Trái Tim Không Cần Lý Lẽ - Chương 16
Chương 16
Cuộc tấn công các hội viên của Hội Bình Đẳng vào ngày mười chín tháng tám càng làm cho những kẻ nhàn tản lưu tâm đến chính trị nhiều hơn, và họ bàn cãi sôi nỏi về sự kiện bất ngờ ấy trong tất cả các phòng khách.
Điều đó cũng có thể thấy ở phòng khách ở nhà ngài Damasso Ensina, nơi những vị khách thường nhật đã tề tựu đông đủ vào đêm ngày hai mươi mốt tháng tám. Câu chuyện xoay quanh những tin đồn lan truyền trong ngày hôm đó về việc dường như ở thủ đô đang có tình trạng giới nghiêm.
-Chính phủ cần phải khẩn cấp áp dụng biện pháp này – ngài Fidel Elias tuyên bố.
-Và thành trò cười cho thiên hạ - bà vợ châm chọc tiếp lời.
-Francisca! – ông Fidel phẫn nộ la lên – phải nhắc đến bao nhiêu lần rằng chính trị không phải là việc của đàn bà hả?
-Tôi cho rằng nền chính trị ở Chi lê đâu phức tạp đến nỗi tôi không thể hiểu – bà mệnh phụ có học vấn đối đáp.
-Bà tức giận là vô lý – ông Simon, cha đỡ đầu của Matilda, can thiệp – Dù sao thì phu quân của bà vẫn nói đúng, bà khó mà hiểu được thế nào là tình trạng giới nghiêm, bà đâu có nghiên cứu hiến pháp.
Đức ông đáng kính ấy, tự làm giảm uy tín của một người thông minh trước bạn hữu bởi những xét đoán khuôn sáo, luôn luôn đứng ra làm trọng tài tối cao cho những cãi vã như cơm bữa giữa bà Francisca với chồng.
-Dĩ nhiên rồi! – ông Fidel hoà theo – và bởi vì hiến pháp, đó là căn cứ của mọi căn cứ, cho nên nếu không biết về nó tức là không hiểu được cả điều chính yếu nhất.
Lần này ông Damasso không muốn ra mặt ủng hộ em gái, bạn hữu đã làm cho ông sợ nỗi hiểm hoạ cách mạng và đứng về phía chính phủ.
-Lẽ ra anh có thể lên tiếng bảo vệ em mới phải – bà Francisca nói với ông, vẻ trách móc – Ô, George Sander nói đúng thật, phụ nữ chỉ là nô lệ!
-Nhưng em ạ, nếu chúng ta bị cách mạng đe doạ thì có lẽ sáng suốt nhất là…
-Cái ông George Sander của bà có thể muốn nói gì thì nói – ông Fidel tuyên bố trong khi đưa mắt tìm sự ủng hộ của ông Simon.
-Nhưng tôi xin thưa thẳng rằng cái bọn tự do ấy sẽ trèo lên cổ chúng ta mà ngồi nếu như không ban bố giới nghiêm. Đúng thế không nào?
-Mấy người tự do bất hạnh đã làm cho các ông sợ hãi như thể họ chí ít cũng là những kẻ dã man phương Bắc thời trung cổ ấy.
-Họ còn đáng sợ hơn cả bản án tử hình kiểu Ai cập – ông Simon lên giọng bác học.
-Nói thật, tôi cũng không biết ai đáng sợ hơn – ông Fidel lầu bầu – những người tự do hay bọn da đỏ Araukan (bộ lạc da đỏ Nam Mỹ) mà không hiểu vì lẽ gì bà Francisca lại gọi là dân phương Bắc.
-Trời đất ơi! Nhưng tôi nói về bọn dã man thời trung cổ kia mà! – nổi giận vì cái vẻ tự tin và bât nhã của ông chồng, bà Francisca lên giọng gay gắt.
-Thời đại thì có nghĩa gì ở đây kia chứ - ông Fidel thản nhiên bình phẩm – trong bọn da đỏ hay những kẻ dân chủ đều có cả những người già lão sin ra từ thời đại trước, cả những thiếu niên chưa có ria mép. Thế nhưng cả hai lớp người đó đều rất đông. Và nếu như tôi ở trong chính phủ thì dứt khoát tôi sẽ ra lệnh giới nghiêm.
-Tình trạng giới nghiêm là sự đảm bảo cho trật tự và yên tĩnh, ngài Damasso yêu quý ạ - ngài Simon Arenal nhận thấy chủ nhân lại có vẻ hoài nghi nên nói ngay.
-Ồ, một chính phủ lo lắng cho sự yên tĩnh của chúng ta thì dĩ nhiên tôi đứng về phía chính phủ thôi – ngài Ensina thốt lên.
-Thật là hết nói, thưa ngài Damasso! – Clemente Valencia la lớn – làm gì có yên bình ở đây nếu như người ta đã dùng đến dùi cui?
-Coups batons! – Agustin lại thò ra mấy từ tiếng Pháp.
-Cần phải xử sự như thế - Emilio Mendossa, người mà như bạn đọc đã biết, thuộc đội ngũ quan chức, chen lời. – Chính phủ buộc phải cương quyết.
-Bằng không thì đến ngày mai là hiến pháp chẳng còn lại dấu vết nào nữa – ông Fidel nói với vẻ nghiêm trọng.
-Theo tôi được biết thì trong hiến pháp không có điều nào nói về dùi cui hết – bà Francisca cố tình chọc tức ông chồng.
-Bà ơi, bà ơi! – ông Fidel bất bình – phải nhắc đến bao giờ nữa, rằng…
-Chớ nổi nóng, người anh em, - ông Simon cắt ngang – tốt nhất là nhắc cho bà nhớ rằng ngoài hiến pháp ra còn có cả điều lệnh quân sự mà ở đó đúng là có nhắc đến gậy đấy.
-Thấy chưa? Tôi đã nói gì với bà hả? – ông Fidel mừng rỡ - bà có biết dù một chút xíu nào về cái điều lệnh ấy không chứ?
-Thế nhưng ngay bản thân tên gọi của nàng đã chỉ rõ rằng, nó chỉ áp dụng cho quân đội – bà Francisca không lùi bước.
-Mọi sự đấu tranh chống lại chính phủ đều phải xem như tội phạm quân sự - ngài Simon Arenal tuyên bố - Muốn chống đối chính quyền phải có vũ khí, mà những kẻ có vũ trang chính là quân nhân rồi còn gì.
-Thấy chưa hả? – ông Fidel nhắc bằng vẻ đắc thắng, thầm cảm phục tính logic của người bạn tâm giao.
Bà Francisca bực bội quay về phía bà Engracia đang ngồi vuốt ve âu yếm Diamela như thường lệ.
-Phát nực cả người lên vì tranh cãi với mấy nhà chính trị này! – bà phàn nàn.
-Em nói đúng đấy, trong phòng khách nực nội không chịu được – bà Engracia vốn bị khó thở như chúng ta đã biết, kêu lên.
-Em nói rằng tranh cãi với họ làm cho mình lúc thì phát nực, lúc thì ớn lạnh cả người – bà Francisca bực bội giảng giải, trong lòng thầm rủa sự đần độn của người chị dâu.
-Thì chị nói chính về điều đó – bà Engracia hoà nhã trả lời – không có tranh luận gì thì cả ngày chị đã thấy đầu nóng như lửa, còn chân lạnh nh băng ấy.
Bà Francisca im lặng và cố để lấy lại bình tĩnh, quay ra lật xem cuốn album của Leonor.
Trong khi đó cô gái đang thì thầm với cô em họ trong góc kín đáo của phòng khách. Đúng lúc ấy ở phòng bên vang lên tiếng bước chân và Martin hiện ra ở cửa, chàng vừa mới bỏ mũ ra để vuốt lại mái tóc.
Vừa trông thấy Martin, Agustin vội ra đón.
-Chớ nói một lời về buổi tối hôm qua – chàng ta khẽ nói nhanh – gia đình tôi không ai biết là tôi vẫn đến đó.
Cũng chính lúc ấy Leonor nói nhỏ với Matilda:
-Tối nay chị sẽ thử bắt chàng ta phải mở miệng và kể hết những gì biết về Raphael.
Một tình huống bỗng xảy ra hỗ trợ cho mưu mô của Leonor, người hầu mang vào phòng khách những mẩu vải mà bà Engracia yêu cầu một hiệu may thời trang gởi đến. Nhờ mấy mảnh vải đẹp mà bà Francisca lấy lại được sự sảng khoái tinh thần, bà quên cả nghĩ đến chính trị mà chỉ sôi nổi bàn luận với chị dâu các kiểu may áo váy. Ông Damasso tiếp tục tranh cãi kịch liệt với bạn hữu về vận mệnh của tổ quốc bằng cách viện dẫn những lý lẽ vốn đã quen thuộc với chúng ta. Agustin đã chán ngấy các câu chuyện về chính phủ với những người tự do nên đến ngồi cạnh Matilda và gợi nàng tán dóc về Paris. Còn Mendosa và Valencia cố làm ra vẻ lo lắng nghe các cuộc tranh luận về chính trị vì họ không đủ can đảm đứng dậy để đến với các cô gái.
Khi tuyên bố với cô em họ ý định của mình nói chuyện với Rivas, Leonor không chỉ bị thúc đẩy bởi mong muốn giúp đỡ Matilda mà còn bởi dục vọng tự mình biện minh cái mà cách đây không lâu nàng cố tình gọi là sự yếu đuối không thể tha thứ.
Cô gái cần đến Martin và nàng nóng lòng thể hiện những nỗ lực của mình để chống lại mối quan tâm bỗng trỗi dậy trong lòng con người nà. Như vậy, ít nhất là nàng cũng tự nghĩ đến việc tìm một lý do có vẻ chính đáng để bắt chuyện với chàng. Thế là Leonor đã đi một bước đầu tiên và nó buộc phải đưa nàng tới việc tham dự vào cuộc quyết đấu của tình yêu. Hiện thời đúng là mới chỉ nói tới những trận giao chiến đầu tiên của cuộc đấu sau này mà có thể gọi chúng là trò chơi thử lửa. Trái tim hiếu thắng của cô gái bùng cháy một ước vọng chiến thắng trong cuộc chiến mà nàng đã biết rằng ở đó nhiều bạn bè của nàng đã chịu thất bại, và nàng kiêu hãnh bước vào cuộc phiêu lưu ấy với sự vũ trang đầy đủ của sắc đẹp.
Martin cố sức để gặp được ánh mắt của Leonor và bỗng dưng nhận thấy nàng nhìn mình rất chăm chú. Khi bước vào phòng khách của ông Damasso, mặc dù với một lý do khác nhưng chàng cũng giống như Leonor, muốn tìm kiếm sự biện minh cho nỗi yếu đuối đã tàn nhẫn đặt chàng xuống chân cô gái này – người con gái mà người hùng si mê của chúng ta coi là Thượng Đế. Và để làm được điều đó, chàng thấy cần phải kể lại thật cặn kẽ buổi tâm sự cuối cùng với Raphael, như vậy, chàng cũng giúp đỡ bạn mình một cách vô cùng quý giá.
Nhận thấy ánh mắt người đẹp ban phát cho mình đến gần, Martin tiến lại và cúi đầu chào với vẻ kính cẩn của một thần dân chào đón quân vương.
Nỗi hồi hộp của Martin lan sang cả Leonor, tim nàng đập nhanh hẳn lên, cho dù nàng đã động viên mọi nỗ lực để giữ vẻ bình thản.
Rivas đã giải thích sự xúc động của cô gái một cách sai lầm vì cho rằng nàng tức giận với mình, chàng mong sao lúc đó có thể trốn xa nàng hàng nghìn dặm, trên gương mặt chàng trai tội nghiệp hiện rõ nỗi chán nản tột độ.
Cuối cùng Leonor trấn tĩnh được và nhìn thẳng vào Martin. Điều đó xảy ra đúng vào cái khoảnh khắc chàng trai tự thề rằng sẽ rời bỏ ngôi nhà này mãi mãi.