Em là tình yêu- 07-08
7.
Nhu Phong ngồi sắp xếp quần áo chuẩn bị hành lý để mai theo giám đốc Trần đến Nha Trang. Cũng đã lâu rồi, cô không có dịp ghé thăm miền thuỳ dương cát trắng. Nơi ghi nhiều kỷ niệm của quãng đời áo trắng giữa cô với một người. Chỉ mới nghĩ đến thôi, cô những tưởng hình ảnh xinh tươi thơ mộng đó vẫn còn thấp thoáng đâu đây. Nào ngờ bảy năm trôi qua rồi. Một quãng thời gian không ngắn cũng không dài nhưng cũng đủ sức làm mờ đi kỷ niệm. Chỉ vì con người sống không chỉ có quá khứ mà còn có hiện tại, tương lai. Một hiện tại chua xót, bẽ bàng, một tương lai mịt mù xa xăm đang chờ phía trước với bao lo toan thì làm gì có đủ thời gian để nhớ về quá khứ. Dù rằng quá khứ của hạnh phúc thơ ngây, thơ mộng rất đáng để cô trân trọng giữ gìn.
Thế mà bất chợt chiều nay, giám đốc Trầm là người khơi lại ký ức trong cô. Nhu Phong thò tay vào trong góc tủ quần áo lấy ra chiếc hộp hình chữ nhật bằng đồi mồi in nổi những hoa văn. Đưa tay vuốt ve thật trìu mến rồi cô mở nắp ra. Một chồng thư màu xanh, ngập tràn hy vọng ước mơ. Cầm những lá thư trong tay được đánh dấu theo số thứ tự cẩn thận Nhu Phong vuốt ve chúng mà khoé mắt muốn rưng rưng: đây là lá thư đầu tiên, anh hai Rong Biển viết ngỏ lời muốn kết bạn cùng cô. Đây là lá thư anh khuyên cô gắng sức chú tâm vào học tập, đừng để chuyện buồn xung quanh mà ảnh hưởng chuyện học tập là không nên. Còn đây là lá thư anh hứa rồi có một ngày anh sẽ về thành phố thăm cô. Và đây là lá thư cuối cùng, lá thư chia tay... không cần đọc lại, những dòng chữ trong thư, những kỷ niệm vẫn còn in mãi trong trí óc cô... Hình như trải qua một dòng thời gian dài đăng đẳng thế mà kỷ niệm vẫn còn mới tinh khôi, như màu áo trắng. Anh hai hiện giờ đang ở đâu? Có còn nhớ đến cô em gái dại khờ này không? Mãi mãi em vẫn là cô bé ngu ngơ trong đáy mắt anh: bướng bỉnh, dại khờ... Đôi mắt Nhu Phong nhìn xa xăm, cả một thành phố biển như hiện rõ trước mắt cô... những con đường vòng quanh, một bên là núi, một là biển. Màu xanh của lá cây và màu xanh của biển khơi luôn hoà quyện gắn bó nhau, nhưng nét chấm phá đó đã làm nên một một Nha Trang với khung cảnh nên thơ mà hoành tráng.
Mười sáu tuổi. Lần đầu tiên Nhu Phong có thơ đăng báo, khỏi phải nói về cảm xúc của cô rất bàng hoàng và cũng rất bâng khuâng cầm tờ báo có tên mình đọc đi đọc lại... đáng yêu đến vậy. Bài thơ viết về tâm tư tuổi mới lớn. Cô bé học trò chợt đổi thay khi bước sang tuổi mười sáu:
"Lãng mạn lắm ép phượng vào trang sách.
Thấy lá rụng cũng buồn vô cớ khóc.
Biết làm duyên với mái tóc ngang lưng".
Là Nhu Phong đó, cô cũng không ngờ được chính mình. Bạn bè chúc mừng cô. Mọi người ở lớp khác nhìn heo khi thấy cô đi dưới sân trường. Nhu Phong rất muốn cảm ơn cái nhìn họ. Còn nhóm "ngũ long" thì khỏi phải nói, vui mừng như điên: ăn khao suốt cả tuần lễ chưa biết chán.
Một chiều, cô nhận được bức thư từ Nha Trang. Bức thư thoảng mùi hoa Đại Đoá vì bấy giờ là mùa thu. Ngắm nghía lật đi lật lại, sau đó cô thất vọng vì không thấy tên người gửi. Nhưng trên bức thư ghi rõ ràng "người nhận: Lê Nhu Phong" cơ mà. Cô bóc thư ra, hồi hộp. "Chào cô bé ngày xưa". Dòng đầu tiên của bức thư viết thế. "Cô bé ngày xưa" đây là đầu đề bài thơ của cô. Bức thư làm quen của một chàng sinh viên đại học kinh tế (và từ đó, với anh cô là "cô bé ngày xưa"). Anh đang học năm cuối, muốn kết bạn với cô vì rất thích bài thơ ấy. Trước kia anh học trường của cô. Anh khoe là anh đã nhìn thấy cô rồi, một chiều ở trên ghềnh đá Nha Trang ngồi gảy bản "Aires Moriscos" em nhớ ra chưa. Này "cô bé ngày xưa". Cô cũng reo lên một mình "em cũng đã thấy anh rồi. Một khuôn mặt sau ghềnh đá... sự trẻ trung, trẻ con của một chàng trai hơn hai mươi hai tuổi". Vậy là từ đó Nhu Phong có thêm một người bạn, một người anh kết nghĩa thâm tình.
Cô gửi cho anh một chút heo may nhặt được khi lang thang giờ tan học. Anh gửi cho cô bài hát về nỗi nhớ trường xưa. Bài hát với những câu... "Mong sao em giữ mãi mắt xeo tròn tuổi mộng mơ... Mong sao em giữ mãi những vui buồn tuổi học trò...". Cứ thế, những cánh thư kết dần tình thân ái... Cô gửi chút sắc vàng của hoa điệp đầu hạ và thật bất ngờ, anh gửi cô lời hẹn: "Sẽ gặp nhau tại trường vào một buổi chiều cuối tháng sáu nhé".
Chúng ta gặp nhau khỏi cần giới thiệu vì anh đã thấy "cô bé ngày xưa" có mái tóc ngang lưng, còn cô cũng nhớ ký ức mùa hạ có một gã con trai đứng sau lưng cô miết cả tiếng đồng hồ chỉ để nghe những điệu nhạc guitar classique điêu luyện do bàn tay tài hoa của cô tạo nên. Cô không nhớ được giữa cô và anh đã nói những gì. Nhiều lắm, phải không? Chỉ có gió cứ vô tư và lá bàng cứ dấy lên mải miết. Mùa đông rồi đấy thôi!
"Anh thích mùa đông lắm, vì mùa đông có mưa và trong mưa có tà áo học trò". Dân kinh tế gì mà lãng mạn quá - Cô trêu chọc - Anh không thể thành công ngành kinh doanh khô khan lạnh lùng tính toán được vì tâm hồn cứ mãi treo ngược trên cành cây. Anh phì cười nhưng vẫn cố đọc nhỏ:
"Gió kể rằng: Có cô bé ngày xưa.
Hay nũng nịu thường đòi ăn buổi tối.
Hay khóc nhè và hay hờn dõi.
Mỗi khi mẹ mắng: Lạ lùng chưa?
Lạ lùng chưa, cô bé ngày xưa?
Nhu Phong tức quát:
- Em không thèm chơi với anh nữa. Anh lôi thơ em ra để giễu cợt em. Cắt xẹt.
- "Cô bé ngày xưa đã hết ương bướng". Em tuyên bố trong bài thơ rồi kia mà.
Gió làm cây lá xào xạc, khó giận anh quá.
... Anh hết rồi kỳ nghỉ. Lại những cánh thư làm dấu nối. Cô hồn nhiên kể cho anh nghe về mưa, về gió, về những ý thích rất... lạ lùng. "Em muốn đi trong mưa, đầu để trần để nghe mưa thì thầm, mưa mỏng manh rơi xuống người em. Kể cho em những điều thú vị lắm. Em thích ngửa mặt ngắm sao, cố hình dung những điều may mắn trong bức tranh mà vì sao xếp nên... Tình cảm hai người diễn ra tốt đẹp, trong sáng. Nó đáng yêu đến nỗi không ai nghĩ có điều gì mà có thể làm chia cắt được tình bạn giữa hai người. Nào ngờ... có một ngày Nhu Phong nhận được lá thư thứ mười, một lá thư như báo hiệu sự đổ vỡ tình cảm giữa cô và anh... chỉ vì một chút tự ái trẻ con. Nhu Phong còn nhớ rõ nội dung bức thư đó.
"Xa quá rồi, mưa - gió - trăng - sao thời mười sáu tuổi. Với em, tất cả chỉ còn lá quá khứ và cứ lặng lẽ trôi đi. Đọng lại trong em những gì? Em thơ mộng quá! Lãng mạn thì được vì nó mang đến cho người ta sự hy vọng những điều tốt đẹp. Còn thơ mộng thì không nên, mơ mộng tức là không tưởng, mà dễ làm cho người ta bi quan lắm. Em thường ngồi bên cửa sổ để khóc thương cho những lá vàng rơi? Vậy sao em không nhặt chiếc lá ấy? Có hiểu anh không?".
Cô không hiểu và không cần phải hiểu. Sao anh lại dám đem những điều suy tư vụn vặt mà cô kể cho anh nghe để anh lấy đó làm đề tài "lên lớp" cô cơ chứ? Bức thư đó cô nhét sâu dưới đáy hộp.
"Sao lâu rồi anh không thấy thư em hả "cô bé ngày xưa"? Em có còn khóc than chiếc lá không vậy? Mùa đông lạnh thật đấy nhưng em hãy bước ra ngoài mà xem, lửa từ những chiếc lá ấy sẽ truyền cho em hơi ấm. Mạnh dạn và can đảm lên em nhé. Và hãy trả lời câu hỏi này. Tại sao anh không nhận được thư em?".
Tại sao ư? Anh làm cô tự ái lắm rồi. Cô đã đặt bức thư ấy cuối đáy hộp kế lá thư thứ mười đáng ghét kia. Rồi từ đấy giữa anh và cô không còn một chút tin tức về nhau nữa. Khi kết thúc niên học đó, nhóm "Ngũ Long" chuyển sang trường mới. (Thư anh gửi theo địa chỉ trường nhờ chuyển cho cô).
Năm tháng trôi qua, giờ đây Nhu Phong mới nghiệm ra được rằng: "Người ta không thể khôn ngoan khi mình mười bảy tuổi". Có một câu thơ như vậy. Mà cô thì năm đó mới vừa tròn mười sáu tuổi. Cô không thể khôn ngoan, chỉ biết tự ái và giận hờn. Sự tổn thương đôi cánh vừa được bay vào bầu trời rộng lớn. Cô thật dại khờ ngây thơ và... trẻ con quá. Nếu giả sử bây giờ còn anh hai Rong Biển thì cô sẽ nói: "Cám ơn anh hai đã cho em lời khuyên hữu lý. Mà lời anh nói đúng chớ có sai trái gì đâu, tại sao cô lại giận hờn anh nhỉ? Chắc có lẽ ở lứa tuổi đó chỉ biết có lời khen và nghe những lời nói ngọt ngào...còn... sự chê trách đóng góp ý kiến nó như một viên thuốc đắng khó nuốt. Chẳng một ai thích để ngồi lắng nghe..." Nhu Phong ngồi thở dài, cho chiếc hộp vào tủ như để cất giấu đồ kỷ niệm hoa mộng một thời. Còn bây giờ nhiệm vụ của cô là tiếp tục soạn hành lý...
***
Chiếc bàn ăn hình chữ nhật, được bày biện thật sang trọng và đầy mỹ thuật. Những món ăn lần lượt được người giúp việc mang ra. Trong khi ngồi chờ đợi, ông Chấn Nam hỏi Trần bằng giọng đầy quan tâm:
- Công việc ở công ty vẫn bình thường chứ con?
Một câu hỏi quen thuộc mà ông Chấn Nam vẫn thường hay hỏi Trần, kể từ ngày ông trao quyền giám đốc cho anh để về nghi. Và câu trả lời của anh cũng giống như câu trả lời thường ngày.
- Thưa ba, công việc vẫn chạy đều.
Ông Chấn Nam gật đầu tỏ vẻ vừa ý:
- Tốt lắm!
Bà Chấn Nam cười xen vào chuyện của hai người:
- Này, hai cha con ăn cơm đi rồi tiếp tục bàn công việc.
- Được rồi, bà cứ yên trí đi.
Trần đưa tay đón lấy chén cơm từ tay người giúp việc trao.
- Cám ơn bà Năm.
- Không có gì đâu, cậu chủ.
Đưa đôi đũa gắp thức ăn trong chiếc đĩa xoài, ông Chấn Nam tiếp tục câu chuyện còn dang dở. - Con nhớ chú ý đến chất lượng của loại hàng mình sản xuất ra nhé. Lúc này đọc báo, ba thấy nói nhiều về các công ty, xí nghiệp quảng cáo thì hay, nhưng lại làm ra những loại hàng kém chất lượng và vì vậy làm mất uy tín của chính mình.
Phong trần chăm chú lắng nghe những lời nói của ông Chấn Nam, rồi đáp nhanh:
- Dạ. Xin ba cứ an tâm! Con rất coi trọng việc đảm bảo chất lượng hàng sản xuất ra, để mãi mãi giữ được uy tín với người tiêu thụ. Mẹ dùng thử món này xem, bà Năm nấu ngon lắm.
Bà Chấn Nam cười hạnh phúc.
- Được rồi, con trai. Con cứ tiếp tục bàn công việc với cha con. Mẹ tự lo cho mình được.
- Ôi! Mẹ hờn dỗi cha con mình kìa ba.
- Đấy là do con nói đấy nhé, Ti Tô.
Ông Chấn Nam ngừng đũa, cười tủm tỉm.
- Con thật là nói oan cho mẹ con đấy nhé Trần. Mẹ con rất thông cảm cho cuộc chuyện trò tâm sự của cha con ta. Tuy nhiên, mẹ con chỉ có phiền giận một điều là cha con ta đã bỏ quên mẹ con... để mẹ con ngồi... cô đơn.
Bà Chấn Nam nguýt yêu hai cha con:
- Xí! Nói nghe sao dễ ghét. Nếu biết lúc trước có hoàn cảnh như thế này tôi cho ra đời công chúa thay vì một hoàng tử như ông thường ao ước...
Ngước lên nháy mắt với Trần ngồi đối diện, ông Chấn Nam bỡn cợt:
- Em ghét héng! Vậy nếu có người thương em tính sao?
Bà Chấn Nam cau mặt, nghiêm giọng:
- Hổng được à nghen! Em không cho phép ai được thương... lộn xộn như thế đâu nhé.
Nhìn nét mặt giận dỗi của vợ, ông Chấn Nam thích thú cười lớn.
Khung cảnh gia đình đầm ấm khiến Trần thầm nghĩ: "hạnh phúc" anh đâu cần phải tìm kiếm chi cho xa xôi vất vả, mà chính nó đã hiện diện trong ngôi nhà thân yêu có hai đấng sinh thành bao giờ cũng thương yêu nhau rất mực. Theo năm tháng bể dâu tình yêu vẫn đằm thắm như thuở nào...
Bà Năm, người giúp việc thân tín của gia đình, bưng ra đĩa trái cây ướp lạnh được bày biện thật thích mắt.
- Mời ông bà, cậu chủ dùng trái cây.
- Dạ, được rồi. Cám ơn bà Năm.
Rồi Phong Trần đưa tay lấy trái lê gọt vỏ sẵn cắt thành khoanh được ghép lại như hình dạng ban đầu, anh cho vào chiếc đĩa nhỏ xinh xắn.
- Mời mẹ dùng tráng miệng. Bà Chấn Nam đón lấy, miệng mỉm cười hiền:
- Cám ơn, con trai!
Trần giờ đây tiếp tục câu chuyện dang dở nửa chừng với ông Chấn Nam.
- Ngày mai con đi Nha Trang ký bản hợp đồng tiếp theo với công ty Xuân Nguyên.
Ông Chấn Nam gật gù cười:
- Con không sợ rắc rối sao?
Trần nhún vai:
- Sợ chứ ba. Nhưng vì phó giám đốc bận rất nhiều công việc trong công ty nên con không thể bàn giao việc này cho bác Thịnh được. Vả lại bác Thịnh đi chắc gì đã giải quyết được...
- Con nói đúng. Cô ta mượn kế công việc để mà gặp mặt con. Nhưng mà ba thấy cô ta là một phụ nữ xinh đẹp, tháo vát. Biết bao người muốn được ân huệ như con còn không được. Mà con thì...
Bà Chấn Nam vừa dùng món tráng miệng vừa nghe cha con họ bàn tính công việc. Nhưng bà chẳng hiểu mô tê gì hết. Tại sao bàn công việc lại dính líu đến đàn bà. Chẳng phải đức ông chồng kính yêu bà vừa nói ra đó sao. |Cô ta là một phụ nữ rất xinh đẹp, lại tháo vát trong công việc"? Vì thế bà thắc mắc ghê gớm nhưng vẫn nén lòng chờ ông chồng và con trai bàn việc xong rồi mới hỏi:
- Cô ta là ai mà có mối đe doạ con trai cưng của mẹ.
- Ôi! Ai thích thì cứ nhảy vào thế chỗ cho con. Chứ con mệt mỏi rồi khi cứ cách một tháng lại đối đầu cùng cô ta. Riết con cứ tưởng mình với cô ta là "oan gia kiếp trước". Mà kiếp này con phải trả cái nợ không tên cho cô ta vậy.
Ông Chấn Nam muốn thử xem con trai mình có bảnh lĩnh không, ông vờ đưa ra kế hoạch giải quyết giúp anh:
- Nếu con mệt mỏi vì phải đối đầu cùng cô ta thì tại sao con không huỷ bỏ hợp đồng?
- Sao được ba. Công ty Xuân Nguyên chẳng chút vi phạm trong bản hợp đồng. Vì thế sao con lại huỷ bỏ nó được. Tuy không có công ty cô ta thì Phương Nam vẫn phát triển như từ đó đến giờ, nhưng chữ tín làm ăn thì bị phá huỷ. Con không muốn vì chút chuyện linh tinh này mà danh dự công ty ta bị tổn thương chút nào! Nó là cả tâm huyết của dòng họ ta. Nhất là đối với nội tổ con, từ hai bàn tay trắng đã phải trải qua biết bao mồ hôi, nước mắt và cả xương máu nữa mới tạo thành Phương Nam như ngày nay. Vì thế con không có lý do gì mà phá huỷ đi tất cả. Nhất là uy tín và danh dự đối với Phương Nam. Con người mà không có hai điều cơ bản ấy trong thương trường thì sẽ dễ dàng đổ ngã ngay thôi.
Ông Chấn Nam bật lên tràng cười hài lòng khi thấy cậu con trai thấu tình đạt lý.
- Con rất xứng đáng là kẻ thừa kế dòng họ Hoàng. Nhưng khi mắc phải cái tội rất lớn không thể tha thứ được.
Ngạc nhiên Trần hỏi:
- Con có tội ư?
- ừ, con không biết chứ, dòng họ Hoàng ta hiếm muộn con cháu bao lâu nay, bao giờ cũng độc một cây sinh một trái. Còn con thì đã ba mươi rồi mà chưa có vợ nói gì có cháu để cho ba ẵm bồng và để nối dõi tông đường. Cái thuở bằng tuổi con, ta đã cưới mẹ con làm bà Chấn Nam và hạ sinh ra con rồi đấy.
Bà Chấn Nam nghe được vội đưa mắt nguýt đức ông chồng:
- Ông chỉ giỏi có tài bỡn cợt. Còn Ti Tô này?
Trần nhướng mày chờ đợi câu hỏi của mẹ.
- Việc chi mẹ?
- Con gặp chuyện rắc rối ở Xuân Nguyên sao?
Trần buông giọng trấn an:
- Chỉ chút xíu thôi mẹ. Nhưng hãy yên tâm, con vừa nghĩ ra được kế sách đối phó tốt đẹp cả hai bên mà không ảnh hưởng gì đến công ty.
Bà Chấn Nam nóng ruột hỏi:
- Con có thể trình bày rõ ràng cho cha mẹ biết được không?
Nghe mẹ nói thế, anh vội thoái thác, kế sách này đối với anh "thập toàn thập mỹ". Nhưng nếu mẹ anh mà biết được bảo đảm anh sẽ bị phản đối ngay. Nhưng với anh một khi đã quyết định khó có ai lay chuyển được, dù cha mẹ là người anh yêu kính nhất. Vì thế anh quyết định chờ làm xong rồi nói cũng chưa muộn. Lúc đó mẹ anh sẽ nghe anh kể mà vui lòng chẳng chút phiền giận. Còn anh khỏi phải sợ mình chống đối ý kiến mẹ, dù chỉ là tranh luận nhỏ cùng mẹ anh cũng không muốn, huống hồ chỉ là chống lệnh... Điều đó chỉ khiến mẹ anh buồn lòng mà anh có vui sướng gì đâu?
- Chuyện dài dòng lắm. Nếu có dịp rảnh con sẽ trình bày tỉ mỉ cho mẹ rõ. Còn bây giờ con có chuyện bận cần đi gấp đây.
- Con đã trưởng thành rồi, mẹ tuỳ con quyết định ý kiến của mình. Mẹ không muốn mình là người mẹ khó khăn, độc đoán. Nhưng nếu có chuyện gì phiền muộn khó khăn hãy gặp mẹ. Bao giờ mẹ cũng là cái phao an toàn cho con khi gặp sóng gió cuộc đời.
Trần kéo ghế đứng dậy bước lại chỗ bà Chấn Nam đang ngồi, anh cúi xuống hôn lên má mẹ bằng cả cử chỉ thương yêu.
- Cảm ơn mẹ đã hiểu mà thông cảm cho con. Thật hạnh phúc thay khi trên đời này có những ai đang còn mẹ.
Bà Chấn Nam rung động cả cõi lòng khi nghe giọng trầm trầm, ấm áp đầy cảm xúc của Trần. Trần bước lên thang lầu.
- Con lên phòng thay đổi y phục, để đến nhà bạn con có một chút công việc. Ba mẹ cứ thoải mái trò chuyện rồi đi nghỉ sớm, khỏi chờ cửa. Con có đem theo chìa khoá.
Trước khi đi, Trần còn nghe giọng âu yếm của mẹ dặn với theo:
- Nhớ chạy xe cẩn thận nghe, Ti Tô.
Ông Chấn Nam nghe thế vội lườm:
- Em làm như con còn bé tí ti nên mỗi chút cứ lo sợ phập phồng, dặn dò điều này điều nọ. Nên nhớ Trần đã gần ba mươi rồi đấy.
Bà Chấn Nam cười hiền:
- Em biết. Nhưng trong mắt em, Ti Tô vẫn là cậu bé cần em che chở dặn dò.
Ông Chấn Nam ôm nhẹ eo bà vợ:
- Em đúng là người vợ, người mẹ tuyệt diệu nhất trên cõi đời này. Chắc kiếp trước anh tu ba đời nên mới có được em. nào lên phòng ta xem cải lương, anh mới mua được cuốn băng có giọng ca Lệ Thuỷ, Mỹ Châu mà em thích nhất đấy.
Cảm động trước mối quan tâm của chồng, bà Chấn Nam cười hạnh phúc.
- Cám ơn anh.
Ông Chấn Nam ngạc nhiên:
- Sao em lại cám ơn anh?
- Vì ba mươi năm trôi qua, anh đã mang hạnh phúc đến cho em.
Ông Chấn Nam cười nhẹ, trách yêu:
- Khờ quá. Hạnh phúc của em cũng là hạnh phúc của anh, của Ti Tô.
Nghe ông nói thế, bất chợt bà thở dài:
- Cảnh đầm ấm của gia đình mình khiến em chạnh lòng nhớ đến Ngọc Lệ. Phải chi bạn ấy cũng có cuộc sống như gia đình mình thì sướng biết bao.
Như lây nỗi buồn của vợ, ông Chấn Nam cũng thở dài:
- Mỗi người có một hoàn cảnh, một sốt phận thì làm sao giống nhau được hả em?
***
8.
Chiếc xe hơi đời mới lao nhanh dọc theo quốc lộ 1 dưới ánh nắng mặt trời ấm áp vào buổi sáng. Xe vượt qua hàng trăm cây số dài, hết đất bằng rồi lại vùng đồi núi, những thị trấn nhỏ giữa chốn đồng quê yên ả, những làng xóm trên các đỉnh đồi thật ngoạn mục... Thật bình thản, Nhu Phong ngồi thẳng người, hai tay đặt lên đùi, mắt mải mê nhìn ngoài khung cửa kính. Vẻ bình thản của cô chỉ là lớp vỏ bên ngoài chứ trong lòng cô cũng đánh lô tô ghê lắm, khi lần đầu tiên ngồi kề bên cạnh cô là một người đàn ông, anh ta gần đến nỗi cô nghe cả mùi đàn ông cùng mùi hương quí phái nhẹ nhàng quen thuộc. Đôi chân mày Nhu Phong khẽ châu lại.
- Gớm! Đàn ông gì mà... "xón xị" hơn cả phụ nữ. Tuy thầm nghĩ như vậy nhưng cô đã cảm thấy người đàn ông này đã quen thuộc cùng cô rồi. Nếu xa cách anh, chắc cô cũng buồn ghê lắm.
Ngồi im lặng mãi, Trần cảm thấy không khí ngột ngạt, anh định quay sang bắt chuyện cùng cô thư ký thì bất chợt anh cảm thấy cô gái quá gần gũi cùng anh. Gần đến nỗi làn da mặt mịn như sa tanh kia anh còn trông thấy rõ những đường gân li ti. Nửa gương mặt nhìn nghiêng của cô trông thật quyến rũ với đôi mắt tròn, lông mi cong vút như cánh bướm. Sống mũi thẳng, miệng nhỏ nhắn, cằm quả quyết, nhìn chung cô có vẻ gì vừa hấp dẫn, sống động với nét nữ tính đáng yêu vừa thông minh nhưng bướng bỉnh cao ngạo làm sao. Bất giác lòng Trần gợi lên niềm xúc cảm không thể diễn bằng lời được. Chẳng lẽ? Anh xoay đầu lắc mạnh như muốn tránh né một điều gì đó đang manh nha trong tận sâu thẳm của con tim và tâm hồn.
Cảm giác nhồn nhột như có người nhìn trộm khiến Nhu Phong quay người lại thì cô bắt gặp đôi mắt sáng rực nhìn cô đầy ấm áp. Tia mắt đó khiến Nhu Phong mất vài giây bối rối. Cố tự chủ cô nói:
- Chẳng lẽ ông đang tìm nét khác lạ trên gương mặt tôi chăng? Tôi nhớ mình vẫn là người bình thường có hai mắt, một mũi và một cái miệng cơ mà?
Bị Nhu Phong bắt gặp quả tang, khi thấy anh nhìn trộm cô đang ngồi suy tư, giám đốc Trần cười. Anh hỏi sang vấn đề khác chẳng liên quan gì câu hỏi của Nhu Phong.
- Thường ngày cô có hay ăn yaourt không? Mà mỗi lời cô thốt ra còn chua hơn giấm!
- Tôi nghĩ chắc lỗ tai ông lên men rồi nên mới nghĩ thế.
- Thôi dẹp chuyện tranh cãi này sang bên. Tôi muốn mời cô dùng cơm trưa. Đã mười một giờ rồi đấy.
Rồi giám đốc Trần nhìn thẳng lên phía trước nói với anh tài xế.
Chiếc xe chạy từ từ rồi ngừng hẳn trước một nhà hàng khá sang trọng. Mở cửa xe bước ra, giám đốc Trần nói:
- Anh theo tôi cùng Nhu Phong vào đây ăn trưa nhé?
Anh Tư tài xế vội lắc đầu:
- Cám ơn giám đốc. Tôi muốn mình ở lại đây dùng cơm, sẵn coi xe luôn thể. Giám đốc cùng cô Phong cứ tự nhiên.
Giám đốc Trần nhăn mặt nói:
- Vậy sao được! Anh cứ tìm chỗ đậu xe rồi theo tôi.
- Tôi không quen dùng cơm ở nhà hàng. Ông hãy để tôi ăn cơm tiệm, đừng nài ép tội cho tôi lắm.
- Thôi được rồi. Còn Nhu Phong, cô không nỡ từ chối lời mời của tôi chứ?
Khẽ cắn môi, Nhu Phong đáp:
- Tôi rất muốn mình được dùng cơm như anh Tư...
Giám đốc Trần kêu lên:
- Kìa, Nhu Phong...
- Thôi được. Tôi với ông dùng cơm ở quán vậy.
Trần cười tươi:
- Thế mới được chứ.
Rồi anh móc bóp lấy ra tờ năm chục ngàn đưa cho anh Tư tài xế.
- Nè, anh không dùng cơm cùng tôi cũng được, nhưng số tiền nhỏ này anh phải lấy để dùng cơm trưa. Nghe rõ đây, anh không được từ chối.
- Cám ơn giám đốc.
- Được rồi, ta vào đây thôi Nhu Phong.
Dù là buổi trưa nhưng khung cảnh khá yên tĩnh, nhiều người ngồi rải rác khắp nơi. Nhu Phong và giám đốc Trần chọn chiếc bàn được đặt cạnh bờ sông. Gió thổi lên mát rượi khiến con người trở nên thư thái, dễ chịu.
- Khung cảnh nơi đây đẹp thật, giám đốc Trần nhỉ?
- Cô định ngồi ngắm cảnh thay cho buổi cơm trưa sao, cô thư ký lãng mạn? Thực đơn đây, cô hãy chọn những món mình thích.
Vừa ngắm dòng sông có những đề lục bình trôi. Trần vừa trò chuyện với Nhu Phong, sau khi người bồi bàn đem lên món tráng miệng bằng những trái vải tươi. Đưa cho Nhu Phong chùm vải, anh hỏi:
- Nhu Phong, cô có thể cho tôi biết cảm nghĩ của cô thế nào về tôi, về công ty Phương Nam được không?
Giọng nói anh ta ngọt dịu dễ sợ. Nhu Phong nghĩ vậy liền lảng tránh câu trả lời bằng cách hỏi sang vấn đề khác:
- Sao tôi thấy những lần đi ký hợp đồng cùng ông mà không thấy có anh Mạnh,
trợ lý của ông theo?
- Nhu Phong, cô chưa trả lời câu hỏi của tôi.
Thấy không tránh được, Nhu Phong liền nói:
- Lời nói thật sẽ rất khó nghe, vì thế tôi không muốn ông phải nghe mấy lời ngớ ngẩn của tôi.
- Nói như cô thì quả thật tôi là người đáng sợ chứ gì?
- Nếu ông đáng sợ như ông nghĩ thì ông đã không có được những tay cộng sự đắc lực như anh Thắng trưởng phòng, anh Mạnh trợ lý, bác Trịnh phó giám đốc... Đó là những người trong ban... chưa kể những người vô danh như bác ba bảo vệ, anh Tư tài xế và hàng trăm công nhân trong phân xưởng đều hết lòng quý mến ông mà tôi thấy. Rõ ràng ông rất tốt với họ cho dù ông hay nổi nóng, la hét bất kể ai.
- Họ là những người gắn liền với Phương Nam quá lâu, nên có thói quen chịu đựng tính khí bất thường của tôi. Còn cô, cô là người mới đến, liệu cảm giác đầu tiên khi cô tiếp xúc với tôi đã cho cô ý niệm gì?
- Nếu không có những cơn nóng giận, thì hẳn nhiên ông là người đàn ông khá lý tưởng.
- Cái gì?
Nhu Phong nghe câu hỏi "Cái gì" của Trần liền giật mình, cô cũng nhận ra ngay sai lầm của mình là dám nói lên suy nghĩ trong đầu.
- Cô đã phân tích tôi một cách tách bạch đấy, Nhu Phong.
- Tôi... tôi... đã nói là... lời thật khó nghe mà, ông có chịu đâu. Ông cứ buộc tôi phải nói. Mà... mà không nói thì thôi... còn nói thì phải nói đúng sự thật.
Trần nhìn Nhu Phong. Qua sự lúng túng thông minh ở cô, anh liền nhận ra cô chưa hề biết cách nói xã giao để được lòng người nghe. Kể ra đó cũng là ưu điểm và cũng sẽ là khuyết điểm cho cô sau này. Thiên hạ thường khen sự thật nhưng rồi họ sẽ khó chịu khi nghe nói về khuyết điểm bản thân, và cũng chẳng mấy ai chấp nhận lời phê bình ngoài lời khen tặng giả dối.
Trần nhìn hoài Nhu Phong. Ngoài sự lúng túng ra, anh không bắt gặp được bất cứ điều gì nữa. Vậy có nghĩa là cô không ý thức được lời nhận xét thẳng thắn vừa rồi của cô gây ra hậu quả gì. Đúng là cô quá trẻ con.
- Nhu Phong, cô bao nhiêu tuổi?
Một câu hỏi không ăn nhập vào đâu, nhưng Nhu Phong cũng không cho đó là lạ.
Cô tự nhiên đáp lời.
- Tôi hai mươi ba tuổi.
- Người ta chưa được coi là trưởng thành ở tuổi hai mươi ba.
- Sự trưởng thành không do số tuổi quyết định mà do cách nhìn nhận cuộc sống như thế nào.
-!
- Mẹ tôi dạy tôi như thế.
- Cô còn mẹ ư?
- Điều đó ông hỏi làm gì? Nó chẳng có liên quan chút nào vào câu chuyện chúng ta.
Trần chợt cáu kỉnh khi nghe giọng điệu kẻ cả của cô thư ký. Đây là lần thứ hai cô giở giọng nói đó ra với anh. Không kìm được, Trần nổi khùng lên:
- Cô chẳng là cái gì đáng để được tôi quan tâm. Cô tưởng mình là ai cơ chứ.
Hãy nhìn lại mình rồi lên giọng xách mé với tôi.
Dứt lời Trần hùng hổ đứng lên đi về phí quầy tính tiền. Thảy cho người thu ngân mấy tờ năm mươi ngàn, anh gấp rút bước đi trước cặp mắt vừa ngơ ngác vừa tức giận của Nhu Phong.
Nhất định lần này về thành phố cô sẽ xin thôi việc. Chẳng thà đói khổ cô cạp đất mà ăn chẳng thèm đầu luỵ ông ta. Đúng là đồ hắc ám.
***
ánh nắng chiều nhạt dần, Nhu Phong nhìn những đợt sóng ập vào mấy tảng đá lớn bắn tung toé trắng xoá một màu. Cô ra biển chỉ duy nhất bởi cái thú ngắm biển, trời, mây, nước... chứ không phải để tắm như muôn ngàn người khác. Những ngày còn bé, biển cả là một nỗi đam mê và quyến rũ cô. Trong đầu óc tưởng tượng đầy lãng mạn của Nhu Phong thuở ấy, ngoài những sinh vật và thảo mộc dưới nước, biển còn là nơi cư trú của những nàng tiên cá huyền bí được thêu dệt từ những truyền thuyết đẹp. Theo thời gian, cái lãng mạn không thực ấy đã chuyển dần vào những tồn tại sống động mà Nhu Phong cảm nhận được. Đó là nỗi thú vị khi ngồi trên bãi cát mịn, nhìn mặt trời xanh bao la trong buổi bình minh ló dạng và mặt trời như một quả cầu đỏ chiếu những tia sáng rực rỡ từ từ nhô lên sau mấy hòn đảo. Đó cũng là nỗi ham thích kỳ lạ khi thả đôi chân trần trên mép nước chờ những con sóng ập vào bờ để rồi buông thả cho cái cảm giác bị rút dần theo cát ra biển.
Cảm thấy mỏi chân, Nhu Phong vội trèo lên tảng đá ngồi xuống. Cho tay vào túi áo, cô móc ra những viên ô mai tròn xinh xắn. Món của nhóm "Ngũ Long" thường ưa thích.
Nhu Phong bóc lớp giấy bọc rồi cho cả viên ô mai vào miệng. Ba vị chua của mẹ, cay của gừng, ngọt của cam thảo khiến Nhu Phong thích thú. Mặt trời đã chìm khuất sau làn nước xanh và trên trời rực lên màu đỏ hồng. Ôi, thiên nhiên sao mà đẹp thế. Màu đỏ hồng chuyển dần sang màu tím nhạt và mặt biển càng lúc càng xanh thắm. Khi chân trời cùng màu với mặt biển là lúc bóng tối vừa sụp xuống. Đêm xuống thật nhanh cùng lúc với sương giá và những ngọn gió từ ngoài khơi thổi vào khiến Nhu Phong rùng mình. Nhưng cô vẫn bó gối ngồi yên như muốn thi gan cùng cái lạnh. Và chưa bao giờ cô cảm thấy mình cô đơn lạc lõng như thế này.
ước gì giờ đây vẫn còn anh hai Rong Biển như thuở nào. Để mặc tình cho cô kể lể tâm sự, trút cả những giận hờn vào người anh. Còn anh như một người anh trai sẽ cho cô những lời khuyên hữu lý. Mặc dù Nhu Phong biết ngày hôm qua khác ngày hôm nay, khác ngày mai, nhưng cô vẫn muốn quay ngược lại thời gian để trở lại hạnh phúc vui vẻ của ngày nào khi có anh bên cạnh.
Gió biển về khuya càng mang hơi lạnh đến buốt da rát thịt.
Trở về khách sạn thôi. Không chừng giám đốc Trần đang cho người tìm kiếm cô.
Nhu Phong đứng lên. Cảm giác lạnh buốt chạy dọc xương sống. Dưới ánh sáng chập choạng, một bóng đen ngồi đó tự bao giờ với điếu thuốc loé sáng trên tay. Nhu Phong bối rối:
Không nên để hắn ta biết sự có mặt của mình. Đêm vắng, cách xa đường chính, nào ai dám đoán trước chuyện gì sẽ xảy ra.
Nhu Phong thận trọng từng bước, từng bước nhẹ. Nhưng sự cố gắng của cô đã trở lên vô ích, khi Nhu Phong nhích chân qua gò đá bên trái, một viên sỏi lớn từ trên cao rơi đánh tỏm xuống nước.
Nhu Phong hết hồn, hụp đầu xuống thật nhanh. Một giọng nói ồm ồm cất lên tan mau trong sóng biển rì rào:
- Tôi không làm gì đâu, cứ tự nhiên mà đi.
Biết chẳng trốn nơi nào được, Nhu Phong đành đứng lên.
Người đàn ông tiếp lời bằng giọng giễu cợt.
- Nhát gan thế lại dám ngồi thi gan cùng cái lạnh cho đến tận khuya. Nhỡ không phải là tôi mà là người đàn ông khác thì sao? Hoang vắng với người con gái đẹp... Mai mốt đừng mơ mộng điên rồ kiểu đó nữa nhé.
Nhu Phong nóng mặt:
- Ông có biết là mình vô duyên lắm không? Hình như ông thuộc loại người rỗi công rỗi nghề thích xen vào chuyện người khác một cách khiếm nhã như vậy.
Đôi mắt người đàn ông dừng lại thật lâu nơi gương mặt mờ ảo liêu trai huyền hoặc của Nhu Phong. Xong anh phóng thật nhanh qua gộp đá nắm chặt lấy tay cô ngao ngán.
- Lúc nào cũng đanh đá, chua ngoa em mới vừa lòng sao, Nhu Phong?
Đau điếng vì bàn tay "sắt thép" của gã đàn ông, Nhu Phong sửng mày lên định mắng gã một trận nên thân nhưng âm thanh quen thuộc của giọng nói khiến Nhu Phong đứng ngây người ra thảng thốt:
- Giám đốc.
Cho tay vào túi quần với dáng ung dung quí phái, Trần khẽ lắc đầu ra chiều tiếc rẻ:
- Thì ra Nhu Phong chỉ là một chú hổ giấy.
Nhu Phong đỏ mặt lầm bầm:
- Ông hay lắm, ông có cách để làm người khác phải xấu hổ, lẫn khó chịu, ông hài lòng chứ? Trần nở nụ cười khó hiểu:
- Chưa đâu, cô thư ký xinh đẹp của tôi ạ. Bởi vì cô là một cô gái khá đặc biệt mà tôi có bổn phận phải khám phá.
Nhu Phong lườm mắt:
- Giám đốc không đùa hả?
Trần dịu dàng hơn bao giờ hết:
- Cô không giống bất kỳ người con gái nào khác tôi đã gặp.
Nhu Phong ngẩn người ra:
- Tôi thật không hiểu ý giám đốc muốn nói.
Nhu Phong ngập ngừng pha lẫn bối rối vì cái nhìn là lạ của ông giám đốc có tiếng nghiêm khắc. Ngẫm nghĩ một chút Trần nói tiếp:
- Chẳng người phụ nữ nào không thích ngồi mát hưởng nhàn, sợ nắng, e gió, ngại mưa nhát mù sương. Riêng cô thì...
Trần nói nhỏ:
- Cô quá đơn giản, áo pull quần Jean bạc thếch, môi không son, má không phấn đi đứng ngổ ngáo, gương mặt lạnh như tiền lúc nào cũng sẵn sàng gây chiến chẳng biết sợ ai, nếu không có mái tóc dài óng ả, nói thật, tôi chẳng biết cô là nam hay là nữ nữa.
Nhu Phong ngớ người, cô thở khì:
- Ôi! Không ngờ tôi có nhiều khuyết điểm đến vậy, nhưng biết làm sao bây giờ, từ ngày tôi rời xa gia đình... mà thôi, nhắc mãi chỉ thêm buồn.
Đưa tay chỉ một ngôi sao thật xa mờ, Nhu Phong ngậm ngùi:
- Nó là của tôi đó, cô đơn, chìm ngấm không chừng biến mất một ngày nào đó không xa cũng nên.
Dáng co ro, vẻ buồn sâu lắng thăng trầm ở cô gây sự xúc động không ít trong lòng Trần. Anh lặng người chăm chú nhìn cô. Anh đã quá hời hợt khi nhận xét một người giữa biển trời bao la rộng lớn. Nhu Phong tựa như chiếc thuyền nan trôi nổi bềnh bồng trơ trọi lẻ loi đến lạ lùng. Anh tự nhủ:
Cô ấy còn trẻ lại có năng lực nhưng việc gì đã khiến cô mất đi vẻ hồn nhiên và sức sống, vùi mình vào nỗi riêng tư u buồn? Tình yêu ư? Chưa lần nào ta bắt gặp cô ấy có bạn trai. Công việc ư? Cô ấy vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ với sự nhiệt tình. Hay cuộc sống? Chịu thôi, Trần chẳng làm sao hiểu nổi. Tuy nhiên anh cũng là người mang nhiều tâm sự nên cũng dễ thông cảm với cô hơn. Nghĩ thế nên Trần trầm giọng nói:
- Đừng nên ví mình với một cái gì cả. Vì như thế là tự thú nhận sự bất lực, bi quan của mình. Cần phải có niềm tin yêu của cuộc sống dù cuộc sống chưa lần nào ưu đãi ta. Bản thân Nhu Phong buồn, đời tôi chẳng vui vẻ thảnh thơi gì. Ai cũng có nỗi niềm riêng mà không tiện nói thành lời. Cho dù đó là người quá thân thuộc gần gũi với ta đi chăng nữa.
Tiếng Trần tan nhanh trong sóng biển rập rờn, và đọng lại trong Nhu Phong niềm xúc cảm diệu kỳ. Từ ngày rời xa gia đình, lòng Nhu Phòng tràn ngập nỗi buồn chán nản lo âu. Không biết mẹ cô hiện sống thế nào? Sự ra đi của cô có là nguyên nhân khiến cha cô lấy làm cái cớ để dằn vặt mẹ cô không? Nhu Phong biết những đôi vợ chồng khác, họ hạnh phúc vì lấy nhau do tình yêu đơm bông kết trái với nhau tạo thành. Còn cha mẹ cô gắn liền cuộc đời nhau qua phong kiến lễ giáo với câu "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" mà tạo thảm kịch như ngày nay. Gần hai mươi lăm năm chung sống cùng cha cô, mẹ cô có ngày nào được nở nụ cười trọn vẹn, được hưởng sự chăm sóc thương yêu do người chồng đem lại. Hoàn toàn không. Cha cô, một người thành đạt quen sống trong tôn ti lễ giáo với quan niệm "chồng chúa vợ tôi" nên chẳng cho mẹ cô chút quyền hạn nào trong gia đình, ngoài danh xưng bà Công Đạt, một mệnh phụ xinh đẹp giàu sang ngự trên đống ngàn vàng. Nhưng thực chất chỉ là con búp bê, được người cho vào tủ kính trang bị cho thật nhiều vòng vàng. Nhìn sự kiện chung quanh mà chẳng hề có phút phản ứng nào đến nỗi hạnh phúc của cuộc đời con gái yêu, bà cũng không được quyền can thiệp chở che, để đến nỗi cô chọn giải pháp bỏ nhà ra đi, tự đấu tranh giành hạnh phúc cuộc đời cho bản thân. Nhu Phong không tin cuộc đời mình sẽ bị ràng buộc vào số phận nghiệt ngã như mẹ cô. Vì thế cô luôn thầm nhủ với mình "hạnh phúc là đấu tranh" một câu danh ngôn của Mác dạy cho cô con gái yêu, mà có lần cô đã đọc qua rồi khắc sâu vào tâm khảm cho đó là chân lý sống của mình. Mặc dù cô biết đấu tranh thì xảy ra mất mát đau thương nhưng cô vẫn một lòng chấp nhận và kiêu hãnh giấu kín nỗi buồn đau... Nhưng giờ đây trên bãi biển vắng, cạnh một người đàn ông chưa lần thân mật, Nhu Phong lại muốn kể lể một điều gì đó rất thật lòng hầu vơi nhẹ tâm tư.
Nhìn đăm đăm vào màn đem nhạt nhoà, Nhu Phong nghẹn ngào.
- Giám đốc Trần là người hạnh phúc, sinh ra và lớn lên trong một gia đình bề thế, lớn lên tự chủ được tương lai. Làm sao mà hiểu được rằng đời người có mênh mông là bể khổ. Tôi là người con gái cũng từng sống trong chăn ấm nệm êm, gia đình tuy không được hạnh phúc cho lắm nhưng cũng có đầy đủ cha mẹ thương yêu, mẹ tôi là người đàn bà dịu dàng, xinh đẹp, suốt cuộc đời chỉ biết có chồng con. Thế mà cha tôi, một người đàn ông độc quyền độc đoán sống theo ý nghĩ, lý trí của mình, bác bỏ ý kiến xung quanh. Đành lòng ép buộc con gái duy nhất của mình lấy một người đàn ông không hề quen biết. Thời đại này là thời đại gì mà còn quan niệm "áo mặc không qua khỏi đầu". Tôi là người con gái yếu đuối, nhưng cũng quyết chống đối số phận. Nên đành chọn giải pháp bỏ nhà ra đi cam chịu mang tiếng làm đứa con bất hiếu bị ngàn đời chê cười vậy. Nhưng ông hãy hiểu cho "hạnh phúc là đấu tranh" chứ không phải tự nhiên mà có.
Nghe cô nói đến đoạn này, giám đốc Trần giật mình, chẳng lẽ nào đây là cô vợ hờ của anh đây sao? Chứ trên đời này làm gì có sự trùng lập ngẫu nhiên đến như vậy. Thôi đúng rồi, người đàn ông mà cô bé kể thì đúng là bác Công Đạt còn người đàn bà kia không ai khác hơn là bác giá. Ôi Ti Ti, cô vợ hờ của anh đây rồi. Cô ta cũng đáng yêu quá nhỉ. Nhưng lại mang cái tội quá lì, quá bướng. Thế nào cuộc đời anh sẽ bị khổ dài dài vì cô ta mà thôi. Nói chi đâu xa, hiện giờ chưa là vợ anh mà cô đã muốn lấn lướt anh rồi.
Thấy Trần ngồi trầm ngâm, lo lắng Nhu Phong hỏi:
- Ông có coi khinh tôi không, một người con gái mà dám làm liều bỏ nhà ra đi, dám chống đối cha mẹ.
- Nhu Phong nói "hạnh phúc là đấu tranh" thì còn lo sợ gì nữa. Hãy yên tâm đi, tôi là giám đốc thì lúc nào cũng ủng hộ cô thư ký tài giỏi của mình hết lòng cả.
Lần đầu tiên Nhu Phong cảm thấy người nhẹ nhõm, thoải mái hẳn đi khi có người mà cô những tưởng rằng rất ghét cô thì trái lại, lại ủng hộ cô hết lòng. Thế thì anh ta cũng không đáng ghét như cô vẫn nghĩ.
Bức tường thành mà Nhu Phong rào chắn với Trần đã bị sụp đổ kể từ đêm nay qua sự cảm thông của anh.