Én liệng Truông Mây - Tập III: Những mảnh tình trắc trở


2
Tác giả: 
NXB: 

Chiều chiều én liệng Truông Mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành

Lía là ai? Lía có phải là một nhân vật có thật thời chúa Trịnh, chúa Nguyễn hay không? Chàng Lía chưa được chính sử ghi nhận có phải là vì cuộc dấy nghĩa của chàng và những anh em ở Truông Mây không có kết quả chăng?

Nằm trong phần thứ nhất của bộ Tây Sơn Tam Kiệt, là bộ trường thiên tiểu thuyết võ hiệp lịch sử gồm ba phần: Én liệng Truông MâyNhất Thống Sơn Hà, Gia Định Tam Hùng kéo dài suốt giai đoạn lịch sử nước nhà từ năm 1738 đến 1802, tức giai đoạn cuối thời Nam - Bắc phân tranh đời Hậu Lê, với Chúa Trịnh Giang ở Đàng Ngoài, chúa Nguyền Phúc Khoát ở Đàng Trong, rồi nhà Tây Sơn thống nhất đất nước cho đến khi Gia Long lên ngôi.

Phần một của bộ Tây Sơn Tam Kiệt - Én liệng Truông Mây gồm 41 hồi phân thành 4 tập, đã tái dựng nên một giai đoạn lịch sử thời Trịnh - Nguyễn đầy biến động. Và địa danh Truông Mây là nơi khơi màu tuyên ngôn của sự công bằng, nơi lóe lên tia chớp soi đường cho những nghĩa sĩ sẽ tụ nghĩa ở Tây Sơn, cũng là nơi khởi đầu cho những địa danh lịch sử hừng hực lửa trong phần hai: Nhất Thống Sơn Hà.

Khoảng thời gian hơn sáu mươi năm đó, tuy rất ngắn ngủi trong dòng lịch sử bốn ngàn năm, nhưng lại là một giai đoạn lịch sử oai hùng và sáng chói nhất của dân tộc, đưa tên tuổi của nước Đại Việt vang khắp năm châu. Và vị anh hùng Quang Trung - Nguyễn Huệ đã được liệt vào hàng vĩ nhân, một danh tướng bậc nhất của nhân loại, một vị tướng bách chiến bách thắng, chưa một lần chiến bại. Dù vậy cũng không thể phủ nhận đó là một giai đoạn bi thương nhất của dân tộc và có không ít những sự kiện bị gạt bỏ ra ngoài dòng chảy lịch sử nước nhà.

Một trong những vị anh hùng bị lãng quên trong lịch sử đó là chú Lía, người hiệp sĩ đã lãnh đạo cuộc đấu tranh của những người nghèo khó chống lại sự thối nát, bóc lột, bất công, quan quyền của triều đình chúa Nguyễn.

Cuộc khởi nghĩa Truông Mây của chú Lía tuy thất bại nhưng đã khơi dậy trong lòng người dân Việt khốn khổ sức mạnh và ý chí đấu tranh chống lại áp bức, bất công của bọn vua chúa, cường quyền, từ đó mở rộng con đường đấu tranh dẫn đến sự xuất hiện của ba anh em Tây Sơn với công cuộc thống nhất đất nước, làm nên những thắng lợi rực rỡ trong cuộc chiến chống ngoại xâm như đánh tan hai vạn quân Xiêm La và hơn hai mươi vạn quân Thanh xâm lược.

Dã sử, nói dễ hiểu là viết lại những sự kiện lịch sử, dĩ nhiên sẽ hư cấu thêm để người đời nay có thể cùng chung sống với người xưa. Mời bạn đọc tiếp tục với Hồi thứ hai mươi hai đến Hồi thứ ba mươi hai trong Tập 03: Những mảnh tình trắc trở, nằm trong Phần 01: Én liệng Truông Mây thuộc bộ Tây Sơn Tam Kiệt.