Kỳ tích Chi Lăng


Danh mục sách: 
Từ khóa: 

Nhà giáo, nhà văn Nguyễn Trường Thanh với bút danh Nguyễn Hoàng Đạt; Trường Thanh, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam (từ 1997) – Sinh ngày 2-5-1934 tại làng Lỗ Giao xã Việt Hùng huyện Đông Anh thành phố Hà Nội. Ông nguyên là chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lạng Sơn (1991-1997), đã xuất bản 20 đầu sách gồm nhiều thể loại: Thơ, Ký, Truyện ngắn, Tiểu luận phê bình, Kịch bản phim, Tiểu thuyết, Trong đó có 9 tiểu thuyết với đề tài lịch sử và đã nhận 6 giải thưởng văn học chính thức của trung ương và địa phương.

Tôi được quen biết, được đọc tác phẩm của ông từ năm 2000 qua một đồng nghiệp kỹ sư ngành Giao thông Lạng Sơn gọi ông bằng Cậu. Ông xuất thân từ một gia đình nông dân lương thiện, lăn lộn kiếm sống để có điều kiện đi học. Trước khi về định cư ở Lạng Sơn để trở thành nhà Văn, ông đã đi dạy học, có lúc làm thợ sửa đồng hồ ở Móng Cái, mỏ than Cẩm Phả rồi lên tận gang thép Thái Nguyên, mỏ apatis Lào Cai … lao động kiếm sống. Từ năm 1964 ông được Bộ Giáo dục cử lên Lạng Sơn dạy học và đã từng là giáo viên dạy sử, hiệu trưởng trường PTCS Đồng Mỏ, làm báo, viết văn tại Xứ Lạng biên cương cho đến ngày nay. Ông là người dễ tiếp xúc, tin cậy, luôn tự tại, lịch sự với trang phục chính khách một nhà văn.

1. Nhà văn Nguyễn Trường Thanh (Trường Thanh) đã dồn gần trọn đời mình để khai thác về đề tài lịch sử - Lịch sử chiến tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Trường Thanh là một nhà văn khá đặc biệt trong làng văn đương đại nước ta, gần như trọn đời, ông viết đến 9 tiểu thuyết lịch sử chỉ khai thác trên vùng đất Lạng Sơn biên cương Tổ quốc, là quê hương thứ hai của nhà văn. Ai muốn hiểu cặn kẽ lịch sử mảnh đất con người ở xứ đất linh này thì hãy tìm đọc Trường Thanh. Một nhà giáo dạy sử với kiến văn rộng, nhiều vốn sống, từng trải, yêu nghề ông có lối hành văn điềm đạm, tự tin tạo được lực hút xoáy với bạn đọc. Cách hành văn ấy đã tiến một bước dài trong khai thác diễn biến các sự kiện cách mạng, tình huống cách mạng trong thời kỳ lich sử, khai thác diễn tiến tâm lý và tính tự sự hay triết luận của nhân vật. Các tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu trong chuỗi dài tác phẩm của nhà văn như: Hoa trong bão (1994) viết về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, đã được dựng thành phim; Tường không phong hàm (1998) là người chiến sĩ cách mạng Lương Văn Tri, chỉ huy đội du kích Bắc Sơn; Nữ điệp báo Lạng thành (1999) là nữ chiến sĩ tình báo Ngô Thị Mão dân tộc Tày trong thời kỳ chống Pháp. Một thời biên ải tập I và II (2000-2008) viết về phong trào cách mạng ở Lạng Sơn giai đoạn trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945; Ngôi nhà của cha (2007) viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của kiến trúc sư Nguyễn Văn Ninh; Hương ngàn (2008) viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Đình Giong; Hoa bất tử (2009) viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ;Phò mã Động Giáp (2010) viết về chính sách Nhu viễn thân dân của triều Nhà Lý làm phên dậu phía Bắc của Tổ quốc; Dặm dài ải Bắc (2012) viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của chiến sĩ Công an Đào Đình Bảng – Xây dựng thế trận lòng dân để biên phòng giữ gìn cương vực vững chắc bền lâu. Trong lúc viết bài này (20-4-2014) tôi nhận được điện thoại của ông từ bệnh viện Hữu nghị Việt Xô Hà Nội là ông sắp hoàn thành tiểu thuyết thứ 10 sẽ xuất bản vào năm nay ông tròn 80 tuổi (1934-2014).

2. Tâm huyết cây bút Trường Thanh đã thấm vào từng tấc đất biên cương Tổ quốc. Từ sau năm 1975 dòng văn chương nước nhà đang ở động thái chuyển mình mạnh mẽ cùng với sự chuyển biến cách mạng đất nước. Như một mạch ngầm lặng lẽ, một mình đi về dòng văn chương riêng của ông. Đó là viết tiểu thuyết về đề tài lịch sử - Lịch sử chiến tranh cách mạng ngay trên mảnh đất biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Tiêu điểm là miền đất Lạng Sơn, tấm phên dậu để giữ nước của cả dân tộc. Năm 30 tuổi (1964) ông chính thức về Lạng Sơn dạy học, làm báo, viết văn đến nay đã gần nửa thế kỷ. Năm 1981 ông viết tiểu thuyết lịch sử đầu tay và viết cuốn tiểu thuyết lịch sử thứ 9 là Dặm dài ải Bắc vào năm 2012, lúc ông tròn 78 tuổi. Xuất phát hành trình văn chương của ông là tình yêu tha thiết mảnh đất và con người ở xứ Hoa đào này - Ấy chính là tình yêu Tổ quốc. Ông muốn đem ngòi bút văn chương của mình góp phần bảo vệ và xây dựng từng tấc đất biên cương, giữ gìn độc lập chủ quyền toàn vẹn cho đất nước. Đây là tư tưởng nghệ thuật, sợi chỉ đỏ xuyên suốt từng trang tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trường Thanh. Lạng Sơn có vị trí chiến lược vệ quốc rất trọng yếu đã chứng kiến một lịch sử lặp đi lặp lại mấy mươi lần quân bành trướng phia Bắc sang xâm lược nước ta phần lớn đều qua cửa ngõ biên cương này. Gần như các triều đại phong kiến Trung Hoa: Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, quân bành trướng đương đại…đã nhiều lần đem đại quân sang xâm lược nước ta, có lần đô hộ đến nghìn năm! Khi chúng thua chạy hoặc đầu hàng rút quân đều qua miền đất biên viễn thiêng liêng, anh dũng và nhân ái này. Có thể nói cả chín tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Trường Thanh đều dành nhiều trang nhấn về vị trí chiến lược, tinh thần ái quốc anh dũng chiến đấu chống ngoại xâm của đồng bào các dân tộc, chủ yếu là dân tộc Tày, Nùng, Dao…Quê hương Lạng Sơn, nơi mà từng tấc đất, từng tên núi, tên sông…đều gắn chặt với lịch sử hào hùng chống giặc, thắng giặc ngoại xâm về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao của dân tộc. Với tầm nhìn lịch sử, xuất phát từ tình yêu miền biên viễn đất linh, mang nặng ơn tình Xứ Lạng, nhà văn Trường Thanh đã quyết tâm niệm dùng ngòi bút của mình viết về truyền thống lịch sử hào hùng chống ngoại xâm của ông cha, tổ tông, dân tộc ở miền đất biên viễn này. Bộ tiểu thuyết lịch sử của ông đã toát lên những bài học lịch sử xương máu rút ra từ nghìn năm, trong đó có mô hình xây dựngThế trận lòng dân nơi biên phòng thiết yếu của đất nước. Đây là sự thành công xuất sắc của nhà văn Trường Thanh trên văn đàn Xứ Lạng hôm nay, góp phần vào nền văn học đương đại nước nhà. Khép lại trang cuối của bộ tiểu thuyết nhiều quyển, tôi cảm thấy: Tâm huyết cây bút Trương Thanh như đã thấm vào từng tấc đất biên cương của Tổ quốc.

3. Đọc qua 20 đầu sách đã xuất bản của ông mà chủ yếu là 9 tiểu thuyết lịch sử - lịch sử chiến tranh cách mạng chứng tỏ nhà văn Trường Thanh về mặt tư tưởng nghệ thuật rất thông tỏ và thực hiện đúng theo tinh thần Đề cương văn hoá Việt Nam năm1943 và nghị quyết 23 Bộ Chính trị khoá X về văn hoá của Đảng. Không những bản thân thực hiện đúng khi nhà văn cầm bút mà còn vận động nhiều văn nghệ sĩ làm theo khi ông ở cương vị quản lý Hội VHNT của tỉnh. Cũng chính từ việc nhận thức đúng về đường lối văn hoá văn nghệ của Đảng mà nhà văn Trường Thanh có lúc vấp ngã trên đường đời nhưng ông đã dồn nghị lực tự đứng dậy chính bằng những trang tiểu thuyết hàn lâm, bổ ích của mình. Những tiểu thuyết ông viết sau lần vấp ngã lại càng ngồn ngộn chữ nghĩa lại làm sáng thêm trang đời, trang văn của ông. Sau khi hoàn thành tiểu thuyết “Phò mã Động Giáp” kịp chào mừng kỷ niệm Nghìn năm Thăng Long báo Người cao tuổi đã trân trọng đăng kín một trang báo ca ngợi ông là một nhà văn tuổi cao gương sáng nơi Xứ lạng biên cương. Tác phẩm của ông còn có giá trị cao về mặt văn học. Nhiều sinh viên và học viên trường đại học Thái Nguyên… thường lấy tiểu thuyết của ông để viết luận án cử nhân và thạc sĩ.

Có thể thấy cả cuộc đời, kể cả tuổi thanh xuân sung mãn đẹp dẽ nhất của nhà văn Trường Thanh đã gắn bó với miền đất linh Xứ Lạng thân yêu. Nhà văn Trường Thanh là một tác giả tiêu biểu, xuất sắc đóng góp nhiều cho nền văn chương, văn học Xứ Lạng suốt gần nửa thế kỷ qua. Tên tuổi ông đã được bạn đọc cả nước biết đến với một tình cảm trân trọng, yêu mến.

Nhà văn Trường Thanh đã dành một tình yêu lớn cho Xứ Lạng quê hương.
Nguồn: http://vanhien.vn

Sách này được thực hiện theo dự án SÁCH HIẾM - Số 5/2014
bởi các thành viên diễn đàn Gác Sách:

Chủ dự án:
MotKeVoDanh

Chụp ảnh:
Chim Cụt

Đánh máy:
timbuondoncoi (Chương 1 – 8: 8 chương)
Áng Mây Lập Dị (Chương 9 – 16: 8 chương)
Dieplam (Chương 17 – 24: 8 chương)
Gwatan Daniella (Chương 25 – 32: 8 chương)
Starlight (Chương 33 – 40: 8 chương)
Tiểu Bảo Bình (Chương 41 – 48: 8 chương)
MotKeVoDanh (Chương 49 – 52: 4 chương)

Đăng:
H.y

Các bạn muốn chia sẻ sách này, vui lòng giữ kèm thông tin bên trên.
Chân thành cảm ơn mọi người!

Đọc trực tuyến: