Tết Ở Làng Địa Ngục - Chương 36

HỒI THỨ MƯỜI BỐN

MƯA GIÓ MÁU TANH

Giới vu thuật ở khắp nơi đều nói rằng, phàm những kẻ hạ cổ, dưỡng ngao đều có hai loại người. Loại thứ nhất dùng cổ trùng để tự vệ khiến cho người khác không dám đắc tội với mình. Loại thứ hai là kẻ không còn gì để mất, muốn dùng thứ cổ thuật để hành hạ kẻ thù. Thế nhưng, dù cho có là loại người nào đi chăng nữa, một khi đã trót động vào cổ trùng thì chẳng kẻ nào còn có cuộc sống của người bình thường được nữa.

Dưới chân con đường mòn nho nhỏ, trông ra một khúc nhỏ của sông Nhị Hà có ngôi nhà của một thầy lang nổi tiếng. Người trong trấn Thăng Long vẫn gọi ông là Hoa Đà tái thế, bởi lẽ tài chữa bệnh của ông ai chứng kiến đều công nhận là xuất quỷ nhập thần. Chỉ có điều, vị thầy lang này rất kiệm lời, bệnh nào nhẹ ông chỉ bắt mạch rồi kê đơn sau đó con bệnh tự về nhà, bệnh nào nặng lắm mới được nghỉ lại y quán của ông mấy ngày.

Sáng sớm hôm ấy, ông thầy lang trở dậy đã vội vã đi ra cửa đứng ngóng. Vốn dĩ ngày thường chẳng khi nào ông làm vậy, nhưng hôm nay thì khác. Ấy là bởi vì đêm qua ông có một giấc mộng rất kỳ lạ. Trong giấc chiêm bao, ông thấy mình nằm giữa mấy ngôi mộ rất lớn, cơn mưa khiến toàn thân ông ướt đầm đìa. Ông giật mình nhìn quanh thì phát hiện bản thân mình đương nằm trên hai cái ván của quan tài người chết. Ông xì xụp khấn vái hai ngôi mộ vô danh, nào ngờ từ đằng sau có tiếng chân người bước đến. Ông thầy lang quay lại thì phát hiện người ấy mặc chiếc áo giao lĩnh viền đen, mái tóc hoa râm lòa xòa trên gương mặt chữ điền. Đáng chú ý hơn cả, người ấy tay dắt hai con chó rất hung tợn, giống chó ấy ông chưa từng thấy bao giờ, con nào con nấy đều khoác lên mình một bộ lông màu đỏ sậm, ánh mắt đặc biệt tinh khôn. Ông thầy lang sợ đắc tội, bèn vội vàng phân trần:

“Xin cậu… cậu thứ lỗi… tôi… tôi không biết vì sao mình lại nằm ở đây… Tôi không cố ý… cậu.. cậu đừng hiểu nhầm!”

Người đàn ông tóc hoa râm kia mỉm cười không đáp. Một con chó lông đỏ đi vờn quanh ông ngửi ngửi mấy cái rồi lại đi về phía chủ cũ. Lúc bấy giờ người đàn ông tóc hoa râm mới cất tiếng hỏi:

“Nghe nói ông là thần y Hoa Đà tái thế? Việc đó có thực không?”

Ông thầy lang nghe thế giật mình xua tay đáp:

“Thiên hạ tung hô thái quá. Tôi không… không dám nhận… Tôi không phải…!”

Người kia lại nói:

“Thế sao trên người ông lại toàn mùi thuốc bắc?”

Không đợi cho ông thầy trả lời, người kia khẽ đáp:

“Ngày mai sẽ có người mang đến cho ông một người bị cụt chân. Liệu mà chăm sóc cho kỹ!”

Vị thầy lang run lẩy bẩy nói:

“Cậu gì đó ơi! Một ngày tôi có hàng bao nhiêu con bệnh, cụt tay cụt chân đều có cả, làm sao mà tôi có thể biết đâu là người mà cậu nói?”

Người đàn ông tóc hoa râm toan quay đi, nghe thấy thế liền trả lời chậm rãi:

“Khi nào người ấy đến, ông sẽ nghe thấy tiếng ngóe kêu ở vách nhà. Nhớ lấy!”

Nói rồi người ấy phất áo quay đi. Một cơn gió thổi vào mặt khiến ông thầy lang tối tăm mặt mày, ông choàng tỉnh dậy thì phát hiện cửa sổ trông ra mé sông nơi nằm ngủ đã bung chốt từ lúc nào, gió từ sông Nhị Hà thổi vào lồng lộng. Cảm giác rùng mình đến ớn lạnh vẫn còn, ông thầy lang không dám ra ngoài khép cửa lại, chỉ đành nằm im chờ trời sáng.

Cả ngày hôm ấy ông không có lấy nổi một người bệnh, đương ngẫm nghĩ về giấc mơ kì lạ vào đêm qua, thì bỗng dưng ông nghe thấy tiếng ngóe kêu lên rối rít, hệt như khi bị rắn ăn thịt. Ông giật mình vội vã ra xem thì chẳng nghe thấy tiếng kêu đâu nữa, chỉ thấy một bóng dáng một bà lão chống gậy đi chân đất lẹt bẹt. Ông thầy lang định gọi giật lại để xem thế nào thì đã thấy bà lão biến mất. Ông ngẩn người nhìn quanh thì nhìn thấy có người đàn ông vội vã đi tới, sau lưng còn khoác một cái gùi, trên tay vác một người thanh niên mặt nhợt nhạt, hơi thở ngắt quãng tựa hồ như sắp chết.

“Cứu! Thầy Hoa Đà ơi xin cứu mạng, người này chảy nhiều máu quá!”

Lồng ngực ông thầy lang đập liên hồi, ông luống cuống dẫn đường đi vào bên trong:

“Mau! Mau vào đây!”

Vũ nằm mê mệt trên cái chõng tre cũ kỹ, thầy lang vừa vạch tấm mền bọc chân của cậu ra bèn thốt lên kinh hãi:

“Trời ơi! Sao lại như thế này?”

Người đàn ông kia hốt hoảng phân bua, đại ý trên đường đi quẩy hàng xuống chợ, ông vô tình gặp chàng trai trẻ này ngất xỉu trên đường. Động lòng thương, ông vội vàng băng rừng ẵm cậu về đây. Vốn dĩ từ con đường mòn đi tới y quán của vị thầy lang này cũng phải mất cả ngày đường, nào ngờ trên đường gặp một cỗ xe ngựa, người đàn ông nọ bèn ngỏ ý xin đi cùng. Người ngồi trong xe ngựa ngó đầu ra, gương mặt bà ấy vàng bủng như người bị bệnh, đôi mắt lồi đẫm nước nhìn chằm chằm người trên tay ông, cuối cùng mới đồng ý. Xe chạy băng băng trên đường, chưa tới ba canh giờ đã đến được đây. Người đàn ông chia tay bà chủ xe kì lạ rồi vội vã tìm thầy lang, đi được mấy bước vô tình quay lại thì chẳng thấy chiếc xe ngựa ấy đâu.

Từ ngày bác Hợp dẫn theo Đại Phong và Bá Ngao đến, mọi chuyện cũng thuận lợi hơn trước nhiều. Đại Phong đi lững thững trong sân, nó hết bần thần nhìn cái chuồng ngựa đã bị mưa gió làm cho quật nát từ bao giờ, rồi lại phủ phục trước nấm mồ của quan ông, chẳng thiết ăn uống gì. Những lúc như thế, Vũ lại ra ngồi tỉ tê với Đại Phong ôn lại những câu chuyện từ nhỏ. Nhiều người trong thôn xì xào bàn tán rằng kể từ khi có người lạ dẫn theo con ngựa cũ về nhà quan coi kho lương, người ta không còn nhìn thấy bầy chó ma đêm đêm đi lại nữa, chỉ thỉnh thoảng thấy cái bóng trắng cụt đầu vất vường đi đi lại lại, mỗi lần như thế chó trong thôn lại sủa lên từng tiếng.

Tiết kinh trập lẵng lẽ trờ đến, ngay từ mấy hôm trước bác Hợp đã đưa bạc cho mấy người bắt rắn để thu thập những loài vật độc. Tất cả được tập hợp rồi nuôi trong mấy cái lồng treo phía sau nhà. Người ta làm lạ bèn xúm lại hỏi thì bác Hợp chỉ cười xòa bảo rằng bác nuôi rắn để ngâm rượu. Rắn rết cho độc đã có, giờ là lúc phải đào lấy vật dẫn. Vũ đánh dấu chỗ mấy con chó ma biến mất lần trước bằng bốn cành que tre khẳng khiu. Tối hôm đó, vầng trăng non mới nhú sau đỉnh đồi chẳng thể nào soi tỏ mặt đất, bác Hợp mò mẫm soi đèn lồng đi về phía trước, Vũ lặng lẽ lê bước đằng sau. Ánh sáng đèn leo lét tỏa ra từ chiếc đèn lồng đỏ nhìn từ xa trông chẳng khác nào đốm lửa ma trơi. Vũ cố gắng tỏ ra trấn tĩnh, cảm giác sắp chạm vào bí mật bao nhiêu năm nay của tổ tiên khiến cậu không khỏi hồn chồn.

Bốn cành tre khẳng khiu đứng đối xứng nhau tạo thành hình chữ khẩu. Từ hai góc đối diện, bác Hợp theo sự chỉ dẫn của Vũ rải vôi tạo thành đường thẳng cắt nhau. Vũ lầm rầm khấn vái, trước là để báo cáo với tổ tiên, sau là xin bầy chó ma canh giữ cho cậu được đào sâu dưới đất để tìm đồ. Nhang vừa tàn, Vũ đã lập tức dùng chiếc thuổng nhỏ để xục vào mặt đất, đúng lúc đó cậu nghe có tiếng gầm gừ của bầy chó từ dưới đất vọng lên, con Bá Ngao lập tức thủ thế chờ tấn công. Bác Hợp băn khoăn hỏi nhỏ:

“Sao thế nhỉ? Chẳng phải là chúng ta đã xin phép rồi hay sao?”

Vũ khẽ cau mày không đáp, ngẫm nghĩ một lúc cậu lấy con dao nhỏ trong vạt áo rồi rạch một đường nhỏ ở trên tay, vẩy máu xuống dưới trung tâm của hình chữ khẩu, tiếng gầm gừ khẽ biến mất. Vũ lập tức hiểu ra, muốn lấy được vật dẫn ở dưới phải có máu thuần của dòng tộc nhỏ xuống. Cậu không khỏi cảm khái trước sự sắp đặt của tổ tiên. Vũ tiếp tục đào, càng lúc mồ hôi càng đầm đìa. Bác Hợp đắn đo một lúc rồi cũng bước tới giúp cậu một tay. Nếu như có ai lúc này nhìn thấy, hẳn sẽ nói rằng hai người đích thực là phường trộm mộ.

Càng đào sâu, nỗi sợ hãi trong lòng Vũ càng tăng lên. Cậu cảm nhận thấy ở đây có oán khí rất nặng, những thứ này thường chỉ xuất hiện ở những nơi có người chết thảm. Mải suy nghĩ, cậu bỗng giật mình khi nghe thấy đầu mũi thuổng chạm vào một thứ gì đó kêu lên một tiếng keng. Biết đã chạm tới thứ cần tìm, cả hai bác cháu lập tức nhẹ tay, sợ rằng sẽ làm hỏng vật dẫn. Tiếng keng keng lại vang lên, bác Hợp thở hổn hển rồi nói:

“Sao … sao ta có cảm giác như chạm vào thứ gì đó rất cứng, vật dẫn chẳng lẽ lại lớn đến mức này hay sao?”

Vũ không tra lời, cậu lấy tay lan lan xuống dưới để cảm nhận kỹ hơn đó là thứ gì. Vừa chạm vào, lập tức cậu lạnh cả người vì kinh ngạc. Dưới đống đất tơi xốp kia, một bộ xương người cứng như đá bị chôn vùi dưới đất. Bác Hợp nín thở soi ngọn đèn xuống, nhìn thấy từng khúc xương có màu đen tuyền trông rất quái dị.

Trong bức thư ghi rõ có chữ Viêm ở giữa, Vũ thừ người suy nghĩ:

“Ở đây chỉ có duy nhất một bộ xương người cứng như đá, vậy thì chữ Viêm ở đâu ra?!”

Bác Hợp ít học nên không hiểu nhiều, Vũ nhìn chiếc đèn lồng đỏ quạch bên cạnh, rồi lại nhìn bộ xương to lớn phía dưới, miệng lẩm bẩm không ngừng:

“Chữ Viêm, chữ Viêm….”

Chẳng lẽ lại là Lưỡng hỏa thành viêm?

Như ra điều gì do, ca lấy chiếc lồng đèn rồi ném vào bộ xương đen. Ngay lập tức ngọn lửa bùng lên dữ dội khiến bác Hợp phải vội vàng kéo Vũ về phía đằng sau, gương mặt bác nghệt ra vì sợ hãi:

“Sao… sao lại như thế này?”

Vũ khó nhọc trả lời:

“Trên bức thư cha cháu truyền lại có tượng bốn con chó canh giữ một chữ Viêm ở giữa. Trong cổ thuật tử vi bản mệnh có câu Lưỡng hỏa thành viêm, ngụ ý chỉ sự kết hợp mệnh cách của hai người thuộc hành hỏa khi kết hợp lại có thể thành một ngọn lửa lớn thiêu đốt mọi vật. Cháu đoán rằng bộ xương này là của cụ kị cháu từ đời trước đã hóa xuống đây, giống như một loại than củi dùng để đốt. Vậy nên cháu thử dùng mồi lửa để xem có chuyện gì xảy ra hay không? Xem chừng phỏng đoán của cháu là đúng.”

Vết máu trên tay Vũ khi nãy nhỏ tong tong vào đống lửa cháy phừng phừng, bác Hợp kéo giật tay cậu lại, đoạn dùng một mảnh vải cũ kỹ băng bó, miệng lẩm bẩm:

Đừng để máu rơi trên lửa. Ngày cha nuôi cháu còn sống, lúc nào ông ấy cũng dặn vậy!”

Dưới xương lồng ngực lúc nay của bộ xương là một cái hộp nhỏ bằng khoảng hai ngón tay cái người lớn. Cậu vội vã dùng cành cây khô gắp cái hộp lên quan sát. Nói ra cũng thật kì quái, cái hộp này nằm sâu bên trong lồng ngực của bộ xương, ấy vậy mà nó chẳng bị ảnh hưởng bởi sức nóng một chút nào, hoàn toàn lạnh ngắt như một viên đá ngoài bờ sông, bờ suối. Vũ khẽ mân mê chiếc hộp trên tay, cậu phát hiện ở nắp hộp có một chữ Cổ được viết theo lối chữ chân. Loại chữ viết kiểu này từ trước đến nay luôn được dòng dõi thư hương ưa chuộng, gia đình Vũ cũng không thuộc ngoại lệ. Vũ khẽ rút nắp hộp, từ bên trong rơi ra một ngón tay người.

Cả hai bác cháu không hẹn mà đều giật mình, Vũ luống cuống nhặt ngón tay người quan sát, chợt thấy ngón tay cũng cứng như đá, phía trên có khắc một mấy dòng chữ rất cổ quái. Cậu thì thào:

“Có lẽ đây là bài chú luyện cổ trùng. Thì ra bài chú được khắc sẵn trên vật dẫn.”

Bác Hợp chưa kịp đáp lời thì tiếng rắn bắt ngóe từ đâu vang lên the thé. Một con rắn rất lớn màu vàng lấp lánh từ trên thân cây trườn xuống, cứ như thể nó đã mai phục từ rất lâu. Con Bá Ngao gầm gừ đầy đe dọa, bác Hợp không hề nao núng bổ thẳng nhát quốc về phía con hoàng xà. Con rắn cong mình né được, ngóc cái đầu đầy đe doạn về phía Vũ. Giây phút ấy bác Hợp gào lên:

“Mẹ kiếp! Hình như nó muốn lấy thứ trong tay cháu! Đừng để cho nó lại gần!”

Chưa kịp nói hết câu, con rắn lại quăng người lao về phía Vũ. Nhanh như cắt, Vũ dùng chiếc thuổng_ trong tay hất đống xương đã cháy thành than về phía con hoàng xà. Con vất oằn người rồi nằm bẹp dúm. Để thêm phần chắc ăn, bác Hợp bổ một nhát cuốc chặt đứt cái đầu rắn, dòng máu đen bắn ra tứ phía.

Một tiếng gà trống gáy vang từ đầu thôn vọng tới, bầu trời tang tảng sáng. Một cơn mưa nặng hạt kéo tới, giữa mùa xuân mà người ta cũng có thể cảm nhận được rõ nét cơn gió mùa đông bắc tràn về. Trong cơn mưa thoang thoảng mùi tanh quen thuộc của dòng sông Nhị Hà, và cả mùi tanh của máu. Vũ khẽ lau gương mặt dính đầy huyết đen, nhoẻn miệng cười với bác Hợp. Điều khiến cậu lo lắng nhất đã được giải tỏa, có bài luyện chú trong tay, lại thêm vật dẫn bên cạnh mình. Vậy là cổ trùng nhân mạng sắp được luyện thành. Tất cả chỉ cần chờ đến tết đoan ngọ.

Cô Mừng mặc một chiếc áo giao lĩnh màu đen tuyền, làn da tái xanh nhợt nhạt giống như thể người bị bệnh. Ngồi trên chiếc đò lênh đênh giữa dòng Nhị Hà, gần tới đoạn tiến vào mạn bờ Đông của phủ Quốc Oai, một tên đàn ông nhìn cô rồi buông lời cợt nhả:

“Hehehe… cô nương đi đâu thế này?”

Thấy cô Mừng im lặng không đáp, tên đàn ông lại càng cười khả ố:

“Đi một mình dễ bị gặp tai họa lắm. Hay là theo ta về làm vợ bé đi, ta sẽ không bạc đãi em!”

Đám đàn ông cười phá lên châm chọc, cô Mừng vẫn lặng thinh, chẳng tỏ ra sợ sệt cũng chẳng cáu giận. Thấy thái độ của người này lạ lùng, một gã đàn ông bắt đầu nổi cáu:

“Mẹ kiếp con đàn bà này! Bố mày nói sao mày không thèm trả lời? Mày khinh bố mày à?”

Gã hùng hổ dùng tới với lấy cổ cô Mừng, định bụng chạm vào người cô. Năm ngón tay của hắn vừa vùng lên, lập tức từ trong vạt áo ngoi lên một con rắn trắng muốt, trên thân lấm tấm loang lổ đủ màu. Đám đàn ông trên đò chết lặng, người lái đò há hốc miệng kinh hãi. Lúc bấy giờ cô Mừng mới cười nhạt:

“Muốn tao thuận theo chúng mày à?

Để xem bản lĩnh của chúng mày thế nào đã!”

Vài tiếng hét vang lên, thế nhưng rồi chìm nghỉm giữa vùng nước mênh mang quanh năm ngầu đục.

Con đò nhỏ chầm chậm tấp vào bến sông, liền sát một bãi cỏ lau xanh rì,mới đầu hè nên lau chưa trổ bông chỉ lác đác đó đây vài cọng trắng muốt rung rinh trước gió.

Mặt sông vắng tanh không một bóng người, có một người con gái đội nón ba tầm bước từ dưới đò lên vội vã đi mất.

Đò dập dềnh như thể chưa neo đậu, trên đó có mấy người đàn ông nằm chất đống lên nhau, người nào người nấy gương mặt tái mét, làn da ở cổ tím đen, miệng sùi bọp mép. Có đôi vợ chồng nhà kia mới cưới, muốn đi đò để về lại mặt gia đình, vừa nhìn thấy con đò trôi lững lờ gần mép sông vội vàng cất tiếng gọi. Người chồng gọi mãi mà không thấy ai trả lời, dù vẫn nhìn thấy người lái gục lên mái chèo. Linh tính có chuyện gì đó đáng ngờ, hai người lục tục đi ngược lại để tìm người cứu giúp. Chừng nửa tuần hương sau, con đò mới được dân sống xung quanh kéo vào tận bến.

Cảnh tượng trước mắt khiến người ta bàng hoàng kinh hãi, mấy người đàn ông đã bị rắn độc cắn chết từ lúc nào, trên cổ, trên vai lộ rõ hai vết răng sâu hoắm. Một thằng nhóc mặt non choẹt, tò mò đứng xem thoạt trông thấy cảnh tượng ấy run rẩy kêu lên:

“Lẽ nào… lẽ nào lại thứ quái ăn đầu người trên sông?”

Người khác vặn lại:

“Nhảm nhí! Con quái ấy đã ăn thì phải ăn đầu với tứ chi chứ.

“Mấy người này là bị rắn độc cắn!”

Đám người lao xao bàn tán:

“Lạ nhỉ! Giữa dòng Nhị Hà thì đào đâu ra rắn độc cắn đến nỗi vong mạng thế này?”

Tết đoan ngọ năm ấy trời nắng chói chang đến mức oi ả. Người ta vẫn có câu mưa gió lắm thì nắng nóng nhiều. Cứ mỗi năm tới dịp tết này, người Việt vẫn thường bày biện lễ vật cúng bái, dân gian vẫn quen gọi là lễ giết sâu bọ, chỉ những ai am hiểu về vu thuật mới biết tục lệ này bắt nguồn từ nỗi sợ hãi bị hạ cổ. Kẻ giàu cũng như người nghèo đều ăn cơm rượu nếp, bánh ú tro, lại có thêm tập tục dùng vôi tôi bôi lên trán, lên cổ để phòng rắn rết, vật độc bò tới.

Người đời sợ là thế, nhưng với những kẻ luyện cổ trùng thì đây là dịp hiếm có. Bởi lẽ thời gian này là lúc trùng tiết ra nhiều chất độc nhất, muốn luyện cổ thì chỉ có thể tranh thủ dịp này. Giới luyện cổ thường đồn đại với nhau rằng , khi nào có kẻ luyện được trùng nhân mạng, bầu trời nắng gay gắt của ngày hạ chí sẽ chuyển thành mưa máu gió tanh, mây đỏ sẽ ùn ùn kéo tới, ấy là khi đại hoạ đương tới gần.

Sáng sớm tiết Đoan Ngọ, Vũ đã trở dậy để trai giới cẩn thận. Cậu đã chờ rất lâu mới tới được ngày này. Nấm mồ của cha mẹ Vũ lúc này nhang khói bốc lên thơm lừng, cậu ngậm ngùi nhớ tới cái chết tức tưởi của lũ trẻ trong phủ năm xưa, của anh Giản, của cụ đồ trưởng thôn Cổ Lâu, và nhất là của thầy Lãnh. Chỉ ít lâu nữa thôi, mọi chuyện sẽ chấm dứt. Hơn ai hết Vũ hiểu rằng, chỉ cần cậu luyện được thành công cổ trùng nhân mạng sẽ trở thành mồi nhử cho gã người Mãn đến đây. Năm xưa gã đi khắp nơi để giết chóc, dùng người làm mồi nhử con quái sông Nhị Hà, âu cũng là để tìm kẻ có căn cơ luyện cổ trùng nhân mạng đó thôi.

Khác với cổ trùng, dưỡng ngao có phần đơn giản hơn rất nhiều. Để tìm được con cổ ngao, người luyện phải bắt được những loài chó hung tợn nhất, đem nhốt vào một chỗ cho chúng tự cắn xé lẫn nhau, trong khi bên ngoài vẫn liên tục lẩm nhẩm bài luyện chú. Vũ đưa mắt nhìn con Bá Ngao hiền lành ngồi bên cạnh, cậu biết rất rõ rằng nó đã trải qua những trận chiến một mất một còn thế nào. Bản lĩnh thực sự của Bá Ngao cậu còn chưa tận mắt chứng kiến, Vũ hít một hơi thật sâu, trong lòng tràn ngập sự căng thẳng, chỉ còn chưa đầy hơn nửa tuần hương nữa cậu sẽ bước vào cuộc chiến với rắn rết vật độc.

Bất cứ làng quê Bắc bộ nào từ xưa đến nay đều quen thuộc với cái giếng làng, coi như đó là chỗ sinh hoạt chung. Đối với những kẻ có của ăn của để, nhất là tầng lớp đại địa chủ, chẳng khi nào dùng giếng chung với cả làng. Ấy là bởi lẽ họ đã cất công xây dựng những chiếc bể nước vòm tròn sau nhà. Bên hông nhà Vũ cũng có một cái bể nước bằng đá ong như thế. Miệng bể chỉ hẹp đủ để một người chui qua, mới hôm qua bác Hợp đã múc hết nước ra ngoài, lúc này cái bể thực giống như một cái chum khổng lồ sâu như hũ nút.

Bác Hợp đứng tần ngần trước cửa bé, vừa đỡ Vũ chui vào bể, vừa khẽ thở dài đầy lo lắng. Hiểu ý bác, Vũ trấn an:

“Bác đừng lo, cháu có vật dẫn lại thuộc lòng bài chú cổ do tổ tiên truyền lại rồi. Cháu sẽ không sao đâu!”

Đôi mắt bác Hợp đỏ hoe chỉ khẽ gật đầu một cái. Bác nói nhỏ:

“Khi nào thành công, nhớ ra hiệu cho bác. Bác sẽ tới ngay!”

Từng giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán của Vũ. Lúc này cậu mới hiểu rằng vì sao cổ trùng nhân mạng hiếm có đến vậy, ấy là bởi vì chỉ có kẻ nào không còn gì để mất mới đem cược sự sống của mình vào trong một cái hũ đầy rắn.

Giờ ngọ vừa đến, Vũ đã chờ sẵn trong cái bề cạn sạch nước. Khắp nơi tối om như hủ nút, tiếng thở gấp gáp của Vũ dội lại vách đá nghe rõ mồn một. Tiếng bác Hợp đầy nắp bể sang một bên, không nói không rằng… một cơn mưa rắn rết ùa tới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3