Nước Nhật mua cả thế giới - Phần I - Chương 04 - Phần 3

Những người giàu mới

Với một số người, tiền bạc không làm nên hạnh phúc. Với người khác thì có. Ở Nhật, với cả hai loại người, việc tăng mạnh thu nhập đã tạo nên một cơn sốt tiêu thụ chưa từng thấy. Xu hương này trái ngược sâu sắc với những năm tháng kiêng khem và lao động cực nhọc trong thời kì tái thiết. Với một bộ phận không nhỏ dân chúng, việc tăng thu nhập đã dẫn đến tư tưởng cho đến ngày nay vẫn xa lạ ở đây: tư tưởng hãnh tiến của kẻ mới giàu. Vả chăng, khái niệm này phổ biến ở các thành phố lớn, đến mức từ tiếng Anh new rich đã đi vào ngôn ngữ Nhật thông dụng, được người Nhật đọc hơi trại đi là “niu richu”. Nhà ở thì quá đắt, không mua được, người Nhật quay ra tiêu dùng xả láng.

Để thấy điều này, chỉ cần dạo một vòng buổi tối trên các đường phố của khu Roppongi ở Tokyo, ngắm những người Nhật mới giàu trong những bộ cánh đẹp nhất của họ. Vào giờ mở cửa các discothèque, các câu lạc bộ và các bar sang trọng nhất ở Roppongi, cũng là giờ diễn ra vũ điệu ba lê có lẽ là duy nhất trên thế giới của những chiếc limousine sang trọng đến mức khiến bạn phải nín thở. Trong khu vực của những đặc quyền lộ liễu này, giới trẻ ăn chơi của Nhật Bản đến đó trên những chiếc Mercedes 500 màu trắng có thể xếp mui, những chiếc BMW cực mạnh, những chiếc Porsche hoặc Jaguar loại “xịn” và những chiếc racer đời mới nhất. Rồi họ vừa cười nói vừa mất hút vào trong những chốn ăn chơi tuyệt vời ấy, để mặc cho tài xế ăn mặc sang trọng, mang găng tay trắng, lái xe vào đậu trong các thang máy sẽ đưa xe của họ xuống các bãi đậu xe ngầm dưới đất. Ở đây, người ta tôn thờ sự xa hoa như một tôn giáo. Có lẽ vào giây phút ấy, đối mặt với sự phung phí tiền bạc như vậy, người phương Tây mới cảm thấy mình nghèo nàn và túng thiếu.

Bốn mươi lăm năm trước, người dân Tokyo đào bới tuyệt vọng đống nhà đổ nát của mình, mong tìm thấy vài vật dụng cá nhân. Trong nước Nhật hiện đại, những người giàu mới luôn luôn đói khát các vật dụng sang trọng và muốn khoe của, không bao giờ thỏa mãn với sự dư thừa và phung phí. Và khi người ta bị ám ảnh bởi nhu cầu khoe của, mọi sự đều được phép, kể cả những cái quá đáng. Có vô số ví dụ. Ở đây, chỉ xin dẫn vài ví dụ.

Ở một số coffee shops cực sang ở Nara hoặc Tokyo, nơi người ta có thể treo những bức họa của Renoir hoặc Matisse thật, mỗi tách cà phê giá gần 2.000 franc. Trong các quán cà phê ấy, người ta dùng nước suối Esvian để pha cà phê Hamaica loại một, và nước cà phê có rắc những sợi vàng thật rất mỏng, được đựng trong tách sứ giát vàng phục vụ khách.

Ví dụ khác: người Nhật bỗng nhiên đam mê môn chơi golf từ mấy năm nay. Hàng chục sấn golf được xây dựng khắp nước Nhật đến mức đe dọa cả môi trường và những cảnh quan độc nhất vô nhị. Khoảng 15 - 16 triệu người Nhật cho biết họ có chơi golf, trong khi ở Pháp chỉ có 150.000 người. Chơi golf ở Nhật đã trở thành một mốt đua đòi, một biểu tượng thành công về mặt xã hội. Để gia nhập một câu lạc bộ chơi golf có tiếng, có khi phải đóng đến 10 triệu franc! Người ta tuyển chọn bằng tiền. Thường thì xí nghiệp phải gánh khoản tiền ấy. Và dĩ nhiên, người ta chỉ chi những khoản tiền như vậy cho các cán bộ cao cấp. Phải thêm vào đó các khoản đóng góp hàng năm nữa. Và đối với những người chơi golf, tất nhiên phải trang bị dụng cụ đầy đủ nhất. Bởi vì, ở Nhật, mỗi môn thể thao, mỗi sinh hoạt giải trí đều đòi hỏi cả một mớ phụ tùng cao cấp và đắt tiền. Chẳng hạn không thể tưởng tượng được là một người Nhật chơi trượt tuyết, dù mới bắt đầu, lại lao vào đường trượt mà không có cả một lô trang bị phức tạp, không kể đôi thanh trượt kiểu mới nhất, khiến một vận động viên trượt tuyết sừng sỏ của phương Tây phải thèm muốn.

Bộ đồ chơi golf đắt giá nhất thế giới hiện nay là của Nhật. Được chế tạo “đặc biệt cho những phụ nữ theo thời trang”, bộ đồ golf này gồm một cây gậy, một quả banh và một tee làm bằng bạch kim, có chạm 650 hạt kim cương, và giá sơ sơ 100 triệu yên (360.000 franc). Dù sao, với những người Nhật bình thường, một buổi chiều trên một sân golf 18 lỗ là một thứ xa xỉ nằm ngoài tầm tay. Thiếu chỗ, thiếu tiền, người Nhật chỉ biết chơi golf trên những “sân giả” (practice). Không hiếm trường hợp người Nhật đến chơi ở Pháp, lần đầu tiên mới đụng được một sân chơi kích thước thật, sau 20 năm chơi golf trên các “sân giả”.

Ngay cả trong tầng lớp trung lưu, với những người muốn tỏ ra mình vượt trội hơn người láng giềng, thì việc mang một cái túi xách Louis Vuitton, một bộ đồ may sẵn Chanel, đồ trang sức Christian Dior, bộ đồng phục Pierre Cardin cũng là biểu tượng của địa vị xã hội. Bạn sẽ chẳng bao giờ nghe các hãng lớn này than phiền về Nhật cả, vì lý do đơn giản là họ làm ăn hái ra vàng ở đó. Quang cảnh trên đường phố và trong xe điện ngầm ở Tokyo thật đáng kinh ngạc. Chưa ở đâu khác tôi thấy một tỷ lệ túi xách Louis Vuitton cao đến vậy. Không có gì đáng ngạc nhiên là Louis Vuitton thực hiện 75 % doanh số chỉ riêng với khách hàng người Nhật ở Nhật Bản, hoặc ở nước ngoài. Tập đoàn sản xuất hàng xa xỉ Louis Vuitton – Moet Hennessy (LVMH), ngoài túi xách còn sản xuất rượu sâm banh, cognac, mỹ phẩm và nước hoa, đã thực hiện 40 % doanh số của mình ở Viễn Đông trong năm tài chính kết thúc vào ngày 30/6/1990.

Vàng và bạch kim đặc biệt quyến rũ người Nhật. Nhật Bản là nước nhập khẩu vàng lớn nhất thế giới, với 300 tấn năm 1989. Họ cũng thích những đồ trang sức loại sang và các thứ đá quý. Doanh số của các hãng kim hoàn lớn đạt hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Nhật đã trở thành thị trường lớn thứ hai thế giới về kim cương đánh bóng. Để thỏa mãn khách hàng, các tiệm ăn và các cửa hàng lớn bắt đầu rắc những hạt vàng vào cà phê, bánh, xà lách, sushi (bánh tráng cuốn, bọc rau câu và cá sống), soba (súp nui).

Nước Nhật mới cũng là nước Nhật của mốt. Những người Nhật mới giàu muốn tỏ ra biết ăn chơi tất nhiên phải uống rượu Pháp. Ở Hồng Kông, dân ăn chơi uống rượu Cognac. Ở Tokyo, người ta uống rượu vang. Và khi rượu “beaujolais nouveau” đến, những người Nhật sành điệu nằm trong số những kẻ đặc ân thưởng thức đầu tiên loại rượu này. Quả thực, sự việc đã diễn ra như vậy: ngày mà rượu “beaujolais nouveau” chính thức được đem bán hàng năm, loại rượu quý này được ưu tiên chở từ Pháp qua Nhật để rồi, nhờ chênh lệch múi giờ (Nhật đi trước Pháp 8 giờ) người Nhật được uống trước cả người Pháp. Để khỏi mất thì giờ, có những toán hải quan và lao động thời vụ lo dán nhãn bằng tiếng Nhật (luật pháp Nhật bắt buộc như thế) lên các chai rượu, nóng lòng chờ đợi, sẵn sàng bắt tay vào việc ngay khi máy bay hạ cánh để chờ hàng mang đi.

Tuy vậy, năm 1990 Nhật Bản đã không được là kẻ đầu tiên thưởng thức rượu “beaujolais nouveau”. Khoảng ba chục chiếc Boeing 747 Cargo của các hãng Air France, Cathay Pacific và Japan Airlines đã được huy động để chở kịp thời 300.000 két rượu quý này (tổng cộng 2.400 tấn) đến sân bay Narita. Nhưng vì ngày lễ đăng quang của hoàng đế Akihito diễn ra vào 22/11, tức một tuần lễ sau khi rượu “beaujolais nouveau” chính thức bán ra, chính phủ Nhật cho rằng sẽ là bất kính nếu các thần dân Nhật lại thưởng thức thứ rượu mới trước một ngày lễ trọng đại như vậy. Vậy là việc thưởng thức rượu “beaujolais nouveau” bắt đầu trễ một tuần. Những năm khác, những tay chơi còn có thể ngủ qua đêm ở một khách sạn trong sân bay Narita, nơi người ta tổ chức những cuộc thưởng thức rượu đặc biệt trước mọi người khác. Mốt thưởng thức rượu vang mới được ưa chuộng đến nỗi từ nay, người Nhật có thể thưởng thức đủ loại rượu mới mà ngay cả ở Pháp người ta còn không biết tới! Và mặc dù mốt thưởng thức rượu vang còn tương đối mới ở Nhật, nhưng nó thịnh hành đến mức mà năm 1989 Nhật Bản đã trở thành khách hàng thứ 5 của Pháp. Trị giá rượu mà Nhật nhập khẩu đã tăng lên hơn 1 tỷ franc, tăng hơn 60 % mỗi năm. Với rượu beaujolais nouveau thì tăng 109 %.

Hiện tượng nhà giàu mới ở Nhật còn biểu hiện qua việc đi du lịch đông đảo ra nước ngoài, hiện tượng này đã tăng vọt trong vài năm qua. Đi du lịch ra nước ngoài chỉ để tiêu khiển cũng đã trở thành mốt. Túi rủng rỉnh đồng yên, mà giá trị không ngừng tăng so với các loại ngoại tệ mạnh khác, gần 10 triệu người Nhật đã ra nước ngoài năm 1989 (chính xác là 9,64 triệu người). Năm 1986 chỉ mới có 5,5 triệu người và năm 1988 có 8,5 triệu người[28]. Những địa điểm mà người Nhật thích đến du lịch nhất, theo thứ tự, là châu Á (47,8 %), Bắc Mỹ (35,7 %), châu Âu (10 %) và châu Úc (5 %). Năm nước mà người Nhật thường đi du lịch nhất là Mỹ (31 %), Triều Tiên (14,2 %), Hồng Kông (12,2 %), Đài Loan (10 %) và Pháp (8 %). Hawaii, Úc, bờ Tây nước Mỹ cũng được du khách Nhật đặc biệt ưa thích. Trung thành với ước muốn của mỗi người Nhật là được hòa mình trong một nhóm hoặc một tập thể, họ thường đi du lịch thành đoàn có tổ chức. Trong trường hợp đó, mọi chi tiết nhỏ nhặt nhất đều được tiên liệu và tổ chức chu đáo. Ngay cả vấn đề gái cũng được tiên liệu, nếu đó là những sex-tours ở các thủ đô châu Á. Một số tuyến du lịch còn hứa hẹn mỗi tối một cô gái khác nhau. Cần nói thêm rằng các bà vợ Nhật không nhất thiết bực bội về điều đó. Được giải phóng một thời khỏi các đức ông chồng thường trở về nhà trễ, mệt mỏi bơ phờ và say bí tỉ, họ có thể hưởng một chút tự do để lấy lại sức.

[28] Số liệu của cục du lịch Nhật Bản.

Khách du lịch Nhật Bản là một thứ của trời cho mà nước nào cũng muốn lôi kéo. Năm 1989, du khách Nhật Bản đã chi tiêu ở nước ngoài 22,4 tỷ đô la (112 tỷ franc), tăng 20 % trong vòng có một năm. Tính số tròn, mỗi du khách Nhật chi tiêu khoảng 10.000 franc. Ngoài ra, không kể các chuyến du lịch kinh doanh, dường như mỗi người Nhật khi ra nước ngoài thực tế chi tiêu bình quân 450.000 yên (16.200 franc). Nhưng một xu hướng mới đã bắt đầu xuất hiện, đó là việc thanh niên Nhật đi du lịch cá nhân. Nó là biểu hiện của những thay đổi xã hội đang diễn ra ở Nhật. Họ có rất nhiều khả năng chọn lựa: đi vòng quanh các thủ đô châu Âu trong một tuần, đi du lịch hạng sang trên một trong những chiếc tàu nổi tiếng nhất, đi nghỉ cuối tuần ở Bornéo xa lạ, đi đánh golf trong khung cảnh quyến rũ của lăng các hoàng đế đời Minh ở ngoại ô Bắc Kinh. Ngày nay, người ta gặp tương đối thường xuyên trên các chuyến bay những nhà kinh doanh hoặc cán bộ quản lý cao cấp người Nhật, cuối tuần đi đánh golf tại một sân chơi nào đó ở đầu kia thế giới.

Các phương tiện giải trí ở ngay nước Nhật còn sơ sài. Chỉ lo làm việc, gần đây người Nhật mới biết đến các thú giải trí. Nhưng dường như họ muốn lấy lại thời gian đã mất. Thị trường giải trí năm 1985 chỉ đạt 45 tỷ yên (1.62 tỷ franc). Ước lượng năm 2000 sẽ lên tới 150 tỷ yên (5,4 tỷ franc). Năm 1987, 44 % người Nhật tính chung tất cả các độ tuổi, xem công việc là lẽ sống của họ. Năm 1990, thanh niên Nhật tuổi từ 20 đến 30 chỉ có 26 % chấp nhận ý tưởng đó so với 34 % xem giải trí là lẽ sống.

Ve và kiến

Người Nhật đã rơi vào cơn lốc tiêu thụ, mặc dù hiện tượng này chưa đạt tới quy mô như ở các nước phương Tây. Với các loại tín dụng cho mục đích tiêu thụ, tín dụng nhà ở, tín dụng “revolving” và đủ loại phương thức thanh toán dễ dàng khác, người châu Âu và người Mỹ chi dùng vượt quá xa khả năng của mình. Trong khi đó, người Nhật nói chung vẫn có số tiết kiệm tính theo đầu người cao nhất thế giới và do đó đã góp phần vào việc duy trì “sức khỏe” trong các xí nghiệp của họ. Tổng số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Nhật Bản đã vượt quá mức 700.000 tỷ yên (25.200 tỷ franc) vào ngày 31/3/1990, thời điểm kết thúc năm tài chính 1989-1990. Lần thứ tư trong bốn năm liền, quỹ tiết kiệm đã tăng với tỷ lệ trên 10 %. Theo Viện quốc tế và các Quỹ tiết kiệm (IICE) ở Genève, người Nhật vẫn được xếp hạng tiết kiệm nhất thế giới, trước Thụy Sĩ, Bỉ, Áo, Hà Lan và CHLB Đức. Tuy vậy, dù có các kỷ lục đó, khoảng cách giữa Nhật và các nước phương Tây ngày càng hẹp dần. Năm 1975, khi Nhật Bản đang phải chịu tác động trực tiếp của cuộc khủng hoảng dầu lửa lần thứ nhất, tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình Nhật là 22,8 %. Năm 1987 chỉ còn 15,1 % và năm 1988 còn 14,8 %.

Tỷ lệ tiết kiệm của các gia đình Nhật so với các nước khác

Nhật

Mỹ

CHLB Đức

Pháp

1987

15,1 %

5,6 %

12,2 %

11,5 %

1988

14,8 %

6,6 %

12,6 %

12,2 %

Nguồn: Ngân hàng Nhật Bản

Người giàu có san sẻ cho người nghèo?

Người giàu ít khi rộng lượng, hầu như chẳng bao giờ hoang phí. Nước Nhật không đi ra ngoài quy luật đó. Khi đất nước Mặt trời mọc trở nên giàu có sau bao năm khốn khó, tất nhiên có nhiều kẻ gen tuông. Một hậu quả tất nhiên khác: công nghiệp Nhật đã chiếm chỗ của các ngành công nghiệp ở phương Tây. Nước Nhật bắt đầu khiến người ta khó chịu. Những kẻ gièm pha đã vội vàng buộc tội, mà thường là đúng, rằng Nhật Bản cư xử một cách quá ích kỷ. Người ta bảo Nhật Bản không chỉ làm giàu một cách bất chấp mà còn bo bo giữ của. Bởi vì, dù họ có viện trợ, chẳng bao giờ đó là viện trợ vô vụ lợi. Ngay cả viện trợ nhân đạo cũng thường bị ràng buộc vào điều kiện là phải mua hàng hóa của Nhật. Cho vay với lãi xuất ưu đãi cũng vậy. Sự chỉ trích ấy là tuyệt đối đúng trong một thời gian dài. Bây giờ nó vẫn còn đúng, ít nhất là một phần.

Nhưng một dữ kiện quan trọng đã thay đổi: từ 1989, Nhật Bản đã giành lấy vị trí số một trên thế giới của Mỹ về tổng viện trợ phát triển (ADP), tức là các khoản viện trợ, cho vay với lãi suất thấp và trợ giúp kĩ thuật cho các nước đang phát triển. Năm 1989, phần của chính phủ Nhật trong các khoản viện trợ ấy là 8,96 tỷ đô la, tăng 5,7 % so với 1988. Trong đó, 55 % là cho vay, 23 % viện trợ và 21,9 % dưới hình thức hợp tác kĩ thuật.

Trong khi đó, phần của Mỹ giảm 27 %, còn 7,66 tỷ đô la. Nước Pháp đứng hàng thứ ba với 5,14 tỷ đô la, trước CHLB Đức (4,95 tỷ đô la)[29].

[29] Sách trắng của bộ ngoại giao Nhật (5/10/1990) và báo cáo của OCDE.

Nhưng những con số gộp ấy là không đầy đủ và đưa đến nhầm lẫn. Để biết được cố gắng thực sự của từng nước, cần phải so số viện trợ với PNB (tổng sản phẩm xã hội). Dưới góc độ đó, Pháp đứng đầu nhóm G-7 với tỷ lệ 0,54 %. Nhật Bản đứng hàng thứ năm và Mỹ xếp sau cùng[30]. Vì thế, Francois Mitterrand đã phải nói: “Nước Nhật khiến chúng ta nhỏ lệ khi họ nói về các nước nghèo!” “Chúng ta bỏ xa đàng sau những nước như Mỹ hoặc Nhật là những nước vẽ ra những kế hoạch to lớn nhưng mở hầu bao rất ít. Nếu Mỹ hoặc Nhật Bản cũng cố gắng như chúng ta, vấn đề (viện trợ cho thế giới thứ ba) sẽ được giải quyết.” – F.Mitterrand nói thêm. Mặt khác, tư bản Nhật đổ chủ yếu vào các nước châu Á (chiếm 62,5 % viện trợ Nhật năm 1989). Cũng cần phải biết rằng Nhật tiếp tục cho tiền, đổi lại những hợp đồng ký kết với các xí nghiệp Nhật. Mặc dù phần cho vay lãi suất thấp gắn với những hợp đồng ký với các xí nghiệp Nhật đang giảm đi, phần này vẫn còn chiếm tới 20 % trong năm 1989, theo các số liệu chính thức. Và dù người ta có nói rằng các khoản tiền bỏ ra trên lý thuyết có thể dùng để tiến hành các dự án với những bạn hàng không phải Nhật Bản thì trong thực tế cứ hai dự án thì có một được thực hiện với các xí nghiệp Nhật Bản. Trong trường hợp đó, viện trợ của Nhật trở thành một hình thức tài trợ ngụy trang cho chính nền công nghiệp của họ.

[30] Báo cáo của OCDE

Cũng cần phải thấy rằng Nhật Bản đang củng cố các vị trị của họ và tăng cường ảnh hưởng của họ ở châu Phi và châu Mỹ La tinh nhờ những chương trình trợ giúp tiền bạc nói chung chẳng hao tốn gì lắm. Chẳng hề muốn đầu tư vào vì không đảm bảo lãi, chính phủ Nhật đổ vào lục địa châu Phi những khoảng viện trợ nhỏ từ 5 đến 150 triệu đô la nhằm xây dựng chỗ này một chiếc cầu hay nhà máy điện, chỗ kia một trường học hoặc một cái đập. Năm 1990, những nước châu Phi chủ yếu nhận viện trợ của Nhật là Niger (20 triệu franc + 35 triệu franc), Guinée-Bissau (18 triệu franc), Công hòa Trung Phi (8 triệu franc), Bờ biến Ngà (đủ loại tín dụng), Ouganda (30 triệu franc + 20 triệu franc), Nigeria (90 triệu franc), Burkina (viện trợ lương thực 7,2 triệu franc), Algérie (cho vay đủ loại), Guinée (30 triệu franc), Djibouti (30 triệu franc), Sénégal (100 triệu franc) và Ghana (1,2 triệu franc). Ở châu Mỹ La tinh, Nhật Bản ít viện trợ hơn mà thường cho vay lãi suất thấp. Những nước may mắn được vay có: Équateur (56 triệu đô la), Mêhicô (375 triệu đô la).

Danh sách ấy không hề là một danh sách giới hạn, vì rõ ràng là có nhiều nước đang phát triển khác cũng kêu gọi khẩn cấp nguồn vốn của Nhật. Nhưng, dù các khoản viện trợ và cho vay ấy có bị ràng buộc hay không với việc phải mua hàng của Nhật, thì chúng ta cũng phải nhớ rằng đồng tiền bỏ ra ấy nhất thiết có mặt trái của nó: mở rộng ảnh hưởng của Nhật ra khắp thế giới.

Viện trợ phát triển năm 1989 (triệu đô la)

Tổng số

Tỷ lệ/PNB

Pháp

5.140

0.54 %

CHLB Đức

4.950

0.41 %

Nhật Bản

8.960

0.32 %

Mỹ

7.660

0,15 %

Nguồn: OCDE

Lạm phát

Về lạm phát, Nhật Bản cũng là cậu học trò đứng đầu bảng trong số bảy nước công nghiệp hàng đầu, trong ba năm liền. Trừ vài ngoại lệ hiếm hoi, Nhật Bản cũng là nước xuất sắc dẫn đầu OCDE. Đây là một dấu hiệu không thế nhầm lẫn về “sức khỏe” của nền kinh tế Nhật.

Tỷ lệ lạm phát trung bình hàng năm trong khối OCDE

1987

1988

1989

Mỹ

3,7

4,1

4,8

Nhật

0,1

0,7

2,3

CHLB Đức

0,2

1,3

2,8

Pháp

3,1

2,7

3,6

Ý

4,6

5,0

6,6

Anh

4,2

4,9

7,8

Canada

4,4

4,0

5,0

Áo

1,4

2,0

2,5

Bỉ

1,6

1,2

3,1

Hy Lạp

16,6

3,5

13,7

Ailen

3,2

2,1

4,0

Luxembourg

-0,1

1,4

3,4

Hà Lan

-0,7

0,7

1,1

Na Uy

8,7

6,7

4,6

Bồ Đào Nha

9,4

9,7

12,6

Tây Ban Nha

5,2

4,8

6,8

Trung bình CEE

3,4

3,6

5,3

Trung bình OCDE

3,9

4,8

6,0

Nguồn: OCDE

Một nền kinh tế đứng đầu trong số những nền kinh tế hàng đầu

Thực tế, nói về nền kinh tế Nhật, có quá nhiều cái “siêu” khiến chúng ta khó mà chọn lựa cái nào. Để so sánh chúng ta hãy chọn tổng sản phẩm xã hội (PNB) tính theo đầu người, vì đây có lẽ là đặc điểm nói lên một cách rõ ràng nhất sự giàu có và sức mạnh của một nước. Cả ở đây, Nhật Bản cũng không sợ ai. Năm 1987, Nhật Bản xếp hạng thứ 5 thế giới, sau Thụy Sĩ, Luxembourg, Mỹ và NaUy. Năm 1987 sẽ là một năm đáng ghi nhớ đối với người Nhật, năm mà lần đầu tiên họ đã vượt Mỹ, với PNB đầu người là 19.450 đô la. Năm 1988, họ đã vươn lên hàng thứ 3, sau Thụy Sĩ và Islande, với PNB đầu người là 23.270 đô la và một tỷ lệ tăng tới 19,6 % trong một năm. Nhật đã rửa được mối hận đối với người bảo hộ. Là cột mốc tiêu biểu nhất trong cuộc trường chinh thành công của nước Nhật tới thịnh vượng, thắng lợi trên khiến người Nhật hết sức tự hào. Mỗi khi cần phải nhắc nhở những người phương Tây quá hợm hĩnh, các nhà lãnh đạo chính thức của Nhật không bao giờ bỏ lỡ cơ hội nêu ra các con số ấy. Mặc khác, xu hướng này còn lâu mới đảo ngược được bởi vì từ đó đến nay Nhật Bản không ngừng lấn bước Mỹ.

Năm 1950, PNB của Mỹ gấp gần bảy lần của Nhật. Bây giờ, PNB của hai nước đã gần ngang nhau. Tháng 12/1990, hơn bốn tháng sau khi Irak xâm lược Koweit, và sau cuộc khủng hoảng kế đó trên thị trường dầu lửa, kinh tế Nhật đã ghi nhận sự tăng trưởng qua tháng thứ 49 liên tục nhờ sự tăng mạnh cầu nội địa. Đây là thời kì tăng trưởng dài nhất lần thứ hai của Nhật kể từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Thời kì tăng trưởng liên tục dài nhất, gọi là Izanagi, đã kéo dài 57 tháng, từ tháng 10/1965 đến tháng 7/1970. Một thời kì huy hoàng khác, gọi là Iwata, đã kéo dài 42 tháng, từ tháng 6/1958 đến tháng 12/1981. Một dấu hiệu của thời gian và là đảm bảo cho tính bền vững của nền kinh tế Nhật: Nhật không còn phụ thuộc chủ yếu như trong quá khứ vào xuất khẩu để đảm bảo sự tăng trưởng. Hơn nữa, trong lĩnh vực này, họ còn vững chắc hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh. Xuất khẩu chỉ còn chiếm khoảng 15 % PNB của Nhật, ít hơn tỷ lệ của Pháp (20 %), CHLB Đức (hơn 30 %) hoặc Anh (hơn 25 %).

Đối với Nhật Bản, thời kì 1986-1990 là thời kì tiếp tục củng cố các thành tựu kinh tế: tỷ lệ tăng PNB của họ đã vươn lên vị trí số 1 trong số 5 nước công nghiệp phát triển nhất hành tinh để không bao giờ rời khỏi vị trí đó nữa. Tóm lại, sau khi đạt vận tốc đạn đạo, Nhật Bản đã tiếp tục khẳng định vị trí bá chủ đối với thế giới còn lại. Năm 1989, PNB của Nhật bằng 10 % PNB của cả thế giới. Điều đó có nghĩa là nếu đem so dân số của Nhật với dân số toàn thế giới, thì 120 triệu người Nhật sản xuất một sản lượng trung bình bằng 416 triệu người trên trái đất. Năm 1989, PNB của Nhật tăng 4,8 %, tạo ra của cải trị giá 396.500 tỷ yên (2.800 tỷ đô la hay 14.400 tỷ franc), so với dự kiến ban đầu của chính phủ Nhật là tăng 4 %.

Mặt khác, nền kinh tế Nhật có vẻ sẽ tiếp tục vững như bàn thạch. Cuộc khủng hoảng vùng Vịnh nổ ra vào mùa hè 1990 không phải không tác động đến Nhật Bản. Vả lại, không loại trừ là nền kinh tế Nhật sau thời kì phát triển “quá nóng” sẽ ghi nhận trong những năm sắp tới một sự ngừng trệ về đầu tư, sự sụt giảm về tiêu thụ và sự tăng trưởng chậm lại. Lần đầu tiên kể từ 1979, thời điểm của cơn sốc dầu lửa thứ hai, chính phủ Nhật đã thông qua một loạt biện pháp tiết kiệm năng lượng. Nhưng không có gì là bi kịch. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, nền kinh tế Nhật có thể “tiêu hóa” được một sự tăng giá dầu thô nhờ các cải cách đã được bắt đầu sau cơn sốc dầu lửa thứ nhất. Nó còn có thể đối phó không sợ thảm họa với giá dầu lên tới 30, thậm chí 40 đô la/thùng[31].

[31] Dự đoán của Viện Kinh tế Năng lượng (IEE), cơ quan do 160 hãng lớn của Nhật trong lĩnh vực năng lượng thành lập (4/10/1990).

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3