Nước Nhật mua cả thế giới - Phần II - Chương 01 - Phần 6
Sân golf, vườn nho và đua ngựa
Người Nhật “chỉ” xây dựng ở trên nước mình mỗi năm 60-70 sân golf mà thôi! Đúng là đã quá thừa thãi khi cộng thêm với biết bao tác hại về môi sinh do chúng gây ra. Thêm vào đó là tình trạng khan hiếm đất trống, sự dòm chừng của những người đấu tranh cho môi sinh, giá thành sân cỏ ở Nhật Bản và nhất là tiền bảo dưỡng. Tất cả những yếu tố này đã thúc đẩy các nhà đầu tư Nhật tìm cách mua lại các sân cỏ ở nước ngoài. Và họ đã mua hàng chục sân golf khắp thế giới cho dù đó là ở Pháp, Mỹ hay ở Úc. Tại Pháp, những dân chơi golf sẽ nói với bạn: Người Nhật rất “chịu chơi”. Một sân golf cần bán ư? Dễ thôi, chỉ cần nó cách một phi trường nào đó khoảng hai giờ để thuận lợi cho các nhà kinh doanh Nhật vốn bận bịu. Tốt hơn nữa là nó kèm theo một tòa lâu đài để thu hút giới thượng lưu, nó chắc chắn sẽ rơi vào tay người Nhật ngay thôi. Người Nhật cũng đã xây dựng hàng chục sân golf mới.
Tại Pháp, đầu năm 1991, người Nhật đã mua 18 sân golf và xây mới 5 sân khác. Tính chung, người Nhật còn hiện diện khiêm tốn với 23 sân so với tổng số 360 sân và 180.000 người chơi golf ở Pháp. Song vấn đề là thời gian: mọi chuyện sẽ diễn ra nhanh chóng chỉ trong vài năm và chỉ cần có thêm nhiều triệu franc. Ở đâu cũng thế, cạnh tranh chỉ khiến giá cả tăng vọt. Vấn đề là ai sẽ thắng ai. Chỉ riêng ở Pháp, tập đoàn Urban đã mua đứt 10 sân golf. Tập đoàn Taiyo International lại cũng đã bám sát với 4 sân golf (Clément-Ader ở Ile-de-France, Ile-d’Or gần Nantes, Fontenailles ở Ile-de-France và Ferté-Saint-Aubin ở Loiret). Taiyo dự tính trong vài năm mua 10 sân golf của Pháp. Nhiều tập đoàn khác như Chisan chẳng hạn còn có ý đồ lớn hơn nữa.
Một hình ảnh còn đọng lại mãi: ngày 7/10/1990, bà Masako Ohya 70 tuổi, cao 1,50 mét, ăn mặc toàn màu hồng, một phụ nữ giàu có nổi tiếng, là người bảo trợ nghệ thuật, đã khánh thành một sân golf tuyệt vời do bà mới mua trong lâu đài Humières có từ thế kỷ XVII ở phía Bắc thủ đô Paris, gần Compiègne. Bà Ohya chỉ có hai đam mê trong đời: chơi golf và sưu tầm hình ảnh của chính mình qua ảnh chụp và vidéo.
Để có thể hình dung “hiện tượng Nhật Bản” trên các sân golf Pháp, tôi đã đến phỏng vấn bà Elisabeth Lesieur, trợ lý chủ tịch liên đoàn chơi golf Pháp. Bà cho biết:
“Khi người Nhật mua lại sân golf đầu tiên, chúng tôi không sao hiểu nổi. Đó là một tài sản đã khánh kiệt. Chính tập đoàn Chisan đã mua lại sân golf Rochefort-en-Yvelines có 18 lỗ. Lúc đó là năm 1980. Mặt nền của nó lõm như một cái ao. Sau đó, năm 1987 tập đoàn HIO mua lại sân golf Seraincourt (Ide-de-France). Tôi còn nhớ rất rõ, bởi đã có tiếng la ó phản đối: ‘Bà không nhìn thấy sao? Mọi người đang điên tiết lên ngoài kia kìa! Họ không có quyền! Họ không có quyền!’ Thực tế là sân golf được đem ra bán và người Nhật đã đưa ra một đề nghị tốt nhất. Giữa đề nghị của người Nhật và của người Pháp, những người chủ sở hữu đã chọn lấy cái có lợi nhất cho mình. Và thế là sân golf Seraincourt đã rơi vào tay người Nhật.”
Bà nói thêm:
“Trong việc khai thác sân golf, không phải người Nhật bao giờ cũng giống người Pháp. Trong cả hai đều có chung ‘một ý thức giá trị’. Lấy ví dụ điển hình như sân Seraincourt. Người Nhật thông báo quyền vào sân kể từ tháng 1 năm 1988 là 200.000 franc mỗi đầu người. Còn một cặp là 240.000 franc. Tất nhiên, là chẳng có ma nào dám bước vào. Thể rồi họ hạ giá xuống và hiện nay theo chỗ tôi biết giá chỉ còn là 50.000 franc, một số tiền phù hợp với túi tiền của dân Paris. Sau này, mọi chuyện diễn biến còn nhanh hơn nữa. Về sân golf nổi tiếng Bordes, chẳng còn ai nói đến nam tước Bich mà chỉ nói đến người hùn hạp 50 % vốn với ông ta là Sakurai. Tiếp theo, người ta lại mở cửa sân golf Vaugouard, gần Montargis. Sân golf này lúc đầu là của người Pháp rồi sau đó bán lại một nửa cho một tập đoàn Nhật. Thế là người ta nói: ‘Ồ! Người Nhật lại bắt đầu vơ vét tất cả’. Trong năm qua Urban đã mua được nhiều sân golf khác như sân Belesbat (Essonne), Valois (phía Bắc), Chaumont-en-Vexin (phía Bắc), Plessis (Ile-de-France). Kết toán lại là 6 sân golf thuộc về chỉ một tập đoàn trong 3 năm.”
Élisabeth Lesieur tiếp:
“Việc người Nhật mua lại các sân golf làm cho thị trường biến động một cách giả tạo. Họ quá giàu nên sẵn sàng mua lại mọi sân golf với cái giá trời ơi đất hỡi nào cũng được. Điều đó không chút gì lành mạnh như trường hợp sân golf Vaucouleurs gần Nantes. Sân này mở cửa vào năm 1987. Năm 1985, hai người bạn, một là chủ đất, một là chủ tiệm thịt rủ nhau: ‘Mình sẽ xây dựng một sân golf.’ Và thế là họ xây dựng một sân golf. Nó đem lại cho họ nguồn thu nhập tối đa là 7 triệu franc. Đó là sân golf tư nhân đầu tiên mở cửa ở vùng Paris từ khá lâu. Việc làm ăn thành đạt. Họ xây thêm một sân golf 18 lỗ nữa. Đến cuối tháng 6, họ bán sân golf cho hãng đầu tư Mido với giá 90 triệu franc! Thật ra họ không đặt giá cao đến thế, song người mua đưa ra một giá quá hời như vậy thì họ ‘đành đồng ý’ thôi. Nếu như tôi tặng bạn một chiếc xe hơi Ferrari và tôi nói với bạn ‘Chìa khóa ở tất cả trong xe’ thì bạn biết làm sao bây giờ? Quả là không thể từ chối.”
“Của trời cho” của Nhật Bản cũng rơi xuống các nơi khác tương tự như thế. Sanyo loan báo ý định xây dựng, với chi phí 50 triệu bảng Anh, một sân golf và tổ hợp khách sạn hạng sang trên nền sở hữu cũ của Charles Rolls, một đồng sáng lập của hãng Rolls Royce, ở Montmouth, về phía Nam xứ Galles. Sanyo đã mua đất trên đó có một trang viên của thế kỷ XIX. Taiyo cũng vừa mua một mảnh đất tại Moatlands thuộc Kent.
Về việc bán ngựa đua và ngựa thuần chủng, người Nhật đã mò vào tận các chuồng ngựa của các tiểu vương vùng Vịnh. Ngày 25 và 26 tháng 7 năm 1990, tại Lexington (Kentucky) ở Mỹ, người Nhật đã giành kỷ lục về đấu giá ngựa đua. Nhà kinh doanh Tomonori Tsurumaki đã mua hai chú ngựa nòi một năm tuổi với một món tiền nhỏ 4,9 triệu đôla (24,5 triệu franc). Còn Tadahiro Hothehama cũng đã trả 750.000 đôla (3,75 triệu franc) để mua một chú ngựa nòi khác. Ngày 19/8/1990 tại Deauville, ngày đấu giá ngựa nòi đầu tiên trong năm, Kihachiro Watanabe Chủ tịch hãng vận chuyển Toko ở Tokyo (Toko Transporting Co. Ltd), một xí nghiệp vận chuyển hàng đầu của Nhật Bản đã ném ra số tiền kỷ lục 6,5 triệu đôla. Kihachiro đã có cả một chuồng ngựa 70 con. Song đây là cuộc đầu tư đầu tiên của ông ở Châu Âu. Nhiều nhà kinh doanh Nhật khác cũng tỏ ra không kém hào phóng trong đó có Masahiko Sawada, tổng giám đốc Urban, chủ một hành lang nghệ thuật ở đại lộ Montaigne và một chuồng ngựa của Hermitage ở Normandie. Tháng 8/1990, M.Sawada đã mua không dưới tám chú ngựa nòi. Còn Enshaku Zen, một nhà kinh doanh Nhật gốc Triều Tiên cũng đã lập kỷ lục đấu giá năm 1985 và 1987 ở Deauville. Năm 1990, ông ta vẫn là một khách hàng tuyệt vời trong một cuộc đấu giá lên đến 2,2 triệu franc. Nhiều người Nhật chia nhau những cái giá khiêm tốn hơn từ 250.000 đến 900.000 franc.
Làm thế nào mà các nhà đầu tư này có thể ném ra một số tiền khổng lồ như vậy chỉ để mua những con ngựa đua? Philippe Ogier, Tổng giám đốc Cơ quan tổ chức bán các loài ngựa thuần chủng của Pháp cho biết: “Ở chỗ họ các hãng thu được lợi nhuận lớn và họ muốn tái đầu tư ngay số tiền này để được giảm thuế. Còn ở Pháp thì ngược lại. Ở đây họ có thể đưa những của báu này tham gia các vòng đua ngựa và các con ngựa của họ được mang nhãn hiệu thương mại hoặc nhãn hiệu sản xuất của họ. Cách làm này cũng giống như tự quảng cáo cho họ vậy.”[69]
[69] Le Monde, 14/8/1990.
Một số vườn nho nổi tiếng của Pháp cũng đã rơi vào tay người Nhật. Có thể kể đến đầu tiên là vùng trồng nho nổi tiếng château-lagrange do hãng Suntory một hãng rượu hàng đầu của Nhật Bản khai thác từ năm 1983. Trước đó, lâu đài này đã rơi vào tình trạng khốn đốn. Còn giờ đây nó chả phải lo gì về tài chánh. Sự hiện diện của người Nhật ở Bordelais từ 1987 – 1989 đã gây nhiều lo ngại. Chỉ trong không đầy vài tháng, Touko House (một tập đoàn kinh doanh bất động sản) đã mua vùng château-citran (Médoc). Otani (tập đoàn công cụ nông nghiệp) đã mua vùng château-lagarosse. Snakaru (một tập đoàn chế biến nông phẩm) cũng đã mua vùng château-reysson (thuộc Haut-Médoc). Sau đó, các vụ mua bán của người Nhật có phần giảm bớt. Năm 1989, Suntory lại mua thêm hãng sản xuất rượu cognac Louis Royer. Một vài vụ mua bán khác cũng đã được thỏa thuận với người Nhật ở vùng Provence[70]. Gần đây, Sainteneige một hãng tại Saint-Émilion đã sản xuất một loại rượu nhẹ vùng Gers pha trộn với một loại men đặc biệt của Nhật để tạo ra một hương vị phù hợp với người Nhật. Loại rượu này có tên gọi “Fusion France” đã tiêu thụ trong hai năm qua ở Nhật Bản được 700.000 lít.
[70] La Tribune de I’expansion, 10/1/1990.
Nghệ thuật: Di sản của phương Tây đang chạy về nước Nhật
“Một người Nhật nghiêm chỉnh có tiền mặt, đang cần mua tranh ấn tượng Pháp và các tác phẩm hội họa nổi tiếng khác. Cần gấp. Xin gửi chi tiết, hình ảnh và giá cả đến: Jamais, Inc. 127 E.59 St, NY NY 10022 USA, Fax số: 212-360-1747.”
Cái mẩu quảng cáo này trên tờ International Herald Tribune ngày 22- 23/9/1990 hẳn sẽ chỉ là chuyện tầm phào nếu như nó không cho thấy các vụ mua bán tác phẩm nghệ thuật của phương Tây đang diễn ra sôi nổi trong các tay chơi giàu sụ Nhật. Năm 1989, nước Nhật đã nhập khẩu nhiều bức danh họa và tác phẩm nghệ thuật khác giá trị 300,8 tỷ yên (10,8 tỷ franc). Sự bùng nổ trong lĩnh vực này diễn ra thật ồn ào: số lượng nhập khẩu của Nhật Bản từ 116 tỷ yên (4,576 tỷ franc) năm 1987 đã tăng lên 180 tỷ yên (6.48 tỷ franc) năm 1988 rồi lên 280 tỷ yên (10,08 tỷ franc) năm 1989. Đáng chú ý là một phần ba các loại nhập khẩu này thuộc loại đầu tư để được giảm thuế.
Mọi chuyện đã thật sự bắt đầu từ giữa những năm 80 tại Luân Đôn khi một công ty bảo hiểm Nhật Bản Yasuda Fire and Marine Insurance Co., mua lại bức danh họa “Hoa hướng dương” của Van Gogh với giá 5,8 tỷ yên (208 triệu franc). Kể từ đó, các nhà đầu tư Nhật tỏ ra máu mê với những nhà đấu giá lớn thế giới. Ai mua? Cũng là những khuôn mặt cũ như các công ty bảo hiểm, ngân hàng, các tập đoàn công nghiệp lớn, tư nhân, các bảo tàng và phòng triển lãm. Những khách hàng này thường thích tranh của các họa sĩ bậc thầy. Nước Pháp là nước cung ứng đầu tiên của họ (78 % các vụ bán tranh) đặc biệt là tranh của trường phái ấn tượng.
Một trong những vụ mua bán gây ồn ào nhất là vụ bán bức danh học “Đám cưới của Pierrette” của Picasso với giá 300 triệu franc ngày 30/11/1989 tại phòng đấu giá Drouot-Montaigne ở Paris. Chưa hề có vụ bán tranh với cái giá như thế. Người mua là Tomonori Tsurumaki, một nhà kinh doanh bốn mươi bảy tuổi, từ Tokyo gọi điện đến, đã trả giá cao. Nhà kinh doanh đồ nghệ thuật nổi tiếng của Pháp là Hervé Odermatt đã dám đẩy lên cái giá 280 triệu franc nhưng rồi đã phải chịu bỏ non. Kẻ thắng cuộc tuyên bố sẽ xây dựng một bảo tàng đàng hoàng cho bức tranh họa vẽ năm 1904, bức cuối cùng trong “Trường phái xanh” của nhà họa sĩ bậc thầy xứ Catalogne.
Ngày 15/5/1980, lại một vụ mua tranh ồn ào khác với giá 82,5 triệu đôla (412,5 triệu franc) ở NewYork. Lần này là với bức danh họa “Chân dung bác sĩ Gachet” của Vincent Van Gogh. Trong cảnh ồn ào ngày 17/5, một ngày bán đấu giá mới của Sotheby’s, nhà tỷ phú Fyoei Saito, bảy mươi tư tuổi lại mua bức danh họa “Ở cối xay gió Galette” của Renoir với giá 78 triệu đôla. Cả hai bức danh họa đắt nhất thế giới đã rơi vào tay một nhà sưu tập nghệ thuật, Chủ tịch danh dự của Daishowa Paper, một công ty bao bì đứng hàng thứ nhì ở Nhật Bản. Ông ta đã tuyên bố với báo Asahi Shimbun ngày 19/5 là ông sẵn sàng mua tất cả những bức danh họa mà ông ta thích với bất cứ giá nào.
Không thể kể hết cả một danh mục tranh đã chuyển về Tokyo. Song không thể không kể đến các bức tranh “Sylvette” và “Đầu người” của Picasso với giá 6,6 triệu và 4,5 triệu franc vào ngày 2/2/1990 ở nhà đấu giá Drouot trong một vụ buôn bán được truyền hình trực tiếp về Tokyo, Osaka và Hiroshima. Ngày 22/5/1990 tại New York, nhà Christie’s đã bán bức “Những người gặt lúa nằm ngủ” của Jean-Francois Millet với giá 770.000 đôla (3.850.000 franc) cho một người khách Nhật. Cùng ngày, một khách hàng Nhật cũng “ẵm” luôn một bức tranh của Courbet với giá 528.000 đôla (2,640 triệu franc), một cái giá mà không một người phương Tây nào dám trả. Hôm sau, nhà Sothely’s cũng lại bán cho một người khách Nhật bức “Cô thợ may nằm ngủ” của Millet với số tiền kếch sù 797.500 đôla (3,98 triệu franc) mà thực ra nó chỉ đáng khoảng 200.000 đôla (tương đương 1 triệu franc). Ngày 19/6/1990, một tay bán đấu giá người Pháp Jacques Tajan, chuyên gia về thị trường Nhật Bản cũng đã bán được cho Tokyo hơn một trăm bức tranh hiện đại của Vilaminck và Matisse trị giá hơn 200 triệu franc. Một phần ba các danh họa nổi tiếng thế giới đã thuộc về người Nhật.
Không chỉ có tranh của Châu Âu, những nhà kinh doanh nghệ thuật người Nhật còn nhòm ngó đến cả Viễn Đông. Người Nhật đặc biệt bị quyến rũ bởi nghệ thuật cổ Trung Hoa. Điều đó là hoàn toàn tự nhiên bởi người Nhật tìm thấy cội nguồn văn minh của chính họ ở Trung Hoa. Nhờ đã sống một vài năm ở Trung Quốc, tôi biết rõ những người khách Nhật hay lui tới các cửa hàng đồ cổ ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Ở đây, những món hàng không hề là hàng dỏm, hàng giả mà là những đồ cổ thật sự, đôi khi hiếm quý. Chúng được Bộ Văn hóa Trung Quốc cho phép bán công khai và có kèm theo một thứ “hộ chiếu” nhỏ trên có một ảnh chụp và những chỉ dẫn chi tiết về món hàng để có thể xuất khẩu. Ở trong những gian hàng này, có lần tôi đã thấy một người Nhật khệ nệ đem tiền đến và mua trong nháy mắt mọi thứ ông ta nhìn thấy. Người Nhật giờ đây cũng thường có mặt ở những cuộc bán đấu giá nghệ thuật Trung Hoa. Ngày 12/12/1989, ở Luân Đôn, trong một cuộc bán đấu giá của nhà Sotheby’s, một nhà kinh doanh Nhật Keiichi Shimojo, vốn được xem như một nhà sưu tập của Tokyo, đã mua bức tranh chiến mã đời Đường vào thế kỷ thứ VIII với giá 3.740.000 bảng Anh, tương đương gần 40 triệu franc (so với cái giá đầu tiên từ 825.000 đến 1.100.000 bảng Anh), một cái bình đời Bắc Tống với giá 1.320.000 bảng Anh, một cái bình khác đời Tống với giá 825.000 bảng Anh, tương đương hơn 8 triệu franc (gấp ba lần giá ước tính để bán. Với những cái giá “chọc trời” này, chả có ma nào theo nổi người Nhật nữa.
Ngày càng có nhiều người Nhật giàu có trở thành các mạnh thường quân tài trợ việc trùng tu các công trình nghệ thuật hoặc các cảnh quan quan trọng. Theo các nguồn tin cao cấp của UNESCO, người Nhật đang thúc đẩy để nhận được tài trợ toàn bộ việc trùng tu Angkor Vat ở Cambodge. Người Nhật khẳng định là họ không hề đòi hỏi một điều gì cả. Tất nhiên, đằng sau sự quảng đại ấy là Nhật Bản muốn tăng cường sự hiện diện của mình ở Cambodge. Đầu năm 1990, người Nhật còn đề nghị xin thuê lại các bức danh họa của thành phố Liège hiện đang bị phá sản nặng nề về tài chánh. Liège không muốn bán trong lúc này song có thể sẽ cho người Nhật thuê những danh họa nổi tiếng của Picasso, Gauguin, Chagall, Monet, Pissarro.
Các sôgô sôsha: Các nhà môi giới mua bán đặc biệt
Sở dĩ nước Nhật mua được cả thế giới như nó đang làm hiện này là vì nó đã có cả một đội quân âm thầm trợ giúp cho nó mà không hề mệt mỏi. Đó là các sôgô sôsha, nghĩa là các nhà môi giới mua bán và vô số các “Viện nghiên cứu” của các tập đoàn công nghiệp hàng đầu và của của các tổ chức tài chính của Nhật Bản. Viện nghiên cứu đầu tiên loại này là Nomura Research Institute (Viện nghiên cứu Nomura) với trụ sở đặt tại Tokyo. Song nó lại có một mạng lưới dày đặc cắm chốt ở tất cả các trung tâm kinh tế lớn của thế giới như New York, Washington, Luân Đôn, Paris, Hambourg, Francfort, Hồng Kông, Singapour và Sydney. Ở nước ngoài, phần lớn các nhà nghiên cứu và các nhà kinh tế hàng đầu của nó là người Tây phương. Nhiệm vụ số một của những “Viện nghiên cứu” tương tự như Nomura Research Institute này là thu nhập thông tin kinh tế, đặc biệt là của các xí nghiệp nước ngoài. Hoạt động này đôi khi gần như là tình báo kinh tế. Nomura còn tiến hành việc dự báo kinh tế, tài chính, công nghiệp từng nước, từng ngành và từng khu vực kinh tế.
Các sôgô sôsha được cắm chốt ở khắp thế giới. Về mặt công khai các sôgô sôsha là trung gian cần thiết cho nhà kinh doanh nước ngoài muốn đặt chân đến Tokyo, và chỉ lo việc kinh doanh: bán các sản phẩm Nhật ở nước và mua mọi thứ có thể bán được ở Nhật Bản. Bạn là giám đốc trẻ và bạn muốn bán hàng vào thị trường Nhật ư? Với vai trò trung gian là một ủy ban bán hàng, sôgô sôsha sẽ là người đại diện trung thành của bạn ở Nhật Bản. Hiện nay, các sôgô sôsha đảm nhận một chức năng khác cõ lẽ ít được thừa nhận: tình báo kinh tế. Nói cách khác là theo dõi mọi nhất cử nhất động trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và công nghệ. Liên lặc chặt chẽ với trung tâm Tokyo nhờ các máy vi tính, các băng từ và fax, các cơ sở kinh doanh này bận rộn suốt ngày đêm với bao thứ báo biếu kinh tế. Nhiệm vụ của chúng thật nặng nề: ghi lại trên phiếu (trên các cơ sở dữ kiện máy tính) toàn bộ những mặt hàng có ghi giá mà nó có thể có được và có thể hình dung ra được, nghĩa là mọi thứ từ thượng vàng hạ cám có thể đem bán, có thể bán được cũng như những gì chưa bán được nhưng cần lưu ý, lượng giá, phân tích, vào danh mục, xếp lại để chuyển về Tokyo.
Việc xâm nhập để nắm bắt công việc hàng ngày bên trong một sôgô sôsha không đơn giản: Các nhân viên ở đây đều có ý thức bảo mật cùng nỗi sợ hãi bị sa thải đến mức họ không hề hé miệng mỗi khi ai đó muốn đề cập đến những gì cụ thể. Ai cũng rõ quy luật cạnh tranh là quy luật một sống một chết. Khi có một “vụ làm ăn lớn”, các ông chủ của các sôgô sôsha luôn ở phòng làm việc suốt 18-20 giờ mỗi ngày và ngủ lại văn phòng của họ hàng nhiều đêm liền để sẵn sàng trả lời lập tức cho mọi cú điện thoại hoặc fax quan trọng từ Tokyo. Mỗi khi thảo luận các hợp đồng, các ông chủ Nhật lại đóng kín cửa để trao đổi riêng với nhau. Thậm chí các bản fax cũng được hủy bỏ bằng các biện pháp tối mật. Thường các nhân viên không phải là người Nhật chỉ được sử dụng vào những công việc thừa hành và tuyệt đối không tham gia vào các hoạt động có ý nghĩa chiến lược. Các mệnh lệnh quyết định đều xuất phát từ Tokyo.
Marc Paul là một người Pháp, cựu nhân viên của A & A. Là chi nhánh 100 % vốn của Tandy (Nhật Bản), A & A từ trước đã là một cơ sở kinh doanh có uy tín. Nó hiện sử dụng đến 600 nhân viên từ Nhật Bản sang và là hãng cung cấp sang Mỹ các mặt hàng điện tử sản xuất tại Châu Á. Về phần mình, Tandy cũng tiêu thụ hàng qua hàng ngàn điểm bán ở Mỹ, Canada và Châu Âu, Marc Paul cho biết:
“Tôi làm việc cho A & A ba năm cho mãi đến năm 1989. A & A do Tadashi Yamagata, một trong những thành viên sáng lập Hiệp hội giới chủ ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản, thành lập năm 1955. Về mặt chính thức, tôi làm việc cho Tandy-France. Còn trên thực tế, tại Paris, tôi phụ việc cho hai đồng nghiệp Nhật phụ trách cửa hàng. Một người là dân Mỹ gốc Nhật, còn một người vừa tốt nghiệp một trường đại học lớn ở Tokyo thì được A & A tuyển thẳng vào làm. Cho dù về mặt chính thức, A & A không hề tồn tại trên đất Pháp, song qua Tandy, họ vẫn có mặt ở đây. Cơ sở của chúng tôi quả thật là một bộ máy tình báo, bởi vì chúng tôi phải tập hợp cả một khối lượng thông tin khổng lồ về lĩnh vực xuất khẩu, bán và phân phối hàng của Pháp. Song chúng tôi cũng còn là một cái máy bán hàng. Công việc của chúng tôi là làm sao tiêu thụ trên thị trường Pháp các loại hàng hóa của các hãng Nhật như Sharp, Aiwa, Sanyo, Toshiba, NEC, Canon cũng như các mặt hàng dưới nhãn hiệu sản xuất tại Đài Loan, hoặc Nam Triều Tiên của các hãng như Samsung, Goldstar, Realistic và Archer. Máy vi tính, máy tính, hệ thống báo động, điện thoại, radio-báo thức, radio tự động và máy truyền hình. Danh mục hàng hóa được bán thì rất dài. Mục tiêu đặt ra cho chúng tôi không hẳn là thu lợi nhuận tối đa mà quan trọng là tạo ra một thị trường dài hạn.”
Marc Paul nói tiếp:
“Mạch sống trung tâm của hãng là Telex hoạt động gần như suốt ngày đêm. Chúng tôi nhận được từ 800 đến 1.000 telex mỗi ngày. Trên nguyên tắc, tôi không được quyền đến gần. Song với thời gian, vào cuối thời gian cộng tác của tôi ở Tandy-France, tôi thường cắt và phân loại telex vào sáng sớm trước khi ông chủ đến. Hoạt động của telex không khỏi khiến người ta liên tưởng đến một bộ máy chiến tranh. Có những bức điện thường, và những bức điện ‘khẩn’ được phổ biến hạn chế chỉ dành riêng cho những người phụ trách cơ sở đọc mà thôi. Khi là điện tuyệt mật thì chỉ có ‘xếp’ được nhận ở nhà riêng từ các máy ghi âm tự động do hãng tốc hành Nippon Express đưa đến. Cũng bằng con đường này, ông chủ trả lời điện và chúng tôi không hề được hay biết gì. Để bán được, chúng tôi phải nghiên cứu kĩ lưỡng việc cạnh tranh.
Ông ‘xếp’ của tôi thường xuyên có mặt ở các trung tâm cạnh tranh lớn để xem xét tình hình giá cả ở các nơi khác như thế nào. Ông ta mệt lử với công việc này. Song dần dần ông ta cũng thích sống theo kiểu Tây. Ông bắt đầu thích uống rượu Tây. Đôi khi, ông dậy muộn. Ông ta dẫn tôi đến những nhà hàng nổi tiếng. Đôi khi ông ta cũng tâm sự với tôi là ông ta không thích trở về Nhật Bản. Ông nói ông yêu nước Pháp, lối sống Pháp và sự tự do của Pháp. Ông ‘xếp’ Tadashi Yamagata đều đặn bay sang Pháp. Đó là một ông già đã quá bảy mươi lăm tuổi và hiện đã về hưu. Khi ông đến, ông đều ở khách sạn Ritz và ăn ở những nhà hàng nổi tiếng. Ông ta rất thích đến nhà hàng Crillon. Song con người thật sự cầm cương A & A lại là vợ ông ta, Élaine Yamagata. Một người đàn bà mạnh mẽ. Đúng là một nhà kinh doanh thứ thiệt. Bà ta đến Pháp ít nhất là một lần trong năm. Các con của Yamagata nắm giữ các vị trí then chốt trong ban lãnh đạo Tandy. Tôi đã phải sửng sốt vì sự đan chéo lẫn nhau trong nội bộ của một hãng kinh doanh cực kì phân tán về mặt địa lý như A & A. Hệ thống A & A được tạo thành với những con người quen biết nhau đầy đủ và có những quan hệ làm việc cực kì chặt chẽ. Đối với người Nhật, thời gian và tình sâu nghĩa nặng là những nhân tố sống còn để tạo ra một không khí tin cẩn lẫn nhau. Tinh thần đồng đội và ý chí kiên quyết của những con người này không gì sánh bằng và không thể tìm thấy ở những xí nghiệp của chúng ta. Mỗi nhân viên của A & A đều như một người lính chiến đấu vì vị tướng Yamagata.”