Vụ mất tích bí ẩn - Chương 07

- Vậy là, Hai Bình đã nghỉ việc trong ngày hôm ấy?
Ba Phát lắc đầu:
- Không, giận quá nói vậy thôi. Khi mọi việc đã tạm lắng xuống, tôi cảm thấy mình có phần quá đáng, vì thế, ngay chiều hôm ấy tôi đến nhà của Hai Bình xin lỗi và thuyết phục anh ta tiếp tục làm việc. Và Hai Bình cũng vui vẻ bỏ qua tất cả. Chúng tôi đã gắn bó với nhau suốt từng ấy năm nên không lạ gì tính tình của nhau. Điều quan trọng là biết nhận ra cái sai của mình và sẵn sàng tha thứ. Hôm ấy, hai anh em tôi đã uống cạn chai một lít.
Lê Trực nói:
- Ngoài việc không tập trung vào công việc, Hai Bình còn có những biểu hiện gì nữa không?
Suy nghĩ một lúc, Ba Phát nói:
- Hai Bình uống nhiều hơn mọi khi. Anh ta đến nơi làm việc với gương mặt phờ phạc của một kẻ nghiện rượu và thở ra toàn hơi men. Tôi khuyên Hai Bình nên điều độ, cái gì cũng một vừa hai phải chớ để quá đà vừa không có lợi cho sức khỏe vừa ảnh hưởng đến công việc, Hai Bình chỉ ậm ừ cho qua chuyện và vẫn cứ liên tục nốc rượu. Tôi không hiểu tại sao anh ta có thể uống rượu trừ cơm ngày này sang ngày khác mà vẫn làm việc đều đặn. Tôi uống một bữa phải nghỉ ba bữa mới lại sức.
Ba Phát thở dài chán nản rồi nói:
- Đinh ninh Hai Bình gặp phải chuyện buồn nên muốn tìm quên trong men rượu, nhiều lần tôi gạn hỏi nhưng Hai Bình nói là không có gì và bảo tôi đừng quá nhạy cảm rồi suy diễn lung tung. Nhưng nhìn vào mắt Hai Bình, tôi biết anh ta nói dối, ánh mắt biểu lộ sự tuyệt vọng, đau đớn khôn cùng. Điều gì đã khiến Hai Bình như thế chỉ có trời mới biết.
- Từ hôm Hai Bình xuất viện đến khi mất tích là khoảng bao nhiêu ngày?
- Khoảng mươi hôm. Sự mất tích của Hai Bình gieo vào lòng mọi người sự hoài nghi không dứt. Tiền công một tháng làm việc Hai Bình còn chưa lãnh. Vài thứ linh tinh còn để tại lò bánh không mang theo. Tôi nghi Hai Bình có thể đã bị hại. Còn ai hại Hai Bình chỉ có trời mới biết.
Ba Phát im lặng một lúc rồi nói:
- Có một việc khiến tôi thắc mắc mãi mà không sao tìm ra lời đáp. Không hiểu thông tin này có giúp gì cho anh không..
Lê Trực nói:
- Anh nói đi, tôi nghe đây.
Ba Phát sửa lại tư thế ngồi:
- Theo lời Hai Bình kể thì cậu ta là đứa trẻ mồ côi, không một người thân kẻ thích, thế nhưng, không hiểu sao mỗi năm cậu ta đều biến đi đâu đó có khi vài hôm, và cũng có khi là cả tháng..
- Có thể Hai Bình đi du lịch, đi nghỉ mát để giảm stress sau những ngày làm việc vất vả?
Ba Phát lắc đầu:
- Tôi không nghỉ như vậy. Thường thì những ai đi nghỉ mát, hay du lịch đại loại như thế mỗi khi trở về đều có tâm trạng sảng khoái vui vẻ và thường có quà cáp là đặc sản nổi tiếng ở địa phương đó. Ví dụ như đi Tây Nguyên thì có rượu cần, Đà Lạt thì có rượu vang là đặc sản. Đồng Tháp có nem Lai Vung. Và Cà Mau thì có khô cá sặc..
- Anh cũng nên thông cảm cho Hai Bình, cánh đàn ông chúng ta thường không bận tâm nhiều đến chuyện lễ lạt như thế này. Thỉnh thoảng, tôi có di du lịch đây đó nhưng chẳng bao giờ tôi mang thứ gì về làm quà cả.
Ba Phát gật đầu, nói:
- Tôi cũng đồng ý với anh về chuyện này. Nhưng có một chuyện tôi lấy làm lạ là, trước khi đi Hai Bình tỏ vẻ vui vẻ hăm hở bao nhiêu thì lúc trở về tỏ vẻ chán nản bấy nhiêu.
*
- Này, Hai Bình, đi chơi vừa rồi có chuyện gì vui không kể cho anh em nghe với – Ba Phát vừa nói chuyện vừa cho củi vào lò.
Hai Bình rứt cục bột đặt trong lòng bàn tay vân vê vài cái:
- Chẳng có gì vui cả. Chán chết đi được.
- Đi chơi mà không vui thì đi làm gì? Sao không ở nhà ngủ cho sướng cái thân?
Hai Bình im lặng cho cục bột đã được nặn thành bánh vào chiếc khay nướng.
Ba Phát nói:
- Đợt rồi chú em mày đã đi những đâu mà không thấy vui?
- Đi nhiều nơi lắm.
- Vậy sao? Chú mày đi những đâu?
- Buôn Ma Thuột, Xuân Lộc..
- Những chỗ đó thì có gì để ngắm nhỉ. Buôn Ma Thuột còn có cà phê nổi tiếng chớ Xuân Lộc thì chẳng có thứ gì cả. Chú mày có ấm đầu không mà đi đến những nơi đó để nghỉ mát?
- Đã bảo với anh không phải tôi đi nghỉ mát.
- Không nghỉ mát chẳng lẽ đi tìm vàng để đổi đời à. Tức cười quá.
Hai Bình nói:
- Tôi đi tìm tôi, được chưa?
Ba Phát bổng cười ré lên:
- Tôi đi tìm tôi là nghĩa làm sao? Chú mày càng nói anh càng không hiểu? Sao dạo này chú hay nói những lời khó hiểu đến thế nhỉ?
*
Lê Trực cám ơn ông chủ lò bánh tốt bụng rồi bắt tay chào tạm biệt. Vừa ra khỏi đầu hẻm anh bắt gặp Trọng, thợ làm bánh đang ngồi đợi sẵn trong quán cà phê phía bên kia đường.
- Anh đến điều tra về sự mất tích của anh Bình phải không?
Lê Trực khẽ gật đầu, tay phải cầm thìa khuấy đều cốc cà phê rồi nhấp một ngụm nhỏ:
- Đúng vậy. Cậu có thông tin gì mới về Hai Bình không?
Trọng nói:
- Em cũng không biết, đây có phải là tin mới hay không. Nhưng em thấy cũng nên báo cho anh biết. Em với anh Bình cùng làm với nhau đã nhiều năm. Em rất quý anh ấy. Em rất quan tâm và lo lắng đến sự mất tích kỳ lạ của anh ấy. Em nghi anh Bình bị hại.
Lê Trực nói:
- Cậu nghĩ như thế à? Cậu nghi ai hại Hai Bình?
Trọng lắc đầu:
- Em không biết nghi ai cả. Tất cả chỉ là phỏng đoán. Anh ấy không thể bỗng nhiên mà mất tích được. Nhất định đã có chuyện gì xảy đến với anh ấy. Anh có nghĩ như vậy không?
- Tôi chưa thể đưa ra bất kỳ kết luận nào, mọi việc vẫn đang trong vòng điều tra. Thông tin gì cậu muốn cung cấp cho tôi?
Trọng hút thuốc lá:
- Thật ra, chuyện này chẳng có gì quan trọng. Em đang suy nghĩ có nên nói ra hay không. Thật vớ vẩn chẳng ra làm sao cả.
- Câu cứ nói. Kinh nghiệm phá án nhiều năm cho thấy, đôi khi có những chi tiết nhỏ lại giúp ta phá được những vụ án lớn.
Trọng suy nghĩ một lúc rồi quyết định:
- Vậy thì em nói. – Đoạn Trọng hạ giọng, nói:- Trước khi mất tích đúng hai hôm, anh Bình có đến tìm mụ Sương sầu đời.
- Sương sầu đời là ai? Có mối quan hệ nào với Hai Bình? – Lê Trực hỏi.
- Sương là gái điếm hành nghề ở vườn hoa thị xã.
Lê Trực thốt lên ngạc nhiên:
- Hai Bình đã tìm đến gái điếm? Chuyện này có thật chứ?
- Vâng, chẳng lẽ em lại bịa ra những chuyện hệ trọng như thế? – Trọng đưa mắt nhìn dáo dác:- Anh nói khẽ thôi. Chuyện chẳng hay ho gì. Anh Bình dặn em phải giữ kín, không được tiết lộ với ai. Nếu không có sự mất tích của ảnh, em sẽ không bao giờ hé răng.
Lê Trực nói:
- Hai Bình vẫn thường tìm gái như thế à?
- Chỉ thỉnh thoảng thôi. Những lúc thật buồn anh ấy mới tìm đến phụ nữ.
Thông tin nầy khiến Lê Trực bị hụt hẫng. Anh không ngờ là Hai Bình lại tìm dễ dàng tìm đến những thú vui bệnh hoạn như vậy.
Trọng nói:
- Chẳng riêng gì Hai Bình, hầu hết cả đám thợ ở lò bánh Ba Phát đều đi tìm gái mỗi khi lên cơn động tình. Thậm chí mọi người còn công khai truyền đạt kinh nghiệm chăn gối cho nhau như là một chuyện thường tình. Tuy nhiên, không ai, ngoài em ra là biết chuyện Hai Bình đi tìm gái cả…
Lê Trực xen vào:
- Tại sao Hai Bình lại cố tình che giấu chuyện này?
Trọng lắc đầu:
- Em không biết. Có thể tính của ảnh là như vậy. Có lẽ, ảnh không muốn người ta cười vào mũi của mình. Một người đàn ông đứng đắn chẳng ai làm chuyện như thế cả. Em cũng không hiểu tại sao ảnh lại từ chối những người phụ nữ đàng hoàng, tử tế để tìm đến những ả gái điếm chua ngoa, thô tục bán trời không văn tự. Phải chăng ảnh không muốn ràng buộc với bất kỳ người phụ nữ nào? Quan hệ với gái điếm chẳng qua là một sự mua bán sòng phẳng, xong việc, đường ai nấy đi chẵng ràng buộc với nhau điều gì cả.
- Cậu biết, Hai Bình đi lại với gái điếm từ khi nào?
Trọng suy nghĩ một lúc:
- Cách đây khoảng hai năm. Một lần tình cờ, em thấy ảnh bước ra từ ngôi nhà của Sương sầu đời.
Lê Trực thắc mắc:
- Tại sao lại gọi là Sương sầu đời. Cậu biết gì về người phụ nữa này?
Trọng gật đầu:
- Em có biết. Mụ ấy tên Sương, biệt danh “ sầu đời “ là do mấy mụ cùng đứng đường đặt cho. Chuyện là như thế này; Sương trước kia cũng có gia đình đàng hoàng. Chồng Sương là cán bộ thuế đang công tác trên huyện. Hai người đã có thời gian sống bên nhau rất hạnh phúc. Nhưng không hiểu sao đã hơn bảy năm vẫn chưa có con. Đi khám, bác sỹ kết luận Sương không có khả năng sinh đẻ. Thế là chồng bỏ đi theo người đàn bà khác. Chán đời, Sương ra đứng đường. Và kể từ lúc đó Sương gắn liền với biệt danh “ sầu đời “. Hàng đêm, Sương ra đón khách ngay công viên. Rồi tùy theo yêu cầu của khách đến nhà trọ hay khách sạn nào đó. Nếu khách không tìm được bãi đáp, thì Sương sầu đời sẽ đưa về nhà mình, vừa an toàn vừa không phải trả tiền thuê phòng, coi như nhất cử lưỡng tiện.
*
Mười giờ đêm. Sương sầu đời đang đón khách trước công viên đối diện với rạp chiếu phim Thanh Niên thì có một người đàn ông dáng vẻ bụi bặm cưỡi xe máy trờ đến.
- Đi không anh?
Khách dừng xe lại, nheo mắt nhìn Sương như bà nội trợ khó tính đang xem xét món hàng:
- Bao nhiêu? – khách nói cộc lốc.
- Tàu nhanh năm chục. Tàu suốt trăm rưởi. Tiền phòng khách trả.
Khách nhăn mặt:
- Già quá! Hơn “ nửa đời hương phấn “ rồi mà cao giá đến thế à?
- Càng già càng có kinh nghiệm mà anh Hai – Sương sầu đời bước đến áp đôi ngực chảy xệ vào lưng khách:- Đi với em, anh Hai khỏi phải lo gì cả. Mấy đứa trẻ đẹp coi vậy chớ “ sầu riêng “ không hà!
Khách suy nghĩ một lúc rồi gật đầu đồng ý. Sương sầu đời lập tức leo lên ngồi phía sau xe.
- Về khách sạn hả, anh Hai?
Khách lắc đầu:
- Đến những chỗ đó chẳng may bị công an sờ gáy coi như toi đời. Con vợ già của anh có máu hay ghen. Em có bãi đáp nào an toàn không?
- Vậy thì về nhà em – Sương sầu đời mau mắn:- Về nhà em tha hồ quậy tới bến mà chẳng phải lo lắng gì cả. Bây giờ anh Hai cứ đi thẳng đến ngã tư rẽ phải, đi chừng vài trăm mét nữa là đến nhà em.
*
Nhà của Sương nằm trong con hẻm ngoằn ngoèo. Trước cửa có trồng cây vú sữa. Sương nhanh nhẹn bước xuống xe, mở cửa rồi giục khách đẩy xe vào nhà.
Ngôi nhà khá nhỏ chia làm hai gian. Gian trước có kê một chiếc giường cá nhân, quây màn xung quanh. Khách ngồi xuống chiếc ghế gỗ hút thuốc lá.
- Anh Hai còn ngồi đó làm gì? Nhanh lên để em còn kiếm mối khác. Mỗi đêm phải đi ít nhất ba chuyến tàu nhanh mới đủ sở hụi đó, anh Hai.
Khách lắc đầu:
- Tự nhiên anh không cảm thấy hứng thú nữa. Thôi, chúng ta ngồi nói chuyện vậy. Đừng nhìn anh bằng ánh mắt như thế. Anh vẫn trả tiền cho em. Được chưa?
- Tất nhiên là được quá đi chứ – Sương sầu đời tỏ ra vui vẻ:- Anh Hai muốn nói chuyện gì?
- Anh đang tìm một người bạn. Và người ta bảo anh tìm đến em.
- Sao ngộ quá vậy, anh Hai? Bạn của anh mà lại tìm đến em là nghĩa làm sao? Em đâu phải là công an hay cán bộ quản lý nhân hộ khẩu. Có lẽ, anh Hai tìm lộn chỗ rồi.
Khách dụi mẩu thuốc lá vào chiếc gạt tàn:
- Bạn của anh tên Bình, mọi người thường gọi là Hai Bình. Chắc em biết cái tên này?
Sương sầu đời reo lên:
- Hai Bình là bạn của anh Hai à! Ai, em không biết chứ anh Hai Bình thì khỏi phải nói. Thậm chí em còn thuộc từng vết sẹo trên người ảnh nữa là. Bọn em đã lên giường với nhau không biết bao nhiêu lần mà kể. Hai Bình đi đâu mà anh phải tìm?
Khách lắc đầu:
- Anh không biết. Bỗng dưng hắn biến mất như chưa từng tồn tại trên thế gian này. Lần cuối hai người gặp nhau cách đây bao lâu?
- Không lâu lắm đâu khoảng hơn mười hôm thôi. – Sương sầu đời nói:- Hôm ấy ảnh uống nhiều lắm, nhiều đến nỗi bước đi không nổi. Em bảo ảnh về mà ảnh không nghe. Sau khi làm tình xong, ảnh lăn ra ngủ hồn nhiên như một đứa trẻ.
Khách nói:
- Lần nào đến em, Hai Bình cũng say rượu cả sao?
- Có lúc say, lúc tỉnh, không phải lần nào cũng say. Nhưng mỗi lần ảnh đến và đi đều với hai gương mặt khác nhau..
- Em có thể nói rõ hơn được không?
Sương sầu đời cọ các đầu móng tay vào nhau kêu tách tách:
- Lúc đến, ảnh mang gương mặt sầu thảm, sầu thảm như người đánh mất sổ gạo thời bao cấp. Và khi ra về thì nhẹ nhàng phơi phới như người vừa trút xong gánh nặng. Nhiều lúc em có cảm giác mình là chiếc túi chứa những buồn phiền của ảnh. Nói thật với anh, làm điếm là một nghề mạt hạng, mạt hạng nhất trong tất cả các nghề mạt hạng. Nhưng em thật sự cảm thấy vui sướng khi làm cho người khác được hạnh phúc. Ít ra là đối với Hai Bình.
Khách nói:
- Em bảo Hai Bình thật sự hạnh phúc mỗi khi đến với em à? Buồn cười thật đấy. Anh không tin đâu. Chỉ là chuyện sinh hoạt tình dục đơn thuần thôi mà. Em chỉ khéo làm ra vẻ quan trọng.
Sương sầu đời bĩu môi, nói:
- Tin hay không là quyền của anh. Nhưng những cảm nhận của em là rất thật. Lần đầu tiên gần gũi với ảnh, em đã nhận ra, ảnh hoàn toàn không giống như những người đàn ông khác. Những người đàn ông đến với em chỉ đơn thuần vì những ham muốn thể xác. Họ bỏ tiền ra và buộc em phải chiều theo những ý muốn bệnh hoạn của họ. Vì chén cơm manh áo mà em phải cắn răng cắn lợi làm theo. Tuy nhiên em cũng đã nhiều lần từ chối những trò đồi bại đầy thú tính. Sợ nhất là gặp phải những gã đàn ông mắc chứng bạo dâm. Em sợ lắm cái cảnh vừa bị đánh đập, chửi bới vừa làm tình. Gặp những người như thế cho dù có cho vàng em cũng xin xá ba xá. Cầu xin hay chữ “ bình yên “ .
Sương sầu đời nhấp một ngụm nước thấm giọng rồi tiếp tục câu chuyện:
- Lần đầu tiên gặp Hai Bình, em đã có ấn tượng rất mạnh. Em đã từng lên giường với hàng vạn người đàn ông nhưng không thể nào nhớ nổi một gương mặt. Tất cả họ đều tan biến và hòa lẫn vào nhau….
- Cô có ấn tượng với Hai Bình về điểm nào?
- Tất cả. Từ hình thức đến tính cách. Một gương mặt buồn. Một tâm hồn đau đớn oằn oại. Mặc dù, ảnh chưa bao giờ nói đến nỗi đau của mình nhưng bằng cảm giác của phụ nữ em biết ảnh đang ôm chặt nổi niềm u ẩn trong lòng. Ảnh tìm đến em như tìm sự giải thoát nhất thời để rồi sau đó nỗi buồn chồng chất nỗi buồn, nỗi đau chồng chất nỗi đau..

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3