Ve Sầu Mười Bảy Năm - Chương 13
-3-
Tại buồng của trưởng phòng hình sự nằm ở một góc phòng Đội điều tra số 1, ánh sáng nhẹ nhàng rọi vào từ cửa sổ phía nam. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Komatsuzaki thực chất chỉ còn trong ngày hôm nay nữa thôi. Ngày ba mươi mốt đầu tuần sau và cũng là ngày cuối cùng đứng trên cương vị này, ông sẽ bận rộn với lễ nghỉ hưu.
Komatsuzaki gọi Kuraishi vào phòng.
“Cậu đã vất vả cả tối qua rồi”.
Kuraishi trả lời “Vâng” với vẻ không hứng thú lắm. Anh ngồi tựa lưng vào ghế sô pha rồi đưa mắt nhìn tờ báo phát hành buổi sáng được đặt trên bàn. Nữ sinh đại học bị sát hại. Bắt giữ khẩn cấp người đàn ông ở căn hộ kế bên.
“Thành thật cảm ơn cậu. Tôi đã không phải tiễn biệt mọi người khi vẫn còn vụ án chưa giải quyết được”.
Thực ra trong thâm tâm, Komatsuzaki luôn thầm cảm ơn Kuraishi. Mình thật may mắn - ông vẫn luôn nghĩ thế. Nhờ đồng hành với anh chàng có thể nói là sở hữu một tài năng dị biệt này trong các vụ án hình sự, mà cho đến nay ông đã phá được nhiều vụ án đang rơi vào ngõ cụt.
Chiến hữu. Suy nghĩ của Komatsuzaki gần giống thế.
Tuy nhiên, Komatsuzaki hoàn toàn không thể nhìn ra Kuraishi giữ thái độ nào với mình. Cả trong mấy chục năm nay, mặc dù đã cùng nhau lăn lê bò trườn ở hiện trường các vụ án, nhưng nghĩ lại, ông không hề có ký ức nào về việc cả hai đã mở lòng nói chuyện cùng nhau.
Hình sự và giám định. Không thể phủ định rằng rào cản của hai công việc này đã khiến họ trở thành như vậy. “Gọi giám định đi”. “Để giám định làm đi”. Qua những lời lẽ có vẻ đương nhiên đó, bên hình sự đã ngầm coi thường bên giám định như đầy tớ. Nhưng ngược lại, giám định không hổ là giám định, họ chỉ dùng ánh mắt giễu cợt mà nhìn những người bên hình sự dương dương tự đắc đi qua. Liệu bên hình sự có thể bắt được hung thủ chỉ bằng trực giác và lòng can đảm hay không? Nếu không có các manh mối từ bên giám định thi những người bên hình sự cũng chỉ như đám nít ranh ngơ ngác mà thôi.
“Trưởng phòng”.
Kuraishi nói bằng bộ mặt nghiêm trọng.
“Chẳng phải sếp có việc nhờ tôi hay sao?”.
“Ừ thì…”.
Komatsuzaki vẫn băn khoăn.
“Nếu là chuyện riêng thì có vấn đề gì không?”.
“Các vụ án đều là chuyện riêng mà”.
Komatsuzaki vững tâm hơn. Chí ít thì người đàn ông đang ở trước mắt này chắc chắn không phải kẻ thù.
“Thực ra thì…”.
Ông kể về những tấm bưu thiếp. “Huyện Kiriyama”… Trong vòng mười ba năm… Phía nam làng Kiriyama…
Kuraishi im lặng lắng nghe. Sau khi Komatsuzaki kết thúc câu chuyện, anh khoanh tay suy ngẫm một hồi rồi lên tiếng.
“Trưởng phòng xuất thân từ thị trấn Kuriki à?”.
“Đúng rồi. Tuy có một vài nhà trọ cho khách đi cầu nhưng so với ngôi làng thì thị trấn đó chỉ bé bằng cái móng tay thôi”.
“Cùng là ở phía bắc của tỉnh, sếp không có người quen ở Kiriyama sao?”.
“Không. Nói là cùng ở phía bắc nhưng giữa hai bên cũng không có con đường nào thông nhau cả. Hơn nữa, từ hồi học tiểu học tôi đã chuyển đến đây. Bố mẹ tôi không thích công việc đồng áng bó buộc chật hẹp. Bà tôi vốn làm nghề đỡ đẻ. Sau khi bà qua đời, ngay lập tức cả gia đình đã chuyển lên phố ở. Khi ấy, nhà tôi có một quán hàng rong bán bánh caramel nướng. Về sau, bố mẹ tôi cũng nhanh chóng qua đời vì lao lực”.
“Không cần kể chuyện ngày xưa đâu”.
Kuraishi nói không chút biểu cảm.
“Vậy mười ba năm trước, trưởng phòng đã làm gì?”.
“Đồn trưởng Đồn Đông. Bắt đầu từ mấy năm trước khi hiện tượng xảy ra”.
“Nghĩa là mùa xuân những năm trước đó, gương mặt cũng như tên tuổi sếp đã xuất hiện trên mặt báo”.
“Đúng thế’.
Là bài Giới thiệu đồn trưởng mới - khi đồn trưởng mới nhậm chức, tiểu sử của người đó sẽ được đăng tải trên tờ báo địa phương. Đây là điều mà Komatsuzaki cũng từng nghĩ đến. Chắc chắn người gửi đã nhìn thấy bài báo và nảy ra suy nghĩ viết bưu thiếp. Trong tấm thiệp năm mới đầu tiên được gửi đến vào năm tiếp theo ngay sau khi bài báo được đăng tải, địa chỉ được ghi là của Đồn Đông nơi ông đến nhậm chức. Có lẽ hằng năm sau đó, người gửi đều kiểm tra danh sách điều chuyển cán bộ cảnh sát tỉnh được đăng tải trên tờ báo địa phương. Vì dù được điều chuyển tới đâu, những tấm thiệp năm mới cũng như bưu thiếp thăm hỏi độ giữa hè cũng đều được gửi đến đúng Komatsuzaki.
“Có hai người”.
Đột nhiên Kuraishi lên tiếng.
“Hai người…? Là sao?”.
“Từ tháng giêng năm ngoái cho đến lễ Obon[12], tôi đã đến xem tử thi của hai người phụ nữ ở làng Kiriyama”.
Komatsuzaki ngạc nhiên trước khả năng ghi nhớ của Kuraishi. Ngoại trừ những cái chết rõ rành rành vì bệnh tật và ra đi nhẹ nhàng trên chiếu, số còn lại đều được xử lý như những cái chết bất thường. Số lượng tử thi mà Kuraishi khám nghiệm trong một năm lên đến hơn ba trăm.
Nhưng rồi sự ngạc nhiên của ông nhanh chóng biến thành nỗi xáo động trong tim.
Cả hai đều là phụ nữ. Kuraishi đã nói vậy.
“Nói tôi nghe xem”.
“Một vụ là vào tháng ba. Mười một tuổi. Treo cổ.
Komatsuzaki lục tìm trong trí nhớ. Đó là một vụ tự sát do bị bắt nạt. Ngay cả báo chí cũng tốn khá nhiều giấy mực cho vụ án này. Tuy nhiên, có thể suy đoán rằng bé gái mười một tuổi ấy không liên quan gì đến người gửi bưu thiếp.
“Vụ còn lại thì sao?”.
“Vào tháng sáu. Một bà lão bảy mươi sáu tuổi bị nước sông cuốn đi”.
Komatsuzaki lắc đầu. Ông không có chút ký ức nào cả.
“Danh tính?”.
“Đó là một bà cụ được đưa vào viện dưỡng lão sau khi ông chồng mất. Bà ấy bị xuất huyết não nhẹ hai lần và không thể đi lại nếu thiếu gậy”.
Xuất huyết não…
Dòng chữ ghi tay địa chỉ và tên người nhận lại hiện ra trước mắt Komatsuzaki. Nét chữ góc cạnh, nguệch ngoạc, giống như được viết bằng tay không thuận…
“Bà ấy vào viện dưỡng lão khi nào?”.
“Từ mười lăm năm trước”.
Komatsuzaki bất giác giật bắn mình.
“Kể chi tiết cho tôi nghe”.
“Nguyên nhân cái chết là do đuối nước. Bà lão nổi lên ở hạ lưu sông Kirimu, cách viện dưỡng lão hai cây số”.
“Bà lão trôi tới từ gần viện dưỡng lão hả?”.
“Không, cây gậy rơi xuống ở thượng lưu cách vị trí xác nổi lên ba cây số. Là khu vực có khu rừng sồi phía bên kia bờ sông. Đó là thiên đường của các loài chim như chim cu gáy Himalaya, chim cu gáy Á-Âu, chim cu gáy Malaysia”.
Komatsuzaki bị cuốn theo câu chuyện.
Kuraishi cực kỳ hứng thú với đời sống của “các sinh vật sống”. Động vật, thực vật, cá, chim, côn trùng…, tất cả lượng tri thức đó đều được phát huy khi giám định. Vì từ hoa trong chậu hay tiếng hót của chim trong lồng, anh có thể đọc được thông tin liên quan đến tử thi.
“Chim thì có liên quan gì?”.
“Đây là thông tin tôi nghe được. Viện trưởng viện dưỡng lão cùng đi đến hiện trường là thành viên của hội chim hoang dã. Bà lão chết ngay sau khi nhậm chức nên ông ấy vô cùng ủ rũ, nhưng khi nói chuyện chim chóc thì ông ấy lại rất hứng thú”.
Komatsuzaki khẽ thở dài.
“Tiếp tục đi”.
“Tổn thương trên tử thi rất kinh khủng. Trán bà ấy bị xuất huyết dưới da. Có nhiều vết trầy xước dài trên cánh tay trái và hai đầu gối”.
“Dài ư?”.
“Con sông ấy có dòng chảy xiết. Bà lão đã vừa bị mài dưới đáy sông vừa bị cuốn đi”.
“Là tai nạn… hay tự sát?”.
Khi xảy ra vụ án, Komatsuzaki không nhận được báo cáo nên chắc chắn đây không phải là một vụ giết người.
“Tỷ lệ tự sát là bảy - ba”.
“Bảy-ba…?”.
Komatsuzaki không dám chắc vào những gì mình nghe thấy. Một phán đoán mơ hồ không giống của Kuraishi.
“Nói cách khác, cũng có khả năng đó là một vụ tai nạn?”.
“Cây gậy rơi ở lối mòn chạy theo hướng từ con đường bộ ra phía dòng sông. Địa hình cực kỳ dốc, đến mức tôi có cảm giác nó như cái dốc trượt tuyết vậy. Chỉ có ba bước chân đi vào con đường mòn ấy”.
“Ba bước chân…”.
“Đúng thế. Không có bước chân thứ tư. Theo suy nghĩ của tôi thì bà lão đã nhảy xuống sông. Hoặc bị trượt chân rơi xuống”.
“Chẳng phải dựa vào độ lún và hình dạng của dấu chân sẽ biết được chắc chắn bà lão trượt chân hay nhảy xuống à?”.
“Dựa theo y sách giáo khoa như vậy không được đâu. Bà ấy chỉ nặng có hai mươi tám cân thôi”.
Đôi mắt của Kuraishi lóe lên tia sắc sảo.
Komatsuzaki đột nhiên không suy nghĩ được gì cả. Nhưng rồi ngay lập tức, ông ngẩng đầu lên và nói.
“Vậy chẳng phải là năm mươi - năm mươi hay sao?”.
“Cái gì cơ?”.
“Tại sao tự sát là bảy phần còn tai nạn chỉ là ba phần?”.
“Sếp thử làm phép trừ xem”.
“Làm phép trừ…?”. “Tử thi được tìm thấy ở hạ lưu cách viện dưỡng lão hai cây số. Cây gậy được tìm thấy ở thượng lưu cách đó ba cây số. Vậy tức là viện dưỡng lão cách thượng lưu một cây số và bà lão đã đi bộ lên con dốc”.
Komatsuzaki ngạc nhiên.
Bảy mươi sáu tuổi… Hai lần xuất huyết não… Liệt nửa thân phải… Không thể đi nếu thiếu gậy…
Chỉ một cây số. Tuy nhiên, đối với bà lão, đó chắc chắn là một khoảng cách quá sức.
Kuraishi tiếp lời bằng vẻ mặt mất hứng.
“Tôi không biết vì lý do gì mà bà lão phải đi bộ một cây số để tìm đến cái chết. Đầu óc bà ấy có vẻ minh mẫn. Cho đến trước ngày hôm đó, chưa một lần nào bà lão lang thang thơ thẩn ra ngoài viện dưỡng lão. Vậy mà bà lão lại đi bộ về phía thượng nguồn. Tôi chỉ có thể nghĩ rằng bà lão đã ra ngoài để tìm một chỗ kết liễu đời mình mà thôi”.
Komatsuzaki nhìn chằm chằm vào mắt của Kuraishi.
“Tại sao cậu lại cho rằng tỷ lệ chết vì tai nạn chỉ có ba phần mười?”.
“Bởi vì trước đó, hình như tôi đã tìm được một lý do khác về chuyện bà lão đi bộ ra ngoài”.
Kuraishi đứng dậy. Anh chậm rãi bước đến cửa rồi ngoảnh đầu lại.
“Trưởng phòng. Hình như ngài đã biết cả hai rồi đấy còn gì. Cả lý do bà lão đi bộ ra ngoài lẫn người gửi các tấm bưu thiếp là ai”.
-4-
Cảm giác sục sôi của các tế bào bên trong cơ thể vẫn chưa ngừng lại. Thứ bảy, Komatsuzaki không ra khỏi dinh thự lấy một bước, chỉ ngồi nhà nghiên cứu tài liệu liên quan đến các loài chim. Ông chỉ ra ngoài vào chiều chủ nhật. Cuối cùng, ông cũng đã quyết tâm và cả sẵn sàng.
Lâu lắm rồi Komatsuzaki mới lái xe. Chiếc ô tô chạy trên quốc lộ hướng về phía bắc, mất khoảng một tiếng là đến làng Kiriyama. Mặc dù bị lạc đôi lần nhưng chẳng bao lâu sau, ông đã tới được con đường dọc theo sông Kirimu. Rẽ vào con đường đó là có thể nhìn thấy viện dưỡng lão.
Giả thuyết bà lão quá cố chính là người gửi bưu thiếp đã trở nên chắc chắn. Không chỉ có thế. Không chỉ có thế…
Komatsuzaki ghé qua văn phòng nằm ở tầng một. Ông cúi chào. Sau khi báo với nhân viên ở đó là muốn nói chuyện với viện trưởng về các loài chim hoang dã, ngay lập tức ông được đưa vào phòng viện trưởng ở bên cạnh.
“Nào nào, xin mời”.
Có lẽ ông ta đang rảnh rỗi. Vị viện trưởng năm mươi tuổi xưng danh là Kimura có vẻ vui mừng khôn xiết.
“Chà, thực ra hôm qua cũng có người tới để nghe câu chuyện về các loài chim. Một người rất giỏi đến từ cảnh sát tỉnh tôi đã quen khi xảy ra vụ án trước đây”.
Chắc chắn Kuraishi đã đến. Đâu đó trong đầu Komatsuzaki cũng có suy nghĩ ấy nên chuyện này không có gì đáng ngạc nhiên.
Nhưng rốt cuộc, một con người hoàn toàn xa lạ như Kuraishi thì biết gì về cuộc đời Komatsuzaki kia chứ.
“Trước tiên, hãy xem cái này nhé. Cách đây khoảng một cây số có một khu rừng sồi rất đẹp. Tôi đã chụp ảnh tất cả chim ở đó”.
Vừa nói như tên bắn, Kimura vừa mang mấy khung ảnh mình đã chụp các loài chim hoang dã ấy ra.
“Đây là chim cu gáy Himalaya. Đáng yêu phải không? Nó cứ kêu ‘pom pom, pom pom’ ấy”.
Komatsuzaki mỉm cười.
Câu chuyện về sự ra đời của Komatsuzaki được “thông báo” vào mùa xuân ngay sau năm mẹ ông mất, khi ông nhận lệnh làm cảnh sát tuần tra từ cảnh sát tỉnh. Cha ông có vấn đề về tim và phải nhập viện. Lúc có quyết định phẫu thuật và bác sĩ thông báo rằng cần truyền máu, cha Komatsuzaki đã gọi ông đến giường với một vẻ mặt vô cùng nghiêm trọng. Người cha không thể che giấu được việc bố mẹ và con trai có nhóm máu không trùng khớp nhau.
Cha Komatsuzaki đã thì thầm vào tai ông rằng: Khi con được tầm một tuổi, vợ chồng ta đã đưa con về từ trại trẻ. Cha mẹ ruột của con đã mất do tai nạn trên núi. Chuyện này không hẳn là bọn ta muốn giấu, chỉ là chưa có cơ hội để nói ra…
Ông không hề sốc. Khi còn học trung học, Komatsuzaki đã có chút nghi ngờ. Mỗi khi để ý đến mụn trứng cá, ông lại nhìn kỹ mình trong gương. Ông cảm thấy mình chẳng có nét gì giống bố hay mẹ cả. Khi câu chuyện về nhóm máu được phát trên radio, bàn trà liền trở nên im ắng. Sắc mặt và giọng điệu của bố mẹ ông cũng thay đổi. Điều đó không chỉ xảy ra một lần và bất kỳ đứa trẻ đang trong tuổi dậy thì nào cũng cảm nhận được điều đó.
Ông cũng không gặng hỏi thêm bố mẹ mình. Ông sợ biết được sự thật. Ông từng thực sự nghĩ rằng, nếu lỡ biết thì sẽ phải ra khỏi nhà. Hồi đó cũng khác với bây giờ. Xung quanh ông chẳng có đứa trẻ nào được ban cho hạnh phúc trọn vẹn cả. Đứa thì bố mất do chiến tranh. Đứa thì phải cúi đầu đi vay gạo và miso. Đứa thì mẹ phải bán mình. Trong thời đại như thế, nỗi khổ tâm của Komatsuzaki vẫn còn khá nhẹ nhàng, vẫn có thể được an ủi động viên.
“Tiếp theo sẽ là loài chim cu gáy quen thuộc. Nhưng dù thường xuyên nghe thấy tiếng hót, ta lại hiếm khi được thấy bóng dáng của chúng phải không nào? Xung quanh mắt và chân chúng có màu vàng, cực kỳ ấn tượng”.
Một đứa bé được đưa về từ trại trẻ - Komatsuzaki đã chấp nhận câu chuyện mà người cha kể. Ông không buồn bã đau khổ, cũng không tỏ ra hờn dỗi. Ông đã luôn ôm ấp trong lòng niềm nhiệt huyết phải tìm ra quê hương của chính mình. Đó là nguồn động lực thúc đẩy Komatsuzaki sống với công việc hình sự. Bản thân ông không giống những người khác. Ông không bao giờ quay đầu lại. Ông lúc nào cũng hướng về phía trước, xông lên tóm lấy bọn côn đồ bất lương nhiều đến mức không kể xiết. Ông cũng đã thăng tiến. Komatsuzaki tuy không quá xuất sắc cũng không có đầu óc đặc biệt nhạy bén, lại thành công rực rỡ trong việc ngồi lên được cái ghế trưởng phòng mà trong suốt một phần tư thế kỷ, chưa ai thuộc Phòng hình sự lên được đến vị trí đó. Điều này chắc chắn bắt nguồn từ chính nhiệt huyết rực cháy trong tim. Cho dù có bị dồn vào đường cùng, phải nếm mùi khó khăn gian khổ đến thế nào đi chăng nữa, nhiệt huyết trong ông vẫn không mất đi, tinh thần ông vẫn hoạt động mạnh mẽ để mở ra con đường trước mắt. Komatsuzaki đã có một cuộc đời đặc biệt như thế đấy. Ông biết ơn và không hề căm ghét nó. Thế nhưng…
Komatsuzaki sẽ nghi ngờ những người phụ nữ đầu tiên và vạch trần tất cả các âm mưu của họ. Mỗi nghi ngờ đối với những người phụ nữ, những người được gọi là mẹ luôn len lỏi đâu đó trong ông. Có lẽ cảm giác chông chênh lẫn nỗi bực tức khi không biết gì về nơi sinh cũng như mẹ ruột của mình đã hình thành nên “Komatsuzaki sát gái”.
Hình như ngài đã biết cả hai rồi đấy còn gì. Cả lý do bà lão đi bộ ra ngoài lẫn người gửi các tấm bưu thiếp là ai.
Ông đã chấp nhận câu chuyện được cha nói cho nghe. Tuy nhiên, chẳng biết thật tâm ông có tin vào câu chuyện đó hay không. Thỉnh thoảng ông lại nghĩ rằng, nếu đã đưa về từ trại trẻ, tại sao bố mẹ ông lại không chọn những đứa bé có cùng nhóm máu với họ.
“Đây là chim cu gáy Malaysia”.
Komatsuzaki ngước mắt lên nhìn. Kimura vẫn đang hào hứng chỉ vào khung ảnh.
“Từ tiếng kêu mà chúng mới có cái tên ấy đấy. ‘Juichi, juichi’[13]”.
Komatsuzaki đã nghe thấy âm thanh này ở đâu đó.
“Thế mà cái người ở Sở cảnh sát tỉnh kia đã bỏ lỡ một dịp hiếm có đấy. Này nhé, năm ngoái ở hiện trường liên quan đến vụ tai nạn, anh ta đã được nghe tiếng kêu của cả ba loài cu gáy. Cu gáy Himalaya, cu gáy Á-Âu và cu gáy Malaysia. Tuy nhiên, trong vòng chưa đầy năm phút kể từ khi anh ta về, chúng tôi đã nghe thấy tiếng của loài chim cu gáy nhỏ. Bốn loài cùng đồng thanh quả là một thành công mỹ mãn. Chỉ cần anh ta ở lại thêm năm phút nữa thôi là đã nghe được rồi. Chà, đúng là một người kém may mắn”.
Hôm qua, sau khi đọc xong quyền từ điển bằng hình ảnh, Komatsuzaki đã hiểu được ý nghĩa của cái “thành công mỹ mãn” ấy. Đó chính là việc có thể cùng một lúc nghe thấy tiếng hót của tất cả các loài chim cu gáy di cư đến Nhật. Nhưng không chỉ có vậy.
Nuôi con hộ. Bốn loài chim mà Kimura kể tên ở trên, loài nào cũng có tập tính đẻ trứng ở tổ của loài chim khác, để những con chim non được bố mẹ giả nuôi dưỡng.