Tuấn, Chàng Trai Đất Việt - Chương 31
Chương 31
1926
- Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do học sinh tổ chức lén trên núi .
- Các giáo sư diễn tuồng cải lương mừng lễ “ Hưng Quốc Khánh niệm “ của Gia Long
- Truyền đơn của “ Dân Việt Cách Mạng Ðảng “
- Ðấu khẩu giữa một nhóm Nam Nữ học sinh chống Pháp và một ông Lý trưởng nịnh Pháp .
Mấy tháng sau, tháng 3 năm 1926 tin cụ Phan Chu Trinh tạ thế ở Saigon bay ra khắp nước, mãnh liệt như một làn thuốc súng . Ðám táng của cụ ở Saigon thành ra một đám tang chung cho toàn quốc . Một số học trò Trường Trung học Qui-nhơn nghe tin ấy một buổi tối thứ sáu, do một người từ Saigon đem về . Tức thì đêm ấy một nhóm độ 10 trò rủ nhau đến nhà thầy Ðổng sĩ Bình để hỏi xem tin kia có đúng không, và phải làm thế nào ?
Thầy Bình đang gục đầu khóc nức nở trước một hương án, trên đó thầy đã treo một bức ảnh của cụ Phan Chu Trinh đặt một lư trầm khói bay nghi ngút, một bình hương, một cặp đèn nến cháy đỏ bừng, với một bình hoa phượng . Tụi trò Tuấn bỏ cả quốc ngoài hè, đứng vòng tay lễ phép một bên . Nhìn lên ảnh cụ Phan, trò nào cũng rưng rưng nước mắt . Bổng dưng không ai bảo ai, các trò đến qùy sụp xuống hết trước bàn thờ, sau lưng thầy Ðổng sĩ Bình, và khóc cả lên một lượt, ầm ĩ cả nhà .
Sau đó, thầy Bình cho mấy cậu học trò biết rằng chính thầy cũng mới nhận được giây thép báo tin buổi chiều trong lúc thầy đang làm việc trong Toà Sứ . Ðợi mãn giờ làm việc, thầy vội vàng đạp xe máy về nhà thiết hương án để vọng bái cụ .
Hôm ấy là 26 tháng 3, Cụ Phan Chu Trinh tạ thế tại Saigon lúc 9 giờ rưỡi đêm 24.
Gần 2 giờ khuya các trò ra về, mang nặng trong lòng một mối tang chung, và thầm thì với nhau sắp đặt lễ truy điệu cho toàn thể nhà trường .
Lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh do một nhóm học trò trường trung học Qui-nhơn tổ chức lén lút trong đêm thứ Bảy 27-3 và sáng Chủ Nhật 28-3-1926 có thể coi mhư là một chứng dẫn cảm động nhất của lòng yêu nước nhiệt thành của thế hệ thanh niên Việt Nam thời bấy giờ.
Tôi nói : Nhiệt thành, vì lòng sùng bái đối với cụ Phan Chu Trinh xui họ tự động tổ chức lấy, do một nhóm 10 cậu học trò hăng hái vận động từ hai hôm trước và đa số tán thành . Nhưng họ không dám tổ chức công khai trong thành phố .
Nhóm 10 cậu cầm đầu có 5 cậu ở lớp Ðệ Tam niên và năm cậu ở lớp Ðệ Nhị niên, trong đó có các trò Quỳnh, Tố, Thu, Hảo, Tuấn . Trong số 5 anh lớn ở Ðệ Tam niên có anh Trọng, người đeo kính cận thị, cao lớn nhất và học lười nhất, chỉ thích vô Saigon mở tòa báo để mời ông Hồng Tiêu làm chủ bút .
Sau một buổi nhóm âm thầm bí mật ở nhà trọ anh Trọng hồi 7 giờ tối thứ Bảy, mỗi trò phải lập tức chạy đi từng nhà trọ rủ anh em góp tiền và hẹn sáng sớm hôm sau là Chủ Nhật phải đi lên núi Xuân Quang làm lễ . Căn dặn với nhau đi bằng xe máy hay đi bộ như đi chơi thường đừng để người ta chú ý, và không được đi chung đông người . Tiền góp mỗi trò 5 xu, để mua nhang đèn và nếu có thể được thì mỗi trò sẽ đem theo một miếng vải đen để tang .
Ở trong buổi nhóm ra, Tuấn chạy đến nhà trọ của hai cô bạn gái lớp Nhất, Trâm và Anh . Hai cô rất sốt sắng tán thành ngay. Vì giờ đó không thể mua vải ở đâu được . Anh vội vàng đi lấy chiếc áo dài đen còn mới của cô bằng vải trăng đầm và không do dự lấy kéo cắt phăng một cánh tay áo, làm được ba cái băng tang, cho Tuấn một, Trâm một và Anh một. Trâm thì lấy tiền riêng chạy ra phố mua ba thẻ nhang và sáu cây đèn bạch lạp . Trâm và Anh lại bảo nhau sáng sớm trước khi đi bẻ mấy cành hoa phượng để đem cắm trên bàn thờ cụ . Hai cô dặn Tuấn đến đi với hai cô, và đi bộ, đi thật sớm, lúc hừng đông, trước khi mặt trời mọc . Lúc bấy giờ hầu hết phụ nữ ở Trung kỳ và Bắc kỳ đều chưa biết đi xe đạp . Ở Saigon và lục tỉnh cũng chỉ có một số rất ít chị em mới tập đi xe máy đầm . Học trò gái đi học toàn đi bộ, mặc dù nhà trọ ở xa trường .
Tuấn còn chạy đi rủ các bạn khác . Giữa đường gặp Quỳnh, Quỳnh hỏi thật khẻ :
- Mầy rủ được mấy đứa rôì ?
Tuấn cũng trả lời rất khẻ :
- Ðược 20 đứa …Còn mầy ?
- Tao rủ được 35 thằng lớp Ðệ Nhất niên . Mày có cho bọn học trò con gái biết không ?
- Có . Trâm và Anh . Anh xé cánh tay áo dài đen làm cho tao cái băng tang .
- Mày sướng quá vậy . Tao chưa có băng tang . Mày trở lại con Anh, biểu nó làm cho tao một cái được không ?
Tuấn gãi đầu :
- Ðược . Ðể tao bảo nó cái băng của tao ra làm đôi, mỗi đứa một nửa .
Theo “ chương trình “ -- tạm gọi là chương trình, vì sự thực không có chương trình, và chính “ban tổ chức “ cũng không có . Chỉ có anh Trọng và 9 đứa với nhau sơ sài rôì mạnh ai nấy đi cổ động riêng . Theo sự dặn dò với nhau thì lễ truy-điệu phải làm ngay lúc mặt trời mới mọc .
Bảo nhau rằng làm lễ truy điệu trên núi Xuân Quang nhưng sự thật Tuấn không biết làm chỗ nào, vì núi Xuân Quang ở phía Bắc trường học Qui-nhơn là một dẫy núi dài . Các trò chỉ biết là đi dọc theo con đường lớn lên miệt nhà quê, rôì đến đấy gặp nhau sẽ liệu .
Tuấn đi với Trâm và Anh, từ lúc gà mới gáy vào khoảng 5 giờ . Thành phố hãy còn ngủ thim thíp . Các anh cu ly kéo xe cũng còn ở nhà ngủ, chưa có một bóng anh nào lảng vảng ở ngoài đường . Trâm và Anh hơi sợ, vì sắp sửa dự vào một việc nguy hiểm . Hai cô học trò lớp Nhất mơí 15 tuổi đã biết gì đâu, tuy là hăng hái, do trò Tuấn xúi giục rủ reng . Hai cô tóc kẹp, đội nón Huế, chân mang quốc, vẫn chưa biết là lén lút như thế này đến dự lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh ở một nơi kín đáo trên núi sẽ có hậu quả như thế nào ? Nhưng Trâm và Anh đều hoàn toàn tin tưởng nơi Tuấn, cho nên Tuấn đi giữa, hai cô đi hai bên, kề sát vào nhau như người anh cả 16 tuổi đi với hai cô em gái 15 tuổi, vừa đi vừ thầm thì trò chuyện .
- Anh Tuấn ơi, tụi mình làm lễ đề tang cho cụ Phan chu Trinh, lỡ ông Ðìa-réc-tơ biết, ổng có đuổi không anh ?
- Không lẽ đuổi cả trường à ?
- Nhưng chắc gì bữa nay có cả trường đi lễ ?
- Không có cả trường thì cũng có một nửa . Nội đêm hồi hôm, một mình tôi đi rủ được 30 đứa . Không lẽ còn mấy anh kia không rủ được ba trăm đứa sao ?
- Các ông giáo có dự không anh ?
- Ai mà dám cho ổng biết
- Lỡ thứ Hai vô học các ông biết thì sao ?
- Nếu có chuyện gì, thì tôi với mấy anh kia chịu .
- Không, nói thế chứ các anh bị cái gì, thì tụi em cũng bênh các anh .
Câu chuyện thầm thì đến đậy, xem chừng như nghẹn nơi cổ rôì . Tuấn và Trâm, Anh, đều làm thinh, không ai nói gì nữa .
Ðến đầu làng Xuân Quang đã thấy anh Trọng, Quỳnh, Tố, và 5, 6 trò khác tụ họp nơi chân núi đá . Mấy người này đi xe máy đã đến trước . Anh Trọng và hai trò đi vào một nhà tranh gần núi . Không biết họ nói cách nào mà họ mượn được một cái bàn cũ kỹ, khiêng ra đặt ngay trên bãi cỏ xanh . Mặt trời đã rạng đông, và lần lượt học trò kéo tới, hầu hết là đi xe máy, chở nhau mỗi xe hai ba trò . Cũng có nhiều trò đi bộ . Tuấn lăng xăng với Quỳnh, Hảo và anh Trọng, sắp đặt cho anh em dựng xe máy vào các tảng đá, và kê dọn bàn thờ . Ðầu tiên, trò Quỳnh lấy tấm ảnh cụ Phan Chu Trinh, cắt trong quyển sách "Quân trị chủ nghĩa và Dân trị chủ nghĩa “ của cụ Phan, do một người ở Saigon đem ra bán mấy hôm trước . Tấm ảnh đẹp, gương mặt cụ Phan thật là oai nghiêm . Anh Trọng trở vào túp lều tranh ban nãy, mượn được chiếc bài vị cúng thần thổ địa . Anh em mừng qúa, cười rộ lên . Tuấn và Quỳnh xúm lại lấy cơm nguội trét dán ảnh cụ Phan Chu Trinh lên trên bài vị .Bắt đầu có ảnh cụ Phan đặt trên bàn thờ anh em đã thấy rạo rực trong lòng, và nét mặt người nào người nấy tự nhiên buồn rầu, cảm động . Không ai dám cười giỡn .
Trâm và Anh đưa ra bó hoa phượng . Tuấn chạy vào nhà anh dân quê kia mượn được chiếc bình mẻ đem ra, để cắm hoa . Các bạn khác cũng vào núi bẻ rât nhiều hoa rừng đặt phủ kín bàn thờ .
Nến và hương thắp thật nhiều, chung quanh ảnh cụ Phan khói bay nghi ngút . Anh Trọng lớn hơn hết, có vẻ ngưòi anh cả thật sự, bảo anh em đứng sắp hàng cho có trật tự . Tuấn và Quỳnh đi sắp đặt chỗ, để Trâm và Anh đứng gần bàn thờ, còn học trò trai, cả thảy gần một trăm người mặc toàn áo trắng dài, đứng sắp hàng hai bên .
Mặt trời vừa mọc, chói rực trên mặt biển Qui-nhơn, chiếu những tia vàng trên sườn núi . Gió thổi hiu hiu mát rượi . Cảnh vật chung quanh hoàn toàn yên tỉnh . Chẳng có một người dự vào, trừ hai vợ chồng dân quê và mấy đứa con tò mò đứng ngó nơi sân nhà . Anh Trọng đứng trước bàn thờ, Tuấn một bên, Quỳnh một bên . Thấy anh Trọng qùi xuống . Tuấn và Quỳnh cũng bắt chước quỳ . Anh Trọng móc trong túi ra một tờ giấy để đọc . Ðó là bài văn tế cụ Phan Chu Trinh mà anh soạn lúc nào không ai biết, Tuấn cũng không biết . Giọng anh run run với những câu như :
“…Thưa cụ, chúng con là học trò khờ dại, nhưng nghe tin cụ mất ở Nam kỳ, chúng con cũng đau đớn vô cùng . Chúng con thương khóc cái chết một bậc anh hùng của quốc dân An nam, một bậc đại chí sĩ đã nêu gương ái quốc cho thanh niên chúng con . Trong lúc đồng bào khắp nơi đều khóc cụ, chúng con tụ hợp nơi đây với chút lòng thành, một nén hương, một ngọn nến, chúng con xin vong linh cụ chứng giám cho …”
Anh Trọng đọc chưa hết đã gục đầu xuống khóc . Tuấn và Quỳnh cũng khóc . Rồi tất cả học trò đều khóc .
Lần lượt anh em đến trước bàn thờ cụ, cung kính quỳ xuống lạy . Trâm và Anh khóc nhiều hơn cả . Xong rôì anh Trọng nói :
-Tôi có đem theo đây một vuông vải trăng-đầm đen và cái kéo . Cô Trâm và cô Anh cắt giùm ra làm băng tang cho anh em đeo . Ai có rồi thì lấy ra đeo, để tang cho cụ .
Buổi lễ truy điệu cụ Phan chu Trinh rất giản dị và trọng thể, đã cử hành được hoàn toàn mỹ mãn. Xong kẻ rũ nhau đi chơi núi, một tốp đi về đường Lò Bò, một tốp đi băng đồng cát, còn vài chục trò đi theo đường quan lộ . Trâm và Anh rủ Tuấn cùng về, đi bộ . Nhưng gần đến phố, sợ thiên hạ thấy trai gái đi chung với nhau, Tuấn từ biệt Trâm và Anh, và băng qua động cát, phía sau trường .
Sáng hôm sau, thứ Hai, vào trường học, một số độ chừng sáu bảy chục trò còn đeo băng đen trên cánh tay . Mấy trò khác cất băng ở nhà không dám đeo đến trường .
9 giờ, học trò lớp Tuấn đang ngồi nghe Ông giáo sư An nam giảng Vật lý học, thì anh cai trường xuống, cầm một tấm giấy nhỏ đưa ông giáo sư . Ông trố nhìn giấy, nét mặt nghiêm khắc, gọi :
-Tuấn !. Quỳnh !, Thu !, Hảo ! A la Direction !
Bốn trò tái mặt, đứng dậy ra đi . Cả lớp đều tỏ vẻ lo sợ .
Ðến văn phòng, ông Tổng Giám thị đưa bốn người vào gặp ông Ðìa-réc-tơ.
Tụi này cúi đầu chào . Ông Daydier, với nét mặt hầm hầm hỏi Tuấn :
-Mày để tang cho ai đấy ?
Trò Tuấn ấp úng trả lời :
-Dạ …thưa… tôi để tang cho Ông nội tôi .
Ông Daydier trợn mắt :
-Ông nội mầy đã chết hai chục năm rôì, bây giờ mầy mới để tang hả ?
Tức thì ông Daydier đánh vào má Tuấn một tát tay . Tuấn nghe một tiếng “Pâng !“ kinh khủng ! Tuấn xiểng liểng, muốn té xỉu luôn .
Rồi ông quay lại trò Quỳnh :
-Còn mầy ?
Quỳnh chưa trả lời, cũng bị ông tát một tát kinh hồn . Hảo, Thu đều bị như thế . Xong, ông đuổi bốn đứa về lớp, không nói thêm một câu .
Bốn đứa lặng lẽ đi về lớp thì giữa hành lang gặp người cai trường và ba anh nữa ở lớp Ðệ Tam niên xuống văn phòng . Tuấn chỉ cho anh Trọng cái vết tát tay còn đỏ bừng trên má trò, và khẻ bảo :
- 36 ngón nến !
Trông nét mặt anh Trọng y người tù sắp sửa lên máy chém .
Học trò xầm xì hỏi nhau :
- Không biết đứa nào mét với ông Ðốc ? Nếu không có thằng chó nào làm “ ráp bo “ cho ổng, thì làm sao ổng gọi đúng tên tất cả mấy đứa bày đầu.
Người tức giận nhất là anh Trọng . Anh này từ trước đến giờ vẫn hiu hiu tự đắc là người có cái xác cao lớn nhất trong trường, học Ðệ Tam niên cũng lại là lớp cao nhất, với đôi kính cận thị ra vẻ đạo mạo tiên sinh, thế mà bây giờ bị ông Ðìa đánh ba bạt tay nổ đom đóm, làm anh mất hết thể diện với lũ học trò em út . Ðâý là anh nghĩ thế, nhưng sự thật thì học trò cả trường đều thương anh, chớ có đứa nào khinh khi hay chế nhạo anh đâu .
Nói cho đúng, tất cả mấy trò bị ông Ðốc Daydier đánh tát tay đều không có oán giận ông Ðốc, vì học trò thời bấy giờ vẫn còn theo lễ giáo ngày xưa, kính trọng thầy, và sợ thầy, không dám hỗn xược, không dám phản đối …
Mình sùng bái cụ Phan Chu Trinh, thì lòng mình cứ sùng bái cụ, nhưng không phải vì thế mà mình oán thù ông Ðốc trường, mặc dầu bị ông đánh chảy máu răng . Anh Trọng lý luận rằng mình làm lễ truy điệu và để tang nhà cách mạng Phan Chu Trinh là một việc hãy còn làm lén lút riêng trong đám học trò, chứ đồng bào trong thành phố có ai dám đề xướng ra lễ truy điệu đâu? Ðến cả thầy Ðổng sĩ Bình cũng chỉ lập bàn thờ riêng trong nhà để thờ cụ và khóc lạy cụ một mình .
Nhưng anh Trọng cũng như mấy trò kia tức giận là tức giận cái thằng bạn chó má nào đã đi mét với ông Ðốc vụ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh? Anh Trọng, trò Quỳnh, trò Tuấn, trò Hảo, trò Thu đều nghi cho trò Thức và trò Trâm . Nghi cho trò Thức ở Ðệ Tam niên vì thường nhật trò này được ông Ðìa thương nhất . Nghi trò Trâm vì trò này giỏi toán nhất lớp Ðệ Nhị niên, thường được ông giáo sư toán là Gabriel cưng nhất, Gabriel là ông giáo đã chửi Tuấn một câu :” An-na-mít là giống người bẩn thỉu, giống mọi rợ " .
Hôm lễ truy điệu, Thức và Trâm đều không có đi dự lễ . Ðấy chỉ là điều nghi ngờ, có thể là nghi oan cho hai người bạn vô tội, nhưng từ hôm đó cả trường đều ghét Thức và Trâm .
Cho đến các em lớp nhỏ ở lớp Tư lớp Năm, cũng chỉ trỏ hai người kai mà nói xầm xì với nhau :” Hai cái anh lớn đó vậy mà làm điềm chỉ cho ông Ðốc, mầy ơi “.
Buổi sáng, mấy trò đeo băng đen trên mũ và nơi cánh tay đã bị Ông đìa tát tay cho trò nào trò nấy xiểng liểng, thì buổi chiều không còn trò nào dám đeo băng đen nữa . Tội nghiệp cho trò Lý ở lớp Ðệ Nhất niên để tang thật sự cho mẹ đã hơn một năm, từ hôm đó đi học cũng không dám đeo băng tang cho mẹ nữa .
Thái độ mấy ông giáo sư An nam, đối với cái tang cụ Phan Chu Trinh, thì hoàn toàn lãnh đạm, cũng như hầu hết các thầy thông, thầy phán làm việc ở các tòa và các sở nhà nước . Ðại đa số dân chúng trong thành phố đều sung bái cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu, nhưng họ sợ tù tội, không dám thổ lộ công khai . Sau khi nghe vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan Tây Hồ ở trên núi Xuân Quang, nhiều người chủ tiệm buôn trách móc : "Sao mấy trò không cho tui biết với, để tui gởi nhang đèn bánh trái lên cúng Cụ? " . Ðaị khái dư luận dân chúng trong thành phố đều hoan nghênh vụ học trò làm lễ truy điệu cụ Phan, mặc dầu sự hoan nghênh ấy đã muộn .
Trò Tuấn cất cái băng tang trong va li để làm kỷ niệm, mãí 10 năm sau vẫn còn .
Trong lúc ở Qui-nhơn, học trò tự động làm lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh lén lút ở trên núi, thì ở nhiều nơi khác lễ truy điệu được tổ chức công khai, như ở Saigon, Ðà Nẵng, Hà Nội . Ðặc biệt ở Saigon là nơi cụ Phan Chu Trinh chết, đám tang của cụ đã thành ra Quốc Táng của người An nam, trước cặp mắt thù ghét của người Pháp .
Cụ Phan mệnh chung tại một căn nhà đường Lagrandière (đường Gia Long bây giờ ) và đám tang của cụ do một Ủy ban tổ chức gồm những nhân vật trí thức có tên tuổi, được dân chúng tín nhiệm. Hầu hết những nhân vật ấy, Trạng sư, Kỹ sư, Giáo sư, Ký giả, lúc bình nhật đều có thành tích hoạt động chính trị công khai, vì Saigon là nhượng địa của Pháp theo chế độ tự do của Pháp . Tuy thế, thanh niên và nam sinh và nữ sinh các học đường, chỉ tham gia một phần nào thôi, dưới sự dẩn dắt của người lớn. Ở đây, mọi việc đều có các giới trí thức lo liệu, thanh niên không có tự động tổ chức như ở các tỉnh Trung kỳ và ở Bắc kỳ .
Lớp trẻ hăng hái hoạt động cách mạng ở Saigon trong lúc này như Nguyễn An Ninh, Trương Cao Ðộng, Phan Văn Hùm, Diệp Văn Kỳ, v.v…và vài năm sau có Vũ Đình Duy, Cao văn Chánh …Tuy nói là thanh niên nhưng đã đều xấp xỉ hoặc trên 30 tuổi, và hầu hết là những trí thức đã thi đỗ Tú tài, Cử nhân ở các đại học Pháp . Các lớp trẻ gọi là học trò từ Trung học trở xuống hãy còn là những con chiên hiền lành, ngoan ngoãn, chưa có ý thức rõ rệt về cách mạng, hay là theo đúng danh từ thông dụng lúc bấy giờ, là “quốc sự" . Năm 1925-26, hai chữ “cách mạng " chưa được phổ biến trong đại chúng .
Ở Trung kỳ, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh được tổ chức công khai ở Tourane, nay gọi là Ðà Nẵng . Thành phố này cũng là nhượng địa của Pháp, theo chế độ đặc biệt của Pháp, được phần tự do hơn . Ủy ban tổ chức ở đây do một nhóm nhân sĩ Nho học và Tây học, phần nhiều là bạn đồng chí của Cụ Phan tây Hồ, quê quán ở Quảng Nam .
Nam nữ học sinh đại diện hai trường Quốc học và Ðồng Khánh ở tận Huế đi xe lửa vào Tourane để dự lễ, vì chính ở Huế, kinh đô của nhà Vua, lễ truy điệu bị cấm .
Ai cũng biết rằng cụ Phan Chu Trinh là kẻ thù số 1 của Vua Khải Ðịnh, hay là nói ngược lại, vua Khải Ðịnh là kẻ thù số 1 của nhà cách mạng Phan Chu Trinh . Khải Ðịnh đã chết ( tháng 11-1925 ), trước cụ Phan mấy tháng ( tháng3-1926 ), nhưng cái chết của Khải Ðịnh, ngoài đám tang theo nghi lễ rầm rộ của triều đình Huế, không được dân chúng, và thanh niên thương tiếc và chú ý đến .
Cụ Sào Nam Phan Bội Châu đã được về an-trí ở Huế nhưng cụ chỉ đánh giây thép và gửi câu đối vào Saigon để phúng điếu cụ Phan Tây Hồ, chứ cụ không được tòa Khâm sứ Huế cho phép vào Saigon đưa đám cụ . Cụ Phan Bội Châu cũng không được vào Tourane để chủ lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh, tuy nhượng địa Pháp chỉ cách kinh đô Huế 100 cây số .
Ban tổ chức truy điệu cụ Phan Tây Hồ ở Tourane lại còn quyên được một số tiền của các đồng chí địa phương để xây cất một nhà thờ cụ Phan ở đường Verdun .
Ở Hà nội, lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh được tổ chức tại Ðền Hai Bà Trưng, ở ngoại ô thành phố khoảng cuối đường Armand Rousseau, thuộc làng Ðồng Nhân . Ủy ban tổ chức Hà nội cũng gồm các nhân sĩ cách mạng, đồng chí của cụ Tây Hồ như cụ Nghè Ngô Đức Kế, cụ Cử Dương Bá Trạc . Một số sinh viên Ðại học ở trường Cao Ðẳng Ðông Dương ( Université Indochinoise ) và Học sinh trường Lycée du Protectorat ( trường Bưởi --Trường Bưởi, trung học Pháp việt tự động đến tham gia buổi lễ .
Ban tổ chức lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh tại đền Hai Bà Trưng lúc đầu hơi thắc mắc vì không biết nên đặt bàn thờ cụ Phan ở chỗ nào . Bàn thờ giữa đền thì đã có hai pho tượng cao lớn của Hai Bà, tượng gỗ, nhưng chạm trỗ thật đẹp, bà chị mặc áo vàng chít khăn vàng, bà em mặc áo đỏ chít khăn đỏ, rất là oai vệ . Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan Chu Trinh trước pho tượng Hai Bà?
Sát bên hông Ðền, có chùa thờ Phật . Chẳng lẽ đặt bàn thờ cụ Phan trong điện thờ Phật ? Sau cùng do đề nghị của đám sinh viên Cao đẳng và Học sinh trường Bưởi, bàn thờ cụ Phan được đặt vào vách tường phía bên trái bàn thờ Hai Bà . Thành ra hôm lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ban tổ chức Hà nội phải làm lễ tế luôn Hai chị em Bà Trưng .
Sau lễ truy điệu, bàn thờ cụ Phan được để luôn đấy . Nhưng vài năm sau, mỗi năm đến ngày lễ tế Hai Bà, mấy Hương chức làng Ðồng Nhân sợ ở tù, chỉ cúng lạy Hai Bà mà không dám cúng lạy cụ Phan . Bàn thờ cụ Phan ở bên cạnh không được chút nhang khói . Hai pho tượng hai vị Nữ Anh Hùng, cầm kiếm đứng oai nghiêm trên bàn htờ, chứng giám bọn con dân cung kính quỳ lại Hai Bà, còn cụ Phan Tây Hồ trong chiếc ảnh lồng kiếng, với mái tóc chải bồng, hai chùm râu mép giống như Napoléon III, với cái nơ đen xinh đẹp thắt nơi cổ áo sơ mi, ngồi trố mắt nhìn im lặng …Một tấm vải đỏ phủ lên trên khung ảnh, đã bị bụi dính mốc meo, không ai lau chùi .
Nhưng đến ngày giỗ Cụ, có một số người trai trẻ đến cho ông Từ vài ba đồng bạc, để nhờ ông mở cửa Ðền ( cửa hông ) cho họ vào cúng nhà chí sĩ Việt Nam mà đồng bào hầu như đã quên lãng . Mấy người này lặng lẽ thắp một nén hương, đốt vài ngọn nến, rồi thay phiên nhau quỳ xụp xuống lạy . Mười lăm phút sau, họ ra về lặng lẽ như khi họ đến . Họ là những người trẻ tuổi vô danh, không đại diện cho ai cả . Nhưng họ là những chàng trai của đất Việt, không bao giờ quên ơn bậc chí sĩ bất khuất đã đạo tạo tinh thần bất khuất cho họ . Họ là những người con, cụ là người cha của thế hệ.
Vào khoảng nửa tháng sau lễ Truy điệu cụ Phan Chu Trinh, ở Qui Nhơn học trò bàn tán xôn xao về việc mấy ông Giáo sư An Nam bỗng dưng hăng hái tập ca cải lương . Thật là một điều mới lạ . Mấy ông Ðốc (Ðốc học, lúc bấy giờ chưa gọi là Giáo sư ) thuộc vào giới thượng lưu trí thức trong thành phố, từ trước đến giờ vẫn có một nếp sống trưởng giả, đêm nào cũng tụ họp nhau lại để cờ bạc, xổ tam hường hoặc đánh tổ tôm, tài bàn, sao bây giờ các ông lại tự nhiên rủ nhau đi học ca cải lương ? Mỗi đêm bắt đầu vào khoảng 7 giờ người ta thấy quý ông Ðốc tụ họp tại nhà một Thầy Trợ Giáo ( nay gọi là giáo viên ) để học đờn và học ca những bản Hành vân, Lưu thủy, Tứ đại oán, Nam ai, Nam bình v.v…của một tuồng cải lương tựa là "Gia Long phục quốc ". Hăng hái nhất trong việc này lại chính là ông Ðốc Tr. giáo sư Lý Hóa, một ông giáo nghiêm khắc nhất và được học trò sợ nhất . Thật không có gì buồn cười bằng một ông Ðốc dữ tợn khét tiếng ở trường, lại tập đóng vai đứa ở trong tuồng cải lương, nhưng vẫn mặc đồ Tây sang trọng, đeo cà vạt, tay cầm cái chổi cau mà hát theo điệu "Khổng Minh tọa lầu “.
Sáng dậy sớm quét nhà
Quét nhà gánh nước nâú cơm
Ra cái thân ở mướn
Phải cái nghe lời thầy
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi
Miễn cho người yêu chuộng thì thôi …. . . . . . . . . . . .
Mấy tối liên tiếp, Tuấn cứ đến nhà thầy trợ Liễn, đứng thập thò ngòai cửa để xem ông Ðốc Tr. tập đóng vai đứa ở và ca bài cải lương trên kia . Trò không nhịn cười được liền cười rồ lên và bị ông Ðốc Tr. chộ mặt . Sáng hôm sau vào lớp, đến giờ Vật Lý học. Trả lời vấp một chữ là Tuấn bị ông Tr. cho "zéro "liền và đuổi xuống chỗ .
Dần dần một tháng sau học trò cả trường mới biết rằng theo lệnh Triều đình và tòa Khâm Sứ Huế, lễ Tết mồng Năm tháng 5 âm lịch năm ấy sẽ bị bãi bỏ và thay thế bằng Lễ Quốc Khánh ngày 2 tháng 5 An Nam là ngày vua Gia Long đã tòan thắng Tây Sơn, lên ngôi Hòang Ðế và sáng lập triều Nguyễn . Ðó là Lễ Quốc Khánh đầu tiên của nước An nam và được cử hành rất long trọng ở hai xứ Trung Kỳ và Bắc Kỳ . Xin nhớ rằng lễ Quốc Khánh chính thức ở tòan cõi Ðông Dương dưới quyền đô hộ của Pháp là "Lễ Chánh Trung "14 tháng 7 dương lịch mà thường dân vẫn gọi là Lễ "Cách tót ruy dê ".
Lần đầu tiên nước An Nam được phép tổ chức ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Âm lịch cũng gọi là ngày lễ "Gia Long Phục quốc". Nghe đồn rằng Quan Công Sứ của Pháp đã giao phó công việc tổ chức cho các ông Ðốc An nam ở trường, cho nên mấy ông này sốt sắng lo ngày đêm làm sao cho ngày lễ được long trọng để được Quan Sứ khen . Theo chương trình thì có hai cuộc vui lớn nhất trong đêm mồng 1 tháng 5 ; học trò rước đèn, và các ông Ðốc ( giáo sư ) cùng các thầy trợ giáo ca cải lương . Tuồng cải lương do một anh soạn tuồng chuyên môn tên là anh Tám, vừa dàn cảnh vừa điều khiển các diễn viên tòan là mấy ông Ðốc và mấy Thầy .
Ðúng 7 giờ tối, tòan thể học trò trường Nhà Nước, đều phải tụ họp đông đủ tại sân Công quán ( nhà Hội của các quan An nam ) và được giao cho mỗi trò một cây đèn bánh ú . Tất cả đều sắp hàng tư trước cổng ngó ra đại lộ . Ðúng 8 giờ, đám rước đèn bắt đầu khởi hành . Hai người Lính Tập ( Lính khố xanh ) thổi kèn, đi trước một toán lính tập 12 người sắp hàng hai, mặc lễ phục trắng, vai mang súng cầm lưỡi lê . Rồi đến học trò cầm đèn . Toàn thể học trò được lệnh của ông Ðìa-réc-tơ phải tham dự đông đảo cuộc rước đèn . Trò Tuấn và một nhóm độ vài ba chục học trò đã định với nhau là lẻn ở ngoài để coi, nhất định trốn việc cầm đèn . Không dè số đèn thì dư mà số học trò thì thiếu . Thấy thế ông Ðốc T. chạy đi kiếm lũ học trò lười biếng, lén lút lẫn trong đám đông dân chúng đi coi . Trò Tuấn núp sau lưng một người đàn ông, bị ông Ðốc Tr. trông thấy, đánh một tát tay, rôì ông bắt cầm một cây đèn bánh ú đứng sắp hàng vào đám rước . Tất cả các trò lười biếng trốn tránh đều lần lượt bị chộ mặt hết và cũng bị đánh bạt tay như Tuấn .
Ði tiền phong đám rước đèn của học trò, trước cả lính kèn, là một trò cầm cây cờ Pháp, lá cờ thật lớn, mới tinh, ba màu xanh trắng đỏ nổi bật lên rực rỡ dưới ánh đèn và ánh đuốc của mấy người lính cận vệ đi hai bên .
Tuy là ngày "lễ Quốc Khánh An nam "nhưng không có chưng cờ An nam ( nền vàng với một rẻo xanh trắng đỏ ở góc phía trái ), mà chỉ có mỗi một lá cờ Pháp rộng lớn bay phất phới trên hàng đầu đám rước . Dĩ nhiên hai bên hàng phố của người An nam và người Tàu đều treo cờ Pháp . Ðám rước đèn đi từ Công quán ngang qua đường phố chính, thẳng xuống Tòa Sứ, cách xa gần hai cây số . Có thể đoán chừng rằng 4000 dân chúng trong thành phố đều có mặt ở đấy . Họ đứng chen chúc hai bên lề đường để xem đám rước đèn và trầm trồ khen ngơị . Tất cả đều nô nức, hân hoan, cả học trò, giáo sư trợ giáo, thầy thông, thầy phán, binh lính, cai đội, và dân chúng, đàn bà, đàn ông, con trai, con gái .
Chỉ có hai người không đi dự cuộc vui công cộng ấy . Thầy Ðổng sĩ Bình, Thông phán tòa Sứ, người Huế và ông Ðốc Bính, giáo sư Quốc văn, người Bắc . Họ không thèm đi .
Nhà ông Ðốc Bính ở ngay trước Công quán, nơi khởi điểm của tất cả các cuộc vui chơi náo nhiệt .
Tất cả các nhà cùng dãy, đến vài chục căn, đều mở cửa, treo cờ tam tài, người đứng đông đảo hân hoan, xem quan cảnh tưng bừng của dạ hội "Quốc Khánh “, Tuấn để ý thấy duy có mỗi căn nhà của ông Ðốc Bính là đóng cửa kín mít mà không treo cờ .
Thầy phán Ðỗng sĩ Bình thì đem ấy nằm nhà làm thơ "cách mạng "và thắp đèn hương trên bàn thờ cụ Phan chu Trinh . Ngay chiều hôm ấy, ba bốn đứa học trò rủ Tuấn đến thăm thầy . Thầy bảo, với nét mặt hầm hầm, giận dữ :
- Vua Gia Long là một kẻ bán nước . Hắn đem Tây về lấy nước An nam . Hắn rước voi về dày mồ . Tây họ khôn, họ thấy cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Chu Trinh về tuyên truyền cách mạng, họ sợ quýnh cho nên họ bày đặt ra cái lễ Quốc Khánh An nam để vỗ về dân An nam, để lừa gạt dân An nam, và để tăng uy tín cho giòng Vua Triều Nguyễn . Các anh em học trò có hiểu không ?
Sự thật thì học trò đâu có hiểu sâu xa như vậy . Tuấn cũng như tất cả thanh niên đồng lứa, hãy còn khờ dại, tuy đầu óc đã được tiêm nhiễm tư tưởng cách mạng của hai cụ Phan, nhưng đâu có sáng suốt nghĩ ra những chuyện quốc sự thâm thúy như thế .Nghe thầy Ðổng sĩ Bình giảng giải, một số bạn bè của Tuấn và Tuấn mới hiểu rõ ý nghĩa mĩa mai chua chát của lễ Quốc Khánh An nam . Nhưng hiểu là một việc, mà cầm đèn bánh ú đi trong đám rước là một việc khác . Chưa chi mấy trò trốn tránh đã bị mỗi trò một tát tai rồi đó, thấy không ?
Bị bắt buộc đi rước đèn và bị lôi cuốn trong đám đông người liên hoan nồng nhiệt, mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn không thể tách ra ngoài được và cũng phải chường mặt ra như muôn người .
Ðám rước đến trước cổng tòa Sứ thì Tuấn thấy trong Tòa đèn sáng trưng hơn mọi đêm, và tất cả các quan Tây đều có mặt chung quanh quan Công Sứ . Có cả ông Ðia-réc-tơ và các giáo sư người Pháp, với những nét mặt hân hoan và nụ cười hãnh diện . Học trò cầm đèn, sắp ngay hàng thẳng lối tiến vào Tòa Sứ, cờ Pháp rộng lớn bay phất phơ trên hàng đầu . Rôì theo lệnh của ông Ðốc Tr. hướng dẫn và đã tập dượt mấy đêm trước, đám học trò cầm đèm bánh ú chia ra hàng ngũ dứng sắp thành hai chữ Q.K . Cũng theo huấn lệnh đã dặn trước, ông Ðốc Tr. thổi một tiếng còi síp lê, thì toàn thể học trò hô lên mấy tiếng Tây :
- Vive la France ! Vive L’Annam ! ( Pháp quốc vạn tuế ! An Nam vạn tuế ! ) .
Vài chục ông Tây bà Ðầm đứng chểm chệ trên bao lơn tòa Sứ nhìn xuống vỗ tay . Ba ông quan An nam, quan Tổng Ðốc, quan Bố chính, quan Lĩnh binh, đeo thẻ ngà tòn-ten trước ngực, đứng né một bên quan Tây, cũng gật đầu cười, vỗ tay. Nét mặt ông nào cũng tươi vui hoan hỉ .
Xong rồi, theo tiếng síp lê của ông Ðốc Tr. đám rước đèn sắp hàng ngũ lại như cũ, kéo ra về, đi vòng ra dọc theo bờ biển, dưới rặng thùy dương, đến xóm Lò bò, quẹo vô thành phố, đi thẳng lên trường, và giải tán ngay trước cổng trường, cách Công quán chừng hai trăm thước .
Ðến đây, không còn ai bắt buộc nữa, tha hồ tụi học trò cầm đèn múa nhảy lung tung, cười ầm ĩ như quỷ phá nhà chay . Mấy đứa bạn của Tuấn và Tuấn hè nhau đập phá nát tan mấy cái đèn bánh ú có sơn hai chữ Quốc Khánh trên mỗi cây đèn . Bọn này còn chạy đi dựt những cây đèn trong tay các trò khác để đập nát và đốt cháy hết trên mấy nấm mả đá trước cổng trường . Trò Quỳnh hăng hái nhất, la lớn lên : “Ðốt cháy hết đi, tụi bây ! “ Trò Tuấn cũng la lên :” Rước voi dày mồ ! Rước voi dày mồ ! Ðốt ! Ðốt ! "Trò Trân là người được ông Ðốc Tr. lựa chọn vầm cờ tam tài của Pháp đi tiền phong, sợ cháy cờ, lật đật vác cờ chạy một mạch về công quán .
Tất cả cũng kéo về công quán để còn xem hát cải lương .
Rạp hát cải lương được dựng ngay trước công quán, để cho dân chúng được đến coi đông đảo và không trả tiền .
Giẫy ghế danh dự của khan đài để dành cho quan Sứ và bà Ðầm, quan Phó Sứ, bà đầm phó Sứ, ông Ðìa-réc-tơ ( goá vợ và sói đầu ) N. Có cả ông Cố đạo nhà thờ Thiên chúa, quan Giám binh, một vài ông Tây bự khác và Quan Tổng Ðốc Bình định .
Hàng ghế thứ hai để cho các quan Tây và các bà đầm khác . Tội nghiệp cho hai ông quan An nam là quan Bố chính và quan Lãnh binh, oai vệ với chiếc thẻ ngà tòn ten trước ngực lại bị sắp ngồi nơi hàng ghế thứ ba, chung với ông quan Một, Tấy Xếp Ngục ( nhà lao ), mấy ông Tây nhỏ, sau lưng cả mấy ông giáo sư Pháp …
Trò Tuấn quen tánh tò mò con nít, tuy không có phận sự gì trong rạp hát cải lương, nhưng cũng len lỏi cho được vào hậu trường sân khấu để coi …Trò thấy ông Ðốc Tr. cùng mấy ông khác, mấy thầy Thông, thầy Phán, và vài anh học trò lớn ở lớp Ðệ Tam niên sửa soạn y phục cải lương và phấn son, áo mão hia, không kém gì các đào kép thật của một gánh hát cải lương . Không có cô nào bà nào chịu đóng tuồng, nên trò Hòang ở Ðệ Nhị niên phải cải trang giả làm con gái để đóng vai Công chúa .Theo chương trình viết bằng đũ thứ mực màu, trên một tờ giấy croquis lớn, một nửa Pháp ngữ, một nửa Quốc ngữ, dán trước cổng Công quán, thì tuồng cải lương bắt đầu mở màn lúc 9 giờ . Ðáng lẽ phải hát sớm hơn, nhưng theo lời ông Ðốc Tr. nói thì phải đợi các quan Tây ăn bữa tối thường lệ lúc 8 giờ, đến 9 giờ các quan mới đi coi hát được .
Khán đài đã chật ních công chúng An Nam từ lúc 8 giờ ngay sau khi coi rước đèn về . Công chúng được hân hạnh ngồi khán đài toàn là các Thầy . Dân thành phố và học trò thì đứng chung quanh, vì sân Công quán thật rộng chứa vài ngàn người .
Ðám đông người chật ép ấy đang nô nức đợi chờ, nói cười ầm ĩ, thì có ba tiếng chuông dóng lên, báo tin quan Sứ và bà Ðầm đến. Ông Ðốc Tr. khăn đen áo dài, trịnh trọng chạy ra đón rước, mời quan Tây và bà Ðầm vào ngồi hai ghế danh dự .Tòan thể khan giả đều đứng dậy chào .
Các quan kế tiếp đến đông đủ . Trên sân khấu cải lương màn chưa mở . Hai giòng chữ lớn cắt trên giấy kim nhũ rực rỡ màu vàng và dán trên tấm màn đỏ, nổi bật lên như sau đây :
Tuồng cải lương Gia Long Phục Quốc mừng lễ Quốc – Khánh An nam
Khi các quan Tây an tọa, một hồi chuông vang dậy rồi tấm màn từ từ được ven ra . Trên sân khấu, toàn thể quí ông qúi thầy, y phục như đào kép cải lương, và độ hai chục đứa học trò đứng sắp hàng hai bên, đồng thanh ca lên bài hát sau đây :
- Âu –Á xum vầy
Mừng nay Âu – Á xum vầy :
Pháp Nam liền lạc một dây vững bền
Sực nhớ truyền Sử Ký
Trước trăm năm từng bị gian nan
Vua, tôi, lao khổ muôn vàn
Nhân dân đồ thán giang san tiêu điều .
Ðức Thế tổ ( vua Gia Long ) trăm chiều chóng chỏi,
Giốc một lòng đánh đuổi cường hung
Xiết bao kể nổi khốn cùng
Thế nguy tận lực hãi hùng lắm phen
Lòng trời khéo xui nên gặp gỡ :
Bạn Lang sa ( Pháp ) giúp đỡ mọi đàng
Một tay khôi phục Nam bang :
Tam kỳ thống nhất rõ ràng anh quân
Trên Mẫu quốc trăm phần mến phục
Ngoài lân bang cùng nức tiếng khen
Cơ đồ gầy dựng đã nên
Bình thành công đức lưu truyền muôn năm
Thầy Ðại Pháp nhất tâm khai hóa
Ðạo làm dân tiến bước theo sau,
Non nước một bâù
Mừng nay non nước một bầu ,
Mùng 2 tháng Ngọ ( tháng Năm ) cùng nhau nhớ ngày .
( Theo tài liệu của một bạn độc giả, Phạm văn Vinh, có nhã ý gửi cho chúng tôi, thì năm 1925, lúc ông học lớp Nhất ở trường Tiểu Học Sơn Tây, Bắc kỳ, học trò cũng bị bắt buộc học thuộc lòng bài hát trên đây để hát trong ngày lễ Quốc Khánh mồng 2 tháng 5 Ất Sửu ( 1925 ) . Bài hát này được gởi đi các trường Trung kỳ và Bắc kỳ, trong dịp lễ Quốc Khánh lần đầu tiên )
Sau bài hát là đến tuồng cải lương . Trò Tuấn không thích coi tuồng, chỉ quanh quẩn nơi hậu trường để xem mấy ông, mấy thầy thay đổi áo quần đào kép và vẽ mặt vẽ mày như hát bội.
Tuấn không dám chơi lâu, vào khoảng 11 giờ đã vội vàng chạy về vì nhà trọ của cậu ở hơi xa, phải đi ngang qua cây vông Ma Ðầm, nơi đây có một con ma Ðầm mà ai cũng sợ . Lại có một con ma nhỏ ở ngọn cây đa gốc vườn tòa Sứ, gần đây Con Ma Ðầm thì Tuấn chưa gặp lần nào, nhưng theo lời tất cả học trò và dân chúng trong xóm thì nó ghê lắm . Nhiều người quả quyết đã gặp nó và đã bị nó chụp, sợ chạy hết hơi !
Cây vông đứng ngay trên lề đường . Tục truyền rằng hôì xưa có một cô Ðầm chết chìm trên sông gần đó . Cô biến ra ma, cứ đêm tối trời, hễ có ai đi ngang qua đấy thì cô hiện ra y hệt như một cô Ðầm thật trẻ, đẹp lắm và đưa tay ra chào :
- Bonjour !
Ðặng văn Chí, một học trò lớp Ðệ Tam Niên, quả quyết rằng có lần anh đã gặp con ma Ðầm bắt tay anh và “ Bonjour “, đến khi anh ngó lại kỹ thì cái mặt trắng phết, mà không có mắt . Con ma Ðầm níu anh, anh hoảng hốt chạy té đái trong quần .
Con ma chó thì ở trên ngọn cây đa gốc thành Toà Sứ . Bên cây đa có cái miếu thờ một viên Tướng quân Tây Sơn hồi trước . Vị tướng Tây-Sơn bị quân Nguyễn Ánh giết tại đây trong một trận đánh xáp lá cà giữa hai quân đội Chúa Nguyễn và Tây-Sơn . Không hiểu sao có nhiều xác chết mà chỉ xác vị Tướng này là linh thiêng, và hóa ra ma . Lại là ma chó . Những đêm tối trời, người yếu bóng vía đi ngang qua đây thường thấy một cái đầu chó từ trên ngọn cây đa rớt xuống đất, rồi lần lượt một khúc mình, hai cẳng trước, hai cẳng sau và sau cùng là cái đuôi . Những mãnh rời ấy tự nhiên chấp lại thành ra con chó đen, đứng sủa vang lên và vồ lấy người ta . Ai bị nó “ cắn “ là chết ngay .
Trò Tuấn chưa chính mắt trông thấy con ma Chó và con ma Ðầm lần nào . Nhưng mỗi khi đi qua hai nơi ấy, là trò nhắm mắt cắm đầu cắm cổ chạy một mạch, chạy khỏi vài trăm thước mới dám đứng lại, quay lại ngó lại đằng sau xem có Ma đuổi theo không .
Tuấn nghĩ rằng, nếu gặp phải Ma, thì trò thích gặp con ma Ðầm trẻ đẹp hơn là con ma Chó .
Một đêm, vào khoảng tám giờ, Tuấn đi chơi lang thang một mình dọc đường bờ sông thật vắng vẻ . Bổng Tuấn trông thấy nơi góc cột đèn hơi đá (đèn thắp đá carbure ) một tấm giấy nằm trên cỏ, với một cục đá nhỏ đè lên . Nghĩ chắc tấm giấy này không phải là ma, Tuấn tò mò lượm lên xem . Tờ giấy lớn bằng một trang vở học trò, in đông sương
( thạch ) mấy câu viết tay bằng mực tím như sau :
Hỡi Ðồng Bào,
Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dân An nam, để dể bóc lột . Chúng thu thuế thân của người An nam để đem tiền về Pháp, trong khi quốc dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn . Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do . Ðả đảo đế quốc Pháp bốc lột !
Tân Việt Cách Mạng Ðảng .
Tuấn chưa hiểu gì hết, nhưng lo sợ . Không phải lo sợ vì truyền đơn chống Pháp, mà lo sợ vì đang đứng trước một bí mật ghê gớm. Tuấn suy nghĩ : Ai để truyền đơn nguy hiểm này ở chỗ nầy ? Có ai đang rình Tuấn trong bóng tôí chung quanh không ? Nếu mình lượm, có sao không ? Mình bỏ trong túi đem về nhà có được không ? Có ai trông thấy không ? Có ai bắt mình không ?
Tuấn thắc mắc, do dự một lúc, nhình quanh quẩn không thấy bóng người, rồi cúi xuống đặt tờ truyền đơn vào chỗ cũ, lấy hòn đá đè lên y như lúc nãy . Xong Tuấn vội vàng đi nhanh . Nhưng Tuấn không an tâm, đầu óc cứ lẩn vẩn những câu hỏi : Ai để tờ truyền đơn ở gốc đèn ? Họ để đấy từ hồi nào mà lại đè hòn đá lên cẩn thận như thế ? Mình lượm coi như thế có sao không ? Có ai theo dõi mình không ?
Tuấn liếc mắt nhìn kỹ lại một lần nữa trong các bóng tối chung quanh, không thấy một bóng người . Tuấn có cảm giác như đang đi trong một thế giới bí mật rùng rợn . Tuấn ráng đọc lại trong trí nhớ mấy câu trên tờ truyền đơn, nhưng vì lúc xem vội vàng nên Tuấn quên mất một vài đoạn . Tuấn cố nhớ lại mà vẫn không nhớ hết được . Tức mình, Tuấn quay trở lại để xem tờ truyền đơn . Nhìn cột đèn bằng sắt sơn đen đứng sừng sững bên lề đường, trên ngọn cột có một cái đèn đá lồng kính, tỏa xuống đường một vùng ánh sáng lờ mờ nhợt nhạt, giữa cảnh đêm hôm hoang vắng . Tuấn còn trông thấy tờ truyền đơn phất phơ trong gió . Tuấn mang quốc, nhưng bước rất khẽ, đến gần cúi xuống lấy nhanh tờ giấy in mực tím lờ mờ, đưa ra ánh đèn xem lại thật kỹ một lần để nhớ cho hết từng chữ . Xong, Tuấn để tấm giấy lại chỗ cũ, đè cục đá lên rồi đi thẳng .
Dọc đường, Tuấn đọc thầm lại, và lần nầy Tuấn không quên một chữ, nhớ không sót một dấu phết . Tuấn định đến nhà Anh và Trâm cho hai cô bạn gái này biết . Hai cô đang học bài, ngồi thên ghế tràng kỹ . Giữa bàn chong một cây đèn “ măng xông “ lớn, ánh sáng xanh dịu .
Thấy Tuấn vào, Anh nở nụ cười duyên, Trâm đang tra tự điển cũng ngước mắt lên ngó Tuấn với lời chào thân ái . Trông thấy nét mặt của Tuấn hơi khác, Anh hỏi :
- Hôm nay anh Tuấn sao buồn vậy, anh Tuấn ?
Trâm và Anh chờ Tuấn trả lời . Nhưng Tuấn trông thấy một ông “ Nhà quê “ ngồi đối diện với hai cô bạn, đang xem hai cô học . Tuấn không biết ai, cũng lễ phép cúi đầu :
- Chào bác .
Anh cười bảo :
- Chú của em đấy .
Tuấn vô tình chào lại :
- Chào chú .
Sự ngớ ngẩn của Tuấn khiến cho Anh và Trâm, cả ông “ Nhà quê “ cười xòa . Anh giới thiệu tiếp :
- Chú của em làm lý trưởng ở làng, hôm nay ra Kho Bạc để nộp thuế .
Tuấn sực nhớ mấy lời trong tờ truyền đơn, liền hỏi ông lý trưởng :
- Thưa chú, chú đi nộp thuế thân, phải không ?
Ông lý-trưởng cười :
- Thuế thân, chớ còn thuế gì nữa .
- Thưa chú, hôm nay làng nào cũng phải ra Kho Bạc nộp thuế thân sao ?
- Ừ, đến mùa thuế các làng phải thâu thuế đem ra nộp cho sở Kho Bạc Nhà nước .
Anh giới thiệu với ông lý-trưởng :
- Thưa chú, đây là anh Tuấn, học lớp Ðệ Nhị Niên đó . Ảnh thường tơí đây chơi để chỉ tụi con làm bài luận Quốc văn và Pháp văn . Ảnh làm thơ hay lắm, chú à .
Ông lý-trưởng gật đầu cười :
- Cậu làm thơ hay thì làm thử một bài đọc nghe chơi .
Tuấn tủm tỉm cười, bảo Anh đưa mượn cây bút chì và xin một tờ giấy trắng .
Tuấn lui cui viết, một tay làm bộ che lại không cho Anh và Trâm xem . Viết xong, bỏ bút chì xuống . Tuấn còn hơi do dự chưa muốn đưa tờ giấy ra . Anh cười :
- Anh làm bài thơ gì mà mau thế ? Cho em xem !
Tuấn vẫn cứ do dự nắm tờ giấy trong tay .
Trâm cười :
- Anh không cho thì tuị em giựt lấy xem đại .
Mọi khi ngồi chơi với Anh và Trâm, Tuấn vui vẻ và tự nhiên lắm, sao hôm nay Tuấn có nét mặt sượng sùng, coi bộ sợ sệt …Nhưng rồi Tuấn cười đưa tấm giấy vừa chép xong cho Anh . Anh và Trâm xúm nhau xem :
Hỡi đồng bào
Bọn đế quốc Pháp đem xiềng xích nô lệ tròng lên đầu dân An nam, để bốc lột . Chúng thu thuế thân của người dân An nam, để đem tiền về Pháp, trong khi Quốc Dân đồng bào không đủ áo mặc cơm ăn . Chúng ta phải tranh đấu đừng nộp thuế cho Ðế Quốc và cương quyết dành cho được cơm áo, tự do . Ðả đảo Ðế Quốc Pháp bốc lột .
Tân Việt Cách Mạng Ðảng .
Anh và Trâm hoảng hốt, cứng họng nói không ra lời . Ông lý-trưởng cười bảo :
- Bài thơ ra sao, đưa chú coi thử, con !
Anh ngó Tuấn, không dám đưa, Tuấn bảo :
- Nếu Anh và Trâm thấy bài Thơ coi được, thì đưa chú Xã coi chơi . Nếu thấy dở, thì xé đi .
Anh hiểu ý, liền đưa “ bài thơ “ cho chú Xã . Ông Xã mới đọc mấy câu đầu đã chố mắt ngó Anh . Anh cười :
- Thì Chú Xã cứ coi hết đi . Hay lắm mà !
Ông Xã bây giờ không yên lòng, tay cầm tờ giấy mà cứ run lên, ông vừa trố mắt xem, vừa lắc đầu lia liạ . Ông mới đọc được nửa tờ đã hoảng hồn bỏ giấy xuống, miệng lẩm bẩm :
- Các trò nói bá láp …bá xàm … Nhà nước bỏ tù chết cha !
Anh vẫn cười :
- Chú đọc hết đi !
- Thôi mầy ! Tao không dám đọc hết đâu . Nhà nước bắt được thì ở nhà lao, chết ông cố nội ! Tao hổng dám đọc nữa đâu .
Sự thật thì Trâm và Anh cũng lạnh cả xương sống, nhưng vì tình bạn thân yêu nhau từ lâu, mỗi hành động hay ngôn ngữ gì của trò Tuấn đều được hai cô bạn tán thành và nghe theo triệt để, dù biết là nguy hiểm, nhưng Tuấn điềm tỉnh nói :
- Không phải tôi đặt ra “ Bài Thơ “ấy đâu .
Trâm cười :
- Chứ anh học ở đâu mà viết như thuộc lòng vậy ?
- Ở ngoaì cột đèn bờ sông . Không biết bàn tay bí mật nào đã viết bài đó bằng mực tím, in đông sương trên một tờ giấy, rôì để tờ giấy ở gốc cột đèn, lấy cục đá đè lên cho khỏi bị gió lùa . Lúc nãy tôi đi hóng mát trên bờ sông trông thấy và lấy xem .
Ai nấy đều im lặng, sợ sệt . Tuấn đã vô tình tạo ra một không khí bí mật ghê gớm bao trùm cả gian nhà vắng lặng . Bốn người đều nín thinh . Nhưng Tuấn buồn bã nói tiếp :
- Tây qua đây đè đầu đè cổ dân An nam . Cho nên cụ Phan Chu Trinh và cụ Phan Bội Châu mới làm cách mạng . Cụ Phan Tây Hồ đã qua đời thì còn cụ Phan Sào Nam . Tuị mình là thanh niên, con trai con gái đều là thanh niên, con của Tổ Quốc, cũng phải làm sao chứ ? Dân An Nam bị xiềng xích gông cùm, bị Tây hiếp đáp cho đến đổi mình để tang cho cụ Tây Hồ mà cũng bị đánh đập tàn nhẫn . Mỗi năm dân mình còn phải nộp thuế thân cho họ nữa là nghĩa lý gì ?
Tuấn rưng rưng nước mắt, nói tiếp :
- Trâm và Anh có thấy không ? Ông Gabriel, Giáo sư Toán của tôi, chửi dân An Nam là mọi rợ, là giống dân bẩn thỉu, sao ông dám chửi dân An nam mình là mọi rợ, bẩn thỉu ?
Tuấn khóc thực sự, đưa tay áo lên chùi nước mắt . Anh vội vàng lấy khăn mu soa đưa Tuấn . Anh và Trâm cũng bị rung cảm bỡi những lời của Tuấn, ngôì cúi mặt xuống bàn, buồn bã .
Ông Xã quấn điếu thuốc quẹt lửa châm hút rồi bảo :
- Nhà nước Ðại Pháp văn minh, dạy bảo ta, ta phải tôn kính . Trò có học mà trò nói như vậy, nghe sao được ?
Anh bèn ngước mắt lên ngó Ông Xã, với vẻ mặt giận dỗi :
- Xí ! Chú sợ Tây, chớ tụi này không sợ đâu .
Tuấn tiếp lời :
- Nếu chú Xã nộp thuế không đủ, thiếu vài chục bạc xem ông Sứ có bỏ tù chú không ?
Ông Xã cười :
- Nộp thuế thì phải nộp đủ chứ ! Tôi làm lý-trưởng ba năm nay, năm nào tới mùa thuế cũng nộp đủ, không thiếu một xu . Các quan Tây chưa quở tôi lần nào .
Tuấn hỏi :
- Dân trong làng chú, những người nghèo, làm không đủ ăn lấy tiền đâu nộp thuế ?
- Ðứa nào không có tiền nộp thuế thì phải bán nhà bán cửa mà nộp . Bổn phận làm dân thì phải …
Anh ngắt lời :
- Hèn chi hồi chiều chú nói trong làng mình có anh Thập Ba không có tiền nộp thuế, chú hăm trình quan Huyện bỏ tù, anh Thập Ba sợ quýnh, phải bán miếng đất hương hoả cho chú . Chú làm như thế là ác đức .
Ông Xã cười :
- Mày là con gái, biết gì . Tao làm Xã, lịnh quan trên đưa xuống sao thì tao làm như thế . Dân nó nghèo thì kệ cha nó, mình làm việc cho quan . Trên dân có quan, trên quan có Vua . Các trò đi học sao không biết câu của Ðức Thánh ngài dạy là Quân-Sư-Phụ . Có vua rồi mới có thầy rồi mới đến cha . Nước ta có Thầy Ðại Pháp, còn vua là Ðức Hoàng Thượng . Còn dân đen là đồ tôi tớ, kể chi .
Trò Tuấn cãi lại :
- Chú Xã có coi quyển sách đăng bài diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh ở Saigon không ? Cụ Phan nói : Thầy Mạnh Tử dạy rằng dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh . Dân là qúy, rôì mới đến nước nhà, còn Vua thì đáng khinh .
Ông Xã lắc đầu :
- Phan Chu Trinh là kẻ loạn thần nói tầm bậy mà ai nghe ?
Trâm từ nãy giờ làm thinh, bây giờ cất tiếng thỏ thẻ :
- Tuị con tôn cụ Phan Chu Trinh là bậc anh hùng ái quốc . Cụ nói cái gì là tụi con nghe hết .
Anh tiếp lời Trâm :
- Cụ là một bậc đại Chí Sĩ, Cụ chết cả nước để tang, chú thấy không ?
Ông Xã trợn mắt hỏi Anh .
- Mày cũng để tang cho hắn à ?
- Ba đứa con đều để tang cho cụ.
- Mày muốn ở tù hả ?
- Ở tù thì sợ gì .
Ông Xã quay lại ngó Tuấn :
- Trò này xúi con Anh để tang cho Phan Chu Trinh phải không ?
Anh vội trả lời :
- Không phải anh Tuấn xúi . Tụi con ba đứa đồng lòng để tang cho cụ đấy .
Ông Xã tức giận chửi Anh :
- Mẹ …Cha …mầy, đồ con gái bất hiếu ! Phan Chu Trinh là ông nội mầy hay sao mà mày để tang cho hắn ?
Anh và Trâm nét mặt hầm hầm ngó ông Xã . Anh chống trả lại :
- Sao chú dám gọi cụ Phan bằng hắn ? Chú nịnh bọn Quan lại quen rồi, Chú dám mở miệng kích bác nhà Chí Sĩ An Nam phải không ?
Anh tức quá nói không được nữa, gục đầu xuống bàn khóc . Trâm cũng khóc nức nở, Tuấn tức lắm . Nhưng không biết làm sao, vì Ông Xã là chú ruột của Anh, Tuấn không dám nói câu gì xúc phạm, đành làm thinh . Tuấn nhét vào tay Anh chiếc khăn mù soa của Anh trao Tuấn lúc nãy để lau nước mắt, rồi bảo :
- Anh, Trâm, tụi mình ra ngoài hè ngồi chơi cho mát chút đi . Ở trong nhà nực quá .
Tuấn đi ra . Anh và Trâm đứng dậy đi theo . Ðứng ngoài sân, Tuấn khẽ bảo :
- Thôi, Anh và Trâm đừng cãi với ổng nữa, rồi sinh chuyện .
Anh cũng nói khẽ :
- Em ghét ổng quá .
Anh sực nhớ tờ giấy do Tuấn viết lúc nãy, khẽ bảo :
- Chết cha ! Tờ giấy anh viết lúc nãy còn để trong bàn
Anh chạy vào nhà, lấy tờ giấy . Ông Xã chụp lại và hăm doạ :
- Ðưa tờ giấy đó cho tao . Ngày mai tao đem lên trình Quan Sứ .
Ông Xã giành giựt với Anh, Anh la lên :
- Anh Tuấn ơi ! anh Tuấn !
Tuấn chạy vào, liền nhảy lại cắn tay ông Xã, ông Xã đau quá phải buông tay Anh ra lập tức . Trâm cũng chạy vào một lượt với Tuấn, liền chụp tờ giấy bỏ vào miệng nhai và nuốt luôn . Tuấn sợ ông Xã đánh Anh, liền nắm tay Anh và tay Trâm chạy ra sân .
Nhưng ông Xã ngồi bóp cái tay đau lẩm bẩm một mình :
- Mấy đứa học trò nầy dữ quá !
Ðường phố khuya vắng teo, không một bóng người . Tuấn rũ Anh và Trâm đi dạo mát ngoài bờ sông . Hai cô học trò lớp Nhất vui vẻ nhận lời đi chơi với người bạn trai của họ .