Bí ẩn về con chó lúc nửa đêm - Chương 02

19. Người ta thường dùng số đếm 1, 2, 3, 4, 5, 6 vân vân cho các chương sách. Nhưng tôi quyết định đánh số các chương sách của tôi bằng các số nguyên tố 2, 3, 5, 7, 11, 13 vân vân vì tôi thích số nguyên tố.

Đây là cách tính số nguyên tố.

Trước tiên ta viết ra tất cả các số nguyên dương trên thế giới.

1

2

3

4

5

6

7

8

9

10

11

12

13

14

15

16

17

18

19

20

21

22

23

24

25

26

27

28

29

30

31

32

33

34

35

36

37

38

39

40

41

42

43

44

45

46

47

48

49

v.v.

Rồi ta lấy đi tất cả các số là bội số của 2. Rồi ta lấy đi tất cả các số là bội số của 3. Rồi ta lấy đi tất cả con số là bội số của 4 và 5 và 6 và 7 vân vân. Các con số còn lại là số nguyên tố.

2

3

5

7

11

13

17

19

23

29

30

31

37

41

43

47

Quy tắc để tìm số nguyên tố thật đơn giản, nhưng chưa có ai tìm ra một công thức đơn giản để cho ta biết một con số rất lớn nào đó có phải là số nguyên tố không hay số nguyên tố kế tiếp là số nào. Nếu một số thật thật là lớn, nó có thể bắt máy điện toán giải nhiều năm mới biết nó là số nguyên tố hay không.

Số nguyên tố có ích trong việc viết mật mã và ở Mỹ chúng được xếp vào loại Tài liệu Quân sự và nếu ta tìm thấy một số nguyên tố nhiều hơn một trăm chữ số ta có thể nói cho CIA biết và họ sẽ mua nó với giá mười ngàn đô la. Nhưng đó không phải là cách kiếm sống hay cho lắm.

Số nguyên tố là cái còn lại sau khi ta đã lấy hết những ô rải rác đó đi. Tôi nghĩ các số nguyên tố giống như đời sống. Chúng rất logic nhưng ta có thể không bao giờ tìm ra được các quy luật, cho dù ta dùng toàn bộ thời gian của mình để nghĩ về chúng đi nữa.

23. Khi tôi đến sở cảnh sát, họ bắt tôi cởi dây giày ra và trút hết đồ trong túi lên bàn làm việc phía trước phòng trường hợp trong đó có cái gì mà tôi có thể dùng để tự tử hay trốn hay tấn công một viên cảnh sát. Ông trung sĩ ngồi sau bàn làm việc có bàn tay rất lông lá và ông ấy cắn móng tay đến chảy máu.

Đây là những thứ tôi có trong túi của tôi.

1. Một con dao Quân đội Thụy Sĩ có mười ba phụ tùng kể cả một cái kìm tước dây điện và một cái cưa và một cây tăm và một cái nhíp.

2. Một mẩu dây.

3. Một mẩu gỗ lắp hình trông như thế này.

4. Ba viên thức ăn cho con chuột Toby của tôi.

5. 1.47 £[4] (gồm có một đồng 1 £, một đồng 20 xu, hai đồng 10 xu, một đồng 5 xu và một đồng 2 xu).

6. Một cái kẹp giấy màu đỏ.

7. Một chìa khóa cửa trước.

[4] Đồng bảng Anh (*).

Tôi cũng có đeo đồng hồ và họ cũng muốn tôi để nó ở bàn giấy nhưng tôi nói tôi cần đeo đồng hồ vì tôi cần biết chính xác giờ giấc. Và khi họ định gỡ nó, tôi hét lên, vì thế họ để tôi giữ nó.

Họ hỏi tôi có người thân hay không. Tôi nói có. Họ hỏi tôi người thân của tôi là ai. Tôi nói đó là Cha, nhưng Mẹ đã chết. Và tôi nói có cả chú Terry, nhưng chú ở Sunderland và chú là em của Cha, và ông bà nội ngoại của tôi nữa, nhưng ba người đã chết. Bà nội Burton thì cứ ở trong nhà an dưỡng vì bà bị chứng lão suy mất trí và cứ nghĩ tôi là người nào đó trên truyền hình.

Rồi họ hỏi tôi số điện thoại của Cha.

Tôi bảo họ rằng ông có hai số, một số ở nhà và một số điện thoại di động, và tôi nói cả hai số.

Trong xà lim cảnh sát thật thích. Nó gần như một hình lập phương hoàn hảo, hai mét dài, hai mét rộng, hai mét cao. Nó chứa khoảng chừng tám mét khối không khí. Nó có một cái cửa sổ nhỏ có chấn song, và đối diện bên kia là một cánh cửa sắt có cái cửa sập cao và hẹp gần sàn nhà để đẩy khay thức ăn vào xà lim và có một cái cửa kéo trên cao để cảnh sát có thể nhìn vào để kiểm soát sao cho tù nhân không trốn hay tự tử. Cũng có một băng ghế nệm.

Tôi tự hỏi làm sao trốn thoát nếu tôi đang ở trong một câu chuyện. Khó lắm vì tôi chỉ có áo quần và đôi giày không dây.

Tôi quyết định rằng kế hoạch tốt nhất của mình là đợi đến một ngày thật nắng khi ấy tôi sẽ dùng kính đeo mắt để hội tụ ánh nắng lên một mảnh áo quần của mình rồi đốt. Rồi tôi sẽ trốn khi họ thấy có khói và đem tôi ra khỏi xà lim. Và nếu họ không chú ý, tôi sẽ có thể đái lên áo quần để dập lửa.

Tôi tự hỏi liệu bà Shears có nói với cảnh sát rằng tôi giết con Wellington không, và khi cảnh sát phát hiện là bà nói dối, liệu bà có đi tù không. Vì nói dối về người khác là vu khống.

29. Tôi thấy người ta khó hiểu.

Đây là hai lý do chính.

Lý do thứ nhất là người ta nói rất nhiều mà không dùng một lời nào. Siobhan nói nếu ta nhướng mày thì có thể có rất nhiều nghĩa khác nhau. Nó có thể có nghĩa là “tôi muốn quan hệ tình dục với bạn” mà cũng có thể có nghĩa là “tôi nghĩ điều bạn vừa nói là rất ngu xuẩn”.

Siobhan cũng bảo nếu ta ngậm miệng và thở mạnh ra đằng mũi, đó có thể có nghĩa là ta đang thư giãn hay ta chán, hay ta tức giận, và tất cả tùy theo khi ta thở thì có bao nhiêu không khí thoát ra đằng mũi và ta thở nhanh cỡ nào và lúc đó miệng ta có hình gì và ta đang ngồi ra sao và ngay trước đó ta nói cái gì và hàng trăm thứ khác rất phức tạp không thể giải đáp trong vài giây được.

Lý do chính thứ hai là người ta thường dùng các ẩn dụ. Đây là nhũng thí dụ về ẩn dụ.

Tôi cười tuột cả vớ.

Hắn là quả táo trong mắt cô ấy[5].

Họ có một bộ xương trong tủ[6].

Chúng tôi có một ngày như lợn.

Con chó chết như đá.

[5] Thành ngữ tiếng anh “He was the apple of her eye” (ý chỉ người mà bạn yêu quý hơn tất thảy).

[6] Thành ngữ tiếng anh “They had a skeleton in the cupboard” ý chỉ việc gì đó bất ngờ, xấu hổ... đã xảy đến với bạn hoặc gia đình bạn trong quá khứ mà bạn muốn giữ bí mật.

Từ ẩn dụ có nghĩa là mang một cái gì từ một nơi sang một nơi khác, nó có gốc từ tiếng Hy Lạp µετα (nghĩa là từ một nơi đến một nơi khác) và φερειν (nghĩa là mang), và ấy là khi ta diễn tả một sự vật nào đó bằng cách dùng từ chỉ một vật khác. Điều này có nghĩa là từ ẩn dụ là một ẩn dụ.

Tôi nghĩ nên gọi đó là nói dối vì một con lợn không giống như một ngày và người ta không có bộ xương trong tủ. Và khi tôi thử hình dung cụm từ trong đầu thì nó chỉ làm tôi bối rối vì việc tưởng tượng một quả táo trong mắt một người nào đó chẳng dính dáng gì tới việc rất thích người ấy và nó khiến ta quên mất người ta đang nói về cái gì.

Tên tôi là một ẩn dụ. Nó có nghĩa là mang chúa và nó lấy từ tiếng hy lạp χριστος (nghĩa là Chúa Giêsu) và φεριν và đó vốn là tên đặt cho Thánh Christopher vì ông đã mang Chúa Giêsu qua sông.

Điều này khiến ta tự hỏi người ta gọi ông ấy là gì trước khi ông ấy mang Chúa qua sông. Nhưng ông ấy chẳng được gọi là gì cả vì đây là một câu chuyện ngụy tác[7], nghĩa là nó cũng là một chuyện dối trá.

[7] Apocryphal: ngụy tác, không đáng tin; đồng thời cũng có nghĩa là những giai thoại/văn bản không được đưa vào kinh thánh chính thức (*).

Mẹ thường bảo câu chuyện có nghĩa rằng Christopher là một cái tên đẹp vì nó là một câu chuyện về lòng tử tế hay giúp người, nhưng tôi không muốn tên mình có nghĩa là một câu chuyện về lòng tử tế hay giúp người. Tôi muốn tên tôi có nghĩa là tôi.

31. Khi Cha đến sở cảnh sát là 1 giờ 12 phút sáng. Tôi không gặp ông cho đến mãi 1 giờ 28 phút, nhưng tôi biết ông ở đấy vì tôi nghe thấy tiếng ông.

Ông quát: “Tôi muốn gặp con tôi,” và “Lý do quái nào mà nó lại bị nhốt cơ chứ?” và “Dĩ nhiên là tôi giận sôi máu.”

Rồi tôi nghe một ông cảnh sát bảo ông bình tĩnh lại. Rồi tôi không nghe thấy gì một lúc lâu.

Lúc 1 giờ 28 phút một ông cảnh sát mở cửa xà lim và bảo tôi rằng có người gặp tôi.

Tôi bước ra. Cha đang đứng trong hành lang. Ông giơ tay phải của ông lên xòe các ngón tay thành cái quạt. Tôi giơ tay trái của tôi lên và xòe các ngón tay thành cái quạt rồi chúng tôi chạm các ngón tay của chúng tôi vào nhau. Chúng tôi làm thế là vì đôi khi Cha muốn ôm tôi, nhưng tôi không thích ôm người khác vì thế chúng tôi làm vậy để thay vào, và thế có nghĩa là ông yêu tôi.

Rồi ông cảnh sát bảo chúng tôi theo ông ấy xuống cuối hành lang sang một phòng khác. Trong phòng có một cái bàn và ba cái ghế. Ông ta bảo chúng tôi ngồi xuống bên kia còn ông ngồi xuống bên này. Trên bàn có bộ máy ghi âm dùng băng từ và tôi hỏi có phải tôi sắp bị thẩm vấn và ông ta sẽ ghi âm buổi thẩm vấn không.

Ông ta nói: “Tôi không nghĩ là cần thiết.”

Ông ta là một thanh tra. Tôi biết vì ông ta không mặc đồng phục. ông cũng có một cái mũi rất lắm lông. Nó trông như thể có hai con chuột rất bé nấp trong lỗ mũi ông ta[8].

[8] Đây không phải là ẩn dụ, nó là một so sánh, nghĩa là nó quả thật trông như có hai con chuột rất bé nấp trong lỗ mũi ông ta, và nếu bạn hình dung trong đầu bạn về một ông có hai con chuột rất bé trong lỗ mũi ông ta, bạn sẽ biết viên thanh tra cảnh sát nom giống cái gì. Và một so sánh không phải là nói dối, trừ phi nó là một so sánh dở.

Ông ta nói: “Tôi đã nói chuyện với cha cậu và ông ấy nói cậu không có ý đánh viên cảnh sát.”

Tôi không nói gì vì đây không phải là câu hỏi.

Ông ta nói: “Cậu có ý đánh ông cảnh sát không?”

Tôi nói: “Có.”

Ông ta nhăn mặt nói: “Nhưng cậu không có ý làm ông cảnh sát đau phải không?”

Tôi suy nghĩ về điều này rồi nói: “Không. Tôi không có ý làm ông cảnh sát đau. Tôi chỉ muốn ông ấy đừng đụng vào tôi nữa.”

Rồi ông ta nói: “Cậu biết đánh cảnh sát là sai, đúng không?”

Tôi nói: “Tôi biết.”

Ông ta im lặng vài giây, rồi ông ta hỏi: “Có phải cậu giết con chó không, Christopher?”

Tôi nói: “Tôi không giết con chó.”

Ông ta nói: “Cậu biết nói dối cảnh sát là sai và nếu nói dối thì cậu có thể bị rắc rối lắm không?”

Tôi nói: “Có.”

Ông ta nói: “Vậy thì cậu có biết ai giết con chó không?”

Tôi nói: “Không.”

Ông ta nói: “Cậu nói thật đấy chứ?”

Tôi nói: “Vâng. Tôi luôn luôn nói sự thật.”

Và ông ta nói: “Được. Tôi sẽ cho cậu một tờ cảnh cáo.”

Tôi hỏi: “Có phải mảnh giấy như giấy chứng nhận tôi có thể giữ hay không?”

Ông ta đáp: “Không, tờ cảnh cáo có nghĩa là chúng tôi sẽ ghi nhận trong hồ sơ về việc cậu đã làm là đánh một viên cảnh sát, nhưng chuyện đó chỉ là vô ý và cậu không có ý định làm đau ông cảnh sát.”

Tôi nói: “Nhưng đó không phải là vô ý.”

Và Cha nói: “Christopher, thôi.”

Viên cảnh sát ngậm miệng lại và thở hắt ra qua mũi và nói: “Nếu cậu dính vào chuyện rắc rối nào nữa, chúng tôi sẽ lấy hồ sơ này ra và nếu cậu đã từng bị cảnh cáo thì chúng tôi sẽ xử nặng hơn rất nhiều đó. Cậu có hiểu tôi nói gì không?”

Tôi nói: “Tôi hiểu.”

Rồi ông ta nói chúng tôi có thể đi và đứng lên mở cửa và chúng tôi bước ra hành lang và quay lại bàn làm việc phía trước, ở đó tôi lấy con dao Quân đội Thụy Sĩ và mẩu dây của tôi và mẩu gỗ lắp hình và ba viên thức ăn cho Toby và 1.47 £ của tôi và cái kẹp giấy và chìa khóa cửa trước của tôi, tất cả nằm trong một túi ni lông nhỏ, và chúng tôi ra xe của Cha đậu bên ngoài, và chúng tôi lái về nhà.

37. Tôi không nói dối. Mẹ thường bảo đó là vì tôi là người tốt. Nhưng không phải vì tôi là người tốt. Mà đó là vì tôi không thể nói dối.

Mẹ là một người nhỏ nhắn có mùi dễ chịu. Và đôi khi bà mặc bộ áo vải bông màu hồng có dây kéo phía trước và có cái nhãn hiệu nhỏ ghi chữ Berghaus trên ngực trái.

Nói dối là khi ta bảo điều gì đó đã xảy ra nhưng nó đã không xảy ra. Nhưng ở một thời điểm nhất định và một địa điểm nhất định thì chỉ có một điều xảy ra thôi. Và có vô số điều không xảy ra ở thời điểm đó và nơi đó. Và nếu tôi đã nghĩ về một điều đã không xảy ra thì tôi bắt đầu nghĩ về tất cả những điều khác đã không xảy ra.

Thí dụ, sáng nay trong buổi điểm tâm tôi ăn yến mạch Ready Brek và uống một ít sữa bọt nóng vị dâu. Nhưng nếu tôi nói thật ra tôi ăn món ngũ cốc Shreddies và uống một tách trà[9] thì tôi bắt đầu nghĩ tới món ngũ cốc Coco Pops và nước chanh và cháo và nước soda Dr. Pepper và rằng tôi không ăn điểm tâm ở Ai Cập và không có con tê giác trong phòng và Cha không mặc áo lặn và vân vân, và thậm chí viết điều này cũng làm tôi cảm thấy run và hoảng sợ, như khi tôi đứng trên nóc một tòa nhà rất cao và có hàng nghìn ngôi nhà và xe cộ và người ở bên dưới và đầu tôi đầy ắp những thứ này đến nỗi tôi sợ mình sẽ quên đứng thật thẳng và bám lấy chấn song và tôi sẽ rơi xuống chết.

[9] Nhưng tôi không ăn Shreddies và không uống trà vì cả hai đều có màu nâu.

Đây là một lý do nữa vì sao tôi không thích tiểu thuyết thông thường, vì chúng nói dối về những thứ không xảy ra và chúng làm tôi cảm thấy run và hoảng sợ.

Và đó là tại sao mọi thứ tôi đã viết ở đây là có thật.

41. Bầu trời có mây trên đường về nhà, vì thế tôi không thấy Dải ngân hà.

Tôi nói: “Con xin lỗi,” vì Cha đã phải đến sở cảnh sát là một việc không hay.

Ông nói: “Không sao.”

Tôi nói: “Con không giết con chó.”

Và ông nói: “Cha biết.”

Rồi ông nói: “Christopher, con phải tránh xa chuyện rắc rối, nghe chưa?”

Tôi nói: “Con không biết con sẽ bị dính vào chuyện rắc rối. Con thích Wellington và con đến chào nó, nhưng con không biết có người đã giết nó.”

Cha nói: “Con cố đừng chõ mũi vào việc của người khác.”

Tôi suy nghĩ một lúc rồi nói: “Con sẽ tìm ra ai giết Wellington.”

Và Cha nói: “Con có nghe cha nói không, Christopher?”

Tôi nói: “Vâng, con đang nghe Cha nói, nhưng khi có người bị giết chết thì mình phải tìm ra ai giết để chúng có thể bị trừng phạt.”

Và ông nói: “Đó là một con chó chết tiệt, Christopher, một con chó chết tiệt.”

Tôi đáp: “Con nghĩ chó cũng quan trọng.”

Ông nói: “Thôi.”

Và tôi nói: “Con tự hỏi cảnh sát có tìm ra ai giết nó và trừng phạt người đó không?”

Khi ấy Cha lấy nắm tay nện lên tay lái làm chiếc xe hơi lạng qua vạch chấm giữa đường và ông quát: “Cha bảo thôi đi mà, vì Chúa.”

Tôi có thể nói ông đang giận vì ông quát tháo, và tôi không muốn làm ông nổi giận vì thế tôi không nói thêm gì nữa đến khi chúng tôi về tới nhà.

Khi chúng tôi bước qua cửa trước, tôi đi vào bếp và lấy một củ cà rốt cho Toby và tôi lên lầu và tôi đóng cửa phòng và tôi thả Toby ra và cho nó củ cà rốt. Rồi tôi mở máy vi tính lên và chơi bảy mươi sáu ván Dò mìn và phá đảo bàn Chuyên nghiệp trong một trăm lẻ hai giây, chỉ nhiều hơn ba giây so với kỷ lục của tôi là chín mươi chín giây.

Lúc 2 giờ 07 phút tôi nghĩ rằng mình muốn uống nước cam vắt trước khi đánh răng và đi ngủ, vì thế tôi xuống nhà dưới đi vào bếp. Cha đang ngồi trên ghế sofa xem đánh bia trên tivi và uống rượu mạnh. Ông chảy nước mắt.

Tôi hỏi: “Cha buồn vì Wellington à?”

Ông nhìn tôi một lúc lâu và hít hơi vào mũi. Rồi ông nói: “Ừ, Christopher ạ, con nói thế cũng được. Con nói thế cũng được.”

Tôi quyết định để ông ngồi một mình vì khi tôi buồn tôi muốn được để yên một mình. Vì thế tôi không nói gì nữa. Tôi đi vào bếp và vắt nước cam và mang lên lầu vào phòng mình.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3