Vụ mất tích bí ẩn - Chương 10
Suốt một tuần tìm kiếm, cuối cùng Lê Trực cũng tìm được ghe vợ chồng Tám Sách đang neo đậu ở Bến Đỗ. Ông Tám Sách khoảng ngoài bảy mươi tuổi, dáng vẻ hãy còn săn chắc khỏe mạnh. Ông mặc mỗi chiếc quần cộc đang hò hét chỉ huy đám lính khuân vác từng giỏ cần xé trái cây lên ghe.
- Nhanh lên tụi bây! Trễ con nước không kịp giao hàng đúng hẹn, bạn hàng sẽ lóc thịt tao như Na Tra đó, biết chưa.
Lê Trực tay cắp cặp dò dẫm bước lên chiếc cầu ván cong oằn. Nước lớn. Ghe thuyền ra vào bến tấp nập.
- Chào bác, - Lê Trực nói:- Đang chuyển trái cây lên ghe để chở lên thành phố hả, bác?
Tám Sách khẽ gật đầu, đoạn đưa mắt nhìn Lê Trực như dò hỏi:
- Chú tìm tôi à?
Lê Trực gật đầu, nói:
- Dạ, tìm bác. Bác là bác Tám Sách?
- Tám Sách là tôi. Chú tìm tôi có việc gì không?
Câu chuyện liên tục bị ngắt quãng bởi Lê Trực phải liên tục nép người sang một bên nhường đường cho những người phu khuân vác trái cây lên ghe.
Ông Tám Sách xoa hai tay vào nhau, nói:
- Công việc cũng tạm ổn rồi. Mời chú vào trong nói chuyện. Đứng ngoài này bất tiện quá.
Lê Trực theo chân Tám Sách vào trong bên trong ghe. Bên trong hơi tối. Tám Sách kéo chiếc cửa sổ để cho ánh nắng rọi vào.
- Chú ngồi xuống đây. Uống rượu hay uống trà?
Lê Trực bảo uống trà. Tám Sách lấy ra chai nửa lít và ấm trà còn nóng.
- Tôi chỉ quen uống thứ “ nước mắt quê hương “ này. Trên ghe bao giờ cũng có sẵn trà nóng. Vợ tôi thích uống trà Bảo Lộc.
Tám Sách lấy bọc thuốc rê vấn một điếu. Một chiếc ca nô chạy qua, sóng vỗ tràn bờ, chiếc ghe lắc lư theo từng nhịp sóng.
- Chắc chú đến đây không phải để mua trái cây?
- Dạ, - Lê Trực đáp:- Tôi đến đây để hỏi một số thông tin có liên quan đến Hai Bình? Chắc bác còn nhớ Hai Bình chứ?
Mắt ông Tám Sách bỗng sáng lên:
- Hai Bình à! Nhớ chứ. Ai tôi có thể quên chứ Hai Bình làm sao quên được. Đấy là một chàng trai siêng năng, dễ mến. Tôi đã từng thuê mướn nhiều người nhưng không có ai chăm chỉ và thật thà như Hai Bình cả.
Ông Tám Sách nhấp một ngụm rượu rồi nheo mắt nhìn khách:
- Nhưng, có lẽ chú đã tìm nhầm chỗ rồi bởi vì Hai Bình đâu còn làm với chúng tôi nữa. Chú ấy đã bỏ đi từ lâu rồi.
Lê trực gật đầu:
- Dạ, tôi biết. Tôi đến đây để tìm hiểu một số thông tin về Hai Bình. Bác có biết tin Hai Bình đột nhiên mất tích..
Ông Tám Sách giật mình:
- Ồ, có chuyện đó nữa sao? Làm sao chú ấy có thể mất tích được nhỉ. Chuyện là như thế nào?
Lê Trực kể tóm tắt câu chuyện. Nghe xong, Tám Sách khẽ thở dài:
- Tội nghiệp chú ấy. Liệu Hai Bình có gặp nguy hiểm gì không?
Lê Trực lắc đầu:
- Tôi không biết. Hy vọng mọi việc không quá tồi tệ.
Tám Sách nhấp một ngụm rượu:
- Vợ chồng tôi thương yêu Hai Bình như người trong nhà. Lâu rồi không gặp vợ chồng tôi cứ nhắc hoài, không ngờ hôm nay lại xảy ra chuyện như vậy. Vợ tôi đi xuống chợ, nếu hay tin này chắc bả lo lắm.
Lê Trực uống một ngụm trà:
- Hai Bình làm việc với bác trong thời gian bao lâu?
Ông Tám Sách đưa đốt ngón tay ra tính nhẩm:
- Cũng khá lâu à, hơn bảy năm đấy. Hai Bình tỏ ra thạo việc và rất chăm chỉ. Hai vợ chồng tôi đã bàn với nhau sẽ nhận Hai Bình làm con nuôi. Chưa kịp nói gì thì Hai Bình bỗng dưng biến mất.
Lê Trực ngạc nhiên:
- Bác có biết tại sao không?
- Không, tôi hoàn toàn chẳng hiểu chuyện gì đã xảy ra. Vợ tôi cũng hết sức bất ngờ về điều này. Hai chúng tôi cứ nghĩ hoài không biết đã làm điều gì khiến Hai Bình phật ý mà bỏ đi.
Ông Tám Sách rót thêm chung rượu:
- Mang tiếng là người làm thuê nhưng vợ chồng tôi đối đãi Hai Bình như người trong nhà. Có món ngon vật lạ đều dành cho chú ấy. Bản thân Hai Bình cũng rất quý mến vợ chồng tôi. Vợ tôi thầm mong có một đứa con gái để gã cho Hai Bình nữa là..
Lê Trực nói:
- Khi đi Hai Bình có mang theo thứ gì không?
- Chỉ mang theo tư trang của mình thôi, còn lại, thì không đụng đến bất kỳ thứ gì. Hai Bình là người đàng hoàng ngay thẳng, chẳng bao giờ Hai Bình lấy của ai thứ gì. Và cũng vì đức tính này mà chúng tôi muốn nhận Hai Bình làm con.
- Hai Bình có biết ý định của vợ chồng chú không?
- Không, chúng tôi giữ kín chuyện này và định hôm nào có dịp thuận tiện mới nói.
- Hai Bình có bao giờ kể chuyện gia đình mình cho chú nghe không?
- Tôi chỉ biết Hai Bình là đứa trẻ mồ côi không nơi nương tựa. Trước khi về ở với chúng tôi, Hai Bình sống cùng cha con ông Sáu Đê.
- Sáu Đê là ai?
- Sáu Đê là người sống bằng nghề đăng cá ở xóm Chài.
- Chú có biết tại sao Hai Bình không sống cùng cha con ông Sáu Đê nữa không?
- Nghe đâu, giữa Hai Bình với Sáu Đê có chuyện hục hặc nên Hai Bình mới bỏ đi, còn hục hặc như thế nào, tôi không biết..
- Bác có quen biết với ông Sáu Đê?
Tám Sách gật đầu:
- Biết chớ. Tôi thường mua cá của Sáu Đê. Và có nhậu với nhau vài lần.
Lê Trực nói:
- Sáu Đê là người như thế nào?
- Tốt bụng. Ăn to nói lớn. Tính tình hào hiệp, phóng khoáng và vô lo.
- Bác có nhớ chính xác ngày Hai Bình rời khỏi ghe không?
Tám Sách gật đầu, nói:
- Nhớ chớ, đám giỗ hai đứa con tôi hôm trước thì hôm sau Hai Bình bỏ đi, vì thế, tôi nhớ rất rõ. Đó là ngày hai mươi sáu, tháng tám âm lịch.
Lê Trực thốt lên ngạc nhiên:
- Đám giỗ hai đứa con của bác cùng một lúc à?
Gương mặt Tám Sách bỗng tối sầm lại:
- Phải, các con của tôi đã chết một cách oan ức vì bom đạn chiến tranh. Đúng vậy, thủ phạm là do chiến tranh gây ra..
*
Nhang đã tàn. Hai Bình phụ vợ chồng Tám Sách bưng thức ăn đặt xuống sàn ghe. Mâm cỗ được bày ra, ba người ngồi vây quanh. Bà Tám Sách đang múc thức ăn cho mọi người. Ông Tám rót rượu ra hai cái chung hạt mít, đoạn ngẩng mặt lên và nói với Hai Bình:
- Hôm nay là ngày giỗ của con Hạnh với thằng Phúc. Khi sinh con ra ta đặt tên chúng là Hạnh Phúc, với ước mơ cháy bỏng mọi người được sống trong thanh bình, cơm no áo ấm. Vậy mà …- Giọng ông Tám Sách rè đi vì xúc động:- Chúng nó lại chết vì chiến tranh! Thế đấy, Hạnh phúc đã chết vì chiến tranh!
Ông Tám Sách tợp một ngụm rượu và ngồi thừ một lúc lâu. Gương mặt lộ vẻ đau đớn cùng cực:
- Trẻ thơ làm gì nên tội mà phải chết thảm như vậy. Tôi sẵn sàng chết thay để cho chúng được sống. Kiếp người sinh ra trong chiến tranh đã phải chịu cảnh khổ sở cùng cực vậy mà nào có được yên thân mà sống, hiểm họa luôn rình rập đe dọa sẽ cướp đi sự sống bất kỳ lúc nào.
Bà Tám Sách cũng khóc theo. Hai Bình cũng xúc động không kém. Ông Tám dùng tay gạt nước mắt và tiếp tục kể lể:
- Tụi nó chết thật thê thảm. Hai xác người gom chỉ được một nhúm thịt vụn chôn chung một quan tài..
Bà Tám Sách bỗng khóc ngất lên:
- Ông đừng nhắc lại thảm cảnh đau lòng đó nữa. Mỗi lần nhớ đến là tôi chỉ muốn chết theo chúng mà thôi.
Hôm ấy, vợ chồng Tám Sách ra ruộng, hai đứa con ở nhà. Một quả đạn pháo rót trúng ngôi nhà bay tuốt luốt. Hai đứa trẻ chỉ còn là những mẫu thịt vụn vương vãi khắp nơi. Thậm chí người ta phải trèo lên cành cây mà nhặt xuống. Sau vụ thương tâm đó, vợ chồng Tám Sách rời bỏ đất liền, xuống sông lênh đênh kiếp thương hồ.
Hai Bình ngồi im lặng hồi lâu:
- Hai người con của chú chết vì bom đạn của bên nào vậy?
Ông Tám Sách lắc đầu:
- Chẳng biết bên nào. Mấy ông cộng sản đổ tội cho mấy ông cộng hòa. Còn mấy ông cộng hòa thì đổ tội cho mấy ông cộng sản. Chẳng biết tin ai. Rốt cuộc chỉ có dân đen là lãnh đủ.
Kể từ lúc đó Hai Bình không nói thêm lời nào nữa và uống rượu liên tục.
*
Lê Trực nói:
- Trước khi đi Hai Bình có báo cho mọi người biết không?
Ông Tám Sách gật đầu:
- Có, hôm ấy vừa ăn điểm tâm xong, Hai Bình ăn mặc khá tươm tất tìm đến vợ chồng tôi . Tôi nheo mắt nhìn Hai Bình nói giỡn:- Bộ sửa soạn đi hỏi vợ hay sao mà ăn mặc bảnh bao vậy, Hai Bình?
Hai Bình im lặng hồi lâu. Cử chỉ lúng túng:
- Tôi đến để chào chú thím. Tôi…
Cả hai vợ chồng tôi cùng giật mình. Vợ tôi nói:
- Thằng Hai mày có chuyện gì buồn chú thím phải không?
Hai Bình lắc đầu:
- Không, chú thím đối xử rất tốt với tôi. Tôi đã đi làm nhiều nơi nhưng không chỗ nào tốt như ở đây. Tôi thật sự mang ơn chú thím nhiều lắm..
Tôi nóng nãy, nói:
- Vậy thì tại sao thằng Hai mày bỗng dưng đùng đùng đòi đi là nghĩa làm sao? Giải thích làm sao tao nghe thuận cái lỗ tai thì thôi.
Hai Bình nói:
- Tôi..tôi muốn thay đổi công việc.
Vợ tôi nói:
- Chỗ làm tốt như vầy sao lại muốn thay đổi. Rõ ràng thằng Hai có chuyện gì giấu vợ chồng già này phải không?
Hai Bình nuốt nước bọt:
- Không có chuyện gì cả. Tôi muốn làm việc trên bờ. Ở mãi trên ghe tù túng quá.
- Chẳng có gì tù túng cả. Xong việc mọi người vẫn lên bờ đấy thôi. Lý do này không thuyết phục. – vợ tôi nói.
- Tôi đã chán cảnh sông nước rồi. Tôi muốn thay đổi điều kiện làm việc..
Vợ tôi nói:
- Trên bờ coi vậy mà không dễ sống đâu. Vả lại thằng Hai mày không có ai là họ hàng thân thích, không một nơi nương tựa thì biết bấu víu vào đâu. Suy nghĩ lại đi Hai.
- Tôi đã quyết định rồi..
Tôi lừ mắt nhìn vợ, nói lẩy:
- Giữ người ở lại chớ không giữ người đi. Thằng Hai đã quyết định rồi tôi với bà cố giữ cũng không được. Bà ngồi đây nói chuyện với nó, tôi đi có việc đây.
Đoạn tôi hằm hằm bước xuống chiếc xuống tam bản, cầm giầm chèo đi một mạch chẳng thèm ngoáy đầu nhìn lại. Tôi chèo đến mỏi tay thì quay trở về, lúc này Hai Bình đã đi rồi.
Lê Trực nói:
- Sau khi lên bờ, Hai Bình có ghé thăm bác lần nào không?
Ông Tám nói:
- Có, Hai Bình có ghé thăm vài lần. Lần nào tôi với Hai Bình cũng uống vài chung rượu. Tôi hỏi cuộc sống trên bờ như thế nào, Hai Bình gật đầu bảo cũng tàm tạm. Tôi dặn khi nào chán sống trên bờ thì xuống dưới ghe, lúc nào vợ chồng tôi cũng sẵn sáng đón Hai Bình trở lại.
Lê Trực xen vào:
- Và Hai Bình đã không quay trở lại?
Ông Tám Sách gật đầu:
- Đúng vậy. Đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp nhau. Không ngờ, bây giờ lại nghe tin Hai Bình mất tích. Nhiều năm đã trôi qua, tôi cứ nghĩ mãi không hiểu tại sao Hai Bình lại rời bỏ chúng tôi.
*
Xóm Chài là khu dân cư chừng vài chục hộ nằm nép mình bên dòng sông xanh uốn khúc. Lê Trực hỏi thăm người đàn ông đang ngồi câu cá dưới bóng cây râm mát:
- Chú ơi, làm ơn chỉ đường đến nhà ông Sáu Đê.
- Sáu Đê ba cô Lành phải không? Anh cứ đi thẳng đến cuối xóm thì rẽ phải. Nhà Sáu Đê là căn đầu tiên bên tay trái.
Lê Trực cám ơn người đàn ông rồi đi theo sự hướng dẫn. Cửa nhà đóng kín, Lê Trực đưa tay gõ nhẹ lên cánh cửa. Từ bên trong có tiếng dép lẹt xẹt vọng ra. Một bé trai chừng mười hai, mười ba tuổi với chiếc đầu húi cua đưa cặp mắt hiếu kỳ nhìn khách:
- Chú tìm ai vậy?
Lê Trực không trả lời câu hỏi của thằng bé mà hỏi lại:
- Đây có phải là nhà ông Sáu Đê không cháu?
Thằng bé khẽ gật đầu, nói:
- Phải, nhưng ông ngoại cháu đi vắng rồi. Cả mẹ cháu cũng thế. Chú chịu khó đứng chờ bên ngoài. Ngoại cháu dặn không tiếp người lạ khi không có người lớn ở nhà.
Nói xong, thằng bé xoay người bước vào bên trong. Lê Trực lấy thuốc lá ra hút. Hút gần xong điếu thuốc thì thấy một người phụ nữ ngoài ba mươi tuổi từ xa bước đến, trên tay cầm chiếc giỏ đựng trái cây trĩu nặng:
- Vinh ơi, mẹ về rồi đây!
Thằng bé lúc nãy chạy ra đón lấy giỏ trái cây từ tay người phụ nữ. Đoạn đưa mắt nhìn về phía Lê Trực:
- Chú này tìm ông ngoại.
Người phụ nữ khẽ gật đầu chào khách rồi cất giọng vừa đủ nghe:
- Ba tôi ra thị xã có chút việc chắc cũng sắp về rồi. Mời anh vào nhà.
Bên trong bày trí sơ sài, ngăn nắp. Chính giữa nhà có kê chiếc bàn hình chữ nhật và vài chiếc ghế tựa. Lê Trực thấy trên bàn thờ có đặt bức ảnh người đàn ông quá cố khoảng ngoài ba mươi tuổi.
- Mời anh dùng nước. Tôi tên Lành. Còn anh là..?
- Tôi tên Trực, cán bộ phòng cảnh sát hình sự tỉnh.
Lành tỏ vẻ lo lắng:
- Công an à? Anh tìm ba tôi có việc gì?
Lê Trực nói:
- Tôi muốn gặp ba cô để hỏi thăm một số việc. Cô đừng lo lắng.
Gương mặt Lành giãn ra. Vinh từ phía sau đi, tay bưng dĩa quýt đặt lên bàn thờ, rồi day mặt về phía Lành:
- Mẹ đốt nhang cho ba đi.
Lành đốt mấy nén nhang cắm vào bát hương rồi quay trở lại chỗ ngồi.
Lê Trực uống một ngụm nước:
- Chồng chị bị bệnh gì mà chết trẻ như vậy?
Lành thở dài buồn bả:
- Ảnh không chết vì bệnh tật mà chết vì bom đạn. Con trai tôi phải mồ côi cha khi vừa biết đi chập chững.
- Như vậy chồng chị mất đã gần mươi năm rồi nhỉ?
Lành gật đầu:
- Hơn mười năm rồi anh ạ. Ảnh cuốc phải mìn trong chiến tranh còn sót lại. Mấy người làm bên cạnh chỉ bị thương nhẹ, còn ảnh thì chết tan xác!
Những từ cuối bị biến dạng và rè đi. Lê Trực hút thuốc lá. Vinh tay cầm diều bước nhanh ra cửa:
- Con đi thả diều nhé. – đoạn Vinh hướng cái nhìn về phía Lê Trực:- Chào chú.
Lê Trực nhìn theo thằng bé, nói:
- Cháu học đến lớp mấy rồi, chị?
Lành đáp:
- Nó đang học lớp bảy. Sang năm lên lớp tám. Suốt bảy năm liền nó đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Tất cả hy vọng tôi đều đặt vào nó. Tôi nhất quyết không để nó khổ cực như ba mẹ của nó.
Lê Trực đưa tay xem giờ tỏ vẻ sốt ruột. Lành nói:
- Không hiểu sao ba tôi hôm nay lại về muộn như thế. Mọi khi vào giờ này ba đã có mặt ở nhà.
Lành bảo ba cô bị bệnh chứng thấp khớp kinh niên. Hàng tuần phải ra thị xã lấy thuốc:
- Anh muốn hỏi ba tôi những chuyện gì vậy? Biết đâu tôi có thể trả lời giúp anh.
Lê Trực nói:
- Tôi muốn hỏi thăm một số thông tin về Hai Bình. Chắc cô biết Hai Bình chứ?
Lành giật mình thốt lên ngạc nhiên:
- Anh Hai Bình à? Đã gần mười lăm năm rồi chúng tôi đâu còn liên lạc với nhau nữa.
Lê Trực gật đầu:
- Tôi muốn tìm hiểu trong khoảng thời gian Hai Bình sống tại nhà cô.
Lành lo lắng, nói:
- Những chuyện này không cần đợi đến ba tôi, tôi có thể trả lời cho anh được. Nhưng tôi không hiểu anh tìm hiểu về anh Hai Bình nhằm mục đích gì? Chuyện gì đã xảy đến với ảnh?
Lê Trực kể vắn tắt chuyện Hai Bình bị mất tích. Lành đưa tay đặt lên ngực cố kiềm chế cảm xúc:
- Trời ơi, tại sao lại như thế? Tại sao vận rủi luôn bám theo ảnh? Ảnh là người đàn ông tốt nhưng luôn gặp nhiều bất hạnh. Tại sao ông trời luôn đối xử bất công với ảnh như vậy?
Đợi cho cơn xúc động lắng xuống, Lê Trực nói:
- Hai Bình ở nhà cô trong thời gian bao lâu?
Lành suy nghĩ một lúc rồi nói:
- Gần một năm, chính xác là mười một tháng, hai mươi mốt ngày.
Lê Trực nói:
- Trong thời gian ấy Hai Bình làm những công việc gì?
- Ảnh theo ba tôi đi đăng cá. Nếu không đi bắt cá thì ảnh đi làm thuê làm mướn kiếm sống.
- Cụ thể là những công việc gì?
- Việc gì ảnh cũng làm; cuốc mướn, khuân vác, làm phụ hồ, làm mộc…Anh Bình có thể làm nhiều việc nhưng không thạo nghề nào. Ảnh tỏ ra rất khéo tay. Chiếc bàn này là do ảnh đóng đấy.
Lê Trực nhìn chiếc bàn, nói:
- Đóng rất khéo chẳng thua gì thợ mộc lành nghề. Những chiếc ghế này cũng do Hai Bình đóng à?
- Vâng, cũng một tay ảnh làm ra cả đấy. Ảnh vẽ cũng rất đẹp. Tôi còn giữ mấy bức ký họa của ảnh để làm kỷ niệm, tiếc là, sau lần làm nhà mấy bức tranh đó bị thất lạc. Vì chuyện này mà tôi mất ngủ mấy đêm liền.
- Dường như cô có cảm tình đặc biệt với Hai Bình?
Lành im lặng không trả lời. Gương mặt thoáng buồn:
- Anh đã xác định được nguyên nhân mất tích của anh Hai Bình chưa?
Lê Trực lắc đầu:
- Kết quả thật đáng thất vọng, đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả gì cả.
Lành tỏ vẻ băn khoăn:
- Ảnh đi đâu được chứ? Người tốt bụng hiền lành như ảnh lại cũng có kẻ thù sao? Hay là ảnh bị một tại nạn nào đó?
Lê Trực nói:
- Lúc đầu chúng tôi nghĩ Hai Bình bị chết đuối nhưng không phải. Chúng tôi đã tìm kiếm suốt mấy hôm liền nhưng không tìm thấy xác Hai Bình. Hy vọng anh ấy còn sống.
Lành nói:
- Cầu trời khẩn Phật cho ảnh tai qua nạn khỏi. Cả đời anh ấy chỉ gặp toàn những bất hạnh..
Lê Trực nói:
- Hai Bình sống với gia đình cô trong một thời gian dài, chắc cô hiểu rõ về Hai Bình?
Lành lắc đầu. Lê Trực tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Chẳng lẽ cô không biết chút gì về Hai Bình à? Trong thời gian sống tại nhà cô, Hai Bình không nói gì về bản thân của mình hay sao? Chẳng lẽ mọi người dám chứa người lạ trong nhà mà không biết gì về bản thân của anh ta?
Lành cũng ngạc nhiên không kém:
- Ô hay, anh không biết anh Hai Bình bị mất trí nhớ hoàn toàn à? Anh ấy không nhớ gì về quá khứ của mình cả. Ảnh không biết mình là ai, tên gì, từ đâu đến. Cái tên Hai Bình là do tôi đặt cho ảnh đấy...
*
Bữa ăn tối được dọn ra trên chiếc chõng tre. Sáu Đê rót rượu ra cái chung bằng sứ rồi đưa cho Hai Bình:
- Ly rượu này uống mừng chú mày đã trở thành thành viên chính thức trong ngôi nhà này.
Hai Bình đón ly rượu từ tay Sáu Đê, nói bằng giọng xúc động:
- Tôi mắc nợ chú Sáu và em Lành nhiều quá kiếp này không mong gì trả hết. Tôi xin uống cạn ly này cám ơn mọi người đã cứu sống và cưu mang tôi.