Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 01 - Phần 1
PHẦN HAI
MỘT CHIẾN LƯỢC THỐNG TRỊ
I. Nhật Bản đang mua cả thế giới
Tư tưởng về cạnh tranh của họ luôn luôn mang tính chất cực kì đối kháng; mục tiêu là hủy diệt sự cạnh tranh; không phải là độ sức với cạnh tranh mà là loại bỏ nó.
Lee lacocca, Chủ tịch Chrysler[38]
[38] Phỏng vấn của Newsweek, 2/4/1990.
Nhật Bản không còn bằng lòng với việc xuất khẩu và nhét tiền đầy két. Họ đã lao vào một chiến dịch quy mô to lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại: họ mua cả thế giới. Dù là bí mật và lén lút nắm quyền kiểm soát hay ngược lại công khai và rùm beng mua các xí nghiệp, thì các nhà công nghiệp Nhật Bản đang có một thú tiêu khiển mới là mua lại các xí nghiệp gặp khó khăn trong các nước chúng ta, mà thường khi các xí nghiệp này lại bị chính các ngành công nghiệp Nhật Bản đẩy xuống hố. Hàng mảng công nghiệp châu Âu và Mỹ rơi vào tay Nhật Bản khi họ tung ra hàng triệu đô la. Thực tế, Nhật Bản muốn thống trị nền công nghiệp thế giới, và họ không có cách nào khác. Đứng trước sự phản đối của phương Tây chống lại hình thức xâm lăng kinh tế mới là sự xuất khẩu ồ ạt của họ và sợ rằng khối CEE cũng như cả thế giới công nghiệp dựng lên những hàng rào bảo hộ mậu dịch đối với họ, Nhật Bản bắt đầu đầu tư ồ ạt ra nước ngoài. Các nhà công nghiệp Nhật Bản bây giờ tìm cách lách các hàng rào hải quan và tấn công các nền kinh tế phương Tây từ bên trong. Bây giờ là lúc họ “phi địa phương hóa”, nghĩa là họ xây dựng những xí nghiệp Nhật Bản ngay trên đất của những quốc gia là mục tiêu tấn công của họ. Các doanh gia của đất nước Mặt trời mọc bây giờ không mệt mỏi rảo khắp thế giới để đầu tư hàng tỷ đô la vào trong các “pháo đài”, mà nhiều pháo đài đã sắp đầu hàng.
Từ hai ba năm nay, các nhà lãnh đạo kinh tế và tài chính Nhật thường lặp đi lặp lại một từ màu nhiệm: “Toàn cầu hóa”. Hiểu theo nghĩa đen, theo tinh thần của người Nhật, thì từ này có nghĩa là Nhật Bản cấp thiết phải hội nhập vào thế giới ngày nay. Rất tốt! Để Nhật Bản đừng bao giờ bị cám dỗ bởi chủ nghĩa bá quyền quân phiệt nữa, còn gì đáng trân trọng và đáng mong ước hơn? Thế nhưng, thực tế lại đi xa hơn thế nhiều. Người khổng lồ Nhật Bản, với sức mạnh tài chính ở đỉnh cao, hướng cặp mắt thèm muốn nhìn khắp thế giới. Từng bước, các lợi ích và tư bản của Nhật xâm nhập tất cả các hệ thống thế giới, ngay cả những hệ thống khó xâm nhập nhất. Khắp nơi, đầu tư trực tiếp của Nhật như những đợt sóng kế tiếp nhau ào tới các chi nhánh công ty Nhật Bản, các nhà máy sản xuất cứ như từ dưới đất mọc lên và bắt đầu thuê mướn nhân công phương Tây. Ở một số vùng đặc biệt chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, nơi mà nạn thất nghiệp hoành hành, người Nhật được đón tiếp như những vị cứu tinh thực sự. Sau Mỹ và phần châu Á còn lại, nay đến lượt châu Âu trở thành mục tiêu mới của các nhà đầu tư Nhật. Một lý do đơn giản của sự hấp tấp này: ở Tokyo người ta đang cảm thấy cấp bách vì không thể chậm trễ trước khi thị trường châu Âu thống nhất vào năm 1992.
Cơn thèm khát của Nhật không dừng lại ở đó. Từ nay, các vương quốc tài chính của đất nước Mặt trời mọc từng giờ cạnh tranh gay gắt để chiếm đoạt trước mọi người những gia sản quý báu nhất ở nước ngoài. Những bức danh họa, những vườn nho, lâu đài, dinh thự hạng sang, nhà làm văn phòng, khách sạn, sân chơi thế thao, sân golf, đồ cổ, ngựa đua, xe hơi cổ sưu tầm: tất cả những gì đưa ra bán trên khắp thế giới đều khiến những người Nhật giàu có quan tâm. Họ đã thay thế các tiểu vương của các vương quốc dầu lửa Trung Đông. Những tay chơi tài tử hãy coi chừng!
Cái lưới nhện Nhật Bản
Khi nước Nhật bước ra khỏi tình trạng cùng khổ và đến thời kì cạnh tranh giữa các tập đoàn lớn trong nước, những nhà kinh doanh đứng đầu các công ty Nhật giàu sụ đã đưa ra nhận định sau: nếu muốn tiếp tục thịnh vượng, nước Nhật không có cách nào khác là bước ra khỏi biên giới của mình. Nhật Bản chẳng đã xây dựng lại thành công nền kinh tế đó sao? Vậy thì tại sao dừng lại ở nửa đường? Để bảo đảm nền công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, Nhật Bản phải lợi dụng khả năng tài chính của mình để chinh phục hệ thống công nghiệp thế giới. Một lý do khác dẫn đến chủ nghĩa bành trước kinh tế này: nhất thiết phải “quay vòng” các thặng dư tài chính khổng lồ tích tụ trong các ngân hàng, từ sự tiết kiệm ở mức kỷ lục của nhân dân và từ nền công nghiệp quốc gia. Thật vô lý nếu không làm cho cái vốn ấy sinh lãi. Lý do thứ ba: với sự tăng giá của đồng yên, hàng hóa xuất khẩu của Nhật ngày cảng giảm tính cạnh tranh. Do đó phải mua, phải “phi địa phương hóa”.
Sau khi đi lên nhận định ấy, con nhện Nhật Bản không ngừng giăng tơ khắp thế giới. Đôi khi nhện biến thành nhện độc chết người. Với một số nhà quan sát nước ngoài, một hình thức thực dân mới nham hiểm đang được thi hành. Một số người còn đi xa hơn, coi đó là chủ nghĩa đế quốc Nhật Bản mới. Thua cuộc chiến tranh quân sự, Nhật tìm cách thắng cuộc chiến tranh kinh tế. Mối đe dọa của sự thống trị kinh tế đang lơ lửng trên đầu cả thế giới. Frans Andriessen, phó chủ tịch Ủy ban châu Âu, buộc tội Nhật Bản giao chiến với phương Tây trong một cuộc “chiến tranh đầu tư”, những mất cân bằng có lợi cho Nhật Bản trong lĩnh vực này là “nguy hiểm hơn cả các thâm hụt mậu dịch”[39]. Và ông nhấn mạnh rằng hiện tại đầu tư của Nhật Bản thực hiện ở châu Âu cao hơn gấp 60 lần đầu tư châu Âu thực hiện ở Nhật Bản.
[39] Tuyên bố tại diễn đàn kinh tế Davos (Thụy Sĩ), AFP, 2/2/1990
Bước tiến cực nhanh của sự có mặt của Nhật Bản trên thế giới được chia làm ba giai đoạn:
Giai đoạn đầu: theo kịch bản cổ điển, các ngành công nghiệp Nhật Bản bán hàng hóa ra thị trường thế giới thông qua trung gian các hệ thống phân phối quy ước của nước ngoài hoặc của Nhật. Nếu thuận lợi, nhà công nghiệp Nhật tiêu thụ sản phẩm của mình nhờ một hãng đại diện thương mại Nhật (Sôgô Sôsha). Sau đó, nếu cảm thấy có lực để thử mạo hiểm, nhà công nghiệp Nhật sẽ xây dựng những chi nhánh phân phối của chính mình ở hải ngoại.
Giai đoạn hai: các nhà công nghiệp Nhật có phương tiện thì thiết lập trực tiếp ở nước ngoài các nhà máy sản xuất của họ, đôi khi ngay cả các phòng nghiên cứu thiết kế sản phẩm. Sự phi địa phương hóa ấy cho phép họ thiết kế và sản xuất những sản phẩm nhắm vào và thích nghi hơn với nhu cầu của khách hàng địa phương. Cái lợi trước mắt là giá thành sản xuất giảm nhờ nhân công địa phương rẻ hơn và không còn chi phí vận chuyển. Cái lợi lâu dài là chiếm lĩnh những phần thị trường mới và cạnh tranh.
Giai đoạn thứ ba và cuối cùng: các ngân hàng, hãng bảo hiểm, hãng môi giới Nhật Bản đổ bộ lên thị trường nước ngoài. Môi giới tài chính đến lượt nó được phi địa phương hóa, cho phép họ mua lại liên tiếp các xí nghiệp. Trong khi đó, các Sôgô sôsha thực sự trở thành những trung tâm tình báo kinh tế và hoạt động hết công suất, nhằm thu nhập thông tin trong tất cả các lĩnh vực mua và bán.
Dĩ nhiên, Nhật Bản không phải là nước đầu tiên đầu tư ra nước ngoài. Trước Nhật từ lâu, Anh quốc ở thế kỷ XIX, rồi Mỹ ở thế kỷ XX đã nêu gương về mặt sử dụng sức mạnh công nghiệp của họ để mở rộng ảnh hưởng ra xa ngoài biên giới, ở các thuộc địa (Anh) và ở châu Âu (Mỹ). Nhưng ở cuối thế kỷ XX này, kết quả của cuộc tấn công của Nhật Bản trên thế giới – một quá trình còn lâu mới chấm dứt – đã nổi bật đến nỗi gần như làm người ta quên đi hai cường quốc đang suy yếu kia. Từ Trung Quốc đến Hà Lan, qua Indonésia và Mỹ La tinh, không còn vùng nào trên thế giới thoát khỏi cặp mắt chăm chú theo dõi của các nhà đầu tư Nhật. Về giá trị tuyệt đối và riêng trong lĩnh vực đầu tư trực tiếp, Nhật chỉ mới đứng hàng thứ ba trên thế giới, khá xa sau Mỹ và Anh. Năm 1988, tổng số đầu tư trực tiếp của Nhật Bản thực hiện ở nước ngoài lên tới 110,8 tỷ đô la, tăng cực nhanh đến 43,9 % trong vòng chỉ một năm, so với năm 1987.
Tuy nhiên, lúc ấy Nhật chỉ chiếm 10,7 % tổng số đầu tư trực tiếp thực hiện trên thế giới. Mỹ đứng đầu với 31,7 % tổng số đầu tư trên thế giới (326 tỷ đô la). Đứng thứ nhì là Anh với 17,8 % (183,7 tỷ đô la)[40]. Nhưng cần nhớ rằng chỉ mới lao vào cuộc đua gần đây. Xuất phát từ bậc thang cuối cùng, Nhật đã leo các nấc thang với tốc độ kỷ lục, và nếu nhịp độ hiện nay vẫn tiếp tục, chẳng bao lâu Nhật sẽ dẫn đầu.
[40] Thống kê của JETRO (Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản)
Nhờ kết số thương mại rất quan trọng và cán cân thanh toán thặng dư rất lớn, Nhật đã nhanh chóng tích lũy một sức mạnh tài chính đáng kể. Việc đồng yên đột ngột tăng giá lại càng củng cố thêm quả đấm tài chính độc nhất vô nhị ấy trên thế giới. Các nhân tố khác nhau ấy đã dẫn tới sự tăng nhanh đặc biệt của tư bản xuất đi. Năm 1985, tư bản Nhật xuất ra nước ngoài lên đến 65 tỷ đô la. Từ 1986, nó vượt nhẹ nhàng mức 130 tỷ đô la hàng năm. Nhật đã trở thành nước xuất khẩu tư bản lớn nhất thế giới. Theo đa số các dự báo nghiêm túc, Nhật Bản sẽ vẫn dễ dàng đứng hàng đầu, ít nhất trong một số năm sắp tới. Theo nghiên cứu mới đây của một chuyên gia ngân hàng Pháp, vai trò của Nhật về tiền tệ và tài chính sẽ mở rộng đáng kể trong những năm 1990[41]. Ngoài ra, Nhật bắt đầu thu về lợi nhuận và lãi cổ phần quan trọng từ đầu tư của họ ở nước ngoài. Các khoản thu ấy đã tăng từ 9,5 tỷ đô la năm 1986 lên 16,7 tỷ đô la năm 1987 và 21 tỷ đô la năm 1988. Lãi cổ phần và lợi nhuận của họ đã tiếp tục tăng và đạt 27,6 tỷ đô la năm 1989[42].
[41] Nghiên cứu của Jean – Michel Dinand, trưởng văn phòng Nhật Bản của Tổng cục nghiên cứu thuộc ngân hàng Pháp quốc, tháng 11/1989.
[42] Thống kê của Bộ tài chính Nhật, Nihon Keizai Shimbun, 12/5/1990.
Mặt khác, nếu chỉ xem xét các khoản đầu tư trực tiếp thì rất không đầy đủ. Bởi vì đó chỉ là phần nổi và được biết đến của cả tảng băng. Tích sản của một nước nào đó nắm ở ngoài biên giới quốc gia của mình, ngoài hoạt động kinh tế, còn bao gồm nhiều lĩnh vực khác. Nhật Bản không phải là ngoại lệ, ngược lại là đằng khác. Những đầu tư gián tiếp được thực hiện dưới nhiều hình thức, thường công chúng không được biết đến, đôi khi bí mật nữa, và do đó rất khó định lượng. Những đầu tư gián tiếp đáng chú ý bao gồm: tham gia vốn trực tiếp hoặc không, trong các xí nghiệp của nước ngoài, quỹ đầu tư công khai hoặc qua trung gian trên các thị trường tài chính nước ngoài (thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, khoán phiếu các loại); những vụ mua động sản hoặc bất động sản; cho vay của chính phủ hoặc tư nhân cho các tổ chức quốc tế, các chính phủ và cơ quan nước ngoài; và nhiều hoạt động khác, đôi khi bí mật, không hề được thể hiện trong các tài liệu chính thức của chính quyền. Trong trường hợp của Nhật, còn phải kể đến các trái phiếu của ngân khố Mỹ mà hiện giờ họ chiếm đến 13 %. Nhật đã tài trợ một phần lớn cho khoản thâm hụt ngân sách của Mỹ.
Về tài sản gộp của Nhật ở nước ngoài được biết đến và được kết toán thì Nhật Bản chiếm vị trí số một thế giới cuối năm 1988, với tổng số 1.469 tỷ đô la. So với tài sản ở nước ngoài của Mỹ là 1.253 tỷ đô la. Ngoài ra, tài sản của Nhật năm 1988 đã tăng ngoạn mục so với năm 1987 (1.072 tỷ đô la); tăng 37 % trong vòng một năm! Không có nước công nghiệp lớn nào trên thế giới có thể vỗ ngực về một thành tích như vậy. Nhưng chưa hết. Do các khoản nợ và các cam kết tài chính vượt xa số tài sản của họ, nước Mỹ trở thành con nợ với 532 tỷ đô la nợ ròng, trong khi Nhật Bản là chủ món nợ 291 tỷ đô la. Như vậy, là Nhật hơn Mỹ 824 tỷ đô la về tài sản[43]. Một nước có vẻ cực kì nghèo, một nước thì cực kì giàu. Để hoàn tất bức tranh, cần phải nói rằng từ nay Nhật đã trở thành nước chủ nợ lớn nhất thế giới.
[43] Hirohiko Okumura, Lịch trình thay đổi cơ cấu kinh tế và tài chính ở Nhật trong những năm 1990. Viện nghiên cứu Nomura, 4/1990.
Tài sản và nợ của Mỹ và của Nhật (tính bằng tỷ đô la)
Nhật Bản
Mỹ
1980
1988
1980
1988
Tài sản
159,6
1469,3
607,0
1253,6
Nợ
148,0
1177,6
500,8
1786,2
Tài sản ròng
11,5
291,7
106,2
-532,5
Nguồn: Bộ Tài chính Nhật và Bộ Thương mại Mỹ
Những cỗ voi của nền công nghiệp Nhật Bản
Những xí nghiệp Nhật Bản gieo khiếp sợ trong giới kinh doanh ở châu Âu và Mỹ là những xí nghiệp nào? Đó chủ yếu là những siêu khổng lồ trong lĩnh vực chế tạo xe hơi, điện tử, công nghiệp nặng và nhẹ. Mới cách đây mười năm còn chưa có mặt trong các bảng vàng thế giới, vậy mà hiện nay các tập đoàn lớn của Nhật đang gặm dần những chỗ cao nhất trong bảng xếp hạng các công ty lớn nhất thế giới. Trong bảng xếp hạng 30 công ty lớn nhất thế giới năm 1990 theo doanh số (bán và dịch vụ) của tạp chí Nouvel Economiste (tài khóa 89/90), có bảy công ty của Nhật Bản. Đó là Toyota (tập đoàn số 1 Nhật Bản và thứ 5 thế giới), Hitachi (tập đoàn đứng thứ 8 trên thế giới), Matsushita Electric (thứ 12), Nissan (thứ 13), Toshiba (thứ 24), Tokyo Electric Power (thứ 25) và Honda (thứ 29). Trong số 30 công ty hàng đầu ấy chỉ có một là của Pháp (Renault), mà lại đứng cuối bảng. Trong số 100 xí nghiệp hàng đầu thế giới, 18 là của Nhật. Số xí nghiệp loại này của Nhật nhiều hơn rõ rệt so với số của nước Đức thống nhất và gần bằng số của cả Anh, Ý và Pháp cộng lại. Để so sánh, nước Anh – cựu vô địch ngành công nghiệp – chỉ còn nắm 7 xí nghiệp loại hàng đầu thế giới. Nước Pháp có 9. Còn Ý chỉ có 5. Mỹ tiếp tục giữ huy chương vàng với 35 hãng. Mặc khác, danh dự của Mỹ vẫn còn nguyên vẹn bởi vì cả ba hãng đứng đầu bảng đều là của Mỹ: General Motors, Ford và Exxon. Cả ba dường như không thể phế truất được.
Nhưng vấn đề là Mỹ còn giữ được bao lâu vì Nhật đang nhanh chóng bắt kịp Mỹ. Các hãng Nhật đang tiến với tốc độ chóng mặt lên chóp đỉnh thế giới. Trong lúc các đối thủ cạnh tranh của họ khá lắm là giữ được cho doanh số khỏi sụt thì tỷ lệ tăng doanh số của các hãng hàng đầu Nhật Bản lại thường đạt tới hai con số. Chỉ trong vòng hai năm, Toyota đã leo hai bậc trong bảng xếp hạng, Hitachi leo bốn bậc, Matsushita ba bậc và Nisssan sáu bậc. Về tài sản (vốn riêng), 3 trong số 10 hãng tư nhân lớn nhất thế giới năm 1989 là của Nhật: Toyota, Matsushita và Hitachi. Nếu lấy tiêu chuẩn là chứng khoán được bán, thì sức nặng tài chính của Nhật thực sự trở nên đè bẹp, vì 8 trong số 10 hãng hàng đầu thế giới, tất cả đều là của Nhật, theo thứ tự là: Nippon, Telegraph và Telephone, Sumitomo Bank, Industrial Bank of Japan, Dai Ichi Kangyo Bank và Fuji Bank.
Chúng ta hãy tiếp tục so sánh. Trong lĩnh vực xe hơi, năm 1989 Toyota đã thực hiện doanh số 425,635 tỷ franc, tức là hơn phân nửa doanh số của General Motors, hãng số 1 thế giới. Nhưng Toyota đã vượt xa hãng số một châu Âu là Daimler – Benz (doanh số 259,198 tỷ franc), hãng này lần đầu tiên vào năm 1989 cũng đã để cho mình bị qua mặt bởi Nissan, hãng xe hơi đứng hàng thứ hai của Nhật với doanh số 261,388 tỷ franc. Thành tích của Toyota thực tế gần gấp đổi của Fiat (241,940 tỷ franc) và nhiều hơn gấp đôi doanh số của hai hãng lớn của Pháp cộng lại: đó là Renault (174,477 tỷ franc) và Peugeot (152,955 tỷ franc). Nhờ quản lý rất chặt chẽ, do đó đạt mức lãi kỷ lục, Toyota lại còn tích lũy được vốn riêng nhiều gần gấp 10 lần hơn Renault (198,753 tỷ franc so với 22,466 tỷ franc). Còn về Peugeot, nếu Toyota muốn mua, nó chỉ cần “lụm” một cái là xong.
Trong lĩnh vực điện tử, lợi thế cũng nghiêng về các hãng lớn của Nhật. Doanh số của Hitachi (327,725 tỷ franc) theo sát gót hãng IBM của Mỹ, hãng lớn nhất và vô địch về năng suất (doanh số 400,152 tỷ franc). Doanh số của Hitachi vượt xa hãng khổng lồ Siemens của châu Âu (207,406 tỷ franc), gấp bốn lần hãng lớn Thomson của Pháp (76,700 tỷ franc) và gấp gần 8 lần hãng lớn Olivetti của Ý. Nhưng với các đối thủ cạnh tranh châu Âu, vấn đề là Hitachi không đơn độc. Trong lĩnh vực sản xuất điện, điện tử và tin học, Nhật có cả một đạo quân những công ty lớn. Trong số 20 hãng lớn nhất thế giới, thì 10 hãng là của Nhật: Hitachi, Matsushita, Toshiba, NEC, Mitsubishi Electric, Fujitsu, Sony, Sharp, Sanyo và Canon. Vậy mà, mới thoạt nhìn, công nghiệp châu Âu dường như chưa chết, bởi vì trong bảng xếp hạng này dù sao cũng còn bốn hãng châu Âu: Siemens, Philips, CGE và Thomson.
Thành tích của các hãng xe hơi lớn của Mỹ, Nhật Bản và châu Âu (tính triệu franc)
Doanh số
1989/88 %
Vốn riêng
Lãi ròng
General Motors
809.952
2,7
235.756
26.955
Ford
613.506
4,0
153.981
24.471
Toyota
425.655
14,6
198.753
20.433
Nissan
261.388
17,3
83.744
5.371
Daimler-Benz
259.198
3,9
54.963
21.816
Fiat
241.940
14,3
74.234
15.376
Chrysler
222.837
2,3
47.921
2.290
Volkswagen
221.740
10,4
39.039
3.522
Honda
178.401
10,4
50.219
3.782
Renault
174.477
8,1
22.466
9.289
Peugeot
152.955
10,5
38.530
10.301
Nguồn: Tạp chí Nouvel Économiste, 11/1990
Đầu cơ bất động sản
Sự giàu có của các ngân hàng, các công ty bảo hiểm và các tập đoàn lớn của Nhật Bản từ đâu ra? Ngoài những khoản thu từ xuất khẩu và từ sự hi sinh của dân chúng Nhật suốt 40 năm, đó còn là sự đầu cơ. Trước hết là đầu cơ trên các thị trường tài chính và chứng khoán của Nhật và của cả thế giới. Kế đến, có lẽ nhất là sự đầu cơ đất đai ở Nhật. Mọi người đều đồng ý sự đầu cơ điên cuồng ấy dựa trên sự khan hiếm đất đai ở Nhật. Nhưng từ ít năm nay, sự tăng vọt giá cả không liên quan gì đến thực tế giá đất đai. Giá 1 mét vuông đất đai xây dựng ở khu Ginza, trái tim thương mại của Tokyo, vào đầu năm 1990 ít nhất là 28 triệu yên, tức hơn 1 triệu franc một ít! Nghĩa là một vuông đất kích thước chỉ bằng một tấm bưu thiếp nhỏ giá 430.000 yên, tức 15.480 franc. Cuối năm 1990, một mét vuông đất cũng ở khu ấy đã lên tới 38 triệu yên (1.36 triệu franc). Ở Tokyo và một vài thành phố khác, nạn đầu cơ đất đai tới mức mà giá cả đã tăng gấp đôi hoặc gấp ba trong vòng chưa đầy ba năm. Ở Osaka, chỉ trong năm 1989 giá đất tăng 56 %. Ở Kyoto tăng 80 %. Ở Tokyo, trong các khu để ở ít đắt nhất thì giá bán một mét vuông nhà trung bình cũng 1 triệu yên, tức 36.000 franc. Còn về các khu sang trọng thì giá lên tới tột đỉnh. Một căn hộ mua cách đây 5 năm với cái giá kếch sù 1 tỷ yên (35 triệu franc) được bán lại dễ dàng vào năm 1990 với cái giá 8 lần cao hơn.
Sự đầu cơ ấy có lợi cho ai? Không phải cho dân Nhật, bởi vì họ không còn có thể mua nhà ở được nữa. Tới mức mà nước Nhật, trước đây là vương quốc của sự kết dính xã hội, thì bây giờ dần dần bị xé thành hai giai cấp: những người chủ nhà đất (thường là do thừa kế) và những người không sở hữu nhà ở. Hiện tại, một nhân viên người Nhật muốn mua một căn nhà trong vòng bán kính 60 kilomet từ trung tâm Tokyo phải bỏ ra trung bình 8 năm tiền lương. Một căn nhà tiền chế khiêm tốn trong vùng ngoại ô trung bình của Tokyo giá 3 triệu franc. Với những gia đình không có khả năng, một số tổ chức tài chính đề nghị cho vay trả góp trong nhiều thế hệ, với thời hạn tối đa 100 năm!
Giá cả tăng vọt chỉ có lợi cho các công ty lớn sở hữu đất đai. Thủ thuật ở đây rất đơn giản: vốn đẻ ra vốn. Một công ty có miếng đất được đánh giá bằng số tiền X có thể vay vốn tương đương với giá trị X đó. Rồi với giá trị bất động sản của nó tăng lên, công ty càng làm cho cái vốn lớn hơn của mình sinh lãi, thì kết quả logic là nó càng tích lũy được tài sản nhiều hơn.
Như thế, nếu người Nhật làm công ăn lương và gia đình anh ta chẳng được lợi lộc gì thì ngược lại, toàn bộ giới tài chính lại thủ lợi từ sự đầu cơ đó. Cần nói thêm rằng, do tác động gián tiếp và dưới sức ép của các nhà đầu tư Nhật, sự đầu cơ bất động sản đè nặng lên tất cả các thủ đô lớn của thế giới công nghiệp hóa, nơi mà giá cả có xu hướng tăng theo phong trào. Hiện tượng này đặc biệt dễ thấy ở Hồng Kông, Đài Bắc và Seoul, nơi mà giá cả tăng lên khủng khiếp. Tại thị trường chứng khoán Tokyo, “quả bóng đầu cơ” – như người ta đã quen gọi ở thủ đô Nhật Bản – đã vỡ trong năm 1990. Mùa thu năm ấy, giá bất động sản có xu hướng ổn định dần, nếu không phải giảm chút ít trên thị trường Nhật. Các giới chức chính phủ thở phào nhẹ nhõm đón nhận sự lành mạnh hóa thị trường bất động sản đang diễn ra. Tuy vậy, nếu một ngày nào đó giá bất động sản lại tụt mạnh đột ngột thì thiệt hại gây ra sẽ vô chừng. Chính vì thế, dù có các biện pháp của chính phủ nhằm hãm bớt đà tăng giá, dường như người ta loại trừ một sự sụp đổ giá bất động sản. Những ngân hàng và công ty bảo hiểm khổng lồ của Nhật, những kẻ đầu tiên lãnh hậu quả nếu nó xảy ra, sẽ làm mọi cách để tránh một sự sụp đổ như vậy.