Dường như em đã yêu_Chương 01

Dường Như Em Đã Yêu- chương 01.

Phạm Thu Hiền.

 

"Khuôn viên bệnh viện với ánh đèn chiếu sáng, vẫn còn luẩn quất những lùm tối đen mực. Như chính những hi vọng bị rình rập, như cuộc sống bình yên của con người bị lung lay bởi hàng trăm mối đe dọa. Cuộc sống không cần sang giàu. Cuộc sống chỉ cần yêu thương và bình lặng nhưng hóa ra nó lại là điều cao xa đến thế. Số phận hay định mệnh, bão tố đến bất ngờ để rồi không như người ta tưởng."

Lững thững bước theo dọc dãy hành lang khoa Ngoại tổng hợp của Bệnh viện Q nằm trong thành phố nhỏ này. Một nơi đã từng rất quen thuộc vậy mà giờ đây với cô nàng mang tên Nguyên Hạ sao trở nên xa lạ quá.

Nếu như trong quãng thời gian trước đi thực tập ở bệnh viện này, trong cương vị là một Bác sĩ y3 thực tập, với Hạ bệnh viện như mái trường thứ 2 của mình. Nghề Y đòi hỏi cao về lí thuyết, và lâm sàng cho đến hướng chẩn đoán, điều trị rồi đúc rút kinh nghiệm. Thế nên, bệnh viện trở thành môi trường lí tưởng của sinh viên trường Y. Nàng được tiếp xúc, làm quen với sức nặng đặc thù của nghề nghiệp. Có điều kiện cọ xát, học cách giao tiếp, ứng xử. Hạ hiểu Y học rất cần sự linh hoạt, nhạy bén, nhìn nhận và tiếp thu. Và hơn hết còn cần phải có một tấm lòng.

Tạo nên hành trang của người Bác sĩ tương lai là những ngày lăn lội nơi bệnh viện, khám và học. Những buổi chiều lên trường nghe thầy cô giáo giảng bài lí thuyết, hay những đêm trực thức trắng cho đôi mắt thâm quầng đến mỏi mệt. Bệnh viện, bệnh nhân đã nhiều lúc ùa vào giấc mơ của Nàng. Đày đọa, Ám ảnh, và đôi khi còn là cả sự day dứt khi chính nàng bất lực trước sự ra đi của những mảnh đời.

Thời gian eo hẹp, dung lượng kiến thức, thi cử căng thẳng, những khi vậy Nàng đã rất mệt mỏi. Đã có lúc muốn bỏ cuộc vì stress nặng. Điều này không phải chỉ xảy đến với mình Hạ. Tính ra ở cái trường Đại Học Y này, sự thật thì không ít những người lâm vào chứng trầm cảm. Sự gắng gượng khi không thể trụ vững, vài con người đi tìm về “lối thoát”, một số phải tạm ngừng học tập để ghi tên mình vào “sổ lưu tên bệnh nhân”  trong bệnh viên tâm thần.

Biết bao lần, nàng luôn tự nhủ ”phải cố gắng “, vì tương lai và cũng vì như “Đâm lao phải theo lao” vậy. Dù được phép quay trở lại, thì bến bờ kia cũng đã mịt mờ quá.

 

****************

 

_“Sau này con muốn trở thành gì?”.

_”Con thưa cô, con muốn trở thành Bác sĩ ạ”. Có tiếng trong veo của cô bé chừng 5, 6 tuổi với nét mặt ngây thơ và đôi mắt rạo rực đưa nhìn cô giáo của nó với tất cả sự mong chờ.

_” À, tuyệt quá! Vậy chắc bạn Hạ của chúng ta sẽ không sợ bị tiêm đâu nhỉ?”.

Đôi mắt con bé cụp xuống, giọng lí nhí trong cổ họng ngắt quãng.

_” Con thưa cô, con …. cũng sợ tiêm lắm ạ!” cái lí lẽ ngây ngô của một con bé sợ tiêm, cứ thích được làm bác sĩ. Chỉ đơn giản vì có thể chữa bệnh cho mọi người.

Hạ nhớ lại chút kỉ niệm ngày thơ, nàng đã thật chẳng khác nào một bà cụ non với suy nghĩ của mình:

_” Mẹ ơi, Hạ của mẹ là bác sĩ đó, mẹ đau ở đâu mẹ nói Hạ để Hạ khám cho mẹ nhé!.” Mẹ cười hiền rồi xoa đầu con bé:

_ ừ, Hạ của mẹ giỏi lắm. Vậy Hạ hứa phải chăm ngoan và học giỏi nghe chưa!”

Thoáng chốc thời gian đưa qua như con gió thoảng, mười mấy năm trôi đi nhìn lại như cái chớp mắt nhẹ nhàng.

 

*******************

Giờ nàng đã là cô thiếu nữ tuổi 20 xinh đẹp. Và trở thành cô sinh viên trường y như trong giấc mơ của ngày còn thơ bé. Vậy mà khi bước vào thực tập, nàng đã hoa mắt lên vì sợ máu, run lẩy bẩy vì nhìn thấy những vết thương sâu, có lúc tưởng như huyết áp tụt đến chóng mặt chỉ vì không chịu nổi những gì nàng nhìn thấy. Cô gái nhạy cảm trong Hạ kia đã khóc khi những bệnh nhân không thể trụ nổi sự sống qua cơn suy tim nặng nề, cơn khó thở ác nghiệt, hay những cơn co giật mà người ta cứng đơ tay chân vì cơ tăng trương lực, miệng cắn chặt, răng lét két nghiến lấy nhau rồi có thể cắn phải lưỡi bất cứ khi nào.

Như phút yếu lòng tình cảm đến tự nhiên như mặt trời. Và rồi lại trôi đi lặng lẽ, ám ảnh trong tâm hồn, cho đến khi đày đọa từng hơi thở.  Sợ sệt và căm ghét bệnh tật, Hạ rất mong trở thành Bác sĩ giỏi. Dẫu biết rằng học tập chăm chỉ để có năng lực tốt là điều quan trọng, nhưng nhiều khi mọi trường hợp còn phụ thuộc cả vào sự may rủi của lẽ tự nhiên.

Xúc cảm trong Hạ là cái nhìn thương cảm của lòng người. Và giờ đây, khi bản thân nàng phải trực tiếp đối mặt với chính nỗi đau ấy trong cơ thể của người cha ruột thịt, dường như nó còn đau hơn gấp trăm ngàn lần, thương xót triệu lần hơn thế. Đã có lúc Tự hỏi lòng mình, nàng trách cứ:

“Phải chăng ông trời đang muốn thử thách nàng, muốn nàng thấy, để nàng thấu hơn, sâu sắc hơn nỗi đau bệnh tật trong những cương vị khác nhau sao?”.

Số phận dường như luôn muốn giễu cợt con người.

 

****************

 

Bệnh viện, y bác sĩ, những hành lang dài, vài hàng ghế đợi, bệnh tật và cả ông Nhã cứ guồng quay như lốc bão trong tâm trí mộng mị. Tất cả cứ nhạt nhòa ngay trước mắt. Dưới ánh điện yếu ớt những tia sáng hắt lên trên khuôn mặt phân chia quầng sáng tối, như chính tia hi vọng và những sụp đổ trong tinh thần. Khuôn mặt đờ đẫn, nước mắt phủ dâng đầy. Nước mắt là điều mà nàng có thể làm trong sự thật tàn nhẫn ấy. Tiếng nấc nhẹ thay cho sự gào khóc đến thảm thiết. Nàng đau lắm, trái tim nàng giờ đây thương tổn lắm. Lặng lẽ gặm nhấm đau thương không chỉ của mình nàng mà còn của mẹ, của em trai và còn của cả Bố nàng.

Gió ngoài kia lạnh lùng như chính trái tim nàng tan nát. Tâm hồn bị cào xé, nỗi lòng nàng trở nên ngờ vực và nghi hoặc. Nàng thực sự không thể tin tất cả những điều này đang xảy đến với gia đình nàng.

Chỉ vài tiếng trước đây, thông báo từ Bác sĩ điều trị trực tiếp của ông Nhã đã xé tan lòng mẹ nàng, buốt lạnh lên khuôn mặt Bác Cả, chú út và tê tái nỗi lòng đứa con gái yếu đuối.

Như sét đánh ngang tai, như bầu trời đêm có tiếng gầm mạnh mà phá tan cái tĩnh lặng. Nó đã đánh dấu cả một bước ngoặt không phải của một đời con người mà còn là cho những số phận.

*******************

Trở về nhà trọ sau giờ học lí thuyết trên trường. Lúc này đồng hồ đã điểm 4h15 p.m. Hạ vội vàng quẳng vội chiếc cặp sách lên bàn học rồi phóng xe như bay ra chợ. Khu chợ sinh viên nằm ngay trên trục đường chính thuộc khu dân cư gần cạnh trường Y nàng theo học. Nói là chợ sinh viên nhưng giá cả cũng chẳng hề rẻ, nhiều khi mấy Bà hàng chợ đưa giá lên gần như cắt cổ. Cái tên “chợ sinh viên”  làm nàng thấy tủi cho tụi sinh viên sống xa nhà như mình. Chưa hết tháng đã hết tiền vì những chi phí sinh hoạt ngất ngưởng. Mức sống ở nơi phồn hoa đô thị khiến lũ sinh viên chao đảo, túng quẫn.

Tụi sinh viên xóm trọ Hạ ở, mọi người hài hước đặt cho khu chợ này cái tên “Chợ bóp” như chính bản chất của nó, ngưỡng giá ngất ngưởng mà chính họ phải chi trả cho sinh hoạt hằng ngày.

Nàng đảo qua vài hàng hải sản, chợ chiều muốn mua thứ tươi sống quả thật khó tìm. Và khi mua những đồ hải sản nàng thường đùa với lũ sinh viên trong xóm trọ vì độ “xí xớn”(1) của những con tôm con tép, con cá con cua. Suy cho cùng thì Độ tươi sống tỉ lệ với sức nhảy của chúng. Lập luận cũng chí lí, và rồi cả lũ lại nhìn nhau cười nắc nẻ. Với lũ sinh viên nghèo, để mua cá hoặc tôm giá cả tầm tầm cũng là một điều xa xỉ. Dáo dác nhìn một lượt, Hạ chọn mua những con tôm to khỏe mà không hề ngần ngại. Nàng dự định sẽ nấu cho Bố món cháo Tôm thơm ngon Mong Bố nàng có thể ăn thật nhiều và cổ vũ bố sẽ thỏa mái cho cuộc mổ theo lịch “Mổ phiên” (2) vào sáng ngày mai.

Mua một vài thứ nữa, nàng nhanh chóng trở về. bước vào bếp và bắt tay ngay với công việc dự định. Nấu một nồi cháo thơm bằng tất cả tình thương và tấm lòng của một đứa con, mong rằng sẽ là nguồn động lực cổ vũ bố. Nấu những món ngon để giúp mẹ có thể khỏe mạnh để cùng bố đi tiếp những ngày dài.

Ông bà Nhã sinh thành ra Hạ và Quốc, Bố mẹ đã nuôi chúng nàng lớn khôn. Bao nhiêu năm vất vả vì 2 chị em, bao nhiêu năm nhọc nhằn, bao nhiêu năm hi sinh và thương yêu đến hết mực, việc nàng làm giờ đây có là bao, có đáng gì so với từng ấy hi sinh, yêu thương của cha mẹ.

 

*********************

 

_”Con à, bệnh của bố có nhất định phải mổ không?, nếu bố không mổ mà điều trị nội khoa sẽ ổn chứ?” Ông Nhã đưa đôi mắt thâm quầng nhìn Hạ. Mấy ngày này nằm ở bệnh viện để chờ đợi kết quả chẩn đoán, để được điều trị. Rồi tin sét đánh ngang tai khi bác sĩ thông báo rằng ông phải Mổ. khiến ông không thôi do dự. Ông đang thấy khó nghĩ! Con người ta lành lặn đã chả bằng ai. Cứ tưởng vào viện chỉ thuốc men vài ngày sẽ khỏi, đằng này bệnh của ông đùng một cái bác sĩ bảo mổ. thực là ông lo lắm chứ!

_”Bố, bố hãy tin vào các bác sĩ. Bệnh của bố phải mổ bố ạ. Cứ chần chừ thê này mà để kéo dài, con e rằng nó sẽ xảy ra biến chứng. “

Xoa xoa lấy bàn tay xương xương của bố, nàng an ủi: “Bố à, Bố phải có niềm tin chứ!”.

Một sinh viên năm 3 như nàng, để mà tư vấn và giải tỏa nỗi lo lắng giúp bố mẹ về vấn đề bệnh tật và ngay lúc này đây lại là những quyết định quan trọng quả thật khiến nàng cũng trở nên căng thẳng và lo lắng không kém.

Mỗi một quyết định với bố và mẹ mang tính hệ trọng trong lần nhập viện này, ông bà Nhã đều nói với nàng. Nàng thấy sự tin yêu từ bố, thấy cả những hi vọng trong đôi mắt chờ đợi ở mẹ.

“Mình đã lớn”

Hạ biết giờ đây mình đã lớn trong sự tin tưởng ấy. Và rồi nàng lại lo sợ vì mỗi một quyết định của nàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống chết của bố mình. Giống như ván bài số phận giờ đây Hạ đang phải đối mặt với thần chết để phân thua thắng bại, để giành giật lấy số phận và sự sống.

Suy nghĩ trong nàng không lúc nào là không miên man như, mỗi lúc tưởng chừng như sức nặng của lòng làm nàng thấy nghẹt thở. Nàng thương Bố nhiều khi bao đêm sốt cao đến vã mồ hôi, ướt đầm người rồi toàn thân lạnh toát, thương những cơn đau khiến ông tê tái đến rùng mình, yếu ớt, thương ông đã bao nhiêu đêm không thể ngủ trọn giấc nồng, thương cho những bữa cơm mà miệng kia khô đắng. Chỉ trong một thời gian ngắn mà Bố nàng gầy guộc đi trông thấy, sắc mặt tiều tụy, da dẻ xanh xao. Những khi ấy lòng nàng buốt nhói. Là đứa con của bố đang theo học ngành y nhưng lại chẳng thể giúp được gì cho những cơn đau ấy. nàng thực sự thấy bất lực với chính bản thân mình.

 

                                       ****************

Bước vào phòng bệnh, bà Dần đang ngồi đó nắn bóp tấm lưng phẳng gầy cho chồng. Cái lưng kia lúc nào cũng vậy, nó đau mỏi do căn nguyên thoái hóa. ông lặng yên, quay lưng về phía vợ, nàng hiểu được tâm trạng của cha mẹ mình lúc này.

Hai người, mỗi người đều miên man trong những suy nghĩ của riêng mình mà chẳng hề biết sự xuất hiện của nàng. Đánh tan bầu không khí ảm đạm, Hạ sốt sắng:

_”Nào, nào, con mang cơm vào rồi đây ạ, bố mẹ rửa tay rồi còn ăn cơm không kẻo đói.”

_”Hạ đến đấy à”

_”Sao mang nhiều vậy con?” ông Nhã quay lại nhìn con lếch nhếch cùng 3 chiếc cặp lồng trên tay, giọng nặng nhọc.

_”Có nhiều gì đâu bố, con nấu một ít cháo cho bố, một ít cơm và thức ăn cho mẹ, một ít, một ít thôi ạ.”

_”Cha bố tôi, chỉ được cái khéo mồm, lấy bát đũa trong ngăn tủ ấy rồi sắp cơm ra giúp mẹ, để mẹ đổ ít nước cho bố rửa tay đã.”

_”Dạ, tuân lệnh mẹ.”

Nàng nhanh nhẹn dọn cơm ngay lên trên chiếc giường bệnh của bố. Một mâm cơm nhỏ được sắp lên nhưng chứa đựng không khí ấm nồng của gia đình. Đầm ấm, thân yêu, có cha, có mẹ và có con ở đó. Bệnh viện giờ đây như một gia đình nhỏ của họ với những ánh nến sưởi lòng người của tình yêu thương ngập tràn.

_”Con đã ăn chưa, ngồi xuống ăn với bố mẹ luôn thể”

_’’Con ăn rồi mẹ ạ. Bố mẹ ăn thôi không nguội mất.”

Mẹ nàng nhìn con cười hiền từ và cảm động: “Con gái của mẹ đúng là đã lớn thật rồi.”

Đó là một lời khen và nàng cảm thấy vui sướng.

“ Nhưng đó có là bao nhiêu mà nàng làm được so với công sinh thành, dưỡng dục của bố và mẹ, có là bao so với công cha, nghĩa mẹ, có là bao so với núi Thái Sơn kia, có là bao so với dòng suối hiền bất tận”

Ông Nhã ăn được nhiều hơn so với mọi hôm, rồi tấm tắc : “ con gái bố nấu ngon quá, đây là món cháo ngon nhất từ trước đến nay bố được ăn đấy”. Lớn từng này, đã hơn 20 tuổi vậy mà giờ đây nàng mới có thể nấu cho bố ăn cháo từ chính tay đôi tay mình.

  “Ôi hơn 20 năm qua, sao mình lại có thể vô tâm đến thế”

Nếu món cháo hành của Thị nở là bài thuốc giải cảm cho anh Chí, hay đơn thuần là bát cháo giúp con người ta thoát khỏi cơn đói cùng cực, nó còn là sợi dây gắn kết tình yêu bình dị của hai con người thì món cháo tôm của hạ lại là món quà mang những hi vọng trong nàng để cổ động viên bố kiên cường và nghị lực, là tấm lòng của đứa con gái với người cha của mình. Đã có lúc nàng nghĩ, nếu bố khỏe lại, nàng nguyện sẽ không đi lấy chồng mà ở bên bố bên mẹ mãi mãi. Nhưng quả thực nếu vậy chắc có lẽ Đăng Tâm anh sẽ thất vọng thảm hại vì quyết định này của nàng.

Sáng mai bố nàng lên bàn mổ, mọi người đến động viên và thăm ông, đông chật cả căn phòng. Không khí ngột ngạt, tiếng nói chuyện ồn ã. Người nhà bác bệnh nhân bên cạnh có vẻ hậm hực, khó chịu. Bà Dần đã rất áy náy nói nhỏ với vợ của bác bệnh nhân bên cạnh.

_ Bác thông cảm, ngày mai nhà em mổ, mọi người đến đông quá.

_”Vâng, không sao đâu cô” 

người phụ nữ lãng tránh sự khó chịu của mình rồi hằn học mà nguýt dài từng câu chữ sau đấy.

_Nhà cô, chú ấy quan hệ rộng thật đấy, người ra người vào cứ gọi là nườm nượp, chứ đâu như nhà tôi chả có ai thăm nom gì sất, dân quê một cục có đi đâu mà người ta thăm hỏi. Gớm, mà lại còn có cô con gái, tương lai bác sĩ sáng ngời ngời nữa chứ lị.

Bà Dần im lặng chỉ cười mà đáp lại.

Phải chăng đó là lòng đố kị? Phụ nữ vẫn thường hay so đo như vậy.

Một người bạn của bố nàng, trong lẫn tiếng cười, giọng nói khàn khàn:

_Thế nào cô bác sĩ Hạ, chữa bệnh cho bố được đến đâu rồi?

_Cháu……………………cháu……… vẫn chưa giúp gì được cho bố cháu, bác ạ!”

_”Sao lại chưa? Là bác sĩ tới nơi rồi, chưa chữa được cho bố thì sao có được?. ái chà, thế này thì kém quá, kém quá”. Ông ta nhếch mép, cất giọng cười hề hề.

Đó không hẳn là một câu nói đùa, ông ta đang châm chọc nàng và đã gieo vào lòng Hạ sự tủi thân ghê gớm. nàng bất lực vì do nàng chưa thể làm gì mà đứng nhìn bố như vậy. Nàng bất lực vì mình không có khả năng để chèo kéo. Hay chung quy lại là vì nàng đang đứng ở bờ vực của sự kém cỏi. Hạ nóng bừng khuôn mặt, nàng trở nên bối rối trước câu hỏi thăm ấy và không quên thầm trách bản thân.

Hạ đồng ý với chẩn đoán của bác sĩ điều trị, nhưng nàng thấy lo hơn về kết quả phân biệt trên film CT, không loại trừ khả năng có thể bệnh về máu. Lách (3) của bố nàng to nhiều, phải hơn độ 2 rồi, trên lâm sàng có các dấu hiệu nhiễm trùng. Công thức máu Bạch cầu tăng cao và dòng bạch cầu đa nhân lại chiếm ưu thế. Bác sĩ nghi bố nàng có khối áp-xe trong Lách, khuyên gia đình nàng quyết định cắt bỏ nếu không khối áp- xe đó có thể vỡ ra bất cứ lúc nào. Và một đứa sinh viên y như nàng có thể hiểu hậu quả lúc đó rất nặng nề và tính mạng của bố sẽ trở nên nguy hiểm hơn lúc nào hết. Để đi đến một quyết định Mổ cắt lách hay không? quả thực nàng đã rất lo sợ, giữa cái được và mất, giữa cái sống và cái chết chúng chỉ chia nhau bằng một ranh giới mong manh.

Đứng ngoài ban công phòng bệnh, nàng lặng lẽ như cơn gió thoảng nhẹ, giống như cái lặng lẽ của sương đêm, như cái tĩnh mịch của không gian ngoài kia. Khuôn viên bệnh viện với ánh đèn chiếu sáng, vẫn còn luẩn quất những lùm tối đen mực. Như chính những hi vọng bị rình rập, như cuộc sống bình yên của con người bị lung lay bởi hàng trăm mối đe dọa. Cuộc sống không cần sang giàu. Cuộc sống chỉ cần yêu thương và bình lặng nhưng hóa ra nó lại là điều cao xa đến thế. Số phận hay định mệnh, bão tố đến bất ngờ để rồi không như người ta tưởng. Thất vọng hay mất niềm tin là hệ quả của những rào cản khi chẳng thể vượt qua. Nhưng nàng hiểu, giờ đây, hơn lúc nào hết, tất cả đều cần phải có lòng tin và niềm hi vọng. 

Lặng nhìn sao trời, Hạ cố tìm xem ngôi sao nào sáng nhất. Bởi nàng tin đó chính là ngôi sao chiếu sáng và rạng soi số phận của bố. Khát vọng sống, khát vọng được tỏa sáng tiếp trong cuộc đời.

Tất cả mọi chuyện rồi sẽ êm đẹp. Nàng tin như vậy. Nhắm mắt nguyện cầu thầm mong sẽ ”Thuận buồm xuôi gió”.

 

******************

Họ ra về mang theo nụ cười ông Nhã vụt tắt, cái nhìn đầy tâm tư và lo lắng. Nỗi lòng của ông ẩn hiện lên trên khuôn mặt bà Dần ưu tư đến thế. Một người phụ nữ bao năm chịu thương chịu khó, vì chồng vì con. Bao nhiêu ngày tháng bệnh tật cùng những đêm thức trắng bà luôn bên ông, chẳng xa rời dù chỉ là một bước. Tình cảm vợ chồng, tình cảm thương yêu son sắc, tình yêu của bà dành cho ông như hoa hướng dương luôn hướng về mặt trời lặng lẽ và chung thủy.

_Ài…………………..bố nàng thở dài, mắt trùng xuống. hạ hiểu nỗi lòng của ông, để đi đến quyết định này, ông đã rất cân nhắc. Mẹ nàng và nàng đã khuyên ông rất nhiều.

_Mổ cắt lách sau này có nguy hiểm không Hạ? có nhiều biến chứng không con?

_Bố yên tâm, không sao đâu bố ạ, mọi chuyện rồi sẽ ổn. mấy người bị tai nạn như ngã xe……., làm đụng dập Lách người ta cũng phải cắt bỏ lách mà bố, và bây giờ họ vẫn sống bình thường đây ạ.

Sự thật đúng là như vậy nhưng Hạ không thể không loại trừ khả năng nếu chức năng miễn dịch của bố suy giảm, bố nàng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều căn bệnh cơ hội. Khẽ rùng mình khi nghĩ đến đấy và dĩ nhiên nàng không thể nói. Điều cần lúc này ở ông là một tư tưởng vững vàng và thoải mái nhất. Mẹ nàng đánh tiếng, xua tan không khí nặng nề.

_ Con nó nói đúng đấy, ông đừng quá lo lắng, mọi chuyện rồi sẽ ổn. Thôi hai bố con chuẩn bị rồi còn đi ngủ. Sáng mai đi mổ rồi.

Tiếng chuông điện thoại kêu, thằng Quốc gọi điện về hỏi han tình hình của bố. Nó thương bố nhiều lắm nhưng lại chẳng thể về thăm vì ngày mai là ngày thứ 5, nó không được nghỉ và cũng chẳng dám nghỉ vì lịch quản lí nghiêm ngặt của trường Cảnh sát. Niềm tin như được nhân đôi, “bố ơi bố gắng lên bố nhé’’. Tiếng thằng Quốc sụt sịt trong điện thoại, con trai gì mà hay mau nước mắt.

Họ nằm xuống, 3 con người nhưng cùng chung suy nghĩ. Hạ biết bố mẹ nàng vẫn chưa ngủ được, như chính nàng vẫn đang trằn trọc.

Những tiếng thở dài của bố, những tiếng thượt của mẹ mỏi mệt chờ đợi.

Tiếng ngáy khò khỏ của vợ chồng bên cạnh, tiếng gió lùa bên khung của sổ. Đôi tai không muốn nghỉ, như cố lắng nghe đêm về.

Mắt chong chong nhìn trần nhà như cố xoáy sâu bao ý nghĩ. Nàng Đặt tay lên tim mình như anh chàng Rancho trong “3 idiots” và mong rằng “ Mọi chuyện đều ổn”

Đêm, thực sự dài.

                                                  ****************           

Sáng sớm, Ông Cả và chú út đã có mặt ngay tại phòng bệnh, mọi người đã dậy đi từ  tinh mơ gà gáy. Bố nàng sáng nay phải nhịn để đi Mổ. Hai mẹ con nàng cũng chẳng muốn ăn gì.

Rong cáng xe bố nằm về phía phòng mổ, ông Nhã khẽ nắm tay nàng và vợ trao tất cả tin yêu. Nước mắt dâng lên, hướng về Bác cả và chú út muốn nhắn gửi tất cả. Ánh nhìn sợ sệt, như sắp phải chia lìa.

_”Bố ơi bố gắng lên bố nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”.

Bất giác có vị mặn len xuống khóe môi mềm.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3