Tìm Trong Nỗi Nhớ - Chương 07-08
“Anh chưa định gì hết cả. Để xem tình hình thế nào cái đã.”
K. đã trả lời tôi như vậy trong cuộc nói chuyện điện thoại lần thứ hai của chúng tôi sau ngày tôi về Hà Nội, khi tôi nhắc lại câu hỏi muôn thuở của mình: “Anh định bao giờ thì về nước?”
Lần nói chuyện đầu tiên, lúc tôi mới về được một tuần, K. vẫn còn bảo anh sẽ cố về sau một, hai tháng nữa. Một tháng trôi qua, bây giờ, đến cả một cái thời hạn anh cũng không thể xác định nổi. Giọng anh đầy vẻ mệt mỏi và thiếu tin tưởng đến nỗi tôi không dám gặng hỏi gì thêm. Mà có hỏi nữa thì cũng vô ích. K. vẫn tránh nói về chuyện làm ăn của mình như thường lệ. Chỉ nói đi nói lại là anh rất nhớ tôi. Rồi anh hỏi tôi đã quen được với cuộc sống ở trong nước chưa, đã nghĩ đến chuyện thử đi xin việc làm chưa?
Rời máy điện thoại, tôi ngồi lặng hồi lâu, nước mắt chỉ chực trào ra. Tôi đã hy vọng biết bao nhiêu vào cú điện thoại này. Tôi cứ đinh ninh rằng K. gọi điện để báo cho tôi biết ngày giờ anh về nước. Thế mà giờ đây thậm chí anh không còn dám hứa hẹn bất cứ điều gì. Tình hình ngày càng xấu hơn, hay trước kia nó đã xấu như vậy rồi, mà K. cứ hứa bừa để giữ tôi ở lại? Một linh cảm đen tối ập đến bóp nghẹt tim tôi. Lần đầu tiên kể từ ngày cầm trên tay tấm vé máy bay về Hà Nội, tôi tự hỏi liệu quyết định về nước của mình lúc đó có vội vàng quá không?
Dù thế nào đi nữa thì bây giờ cũng không thể nghĩ đến chuyện trở lại Matxcơva được. Chỉ còn cách duy nhất là ổn định dần cuộc sống ở Hà Nội trong lúc chờ đợi K. về.
Một tháng sau ngày về nước, tôi bắt đầu tính chuyện đi xin việc. Lúc mới về, nhiều người xui tôi là cứ nghỉ ngơi vài tháng cho bõ tám năm đèn sách nhọc nhằn, chứ làm việc thì còn làm cả đời, đi đâu mà vội. Nhưng chỉ nghỉ được hai ba tuần, đi thăm họ hàng bạn bè một lượt xong, tôi đã bắt đầu cảm thấy buồn chán. Nửa năm ngồi đợi K. ở Matxcơva đã làm tôi ngấy đến tận cổ cuộc sống ăn không ngồi rồi. Thêm nữa, nhìn bạn bè nhiều người về nước trước tôi cả năm mà giờ vẫn cứ lông bông chưa có việc làm, tôi đâm ra sốt ruột, nghĩ mình cần phải nhanh chân, chứ không lại rơi vào cảnh trâu chậm uống nước đục.
Tôi bắt đầu bằng việc đi tìm hiểu tình hình, lên một danh sách các cơ quan cần đến những ngành nghề gần gũi với chuyên môn của tôi. Sơ bộ ban đầu, có khoảng hơn một chục cơ quan như vậy đóng trên địa bàn Hà Nội hoặc các vùng lân cận. Tôi đánh số theo thứ tự ưu tiên, đứng đầu là những cơ quan mà tôi thích nhất, đến cuối bảng thì là những nơi không thật phù hợp với ngành học của tôi, nhưng nếu không kiếm được chỗ khác thì làm việc ở đó cũng tạm được.
Tuy đã đi học ở nước ngoài tám năm, tôi vẫn có đủ kiến thức thực tế để hiểu rằng nếu tự dưng lại tò tò vác mặt đến xin việc ở một cơ quan không có quan hệ quen biết gì, thì chắc chắn người ta sẽ nhìn mình như nhìn người từ hành tinh khác rơi xuống. Vì vậy, bước tiếp theo của tôi là mở cuộc điều tra trong tất cả bà con họ hàng xa gần lẫn bạn bè người quen thân sơ, xem có người nào dính dáng dây mơ rễ má gì đến những cơ quan mà tôi đang nhòm ngó không.
Thật là một công việc mò kim đáy bể. Hai bố con tôi ngồi bàn bạc suốt cả buổi tối mà không tìm ra được một ai có thể giúp tôi xin việc. Cả họ nhà tôi xưa nay chẳng có ai học ngành tâm lý bao giờ. Bố tôi là kỹ sư, làm việc ở một Viện khoa học kỹ thuật. Mẹ tôi khi còn sống cũng là kỹ sư, làm việc ở một nhà máy.Tóm lại là phạm vi quan hệ của bố mẹ tôi hoàn toàn không có liên quan gì đến lĩnh vực ngành nghề của tôi.
Tình hình khả quan hẳn lên khi bố con tôi đi tham khảo ý kiến họ hàng. Chú tôi cho biết rằng một bà làm việc cùng phòng với chú có ông chồng vốn là viện phó của viện B (cơ quan đứng thứ hai trong danh sách của tôi), nay đã về hưu. Cô tôi thì nhớ ra được rằng mẹ của anh bạn rất thân của cậu em họ tôi (tức là con trai đầu của cô tôi) là giảng viên đại học, dạy chính ở khoa C (đứng thứ ba trong danh sách của tôi). Bà bác ruột (chị ruột của mẹ tôi) lại cung cấp thêm rằng cô em chồng của bác có ông chồng làm việc ở cơ quan E (đứng thứ năm trong danh sách ), ông này vừa mới về hưu cách đây có vài tháng.
Vậy là trước mắt tôi đã có con đường tiếp cận đến ba cơ quan. Tôi đành từ bỏ mơ ước về Viện A, cơ quan mà tôi xếp số một trong danh sách, vì không tìm được người quen nào ở đó. Bù lại, tôi có thể tự coi mình là người tốt số, nếu xin được vào làm việc ở một trong ba cơ quan B, C và E.
Sau khi được ông chú, bà cô và bà bác dẫn đi thăm hỏi, trình diện (và quà cáp) ở ba nơi cần thiết, tôi đã có trong tay hai lá thư giới thiệu, lời lẽ rất nhiệt tình, làm vũ khí phòng thân để đến Viện B và cơ quan E. Riêng cô Châu, mẹ của anh bạn cậu em họ tôi thì lại còn nhiệt tình hơn một bậc: cô hẹn ngày đích thân dắt tôi đến trường để yết kiến ông trưởng khoa C.
Viện B là nơi mà tôi chọn để mở màn chiến dịch đi xin việc của mình.
Chẳng cần học tâm lý cũng phải biết rằng ấn tượng đầu tiên là hết sức quan trọng. Vì vậy, buổi sáng hôm ấy, tôi mất hơn nửa tiếng đồng hồ để lựa áo chọn quần. Tiêu chuẩn là trang nhã mà không già, tươi trẻ mà không lòe loẹt, diện nhưng không được phô trương quá làm cho người ta ghét, giản dị nhưng không được nhếch nhác để người ta có thể coi thường... Toàn bộ kho quần áo của tôi đem ở Nga về bị bới tung ra nhưng tôi không thể tìm được cái gì khả dĩ đáp ứng được những yêu cầu trên. Cuối cùng tôi đành phải cắn răng khoác vào người mình một bộ, nhủ thầm rằng nếu mình biết cách thì lụa sẽ đẹp vì người.
Tiếp đó, mục trang điểm mà mọi khi tôi chỉ mất có mười phút là xong, lần này cũng ngốn của tôi mất đứt hơn nửa tiếng. Sau ba lần bôi vẽ mắt xanh mỏ đỏ rồi xóa đi làm lại từ đầu (lúc thì đậm quá, lúc thì nhạt quá), tôi đành phải dừng lại ở lần thứ tư, không phải do đã chọn được gam màu thích hợp, mà vì sợ nếu còn tiếp tục thì chắc là đến chính ngọ mới có thể xuất hành. Hớt hải nhét cái thư quý vào túi rồi dắt xe ra ngoài cửa, chuẩn bị lên xe mới tôi sực nhớ ra rằng mình để quên tập hồ sơ ở nhà, lại phải quay vào lấy. Lúc đi ra vội vã, tí nữa thì tôi đâm sầm phải cô bé hàng xóm đang lễ mễ xách hai tay hai xô nước. Cô hàng xóm cười hỏi thay câu chào: “Chị L.C. đi đâu mà diện thế?” Tôi cười đáp lại rồi lao vọt đi, vốn tính vô thần nên chẳng nghĩ ngợi gì, nhưng đến tối về ngán ngẩm nhớ lại mới thấy rằng cái câu “ra ngõ gặp gái” của ông bà mình có khi lại đúng. Rõ ràng ngày lành, tháng tốt, thời tiết đẹp, thế mà đi chẳng được việc gì.
Đến viện B, cầm lăm lăm lá thư của ông cựu viện phó trong tay, tôi vào xin gặp ông viện trưởng.
- Cô tìm bác viện trưởng có việc gì?, - một bà quãng ngoài năm chục tuổi, mặt khó đăm đăm, ngồi ở một cái phòng mà tôi đoán là phòng thường trực, hỏi.
- Dạ, cháu có một cái thư của bác Bình gửi cho bác viện trưởng ạ, - tôi vừa nói vừa đưa cái thư quý cho bà này xem.
Bà ta lơ đãng liếc qua phong bì rồi lại hỏi:
- Bình nào nhỉ?
- Dạ, bác Bình trước là viện phó ở đây, - tôi trả lời.
- À à..., - người đối thoại của tôi gật gù đáp lại một cách khó hiểu như vậy rồi cúi xuống tờ báo đang đọc dở.
Tôi đứng đần ra một lúc, hy vọng bà ta sẽ ngẩng lên nói tiếp, nhưng đợi mãi không thấy động tĩnh gì, tôi đành phải đánh bạo hỏi tiếp:
- Thưa bác, cháu có thể vào gặp bác viện trưởng bây giờ không ạ?
- Cô cứ để thư lại đây rồi tôi chuyển cho, - người đối thoại của tôi nói, không buồn ngẩng đầu lên.
- Nhưng cháu có việc cần phải nói trực tiếp với bác viện trưởng cơ ạ.
- Bác viện trưởng đang bận họp, chẳng biết sáng nay có xong không. Không xong buổi sáng thì chiều còn họp tiếp. Cô muốn đợi thì ra ngồi trước cái cửa phòng ở cuối hành lang kia mà đợi.
- Thế cháu có thể gặp bác viện trưởng một hôm khác được không ạ, một hôm nào đó không có họp? - nghĩ đến chuyện chờ đợi vô vọng, tôi hơi nản, định lấy hẹn trước cho một ngày khác.
- Tôi không biết, cô tìm bác ấy mà hỏi. Nói chung thì ngày nào bác ấy cũng bận, không họp chỗ này thì họp chỗ kia.
Không còn cách nào khác, phải đợi thôi. Tôi ra trước cửa căn phòng ở cuối hành lang, nhớ lời dặn “ngồi đợi” nên bèn nhìn quanh quất tìm một cái ghế để ngồi. Hành lang trống trơn, không có bất cứ một vật gì có thể làm chức năng của ghế. Chắc bà kia có ý nói ngồi bệt, ngồi xổm hay ngồi lên thành cửa sổ chăng? Tôi không dám chọn kiểu nào trong ba kiểu ngồi nói trên, cho nên đành dựa lưng vào tường đứng đợi.
Một tiếng đồng hồ trôi qua, chân tôi bắt đầu tê cứng. Tôi bèn đi đi lại lại trong hành lang, không dám xa cái cửa phòng kia quá năm mét, mắt vẫn dán chặt vào đó. Thỉnh thoảng lại có người đi qua hành lang, nhìn tôi tò mò, nhưng không hỏi gì, tôi cũng thấy chả có việc gì phải hỏi, cho nên chỉ tập trung toàn bộ sức lực vào việc bám sát mục tiêu.
Hai tiếng đồng hồ trôi qua, đã gần mười hai giờ trưa, tôi bắt đầu thoái chí thì cánh cửa phòng đột nhiên bật mở. Một tốp chừng bốn năm người đi ra. Tôi lao đến, hỏi ngay ông đi đầu: “Chú làm ơn cho cháu hỏi bác viện trưởng có ở đây không ạ?” Ông này nhìn tôi tủm tỉm cười, lúc đó tôi mới nhận ra rằng “chú” chỉ quãng ngoài ba mươi, hơn tôi dăm tuổi là căng. “Bác viện trưởng đang ở trong phòng đấy”, “chú” chỉ tay vào phòng nói rất nhã nhặn.
Qua cánh cửa hé mở, tôi nhìn thấy ông viện trưởng ngồi trầm ngâm trước một chồng tài liệu, có vẻ đang suy nghĩ rất mông lung. Tôi ý tứ gõ nhẹ vào cánh cửa hai tiếng. Đợi một lát, chẳng thấy động tĩnh gì, tôi bèn gõ tiếp hai cái nữa, mạnh hơn lần trước. Ông viện trưởng vẫn ngồi trầm tư, mắt tiếp tục nhìn vào cõi hư vô. Để kéo ông trở lại với thực tế, tôi đánh liều gõ ba tiếng “cộc cộc cộc” thật to. Quả là hiệu nghiệm, viện trưởng giật nảy mình, quay nhìn ra cửa rồi nghiêm khắc hỏi:
- Có chuyện gì thế?
Hốt hoảng trước sự nghiêm khắc của viện trưởng, tôi luống cuống nói líu cả lưỡi:
- Dạ, thưa bác, cháu... cháu có việc...
- Việc gì? - viện trưởng cắt ngang.
- Dạ, cháu có việc xin được gặp bác ạ.
- Cô ở phòng ông Liêm phải không? Đã xin ý kiến trưởng phòng chưa?
- Dạ, không ạ, cháu không ở phòng nào cả, - tôi hoang mang nói.
- Không ở phòng nào thì đến đây có việc gì? – ông viện trưởng bắt đầu có vẻ khó chịu.
- Dạ, cháu có một cái thư của bác Bình gửi bác, nói rõ chuyện này, - vừa nói, tôi vừa đưa bức thư ra.
- Bình nào? - ông viện trưởng hỏi, không buồn nhìn vào phong bì.
- Dạ, bác Bình trước là viện phó ở đây.
- À à..., - lại một chuỗi “à à” bí hiểm hệt như cái bà ở phòng thường trực, rồi ông viện trưởng cầm phong bì, lấy thư ra đọc.
Tôi nín thở, hồi hộp theo rõi từng nét mặt, cử chỉ của ông.
Đọc được một chút, viện trưởng có vẻ sốt ruột, ông gập thư lại rồi ngẩng lên bảo tôi:
- Tóm lại là cô muốn về làm việc ở đây phải không?
- Dạ, vâng ạ, - tôi đáp.
- Thôi, thế này nhé, để tôi dẫn cô ra gặp cậu Công, phụ trách về tổ chức cán bộ ở đây, chuyện này phải làm việc trực tiếp với cậu ấy mới được. Cầm cả cái thư này đưa cho cậu ấy xem, - ông viện trưởng vừa nói vừa đứng lên, đưa cái thư lại cho tôi và đi ra cửa, ra hiệu cho tôi đi theo.
Tôi cầm lấy cái thư bảo bối của mình và lẽo đẽo theo đuôi ông viện trưởng. Đi được một đoạn trong hành lang thì thấy một người đàn ông bước từ một căn phòng ra, khép cửa lại rồi bước đi. Ông ta không nhìn thấy chúng tôi. Ông viện trưởng gọi:
- Này, Công!
- Dạ, anh gọi em ạ? - người đàn ông quay lại, cười rất nhũn nhặn.
- Có cô này muốn xin về làm việc ở đây. Cậu xem tình hình thế nào thì nói cho cô ấy biết. Có thủ tục gì cần làm thì hướng dẫn người ta, - ông viện trưởng nói, rồi vừa định quay đi thì ông sực nhớ, bèn nói tiếp:
- Cô ấy có cái thư giới thiệu, cậu đọc kỹ xem trong thư nói gì.
- Dạ, vâng, em sẽ giải quyết ngay chuyện này, - ông Công nói, vẫn với nụ cười nhũn nhặn trên môi. Rồi ông ta quay sang tôi, bảo:
- Bây giờ hết giờ làm việc buổi sáng rồi. Cô về nhà nghỉ ngơi rồi đầu giờ buổi chiều quay lại đây, ta nói chuyện.
Đúng hai giờ chiều, tôi có mặt ở trước cửa phòng ông Công. Cửa đóng im ỉm. Tôi thử gõ nhẹ hai tiếng, rồi lại ba tiếng tiếp theo mạnh hơn. Không có ai trả lời. Tôi bèn kiên tâm đứng đợi.
Lần đợi này may mắn hơn buổi sáng. Quãng hai giờ rưỡi, khi chân tôi mới bắt đầu mỏi chứ chưa kịp tê cứng, thì ông Công xuất hiện.
- À, cô đến rồi đấy à, vào đây, - ông Công vừa nói, vừa mở cửa phòng bước vào.
Tôi vào theo, đang lựa lời để nói thì cán bộ tổ chức đã nhanh nhẹn bảo:
- Thư giới thiệu của cô đâu, đưa tôi xem nào.
Tôi vội vã đưa ngay bảo bối. Ông Công vừa cầm phong bì vừa hỏi:
- Ai viết cho cô thư này?
- Dạ, bác Bình, trước là viện phó ở đây ạ, - rút kinh nghiệm hai lần trước, tôi khai tuồn tuột ra ngay để tránh câu hỏi “Bình nào?”
- À, à..., - cán bộ tổ chức gật gù. Rồi ông gập luôn cái thư vừa mới lấy ra chưa kịp xem, nhét lại vào phong bì và lắc đầu bảo:
- Ông Bình về hưu lâu rồi, thành ra quên hết cả nguyên tắc làm việc. Lẽ ra ông ấy phải giới thiệu cô lên Bộ, Bộ có giới thiệu xuống thì chúng tôi mới nghiên cứu xem có phù hợp với Viện không, có thể nhận được không. Nói thật với cô, hiện giờ chúng tôi cũng không có biên chế đâu. Biên chế là ở trên Bộ dội xuống, mà muốn làm hợp đồng để đợi biên chế thì cũng phải do Bộ quyết định mới được. Tóm lại là cô phải lên Bộ cái đã. Lấy được cái giấy giới thiệu của Bộ xuống đây, thì chúng tôi sẽ nhận hồ sơ của cô và xem xét.
Rồi ông Công đưa trả lại tôi lá thư. Tôi chẳng còn biết nói gì nữa, đành chào một câu và lủi thủi đi ra.
Mấy ngày sau, tôi đi lên Bộ, đương nhiên là phải được trang bị bằng một lá thư giới thiệu, cũng của bác Bình. Chú tôi đã lóc cóc đến nhà bác nói khó thêm lần nữa. Nể đồng nghiệp của vợ lắm, bác Bình mới viết thêm cho một lá thư, dài chỉ bằng nửa thư trước, độ nhiệt tình cũng giảm đi một nửa. Nhưng tôi đã có kinh nghiệm là nội dung dài ngắn ra sao không quan trọng, người ta đâu có thời giờ đọc hết lá thư. Cái chính là có tên người nhận ở ngoài phong bì, để tôi còn có chỗ mà bấu víu.
Người mà bác Bình có nhã ý gửi gắm tôi trên Bộ là một bà trông tuổi chắc cũng sắp về hưu đến nơi. Tôi phải mất thời gian giải thích khá dài dòng bà mới hiểu bác Bình của tôi là ai. Có điều đáng mừng là sau khi hiểu ra, bà bèn mở thư ra đọc rất chăm chú. Đáng mừng hơn nữa là đọc xong bà còn đăm chiêu suy nghĩ một lúc (chứng tỏ có sự quan tâm!). Rồi bà hỏi tôi:
- Hồ sơ của cô chuyển lên Bộ lâu chưa?
Tôi vội rút ngay tập hồ sơ của mình ra và nói:
- Cháu chưa nộp hồ sơ. Cháu nộp ngay bây giờ có được không ạ?
Bà bạn bác Bình xua tay, có vẻ ngán ngẩm vì sự thiếu hiểu biết của tôi:
- Không, là tôi nói hồ sơ do Viện chuyển lên ấy chứ, cái quan trọng là phải có ý kiến của Viện.
- Ở Viện người ta bảo cháu là phải có Bộ giới thiệu xuống thì người ta mới nhận hồ sơ.
- Ai bảo cô mà linh tinh thế? Viện có chuyển hồ sơ lên thì Bộ mới căn cứ vào đó mà xem xét được chứ.
- Vậy bác có thế cấp cho cháu một cái giấy giới thiệu xuống Viện, để cháu được nộp hồ sơ ở Viện không ạ?- tôi năn nỉ.
- Không có nguyên tắc làm việc nào như thế cả, - bạn bác Bình trả lời. – Làm thế rồi người ta lại bảo là trên áp đặt dưới. Cô cứ về nộp hồ sơ ở Viện đi. Khi nào Viện chuyển lên Bộ thì tôi sẽ cố giúp cô ở trên này. Nhưng đầu tiên phải ở cấp Viện cái đã. - Rồi bà đổi giọng rất thân mật: - Bảo bác Bình viết cho cái thư đến Viện. Bác ấy vốn là người của Viện, dễ quá còn gì.
- Bác Bình đã viết thư cho cháu đến Viện rồi, nhưng người ta bảo phải có Bộ giới thiệu mới được, - nhớ đến ông Công, tôi cố lèo nhèo.
Nhưng bà bạn bác Bình tỏ ra không muốn tiếp tục câu chuyện nữa. “Bao giờ hồ sơ của cô chuyển từ Viện lên đây thì báo cho tôi biết”, bà nói rồi đứng dậy đích thân đưa tôi ra khỏi phòng.
Hôm sau, tôi nhẫn nhục vác mặt đến viện B lần nữa để trình bày với ông Công ý kiến của “Bộ”. “ Bộ nào bảo cô mà linh tinh thế, - ông Công nói. – Nguyên tắc làm việc xưa nay vẫn thể, Viện cứ thế mà làm. Bộ muốn thay đổi thì gửi công văn xuống đây. Trong khi chưa có gì thay đổi, thì cứ phải có giấy giới thiệu của Bộ chúng tôi mới nhận hồ sơ của cô được.” Vẻ mặt và giọng điệu của ông Công đanh thép đến nỗi tôi đâm ra nghi ngờ, không hiểu cái Bộ của ông và Bộ của bà bạn bác Bình có phải là một không nữa.
Biết là có lên Bộ lần nữa cũng chẳng ích gì, tôi bèn ngậm ngùi gạch viện B ra khỏi danh sách của mình. Cũng không buồn lắm, vì tôi vẫn còn hai niềm hy vọng nữa. Ở khoa C và cơ quan E, tình hình có vẻ tươi sáng hơn hẳn.
Ông trưởng khoa C là một người vui tính và gần gũi quần chúng. Khi cô Châu dẫn tôi đến yết kiến ông, đang đi lên cầu thang thì tôi nghe thấy một tiếng cười sảng khoái từ tầng trên vọng xuống. “Ông ấy đã ở trên khoa rồi đấy”, cô Châu vui vẻ bảo. Đi gần đến cánh cửa phòng có biển đề “Ban Chủ nhiệm khoa C” thì lại được nghe thêm một tràng cười nữa, rộn rã hơn, hào hùng hơn, không đơn lẻ như lần trước mà được nhiều chất giọng khác nhau cùng hòa nhịp. Trong phòng chủ nhiệm khoa như vậy là đang có nhiều người. Tôi ngần ngại bước chậm lại. Cô Châu bảo: “Vào đi, đừng sợ”. Rồi chẳng gõ cửa gì hết, cô đẩy cửa bước vào luôn. Tôi líu ríu đi theo cô. Trong phòng có bốn người (vậy mà lúc nghe tiếng cười tôi lại cứ tưởng phải có ít ra là chục giọng), một bà và ba ông. Tôi và cô Châu vào, mọi người quay ra nhìn, vẻ mặt ai cũng như đang cười dở chuyện gì hay lắm. “Xin lỗi, các vị họp ban chủ nhiệm khoa đấy à?”, cô Châu hỏi. “Xong từ nãy rồi, ngồi nói chuyện thôi”, ông to béo đeo kính vừa cười vừa trả lời. Cô Châu quay lại chỉ tôi (đang đứng rúm ró trong một góc ), bảo: “Đây là L.C. mà hôm trước tôi đã nói qua với anh rồi đấy”. “À, L.C. đấy hả?”, ông to béo (chính là trưởng khoa) thân mật nói rồi vồn vã đứng lên bắt tay tôi và mời tôi ngồi xuống. Ba người kia ý tứ cáo lui. Cô Châu bảo: “L.C. ngồi nói chuyện với chú Thành nhé, cô có việc đi chỗ này một chút.” Tôi vừa đáp “vâng ạ” thì trưởng khoa đã cười ròn rã và bảo: “Gọi “anh” thôi. Sắp thành đồng nghiệp ở đây rồi, gọi là “chú” nó bất bình đẳng, khó làm việc ra.” Câu đầu của trưởng khoa làm tôi hơi hoảng (vì tôi chưa từng gọi ai quãng ngoài năm chục như ông là anh), nhưng câu sau của ông làm cho tôi sướng râm ran, vì vậy tôi quyết định liều mình gọi ông là “anh” cho đúng lệ làng.
Trưởng khoa và tôi ngồi trò chuyện đến hơn một tiếng đồng hồ. Đúng hơn, người nói chủ yếu là trưởng khoa. Tôi chỉ nghe, trả lời, và đưa đẩy vài câu phụ họa. Hóa ra trước đây ông đã từng làm nghiên cứu sinh ở Matxcơva, ở chính trường mà tôi học. Thành thử, bao nhiêu kỷ niệm tuổi trẻ được dịp tuôn ra. Bao nhiêu người quen chung, từ các giáo sư đến bà giữ thư viện, được dịp nhắc đến. Ôn chuyện cũ chán chê rồi thì trưởng khoa cũng sực nhớ đến mục đích cuộc yết kiến này, ông bèn hỏi tôi về đề tài luận án tốt nghiệp và hướng nghiên cứu của tôi, tóm lại là về các vấn đề chuyên môn. Rồi ông hỏi tôi có mang theo hồ sơ và luận án của tôi không? Tôi sướng rơn, đưa ngay cho trưởng khoa đủ mọi thứ mà ông yêu cầu. Trưởng khoa bảo sẽ nghiên cứu kỹ những thứ này và hẹn tôi mười ngày nữa thì quay lại để biết trả lời của khoa.
Câu trả lời của trưởng khoa C sau đó mười hôm làm cho tôi mất ngủ ít nhất là một đêm vì sung sướng. Ngành chuyên môn và trình độ của tôi hoàn toàn phù hợp với yêu cầu của khoa C, khoa sẽ ủng hộ tôi nếu có biên chế, anh trưởng khoa tuyên bố rõ ràng như vậy (đến lần gặp thứ hai này, tôi đã gọi được trưởng khoa bằng “anh” một cách rất trơn tru). Thêm nữa, anh trưởng khoa còn cho biết rằng theo một nguồn tin khá chắc chắn thì Bộ sắp cho trường một vài chỉ tiêu biên chế năm nay, trong đó khoa C nhất định sẽ được một suất. Bây giờ, tôi chỉ còn việc mang hồ sơ lên nộp ở phòng tổ chức của trường, đợi xét duyệt, khi trường hỏi ý kiến thì khoa sẽ trả lời ủng hộ ngay lập tức. Vốn đã có kinh nghiệm về cán bộ tổ chức, tôi bèn xin ngay anh trưởng khoa một cái giấy giới thiệu để lên phòng tổ chức của trường. “Cần gì giấy giới thiệu, - trưởng khoa gạt đi. - Em cứ bảo là anh Thành đồng ý nhận rồi, anh Thành nói em lên nộp hồ sơ ở đây, thế là được.” “Thì anh cứ cho em một cái giấy giới thiệu để đề phòng gặp người khó tính, có mất gì đâu”, tôi nói bằng một giọng thân mật không kém gì trưởng khoa. “Cô này kỹ tính nhỉ, - trưởng khoa cười hề hề bảo. – Thôi được, ngồi đây đợi tí rồi anh viết giấy giới thiệu cho.” Nói rồi, trưởng khoa lục tung các ngăn kéo, lôi ra một quyển vở, xé một mảnh giấy và ngồi hý hoáy viết. Xong, anh đưa cho tôi và hỏi: “Thế này được chưa?”
Nhìn mảnh giấy xé nham nhở với vài dòng chữ viết tay loằng ngoằng, tôi hơi ngạc nhiên. “Khoa mình không có mẫu giấy giới thiệu in sẵn, không có dấu má gì hả anh?”, tôi hỏi. “Cô này tây du lâu nên quan liêu quá, - trưởng khoa cười rộ lên. - Lại còn đòi khoa phải có mẫu giấy in sẵn với lại dấu má nữa cơ chứ! Này, em về năm nay là khoa mình đã hiện đại hóa lên nhiều rồi đấy, chứ năm ngoái thì đến cái điện thoại cũng chẳng có đâu, khoa mới đặt điện thoại được hơn nửa năm nay thôi em ạ.”
Kể ra một cái khoa lớn của một trường đại học lớn nằm ở ngay thủ đô mà lại giản dị thế thì cũng lạ. Nhưng tôi chẳng lấy đó làm điều. Thậm chí tôi còn mong rằng phòng tổ chức của trường cũng xuề xòa, giản dị, dễ gần như thế để mọi việc của tôi trót lọt.
Trái lại với mong đợi của tôi, ở phòng tổ chức của trường không có ai cười cả. Khi tôi bước vào, có ba người ngồi ở trong phòng. Ngồi trong cùng là một ông già mặt mũi nghiêm trang, tiếp đó là một bàn để trống, hai bàn gần cửa ra vào thì có một cô còn khá trẻ và một bà cỡ trung niên. Mặt cô trẻ có vẻ bất cần, mặt bà trung niên thì đầy mệt mỏi. Tôi hắng giọng đánh tiếng, bà trung niên ngẩng đầu lên hỏi tôi đến có việc gì.
- Em đến nộp hồ sơ để xin làm việc ở đây ạ. Em xin về khoa C, anh Thành trưởng khoa đã nhận rồi, anh ấy bảo em mang hồ sơ lên đây để trường xét duyệt. Giấy giới thiệu của anh Thành đây ạ, - đã dày kinh nghiệm nên tôi nói luôn một lèo rồi đưa tờ giấy của anh trưởng khoa ra (mép giấy đã được tôi cắt lại tối hôm trước nên không còn lem nhem nữa).
Bà trung niên uể oải cầm lấy tác phẩm của thủ trưởng tương lai của tôi, nhìn qua, rồi đứng dậy lấy một tờ giấy khác đưa cho tôi và bảo:
- Cô điền tờ giấy này đi
Đó là một mẫu giấy in sẵn, chỉ có vài mục đơn giản: tên tuổi, ngày tháng năm sinh, địa chỉ thường trú, ngành nghề, nguyện vọng... Tôi viết ngoáy một cái là xong rồi đưa lại cho bà trung niên. Bà lơ đãng nhét vào một ngăn kéo rồi không nói gì thêm nữa.
- Còn hồ sơ thì em phải nộp ở đâu hả chị? - tôi vội hỏi.
- Hồ sơ đầy đủ thì bây giờ chưa cần, vì hiện trường chưa có chỉ tiêu. Bao giờ Bộ cho chỉ tiêu, trường chuẩn bị họp xét duyệt, thì cô nộp hồ sơ là vừa.
- Vậy bao giờ thì Bộ cho chỉ tiêu ạ? - tôi lại hỏi.
- Nghe nói sắp có, nhưng chính xác thì tôi không biết. Khi nào có thì chúng tôi sẽ thông báo.
Tôi năn nỉ xin được để hồ sơ lại vì sợ lỡ, nhưng bà trung niên kiên quyết từ chối. “Ở đây không còn chỗ nào để chứa hồ sơ mới cả”, bà bảo. Thế là tập hồ sơ của tôi lại bị cán bộ tổ chức hắt hủi thêm lần nữa. Nhưng tôi vẫn thấy mừng vì không bị bắt lên Bộ xin thêm giấy giới thiệu. Như vậy là có tiến bộ nhiều so với viện B.
Để nắm sát tin tức về chỉ tiêu của Bộ, cứ một tuần tôi lại lên phòng tổ chức trường một lần. Sau hai lần thì bà trung niên nhẵn mặt tôi, cứ nhìn thấy tôi là bà nói luôn: “Chưa có gì đâu”. Đến lần thứ năm thì bà bảo, vẻ khó chịu hiện rõ trên nét mặt: “Sao ngày nào cô cũng đến thế. Thôi từ nay cô đừng đến nữa, ảnh hưởng đến chúng tôi làm việc. Địa chỉ của cô có ở đây rôi, cần gì thì chúng tôi sẽ gửi giấy báo cho cô”. Tôi định thanh minh là không phải ngày nào tôi cũng đến, nhưng vẻ mặt nghiêm khắc của bà làm tôi sợ rụt cả lưỡi lại, chả dám nói gì.
Ngồi nhà đợi hai tuần không thấy giấy báo đâu, tôi sốt ruột liều mạng ôm tập hồ sơ rủi ro lên phòng Tổ Chức trường lần nữa. Vừa thò mặt vào cửa thì bà trung niên nhìn ra, quắc mắt lên. Tôi hoảng quá, lí nhí nói một câu xin lỗi, làm như vào nhầm phòng, rồi chuồn thẳng.
Cái quắc mắt ấy yểm tôi ngồi nhà được thêm một tháng nữa thì nỗi sợ nhường chỗ cho nỗi lo. Mãi chả thấy giấy báo gì cả, tôi quyết định lại lên phòng tổ chức hỏi tình hình.
May quá, khi tôi đến thì bà trung niên không ngồi ở đó. Tôi bèn tiến lại gần cô gái trẻ có vẻ mặt bất cần để hỏi. Phải giải thích rất dài dòng cô ấy mới hiểu tôi nói chuyện gì. “Bộ cho chỉ tiêu lâu rồi, trường họp xét cả tháng nay rồi, còn nộp hồ sơ gì nữa”, cô gái thản nhiên bảo. “Ơ..., chị xem lại hộ xem có nhầm không. Mới hôm nọ bà gì ngồi đây còn bảo tôi là chưa có gì hết cả”, tôi ú ớ nói. Cô gái nhìn tôi thương hại rồi bới ra một đống giấy tờ, đọc vanh vách công văn của Bộ, rồi quyết định của trường về việc tuyển người, đọc cả tên người được nhận về khoa C năm nay (không phải tôi). Theo như ngày tháng cô gái đọc, thì mọi việc mới được giải quyết khoảng ba tuần nay. Tôi bực quá hóa liều, nói một cách cáu kỉnh:”Sao tôi không nhận được giấy báo gì cả?” “Cái gì?”, cô gái kinh ngạc hỏi. “Bà gì ngồi đây hôm nọ bảo rằng khi nào Bộ cho chỉ tiêu thì sẽ gửi giấy báo để tôi đến nộp hồ sơ. Tôi đợi mãi không thấy giấy báo đâu”, tôi nói. “Ối giời ơi! – cô gái cười rú lên. – Chị đi xin việc mà lại ngồi nhà đợi giấy báo à? Thế thì có đến mùng thất mới xin được việc. Chị tưởng chị là con ai? Con Tổng bí thư chắc? Hi hi hi...”, cô gái ôm bụng cười ngặt nghẽo mãi không dừng lại được. Ông già trang nghiêm ngồi ở góc phòng cũng ngẩng đầu lên cười khùng khục rung cả kính. Bất giác, tôi cũng cười theo một cách ngớ ngẩn. Vui thật, thế mà lúc trước tôi lại cứ tưởng các cán bộ phòng này không biết cười
Thế là cuối cùng, tôi chỉ còn có mỗi cơ quan E để mà hy vọng. Một niềm hy vọng rất đáng để bám chặt lấy, vì ngay từ đầu, cơ quan này đã hơn hẳn hai nơi kia ở chỗ họ sẵn sàng nhận hồ sơ của tôi. Nhận luôn, ngay tại chỗ, không đòi giấy giới thiệu nào, cũng không bắt đợi chỉ tiêu của Bộ. Người trực tiếp nhận hồ sơ của tôi là một ông già có vẻ mặt khá hiền lành, đôi mắt hơi dài dại sau cặp kính dày cộp. Không ai giới thiệu nên tôi không biết ông giữ chức vụ gì, nhưng chắc không phải là nhân viên quèn, vì ngồi bàn cạnh ông là một bà (cũng già nhưng ít nhăn nheo hơn ông một chút), thường xuyên bị ông sai vặt. Ông nhận hồ sơ từ tay tôi, xem qua một tí rồi đưa cho bà kia bảo cất đi. Có lúc cần tìm giấy tờ gì ông cũng sai bà kia đi lấy.
Thực ra, trước khi tiếp cận được ông này tôi cũng đã phải đi một vòng qua ba bốn cửa. Đầu tiên, cầm thư giới thiệu của ông em rể bà bác ruột, tôi đến gặp cái ông có tên ghi trên phong bì. Ông này đọc thư xong bèn sốt sắng dẫn tôi đến trình diện một ông khác. Ông khác hỏi tôi khá kỹ về quá trình học tâp, bằng cấp, chuyên môn rồi bảo là có thể nhận tôi về được nhưng phải tham khảo ý kiến cấp trên.
Cấp trên không đọc hồ sơ của tôi, cũng không hỏi han gì, chỉ đọc ý kiến của cấp dưới ghi ngoài hồ sơ của tôi, rồi bảo tôi đến nộp hồ sơ ở phòng tổ chức đợi xét duyệt. Nghe nói đến phòng tổ chức tôi đã hãi hùng, không ngờ gặp được một ông già mặt mũi thật là phúc hậu, đã thế lại còn nhận ngay hồ sơ của tôi, không đòi hỏi hạch sách thêm gì nữa. Ông bảo hồ sơ của tôi như vậy là đầy đủ rồi, ít nữa lãnh đạo cơ quan sẽ họp xét duyệt, có kết quả sẽ thông báo công khai. Tôi chỉ còn mỗi việc chờ đợi.
Lãnh đạo cơ quan E chắc cũng nhiều việc bận, nên tôi đợi đến mấy tháng mà cuộc họp vẫn chưa diễn ra. Được cái may là cán bộ tổ chức ở đây rất hiền, tuần nào tôi cũng vác mặt đến hỏi tình hình, nhưng luôn luôn được ông tiếp đón rất nhã nhặn. Phải cái trí nhớ ông không được tốt như cái bà trung niên ở trường đại học nọ, cho nên sau bốn năm lần mà ông vẫn nhìn tôi như mới gặp lần đầu, và tôi luôn luôn phải trình bày lại hết sức dài dòng điều mình muốn hỏi.
Sau trận cười vĩnh biệt khoa C tại phòng tổ chức trường ấy độ một tháng, một buổi sáng tôi đến cơ quan E thì được ông già ở đó cho biết rằng lãnh đạo cơ quan đã họp để xét chuyện tuyển người. Ông giải thích khá kỹ về việc cơ quan hiện chưa có biên chế, cho nên chỉ tuyển để làm hợp đồng, nhưng đến khi nào có biên chế thì những người đã được nhận làm hợp đồng sẽ được chuyển sang diện biên chế, tất nhiên là phải xét duyệt thêm lần nữa, nhưng... Tim tôi đập thình thịch, tôi sốt ruột cắt ngang lời ông, hỏi xem kết quả thông báo công khai ở đâu. “Tên cô là gì?”, ông già hỏi. “Dạ, cháu là Hoàng L.C. ạ”, tôi trả lời. Ông già liền ra lệnh cho bà ngồi cạnh tìm xem Hoàng L.C. có trong danh sách được tuyển không. Bà nọ lục tìm một lúc rồi rút ra một hồ sơ, nhìn tôi mỉm cười rất trìu mến và bảo: “Hoàng L.C. phải không? Cháu được nhận rồi đấy.” Tim tôi như nhảy vọt ra ngoài lồng ngực. Bà nọ vừa đưa hồ sơ cho cấp trên của mình, vừa thì thầm nói với ông điều gì đó. Ông già cầm lấy hồ sơ, giở ra đọc, rồi hỏi tôi một cách thận trọng:
- Cô là Hoàng L.C. phải không?
- Dạ, vâng ạ.
- Sinh ngày... tháng...năm... có đúng không?
- Đúng ạ.
- Cô học ở trường M. tại Liên Xô về có đúng không?
- Vâng ạ.
- Chuyên ngành của cô là tâm lý xã hội có phải không?
- Vâng ạ, - tôi vừa đáp vừa liếc mắt vào tập hồ sơ trên tay ông già, nhận ra ngay đó chính là hồ sơ của mình, có cái ảnh của tôi dán ở trang đầu đập vào mắt. Tôi bèn bảo:
- Đây đúng là hồ sơ của cháu đấy bác ạ, bác xem cái ảnh đây này.
Ông già nhìn ảnh, rồi lại ngẩng lên nhìn tôi, rồi một nụ cười rất tươi nở trên gương mặt ông. Ông gập hồ sơ lại, gật gù bảo:
- Hồ sơ của cháu tốt lắm. Điểm học tất cả các năm đều tốt. Ngành nghề chuyên môn, đề tài luận án thế là phù hợp với cơ quan này. Cháu về làm hợp đồng tạm một thời gian, rồi thế nào cũng được vào biên chế sớm.
Tôi không dám tin ngay vào tai mình, phải hỏi lại thêm lần nữa: “Cháu được nhận vào làm hợp đồng rồi thật hả bác?” “Thật chứ còn gì nữa”, ông già vui vẻ đáp. Bà ngồi bên cạnh cũng âu yếm nói thêm một câu: “Con bé này lớn lên trông xinh quá nhỉ. Ăn bơ sữa tây nhiều có khác, trắng nõn trắng nà. Hồi bé thì đen nhẻm, không nói thì bây giờ đố ai nhận ra được.” Tôi giật thót cả người. Quái lạ, sao bà này lại biết tôi hồi bé? Mà tôi có đen nhẻm bao giờ đâu? Tôi giống mẹ, từ khi sinh ra đã có nước da rất trắng.
Nghĩ vậy, nhưng tôi thấy tốt nhất là lờ chuyện này đi. Cái quan trọng là mình đã được nhận, hồ sơ đúng là của mình. Tôi liền hỏi ông già về những thủ tục giấy tờ phải làm. “Cháu sang gặp chị Nhung ở phòng bên cạnh, chị ấy sẽ hướng dẫn. Hôm nay thì chị ấy nghỉ con ốm, vài ngày nữa cháu quay lại là vừa”, ông già ân cần dặn dò.
Tôi vừa định chào và đi ra thì bà ngồi bên cạnh chợt hỏi: “Mẹ cháu dạo này vẫn khỏe chứ?” Tôi lạnh cả người, lúng búng hỏi: “Dạ, bác bảo gì ạ?” “Mẹ cháu vẫn khỏe chứ?”, bà nọ hờ hững nhắc lại. “Mẹ cháu mất rồi”, tôi nói ngắc ngứ trong họng vì không đủ khả năng để nói dối. “Sao?”, cả ông già lẫn bà phụ tá đều kêu lên ngạc nhiên cùng một lúc. “Sao không nghe ai nói gì hết cả. Mà mới vài tháng trước tôi còn gặp bà ấy ở đám cưới con ông Bảo kia mà”, bà nọ nói một cách sửng sốt. “Chắc bác nhầm cháu với ai. Mẹ cháu mất lâu rồi. Từ năm bảy hai cơ ạ”, tôi nhìn xuống đất, lí nhí thú nhận. Im lặng một lúc. Rồi ông già hỏi: “Thế cô không phải là con ông Hùng à?” “Bố cháu tên là Hưng, không phải Hùng ạ”, tôi dũng cảm trả lời. Lại một lát im lặng nữa, lần này dài hơn lần trước. Ông già mở hồ sơ của tôi ra, xem lại một chỗ nào đó, lắc đầu, rồi lôi ra một tờ giấy, giơ lên trước mắt tôi và hỏi: “Cái thư này có phải của cô không?” “Không ạ”, tôi nói một cách đau đớn. Ông già thở dài, đặt cái thư sang một phía, rồi đưa tập hồ sơ cho tôi và bảo: “Cô cầm hồ sơ về đi. Có sự nhầm lẫn. Chúng tôi chỉ có ít chỗ nên không nhận cô được.” “Nhưng bác vừa bảo là hồ sơ của cháu tốt, ngành chuyên môn của cháu phù hợp cơ mà”, tôi hốt hoảng nói, cố kìm để khỏi khóc. “Cô không phải là con ông Hùng thì không được”, ông già trả lời, vẻ vừa bực bội vừa ái ngại.
Sáu tháng sau ngày về nước, tôi lại trở về điểm xuất phát ban đầu. Việc làm vẫn chưa tìm được, hy vọng hầu như không còn, tinh thần hoàn toàn suy sụp. Bố tôi và cô tôi xúm lại động viên, an ủi, đưa ra rất nhiều lý lẽ. Nào là mới về nước sáu tháng thì có vội gì, nhiều người phải đi xin việc đến hai ba năm mới được. Nào là mới bị có ba cơ quan từ chối mà sao đã nản chí, còn bao nhiêu cơ quan khác mình đã thử đâu. Nào là đã có kinh nghiệm rồi, từ nay đi xin việc chắc chắn sẽ thuận lợi hơn...
Quả là tôi đã thu được nhiều kinh nghiệm. Tôi biết, tôi không xin được về viện B là vì đi nhầm cửa, cho nên mới bị đá đi đá lại như quả bóng giữa Viện và Bộ. Tôi không được nhận vào khoa C vì tôi tưởng nhầm rằng tôi là con Tổng bí thư. Tôi không có chỗ ở cơ quan E vì tôi không phải là con ông Hùng. Có điều, những kinh nghiệm này không làm cho tôi trưởng thành hơn, mà chỉ khiến tôi khiếp sợ. Không biết còn phải thu hoạch thêm những kinh nghiệm nào nữa thì mới xin được việc?
Tôi nằm bẹp ở nhà suốt một tháng, chẳng thiết đi đâu. Đã buồn về chuyện xin việc, lại điên cả đầu vì lâu không có tin tức gì của K. Lá thư cuối cùng của anh, tôi nhận được cách đây một tháng. Hai tháng đầu, tuần nào K. cũng viết thư cho tôi. Tôi thì viết cho anh hàng ngày, như viết nhật ký, mỗi tuần gom lại thành một tập dày, gửi một lần. Sau hai tháng, những lá thư của K. thưa thớt hẳn đi. Anh viết rằng dạo này anh phải đi suốt, ít ở Matxcơva lắm, thành ra anh đã trả lại căn phòng ở Matxcơva rồi, mỗi lần về anh đến ở nhờ nhà bạn bè, tiện đâu ở đó vì chỉ có vài ngày rồi lại phải đi. K. bảo tôi gửi thư về địa chỉ hòm thư lưu của anh, mỗi lần về Matxcơva anh sẽ ra bưu điện nhận. Có lẽ lâu lắm rồi K. không về Matxcơva, cho nên đã năm lá thư của tôi gửi đi không hề có hồi âm.
Thỉnh thoảng tôi mới đi ra phố một lần. Công việc duy nhất là bán đồ mang ở Nga về để lấy tiền ăn. Mỗi lần bán đồ, tôi lại nghĩ có khi phải bỏ ngành chuyên môn đi kiếm việc khác làm, cốt để ra tiền là được. Chứ nếu không xin được việc làm mà bán hết sạch đồ rồi thì làm sao? Thôi, tạm thời cứ sống được ngày nào hay ngày ấy.
Một buổi tối, tôi đang nhàn rỗi ngồi nhà, xem một vở kịch tivi nhạt thếch, thì cô tôi đến. Mặt cô rạng rỡ như vừa trúng số độc đắc. Cô cho biết là cô mới có một phát hiện kinh thiên động địa: một bà hàng xóm của cô hóa ra lại làm việc ở phòng tài vụ của trường đại học D, cơ quan mà tôi xếp ở vị trí thứ tư trong cái danh sách dự định đi xin việc của tôi.
Bà Thơm (tên bà tài vụ) là hàng xóm cùng phố với cô tôi, cách dăm số nhà chứ không phải là gần lắm, thành thử xưa nay cô tôi chỉ biết bà qua loa chứ không thân thiết gì. Hôm vừa rồi đi họp tổ dân phố, tình cờ ngồi cạnh bà, sau vài câu chuyện xã giao thì cô tôi mừng rú vì phát hiện ra cái nơi làm việc quý hóa của bà Thơm. Cô vội vã nói chuyện với bà về cô cháu của mình (tức là tôi), ngỏ ý nhờ bà giúp cho tôi về làm việc ở trường D. Mới đầu bà Thơm cũng còn nói năng dè dặt, thận trọng, nhưng sau khi hỏi kỹ, biết tôi học ở Nga về, thì bà tỏ ra thông cảm hơn, bảo cô tôi dẫn tôi đến nhà bà nói chuyện, nếu thấy giúp được thì bà sẽ cố giúp.
Ngay tối hôm sau, tôi lon ton theo cô tôi đến nhà bà Thơm. Đã có cô tôi giới thiệu nên tôi không cần mang theo giấy giới thiệu gì cả. Chỉ mang theo một cái nồi hầm (vốn nằm trong thùng hàng biển của tôi) và một lọ nước hoa Pháp (vừa mua vội ngoài phố), gọi là có chút quà mọn đem ở Nga về. Những thứ này là do cô tôi chỉ đạo, chứ tự tôi thì không thể nghĩ ra. Vừa xách quà đi, tôi vừa tủm tỉm cười vì thấy mình sao giống T.” ủng” quá.
Bà Thơm nhận quà mà cứ trách cô cháu tôi sao lại khách sáo bày vẽ thế. Nhìn bà ở nhà mà cũng son phấn kỹ càng, mùi thơm sực nức, tôi mừng thầm rằng lọ nước hoa Pháp của mình thế là hữu dụng. Cái nồi hầm thì chưa biết có được hữu dụng như vậy hay không, nhưng khi thấy bà Thơm nhanh nhẹn đem nó cất đi ngay thì hai cô cháu tôi đưa mắt nhìn nhau sung sướng.
Chuyện trò dài dòng cả buổi tối, vì bà Thơm là người rất hay chuyện, lại đặc biệt quan tâm đến tình hình nước Nga, hỏi kỹ càng từng chuyện giá cả lên xuống ra sao, hàng họ thay đổi thế nào ở cái xứ xa xôi ấy. Tôi ngoan ngoãn ngồi hầu chuyện bà, tập trung tư tưởng không kém gì khi trả lời những câu hỏi về ngành nghề, chuyên môn. Đến quãng chín giờ tối thì chúng tôi đi đến được cái kết luận mà hai cô cháu tôi đang căng thẳng mong đợi: bà Thơm hứa sẽ giúp tôi xin về làm việc ở trường D, mới đầu làm hợp đồng, khi nào trường có biên chế thì bà sẽ giúp tiếp cho vào biên chế. Đã mừng hụt vài bận rồi, nên tôi cố ghìm cảm xúc. Nhưng đến khi bà Thơm bảo là tôi không phải lên phòng tổ chức hay gặp ai ở trường cả, chỉ việc đưa hồ sơ của tôi cho bà, bà sẽ lo cho từ A đến Z, thì tôi suýt nữa nhảy lên vì hạnh phúc.
Chưa đầy một tháng sau đó, bà Thơm trở thành anh hùng kiêm ân nhân trong mắt gia đình tôi, vì tôi đã có trong tay mọi giấy tờ để về làm hợp đồng ở trường D. Cô tôi vừa cười hỉ hả vừa tự trách mình quan liêu, nếu chịu khó đi điều tra sớm, phát hiện ra mối tốt thế này, thì cháu mình đâu đến nỗi mất toi sáu tháng trời lăn lóc khổ nhục ở mấy cái cơ quan giời đánh kia.
Vậy là nhờ bà Thơm phòng tài vụ, tôi đã trở thành giảng viên đại học của trường D. Mới là giảng viên hợp đồng thôi, nhưng là diện “hợp đồng đợi biên chế”. Đã biết tài năng của bà Thơm, tôi gần như tin chắc rằng nếu có biên chế thì ắt sẽ đến lượt mình, vì mình có lợi thế là được quý nhân phù trợ.
Tôi đến nhận việc nhưng chưa có việc gì làm ngay. Ông tổ trưởng bộ môn bảo tôi đi dự một số giờ giảng của giáo viên trong khoa, để có khái niệm về phương pháp giảng dạy. Sau đó ông sẽ cho tôi dạy thử một số giờ. Tạm thời, mỗi tuần tôi chỉ phải đến trường dự giờ hai buổi, mỗi buổi ba tiếng, thời gian còn lại tự do muốn làm gì thì làm. Đời giảng viên đại học hóa ra sung sướng thật.
Một tuần sau khi nhận việc, tôi có dịp làm quen với các đồng nghiệp của mình, nhờ một cuộc họp cán bộ toàn khoa. Nếu mọi người không châm chước cho lính mới thì tôi đã bị coi là hâm nặng, vì ai đời giờ họp khoa thông báo trên bảng là 8h30 rõ rành rành, mà tôi lại nhè đúng 8h30 đã sốt sắng trình diện. Đứng trơ ra một mình mất hơn nửa tiếng, quãng 9h15 mới thấy vài người lững thững xuất hiện, rồi các giáo sư lục tục kéo đến nhiều nhất trong khoảng từ 9h30 đến 9h45, và đúng mười giờ thì cuộc họp bắt đầu, sau khi trưởng khoa đã dăm lần bảy lượt hô hào kêu gọi anh em vào phòng họp với một giọng vừa năn nỉ vừa dọa dẫm.
Họp bộ môn thì thời điểm xuất hiện của các thành viên có khẩn trương hơn một chút, nhưng lại mất nhiều thời gian vào việc trà lá và những chuyện ngoài đề. Cuộc họp thường diễn ra ở nhà ông tổ trưởng bộ môn, đôi khi ở nhà bà tổ phó, vì ở khoa này cấp bộ môn chưa đủ tư cách để được sở hữu riêng một phòng làm việc. Bộ môn của tôi có một ông tổ trưởng, một bà tổ phó, cộng với hai bà và một ông tổ viên, giờ có thêm tôi thì cả thảy là sáu. Hiện tại, ông tổ viên đang đi thực tập ở nước ngoài (nghe nói sắp về) nên bộ môn chỉ còn lại có năm. Tổ trưởng của tôi một mình lọt giữa Tây Lương nữ quốc nhưng thoải mái như cá trong nước. Giọng sang sảng đúng cốt cách lãnh đạo, ông nói thao thao hàng tiếng không biết mệt, cả ba bà kia cộng lại cũng không đủ sức lấn át được ông.
Sau mấy buổi họp bộ môn, tôi đã thu được nhiều thông tin khá quan trọng, nhờ nghe lỏm các câu chuyện ngoài lề. Thực ra tôi cũng không định nghe lỏm, mà chuyện người ta nói cứ tự nhiên lọt vào tai tôi. Buổi đầu tiên, tôi được biết rằng cái bọn đi học nước ngoài về, có bằng này cấp nọ nhưng nhiều khi dốt đặc, chẳng biết gì về thực tế Việt Nam nên chỉ ngồi chơi xơi nước chứ không được việc gì hết. Buổi thứ hai tôi lại biết thêm rằng cái bọn do trên ép xuống bắt dưới phải nhận mới là bọn dốt nhất. Các thông tin này lần nào cũng do đúng hai bà phát ra, một bà nạ dòng sồn sồn, còn bà kia chắc chỉ hơn tôi vài tuổi. Đến buổi thứ ba, tôi quyết định tự mình tìm hiểu thêm thông tin bằng cách bắt chuyện với một chị trông khá hiền mà tôi nhận thấy là thường hay ngồi nghe chứ không tham gia vào câu chuyện của hai bà kia. Nhờ chị Vi, tôi mới rõ rằng ở bộ môn này người có học vị cao nhất là ông tổ trưởng, phó tiến sĩ, bảo vệ luận án ở chính khoa này cách đây vài năm. Chị Vi thì đang làm nghiên cứu sinh trong nước, sắp tới có hy vọng được đi thực tập nước ngoài. Hai bà kia thì khoa cũng đang động viên thi nghiên cứu sinh trong nước, nhưng họ còn chưa sắp xếp được thời gian. Cũng phải, vì thời gian của giảng viên đại học thoạt nhìn cứ tưởng là rộng rãi, nhưng thực chất vô cùng eo hẹo, do ai cũng phải kiếm việc làm thêm chứ làm sao sống nổi với đồng lương.
Lương tôi diện hợp đồng thì lại càng còm hơn, chỉ đủ tiền ăn sáng. Hàng tháng vẫn phải ăn vào tiền bán đồ mang ở Nga về. Ổn định được chỗ làm rồi, noi gương đồng nghiệp, tôi cũng lăm le kiếm việc làm thêm. Đang lúc chưa biết làm gì thì một lần nữa bà Thơm lại ra tay cứu độ. Nhưng khác với lần trước, lần này chuyện xảy ra hoàn toàn tình cờ.
Hôm ấy, tôi đang đi trong trường thì chạm trán bà Thơm. Sau khi cung kính chào ân nhân, tôi vừa quay gót đi tiếp thì bỗng bà giật giọng gọi tôi lại hỏi một câu hết sức bất ngờ: “Em có muốn kiếm việc làm thêm không?” Tôi ngẩn người ra, tự bảo bà này lại còn có cả tài đọc được ý nghĩ người khác thì khiếp quá. Bà Thơm giải thích: “Chị có một quầy bán hoa, lấy mối từ Đà Lạt, bán chạy lắm. Phải cái chị không đứng bán được, vì phải làm việc theo giờ hành chính ngày tám tiếng.Thành thử chị thuê hai con bé cùng phố bán hai ca khác nhau, nhưng hôm qua một con láo quá, dám tắt mắt lấy tiền của chị, chị vừa đuổi nó đi xong. Thấy em xinh xắn, tươi tỉnh, chị nghĩ em làm nghề bán hàng hợp đấy. Với lại trông em thật thà chị cũng yên tâm.” Tôi chưa làm nghề bán hàng bao giờ, nhưng nghe bà Thơm nói thế thì cũng yên tâm theo bà. Với lại, còn đòi hỏi gì nữa, có việc làm thêm để tăng thu nhập là may quá rồi.
Từ ngày bán hoa thuê cho bà Thơm, tôi có tiền chi tiêu rủng rỉnh hẳn. Thời gian mà tôi đứng ở quầy bán hoa ít ra cũng nhiều gấp đôi thời gian tôi xuất hiện ở trường. Bù lại, thu nhập do việc này mang lại cũng hơn đứt tiền lương của tôi. Tóm lại là đủ sống mà không phải gặm thêm vào số hàng mang ở Nga về còn sót lại.
Tôi viết thư cho K. kể hết mọi chuyện và lại giục anh trở về Hà Nội. Em tìm được chỗ làm đúng chuyên môn rồi, lại có việc làm thêm nhẹ nhàng đủ tiền để sống. Về đi anh, rồi anh cũng sẽ kiếm được việc như em thôi. Dù không giàu có thì mình cũng sống được, còn hơn là lăn lóc đánh quả ở nước ngoài. Sống xa nhau mãi như thế này em không chịu nổi...
Nhưng những lá thư của tôi gửi đi không hề có hồi âm. Một tháng, hai tháng, rồi ba tháng, không thư từ, không điện thoại, không hề có bất cứ một tin tức nào của K. Gần như phát điên lên vì lo sợ, tôi tìm đến bố mẹ K. để hỏi tin anh.
Mẹ K. tiếp tôi với một vẻ rầu rĩ. Bà cũng đang héo ruột héo gan vì cậu con trai quý của mình. Lâu lắm rồi K. không viết thư cho bố mẹ. Mới đây, mẹ K. nghe có người nói rằng anh đã sang hẳn Ba Lan. Bà trách tôi không ở lại Matxcơva để thúc ép anh về nước. Tự dưng đùng đùng bỏ về một mình, rồi có chuyện gì xảy ra thì còn kêu ai được?
Có chuyện gì đã xảy ra? Tôi cảm thấy mẹ K. biết điều gì đó nhưng giấu tôi. Gặng hỏi mãi mà bà không chịu nói, tôi sục đến nhà tất cả những người quen mới ở Matxcơva về nước để tìm hiểu tình hình. Nhặt nhạnh thông tin mỗi nơi một tí, cuối cùng tôi cũng đoán ra được một câu trả lời đại thể về sự im lặng của K.
Vậy là K. đã sang hẳn Ba Lan. Anh vay nợ nhiều đến mức bị chủ nợ đe dọa và khống chế, chỉ nai lưng ra làm để trả nợ mà cũng không xong. Rồi, trong lúc K. đang tuyệt vọng nhất thì có một người quen đã giúp đỡ anh. Chị cho anh vay tiền để trả nợ một phần. Anh chuyển sang Ba Lan để hợp tác cùng làm ăn với chị. Chị là một người cực kỳ tháo vát, làm ăn giỏi. Công việc của K. gần đây đã khá hẳn lên. Hình như anh đã trả gần xong nợ. Chị bạn anh bỏ chồng, sống một mình. Sau một thời gian ở Ba Lan, K. đến sống cùng với chị. Sống như vợ chồng.
Tôi đã mất K. Mẹ anh nói đúng, lỗi tại tôi, còn trách ai được nữa. Tôi đã bỏ đi trong lúc anh cần tôi. Còn người phụ nữ ấy, chị đã chìa tay cho K. khi anh bị lún xuống hố sâu. Chị đã làm cho anh cái điều mà tôi không làm nổi. Không làm nổi hồi ấy, và đã quá muộn để làm bây giờ.
Bây giờ, bà Thơm không còn được hài lòng như lúc đầu về công việc bán hoa của tôi. Vài lần tạt qua kiểm tra bất ngờ, bà kêu tôi bán hàng mà đầu óc cứ ở trên mây trên gió, đã thế mặt mũi lại còn khó đăm đăm, chẳng thấy cười được cái nào.
Chắc là vì đã sẵn bực mình nên hôm ấy chỉ mất một ít tiền mà cơn tức giận của bà Thơm bùng lên thật dữ dội. Tại sao lại mất tiền thì mãi đến bây giờ tôi cũng không hiểu được. Có lẽ tại vì hôm ấy tự dưng có quá nhiều người vào mua hoa hồng nhung. Những bông hoa quái ác ấy, nó cứ bắt tôi nhớ đến những kỷ niệm mà tôi muốn quên đi. Có nhiều lúc trao hoa cho khách, tôi phải nhìn đi chỗ khác để giấu đôi mắt mờ lệ của mình. Cả buổi, tôi không sao tập trung tư tưởng nổi vào chuyện bán hàng, đầu óc lộn xộn toàn những hình ảnh xa xưa. Đến lúc ra về, tôi lại còn đãng trí không kiểm tra lại tiền trước lúc giao cho bà chủ. Cán bộ phòng tài vụ không cần đến năm phút đã phát hiện ngay ra là tài sản của mình bị hao hụt. Cả dãy phố thì không cần đến hai phút sau đã biết tôi là đứa tắt mắt. Tôi hốt hoảng xin đền tiền ngay lập tức nhưng bà chủ không chịu hạ giọng đi cho. Máy bà đã mở ra rồi, bà phải tiếp tục xả cho hết cỡ. Nào là mặt mũi thì trí thức mà hóa ra cũng giở trò ăn cắp vặt thế à. Nào là nếu thiếu thì xin, tôi cũng thí cho, chỗ tiền ấy với tôi chẳng đáng gì, nhưng tôi ghét là ghét cái thói gian lận... Cuối cùng, bà chủ tuyên bố là nể cô tôi lắm nên bà cho tôi làm tiếp, nhưng bà mà còn bắt quả tang được lần nữa thì cứ tự động mà xéo đi. Biết mình chẳng đủ sức xen vào khi đại bác còn đang gầm rú, tôi đợi cho bà chủ nói xong rồi xỉa tiền túi ra trả bà và bảo là tôi thôi việc. “Lại sĩ à? – bà chủ cười khẩy. – Sĩ thì thiệt thân, chứ tôi thì cần đếch gì cô. Tôi chỉ cần hô lên một tiếng là khối đứa nhảy bổ vào chỗ này ngay.”
Về khoản này thì bà Thơm nói đúng. Chưa đầy một tuần sau khi tôi thôi việc đã có một cô gái khác đến bán hàng cho bà thay tôi. Tôi biết cô gái ấy. Cô ấy cũng là giảng viên trường tôi, dạy ở khoa bên cạnh.
Thôi bán hoa cho bà Thơm, tôi lại phải ăn vào tiền bán đồ mang ở Nga về. Vẫn biết là phải đi tìm việc làm thêm khác mới sống được, nhưng bây giờ tôi không còn nhiệt tình như trước nên cứ lần chần. Vả lại, tình hình của tôi ở trường ngày càng tồi tệ nên tôi không còn lòng dạ nào nghĩ đến chuyện làm thêm nữa.
Ông tổ trưởng bộ môn vẫn chưa cho tôi dạy thử giờ nào. Ông không nói rõ vì lý do gì, chỉ bảo cứ từ từ, rồi lúc nào tiện thì ông sẽ sắp xếp. Đề tài khoa học của bộ môn, tôi cũng không được tham gia vì là người mới, chưa có kinh nghiệm thực tế Việt Nam.Bù lại, tôi được phong chức tổ phó công đoàn, mỗi lần công đoàn cấp trên triệu tập họp thì tôi được đại diện cho công đoàn bộ môn đi họp. Thỉnh thoảng, ông tổ trưởng cũng an ủi tư cách giảng viên đại học của tôi, cho tôi tiếp xúc với sinh viên bằng cách đi coi thi hộ người này người nọ.
Nếu không có chị Vi thương hại nói cho biết thì tôi cũng không hình dung được tình hình của mình trầm trọng đến mức nào. Hóa ra, khoa này hiện không hề có nhu cầu về chuyên môn của tôi. Bộ môn của tôi lúc trước đã thừa người, trên trường cứ ấn tôi xuống, khoa đành phải nhận. Số giờ dạy của bộ môn so với số giáo viên vốn đã ít nên tổ trưởng bộ môn chẳng muốn san thêm ra cho một người mới về chưa có kinh nghiệm làm gì. Với lại, bộ môn không muốn mất công giao việc cho tôi vì ai cũng nghĩ rằng tôi chỉ làm hợp đồng một thời gian rồi chán sẽ bỏ đi, chứ chẳng có hy vọng gì được vào biên chế. Ở khoa còn có vài người đang ngồi đợi biên chế từ mấy năm nay, toàn là những ngành khoa cần cả, nên trường bắt nhận tôi làm hợp đồng thì khoa chịu, chứ vào biên chế thì còn lâu. Chưa kể đến chuyện tôi còn can tội mang bằng cấp cao ở nước ngoài về, điều này khiến cho một số người trong khoa đâm ra cảnh giác về những tham vọng xấu của tôi.
Chị Vi còn chưa biết là chỗ dựa duy nhất của tôi ở cấp trường cũng đã mất. Từ sau khi xảy ra sự cố bán hoa để mất tiền với bà Thơm, tôi không còn hy vọng gì được bà phù trợ cho việc vào biên chế. Tóm lại, tôi không còn hy vọng nào ở trường này cả.
Mẹ K. bất ngờ đến tìm tôi vào lúc tôi đang ở trong tình trạng nửa thất nghiệp. Không phải đi họp công đoàn, không có kỳ thi nào để đi coi, cũng chán chẳng buồn đi dự giờ của ai nữa cả. Hoạt động của tôi ở trường hạn chế ở các buổi họp khoa và bộ môn, cộng với việc đi lĩnh vài đồng lương còm mỗi tháng một lần.
Tôi không kể với mẹ K. về những chuyện ấy, vì tuy bà hỏi thăm công việc của tôi, nhưng tôi có cảm giác rất rõ rằng bà đến vì một chuyện gì khác. Loanh quanh một hồi, bà hỏi tôi có biết thêm gì về tình hình của K. ở Ba Lan không? Tôi thấy cũng chẳng cần giấu nên bèn nói thẳng ra rằng tôi biết anh dạo này làm ăn đã khá hơn nhiều, và anh đã gặp một người phụ nữ khác.
Tôi tránh không nói đến chuyện K. sống cùng người đó, nhưng mẹ anh đã biết hết. Bà bảo rằng không bao giờ bà chấp nhận cho con trai bà sống với cái loại gái bỏ chồng như vậy. Rằng thằng K. nó chẳng yêu gì con đó, nó có thèm đả động đến chuyện cưới xin gì đâu. Cuối cùng, bà khóc và nói tôi là niềm hy vọng duy nhất của bà, chỉ có tôi mới kéo con trai bà ra khỏi nanh vuốt của “cái con kia” được. Rồi bà đưa cho tôi địa chỉ của K. ở Ba Lan và gần như van xin tôi viết thư gọi anh về. “Cháu viết thư thì có ích gì đâu, - tôi bảo. - Địa chỉ của cháu không hề thay đổi, nếu anh ấy muốn thì anh ấy đã viết cho cháu rồi. Anh ấy đã có sự lựa chọn khác, cháu không muốn xen vào nữa.” Mẹ K. kêu lên: “Nó không dám viết cho con vì nó đã trót sa chân nên sợ con không tha thứ. Nếu nó biết là con vẫn chờ đợi thì chắc chắn nó sẽ bỏ tất cả để về ”.
Khi rời Matxcơva, tôi cũng đã tưởng rằng anh sẽ phải vứt bỏ tất cả để về theo tôi. Bây giờ, tôi không còn niềm tin ấy nữa. Tờ giấy ghi địa chỉ của K. mà mẹ anh đưa cho tôi, tôi nhét vào ngăn kéo, nó nằm yên trong đó ba tuần.
Ba tuần sau, tôi mở ngăn kéo ra nhìn, tự hỏi mình có nên viết thư cho K. không. Không phải để gọi anh về, mà chỉ để chúc mừng sinh nhật anh thôi, vì hơn nửa tháng nữa anh sẽ tròn hai mươi chín tuổi. Đấu tranh tư tưởng một hồi, tôi lại cất mảnh giấy vào ngăn kéo.
Ngày sinh nhật K., buổi sáng, tôi tỉnh dậy trong giường với ý nghĩ rằng giờ này, người phụ nữ ấy chắc đang chúc mừng anh với một cái hôn dài như tôi vẫn thường làm trong những dịp sinh nhật trước của anh. Chị ấy có biết rõ thị hiếu của K. để chọn cho anh đúng món quà mà anh thích? Tối nay, anh có mời bạn bè, hay chỉ muốn ở nhà một mình với chị như năm xưa anh vẫn thích làm như vậy với tôi? Anh đã quên hẳn tôi rồi, hay ít nhất cũng nghĩ rằng tôi đã quên anh.
Không chịu đựng nổi ý nghĩ ấy, tôi làm một việc điên rồ là mở ngăn kéo, lấy tờ giấy ghi địa chỉ của K. và chạy bổ ra bưu điện. Tôi gửi đi một bức điện dài, bắt đầu bằng dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật lần thứ hai mươi chín...” Tôi không ký tên vào bức điện, sợ rằng nếu nó rơi vào tay người khác thì cái tên tôi có thể làm hỏng mất ngày vui của anh. Vả lại, cần gì phải ký tên, nếu K. còn nhớ tới tôi, anh sẽ hiểu bức điện từ Hà Nội này là do ai gửi.
Rõ ràng, K. đã dứt khoát quên tôi. Bức điện này cũng chung số phận với những bức thư mà tôi gửi cho anh hồi trước, không hề có một hồi âm.
Cần phải sống, tôi tự nhủ mình như vậy. Nói cụ thể hơn là cần phải kiếm tiền. Tôi vừa có một hướng mới do chị Vi mách cho. Chị chuẩn bị đi thực tập nước ngoài nên bỏ việc làm thêm ở một sạp bán sách báo. Chị xui tôi đến xin làm thay chị, chủ sạp đang tìm người.
Tưởng chủ sạp là ai xa lạ, hóa ra lại là một cặp vợ chồng làm việc ở trường tôi. Bà làm phòng hành chính, ông làm phòng đào tạo, tôi không quen nhưng thỉnh thoảng có gặp ở trường.
Tôi đến ngay sau khi chị Vi thôi việc, thế mà chỗ làm đã có người khác. Ít ra, đó cũng là điều mà bà chủ sạp trả lời tôi. Giọng bà lạnh lùng và khó chịu đến nỗi tôi đâm ngờ rằng chưa chắc đã có người nào, mà lý do chính khiến bà chủ không muốn nhận tôi là vì tôi đã mang tiếng xấu. Ai chứ bà Thơm thì chẳng thể giữ mồm giữ miệng được. Tôi hiểu rằng từ nay đi kiếm việc thì nên tránh dân cùng trường ra cho đỡ mất thời giờ.
Giữa lúc tôi đang buồn thì T.H. từ Pháp về Hà Nội chơi. Cô vừa mới lấy chồng xong nên đem chú rể về trình diện. Chẳng báo trước gì hết, T.H. đến nhà tôi một cách rất bất ngờ. Đến một mình, không mang theo chồng, để hàn huyên cho thoải mái. Tôi mừng đến phát khóc lên.
Câu đầu tiên của T.H. là hỏi thăm K. và thắc mắc sao chúng tôi đợi gì mà mãi không chịu cưới. Cô sững sờ khi biết rằng K. chưa về nước, tôi và anh đã cắt đứt rồi. T.H. muốn hỏi thêm nhưng tôi kiên quyết nói sang chuyện khác nên cô đành chịu. Cô bèn hỏi đến chuyện việc làm. Tôi bảo, bây giờ tôi làm hợp đồng ở trường D, đang đợi biên chế. “Có đủ sống không?”, T.H. hỏi. “Thì cũng như người khác thôi”, tôi trả lời và lại muốn đổi đề tài, nói đến chuyện đám bạn cũ. Nhưng lần này, T.H. nhất định không bỏ cuộc.
- Có chuyện gì thế? – T.H. hỏi.
- Chẳng có chuyện gì đâu, - tôi chối.
- Mày đừng có giấu tao. Nhìn mặt mày là tao biết. Hồi trước, có chuyện gì mày cũng kể cho tao hết cả. Mày không coi tao là bạn nữa à, - T.H. nói dỗi.
- Thực ra cũng không có gì quan trọng cả, nói nó mất vui đi, - tôi lúng túng.
- Kể cho tao nghe đi, xem tao có giúp gì được mày không, - T.H. nài nỉ.
Nhìn vẻ mặt lo lắng của T.H., đột nhiên tôi không kìm được, khóc nức lên:
- Ở đây, tao không có gì hết cả. Tình không, tiền không, sự nghiệp không. Tao không còn biết sống để làm gì nữa H. ạ.
Rồi tôi kể hết mọi chuyện cho T.H. nghe, từ chuyện tôi đi xin việc đến chuyện tôi bán hoa để mất tiền, rồi tình hình bi đát của tôi ở trường hiện nay... Nước mắt T.H. ứa ra, cô bảo:
- Tao không thể để mặc mày như thế này được. Tao sẽ kéo mày ra khỏi đây. Mày có muốn quay lại Matxcơva với K. không?
- Không, - tôi kêu lên. – Tao biết làm gì ở Matxcơva bây giờ. Mà K. cũng không còn ở Matxcơva nữa.
- Thế thì sang Pháp với tao đi, - T.H. bảo. - Tao sẽ nói Pascal tìm cho mày một học bổng sang Pháp học.
- Nhưng tao bảo vệ luận án ở Nga rồi, còn học gì nữa.
- Có bằng Nga rồi thì học lấy thêm bằng Pháp, có sao đâu. Học, học nữa, học mãi. Mày chưa đến hai tám tuổi, đi học là phải quá. Sang Paris mà xem, tao quen mấy bác người Việt mình, gần sáu chục tuổi rồi mà vẫn còn được cơ quan cử đi Pháp học, học xong về nước thì vừa đến tuổi về hưu. Đi học bây giờ là cái nghề hữu ích nhất của trí thức nước mình C. ạ. Mày cứ sang Pháp một thời gian, thay đổi không khí. Không phải lo nghĩ kiếm sống mà lại được học thêm, tiếp xúc với giới khoa học bên đó cũng hay lắm chứ. Rồi tương lai thế nào thì tính sau.
Tôi đưa cho T.H. toàn bộ hồ sơ khoa học của tôi để vợ chồng cô đi liên hệ xin học bổng. T.H. trở lại Paris, tôi bắt đầu đi học tiếng Pháp cấp tốc (cũng may, không phải bập bẹ từ đầu, vì tôi đã từng học tiếng Pháp trong những năm đại học ở Nga). Bốn tháng sau, tôi nhận được thư của cô bạn cùng với những giấy tờ để tôi sang Pháp làm luận án tiến sĩ. “Tao rất muốn mày sang đây sớm, nhưng vì mày khác ngành bọn tao nên hơi khó liên hệ. Mãi vừa đây mới có trường trả lời đồng ý nhận, nhưng lại ở thành phố khác chứ không phải ở Paris. Kể cũng buồn vì bọn mình sẽ không được ở gần nhau, nhưng tạm thời mày cứ sang Pháp đi, rồi sau đó nếu muốn chuyển lên Paris thì chắc cũng có cách”, T.H. viết
Một năm rưỡi sau ngày về nước, tôi lại rời Hà Nội ra đi. Chẳng có gì luyến tiếc khi bỏ hợp đồng ở trường D, chỉ thương bố đã bắt đầu già yếu, giờ lại sống lủi thủi một mình ở Hà Nội. Nhưng bố tôi thì có vẻ thanh thản hơn, cụ nói giống hệt T.H.: “Con cứ đi một thời gian cho thay đổi không khí. Lúc này ở nhà làm việc chưa thuận lợi thì tranh thủ đi học thêm cũng tốt. Ít nữa về có thể tình hình sẽ sáng sủa hơn”. Rồi cụ nói thêm: “Đừng lo cho bố. Thằng D. cũng sắp về rồi.” D., em trai tôi, đang ở Đức, quãng nửa năm nữa học xong nó sẽ trở về. Đó là điều an ủi duy nhất của tôi.
Trước hôm đi, tôi đến chào bố mẹ K. “Con bỏ thằng K. thật đấy à?”, mẹ anh hỏi, hệt như ngày nào anh hỏi tôi ở Matxcơva. Nước mắt tôi trào ra, tôi nghẹn ngào nói: “Nếu anh về Hà Nội, bác nói anh tha lỗi cho cháu”.
Thế là lại Nội Bài. Một năm rưỡi trước, khi tôi từ Nga trở về xuống đến đây, tôi cứ nghĩ rằng tôi sẽ quay lại sân bay này để đón K. Bây giờ, tôi đến để lại ra đi. Tương lai sẽ ra sao, tôi cũng chưa biết nữa. Trong vali tôi có đủ giấy tờ ghi rõ rằng tôi đến trường... để làm luận án tiến sĩ ba năm. Trong tay tôi có tấm vé máy bay ghi rõ nơi đến: sân bay Charles De Gaulle- Paris. Vậy mà tôi bước lên máy bay như một người ngơ ngẩn. Không biết mình đang làm gì. Không biết mình đang đi đâu.
"Đi đâu" luôn luôn là vấn đề phải lo nghĩ trước hàng tháng của vợ chồng Lan Chi mỗi khi kỳ nghỉ hè đến gần. Từ cuối tháng tư, khi đợt nghỉ mùa xuân của lũ trẻ vừa kết thúc, hai vợ chồng đã bắt đầu hỏi nhau: "Hè này nhà mình đi đâu nhỉ?" Ra biển, lên núi, đi trong nước Pháp hay ra nước ngoài? Đi đâu thì đi, phải quyết định cho nhanh để trong tháng năm còn tìm thuê nhà hay thuê khách sạn, đặt chỗ trước, chứ cứ lần lữa đợi đến tháng sáu thì chẳng còn nhiều nơi tốt mà kén chọn. "Tốt" ở đây còn kèm theo tiêu chuẩn là "không đắt", cho nên thực ra cũng chẳng được kén chọn gì nhiều. Ngân sách eo hẹp, đi xa thì tốn kém, đi gần thì loanh quanh cũng chỉ có vài nơi.
Có những năm Lan Chi chả thấy hào hứng gì, lại nghĩ đến cảnh chen chúc tàu xe, đảo lộn cuộc sống mà phát ngán, cô bảo: "Thôi, hè này mình ở nhà một lần thì đã sao, đi mãi cũng chán!". Nhưng Trung phản đối: "Cả năm đã ở nhà rồi, chịu khó đi ít ngày cho lũ trẻ được thay đổi không khí". Lại có năm tìm mãi không được nơi ưng ý, đến lượt Trung chán ngán đề xuất ý kiến tẩy chay chuyện đi nghỉ một năm, nhưng Lan Chi không chịu: " Nghỉ hè, nhà nào người ta cũng cho con đi chơi cả, mình lại giam con ở nhà sợ chúng nó tủi thân".
Đúng vậy, tháng bảy và nhất là vào đầu tháng tám, cả nước Pháp ồ ạt xuống đường đi nghỉ, ai không đi được tự dưng cảm thấy mình lạc lõng, thua kém thiên hạ. Các nhà ga đông nghịt người. Trên các con đường cao tốc, vào những ngày và những giờ cao điểm, tốc độ xe chạy còn chậm hơn trong đường làng, hàng đoàn ô tô lũ lượt mệt mỏi nhích từng tí một, người và xe vã mồ hôi dưới ánh mặt trời gay gắt. Vậy mà ai cũng hớn hở ra đi. Dãy phố của Lan Chi thường ngày đã vắng, vào những dịp này lại càng vắng tanh, hầu như nhà nào cũng có vài tuần đóng cửa im ỉm. Kể ra ở lại nhà vào lúc này thì điều kiện nghỉ ngơi còn yên tĩnh hơn là lên núi hay ra biển. Nhưng mà buồn, trẻ con chẳng có bạn để chơi. Đến đầu năm học mới, cô giáo ra bài văn "Kể lại kỳ nghỉ hè của em" thì đứa nào không đi đâu sẽ chẳng biết kể gì hết. Đấy là trẻ con, chứ còn người lớn bị người quen hỏi thăm "hè này đi đâu" mà lại trả lời là "không đi đâu cả", thì thấy như mình tự nhiên bị tụt xuống mất vài nấc trong bậc thang xã hội. Nghe nói có nhà sa sút không còn tiền đi nghỉ đã phải đóng cửa tắt đèn, chui xuống kho ở tầng hầm sống một tuần để giữ sĩ diện với hàng xóm. Chắc là chuyện đùa thôi, nhưng chuyện thật một trăm phần trăm là gia đình em gái Trung đã từng phải vác lều bạt lên núi cắm trại một tuần để khỏi phải chui vào kho ở. Không phải là do thiếu tiền, mà vì vợ chồng Hạnh đột nhiên có sự cố nên không đi nghỉ được đúng vào thời gian dự kiến, đến phút cuối cùng mới thay đổi kế hoạch nên chỉ còn kiếm được một chỗ "camping" ở một vùng dưới chân núi. Lên núi cắm trại thì cũng là một thú vui của dân tây, phải cái dân mình không có tình thần thể thao leo núi như tây, lại kém chịu lạnh, nên tuy cả nhà đã chả dám leo đâu cao, chủ yếu chỉ chui ra chui vào cái lều, vậy mà sau kỳ nghỉ về đến Paris mẹ Trung còn bị ho dai dẳng đến hơn một tháng. Thế nhưng hè nào bà cũng chịu khó đi nghỉ cùng gia đình con gái, tuy rằng chuyện đó đối với bà có vẻ là nghĩa vụ hơn là niềm vui. Hè năm ngoái, gia đình Hạnh đi nghỉ tại một bờ biển nổi tiếng ở Tây Ban Nha, đúng được hai tuần trời nắng rực rỡ. Bãi biển đẹp, nước biển đã ấm lại trong, nhưng Hạnh phàn nàn là cô dỗ thế nào mẹ cũng chỉ chịu ra bãi biển có đúng một lần (không nhúng chân xuống nước), rồi lại về nhà ngồi vì sợ nắng.
Lan Chi nhớ lại tuổi thơ của mình, nghèo đói mà sao thật dễ vui. Nghỉ hè hầu như chẳng ai đi đâu hết, lũ trẻ cùng phố được thả ra là tụ tập ngay lại với nhau, tự nghĩ ra đủ thứ trò chơi, vui nổ trời, đến chiều tối bố mẹ phải rát cổ bỏng họng gọi năm lần bảy lượt thì mới chịu về nhà tắm rửa, ăn uống. Ở đây, những nhà tử tế không có cái lối thả rông con ra đường như vậy. Trẻ con được nghỉ hè hai tháng, không lẽ đóng cửa nhốt chúng ở nhà cả sáu chục ngày. Vì thế, hè mới lấp ló đến gần mà vợ chồng Lan Chi đã lo sốt vó đến trách nhiệm mua vui giải trí cho con.
Năm nay, Lan Chi có vẻ ung dung hơn mọi năm về chuyện đi nghỉ hè. Đã đầu tháng năm rồi, sực nhớ là chưa thấy vợ bàn gì đến chuyện này cả, Trung hỏi:
- Em đã chọn được nơi nào đưa con đi nghỉ hè năm nay chưa?
- Anh có sắp xếp đi nghỉ với em và bọn trẻ được không, hay lại để bốn mẹ con đi với nhau thôi? - Lan Chi không trả lời mà hỏi lại.
- Em đưa con đi rồi anh tranh thủ đến vài ngày thôi. Hè năm nay chắc anh phải ở lại trực bệnh viện.
Xin nghỉ phép vài tuần vào dịp hè đối với Lan Chi là một vấn đề đơn giản, chỉ cần báo trước một tháng cho ông chủ là xong. Mùa hè, sinh viên nghỉ học đi kiếm việc làm thêm đông như kiến, cửa hàng chẳng khó khăn gì để tìm người bán hàng tạm vài tuần. Nhưng cái nghề bác sĩ của Trung thì lại hay bắt anh làm việc vào lúc thiên hạ đi chơi: kỳ nghỉ hè không những người ta chẳng chịu ốm bớt đi cho, mà lại còn có thêm bao nhiêu bệnh tật tai nạn cứ trái khoáy xảy ra vào đúng lúc tinh thần nghỉ ngơi của dân chúng lên đến cao điểm. Không phải năm nào Trung cũng lấy phép được vào dịp hè để đi nghỉ với vợ con.
Những lần như vậy, vợ chồng Trung thường chọn một nơi nghỉ gần nhà, để anh có thể đến vào dịp cuối tuần hay vào ngày nghỉ bù nào khác rồi lại quay về làm việc mà không mất nhiều thời gian đi lại.
- Nếu anh không đi nghỉ được thì hè này em mang bọn trẻ con sang Đức chơi với con nhà Duy. Hẹn với vợ chồng nó đã mấy năm nay rồi, thôi thì dịp này đi luôn là tiện nhất, - Lan Chi bảo.
- Cũng hay đó, - Trung nói. - Nhưng đi Berlin thì có lẽ một tuần là đủ. Rồi đem bọn nó về đây, đi biển hay lên núi thêm một tuần cho thoáng. Mùa hè nóng ở Berlin lâu anh sợ lũ trẻ nó chán. Thì cũng thành phố, nhà cửa như đây chớ có gì đâu.
- Em muốn sang chỗ Duy hai tuần. Mấy năm rồi chị em không gặp nhau. Với lại có hai đứa con nhà Duy chơi cùng thì bọn trẻ nhà mình nó cũng vui. Để chúng nó luyện nói tiếng Việt với nhau. Biển với núi thì chúng nó đi mãi rồi, còn lạ gì nữa.
- Tùy em thôi. Vậy em định bao giờ đi?
- Em định đi hai tuần cuối tháng bảy. Đã hỏi Duy rồi, nó bảo lúc đó đối với nhà nó là tiện nhất.
Thế là quyết định. Giữa tháng bảy này, bốn mẹ con sẽ đi Berlin. Lan Chi thở phào nhẹ nhõm. Mọi chuyện giải quyết dễ dàng nhanh gọn như vậy mà cô cứ băn khoăn suy tính cả tháng nay.
Nhưng cuộc đời thường hay có những sự cố bất ngờ. Quãng cuối tháng năm, khi Lan Chi đã hoàn toàn ung dung với kế hoạch đi Đức chơi, thì bỗng dưng Trung lại đề nghị cô chuyển chuyến đi Berlin lên đầu tháng bảy hoặc sang tháng tám. Lý do là vì cuối tháng bảy, một anh bạn của Trung sẽ từ Mỹ qua Pháp chơi và dự định ghé thăm anh vài hôm. Trung muốn vợ con có mặt ở nhà vào dịp đó.
Chuyện tưởng hết sức đơn giản, không ngờ Lan Chi lại giãy nảy lên:
- Em có kế hoạch hết rồi, không thay đổi được nữa đâu. Đã hẹn chính xác với Duy là hai tuần cuối tháng bảy, bây giờ lại đổi sang dịp khác thì không tiện cho nhà nó. Nó cũng có kế hoạch của nó chứ, đâu phải cứ ngồi nhà đợi mình mãi được. Sao anh không nói từ trước?
- Anh mới nhận được thư của Tuấn hôm nay. Mà trước sau vài tuần có gì là quan trọng? Nếu em thấy đi dịp khác không tiện cho Duy thì cứ đi như đã hẹn vậy, nhưng về sớm một tuần có được không? Anh sẽ hẹn Tuấn đến chơi mấy ngày cuối tháng bảy, - ngạc nhiên trước phản ứng của vợ, Trung nhượng bộ.
- Anh bảo anh ấy đến vào đầu tháng tám ấy, - Lan Chi không chịu.
- Không được đâu. Nó bảo là ba mươi tháng bảy đã phải quay về Mỹ rồi.
- Thôi, thế thì anh chịu khó tiếp bạn anh một mình. Hai ông với nhau, muốn làm gì thì làm, đi đâu thì đi, càng vui chứ sao. Chẳng mấy khi được sống lại đời độc thân vui tính. Em mà là anh thì em thích như vậy hơn. Có em với bọn trẻ con ở nhà chỉ thêm vướng bận chứ được ích gì.
Khổ nỗi, ông bạn của Trung không sang Pháp dưới dạng độc thân vui tính, mà đi cùng với vợ con. Vì vậy, Trung muốn vợ con mình cũng có mặt ở nhà cho vui vẻ. Hơn nữa, thiếu Lan Chi, anh sợ không đón tiếp gia đình bạn chu đáo được. Nhất là anh lại làm việc ở bệnh viện, giờ giấc linh tinh.
Vấn đề đâm ra rắc rối. Lan Chi khăng khăng không chịu thay đổi chuyến đi Berlin. Cô bảo rằng cô không muốn sai lời hứa với Duy. Rằng đã hẹn là sang Đức hai tuần thì cô sẽ ở đó đúng hai tuần. Rằng mấy năm rồi chị em không gặp nhau, thế mà anh lại muốn em về sớm chỉ để tiếp đón bạn bè anh, nào em có quen biết gì họ đâu...
“Nếu em không muốn thì thôi”, Trung lạnh lùng nói rồi quay ngoắt người bỏ đi, không buồn nghe hết những lý lẽ dài dòng của vợ. Lan Chi ngẩn người ra nhìn theo chồng. Rất ít khi cô thấy anh có vẻ bực bội như vậy. “Hay là mình chỉ đi một tuần thôi nhỉ?”, Lan Chi nghĩ nhưng vẫn đứng yên, không nói lại câu nào.
Đúng là Trung rất bực. Không hẳn do yêu cầu của anh bị Lan Chi từ chối, mà cái chính là vì anh thấy vợ mình đột nhiên trở nên xa cách và khó hiểu. Tất cả những lý lẽ mà cô đưa ra anh đều thấy chẳng xuôi tai. Anh có cảm giác như cô che giấu anh điều gì. Ừ thì cô cứ đi Berlin, nhưng sao nhất thiết lại phải đi hai tuần bằng được? Sao không thể chiều chồng mà về sớm một tuần? Nào anh có yêu cầu điều gì quá đáng đâu.
Kể ra, yêu cầu của Trung không có gì là quá đáng thật, nhưng nói cho khách quan thì vợ anh cũng không phải là không có lý khi thích ở thăm em trai hơn là về nhà sớm để đón tiếp bạn của chồng. Có điều, cô lại giải thích cái lý của mình một cách thiếu tự tin đến nỗi không làm sáng tỏ được “chính nghĩa”. Hẳn là trong thâm tâm Lan Chi không được thanh thản cho lắm: cô biết rằng mình chưa hoàn toàn thành thật với chồng. Nhưng làm sao cô có thể thú nhận được với anh, khi ngay cả với chính bản thân mình cô cũng không muốn thừa nhận rằng ngoài việc muốn gặp em trai, ngoài những lý do khiến cô không hào hứng với đề nghị của Trung, còn có một nguyên nhân thầm kín khác thúc đẩy cô phải có mặt ở Berlin cả hai tuần cuối tháng bảy. Cô không muốn thừa nhận rằng cái ý định đi Đức chơi quả là đã có từ lâu, nhưng chỉ thực sự ám ảnh cô kể từ khi nghe cái tin do Tài “ủng” đem đến. Điều này, tất nhiên, Trung không thể biết.
Vậy là đến ngày bốn mẹ con lên đường, cả Trung lẫn Lan Chi đều có tâm trạng không thoải mái. Anh tự nhủ là không đáng để bực mình vì một chuyện nhỏ nhặt như vậy, cái chính là vợ con có kỳ nghỉ vui, thế là được rồi. Cô tự nhủ là mình không có lỗi gì với chồng, mình không định làm điều gì không phải, việc mình có mặt hay không có mặt ở nhà khi bạn Trung đến chơi đâu có gì là quan trọng...
Trung lái xe đưa vợ con ra ga. Đến lúc chia tay, tự nhiên Lan Chi mủi lòng, cô đột ngột vòng tay ôm cổ chồng, gắn vào môi anh một cái hôn thật thắm thiết và hứa: “Nếu bọn trẻ con ở đó một tuần thấy chán thì em sẽ mang con về sớm, có gì em sẽ gọi điện cho anh”. “”Anh sẽ gọi điện cho em đến nhà Duy, như vậy tiện hơn”, Trung nói, cảm động vì cái hôn thắm thiết bất ngờ của vợ.
Tàu bắt đầu chuyển bánh. Lan Chi nhìn bóng chồng lùi xa dần trên sân ga, chẳng hiểu sao bỗng thấy lòng se lại như sắp phải xa anh lâu lắm. Cô cũng chẳng rõ mình chờ đợi gì ở chuyến đi này. Có lẽ chẳng đợi chờ gì hết cả. Vậy mà cứ thấy trong lòng pha trộn những cảm giác lạ lùng, một chút hy vọng, một chút bồn chồn, và dường như có cả một chút lo sợ nữa.
Đây là lần đầu tiên được đi Berlin nên cả ba đứa trẻ đều hớn hở. Nhất là cu Nam, tàu chạy mới được chừng một tiếng mà cu cậu đã sốt ruột hỏi: “ Sắp đến Berlin chưa hả mẹ?” “Đầu tiên phải đến Paris cái đã. Sau đó chúng mình sẽ chuyển tàu đi Berlin”, Lan Chi giải thích. Thấy con trai nhấp nhổm không yên, cô bèn lấy một quyển sách mang ở nhà đi, đưa cho thằng bé và bảo: “Nếu con chán ngắm cảnh rồi thì đọc sách vậy. Đọc hết quyển này chắc sẽ đến Paris.” Rồi cô cũng lấy ra cho mình một quyển sách. Đọc cho khỏi nghĩ ngợi linh tinh. Trước mắt là cả một chặng đường dài. Còn hơn ba tiếng nữa tàu mới đến Paris