03. Con Ai Con Ấy!... Đứa Nào Đứa Này
CON AI CON ẤY !… ĐỨA NÀO ĐỨA NÀY !
Các ông Nho-học thường không ngớt ca tụng bên Trung-quốc có những bực thần đồng như Vương-Bột đời Đường mới 16 tuổi đã văn-chương nổi tiếng lừng lẫy.
Các ông Tây-học cũng luôn miệng khen các nhi đồng Âu, Mỹ có cậu mới hơn 10 tuổi đã làm toán rất tài, và như Beethoven, thì tuyệt, mới 6, 7 tuổi đã khét danh âm nhạc.
Đối với các cậu thần đồng ấy, hỏi ai không phải lấy làm lạ, và mến phục. Nhưng ở nước Nam ta đâu phải không có những hạng người như thế, mà còn hơn thế nữa. Thí-dụ như Trạng-nguyên Nguyễn-Hiền ở đời Trần, tục gọi là Trạng Non.
Hiền thi đỗ lúc mới 13 tuổi. Khi vào triều kiến, nhà vua hỏi : Trạng học ai ?
Nguyễn-Hiền tâu : Thần học thần.
Nhà vua cho Trạng tuổi còn non, chưa biết lễ, nên bảo về nhà học thêm ít năm rồi sẽ ra làm quan.
Nguyễn-Hiền về được ít tháng, sứ-giả Trung-quốc đem sang một bức thư nhờ nước Nam giảng hộ bốn câu thơ :
Lưỡng nhật bình đầu nhật, 兩日平頭日
Tứ san điên đảo san. 四山顛倒山
Lưỡng vương tranh nhất quốc, 兩王爭一國
Tứ khẩu tung hoành giang. 四口從橫江
Đọc 4 câu thơ, các triều thần không ai biết nghĩa lý gì. Nhà vua phải sai sứ đi mời Trạng Nguyễn-Hiền vào hỏi.
Khi sứ giả tới làng, gặp một đứa nhỏ rất khôi ngô đang chơi ở ngoài đường. Sứ giả lại hỏi thăm nhà Nguyễn-Hiền, xong ngâm rằng :
Tự là chữ, bỏ đằng đầu chữ tử là con, con ai con ấy. 1
Sứ-giả đọc xong, đứa nhỏ ứng khẩu đối lại ngay :
Vu là chưng, cắt ngang lưng chữ đinh là đứa, đứa nào đứa này. 2
Sứ giả giật mình muốn hỏi, nhưng đứa trẻ đã ù chạy. Khi sứ giả tới nhà mới biết cậu ta là Nguyễn-Hiền. Thấy Nguyễn-Hiền đang hý hoáy trong bếp, sứ giả đọc : Ngô văn quân tử viễn bào trù, hà vi cận táo. 吾聞君子遠庖廚何為近竈. Nghĩa là ta nghe người quân-tử phải xa nơi bếp núc, mà sao lại gần chỗ ông táo.
Nguyễn-Hiền đáp : Ngã bản dĩ quan cư đỉnh nại, khả tạm điều canh. 我本以官居鼎鼐可暫調羹. Nghĩa là chức ta đáng lẽ phải ở nơi sanh vạc (chức tể-tướng) nhưng mà hãy tạm nấu canh đây.
Sứ giả đưa chiếu vua vời ra, Nguyễn-Hiền không chịu đi, bảo :
- Ông hãy trở về tâu với thiên tử, ngày trước thiên tử chê tôi là kém lễ không dùng. Tôi nghĩ thiên tử chắc hẳn phải nhiều lễ hơn tôi. Nhưng sao bữa nay cho ông đi vời tôi lại không có mao việt. Tôi không đi, chừng nào thiên tử lấy lễ cho vời tôi mới tới.
Sứ giả về tâu, nhà vua phải sai lính lấy kiệu và cờ quạt, dùng đúng nghi lễ Trạng-Nguyên đến mời, Nguyễn-Hiền mới chịu đi.
Tới nơi, nhà vua đem 4 câu thơ ra, Nguyễn-Hiền lấy bút viết lên chữ « điền » và nói : Tất cả 4 câu này cũng chỉ là một chữ « điền » thôi.
Sứ giả Trung-quốc thấy Nguyễn-Hiền giảng được phải phục nước Nam có người giỏi, và không dứt lời khen họ Nguyễn là một bực thông minh kỳ dị.
Nguyễn-Hiền ra về, nhà vua định ít năm sẽ vời ra làm quan. Nhưng chưa kịp thì ông đã từ trần.
Đó, các bạn thấy chưa ?
Phải đâu là nước Nam mình xưa không có những người thông minh tài giỏi rất sớm như bên Trung-quốc và các nước Âu-Mỹ.
Nếu các bạn còn nghi hoặc, còn chưa tin lời nói của chúng tôi là đúng, và chuyện trên này là không có thì xin hãy lần lại bộ sử của nước nhà, và xin đọc tiếp những chuyện sau về sự tích của các ông Vũ-Công-Duệ, Lương-Hữu-Khánh, Lê-Quý-Đôn, v.v…