Vụ mất tích bí ẩn - Chương 09
Ngọc nói:
- Thật ra, tôi không bao giờ nghĩ mình sẽ có dịp gặp lại anh Bình thêm lần nào nữa, bởi chẳng có lý do gì để chúng tôi gặp nhau. Thỉnh thoảng tôi nhớ đến anh, một người đàn ông dáng dong dỏng cao có gương mặt buồn và tốt bụng, thế thôi..
Lê Trực nói:
- Nếu chỉ có vậy thì làm sao hai người có thể đi đến với nhau?
Ngọc nói:
- Có lẽ là do ông Trời sắp đặt. Vài tháng sau, tôi có đến phụ đám giỗ nhà người bạn. Và trong số khách đến dự tiệc hôm ấy có anh Bình. Kể từ lần gặp gỡ định mệnh ấy chúng tôi không rời nhau nữa.
Lê Trực nói:
- Cô nhận xét Hai Bình là người như thế nào?
- Ảnh là người đàn ông tốt. Tốt nhất mà tôi từng thấy. Ảnh không săn đón vồ vập như tay Thái, không thô bỉ cục súc như Thân, thậm chí có vẻ vụng về trong từng lời ăn tiếng nói. Ảnh là người đàn ông có bản lãnh, chân thật và sống thiên về nội tâm.
- Hai Bình có bao giờ kể cho cô nghe về gia đình cũng như quá khứ của anh ta?
- Đấy cũng chính là điều khiến tôi trăn trở khôn nguôi. Suốt mấy năm quen nhau ảnh chưa bao giờ kể cho tôi nghe về gia đình của mình. Dường như ảnh có điều gì cố giấu tôi.
- Tại sao lại như vậy? Cô có hiểu nguyên nhân không?
- Bị dang dở mấy lần tôi sợ lắm. Vì thế, khi quen ảnh tôi quyết định phải tìm hiểu thật kỹ về con người của ảnh. Và tôi cay đắng thú nhận chẳng hiểu gì cả. Nhìn vào tư cách cũng dễ dàng đoán ra anh Bình không thể là người xấu. Nhưng tại sao ảnh lại như thế, tôi không sao hiểu nổi.
*
Hai người ngồi bên nhau trên ghế đá công viên dưới gốc cây bằng lăng. Trăng sáng vằng vặc, cả thảm cỏ sóng sánh nước trăng. Hai Bình hút thuốc lá. Ngọc ngồi tí tách cắn hạt dưa.
- Anh Bình, hôm nào đưa em về quê anh một chuyến nhé.
Hai Bình ngả người lên thành ghế, mắt nhìn trời mông lung:
- Đã nói với em, anh là đứa trẻ mồ côi. Trẻ mồ côi thì làm sao có nhà.
- Nhưng phải có người nào đó nuôi nấng anh trưởng thành chứ? Cô chú, cậu dì chẳng hạn.
- Anh lớn lên trong trại trẻ mồ côi.
- Vậy anh chưa từng biết cha mẹ mình là ai?
Hai Bình khẽ gật đầu:
- Thậm chí anh còn không biết tên của họ nữa là. Từ khi biết nhận thức thế giới xung quanh, anh thấy mình đã ở trong cô nhi viện.
- Tội nghiệp anh quá. Ở trại cô nhi chắc là khổ lắm. Anh có thường bị đánh đòn không?
- Anh không nhớ. Chắc là có.
- Rời trại cô nhi, anh làm gì? Ở đâu?
- Em đừng hỏi nữa, anh chẳng thể trả lời những câu hỏi của em. Anh buồn ngủ rồi, ta về thôi.
- Em có cảm giác, dường như anh cố tình giấu em điều gì đó. Anh không thật lòng với em. Anh không tin em sao?
Hai Bình thở dài:
- Anh không muốn biến thành kẻ bị thương hại trong mắt mọi người. Chẳng lẽ quá khứ của anh quan trọng với em đến thế hay sao?
- Chứ còn không à! Yêu nhau nhất thiết cả hai phải hiểu rõ về nhau. Anh đã biết tất cả về em, vậy thì, tại sao em lại không có quyền tìm hiểu về anh. Những gì của anh cũng là của em. Chúng ta là của nhau. Hành động của anh khiến em cảm thấy bị tổn thương. Anh đã không tin em. Yêu nhau mà không tin nhau sao hả, anh.
Hai Bình nói:
- Tại sao em lại nói như vậy. Anh yêu em và tin tưởng nơi em. – Đoạn Hai Bình thở hắt ra một cái thật mạnh:- Làm sao anh có thể kể cho em nghe những điều mà anh còn đang loay hoay tìm kiếm?
- Anh nói em càng không hiểu. Tìm cái gì cơ chứ? Càng gần anh, em càng phát hiện anh có nhiều điểm rất lạ. Dường như anh đang mang nặng trong lòng nỗi niềm thầm kín không thể giãi bày cùng ai. Em là người yêu của anh, tại sao anh lại giấu? Yêu nhau là phải cùng nhau san sẻ niềm vui, nỗi buồn. Có tâm sự gì anh cứ nói hết ra, để hoài trong lòng mau già lắm..
Hai Bình nói gay gắt:
- Đừng dồn anh vào thế bí nữa có được không. Chẳng phải như thế này đã là tốt lắm rồi hay sao. Anh không thích phụ nữ thích xen vào chuyện người khác.
Ngọc vùng vằng đứng dậy:
- Anh với em mà là người khác à? Nói vậy mà nghe được à? Tại sao anh có thể thốt ra những lời này với em.
- Anh xin lỗi em. Anh..anh..
Ngọc khóc sụt sịt:
- Anh không cần phải giải thích nữa! Từ nay, em sẽ không bao giờ bận tâm đến những chuyện riêng tư của anh nữa.
Lê Trực nói:
- Và rốt cuộc cô không biết chút gì về quá khứ của Hai Bình?
- Đúng vậy, - Ngọc đáp :- tôi tôn trọng thế giới riêng tư của ảnh, vả lại, tôi còn có lòng tự trọng của mình.
- Theo tôi được biết, thỉnh thoảng Hai Bình có đi đâu đó. Anh ta đi những đâu, cô có biết?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết, thật sự là như vây. Ảnh chỉ nói có công việc riêng cần giải quyết, còn cụ thể việc riêng đó là gì, tôi không biết.
Lê Trực nói:
- Chị có bao giờ tìm hiểu điều này không?
- Thật sự tôi cũng lấy làm thắc mắc nhưng ảnh không đả đông gì đến, tôi chỉ biết im lặng. Tuy nhiên sau mỗi chuyến đi như vậy tôi thấy ảnh có vẻ thất vọng và buồn nhiều. Anh uống rượu nhiều hơn mọi ngày và thường ngồi im bất động như tượng cả buổi. Gương mặt lộ vẻ chán nản, tuyệt vọng khủng khiếp. Một lần tình cờ giặt áo của ảnh, tôi phát hiện một chiếc vé đi Quảng Trị.
- Đi Quảng Trị ư? Hai Bình đến đó làm gì nhỉ? – Lê Trực lẩm bẩm.
- Đúng vậy, ảnh đi Quảng Trị. Tôi không biết ảnh có ai là người thân thích ở đó hay không. Trong câu chuyện hàng ngày tôi không nghe ảnh nhắc đến địa danh này bao giờ. Đây thật sự là điều khó hiểu.
Ngọc cầm ấm trà rót đầy cốc:
- Một lần ảnh trở về nhàu nát tả tơi. Cả cơ thể đỏ quạch từ chân tóc đến gót chân. Bộ đồ mặc trên người xả mấy nước vẫn còn đỏ. Chẳng hiểu là ảnh đã đi đến những đâu cứ như từ dưới lòng đất chui lên vậy.
- Hai Bình có đi cùng với ai không?
- Ảnh đi mỗi mình thôi.
- Ngoài cô ra, Hai Bình có quan hệ thân thiết với ai không?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết. Theo tôi đoán thì chẳng có ai thân thiết cả, chỉ toàn là bạn nhậu thôi. Nói chung là bạn nhậu thì không thể tin được. Ngoài ông Tư Bốn ra, tôi không biết bất kỳ ai.
Lê Trực nói:
- Xin lỗi tôi hơi tò mò, vì sao hai người lại chia tay? Theo tôi được hai người đã từng tính đến chuyện hôn nhân.
Ngọc gật đầu im lặng. Lê Trực nói:
- Lúc nảy cô nói sự mất tích của Hai Bình một phần là lỗi ở cô, cô có thể nói rõ hơn về điều này được không?
Ngọc tỏ vẻ lúng túng, mặt đỏ bừng:
- Anh có nhất thiết cần phải biết hay không? Đây là chuyện riêng của hai chúng tôi..
Lê Trực nói:
- Nếu cô cảm thấy không bất tiện có thể nói với tôi. Cô biết rồi đó, thông tin về Hai Bình quá ít ỏi rất khó cho việc tìm kiếm tung tích của anh ta..
- Vậy tôi sẽ nói. Chính ảnh là người chủ động chia tay với tôi. – Đoạn Ngọc xuống giọng nhỏ dần:- Ảnh bị chứng bất lực. Một vết thương gần chỗ kín khiến ảnh mất khả năng làm đàn ông. Thật tình chính ảnh cũng không ngờ mọi việc lại tồi tệ như thế. Chúng tôi cứ đinh ninh sẽ có kết quả tốt hơn.
Lê Trực tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Hai Bình đã nói với cô như thế à?
Ngọc khẽ gật đầu:
- Vâng, ảnh nói với tôi như vậy. Và tôi tin những gì ảnh nói. Hai Bình là người đàn ông chân thật.
Cả hai cùng im lặng. Hồi lâu Lê Trực nói:
- Hai Bình có bao giờ kể trước khi là thợ làm bánh anh ta đã từng làm việc gì, ở đâu không?
Ngọc suy nghĩ một lúc rồi gật đầu:
- Tôi có nghe loáng thoáng, ảnh đã từng làm nhân viên bảo vệ công ty sản xuất hàng mỹ nghệ.
Lê Trực thốt lên:
- Làm bảo vệ công ty sản xuất hàng mỹ nghệ à? Thế mà có người bảo tôi, Hai Bình từng làm thuê trên ghe chở trái cây?
Ngọc lắc đầu:
- Tôi không biết. Chưa bao giờ tôi nghe ảnh nói đến chuyện này. Tôi không tin mình nghe lầm.
- Cô có nhớ tên công ty đó không?
- Nhớ.
*
Ngồi đối diện với Lê Trực là người đàn ông có dáng người chắc đậm, đen đúa xấp xỉ năm mươi tuổi. Khách đưa tay thò vào túi áo lôi ra lá thư mời đưa cho Lê Trực. Lê Trực đón lấy đọc lướt qua:
- Anh là Phạm Văn Tăng?
- Dạ phải, mọi người gọi tôi là Tư Tăng. Tôi là chi hội trưởng chi hội cựu chiến binh ấp..
Tư Tăng liên tục cựa mình trên ghế biểu lộ cử chỉ lo lắng, bồn chồn không yên:
- Tôi muốn biết mục đích cuộc gặp này. Trong thư mời chỉ ghi đại khái, tôi không hiểu là chuyện gì.
Lê Trực rót nước trà vào hai chiếc cốc rồi đẩy một cốc về phía Tư Tăng:
- Anh uống nước đi.
Tư Tăng lấy thuốc lá ra mời Lê Trực, anh nhón một điếu rồi châm lửa hút:
- Anh có biết Nguyễn Văn Bình, tức Hai Bình?
- Biết chớ, một tên vô lại. Một kẻ nát rượu. Tôi chưa từng thấy người nào uống rượu nhiều như hắn mà sống thọ cả.
- Anh có vẻ không thích Hai Bình?
Tư Tăng rít vài hơi thuốc lá:
- Tất nhiên rồi, làm sao tôi có thể ưa một người như hắn được chứ. Tôi tin, nếu có dịp tiếp xúc với hắn, anh cũng sẽ có cùng suy nghĩ như tôi thôi. Bề ngoài hắn giả vờ hiền lành là thế nhưng khi say rượu bản chất xấu xa của hắn mới phô bày ra hết. Tôi chưa từng gặp một người tồi tệ như hắn.
- Trước đây thỉnh thoảng anh có uống rượu với Hai Bình?
- Ờ, cũng có. Nhưng không phải tôi mời hắn, chẳng qua là ngẫu nhiên mà thôi. Tên nát rượu ấy hễ đánh hơi được là mò đến bất chấp cả sĩ diện.
Lê Trực nói:
- Trước khi xảy ra ấu đả ở quán Sáu Ngàn hai người đã từng xảy ra hiềm khích?
Tư Tăng tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chuyện đó mà anh cũng biết nữa à. Thật ra nói là ấu đả, tôi e, không chính xác, ấu đả là đánh lộn, đánh nhau túi bụi, còn trong trường hợp này chỉ có Hai Bình đánh tôi thôi. Tôi có đánh anh ta đâu mà gọi là ấu đả. Còn trước đó chúng tôi không giao du qua lại với nhau thì làm sao có chuyện hiềm khích.
Lê Trực nói:
- Trở lại vụ xô xát. Theo tôi được biết nguyên nhân bắt đầu từ cuộc tranh luận vô thưởng vô phạt.
Tư Tăng nói:
- Đúng vậy. Hôm ấy Hai Bình đã quá say. Anh ta phát biểu lung tung cứ như là thằng khùng, dường như có quỷ nhập vào người anh ta thì phải. Lần đầu tiên tôi thấy Hai Bình bệ rạc như thế. Rõ ràng hắn ta chưa già mà đã sanh tật rồi!
- Hai người đã tranh cãi với nhau những gì?
- Về chiến tranh. Chúng tôi đang ôn lại những kỷ niệm chiến tranh thì Hai Bình bỗng xen vào và mạt sát chúng tôi một cách thậm tệ. Anh ta dám vỗ ngực bảo chiến tranh chỉ là trò đùa của những kẻ ấm đầu, những thằng dở hơi xem chuyện chém giết là lẽ sống. Gương mặt của chiến tranh là gương mặt phi nhân tính. Anh ta thật là ấu trĩ. Tôi không hiểu trong đầu anh ta chứa những gì trong đấy nhưng nhất định không phải là bộ não. Đậu hũ chẳng hạn.
- Và, sau đó mọi chuyện diễn ra như thế nào?
- Hai Bình cởi áo khoe những vết thương trên người ra và bảo rằng đã từng đánh đông dẹp bắc. Sau đó, hắn lao vào đánh tôi.
- Anh có nghĩ Hai Bình đã từng là người lính?
- Tôi không nghĩ như thế, mặc dù trên người Hai Bình có nhiều vết thương. Nhưng đâu phải cứ bị thương đều là lính. Trong cuộc chiến tàn khốc này có rất nhiễu dân lành chết và bị thương.
Suy nghĩ một lúc Tư Tăng nói:
- Hai Bình không thể là người lính. Bộ đội giải phóng không thể thốt lên những lời tiêu cực phỉ báng như thế. Rất có thể anh ta là một tên lính ngụy, biết đâu được.
Lê Trực nói:
- Và anh có hăm dọa sẽ giết Hai Bình?
Tư Tăng ngơ ngác:
- Tôi có nói câu đó à? Thật sự tôi không nhớ những gì mình đã nói. Lúc đó, tôi giận quá. No mất ngon, giận mất khôn mà lại..
Tư Tăng bỗng nhìn trừng trừng về phía Lê Trực:
- Anh không nghi tôi có liên quan đến sự mất tích của Hai Bình đó chứ?
- Xin anh hãy trả lời câu hỏi của tôi, hôm Hai Bình mất tích, anh ở đâu, làm gì?
Tư Tăng ngồi im lặng. Lê Trực cầm một thanh gỗ tròn dài khoảng một sải tay đặt lên bàn:
- Anh có nhận ra vật này không?
Tư Tăng biến sắc mồ hôi chảy ròng ròng xuống cổ áo:
- Tôi..tôi..
Lê Trực nghiêm mặt, nói:
- Tôi thu được khúc gỗ này tại nơi Hai Bình bị đánh. Trên thân gỗ còn lưu lại dấu vân tay của anh. Anh còn gì để nói nữa không?
Tư Tăng gật đầu thú nhận:
- Đúng là tôi có đánh Hai Bình, bởi vì hắn đã làm nhục tôi trước đám đông. Nhưng tôi hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyện mất tích của Hai Bình. Anh hãy tin tôi!
*
- Anh muốn tìm hồ sơ bệnh án của bệnh nhân Nguyễn Văn Bình? – Bác sỹ trưởng khoa gắn đôi mục kỉnh để trên bàn lên mũi.
- Đúng thế, - Lê Trực nói.
- Anh chờ tôi một chút. – Đoạn ông bác sỹ bước lại chiếc tủ đựng hồ sơ rút ra cuốn sổ bìa cứng, bên trong có lưu hồ sơ bệnh án của Hai Bình:- Đây, anh xem đi. Thật ra cũng chẳng có gì đáng xem cả.
Lê Trực đón lấy tập hồ sơ, đọc lướt qua rồi đặt nó xuống bàn.
Bác sỹ nói:
- Tối hôm ấy phòng cấp cứu chúng tôi có tiếp nhận một ca chấn thương ở đầu. Bệnh nhân còn tỉnh táo tuy nhiên máu ở phía sau gáy chảy ra nhiều. Chúng tôi bèn làm công tác sơ cứu rồi tiến hành chụp X. quang. Kết quả chụp phim cho thấy nạn nhân không bị tổn thương ở não, tuy nhiên phải cần theo dõi tình trạng xấu có thể xảy ra. Nói chung đối với những vết thương ở đầu bao giờ cũng phải hết sức cẩn thận. Có những ca chấn thương bề ngoài thấy không có gì nguy hiểm nhưng thật ra đang tiềm tàng hiểm họa bên trong. Bệnh nhân kêu đau không ngủ được, tôi bảo y tá tiêm cho anh ta một liều thuốc giảm đau. Gần sáng, bệnh nhân bỗng ôm đầu kêu la dữ dội. Chúng tôi vội đưa anh ta trở lại phòng cấp cứu tiếp tục theo dõi. Một lúc sau cơn đau lắng xuống.
Lê Trực nói:
- Tại sao lại xảy ra như thế? Phải chăng bệnh đã chuyển hướng xấu đi?
Bác sỹ lắc đầu, nói:
- Không phải như vậy. Kết quả xét nghiệm chẳng có gì là nghiêm trọng cả. Hôm sau, anh ta xin xuất viện. Chúng tôi muốn giữ anh ta ở lại thêm một vài ngày để tiếp tục theo dõi nhưng anh ta không chịu, bảo có rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi làm thủ tục cho Nguyễn Văn Bình ra viện và có hẹn ngày đến tái khám.
- Hai Bình có đến tái khám không?
Bác sỹ gật đầu:
- Có. Sức khỏe bệnh nhân rất tốt chẳng có gì đáng phải lo lắng. Tuy nhiên lần tái khám sau bệnh nhân không đến.
Lê Trực nói làu bàu:
- Bởi vì Hai Bình đã mất tích.
*
Hai giờ chiều, Lê Trực có mặt tại công ty chế biến hàng mỹ nghệ xuất khẩu. Giám đốc công ty đang bận họp, anh phải ngồi chờ trong phòng khách. Cuộc họp kéo dài hơn ba mươi phút mới kết thúc.
- Xin lỗi vì đã để anh phải chờ lâu, - giám đốc Triệu chìa tay ra bắt, đoạn gọi nhân viên mang bình trà mới vào.
Hai người đàn ông nói chuyện xã giao vài câu, Lê Trực bắt đầu vào nội dung chính câu chuyện:
- Hai Bình đã từng làm việc ở đây?
- Bình nào nhỉ? À, Nguyễn Văn Bình đó hả. Đúng vậy, Hai Bình đã từng làm nhân viên bảo vệ tại công ty chúng tôi.
- Anh ta đã làm việc ở đây trong thời gian bao lâu?
Giám đốc Triệu uống một ngụm nước:
- Khoảng ba tháng.
- Sau đó thì sao? Anh ta tự ý nghĩ việc hay…
- Hai Bình tự ý bỏ việc. Tôi không hiểu tại sao nữa. Bởi anh ta có vẻ yêu thích công việc của mình.
Giám đốc Triệu hút thuốc:
- Hai Bình nghỉ việc tôi cũng lấy làm tiếc. Thật tình, tôi muốn đền đáp ơn cứu mạng. Nhưng dù sao, muốn đi hay ở cũng là lựa chọn của anh ta, tôi không thể ép buộc được.
Lê Trực nói:
- Ông nói đến ơn cứu mạng là như thế nào? Hai Bình đã từng cứu sống ông?
Giám đốc Triệu gật đầu:
- Đúng vậy, cha mẹ tôi cho tôi sự sống lần thứ nhất, Hai Bình cho tôi sự sống lần thứ hai. Nếu không có anh ta, tôi đã làm mồi cho cá từ lâu rồi, làm sao có cơ hội ngồi đây nói chuyện với anh.
Lê Trực nói:
- Ông có thể nói rõ hơn được không?
Giám đốc Triệu khẽ gật đầu:
- Tất nhiên là được. Hai Bình đã cứu tôi trong một tai nạn đắm đò. Chiếc đò đang đi qua sông giữa chừng bị sóng dữ nhấn chìm. Hai Bình đã cứu được cả thảy sáu người, trong đó có tôi.
Lê Trực nói:
- Tôi hiểu rồi. Và để đền đáp ơn cứu mạng, ông đã nhận Hai Bình vào làm việc tại công ty?
- Đúng vậy. Thật ra ban đầu Hai Bình không đồng ý. Anh ta bảo mình không có nghề ngỗng gì và ngại sẽ trở thành gánh nặng cho tôi. Dù sao Hai Bình cũng có lòng tự trọng. Những người như vậy ngày nay không có nhiều. Và tôi thuyết phục mãi Hai Bình mới chịu làm chân bảo vệ. Thật ra lúc ấy công ty của tôi cũng đang khuyết một chân bảo vệ. Cậu Trí lấy vợ và dọn lên thành phố, tôi cũng đang tìm người thay..
Lê Trực nói:
- Hai Bình hay rượu chè. Ông có nhận ra điều này không?
- Có, nhưng Hai Bình chỉ uống sau giờ làm việc. Biết Hai Bình không có chỗ ở, tôi bảo cậu ta ở tạm trong phòng bảo vệ. Căn phòng nhỏ nhưng đủ cho một người. Thỉnh thoảng tôi có ghé chơi và uống với Hai Bình vài ly. Tửu lượng của anh ta chẳng kém gì Võ Tòng, một trong một trăm lẻ tám anh hùng Lương Sơn Bạc. Anh đã đọc Thủy Hử của Thi Nại Am chưa?
Lê Trực gật đầu. Giám đốc Triệu nói tiếp:
- Hai Bình làm việc rất chăm chỉ và có trách nhiệm cao. Tôi rất tin tưởng vào năng lực của cậu ấy. Không hiểu sao cậu ta bỗng dưng nghỉ việc nửa chừng.
Lê Trực nói:
- Trước đó có xảy ra chuyện gì giữa Hai Bình với người trong công ty không? Ông có thấy sự ra đi của Hai Bình là khá bất ngờ?
- Không phải chỉ mỗi mình tôi mà tất cả những người làm việc trong công ty đều bất ngờ vì chuyện này. Còn trước đó quan hệ giữa Hai Bình và mọi người trong công ty rất tốt. Tất cả đều yêu quý Hai Bình. Sau này tôi mới biết Hai Bình xin vào làm tại lò bánh mỳ Ba Phát.
- Từ sau khi nghỉ việc ông có gặp Hai Bình lần nào nữa không?
- Có, vài lần. Chúng tôi cùng uống cà phê và tán gẫu.
- Ông có hỏi lý do vì sao Hai Bình rời khỏi công ty không?
- Có, Hai Bình bảo đơn giản là muốn thay đổi công việc. Lý lẽ này xem ra không thuyết phục. Công việc ở lò bánh rất vất vả mà lương không được bao nhiêu. Trong khi đó làm tại công ty thu nhập ổn định lại có bảo hiểm y tế và chế độ nghỉ phép hàng năm. Tôi có đề nghị Hai Bình quay lại với công việc nhưng cậu ta lắc đầu từ chối.
Lê Trực nói:
- Ông cố nhớ lại xem. Tôi đinh ninh đã có chuyện gì đó xảy ra Hai Bình mới rời công ty như vậy.
- Đã bảo là không – giám đốc Triệu nói:- Không có chuyện gì cả. Buổi tối hôm đó, tôi đến chỗ ở của Hai Bình. Lúc ấy Hai Bình đang uống rượu..
- Cậu định uống rượu trừ cơm à? – giám đốc Triệu nói.
Hai Bình rót chung rượu đưa cho ông Triệu:
- Anh uống với tôi vài ly. Buồn quá mượn rượu giải sầu thôi.
- Cậu có việc gì mà buồn? Chà rượu ngon đấy. Dù sao cũng nên điều độ lạm dụng quá có hại cho sức khỏe.
- Anh yên trí đi, tôi biết dừng lại đúng lúc. Anh đến đây chơi hay là có việc gì khác?
Giám đốc Triệu nói:
- Có đấy, chuyện vặt thôi mà. Cậu viết cho tôi bản sơ yếu lý lịch có xác nhận của địa phương nhé.
Vừa nghe xong, Hai Bình đang ly rượu lên miệng liền đặt trở xuống:
- Có cần phải làm như vậy không?
Giám đốc Triệu gật đầu:
- Đấy chẳng qua là thủ tục mà thôi. Tất cả những người làm việc tại công ty đều phải có lý lịch và đơn xin việc. Cậu chỉ cần bỏ ra một buổi là xong thôi mà. Tuần này cậu tranh thủ làm để nộp cho tôi nhé.
- Tôi uống với Hai Bình vài chung, nói chuyện tào lao một lúc rồi về. Sáng hôm sau, không thấy cậu ta đâu nữa, cứ như là cậu ấy bốc hơi vào không khí vậy. Tôi không hiểu tại sao Hai Bình bỏ ra đi mà không một lời giải thích.
Lê Trực nói:
- Trước khi vào làm việc tại công ty, ông có biết Hai Bình đã từng ở đâu, làm gì không?
- Một lần, tôi nghe cậu ta bảo làm việc trên ghe chở trái cây..
Lê Trực nói:
- Ông có biết chủ ghe tên gì, ở đâu không?
Giám đốc Triệu suy nghĩ một lúc, nói:
- Tôi nghe loáng thoáng chủ ghe tên Tám Sách. Vợ chồng Tám Sách chuyên thu mua trái cây ở các tỉnh miền Tây chở về thành phố bỏ lại cho các vựa trái cây ở các chợ đầu mối. Đấy là do Hai Bình tình cờ vuột miệng nói ra chứ tôi không có hỏi. Vả lại, Hai Bình hầu như không bao giờ kể về mình.
*