Hạnh phúc đầy gùi Chương 1
Chương 1 NHÀ SÁCH
Đọc cọp ở nhà sách là một thú vui tao nhã của dân rãnh rỗi yêu văn chương sở hữu ví tiền lép xẹp, như cô nàng mặc áo sơ mi quần đùi jean đang nghiêng đầu tăm tia cuốn “Cô nàng xui xẻo” bìa vẽ couple teen lãng mạn và dễ thương. Anh chàng đứng gần đó tay cầm cuốn “Truyện cổ tích thế giới chọn lọc”, mắt không nhìn vào sách mà nhìn về phía cô gái. Tầng sách chỉ có hai người, cô đứng đọc, anh đứng nhìn cô công khai. Bất ngờ cô gái quay đầu, bắt gặp ánh mắt và nụ cười như tỏa nắng của chàng trai, mắt híp lại, giọng nói rít qua kẽ răng:
“Ông-kia, ai-cho-ông-theo-dõi-tui?”
“Bà già, lâu rồi không gặp, tui thấy hình như là căn bệnh hoang tưởng của bà càng ngày càng nặng”.
Minh Anh trả lời, tỏ vẻ khá bình tĩnh khi ánh mắt như hình viên đạn của My đang bắn về phía mình với độ sát thương khá cao. Dẫu biết anh đang chọc phải bà chằn lửa, rất có nguy cơ bị đá đạp giữa thanh thiên bạch nhật nhưng vẫn khoái chọc cô bạn tính khí thất thường, ương bướng và dữ dằn này. Nhìn cái bĩu môi dài tám thước là đủ biết cô nàng đang ức chế với những câu châm chọc châm ngòi cho chiến tranh của anh.
My liếc Minh Anh một cái sắc như dao cạo râu Gillette Sensor Excel rồi quay ngoắt lại, kiểu “lơ đi cho đất nó lành”. Giờ mà nhặng xị cả lên thì chỉ có thể làm nền cho tên này vịn vào từng câu của cô mà bắt bẻ. Ừ thì tui không giỏi hùng biện, ừ thì tui không thông minh bằng ông, ừ thì tui không học truyền thông, cho nên tui nhịn ông đấy. Cái thói nhìn xuống chẳng ai bằng mình của ông tui rành quá mà.
“Bà mãn teen lâu rồi mà vẫn còn đọc quyển này á? Hay định cưa sừng làm nghé?”. Minh Anh tới đứng ngay bên cạnh My cười hỏi một câu “dễ đấm”. My hít vào một cái thật sâu nhìn giống như “cô cô vận nội công” nhưng thực ra là đang hít oxi cho căng tràn lồng ngực rồi giải phóng vi rút tức giận ra ngoài cùng với khí cacbonic.
“Sao phải căng thẳng và dồn nén như vậy?”. Thấy My không lên tiếng, Minh Anh khoanh tay dựa người vào giá sách tiếp tục khiêu khích, địch lùi thì ta tiến. “Trên mạng hổ báo giương nanh múa vuốt, mắng chửi tui ghê lắm mà sao khi gặp tui trực diện lại im ru bà rù?”
“…”. Hít vào, thở ra.
“Hay bị bồ đá rồi thay tâm đổi tính?”.
“Có-ông-bị-bồ-đá-á!”. My sừng sỏ, không thể tiếp tục vận nội công được nữa. “Đàn ông con trai gì mà nhiều chuyện, lắm mồm, nanh nọc như đàn bà. Bộ ông hết chuyện làm rồi hay sao mà trù ẻo người ta bị bồ đá. Nói cho ông biết héng, tui và anh Vinh đang rất rất hạnh phúc. Ông có ghen tị với hạnh phúc của tụi tui thì về nhà đóng cửa mà tự kỷ”.
Nói xong, đạp một phát vào ống chân Minh Anh rồi cầm quyển sách đùng đùng bỏ đi. Nhìn cái bản mặt nghênh nghênh là đã thấy ghét rồi.
Minh Anh co chân lên, há miệng “ a a a” mấy tiếng, nhăn trán nhíu mày. Bà này toàn chơi trò bạo lực nên tay chân đều có thể động thủ tung đòn.
Quay đầu nhìn My hậm hực bước xuống mấy bậc thang cuốn, anh phì cười rồi đi tới đó.
My lạng qua khu vực văn phòng phẩm dưới tầng trệt. Những cuốn “note book” to hơn lòng bàn tay một xí có bìa là mấy chú gấu Teddy hoặc heo Boo dễ thương cực. Cô cầm một quyển lên đọc hàng chữ in bé tí.
Love is a telephone which is always busy, When you are ready to die for love, you only find, to your disappointment, the line is already occupied by someone else, and you are greeted only by a busy line. This is an eternal regret handed down from generation to generation and you are only one of those who languish for followers.
“Tình yêu là một chiếc điện thoại luôn báo bận…”
Không biết Minh Anh đã đứng bên cạnh cô từ lúc nào, cầm quyển note book giống quyển của cô thấp giọng dịch mấy dòng đó sang tiếng Việt.
“… Khi bạn sẵn sàng chết cho tình yêu, bạn chỉ tìm thấy sự thất vọng của bản thân, đầu dây bị chiếm giữ bởi người khác và bạn được chào đón bằng đầu dây báo bận… Đây là sự nuối tiếc được truyền từ đời này sang đời khác và bạn chỉ là một trong những người…mòn mỏi đợi chờ người dõi theo…”
Anh chàng dịch xong, quay sang nhìn My cười một cái. Cô lẩm bẩm:
“Dịch giống google translate như ông ai mà chẳng dịch được”.
“Hì! Vừa đọc vừa dịch mà bà đòi dịch sao nữa. Bà ngon thì bà dịch đi”.
“Tình yêu là một chiếc điện thoại luôn bận rộn…”. My lẩm nhẩm đọc, nghiêng đầu ngẫm nghĩ. “Bạn chỉ tìm thấy sự thất vọng khi máy báo bận…”. Hiểu chết liền.
“Bà già, muốn ăn sinh tố không?”. Minh Anh chợt hỏi, cắt đứt dòng suy nghĩ của My.
“Ăn. Ông bao hả?”
“Không. Giờ hai đứa mình qua quán sinh tố giải khát của nội tui phụ nội làm sinh tố, chạy bàn thế nào cũng được ăn free”.
“Có thiệt là tới phụ hông đó. Nghi ông qua đó ngồi chơi không rồi ăn hết trái cây của nội ông thì có”.
“Bà bớt giỡn. Tui đâu có ham ăn như bà”.
“Xì”. My bĩu môi. “Mà nội ông bán sinh tố ở đâu vậy? Sao tui hổng nghe ông nói”.
“Đường Lê Hồng Phong, khúc gần chợ. Bà có bao giờ hỏi nội tui làm gì đâu mà tui nói”.
Minh Anh rút quyển sách cùng cuốn note book trên tay My.
“Không mua gì nữa đúng không? Để tui trả tiền cho, chút qua phụ nội tui nhiệt tình trừ ra, ok?”
“Ok. He he”.
My cười tít mắt. Đang túng do tiền tiêu vặt má cho tiêu thụ hết vô hàng bánh trái của bà Tư gần nhà, chẳng còn mấy lăm đồng. Công nhận “sức mua” và “sức ăn” của cô khủng thật.
Lon ton đi theo Minh Anh tới quầy thu ngân, anh chàng tính tiền ba món rồi đưa cho cô hai món. Thấy anh cũng mua quyển note book cute giống mình, My định hỏi “mua làm gì?” do quyển này con gái thích dùng để ghi lịch trình, thời gian biểu hoặc mấy thứ linh tinh chứ con trai thì dùng vào việc gì. Chợt nghĩ, à quên, có thể là mua tặng cho bồ. Nếu My được tặng mấy thứ dạng thế này cô sẽ không thích cho lắm. Tặng cái gì ăn được mới khoái.
***
Hóa ra quán Sinh tố giải khát của nội Minh Anh vô hoài mà My không biết. Sau khi dựng xe trên vỉa hè, Minh Anh lăn xăn phụ bà kéo tấm bạt che nắng đằng trước, căng dù, xếp xe. My đứng gọt sambuchê dòm ra cười nói với bà Sáu.
“Con hổng ngờ bà Sáu là bà nội của Minh Anh. Hồi mấy lần còn ghé ăn sinh tố thấy quán đông mà có mình bà Sáu. Sao hông thuê thêm người vậy bà?”
“Cũng nhờ con mấy bữa đó phụ chớ bà làm có kịp đâu, luôn chân luôn tay suốt. Buôn bán lúc rày lúc khác à con. Tới tháng mưa dầm, quán ế chẳng có ai tới ăn sinh tố. Bữa nay có con Út nó phụ”.
“Dạ!”
Minh Anh vào trong quán đứng, nhón tay bốc miếng Sambuche. My nạt.
“Để nội bán, ông”.
“Tui có ăn hết nội cũng không nói gì. Nội thương con nhứt phải không nội?”.
“Cha mày”. Bà Sáu bật cười.
My nhìn hai bà cháu Minh Anh cười đùa mà thấy lòng ấm áp lây. Nhớ hồi bé thỉnh thoảng đạp xe xuống nhà ngoại lăn xăn lít xít phụ ông ngoại trồng rau làm rò. Ông ngoại cũng thường bảo “trong mấy đứa cháu ông thương My nhất”. Nhà ngoại sát trường cấp một, mỗi khi tới lễ phát thưởng, ông ngoại thường kéo ghế ngồi trước nhà chờ thầy cô hô tên My lên nhận giải thưởng học sinh giỏi. My hồi bé ham chơi, nhận thưởng xong là ù chạy đi ăn quà vặt với mấy con bạn, trong khi nhà ngoại ngay sát bên đi có mấy bước chân. Sau này khi ông mất rồi, mỗi lần nhớ lại nước mắt cứ trào cả ra. Giá mà hồi đó bớt ham chơi, xuống chơi với ông ngoại thường xuyên hơn vì ông ở nhà có một mình.
“Bà già, sao mắt bà đỏ hoe vậy?”. Minh Anh quay sang hỏi.
My giật mình rồi trả lời.
“Bụi bay vào mắt đó. Con vô nhà vệ sinh chút nha bà Sáu”.
“Ừ, con đi đi. Nhà vệ sinh ở trỏng đó”.
My đặt dao xuống rồi đi ra sau nhà. Minh Anh nhìn theo, nghĩ bụng. Tại sao bà già lại khóc?
Cô Út lao vào quán như gió, chạy huỳnh huỵch lên gác. Bà Sáu lau vội mấy cái bàn rồi nói với Minh Anh:
“Coi quán nghen Bo. Nội lên gác chút”.
“Dạ”. Minh Anh đang ngồi ngáp ruồi, trả lời.
Bà Sáu chỉ vào hai ly sinh tố mới làm.
“Hai đứa bỏ đường rồi dằm ăn nghen”.
“Dạ, con biết rồi nội”.
My ra, ngồi xuống ghế, tóc mái ươn ướt. Minh Anh đẩy ly sinh tố về phía cô, nghiêm túc hỏi:
“Sao nãy bà khóc?”
“Gì nữa. Tui có khóc đâu”.
My chống chế. Tự nhiên thấy quê quê.
“Bụi bay vào mắt mà…”
“Bà…”
Choang! Hình như đó là tiếng ly vỡ.
***