vẫn ngửi thấy mùi tanh tanh thoang thoảng phảng phất quanh quan tài. Vũ đứng trong nhà nhìn theo đoàn đưa tang lầm lũi đi trong mưa rồi thở dài. Cô Mừng cặm cụi ngồi nấu rượu ngô trong bếp, mới đầu thu nhưng tiết trời đã se lạnh. Từng cơn gió heo may ùa về, mang theo cả mùi hương ổi chín tới, xen lẫn với mùi khói nhang ai đó đốt cho người khuất mặt.
Vũ ngồi bên bếp củi nhìn ánh lửa bập bùng, hỏi vu vơ:
“Cô Mừng ơi! Thứ chui từ họng của cô Lành ra là gì thế?”
Cô Mừng đương chẻ lạt tre nghe thấy thế bèn ngừng lại một lúc rồi khẽ nói:
“Đó là kim tằm đó con!”
“Thứ đó có phải cổ trùng không hả cô?”
Không khí của cuộc nói chuyện diễn ra hết sức tự nhiên, cứ như hai người đương nói về một thứ gì đó bình thường chứ không phải thứ cổ trùng đoạt mạng.
Vũ có ý thăm dò, cậu cố giữ cho giọng nói của mình thật thản nhiên:
“Con nghe nói cha nuôi của con có nuôi cổ trùng. Cha con cũng từng nhắc đến thứ cổ trùng nhân mạng. Tại sao người ta lại cổ trùng đến thế vậy cô? Con nghe mà không hiểu gì cả.”
Cô Mừng ngần ngừ một lúc rồi ngó ra ngoài cửa như muốn xem xem có ai nghe lén không, đoạn nhỏ giọng nói:
“Thầy Lãnh nói với cô, sớm muộn gì cũng phải cho con biết về thứ cổ trùng này. Nếu con đã muốn biết tới như vậy thì ta cũng không giấu nữa. Đúng vậy! Nhà này nuôi cổ trùng. Cha ta trước đây chính là quan ngự y trong triều đình ở kinh đô Phú Xuân, cũng chính là sư phụ của cha nuôi con. Khi thầy Lãnh về Cổ Lâu sinh sống thì ta mới sanh ra đời, lúc đó cha ta bệnh nặng chỉ đành gửi gắm ta cho đệ tử của mình mà thôi.”
Thầy Vũ im lặng, cô mừng tiếp lời:
“Người xưa có câu: Nuôi trùng, dưỡng ngao, luyện ngải…
Trong ba thứ ấy, nuôi trùng là khó khăn nhất, cũng là độc ác nhất, còn luyện ngải thì vốn dĩ đã quá quen thuộc với dân Việt ta rồi. Những người nuôi cổ trùng thường tập trung ở vùng núi phía Nam của nước Trung Hoa, hoặc mạn Tây Bắc của thành Thăng Long. Người ta nuôi cổ trùng, nuôi ngải để dùng vào nhiều mục đích, chỉ có kẻ nào táng tận lương tâm mới đi dùng nó để hại người mà thôi.
Nhiều người trước đây vẫn thường quen gọi cổ trùng là kim tằm. Một khi đã nuôi chúng rồi, tuyệt đối không thể quay đầu được nữa. Chúng. chúng.. còn kinh khủng hơn cả ngải”
“Vậy thì làm sao để nuôi cổ trùng hả cô?”
Nồi rượu ngô sôi sùng sục trên bếp, cô Mừng thở dài một tiếng rồi đáp lại:
“Muốn nuôi trùng chỉ có duy nhất một dịp trong năm, ấy là vào ngày mồng,nhằm tiết đoan ngọ. Khi ấy là mùa hạ, tiết khi nóng ẩm, là thời điểm vật có độc sinh trưởng nhiều. Giữa lúc khí độc đương thịnh, người nuôi sẽ tìm khoảng một trăm con rắn, rết các loại bỏ vào trong một chum vại.
Sau đó, người nuôi sẽ tắm rửa trai giới, quét dọn nhà cửa thật sạch sẽ để thắp nhang khấn bái quỷ thần. Cuối cùng người ta sẽ bịt kín miệng lu, đem giấu chiếc chum vại ở nơi tối tăm ẩm thấp, hoặc tốt nhất là chôn kín chiếc chum, mặc kệ loài rắn rết trong đó ăn thịt lẫn nhau.”
Vũ nghiêng đầu thắc mắc:
“Như thế là có được cổ trùng hay sao?”
Cô Lành khẽ lắc đầu cười buồn:
“Sao có thể dễ dàng như thế được. Trong suốt những ngày tháng ấy, người nuôi cổ phải đêm đêm khấn vái, đọc chú trước khi đi ngủ, không được phép bỏ ngày nào. Nếu như để người nuôi cổ khác rình được học thuộc bài chú ấy, người ấy sẽ dùng chú đó thu cổ trùng về để hại chết nhà chủ cũ. Vũ này! Con vẫn thường nghe nói, thai nhi trong bụng mẹ phải đủ chín tháng mười ngày mới ra đời. Cổ trùng cũng vậy, nhưng chỉ cần trăm ngày là đã luyện thành rồi. Con vật cuối cùng còn sống sót trong chiếc chum vại cũ ấy chính là cổ mẫu, khi đã luyện thành nó sẽ thay đổi cả hình dạng cũng như màu sắc”
Vũ lặng người đi, cô Mừng khẽ dùng vạt áo giao lĩnh thấm mồ hôi cho cậu rồi mỉm cười hiền lành:
“Có lần chính mắt ta nhìn thấy, có người nuôi cổ trùng khi bắt rắn rết bọ cạp vào trong chum thì chúng đều có màu rất bắt mắt. Con thì màu xanh lục, con màu trắng đen, lại còn có con rắn màu trắng muốt rất đẹp. Ấy vậy mà trải qua trăm ngày… cổ mẫu cuối cùng cũng luyện thành, đó chính là con rắn trắng. Con có đoán được lúc này con rắn trắng như thế nào không?”
Lần này thì Vũ cảm thấy cuốn hút thực sự, cậu dè dặt đáp:
“Nó… nó… đổi sang màu đen hay sao?”
“Không! Con rắn trắng muốt ấy phình to hệt như con trăn, trên người nó loang lổ những vết xanh xanh, đỏ đỏ, lại còn có những nốt tròn màu đen. Ta đoán rằng, những vết tròn loang lổ ấy chính là độc từ những con vật khác mà nó đã ăn.”
Gương mặt Vũ đã nhợt nhạt vài phần, cô Mừng nhanh tay lọc những hạt ngô vàng ruộm bỏ sang một bên. Vừa làm cô vừa tiếp tục:
“Nói ra cũng thực kì công, cổ trùng có rất nhiều loại. Nếu làm từ sâu độc thì khi thoát kén, toàn thân phủ một lớp vàng óng ánh hoặc trắng muốt, gọi là cổ tằm. Nếu như cổ mẫu làm từ rắn rết sẽ được gọi là xà cổ. Người nào chọn ếch, thằn lằn thì khi luyện thành sẽ có dạng như kỳ lân, gọi là kỳ lân cổ. Thấp nhất trong cổ trùng là sắt cổ, những loại này sinh ra từ giòi, trùng hoặc là chấy rận.”
Vũ bất ngờ xen ngang:
“Chấy rận cũng có thể luyện thành cổ trùng hay sao?”
Cô Mừng gật đầu xác nhận:
“Đương nhiên! Phàm là loài vật nào có độc cũng đều biến thành cổ trùng được. Chỉ là độc sẽ không nhiều như rắn rết hay bò cạp mà thôi. Cung phi trong hoàng tộc còn có kẻ dùng cổ trùng từ con chấy để hại người, kẻ nào bị hạ cổ thì đầu tóc lúc nào cũng ngứa ngáy hôi thối không ngừng, ngày đêm gãi nấy gãi để cho tới khi tóc rụng hết, mười đầu ngón tay toàn máu đến chết mới thôi”
Cậu Vũ củi đầu làm
“Vậy là… vậy là cô Lành đích thực là bị hạ cổ.”
Lúc này cô Mừng bất chợt nghiêm mặt, cô thì thào:
“Đúng vậy! Thứ mà cô ta trúng phải là kim tằm. Người trúng phải cổ này toàn thân đau đớn dữ dội, từ trong nội tạng xuất hiện những con dâu tằm ăn thủng lục phủ ngũ tạng, khi lỗ tai, lỗ mũi có những con tằm nhộng bò ra thì cũng chết”
Một cơn gió lạnh thổi ùa vào căn bếp nhỏ khiến toàn thân Vũ rùng mình, cậu lẩm bẩm với chính mình:
“Không biết cô Lành đã gây ra nghiệt gì mà lại có kẻ nhẫn tâm hại cô ấy như thế chứ?”
Nói chưa dứt lời, Vũ đã chau mày thắc mắc
“Nhưng cô đã biết rõ như vậy, tại Sao không thể cứu cô Lành? Con nghe thầy Lãnh nói cô rất giỏi cơ mà!”
Cô Mừng buồn bã trả lời:
“Ta từ nhỏ đã nuôi cổ, trước là để phòng thân, sau là để dùng cổ cứu người. Cổ trùng hay bùa ngải cũng như đứa trẻ nhỏ vậy, nếu chúng ở với người tốt thì không sao, rủi mà nằm trong tay kẻ xấu thì vạn nhất đều trở thành thứ giết người đoạt mạng. Người nuôi cổ như ta dù cao tay đến đâu cũng không thể cứu được người bị hạ cổ.
Chỉ có một người duy nhất có thể cứu được ấy chính là kẻ hại người. Con nghĩ mà xem, một khi kẻ nào đó đã quyết tâm hạ cổ rồi, liệu hắn còn muốn gỡ cổ độc cho người ta không?”
Đến lúc này thì Vũ cung đã hiểu được bảy, tám phần. Thế nhưng còn một việc nữa trong lòng cậu vẫn không sao cắt nghĩa được. Chờ cô Mừng vớt bỗng rượu xong, Vũ ngập ngừng:
“Cha nuôi của con có nói, còn một thứ nữa gọi là cổ trùng nhân mạng… Không biết… không biết cô có biết thứ đó không?”
Cô Mừng vừa nghe thấy thế liền đánh rơi cái gáo dừa tạo nên một tràng âm thanh dài lộp cộp. Cô hít một hơi thật sâu để cho qua cơn thảng thốt rồi gật đầu:
“Đúng vậy! Thứ cổ trùng nhân mạng đó là thứ độc địa nhất mà giới nuôi cổ có thể nghĩ ra.. Để làm được điều này cần phải có máu thịt tươi của con người”
Vũ im lặng không đáp, cô Mừng vẫn vừa làm vừa ôn tồn giảng dạy, giọng điệu hệt như kể chuyện tầm phào:
“Cổ trùng nhân mạng có cách làm chẳng khác cổ trùng thông thường là bao. Chỉ có điều, thay vì chỉ dùng rắn rết bọ cạp thì người ta dùng cả con người.”
“Vậy… vậy là hàng đêm mỗi khi niệm chú, người nuôi cổ phải rưới máu có chính mình, bỏ vào hay sao. Cách làm này thực đáng sợ quá!”
Vũ run run đáp lại.
Đến lúc này thì giọng nói của cô Mừng cũng chẳng còn vẻ bình tĩnh nữa, trên gương mặt cô lấm tấm mồ hôi, đoạn đáp:
“Không phải như thế. Con nghĩ đơn giản như vậy sao? Cổ trùng nhân mạng chính là … chính là… bắt một người bỏ chung vào chum vại đầy rắn rết để cho người đó tự giết chết những con vật độc trong đó. Nếu.. nếu… thành công thì sẽ có cổ trùng nhân mạng, người này đi đường không sợ rắn rết làm hại, lại có thể tùy ý giết kẻ nào ngáng đường. Người nào nuôi được cổ trùng nhân mạng thực là đại họa khôn lường.”
Giọng cô Mừng thì thầm khe khẽ nhưng cũng đủ khiến cho Vũ bủn rủn cả người. Bản thân cậu không ngờ thứ cổ trùng nhân mạng này lại đáng sợ đến thế. Cậu run rẩy hỏi lại:
“Liệu… liệu có người nào từng nuôi cổ trùng nhân mạng chưa? Con …. Con …thật không ngờ”
“Có! Có một người bị đồn đại là nuôi cổ trùng nhân mạng. Nhưng sự thực như thế nào thì ta… ta… cũng không rõ. Chỉ là.. chỉ là nghe nói thôi.”
Cô Mừng ấp úng.
Vũ sốt ruột hỏi lại:
“Là ai? Là ai vậy cô? Cô đừng làm con tò mò”
Nồi rượu ngô trên bếp sôi sùng sục, tỏa ra mùi hương thơm phức. Củi đã tàn nhưng cô Mừng chẳng vội thay ngay, cô ậm ừ khẽ nói:
“Nghe nói thời Đường, chính Võ Tắc Thiên đã từng chặt chân chặt tay Vương hoàng hậu và Tiêu Thục Phi rồi cho vào trong một chiếc thùng lớn để làm thứ cổ trùng nhân mạng. Người ta đồn đại rằng, Võ Hậu lúc ấy muốn củng cố quyền lực của mình nên mới dùng hoàng hậu và Thục phi ngâm chung một thùng với rắn rết. Có lẽ vì muốn giữ bí mật về thứ vu thuật tàn ác này, mà đám tay chân của Võ Tắc Thiên nói rằng hai vị hậu phi kia ngâm vào trong rượu vì tội phản trắc, thứ rượu ấy gọi là cốt túy. Thế nhưng mà… những vu sư từ Trung Hoa đến Đại Việt ta đều tin rằng, quả thực Võ Tắc Thiên đã luyện cổ trùng nhân mạng.”
Vũ bàng hoàng cả người, cậu không ngờ rằng thứ cổ trùng này lại có lai lịch kinh hoàng đẫm máu tanh đến thế. Trời lúc ấy đã chạng vạng tối, cô Mừng lại tất tả chuẩn bị bữa cơm chiều. Vũ chỉ kịp níu cô lai rồi hỏi một câu cuối cùng
“… vậy ở Đại Việt ta đã có người nào luyện thành công thứ này chưa?”
Nghe câu này của Vũ, cô Mừng cười nhẹ:
“Việc này ta thực không biết. Cũng có thể có, cũng có thể không. Nhưng nếu quả thực có người luyện thành thì sao mà chúng ta có thể biết được chứ. Con nghĩ xem có đúng không?”
Trong lòng Vũ thót lên một cái hệt như có ai bóp mạnh. Đúng vậy! Nếu phải làm chuyện kinh hoàng đấy, hẳn là người ta sẽ che giấu đến cùng. Phần vì không để cho người khác biết mà cướp đoạt, phần vì sợ thiên hạ biết lòng người cũng có lúc không bằng cầm thú.
Từ ngày nói chuyện với cô Mừng trong lòng Vũ rối như tơ vò. Cậu ngẫm nghĩ về cái chết của cha mẹ, của anh lính Giản, của viên quan khâm sai và đứa con gái thầy lang Bộc. Thỉnh thoảng cậu lại lần giở bức phong thư bằng da đã cũ mèm mà cha cậu trao cho vào ngày ly biệt.
Nhìn đi nhìn lại Vũ cũng không thể coi đó là một bức thư, vì trên mặt da chẳng có gì đặc biệt cả, chỉ đơn giản là một bức họa vẽ bốn con chó đứng ở bốn góc, ở trung tâm có một Viêm ( hỏa ) mà thôi. Nhiều lúc Vũ tự hỏi, không biết thứ này là quái quỷ gì mà được gia tộc mình truyền từ đời này qua đời khác đến thế. Chẳng biết có điều gì bí ẩn cất giữ ở bên trong.
Nghĩ miên man một hồi, cậu lại chìm vào trong giấc ngủ, để rồi lại một lúc sau lại giật mình vì những giấc mộng mị nửa đêm. Cậu mơ thấy anh Giản về, rồi mơ thấy cả đứa nhỏ ba tuổi con trai của quan tri phủ đại nhân đứng trên người cậu cười khanh khách. Dù chẳng nói ra với ai, nhưng Vũ cũng tự lấy làm lạ. Chính tay cậu đã cắt đầu của Dạ Xoa phu nhân, đáng lẽ ra mụ đàn bà độc ác ấy phải đeo bám cậu mới phải, chứ không phải những vong hồn ở chốn cũ. Vừa gác tay lên trán vừa thở dài, Vũ ngủ quên lúc nào không biết.
Thời gian trôi nhanh như gió thoảng bên hiên. Cứ khi cây hoa đào cổ thụ trước nhà cha con thầy Lãnh nở hoa thì cũng là lúc mùa xuân đến. Tết vừa xong, ngoảnh đi ngoảnh lại đã đến tiết kinh trập, rồi tiết thanh minh, cốc vũ, tiểu mãn rồi mang chủng. Qua đến tiết lập thu, xử thủ là đến tiết bạch lộ, quay đi quay lại là tiết đại hàn.
Ngoảnh đi ngoảnh lại, cậu bé Vũ năm nào đã trở thành một chàng thanh niên khôi ngô, đĩnh đạc.
Thầy Lãnh trước đó đã từng mong muốn Vũ có thể theo nghiệp đèn sách như con trai ruột của mình lúc trước, nhưng Vũ chối từ.
Cậu vẫn nặng lòng muốn điều tra chân tướng cái chết của cha mẹ mình, thầy Lãnh hiểu lòng con trai nên cũng chẳng làm khó thêm nữa. Thầy hết lòng chỉ dạy cho Vũ cách xem bói, xem quẻ, thiên tượng, lại dạy cậu cách giải và vài món bùa phép để phòng thân. sẵn tố chất thông minh, lại có con mắt dương nên lĩnh hội nhanh hơn hẳn bình thường, thầy Lãnh lấy làm hài lòng lắm.
Kể ra cũng thật kì lạ, người xưa vẫn cho rằng trẻ nhỏ thì mắt sáng hơn bình thường, chúng có thể tà ma ngạ quỷ. Phần lớn lũ trẻ con khi lớn thì khả năng nhìn thấy vong hồn cũng biến mất theo, ấy thế mà với Vũ thì không. Cậu chẳng những không bị mất đi tuệ nhãn khác người, mà ngược lại càng lúc cậu càng cảm nhận oan hồn rõ ràng hơn. Nhiều khi chỉ cần đi ngang qua một ngôi nhà nào đó là Vũ đã có thể biết được nhà đó đất dữ hay lành, thậm chí dân trong phủ Long Hưng vẫn thường đồn đại rằng Vũ có thể biết được người nào sắp về chầu trời rồi nói trúng phóc
Người ta kể rằng có thôn có đôi vợ chồng phú ông rất giàu có, cả hai lấy nhau mấy năm trời mà người vợ mãi mới có thai. Phú ông mừng lắm bèn đến tận nhà mời thầy Lãnh đi thăm khám cho vợ mình rồi bốc thuốc an thai, Vũ tò mò bèn đi theo. Nào ngờ vừa đến nơi, chưa kịp bước chân vào nhà Vũ đã nói luôn:
“ Nhà ông đây sao lại có con mèo lớn đầy máu ở trên mái nhà vậy? Nó cứ cào móng sột soạt vào vách cửa gỗ thế kia thì ai mà ngủ được”
Người nhà phú ông nghe thây thể thì kinh hồn bạt vía. Hỏi ra mới biết, dạo gần đây phú bà liên tục không ngủ được, nửa đêm nửa hôm đều nghe thấy tiếng móng vuốt sắc lẻm cào vào cửa gỗ, mỗi lần như thế phú bà đều hét thất thanh rồi run cầm cập vì sợ hãi.
Một đứa hầu trong nhà vội vàng thưa rằng trước đây trong nhà có con mèo đen rất hay giết chuột, khi biết phú bà có thai, phú ông sợ lông mèo ảnh hưởng đến vợ con nên vội vàng sai người nhẫn tâm giết chết con mèo. Nào ngờ từ hôm ấy trong nhà xảy ra quỷ sự, riêng phú ông thì thường xuyên mơ thấy con mèo ngày trước về ngồi trên ngực mình rồi bất bất thình lình cào ông tóe máu. Thầy Lãnh nghe xong lắc đầu buồn bã:
“Mèo là loal vật có linh tinh. Hơn nữa mèo cũng chẳng có hại cho thai phụ như người ta đồn đại. Nhà ông đây lại hồ đồ giết hại một con vật đáng thương vô tội, nếu không tạ lỗi với nó thì e rằng chuyện chẳng lành ập tới”
Phú ông nghe lời, vội vàng làm mời pháp sư ở huyện bên để cầu siêu cho con mèo nhỏ. Thế nhưng sự việc vẫn chẳng có tiến triển gì tích cực, phú ông lại đến cầu xin cha con thầy Lãnh.
Lúc bấy giờ Vũ mới ra mặt, cậu chẳng nói chẳng rằng chỉ cầm ba nén nhang rồi ngước mặt lên mái nhà lầm rầm khấn vái. Người ta thấy một cơn gió thoảng đến, Vũ khẽ co người rồi quay ra nhìn phú ông mỉm cười gật đầu. Gia đình phú ông chẳng hiểu gì, nhưng quả thực từ ngày Vũ ra tay thì trong nhà không còn vang lên tiếng cào móng nữa.
Dân trong thôn bảo rằng, cậu Vũ nhà thầy Lãnh đã thu phục oán linh của con mèo mất rồi. Từ đó Vũ càng thêm nức tiếng, thế nhưng cậu chẳng bao giờ xem bói cho ai, cũng chẳng để ý bất cứ cô gái nào cả. Trong lòng Vũ, ý nghĩ trả thù rửa hận cho cha mẹ ruột chưa bao giờ nguôi.
Rằm trung thu năm ấy trong thôn Cổ Lâu có lễ hội đèn lồng. Người ta làm những chiếc đèn đủ màu sắc để treo trước cửa nhà. Dọc hai bên đường thôn là những ngôi nhà san sát, thành thử khi treo đèn lồng nhìn từ xa khung cảnh cũng lung linh hơn gấp bội. Cụ đồ trưởng thôn vốn ưa văn thơ liền tỉ mỉ chép thơ lên trên những chiếc đèn đầy màu sắc, người nào người nấy cũng đều tấm tắc ngợi khen, ai cũng muốn có đèn lồng thơ phú để cầu cho con cái mình học hành đỗ đạt, nở mày nở mặt với đời. Thành thử cứ đến tiết lập thu là dân trong thôn lại tất bật chuẩn bị lồng đèn, lâu dần tục ấy thành lệ. Họa ở thôn Cổ Lâu, hay nói đúng hơn là họa từ nhà thầy Lãnh cũng bắt nguồn vào đêm hội đèn lồng năm đó.
Như đã thành lệ, cứ đến đầu tháng tám âm lịch là người dân trong thôn Cổ Lâu lại bận rộn hơn bao giờ hết. Người ta đã chẻ tre để làm khung cho lồng đèn, sau đó mới đắp giấy màu lên trên. Dưới bàn tay tài hoa của người thợ thủ công, từng chiếc đèn hình cá chép, hình tròn, hình vuông trở nên thật rực rỡ. Nhà thầy Lãnh không làm đèn, bởi lẽ cứ gần đến ngày rằm bà con trong thôn xóm sẽ mang đèn lồng đến biểu thầy. Năm nào cũng như vậy. Sau đám tang của cô Lành không bao lâu thì cũng là lúc người dân trong thôn treo đèn lồng trước cửa. Đám trai tráng trong làng dùng những thanh tre thật lớn ráp vào với nhau để tạo thành khung treo đầu thôn cho tới cuối thôn, việc này tới mấy ngày. Đêm hôm ấy người ta cắt cử hai người thanh niên ở lại trông coi đống đèn lồng, một người tên là Bột, người còn tên Sâm.
Mới chạng vạng tối nhưng tiết trời đã bắt đầu chuyển lạnh, Bột và Sâm đương co ro nằm trên chiếc chống tre thì nghe thấy vài tiếng kêu chin chít. Sâm đương rít thuốc lào nghe thấy tiếng động lạ vội dừng lại nghe ngóng, gã nhận thấy có con chuột to xù lẩn nhanh vào đống đèn lồng xếp dưới đất. Sâm bực mình bèn cầm chiếc gậy tre đi đến gần xua con chuột. Nào ngờ con chuột không những không chạy mà còn nhìn Sâm với ánh mắt đỏ lòm. Bắt gặp đôi mắt hung hãn của con chuột, Sâm lạnh cả gáy làm rơi cả chiếc gậy trên tay. Bột nhìn thấy bèn hất hàm hỏi:
“Làm sao đấy hả Sâm?”
Sâm nuột nước bọt Cáp.
“Mẹ kiếp! Con chuột này mắt nó đỏ lòm sáng rực như đèn lồng đỏ vậy! Mày ra đây mà xem này!”
Bột dốc nửa bầu rượu lên tu ừng ực, gã quẹt miệng cười nhạt:
“Vớ vẩn! Chuột là chuột chứ làm gì có con nào mắt đỏ như đèn lồng. Hôm nay mày bị say thuốc lào à?”
Thấy bạn trêu chọc, Sâm giận lắm nhưng chẳng nói gì. Gã làu bàu vài câu rồi nằm trên chống tre nhìn ra đống đèn lồng đủ sắc màu. Cái ánh mắt của con chuột làm gã cảm thấy rờn rợn. Chính bản thân gã đã từng đi đào cá trê ở mộ người chết hàng trăm lần, nhưng chưa có lần nào trong lòng gã cảm thấy bất an đến thế. Có khi nào….
Nằm nghĩ vẩn vơ một lát, Sâm ngủ quên lúc nào không hay. Nửa đêm hôm ấy gã bị đánh thức bởi một tiếng gào thất thanh ở ngay bên tai mình. Theo phản xạ, gã giật mình bật dậy nhìn sang cái chống kề bên thì…. Ôi thôi! Cả đàn chuột đương tấn công thằng Bột. Con nào con nấy to như con mèo nhỏ, mắt đỏ khé sáng rực trong đêm tối. Hai con bu vào cắn hai hốc mắt, còn mấy con còn lại thì gặm ngón chân.
Đáng sợ nhất là một con cắn vào hạ bộ khiến thằng Bột gào rú ầm ĩ, một tay thọc vào quần, tay còn lại luống cuống cào vào mặt để lôi hai con chuột ra. Chứng kiến cảnh tượng kinh hoàng, Sâm hét lên một tiếng rồi nhào tới giúp bạn.
Gã lấy cành cây đẩy được đống chuột ở dưới chân Bột rồi bặm môi giật thật mạnh hai cái đuôi chuột thòng xuống gương mặt vương đầy máu của Bột. Được sự trợ giúp, Bột dùng hai tay thọc vào quần, lôi ra được con chuột to bằng cổ tay rồi ném đi. Gương mặt hắn đầm đìa máu, một bên mắt trái bị gặm cho nham nhở, lũ chuột vừa bỏ chạy vừa kêu chít chít. Sâm vội vã lấy cái mền cho Bột cầm máu, lúc này hắn mới kêu lên ầm ĩ để mọi người tới cứu.
Chừng nửa tuần hương sau, cả Sâm và Bột đã ngồi yên vị trên chiếc chõng nhỏ dành cho bệnh nhân ở nhà thầy Lãnh. Cô Mừng vẫn còn chưa kịp vấn tóc, chỉ vội vàng cầm miếng khăn trắn để băng bó cho gã thanh niên ngồi trước mặt. Sâm không bị thương nhưng toàn thân gã run lên bần bật, miệng liên tục nói:
“Chuột. chuột có mắt màu đỏ. nó…. nó sáng rực lên!”
Thầy Lãnh lấy làm lạ bèn hỏi Bột, nhưng lúc này gã thanh niên dường như á khẩu, chẳng thể nói thêm được điều gì. Thầy Lãnh thở dài đứng trước hiên nhà lẩm bẩm:
“Lạ lùng thật! Sao lại xuất hiện chuột mắt đỏ rực ở đây?”
Từ sau vụ chuột tấn công thăng Bột trong lúc ngủ, dân trong thôn không dám ngủ lại trông đống đèn lồng nữa, nhiều thầy bà xem bói trong huyện đều bảo thôn Cổ Lâu đắc tội với ma quỷ cho nên chốn ấy không được yên. Ban đầu nhiều người cho rằng những thầy bà bói toán chỉ dựng chuyện hòng kiếm lợi, thế nhưng sau đó trong thôn càng ngày càng có nhiều người nhìn thấy chuột. Nhiều người kể rằng lũ chuột ấy to bằng cổ chân người lớn, ban ngày không thấy xuất hiện, nhưng khi đêm xuống thì chúng chạy lùng sục khắp nơi trong thôn, mắt đỏ rực như ánh đèn sáng lên trong đêm tối hệt như mắt quỷ. Bầy chuột phá phách, cắn sạch hết rau củ treo trước nhà của người trong thôn, ngay cả ớt khô cay xé lưỡi chúng cũng không tha. Câu truyện càng trở nên rùng rợn hơn nữa ấy là khi rắn cũng bị chúng bâu lại xơi tái.
Người ta kể rằng sau nhà cụ đồ trưởng thôn là một cây nhãn già trên đấy có một con rắn cạp nong rất to. Không ai biết con rắn có từ bao giờ, chỉ biết rằng cụ đồ vẫn hay kể lại rằng từ lúc còn bé cụ đã nhìn thấy nó rồi. Con rắn rất tinh khôn, cứ hễ đến tiết kinh trập ( tháng ba hàng năm ) khi ấy rắn rết bò ra khỏi hang thì cụ đồ lại chuẩn sửa soạn một mâm lễ nho nhỏ, xin rắn đừng bò vào nhà ông. Chẳng biết rắn có nghe được lời khấn vái của cụ đồ trưởng thôn hay không, nhưng lần nào mâm lễ cũng hết veo, và nhà cụ đồ thì chẳng khi nào có rắn rết.
Ấy vậy mà sáng sớm hôm ấy, cụ đồ vừa tỉnh dậy định ra ngoài bờ giếng sau nhà để rửa mặt thì chợt thấy xác con rắn vắt ngang trên cành nhãn. Cụ đồ hoảng quá vì trước giờ chưa bao giờ thấy rắn vào lúc mưa gió rét mướt thế này, bèn lập cập chống gậy lại xem. Nào ngờ vừa tới gần, cụ gần như phát hoảng khi nhìn thấy hai mắt của con rắn rỗng tuếch, toàn thân tới tả nát bươm thủng lỗ chỗ. Mùi máu, mùi mỡ rắn tanh nồng hòa vào với mùi hoa lá trong sương sớm tạo thành một cỗ mùi vừa tanh vừa ngọt, khiến cho cụ đồ không kìm được mà nôn thốc nôn tháo.
Cụ đồ hoảng quá, vội vàng ra trước cửa nhà để tri hô người tới cứu. Phải đến khi đám thanh niên trai tráng trong thôn tới hạ con rắn xuống thì người ta mới kinh hoàng phát hiện… trên thân con rắn toàn là những dấu gặm nhấm chi chít, hệt như bị chuột ăn thịt. Rất nhiều người đổ xô đến để xem xác chết thảm thương của con cạp nong, nhiều người còn tặc lưỡi nói với nhau:
“Từ trước đến giờ là rắn ăn thịt chuột, có bao giờ chuột ăn thịt rắn như thế này đâu. Không khéo… thôn này gặp họa mất thôi”
Vũ cũng đứng lẫn trong dòng người đi xem xác chết con rắn vào sáng sớm hôm đó. Những lời xì xào bàn tán của dân trong thôn lọt đến tai cậu khiến cậu cũng không khỏi bất an.
Cảm giác này hệt như lúc phủ Quốc Oai gặp họa năm nào. Đêm hôm ấy Vũ không ngủ được. Nằm trên chiếc giường trông ra ngoài cửa sổ, Vũ bỗng dưng cảm thấy mình hệt như ngày còn bé. Ngày ấy cậu thường hay mơ thấy bóng đè, lúc thì anh Giản, có lúc lại là cậu quý tử con quan tri phủ đại nhân ngồi lên bụng nhìn cậu cười khành khạch. Thế nhưng điều khiến cậu băn khoăn lo lắng nhất ấy là gã đàn ông Mãn Châu kia là ai? Tại sao gã cứ bám riết lấy cậu như thế? Liệu có gì khuất tất ở bên trong mà cậu nhất thời chưa lý giải được.
Gần đến rằm tháng tám, mặt trăng chưa tròn hẳn nhưng cũng đã tỏa ánh sáng bàng bạc xuyên qua cửa sổ. Lúc này khoảng gần giờ tí, tiếng kêu leng keng của anh Tư mõ trong làng văng vẳng đâu đây:
“Trời khuya đêm tối, đề phòng trộm đạo”
Cứ mỗi một tiếng rao, anh lại gõ nhẹ cái mõ một tiếng. Vũ nhìn đăm đăm tán lá cây thò vào khe cửa, trong lòng miên man suy nghĩ. Đúng lúc đó vang lên một tiếng sột soạt khe khẽ. Ngỡ là có trộm Vũ nhổm dậy để xem cho kỹ.
Dưới ánh trăng mờ ảo, một con chuột từ đâu bò lên trên bệ cửa sổ. Vũ thở phào:
“Thì ra chỉ là một con chuột!”
Chưa kịp nghĩ xong, cậu giật thót mình khi thấy đôi mắt của nó đỏ khé sáng rực lên trong đêm tối. Nó nhìn cậu rồi chồm tới đầy hung tợn.
Vũ chưa kịp kêu lên một một cái bóng mèo đen ngòm nhào lại, con chuột như cảm nhận thấy có thiên địch, nó luống cuống vội tìm chỗ trốn, thế nhưng cái bóng mèo đen không ngần ngừ dù chỉ một tích tắc. Vũ chỉ kịp nghe thấy con chuột mắt đỏ kêu ré lên một tiếng rồi tắt lịm.
Lúc này Vũ mới vùng dậy để tìm thì thấy con chuột đã chết từ lúc nào, trên thân nó còn rõ ba vết cào sắc lẻm, máu bắn tóe lên một góc tường.
Cầm xác chết con chuột trên tay, toàn thân Vũ run lên cầm cập, một hồi sau cậu mới khẽ nói:
“Đa tạ ngươi nhé hắc miêu!”
Từ cuộc gặp gỡ chớp nhoáng ở nhà phú ông , oán vong của con mèo đen đã đi theo Vũ. Nó biết Vũ nhìn thấy vong hồn của nó, nghe được tiếng kêu ai oán của nó trước đây, thành ra trong lòng con vật nhỏ cũng nảy sinh thiện ý vài phần. Vũ cũng không xua đuổi con mèo đen, lại gọi nó là Hắc Miêu, coi như bầu bạn.
Vốn dĩ ban đầu Vũ cũng chỉ định giữ nó bên cạnh cho đỡ cô quạnh, không ngờ rằng chính lòng trắc ẩn hôm nay đã cứu mạng mình. Vừa hay lúc ấy từ đâu đó vang lên một tiếng hét rồi tắt lịm. Vũ dừng lại lắng tai nghe, không cả để ý thấy bóng con Hắc Miêu ngồi thu lu bên cạnh mình. Chừng một lúc không gian xung quanh lại tĩnh mịch trở lại, Vũ nhún vai cho rằng mình nghe nhầm bèn đi ngủ. Thế nhưng, ngay cả bản thân cậu cũng không ngờ được, đêm trăng sáng hôm ấy, trong thôn Cổ Lâu lại nhiều người chết đến vậy
Gà chưa kịp gáy cô Mừng đã trở dạy. Rằm trung thu năm nay trong thôn xảy ra quá nhiều chuyện, thầy Lãnh tỏ ý muốn cúng bái long trọng hơn bình thường để an ủi những vong hồn chết thảm. Người nuôi cổ trùng lâu năm hẳn sẽ có linh tính nhanh nhạy hơn hẳn người bình thường.
Cô Mừng vừa đẩy cửa bước ra ngoài, hơi gió lạnh của sáng mùa thu ùa vào mang theo mùi tử khí. Cô khịt mũi vài cái rồi cau mày ngẫm nghĩ:
“Có mùi xác chết, lại còn cả mùi động vật nữa. Có chuyện gì thế nhỉ?”
Cái mùi càng lúc càng trở nên nồng nặc, cô mon men đi ra đằng trước để nghe ngóng thì chẳng thấy gì. Đúng lúc cô định quay lưng đi thì nghe thấy tiếng trẻ con hét thất thanh từ đằng xa:
“Cứu! Cứu với!”
“Mẹ ơi! Có người chết, có người chết!”
“Ôi trời ơi!”
Cô Mừng không kịp suy nghĩ lấy nửa giây vội vội vàng vàng chạy đến. Trước mắt cô, một cảnh tượng kinh hoàng diễn ra. Xác người chết la liệt khắp nơi trên con đường mòn chạy dọc thôn. Nghe tiếng hét, nhiều người lớn vội vàng bước ra ngoài, vừa nhìn thấy cảnh tượng trước mắt, ai nấy đều lặng thinh.
Hỏi ra mới biết, mấy đứa trẻ con dắt trâu ra đồng từ tờ mờ sáng, khi đi ngang lối này chúng thấy có thứ gì đó trước mặt hệt như người đương nằm ngủ.
Đoán chừng rồi nằm ngủ quên, chúng mới mon men đi tới thì chợt phát hiện…những người ấy đều đã chết cả, có lẽ chết từ đêm qua. Cơn mưa đêm vội vã làm nước đọng thành
đàn ông say rượu vũng bên mấy cái xác hòa chung với máu loang ra mặt đất, mấy khóm hoa xoan rơi lả tả nổi bật trên lớp máu khô bắt đầu tím thâm lại. Một người đàn ông bạo gan lại gần lật một cái xác lên, đám người hoảng hồn giật mình lùi lại mấy bước. Ổ bụng của những người này bị vô số những vết cắn chi chít như răng chuột khoét thành một hố sâu hoắm. Cô Mừng nghe rõ mồn một ai đó lắp ba lắp bắp không nói thành lời:
“Ôi trời ơi! Chuột… chuột ăn thịt người!”
Cả thôn được phen nhốn nháo, lũ trẻ nhỏ đứa nào đứa nấy chứng kiến cảnh này đều khóc ré lên vì sợ hãi. Cô Mừng tất tả chạy về báo tin cho thầy Lãnh. Vừa hay tin, Vũ đã run run nói:
“Đêm hôm qua.. cũng … cũng có một con chuột mắt đỏ khé nhảy lên bệ cửa sổ phòng con. Con chưa kịp định thần thì con chuột đã bị vong con hắc miêu cào chết”
Bác Hợp nghe thấy thế thì giật mình vội hỏi:
“Vong hắc miêu theo cháu à? Mà từ từ đã… chuột làm sao mà lại vào được nhà này? Nhà này hơn hai chục năm nay chưa hề có chuột bọ dám lai vãng. Có khi nào cháu nhìn nhầm không?”
Vũ khẳng định:
“Không! Rõ ràng là con không hề nhìn nhầm. Xác chết của con chuột con còn vất ra đằng sau vườn ấy. Khéo có khi giờ này vẫn chưa biến mất đâu. Rõ ràng mắt của con chuột ấy đỏ rực hệt như lồng đèn phát sáng trong đêm”
Ngừng một lúc rồi như thể nhớ ra điều gì, Vũ vội vàng nói tiếp:
“Thôi đúng rồi! Lúc con chuột chết, con có nghe thấy tiếng hét từ cuối thôn vọng lại. Sau đó không thấy gì nữa. Có ngờ đâu…”
Cô Mừng và bác Hợp nhìn nhau lo lắng, lúc ấy thầy Lãnh mới nghiêm nghị nói:
“Chuyện này không thể vội vàng kết luận được! Phải nhìn tận mắt xác chết của con con chuột kỳ lạ ấy thì mới biết được!”
Mấy người xúm xít quanh xác con chuột, trận mưa lớn đêm qua đã làm cho lá cây trong vườn rụng đầy, bác Hợp nín thở dùng chiếc gậy tre để tìm kiếm.
Dưới lớp lá ướt sũng, xác con chuột trương lên, dòi bọ phủ trắng toàn thân nó, một nửa thân nó chỉ còn bộ xương chưa róc thịt. Vũ hoảng hồn giật nảy mình, thầy Lãnh cúi xuống nheo mắt nhìn đầy nghi hoặc:
“Quái lạ! Mới chết ngày hôm qua làm sao dòi bọ có thể ăn đến tận xương của con chuột được? Chẳng lẽ…”
Cô Mừng lắc đầu nói thẳng:
“Con hiểu thầy đương nghĩ gì! Con chuột này đích thực là bị bỏ cổ trùng!”
Bác Hợp nghe thấy thế mặt đã tải nhợt, bác nhìn thầy Lãnh rồi lại nhìn cô Mừng, gương mặt tỏ vẻ sợ hãi. Vũ vội vã xen ngang:
“Sao lại hạ cổ con chuột này chứ? Chẳng phải bất cứ loài nào hễ cứ ăn phải cổ trùng sẽ bị vong mạng hay sao?”
Đôi mắt cô Mừng sáng rực, giọng nói chắc nịch:
“Cổ trùng có thể hại người bằng nhiều cách. Rất có khả năng, đống chuột cắn người trong làng không phải là vật chủ trực tiếp, mà chỉ đơn giản là vật trung gian gây nên cái chết rất nhanh cho người bị cắn mà thôi. Hơn nữa… loài chuột lại là loài sinh đẻ liên tục. Chúng sẽ mang cái độc cổ trùng gieo rắc khắp nơi. Nếu …. Nếu không nhanh chóng tìm ra tường tận nguồn gốc thì chỉ e… chỉ e..”
Thầy Lãnh thở dài tiếp lời:
“Một điều quan trọng nữa là kẻ nào đứng sau chuyện này? Dù cho hắn là ai thì khả năng luyện cổ trùng và bùa ngải của hắn cũng vào hàng cao thủ. Tuy rằng ta không ở thôn Cổ Lâu từ bé, nhưng cũng biết mảnh đất này âm khí quá nặng bởi nơi đây vốn là hố chôn tập thể. Thế nhưng… nói gì thì nói, người Cổ Lâu cũng được xem là hiền lành, lương thiện. Làm sao lại có thể gây thù chuốc oán với kẻ nào để đến nỗi rơi vào thảm cảnh như thế này?”
Chẳng ai lên tiếng đáp lại
Gió thổi ùa vào khiến đám lá cây trong vườn xào xạc, tiếng khóc lóc của những người dân trong thôn vọng lại khiến cho rằm trung thu năm ấy trở nên quạnh quẽ và tang tóc vô cùng. Đám thanh niên trai tráng buồn rầu gỡ những chiếc đèn lồng đủ sắc màu xuống, rồi treo thay thế vào đó là những chiếc cờ hiệu báo tang. Người dân khắp được phen kinh hoàng, chỉ trong một đêm ngắn ngủi thôi mà cả thôn Cổ Lâu có tới bảy người bị chuột cắn chết, cả đàn ông lẫn đàn bà.
Thói đời vốn dĩ thật lạ, tiếng lành chẳng bao giờ đồn xa nhưng những câu chuyện dị thường lại có sức sống mãnh liệt hơn hẳn. Chẳng mấy chốc cả phủ Long Hưng đều biết tai họa vào đêm nhằm trước ngày diễn ra hội đèn lồng.
Những cái xác chết còn chưa kịp hạ táng thì bầy chuột mắt đỏ khé lần này lại tấn công mấy đứa nhỏ sơ sinh trong thôn.
Có nhà vợ chồng kia sinh được hai đứa bé sinh đôi mới vừa đầy tháng, chẳng hiểu sao mà chuột vào tận giường của hai đứa cắn đầu ngón chân út chảy máu. Cả hai đứa trẻ khóc ré lên thảm thiết thì người trong nhà mới giật mình vội vã chạy vào.
Người nhà kể lại rằng, lúc con chuột đi khỏi, anh chồng có đánh chết vài con thì phát hiện ra sự lạ. Cây gỗ vừa đập xuống thì toàn thân con nát bét, máu bắn ra tứ tung. Có điều lạ rằng trong nội tạng của con chuột những con dòi bọ trắng tinh bò ra lổm ngổm. Một con quạ từ đâu ngửi thấy mùi tanh tanh bèn sà xuống dùng cái mỏ mổ xuống con chuột vài nhát. Nào ngờ miếng ăn chưa trôi qua khỏi cuống họng thì con quạ đã loạng choạng ngã lăn ra chết đột ngột. Người chồng thấy lạ bèn hỗ hoán cho thôn dân đến xem. Có người tỏ ý mang đến quan huyện, nhưng kẻ khác lại cho rằng chuyện này quỷ dị sợ rằng quan không tin. Hai vợ chồng nhà kia không dám chần chừ lâu, vội vàng ẵm hai đứa nhỏ bị thương đến nhà thầy Lãnh, lại không quên gói cẩn thận xác chết của chuột và quạ mang theo cùng. Rất đông người tới hóng chuyện.
Vừa nhìn thấy hai đứa nhỏ sắc mặt đương dần tím tái, thầy Lãnh vội vàng mang sơ cứu cho chúng. Vết thương rất lạ lùng, nhanh chóng mưng mủ khiến mấy đứa nhỏ khóc ầm ĩ. Cô Mừng bên cạnh lo lắng hỏi:
“Nếu cứ làm theo cách bình thường thì e là không có tác dụng”
Thầy Lãnh trau mày:
“Việc ấy ta tất có định liệu!”
Nói rồi thầy đuổi hết đám người xúm đen xúm đỏ tại nhà, bố mẹ của hai đứa nhỏ cũng không được phép vào nán lại xem. Trong gian phòng thoảng mùi gỗ hương, thầy Lãnh nhìn hai đứa trẻ run lên bần bật vì đau. Thầy khẽ xoa đầu chúng rồi lấy từ trong vạt áo ra một lọ thuốc nhỏ xíu được bọc trong lớp vải hồng. Cô Mừng không nói gì, chỉ vội vàng kêu Vũ giữ chặt hai đứa nhỏ.
Thầy Lãnh run run nhỏ một giọt nước sên sệt màu vàng đục vào chỗ chuột cắn, tức thì vết thương bốc khói, lũ trẻ kêu ré lên. Ngay lập tức, anh chồng kia hùng hổ đẩy cửa xông vào. Thầy Lãnh thở dài:
“Sự đã yên rồi đấy! Nhà anh đem chúng về chăm sóc thật kỹ, không cho ăn các thứ đồ tanh. Không được lợi là một phút nào, nếu có gì thì phải báo ta ngay!”
Kể ra cũng lạ, từ lúc hai đứa trẻ được thầy Lãnh nhỏ mấy giọt nước màu vàng đục kì quái ấy, gương mặt đương tím tái đã có và phần hồng hào.
Vợ chồng nhà kia rối cảm ơn, vội vàng ẵm con về. Dân trong thôn đều khen rằng thầy Lãnh y thuật thực cao minh, không những có thể chữa cho kẻ điên hồi tỉnh, mà còn có thể chữa cho trẻ nhỏ bị súc vật cắn suýt vong mạng. Thầy Lãnh trong lòng không vui, sau khi nói vài ba câu xã giao với bà con lối xóm, thầy mệt mỏi ra hiệu cho bác Hợp đóng cửa sớm, đoạn nói nhỏ với Vũ:
“Giờ Sửu hôm nay con đến Phật đường. Ta có chuyện muốn nói cho con hay!”
Thấy thế trong lòng Vũ khấp khởi, vâng lời ngay. Cả ngày hôm đó trong lòng cậu rất sốt ruột. Cậu không đoán được rằng thầy Lãnh sẽ nói gì với mình, càng không biết được rằng câu chuyện ấy sẽ cậu đưa bản thân mình đi đến đâu. Thế nhưng cậu biết được rằng, mấy năm nay thầy Lãnh càng ngày càng sầu muộn.
Bức thư ông lang Bộc gửi cho thầy cậu đã đưa từ ngay lần đầu gặp mặt,
chỉ có điều chẳng thấy thầy nhắc gì đến con quái trong đó.
Trực giác mách bảo cho Vũ biết, thầy Lãnh biết nhiều hơn những gì mà cậu cần biết.
Có khi nào chính thầy đã giáp mặt với tên người Mãn Châu ấy không? Tự sâu trong lòng Vũ dấy lên một nỗi nghi ngờ. Có khi nào kẻ gây ra họa ở phủ Long Hưng trước đây, lại chính là kẻ đứng sau vụ hạ cổ vào loài chuột đem đi cắn người tại thôn Cổ Lâu này? Cho đến tận giờ phút này, điều quan trọng nhất mà Vũ muốn có một câu trả lời xác đáng nhất ấy chính là vì sao lại có kẻ hao tâm tổn trí bày binh bố trận để làm lên âm mưu hại người như vậy. Đúng vậy! Động cơ của hắn từ đâu
Càng nghĩ Vũ càng thấy mọi chuyện ăn khớp một cách đáng ngờ khiến cho lòng cậu thấp thỏm, bất an. Suy cho cùng trong tay cậu chẳng có gì để tự vệ, còn kẻ khuất mặt lại là một cao thủ cổ trùng. Chưa nói đến chuyện rửa sạch oan khiên cho cha mẹ, chỉ riêng việc bảo đảm cho bản thân còn sống sót với Vũ cũng là quá sức. Một gã thanh niên tuổi chừng vừa tròn mười tám, làm sao có gì trong tay?
Có lẽ thầy Lãnh cũng nghĩ như vậy cho nên đến giờ phút này mới quyết định nói cậu biết sự thật. Vũ thở dài rồi cười buồn một tiếng
Có lẽ thầy Lãnh cũng nghĩ như vậy cho nên đến giờ phút này mới quyết định nói cho cậu biết sự thật. Vũ thở dài rồi cười buồn một tiếng.
Ánh nắng vàng yếu ớt chiếu chênh chếch vào khe cửa khiến cho khung cảnh trong làng Cổ Lâu càng trở nên hiu quạnh. Vũ đi lững thững trên con đường nhỏ, khắp nơi phủ một màu tang tóc. Mải suy nghĩ, cậu chẳng hề để ý có một đôi mắt hằm hằm
híp chặt nhìn theo sau lưng mình. Ánh mắt ấy hệt như một nhát dao muốn đoạt mạng. Bầy quạ từ đâu bay tới kêu lên the thé. Trời bắt đầu nổi trận mưa giông.