Ông Già Và Biển Cả - Chương 02

Chương 2

“Thỉnh thoảng vào những
ngày xa xưa ấy, anh ta thường đến Terrace. Nhưng khi đã rượu vào thì anh ta
nóng nảy, nói năng nhát gừng và khó đăm đăm. Đầu óc anh ta dồn hết cả vào ngựa
và bóng chày. Lúc nào anh ta cũng giữ danh sách ngựa trong túi áo rồi cứ xướng
tên qua điện thoại.”

“Ông ta là tay quản lý
ra trò”, thằng bé nói.

“Cha cháu nghĩ ông ta
là người vĩ đại nhất.”

“Bởi vì lúc nào anh ta
cũng đến đây”, ông lão nói.

“Nếu hằng năm Durocher
cứ đến đây thì chắc cha cháu sẽ nghĩ anh ta là tay quản lý cừ khôi nhất.”

“Thật ra ai là ông bầu
vĩ đại nhất, Luque hay Mike Gonzalez... ”

“Ông nghĩ hai người
ngang nhau.”

“Còn người đánh cá tài
ba nhất là ông.”

“Không. Ông biết nhiều người giỏi
hơn.”

“Queva”, thằng bé thốt
lên. “Có nhiều người đánh cá giỏi và vài người vĩ đại. Nhưng ông là người duy
nhất.”

“Cám ơn. Cháu làm ông
hạnh phúc. Ông hi vọng sẽ không có con cá
nào cùng vĩ đại như thế để chứng minh rằng ông cháu ta sai.”

“Sẽ chẳng có con cá nào
như thế nếu ông vẫn còn khỏe như ông nói.”

“Có lẽ ông không được
khỏe như ông nghĩ đâu”, ông lão nói.

“Nhưng ông biết nhiều
mẹo và có cách xử lý.”

“Giờ thì ông nên ngủ đi
để sáng mai khỏe khoắn. Cháu mang mấy thứ trả Terrace.”

“Vậy thì tạm biệt. Sáng
mai ông sẽ đến đánh thức cháu.”

“Ông là cái đồng hồ của
cháu”, thằng bé nói.

“Tuổi tác là đồng hồ
của ông”, ông lão nói.

“Tại sao người già lại
thức giấc quá sớm?
Phải chăng là muốn có một ngày dài hơn?”

“Cháu không biết”,
thằng bé nói. “Những gì cháu biết là người trẻ thì ngủ dậy muộn và khó.”

“Ông nhớ”, ông lão nói.

“Ông sẽ đánh thức cháu
đúng giờ.”

“Cháu không thích ông
ta đánh thức cháu. Việc đó như thể cháu là kẻ bề dưới.”

“Ông hiểu.”

“Chúc ông ngủ ngon.”
Thằng bé đi ra. Họ ăn mò, không có đèn trên bàn; ông lão cởi quần dài, đi ngủ
trong bóng tối. Lão quấn chiếc quần quanh tờ báo làm gối. Lão cuộn người trong
chăn, nằm lên những tờ báo cũ trải trên giát giường. Lão ngủ ngay và mơ về châu
Phi, khi lão hãy còn là một chú nhóc, với những bờ biển cát vàng, cát trắng
trải dài, trắng đến nỗi làm mắt đau nhức, những mũi đất cao nhô ra biển, những
ngọn núi xám đồ sộ. Bây giờ hằng đêm lão về lại bờ biển ấy và trong mơ lão nghe
tiếng sóng gầm, lão thấy đoàn thuyền của người bản địa đang trườn qua những con
sóng. Khi ngủ, lão ngửi thấy mùi nhựa đường, mùi gỗ sồi lát boong tàu; rồi lão
ngửi thấy hương vị châu Phi theo làn gió đất phả tới vào buổi sáng. Thông
thường khi ngửi thấy làn gió nội địa, lão thức dậy, mặc đồ, đến đánh thức thằng
bé. Nhưng đêm nay, gió nội địa đến rất sớm và trong mơ lão biết hãy còn quá sớm
nên lão tiếp tục mơ để thấy những mỏm trắng xóa của những hòn đảo nhô trên
biển, lát sau lão mơ về những hải cảng khác, những vũng tàu đậu khác của quần
đảo Canará. Lão không còn mơ về bão, không còn mơ về đàn bà, về những sự kiện
trọng đại, những con cá lớn, những trận đánh, những cuộc đấu sức hay vợ lão.
Bây giờ lão chỉ mơ về các vùng đất, về những con sư tử trên bờ biển. Chúng nô
đùa như những chú mèo con trong hoàng hôn; lão yêu chúng như yêu thằng bé. Lão
không bao giờ mơ về thằng bé. Lão chợt thức giấc, nhìn ánh trăng bên ngoài cánh
cửa để ngỏ rồi giũ quần mặc vào. Lão tiểu bên lều rồi đi lên đường đánh thức
thằng bé. Lão rùng mình trong bầu không khí lạnh ban mai. Nhưng lão biết lão sẽ
còn run mãi cho đến lúc tay chèo làm lão ấm lên. Cánh cửa ngôi nhà thằng bé
sống không khóa, lão mở rồi khẽ đưa đôi chân trần bước vào. Thằng bé ngủ trên chiếc
giường nhỏ ở phòng đầu tiên; và ông lão, trong ánh trăng sắp lặn, có thể nhìn
rõ nó. Lão nhẹ nhàng nắm lấy một bàn chân, giữ cho đến khi thằng bé thức giấc,
quay lại nhìn lão. Ông
lão gật đầu, thằng bé lấy chiếc quần dài vắt trên ghế cạnh giường, mặc vào khi
còn ngồi trên giường. Ông
lão ra cửa, thằng bé đi theo. Nó đang ngái ngủ, lão quàng tay qua vai nó và
nói, “Ông xin lỗi.”

“Queva”, thằng bé nói.
“Đấy là việc mà một người đàn ông phải làm.” Họ xuống đường đến lều ông lão và
suốt dọc đường, trong bóng tối, nhiều người đi chân trần, vác buồm ra thuyền.
Khi hai người đến lều ông lão, thằng bé xách cái xô đựng cuộn dây, cây lao, cây
sào móc; còn ông lão vác cột buồm với lá buồm đã quấn lại.

“Ông có muốn uống cà
phê không?”, thằng bé
hỏi.

“Chúng ta để dụng cụ
xuống thuyền rồi đi uống.” Họ uống cà phê trong hộp đựng sữa đặc tại điểm phục
vụ những người đánh cá vào sáng sớm.

“Ông ngủ có ngon không?”, thằng bé hỏi. Giờ thì
nó dần tỉnh táo hơn như thể giấc ngủ hẵng cứ bám riết lấy nó.

“Rất ngon, Manolin à”,
ông lão đáp. “Hôm nay ông cảm thấy tự tin.”

“Cháu cũng thế”, thằng
bé nói.

“Bây giờ cháu phải đi
lấy cá mòi của ông cháu ta và số mồi tươi của ông. Tự ông ấy mang dụng cụ. Ông ấy chẳng hề muốn bất kỳ
ai mang bất cứ thứ gì.”

“Chúng ta thì khác”,
ông lão nói.

“Ông để cháu mang đồ
nghề kể từ lúc cháu lên năm.”

“Cháu biết điều đó”,
thằng bé nói.

“Cháu sẽ về ngay. Ông cứ uống thêm tí nữa.
Chúng ta có thể uống chịu ở đây.” Nó đi chân không trên lớp san hô đến nhà ướp
lạnh nơi mồi được giữ ở đấy. Ông
lão chậm rãi uống cà phê. Đấy là tất cả thực phẩm lão có cho một ngày và lão
biết lão nên uống. Đã từ lâu, ăn uống đối với lão trở nên chán ngắt và lão
không bao giờ mang theo bữa trưa. Lão có một chai nước đằng mũi thuyền và đấy
là tất cả lão cần trong một ngày. Lúc này thằng bé đã quay lại, mấy con cá mòi
và hai miếng mồi câu được bọc trong tờ báo, hai người men theo lối mòn đến
thuyền, chân giẫm lên lớp cát pha sỏi, nâng con thuyền đẩy xuống nước.

“Chúc ông may mắn.”

“Chúc cháu may mắn”,
ông lão nói. Lão tra quai chèo vào cọc, nghiêng người tới trước khua mạnh mái
chèo xuống nước; trong bóng tối, lão chèo ra khỏi bến. Có nhiều chiếc thuyền từ
các bãi khác ra khơi; ông lão nghe tiếng mái chèo khua nước mặc dù lão không
thể nhìn thấy họ bởi bây giờ mặt trăng đã khuất sau rặng đồi. Thỉnh thoảng, có
tiếng ai đó nói trên thuyền. Nhưng hầu hết các thuyền đều im lặng trừ tiếng mái
chèo khua nước. Họ tỏa rộng sau khi ra khỏi cửa biển; mỗi người đi đến phần đại
dương nơi họ hy vọng tìm thấy cá. ông lão biết mình sẽ đi thật xa, để lại mùi
đất sau lưng, chèo vào vùng hương tinh khôi của đại dương ban mai. Lão thấy ánh
lân quang của đám rong vùng Nhiệt lưu trong nước khi lão chèo qua vùng biển mà
ngư dân gọi là vùng Giếng lớn, bởi vì độ sâu ở đấy bất thình lình tụt xuống đến
bảy trăm sải nước; họ hàng nhà cá đều dồn tất tại đó do xoáy nước dội thẳng vào bờ vách dốc của đáy
đại dương. Ở đấy tập
trung tôm, cá mòi và thỉnh thoảng hàng đàn cá mực, sống trong những hố sâu nhất
ngoi lên gần mặt nước vào ban đêm để làm mồi cho những con cá lang thang.

Trong bóng tối, ông lão
có thể cảm nhận bình minh đang đến và lúc chèo, lão nghe thấy những âm thanh
run rẩy khi đàn cá chuồn rời mặt nước và cả tiếng lao xao phát ra từ bộ cánh
cứng khi chúng lao xao trong bóng tối. Lão rất quý loài cá chuồn bởi chúng là
bạn gần gũi của lão trên đại dương. Lão thương cho lũ chim, đặc biệt là loài
nhạn đen nhỏ, mỏng manh cứ bay và tìm kiếm mãi nhưng hầu như chẳng tìm thấy gì;
lão nghĩ loài chim sống khổ hơn ta trừ mấy cái giống chim kẻ cướp và những loài
to xác, kềnh càng. Tại sao tạo hóa lại sinh ra cái giống chim quá xinh xẻo mỏng
manh như loài nhạn biển này trong khi đại dương lại có thể quá ư nghiệt ngã...

Đại dương tử tế và rất
đẹp. Nhưng nó có thể rất độc ác và tráo trở bất thình lình; còn loài chim kia
thì phải bay, nhao xuống săn mồi; và tiếng kêu thảng thốt, khẽ khàng của chúng
lại quá yếu ớt giữa trùng khơi. Lão luôn nghĩ về biển như lamar, đấy là cách
người ta gọi biển bằng tiếng Tây Ban Nha khi họ yêu biển. Thỉnh thoảng những
người yêu biển cũng buông lời nguyền rủa biển nhưng họ luôn nói như thể biển là
phụ nữ. Vài tay đánh cá trẻ, sử dụng phao nhựa làm phao câu và đi thuyền máy,
sắm được khi gan cá mập được giá, gọi biển là el mar, tức giống đực. Chúng nói
về biển như một đối thủ, một địa điểm hay thậm chí là một kẻ thù. Nhưng ông lão
thì luôn nghĩ về biển như về một phụ nữ, như cái gì đó có thể ban phát hay chối
giữ ơn huệ, và nếu biển làm điều ác độc hay tàn bạo thì bởi lẽ lúc ấy biển
không thể nào kìm giữ nổi. Mặt trăng tỏa chiếu trên biển như thể tỏa chiếu trên
cơ thể của người đàn bà, lão nghĩ. Lão buông chèo nhịp nhàng, không phải mất
nhiều sức bởi lão làm chủ tốc độ của mình và bởi đại dương bình lặng trừ đôi
chỗ có dòng xoáy. Lão
đang để dòng chảy đỡ đi một phần ba công việc và khi trời vừa hửng sáng lão
thấy mình đã đi xa hơn quãng đường lão nghĩ vào thời điểm ấy. Mình đã câu ở
vùng Giếng lớn suốt cả tuần nay mà chẳng bắt được mống nào hết, lão nghĩ. Hôm
nay mình sẽ ra tận nơi các đàn cá bonito và albacore kiếm ăn và có thể con cá
lớn sẽ quanh quẩn đâu đấy. Trước khi trời sáng rõ, lão buông mồi và thả thuyền
trôi theo dòng chảy. Một con mồi ở độ sâu bốn mươi sải. Mồi thứ hai sâu tới bảy
mươi lăm sải; mồi thứ ba và thứ tư chìm sâu hút trong làn nước xanh đến độ sâu
một trăm và một trăm hai mươi lăm sải. Mỗi con mồi được móc ngược đầu xuống,
lưỡi câu giấu trong thân cá, buộc chặt, khâu kỹ và những phần thòi ra của lưỡi
câu, đoạn cong và mũi nhọn, thì được che bằng những con cá mòi tươi rói. Chúng
bị móc xuyên qua hai mắt tạo thành nửa vòng hoa trên cuống thép. Không còn phần
nào của lưỡi câu để con cá lớn có thể nhận ra ngoại trừ hương vị thơm lừng
quyến rũ. Thằng bé cho ông lão hai con cá thu nhỏ tươi, thuộc loài albacore;
lão móc chúng vào hai lưỡi câu sâu nhất, chúng nặng như thể mấy hòn chì; còn ở
hai lưỡi kia, lão móc một con nục sòng lớn, màu xanh và một con ngừ bạc đã được
sử dụng hôm trước; nhưng chúng vẫn còn tốt và xâu cá mòi thơm phức giúp chúng
tỏa hương hấp dẫn. Mỗi dây câu, lớn bằng cây bút chì cỡ lớn, được buộc vào một
cái phao bằng que gỗ màu xanh lục để bất kỳ một cú kéo, một cú đớp nào vào
miếng mồi cũng khiến phao gỗ chìm xuống; mỗi dây câu còn có hai cuộn dây dài
bốn mươi sải dự phòng sẵn sàng nối với các cuộn khác để khi cần thiết, con cá
có thể có hơn ba trăm sải dây. Bây giờ lão quan sát mũi của ba chiếc phao gỗ
bên mạn thuyền, chèo nhẹ để giữ cho mấy sợi dây thẳng đứng đến độ sâu cần thiết
của chúng. Trời đã sáng hẳn và chẳng mấy nữa mặt trời sẽ mọc lên. Mặt trời nhô
lên mặt biển, ông lão có thể nhìn thấy những thuyền khác, chìm thấp trong nước,
dàn rộng qua dòng chảy, phía gần bờ. Khi mặt trời rực rỡ hơn, ánh nắng chiếu
xuống mặt nước và lát sau, lúc nó cao hẳn lên, mặt biển phẳng lặng phản chiếu
ánh nắng dội vào mắt lão làm đau nhức; lão chèo mà không nhìn vào nó nữa. Lão
nhìn xuống nước, theo dõi mấy sợi dây được thả thẳng đứng xuống vùng đen của
đại dương. Lão giữ chúng thẳng hơn bất kỳ một ai khác, để ở mỗi độ sâu trong
vùng nước đen kia sẽ có một con mồi đợi đúng ngay ở đấy, nơi lão muốn dành cho
bất cứ con cá nào bơi qua. Các tay câu khác thì để chúng trôi theo dòng chảy và
đôi khi chúng chỉ ở độ sâu sáu mươi thay vì một trăm sải như họ muốn. Nhưng,
lão nghĩ, mình giữ chúng chính xác. Duy chỉ mình không còn may mắn nữa thôi.
Nhưng biết đâu được...

Có thể hôm nay. Mỗi
ngày là một ngày mới. Gặp may thì tốt hơn. Nhưng mình ưa sự chính xác. Để khi
vận may đến thì mình đã sẵn sàng. Bây giờ mặt trời đã mọc cao được hai tiếng
đồng hồ, nó không làm mắt lão đau nhiều khi nhìn về hướng Đông nữa. Giờ đây,
trong tầm mắt, chỉ còn lại ba bóng thuyền, mạn lún sâu xuống nước và ở mãi tít
phía trong bờ. Suốt cả đời, bình minh làm buốt mắt ta, lão nghĩ. Nhưng chúng
vẫn còn tinh anh. Vào lúc chiều tối, ta có thể nhìn thẳng vào nó mà không bị
những đốm đen trong mắt. Buổi chiều, ánh nắng mạnh hơn. Nhưng buổi sáng nó làm
ta nhức nhối. Ngay khi đó lão thấy một con hải bằng tung đôi cánh đen dài lượn
trên bầu trời trên đầu lão. Nó sà xuống nhanh, nghiêng cánh chao người rồi bay
vòng trở lại.

“Nó tóm được con gì
rồi”, ông lão nói lớn.

“Nó không chỉ nhìn
đâu.” Lão chèo chậm rãi, đều đặn tiến về phía con chim đang lượn vòng. Lão
không vội, lão cần giữ cho những sợi dây thẳng đứng xuống. Nhưng lão hơi nhanh
hơn dòng nước một chút trong chừng mực lão vẫn câu đúng, nếu lão không cố bám
theo con chim thì lão sẽ không chèo nhanh hơn cách lão thường câu. Con chim bay
cao hơn, lại lượn vòng, đôi cánh bất động. Rồi thình lình nó lao xuống, lão
thấy đàn cá chuồn tung mình lên khỏi mặt nước, tuyệt vọng bay trên mặt biển.

“Dorado”, ông lão nói
lớn.

“Cá dorado lớn.”