Chuẩn chính tả và các lỗi hay gặp phải
Quy chuẩn chính tả các bạn xem chi tiết tại bài: Quy định Viết đúng chính tả, không dùng ngôn ngữ @
Ở đây Gác liệt kê các lỗi thường xuyên gặp phải của các tác giả, dịch giả trong quá trình duyệt quyền. Để tự mình thấy được lỗi sai thì các bạn viết ra word, sau đó so sánh cách dùng dấu câu với một cuốn sách giấy được xuất bản bởi các đơn vị uy tín như: NXB trẻ, Nhã Nam... là sẽ thấy được các lỗi sai của mình.
Các lỗi sai cơ bản khi viết văn:
1. Đặt thừa, thiếu khoảng trống trước dấu câu. VD: Ai ?, " Kệ tôi"...
Các bạn cần nắm được các nguyên tắc cơ bản sau:
a, Các dấu phân cách câu, phân cách ý (phẩy, chấm, chấm cảm, chấm lửng, chấm hỏi, hai chấm) đứng liền sát với nội dung phía trước và có khoảng trống với nội dung tiếp theo.
b, Khi sử dụng các dấu ngoặc, nội dung cần liền sát với cả ngoặc đóng và mở.
c, Khi dùng dấu gạch ngang cần có khoảng trống cả trước và sau dấu. Chú ý phân biệt với dấu gạch nối.
d, Chú ý không có dấu gạch dưới _ trong viết văn.
2. Sử dụng sai dấu câu.
Hai lỗi sai cơ bản là:
- Dấu chấm lửng sử dụng nhiều chấm. Chú ý, dấu chấm lửng phải và chỉ có ba chấm.
- Sử dụng dấu câu liên tiếp. Thường gặp ở các câu hỏi và cảm thán. VD: ???, !!!
Các dấu câu chỉ sử dụng 1 lần.
3. Sử dụng số đếm.
Ngoại trừ số đếm là danh từ và chỉ thời gian (VD: lớp 10A, năm 1945) thì mọi số đếm khác đều cần được biết dạng chữ. Thậm chí mình thấy nhiều sách kể cả ngày tháng năm đều viết dạng chữ.
4. Viết tắt.
Phổ biến là viết tắt về thời gian (VD: 2h) và các số đo cơ bản (VD: 20km, 1kg)
Những kiểu viết trên chỉ sử dụng khi làm toán, còn ta viết văn thì phải viết đúng cách đọc.
VD: 2h bạn sẽ đọc là "hai giờ" chứ không phải "hai hờ" nên bạn buộc phải viết là "hai giờ" hoặc "2 giờ". Tương tự cho các trường hợp khác.
5. Không thống nhất trong cách đánh dấu phân biệt lời thoại và lời dẫn.
Hiện có 2 cách là dùng ngoặc kép và dùng gạch ngang. VD:
"Anh yêu em." Tôi nói.
- Anh yêu em. - Tôi nói.
Khi sử dụng ngoặc kép thì không cần dấu gạch ngang phân cách nữa. Nhiều bạn dùng cả 2.
6. Thừa dấu câu khi sử dụng ngoặc kép để đánh dấu hội thoại.
Nhiều bạn coi toàn bộ ngoặc kép và nội dung bên trong chỉ là một thành phần của câu nên dấu câu phải đặt bên ngoài, điều này chỉ đúng nếu ngoặc kép mang chức năng trích dẫn, còn khi đã mang chức năng đánh dấu hội thoại thì dấu câu phải đặt bên trong ngoặc kép.
VD:
"Anh có yêu em không?".
"Có, tất nhiên là có".
Ở 2 câu trên, câu đầu thừa dấu chấm bên ngoài ngoặc kép, câu sau phải đưa dấu châm bên ngoài vào bên trong ngoặc kép.
Sửa:
"Anh có yêu em không?"
"Có, tất nhiên là có."