Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 01 - Phần 4

Châu Mỹ La tinh: Nhật Bản cẳm các con tốt

Nhật Bản vẫn chưa có thế lực mạnh lắm ở châu Mỹ La tinh. Song ở đó họ đã có vài địa bàn lớn, đủ sức cho phép họ mở rộng ảnh hưởng của mình vào sân sau của Hoa Kỳ. Do đầu óc chống Mỹ mạnh mẽ, những nước này đã mở rộng tay đón Nhật Bản. Mở đầu là Braxin với món nợ của Nhật Bản lên đến gần 15 tỷ đô la (75 tỷ franc). Nhật Bản quan tâm sát sao đến các mỏ vàng của Braxin. Đầu năm 1990, một vụ xì căng đan nho nhỏ có làm mờ nhạt chút đỉnh hình ảnh của Nhật Bản. Theo báo chí Braxin, các xí nghiệp Nhật Bản đã đề nghị cấn một phần nợ của Braxin để đổi lấy nhượng quyền khai thác các mỏ vàng của vùng Amazone. Nói ngắn gọn, khi tung ra một vài tỷ đô la, Nhật Bản lại đã muốn chiếm giữ một trong những nguồn tài nguyên chính yếu của nước này và qua đó chi phối một phần quyền lực tối cao của Braxin. Khi nội vụ đổ bể, Nhật Bản đã phải lên tiếng cải chính mạnh mẽ cả ở Tokyo lẫn Braxin. Song dự luận vẫn nghi vấn mãi về giá trị của những lời cải chính này.

Mêhico, một nước “lớn” khác của châu Mỹ La tinh, cũng đang thúc giục những thèm muốn của Nhật Bản. Thủ tướng Toshiki Kaifu đã đến thăm nước này vào tháng 9/1989, đáp lại tổng thống Mêhico Carlos Salinas de Gortari vốn không giấu sự ngưỡng mộ cá nhân của mình đối với nước Nhật, cũng đã đi thăm Nhật Bản vào tháng 6/1990. Ba người con của ông đang theo học tại một trường trung học ở Nhật Bản. Nhật Bản hiện là nước đầu tư đứng hàng thứ tư thế giới ở Mêhico và chính phủ Nhật đã tài trợ 500 triệu đô la (2,5 tỷ franc) cho một kế hoạch quy mô nhằm chống lại tình trạng ô nhiễm tại Mexico City.

Một địa bàn đứng chân nữa cho Nhật Bản tại châu Mỹ La tinh, mặc dù còn mong manh, là Pêru sau khi Alberto Fujimori một người gốc Nhật, được bầu làm tổng thống nước này vào tháng 6/1990. Báo chí Nhật đã làm đậm sự kiện này bằng cách nhấn mạnh rằng thắng lợi của Fujimori thể hiện những “phẩm chất của người Nhật” là lao động cật lực, trung thực và có kĩ thuật. Một tháng sau đó, Alberto Fujimori, đứa con của những di dân Nhật, đã được cả nước Nhật đón tiếp nồng nhiệt như một người anh hùng dân tộc khi về thăm Kawachi, quê hương cha mẹ ông. Sau chuyến đi thăm của đứa con đất nước, Kawachi đã đặt tên cho một trong những đường phố của mình là “Đại lộ Pêru”. Song, tại Pêru, rất nhiều người trong số 60.000 di dân gốc Nhật lại đang nhớ lại những cuộc bách hại mà họ là nạn nhân vào năm 1940, khi có tin đồn khắp nước là Nhật Bản đang xâm lăng Pêru. Mặt khác, Pêru đang phải đối đầu với tình trạng phá sản mà Nhật Bản thì lại không hề để tâm đến việc xóa nợ cho Pêru bởi sợ Pêru lại “chạy theo” kẻ khác. Cuối cùng Nhật Bản cũng quan tâm đến Chili, nơi họ đã công bố những khoản đầu tư mới trị giá 300 triệu đô la (1,5 tỷ franc) năm 1990.

Giữa sự thanh thản bị quấy nhiễu và sự lo sợ viễn vông

Trừ phi có một cuộc bùng nổ lớn trên thế giới hoặc một đám cháy lớn thiêu rụi hết thị trường dầu hỏa, còn thì không nên chờ đợt sức tiêu thụ hàng Nhật ở nước ngoài cạn kiệt trong những năm sắp tới do hậu quả của cuộc khủng hoảng vùng vịnh, hoặc do sự ổn định đang diễn ra trên thị trường tài chánh của Nhật Bản. Bằng chứng cho sức sống bền bỉ của nền kinh tế Nhật là đầu tư trực tiếp của Nhật Bản ra nước ngoài, theo ước tính, sẽ tăng lên 25 % vào năm 1990 so với năm 1989[55]. Vấn đề đặt ra là: liệu có cần thiết chống lại làn sóng đầu tư này không? Và liệu có cần thiết tự bảo vệ không? Cho dù vấn đề có nghiêm trọng thì cũng không có lý do gì để phải sợ hãi, càng không thể để trở nên hoảng loạn. Sự sợ hãi ở con người, thường là hậu quả của sự ngu dốt. Nó là nguồn gốc cho hận thù và phân biệt chủng tộc. “Nỗi sợ hãi người da vàng” không còn là một ý tưởng mới mẻ gì. Nó đang còn yên ngủ đâu đó trong tâm thức mọi người. Trước đây, người Hoa đã gợi lên những lo âu mơ hồ.

[55] Tạp chí International Herald Tribune, 15/10/1990.

Phải chăng là cần thay thế Trung Quốc bằng cái bóng ma của hiểm họa Nhật Bản chăng? Sự hiểu biết đầy đủ về đầu tư của Nhật Bản sẽ cho phép người ta kiềm chế tốt hơn những phản xạ tự nhiên. Có người cho rằng đầu tư ở nước ngoài của Nhật Bản có một khía cạnh tích cực: Theo các ước tính của viện nghiên cứu đời sống Sumitomo[56] nếu ở mức ổn định, nguồn đầu tư này tất cho phép giảm bớt thặng dư mậu dịch của Nhật Bản hiện vào khoảng 58 tỷ đô la từ nay cho đến năm 1993. Nếu khoản đầu tư này tăng 10 % mỗi năm thì mức sụt giảm trong thặng dư mậu dịch sẽ vào khoảng 76 tỷ đô la. Mặt khác, cũng có người cho rằng không nên vì quy mô làn sóng tư bản của Nhật ở nước ngoài hiện nay mà ta quên rằng đầu tư ở nước ngoài vẫn còn là một hiện tượng tương đối mới mẻ ở Nhật Bản. Mặc dù khoản đầu tư này có khá nhiều khía cạnh đe dọa, song nó vẫn chưa vượt qua mức có thể chịu đựng được. Trong nhiều nước công nghiệp hóa hàng đầu, tổng số đầu tư của Nhật Bản còn chưa bằng tổng số đầu tư của Mỹ hoặc Anh. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cần xem xét tình hình khong phải như một hình ảnh bất động ở một thời điểm nhất định mà là như một sự diễn tiến theo thời gian.

[56] Báo cáo công bố ngày 19/10/1990.

Rõ ràng là con đường Nhật Bản đi theo có nguy cơ dẫn đến những khó khăn nghiêm trọng bởi vì mọi việc diễn ra quá nhanh. Chính vì thế như ở Anh, vào cuối năm 1987 Nhật Bản chỉ chiếm 3 % tổng mức đầu tư. Từ lúc đó, hoàn cảnh đã thay đổi nhiều. Mặc dù Nhật Bản vẫn là nước đứng hàng thứ ba về đầu tư vào nước Anh sau Mỹ và Đức, song các con số lại cho thấy trong khoảng thời gian từ 1986-1988, số lượng các xí nghiệp Nhật Bản được thành lập trên đất Anh chiếm khoảng 10 % trên tổng số. Đó không phải là quá mức nhưng quả cũng là nhiều. Mặt khác, ngay như nếu số lượng các xí nghiệp nước ngoài xây dựng tại Anh chỉ chiếm dưới 2 % tổng số các xí nghiệp của Anh thì sản lượng của những xí nghiệp nước ngoài này lại tăng lên đến 18,8 % tổng sản lượng và sử dụng đến 14 % lực lượng ăn lương đông đảo của Anh[57]. Trong những tỷ lệ này, phần của Nhật Bản còn thấp.

[57] Gorota Kume, Japanese Manufacturing Investment in the European Community, Eximbank, tháng 4/1990

Ở Pháp, đầu tư của Nhật Bản còn ở dưới 10 % so với tổng mức đầu tư nước ngoài. Song tính trên toàn châu Âu, số lượng các xí nghiệp Nhật Bản đã tăng lên đến 28,7 % chỉ trong một năm với 529 xí nghiệp vào tháng 1/1990 so với 411 xí nghiệp vào một năm trước đó[58]. Nhật Bản đã mở 73 văn phòng khảo sát và dịch vụ về nghiên cứu phát triển. Trước mắt, sản lượng của Nhật Bản ở nước ngoài không vượt quá 5 % tổng sản lượng của các xí nghiệp Nhật Bản so với 21 % của Mỹ và 17 % của Đức[59].

[58] Số liệu của trung tâm ngoại thương Nhật Bản (JETRO).

[59] Charles Smith và Louise de Rosario, “Empire of the Sun”, tạp chí kinh tế Viễn Đông 3/5/1990.

Một số chuyên gia Nhật cho rằng khi sản lượng này đạt mức 20 % thì các xí nghiệp lớn của Nhật Bản sẽ buộc phải “xóa bỏ quốc tịch” cũng giống như trường hợp các tập đoàn công nghiệp hàng đầu của Mỹ. Họ không có chọn lựa nào khác. Một số khác tỏ ra ngờ vực và không hình dung nổi liệu giới lãnh đạo các xí nghiệp hàng đầu của Nhật Bản có chịu thực sự chuyển giao vai trò quản lý chiến lược các đơn vị “phi địa phương hóa” này cho các giám đốc không phải là người Nhật không? Việc các đơn vị “phi địa phương hóa” này có hội nhập thực sự vào những lợi ích địa phương như một công ty đa quốc gia thực thụ hay không thì đó là một vấn đề đang còn đánh cuộc. Đúng là các xí nghiệp Nhật Bản đang duy trì một sự độc lập ngày càng lớn và vẫn nhận được những chỉ dẫn từ ban lãnh đạo của mình ở Nhật Bản những muốn khuyến khích chúng cư xử như những “công dân tốt” tại đất khách quê người nhằm hội nhập thành công và êm thấm trong môi trường địa phương. Việc điều hành các xí nghiệp này còn có một giới hạn không thể vượt qua. Trong mọi trường hợp, trung tâm quyết định đối với tương lai của xí nghiệp vẫn là Tokyo.

Thử đơn cử trường hợp hãng Sony. Tập đoàn công nghiệp hùng hậu này có lẽ là kẻ tiên phong sáng chói của Nhật Bản trong việc “phi địa phương hóa.” Sony cho việc bổ nhiệm các giám đốc xí nghiệp địa phương không phải người Nhật là một vinh dự. Thường những người này lại được trợ giúp bởi các phó giám đốc người Nhật, vốn vẫn giữ quan hệ thường xuyên với trung tâm ở Nhật Bản. Trong các xí nghiệp “phi địa phương hóa” khác của Nhật Bản, các giám đốc nước ngoài chỉ là những người thừa hành và thậm chí không có quyền tham gia các cuộc họp của các giám đốc Nhật Bản. Và nếu như trong xí nghiệp, người Nhật có rêu rao gì về sự bình đẳng đi nữa thì rõ ràng là người Nhật với nhau vẫn “bình đẳng hơn người khác”.

Mối quan hệ của các xí nghiệp “phi địa phương hóa” này với trung tâm đầu não ở Nhật Bản khá chặt chẽ. Bằng chứng như trong chuyến thăm của một nhà báo nước ngoài tại một xí nghiệp sản xuất caméra của hãng Sony ở Alsace (Pháp) cũng đã tạo ra cả một diễn biến dây chuyền phức tạp đến mức cần phải có đại bản doanh ở Tokyo bật đèn xanh. Ban giám đốc xí nghiệp mặc dù đã tỏ ra rất lịch sự và nhiệt tình, vẫn phải điện xin phép ban lãnh đạo của Sony-France. Trung tâm này lập tức một mặt thu thập thông tin về cá nhân nhà báo, mặt khác điện về xin phép trung tâm đầu não ở Tokyo.

Hợp nhất và sở hữu: cơn băng hoại Nhật Bản

Một thủ đoạn khác của Nhật Bản trong sử dụng đầu tư đang khiến các nhà công nghiệp phương Tây không ngừng lo sợ: các tập đoàn Nhật Bản có khuynh hướng mua cổ phần trong các xí nghiệp và công ty của nước sở tại. Phương thức này là nhân tố chủ yếu cho chiến lược mà Nhật Bản đang đeo đuổi nhằm tiến đến “quốc tế hóa” và “thế giới hóa”. Người Nhật đã âm thầm bắt đầu công việc này cách đây không lâu. Các động tác quan trọng đầu tiên đã được thực hiện vào đầu những năm 80. Sau đó, do sự cạnh tranh gay gắt ở ngay tại nước Nhật, nhịp độ này đột ngột gia tăng vào cuối thập niên 80. Giờ đây, việc săn lùng các lĩnh vực kinh doanh béo bở đã trở thành một làn sóng đổ xô đi tìm kiếm các cơ hội làm ăn. Sự lộn xộn diễn ra như chưa từng thấy. Mỗi người ở Nhật Bản đều muốn chia phần cái bánh nếu như cái bánh vẫn còn. Ai đến trước thì sẽ được nhận. Và thế là hàng trăm công ty nước ngoài, đôi khi cả những công ty nổi tiếng đã dần dần trở thành tài sản của người Nhật. Sự hợp nhất và chiếm hữu bao gồm mọi lĩnh vực của hoạt động kinh tế: công nghiệp, ngân hàng, tín dụng, dịch vụ.

Có nhiều cách hợp nhất và chiếm hữu. Cách đầu tiên là góp vốn vào một xí nghiệp. Ở đây mức góp vốn có thể là thiểu số (dưới 50 %) hoặc đa số (hơn một nửa cố phần). Trong trường hợp thứ nhất, người mua không thể có vai trò quyết định trong xí nghiệp trừ phi người này liên kết với những cổ đông khác và chiếm đa số vốn. Để tránh gây ra tâm lý lo sợ và những phản ứng tẩy chay, thì trong bước đầu, các nhà đầu tư Nhật Bản thường bằng lòng ở mức thiểu số. Trong trường hợp thứ hai, người mua hơn một nửa các cổ phần đương nhiên sẽ là người chủ mới của xí nghiệp. Các quan điểm của ông ta sẽ chi phối tại hội đồng quản trị xí nghiệp. Mặt khác, việc ra giá cũng có thể tạo một phản ứng thân thiện hay ác cảm. Trong trường hợp đầu, người mua thảo luận với người chủ xí nghiệp về giá cả, các điều kiện mua bán và về tương lai của xí nghiệp. Còn trong trường hợp thứ hai là người mua nhảy xổ vào giành giật bằng cách nâng giá để loại bỏ sự cạnh tranh. Trong thời gian đầu, người Nhật thường ít dám mạo hiểm với cách ra giá dễ gây ác cảm.

Vấn đề cần làm là lập một bản đồ chi tiết về mức góp vốn của các nhà đầu tư Nhật Bản trong nền kinh tế thế giới. Nó cho phép xác định chính xác con bạch tuộc Nhật Bản đã vươn những cái vòi của nó đến đâu. Song như ngay công việc này cũng khá phức tạp vì tình hình diễn biến nhanh chóng khi người Nhật đầu tư ồ ạt vào khắp nơi, nhất là lại có cả những trường hợp sở hữu bí mật không ai biết. Một trong những sở hữu đầu tiên của Nhật Bản ở Mỹ là vào năm 1984. Tập đoàn công nghiệp thép NKK của Nhật Bản (một trong số 5 tập đoàn hàng đầu thế giới) đã mua lại 50 % tập đoàn luyện kim National Steel Corps của Mỹ do đang bị tổn thất nặng nề vào thời điểm ấy. Vụ chuyển nhượng trị giá 292 triệu đô la (1,460 tỷ franc). Người ta cho rằng người Nhật đã mua quá đắt. Nhưng từ ngày đó, National Steel Corps đạt được những món lợi nhuận kỷ lục nhờ việc giao thép cho các xí nghiệp xe hơi của Nhật Bản ở Mỹ. Cuộc làm ăn của NKK đã mở đường cho vài tập đoàn khác noi theo.

Xem ra người Nhật không biết giữ kín đáo. Nhiều vụ mua bán sở hữu khác đã gây phản ứng sâu rộng hoặc tai tiếng rùm beng. Người ta không quên vụ Sony mua lại hãng phim Columbia, không đầy hai năm sau vụ mua lại hãng đĩa CBS/Records của Mỹ, Akio Morita, ông chủ đầy hấp dẫn có mái tóc bạc trắng của hãng Sony đã cả gan chiếm lĩnh một phần Hollywood, vốn biểu tượng cho giấc mơ Mỹ. Vụ mua bán này đã gây ra một làn sóng phẫn nộ trong dư luận ở Mỹ.

Người Nhật không hề hài lòng về điều ấy bởi vì ngày 30/12/1990, trong khi “các con rùa Ninja” tràn ngập trên màn ảnh, các phòng chiếu phim ở Mỹ và châu Âu, thì hãng điện tử khổng lồ Matsushita đã bình thản mua lại hãng MCA, một tập đoàn sản xuất khác của Hollywood với cái giá kênh kiệu: 6,6 tỷ đô la. Vào thời điểm ấy, đó là một sở hữu lớn nhất mà trước đó chưa hề một hãng Nhật nào ở Mỹ thực hiện được. Cùng lúc, Matsushita cũng nắm độc quyền kinh doanh công viên quốc gia Yosemite thuộc California, chi nhánh của MCA và là một trong số những công viên nổi tiếng nhất của Mỹ. Cuộc tranh cãi lại bùng lên vào ngày 1/1/1991 khi Bộ trưởng Nội vụ Mỹ Manuel Lujan tuyên bố ông ta “có cảm giác là người Nhật đã mua cả nước Mỹ.” Đố ai biết nổi cuộc đổ bộ ồ ạt vào Hollywood của Nhật dừng lại ở đâu?

Cho đến nay chưa có những thống kê chính thức và đầy đủ về những sở hữu của Nhật Bản ở nước ngoài. Những gì đã được công bố chỉ cho thấy một hình ảnh không đầy đủ về thực tế. Theo phân tích của một hãng môi giới của Nhật Bản là công ty buôn bán chứng khoán Yamachi thì số lượng các xí nghiệp được mua lại đã tăng gấp 5 lần trong bốn năm, từ 44 cơ sở năm 1984 tăng lên 284 cơ sở năm 1987. Năm 1988, con số này đã lên đến 299. Theo nhật báo kinh tế Nikou Keizai Shimbun, những con số này còn thua xa với thực tế: Các hãng Nhật đã mua lại 315 xí nghiệp nước ngoài chỉ nội trong năm 1988 với số tiền lên đến 1.938 tỷ yên (68, 4 tỷ franc) so với con số 288 mua lại năm 1987 với một số tiền chưa đến một nửa[60].

[60] “Japanese carporate activity in international mergers and acquisitions is entering a thied phase”, Nihon Keizai Shimbun, 25 tháng 3 năm 1989.

Theo công ty buôn bán chứng khoán Yamachi việc tìm cách hợp nhất và sở hữu các xí nghiệp nước ngoài M&A (Mergers and Acquisitions) vẫn tiếp tục phát triển mạnh trong năm 1989 và 1990. Năm 1989, Nhật Bản đã mua lại 405 xí nghiệp nước ngoài. Cùng thời gian, các nước ngoài chỉ mua lại của Nhật Bản 15 xí nghiệp. Trong quý I/1990, Nhật Bản cũng đã mua lại 226 xí nghiệp nước ngoài trong khi các nước ngoài chỉ mua lại của Nhật Bản có 8 xí nghiệp. Hơn nữa, tỷ lệ góp vốn của phía các hãng Nhật theo cách đa số cũng tăng mạnh. Trong quý I/1990, tỷ lệ này là 51 % so với 42 % của cả năm 1989.

Đầu tiên là nước Mỹ

Nước Mỹ là mục tiêu đầu tiên của người Nhật: 33 xí nghiệp của Mỹ đã thuộc sở hữu của các hãng Nhật trong năm 1984, 55 vào năm 1985, 126 vào năm 1986, 120 vào năm 1987, 132 vào năm 1988, 174 vào năm 1989 và 179 vào năm 1990. Năm 1990, lần đầu tiên vượt qua mặt Anh, Nhật Bản đã giành vị trí dẫn đầu thế giới trong việc mua lại các xí nghiệp của Mỹ. Tại châu Âu, Nhật Bản mua lại 12 xí nghiệp vào năm 1985 và 32 vào năm 1986. Năm 1988, các vụ mua bán xí nghiệp giữa Nhật Bản và châu Âu đã đạt đến con số kỷ lục là 5,8 tỷ đô la (29 tỷ franc). Năm 1989, con số này là 7 tỷ đô la (35 tỷ franc). Trong số 128 vụ mua bán thì 119 vụ là Nhật mua lại của châu Âu và chỉ có 9 vụ là châu Âu mua lại của Nhật[61]. Tại châu Âu, nước Anh là mục tiêu ưu tiên của các hãng Nhật với 47 vụ mua bán được tiến hành trong năm 1989, kế đến là Pháp (20), Đức (18), Tây Ban Nha (12) và Ý (5). Các mục tiêu chủ yếu là các cơ sở tài chính (18 vụ mua bán năm 1989), các khu vực giải trí và các ngành công nghiệp tiêu dùng (17), xe hơi (13) và điện tử (11).

[61] Thông kế của M&A Nhật Bản, phát hành tại Luân Đôn, tháng 3/1990.

Kế đến là Pháp

Tại Pháp cũng đã diễn ra một vài vụ mua bán rùng beng. Vào tháng 11/1989, công ty bảo hiểm Nhật Bản (Nippon Life Insurance Co.), một công ty hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm đã sở hữu 1/3 (32,71 %) trung tâm thương mại nổi tiếng nhất của Paris nằm ở quận Một là Forum des Halles. Bên chuyển nhượng là Crédit Lyonnais đã bỏ túi 500 triệu franc khi bán 18.000 m2 trong số 55.000 m2 mặt bằng, nghĩa là với 28.000 franc/m2. Nippon Life sẽ nhận được 1/3 tiền cho thuê (nghĩa là hơn 40 triệu franc trên tỷ số 123 triệu vào năm 1988). Trung tâm thương mại này, mở cửa năm 1979, có 200 gian hàng, cửa hàng cùng nhà hàng và phòng chiếu phim. Forum des Halles là một trong những trung tâm thương mại sinh lợi lớn nhất của Pháp với doanh số bình quân 43.000 franc/m2 sử dụng vào năm 1988 so với doanh số bình quân cả nước và 25.000 franc.

Theo một nguồn tin nhấn mạnh, ngay khi vụ mua bán kết thúc, tổng thống Francois Mitterrand đã bí mật có mặt tại chỗ để tự kiểm chứng chính xác cái gì đã rơi vào tay người Nhật. Song vụ mua bán này chỉ là một giọt nước trong cái đại dương các vụ chuyển nhượng hối hả. Các hãng Nhật đã xâm nhập vô số các lĩnh vực khác nhau của đời sống kinh tế Pháp. Các hãng này chiếm phần mỗi nơi một ít ở khắp các xí nghiệp của Pháp, trong khi hiếm thấy điều ngược lại. Bởi vậy, Nippon Life Insurance Co. đã có 3 % cổ phần trong công ty xây dựng khổng lồ của Pháp là Bouygues và 5 % trong câu lạc bộ Địa Trung Hải. Những ví dụ tương tự có thể kể đến vô tận bởi vì nguồn đầu tư của Nhật Bản đã luồn sâu vào bên trong của nền công nghiệp Pháp.

Đức và Nhật Bản: cuộc trả thù của những kẻ bại trận

Người Đức không sợ người Nhật. Nước Đức thống nhất và nước Nhật đều có điểm chung là hai nước bại trận của năm 1945 và đều là hai nước thắng trận của những năm 80. Và có lẽ ít có nước nào trên thế giới như nước Đức lại không hề bận tâm quá đáng đến sự thâm thủng mậu dịch của mình với Nhật Bản. Trao đổi mậu dịch Đức-Nhật đã đạt mức 23,9 tỷ đô la (119,5 tỷ franc) vào năm 1989. CHLB Đức là bạn hàng chủ yếu của Nhật Bản ở châu Âu và Nhật Bản là đầu cầu đầu tiên của Đức ở châu Á. Vì vậy, mức thâm thủng mậu dịch của Đức từ nhiều năm qua giữ ở mức 15 tỷ mark (49,5 tỷ franc). Con số này chỉ là một món nợ nhỏ nhoi đối với một đất nước mà vào năm 1989 đã thực hiện được mức thặng dư mậu dịch lên đến 150 tỷ mark (495 tỷ franc).

Mặc dù nền công nghiệp của mình trong nhiều lĩnh vực thuộc vào hàng hiện đại nhất trên thị trường thế giới, nước Đức vẫn bị Nhật Bản nhòm ngó. Các nhà đầu tư không hề do dự tấn công vào những hãng nổi tiếng nhất. Đôi khi họ thành công. Chẳng hạn như vào mùa hè 1990, tập đoàn điện tử TDK loan báo đã ký một thỏa thuận với hãng Robert Bosch. Cũng vào tháng ba năm này, hãng Mitsubishi đã đạt được thỏa thuận sơ bộ với hãng Daimler Ben về toàn bộ các hoạt động của họ trừ việc sản xuất vũ khí. Nếu những thương lượng này thành công, giới sản xuất xe hơi châu Âu sẽ không khỏi bị đe dọa. Song cũng đôi khi, người Nhật lại chẳng được xơ múi gì như trong việc tìm cách mua lại hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas mà cuối cùng một nhà kinh doanh người Pháp là Bernard Tapie đã mua được: Người Nhật đã trả gấp đôi giá mà ông ta đã đưa ra, song những người thừa kế của tập đoàn này đã lịch sự từ chối mọi đề nghị của người Nhật và thích bán cho một nhà công nghiệp ít giàu hơn nhưng là người châu Âu và có quyết tâm giữ gìn cái bản sắc của hãng. Đừng tưởng là người Nhật vắng mặt trong cuộc chơi này bởi vì nhiều ngân hàng Nhật đã dự phần vào cuộc đấu giá của Bernard Tapie. Không có những ngân hàng này, có lẽ ông ta sẽ không đủ tiền để tiến hành vụ mua bán đó một cách trót lọt.

Để đo lường lợi ích của người Nhật ở Đức, cần biết rằng cộng đồng người Nhật quan trọng nhất ở lục địa châu Âu nằm ở Dusseldorf, thủ đô của Rhénanie-Westphalie và là thủ phủ công nghiệp. 6.300 người Nhật đang có mặt ở đây. Họ làm việc trong 325 xí nghiệp Nhật Bản, tạo thành một cộng đồng đô thị của thành phố này. Dusseldorf còn có một trường học của Nhật Bản tiếp nhận gần một ngàn học sinh Nhật từ 6-15 tuổi.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3