Từ Bờ Bên Kia - Chương 07
VI
LỜI BẠT NĂM 1849
Những lũ cừu ngoan ngoãn sẽ không còn phải hi sinh nữa,
Nhưng sinh mạng con người phải hiến tế thì nhiều vô kể!
Goethe. "Cô dâu ở Korinth"[161]
Mi thật đáng nguyền rủa, một năm của máu và điên rồ, một năm chiến thắng của đê hèn, hung bạo, đần độn. Ta nguyền rủa mi!
Từ ngày đầu tới ngày cuối, mi là sự bất hạnh, mi đã không có được một phút xán lạn nào, một giờ yên ổn nào, ở bất cứ chỗ nào. Từ cỗ máy chém được phục hồi ở Paris, từ vụ xử án ở Bourges cho đến những thòng lọng treo cổ ở đảo Kephalon mà người Anh dành cho các trẻ em, từ những viên đạn mà người em của Hoàng đế Phổ đã bắn vào dân chúng Baden, từ nền cộng hòa La Mã bị thất thủ trước dân tộc đã phản bội nhân loại, cho đến nước Hungary bị viên chỉ huy phản bội tổ quốc bán cho kẻ thù, - mọi thứ trong mi đều đầy tội lỗi, đẫm máu, tởm lợm, mọi thứ đều in dấu ấn của sự hắt hủi[162]. Và đây mới chỉ là bậc thang đầu tiên, sự khởi đầu, phần khai mào, những năm tiếp theo sẽ còn kinh tởm hơn nữa, dữ tợn hơn nữa, đê tiện hơn nữa...
Chúng ta đã sống tới cái thời nước mắt và tuyệt vọng! ... Đầu óc quay cuồng, lồng ngực giập gãy, thật kinh khủng khi biết được chuyện gì đang xảy ra và thật kinh khủng khi không biết rõ đã xảy ra những cơn cuồng loạn tàn bạo nào. Cơn xúc động giận dữ khêu gợi lòng căm phẫn và khinh bỉ; sự chịu nhục gặm nhấm lồng ngực... và muốn chạy đi, bỏ đi... nghỉ ngơi, tiêu vong không còn dấu vết, không còn ý thức nữa.
Niềm hi vọng cuối cùng còn làm ấm lòng, còn nâng đỡ, - niềm hi vọng trả thù - trả thù điên cuồng, hoang dại, không cần thiết, nhưng ắt chứng tỏ rằng trong lồng ngực của con người đương đại vẫn có trái tim, - niềm hi vọng ấy cũng biến mất; tâm hồn không còn lấy một chiếc lá xanh, tất cả đều bay đi hết... và mọi sự đều im ắng - sương mù và sự lạnh lẽo lan truyền khắp nơi... chỉ có đôi khi chiếc rìu của đao phủ nện xuống, đổ nhào, và viên đạn xé gió trong lúc tìm kiếm một lồng ngực cao quý của chàng thanh niên, bị bắn vì đã tin vào nhân loại.
Và họ sẽ không được trả thù hay sao?
Lẽ nào họ chẳng có bạn bè, anh em? Lẽ nào không có những người chia sẻ niềm tin cùng họ? Tất cả đều có hết, chỉ có điều sẽ không có cuộc trả thù!
Thay cho Marius[163], từ di hài của họ sẽ sinh ra cả một nền văn chương các diễn từ trong yến tiệc, những lời huênh hoang mị dân - trong đó có lời huênh hoang của tôi - và những vần thơ tầm thường.
Họ không biết được điều này. Thật may mắn làm sao là họ đã không còn sống và không có cuộc đời sau cái chết! Bởi họ đã tin vào những con người, đã tin rằng có những thứ đáng để hi sinh tính mạng, và họ đã hi sinh thật thánh thiện, để bù đắp cho thế hệ lờ đờ của những kẻ bị thiến. Chúng ta hầu như không biết tên tuổi họ - vụ giết hại Robert Blum[164] làm hoảng sợ, gây kinh ngạc, rồi chúng ta đã cam chịu...
Tôi đỏ mặt vì thế hệ của chúng ta, chúng ta là những kẻ khoa trương vô hồn, máu chúng ta lạnh tanh, chỉ có mực viết là nóng bỏng; ý tưởng trong chúng ta đã quen với sự giận dữ chẳng có dấu vết, còn ngôn từ thì đã quen với những lời lẽ say đắm mà chẳng có chút ảnh hưởng nào tới sự việc. Ở chỗ cần phải đâm chém thì chúng ta suy tư, chúng ta nghĩ ngợi ơ nơi cần phải say mê, chúng ta khôn ngoan một cách đáng tởm, chúng ta từ trên cao nhìn xuống mọi việc, chúng ta chịu đựng hết mọi chuyện, chúng ta bận rộn chỉ với cái toàn thể, ý tưởng, nhân loại. Chúng ta làm chết đói tâm hồn mình trong những phạm vi trừu tượng và chung chung, giống như các thầy tu làm cho tâm hồn bất lực ở trong thế giới tụng niệm và quán tưởng. Chúng ta đã mất đi khẩu vị đối với thực tại, đã từ thực tại thoát bay thẳng lên trên, giống như bọn tiểu thị dân thoát thẳng xuống phía dưới.
Còn các vị đã làm gì, hỡi những nhà cách mạng đã hoảng sợ cách mạng? Những chú nhóc con nghịch ngợm chính trị, những kẻ õng ẹo của tự do, các vị chơi trò cộng hòa, trò khủng bố, trò chính phủ, đùa tếu ở các câu lạc bộ, ba hoa trong các phòng giam, phục sức như thằng hề với súng ngắn và gươm đao, sung sướng một cách trong trắng vì bọn ác nhân không che mặt đã khen ngợi lòng nhân từ của các vị, sau khi chúng đã ngạc nhiên thấy chúng vẫn còn sống. Các vị đã chẳng đề phòng điều gì, đã chẳng lường trước được điều gì. Còn những người nào là tốt nhất trong các vị, thì đều đã trả giá bằng mạng sống của họ cho sự điên rồ của các vị. Giờ đây các vị hãy học hỏi ở kẻ thù của các vị, những kẻ thù đã chiến thắng các vị vì chúng thông minh hơn các vị. Các vị hãy nhìn xem, chúng có e ngại phản ứng hay không, chúng có e ngại đi quá xa hay không, có e ngại nhúng tay vào máu hay không? Hãy chờ thêm chút nữa, chúng sẽ xử tử hết các vị, các vị không trốn xa được đâu. Mà xử gì kia chứ, chúng sẽ cắt cổ hết các vị.
Đơn giản là con người đương đại làm tôi kinh hãi. Một sự vô cảm và thiển cận biết bao, một sự kém tha thiết và kém phẫn nộ biết bao, một sự yếu ớt về tư duy biết bao, làm sao mà khí thế của anh ta lại chóng nguội đi đến thế, làm sao mà sự say mê, nghị lực, niềm tin vào sự nghiệp của mình lại sớm lụi tàn đi đến thế! Ở đâu? bằng cách nào? khi nào mà những người ấy đã mất hết sinh lực, khi nào mà họ đã kịp mất đi sức mạnh? Họ đã bị đồi bại ở trường học, nơi người ta lừa dối họ; họ đã cạn mất sinh lực trong những quán rượu, trong cơn hoang dại thời sinh viên; họ đã suy yếu đi từ sự đồi bại nhỏ nhen, bẩn thỉu; họ sinh ra và lớn lên trong bầu không khí bệnh hoạn, họ chẳng có được bao nhiêu sức lực và rồi sau đó họ đã héo tàn trước khi nở hoa; họ đã kiệt sức không phải vì những say đắm, mà vì những mộng mơ say đắm. Và cả ở đây nữa, vẫn luôn như thế, các nhà văn, các nhà lí tưởng, các nhà lí thuyết, họ đã đạt được sự đồi bại bằng tư duy, họ đã đọc sự say đắm. Đôi lúc thấy thật đáng giận là mình không thể chuyển thành giống loài khác của các con thú, - tất nhiên rồi, làm một con lừa, một con ếch, một con chó thì dễ chịu hơn, trung thực hơn và cao thượng hơn là làm một con người thế kỉ XIX.
Chẳng có ai để buộc tội cả, đó không phải lỗi của họ, không phải lỗi của chúng ta, đó là sự bất hạnh phải sinh ra vào lúc cả một thế giới đang chết đi!
Chỉ còn có một niềm an ủi: rất có thể là những thế hệ tương lai sẽ còn suy thoái nhiều hơn nữa, còn nông cạn nhiều hơn nữa, nghèo nàn đi cả trí tuệ lẫn tâm hồn; họ sẽ chẳng còn thông cảm được ngay cả những sự nghiệp của chúng ta, và những ý tưởng của chúng ta sẽ là không hiểu được đối với họ. Dân chúng, cũng giống như các hoàng tộc, đần độn đi trước lúc sụp đổ, sự hiểu biết của họ sẽ bị mờ tối đi, họ sẽ mất trí - giống như những người Merovingi[165], khai nghiệp trong sự sa đọa và pha trộn huyết thống, rồi chết trong cơn mê man nào đó, không bao giờ tỉnh lại nữa; giống như giai tầng quý tộc suy đồi thành một lũ đần độn bệnh hoạn, châu Âu bị xé vụn ra sắp sống nốt cuộc sống khốn khổ của mình trong những buổi hoàng hôn của đầu óc đần độn, trong những cảm xúc nhạt nhẽo không có tín niệm, không có nghệ thuật tao nhã, không có thi ca hùng hậu. Những thế hệ yếu ớt, èo uột, ngu tối sẽ sống lay lắt qua ngày cho tới cuộc bùng nổ, cho tới khi dòng phún thạch nào đó sẽ phủ lấp họ bằng một lớp đá và đưa họ vào quên lãng của biên niên sử.
Còn ở đó thì sao?
Ở đó sẽ tới mùa xuân, cuộc sống trẻ trung sẽ sôi động trên nắp quan tài của họ, sự man dã của thời thơ ấu, đầy những sức mạnh còn chưa được sắp xếp nhưng thật lành mạnh, sẽ thay thế sự man dã đã già nua; sự hùng mạnh hoang dã, tươi tắn sẽ mở toang ra trong lồng ngực trẻ trung của những dân tộc niên thiếu, và sẽ lại bắt đầu một vòng tròn mới của các biến cố và tập thứ ba của toàn bộ lịch sử.
Giọng điệu chủ yếu của nó ngay bây giờ chúng ta cũng có thể hiểu được. Nó sẽ thuộc về những ý tưởng xã hội. Chủ nghĩa xã hội sẽ phát triển trong tất cả các giai đoạn của nó cho tới những hậu quả cực đoan, những phi lí. Khi ấy từ lồng ngực khổng lồ của một thiểu số cách mạng sẽ bật ra tiếng thét phủ định, và sẽ lại bắt đầu một cuộc đấu tranh sinh tử mà ở đó chủ nghĩa xã hội sẽ chiếm chỗ của chủ nghĩa bảo thủ hiện nay và sẽ bị đánh bại bởi cuộc cách mạng mai sau mà chúng ta còn chưa biết...
Trò chơi vĩnh cửu của cuộc sống, tàn nhẫn như cái chết, bất khả kháng như sự sinh nở, nước triều lên và nước triều xuống[166] của lịch sử, chuyển động vĩnh cửu của con lắc![167]
Vào cuối thế kỉ XVIII thần Sisyphus đã vần được tảng đá nặng của mình, cấu tạo từ những mảnh vỡ của ba thế giới khác loại với nhau, lên được tới đỉnh, tảng đá lắc lư về phía này rồi về phía kia, tựa hồ như muốn được ổn định - nhưng không phải vậy; nó đã bắt đầu nghiêng đi một cách lặng lẽ không ai thấy - cũng có thể nó vấp phải cái gì đó rồi dừng lại với sự trợ giúp của bộ phận hãm và những bờ ngưỡng, như là sự cầm quyền đại nghị, quân chủ lập hiến, rồi bị phong hóa đi trong hàng thế kỉ, lấy bất cứ thay đổi nào thay cho hoàn thiện và lấy bất cứ sự hoán đổi nào thay cho phát triển, - y như cái nước Trung Hoa Âu hóa ấy được gọi là nước Anh, y như cái nhà nước cổ xưa ấy nằm giữa những núi non cổ xưa, được gọi là nước Thụy Sĩ. Nhưng để làm được điều đó thì phải làm sao để gió không thổi, làm sao để không có cả cú hích lẫn những chấn động; nhưng gió đã thổi và cú hích đã đến. Cơn bão tháng Hai đã lay động đến tận nền tảng được thừa kế. Cơn bão những ngày tháng Bảy đã dịch chuyển triệt để toàn bộ sự quần tụ phong kiến La Mã, và nó đang lăn xuống núi với tốc độ không ngừng tăng lên, phá hủy trên đường đi mọi thứ gặp phải và tự vỡ ra thành từng mảnh... Còn thần Sisyphus tội nghiệp đứng nhìn và không tin vào mắt mình nữa, mặt ông ta dài ra, mồ hôi của sự mệt nhọc hòa lẫn với mồ hôi của sự kinh hãi, nước mắt của sự tuyệt vọng, xấu hổ, bất lực, của cơn tức giận ngưng lại trên đôi mắt; ông ta đã tin tưởng đến thế vào sự hoàn hảo, vào nhân loại, ông ta đã trông mong một cách triết lí đến thế, một cách thông minh và bác học đến thế vào con người đương đại - vậy mà ông ta đã lầm.
Cách mạng Pháp và khoa học Đức là những trụ cột hùng hậu của thế giới châu Âu. Phía sau thế giới ấy mở ra đại dương, hiện ra một thế gian mới, một thứ gì đó mới mẻ chứ không phải một phiên bản có sửa chữa của châu Âu già nua. Chúng báo trước cho thế giới sự giải phóng khỏi bạo lực của giáo hội, khỏi chế độ nô lệ công dân, khỏi quyền uy luân lí. Thế nhưng, trong khi tuyên bố chân thành về tự do tư tưởng và tự do sinh sống, những con người của cuộc lật đổ đã không hình dung được hết tất cả tính bất tương thích của tự do ấy với chế độ Thiên Chúa giáo châu Âu. Chối bỏ hẳn chế độ ấy thì họ vẫn chưa thể làm được. Để tiến lên phía trước họ buộc phải cuốn lại lá cờ, phản bội lại nó, họ đã buộc phải nhượng bộ.
Rousseau và Hegel là những tín đồ Kitô giáo.
Robespierre và St. Justin[168] là những người theo chủ nghĩa quân chủ.
Khoa học Đức là tôn giáo tư biện; nền cộng hòa của Hội nghị Quốc ước là chế độ chuyên chế năm đầu lĩnh và có cả giáo hội nữa. Thay thế cho biểu tượng của đức tin đã xuất hiện các giáo điều công, dân. Quốc hội và chính phủ cùng nhau thúc đẩy phép thần bí giải phóng nhân dân. Nhà lập pháp biến thành tăng lữ, nhà tiên tri, và hiền hậu thông báo không chút mỉa mai những bản án vô tội không thay đổi, nhân danh nền chuyên chế nhân dân.
Nhân dân, tất nhiên rồi, vẫn là "cư dân" như cũ, khả dĩ quản lí được; đối với nhân dân chẳng có gì thay đổi hết, và nhân dân hiện diện trong các văn bản chính trị mà chẳng hiểu gì hết, cũng giống như trong các văn bản tôn giáo.
Thế nhưng danh xưng Tự Do đã xen vào thế giới của tập quán, nghi thức và quyền uy. Nó đã in sâu vào trái tim; nó đã vang lên bên tai và nó không thể bị thụ động nữa; nó đã lên men, nó ăn mòn nền móng của tòa nhà xã hội; khổ nỗi nó được cấy vào một điểm, làm phân rã một giọt máu cũ. Với chất độc ấy trong huyết quản thì không thể cứu nổi thân thể đã yếu ớt tàn tạ. Ý thức được mối nguy đang kề cận, vốn đã bộc lộ ra mạnh mẽ sau thời đại điên rồ của chế độ hoàng đế, tất cả những đầu óc sâu sắc nhất thời ấy đã chờ đợi thảm họa, đã sợ hãi nó. Người theo chủ nghĩa chính thống Chateaubriand[169] và Lamennais, hồi đó còn là linh mục, đã chỉ ra nó. Kẻ khủng bố khát máu theo Thiên Chúa giáo, Maistre[170], trong khỉ sợ hãi nó, đã chìa một tay cho giáo hoàng, tay kia cho đao phủ. Hegel đã buộc cánh buồm triết học của mình, nền triết học thật kiêu hãnh và tự do bơi trên biển cả logic, nhưng vẫn e sợ bơi quá xa bờ rồi bị gió giật. Niebuhr[171], bị khổ sở vì cùng một lời tiên tri ấy, đã chết sau khi được nhìn thấy năm 1830 và cuộc cách mạng tháng Bảy. Cả một trường phái đã được thành lập ở Đức, mơ tưởng dùng quá khứ để dừng lại tương lai, dùng thây của cha để đóng cửa lại trước đứa con sơ sinh. - Hư không của hư không![172]
Hai vĩ nhân rốt cuộc đã đến để kết thúc giai đoạn lịch sử.
Hình ảnh người già của Goethe, không chia sẻ những mối quan tâm đang sôi sục xung quanh, xa lạ với môi trường, thản nhiên đứng đó khép lại hai dĩ vãng ở lối vào thời đại của chúng ta. Ông ta đè nặng lên những người đương thời và hòa giải với thời quá vãng. Ông già vẫn còn sống khi nhà thơ duy nhất của thế kỉ XIX xuất hiện và biến mất. Nhà thơ của hoài nghi và phẫn nộ, vị linh mục đỡ đầu, cũng là đao phủ và nạn nhân; ông ta đã vội vã đọc bài kinh cầu nguyện đầy chất hoài nghi cho thế giới già yếu sắp quá cố, và ông ta mất vào năm 37 tuổi ở nước Hi Lạp đã hồi sinh, nơi ông ta đã chạy tới để khỏi phải nhìn thấy "những bờ biển quê hương mình".[173]
Sau ông ta tất cả đều im bặt. Và chẳng một ai chú ý đến chứng vô sinh của thế kỉ, đến sự vắng bóng hoàn toàn của sáng tạo. Thoạt tiên nó còn được soi sáng bởi vừng hồng thế kỉ XVIII, nó nổi lên bằng vinh quang của thế kỉ ấy, hãnh diện nhờ những con người của thế kỉ ấy. Dần dần khi những ngôi sao của bầu trời ấy lặn đi thì hoàng hôn và sương mù đổ xuống mọi thứ; khắp nơi là sự bất lực, tầm thường, nhỏ nhen - và một dải hơi mờ sáng le lói ở phương đông gợi về một buổi bình minh xa xôi mà trước khi nó đến sẽ còn có nhiều mây đen kéo đến.
Cuối cùng đã xuất hiện những nhà tiên tri báo tin về sự bất hạnh kề cận và sự chuộc tội xa xôi[174]. Người ta đã nhìn họ như những kẻ ngây dại mất trí, ngôn ngữ mới mẻ của họ gây phẫn nộ, những lời nói của họ bị xem là lời nói mê sảng. Đám đông không muốn bị đánh thức; nó xin được để yên với sinh hoạt thảm hại của nó, với những tập quán hèn kém của nó; nó muốn, giống như Frederic II, chết mà không thay quần áo đã bẩn. Không có thứ gì có khả năng thỏa mãn nguyện vọng khiêm tốn ấy thật tốt như là nền quân chủ thị dân.
Thế nhưng sự tha hóa đã đi theo trình tự của nó, "con chuột chũi dưới đất" làm việc không biết mệt mỏi[175]. Tất cả mọi quyền lực, tất cả mọi định chế đều đã bị gặm nhấm bởi khối u ẩn giấu; ngày 24 tháng 02 năm 1848 bệnh chuyển từ mãn tính sang cấp tính. Nền cộng hòa Pháp được báo tin cho thế giới bằng tiếng kèn của pháp đình cuối cùng. Sự yếu ớt, già nua của chế độ xã hội cũ đã trở thành hiển nhiên, tất cả đã sinh ra buông tuồng, tan rã, mọi thứ đều xáo trộn và chính là đang cố đứng vững trên mớ bòng bong đó. Các nhà cách mạng trở thành những kẻ bảo thủ, những kẻ bảo thủ trở thành bọn vô chính phủ; nền cộng hòa đã giết chết những định chế tự do cuối cùng, vốn vẫn còn nguyên vẹn thời các vua chúa; quê hương của Voltaire lao vào thói đạo đức giả. Tất cả đều đã chiến bại, mọi thứ đều bị chiến bại, nhưng không có người chiến thắng...
Khi có nhiều người đã hi vọng, chúng ta đã từng bảo họ: đây không phải là sự hồi phục sức khỏe, đây là vẻ hồng hào của bệnh lao phổi. Dũng cảm về tư duy, táo bạo về ngôn từ, chúng ta đã không e ngại cả nghiên cứu cái ác lẫn phát biểu nó, nhưng mồ hôi lạnh giờ đây đang ướt trán. Tôi là người đầu tiên tái mặt đi, thấy sợ sệt trước đêm trường tăm tối đang đến; rùng mình kinh sợ với ý nghĩ rằng những tiên đoán của chúng ta đang trở thành hiện thực - sự hoàn thành lại đến sớm thế - lại mãnh liệt đến thế...
Vĩnh biệt, thế giới đang ra đi, vĩnh biệt, châu Âu!
Thế chúng ta sẽ biến mình thành thứ gì đây?
... Là những mắt xích cuối cùng nối hai thế giới mà không thuộc về thế giới nào hết, những người đã tự gỡ mình ra khỏi giống loài, li khai khỏi môi trường, bỏ đi vào nội tâm mình; là những người chẳng cần thiết cho ai, bởi vì không thể chia sẻ cả cái già cỗi của những người này, lẫn tuổi thơ của những người kia, chúng ta không có chỗ ngồi trong bàn tiệc. Là những người phủ định quá khứ, là những người của những xây dựng trừu tượng trong tương lai, chúng ta chẳng có tài sản gì, cả trong quá khứ lẫn tương lai, chính điều này vừa chứng tỏ sức mạnh của chúng ta, lại vừa chứng tỏ sự vô dụng của sức mạnh ấy.
Đi cho khuất mắt... Bằng cuộc đời mình bắt đầu cuộc giải phóng, phản kháng, một kiểu sống mới... Tựa như chúng ta quả thực tự do, đã giải thoát khỏi cái xưa cũ rồi chăng? Lẽ nào những phẩm hạnh, những thói xấu, những đam mê của chúng ta và chủ yếu là những tập quán của chúng ta, lại không thuộc về cái thế giới ấy, cái thế giới mà chúng ta đã li dị mới chỉ trong các tín niệm thôi, hay sao?
Chúng ta sẽ làm gì đây trong những khu rừng hoang sơ, - chúng ta, những người sáng nào cũng phải đọc cho hết năm tờ tạp chí, chúng ta, những người chỉ còn lại chút thi ca trong trận chiến với thế giới cũ? Làm gì nào? ... Chúng ta thành thật thú nhận, chúng ta là những chàng Robinson thật tệ.
Chẳng lẽ đi Mĩ mà không mang theo nước Anh cũ kĩ đến đó hay sao?
Và lẽ nào từ nơi xa xôi chúng ta sẽ không nghe thấy những tiếng rên la, lẽ nào có thể ngoảnh mặt đi, nhắm mắt, bịt tai lại - cố tình không biết, kiên quyết câm nín, tức là thừa nhận thất bại, đầu hàng hay sao? Điều này là không thể được! Những kẻ thù của chúng ta phải biết rằng có những con người độc lập quyết không đánh đổi tự do ngôn luận lấy bất cứ thứ gì, chừng nào mà lưỡi rìu còn chưa đi ngang qua giữa đầu và thân mình họ, chừng nào mà dây thòng lọng còn chưa quàng vào cổ họ.
Như thế, hãy để cho lời nói của chúng ta vang lên!
... Nhưng nói với ai? ... nói gì? Quả thực tôi không biết, chỉ có điều chuyện này mạnh hơn bản thân tôi...
Zurich, 21 tháng 12 năm 1849